Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Chung quanh cuốn tiểu thuyết Nổi Loạn của Đào Hiếu


Trong sáu tháng cuối năm 1993, cuốn tiểu thuyết Nổi Loạn của Đào Hiếu(1) đã nổi lên như một sự kiện văn học ở Thành phố SG. Cuốn sách được đông đảo người đọc biết đến không nhờ giá trị nghệ thuật của nó mà vì phản ứng của những người cầm quyền sau khi cuốn sách được phát hành. Trong chừng mực nào đó, có thể gọi “vụ án NÔI LOẠN”, bởi vì đã có lời buộc tội đăng trên báo chí, cuốn sách đã bị tịch thâu(2) và tác giả đã bị bắt giam và truy tố(3). So với các vụ án văn nghệ trước kia, đây chỉ là một vụ án nhỏ, song nhìn chung không có gì thay đổi về phương pháp của nhà cầm quyền dùng để triệt hạ một tác phẩm: tác phẩm bị kết án, tác giả bị đi tù, song tác giả không được quyền giải thích công khai về tác phẩm của mình. Chỉ có một điều là ở cuối thế kỷ thứ hai mươi này việc bỏ tù một nhà văn vì tác phẩm của họ không còn dễ dàng như xưa nữa!
Trong lần về thăm Việt Nam vừa qua, tôi có dịp nói chuyện với nhà văn Đào Hiếu cũng như nhiều người có thẩm quyền trong giới văn nghệ ở Sài Gòn về cuốn sách và các sự kiện chung quanh nó. Khi đó, khả năng anh bị bắt giam đã được nêu ra. Trở lại Âu châu, được tin anh bị bắt thật, tôi tự thấy có trách nhiệm giới thiệu những lời trao đổi với anh mà tôi ghi được. Như một chứng từ! Như quyền trả lời của một người bị buộc tội. Phải nói ngay rằng đây không phải là một phân tích về nội dung cuốn sách; xin dành phần đó cho bạn đọc hay các nhà chuyên phê bình văn học. Trước khi đi vào phần trao đổi, có lẽ cần nói đôi điều về tác giả cũng như bối cảnh của vụ án.

I/ Tác giả: 



Đào Hiếu sinh năm 1946 tại Tây Sơn, tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1972. Trước 1975, tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, viết văn với bút hiệu Biên Hồ, cộng tác với Bách Khoa, Điện tín,Tin văn. Hiện nay là biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. NỔI LOẠN là cuốn sách thứ 14 của anh từ sau 1975. Vợ anh cũng sống trong nghề làm báo. Tiểu sử Đào Hiếu được ghi trong tuyển tập TIẾNG HÁT NHỮNG NGƯỜI ĐI TỚI(4).

II/ Những sự kiện chung quanh:

Câu hỏi đầu tiên đến với mọi người là tại sao NỔI LOẠN bị “đánh” khi, xét về nội dung và so sánh với một vài tác phẩm khác cùng thời có nội dung “phủ nhận quá khứ” hay “bôi nhọ chế độ” một cách cơ bản và triệt để hơn, sâu sắc và nghệ thuật hơn. Có thể hiểu được điều này từ một vài sự kiện sau đây:
NỔI LOẠN được phát hành vào đầu tháng 5/1993, ngày 9 tháng 6/1993 báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài báo phê phán đầu tiên. Trong khoảng thời gian đó, Quốc hội bàn về “Luật xuất bản” và thông qua luật này ngày 7/7/1993. Theo cách nói của một nhà thơ, luật xuất bản ra đời nhằm “siết yết hầu văn nghệ sĩ”. Để ngăn cản mọi giãy giụa kêu la của văn nghệ sĩ, nhà nước cần một thí dụ xấu điển hình để biện minh. NỔI LOẠN đã được chọn làm con vật tế cho luật xuất bản vì có lẽ nó ra đời không những đúng lúc mà còn hội đủ vài điều kiện cần để chính quyền ra tay:
1. Tác giả NỔI LOẠN chưa phải là một nhà văn nổi tiếng. Thật vậy, khó đánh một Phạm Thị Hoài vừa in sách ở nước ngoài(5), vì nhà văn nữ này đã được biết đến ở ngoài Việt Nam, hay một Lê Lựu vì cuốn truyện LÀNG CUỘI(6)được xuất bản cùng một lúc với NỔI LOẠN, vì tác giả THỜI XA VẮNG đã có ít nhiều tiếng tăm trong nước. Đào Hiếu không phải là đảng viên và không có chức vụ quan trọng. Dư luận người đọc sẽ ít xôn xao.
2. Trong NỔI LOẠN, có vài trang tả cảnh ái ân táo bạo. Rất phù hợp để huy động quần chúng chống văn hoá đồi truỵ! Chưa nói đến việc đánh vào cảm quan thầm kín của nhiều cán bộ đảng viên, dù chẳng phản đối gì về các chi tiết khác của câu chuyện, khó chấp nhận được việc một cán bộ cách mạng làm tình thua một người lính nguỵ!
3. Nhà xuất bản Hội nhà văn đã vi phạm thủ tục xuất bản khi tự ý sửa tên NỔI LOẠN thành NỖI OAN, với mục đích để cho dễ duyệt bởi cục xuất bản, nhưng sau đó vẫn phát hành với tên NỔI LOẠN. Nói cách khác không có giấy phép xuất bản cuốn NỔI LOẠN. Thêm một chuyện buồn cười trong sinh hoạt văn học Việt Nam.
Việc đánh NỔI LOẠN được triển khai trên hàng chục tờ báo trung ương và địa phương. Hăng hái nhất phải kể báoCông an Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn Giải phóng, Văn Nghệ TPHCM...
a / Một số nhà văn, nhà báo cần lấy điểm với lãnh đạo chính trị.
b / Một số tờ báo cần đề tài giật gân để tăng số phát hành(7).
c / Không thể không nói đến yếu tố “ân oán giang hồ” trong làng văn, làng báo. Có người muốn qua NỔI LOẠN triệt hạ Nhà xuất bản Hội nhà văn; cũng có người muốn qua Đào Hiếu để đánh Nhà xuất bản Trẻ và qua đó Thành đoàn thanh niên. Mối ân oán giang hồ giữa hai báo Tuổi Trẻ và Công an TPHCM ngày càng chồng chất!(8).
Một điều đáng nói: thêm một lần nữa hiện ra vài nhà văn nhà báo – thổi còi sẵn sàng đóng vai trò công tố kết án đồng nghiệp. Điển hình trong sự kiện NỔI LOẠN là ông Vũ Hạnh ký tên Năm-tu-huýt trên báo Công an(9).
Nhìn chung, chính quyền đã đạt thành công tốt đẹp trong vụ này vì chẳng có một ai ở Việt Nam lên tiếng bảo vệ tác phẩm hay tác giả(10). Câu hỏi còn lại là chính quyền sẽ đi tới đâu trong lần thị uy với giới văn nghệ sĩ này. Có lẽ số phận của Đào Hiếu cũng là số phận của đại đa số dân đen, tuỳ thuộc vào sự vui buồn của vài quan chức nào đó ở trên cao!

III/ Trao đổi với nhà văn:

Đoàn Giao Thuỷ (ĐGT): Trong hoàn cảnh nào anh đã thai nghén cuốn NỔI LOẠN?
Đào Hiếu (ĐH): Trước nay tôi thuộc loại tác giả có sách bán ế nhất nước, có lẽ do tôi đã chọn những đề tài khô khan ( Giữa Cơn Lốc, Người Tình Cũviết về phong trào sinh viên), hoặc vì tôi thích xây dựng nhân vật khác thường ( Vua Mèo, Hoa Dại Lang Thang, Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng) hoặc xây dựng những chuyện tình khác đời (Vượt Biển, Trong Vòng Tay Người Khác, Nổi Loạn), do đó truyện của tôi không gần gũi với độc giả bình thường, nên sách bán chậm. Bây giờ thì người ta đổ xô nhau đi tìm...
NỔI LOẠN viết về một bi kịch của tình yêu và hôn nhân, một đề tài cũ. Cái mới nằm trong sự phát triển tính cách nhân vật trong bối cảnh lịch sử nơi xảy ra bi kịch này. Vì người phụ nữ bị bưng bít về chuyện tình yêu trong xã hội miền Bắc trước đây; không có cuộc hôn nhân nào quái đản như cuộc hôn nhân mà nhân vật Ngọc trải qua. Ngọc đã bị bưng bít, cấm đoán và đàn áp. Thế là Ngọc nổi loạn: trong tình yêu, hôn nhân, trong gia đình và tình dục. Tại sao không? Hai mươi năm bị bưng bít, chà đạp tình cảm và nhân phẩm thì nổi loạn trong tình dục là một phát triển tất yếu khi Ngọc có được một mối tình. Vài ba đoạn ngắn rải rác tả về quan hệ nam nữ là những đoạn tôi viết mượt mà và thơ mộng nhất. Tôi rất thích những đoạn này bởi chúng đầy ngẫu hứng, trong đó phải tinh tế mới thấy được tính nhân đạo của một sự hiến dâng trọn vẹn trong tình yêu.
ĐGT : Bởi thế anh đã bị kết án là bôi lọ miền Bắc, xuyên tạc sự thật...
ĐH : Sự nghèo nàn lạc hậu và sự bưng bít của xã hội miền Bắc trong những năm 60-70 là một thực tế. Nhiều bạn bè miền Bắc đều cho rằng tôi đã viết rất thật. Xin nhấn mạnh: những người biên tập và duyệt in NỔI LOẠN là những nhà văn có tiếng ở miền Bắc.
ĐGT : Nhiều người cho rằng NỔI LOẠN là một “tác phẩm dịch vụ”, chủ yếu để kiếm thêm chút tiền cho nhà xuất bản. Hình như tác giả không những phải bỏ tiền in mà còn phải trả tiền cho nhà xuất bản ?
ĐH : Ai am hiểu về thị trường sách văn học ở Việt Nam đều biết rằng in tiểu thuyết trong lúc này là vì yêu thích văn học chứ không để kiếm lời. Rất nhiều nhà văn in sách để tặng bạn bè. Tôi vẫn coi văn học là một sản phẩm cao cấp. Sách của tôi đều bán rất chậm vì tôi không viết theo thị hiếu và phần lớn đều in ở những nhà xuất bản lớn có uy tín như Nhà xuất bản Hội nhà văn, nhà xuất bản Văn học, nhà xuất bản Văn nghệ...
ĐGT : Trong NỔI LOẠN, các nhân vật đều bế tắc ở đường đời, song nhân vật “ thiện” là một sĩ quan cải tạo còn các nhân vật “ ác” là cán bộ đảng viên. Anh có ý thức đó là một sự khiêu khích với nhà cầm quyền?
ĐH : Thông thường nhà văn lấy một mẫu nào đó ở đời để tạo ra nhân vật. Nhân vật này hay nhân vật kia chẳng qua cũng bắt nguồn từ những cái mẫu ngoài đời mà thôi. Tôi không có ý khiêu khích ai cả.
ĐGT : Dường như Hội nhà văn, bạn bè anh và giới văn nghệ không có phản ứng nào trước chiến dịch phê bình NỔI LOẠN?
ĐH : Bạn bè tôi thì nhiều; người yếu bóng vía thì hỏi tôi có ăn ngủ được không, bao giờ thì đi tu; họ xúi tôi trốn. Có người cho rằng tôi sẽ bị treo bút, bị khai trừ ra khỏi Hội nhà văn. Một số bạn bè miền Bắc thì không hiểu báo chí Thành phố làm dữ như vậy với mục đích gì, có ai đứng đằng sau muốn triệt hạ nhà xuất bản Hội nhà văn chăng? Còn tôi, tôi đóng vai khán giả. Tôi ngồi hàng ghế dưới hút thuốc lá và thỉnh thoảng vỗ tay!
ĐGT : Cách đây mấy năm ông Nguyễn Văn Linh kêu gọi văn nghệ sĩ hãy “tự cứu mình... ”. Song có lẽ ai cũng vẫn còn sợ, thấy cô đơn và chỉ biết chờ đợi. Liệu anh có thể tiếp tục viết lách khi bị kỷ luật hay đi tù?
ĐH : Khi ông Linh kêu gọi văn nghệ sĩ “hãy tự cứu mình” hay “đừng uốn cong ngòi bút” thì đó là cách nói hoa mỹ để bảo văn nghệ sĩ hãy tuyên truyền tốt hơn cho chính sách đổi mới của đảng... Trường hợp các báo Văn Nghệ, Sông Hương, Cửa Việt... thì chẳng qua các anh em ấy tưởng lầm là ông Linh nói thật, thế thôi. Tôi chưa hề viết một bài chống tiêu cực nào vì đó là trò trẻ con. Thật ngây ngô khi nghĩ rằng mình không uốn cong ngòi bút khi viết loại văn chương đổi mới. Thời đó tôi đã cho ra đời những nhân vật mang nhiều tính cách viễn mơ, chế giễu và quay mặt với cuộc sống quanh mình (Vua Mèohoặc cuồng tín một cách dễ thương, chết ngu ngốc và thánh thiện ( Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng) hay số phận đìu hiu của một trí thức đi theo cách mạng ( Người Tình Cũ, Hoa Dại Lang Thang). Tiếc thay, dạo đó người ta đổ xô tìm đọc văn chương chống tiêu cực, văn chương đổi mới. Đó là sự giải toả ẩn ức. Quần chúng luôn là đám đông tội nghiệp; họ nhẹ dạ và bị lừa liên tục. Nhà văn phải nói cho đám đông biết điều đó. Đương nhiên là dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng phải viết. Tôi ghét chính trị và nghi ngờ cuộc sống nên các nhân vật của tôi cũng vậy...
ĐGT : Gần đây nhiều tác giả đã gởi tác phẩm của mình ra nước ngoài để in vì không có nhà xuất bản trong nước nào nhận in. Anh có nghĩ rằng đây là điều cần làm ?
ĐH : Đó là một lối thoát cho những tác phẩm có giá trị. Luật xuất bản vừa được ban hành có quá nhiều điều cấm kỵ cho người cầm bút.
ĐGT : Có người cho rằng xã hội Việt Nam như một trại khổng lồ của những người bị bệnh tâm thần, luôn phải sống với sự nhân đôi nhân cách. Có cơ sở gì để hy vọng rằng xã hội Việt Nam sẽ tiến đến chỗ bình thường hơn, sống thật hơn với suy nghĩ và tình cảm của con người?
ĐH : Sống giả là một hậu quả tất nhiên của một xã hội không có tự do tư tưởng. Con người sẽ sống thật hơn khi được tự do tư tưởng và khi nhiều mặc cảm tự ti được xoá bỏ. Nghĩ cho cùng, những người lên án NỔI LOẠN, ngoài động cơ chính trị và cơ hội, còn bị sự chi phối âm thầm của một mặc cảm nào đó về tình dục. Một người yếu về tình dục cũng như một nhà nước yếu về dân chủ và nhân quyền thường chột dạ khi người khác nói về các điều này. Cần phải bồi dưỡng cho họ, dạy cho họ tập thể dục để họ mạnh mẽ, bớt mặc cảm, bớt chột dạ. Xã hội sẽ tự do hơn, dễ chịu hơn, thật hơn.
ĐGT : Anh đã tham gia nhiều năm trong phong trào sinh viên Sài Gòn. Hơn hai mươi năm sau, bạn bè anh đang sống như thế nào ?
ĐH : Năm 1988 tôi viết cuốn Người Tình CũNhân vật chính là một trí thức tham gia các phong trào cách mạng tại đô thị miền Nam trước đây. Đó là một cuộc dấn thân lãng mạn, thi vị và đầy huyền thoại và cuối cùng anh trở thành một người dân chài. Suốt đời anh đi tìm một lý tưởng và anh đã gặp sự cô độc ở chặng cuối cùng. Dĩ nhiên là có nhiều người trong phong trào hiện nay làm quan lớn, song đó chỉ là số ít thôi.
ĐGT : Nhiều người cho rằng Việt Nam đang thay đổi. Anh cảm nhận sự thay đổi này như thế nào ?
ĐH : Sự đổi mới hiện nay ở Việt Nam là một sự đổi mới về kinh tế chứ không phải chính trị, tư tưởng. Nếu có “thoáng” hơn trong xuất bản và báo chí (so với thời kỳ bao cấp) thì cũng chỉ thoáng về cách kinh doanh (báo chí có quảng cáo, có chống tiêu cực, xuất bản có cho tư nhân bỏ vốn...) chứ hoàn toàn không thoáng trong tư tưởng. Tóm lại vẫn phải viết một chiều và trong phạm vi đảng cho phép.
ĐGT : Thường trong một biến động lịch sử của một dân tộc hay trong giai đoạn xây dựng hoà bình, tầng lớp trí thức đóng một vai trò quan trọng. Gần đây, anh Phan Đình Diệu có viết rằng “ở Việt Nam hiện nay chưa có một giai cấp trí thức”(11). Là một nhà văn, anh nghĩ sao?
ĐH : Tôi nghĩ nhận định này hoàn toàn đúng. Tôi muốn thêm rằng, văn nghệ sĩ – trí thức Việt Nam đa số là hèn. Song song với sự “trung dũng kiên cường trong chiến đấu” thì sự hèn hạ và khiếp nhược cũng được rèn luyện trong quá trình tham gia cách mạng. Phần lớn trí thức được thuần hoá. Miếng cơm manh áo và sự an phận đã thắng tất cả. Nó vô hiệu hoá trí thức và biến trí thức thành những người tầm thường. Đó là điều tệ hại hơn cả.
ĐGT : Thành thực chúc anh được nhiều sức khoẻ và nghị lực để chống chọi với bão táp đang tới.


Đoàn Giao Thủy

Chú thích:

(1) NỔI LOẠN, Đào Hiếu, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 4.1993.
(2) Ông Trần Hoàn, Bộ trưởng Văn hoá ra lệnh tịch thu NỔI LOẠN vào ngày 20.7.1993.
(3) Diễn Đàn số 24, 11.1993, trang 7 (cũng trong đoạn đó, chúng tôi đưa tin nhà cầm quyền đã phải trả tự do cho Đào Hiếu, )
(4) Tiếng Hát Những Người Đi Tớituyển tập văn nghệ phong trào sinh viên học sinh miền Nam nước 1975, nhà xuất bản Trẻ, 1993, trang 257.
(5) Diễn Đàn, số 20, 6.1993.
(6) Chuyện Làng CuộiLê Lựu, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 7.1993.
(7) Đây là một thực tế. Số phát hành các báo ở TPHCM tuột dốc trong năm qua. Tuổi Trẻ còn dưới 100.000 tờ so với hơn 250.000 tờ vào năm 1988-1989;Phụ Nữ TPHCM dưới 70.000 tờ. Tuần báo Văn Nghệ phát hành trên cả nước chỉ được 25.000 tờ, còn Văn Nghệ TPHCM chỉ dưới 8000 tờ. Chỉ có Công An TPHCMlà bán chạy nhờ tin giựt gân, hình sự.
(8) Nổi tiếng nhất là việc ông Phan Thanh, nguyên trưởng phòng hình sự công an TPHCM bị tán gia bại sản vì loạt bài báo Tuổi Trẻ về ổ mãi dâm Đường Sơn Quán (1990). Trực tiếp hơn, khi ông Huỳnh Bá Thành, tổng biên tập báo Công An qua đời vào tháng 4.1993, Đào Hiếu có viết một bài văn tế bạn và truyền miệng trong giới văn nghệ Sài Gòn. Dù không có ác ý, một vài lời lẽ châm chọc đã không được bỏ qua... Nếu tôi không lầm, báo Tuổi trẻ không hề đưa tin về NỔI LOẠN.
(9) Năm-Tu-Huýt là một bút hiệu của nhiều người viết báo Công An. Song có nhiều dấu hiệu để nghĩ rằng các bài báo về vụ NỔI LOẠN là của ông Vũ Hạnh.Ironie du sort, vào những năm 60, Chu Tử làm nhà văn-thổi còi cho cảnh sát tống giam Vũ Hạnh, còn hiện nay Vũ Hạnh giành cầm tu huýt thổi đồng nghiệp. Phải chăng đó là mục đích làm cách mạng của ông?
(10) Dĩ nhiên phải nói đến những người được “lời” trong vụ này là những lái sách in lậu, bán lậu cuốn NỔI LOẠN trước và sau khi sách bị tịch thu. Người viết bài này đã phải mua cuốn sách với giá 150.000 đồng vào đầu tháng 9.1993 tại Sài Gòn trong khi giá ghi trên sách chỉ 15.000 đồng!
(11) Diễn Đàn số 20, 6.1993.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tản mạn về Khổng Tử và Viện Khổng Tử sắp mở ở Việt Nam


Phùng Hoài Ngọc

Người ta không sợ ông Khổng, hay cái Viện Khổng tử, mà người ta sợ cái kẻ (cả phía TQ lẫn phía VN) đang muốn lợi dụng Khổng giáo cho mục đích riêng họ. Và Khổng giáo cùng Viện Khổng tử bị lên án là vì (vô tình) trở thành công cụ cho những kẻ này. Đạo Khổng có những nội dung bất cập, đồng thời có nhiều điểm hay, nhưng chắc chắn nó chưa đầy đủ. Trong khi người dân Việt Nam còn đang rất thiếu hiểu biết về tự do, dân chủ, pháp quyền (những khái niệm xa lạ với Khổng giáo) mà nhà nước không những đã không tạo điều kiện để làm tăng sự hiểu biết của người dân về những vấn đề trên, lại đi lo vun đắp cái tinh thần Khổng giáo, là điều mà truyền thống Việt Nam cũng đã thấm nhuần lắm rồi, lại xuất phát từ chủ trương của một anh thực dân (mới nổi lên) là Trung Quốc, thì việc ấy chẳng phải cũng đáng lo lắm sao ? (P.H.N)


Suốt gần ngàn năm qua trong nhiều hoàn cảnh bị cai trị trực tiếp mà người Việt học Khổng tử vẫn không bị Hán hoá, bây giờ có cần phải lo lắng một cái Viện Khổng tử chăng?  

Ngày xưa người Việt học Hán ngữ và Khổng tử vì không thể không học. Tuy nhiên thời ấy các cụ nhất định phiên âm Hán ngữ ra âm Hán-Việt để xài, quyết không học nguyên vẹn tiếng Hoa, nhằm giữ vững tự chủ tự lập, tránh khỏi bị đồng hoá. 

Khi thấy chữ Hán không đủ phục vụ nhu cầu cần thiết, các cụ soạn ra chữ Nôm để ghi âm nốt một phần tiếng Việt cho đủ dùng. 

Tìm hiểu vai trò của Khổng tử ở Trung Quốc và Việt Nam, tưởng chúng ta cũng nên điểm qua vài nét về Khổng học. 

Khổng tử sống vào cuối thời Xuân thu (sinh 551 trước CN, mất 479 tr CN). 

Thời Xuân thu (770 – 455 tr.CN) xã hội Trung Hoa đang bước vào giai đoạn sơ kỳ phong kiến. Thể chế xã hội chia hai bậc cai trị chính thức: hoàng đế  và chư hầu . Hoàng đế nhà Chu ngày càng tỏ ra không đủ sức cai quản lãnh thổ ngày càng rộng lớn với cả trăm nước chư hầu (chư : các, số nhiều). Đã vậy còn nảy sinh một bậc chen giữa là “vương ”, có lúc lên tới 14 vị (còn dùng chữ bá  không chính thức kèm với vương,bá tức là “bác”, anh của cha, nhưng giữ quyền cao hơn cha, tức là lạm quyền. Vậy người dân mới bực mình dùng chữ “bá” với ý mỉa mai, bực bội như bá đạo, bá quyền, bá chiếm…Bá vương lấn lướt tung hoành bất chấp hoàng đế. Dân chúng chịu một cổ ba tròng. Đây là giai đoạn loạn lạc, đời sống bất an do các chư hầu đua nhau “tranh bá đồ vương”, họ vơ vét của cải thuế khoá, tuyển lính để chứng tỏ lực lượng mình hùng hậu, nhằm tham dự các đại hội chư hầu bầu chọn “bá vương”. Nếu đạt được tước “vương” thì sẽ tiếp tục lôi kéo chư hầu và bá vương khác, nhắm cái đích cuối cùng là tranh “đế”. Trong hoàn cảnh như vậy, kẻ sĩ hay võ sĩ thấy cần phải chọn đúng minh chúa mà theo (làm chính trị thời ấy như đánh bạc). Đất nước bất an thì lòng người cũng ly tán, lối sống bừa bãi, tệ nạn xã hội phát triển, chả biết đâu là chuẩn mực văn minh…

Trong bối cảnh ấy, nhiều trí thức học giả thấy cần phát huy vai trò của mình để vãn hồi trật tự, sao cho giữ được cuộc sống thanh bình an lạc ngày xưa. Lão Tử đưa ra học thuyết “Đạo đức kinh” (kinh: đường mòn, vạch sẵn mà đi) không ngoài mục đích trên… Kế đến nhà giáo Khổng tử xuất hiện. Tuy làm quan cho vua Lỗ, tham mưu cho một ông vua, Khổng tử lại không được nhà vua tin cậy nên ông thấy cần phải biên soạn bài giảng mở lớp dạy học, phổ biến tư tưởng cho mọi người. Ông lại chọn một số môn đệ cùng đi qua nhiều nước chư hầu khác thuyết giảng. Nói chung tư tưởng của ông chỉ được các vua hầu khen chứ không sử dụng…Khổng tử nêu gương các minh chúa tiền nhân từ giai đoạn đầu nhà Chu trở về trước (đến các vua truyền thuyết Nghiêu -Thuấn- Vũ) làm điểm xuất phát cho học thuyết. Hạt nhân của Khổng học là chữ “Lễ”, từ đó học thuyết được phát triển khá phong phú, toàn diện.

Trước khi soạn bài giảng, ông sưu tầm tài liệu và biên soạn thành sách. Do khiêm tốn ông đều nói rằng “cổ nhân dạy”, thực ra đó là tư duy của chính ông, chiêm nghiệm của chính mình về thời cuộc. Điều đặc biệt là cách hành xử của ông trong cuộc sống thường nhật, ông giảng bài làm sao thì thực hành đúng như vậy.

Bộ sách Khổng tử gồm: Ngũ kinh có 5 sách: Kinh Lễ, Kinh Thượng thư, Kinh Xuân thu, Kinh thi và Kinh Dịch. Tứ thư có 4 sách: Đại học, Trung dung, Luận ngữ (bài giảng của ông và có phần học trò phát triển) và Mạnh tử thư là trước tác của Mạnh tử (385–303 tr.CN, Mạnh tử ra đời sau Khổng tử gần một trăm năm) tập trung vào đối tượng vua chúa để khuyên răn, được coi là phát triển sâu sắc tư tưởng của Khổng tử. Do đó đời sau gọi đầy đủ là học thuyết Khổng-Mạnh, nhưng nếu gọi vắn tắt là “Khổng học” cũng không sai mấy và được chấp nhận.. . Đến thời nhà Hán (203 tr.CN– 220) sau khi thống nhất giang sơn, họ Lưu chủ yếu đã xoá bỏ hai cấp “bá vương” và “chư hầu” để xây dựng chế độ phong kiến quân chủ tập trung (quy trọn vào chữ “đế”), họ bắt đầu vận dụng học thuyết Khổng tử làm nền tảng giáo dục, từ đó kéo dài suốt gần hai ngàn năm, tạm tính đến 1911.

Sách Khổng tử ngày nay chỉ thấy có ba cuốn còn ít nhiều giá trị là Luận ngữ, Kinh thi và Kinh Dịch. Người Việt đã từng biên dịch phát hành nhiều lần, nhà nho Viêt Nam có đủ khả năng truyền bá những gì cần thiết về Khổng học cho hậu sinh.

Ngày nay, các nước mở tung cửa tri thức cho con người lựa chọn. Chúng ta có cần phải lo lắng một cái Viện nhỏ đặt trong một cái trường đại học không thuộc hàng đầu ở Hà Nội không ? Người ta chỉ ngạc nhiên vì sao phải cần hai Thủ tướng mới ký kết được một cái văn bản nho nhỏ ấy đặt trong “Tuyên bố chung” ? Thay vì chỉ cần hai Bộ giáo dục hay Bộ văn hoá, thậm chỉ hai trường đại học ký kết với nhau cũng được. Còn một điều lạ nữa: viện Khổng tử không dám tự nhiên tồn tại độc lập ngoài mặt tiền, mà chịu nép mình vào trong khuôn viên một trường đại học cỡ trung bình ở Hà Nội (Đại học Hà Nội nguyên là trường Cao đẳng SP Hà Nội mới nâng cấp). Có lẽ họ còn e dè, nghe ngóng tình hình và thái độ phản ứng mặn hay nhạt của dân Hà Nội, dân Việt Nam chăng ?

Khổng học đã lặn sâu vào nền văn hoá Việt với nhiều mức độ, trên nhiều lớp người khác nhau. Nhiều lần tôi ngẫu nhiên tiếp xúc mấy cụ già không biết chữ, nói chuyện đời, các cụ bật ra những câu văn Khổng tử khiến tôi giật mình. Sau đoán rằng các cụ “học Luận ngữ” qua một số tích chèo, tuồng đồ và cải lương hay qua chuyện trò khi nhâm nhi rượu trà với các cụ đồ nho làng…

Bàn về vai trò của một học thuyết trong lịch sử.

Sáng lập và chủ trương một học thuyết là nhu cầu khát vọng của nhà trí thức. Khi họ viết ra, hầu như chỉ muốn giãi bày với thiên hạ, họ không hình dung được về sau thiên hạ sẽ sử dụng ra sao. Việc sử dụng học thuyết trong một chế độ cai trị bạo ngược vô pháp vô thiên lại là việc khác. Một chế độ độc tài toàn trị trong lịch sử loài người từ thời xưa đến nay vẫn ưa dùng một học thuyết (nào đó) để làm bình phong, làm ngọn cờ.. Thành ngữ thời phong kiến nói “Ngoại nho nội pháp” (ngoài miệng nói nho giáo trọng chữ Nhân, thực tế coi trọng dùng Pháp gia tức hình phạ. Bao nhiêu chế độ độc tài đều dùng hai lực lượng tay trái- tay phải này: Ban tuyên truyền mị dân rao giảng học thuyết (có biên tập, cắt xén) và “Công cụ vũ lực đàn áp khủng bố” mỗi khi mị dân bất thành (mị: làm cho si mê vì nịnh khéo, làm cho ngủ say).

Tô đã từng đọc thấy một số bài báo của một số ít người, thậm chí của một số học giả nho học có tiếng ở Việt Nam, phê phán Nho học rất nặng nề. Rằng Nho giáo kìm hãm đất nước Trung Quốc và Việt Nam vào vòng lạc hậu lâu dài, rằng Khổng học trở thành công cụ cho giai cấp phong kiến thống trị đè nén áp bức nhân dân. v.v… Tôi nghĩ, nhà thống trị họ muốn làm gì thì làm, quen thói bá đạo bá quyền, họ chỉ cần học thuyết để mị dân thôi. Họ hiểu đúng đắn hay sai lạc học thuyết ấy cũng chẳng sao. Họ vận dụng hay xếp xó cũng không sao. Họ cũng lập ra Viện, Khoa triết học này nọ nghiên cứu học thuyết ông A, ông B hoặc là ghép bừa bãi hai ông thành học thuyết A-B nhưng chẳng thực hành được gì đáng kể nếu chưa nói là đã thực hành sai be bét. Khi thấy học thuyết A-B mất giá thì họ đẻ ra Tư tưởng C, họ ghép lung tung cho có như một bức bình phong nham nhở, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng bi quan than thở rằng “chính trị”ở xứ ta là một “món lẩu thập cẩm” quả không sai.

Chúng ta biết rằng đến thế kỷ 18, phương Tây mới trỗi dậy, vượt qua mặt phương Đông nhờ các thành tựu khoa học kỹ thuật và tư tưởng cộng hoà, và tất nhiên không thể thiếu vai trò các nhà lập thuyết. Như vậy, trước đó phương Đông chúng ta có cái khoa học xã hội – nhân văn nào hay hơn Khổng học đâu? Lỗi là ở các giai cấp thống trị phương Đông không mở mang giao thương với phương Tây sớm hơn, chứ đâu phải lỗi tại Khổng tử khiến cho chế độ phong kiến TQ trì kéo 2000 năm, Việt Nam non 1000 năm!

Văn Miếu- Quốc tử giám nghìn năm trầm mặc ở giữa thủ đô Thăng Long- Hà Nội, dân chúng và trí thức chẳng hề phàn nàn (họ chỉ phàn nàn cái bức tượng một ông Tây đứng giơ tay chỉ trỏ ở một vườn hoa gần bờ Hồ Hoàn Kiếm vài chục năm qua mà đặt thơ lục bát giễu nhại chơi). Người Việt Nam, kể cả nhà nước ngày nay vẫn tự hào về Văn Miếu- Quốc tử giám, coi đó như biểu tượng văn hoá nghìn năm của mình, cái cổng vào là Khuê văn các (bên trong cổng chính) được chọn là biểu tượng logo Hà Nội, hễ có khách quốc tế thì thế nào cũng dẫn họ đến đó chiêm ngưỡng. Tôi chưa biết một quan điểm nào phê phán quần thể kiến trúc đó.

Liên hệ đến Karl Marx, dù ông là kẻ thù của chủ nghĩa tư bản (theo cách nhìn của những người cộng sản), nhưng nước Anh tư bản thâm niên cổ thụ vẫn tôn trọng ông trong công viên nghĩa trang Highgate với mộ phần cả gia đỉnh và tượng đài Marx trang nghiêm ở đó. Có thể, người ta coi ông là nhà phản biện vĩ đại không tự nguyện, vô hình trung giúp chủ nghiã tư bản tự cải thiện mình. Có thể, người ta gạn đục khơi trong, chọn ra được những trước tác triết học của Marx có ích cho tư duy nhân loại. Họ chỉ không cần kỷ niệm cái giải pháp thất bại thảm hại đầy hệ luỵ của ông là “dùng bạo lực chuyên chính vô sản lật đổ chủ nghĩa tư bản” mà thôi.

Viện Khổng tử, vì thế chỉ là cây cầu truyền bá ngôn ngữ, văn hoá nói chung, đại thể như một “Trung tâm văn hoá Trung Hoa”. Giả sử không có Viện đó thì hiện nay ở nước ta vẫn lai rai nghiên cứu học tập ngôn ngữ và văn hoá TQ (trong đó có Khổng học), tuỳ theo đa dạng nhu cầu của nhân dân và nhà nước…

Một người bạn đồng nghiệp góp bàn chí lý rằng: Người ta không sợ ông Khổng, hay cái Viện Khổng tử, mà người ta sợ cái kẻ (cả phía TQ lẫn phía VN) đang muốn lợi dụng Khổng giáo cho mục đích riêng họ. Và Khổng giáo cùng Viện Khổng tử bị lên án là vì (vô tình) trở thành công cụ cho những kẻ này. Đạo Khổng có những nội dung bất cập, đồng thời có nhiều điểm hay, nhưng chắc chắn nó chưa đầy đủ. Trong khi người dân VN còn đang rất thiếu hiểu biết về tự do, dân chủ, pháp quyền (những khái niệm xa lạ với Khổng giáo) mà nhà nước không những đã không tạo điều kiện để làm tăng sự hiểu biết của người dân về những vấn đề trên, lại đi lo vun đắp cái tinh thần Khổng giáo, là điều mà truyền thống VN cũng đã thấm nhuần lắm rồi, lại xuất phát từ chủ trương của một anh thực dân (mới nổi lên) là TQ, thì việc ấy chẳng phải cũng đáng lo lắm sao?

Do đó tôi nghĩ rằng chẳng cần phải lo ngại Viện Khổng tử sắp mở ở Việt Nam nhưng chúng ta vẫn thường xuyên nâng cao cảnh giác.

Mời đọc tham khảo (trích bài viết của tác giả Huỳnh Văn Út trên Trần Nhương blog):

“Viện Khổng Tử thuộc Trường Đại học McMaster University Canada bị đóng cửa từ tháng 7/2013 sau năm năm hoạt động. Học viện này bị chỉ trích là được chỉ đạo bởi Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Canada để làm công tác tình báo nhằm chi phối và gây ảnh hưởng tới các quan chức bản xứ. Người Anh cho rằng sự tồn tại của Viện Khổng Tử ở Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn (LSE- London School of Economics and Political Science) là một điều kỳ quặc vì Khổng Tử vốn trọng Nho học và xem khinh buôn bán. Tờ China Daily đưa ra một thống kê cho rằng có 64 Viện Khổng Tử đang hoạt động trong các trường đại học ở Mỹ (Cũng tờ báo này lại mâu thuẩn khi đưa ra một thống kê rằng có 81 Viện Khổng Tử ở Mỹ). Năm 2012 có 51 trong số 600 giảng viên người Trung Quốc làm việc trong các Viện này buộc phải về nước vì vi phạm luật di trú của Mỹ”.

Thế đấy, Viện Khổng tử sắp mở, hàng ngàn lao động TQ bất hợp pháp đang tồn tại trên đất VN, phim Tàu bá chiếm hầu hết đài truyền hình trung ương và địa phương suốt ngày đêm, cái nào cũng đáng ngại cả.

Nguồn: Blog Giang Nam Lãng


Phần nhận xét hiển thị trên trang

GIỚI PHẢN BIỆN TRÊN INTERNET Ở TRUNG QUỐC


Đối với chính phủ, đó không phải là vì quyền được tự do ngôn luận hay là vì tự do thông tin và tự do báo chí, khi họ mở cửa để cho truy cập vào World Wide Web, mà là vì sự kết nối với nền kinh tế thế giới. Các phương tiện thông tin số thuộc vào trong các tiên đề mà không có chúng thì nền kinh tế Trung Quốc không bao giờ đã có thể bay cao được như trong những năm vừa qua. Thời đó, không một người nào trong chính quyền nghĩ rằng qua đó mà một giới công chúng phê phán mới đã thành hình: giới công chúng trong Internet. Trao đổi thông tin trực tiếp trở thành việc có thể cho hàng triệu người. Ngày nay, cứ ba người Trung Quốc là có một người có khả năng truy cập vào Internet, khoảng 420 triệu người.

Các khả năng mà Internet mang lại đã được sử dụng ở mức độ rộng lớn trong tất cả các lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Đối với những người ra đời trong những năm 1980 và nhất là những người trong những năm 1990, sử dụng những phương tiện truyền thông đại chúng được hỗ trợ bởi Internet là một việc tự nhiên. Cả những người thuộc lứa tuổi trung niên cũng lên mạng, và khi chúng tôi đến thăm một nhà dưỡng lão ở Bắc Kinh, chúng tôi nhìn thấy các cụ cao tuổi đang ngồi hàng giờ liền trước chiếc máy tính xách tay của họ.
Đối với người Trung Quốc, Internet đã trở thành phương tiện truyền thông quan trọng nhất. Báo chí và truyền hình rơi lại phía sau, vì so với tin tức của truyền thông đại chúng phụ thuộc vào chính phủ, sự tin tưởng vào độ trung thực của tin tức trên mạng lớn hơn rất nhiều. Về mặt tiêu khiển, hiện giờ Internet đã có nhiều khả năng cho các lứa tuổi khác nhau hơn là truyền hình và sản phẩm in ấn. Giới trẻ thích thú với những trò chơi trực tuyến, nhạc và phim từ trong Internet, người tiêu dùng dựa trên các diễn đàn cung cấp thông tin về chất lượng và sử dụng sản phẩm, nhiều người già tìm thấy các tường thuật  mang tính phê bình từ những năm đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân, trong khi còn khó khăn không thể tưởng được, nếu như muốn tìm hiểu về động cơ của các cá nhân lãnh đạo chính trị, Đảng và quân đội. Có những điều gì đấy là thật, những cái khác chỉ là phỏng đoán.
Gây ấn tượng cho tất cả là vận tốc lan truyền đi của các tin tức trong Internet. Trong khi người ta vẫn còn bàn thảo trong các trụ sở trung tâm của báo chí, phát thanh và truyền hình, rằng liệu có tường thuật về thảm họa, xì căng đan và tai nạn hay không, và như thế nào, thì cộng đồng trên mạng đã biết tin tức từ lâu. Ngày nay, cuộc đấu tranh chống chuyên quyền của cán bộ, tham nhũng và các bất công khác trong xã hội đang diễn ra trong Internet.
Người ta không những đánh giá cao khả năng của Internet, truyền thông tin nhanh chóng, mà trước hết là việc có thể phê phán nặc danh. Thu hút đối với người dùng và đáng sợ cho chính phủ là việc chỉ cần một cái bấm chuột thôi, là đã có thể đến được với hàng trăm nghìn người. Các đề tài về chính trị, kinh tế và xã hội được thảo luận, các vấn đề bảo vệ môi trường và thất nghiệp được tranh luận. Tường thuật của nhân chứng về tai nạn và thảm họa được truyền đi, cũng như thông tin về tham nhũng và kinh tế thân hữu. Những người bất đồng chính kiến với chính phủ lên tiếng, có thể thảo luận về nhân quyền và dân chủ. Các xì căng đan, như về sữa nhiễm độc, không còn có thể được che dấu một cách đơn giản nữa. Thông tin gây bất an trên con đường này có thể gây ra bạo loạn. Internet tạo từ những đối thủ yếu ớt của quyền lực nhà nước và từ những tiếng nói riêng lẻ thành một thế lực đáng gờm, bởi vì người ta có thể liên kết lại với nhau trên mạng. Ví dụ như một tiếng hét căm phẫn đã vang lên trong cộng đồng trên mạng, khi người ta ra lệnh bắt giam một nữ nhà báo vì cô đã tường thuật về những việc bất thường và mua bán tay trong tại một nhà máy công nghiệp trong tỉnh Chiết Giang. Nhà máy đó nói về một sự bôi nhọ và yêu cầu khởi tố. Cuối cùng, áp lực của giới công khai nổi giận trong Internet, đang theo dõi vụ việc qua blog của nữ nhà báo, lớn tới mức cơ quan nhà nước phải hủy bỏ lệnh bắt giam.
Giới công khai trong Internet hiện đã đạt đến một quyền lực mà cũng có thể bắt buộc chính phủ phải nhượng bộ. Cơ quan nhà nước làm mọi việc để kiểm soát các mạng lưới. Nhưng người ta chỉ có thể gây thêm khó khăn cho việc truy cập chứ không thể ngăn chặn nó. Người dùng có những mạng lưới riêng, họ chuyển tiếp tin tức và lời bình của họ qua danh sách thư điện tử. Cơ quan nhà nước sử dụng một hệ thống tinh vi, có nhiệm vụ ngăn chặn làn sóng của những ý kiến khác đi và những thông tin – theo ý họ là – nguy hiểm. Các biện pháp của họ bắt đầu từ những bộ lọc tự động qua việc xây tường lửa cho đến hàng đoàn những người kiểm tra, xóa những lời bình luận đối nghịch với chính phủ trong các diễn đàn và viết những lời bình thân thiện với chính phủ.
Các trang mạng với những đề tài nhạy cảm ví dụ như về các sự kiện quanh ngày 4 tháng 6 năm 1989 hay về đạo Pháp Luân Công đang bị cấm đều bị chận hay bị đóng cửa. Ngược lại, việc phong tỏa các trang tin quốc tế đã bị bãi bỏ. Qua đó, các trang mạng với tin tức bằng tiếng nước ngoài có thể được truy cập, ngay cả khi chúng nói về các đề tài nhạy cảm.
Nơi cơ quan nhà nước đến đầu tiên để thực hiện các biện pháp kiểm soát là các nhà hoạt động cung cấp trang mạng. Họ nhận các chỉ thị tỉ mỉ về việc họ phải làm gì với nội dung, liệu họ có tiếp nhận các thông báo chính thức, các đề tài từ trang nhất hay ví dụ như khóa các chức năng bình luận tại những sự kiện nhất định hay không. Và họ phải tự kiểm duyệt.
Ông G., 27 tuổi, chuyên viên quảng cáo, Vũ Hán: “Trang mạng của một nhật báo Anh đăng tải một bài viết phê phán về một tai nạn hầm mỏ ở Trung Quốc. Một người Trung Quốc trẻ tuổi đọc được bài đó, dịch ra tiếng Trung và đưa lên mạng. Chỉ vài phút sau, bài viết bị xóa mất. Người thanh niên này phản đối và khiến cho người ta lưu ý đến việc bị xóa đi. Anh đã mất một ngày rưỡi cho bản dịch. Xóa bài viết mà chẳng nói gì thì thật là bất công. Sau đó, một trong những người kiểm duyệt lên tiếng: nếu tôi không xóa bài viết của anh thì ngày mai chính phủ sẽ xóa trang mạng của chúng tôi.”
Một blogger quen biết với chúng tôi đưa lên mạng một bài viết phê bình về chính phủ. Các nhà kiểm duyệt của trang mạng đó phản ứng với thông báo rằng rất đáng tiếc là phải xóa bài viết đó đi. Blogger này đoán được lý do: trong tựa đề cũng như trong bài viết, ông đã nêu tên Mao Trạch Đông ra trong một mới liên quan có mang tính phê phán. Sau đó, ông chỉnh sửa lại tựa đề và bài viết bằng cách xóa tên Mao đi. Nội dung phê phán thì vẫn còn. Thế là bài viết không bị xóa.
Những người dùng khôn khéo truyền bá qua thư điện tử hay truyền miệng các khả năng và cách thức để người ta vẫn có thể truy cập vào được các trang mạng bị chặn và tránh được kiểm duyệt. Ai có đủ tiền thì có thể nối kết máy tính của mình trực tiếp với Internet qua đường truyền được mã hóa nhờ công nghệ mới nhất.
Hiện giờ Trung Quốc có cộng đồng blog lớn nhất thế giới. Ngày nay, blog là hình thức được ưa chuộng để phát biểu ý kiến công khai. Chủ nhà báo, luật sư, nhà văn và khoa học gia có blog riêng của họ. Người ta cho rằng hơn nửa người dùng Internet trong thành thị đọc hay viết blog. Con số truy cập gây ấn tượng. Tuy blog cũng bị chặn khi bàn về các đề tài nhạy cảm, nhưng kiểm duyệt thường tụt lại phía sau so với sự phát triển. Việc cố gắng kiểm soát chỉ càng kích thích người dùng tìm đường để đánh lừa những người kiểm duyệt, bằng cách họ phát tán các bài viết trên blog nhanh hơn là kiểm duyệt có thể lấy chúng ra khỏi mạng. Những khái niệm nhạy cảm cũng được viết theo lối phiên âm chứ không theo tiếng Trung, để có thể lọt lưới kiểm soát.

“Dân chủ ư? Chúng tôi đã có Internet rồi”

Bà C., 32 tuổi, đại diện văn học, Bắc Kinh: “Hệ thống độc đảng và thiếu dân chủ không phải là vấn đề đối với chúng tôi. Chúng tôi đã có Internet rồi.
Tôi đã sống nhiều năm ở châu Âu và ở Hoa Kỳ, và nhận thấy rằng người Trung Hoa trẻ tuổi dùng Internet như là phương tiện trao đổi thông tin tích cực hơn nhiều so với giới trẻ ở Phương Tây.
Có hai thái cực trong xã hội của chúng tôi: ở một mặt là chính phủ, mặt kia là Internet. Trong những năm vừa qua, Internet đã trở nên mạnh mẽ vô cùng, tốt cũng như xấu. Nhiều người dùng tin rằng họ không phải chịu trách nhiệm cho những gì mà họ phát biểu ở đó. Họ kích động con người, nói không có lôgic, và mặc dù vậy người ta vẫn tin họ. Người ta không tin vào chính phủ, chính phủ nói gì cũng vậy, ngay cả khi đó là sự thật. Người ta đã mất lòng tin rồi.
Ngày nay, người ta có thể phê phán các lãnh tụ chính trị ở trên mạng. Lời phê phán càng thô bỉ và càng khó tin thì càng tốt. Đảng không sợ những lời phê phán quá lố như vậy, vì người đọc hoài nghi chúng. Chính phủ sợ nhất là các trang mạng của giới trí thức, vì những trang này thường lập luận có sơ sở khách quan. Người ta rất thích đóng cửa những trang như thế.
Nhiều người có nhiệm vụ tìm những bài viết phê phán chính phủ và xóa chúng đi. Họ nhận được năm mươi cent cho công việc xóa một bài viết. Vì thế mà chúng tôi gọi họ là Đảng 50 cent. Họ không chỉ xóa các bài viết. Họ cũng gây bất an bằng cách dựng lên những lời khẳng định quá lố, để rồi người ta không còn biết cái gì là thật, cái gì không thật nữa. Qua đó, họ cố tình làm cho Internet mất đi giá trị của nó. Họ cũng tấn công người khác với giọng điệu trơ tráo và đưa ra những khẳng định không thật về những người nổi tiếng. Cách diễn đạt của họ khiến cho người ta nhớ đến cách ăn nói của thời Cách mạng Văn hóa. Cả điều đó cũng đẩy những người nào đó rời xa Internet.”

Internet như là người mở đường cho dân chủ hóa

Ông C., 52 tuổi, nghệ nhân thủ công, Thượng Hải: “Nhiều người trẻ tuổi tin rằng Internet có thể thay thế được nền dân chủ. Thật là thơ ngây! Trong Internet, ai cũng có thể phê phán và chửi rủa, và phần lớn đều là nặc danh. Vì thế mà không ai nghĩ rằng mình phải chịu trách nhiệm cho những gì đã nói ra. Đó không phải là dân chủ, đó là hỗn loạn và có hại cho một nền dân chủ trong tương lai. Vì khi người ta lẫn lộn giữa Internet và dân chủ thì rồi sau này họ cũng sẽ không tin vào một hình thức chính phủ dân chủ, vì họ biết rằng dối trá và lừa đảo trong Internet là có thể, và thêm vào đó lại còn phổ biến nữa.
Mặt khác, các cán bộ lãnh đạo của chúng tôi trước sau gì thì cũng không ưa chuộng dân chủ. Họ chỉ muốn giữ vững quyền lực của họ thôi. Đứng trong trung tâm của quyền lực là một đặc quyền mà họ sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ nó. Mặc kệ cho trong Internet có chửi bới và phàn nàn như thế nào đi nữa. Những người đó vẫn ở trên cao, họ mặc kệ phê phán và càu nhàu.
Đi tới dân chủ là một con đường dài và cực nhọc. Các dân tộc khác đã cần nhiều thế kỷ mới có nó được. Tôi cho rằng áp dụng nó ở chúng tôi trong thời gian sắp tới đây là điều không thể.”

Từ người vô danh trở thành số hai của thế giới

Năm 2010, tạp chí Time đã đưa anh vào danh sách của 100 người có ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới: Hàn Hàn từ Thượng Hải. Một sự phóng đại? Hoàn toàn không phải thế. Anh đứng hạng nhì qua bỏ phiếu trong Internet.
Hàn Hàn với hơn 400 triệu lượt truy cập vào trang mạng của mình là một trong những blogger thành công nhất Trung Quốc. Đặc biệt giới tinh hoa trẻ tuổi ở thành thị đều biết đến con người chống đối này. Đối với những người nào đó, anh là một thần tượng, vì anh nói ra những gì mà nhiều người chỉ dám nghĩ đến.
Hàn Hàn sinh năm 1982, tức thuộc cái được gọi là thế hệ sau tám mươi, những người biết đến ba mươi năm đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với nhiều phong trào chính trị thảm họa của nó chỉ từ lời thuật lại của cha mẹ họ – nếu nói chung là có.
Anh không thích trường học. Anh căm ghét việc phải học thuộc lòng, bỏ học và vì vậy mà cũng không đủ tiêu chuẩn để được nhận vào một trường đại học. Anh chỉ muốn làm những nghề nghiệp ngồi, vì anh muốn không bao giờ phải đứng nữa, như thường xảy ra trong trường khi thầy giáo phạt anh phải đứng vào trong một góc nhà vì hay chống đối. Vì vậy mà anh trở thành nhà văn và người lái xe đua. Đặc biệt nghề nghiệp thứ nhất đã có những thành công to lớn. Mặc dù thầy giáo cho anh điểm xấu trong giờ văn, anh đoạt giải nhất trong một cuộc thi viết văn trên khắp nước. Cha anh đã giới thiệu cho anh những tác phẩm của các tác giả Trung Quốc nổi tiếng. Với 18 tuổi, anh xuất bản quyển tiểu thuyết đầu tiên của mình, một câu chuyện trào phúng về hệ thống giáo dục Trung Quốc. Sách bán được hơn hai triệu bản, vì trong đó Hàn Hàn đã đánh trúng tâm lý của thế hệ anh.
Cũng như nhiều người của thế hệ sau 80, Hàn Hàn sử dụng Internet một cách hết sức tự nhiên. Từ năm 2006, anh bình luận trên trang mạng của mình về cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc. Ngay trước Triển lãm Thế giới 2010, khi cả phân nửa Thượng Hải bức xúc về các công trường xây dựng đường phố ở giờ phút cuối cùng và về sự cản trở giao thông cực lớn do các công trường đó gây ra, Hàn Hàn đưa ra một lời giải thích hết sức dễ hiểu: nếu như người ta tiến hành bảo trì các con đường đó một năm trước đây thì cho đến Expo chúng cũng sẽ lại hư hỏng trở lại. Anh cũng bàn đến các đề tài nhạy cảm như tham nhũng, kiểm duyệt, chuyên quyền của nhân viên nhà nước và tàn phá môi trường. Nhiều người cũng làm điều đó, nhưng điểm đặc biệt của Hàn Hàn là lời chế giễu bén nhọn của anh và tính hài hước không trau chuốt của anh. Vì vậy mà hiện giờ anh không những được giới trẻ thán phục mà với những lời nói sắc nhọn của mình cũng đã chiếm được cảm tình của những người lớn tuổi hơn. Có những người nào đó đã nhìn thấy ở anh một Lỗ Tấn thứ hai, nhà văn Trung Quốc nổi tiếng nhất của thời hiện đại.
Sự nổi tiếng của anh bảo vệ anh trước những người kiểm duyệt, những người hẳn phải đau đầu vì sự chế giễu của anh. Khó có thể tấn công được Hàn Hàn. Tuy là anh gọi thẳng tên các sự việc, thế nhưng anh lại không công khai phê phán. Anh thích kêu gọi tình yêu nước nhiều hơn, với nhiều tính khôi hài. Có những lời bình luận nào đó của anh được chuyển đi tiếp như là những lời nhận xét dí dỏm, những lời bình luận khác đã nhanh chóng bị những người kiểm duyệt xóa ngay sau khi xuất hiện. Hàn Hàn không để cho những việc đó tạo ấn tượng. Khi anh có kế hoạch cho một tờ tạp chí về tiểu luận, thơ và ý kiến, và cơ quan nhà nước đã không cấp cho anh giấy phép xuất bản, anh đã nhanh chóng chuyển sang xuất bản riêng lẻ dưới dạng sách mà việc xuất bản nó không còn có thể bị ngăn chặn được nữa.
Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)

Phan Ba dịch

Phần nhận xét hiển thị trên trang