Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Anh Chí - Hai tấm hình, hai cách ứng xử, một con người - Tin Tức Hàng Ngày

Anh Chí - Hai tấm hình, hai cách ứng xử, một con người - Tin Tức Hàng Ngày Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện chưa đặt tên ( Tiếp theo..)

**
Lần đầu mình đến quán của em là bởi do sếp.
Nếu “Giám” không đưa tới mình cóc biết chỗ này là chỗ quái nào đâu? Một là không có “xiền”, hai là lo lắng công việc, chả dám đi đâu xa. Quanh quẩn ngày ngày bên hai chân cầu, sợ thằng nào vô phúc phá hoại, trộm cắp gì đó thì gay.
Công trình chưa hoàn thiện đã bàn giao được với “cơ quan chức năng” nào đâu? Trông coi chủ yếu vẫn hai thằng mình
Chín giờ tối “giám” đột xuất đến! Đây là kiểu kiểm tra bất ngờ chưa từng có trong lịch sử quản lý nhân viên công ti mình.
May, mình lúc ấy đang soi đèn “kiểm tra kho bãi”. “Giám” có vẻ hài lòng. Lão ấy nói:
- Tinh thần các cậu thế là tốt. Tớ chả mang theo gì. Bây giờ hai cậu lên xe, ra quán thích gì tớ đãi một chầu!
Lão để tài xế ở lại trông lán thay mình, tự tay lái xe. Hai thằng lộc ngộc lên xe. Bấy giờ mình mới để ý đến cái xe của lão. Không phải “con” bóng mượt, long lanh trước kia. ( “Con ấy” mấy tỷ kia chứ không ghẻ như con này! ). “Con” bây giờ như “xe bà già”, đời cũ lắm rồi. Có lẽ “giám” đã đổi xe để “xén” ra tý vốn?
Mình nghĩ thế nhưng không dám hỏi. Lão bực, điên lên chả hay gì vào lúc này. Người ta không nên gợi câu chuyện buồn những khi không phải lúc!
Dầu sao vẫn là đi “xế hộp”, không phải đi bộ là được rồi.
Mấy khi được sếp ưu ái, đãi ngộ như này?
Chả cứ công ty mình, chỗ quái nào cũng vậy. Phần nhiều nhân viên đãi sếp. Mấy khi sếp đãi nhân viên? Chả hóa ra là “đãi ngược” à? “Giám” đãi nhân viên như này là trời “để chân” ra ngoài!
Hiếm có lắm!
Thật là không may! Xe mới chạy được quãng, ạch ạch mấy cái rồi lịm hẳn. Thằng bảo vệ cùng cánh với mình có võ vẽ biết sửa xe một tý. Hắn vốn là lái xe đổi nghề. Mò mẫm mãi, hết cả pin điện thoại, cũng không biết nó là cái bệnh tội nợ gì?  Đành bó tay chấm than!

Sếp bảo cái tật của xe này chỉ tay lái xe nó biết. Thường vẫn xảy ra luôn. Chả biết tay ấy nó sờ sờ, mó mó thế nào lại chạy tốt?
Mình mới bảo:
- Thôi sếp cứ ngồi lên xe, bọn em đẩy về lán cho anh ấy sửa. Chả đi hôm này, đi hôm khác. Với lại bữa chiều bọn em vớ được con rắn ráo, thêm hai xị cũng khơ khớ rồi. Chẳng qua sếp bảo thì chúng em đi cùng cho vui thôi. “Điện” nạp đã đủ, sếp không phải lăn tăn!

Câu này mình thực tâm. Thỉnh thoảng mình với gã cùng làm “công tác bảo vệ” có kiếm thêm. Ở gần sông cũng phải biết “hưởng lợi” từ nguồn sông chứ? Cải thiện thêm “chất”, có sức khỏe để cống hiến lâu dài. Chiều nào cũng thả vài cái dọ tôm, nhờ tài lẻ từ hồi còn bé của mình, hôm nào cũng có đĩa tôm kho. Cứ đậu phụ mãi, nhạt miệng, chịu sao nổi?
Sếp không chịu. “Ai lại làm thế? Các cậu là công nhân viên nhà nước, với mình bình đẳng như nhau. Có phải quan hệ chủ tớ đâu để các cậu đẩy xe như thế? Phong kiến, lạc hậu bỏ mẹ!”
Câu này khiến mình rưng rưng cảm động. Mình nghĩ ra một cách:
- Hay là sếp cứ lên xe ngồi đây. Em chạy một lèo gọi lái xe ra?
Sếp không nói gì, nhìn quanh. Chợt thấy gần đó có ánh đèn, một quán ăn thì phải?
Ba thày trò đẩy xe đến trước cửa quán. Đúng ngay quán của em, mình đang kể trong câu chuyện này.
Quán nghèo, chả có gì vì em mới mở được nửa năm, chưa kịp “phát triển kinh doanh”. Mấy tháng trước còn có món chân gà nướng, nhưng giờ thì không.
Thiên hạ rỉ tai nhau, rồi truyền thông cũng đưa tin: “Chân gà nhập ngoại là thực phẩm không hợp vệ sinh, chứa nhiều độc tố của hóa chất bảo quản. Có khi đọng trong kho ba bốn năm mới sang đến nước mình”. Khách chê nên em cũng không nhập về nữa. Em bảo:
- Kể ra người mình cũng khôn các anh nhỉ?
Hỏi khôn làm sao?
- Không dùng thực phẩm bỏ đi, đầu thừa đuôi thẹo của nước ngoài kém phẩm chất. Ưu tiên dùng hàng Việt cho kinh tế Việt có cơ hội cạnh tranh với nước ngoài ngay sân nhà, mà lại an toàn thực phẩm. Em cho đó là giải pháp khôn ngoan!
Sếp không để ý đến lời em nói. Có lẽ mấy câu này ông nghe quen tai, nghe nhiều ở các hội nghị. Nhưng mình phục.
Tuổi em ý, lại quán khiêm tốn thế này, nghĩ được tầm “Vĩ mô” như thế không phải chủ quán nào cũng nghĩ được. Thậm chí chủ các nhà hàng to lớn, sang trọng chưa tất đã nghĩ ra. Chắc là em ấy có ăn học.Hoàn cảnh thế nào mới rẽ bước, sang ngang ?
Quả là mình đã đoán không sai?
Chuyện được một lúc, chợt sếp của mình nhớ ra chuyện từng quen biết chồng em thời gian đã lâu, đã từng ăn cơm với vợ chồng em tại tư gia!
Không nhận ra nhau, vì sếp không ngờ gặp em trong tình cảnh này.
Chồng em cũng là “giám” của một công ty đã tuyên bố phá sản cuối năm ngoái. Không biết giờ đang lưu lạc nơi đâu?
Em không tin người ta nói chồng em đang làm thợ xây bên Lào. Ngôi biệt thự của hai vợ chồng hiện nhà nước đang thông báo bán thanh lý nhưng chưa có người mua. Em là kế toán trưởng của công ty giờ chuyển sang dịch vụ “bán hàng ăn đêm” cho khách qua đường.
Món nhậu đã sơ sài thì chớ, vì chỉ có trứng vịt lộn ăn với lá dăm, thêm câu chuyện buồn nữa, rượu như nhạt hẳn đi.
Mình chả có số đào hoa, gặp toàn chuyện buồn là chuyện buồn. Và bây giờ là lần gặp thứ hai!
**


( Còn nữa..) 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tiết lộ sốc về cơ quan cung cấp gái gọi cho Gaddafi


Gaddafi và các "cận vệ nữ" của ông ta
Gaddafi và các “cận vệ nữ” của ông ta
Nhà lãnh đạo quá cố Libya – Đại tá Muammar Gaddafi đã cưỡng bức hàng trăm phụ nữ trong khi cầm quyền và thậm chí còn giữ họ như những nô lệ tình dục ngay trong dinh thự của mình, cựu giám đốc an ninh của ông tiết lộ.
Mansour Daw, người trung thành với Gaddafi cho tới lúc ông bị lật đổ và qua đời vào năm 2011, cho biết ham muốn tình dục của nhà lãnh đạo quá cố lớn tới nỗi một cơ quan chính phủ đã được thành lập để cung cấp gái mại dâm cho ông ta.
Nhiều người đã bị giam giữ trong dinh thự ở Tripoli, nơi Gaddafi có thể yêu cầu họ phục vụ bất cứ lúc nào.
Và mỗi khi ra nước ngoài công du, Gaddafi cũng mang họ đi theo bằng cách cho họ đóng giả làm vệ sĩ hoặc nhà báo, Daw nói.
“Mọi hoạt động nằm dưới sự bảo trợ của Bộ Lễ tân do Nuri Mesmari chỉ huy,” Daw nói với phóng viên. Mesmari còn được mệnh danh là “viên tướng phụ trách các vấn đề đặc biệt”, một cách nói giảm nói tránh của từ “viên tướng phụ trách trụy lạc”.
Cựu giám đốc an ninh nội bộ Mansour Daw nói rằng ông không biết gì về tầng hầm, nơi những cô gái mà Gaddifi yêu thích bị giam giữ bên dưới dinh thự ở thủ đô Tripoli.
“Tôi thề rằng tôi chưa bao giờ bước chân xuống đó,” ông nói, và từ chối tiết lộ chi tiết về điều kiện sống của các cô gái.
Và trong khi hầu hết các tướng lĩnh, những người nhắm mắt làm ngơ khi Gaddafi có hành vi trụy lạc với các cô gái trẻ và thỉnh thoảng là đàn ông, những người nuôi dưỡng ham muốn tình dục của ông ta đã thăng tiến một cách nhanh chóng.
Mesmari tìm kiếm các cô gái ở khắp nơi, đó là chuyên ngành và chức năng hàng đầu của ông ta. Mesmari thậm chí còn nhặt cả gái mại dâm trên phố, Daw cho biết.
Những người phụ nữ đi cùng nhà lãnh đạo này tới các quốc giia phương tây gồm: Pháp, Thụy Điển.
Khi hỏi về tin đồn Gaddafi còn ép các Bộ trưởng quan hệ với ông ta, Daw thản nhiên nói rằng. “Điều đó không khiến tôi ngạc nhiên”.
“Có nhiều người tham vọng. Thậm chí còn có những người sẵn sàng giao vợ hoặc con gái của mình để đổi lấy chút đặc ân,” Daw cho hay.
Tuy nhiên, bản thân Daw khẳng định rằng Gaddafi chưa bao giờ gạ gẫm ông hay người thân của ông, thậm chí là tại bữa tiệc do vị tướng an ninh này phụ trách.
“Ông ấy không dám ve vãn bất kỳ vị khách nào của tôi,” ông nói. “Ông ấy biết quá rõ là tôi sẽ phản ứng thế nào.”
Gaddafi chết trong một cuộc đọ súng vào ngày 20/10/2011 sau khi bị những người nổi dậy bắt làm tù binh. Trong khi đó, Daw hiện cũng đang bị giam tại một nhà tù an ninh ở Libya, nơi ông ta đợi xét xử vì những tội ác chiến tranh.
SẦM HOA  (Theo Daily Mail)
Cập nhật: 03:00 | 01/10/2013. Nguồn ViêtNam Net
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sùng bái – mảnh đất tốt cho chế độ nô lệ

Trong thời Cổ Đại, chế độ nô lệ được thiết lập bằng bạo lực. Kẻ mạnh tạo ra quanh mình một nhóm những kẻ trung thành với nó, dùng bạo lực bắt những thành viên khác trong quần thể phải làm nô lệ cho chúng. Kẻ nào chống lại sẽ phải chết.

Từ thời Trung Đại đến nay, trên danh nghĩa không còn chế độ chiếm hữu nô lệ. Tuy nhiên, ở nơi này nơi khác, bằng cách này hay cách khác, các nhà nước phong kiến và nửa phong kiến thực chất vẫn tạo ra trong lòng nó những kiểu chế độ nô lệ “không toàn phần”. Đặc biệt, về tư tưởng, đại đa số quần chúng thực chất vẫn phải sống trong chế độ nô lệ. Lợi dụng sự dốt nát của quần chúng – do chưa có điều kiện học tập, nghiên cứu và cũng do chính sách ngu dân – giới cầm quyền nhồi sọ con người đến mức họ có thể coi những điều vô lý và ngu xuẩn nhất như chân lý tuyệt đối. Trong số những “chân lý” khốn nạn đó có những tín điều như: vua là con trời (hay lãnh tụ là thánh) và mọi thứ ta được hưởng đều là của vua ban (hay lãnh tụ đem đến cho).
Sở dĩ kiểu nô dịch như vậy tồn tại được hàng ngàn năm là vì bên cạnh sự áp đặt ách cai trị và tư tưởng, nó còn được duy trì bởi chính tâm lý quần chúng, một thứ tâm lý của kẻ thiếu bản lĩnh và thiếu ý thức về giá trị cá nhân: tâm lý thích dựa bóng thần tượng, và do đó rất thích (cùng nhau) xây dựng thần tượng.
Vì sao con người thích thần tượng?
Có vài lý do để người ta thích thần tượng. Thứ nhất, do cảm thấy thần tượng là người che chở và đem lại quyền lợi cho mình. Điều này có khi đúng, có khi là ảo tưởng. Lãnh tụ của một cuộc khởi nghĩa chống lại một chế độ hà khắc và thối nát là nhân vật chủ chốt tạo ra sự thay đổi (ít ra ban đầu là theo chiều hướng tốt lên) cho cuộc sống của hàng vạn, hàng triệu người. Người đứng đầu một quốc gia, trước sự xâm lăng của một thế lực ngoại bang độc ác, nếu có bản lĩnh, có thể là ngọn cờ để tập hợp mọi lực lượng chống xâm lăng. Một nhà cải cách thông minh có thể định hướng cho xã hội phát triển nhanh… (Tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng đó mới là sự định hướng; kết quả của sự thay đổi chỉ có thể đạt được bằng mồ hôi xương máu của hàng triệu người!) Nhưng trong rất nhiều trường hợp, đông đảo quần chúng ngộ nhận kẻ bóc lột mình là ân nhân. Thứ hai, người ta bám vào những lời giáo huấn của thần tượng như những chân lý để khỏi phải động não (mặc dù chẳng mấy khi làm theo). Và thứ ba, khi có thần tượng, người ta cảm thấy chính mình dường như cao giá hơn.
Với sự châm biếm nhẹ nhàng, câu ca dao cổ nói:
“Một ngày tựa mạn thuyền rồng
Còn hơn mãn kiếp nằm trong thuyền chài.”
Thuyền rồng là quyền lực, cũng là sự sang trọng. Người “ở trong thuyền rồng” là thần tượng. Càng gần người đó, người ta càng cảm thấy mình danh giá, có quyền ngẩng cao đầu trước những kẻ đứng xa thuyền rồng hơn.
Hơn thế, chưa cần chạm được vào thần tượng hay được thần tượng vấn an, chỉ cần được nói về thần tượng thôi, người ta cũng cảm thấy rưng rưng xúc động vì hạnh phúc rồi. Đó, chi tiết này trong cuộc sống của thần tượng của tôi, liệu đã mấy ai biết. Thế mà tôi biết đấy nhé. Và tôi hiểu được giá trị của chi tiết đó. Tôi biết nói về nó. Tôi có thể làm cho mọi người hiểu thêm được vĩ nhân của chúng ta (và so với người chung quanh thì tôi được quyền “sở hữu” vĩ nhân nhiều hơn chút ít). Hiểu biết về vĩ nhân cũng là một kiểu tri thức, và ở chỗ này, tôi hơn các anh đấy nhé!
Thần tượng được xây dựng như thế nào?
Khi xảy ra một sự kiện gắn với tên tuổi một người nổi tiếng, ví dụ kỷ niệm một trận chiến mà người đó là chỉ huy bên thắng cuộc, người ta, đặc biệt là giới truyền thông, bắt đầu thi nhau nói thật nhiều, bằng những cách mà người ta cố gắng làm cho hay hơn, độc đáo hơn của những kẻ nói khác, về người nổi tiếng đó. Chỉ cần một ngày mà toàn bộ giới truyền thông đều thi nhau ca ngợi thần tượng, cuối ngày hôm đó cảm nhận của người nghe/xem về sự vĩ đại của thần tượng sẽ rõ nét hơn hẳn ngày hôm trước.
Cứ thế, nếu năm nào người ta cũng nói về người đó hàng tháng ròng trên phương tiện truyền thông, và kháo nhau tại gia đình, trên bàn nhậu ở quán xá, một đồn thổi thành mười, mười đồn thổi thành trăm, tiếng tăm của nhân vật đó tăng theo cấp số nhân… , thì sau ba-bốn mươi năm, người ta có thể biến một chính khách ban đầu có ít nhiều nổi trội thành một vĩ nhân hạng một của nhân loại. Người này thấy người khác ca ngợi mà mình chưa góp lời được thì cũng cố ca ngợi vài câu, nếu biết được một vài chi tiết cụ thể về con người đó thì càng hãnh diện. Ít có người nào tuy biết chút ít nhưng vì thấy mọi người ca ngợi quá nhiều rồi nên thấy mình nói thêm cũng thừa và nhiêu khê.
Đặc biệt, khi có một vài phóng viên hay chính khách nước ngoài ca ngợi thì tốc độ vĩ nhân hóa đối với nhân vật đó có thể vượt lên trên mọi sự tưởng tượng.
“Mày nói thế nào ấy chứ… Cụ được bao nhiêu người ở các nước văn minh ca ngợi cơ mà. Chính khách A ở nước X nói thế này. Phóng viên B ở nước Y nói thế kia…”
Một yếu tố rất thuận lợi cho việc thần tượng hóa một nhân vật chính là tâm lý thích thần tượng của người đời, thậm chí đơn giản là tâm lý ngưỡng mộ kẻ có quyền thế, đặc biệt khi người ta chưa va chạm với kẻ cường quyền. Bạn được một người lạ ôm chầm lấy trong lần gặp mặt đầu tiên, bạn sẽ thấy bình thường. Nhưng nếu người ôm bạn là một yếu nhân của một quốc gia, thì dù người đó không có gì thật sự kiệt xuất, bạn cũng sẽ thấy xúc động và nhớ mãi cái ôm đó. Sự việc như vậy có thể định hướng nhận thức về cường quyền của bạn cho toàn bộ cuộc đời. Cho nên, về mặt nhận thức, thật may mắn cho những ai thời trẻ không một lần được một vị lãnh tụ nào ôm vai bá cổ. Tôi đã chứng kiến một số nhà khoa học tài ba hết lời ca ngợi một vài hành vi rất bình thường của một chính khách có hạng, coi đó như những quyết sách cực kỳ thông minh, thể hiện một trí tuệ siêu đẳng.
Với tâm lý của đa số quần chúng như thế, việc xây dựng thần tượng càng dễ dàng, nếu giới cầm quyền thi hành một chính sách nhằm thần thánh hóa lãnh tụ. Hãy nhớ: một dân tộc văn minh bậc nhất như dân tộc Đức cũng đã từng phát cuồng phát dại vì Adolf Hitler. Nếu giả dụ tài năng của y cũng chỉ như y sẵn có, nhưng y bớt ngông cuồng chút ít, đừng tấn công Liên Xô, dừng tàn sát dân Do Thái, và thỉnh thoảng y ôm chầm lấy một vài phóng viên hay chính khách nước ngoài, thì y sẽ được xem là một trong những lãnh tụ vĩ đại của nhân loại. Bạn có thể nói: thì chính vì y không có được cái đó nên y mới không vĩ đại như một vài lãnh tụ của các dân tộc khác? Đúng vậy, nhưng đòi hỏi đó cũng có gì cao siêu lắm đâu, và làm được điều đó đâu cần phải là một thiên tài?
Và hãy nhớ lại: hàng triệu người Bắc Hàn đã và đang tin rằng cha con ông cháu họ Kim là những lãnh tụ vĩ đại. Hãy nhớ: “Gangnam Style” đang làm hàng trăm triệu người phát rồ. Và nếu có “chiến lược” quảng cáo hợp lý, khiêm tốn hơn chút ít, đồng thời đừng dùng một người “tâng” thô thiển như vị giáo sư nọ, thì Huyền Chíp cũng đã có thể trở thành thần tượng của hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam…
Tâm lý đám đông có thể làm nên những điều ghê gớm. Đặc biệt, khi nó được một tầng lớp có thế lực khéo léo lợi dụng thì nó có thể tạo ra những biến chuyển long trời lở đất. Đám người sùng bái một thần tượng có thể nghiền nát bất cứ nhóm người nào dám nói những điều không hay về thần tượng của họ.
Sùng bái – mảnh đất tốt cho chế độ nô lệ
Một khi người ta tôn thờ một thần tượng, hầu hết là suốt đời người ta sẽ trung thành với thần tượng đó, và không bao giờ đặt ra câu hỏi: Liệu ở góc độ này hay góc độ kia, vị thần tượng của mình có đúng hay không. Dưới chế độ phong kiến, chỉ cần hé răng hỏi liệu vua có sai không đã bị xử trảm rồi. Ở các nước cựu cộng sản, tình trạng cũng không khá hơn là mấy. Tại Liên Xô, ngay cả khi Stalin đã chết thì Khruschëv và một vài ủy viên bộ chính trị khác phải vất vả lắm mới tiến hành được khá thành công cuộc chiến chống lại được tệ sùng bái cá nhân Stalin, và nhiều lúc ông ta đã ở trong tình trạng nguy hiểm cả đến tính mạng. Ở hầu hết các quốc gia độc tài hay độc đảng khác, việc huyền thoại hóa lãnh tụ cũng là cản trở đáng sợ, làm cho tiến trình dân chủ hóa phải chịu biết bao hy sinh mất mát đau đớn. Nhà cầm quyền nắm được cái “thóp” đó, nên họ thường xuyên tiến hành và “mồi” cho quần chúng tham gia xây dựng và “bồi đắp” cho thần tượng.  
Việc trung thành với thần tượng gần như đồng nghĩa với việc trung thành với chế độ mà thần tượng đó đã tham gia dựng nên. Vì vậy, những ai có ý thức vươn tới tự do, hãy đừng mắc mưu những kẻ muốn xây dựng thần tượng để duy trì chế độ.
Một người có công với dân tộc hay nhân loại cần phải được ghi nhận và tôn vinh. Nhưng chỉ nên làm việc đó ở mức độ vừa phải và xứng đáng. Việc ngày nào cũng ra rả ca ngợi, thường xuyên tổ chức hội thảo, tưởng niệm,… cuối cùng chỉ góp phần làm cho xã hội đi thụt lùi, kéo dài sự nô dịch.
*
Đức Phật Gautama (Thích Ca Mâu Ni) – người mà ngày càng được nhiều nhà tư tưởng, nhiều nhà bác học thừa nhận là có tư tưởng cao siêu nhất và cũng đúng đắn nhất – đã từng dạy:
“Con người phải là chỗ dựa của chính mình. Chớ tìm nơi trú ẩn ở chỗ khác.”
NGUYỄN TRẦN SÂM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TỄU - BLOG: ỐI GIỜI ƠI! THẬT LÀ NHỤC NHÃ QUÁ!

TỄU - BLOG: ỐI GIỜI ƠI! THẬT LÀ NHỤC NHÃ QUÁ! Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải hợp ý nguyện lòng dân

Nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải hợp ý nguyện lòng dân


Ngô Minh 
NQL:Chưa có tin gì về nơi an táng cụ Võ nhưng nhiều tin cho hay sẽ an táng cụ ở Mũi Rồng- Vũng Chùa- xã Quảng Đông- huyện Quảng Trạch.
Đây là một điều bất thường khiến dân Quảng Bình ngơ ngác.

Việc đem cụ Võ về quê hương an táng là rất tuyệt vời, xưa nay hiếm. Nhưng đã về quê hương sao không về Lộc Thủy- Lê Thủy lại về Quảng Trạch, tít tận địa đầu phía bắc Quảng Bình?
Nghe mồm mấy ông phù thủy hay vì lợi ích du lịch của ông con cụ Võ?
Thật không hiểu nổi?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Anh hùng Dân tộc, là Đại tướng của lòng dân Việt Nam và thế giới. Mấy ngày hôm nay ở hai địa điểm :Nhà riêng 30-Hoàng Diệu Hà Nội và Ngôi nhà đại tướng ở làng An Xá, Lệ Thủy, vàng chục vạn người dân, cựu chiến binh đến khóc viếng Đại tướng. Ý nguyện của nhân dân sau khi Đại tướng qua đời phải mai táng ở một nơi hợp lý nhất. Đó là quê cha đất tổ, mạch đất thiêng đã sinh ra thiên tài lỗi lạc năm châu. Đồng thời vừa tiện đường  cái quan đi lại, để nhân dân hàng ngày đến thăm viếng, tưởng niệm, nhất là dịp giỗ Đại tướng , dịp Tết Nguyên Đán, lễ Độc Lập 2-9, ngày thương binhliệt sĩ 27/7…. Chứ không thể lợi dụng uy danh cao vời của Đại tướng để kinh doanh du lịch !

Từ cả ngày hôm qua (6-10) đến  sáng nay, có hàng ngàn cuộc điện thoại hỏi tôi :” Ngô Minh có biết Đại tướng sẽ an táng ở nơi đâu để đi viếng”. Sáng nay hàng chục cuộc điện thoại của các trí thức, thầy giáo từ Lệ Thủy, Quảng Trị điện vào bày tỏ sự phẫn nộ khi nghe tin Đại tướng sẽ được an táng tại  . khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) được chọn làm nơi an táng cho Đại tướng (Thanh Niên online ngày hôm nay (6/10) . Chiều 6/10, các nhà báo phỏng vấn ông Võ Điện Biên– con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, địa điểm cụ thể an táng chưa thể công bố. “Nhưng chắc chắn sẽ không phải là huyện Lệ Thủy, chỉ biết rằng sẽ ở một địa điểm thuộc tỉnh Quảng Bình”, ông Võ Điện Biên cho biết. Vì thế mà nhân dân Lệ Thủy phẫn nộ là quá đúng. Và họ sẽ phẫn nộ lâu dài nữa.

Ngày 5-10, chúng tôi tìm cách điện thoại cho ông Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình, thành viên   BAN TANG LỄ về nơi an Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói là ở Quảng Bình,cụ thể là ở đâu. Ông Lương Ngọc Bính cho biết nơi an táng là huyện Lệ Thủy, quê Đại tướng. Nhà văn Nguyễn Thế Tường ở Đồng Hới email cho tôi bảo có thể địa điểm là tại xã Mai Thủy, gần đường Hồ Chí Minh, nơi đó đã có mộ bố mà mẹ của Đại tướng. Sẽ dành một diện tích đất khoảng hơn 2 ha để xây lăng mộ và làm Nhà lưu niệm Đại tướng cho đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm viếng vị tướng thiên tài của thế giới mọi thời đại về. Chúng tôi đã đưa thông tin này lên mạng kèm theo Danh sách Ban lễ tang Trung ương. Sáng nay, báo chí đưa tin, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình sẽ cùng với ông Võ Điện Biên - con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn chọn địa điểm an táng Đại tướng chính thức.  Hiện nay anh Võ Điện Biên đang ở Quảng bình.

        Theo tuyên bố của anh Võ Điện Biên trước báo giới:”Nhưng chắc chắn sẽ không phải là huyện Lệ Thủy” thì địa điểm Đảo Yến, Vũng Chùa ở Quảng Trạch gần như đã được chọn, vì anh không biết vị trí nào khác. Việc đó trái với đạo lý và nhân cách Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

         Về mặt đạo lý. Cha ông ta xưa nay đều nói rằng:” Lá rụng về cội”. Cội rễ của Võ Nguyên Giáp là mảnh đất linh kiệt Lệ Thủy đã sinh ra ông và bao nhiêu người tài giỏi trên đời này. Thứ hai lá “rụng về cội” còn có nghĩa con về với cha mẹ, bà con làng xóm, để sớm hôm lúc nào cũng có người qua lại viếng thăm. Tôi biết anh Võ Điện Biện có mấy chục héc-ta đất ở Hòn La ( vùng Đảo Yến, Vũng Chùa ấy) được tỉnh Quảng Bình cấp cho gần chục năm nay với lý do là trồng rừng, nhưng thực chất  là dể xây dựng Khu du lịch. Tỉnh Quản Binh đang xây dựng Hòn La thành một khu công nghiệp –cảng biển lớn . Nên ý định anh Võ Điện Biên định đưa bố mình về nằm ở đây rõ ràng là nhắm mục tiêu :”Lợi dung Danh tiếng Võ Nguyên Giáp để kinh doanh du lịch, làm giàu “ ! Đó là việc trái với đạo lý và không phù hợp với nhân cách, đức độ của Đại tướng. Hơn nữa vùng Đèo Ngang ( Vũng Áng- Hòn La) là một tử huyệt về quân sự mà bao lâu nay Trung Quốc đã dòm ngó. Nếu chúng xâm lăng Việt Nam thì đây là vị trí bị tấn công đầu tiên để cắt đôi nước Việt Nam. Nên tuyệt đối không nên an táng Đại tướng ở đó. Đừng để ông phải chịu đựng hòn tên mũi đạn một lần nữa. Đời ông khổ với quân thù và khổ với “đồng chí” nhiều rồi.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng của lòng dân. Nhân dân còn sống với đại tướng của mình hàng ngàn năm sau nữa. Hãy để cho nhân dân  vẫn được đến với Đại tướng hàng ngày sau khi ông qua đời. Mai táng ông ở Hòn Yến- Vũng Chùa ấy thì chỉ có các đại gia, khách du lịch xịn  mới có điều kiện ghé được. Còn cán bộ lãnh đạo thì chỉ một  năm một lần viếng ông vào Ngày thương binh liệt sĩ (27-7). Còn nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình và đặc biệt bà con thân thuộc của Đại thướng, bà con nông dân Lệ Thủy nghèo thì không bao giờ đến được để thăm viếng, thắp nhang trong những ngày Tết Nhất, giỗ chạp. Đó là sự phi lý không thể chấp nhận được.

 Với tư cách là một người lính của Tướng Giáp, tư cách một nhà văn Việt Nam sinh ra ở Lệ Thủy, tôi đề nghị Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình phải kiên quyết bàn với ông Võ Điện Biên để đưa Đại tướng về an táng ở Lệ Thủy( có thể lại Mai Thủy hay An Mã đều là những địa điểm tốt,  thuận tiện giao thông). Đó là địa điểm thích hợp nhất. Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nằm với quê hương sinh ra mình, nhưng nhân dân cả nước Việt Nam, cả tỉnh Quảng Bình , nhân dân và bạn vè quốc tế kính yêu, ngưỡng mộ Đại tướng có điều kiện để viếng thăm bất cứ lúc nào. Khách du lịch đến với tỉnh Quảng Bình hàng năm nhờ uy danh của Đại tướng chắc chắn sẽ cao hơn , đông hơn ở Vũng Chùa- Đảo Yến.

 Chuyện mai táng một vĩ nhân không được phép thiển cẩn. Thiển cận rồi sẽ ân hận suốt đời, bị nhân dân lên án suốt đời.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện kể cho những thế kỉ mai sau

Bui Ngoc Tan

Một nhà báo – nhà văn đang thành công suôn sẻ thì bỗng bị bắt bỏ tù không xét xử một cách thô bạo, xem như phần tử nguy hiểm cho cách mạng. Ông kể lại cái đói, cái sợ, cái đơn điệu của những ngày dài bất tận, đời sống xã hội giữa những người tù. Sau nạn tù, lại đến sự sỉ nhục nã theo ông. Không có cơ may thứ hai, không có “tái nhập” cho con người này, ở đất nước này. Không hằn học, với một sự thanh thản đến làm ta bối rối, Tuấn, nhân  vật chính của cuốn sách, kể lại cho chúng ta nỗi đau của ông, nhưng cũng nói với chúng ta về tình yêu, về dục vọng, về những ước mơ. Chúng ta gặp lại cách viết của Bùi Ngọc Tấn, giản dị, đầy chất thơ, nhạy cảm, thậm chí đôi khi ngộ nghĩnh. Một câu chuyện làm chao đảo. Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934[1] ở Hải Phòng. Ông đã là cán bộ ở Hà Nội, rồi làm báo. Chấn thương tinh thần vì chiến tranh và tù ngục đã ngăn ông không viết nổi trong hai mươi lăm năm, điều đã mang lại cho sự nghiệp văn chương của ông một quãng lùi kì diệu để bao quát toàn cảnh, từ đó rộ nở tưng bừng. L’Aube đã xuất bản một tập truyện ngắn của ông, Une vie de chien(Cún) cũng như cuốn tiểu thuyết đẹp Biển và chim bói cá đã giành giải Henri Queffélec tại festival Sách và Biển Concarneau năm 2012.
Xin lưu ý: kiệt tác đấy. Vì bất kì lí do gì cũng không nên bỏ qua cuốn sách này, sẽ ra mắt vào ngày 22 tháng 8. Cảm ơn Marion Hennebert và nhà xuất  bản L’Aube đã cho phép chúng tôi phát hiện ra sự ngụp sâu phi thường ấy vào thế giới lao tù ở Việt Nam. Dĩ nhiên, người ta nghĩ đến Alexandre Soljénitsyne và đến Quần đảo Goulag. Không có gì phổ quát hơn độ trệch dòng của những thứ isme ấy, những thứ chủ nghĩa dưới chiêu bài tìm kiếm lợi ích cho toàn nhân loại đã làm nẩy sinh ngay trong bản thân chúng hàng lũ quan toà công chức xoàng xĩnh, hạch tội chi li, tha hồ nở rộ… Trừ một điều là giọng điệu hoàn toàn khác với giọng nhà văn Nga vĩ đại. Không chút lâm li.      Điều đó khiến người ta nghĩ các trai :cải tạo ở Bắc Việt Nam không kinh khủng bằng Goulag chăng? Tôi nghĩ rằng đó chủ yếu là một lựa chọn của người kể chuyện, ưu tiên cho giọng mỉa mai cay đắng, hợp hơn với chất từ tốn Á Đông hơn nhiều so với những thổ lộ tâm tình làm ta rơi lệ của tâm hồn slave. Các nhà văn Việt Nam, nói chung, xuất sắc trong thể loại truyện ngắn, họ thích thêu dệt quanh những mảnh đời nhỏ cắt cúp một cách tinh tế. họ không giữ khoảng cách. Còn ông, Bùi Ngọc Tấn, ông không biết viết tủn mủn. Tháng giêng năm 2012, tôi đã giới thiệu với các bạn cuốn sách đẹp nhưng khá dài “Biển và chim bói cá”. Đã đến lúc Tấn mời chúng ta đọc tự truyện của ông, viết ở ngôi thứ ba, nhân vật chính không ai khác ngoài bản thân ông. Là người cộng sản tin thành, cha và anh em trai đều là cộng sản dấn thân hoàn toàn vào kháng chiến, là nhà văn, nhà báo được công nhận và đã nổi tiếng, đùng một cái, ông bị nghi ngờ là có tư tưởng phản cách mạng… Tất nhiên tất cả những gì ông viết đều bị tịch thu – mặc dù một số bài viết của ông vẫn tiếp tục có mặt trong các sách giáo khoa! Tư tưởng phản cách mạng? Trong một truyện ngắn, một chú dế bị một lũ gián to béo tấn công. Những con gián đó phải chăng là hình ảnh của những quan chức cộng sản? Trả lời những kết tội như thế cách nào đây, ngoại trừ bằng một cái nhún vai… Ông trải năm năm ở ba trại khác nhau, trong đó một trại là “trung tâm sàng lọc” ở Hà Nội, tại đó ông bị giam bên cạnh những tử tù. Ông tù không có án; nói cho đúng, tội của ông quá nhẹ để người ta có thể đem ra xử. Ông chỉ cần một sự cải tạo nhỏ ở trại lao động là vừa đủ. Lẽ ra, ông có thể được ra sớm hơn, sau ba năm. Có điều là vào đúng thời điển này, cái ông ngốc nghếch ây lại nói ông vẫn không biết người ta kết ông vào tội gì… Hấp! quay về trại liền! Cứ thế, trên hơn bảy trăm trang, đời sống của những người tù trong rừng được mô tả, tiếp theo là sự trở lại rất khó khăn của nhân vật chính với cuộc sống “tự do”. Tấn đã phác hoạ tất cả những nhân vật ông đã gặp trong cuộc đời đó, những bức hí hoạ đẹp thống thiết, như già Đô, một ông già đã sống cuộc đời phiêu bạt, đã tham gia Thế chiến II, lao động ở Bắc Phi, lấy một người phụ nữ Marseille… rồi nhớ quê hương trở về; như Giang, một chàng trai rất trẻ, con trai một anh hùng của cách mạng, trở nên lêu lổng, rồi cùng, trở thành kẻ cắp chuyên nghiệp. Và biết bao người khác: Sáng, người không ngừng trốn trại… không ngừng bị bắt lại; Sơn, vốn là một kĩ sư, hoá điên, chỉ còn biết cầm chổi quét lia lịa không thôi, kể cả khi đã được tha, vân vân và vân vân…. Hàng loạt những nhân vật phụ, phác hoạ bằng một nét chì than sống động và sắc nhọn…
Cuộc sống ở trại. Dơ dáy bẩn thỉu, mùi hố xí, nước nước phát nhỏ giọt trong một cái bô tiểu, cái đói. Và nỗi ám ảnh phái kiếm tí gì ăn để bổ sung vào bát cơm gạo mốc và bát canh cá khô (thối) phân phối cho tù nhân.. Phần lớn bọn họ phải lao động ở bên ngoài (làm vườn, lò vôi, gánh than, gánh phân…) nhưng cấm không được mang thức ăn về. Vậy phải giấu từ con nhái, con thằn lằn, tí rễ sắn, củ khoai ráy (một thứ cây họ bầu bí có độc tố nhưng luộc chín có thể ăn được), những thứ ấy một khi nướng lên trên một bếp than (than cũng lén lút mang trộm về) sẽ là gia vị cho bát canh  .. Và vì tất cả bọn họ đều mơ ước tìm được tí rau mùi, rau húng, một nhánh sả cũng đem lại cái vị của những món cỗ ngày xưa ở nhà… Ông đã từng là một nhà văn trẻ xuất sắc. Những bài báo, những kịch bản phim, những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông đã khiến người ta biết đến ông. Người ta gặp ở nhà ông cả giới trí thức Hà Nội, hoạ sĩ, nhạc sĩ…Giờ đây, ông chẳng còn là gì cả. Vợ ông đã từng học Đại học. Với lòng đại lượng, chính phủ đã cho phéo bà tiếp tục học … cho đến khi họ đuổi bà và bà phải kiếm một chân phụ kho để nuôi bốn đứa con. Ngọc xưa là một thiếu nữ rất xinh, người con gái duy nhất quan trọng đối với ông. Để mang chút đồ tiếp tế cho người chồng bị tù, bà phải chịu bao nhiêu tiếng đồng hồ đằng đẵng trên xe hàng, qua đò, qua phà, đạp xe và có thể hôm ấy, người ta quyết định là người tù không được tiếp vợ đến thăm nuôi, hoặc giả đồ tiếp tế không được chuyển đến tay người nhận, hoặc giả chỉ một nửa số đồ tiếp tế ấy được chuyển… Hết năm năm, nhân vật của chúng ta được tự do. Được gặp lại cha mẹ, các anh trai mà một số cũng mắc vào vòng lao lí, thấy lại ngôi nhà nhỏ ở làng quê. Cuối cùng, gặp lại Bình, người bạn trung thành trong số những người trung thành, người duy nhất không bao giờ bỏ ông. Điều đó đã khiến Bình bị giám sát, theo dõi. Hễ ra khỏi nhà là lập tức, Bình có ngay hai cái “đuôi” theo sát như hinh với bóng. Ở phòng bên cạnh căn hộ của Bình, người ta đặt micrô. Thế là Bình oang oang trao đổi với Thao, vợ mình, những câu chuyện ca ngợi sự tốt đẹp và thành công của chế độ. Bạn có tin được không? Đó là một nhân dân kiệt máu trong một đất nước mà ở đó tất cả đều cần xây dựng lại, mọi người đều sắp chết đói và nhà cầm quyền trả lương cho hai người chỉ để theo dõi một người khác mà sai phạm duy nhất là làm bạn… với một kẻ “bị cải tạo” mà họ chẳng bao giờ tìm thấy được điều gì để kết tội!
Niềm vui của Bùi Ngọc Tấn bạn bè khi nhận được CKN2000 bản tiếng Pháp và La Mer et le Martin pêcheur tái bản loại bỏ túi.
Niềm vui của Bùi Ngọc Tấn bạn bè khi nhận được CKN2000 bản tiếng Pháp và La Mer et le Martin pêcheur tái bản loại bỏ túi.
Chụp ảnh kỷ niệm với gia đình Dương Tường, Đỗ Hoàng Diệu và Huy Đức
Chụp ảnh kỷ niệm với gia đình Dương Tường, Đỗ Hoàng Diệu và Huy Đức
Nhưng giờ, hẵng phải sống đã. Nhưng sống bằng gì? Bởi vì ngay cả khi ông đã được tự do, thì những người đã muốn diệt ông, như ông Trần, cảnh sát trưởng, cũng không hề có ý định cho phép uỷ ban phường ông cho ông làm việc…nên ông nhặt nhạnh đôi ba đồng bằng cách gom những túi ni-lông; làm miến, xin giấy mua giầy dép của mậu dịch bán lại… Hết cách. Và nỗi xấu hổ vì bị dồn đến bước ấy. Thế rồi, dần dà vòng siết được nới lỏng. Một quan chức đỡ hèn nhát hơn những người khác một chút cho phép ông kiếm được một chỗ làm tử tế.. Ông lại bắt đầu viết, kí một cái tên giả, dưới sự che chắn của Bình…  Phải, đây là chuyện kể về tất cả những thứ chế độ cực quyền cán bẹt con người bởi vì con người giữ được khả năng tự do tư tưởng, ấy đấy, mối hiểm hoạ! Người trí thức, kẻ chuyên nghề tư duy, ấy đấy, mối hiểm hoạ! Và để kiểm soát hắn, còn gì tốt hơn là giao cho một tay xoàng xĩnh, một tay ganh tị, chát chúa, giám sát hắn, sẵn sàng trả thù cho sự xoàng xĩnh của chính mình. Nhưng ta cũng phải nhấn mạnh bút pháp đẹp của Tấn. Một bút pháp rất hiện đại: những câu ngắn, khô giòn như bắn liên thanh. Làm sao không gắn cả người dịch, Tây Hà, vào đó? Chất u-mua, chất mỉa mai đặc Việt Nam, đâu có dễ chuyển đạt bằng tiếng Pháp! Tuy nhiên cũng phải phê bình một điểm: lẽ ra tác giả có thể tỉa bớt một chút. Chuyện nấu nướng vụng trộm trong trại, chuyện giấu cái rễ khoai ráy trong quần đùi, con chuột nhắt trong mũ, trở đi trở lại mười, hai mươi lần, cũng như những chi tiết về đời sống trong những nhà ngủ tập thể lộn mửa. Nhưng người ta cảm thấy con người này lên cơn: trong khi viết, những ki niệm trở lại với ông, chồm lên tim ông, và ông không thể ngăn mình truyền đạt lại chúng, lần nữa và lần nữa, ám ảnh bởi quá khứ. Ngòi bút buột khỏi tay ông.
Để kết thúc, còn có một nhân vật nữa: Rừng. Rừng nguyên sơ mênh mông của Bắc Việt Nam siết quanh các trại tù với những cây to và nhan nhản những loài thảo mộc. Với những dòng suối, những cây nhó sum sê quả. Chim chóc, tiếng rừng, tiếng gió, tiếng côn trùng xào xạc… chất thơ thuần khiết, chất thơ nguyên thuỷ đối lập với sự ngu si của con người. Một nhân vật đem lại cho câu chuyện hơi thở của tự do, không khí trong lành của cuộc sống đích thực. Vâng, một cuốn sách rất lớn…
Anne Hugo- Le Goff
(Dương Tường dịch)

Phần nhận xét hiển thị trên trang