Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Phỏng vấn tác giả Bia mộ


Tác giả Dương Kế Thăng và tác phẩm "Bia mộ" bản tiếng Hoa.
(Marianne 8-14/09/2012) Trận đói khủng khiếp trong chiến dịch Đại nhảy vọt đã làm cho 36 triệu người chết. Nhà sử học, nhà báo Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) đã dành 15 năm trời sưu tầm, nghiên cứu để viết ra tác phẩm “Bia mộ” nói về thảm kịch này. Tuần báo Marianne đã tiếp xúc với tác giả tại Bắc Kinh.

Năm 1960, Mao Trạch Đông rất được giới trí thức cấp tiến phương Tây hâm mộ. Cùng thời gian đó, tại Trung Quốc đã diễn ra nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Khoảng 30 đến 40 triệu người Trung Quốc, và cũng có thể lên đến trên 50 triệu người, đã chết đói mà thế giới hoàn toàn không biết đến. Đó là hậu quả của chiến dịch công nghiệp hóa thô thiển và cưỡng bức tập thể hóa ruộng đất được gọi là “Bước Đại nhảy vọt”.

Năm mươi năm đã trôi qua. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn cố xóa đi trong hồi ức của đất nước thời kỳ mà Đảng phải cùng gánh trách nhiệm với Mao. Nhưng một nhà sử học Trung Quốc đã chọn lựa tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc về thảm kịch trên. 

Dương Kế Thằng không phải là một nhà ly khai, cũng không phải là một nhà hoạt động chính trị. Xuất thân từ một gia đình nông dân, ông biết được những gì xảy ra xung quanh Đại nhảy vọt và nạn đói tiếp theo sau đó. Năm 19 tuổi, khi cha mình bị chết đói, ông vẫn nhiệt tình phục vụ cho Đảng, và còn sáng tác một bài thơ ca ngợi chiến dịch Đại nhảy vọt. Nhiều năm sau đó, khi trở thành nhà báo, ông mới nghi ngờ, đặt ra những câu hỏi về nguyên nhân thực sự đã gây ra cái chết của người cha.

Các tiểu tướng Hồng vệ binh trong Cách mạng Văn hóa.
Marianne : Ông sống ở Bắc Kinh. Ông có lo ngại sau khi cuốn sách của ông được xuất bản tại Hồng Kông năm 2008 không ? Ông có thể ra nước ngoài để nói chuyện về tác phẩm của mình ?

Dương Kế Thằng : Tôi không bị một áp lực nào hết, và tôi thường xuyên được mời nói chuyện tại các trường đại học Hồng Kông và Mỹ

Từ khi ra mắt đến nay, cuốn sách đã được đón nhận như thế nào ?

Bia mộ đã nhận được nhiều giải thưởng. Cuốn sách được ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo, nhà ly khai Trung Quốc được giải thưởng Nobel hòa bình năm 2010) khen ngợi và đã được hàng trăm bài báo trên báo chí quốc tế đề cập đến. Chúng tôi đã tái bản đến lần thứ tư tại Hồng Kông.

Ông nói về công chúng ở Hồng Kông, Đài Loan hoặc Hoa Kỳ, nhưng còn công chúng Trung Quốc thì sao ? Cho dù bị kiểm duyệt, nhưng sách của ông có đến được với độc giả ở Trung Quốc hay không ? Phản ứng của họ ra sao ?

Đối với những độc giả đã tìm cách đọc được, thì 99% trong số họ cho đây là một tác phẩm quan trọng. Chỉ có một thiểu số rất nhỏ người đọc không tin vào những gì mình đã đọc được. Cuốn sách được tạp chí bán chính thức của cơ quan nghiên cứu lịch sử hiện đại cởi mở đón nhận, so sánh với tác phẩm Đảo gu-lắc của Soljenitsyne. 

Dù bị cấm, sách vẫn được in lậu và bán lén lút, hoặc là những người Trung Quốc khi đi Hồng Kông đã mua và mang về Hoa lục. Một số khi về đến đại lục đã bị kiểm soát, nếu cuốn sách được tìm thấy trong hành lý của họ thì sẽ bị tịch thu. Có thể tìm mua được ở Vân Nam, Tân Cương hay trên đường phố, tại quầy của những người bán hàng lưu động. Internet cũng là một kênh phân phối rất mạnh. Tôi ước lượng có khoảng 100.000 bản sách đang được lưu hành tại Trung Quốc.

Việc một cuốn sách như sách của ông lại được so sánh với Đảo gu-lắc trên một tạp chí chính thức ở Bắc Kinh có vẻ khó tin…Trong trường hợp này, vì sao tác phẩm lại bị cấm ?

Chính Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng đáng buồn này. Trong khi đang nắm quyền, Đảng từ chối việc nghiên cứu cặn kẽ về thời kỳ này của lịch sử. Vẫn có những công nhận về mặt chính thức, không hoàn toàn chối bỏ, nhưng lại khác biệt hiển nhiên so với các nhà sử học, về hai điểm quan trọng.

Trước hết là số người chết trong nạn đói khủng khiếp đó. Theo con số chính thức thì đã có 20 triệu người Trung Quốc chết đói, còn theo ước tính của các nhà nghiên cứu thì tối thiểu là 30 triệu cho đến trên 50 triệu. Tôi thì ước lượng số người chết đói là 36 triệu. 

Điểm khác biệt thứ hai là về nguyên nhân của nạn đói. Đối với chính quyền Bắc Kinh, nguyên nhân chính là do ba năm liên tiếp bị thiên tai, tiếp theo là áp lực của Liên Xô lên Trung Quốc, và cuối cùng mới đến một ít sai lầm chính trị.

Nhưng theo các nhà nghiên cứu thì thời tiết trong ba năm xảy ra nạn đói đều bình thường. Nguyên nhân chủ yếu là từ chính trị, và lý do của các quyết định tai hại này là tính độc tài của chế độ.

Nạn đói vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc,  mà Đảng Cộng sản vẫn muốn chối bỏ trách nhiệm.
Ông nói là Đảng phải nhìn thẳng vào lịch sử để trút bỏ gánh nặng trên vai. Làm thế nào có thể như thế được ?

Nếu Đảng đối mặt với lịch sử và trách nhiệm của mình trong trận đói khủng khiếp, thì điều đó có thể giúp được Đảng trong việc cải cách và chấm dứt hoàn toàn với chủ nghĩa độc đoán, để hướng về dân chủ.

Các nhà lãnh đạo trong Ủy ban thường trực và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc có đọc cuốn sách của ông chưa ? Liệu tác phẩm có gây ảnh hưởng đối với Đảng, có nghĩa là đối với tương lai đất nước ?

Tôi không biết các nhà lãnh đạo cấp cao nhất có được phản hồi về công trình của tôi hay không. Nhưng ngoài kiểm duyệt ra, việc tôi không phải chịu nhiều áp lực cho thấy ít nhiều về thái độ của nhà cầm quyền.

Thái độ này có thể giải thích cho việc ông được hưởng ít nhiều tự do ?

Vâng, nhưng khoảng không gian tự do này có thể nhanh chóng biến mất, vì không có quy định nào rõ ràng cả.

Điều này tùy thuộc vào những diễn tiến và sự lựa chọn trong tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo ông thì trong tương lai gần Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào ?

Tôi khó thể hình dung ra được một sự tiến triển về mặt chính trị. Đặc thù của hệ thống Trung Quốc là tình trạng ban phát ân huệ cho người thân. Trung Quốc ngày nay là một sự kết hợp giữa quyền lực chính trị và chủ nghĩa tư bản, hậu quả của cải cách kinh tế mà không có cải cách Nhà nước. Thế thì làm thế nào có tiến triển được ? Khó lắm.

Rất khó thực hiện được một sự thay đổi về chính trị, tuy nhiên điều này lại rất cần thiết. Tình hình xã hội hết sức căng thẳng. Mỗi ngày tạp chí của chúng tôi đều nhận được nhiều thư khiếu kiện của những nạn nhân bị xử sự bất công, và các vụ nổi dậy vẫn diễn ra thường xuyên trên đất nước. Đối với chính quyền, giữ nguyên trạng không phải là một lựa chọn.

Trên cánh đồng tập thể
Ông từng là phóng viên của Tân Hoa Xã. Trong khi thu thập tài liệu nghiên cứu, ông đã từng được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp nhà báo được quyền tham khảo các tài liệu lưu trữ. Báo chí Trung Quốc đã đón nhận tác phẩm như thế nào ?

Tân Hoa Xã không phải là một khối thống nhất. Một số tuân theo đường hướng chính thức, ca ngợi vinh quang của Đảng. Số khác chỉ trích nhiều về những vấn đề xã hội. Thế nhưng khả năng duy nhất họ có được để biểu lộ chính kiến, là đưa được một tài liệu nội bộ đến cấp lãnh đạo, gợi được chú ý, mà điều này rất đáng thất vọng. Một khi đã về hưu, như trường hợp của tôi, các nhà báo mới được tự do hơn. Đó là những người đã giúp đỡ tôi.

Nhất là có một đồng nghiệp cũ đã giúp tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu. Ông ấy đã đọc cuốn sách khi xuất bản. Là một người liêm chính, ông hỗ trợ tôi trong công việc ; nhưng do rất mao-ít, nên ông cho rằng việc làm của tôi là có hại cho Đảng. Bị giằng xé giữa lương tâm về lịch sử và ý thức hệ được giáo dục xưa nay, ông ấy rất đau khổ.

Ông là đảng viên Cộng sản, vậy ông luôn là người mác-xít ?

Không. Tôi đã ra khỏi Đảng, khi thấy rằng nếu có những yếu tố nhân bản nơi Marx, thì trước hết đó là những ý tưởng được đánh dấu bởi tinh thần hệ thống, với những yếu tố không tưởng. Marx cuốn hút vì ông đứng ngay về phía giai cấp công nhân. Đó là một quan điểm đúng đắn về đạo đức. Người ta có thể tiếp tục nghiên cứu Marx. Nhưng việc áp dụng chủ nghĩa Marx thì có vấn đề vì các yếu tố nguy hiểm, như việc xóa bỏ sở hữu tư nhân. Cách áp dụng của Lênin đã tạo ra một dạng chủ nghĩa chuyên chế, dẫn đến thất bại của nhiều nhà nước.

Nhân viên một khách sạn ở Bắc Kinh xây dựng lò nấu sắt trong Đại nhảy vọt.
Ở Trung Quốc đã áp dụng thế nào ?

Tại Trung Quốc người ta thường tự hỏi đâu là ranh giới giữa Đảng và nhân dân, cứ như là có một cuộc chiến giữa chính quyền và xã hội, trong đó chính quyền là người tấn công còn nhân dân thì tự vệ. Vấn đề là ở Trung Quốc trận tuyến phòng vệ của người dân không hề hiện hữu. Chính quyền xuyên thấu toàn bộ xã hội. Về lịch sử thì độc tài là đặc trưng của hệ thống đế quốc, còn với Đảng, cái cách ý thức hệ được ghép với quyền lực đã cho phép với tay ra không hạn định.

Dưới thời Mao Trạch Đông, có Nhà nước nhưng không có xã hội, có tập thể nhưng không có cá nhân. Ví dụ cụ thể là tình trạng người nông dân dưới chế độ Mao. Họ phải chịu vô số kiểm soát, từ chế độ tem phiếu cho đến việc đi đâu cũng phải xin giấy phép, khiến cho suốt cả đời mình, người nông dân không thể đi xa khỏi cánh đồng hơn 50 km. Họ bị đóng đinh trên mảnh đất.

Hậu quả của sự cô lập này trong chiến dịch Đại nhảy vọt hết sức bi đát. Thông tin không hề đến tai, cực ít người biết được những gì đang diễn ra trên toàn quốc. Bản thân nông dân là những nạn nhân đầu tiên, cũng không ý thức được tầm cỡ của nạn đói. Khi cha tôi qua đời trong trận đói lịch sử ấy, chúng tôi vẫn coi đây là chuyện buồn riêng của gia đình. Chúng tôi không biết thảm kịch này có liên quan đến sai lầm của chế độ và các chính sách của lãnh đạo.

Khi cha ông mất đi, ông đang là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản. Ông tin vào chủ nghĩa cộng sản và tham gia tích cực vào chiến dịch Đại nhảy vọt. Ông đã mở được mắt về thực chất của chế độ vào lúc nào ?

Đó là cả một quá trình lâu dài. Tôi nghĩ rằng yếu tố quyết định là ngày 4 tháng Sáu năm 1989 (1). Nhưng việc này bắt đầu từ trước, trong cuộc Cách mạng Văn hóa (2) mà theo tôi, đã vạch trần các cán bộ Đảng. Những lá thư tố cáo đã đập tan sự sùng bái tôi vẫn có đối với các lãnh tụ. Đó là một sự giải thoát. Cách mạng Văn hóa đã làm rung chuyển mạnh mẽ Trung Quốc và quyền lực của Đảng. 

Chính Đảng đã nhìn nhận điều trên, vì sau này đã nêu ra ba cuộc khủng hoảng do thời kỳ đó gây ra. Trước hết là khủng hoảng niềm tin đối với Đảng, thứ hai là khủng hoảng niềm tin cách mạng, và thứ ba là khủng hoảng hy vọng vào tương lai. Đối với tôi, về ngắn hạn thì Cách mạng Văn hóa là một thời kỳ khủng hoảng, nhưng về lâu về dài là một sự giải phóng.

Phiên tòa xử "Bè lũ bốn tên"
Còn Mao, ông đã ngưng coi ông ta là một vị thánh từ bao giờ ?

Dần dần từng bước một, sau khi Mao chết. Nhưng Mao Trạch Đông vẫn là nhân vật trung tâm của chế độ. Những bài diễn văn chính thức luôn cho là Mao đã phạm một số sai lầm nhưng không ảnh hưởng đến công trạng của ông ta. Còn về Cách mạng Văn hóa chẳng hạn, thì chính « Bè lũ bốn tên » (3) đã lợi dụng những sai lầm cá nhân của Mao để đưa xã hội đến tình trạng hỗn loạn, chứ Mao Trạch Đông không trực tiếp liên can. Có một sự gắn kết tư duy tập thể nhằm duy trì hình ảnh của Mao, chủ nghĩa Mao vẫn là cột trụ của chính quyền Trung Quốc.

(1) Thời điểm đàn áp đẫm máu sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn.
(2) « Đại Cách mạng Văn hóa giai cấp vô sản » đã tàn phá Trung Quốc từ 1966 đến 1976.
(3) « Bè lũ bốn tên » tức Tứ nhân bang, gồm : Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn, bị bắt và đưa ra xét xử sau khi Mao chết.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tình yêu và sự chết

Hai mẹ con ngồi bên quan tài của người cha đã chết, nắp quan tài không đóng.

Con: Mẹ ơi, phải đưa cha đi mai táng thôi.
Mẹ: Mẹ không muốn, mẹ không thể rời xa ông ấy.
Con: Trông cha buồn thảm quá.
Mẹ: Con nhầm đấy, cha vui khi được ở bên mẹ.

*

Con: Cha bắt đầu trương lên rồi mẹ ạ.
Mẹ: Da mặt ông ấy vẫn đẹp lắm.
Con: Mẹ có thể gọi như thế là đẹp ư?
Me: Con sao vậy? Cha con là người đàn ông đẹp nhất trên đời.

*

Con: Cha bốc mùi rồi mẹ ơi.
Mẹ: Đâu, con tưởng tượng ra đấy thôi.
Con: Sự thực là cha đang bốc mùi.
Mẹ: Ta phải nhìn những điểm đáng yêu của ông ấy.
Con: Con sợ nếu mẹ cứ để cha mãi thế này rồi đến lúc mẹ có cố cũng không yêu được cha nữa.
Mẹ: Cha con đẹp lắm, sao con dám ăn nói như vậy?

*

Con: Cha có giòi rồi đó mẹ.
Mẹ: Đừng nhìn chúng. Con không yêu cha con ư? Nỡ bạc bẽo vậy sao con?
Con: Nếu mẹ chôn cha lúc cha vừa mất, mẹ sẽ yêu cha hơn.
Mẹ: Lúc nào mẹ cũng yêu như lúc nào. Không có gì lay chuyển được tình yêu của mẹ.
Con: Mẹ ơi, có một con giòi đang bò trên tai mẹ. Mẹ sẽ ốm mất thôi.
Mẹ: Nó là của cha con đấy. Trời ơi, chắc ông ấy muốn nói gì đó với mẹ.
Con: Có lẽ cha chỉ muốn được yên nghỉ dưới mồ thôi. Thế này có phải chúng ta đang hành hạ cha không?
Mẹ: Con không hiểu gì cả. Cha muốn gần mẹ.
Con: Mẹ nhìn cha một chút xem, lúc này có lẽ cha chỉ muốn đến chỗ của cha thôi.
Mẹ: Chỗ của cha là ở đây, cùng với hai mẹ con ta.
Con: Không mẹ ơi, cha cũng như mọi người thôi, cha muốn mồ yên mả đẹp.
Mẹ: Không đâu con, cha con không giống mọi người, cha là người đàn ông đặc biệt. Vì thế mà mẹ mới yêu cha đến như thế này. Trời ơi, mẹ không thể rời xa ông ấy.

*

Con: Người ta sẽ nghĩ là chúng ta điên mất thôi.
Mẹ: Kệ người ta. Người đời thì biết gì về tình yêu. Kệ họ!
Con: Mẹ đang sốt, mẹ ốm thật rồi.
Mẹ: Mẹ khoẻ lắm. Sức mạnh tinh thần là thứ người ta không thấy được.

*

Con: Cha chảy nước kìa. Chúng ta không thể để ông ấy như vậy được nữa đâu.
Mẹ: Con yêu, không có gì làm thay đổi hình ảnh của cha con trong lòng mẹ.
Con: Nhưng trong quan tài cha thay đổi nhiều lắm rồi đó mẹ ơi. Mẹ nỡ nhìn cha như vậy ư? Mẹ yêu cha mà nỡ để cha như vậy ư?
Mẹ: Cha biết mẹ yêu cha.
Con: Con xin mẹ, hãy để cha ra đi thanh thản.
Mẹ: Cha sẽ thanh thản khi biết mẹ yêu cha đến mức nào.

*

Con: Mẹ không thể yêu cha theo cách này. Đó đâu phải tình yêu.
Mẹ: Con thì hiểu gì về tình yêu! Con cứ học cách yêu của mẹ, sau này sẽ không người tình nào bỏ con.

*

Con: Mẹ yêu thế này thì cha sẽ đau khổ lắm.
Mẹ: Mẹ yêu như vậy để cha không thể chết được.
Con: Cha chết rồi. Chỉ còn là cha được yên ổn trong mộ hay phải phơi thây như thế này thôi mẹ ơi.
Mẹ: Mẹ biết cha hài lòng với tình yêu của mẹ. Con nhìn xem, gương mặt ông ấy sáng ngời.
Con: Mẹ không thấy mặt cha đầy giòi sao?
Mẹ: Con không thấy vầng sáng quanh đầu ông ấy ư?

*

Con: Vì sao cứ nhất định phải như thế này hả mẹ ?
Mẹ: Con vẫn không hiểu ư : vì mẹ yêu cha.
Con: Được yêu như vậy thật là kinh khủng.
Mẹ: Được yêu là hạnh phúc lớn nhất trên đời này.
Con: Mẹ đừng yêu con như thế, được không ?
Mẹ: Con nói gì? Con là con của mẹ, sao mẹ lại không yêu con cho được!
Con: Mẹ đừng yêu con.
Mẹ: Từ chối tình yêu ư? Đừng bao giờ từ chối tình yêu, con sẽ chỉ còn bất hạnh.
Con: Con sợ. Con sợ tình yêu.
Mẹ: Thôi nào con! Người ta không thể sống mà không có tình yêu, con biết đấy.
Con: Người ta có thể chết mà không có tình yêu không?
Mẹ: Chết trong tình yêu mới thật là một cái chết mãn nguyện con ạ.

*

Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này?
Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư?
Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống giòi trên tay mẹ kia.
Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ.

*

Mẹ: Con ơi, sao thế này? Tỉnh dậy đi con! Trời ơi, người con toàn là giòi. Thở đi! Thở đi nào! Con ơi, nhìn mẹ đây... Thở với mẹ đây... đừng nhắm mắt nữa... đừng nín thở nữa... đập đi nào tim ơi... Sao lại thế được cơ chứ? Nhìn mẹ đi... thở đi...

Từ Huy


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHÍNH BLOG – TÀ BLOG VÀ nhà văn KIM DUNG.


Trịnh Kim Thuấn


THẾ SỰ THĂNG TRẦM , QUÂN MẠC VẤN !

Lớn tuổi rồi : ăn, ngủ, nghĩ ngơi đi, việc đời cứ để trôi qua, nhanh cũng được, chậm cũng không sao ……..

- Nhưng cái vụ ở Thanh Hóa : 1 công ty sản xuất thuốc trừ sâu chôn hóa chất độc hại suốt mười mấy năm liền, gây ung thư cho dân 2 xã phía hạ nguồn, dân gởi đơn khiếu nại liên tục, mấy mươi đoàn thanh, kiểm tra … Công ty nầy có hệ thống xử lý môi trường tốt, đạt… các đơn khiếu nại đó không đúng sự thật, tầm bậy, tầm bạ. Công ty nầy vẫn tiếp tục công việc của mình ……….

Không thể chịu nổi, dân chúng tràn vào khuôn viên của Công ty : đào , bới thì … ôi thôi… khủng khiếp … việc nầy chính blog có, tà blog cũng có.

- Miền Bắc chịu 1 cơn lũ lớn, chết mấy mươi người, trong số nầy có cô giáo Lý Thị Hồng ở Sàng Ma Sáo bị lũ cuốn…(Cơm có thịt của Trần Đăng Tuấn) thử hỏi đây là thiên tai hay nhân tai ? Rừng đầu nguồn bị tận diệt, nguồn nước thì cạn kiệt …. Khai thác khoáng sản vô tội vạ …. Thủy điện nhỏ tràn lan, chủ đích là tận diệt rừng….

Đừng trach ông Trời quí vị ạ ! Ông ta đâu có ra lệnh phá rừng đâu ?

Vụ thảm sát ở Thái Bình, mấy mạng người …. Chỉ vì đất đai… Buồn quá !

Bỏ qua đi : QUẲNG GÁNH LO ĐI, MÀ “CỐ” SỐNG (xin lỗi cụ Nguyễn Hiến Lê  nhé ! )

Đi tìm anh Tranhung 09, gặp bài Chính blog và Tà blog của Nguyễn Đại, viết hay và vui…vui …..

Mạn phép mạn đàm với Nguyễn Đại :

Trong truyện TIẾU NGẠO GIANG HỒ của Kim Dung, chia 2 phe (lúc nào trên thế giới nầy đều có 2 phe, trong gia đình tôi cũng thế !) Chính giáo và Ma giáo. Nhưng phe Ma giáo : Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại… đâu có chịu mình là ma giáo, tà giáo đâu , mà xưng là Minh giáo. Nhưng Chính, Tà thì không phân biệt được, đến cuối truyện mới rõ. Cái hay của ông Kim Dung là ở nơi nầy .

Nhà văn Kim Dung viết truyện nầy từ năm 1967 đến cuối năm 1969 mới xong, viết hàng ngày trên tờ Minh Báo ở Hồng Kông. Các nhân vật chính trong truyện là biểu tượng cho 1 nhân vật chính trị cao cấp thời ấy : Nhậm Ngã Hành , Nhạc Bất Quần là ……. Trên chính trường Trung quốc .

Được 1 điểm là phe Ma giáo giết người là nói giết người, không hề chối tội, còn các Chưởng môn Ngũ Nhạc kiếm phái thì giết người nhiều hơn hết, giết xong đổ lỗi cho người khác ,kể cả đồng môn, đồng đạo… cả những người thân tín nhất, nạn nhân  là những người thân thích với họ nhất : Ninh phu nhân (vợ Nhạc Bất Quần),  Lâm Bình Chi …

Ông Nguyễn Đại dẫn chứng các nhân vật phe Chính giáo : Dư Thượng Hải, Diệt Tuyệt sư thái …. Ma giáo lại đầy ấp những Hướng Vấn Thiên, Dương Tiêu, Lệnh Hồ Xung ….

Xin mạn đàm : Chinh Blog những kẻ ĐẠI TIỂU NHÂN phải là : Nhạc Bất Quần (biệt danh là Quân tử kiếm), Tã Lãnh Thiền, Dư Thượng Hải …. Định Nhàn, Định Dật chưởng môn phái Hằng Sơn  là người tốt, chỉ hơi khó tánh mà thôi, bà ta bị gian kế của Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần … trước khi chết giao phó chức Chưởng môn phái Hằng sơn cho Lệnh Hồ Xung , 1 quyết định vô cùng sáng suốt, không có tiền lệ của phái Hằng Sơn……. Phái võ nầy từ khai lập phái đến nay đều là nữ giới .

Tà blog lại đầy ấp những Hướng Vấn Thiên, Dương Tiêu, Lệnh Hồ Xung…. Phải kể thêm Khúc Dương trưởng lão, Lưu Chính Phong nữa chứ ! truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ bắt nguồn từ 2 nhân vật nầy, còn Dương Tiêu và Duyệt Tuyệt sư thái thì nằm ở Ỷ Thiên-Đồ Long ký ……..

……….”Ở thời kỳ 1950, phe Chính phái có ưu thế tuyệt đối là tha hồ “trói tay đối thủ, rủ đánh boxing”. Bây giờ thế giới nầy ngày càng phẳng hơn, internet nó đem lại công bằng (mặc dù Tà blog vẫn thua thiệt ít nhiều do bị chặn). Tiên sư Internet……..”  NGUYỄN ĐẠI 9/2013 …………

Tôi có đề nghị nho nhỏ : thay vì gọi Tà blog, bắt chước ông Kim Dung gọi là Minh blog, thì dù có thua thiệt, hoặc sập tiệm cũng tự an ủi phần nào ! Qui vị xem sao ?

HOAN HÔ : CHÍNH BLOG : MUÔN NĂM TRƯỜNG TRỊ. NHẤT THỐNG GIANG HỒ .

13/9/2013    TRỊNH-KIM-THUẤN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Đừng để khi quá muộn, trường hợp ông Lê Đức Thọ


MINH Diện

Ông Ung Văn Khiêm, con trai thứ cụ Ung Văn Tre*, quê huyện Chợ Mới, An Giang. Cụ Ung Văn Tre là người đầu tiên đến Chợ Mới khai khẩn đất hoang, lập trang ấp, người xưa gọi cụ là ông Chủ Tre.
Trong cuộc khởi nghĩa Trương Định 1862-1864, Chủ Tre đóng góp nhiều của cải và trực tiếp tham gia nghĩa quân chống thực dân Pháp. Cụ có người con trai nổi tiếng thông minh là Ung Văn Khiêm.
Với truyền thống yêu nước, Ung Văn Khiêm đã tham gia chống Pháp khi còn đang học ở trường College de Cantho. Dù là một công tử con nhà giàu, một trong hai học sinh giỏi nhất, được cấp học bổng toàn phần, nhưng Ung Văn Khiêm đã tổ chức bãi khóa và tham gia biểu tình biểu tình liên tục.
Năm 17 tuổi, ông theo thầy Châu Văn Liêm dấn thân hoạt động cách mạng. Ông đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, làm tới chức Uỷ viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao.
Ông Lê Đức Thọ những ngày cuối đời
Ông từng bị Trưởng ban tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ và phe phái trù dập thẳng cánh, vu cho tư tưởng xét lại và những chuyện oan trái, gây bao nhiêu cay cực. Với tính khí nghĩa hiệp được truyền lai của “người mở đất” ông về làm dân không chịu cúi đầu.
Không biết có phải do lương tâm bị day dứt không, mà Lê Đức Thọ đã tìm gặp Ung Văn Khiêm vào lúc cuối đời.
Đầu năm 1991, tôi đến thăm cụ Ung Văn Khiêm, cụ kể cho nghe câu chuyện sau đây:
Một buổi sáng năm 1978, tôi đang chăm đàn heo thì bà vợ báo có ông Sáu Thọ tới thăm. Trời đất ơi, sao tự nhiên thằng cha mắc dịch tới thăm vào giờ này? Thôi kệ , tắm cho heo đã!
Tắm heo xong, lên thấy ông Sáu Thọ đang thơ thẩn ngoài sân. Ông cười bắt tay tôi, nói:
– Hôm nay tôi tới mời cụ ra giúp việc cho dân cho nước !

Trời đất ơi, lại chơi trò gì nữa đây! Tôi nghĩ vậy và nói thật lòng:

– Ông không sợ thằng cha xét lại làm hỏng việc của Đảng sao?

Ông Lê Đức Thọ vỗ vai tôi:

-Thời bình cần có người liêm chính như cụ!

Tôi nhìn ông Sáu Thọ vẫn như xưa, da mặt tai tái, miệng cười nhếch nửa mép, mắt nhọn như kim, một khuôn mặt sắc lạnh không có tình người. Tôi nói:

– Nếu đất nước còn chiến tranh, ông giao việc gì tôi cũng làm. Bây giờ hòa bình rồi, tôi đã có tuổi, được ông cho nghỉ việc đã lâu, nhảy ra làm người ta nói tôi tham quyền cố vị. Vậy xin ông miễn cho!

Ông Lê Đức Thọ cười, nắm tay tôi, nói:

– Tôi có gì không phải mong cụ bỏ qua cho!

Tôi nói:

– Tôi mừng vì ông nói được câu ấy! Với ông là chuyện nhỏ! Nhưng còn với đất nước?

Ông Lê Đức Thọ nói nhỏ nhẹ:

– Thôi thì để cho lịch sử phán xét!

Trần Bạch Đằng, một nhà báo có tài, và là một chính khách, từng làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam. Ông là một trong những người bị Lê Đức Thọ ghét, “đì” tới số. Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Trần Bạch Đằng bị Lê Đức Tho đẩy sang Cu Ba, không cho tham dự, đồng nghĩa với việc loại khỏi danh sách nhân sự.

Ông Trần Bạch Đằng có lần kể lại câu chuyện sau đây với tôi và nhà thơ Văn Lê:

Một buổi sáng tao đang ngồi viết trên lầu thì con cháu vào nói: “Chú Tư có bác Sáu Thọ tới thăm!”. Tao nghĩ chắc con nhỏ nhầm. Xưa nay người ta tìm tới Sáu Thọ qụy lụy chớ cha ấy thèm tới ai ?

Nhưng khi xuống thỉ thấy đúng là Sáu Thọ. Cha đứng ngoài cửa, không vô nhà. Tao giựt mình vì mặt Sáu Thọ nhợt nhạt không còn thần sắc. Kiểu này chắc không được bao lâu nữa!?

Sáu Thọ nhích mép cười, nói:

– Tôi biết cậu là người có tài. Ngày đó nếu cậu đến tôi, nói với anh Sáu vài lời, thì cậu chắc chắn là Ủy viên Trung ương khóa IV, là Ủy viên Bộ chính trị. Nhưng cậu là con ngựa bất kham, không điều khiển được.

Dừng một khá lâu, ông Lê Đức Thọ mới nói tiếp, không suồng sã thân mật như trước mà giọng trầm xuống, khách sáo và như nhắc nhở:

– Tôi được biết anh đang viết một quyển sách nói nhiều chuyện về tôi. Hôm nay tôi tới xin anh một điều, khi tôi còn sống anh đừng xuất bản quyển sách đó. Sau khi tôi chết, con người tôi lịch sử sẽ phán xét.

Nghe Sáu Thọ nói vậy, tao trả lời ông:

– Quyển sách đã in rồi, nhưng anh nói vậy, tôi sẽ hủy!

Có lẽ ít người biết những câu chuyện như thế về “trái tim thép” Lê Đức Thọ, người từng thừa nhận mình là “Trần Thủ Độ” của Đảng cộng sản ViệtNam. Bao năm uy quyền tập trung trong tay ông, những kẻ khéo nịnh bợ được vinh thân phì gia, những người không chịu cúi luồn bị bạc đãi, bao nhiêu người từng bị đày đọa không ngóc đầu lên được.

Những tưởng con người ấy kiêu hãnh suốt đời?

Nhưng khi quyền lực đã rời bỏ mình thì hiện hữu lại là một tấm thân mềm yếu, “trái tim thép” hình như bị nhũn ra như bùn. Không hiểu vì lương tâm thức tỉnh hay vì nguyên nhân gì, chỉ biết 6 tháng sau buổi gặp ấy, ông Lê Đức Thọ qua đời. Ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, nơi dành cho những cán bộ cao cấp nhất của Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, nhưng nghe nói sau đó gia đình phải chuyển về quê!?

M.Gaddafi, “Vua của các vị vua” từng tàn sát 200.000 người, và những ngày tháng cuối cùng của chế độ độc tài, đã giết hại 23.000 người, bắt bỏ tù 50.000 người không ghê tay, mà mềm yếu đến đê hèn khi quỳ lạy người lính: “ Xin đừng bắn tôi!”.

S. Husen, ria mép giống hệt ria Stalin, nổi tiếng độc tài khát máu, phút cuối cùng còng lưng rụt đầu vào cổ chiếc áo sơ mi trắng, ôm quyển kinh Koran, miệng lảm nhảm xin tha chết.

Nicolae Ceausecu, Chủ tịch đảng cộng sản Rumnia, từng mệnh danh “Conducator” – Lãnh tụ tối cao “Geniul din carpati” – Thiên tài, đã quỳ khóc sướt mướt khi bị bắt trên đường trốn sang Nga, và sau đó cả hai vợ chồng đều bị xử bắn sau một phiên tòa kéo dài hai tiếng đồng hồ.

Hơn 2.500 năm trước Đức Phật Thích Ca đã cho ra đời triết lý Vô Thường, và hình như thuyết Tương đối của Albert Einstein cũng dựa trên ý tưởng ấy. Đừng ảo tường chế độ tồn tại vĩnh viễn, quyền lực trong tay mình là tuyệt đối, kẻo hối không kịp.

Ông Lê Đức Thọ là một con người đầy bản lĩnh, nhiều tham vọng, đa nghi và rất thủ đoạn.

Ông sinh năm 1911 tại Nam Trực, Nam Định, từng tham gia bãi khóa , dự lễ tang nhả chí sỹ Phan Chu Trinh và hoạt động trong phong trào học sinh yêu nước nên bị Pháp bắt giam hai lần (1936, 1944).

Ông từng làm Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Xứ ủy Nam Kỳ (1948-1954). Nhưng chức vụ mà ông giữ lâu nhất là Trưởng ban tổ chức Trung ương. Ngay cả khi làm Bí thư Thường trực ông vẫn kiêm Trưởng ban tổ chức.

Người ta nói Lê Đức Thọ là người tạo ra bộ máy lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam suốt bốn thập kỷ (1954-1994) và cho tới bây giờ vẫn còn gốc gác ấy. Người ta còn nói ông thường vận dụng “Nhân tướng học” để chọn cán bộ, và bất kỳ ai trái ý ông đều trở thành nạn nhân, tiêu biểu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông chuyên trách công tác Tổ chức Đảng, nhưng khoái cầm quân, ham chiến đấu, xông vào chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 và tấn công đánh đuổi Polpot trên đất Campuchia 1-1979.

Ông Lê Đức Thọ nổi tiếng trong vai trò Cố vấn tối cao cho phái đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Pari, ông đã từ chối nhận một nửa Giải Noben hòa bình với tiến sỹ Kissinger.

Ông mất ngày 13-10-1990 để lại nhiều tiếng tốt, không ít điều xấu, nhưng, như ông nói, hãy để cho lịch sử phán xét.

Tôi chỉ kể lại hai mẩu chuyện có thật tôi được nghe, như một chi tiết nhỏ trong cuốn lịch sử chưa viết về ông Lê Đức Thọ.

Khi con người nắm quyền lực trong tay, phần vì hãnh tiến, phần sợ bị kẻ khác tước đoạt hoặc lợi dụng, trở nên đa nghi, tàn nhẫn, đôi khi mê muội, mất cả lương tâm, hại cả bạn bè người thân.

Những con người đó đều sẽ rơi vào trạng thái bi kịch, hụt hẫng khi quyền lực tuột khỏi tay, mà không ai tránh khỏi.

Con chim sắp chết hót hay, con người sắp chết nói thật, hình như rất đúng với trường hợp ông Lê Đức Thọ. Tôi được biết trước khi mất ông gặp nhiều người chứ không riêng ông Ung Văn Khiêm và Trần Bạch Đằng.

Minh Diện

------------------------

* Chỗ này tác giả nhầm, ông Ung Văn Khiêm là cháu nội cụ Ung Văn Tre, không phải con thứ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lai chuyen cu Giap:

Vài nét phong thủy nơi Đại tướng an giấc ngàn thu:
VÌ SAO TƯỚNG GIÁP CHỌN MŨI RỒNG -VŨNG CHÙA LÀM NƠI AN GIẤC NGÀN THU?

Nhà giáo Lê Quốc Châu 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không những là một bậc vĩ nhân khi còn sống mà còn là một bậc thánh nhân khi đã qua đời. Việc đánh bại quân đội tối tân của các cường quốc năm châu như Nhật, Pháp và Mỹ, góp phần chia lại trật tự thế giới đã minh chứng hùng hồn ông là một bậc vĩ nhân khi còn sống. Việc chọn Mũi Rồng-Vũng Chùa nằm trung tâm của Trường Sơn Bắc, nơi có dãy Hoành Sơn hướng ra biển Đông và Thái Bình Dương rộng lớn làm nơi an giấc ngàn thu cho thấy, ông là một bậc thánh nhân khi đã qua đời.

Việc chọn Mũi Rồng-Vũng Chùa làm nơi an nghỉ vĩnh hằng thể hiện nhân sinh quan hơn người, cái tầm rộng lớn, cái tâm bao la của Đại tướng.

1. Về mặt phong thủy

Xưa nay các bậc đế vương, hiền nhân quân tử đều rất coi trọng thuật phong thủy trong xây nhà, chọn đất đóng đô, xây dựng đền đài, lăng tẩm, chọn đất an nghỉ vĩnh hằng. Theo thuật phong thủy phương Đông, một thủ đô bền vững, một ngôi nhà thịnh vượng, một khu lăng mộ phát lộc cho con cháu đều phải hội đủ 3 yếu tố: bối sơn, diệp thủy, hướng dương. Bối sơn = dựa lưng vào núi, diệp thủy = trước mặt là nước, hướng dương = hướng ra phía mặt trời, hướng ra biển lớn…

- Bối sơn: Việc Đại tướng chọn Mũi Rồng – Vũng Chùa, vùng đất ngọa hổ tàng long, voi chầu hổ phục, đầu dựa vào núi Hoành Sơn, một nhánh đâm ngang của dãy Trường Sơn Bắc hùng vĩ. Phía bắc là dãy nũi cao Tây Nghệ An, ở giữa là các dãy đá vôi Quảng Bình và vùng đồi thấp Quảng Trị, phía Nam là vùng núi Tây TT-Huế.

- Diệp thủy: Trước mặt lăng Đại tướng gần nhất là Vũng Chùa, xa chút nữa là biển Đông rộng 3,477 triệu km2, xa khơi là Thái Bình Dương rộng lớn, là APEC, là năm châu bốn biển. Mộ ông gối đầu vào dãy Trường Sơn Bắc ( đoạn sau sẽ lý giải vì sao ông không chọn Trường Sơn Nam). Chân của Đại tướng đạp lên 3 hòn đảo vững thế kiềng 3 chân: Hòn Yến, Hòn Gió, Hòn La; xa hơn là hai chân ông gác lên 2 quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

- Hướng dương: Mũi Rồng-Vũng Chùa theo các sách dư địa chí có hướng đông nam, hướng xuống các nước Đông Nam Á biển đảo.

Việc chọn đất đóng đô của Quang Trung-Nguyễn Huệ, của các vua chúa nhà Nguyễn tại Phú Xuân thuận theo thuật phong thủy này.

Như vậy, việc chọn Mũi Rồng-Vũng Chùa là một lựa chọn tuyệt vời xét về mặt phong thủy.

Mặt khác, cũng theo phong thủy, người người Việt thương quan niệm rằng “tụ thủy tụ nhân”. Vũng Chùa là một vùng biển tụ thủy hiếm có. Việc các vua Hùng chọn đất Phong Châu-Phú Thọ, (ngã ba sông) để đóng đô  hay gần đây nhất, tỉnh Hà Tĩnh cũng chọn ngã ba bến Tam Soa để xây khu lăng mộ Trần Phú-TBT đầu tiên của đảng cũng theo thuật phong thủy “ tụ thủy tụ nhân”.

Xét về mặt phong thủy thì việc Đại tướng chọn Mũi Rồng-Vũng Chùa là việc không phải bàn cãi nữa. Nó quá đẹp, quá chuẩn. Bây giờ, chúng thử bàn đến yếu tố thứ hai, bên cạnh phong thủy, yếu tố quân sự.

2.  Về mặt quân sự

Vì sao Đại tướng chọn nơi an nghỉ là dãy Bắc Trường Sơn, chính giữa đất nước mà không phải là Nam Trường Sơn, nơi Trung Quốc đang giúp ta khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên? 

Vì sao Đại tướng lại chọn ngọn núi Hoành Sơn, một nhánh đâm ngang của dãy Bắc Trường Sơn để an giấc, nơi có hàng vạn người Đài Loan-Trung Quốc (Tập đoàn Fomosa) đang làm việc trong KKT Vũng Áng? 

Nên nhớ tướng Giáp là một thiên tài quân sự, việc người chọn Mũi Rồng-Vũng Chùa không thể tách rời nhãn quan chính trị, quân sự lỗi lạc của ông. Có nhà văn Việt Nam cho rằng, vùng Đèo Ngang (Vũng Áng- Hòn La) là một tử huyệt về quân sự mà bao lâu nay Trung Quốc đã dòm ngó. Nếu chúng xâm lăng Việt Nam thì đây là vị trí bị tấn công đầu tiên để cắt đôi nước Việt Nam. Điều này không phải là không có lý. Có khi, Đại tướng ngầm chỉ con cháu lo về canh giữ vùng đất yết hầu này. Bởi vì, phía Bắc, chúng ta có 1400km đường biên giới giáp với Trung Quốc, từ Móng Cái đến A-pa-chải. Phía Nam, hàng vạn người Trung Quốc đang làm việc trong các mỏ Bô-xít Nhân Cơ, Tân Rai (Tây Nguyên). Ở chính giữa Tổ quốc, hàng triệu người Đài Loan-Trung Quốc thuê đất làm việc ở Vũng Áng ( Hà Tĩnh) nghe đâu lên đến thời gian 70 năm.

Tướng Giáp rất hiểu được việc đổi bạn thành thù năm 1979 ở biên giới phía Bắc. Tướng Giáp đã từng can gián chính phủ không được cho Trung Quốc khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên dù trong bất cứ giá nào. Vì vậy, việc ông chọn Hoành Sơn làm nơi an giấc, xét về mặt quân sự là một lựa chọn rất đáng lưu ý.

Lê Quốc Châu



Phần nhận xét hiển thị trên trang

MIẾNG ĂN HAY LÀ CHUYỆN TÀO LAO THỜI SAU OÁNH NHAU.

HTH
Trời mưa, chẳng đi chụp đào mới chụp phố được. Định chui ngược lên giường thì Gã Đầu Bạc lại bảo hết tuổi rồi, làm thế đau lưng chết. Dọ dẫm Phây búc đọc được cái chuyện nhỏ về tình nghĩa bạn bè của ông cậu bác Tùng Giang Phan, ngắn mà rất cảm động. Lướt các báo lại gặp nhiều tin bài về  chuyện rọ rẫm nhau giữa Đà nẵng và TTCP. Tự nhiên lại nhớ đến câu chuyện tiếu lâm nghe đã rất là lâu, chép lại giết thời gian…


Năm 1973, sau khi hiệp định Ba-di về Việt nam được ký, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt nam. Bà con từ nơi sơ tán lục tục trở về Hà nội. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, sụt sịt…sụt sịt…Mọi việc còn bộn bề, nhưng màn ăn mừng gặp mặt là không thể bỏ qua. Thời buổi khó khăn, bữa tiệc cơm rau là chính, giá trị nhất là đĩa thịt gà thì, thế quái nào, lại để lệch về một góc mâm gần một cụ tre trẻ nhất hội. Mấy cụ kia đều liếc đĩa thịt gà, và muốn nó gần chỗ mình tý, gắp miếng ngon cho tiện. Câu chuyện trong mâm đang sôi nổi về chuyện máy bay Mỹ dã man trút bom tấn vào các khu dân cư Hà nội. Chợt cụ ngồi xa nhất nói to, đây, trận đó nó bay từ hướng này này các cụ. Miệng nói, tay cụ xoay cái mâm một vòng dứt khoát, đĩa thịt gà nằm ngay chỗ cụ. Sực tỉnh, cụ bên kia khẽ nhíu mày rồi thẽ thọt: Khôồng, tôi thò cổ ra hầm nhìn, nó vào chính xác hướng này, rồi cụ từ tốn xoay mâm một phát. Đĩa thịt gà lươn một vòng cung đến sát bên cụ. Lần này cái mâm chưa kịp dừng yên thì cụ khác đã lên tiếng và cái mâm đã tiếp tục quay, Cứ thế, cái mâm quay tít không thể nằm yên, các cụ mặt đỏ tía tai. Cuối cùng một cụ xoay xong rồi tay giữ chặt mâm và nói như chém đá: Nhất định hướng này, địt mẹ thằng nào quay nữa nhá! Hì hì hì… Cái mâm đứng im, và không khí trong mâm chùng hẳn xuống. Một cụ tợp ngụm rượu rồi tủm tỉm nhẹ nhàng: đúng, đúng, bữa ấy máy bay Mỹ nó vào hướng này. Mà bọn Mỹ nó dã man kinh lắm, nó lượn thế, rồi nó cắt bom rất chính xác vào đầu bà con mình thế này này. Rồi để minh họa, cụ nhoài người một tay bưng đĩa thịt gà giả làm cái máy bay đang lượn, tay kia cụ cầm đũa. Mỗi khi cái “máy bay” lượn qua bầu trời bát cụ, cụ lại “cắt bom” một chùm. Rốt cuộc, khi đĩa thịt gà hạ cánh, chỉ còn đâu vài ba cái xương lưng… Nhưng cũng thấy bảo sau khi cái đĩa hạ cánh thì cái mâm cũng tung lên, và sau đó các cụ chẳng thèm ngó mặt nhau. Khổ thế! Nghĩ dại, giá như … Hay… zà…
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ

              NGUYỄN DUY

I.

Quả đất nóng dần lên
tầng ôzôn có vấn đề gì đó
Sọ dừa gặp vấn đề trì trệ
tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra
Mắt vấn đề toét tai vấn đề ù
bất an vấn đề giấc ngủ
Sâu rầy đang vấn đề cánh đồng
rừng cây vấn đề cháy và trụi
Nón hành khất ngã vấn đề xó chợ
trẻ lang thang vấn đề bụi đời
Lổn nhổn hành tinh vấn đề đẻ và đói
chiến trận tuôn vấn đề đỏ lòm.
Chó cứ sủa người cứ đi
những con đường đầy vấn đề ổ gà
Những nhịp cầu chông chênh quá tải
vấn đề nay mai sập bất cứ lúc nào
Những giống người tham gặm nhấm cả trời đất
vấn đề ngày kia thiên nhiên ăn thịt tuốt
Vấn đề nước cầm đầu lũ lụt
vấn đề lửa thủ phạm hoả hoạn
Khủng hoảng thiếu thần linh
Khủng hoảng thừa yêu quái
Đại loạn thay cái thiên hạ rắc rối
vấn đề tầng ôzôn cả thôi.
  
II.
  
Lục bục bụng dạ sôi
ruột gan vấn đề gì đó
Nghe chừng lục phủ ngũ tạng đều cọt kẹt
si đa giác quan? ung thư toàn thân?
Không thể nói rằng ta bất cần
ta cần sống và cần đủ thứ
Cần dinh dưỡng cần khí thở
cần giấc mơ nõn ngọn rau xanh
Cần phút lặng thinh mặc niệm những mối tình quan họ
những người tình không giao phối bao giờ
Thất xà ngóc cổ trong hũ rượu
nọc rắn tuần hoàn bổ âm bổ dương
Độc trị độc nhộn nhạo huyết quản
lúc nhúc hổ mang khè hang hốc xương
Gần đây ta ngài ngại đi ra đường
dù chả để làm gì ta muốn ngồi một mình
Vu vơ một mình trống rỗng một mình
ta sờ sợ nơi nào nhiều khôn vặt ít thông minh
Ta nhờn nhợn cái há mồm vĩ nhân tôm cá
khạc đủ đồ nghề thằng nọ con kia.
Ta mặc cảm cái bóng đèn điện không có điện
lủng lẳng trần nhà thường làm ta giật mình
Ta ngan ngán bóng quan hoạn giả thiến gia đạo
vừa ăn hoa hồng vừa xơi hoa đào
Những phường buôn cứt bán cho chó
nợ khó đòi thì làm gì nào
Những bất ổn đầy rẫy
thì đã sao? thì làm sao?
Có người thách ta đánh nhau
ta bảo ta yếu rồi ta lại không có võ
Có kẻ thách ta chửi nhau
ta bảo ta vừa bị mất trộm cả sọt từ ngữ
Có đứa thách ta nhổ vào mặt nó
ta bảo hết đờm rồi.
Ta chúi mũi hà hơi lên trang bản thảo
hô hấp nhân tạo những con chữ khó thở
Ta khao khát tiếng hát giun dế
không kiểm duyệt không biên tập
Ta ao ước cái bay chim chóc
không hộ chiếu không biên giới
Chó già giữ xương mèo già hoá cáo
ta già ta hoá trẻ con
Thiêng liêng thay khoảng lặng cô đơn
người hoá thánh chỉ khoảnh khắc ấy
  
III.
  
Nóng quá trằn trọc quá
tầng ôzôn có vấn đề gì đó
Quạ cũ kêu sương ươn ướt dĩ vãng
tiếng cú rạch trời rơi từng giọt bầm đêm
Giấc mê mệt thiêm thiếp chiêm bao trắng
loạng quạng ma nhảy nhót trước thềm
Thử nhập đồng khúc tănggô quỉ
chợt thấy xác mình thối rữa từ từ
Kèn trống bỗng mọc móng mọc vuốt
gầm gừ đèn lân tinh nhờ nhợt
Ú ớ mồ hôi
chân lỡ nhảy – phải nhảy – cứ nhảy...
Bước nhảy nảy tư duy thị trường
kinh doanh xác mình dù giá thậm rẻ mạt
Quạ có mua ta bán xác trọn gói
hoặc bán từng phần trước khi thối rữa hết
Cú có mua ta chấp nhận hạ giá
chấp nhận cho trả góp từng phần
Như kiểu bán từng phần rừng-bể-núi-sông
từng khúc ruột đất từng mẩu mặt bằng từng miếng địa ốc
Thời buổi thị trường mọi việc đều có thể
có thể nước này mua trọn gói nước kia
Có thể lập những liên doanh ma quỉ
những công ty bán nước từng phần
Có thể kể những tập đoàn siêu quốc
những quốc gia mất nước từng phần
Cái xác ta thì có nghĩa lý gì
ta tự tháo khớp và tự bán
Chuyện xưa ông lão kiết dạy con:
“Khi cha chết xả xác cha mà bán...”
Ta thì phải tự tay làm lấy
sợ các con chia chác không đều
Tự đọc điếu văn soạn sẵn vĩnh biệt mình
tự giải thoát một thời mộng mị
Cuốn gói hồn đi kinh tế mới vầng trăng
cấy lúa trồng khoai Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ
Ta đi đây... kinh tế mới vũ trụ
vượt tầng ôzôn đang có vấn đề
  
IV.
  
Ngôi sao xa xôi bất ngờ đổi ngôi
ánh sao băng chợt đọng đẫm hố mắt
Ngọn gió thông thường lay ta tỉnh giấc
khí thở thông thường thoi thóp lại ta rồi
Ta bịch về mặt đất bất ổn
nhố nhăng đến chết nết không chừa
Lại lục bục bụng sôi
lại ruột gan vấn đề gì đó
Lại thừ nhớ những mối tình quan họ
những người tình không giao phối bao giờ
Lại đi đưa những đám ma từ ngữ
xác chữ chôn đầy nghĩa địa giấy vô hình
Lại khốn khổ với sọ dừa trì trệ
nhồi tri thức vào tri thức cứ phòi ra
Lại càu nhàu quả đất nóng dần lên
nghi tầng ôzôn vấn đề gì đó...
  
V.
  
Ta lững thững xách sọ dừa đi chợ
tìm chú vịt tàu lai thím vịt xiêm
Ẩn sĩ Lêguym toạ thiền giữa chợ
gia vị ê hề những chua chát đắng cay
Những quàng quạc đành đạch âm nhạc
những cua ốc nghêu sò nguồn thi hứng tràn đầy
Những cuống muống non ròng ròng ứa nhựa
oai oái khoái cái roi rói chợ
Cứ thế bình tâm cân bằng dần các thứ
ngà ngà say men chợ thường ngày
Cứ phảng phất thơm chùa những hồng hào má
những thắm cười tươi như hoa nhà ai
Cứ ấn tượng bàn tay bậc thầy mổ cá
bái phục giáo sư vặt lông vịt thiên tài
Tiết vịt sống hài hoà lòng vịt chín
món tiết canh thần tiên lấp lỗ hổng sọ dừa
Vào cuộc nhậu có kẻ rất sợ tiết
dù ở đời họ máu tiết canh nhau
Thì làm sao
thì làm gì nào
Thì ta thi tài với con nít lối xóm
Cờ tuớng cờ vua cờ ngựa cờ ô...
Và chơi lại trò xưa đơn giản như là không có gì
ván âm dương Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ
Năm ô cờ sắp xếp cả thiên hạ
ngồi xổm chơi hay bệt đất thì tuỳ
Và nghêu ngao lõng thõng hò vè
giun dế du dương ễnh ương đắm đuối
Và ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội
lời trẻ con phấp phới ngũ hành kỳ...

Nguyễn Duy

Cuối năm con  (1991)
Đầu năm con Khỉ (1992)
Bài thơ này đã được đăng lần đầu trên tạp chí Cửa Việt số 16 (tháng 8.92). Giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Duy, tạp chí của hội văn học nghệ thuật Quảng Trị viết: “Thơ xưa, Quỉ Cốc Tử nói rằng: “Quản Trọng đạt thời sớm. Khương Tử Nha thời muộn. Thạch Sùng giàu, Mông Chính thì bần cùng. Bành Tổ sống lâu, Nhan Uyên chết yểu. Cả sáu người đó đều nằm trong Ngũ Hành”. Nay cuộc sống nhìn từ gần, hoá ra mọi sự lố lăng nhếch nhác, mắc cười, vỡ mộng... tất thảy cũng đề u là trò cười của Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ. Bài thơ này đọc thì cười ngất, nhưng cười xong thấy lạnh buốt tuỷ sống, như rơi vào cõi thái âm. Thơ Nguyễn Duy vẫn bông đùa như vậy”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang