Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Tại sao ý kiến Đại tướng chưa được "nghe" hết?


"Có lẽ, người dân trong tâm thức khi bày tỏ tình cảm với Đại tướng cũng chia sẻ nỗi niềm của mình về xã hội".

Bày tỏ nỗi niềm với thời đại
- Trong kháng chiến chống Mỹ, bà má miền Nam đào hầm nuôi chiến sĩ, bà mẹ miền Bắc đưa con ra chiến trường. Những bà mẹ đó đã tin Bác Hồ, tin Đảng, tin tưởng vào cách mạng. Vậy thì điều gì đã xảy ra với chúng ta hôm nay khiến niềm tin ấy biến mất khi mà nó đã từng là điều rất đương nhiên với dân tộc này?
Ông Dương Trung Quốc: Đảng Cộng sản đã thực thi được trách nhiệm lịch sử của mình, trước hết không phải là do lý thuyết cộng sản, mà khi đó nó còn là hiện thân của lòng yêu nước và người dân đi theo.
Nếu nói về lịch sử, chúng ta nhớ rằng thời kỳ năm 1945, cụ Hồ tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản, đưa Đảng vào hoạt động bí mật để mà tiếp tục thu hút lòng dân khi người dân chưa hiểu hết về học thuyết, về chủ nghĩa cộng sản. Nhưng người dân vẫn đi theo, vì tấm gương và sự thu hút của những con người rất cụ thể.
Lúc đó về chính danh, Đảng Cộng sản không tham gia Quốc hội. Người đảng viên cộng sản tham gia Quốc hội qua những tổ chức xã hội khác. Lúc đó cụ Hồ đã nói: "Đảng của tôi là Đảng Việt Nam".
Tại sao ý kiến Đại tướng chưa được nghe hết?Chúng ta nói nhiều đến Đại tướng với tư cách là Tổng Tư lệnh quân đội. Chúng ta đừng quên rằng một trong những vai trò cực kỳ quan trọng của ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Vì Võ Nguyên Giáp vốn là một nhà Luật học. Ảnh: VNA
Mong muốn của thế hệ Hồ Chí Minh là kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cộng sản. Sự kết hợp đó đã thành công trong một giai đoạn nhất định. Nhưng sự kết hợp đó hiện nay đang có vấn đề, và những người đảng viên có trách nhiệm phải xem lại chuyện đó.
Bởi tất cả các vấn nạn xã hội đều phải có nguồn gốc. Đảng đã nhận mình là người lãnh đạo cao nhất thì cũng phải chịu trách nhiệm toàn bộ.
Tại sao những ý kiến Đại tướng đóng góp chưa được tiếp thu đầy đủ? Thậm chí có những ý kiến của Đại tướng còn không được trả lời.
Khi nói về Luật phòng chống tham nhũng ở Quốc hội mấy năm trước, tôi từng nói tham nhũng là một căn bệnh, nhưng có bao nhiêu đảng viên "dính líu" tham nhũng. Vì hầu hết những vị tham nhũng đều là những quan chức, đều phải là đảng viên. Việc chống tham nhũng cũng có nghĩa là tự bảo vệ Đảng.
Không chống được tham nhũng cũng có nghĩa là Đảng không còn đủ năng lực để tự bảo vệ mình. Vì thế tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất kể cả trong những chuyện chúng ta bàn liên quan đến Đại tướng, chúng ta có thể có nhiều câu hỏi: Tại sao những ý kiến Đại tướng đóng góp chưa được tiếp thu đầy đủ? Thậm chí có những ý kiến của Đại tướng còn không được trả lời.
Có lẽ,  người dân trong tâm thức khi bày tỏ tình cảm với Đại tướng cũng chia sẻ nỗi niềm của mình về xã hội.
Ông Chu Hảo: Càng ngày, trình độ nhận thức của người dân càng cao và yêu cầu đối với những người đứng đầu ngày càng khắt khe. Khi hiểu biết của đại bộ phận nhân dân còn hạn hẹp, thông tin đa chiều hạn chế việc vận động quần chúng thực hiện mục tiêu chính trị do những người đứng đầu đề ra không mấy khó khăn.
Nhưng nay thì khác …
Do đó, nếu những người đứng đầu vẫn theo lối  nói một đằng làm một nẻo, không nhất quán, nhất là đưa ra một số chủ trương, đường lối không đúng đắn khiến đất nước ngày càng tụt hậu với khu vực và thế giới, thì dù có bao nhiêu thành tựu, bao nhiêu chiến công hiển hách của thế hệ trước cũng sẽ không thể bù đắp được.
Chúng ta phát động phong trào "Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhưng cái đạo đức "Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư" của Hồ Chí Minh chúng ta lại không học được.
Các hiện tượng giả dối, chuộng hình thức và tham nhũng ngày một nặng. Điều mà chúng ta thực sự cần nghiêm túc nhìn nhận lúc này là xem nguyên do của nó bắt nguồn từ đâu. Nếu không dũng cảm thừa nhận và quyết sửa thì không bao giờ có được niềm tin của dân.
Một trong những điều chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại là công tác tuyên truyền- hệ thống giáo dục hiện nay. Trong một xã hội, chất lượng của nguồn nhân lực phụ thuộc chủ yếu  vào nền giáo dục quốc dân.
Nền giáo dục quốc dân ở các nước thường có ba thành tố chính: Giáo dục học đường, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội.
Ở nước ta, cũng như ở tất cả các nước XHCN, có một thành tố khác, là công tác tuyên truyền giáo dục của các hệ thống trường Đảng. Cần nhìn nhận những tồn tại trong hệ thống này để tìm hướng khắc phục.
GS Chu Hảo
GS Chu Hảo
Thời đại nào cũng cần những "cá nhân"
- Trên Tuần Việt Nam từng có một bài viết ví những cá nhân xuất chúng, những con người có nhân cách vĩ đại giống như "bảo hiểm" của dân tộc trước những thử thách, khó khăn. Đặt giả thiết nếu như những người lãnh tụ thực sự, những cá nhân kiệt xuất không xuất hiện khi đất nước cần, thì điều đó sẽ nguy hiểm thế nào đến vận mệnh dân tộc? Qua sự ảnh hưởng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tạo ra trong những ngày vừa qua với người dân, với xã hội khi ông ra đi, cũng như qua những dẫn chứng lịch sử khác, ông nghĩ gì về vai trò của cá nhân kiệt xuất đối với lịch sử và ảnh hưởng của họ với nhân dân?
Ông Chu Hảo: Tôi luôn cho rằng vai trò của cá nhân lúc nào cũng tác động rất lớn đến sự thay đổi của lịch sử.
Dĩ nhiên nếu không có cá nhân này, có thể sẽ xuất hiện các cá nhân khác, nhưng trình tự lịch sử, diễn biến lịch sử sẽ không diễn ra đúng như những gì chúng ta đã nhìn thấy nữa. Dù thế nào, xã hội cũng sẽ luôn phải vận động để đi lên. Sẽ rất nguy hiểm nếu xã hội không thể xuất hiện những con người như thế nữa.
Một xã hội có dân chủ, có tự do tư tưởng, thì sẽ xuất hiện nhiều những người có tài kinh bang tế thế. Và ngược lại. Nhưng có một điều đặc biệt là trong những lúc khó khăn mà một nhân vật như vậy xuất hiện thì có khi lại làm nên chuyện.
Phải nói thêm rằng khái niệm "lãnh tụ" chỉ tồn tại ở những cộng đồng xã hội chưa trưởng thành.
Ở các nước dân chủ và văn minh những người đứng đầu quốc gia cũng chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình như một hình thức phân công lao động xã hội, không "oai nghiêm " không "thần thánh" gì đâu.
Ông Dương Trung Quốc: Mỗi thời kỳ lịch sử có những nhân vật khác nhau với những tầm vóc khác nhau. Thế kỷ 20 của chúng ta, những nhân vật kiệt xuất đều gắn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Từ những chí sĩ Cần Vương đến những nhà dân chủ và những người cộng sản. Những thế hệ đó để lại hình tượng, để lại bài học. Đương nhiên sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng - đó không chỉ là khẩu hiệu mà là sự thực.
Thời đại nào cũng cần những cá nhân. Những cá nhân ấy cộng với một cơ chế để có thể tập hợp được những cá nhân tiêu biểu nhất. Đó là nhân tố để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Hiện tượng chúng ta đang bàn đến cũng mang tính chất cách mạng, cũng là một yếu tố cách mạng: Cách mạng về mặt lối sống, cách mạng về mặt văn hóa, cách mạng về mặt tinh thần và những giá trị xã hội. Nhưng vai trò người lãnh đạo cũng vô cùng quan trọng.
Thời đại nào cũng cần những cá nhân. Những cá nhân ấy cộng với một cơ chế để có thể tập hợp được những cá nhân tiêu biểu nhất. Đó là nhân tố để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Tuy nhiên những nhà lãnh đạo lớn, những nhân vật kiệt xuất chỉ xuất hiện trong một thời điểm, một giai đoạn nào đó. Nhưng có thể thay thế điều đó bằng một cơ chế để tập hợp những người tiêu biểu nhất. Cơ chế đó là sự dân chủ.
ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Lê Anh Dũng
ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Lê Anh Dũng
Lỗi ở trí thức
- Thời điểm Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, rất nhiều người đã nói, đây là một trong những người cuối cùng của thế hệ cách mạng tháng Tám đầy lý tưởng và trong sáng, đã ra đi.  Những bài học để lại sẽ gợi cho người đương thời suy nghĩ gì?
Ông Chu Hảo: Muốn thay đổi không có cách nào khác là phải xây dựng một thể chế chính trị dân chủ lành mạnh, để phát huy được hết sức mạnh của nhân dân trong  xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, trong đó  xã hội dân sự là một thành tố quan trọng.
Tức là, trong bối cảnh của nước ta hiện nay,  phải xây dựng một nền móng cho phong trào dân chủ từ dưới lên. Nhưng để cải cách thể chế thì phải làm từ trên xuống.
Trong khi có phong trào dân chủ làm nền móng như vậy, thì trong đội ngũ người đứng đầu phải có những  lực lượng tiến bộ dũng cảm và sáng suốt đặt lợi ích của dân tộc lên trên hêt, dựa vào khối đại đoàn kêt của toàn  dân, tiến hành cải cách triệt để từng bước.
Ông Dương Trung Quốc: Chúng ta phải đặt Việt Nam trong một tiến trình phát triển. Cũng có những giai đoạn lịch sử, cũng có những giai đoạn chuyển tiếp.
Hoàn cảnh hiện nay đã thay đổi và chắc chắn sẽ không còn những nhân vật như trong quá khứ nữa - thời điểm mà vai trò của cá nhân rất quan trọng. Chúng ta thường hay nói đến câu chuyện giữa Nhân trị và Pháp trị. Để xã hội phát triển, càng ngày chúng ta càng phải chuyển đổi từ Nhân trị sang Pháp trị.
Nói Pháp trị không có nghĩa là phủ nhận hay không đề cao vai trò cá nhân. Nhưng con người ấy phải nằm trong cơ chế, một cơ chế thật sự dân chủ.
Tại sao cụ Phan Chu Trinh nói nhiều về dân chủ, tại sao Bác Hồ cũng đề cao dân chủ? Là vì họ nhìn thấy cơ chế dân chủ có thể đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội, giúp ta hội nhập với thế giới.
Thời đại đã thay đổi. Thay vì ngồi chờ cá nhân xuất hiện, chúng ta hãy dùng cơ chế dân chủ để bảo vệ và xây dựng đất nước. Có thể người dân vẫn hy vọng, vẫn chờ đợi những người như Hồ Chí Minh, như Võ Nguyên Giáp xuất hiện, nhưng tôi cho rằng chúng ta phải chấp nhận xu thế, phải nhận thức xu thế.  Và tôi nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là cơ chế.
Ngày xưa người ta gắn kết được lợi ích cá nhân với lợi ích của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc. Bây giờ sự gắn kết đó khó hơn nhiều. Ngày xưa mẫu số chung là chống giặc ngoại xâm. Ai cũng nghĩ đến điều đó. Bây giờ sự lựa chọn nhiều hơn, sự gắn kết cũng giảm đi.
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn sống, ông từng dặn thế hệ trẻ:"Thế hệ cha anh đã rửa nỗi nhục mất nước, thế hệ ngày nay phải rửa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu". Nhìn lại đất nước, chúng ta đã có những bước phát triển đáng kể so với thời điểm chúng ta giải phóng đất nước vào năm 1975, nhưng vẫn còn có những cái nghèo khác nữa. Nhiều người dường như đang kêu về các bất cập nhưng con người hành động  lại không chịu xuất hiện... Vậy ai có lỗi trong tất cả những sự tụt hậu này?
Ông Chu Hảo: Lỗi trước hết là trí thức, là tầng lớp tinh hoa.
Trong thời chiến, các tầng lớp xã hội đều có vai trò nhất định, nhưng lực lượng nòng cốt phải là đông đảo quần chúng.
Ngoài lỗi của những người đứng đầu đất nước, thì bản thân tầng lớp trí thức chậm giác ngộ, thiếu ý chí là những người phải nhận phần lỗi không nhỏ khi xã hội không phát triển được.
Còn trong thời bình, lực lượng nòng cốt phải là những người có tri thức  Ngoài lỗi của những người đứng đầu đất nước, thì bản thân tầng lớp trí thức chậm giác ngộ, thiếu ý chí là những người phải nhận phần lỗi không nhỏ khi xã hội không phát triển được.
Người đứng đầu phải do dân chọn
Ông Dương Trung Quốc: Xã hội sẽ có những chuyện như thế. Nhưng cũng vì thế mà chúng ta mới cần những người quản lý.
Ở làng xã ngày xưa, họ quản lý bằng truyền thống, bằng tập quán, bằng văn hóa. Xã hội cũng thế. Câu "Thượng bất chính, hạ tắc loạn" rất hay và rất đúng. Nếu ở trên nghiêm thì dưới cũng sẽ nghiêm. Phải có một sự kiên trì làm thay đổi từng bước trong xã hội, đó không phải chỉ là sự đổi mới ở thượng tầng mà nhân dân cũng nhất định phải thay đổi.
Nhưng muốn dân đổi mới thì phải cho dân thấy lợi ích. Nhà nước chưa tạo ra được giá trị đó. Lỗi này không phải là do kỹ năng, mà là do cơ chế. Khi một người làm không tròn nhiệm vụ mà cấp trên của họ không thể xử lý họ, như Thủ tướng Phan Văn Khải nói trước khi nghỉ hưu: "Không thể kỷ luật ai được", thì những người đó sẽ câu kết nhau thành nhóm lợi ích và tạo ra sự hủy hoại xã hội, hủy hoại lòng tin.
Sự phát triển của xã hội, sự phát triển của dân trí luôn có quan hệ biện chứng với vai trò của những người đứng đầu. Muốn xã hội phát triển, anh phải đi đầu, phải gương mẫu, phải sáng suốt. Và người đi đầu phải do dân chọn. Đó phải là cơ chế dân chủ, như chúng ta nói nãy giờ.
Tôi tham gia Quốc hội, tôi thấy cứ có vấn đề gì đem ra bàn là chúng ta lại lấy lý do "đó là cách làm của ta". Hay như câu nói cửa miệng của một trí thức đã mất "cái nước mình nó thế".
Vấn đề rất cụ thể như vấn đề doanh nghiệp Nhà nước mà Quốc hội đang bàn đến rất nhiều. Cả thế giới khác chúng ta mà chúng ta cứ bám vào lý do "đó là đặc thù của Việt Nam".
Chẳng nói đâu xa, nếu muốn thay đổi, thứ đầu tiên chúng ta có thể xem lại chính là những di cảo, những kiến nghị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một người rất sớm nhận thức được các vấn đề của xã hội.
Chúng ta nói nhiều đến Đại tướng với tư cách là Tổng Tư lệnh quân đội. Chúng ta đừng quên rằng một trong những vai trò cực kỳ quan trọng của ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Vì Võ Nguyên Giáp vốn là một nhà Luật học.
Thời đó rất nhiều nhà trí thức làm Luật được cụ Hồ trọng dụng để tạo ra nền tảng ban đầu. Nhưng sau này chúng ta không kế thừa được nó mà biến nó thành một thứ duy ý chí của những người lãnh đạo. Những chuyện đó là những bài học. Nói về vấn đề biển đảo, ngay trong khi chỉ đạo cuộc chiến tranh giải phóng, Võ Nguyên Giáp đã quan tâm đến lợi ích quốc gia về vấn đề biển đảo.
Ông không những chỉ đạo giải phóng những đảo thuộc chủ quyền của chính quyền Sài Gòn mà còn khẳng định không gian chủ quyền của chúng ta trong vấn đề biển đảo. Năm 1977, hai năm sau chiến tranh, Võ Nguyên Giáp đã có cả một đường lối về kinh tế biển, chiến lược biển. Các nhà lãnh đạo của chúng ta ca ngợi Đại tướng rất nhiều, nhưng đã bao giờ chúng ta thực sự nghiêm túc nhìn nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của ông trong quá trình xây dựng đất nước chưa? Tôi cho đó là câu chuyện cần phải làm ngay.
Tôi muốn mượn câu của cụ Hồ nói một điều cuối cùng: "Dân chủ là làm cho dân mở miệng. Cái đáng sợ nhất không chỉ là người dân không dám mở miệng vì anh dùng quyền lực. Cái đáng sợ nhất là người dân không thiết mở miệng!"
Mùa gieo hạt mới
- Trong một cuộc trò chuyện cách đây mấy ngày, nhà thơ Việt Phương có nói với tôi rằng: Sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất giúp ông cảm nhận được sự thay đổi. Ông đã nhìn thấy tình yêu và lòng tự hào dân tộc trỗi dậy trong những dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó khiến nhà thơ Việt Phương hy vọng về những hạt mầm mới sẽ được gieo, để cho một mùa gặt mới? Các ông nghĩ sao?
Ông Chu Hảo: Tôi trân trọng và  chia sẻ ý tưởng của nhà thơ Việt Phương. Tuy nhiên từ đáy lòng mình tôi vẫn nghĩ rằng dân tộc ta là một dân tộc không được may mắn cho lắm: Quá nhiều đau thương và bỏ lỡ quá nhiều cơ hội.
Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hình như đã làm bùng lên khát vọng của nhân dân có những nhà lãnh đạo tài ba sáng suốt thật sự vì nước vì dân. Rồi sống mãi trong lòng dân.
Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hình như đã làm bùng lên khát vọng của nhân dân có những nhà lãnh đạo tài ba sáng suốt thật sự vì nước vì dân. Rồi sống mãi trong lòng dân.
 
Những điều đang diễn ra đã giúp tôi hiểu thêm được rằng sự phán xét của lịch sử trước hết là sự phán xét của lòng dân.
Lòng kính yêu của những ngưới dân bình thường dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một thông điệp: Ai thực sự vì dân vì nước dân đều biết cả.
Ông Dương Trung Quốc: Nhưng ai là người tổ chức chăm sóc những hạt mầm tốt đẹp cho mùa gặt mới?  Rất khó làm được điều đó, nếu chúng ta không nhận ra và không phát huy được vai trò của các tổ chức dân sự xã hội, vì họ là những người thực hiện nó tốt nhất.
Còn bộ máy của chúng ta, kể cả Đoàn Thanh niên, dù tôi rất quý trọng nhưng vẫn phải thẳng thắn nói rằng nó vẫn còn quá quan liêu và thậm chí nó có thể làm thui chột đi những nhân tố mới vừa thành hình. Không gì tốt bằng sức mạnh của dân.
Trong những ngày qua, ai là người tổ chức mua nước uống, mua bánh mì phát cho bà con nhân dân đến viếng Đại tướng? Ai là người nghĩ ra việc in áo, in phù hiệu có hình Đại tướng để làm quà tặng cho người dân Quảng Bình? Đó hoàn toàn là những ý tưởng, những hành động xuất phát từ cá nhân, không phải do bất cứ tổ chức, cơ quan nhà nước nào cả.
Hiện tượng này quan trọng nhất là làm cho chúng ta có niềm tin hơn rằng vẫn có tiềm năng rất to lớn.
Nhưng vấn đề ai khai thác, ai tổ chức cũng là một câu hỏi lớn. Một mùa gieo hạt mới nhưng không có môi trường, không có điều kiện phát triển thì tất cả những hạt mầm đó cũng bị thui chột.
Tôi rất mong những người có trách nhiệm hiện nay sẽ nhận ra điều đó và coi đây là cơ hội để phát huy. Còn nếu sự kiện này chỉ thoảng qua và mọi thứ lại quay lại như cũ, và câu chuyện mấy ngày vừa qua trở thành ký ức, thì nó có thể làm tăng thêm niềm thất vọng?
- Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, vậy theo ông thì làm thế nào để mùa gieo hạt đó gặt được mùa bội thu? Cần những điều kiện gì để thành công?
Ông Chu Hảo: Một xã hội dân chủ thực sự - đó chính là con đường nhanh nhất.
Nếu không đi được con đường nhanh nhất đó, có thể vẫn sẽ xuất hiện được những con người có nhân cách lớn, thay đổi bộ mặt đất nước, nhưng chúng ta sẽ phải chờ đợi rất lâu và cái giá mà dân tộc này phải trả cho sự chờ đợi đó sẽ là rất đắt.
Ông Dương Trung Quốc: Trong thời điểm này, điều quan trọng nhất là cả dân tộc phải tụ tâm. Hiện có quá nhiều điều khiến chúng ta phải phân tâm.
Dù cuộc sống là phức tạp, cạnh tranh là xu thế, nhưng cuối cùng sự tụ tâm vẫn là quan trọng. Chúng ta hướng tới sự tụ tâm, từ các nhà lãnh đạo đến nhân dân, để tìm ra cái chúng ta thiếu.
Mà theo tôi cái thiếu quan trọng nhất là sự gắn kết nhau vì lợi ích quốc gia, như là thế hệ của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
- Xin cảm ơn hai ông!
Theo Lan Hương

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đọc bài thơ cũ:

Việt Nam ơi

Những áo quần rách rưới
Những hàng cây đắm mình vào bóng tối
Chiều mờ sương leo lắt đèn dầu
Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ
Lèo tèo mì luộc canh rau

Mấy mươi năm vẫn mái tranh này
Dòng sông đen nước cạn
Tiếng loa đầu dốc lạnh
Tin chiến trận miền xa

Những người đi chưa về
Những quả bom hầm hào sụt lở
Những tên tướng những lời hăm dọa
Người ta định làm gì Người nữa
Việt Nam ơi?

Mấy mươi năm đã mấy lớp người
Chia lìa gục ngã
Đã tận cùng nỗi khổ
Người ta còn muốn gì Người nữa
Việt Nam ơi?
Người đau thương, tôi gắng gượng mỉm cười
Gắng tin tưởng nhưng lòng tôi có hạn
Chiều nay lạnh, tôi nghẹn ngào muốn khóc
Xin Người tha thứ, Việt Nam ơi

Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi

Tôi làm sao sống được nếu xa Người
Như giọt nước bậu vào bụi cỏ
Như châu chấu ôm ghì bông lúa
Người đẩy ra tôi lại bám lấy Người
Không vì thế mà Người khinh tôi chứ
Việt Nam ơi.

Không vì tôi đau khổ rã rời
Mà Người ghét bỏ?
Xin Người đừng nhìn tôi như kẻ lạ
Xin Người đừng ghẻ lạnh, Việt Nam ơi

Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người
Tất cả sẽ ra sao
Mảnh đất nghèo máu ứa?
Người sẽ đi đến đâu
Hả Việt Nam khốn khổ?
Đến bao giờ bông lúa
Là tình yêu của Người?

Đến bao giờ ngày vui
Như chim về bên cửa?
Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi
Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ?
Đến bao giờ đến bao giờ nữa
Việt Nam ơi?
 
(Lưu Quang Vũ - Tập thơ Bầy Ong Trong Đêm Sâu)

Làm thơ đương đại cần có trang phục đương đại !
















Phần nhận xét hiển thị trên trang

saurieng: Đường về Xẻo Đắng

saurieng: Đường về Xẻo Đắng: Truyện ngắn xíu : Tui Chợ Vàm Nước Chảy đang ở trước mặt. Đây về nhà chừng non tiếng đồng hồ ngồi tàu cao tốc, nhưng trên chiếc xuồng m... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

LÊ ĐÌNH TY VÀ NHỮNG CÁNH ĐỒNG KHÔNG ĐƯỢC GẶT


 Lê Đình Ty đang đọc thơ

                          

HỮU PHƯƠNG


Khi người thơ ấy đột ngột ra đi, đi mãi mãi, ta bồi hồi ngoái lại, chợt giật mình trước quãng đường độc hành nghiệt ngã của anh ở cõi người. Hóa ra, dầm dãi một đời người, Lê Đình Ty có những cánh đồng không được gặt!

Vừa lọt lòng mẹ được 3 tháng tuổi, Lê Đình Ty đã mất cha. Nhà chỉ có hai chị em. Nỗi đau, nỗi cô đơn này càng về sau càng đau nhức, nó tỷ lệ thuận với thời gian. Khi người mẹ thay cha nuôi dạy hai chị em Lê Đình Ty từ tấm bé, nhưng người mẹ cũng như mặt trời vội tắt, ngoảnh lại anh thấm thía nỗi cô lạnh của đời mình: Ôi chiều nay dưới mái lạnh đơn cô/ Con trống trải một ngày vắng Mẹ  (Lạy Mẹ).

Đặc biệt, khi anh gặp cơn vận hạn, (vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi cả nước phân phối bo bo và sắn lát), một nỗi đau đớn và khốn khó cả thể xác lẫn tinh thần vây bủa anh. Gặp hoạn nạn như thế, không ai không nghỉ đến, và nhờ vả từ phía bà con họ hàng thân thích. Nhưng với Lê Đình Ty, anh cũng rơi vào hoàn cảnh éo le: Tôi ốm đau nghèo khó cả tiền nong/ Tôi ít ỏi bà con thân thuộc  (Ghi ở bệnh viện).

Mất cha có chú, chú thay anh chăm lo mồ mả, lư hương bát nước lúc kỵ chạp ông bà ở quê. Nhưng người chú cũng bỏ anh mà đi, trong bến chiều nắng đổ gió sa lưng đồi. Lê Đình Ty thốt lên chới với cơ hồ tuyệt vọng. Một nỗi trống trải không cùng ập xuống quanh anh: Chú đi, chú vội xa rồi/ Trần gian mình cháu một trời trống không  (Khóc chú).

Như thế, cái cánh đồng đầu tiên của đời người, ân phúc và màu mỡ, về tình cha con mẫu tử sớm hôm tựa đỡ chở che, tình anh chị em ruột rà đùm bọc, tình gia thất đầm ấm sum vầy, như phần lớn người đời được hưởng, Lê Đình Ty đã không được hưởng trọn vẹn. Có lẽ đấy chính là một phần nguồn gốc nỗi buồn, nỗi cô đơn trong thơ anh ám ảnh suốt cả hành trình.

Rồi quê hương trù phú, xứ hai huyện gạo trắng nước trong, cơm trên cá dưới như người xưa thường ví, Lê Đình Ty cũng không được đắm mình tận hưởng. Bởi anh ra đi khi còn rất trẻ, đến thành phố đã bị vùi trong khói bom và gạch vỡ của chiến tranh tàn khốc: Hai mươi tuổi ta về Đồng Hới/ Thị xã Hoa Hồng ngổn ngang gạch ngói  (Đồng Sơn).

          Nhưng quê hương vời vợi trong ký ức người thơ, với mùa hoa giêng giếng vàng nở trong cái đói giêng hai mờ mắt tuổi thơ kiếm sống, chắt từng ngọn rau má rau mưng: Nép bờ sông chúng tôi đi/ Thúng mủng rổ ki cuốc chét/ Xóm thôn mờ trong mắt/ Tháng giêng dằng dặc/ Lúa đồng còn xanh (Hoa Giêng Giếng). Ta đã nhiều lần thấy người thơ khóc nghẹ ngào, bởi quê hương như một sự trống vắng chất đầy nhớ nhung: Quê hương khoảng vắng nhớ mongHồn ta giọt lệ rơi trong ngậm ngùi (Khoảng vắng). Lê Đình Ty khóc cả khi đang có mặt trên quê hương. Sau đớn đau mất mát của cơn vận hạn, như đã lỡ một thì con gái (Thi hứng mùa hạ), người thơ trở về tàn tạ thân traiĐau đớn tâm tư, thay đổi hình hài (Gửi bạn), khiến nỗi mặc cảm về sự lẻ loi đơn chiếc khi đường quê đếm bước riêng tôi, với nỗi xót xa lỡ làng: Ngày đi khuất nửa trăng trònNgày về lỡ dịp nghe đàn lỗi cung (Gặp1), và ngậm ngùi: Tôi về lạc giữa quê nhàBạn bè một thuở như là chưa quen. Rồi anh bật khóc: Tôi giờ thân xác long đongNhớ quê tay trắng còn mong lối về (Ngày lạc). Không hiểu sao mỗi lần về quê, người thơ thường gặp mưa: Tôi lên Lệ Thủy gặp mưa/ Kiến Giang tịch mịch gió lùa riêng tôi. Hay: Mưa giăng nhòa mấy nhịp cầu/ Tôi bên bến Đợi nát nhàu chiều sa (Lời quê). Rồi: Ta lầm lũi đường quê trong mưa (Gửi nhớ). Hoặc: Mút mùa Lệ Thủy mưa qua/ Đò ơi! Tôi gọi thiết tha dưới trời (Lời quê). Không biết khi đó trời quê anh mưa, hay chỉ trong lòng anh mưa? Mưa hay nước mắt người thơ rơi mỗi lần về quê. Và, nước mắt hay lời tạ lỗi trước vong hồn mẹ cha cùng quê hương xứ sở sau những vấp ngã đầu đời? Như con sóng suốt đời dại dột/ Vỗ xô bờ tan nát hết bình yên/ Con ước được về quê xin chuộc/ Quảng đời con làm mẹ ưu phiền (Xon nê. 8).

Có thể nói, cánh đồng tình cảm sâu nặng mẹ cha và quê hương xứ sở mà anh không được gặt hái, tận hưởng như bao người đời, cứ như ngọn gió hun hút thổi suốt cuộc đời đơn côi của anh: Tôi giờ ở xứ biệt tăm/ Quê hương vời vợi đăm đăm chân trời/ Mẹ cha cát bụi xa rồi/ Tôi còn nắng gió lưng đồi quạnh hiu(Còn...)

Học xong lớp 9 (tương đương lớp 11 ngày nay), Lê Đình Ty được tuyển vào ngành Công an, công tác tại Ty Công an. Được đưa đi học chuyên ngành kỹ thuật hình sự, tại Trường cảnh sát Trung ương. Ra trường, anh trở về công tác tại Ty Công an. Đường hoạn lộ của anh mở ra thẳng tắp. Nếu cứ thế mà thăng tiến, ta hình dung, như bao nhiêu bạn bè thời đó, khi về hưu, cầu vai anh cũng ngời ngợi quân hàm thượng tá đại tá. Thế mà nửa đường đứt gánh. Nguyên do là anh quá tốt, muốn góp ý với nữ đồng chí, trong một cuộc họp chi đoàn thanh niên mà anh làm bí thư. Rằng, đồng chí cần giữ gìn mối quan hệ trong sáng với thủ trưởng, vì thủ trưởng đã có vợ con; rằng đã có nhiều tiếng xì xào không tốt về mối quan hệ đó. Nhưng cô nàng đã không những không sửa chữa, còn thủ thỉ điều anh nói trong cuộc họp với thủ trưởng yêu quý. Thế là, nhân đợt giảm biên chế cuối năm 1970, Lê Đình Ty phải chuyển sang dân sự, chuyên chụp ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh. Năm 1976 nhập tỉnh, anh lại được chuyển qua Công ty Nhiếp ảnh Bình Trị Thiên, phụ trách hiệu ảnh Phú Xuân. Năm 1982 phụ trách hiệu ảnh Lệ Ninh, đóng ở Chợ Tréo. Tại đây anh gặp vận hạn, và kết thúc con đường cán bộ công chức nhà nước, khi tuổi đời 36. Như thế, cái cánh đồng công danh sự nghiệp đời trai như bao bạn bè đồng lứa, Lê Đình Ty cũng không được gặt.

 Các nhà thơ xứ ta thường làm thơ bằng tay trái. Nghĩa là, vừa ăn lương nhà nước làm bổn phận công chức, vừa tranh thủ làm thơ. Lê Đình Ty không thế, anh chẳng còn lương nhà nước. Bởi thế, anh nói với những người yêu anh: Anh không phải nhà thơ nhà nước/ Anh chỉ là thi sĩ của riêng em (Không đề).

Đời và thơ Lê Đình Ty lụy một chữ tình. Chữ tình theo mọi nghĩa. Đến nỗi, anh nêu thành tuyên ngôn: Nếu tôi còn sống thêm ngày/ Tôi còn ứng cử kiếp này Tình yêu! (Tôi ứng cử). Người thơ đã sống và đã viết trọn đời vì một chữ yêu ấy. Anh đã yêu và đã được yêu. Yêu đến kiệt cùng sức lực: Ta đã yêu tàn tạ một đời(Xon nê 16). Nhưng hình như với anh, yêu chừng chưa đã mến chưa bưa (Hàn Mặc Tử), nên người thơ còn rao yêu: Ai có yêu không?/ Tôi còn khối tình/ Vùi trong tro đắng/ Con tim trĩu nặng/ Khô mòn tháng năm...Rồi: Yêu đi! Yêu đi!..Và: Yêu không? Yêu không? (Rao yêu). Tôi nhớ một hôm tại Đồng Lê, khi người thơ tròn 60 tuổi, có một người con gái xứ Quy Đạt 20 tuổi tên Phượng thủ thỉ rằng, đến năm 60 tuổi cháu sẽ yêu chú. Chỉ như thế mà anh khấp khởi: Bốn mươi năm nữa Phượng ơi/ Ai lên sáu chục ta người một trăm/ Tìm về quán trọ dưới trăng/ Đợi người trong mộng áo khăn cùng về (Gửi Phượng). Người đẹp chỉ nói thế và mất tăm cho đến bây giờ. Nhưng trong lòng người thơ đã cháy bùng ngọn lửa yêu. Anh gần như đồng nhất người con gái tên Phượng với bông hoa phượng tự lúc nào. Nói đúng hơn, tên nàng, tuổi học trò của nàng và mùa phượng nở, cứ ám ảnh như một mối tình day dứt không nguôi. Đến nỗi, trong lần trở lại Đồng Lê sau đó, anh thốt lên trên sân ga vắng lặng, nơi hai người chia tay nhau buổi ấy:Tôi ngoái lại bốn bề chẳng thấy... Đồng Lê rơi chấm đỏ phượng tàn/ Hay lời thu ai vùa trao ngỏ?/ Cháy trong tôi ngun ngút thời gian (Với Đồng Lê). Rồi anh bươn bả lên miền sơn cước, tìm lại lời xưa dưới bóng mưaNgày xưa phượng nở Đồng Lê nắng/ Người ngỏ cùng tôi nhớ hẹn về (Mưa Quy Đạt). Người xưa chẳng thấy, anh thổn thức: Giờ ở dâu người xa Quy Đạt... Xin nhờ gió nhờ mây nhờ đá/ Tìm giùm tôi lời hẹn cầm tay (Trăng Kim Bảng). Người thơ còn tưởng tượng cả khi mình nằm sâu trong ruột đất: Dưới nấm mồ cô lạnh riêng tôi/ Lờ mờ thấy chim hay và gió/ Gieo lên tôi một hạt phượng khô/ Và phượng nở vươn cành xanh biếc/ Cánh hoa như giọt lệ đỏ trời/ Tôi ngầm ngùi ngỡ phượng khóc tôi(Xon nê 16).

Có một người đẹp nữa, tuổi trăng tròn, ở một xã cạnh đường Hồ Chí Minh qua Lệ Thủy, đã bước vào thơ Lê Đình Ty. Họ thường thư đi từ lại cho nhau. Lê Đình Ty khoe đã có với nàng 16 bài thơ. Người thơ thường chở nàng lên chơi hồ An Mã. Con đường họ thường đi, hai người đặt tên là Con đường nhớ, bóng cây họ quen ngồi được gọi là Cây đợi chờ. Hai người quen nhau vào một ngày đông, và nàng thường mặc áo đỏ: Hơn một lần mùa đông áo đỏ/ Cháy bùng ta trong ngọn lửa thơ (Xon nê 10). Xa nhau là nhớ, là mong, là đợi chờ: Có ngày đợi dài hơn năm tháng. Và người thơ nhẩm tính: Một ngày xa! Hai ngày xa... Ta đếm/ Xác ngày rơi như lá trong vườn (Xon nê 12). Nhưng vầng trăng mười sáu ngọt ngào này cũng mất hút, sau một sai lầm của người thơ, khi anh quên lời hẹn đến dự sinh nhật nàng. Mọi chuyện đổ vỡ. Tôi lỡ hẹn với con đường lỡ hẹn/ Với núi đồi khe suối với thung xa/ Và em nữa với hồ xanh, Động Đỏ/ Dưới đêm tàn tôi viết khúc bi ca. Người đẹp đi rồi, anh tự dằn vặt sỉ vả mình, trăm lý do cũng đều vô nghĩa!Và tự an ủi: Sao tôi lại biện minh, xin lỗi/ Thà nín thinh như vậy đỡ buồn hơn(Xon nê 14). Người đẹp xa rồi, người thơ buồn bực giận hờn, muốn xé nát những trang thơ từng viết cho nàng. Và thoáng thấy bóng áo đỏ là anh đuổi theo nhận mặt. Thậm chí người thơ lý do nàng ra đi, nổi cơn ghen bóng gió và làm mình làm mẩy: Em ra đi mặc áo đỏ chờ ai?.. Bao câu thơ tôi viết nên thừa (Ngày hạ). Đã mấy lần người thơ quay lại hồ An Mã, nơi ngày xưa hai người có nhau: Một mình anh lặng lẽ đến bên hồ... Và anh đến âm thầm khâm liệm/ Chôn bài thơ lỡ viết trưa nao (Xon nê 11). Lê Đình Ty hình dung có một chiều nào đấy, nàng vô thường lạc bước đến đây, và đào lên bài thơ - khối tình anh chôn giấu. Rồi giữa vùng hồ mênh mông trời nước, trong ánh chiều sương tím nhạt nhòa, bốn bề ngàn thông thắp lá, người thơ cảm thấy: Ta chới với giữa hồ sâu mắc cạn. Và muốn gào lên trong tuyệt vọng: Biết hỏi ai? Hỏi ai em xa/ Ta muốn xé cả trời ly biệt (Xon nê 21).

Có ba người phụ nữ nữa, sau cùng, bước vào cuộc đời và thơ Lê Đình Ty. Trong đó, một người gần, hai người xa. Người gần vì mê thơ anh, cảm thương với vận hạn anh mắc phải, và mến tính cách lãng du đa tình của anh, mà thương anh lúc nào không biết. Bài thơ Có và không là anh viết cho người ở gần này. Hai người đã có sau lưng hai gia đình yên ấm. Nhưng hai người có chung một cuộc tình trong trẻo. Ngày người thơ đột ngột ra đi, người ấy cũng đã đến trước chân dung anh, ngậm ngùi dâng nén hương đưa tiễn. Còn hai người phụ nữ ở xa, trời cho anh gặp trên mạng. Một Hà Nội, một Hải Phòng. Đó là những mối tình qua không gian hàng mấy trăm cây số, nhờ thơ bắc cầu mối lái. Hai người đầu kia chân mây cũng là hai nữ sĩ đa tình. Anh đã có với hai người này trên chục bài thơ gan ruột. Và họ cũng có với anh những chùm thơ nồng nàn, chân thực. Đêm đêm họ thức đợi nhau, tìm nhau, chia sẻ cho nhau trên sóng mạng: Đêm buồn ngồi đợi trăng lên/ Em xa ngàn dặm ngoài hiên gió về/ Giọt tình khuya khoắt bùa mê... (Chưa đặt đề). Họ chát bằng thơ say mê, trắng đêm lúc nào không biết: Gà sang canh gáy rụng ánh sao ngời/ Ta chỉ tiếc thơ mình chưa nói hết (Không đề). Người thơ đã sống những đêm được yêu ngất ngây ở tuổi 66, đến nỗi anh tự hỏi không biết đó là thực hay mơ: Đêm nay như thực như mơ/ Bấy nhiêu tuổi hạc ngất ngư tay cầm (Tự sự trong đêm). Và khi trời sáng, thoáng chốc tàn cuộc si mê, người thơ chợt tỉnh, nghẹn ngào: Cầm lên giọt lệ trong đêm/ Ngỡ như giọt ngọc trước thềm em trao (Tự sự trong đêm).

Cả ba người đẹp cuối cùng này bước vào cuộc đời thơ của Lê Đình Ty, thắp bùng lên trong anh nỗi khát khao yêu đương cháy bỏng. Nhưng đó chỉ là những người đẹp đứng sát bên kia tấm gương trong suốt, gần nhau li gang mà xa cách ngàn trùng, muốn cầm tay mà không được, khiến người thơ như muốn phát điên: Ta trong trưa hè nắng khát/ Em về đào lên giếng thơi/ Rồi em cắm lên “Biển cấm”/ Ta nhìn khát cháy bờ môi (Chưa đặt đề)...

Điểm qua như thế để thấy rằng, những cuộc tình khát khao cháy bỏng, nồng nàn đến cuồng mê, là những cuộc tình trong suốt trong veo, không giống các cuộc tình của người đời chút nào. Người thơ mê người đẹp, từa tựa như con gà mê hạt ngô trong cái chai thủy tinh. Bởi thế, xét theo một nghĩa nào đấy, có những cánh đồng tình yêu, người thơ tự thấy cũng không được gặt, dù đã cố công vun trồng:Có cánh đồng ta không được gặt/ Dẫu bốn mùa dầm dãi thâm canh (Có và không).

Dầm dãi thâm canh suốt đời của Lê Đình Ty, là cánh đồng thơ. Anh bị thơ bỏ bùa từ ngày còn học phổ thông. Thậm chí anh âm thầm làm thơ về một người đẹp cùng lớp, mà cho đến chót đời, không dám đem tặng. Những tháng năm túng khó, người đời bảo cơm áo không đùa với khách thơ, nhưng khách thơ Lê Đình Ty vẫn canh cánh: Tôi đi mòn các lối đường/ Văn chương bèo bọt còn thương nỗi đời (Lời người ăn xin). Hay: Tôi đi ngày lụn tháng trôi/ Túi thơ nghèo nhớ bóng người đã xa (Ngày mai bên sông). Anh cần mẫn bốn mùa trên cánh đồng thơ,  âm thầm gom nhặt từ hạ sang đông, và âm thầm ngồi nhặt câu thơ; đôi khi ví mình kẻ lữ hành ăn xin từ ngữ, với một niềm đam mê khát cháy: Nỗi khắc khoải câu thơ ta thắp. Với anh, thơ viết ra như một sự sinh nở, quặn đau nỗi đời. Vì thế thơ không viết những lời tẻ nhạt/ Lời rỗng không như gió qua cành, thơ phải như ngọn lửa tình, để khi đậu đến tay em/ Cũng đắng ngọt dưới trời sinh nở (Không đề). Hoặc: Đây, câu thơ/ giọt máu/ Câu thơ đẫm nước mắt/ Câu thơ đầy bụi đất/ Còn tươi nguyên trần trụi chẳng lau chùi (Trở về). Người thơ một đời rạc rài vì thơ, bởi thế lúc đói khó và vận hạn, thơ cũng đã không bỏ anh: Câu thơ buồn an ủi tôi sao/ Câu thơ vui dâng trào nước mắt (Xon nê 1).

Trong cuộc cách tân, đổi mới thơ đang diễn ra rầm rộ trên thi đàn với mọi cung bậc âm thanh, sắc màu, ánh sáng, Lê Đình Ty cảm thấy choáng váng: Tôi choáng ngợp bao sắc màu chói lói/ Những thánh ca lộng hồn, và thấy mình như kẻ lạc loài, đi lơ mơ bên lề thế giới/ Con đường thơ mờ mịt tấc gang. Trong cuộc kiếm tìm nhọc nhằn ấy, không ít người phấn khởi trưng ra những thành phẩm mới, nhưng ít lâu sau chợt gặp phải nó trong mớ đồ cổ thế kỷ trước. Khi đó Lê Đình Ty thốt lên: Hành tinh thơ chật chội lối mòn/ Xơ xác chữ và mù bụi đất (Mơ thơ). Và anh ước, mỗi con đường sáng tạo thơ ca có một quả chuông thơ, để nếu ai bước nhầm lối cũ, quả chuông sẽ ngân lên, cho biết mà né tránh. Và khi đó, anh tự họa chân dung mình cô độc trên con đường thơ: Tôi lọ mọ lên đường sau thế kỷ Hai Mươi/ Lạc lõng yêu/ lạc lõng nhớ/ lạc lõng quên/ chở khát khao/ trên cỗ xe Buồn Đau/ ra Thế giới (Những quả chuông thơ).

Lê Đình Ty, người tôn thờ thơ suốt đời, người tàn tạ vì thơ một đời. Trên hành trình thơ mê mải và khổ luyện, có thể coi anh là bậc đắc đạo. Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình đã mấy lần giới thiệu kết nạp anh vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng lần nào người thơ cũng không hội đủ phiếu. Và trên cái nghĩa rất hẹp vềdanh hiệu đó, cánh đồng thơ Lê Đình Ty chăm chút trọn kiếp ấy, anh cũng không được gặt. Tiếc thay!

Nhưng thực ra, nói về những cánh đồng Lê Đình Ty không được gặt, là nói trong một phương diện cụ thể nào đó, một nghĩa nào đó, đôi khi rất hẹp, dưới con mắt của người đời. Còn phương diện gia tài thơ Lê Đình Ty, chính những điều không được gặt hái, tận hưởng ấy, thơ anh lại bội thu. Mấy chục bài thơ về các chủ đề vừa nhắc trên, đã chiếm một vị trí lớn trong thơ anh. Và chúng như một thứ lửa khát khao mãnh liệt, ngun ngút cháy không nguôi cùng thời gian...

                                                                                     Đồng Hới, 8.2013

                                                                                                H.P



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông là người đứng ngoài mọi sai lầm của lịch sử”.

Chữ Nhẫn hay chữ Nhân ?

Hoàng Minh Tường

           Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 Sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi và đám tang của ông đã mấy ngày nay là đề tài bàn luận sôi nổi khắp cả nước. Các cựu chiến binh và người về hưu, những người từng có thời gian là “ lính Tướng Giáp” hoặc từng gặp gỡ Đại tướng,  càng có nhiều chuyện giãi bày.
 Ngẫm lại cuộc đời của Đại tướng, người ta bàn nhiều đến chữ 忍“Nhẫn”.
 - Ông sống được với các đồng chí của mình cho đến tuổi Trời 103 là nhờ ông biết thờ chữ 忍 “ Nhẫn”. Kiên nhẫn. Nhẫn nhịn. Nhẫn nại. Thậm chí  Nhẫn nhục.
 Mở đầu cuộc bàn luận trong  buổi thể dục sáng của các cụ về hưu trong khu dân cư của tôi, là chuyên đề về Tướng Giáp và chữ “Nhẫn” .
 - Chữ  忍“Nhẫn” trong chữ Hán gồm chữ 刀“Đao” ở trên và chữ 心“Tâm” ở dưới. Đao thọc vào tim mà vẫn sống bình thường là người biết tự kiềm chế, biết nhẫn nhịn lắm - Một cụ nói.
 Cụ khác chữa lại:
 - Trong các loại từ điển Hán - Việt, từ Khang Hi tới Từ Hải, tới Đào Duy Anh đều giải thích: chữ 忍“Nhẫn” gồm chữ 刃“ Nhận”( chứ không phải “Đao” ở trên, chữ 心“Tâm” ở dưới. “Nhận” tức là mũi dao nhọn.
 Giáo sư  Nguyễn Đình Chú, nhà Hán học thâm thuý, nhà sư phạm tài danh, từ nãy chỉ tủm tỉm cười, giờ mới nói:
 - Không phải chữ “Nhận” mà cũng không chỉ có chữ “Đao”. Các vị nhìn tinh ý mới thấy một nét phẩy của bộ 丿“phiệt” dưới chữ 刀 “Đao” không? Đó là chữ 乂(刈)“Nghệ” ẩn. 刈“ Nghệ” tức là tài giỏi, là trị vì, được dân yêu.Vậy chữ “Nhẫn” gồm ba chữ 刀,乂(刈),心“Đao”, “Nghệ”, “Tâm” hợp thành. Giáo gươm đâm vào tim thì đau đớn, nhưng biết cách chế ngự, có tài nghệ vượt qua thì được dân tin, dân yêu…
 Mọi người gật gù tâm đắc, cho là kiến giải cao sâu.
 Một cụ nói:
 - Thế thì chữ 忍“Nhẫn” này hợp với Đại tướng. Nhưng theo thiển ý của tôi, nếu nói về Ông thì chỉ một chữ “Nhân” , tức là chữ Người Viết Hoa là đủ …
 Đợi mọi người ra về, giáo sư Nguyễn Đình Chú kéo tôi lại, nói nhỏ:
 - Hôm qua hội 翹學“Kiều học” bọn mình vừa đến 30 Hoàng Diệu kính viếng Đại tướng. Người đến viếng đông hơn sức tưởng tượng. Ông biết mình đã ghi vào sổ tang thế nào không?
 - Dạ - Tôi không dám trả lời mà chú ý lắng nghe.
 - Tất nhiên ngoài cảm xúc tiếc thương, ngưỡng vọng, lúc ấy tôi chợt nghĩ đến những biến cố lịch sử của đất nước, như Cải cách ruộng đất; Nhân văn giai phẩm; Chiến dịch Mậu thân 1968; Thành cổ Quảng Trị 1972, Cải tạo tư sản ở miền Nam, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, phá nhà Quốc Hội, khai thác Bôxite ở Tây Nguyên  vv…, những sự kiện mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (武元甲大將) không được trực tiếp tham gia, hoặc bị vô hiệu hoá, hoặc có ý kiến không đồng tình... Tôi có viết một câu thế này: “ … Trong những công lao vĩ đại của Đại Tướng với Đất nước, còn có công lao này:  Ông là người đứng ngoài mọi sai lầm của lịch sử”.
 Tôi chắp hai tay lạy vị  giáo sư, hậu duệ của Đại công thần triều Lê, Nguyễn Xí , một nhà Hán học uyên thâm và mẫn tuệ bất chấp tuổi tám mươi.
                                                                           
                                                                    Hà Nội, 9/10/2013
                                                                                HMT 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những điều Trung Quốc và Nga không hiểu


Joseph S. Nye
Phạm Nguyên Trường dịch
Bắc Kinh và Moskva muốn được người ta coi là hấp dẫn nhưng đã thất bại thảm hại.
Khi tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) đăng bài Quyền lực mềm (Soft Power) của tôi vào năm 1990, ai có thể ngờ rằng một ngày nào đó những người như Hồ Cầm Đào hay Vladimir Putin lại sử dụng thuật ngữ đó? Nhưng tại đại hội Đảng vào năm 2007, ông Hồ đã nói rằng Trung Quốc phải gia tăng quyền lực mềm, gần đây Putin cũng thúc giục các nhà ngoại giao sử dụng quyền lực mềm một cách tích cực hơn. Nhưng dường như cả hai ông này đều không hiểu làm sao đạt được mục đích của mình.
Quyền lực là khả năng tác động vào người khác nhằm đạt được kết quả mong muốn. Có ba biện pháp chính: cưỡng ép, bằng tiền hay bằng sự hấp dẫn. Nếu bạn có thể đưa quyền lực mềm của tính hấp dẫn vào kho vũ khí của bạn thì bạn có thể tiết kiệm được cả cây gậy lẫn củ cà rốt. Đối với một cường quốc đang lên như Trung Quốc, nền kinh tế và sức mạnh quân sự đang gia tăng của họ có thể làm cho các lân bang hoảng sợ, buộc họ phải thành lập những liên minh làm đối trọng; chiến lược khôn ngoan, trong đó có quyền lực mềm, sẽ làm cho Trung Quốc trông có vẻ bớt đáng sợ hơn và liên minh đối trọng sẽ kém hiệu quả hơn. Còn đối với một cường quốc đang đi xuống như nước Nga (hay trước đó là nước Anh) thì quyền lực mềm còn sót lại sẽ giúp làm cho cú ngã bớt đau đớn hơn.
Quyền lực mềm của một nước trước hết nằm ở ba nguồn: văn hóa (văn hóa hấp dẫn được những người khác), giá trị về mặt chính trị (khi đất nước giữ những giá trị đó cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài) và chính sách đối ngoại (khi những chính sách này được coi là chính danh và có giá trị đạo đức). Nhưng liên kết những nguồn lực này thành một khối không phải là công việc dễ dàng.
Thí dụ, thành lập Viện Khổng tử ở Manila để dạy văn hóa Trung Quốc có thể giúp tạo ra quyền lực mềm, nhưng dường như họ lại không làm như thế trong bối cảnh khi mà Trung Quốc hăm dọa Philippines về quyền sở hữu dải đá ngầm Scarborough. Tương tự như thế, Putin bảo các nhà ngoại giao của mình rằng “chuyển ưu tiên sang sử dụng quyền lực mềm, tăng cường vị trí của tiếng Nga,” nhưng ông Sergei Karaganov, một nhà khoa học Nga, lại nói rằng sau cuộc tranh cãi với Georgia, Nga đã sử dụng “quyền lực cứng, trong đó có sức mạnh quân sự, vì nước này sống trong một thế giới nguy hiểm hơn nhiều…và vì nước này có ít quyền lực mềm – nghĩa là có ít sự hấp dẫn về xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế.”
Phần lớn quyền lực mềm của Mĩ là do xã hội dân sự chứ không phải chính phũ Mĩ tạo ra, đấy là các trường đại học và các quỹ, Hollywood và văn hóa đại chúng. Đôi khi nước Mĩ còn giữ được một phần sức mạnh mềm của mình là nhờ có một xã hội dân sự có thái độ phê phán và không bị kiềm duyệt, mặc dù hành động của chính phủ xói mòn nó (thí dụ như cuộc xâm lăng Iraq). Nhưng chiến lược khôn ngoan phải là quyền lực cứng và mềm hỗ trợ lẫn nhau.
Trong cuốn sách mới xuất bản, với nhan đề Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc toàn cầu (China Goes Global), David Shambaugh, Giáo sư của đại học George Washington, chỉ ra rằng Trung Quốc đã chi hàng tỉ đô là trong “chiến dịch hấp dẫn” nhằm gia tăng quyền lực mềm của họ. Khác với các nước phương Tây, các chương trình trợ giúp của Trung Quốc cho châu Phi và Mĩ Latin không chỉ giới hạn trong những mối lo lắng về quyền con người. Người Trung Quốc thích hào phóng. Nhưng mặc cho những cố gắng như thế, Trung Quốc chẳng nhận được bao nhiêu. Những cuộc thăm dò dư luận về ảnh hưởng của Trung Quốc cho thấy họ có ảnh hưởng tích cực ở nhiều nước châu Phi và châu Mĩ Latin, nhưng nói chung là tiêu cực ở Mĩ, châu Âu cũng như ở Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngay cả những thành công vang dội của quyền lực mềm, thí dụ như Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, cũng nhanh chóng trở thành tiêu cực. Chẳng bao lâu sau khi những vận động viên cuối cùng ra đi, việc Trung Quốc đàn áp những nhà hoạt động nhân quyền ở trong nước đã làm tiêu mòn quyền lực mềm mà họ vừa thu được. Triển lãm ở Thượng Hải năm 2009 (Shanghai Expo) là một thắng lợi lớn, nhưng ngay sau đó là vụ bỏ tù Lưu Hiểu Ba, người được giải Noble về hòa bình và màn hình trên khắp thế giới chiếu chiếc ghế trống trong lễ trao giải ở Oslo. Có thể Putin hi vọng là quyền lực mềm sẽ được củng cố nhờ Thế vận hội mùa đông ở Sochi, nhưng nếu ông ta tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến thì có lẽ ông ta cũng sẽ thất bại.
Trung Quốc và Nga đã lầm khi nghĩ rằng nhà nước là công cụ chủ yếu của quyền lực mềm. Trong thế giới hiện nay, thông tin thì thừa, nhưng chú ý lại thiếu. Mà muốn được người ta chú ý thì phải khả tín. Tuyên truyền của chính phủ thường ít khả tín. Tuyên truyền tốt nhất là không tuyên truyền gì cả. Mặc cho tất cả những nỗ lực nhằm đưa Tân Hoa Xã và Truyền hình trung ương Trung Quốc thành những hãng cạnh tranh với CNN và BBC, chẳng có mấy người chịu xem hoặc nghe những chương trình sặc mùi tuyên truyền như thế. Như tờ Economist nhận xét về Trung Quốc “đảng không hiểu quan điểm của ông Nye rằng quyền lực mềm có xuất xứ chủ yếu từ các cá nhân, từ khu vực tư nhân, và từ xã hội dân sự. Vì vậy mà chính phủ tìm cách quảng bá những thần tượng của nền văn hóa cổ đại, họ nghĩ rằng những hình tượng đó có thể tạo được sức hấp dẫn trên toàn thế giới.” Nhưng quyền lực mềm không hoạt động theo cách ấy. Như ông Pang Zhongying ở trường Đại học Nhân dân (Renmin University) nhận xét, điều đó chứng tỏ “sự nghèo nàn trong tư duy” của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Sự phát triển của quyền lực mềm không cần phải là một trò chơi có tổng bằng không. Tất cả các nước đều được lợi nếu thấy rằng họ là những nước có sức hấp dẫn lẫn nhau. Nhưng muốn thành công thì trong chính sách, Nga và Trung Quốc phải có lời nói đi đôi với việc làm, phải có thái độ tự phê bình và giải phóng toàn bộ tài năng của những xã hội dân sự của chính họ. Đáng tiếc là chuyện này sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhặt nhạnh:

Những nỗi sợ khi làm Internet

Vì họ chém giỏi lắm, dai dẳng, ác độc. Các bạn luôn biết cách sử dụng 2 vũ khí sát thủ là Phản động và Thuần phong mỹ tục. Các bạn bóp méo cũng giỏi lắm, từ một cái cache trên trang các bạn có thể nói là tàng trữ văn hóa phản cách mạng, từ một link bị sót trỏ tới chỗ xấu các bạn có thể nói là tuyên truyền văn hóa phản cách mạng. Các bạn hạ thủ giỏi lắm, từ một vài chi tiết trong luật pháp các bạn thường gợi ý đóng cửa website, bỏ tù ai đó. Các bạn kiên trì lắm, không chỉ viết các bạn còn làm công văn gửi các cơ quan chức năng bằng được mới thôi. Nhất là khi ngừoi ta không biết đường mà đấm mõm các bạn cho đúng cách.
Tất nhiên là các bạn nhà báo tốt đừng hiểu nhầm đoạn này để nói cả báo giới nhé. Nhưng trong thế giới của các bạn có nhiều người tuyệt vời, nhưng lại có rất nhiều những con sâu làm rầu nồi canh một cách khủng khiếp.
2 – Sợ thứ hai là một vài đối thủ xấu
Vì họ tỉnh đòn lắm. Họ biết cách tìm ra những lỗi trên site của bạn, như đăng một tin rao vặt khiêu dâm, hay post một cái gì đó thật xấu. Chụp màn hình làm bằng chứng và gửi đều đặn cho báo chí và cơ quan chức năng,
3 – Sợ thứ ba là một số thiểu số phá hoại
Vì họ kiên trí lắm. Họ biết cách sửa facebook tiếng Việt thành lời lăng mạ công ty bạn, họ biết cách bám đuổi các diễn đàn nhai đi nhai lại các vấn đề đã xảy ra hàng chục năm, cũng như biết cách chôn rượu vào vườn nhà bạn rồi đi tố cáo.
4 – Sợ thứ tư là sợ chính mình
Vì đôi lúc tham lam lắm, vô tình hoặc cố ý vượt qua một số ngưỡng cho phép để tạo điều kiện cho các bạn (1), (2), (3) xử lý mình
5 – Sợ thứ năm mới là sợ cơ quan quản lý nhà nước
Thực ra thế thôi, chứ thường họ lại rất thân thiện và không chủ ý làm khó mình. Cái khó của họ là bị cơ chế bó tay, buộc phải làm những điều mà chính họ cũng không muốn làm.
6 – Đối thủ, khó khăn lại là cái không đáng sợ, thế mới buồn cười chứ
Nhát cắt blog

Phần nhận xét hiển thị trên trang