Cổ Ngư (CN): Thưa chị, được biết Tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh (trực thuộc Les Editions de la Frémillerie, Pháp) vừa xuất bản tập truyện Nhăn Rúm, gồm 9 truyện của chị viết rải rác từ 1998 đến 2010. Xin chị cho biết những cơ duyên nào đã đưa đẩy cho dự án này được thành hình.
NgH: 40 năm trước, anh Bùi Xuân Quang tình cờ đọc và thích một truyện ngắn của Trần Thị NgH đăng trong tạp chí Vấn Đề (1972) do Mai Thảo và Vũ Khắc Khoan chủ biên. Sau 1975, từ Pháp, anh tìm cách gửi về cho NgH 6000 quan – gọi là giúp đỡ người sáng tác còn ở lại trong nước. Vì dè dặt, tôi không dám nhận. Đời đưa đẩy, sau này tôi được gặp vị mạnh thường quân ở Châtenay-Malabry – nay làm việc cho La Frémillerie; anh cho biết đã từ lâu có ý định in cho tôi một tập truyện, vừa rồi mới thực hiện được.
CN: Tập Nhăn Rúm gồm 9 truyện, trong đó 8 truyện có phụ nữ tuổi trung niên là nhân vật chính, truyện còn lại, “19 x 26.50 cm”, với nhân vật trung tính BẠN (không giới tính, không tuổi, không tên). Đó có phải là những tự truyện, với nhân vật chính, nhân vật phụ phảng phất nét tác giả và những người chung quanh (gia đình, bạn bè, hàng xóm) ? Chị có nhận được phản hồi từ những người này không ? Có ai thắc mắc về sự nhang nhác giống giữa họ và đường nét, vóc dáng hoặc tâm tính một nhân vật nào đó được miêu tả trong truyện của chị không ?
NgH: Những nhân vật này ở đâu và lúc nào cũng có, chỉ là tôi rủ họ bước vào thế giới tiểu thuyết của tôi để cùng… bày hàng một số vấn đề mà tất cả chúng tôi đều quan tâm hoặc ít nhiều có liên lụy. Tác phẩm nào cũng là tự truyện của người sáng tác, trong văn chương cũng như hội hoạ, âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác. Nó phản ảnh chân dung tác giả cùng những con người anh ta kề cận và bối cảnh trong đó anh ta đi tới đi lui.
Ai không thích ở trong đó có thể bước ra, bằng cái cách họ đã bước vô.
CN: Những nhân vật này “bị” chị rủ vào tác phẩm một cách rất bị động. Khi không thích trò chơi của chị nữa, làm cách nào để họ có thể chủ động bước ra ?
NgH: Tôi sẽ… rủ họ ra. Sẽ không ai gặp lại họ nữa. Chỉ còn một hình ảnh để lại làm kỷ niệm, mà hình ảnh thì bây giờ có photoshop rồi. Có thể anh cho là tôi nói phét chứ hầu hết họ đều vui vẻ ở lại chơi và thích gặp lại chính mình trong một bối cảnh và hoàn cảnh khác. Ai cũng thích soi gương. Tôi nè, không có ảo tưởng về bản thân nhưng gặp vũng nước mất vệ sinh cũng soi mặt trong đó, đơn giản chỉ để coi mình vằn vện ra sao.
Nhưng anh đừng lo lắng cho họ quá thế. Lắm người không nhận ra chính họ, bởi có khi tôi chỉ mượn của ông nào đó vỏn vẹn một bộ ria, vì nó đẹp, rồi mang cắm vào cái cằm nhẵn nhụi của một bà. Còn bối cảnh thì, trời, trong truyện “Lọt Xuống Tầng Hầm” tôi hiên ngang bưng trọn một ngôi nhà đồ sộ số 2 đường Maine thuộc Sceaux sang trồng bên đường Molé ở Antony. Không tin kiểm tra sẽ thấy.
Đã gọi là sáng tác thì nhắm mắt tối thui cũng thấy sáng trưng anh ơi!
CN: Văn phong của Trần Thị NgH khác hẳn lối viết của các cây bút nữ Việt Nam cùng thời. Mời chị dùng 10 đến 20 tính từ để tự đánh giá về cách viết của mình.
NgH: Tôi sẽ không để cho bị mắc bẫy trong chủ quan của mình, nên sẽ trích một số tính từ được dùng bởi … chủ quan của người khác.
· Du Tử Lê: mạnh mẽ, lạnh lùng, khô khốc, giễu cợt, ngỗ ngáo, gây gỗ, thiếu bóng cây.
· Thụy Khuê: tỉnh táo, vô cảm, châm biếm, đớn đau, tự trào, hiện sinh, rất mới, rất trẻ.
· Thanh Tâm Tuyền: … “không như Võ Phiến nói về ý, tôi nói về văn, về sự rời rạc, sự tuôn tràn, những nhịp thở, những lỗ trống, nói về dấu phẩy, dấu chấm ; phẩy là đòi đoạn, chấm là chưng hửng lôi tuột luốt như rớt đến trống không đến sợ. Và câu khác trồi lên, kéo lên như một ân huệ, như một phép mầu để lại dìm trong đòi đoạn. Hãy lắng nghe, đừng đọc.”
Anh đếm lại giùm xem có vượt định mức 20 tính từ chưa.
CN: Người phỏng vấn xin được thêm 1 tính từ hay bắt gặp trong các truyện ngắn của chị: tưng tửng.
NgH: Là khùng, phải không ? Đừng trả lời nghe.
CN: Nhìn các tựa truyện “19 x 26.50 cm” và “9m2”, người đọc lại liên tưởng đến căn phòng “bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám” trong truyện “Man Nương” của nhà văn Phạm Thị Hoài. Đây là một sự lựa chọn ngẫu nhiên hay có tính toán của chị ?
NgH: Có một lần tôi táy máy leo lên google tìm truyện “9m2” của mình, được viết năm 2008, xem nó đang lang thang ở đâu, bỗng gặp một nhân vật tên Laurent JACQUA và bài thơ “9m2” của anh ta (“9m2” de Laurent JACQUA, Laurentjacqua@yahoo.fr). Bài thơ cực hay nói về cái phòng giam mà trong đó anh ta phải cầm cự 25 năm (từ 1984 đến 2009). Trong thời gian này anh trở thành blogger nổi tiếng viết từ trong bóng tối nhà tù Poissy. Ra tù, anh vẫn tiếp tục viết blog. Tìm đọc bài thơ “9m2” đi. Độc lắm !
CN: Chị có dùng lại truyện của “Những ngày rất thong thả” (NXB Trí Đăng, 1975, Saigon, in xong chưa kịp xuất bản) trong 2 tập truyện “Tập truyện ngắn Trần Thị NgH” (NXB Văn Nghệ, California, 1999) và “Lạc đạn và 10 truyện ngắn” (NXB Thời Mới, Toronto, 2000) không ? Chị có dự định cho tái bản đứa con tinh thần đầu tiên nhưng… “xấu số” này không ? Chị có thể cho biết chút ít thông tin về tập truyện này không ?
NgH: Tôi bỏ con rất nhiều, trong mấy đứa này có “Giả Thiết”, “Nụ Cười”, “Ao Tù”, “Bươm Bướm và Chó”, “Chủ Nhật”, “Bao Lơn”, “Khoan Điệu”, “Trưa Nắng”, “Nơi Khác”, “Trong Cơn Nhức Mỏi”, “Những Ngày Rất Thong Thả”… Đó là tập truyện đầu tay do nhà Trí Đăng xuất bản, đã hoàn tất mọi bước, chỉ chưa kịp phát hành. Một vài truyện khác trong tập này là các đoạn trích từ truyện dài “Lạc Đạn” – đã được Thời Mới, Toronto xuất bản năm 2000. Mấy đứa có tên vừa kể, nó chết yểu là đáng đời. Có nhiều người cao lớn đang khỏe như văm mà còn lăn đùng ra chết, huống chi là đám con nít chân yếu tay mềm, lại gặp phải thời khí khắc nghiệt. Không phải tôi ghẻ lạnh gì bọn chúng. Để lúc nào hưỡn tôi xem lại, nếu đứa nào có sức cầm cự, đang còn ngo ngoe hấp hối, tôi sẽ hà hơi cho nó sống dậy chơi tiếp để quên đi tuổi thơ dữ dội.
Photo: Cổ Ngư
CN: Tên thật của chị là Trần Thị Nguyệt Hồng. Vì sao chị lại lấy cái bút hiệu úp úp mở mở, nửa hư nửa thực Trần Thị NgH ? Ngoài bút hiệu này, chị còn dùng bút hiệu nào khác để sáng tác nữa hay không ? Nếu có, văn phong của bút hiệu không-phải-trần-thị-ngh có gì khác lạ không ?
NgH: Thú thật tôi không thích có bút hiệu, nhưng tên thật thì hơi dài dòng. Thỉnh thoảng khi viết những bài có tính cách gây gỗ, tùy bút hay ký sự, tôi lấy tên Thọ Diên, tên cúng cơm của ba tôi. Nếu có bị đập, (tên) ông già sẽ đỡ giùm. Tất nhiên ông không hề biết đứa con trời đánh của ông đang làm trò nhố nhăng gì. Cũng may quá, ông qua đời 27 năm rồi.
Văn phong ở những bài viết này? Nếu anh thường ăn phở ở một tiệm – dù có đổi bảng hiệu – rất có thể anh vẫn nhận ra cái vị quen. Tôi cũng có ý nấu mặn hơn một tí hoặc ngọt hơn một tí, nhưng nhiều thực khách dễ tính cứ thấy phở là ăn, ai nấu cũng vậy.
Tuy nhiên, sau tiết lộ ngày hôm nay tôi gỡ bảng hiệu.
CN: Hiện nay, đã có nhiều tác phẩm trước, sau 1975 của các tác giả miền Nam & hải ngoại được in lại và xuất bản trong nước. Vì sao cho đến 2012, chị vẫn không có ý định xuất bản sách tại Việt Nam, dù đang sống và làm việc tại đây ?
NgH: Có chứ ! Tôi luôn luôn thương tội cho đám con không cha. Bấy lâu nay vẫn phải tha chúng đi gửi các nhà trẻ Hợp Lưu, Văn, Thư Quán Bản Thảo; có khi cho ở luôn nội trú Văn Nghệ, Thời Mới, Hồng Lĩnh; hoặc lây lất trong các trại tị nạn Da Màu, Dutule, Đặc Trưng, Ăn Mày Văn Chương, Mượn Dấu Thời Gian… Tuy nhiên, mới vài tháng trước đây thôi trong nước có một… cha tên là nhà xuất bản Phương Nam đang làm thủ tục xin con nuôi. Bọn nhỏ sẽ được nuôi như thế nào thì tôi chưa biết, nhưng nghe nói sắp có cha chúng nó cũng nhảy cà tưng. Chậc, nông nổi, nhưng rõ ràng đã hết muốn mồ côi. Tôi có dặn dò, dù được đối xử như thế nào cũng phải biết ơn người đã có ý cưu mang.
CN: Trong Blog của hoạ sĩ Phan Nguyên “Emprunt Empreinte” (http://phannguyenartist.blogspot.fr/), ngoài truyện viết, người đọc được thưởng thức thêm tranh vẽ & lời nhạc các ca khúc của chị. Có bao giờ chị nghĩ đến việc tổ chức hoặc tham gia một cuộc triển lãm tranh hoặc ra mắt một CD nhạc gồm các ca khúc của chị được thu âm hay không ?
NgH: Hmmm… không. Tôi vẽ tranh để… tạo không khí cho mấy bức tường và làm nhạc để tạo không khí cho ba cái đồ tế nhuyễn quây quần bên trong mấy bức tường.
CN: Trong tranh của chị có nhiều màu thuộc gamme nóng hơn gamme lạnh, có khi hừng hực như bức “Moonrise” chẳng hạn. Trong tên của chị cũng có màu đỏ. Đọc truyện của chị, độc giả có cảm tưởng người viết thuộc mạng Hoả. Điều đó có đúng không ?
NgH: Tôi không biết chi về lĩnh vực này. Qua định mức số tính từ được liệt kê ở trên: lạnh lùng tỉnh táo tưng tửng, lại thích trồng cây và tắm sông tắm giếng, có lẽ tôi thuộc mạng mộc hoặc mạng thủy. Nhưng điều này đâu có ăn thua gì. Anh có viết văn và làm nhạc, thừa biết chữ này dẫn dắt chữ kia, nốt kia lôi theo nốt nọ. Màu sắc cũng thế. Ngoài ra cũng tùy thời kỳ. Mấy ông kẹ đại hoạ sĩ có thời kỳ hồng, thời kỳ xanh vậy sao mình không thể đặt ra thêm thời kỳ đỏ, thời kỳ đen, thời kỳ nham nhám, thời kỳ lang láng, thời kỳ tua tủa, thời kỳ… Thôi, không cà rỡn nữa, làm mất không khí tôn nghiêm của cuộc phỏng vấn.
CN: Xin cảm ơn chị NgH. Mong sẽ sớm được cầm trên tay tác phẩm mới của chị do nhà xuất bản Phương Nam ấn hành.