Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Thạc sĩ ngữ văn nghiên cứu và nuôi chó!



by
 
Đến thăm trại chó Ngao Tây Tạng ở Quảng Yên

Nếu bạn lên mạng, vào Google, gõ cụm từ “Trại chó Ngao Tạng Phượng Hoàng” và seach thì ngay lập tức sẽ nhận được hàng loạt thông tin về Kiều Văn Hoàng – một thanh niên 28 tuổi, người đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Ngữ Văn ở Trung Quốc nhưng lại đang là ông chủ của một trại chó Ngao Tây Tạng có lúc đông tới 30-40 con ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh
Điều gì đã khiến một trí thức trẻ “bị” những con chó Ngao của xứ người “hút hồn” đến vậy? – Đó là câu hỏi khiến chúng tôi tò mò muốn về tận nơi để “cận mục sở thị”…
Trên đường đến nhà Hoàng, dù đã điện thoại hẹn trước nhưng chúng tôi vẫn phải hỏi đường mãi mới tới được. Cứ nghĩ Trại chó Ngao Tạng Phượng Hoàng đã nổi tiếng trên “cộng đồng mạng” như thế hẳn cơ ngơi phải ghê gớm lắm; hoá ra nó lại ẩn trong một khu xóm nhỏ, chẳng có biển hiệu gì hết, chỉ thấy trước cổng dán một bức pano nhỏ in hình mấy chú khuyển dữ dằn như sư tử… Gặp Hoàng, hỏi thì anh cười bảo:
- “Chó Ngao Tạng không phải loại hàng hoá có thể mua bán nhanh, nó “kén người mua” lắm, nên có trưng biển hiệu cũng chẳng để làm gì! Dân chơi một khi đã yêu thích thì có “trốn” họ cũng tìm ra…”.
Trại chó Ngao Tạng Phượng Hoàng chỉ là một khu nhà cấp bốn đơn sơ.
Trại chó Ngao Tạng Phượng Hoàng chỉ là một khu nhà cấp bốn đơn sơ.
Và Hoàng khoe với chúng tôi chiếc xe máy cổ mà một người mê chó ngao  từ TP Hồ Chí Minh đã lặn lội mang ra chỉ để năn nỉ Hoàng đổi lấy một chú Ngao Tạng. Hoàng bảo, ban đầu anh hơi ngần ngại, bởi đúng là xe quý thật nhưng ấy là với dân chơi xe cổ cơ, còn với mình thì có mấy khi dùng đến nó đâu. Có điều thấy ông ấy mê chó Ngao Tạng quá nên mới chấp nhận… Nói rồi, Hoàng đưa chúng tôi vào thăm trại chó của anh. Đó là một khu vườn không lớn lắm nhưng được bài trí hợp lý và rất sạch sẽ.
Nhìn những chú Ngao Tạng mới độ 3 tháng tuổi đang tung tăng nô đùa thật thích mắt. Mỗi con như thế mua bên Trung Quốc chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng, mang về bán có giá khoảng từ 20 đến 30 triệu đồng. Con nào ngoại hình đẹp thì giá còn cao hơn. Với các chú chó khoảng trên một năm tuổi thì đắt hơn nhiều. Đặc biệt, Hoàng có một chú Ngao tuyết được người ta trả đến gần 200 triệu đồng nhưng anh vẫn kiên quyết không bán. Anh bảo: “-Đúng là em cũng cần tiền thật. Nhưng con này thì khác, nó vừa là bạn, vừa là “bảo bối” của em mà!”.
Thật tiếc là khi chúng tôi đến Trại chó Ngao Tạng Phượng Hoàng, chú Ngao tuyết đang “đi công cán” xa nên không được chiêm ngưỡng. Hoàng nói anh vừa mới cho một anh bạn ở Hải Dương mượn tạm về nuôi để quảng cáo…
Nhìn đàn chó có tới khoảng ba chục con trong trại, tôi hỏi Hoàng kiếm đâu ra vốn để đầu tư lớn như vậy. Anh bảo, hồi đầu khó khăn lắm. Mỗi chú Ngao Tạng giá tới hàng chục triệu đồng, rồi còn tiền mua thức ăn cho chúng nữa, nên cũng đành lòng phải rao bán… Không ngờ, chỉ mới thử đưa ảnh hai chú Ngao Tạng lên mạng thì đã nhận điện thoại tới tấp… Có nhiều người không chỉ gọi điện hỏi mà  còn  lặn lội đến tận nơi để được “mục sở thị”. Chẳng mấy ngày anh đã bán hết đàn chó con. Thành công nối tiếp thành công, anh mở rộng luôn khu đất nhỏ bên cạnh nhà để làm một dãy chuồng, cùng sân chơi cho chó, có cả phòng lạnh cho các chú khuyển chống nóng…
Kiều Văn Hoàng bên chú “Sư tử điển trai”.
Kiều Văn Hoàng bên chú “Sư tử điển trai”.
Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, chuông điện thoại của Hoàng chốc chốc lại réo. Hoàng bảo đó là khách hàng ở Tây Nguyên và Sài Gòn gọi ra sau khi lên mạng xem “Trại chó Ngao Tạng Phượng Hoàng”… Cái cách Hoàng bán chó khá là chuyên nghiệp, hiện đại. Khách hàng lên mạng nắm thông tin, sau đó gọi điện, cho email và anh gửi toàn bộ “lý lịch trích ngang” kèm ảnh những chú chó mà họ yêu cầu. Nếu khách hàng đồng ý, anh sẽ bảo những “cộng tác viên” của anh làm đại diện ở các khu vực mang hàng đến tận nhà, đồng thời làm thủ tục bảo hành cẩn thận. Nếu nhỡ không may có chú chó nào ốm, khách hàng sẽ được thanh toán toàn bộ chi phí thuốc thang…
Biết anh rất yêu chó Ngao Tạng nên tôi hỏi anh có thấy buồn không mỗi khi phải “chia tay” một cún con mà mình đã chăm chút khi trao nó cho khách hàng… Ông chủ trẻ trầm tư bảo, ban đầu cũng buồn, thậm chí những hôm đầu mới xa chúng, thấy cứ nhơ nhớ thế nào ấy. Nhưng ngẫm lại, mình nuôi nhiều quá sẽ không chăm chút cẩn thận được bằng người ta nuôi một con. Với lại, phải thực lòng thương yêu Ngao Tạng  thì người ta mới dám bỏ hàng chục triệu đồng để mua một chú cún chứ, vậy nên cũng yên tâm… “-Vì thế, không phải khách hàng nào đến mua em cũng bán” – Hoàng nói – “-Chỉ những ai thực sự yêu, thực sự quý chó, em mới trao gửi chúng về tay họ”…
Nói về tình yêu đối với Ngao Tạng của Kiều Văn Hoàng thì nhiều chuyện lắm! Anh kể, nhiều lúc mải mê chăm chó, anh quên cả chăm mình. Có dịp anh nằm lì ở trại chó hai ba ngày bận bịu không còn thời gian nấu nướng, chỉ ăn bánh mì với nước lọc… Theo Hoàng, khó khăn nhất, vất vả nhất là công đoạn nhân giống loại chó quý này. Hồi ở bên Trung Quốc, anh đã cố tìm hiểu nhưng có những bí quyết họ giấu kín, không cho mình biết. Thế nhưng, rồi anh cũng đã mày mò làm và đã nhân giống chó Ngao Tây Tạng thành công được 2 lần, mỗi lần dăm con. “-Những chú Ngao Tạng được nhân giống ở Trại chó Phượng Hoàng chi phí đầu tư thấp hơn nên giá bán rẻ hơn. Đây là điều mình mừng nhất vì như thế thì số đông những bạn đam mê chó Ngao Tạng  mới có thể mua được…” – Hoàng chia sẻ.
Bây giờ, ở Trại chó Phượng Hoàng công việc nhiều hơn nên Hoàng đã thuê thêm một người làm. Nhưng gần như việc nào thì anh cũng đều phải ngó qua thì mới yên tâm. Chính vì vậy, mặc dù không qua một lớp chuyên ngành chăn nuôi  nào nhưng Kiều Văn Hoàng vẫn tỏ ra rất thành thạo công việc của một bác sĩ thú y. Anh có thể chẩn đoán bệnh, tiêm thuốc, băng bó, đỡ đẻ… cho chó một cách rất lành nghề.

Thậm chí bà con hàng xóm mỗi khi chó nhà ốm đau là lại gọi Hoàng… Anh chữa bệnh cho những chú cún của mọi nhà nhưng không bao giờ lấy tiền công, bởi như anh nói: “Cứ nhìn những chú cún ốm yếu sau khi mình chữa khỏi lại đứng dậy, chạy nhảy tung tăng là thấy vui rồi…”.
Chỉ cho chúng tôi xem mấy chú Ngao Tạng ở trại, Hoàng tâm sự: “-Loài chó này ban đầu lạnh lùng lắm, lại không ưa đòn roi. Muốn thuần phục chỉ có duy nhất một cách là yêu thương chúng, chăm chút cho chúng như con mình vậy. Có lần mưa gió em phải mở cửa nhà cho đàn chó vào. Người và chó ở chung…”. Hoàng còn bảo: “-Với Ngao Tạng, một khi đã có tình cảm với chủ thì chúng trung thành không có loài chó nào sánh bằng…”. Nói rồi, Hoàng dắt ra một chú Ngao đã được 2 tuổi, nặng tới gần 70 cân, có cái tên bằng tiếng Trung, dịch nghĩa là  “Sư tử điển trai”. (Chú “Sư tử điển trai” này cũng như những chú Ngao Tạng khác trong trại đều có tên tuổi và một cuốn “Sơ yếu lý lịch” đầy đủ…).
Con chó háo hức lắm khi được ra ngoài. Nó tung tăng trên đường, thỉnh thoảng lại chồm lên người ông chủ ra chiều vòi vĩnh được âu yếm… Hoàng nghiêm mặt, vừa dắt vừa ra lệnh bảo đi về. Chú chó lặng lẽ đi theo một cách thuần phục. Dắt chó đi dạo ấy là thói quen ưa thích của Hoàng vào những lúc rảnh rỗi. Nhưng khi thời tiết bất ổn hay có dịch bệnh thì Hoàng đúng là phải “ăn cơm đứng” ở trại, đâu có thì giờ mà đi dạo thong dong…
Hoàng bảo, sơ sểnh là chẳng thể biết được điều gì sẽ xảy ra với đống “tiền tỷ có lông” đang ngoe nguẩy ở trong chuồng này. Không biết có phải thế chăng mà đến bây giờ, bên cạnh chàng trai 28 tuổi điển trai này vẫn chưa thấy có một “bóng hồng” nào. Mọi người thúc giục tìm vợ thì anh lần khất bảo “Cứ từ từ, sau này tính…”. Tiêu chí chọn vợ của anh cũng thật lạ: “-Cũng tuỳ duyên thôi, nhưng nếu cô ấy không thích chó Ngao thì cũng buồn…”.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Hoàng hồ hởi khoe, trong tháng 8 này, anh sẽ cùng những người yêu chó ở Quảng Ninh tiến hành thành lập hiệp hội để tạo ra một sân chơi có tổ chức, hệ thống và được bảo trợ về mặt pháp lý một cách rõ ràng. Sau đó, là những dự định lớn lao hơn của anh như ước mơ mở Công viên Ngao Tạng, rồi xây dựng trang trại chó tổng hợp v.v..
Nói về chuyên ngành Ngữ Văn mà anh đã học, Hoàng bảo cái bằng Thạc sĩ đành tạm xếp đó để theo đuổi niềm đam mê này đã, khi nào có điều kiện hẵng hay. “-Mẹ và chị gái em rất muốn em tiếp tục công việc chuyên môn đã học. Nên dù mê Ngao Tạng đến thế nào thì em cũng sẽ không để mẹ và chị thất vọng đâu…” – Hoàng bảo thế.
Thay lời kết
Bắt tay tạm biệt chúng tôi, Hoàng bảo: “-Mình chỉ ước sau này khi đã có tiền rồi có thể tự nhân giống đại trà được một loài Ngao “made in Viet Nam” và mua được khu đất rộng mở trang trại cho tất cả chúng vào nơi gọi là Công viên Ngao Tạng”. Chúng tôi tin và chúc anh sớm đạt được mơ ước của mình. Bởi như mọi người thường nói, với tình yêu và nghị lực thì không gì là không thể…
Lương Giang – Phạm Học
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sao quê hương mình già nua đến vậy?


SAO QUÊ HƯƠNG MÌNH GIÀ NUA ĐẾN VẬY?Các nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người VN dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào. Họ tìm đến VN mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động kiểu thung lũng Silicon (trung tâm IT của Mỹ ở phía nam San Francisco). Sau vài năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại sao?
Những giả thuyết ngây thơ
Họ đã không lầm về những số liệu tạo nên hình ảnh đó. Tuy nhiên, sự phân tích và biện giải về logic của họ vướng phải vài giả thuyết và tiền đề không chính xác. Một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới.
Tôi còn nhớ một đai gia IT nổi tiếng cũng đã từng kết luân trong một buổi hội thảo về kinh tế là số người sử dụng điện thoại di động ở VN đã tăng trưởng ấn tượng 36% mỗi năm trong 5 năm qua và lên đến 68 triệu người hay khoảng 80% dân số. Kết luận của anh chuyên gia trẻ này là tương lai về công nghệ thông tin của VN phải sáng ngời và sẽ vượt trội các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines…
Đây là những kết luận ngây thơ về thực tại của xã hội. Một người trẻ suốt ngày la cà quán cà phê hay quán nhậu sẽ không đóng góp gì về sáng tạo hay năng động; cũng như vài ba anh chị nông dân với điện thoai cầm tay không thay đổi gì về cuộc diện của nông thôn ngày nay (nông dân vẫn chiếm đến 64% của dân số xứ này).
Tôi thích câu nói (không biết của ai): Tất cả bắt đầu bằng suy nghĩ (tư duy). Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động liên tục biến thành thói quen và thói quen tạo nên định mệnh. Định mệnh của cá nhân phát sinh từ tư duy cá nhân, định mệnh tập thể đúc kết bởi suy nghĩ của tập thể.
Tư duy, thói quen và định mệnh
Quên đi góc nhìn cá nhân, hãy tự suy nghĩ về tư duy thời thượng của xã hội này và từ đó, ta có thể nhận thức được những hành xử và thói quen của người dân VN. Bắt đầu từ tầng cấp lãnh đạo về kinh tế, giáo dục và xã hội đến lớp người dân kém may mắn đang bị cơn lũ của thời thế cuốn trôi; tôi không nghĩ là một ai có thể lạc quan và thỏa mãn với sự khám phá.
Những thói quen xấu về chụp giựt, tham lam, mánh mung, dối trá, liều lĩnh, sĩ diện… vẫn nhiều gấp chục lần các hành xử đạo đức, cẩn trọng, trách nhiệm, danh dự và hy sinh. Dĩ nhiên, đây là một nhận định chủ quan, sau một lục lọi rất phiến diện trên báo chí, truyền hình và diễn đàn Internet. Nhưng tôi nghĩ là rất nhiều người VN sẽ đồng ý với nhận định này.
Tôi nghĩ lý do chính yếu của những thói quen tệ hại này là bắt nguồn từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm. Tôi có cảm giác là ngay cả những bạn trẻ doanh nhân và sinh viên mà tôi thường tiếp xúc vẫn còn sống trong một thời đại cách đây 100 năm, dưới thời Pháp thuộc. Thực tình, nhiều bậc trí giả đã lo ngại là so với thời cũ, chúng ta đã đi thụt lùi về đạo đức xã hội và hành xử văn minh.
Tôi thường khuyên các bạn trẻ hãy đọc lại những tiểu thuyết của thời Pháp thuộc trước 1945. Họ sẽ thấy đời sống và các vấn nạn của một nông dân trong truyện của Sơn Nam vẫn không khác gì mấy so với một nông dân qua lời kể của Nguyễn Ngọc Tư. Bâng khuâng và thách thức của những gia đình trung lưu qua các câu chuyên của Khái Hưng rất gần gũi với những mẫu chuyện ngắn của nhiều tác giả trẻ hiện nay. Ngay cả những tên trọc phú, cơ hội và láu lỉnh trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cũng mang đậm nét hình ảnh của những Xuân Tóc Đỏ ngày nay trong xã hội.
Ôm lấy quá khứ ở thế kỷ 21
Tóm lại, tôi có cảm tưởng chúng ta vẫn sống và vẫn tranh đấu, suy nghĩ trong môi trường cả 100 năm trước. Những mặc cảm thua kém với các ông chủ da trắng vẫn ám ảnh các bạn trẻ ngày nay. Chúng ta vẫn bàn cãi về những triết thuyết mà phần lớn nhân loại đã bỏ vào sọt rác. Trong lãnh vực kinh doanh, phần lớn các doanh nhân vẫn cho rằng bất động sản và khoáng sản là căn bản của mọi tài sản. Sản xuất gia công và chế biến nông sản vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Một doanh nhân Trung Quốc đã mỉa mai với tôi khi đến thăm một khu công nghiệp của VN, “Họ đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn quên”.
Tôi đang ở tuổi 66. May mắn cho tôi, nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi khác hẳn thời Pháp thuộc. Tôi không cần phải dùng tay chân để lao động, cạnh tranh với tuổi trẻ. Kinh doanh bây giờ đòi hỏi một sáng tạo chỉ đến từ trí tuệ và tư duy đổi mới. Thân thể tôi dù bị hao mòn (xương khớp lỏng lẻo, tai mắt nhấp nhem..). nhưng trí óc tôi và tinh thần vẫn trẻ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, nó không bị phân tâm bởi những hóc môn (hormones) về đàn bà hay những thứ lăng nhăng khác như các bạn trẻ. Do đó, hiệu năng và công suất của sự suy nghĩ trở nên bén nhậy hơn.
Người Mỹ có câu, “Những con chó già không bao giờ thay đổi” (old dogs never change). Do đó, tôi thường không thích trò chuyện với những người trên 40, nhất là những đại trí giả. Nhưng tôi thất vọng vô cùng khi về lại VN và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt.
Nhiều người đỗ lỗi cho những thế hệ trứơc và văn hóa gia đình đã kềm kẹp và làm cho thế hệ trẻ này hay ỷ lại và hư hỏng. Cha mẹ vẫn giữ thói quen sắp đặt và quyết định cho các con đã trưởng thành (ngay khi chúng vào tuổi 30, 40..) về những cuộc hôn nhân, công việc làm, ngay cả nhà cửa và cách sinh họat. Hậu quả là một thế hệ đáng lẽ phải tự lập và lo tạo tương lai cho mình theo ý thích lại cuối đầu nghe và làm theo những tư duy đã lỗi thời và tụt hậu.
Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ VN đang lần mò trong bóng tối của quá khứ, với sự khuyền khích của các nhóm muốn giữ quyền lực và bổng lộc. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình … già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu? Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân VN thêm nhiều thập niên nữa. Cái bẫy thu nhập trung bình to lớn và khó khăn hơn mọi ước tính.

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguy và Cơ

Alan Phan 
Một lập luận tôi nghe khá thường xuyên trong những lúc trà dư tửu hậu gần đây. Đó là tình hình suy thoái, nguy hiểm của chúng ta chứa nhiều “cơ hội tiềm năng” cho những doanh nghiệp biết nắm bắt và thích ứng. Thậm chí, một vài chuyên gia còn viết bài về “cơ may” của Việt Nam trong cơn khủng hoảng này.


Ai cũng đều đưa ra một minh chứng là từ ngàn xưa, chữ Trung Quốc đã ghi rõ “cơ” nằm giữa “nguy”. Những đầu óc đình đám nhất của chúng ta luôn giả định là các tổ tiên Tàu đã nói thế thì đây là chân lý rồi. Phận con cái phải nghe theo thôi. Thậm chí, một đại học giả còn nhắc chúng ta phải mang ơn mẫu quốc về cơm áo cũng như văn hóa đến đời đời con cháu sau này.

Ai cũng công nhận đi tìm “cơ” giữa “nguy” là một thái độ tich cực và sáng tạo. Hành động thể hiện một tư duy dựa trên niềm tin của tuổi trẻ, bất chấp những thất vọng của tình thế.

Tuy nhiên, khi sự lạc quan trở nên mù lòa và mất đi logic hay khoa học, “cơ” trong “nguy” trở thành một trò tuyên truyền dựng lên bởi các chánh trị gia để đa số người dân quên đi một thực tế khá bẽ bàng. Không có “cơ” nào cho một nền kinh tế mà phí quản lý cao hơn 42% GDP (mỗi đơn vị phải chi ra 42 xu mỗi đồng cho giá thành, chưa tính đến cac phí tổn sản xuất hay tài chánh khác). Không có “cơ” nào cho một hệ thống tài chánh mà 63% đầu tư chạy vào bong bong bất động sản và nguy cơ nợ xấu có thể vượt qua 38% GDP. Không có “cơ” nào cho một cơ chế mà 68% đầu tư bị các doanh nghiệp nhà nước chiếm lĩnh theo lối kinh doanh OPM.

Bao giờ thì chúng ta hiểu ra rằng “cơ” đã đi mất từ lâu. Chỉ còn “nguy” và “nguy”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“ Triết lý” của ăn vụng làm càn - Vương Trí Nhàn " Ông nói dài":

Sở dĩ tôi gộp hai bài viết được viết từ năm bẩy năm trước, thành bài sau đây, lý do vì chúng cùng nói về  một phương diện của người Việt xấu xí xưa và nay
           Bài  thứ nhất nói về sự hình thành của cách sống càn bậy trong quá khứ.
         Bài thứ hai nói về lý do tồn tại của nó trong xã hội hiện đại, khi mà sự làm liều làm ẩu làm bất chấp quy luật... do yêu cầu của chiến tranh trở thành đại trà, và được dung túng thậm chí cổ vũ; rồi đến thời làm ăn kinh tế nó lại được 
đưa lên một tầm cao mới  được phép tung hoành thả cửa, và nếu biết lo liệu, người ta sẽ được cả luật pháp bảo vệ. 
I
   Đói ăn vụng túng làm càn là một trong những câu tục ngữ cửa miệng của người mình.
     Đời sống khó khăn xui người ta làm liều, bất chấp lương tri và những luật lệ thông thường. Không còn phải trái, nên hay không nên, chỉ có cuồng vọng chỉ có ý thích. Bởi lẽ tiểu xảo tiểu trí, nên trong lịch sử xã hội ta không có những đám lục lâm cỡ lớn. Song cướp vặt thì lại quá phổ biến. Đã  hình thành cả một lối sống mà người xưa đã dùng bốn chữ “vô sở bất chí “ để gọi. Vô sở bất chí tức là không việc gì không dám làm!   
        Ghi lại những ký ức từ con người và phong vị của xứ sở, ngoài những truyện  ghi lại nếp sống nghiêm cẩn và những trò chơi tao nhã như thả thơ đánh thơ, như chén trà bên sương sớm… Nguyễn Tuân còn xếp vào Vang bóng một thời  truyệnNém bút chì.
      Có lúc, truyện được gọi bằng một cái tên đẹp: Một bọn bất đắc chí. Nhưng bóc đi cái phần lãng mạn  thì nội dung của nó là tả sinh hoạt của một bọn cướp. 
       Làng Vũ Đại mà Nam Cao miêu tả nhiều trong truyện ngắn cũng có cướp, nạn cướp vùng đồng chiêm trũng hoành hành như một thế lực ngang ngược.
      Những cảnh cướp vặt ở vùng ngoại ô quê Tô Hoài thì  tầm thường mà không kém phần thê thảm. Nhân vật Thoại trongQuê người, ngày tết đi bắt những con chó sợ pháo, bị người ta đánh tới mức thừa sống thiếu chết, phải cùng bầu đoàn thê tử bỏ làng mà đi.
       Khổng tử trong Luận ngữ từng cho rằng việc người takhông làm bậy trong cảnh nghèo còn khó hơn là không kiêu căng khi giàu sang ( Bần nhi vô oán, nan; phú nhi vô kiêu, dị --Hiến vấn, đoạn 11).
    Cái điều mà Đức Thánh Khổng lo quả không thừa. Đây là một đoạn đối thoại trong  truyện Bơ vơ Nguyễn Công Hoan viết 1936:
-- Tại sao mày phải đi ăn cướp ? Sao không kiếm nghề lương thiện mà làm ăn?
   Chúa Cụt mỉm cười :
-- Bẩm tại con đói (…) Đời không cho con được ăn ở hiền lành, nên bất đắc dĩ  con mới phải ăn cướp.
-  Mày nói lạ.
-- Bẩm thật con đi ở mà người ta không nuôi, con làm gì người ta cũng không cho làm, gia đình nào cũng hắt hủi con. Người đời đã chẳng tử tế với con, tất con phải là kẻ thù của họ. Để  có những thứ cần để sống, con chỉ còn cách bắt buộc ấy.                                      
     Xã hội hiện đại mở ra cho con người bao khát vọng tốt đẹp nhưng lại không mang lại cho họ khả năng đạt tới cái lý tưởng đó. Trong triết học phương tây, có một ý niệm gọi là chủ nghĩa hư vô. Trong dạng suy đồi của nó, ý niệm này được diễn đạt thành  công thức Chúa đã chết và người ta  có quyền làm bất cứ việc gì !
      Sự càn rỡ của người mình có phảng phất một chút hư vô như vậy. Cũng liều bán váy chơi xuân, câu thơ Tú Xương mang dáng vẻ một sự thách thức sang trọng.
     Nhiều truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhân vật tướng cướp. Họ được hình thành như một bộ phận của xã hội.
     Theo cách miêu tả của nhà văn trong Cánh buồm nâu thuở ấy,  chất thơ của cuộc sống tồn tại ngay trong hành động của đám người đứng ngoài luật pháp này.
     Nhưng đó là  những hoàn cảnh lý tưởng. Sự thực là ở ta, sự càn rỡ  thường khi hiện ra nhem nhuốc hơn, thấp hèn hơn.
    Khi sang Nga, lúc đầu tôi rất ngạc nhiên thấy cảnh dân đi câu mà nếu chỉ câu được cá bé (dưới mức cân nặng nào đó), người ta buộc phải thả. Sau biết rằng ở nhiều nước có luật lệ như vậy.
    Ở Việt Nam thì khác. Cả những con tôm con, như cách nói dân gian “mới bỏ vú mẹ” cũng không được tha. Cá không chỉ bị đánh bằng lưới mà còn bằng mìn, bằng điện, những hành động phải được mệnh danh là tàn sát  là tận diệt thiên nhiên.
     Đầu thế kỷ 20, một người Pháp Roland Meyer kể rằng trên đất Lào có những người Việt trong cơn điên cuồng kiếm sống, đào cả đình chùa của người ta lấy gạch bán từng thước khối. Ông ta gọi đây là “một mớ cặn bã của nhân loại “. 
     Nhà văn Lê Thanh, khi lại chuyện này  trên Tri tân số ra 22-4-1942,  tỏ ý rất đau đớn.
    Ngày nay không hiếm tình trạng tương tự.
     Tin tức từ Nga cũng như  nhiều nước phương Tây truyền về cho thấy đủ loại  quái chiêu mà dân ta  trình ra khi sang nước người. Trồng cần sa trong nhà. Mò san hô. Buôn ngà voi hoặc vũ khí… Tất cả những gì bị cấm thì có người Việt dám làm.
      Khi mới hình thành, sự liều lĩnh càn rỡ  được ngụy tạo bởi một cảm giác tự do và cách khẳng định quyền được tồn tại. Người ta cần nó để vượt thoát khỏi tình thế quẫn bách.
      Về sau một thói quen hình thành, con người coi việc xấu là tự nhiên, không đói cũng ăn vụng không túng cũng làm càn.
      Chỉ cần thấy mình không được sung sướng như người khác, không có dịp tận hưởng nhiều tiện nghi như người khác; chỉ cần muốn trêu ngươi thiên hạ muốn nổi trội hơn đồng loại, muốn kiếm chác một cách dễ dàng, muốn làm trò muốn vấy bẩn vào ai đó, -- là người ta cảm thấy có đủ lý do để càn rỡ rồi.
      Báo  TT&VH số 6-10-07  có bài nói về nạn đào trộm trống đồng ở Đắk Lắc. Một thôn  có tới 30 trống bị đào trộm. Người ta sử dụng cả máy dò kim loại. Nếu  biết thêm rằng khi một trống đồng được đào lên  tức là cả  không gian văn hóa chung quanh phá vỡ, sẽ thấy cách nói của người Pháp ở trên không phải là quá đáng.
     Cái càn rỡ hiện nay có bao nhiêu bộ mặt. Nó len lỏi trong hành động của những con người bình thường, khi họ dễ dãi buông thả và phó mặc cho bản năng thấp kém của chính mình.

  Đã in trong TT&VH 20 -10 –07 dưới nhan đề
Không đói cũng ăn vụng không túng cũng làm càn

II                                           
       Cáp quang dưới biển bị cắt. Nước tương có chứa chất gây ung thư cũng được bày bán. Hàng hóa xuất ra nước ngoài kém phẩm chất bị trả về. Ăn cắp, cướp giật. Lấn chiếm đất công. Bán hàng giả. Những vụ đua xe náo loạn phố xá.  Những đám học sinh  xử  nhau theo kiểu xã hội đen rồi còn quay video tung lên mạng… 
      Những hành động càn rỡ ấy, nối tiếp vào các vụ việc bấy lâu chúng ta vẫn nghe —như phá rừng, lấn biển bừa bãi; ăn cắp nguyên vật liệu trong xây dựng; gọi là cải tạo nhưng thực ra phá hoại môi trường và tàn phá di sản … — khiến cho nhiều người phẫn nộ và bàn cách chữa trị. 
     Tôi cũng thấy thế, song trong bụng không khỏi thoáng qua một chút hoài nghi. Nhiều hiện tượng cứ nối tiếp theo kiểu “chém đầu này mọc đầu khác”.  Hình như nó đã ăn vào máu chúng ta rồi. Đã thành cách sống được chấp nhận. Muốn chữa tận gốc, cần đi tìm cỗi rễ của sự việc trong tâm lý xã hội và trong từng con người.
     Nay là lúc trước khi làm chuyện bất lương nhiều người thường tự nhủ cuộc sống là một canh bạc. Được làm vua thua làm giặc. Thoát thì giàu to, thành người đàng hoàng. Không thoát đành chịu. Không có luật pháp, không có lương tâm tự trọng gì hết. Việc gì kiếm ra tiền là có quyền làm.
    Tức là có  cả một “triết lý” đứng đằng sau các hành động nói trên. 
    Tuy nhiên, điều đáng nói là ở ta hiện nay, những triết lý nếu có nẩy sinh chỉ xuất hiện dưới dạng một thứ “tập mờ”, một thứ cảm giác mông lung chứ không đề lên thành những luận thuyết chặt chẽ. Và ta lầm tưởng là ta chỉ sống theo bản năng tự nhiên chứ có “triết lý triết luận” gì đâu, nên lại càng dễ bị nó cuốn theo.
     Tôi muốn kết nối những hiện tượng trên với những vấn đề căn bản của đời sống cộng đồng mấy chục năm nay. 
     Chỗ ta hay quên — cộng đồng vừa ra khỏi chiến tranh, một cuộc chiến tranh khủng khiếp nó làm sai lạc cả bản chất con người chúng ta đến mức gần bốn chục năm sau vẫn chưa gượng dậy được. 
     Còn nhớ hồi ấy, ở miền Bắc, nhu cầu động viên thanh niên đi bộ đội rất cao. Học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường khi cần cũng được gọi đi. 
     Để giúp người đi thêm yên lòng, có hẳn một chủ trương là những thanh niên như vậy, dù không học xong cấp III, cũng cho tốt nghiệp. 
     Hơn thế nữa, dù trước đó họ có là những thanh niên càn quấy đi nữa thì việc họ chấp nhận ra đi đã xóa sạch tất cả. Họ được coi là những người có hạnh kiểm tốt. Sự có mặt ở chiến trường, sự tuân theo mệnh lệnh đã là cái tiêu chuẩn lớn nhất để đánh giá con người. Họ trở thành những tấm gương để lớp sau học theo.
    Chiến tranh không có chỗ cho sự suy nghĩ phải trái. Nhân danh những mục đích lớn, thì thủ đoạn nào cũng được phép.Được làm vua thua làm giặc, ai trụ lại được trong chiến tranh thành anh hùng, thành người có công tha hồ làm bậy.  
    Sang thời hậu chiến, kinh tế đóng vai trò mặt trận chính. Nhu cầu của đất nước là phát triển sản xuất để thêm nhiều của cải hàng hóa, là xây dựng, là làm hàng xuất khẩu, là hội nhập …
     Trong hoàn cảnh một xã hội rệu rã tan hoang, hàng núi chi phí bầy ra trước mắt, thì tất cả các hoạt động đa dạng thời hậu chiến rút lại là làm sao để có tiền. Lý tưởng nhất là mỗi địa phương mỗi đơn vị mỗi cá nhân làm thêm ra tiền để tự nuôi và nếu nộp cho nhà nước thì càng nhiều càng tốt.
    Khả năng sinh lợi được coi là khả năng lớn nhất mà cấp trên đòi hỏi ở cấp dưới, các cơ quan công quyền đòi hỏi ở người dân. Nó là tư tưởng mà cũng là đạo lý trong thời đại mới.
    Một xu thế suy nghĩ đang thịnh hành, đóng vai một thứ luật miệng, người ta chỉ  cần hiểu ngầm với nhau. Anh có thể đi buôn dù chức năng anh không phải là buôn; anh có thể chạy chọt xin xỏ, anh có thể có những sáng kiến kỳ cục, miễn là anh gây được một thành tựu có tiếng vang trong xã hội …
   Trong chiến tranh, nhân danh chống lại kẻ thù, người ta dành cho mình cái quyền tàn phá cả các đô thị, các di sản, cần bao mạng người cũng hy sinh không cần tính toán; thì trong làm ăn thời nay, để phục vụ cho việc làm giầu (cho cộng đồng thì ít mà cho cá nhân thì nhiều)-- hầm mỏ bị bòn rút đến tàn nhẫn, rừng nguyên sinh bị triệt phá, thế hệ trẻ bị thả nổi để rồi cuốn theo đủ trò trụy lạc mới học mót được của nước ngoài. 
      Nói chiến tranh tưởng đã lùi xa mà dư âm còn vang vọng, tinh thần của nó còn chi phối nhiều hành động của con người là vì thế. 
      Lúc tỉnh táo, ai cũng rõ trong hoàn cảnh một nước còn nghèo và đạo làm người tối thiểu không cho phép ta sống càn rỡ. Nhưng cuộc sống bế tắc khiến cho người ta thấy tử tế cũng là vô nghĩa, sự phát triển lành mạnh của con người là chuyện hão hiền và tương lai thì quá ư mờ mịt. 
    Trong khao khát làm tất cả để tồn tại, nó – cách sống càn rỡ vô lối đó - chỉ cho ta con đường dễ mà đi. Giữa lúc khó khăn, nó mang tới những “chiến công” những “thành tựu” mà xã hội quen nặn ra để tự lừa mình. Với vẻ hào nhoáng bề ngoài, nó ve vuốt nịnh bợ chúng ta. Hơn thế nữa, nó lại gắn liền với quá khứ vinh quang. Giã từ sao nổi? 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Điếm

Phong Linh




Phong Linh:
Sinh năm 1988, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Ước mơ lớn nhất là được Viết, với khao khát được trở thành một nhà văn thực sự.


*


Chúng ta chưa bao giờ ngừng dối lừa nhau. Nhưng sự dối lừa ấy giúp ta an phận với cuộc đời này.
Nàng nói với Lam như vậy. Anh im lặng, choàng tay ôm lấy nàng. Nàng nép sâu hơn vào ngực anh, quấn siết lấy anh bằng những nụ hôn ướt át, lơi lả.
Đêm nào nàng và Lam cũng nằm hàng giờ bên nhau như vậy, chỉ để vuốt ve và nghe trọn vẹn một bản nhạc cùng nhau. Lam thường ra đi lúc nửa đêm, trở về là chính anh với cuộc đời đang chờ đợi ngoài kia. Nàng chưa bao giờ giữ anh lại, dù trái tim nàng thét gào điều đó. Đôi lúc bên anh, nàng buông lơi bản thân mình trong vòng tay anh, ngợp mình trong những ái ân cùng anh chỉ vì muốn anh hãy đưa nàng đi đến nơi cùng kiệt của xúc cảm. Chỉ có anh và nàng trong cái cõi ấy thôi. Nàng lờ mờ nhìn thấy bàn tay anh siết chặt lấy tay nàng, nụ cười miên man giữa những cành hoa tím của mùa này. Nơi tận cùng chân trời ấy chỉ có anh và nàng. Thế nhưng chưa bao giờ anh làm  như vậy. Anh luôn dừng lại giữa những khoảng mê dại của anh và nàng. Anh ôm nàng và bắt đầu hát những bản tình ca buồn đến héo hắt, chưa bao giờ trọn vẹn.
Nàng im lìm ngủ trong vòng tay anh, giữa những nỗi buồn của anh mà chưa bao giờ nàng chạm tới.
Bỗng dưng anh không đến với nàng nữa. Anh biến mất như một ngôi sao băng tan sạch vết dấu. Tại sao? Lần đầu tiên với anh nàng cô gắng đặt câu hỏi ấy để rồi kiếm tìm anh. Nàng lật tung tất cả những gì liên quan đến anh trong cuộc đời nàng. Nhưng lúc này nàng mới ngỡ ngàng. Có gì? Nàng có gì về anh ngoài hình ảnh của một gã trai bụi bặm, ưa hút Marlboro trắng, và những bản tình ca không trọn vẹn.
Năm ngày nàng vẫn ngồi lặng im đợi anh qua ô cửa sổ xám màu, ở cái khu phố ọp ẹp mà người ta phải lội qua những vũng bùn lầy lội, quện chặt trong một thứ mùi rác rưởi hôi thối. Nàng đợi anh đến ngày thứ 6. Nàng vùng dậy, ánh nắng của những ngày tháng sáu xiên chéo qua các nóc nhà cao tầng đâm thẳng xuống hiên nhà của căn phòng nàng đang ở. Ánh nắng lạnh lùng nhìn nàng bằng ánh mắt bại liệt niềm vui. Nàng hất tung mớ tóc mai lòa xòa nhìn vào tia nắng xéo nghiêng ấy, cười rũ rượi. Mày cũng đang thê thảm như tao thôi. Trần trụi với nỗi cô đơn lạnh buốt của mình mà thôi nắng ạ. Nàng bước qua vạt nắng ấy đến ngồi trước gương. Đã lâu rồi nàng không nhìn ngắm và vuốt ve khuôn mặt mình. Nàng bắt đầu trang điểm. Một khuôn mặt khác. Quyến rũ, tình tứ. Một đôi mắt đuôi dài sắc đậm. Một đôi lông mày nhún nhẩu. Nàng mở tủ chọn cho mình bộ áo đầm mà nàng thích nhất. Chiếc áo đầm màu đỏ, khoét cổ sâu và trần lưng.
Phố thẳng thớn những con đường chịt chằng vết thương và loang loáng những gương mặt cô đơn. Nàng gặp anh ở con phố này. Ngõ này. Giờ này. Khi anh say quếnh quáng rồi ngã vào vòng tay nàng. Lần đầu tiên ấy, anh khóc vì rượu, anh nói vì rượu và lần đầu tiên anh ở bên một người con gái khác không phải vợ mình. Nàng cười vì sự thú nhận ngô nghê của anh. Đêm đó – lần đầu tiên anh hát tình ca cho một người con gái. Và nàng yêu anh từ những bài tình ca dở dang đứt gãy ấy.
Sáng sớm, nàng chực ra đi khi anh còn say ngủ thì anh choàng dậy ôm lấy nàng. Đêm qua anh mơ mình đã hát cho em nghe. Đừng bỏ anh. Tiếng anh khản đặc, trầm sâu.
Nàng ngắt quãng. Nàng phủ nhận mọi lời hứa của anh. Nàng không cần những điều phù phiếm giả dối ấy. Nàng không cần anh nói nhiều khi bên nàng. Nàng chỉ cần anh và đôi mắt cô đơn se sắt của anh. Cũng có đôi lần khi bên anh, nàng hỏi về những đứa con của anh.
Đáng yêu lắm
Vâng...
Những tiếng nói rơi bẫng vào trong khoảng đêm lặng sệt. Nàng ôm chặt anh, rất chặt.
Đêm tháng sáu Hà Nội tím đẫm hương bằng lăng và những dở dang dài đến vời vợi. Nàng chưa bao giờ nói với anh rằng, nàng thèm khát có một đứa con với anh.
Nàng ẽo ợt, cợt nhả buông lơi những câu ỡm ờ với những gã đàn ông dừng xe lại bên cạnh mình. Nàng luôn biết cách kéo chiếc váy ngắn lên cao, lên cao chút nữa để lộ cặp đùi trắng ngần. Nàng sáp lại bên gã, liếc cặp mắt sâu của mình đưa tình. À ơi. Mỗi đêm nàng chỉ cần lặp đi lặp lại viêc đó ba bốn lần. Nàng có thể sống phong lưu. Nàng không cần anh. Cặp mắt sắc lạnh của nàng đã nói điều đó.
Đêm Hà Nội trở gió. Gió điên cuồng cuốn tung bụi đường, quất rát vào khuôn mặt nhợm nhòa son phấn của nàng. Nàng buông tay ngồi bên vệ đường. Đôi chân rã rời chẳng còn là của mình. Đã bao lâu rồi nàng cố hắt hủi hình ảnh anh ra khỏi tâm hồn mình, nhưng đêm nay, nỗi nhớ anh thắt quặn, bóp nghẹt tim nàng. Nước mắt của bao nhiêu ngày nén lại, chỉ vì một cơn gió mà tung tóe khỏi tâm hồn, ướt cả những bước chân. Nỗi cô đơn, nàng tưởng như mình đã chạm được vào nơi cuối cùng mà nỗi cô đơn tồn tại. Nàng có thể cảm nhận được điều đó, và nàng lờ mờ nhìn thấy anh. Cô đơn. Nhỏ bé.
Đêm. Căn phòng sáng lên một thứ ánh sáng lờ nhờ, ủ dột. Anh trở về. Anh trở về nhợt nhạt, đôi mắt vẫn sâu, nhưng sao nàng cảm thấy ở đó hoai hoải xa xôi.
-    Anh sẽ đưa em đi.
-    Đi đâu?
Nàng buột miệng hỏi anh câu đó như một cái máy được lập trình sẵn. Vô thức. Vô cảm. Nàng không mong lời đáp lại, nhưng anh nhìn nàng, và trả lời thành thực.
-    Đi khỏi nơi này. Đến nơi em được sống khác đi.
-    Anh ngây thơ quá. Là em chọn việc này. Là em chọn nơi này. Anh đang muốn biến em thành một cô tình nhân sạch sẽ, ăn mặc đúng kiểu, đặt trong một cái tủ kính đẹp của một ngôi nhà đẹp, hàng ngày chải chuốt, điểm phấn tô son, tưới hoa, uống cafe và chờ đợi anh đến ban phát chút ái tình cỏn con, tội tình sao?....
-    Không. Anh muốn được sống với em như những giấc mơ của em.
-    ....  – Giấc mơ của nàng ư? Nàng chưa bao giờ nói với anh về cái giấc mơ xa xỉ ấy. Anh và nàng và một đứa trẻ con ư? Nàng có thể có được điều đó sao? Cái thứ mà cha mẹ nàng sẵn sàng cướp đoạn nó từ tay nàng, phá hủy nó rồi đẩy nó vào một phòng tối đầy những mảnh gương vụn. Chưa bao giờ nàng dám mơ về giấc mơ ấy nữa. Một giấc mơ quá xa xỉ.
-    Em. Anh và em hãy đi cùng nhau đến một nơi khác. Không phải là cái thành phố sáu triệu dân chật chội này. Hãy sống với nhau. Chỉ em và anh thôi.
Nàng cười sặc sụa. Nàng cười giàn giụa nước mắt.
-    Giấc mơ vời vợi ấy em chẳng còn mơ nữa. Đừng làm cho những đứa con của anh phải đau khổ vì những dối lừa mà ta đang cố ru ngủ nhau nữa chứ.
-    .... Anh đã dành gần hết thời gian sống của mình để là một người con ngoan, một người chồng hiền, và một người cha tốt. Đã đủ chưa em. Hãy cho anh một chút thôi, một chút nữa thôi được là anh.
Anh lại bên nàng, thủ thỉ van xin và hôn lên những giọt nước mắt của nàng. Đi em nhé.
Sau đêm hôm ấy, chẳng ai còn nhìn thấy nàng và anh nữa. Họ đã đi đâu có lẽ chỉ họ và anh biết. Họ tưởng vậy, nhưng cô biết. Cô đã lặng nhìn họ nắm tay nhau đi cho đến khi họ mất hút vào bên trong bến xe còn ì ọp nước mưa từ đêm qua ấy.
Ngày xưa mẹ anh cũng từng là một con điếm. Cái định danh nghề nghiệp có khả năng giết chết một con người. Những người tử tế ở giữa cuộc sống như cô sẽ nhìn họ bằng ánh mắt liếc xéo, miệt khinh, hỉ hả. Làm điếm thì chẳng có nhân cách. Làm điếm thì mạt kiếp làm điếm thôi. Những gã đàn ông chán vợ tìm đến những ả điếm ấy, lăn lộn với những khao khát sung sướng…
Ả điếm ấy đã sinh cho cha anh một cậu con trai độc đinh nối dõi tông đường, rồi bị hắt ra ngoài lề cuộc sống của một con chó cun cút. Những nỗi buồn ai biết giấu nơi nào. Ả chẳng bao giờ khóc. Điếm thì làm gì biết khóc. Điếm chỉ biết gạ tình lấy tiền. Điếm lạnh tanh, lạnh tanh. Chẳng ai còn biết ả điếm ấy, mẹ anh đấy đã trôi nổi về đâu? Đã chết ở xó xỉnh nào. Chỉ có anh, trong thẳm cùng của những suy nghĩ, dường như vẫn níu lấy tay mẹ. Cô cảm thấy điều đó. Nhưng chưa bao giờ cô chạm được vào anh, và tình yêu của anh. Cô đã quen với việc lặng lẽ yêu anh, lặng lẽ chăm lo cho hạnh phúc hợp pháp và giả dối của anh và cô. Anh đã sống trong cái tổ ấm giả tạo phiền não như vậy là đủ rồi. Cô biết anh yêu nàng, tình yêu lạ lẫm, dằn vặt. Cô biết anh không thể để nàng rồi cũng phải chết trong cô đơn giống như mẹ anh chỉ vì một tình yêu tuyệt vọng cùng anh. Cô biết từ rất lâu, rồi sẽ đến lúc anh đi. Những ngày qua dài dằng dặc như nắng tháng sáu miệt mài thiêu đốt từng con người. Hà nội buồn hoai hoải. Đám tang  của cha anh đã giải thoát cho anh. Đã đến lúc rồi. Cô chỉ là bóng hình vời vợi bên anh.
Cô nhìn theo những khuất bóng trước mắt mình như nhìn vào một nơi trống hoắc nào đó. Tiếng trẻ con vọng lại từ xa lắm. Tiếng khóc cười của đứa trẻ con cô chưa từng một lần được ấp ủ. Tiếng khóc cười từ thiên đàng phải không? Tiếng trẻ con... Anh muốn có con với cô ấy. Một đứa con của anh.
Chúng ta chưa bao giờ ngừng dối lừa nhau. Nhưng sự dối lừa ấy giúp ta an phận với cuộc đời này.
Anh đã từng nói với cô như vậy. Nhưng cô biết rằng con người sống chẳng phải chỉ để an phận với cuộc đời này. Anh và nàng. Anh và cô. Cô và nàng. Đã là một vòng tròn như vậy thì sao có thể nằm lặng im mà nghe giả dối từ nhau. Anh đã là người bứt tung tất cả, tan tác tất cả. Cô đi về thôi.

Tháng sáu buông nắng chan chát. Ai đem nắng về để vội vã làm héo hắt những giọt nước mắt vướng vít trong tâm hồn, để con người khát khổ bày phơi nỗi cô đơn. Cô đi về thôi. Nắng xiên qua làn áo mỏng. Bỏng rát.


Phong Linh

Saigon, 22/05/2012

Phần nhận xét hiển thị trên trang

BỐN QUẢ ‘PHẢN PHÁO

MINH DIỆN
BVB blog 24.9.13

Tôi mới đọc bài Mấy chuyện vạ bút" của tác giả Ngọc Dương (Lào Cai) có nguồn từ mấy trang khác, nay entry trên trang blog BVB. Đọc xong, suy ngẫm: Cái nghề văn thơ - báo chí tuy có khoảng trời riêng, cùng vui, sôi động, đến được nhiều bạn đọc, nhưng hiềm một nỗi sao mà nó chịu nhiều cám cảnh trần ai cơ khổ, nhiều khi bị đời soi mói, bạc bẽo, thậm chí có khi nhìn mình như ‘sinh vật lạ”!? Xem ra, dù viết kiểu gì cũng dễ bị ‘vạ bút’. Tôi cũng bị ‘vạ bút’ đã nhiều lần. Có khi nói thẳng, nói thật còn bị cấp thẩm quyền kỷ luật, bắt ‘treo bút’...
Gần đây nhất, khi viết cho các trang mạng (tất nhiên, gọi là ‘lề trái’, viết có phần được phóng tay, mở lòng thoải mái, nói được hết suy cảm, tâm tư thực của mình), nhưng rồi tôi cũng bị bốn quả ‘phản pháo’. 
Mấy ngày qua, tôi đã đọc 194 comment dành cho bài: Một bài ‘nói lại’ với nhà báo Minh Diện của Phan An Sa, và 40 comment cho bài “Cảm xúc từ sao lại tâm hồn vong bản” của Thanh Tùng, đăng trên trang blog của đại tá Bùi Văn Bồng. Tôi cũng nhận được nhiều tin nhắn qua điện thoại. Xin chân thành cảm ơn tất cả bạn đọc đã chia sẻ với tôi sau sự cố xảy ra. Những ý kiến đóng góp của bạn đọc tôi xin tiếp thu . Nhưng xếp theo thời gian, tôi coi đây là “quả phản pháo” thứ Tư.
Tuy nhiên có một vài comment nặc danh cho rằng tôi bịa chuyện, và nhắc lại chuyện 3 “quả pháo” trước về chuyện viết đến các vị: Hoàng Hữu Phước, Hoàng Quang Thuận và bà Nguyễn Phương Hằng kiện vì những lý do đơn giản là chê và góp ý cho họ, nêu lên một vài “góc khuất” của họ. Vì vậy tôi xin minh bạch hóa ba “vụ kiện”, 3 “quả phản pháo” để bạn độc hiểu sự thật.
+ Quả pháo thứ nhất: Ngày 17-11-2011, phát biểu trước Quốc hội, ông Hoàng Hữu Phước đề nghị: “Loại bỏ luật lập hội và luật biểu tình ra khỏi danh sách dự án luật trong suốt nhiêm kỳ XIII”. Ông Phước nói: “Việt Nam có cần cuộc biểu tình chống chính phủ không? Chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của chính phủ Việt Nam hay không? Nếu không cần tại sao lại đưa dự án luật biểu tình, nói rồi, nói mãi như thể nó là khuôn vàng thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ”. Ông Hoàng Hữu Phước còn nói trình độ dân trí nước ta thấp chưa hiểu về luật…
Là một người dân, tôi cảm thấy bị xúc phạm, nên gọi điện thoại cho Hoàng Hữu Phước, muốn góp vài lời với tư cách một cử tri với một đại biểu Quốc hội. Nhưng gọi mấy lần ông Phước không bắt máy. Trong lúc bức xúc tôi nhắn tin cho ông: “Mày là ai mà khinh thường dân tao như vậy? Nếu gặp tao sẽ cho ăn trứng thối!”. Vì tin nhắn đó, mà Hoàng Hữu Phước khép tôi vào tội khủng bố, làm công văn gửi lãnh đạo các cấp, và tôi bị gọi lên cơ an an ninh điều tra thẩm vấn.
Trước cán bộ điều tra, tôi xác nhận đã gửi tin nhắn đó cho Hoàng Hữu Phước, nhưng không phải là “khủng bố” như ông ta nghĩ, mà chỉ bày tỏ thái độ bất bình của một cử chi với một đại biểu Quốc hội. Tôi nói thẳng , không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người bức xúc với Hoàng Hữu Phước, vì ông ta khinh thường dân, đi ngược lại Hiến pháp.
Cơ quan an ninh điều tra thành phố Hồ Chí Minh không khép tôi vào tội “khủng bố” như ông Hoàng Hữu Phước tố cáo, nhưng cho rằng tôi đã vi phạm hành chính trong việc nhắn tin xúc phạm đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước.
Không ngờ sau đó, như mọi người đã biết, Hoàng Hữu Phước xúc phạm đại biểu Dương Trung Quốc nặng nề hơn, nhưng không bị xử lý dù chỉ bằng hình thức phê bình. Về chuyện đó tôi đã viết bài “Ôi đại biểu của dân” và “ Lại là nghị Phước” trên blog buivanbong (nikname cũ, trang này sau đó không hiểu sao bị đánh sập, buộc chủ trang phải lập nikname mới).
+ Quả pháo thứ 2: Là chuyện có dính với Gs. Hoàng Quang Thuận (thành phố HỒ Chí Minh), nổi tiếng trong vụ đạo “thơ thiền”: Đầu năm 2012, tình cờ đọc trên trang lethieunhon có bài của luật sư nhà báo Minh Tâm, viết về việc Hoàng Quang Thuận đạo thơ, làm thơ tâm linh và đề cử nhận giải Nô bel. Vì bài viết đó Minh Tân bị Hoàng Quang Thuận gọi là kẻ “Lừa thầy phản bạn!”. Từng quen biết Hoàng Quang Thuận, tôi gọi điện thoại cho ông, định khuyên ông nên nhận sai sót của mình, nhưng tôi vừa cất lời thì Hoàng Quang Thuận cúp máy.
Nhà báo Minh Tâm nói với tôi, việc làm của Hoàng Quang Thuận là không thể chấp nhận, dù là bạn bè cũng phải thẳng thắn với nhau. Tôi thấy quan điểm của Minh Tâm đúng, nên đã viết mấy bài về Hoàng Quang Thuận như: “Ai có thể lừa được vua lừa?”, “ Chiếc sừng tê giác của Tăng Minh Phụng”,v.v...
Sau khi những bài báo đó đăng trên trang Blog lethieunhon, Hoàng Quang Thuận gọi điện thoại cho tôi, lúc đầu cũng bảo tôi là kẻ “Lừa thầy phản bạn” nhưng sau đó xin lỗi, và năn nỉ tôi bỏ qua chuyện cũ. Tôi đề nghị Hoàng Quang Thuận xin lỗi chủ trang blog lethieunhon và Hoàng Quang Thuận đã gọi điện xin lỗi nhà báo Lê Thiếu Nhơn. Trước thái độ cầu thị của Hoàng Quang Thuận, tôi và Lê Thiếu Nhơn không đăng tiếp những bài về ông .
Không ngờ ngay sau đó Hoàng Quang Thuận trở mặt, cho đăng ý kiến cùa ông Tăng Bỉnh Trọng,thanh minh chuyện chiếc sừng tê giác, và làm đơn kiện tôi và Lê Thiếu Nhơn tội vu khống.
Tôi được cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an mời làm việc. Bằng thái độ trung thực, nghiêm túc, và bằng tài liệu, nhân chứng, tôi đã chứng minh trước cơ quan điều tra những bài báo tôi viết không hề bịa đặt, vu khống như Hoàng Quang Thuận nói. Tôi đề nghị đối chất với Hoàng Quang Thuận làm rõ trắng đen, nhưng ông Thuận không dám đối chất.
+ Quả pháo thứ 3: Về vụ bà Nguyễn Phương Hằng vợ sau của đại gia Huỳnh Phi Dũng cũng cho rằng tôi bịa đặt vu khống vợ chồng bà trong bài báo “Ân oán còn lâu” ...
Trước cơ quan an ninh điều tra tôi cũng đã đưa ra những bằng chứng, nhân chứng để chứng minh một cách trung thực những điều tôi viết trong bài báo. Và ngay sau đó, để bảo vệ bạn đọc - CTV, Đại tá Bùi Văn Bồng, chủ trang blog, cũng trao đổi và xác nhận với cơ quan chức năng là tin ở bản thảo bài viết của tôi đúng sự thật, tác giả cũng cam kết như vậy, không hề bịa đặt, không vu khống, cũng không hề thù ghét ông bà Nguyễn Phương Hằng, Huỳnh Uy Dũng mà chỉ muốn góp phần làm cho con người sống với nhau có có tình hơn, đừng dùng các thủ doạn tham lam trục lợi cá nhân xã hội có chuẩn mực hơn.
Ông Hoàng Hữu Phước vu cho tôi tội khủng bố, ông Hoàng Quang Thuận, và bà Nguyễn Phương Hằng vu cho tôi tội bịa đặt , vu khống, có lẽ đều muốn đẩy tôi vào tù. Nhưng điều họ mong muốn đã không xảy ra vì sự thật tôi không phải là một kẻ khủng bố, cũng không phải là kẻ bịa đặt vu khống. Các cơ quan công an đã điều tra xác minh từng vụ việc và sự thật đã được kết luận.
Trước đó bạn bè rất lo cho tôi vì phải đối đầu với những người có chức quyền và rất nhiều tiền, nhưng tôi vẫn tin chân lý không thể bẻ cong, và sự thật là như vậy. Qua đây, lòng tin của tôi với đời thực được thêm củng cố: Không phải đòng tiền chạy cửa nào cũng lọt nhanh, trôi gọn! Trên đời, sự trung thực, khách quan, người tốt và và làm việc có trách nhiệm còn nhiều.
Tôi là một cựu chiến binh, một nhà báo đã lớn tuổi, tâm đắc với Đại tá Bùi Văn Bồng nên đã cố vượt lên sức ép của gia đình và sức khỏe, viết bằng cái tâm của mình, không cầu danh, cầu lợi và không có ý đồ chống phá, nhục mạ bất kỳ ai. Trong nghề báo không ai tránh được sai sót, người viết báo ‘lề trái’ như tôi còn gặp khó khăn hơn, nên tôi đã công khai số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, địa chie E,Mail của mình sẵn tiếp thu phê bình của bạn đọc. Rất tiếc có người không biết vì mục đích gì, lại mạo danh, địa chỉ hoặc với hình thức nặc danh bia đặt vu khống, gán gép hình ảnh nhằm nói xấu tôi. Có lẽ do nã pháo vào tôi không thành công nên họ phải dùng hạ sách đó. Nhưng tôi tin rằng bạn đọc hiểu thủ đoạn và những thông tin giả đó, và chia sẻ với những người làm báo, nhất là viết trên các trang thông tin xã hội (lề trái) như tôi. Tôi chỉ là cây viết bình thường yêu nghề, ham suy ngẫm chuyện đời, chuyện xã hội, giao tiếp với cộng đồng, như bao nhà báo khác, nhưng qua những rắc rồi do đưa những thông tin trung thực, thẳng thắn, xây dựng ra công luận, bị người liên quan (chỉ thích thích khen, không thích chê) đã ‘phản pháo’, kiện cáo, tôi lại suy ngẫm bài thơ “Cây thông” của cụ Nguyễn Công Trứ:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.


Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.


Giữa trời, vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thời trèo với thông


Nhưng, tôi lại nghĩ, cụ Nguyễn Du từng khuyên rằng: Đã mạng cái nghiệp vào thân / Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa. Để tự giải tỏa suy nghiệm và trắc ẩn trong lòng, để mở ra được giao lưu với cộng đồng, với xã hội, và cũng mong mỗi bài viết góp thêm chút đỉnh cho người đời gặt hái thông tin, cảm nghiệm chuyện đời được cái gì đó, cùng chia sẻ, cứ viết!
M.D


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Các ông Bill, Bê, Dũng và chuyện từ thiện

Lê Chân Nhân

Mấy hôm nay dư luận ồn ào theo cha con ông Huỳnh Uy Dũng vì cái vụ thừa kế và truyền ngôi có một không hai ở Việt Nam. Đứa bé 1 tuổi trở thành tỉ phú với khối tài sản khổng lồ, báo chí đưa tin rần rần rộ rộ. Vui thay!
 Ông Dũng là ông chủ của nhiều khu công nghiệp, khu du lịch nổi tiếng, ăn ra làm nên bao nhiêu năm nay. Ông là một người giỏi kinh doanh nên ông giàu có, rất đáng khâm phục.
Chuyện ông truyền ngôi chủ tịch HĐQT cho con trai 1 tuổi có đúng luật hay không thì rõ rồi, nhưng không có gì mà ầm ĩ. Trước sau, khối tài sản hay chức danh trong công ty gia đình thì cũng của gia đình đó, chỉ khi nào lấy chức danh, tiền bạc bổng lộc của chính quyền, của nhà nước mà ban phát cho con cháu mới đáng nói.

Truyền ngôi cho con trai 1 tuổi, ông Huỳnh Uy Dũng có tâm nguyện rằng, con ông sau này giàu có không phải để ăn chơi mà để làm từ thiện. Từ thiện thì có nhiều cách làm, nhưng ông  Dũng muốn con mình xây đền vì theo ông, việc này có ý nghĩa  hơn những cách làm từ thiện khác. Ông Dũng đã xây 1 cái đền ở Khu du lịch Đại Nam, mục tiêu là sau này ông và con ông sẽ xây xong 17 ngôi đền khắp cả nước, miền Bắc 5 ngôi, miền Trung 6 ngôi, miền Nam 6 ngôi.

Việc ông Dũng làm có gì đó cũng tương tự như ông Trầm Bê đã làm, đó là xây dựng, trùng tu, tôn tạo rất nhiều chùa ở Trà Vinh. Phật tử đến nhiều chùa ở vùng này, biết ngay là chùa Trầm Bê vì thường có ảnh của gia đình đại gia này.

Cha ông xưa nói “làm việc thiện tay phải, tay trái không biết”. Ngày nay có mốt khác, có khi chưa làm đã khoe với cả thiên hạ.

Ông Huỳnh Uy Dũng và ông Trầm Bê đều có  tâm nguyện xây đền thờ, chùa chiền, ông Dũng còn ghi di chúc thừa kế cho con trai 1 tuổi thành đại gia để sau này tiếp tục làm từ thiện.  Đứa bé từ nhỏ đã được cho mặc áo tràng và mang tràng hạt, gõ mõ tụng kinh. Xem hình của cháu đeo tràng hạt gõ mõ trên các báo thấy rất thương.

Mọi chuyện so sánh đều khập khiễng, song chuyện ông Bill Gates ở bên Mỹ lại có cách làm từ thiện khác ông Trầm Bê và ông Dũng. Ông Bill bỏ tiền riêng gây quỹ để đi tìm những quốc gia nghèo khổ, dân chúng bị bệnh tật để giúp đỡ. Ông Bill cũng không cho con cái thừa kế tài sản bởi vì  theo ông là điều đó “không tốt cho chúng và cho cả xã hội”.

Còn chuyện dạy cho con làm từ thiện ông Bill cũng khác, ông nói: “Nếu muốn làm từ thiện, tự tay tôi sẽ làm, còn các con tôi, nếu muốn giàu có hay làm việc tốt, tự tay chúng sẽ phải làm”.

Chuyện ông Bill, ông Bê và ông Dũng kể ra cũng đáng để ngẫm nghĩ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang