Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Hoa Kỳ hay dân Miến Điện đang thực hiện việc đó?




   * Nhìn lại vị trí của Miến Điện trên tấm bản đồ *


Có hai quốc gia Đông Nam Á mà mối quan hệ với Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến cục diện lâu dài của toàn khu vực Đông Á. Đó là Việt Nam và Miến Điện....

Việt Nam hiện vẫn giữ thế "môi hở răng lạnh" với Trung Quốc. Còn Miến Điện thì lặng lẽ tự giải phóng khỏi sức hút của Trung Quốc và đang ra khỏi vòng phong toả của Hoa Kỳ. Chiều hướng ấy hiển nhiên có lợi cho người dân ở bên trong, nhưng cũng đảo lộn cái trật tự u ám của khu vực Đông Nam Á - dưới bóng rợp của Trung Quốc. Hoa Kỳ có góp phần cho sự chuyển hướng đó. Nhưng chỉ góp phần mà thôi vì động lực chính vẫn xuất phát từ dân Miến.

Bài này sẽ tìm hiểu về vai trò mà người viết nhấn mạnh là "góp phần". Nhìn từ Hoa Kỳ thì Mỹ có góp phần, nhưng nhìn từ Miến Điện thì phần chính của sự chuyển hóa này là từ dân Miến...


***


Nhìn trong viễn cảnh dài, quan hệ giữa Miến Điện với Trung Quốc và với Hoa Kỳ đã là hai vòng xoáy.... ngược.

Lãnh đạo Miến đã cải thiện quan hệ với Bắc Kinh từ hơn 30 năm trước, chính thức là từ 1988, sau khi Đặng Tiểu Bình chấm dứt yểm trợ các tổ chức phiến loạn thân Trung Quốc, thậm chí theo chủ nghĩa cực đoan của Mao Trạch Đông, các nhóm "Mao-ít" hay Maoist. Ngược lại, cũng từ 1988, Hoa Kỳ đã trừng phạt Miến Điện về tội độc tài, đàn áp tôn giáo, và hạ tầm ngoại giao từ vị trí đại sứ xuống xử lý hai đại biện.

Thật ra, Miến Điện bị nạn độc tài từ nửa thế kỷ, từ năm 1962, và lụn bại dần dưới sự cai trị của các tướng lãnh. Nhưng, Bắc Kinh chẳng mấy phiền hà về chuyện đó như Hoa Kỳ. Và Mỹ rút tới đâu thì Thiên triều đỏ lấn tới đó, để xây dựng hệ thống độc tài bản xứ của mình, cho mình. Những gì xảy ra tại Hà Nội ngày nay có thể phải được nhìn thấy từ trước tại Miến Điện.

Quả nhiên là trong ba chục năm, Miến Điện trôi vào quỹ đạo "xã hội chủ nghĩa" dưới chế độ độc tài quân phiệt làm xứ sở lụn bại tới cùng cực. Sau khi thử nghiệm giải pháp dân chủ hình thức với cuộc bầu cử năm 1990 và bị đại bại, các lãnh tụ thủ tiêu kết quả bầu cử và giam giữ đối lập. Nổi tiếng nhất trong các khuôn mặt đối lập này là bà Aung San Suy Kyi.

Mọi sự thật ra bắt đầu chuyển động từ năm 2009 với vai trò ít ai nói tới của Nghị sĩ Jim Webb. Ông là con cá dò mìn, bơi vào vùng nước đầy thủy lôi có thể nổ từ hai bờ tả hữu....

Là Chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái bình dương trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Jim Webb đề xướng sáng kiến giao kết - đối thoại và hợp tác - với các quốc gia Đông Nam Á như một chiến lược ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này. Tháng Tám năm đó, ông thăm viếng năm nước Đông Nam Á trong hai tuần, kể cả Việt Nam và Miến Điện.

Tại Miến Điện, hôm 14 Tháng Tám năm đó, Nghị sĩ Jim Webb gặp lãnh tụ quân phiệt là Tướng Than Swee lẫn bà Aung San Suu Kyi khi ấy còn bị quản thúc. Chuyến thăm viếng này xảy ra đúng ba tháng sau khi bà bị các tướng bắt tại nhà và đưa vào tù!

Với kinh nghiệm lâu dài về Á Châu, ông Webb đề nghị Hoa Kỳ gỡ bỏ dần lệnh cấm vận để cải thiện quan hệ với Miến Điện tùy mức độ chuyển hóa của chế độ. Ông thực tế vào tận nơi mở đường cho việc nhìn Hoa Kỳ lại cục diện Đông Nam Á trong bối cảnh Đông Á.

Sau đó mới có vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ (Hillary Clinton) chính thức thăm Miến Điện vào cuối năm 2011 - lần đầu tiên kể từ năm 1955. Bà hội kiến Tổng thống Then Sein tại thủ đô Naypyidaw rồi Aung San Suu Kyi tại (cố đô) Yangon hay Rangoon - xưa ta dịch là Ngưỡng Quang. Sau đó mới là việc Ngoại trưởng Mỹ xông thẳng vào hồ sơ Mekong, gặp riêng Bộ trưởng Ngoại giao của các nước dưới hạ nguồn con sông đã bị Trung Quốc khống chế trên thượng nguồn: Thái Lan, Việt, Miên, Lào và Miến Điện.

Rồi từ đầu năm nay, Hoa Kỳ nâng cấp bộ ngoại giao giữa hai nước lên hàng Đại sứ trong khi dân Miến chuẩn bị đi bầu.... Chi tiết lý thú và ý nghĩa là Đại sứ quán Hoa Kỳ vẫn nằm tại Rangoon, chứ không ở thủ đô giữa rừng của chế độ là Naypyidaw.


***


Miến Điện đã từng là cường quốc Đông Nam Á và thuộc loại trù phú nhất. Hơn hẳn Việt Nam rất xa – xin lỗi bà con! - mà cũng từng là quốc gia bán gạo nhiều nhất thế giới, trước Thái Lan và Việt Nam.  

Trên một lãnh thổ rộng gấp đôi Việt Nam, với dân số hiện chỉ có 60 triệu, xứ này là một kho tài nguyên gồm có dầu, khí, than, thiếc, đồng, uranium, ngọc, gỗ quý, và cả mạng lưới thủy điện dồi dào nhờ địa dư đầy núi rừng và thác nước.... Nhưng địa dư xứ này cũng đẩy dân Miến, chả mấy khác dân Việt, vào giữa hai đại cường và hai nền văn hoá Ấn Độ và Trung Hoa.

Tiếp giáp với cả Ấn Độ ở hướng Tây-Bắc và Trung Quốc ở hướng Đông-Bắc, lãnh thổ Miến nằm trên Vịnh Bengal nối liền Ấn Độ dương với Thái bình dương, qua eo biển Malacca sinh tử cho kinh tế Á Châu.

Khi lui về chế độ độc tài, Miến Điện trôi vào quỹ đạo Trung Quốc và bị bần cùng hóa với tốc độ chóng mặt. Từ một quốc gia thịnh vượng, nay Miến Điện có hệ thống y tế đứng hạng chót thế giới. Khi ra khỏi chế độ độc tài - trong một tiến trình còn bất trắc và tùy thuộc dân trí lẫn dân khí -  Miến Điện sẽ tự giải phóng khỏi bóng rợp u ám của Trung Quốc.

Hết là một nơi bị Thiên triều đỏ mặc tình bóc lột nhờ cấu kết với lãnh đạo độc tài, xứ này sẽ trở thành một trung tâm kinh tế nối liền tiểu lục địa Nam Á (Ấn Độ) với các nước Đông Nam Á bên Thái bình dương và nối liền các tỉnh Trung Quốc bị khóa trong lục địa, thí dụ như Vân Nam, với biển nóng ở bên dưới. Miến Điện sẽ không là... "tiền đồn của thế giới tự do" vây quanh Trung Quốc: bài học đáng nhớ cho nhiều xứ Đông Nam Á - lại xin lỗi bà con!

Nhưng là trung tâm giao tiếp với thế giới, nhất là với Ấn Độ.

Do di sản của Đế quốc Anh, dân Ấn tại Miến đã từng giữ vai trò trọng yếu về kinh doanh, tương tự như thành phần Hoa kiều tại nhiều xứ khác. Do vị trí địa dư, Ấn Độ và cả Bangladesh đều có lợi khi hợp tác với Miến Điện. Và mối lợi đó cũng phù hợp với quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ.


***


Hoa Kỳ đã từng lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vì những tội danh có thể làm... Hà Nội đỏ mặt  - vì độc tài chưa tới, ngay giữa thời chiến! Hoa Kỳ cũng từng bang giao rồi yểm trợ chế độ độc tài và tuyệt đối tham nhũng tại Hà Nội ngay trong thời bình. Ngoài mối lợi dù sao còn nhỏ nhoi cho doanh nghiệp Mỹ, đối sách đầy thông cảm - tới lợm giọng - của Mỹ vẫn không đạt kết quả là góp phần xây dựng một nước Việt Nam ổn định và độc lập trước đà bành trướng của Trung Quốc.

Cũng chính mối nguy bành trướng đó, từ sau Chiến tranh Cao Ly cho tới Điện Biên Phủ 1954, khiến Mỹ thục mạng nhảy vào Việt Nam mà... chẳng hiểu gì cả. Sau đó là lịch sử bi thảm, khi Hoa Kỳ nghĩ lại, giao kết với Trung Quốc từ 1972 và tiền đồn thế giới tự do trôi xuống biển....

Bây giờ, 40 năm sau, Hoa Kỳ lại nghĩ lại nữa! Là chuyện ngày nay.

Lãnh đạo Miến Điện – bên trong chế độ và bên ngoài xã hội – không thể không thấy những điều này, từ phía Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Họ dám chọn lựa và đang thử nghiệm giải pháp có vẻ rủi ro là dân chủ. Sự chọn lựa đó đang chuyển dịch cả cục diện kinh tế và chiến lược trong khu vực trải rộng từ Ấn Độ dương qua Thái bình dương. Ngần ấy quốc gia liên hệ - chứ không riêng Hoa Kỳ - cũng đều theo dõi và có khi ngầm tác động vào sự chọn lựa này. 


Khi theo dõi số phận của nhiều hợp đồng ký kết giữa Miến Điện với Bắc Kinh, ta có thể thấy ra điều ấy. Cũng như khi tìm hiểu về dự án dẫn khí đốt nối liền Calcutta ở tiểu bang Tây Bengal của Ấn qua Chittagong của Bangladesh và Rangoon của Miến (xin ngó vào tấm bản đồ), ta đoán ra triển vọng hợp tác lâu dài của Miến Điện với các lân bang khác, thay vì chỉ là một chư hầu hay vùng phiên trấn của Bắc Kinh.
Vì vậy, vấn đề không chỉ là vai trò của bà Aung San Suu Kyi hay những tính toán của Hoa Kỳ. Người dân Miến Điện, kể cả hệ thống quân đội xứ này, đang chọn lấy một định mệnh khác – mà không sợ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHỈ THẤY CÂY KHÔNG THẤY RỪNG VÀ CHỈ THẤY RỪNG KHÔNG THẤY CÂY


Người ta hay chê các nhà siêu hình là kẻ chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Không thấy mấy ai chê những người chỉ thấy rừng mà không thấy cây! Trong khi những người này không ít và nhược điểm cũng không nhỏ.
Có thể nói đó chính là các cán bộ tuyên truyền, các nhà văn nhà thơ cách mạng một thời ở nước ta, đứng đấu là nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu quả thật là con chim ca hát những bài cách mạng hay nhất, thúc giục lòng người mạnh nhất, ca ngợi chế độ đẹp nhất. Đấy là cái lúc mà ông ở trên cao, có hàng nghìn kẻ quỵ lụy ông. Đến khi không còn “trên voi” nữa, mới chỉ “xuống la” (not “xuống chó” nhé) ông đã có nhiều hậm hực. Đây mới chỉ nghe, đọc nhận định của một số nhà nghiên cứu, vài nhà văn thôi, không chính thức nhưng mà lôgíc.
Các nhà quân sự, các chính khách, các nghệ sĩ tuyên huấn cố gắng tạo nên những dòng thác người chảy theo chiều này, chiều kia. Nhưng họ coi con người cũng chỉ như quân cờ thôi. Mục đích và ý chí của họ mới là quan trọng. Nếu có nhìn thấy sự đau đớn, chết chóc của người khác, họ cũng chỉ mủi lòng thoáng chút và vẫn tiếp tục dấn quân vào, dù cho đó có là cái cối xay thịt!
Nhìn rừng không thấy cây giống như kiểu bay lượn trên không trung, chỉ  thấy bên dưới là một mầu xanh nhấp nhô, không biết rằng nhiều nhiều cây trong rừng đang bị sâu đục khoét, bị bệnh làm cho cỗi cằn… đang dần dần bị loại ra khỏi cuộc sống. Chỉ khi nào thấy từng mảng rừng bị tàn úa, có khi đã trụi lá thì họ mới hay biết. Nhưng hỡi ơi, khi đó muộn mất rồi.
Những người chăm chút cây rừng thì tiếng nói của họ không phát qua khỏi lùm cây. Chẳng ai thèm nghe họ. Các nghệ sĩ lo lắng, thương xót cho số phận con người cũng thế, tác phẩm của họ không được in, không được truyền bá. Bản thân họ cũng không thể có tiếng nói trong cộng đồng. Cuối cùng, cái cộng đồng mà từng thành viên trong đó không được quan tâm đúng cách, mỗi ngày một hư nát, bệnh hoại.

Thấy cây không thấy rừng thì không tìm ra được cái chung, cái phổ quát. Nhưng thấy rừng mà không thấy cây, về mặt xã hội, là một cái nhìn thiếu nhân bản, nhân văn!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con cá dưới sông, công cua thầy cãi!


CÁC HỒNG VỆ BINH THỜI NAY

Ông tiến sĩ Thế Kỷ là quan chức trong ngành Văn hóa tư tưởng có lần lớn tiếng trên truyền hình quốc gia về các trang mạng cá nhân. Ông cho rằng các trang mạng ấy chỉ nên giới hạn ở các đề tài sở thích  ăn uống, tiêu dùng, sinh nhật, cưới hỏi v.v… Còn nói đến các vấn đề xã hội, động chạm đến người khác… thì phải rất thận trọng. Tất nhiên cứ theo ông thì hãy đánh vào các xác chết, những “bọn người xấu” kiểu như Đoàn Văn Vươn đã bị kết án, những quan chức đang ngồi sau song sắt hoặc như Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định (?), Lê Thị Công Nhân (?), các cựu sinh viên Uyên, Kha thôi. Còn thì luôn luôn ca ngợi Đảng ta anh minh, Bác Hồ vĩ đại, truyền thống của VN là chính nghĩa, hào hùng, nhân dân cần cù, dũng cảm, nhân nghĩa. Mỹ, ngụy ngày trước thì xấu xa, tàn bạo, ngày nay thì ngoan cố, cù nhầy, can thiệp thô bạo vào công việc nước khác.
Ôi dào, lòng vả cũng như lòng sung! Thời xưa dù dân có đói khổ cũng phải hát ca thiên hạ thái bình, dân chúng no đủ. Vì dưới ơn đức của Hoàng thượng thì sao dân chúng lại bị đói rách. Càng ngợi ca nhiều thì nô tài càng tài, càng nhiều bổng lộc. Thời nay liệu có khác không?
Vào các giờ giải lao, mình hay hỏi các cán bộ tuyên huấn có vị, có hàm, có danh, có chức. Xem ra chẳng ai trả lời được các câu hỏi của minh. Phần lớn cười trừ hoặc chặc lưỡi: trên bục phải thế chứ làm sao mà khác được!
Thế nhưng các vị này cho ra nhiều sản phẩm. Có sản phẩm ăn lương chỉ gào to trên các diễn đàn, các buổi học tập được bố trí chính thức. Ngoài bàn nhậu thì họ hì hì cười trừ, tự thưởng cho tài chém gió của mình. Chém gió chuyên nghiệp, hưởng lương kia mà? Còn thì không chối cãi được tính giả dối trong các bài diễn thuyết.
Cũng có sản phẩm không được hưởng lương, nhưng lại thấm nhuần các bài huấn thị, dạy bảo. Hạng sản phẩm này là các Hổng vệ binh loại I thời nay đang chém gió trên các diễn đàn mạng, không công khai tên tuổi của mình. Trường hợp công khai thì rất hy hữu,   Đông La là một thí dụ hiếm gặp. Dù sao cũng đáng tôn trọng.
Mình cũng không nhiều thời gian, khi tra cứu các vấn đề thì có đọc thấy Đông La, Thiếu Long texas và khá nhiều người khác trên các trang Vua làm báo, Nhân dân Việt Nam... Vua ở nước ta thời nay thì không làm báo đâu, chỉ có nô tài của Vua thì làm báo thôi. Còn “nhân dân Việt Nam” thì kinh thật! Những người chung quanh mình từ trình độ học vấn cấp hai cho đến các vị tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các ngành lý luận, văn hóa tư tưởng chẳng thấy ai có suy nghĩ như “nhân dân Việt Nam” cả, mặc dù họ cũng nói na ná thế. Nhưng họ nghĩ, họ nói thầm, nói nhỏ khác xa so với điều họ nói lớn. “Cống hiến” của các cán bộ lý luận cũng rất lớn. Họ xuất xưởng (từ cái phân xưởng nào không biết?) khá nhiều Hồng vệ binh loại I.
Những người “bất đồng chính kiến” có học cũng như các nhà báo làm công  tác tuyên truyền hưởng lương dù sao cũng giống nhau ở chỗ có cái “tone” vừa phải. Còn những người phản ứng lại chế độ bằng giọng chửi bậy, chửi thề nhưng không thể viết bài, ngại đọc dài thì có phong cách ngang tầm với các Hồng vệ binh. Các Hồng vệ binh cũng chửi rủa những người “bất đồng chính kiến” bằng giọng của những bà buôn cá, mặc dù biết  những người “bất đồng chính kiến” có tuổi đời hơn cả bố mình, có chuyên môn sâu mà cả họ nhà mình cũng không bằng. Hãi quá!
Chẳng hạn các nhà lý luận như GS. Nguyễn Đăng Mạnh, GS. Tương Lai có chương I của đời họ giống như chương I của Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Nhưng sự phản ứng của họ không bõ bèn gì so với phản ứng của Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Thế mà họ bị các Hồng vệ binh hậu thế chửi rủa, thóa mạ còn trên tài cả các nhà chửi học hạng I là Trần Mạnh Hảo, Trần Nghi Hoàng. Ơi ông Trần Mạnh Hảo tài danh một thuở. Ông ngoa ngắt có hạng, nhưng có khi nào ông dám chửi mắng người tầm tuổi cha chú mình theo kiểu: “Đất nước mày buồn nhưng đất nước bố mày vui” chưa? Đấy Hồng vệ binh Việt nam đấy. Họ chửi mắng sỉ nhục người lớn tuổi không khác nào các “nòng cốt” trong các cuộc đấu tố Cải cách ruộng đất trước đây. Chỉ có điều những “nòng cốt” cải cách ruộng đất là những người nông dân nghèo khổ, thất học. Còn Hồng vệ binh (ngoại trừ Đông La có thời nghèo khó, Đông La không sống bằng đặc quyền đặc lợi) thì chắc hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, không nghèo khó và được ăn học theo thầy, theo trường tử tế.

Hồng phúc của đất nước đâu rồi? Sao mà lắm Hồng vệ binh thế?


Kính thưa bác Nguyễn Văn Đại

Hôm nay rất tình cờ em được biết trang của bác, và biết tại đây em đã được bác phong làm Hồng vệ binh và được ví với “nòng cốt”trong các cuộc đấu tố Cải cách ruộng đất trước đây :-). Ngoài ra bác cũng xếp em vào nhóm "chửi học đời mới", trên tài cả Trần Mạnh Hảo, người đời thường gọi là Hảo Chí Phèo. Hihi, bác đánh giá em cao quá. Thực ra kiểu nói này thì các còm sỹ trái chiều trong blog em họ nói hoài, em chả mấy bận tâm. Họ bảo em là HVB, là “dư luận viên” thì em bảo họ là “rận viên”, họ nói em ăn lương để viết, em cũng bảo họ ăn lương để viết, hehe. Em cứ đốp chát thế để họ tắt đài kiểu nói đó cho nhanh, chứ thực ra cái cách nói qua nói lại thế thật chả có ý nghĩa gì, chỉ là cho vui.

Nhưng với bác thì khác, phải thưa chuyện đàng hoàng chứ không thể nói với kiểu “ba chớp ba nhoáng” như với mấy còm sỹ nói trên được. Bởi em thấy bác nói điều đó một cách nghiêm túc, em thấy bác là một người nghiêm túc và vì thế bác đáng được tôn trọng.

Thoạt đầu em chỉ định trao đổi với bác bằng một comment trong bài viết của bác thôi, nhưng xét thấy nội dung có lẽ sẽ hơi dài, nên em viết thành một entry luôn. Nhân tiện cũng là để giới thiệu blog của bác với những người có ghé qua blog em. Bởi lẽ, mặc dù bác rõ là không hài lòng về những gì em viết ở blog, nhưng em vẫn thấy blog của bác là một blog nên đọc. Giờ em xin đi vào nội dung chính.

Một ví dụ điển hình để bác đưa ra làm dẫn chứng cho những kết luận về em là “Đất nước mày buồn nhưng đất nước bố mày vui” (thừa chữ “đất”). Em chắc là bác muốn nói tới entry  “nước mày buồn nhưng nước bố mày vui”.

Thưa bác Đại, em hiểu rằng một câu văn, một bài viết sẽ nhận được những cảm nhận và phản ứng khác nhau từ những người đọc khác nhau, nên cảm nhận của bác như thế về những bài viết của em cũng không làm em ngạc nhiên.

Tương tự như vậy, với những câu “thơ” như thế này :

Bầy sói tru ý thức hệ lang băm …
… Xin cứ tự do bán lương tâm cho chó
Vãi linh hồn vào thùng rác nhân dân

bác có thể cho là “tone” vừa phải, nhưng em lại thấy nó là tận cùng của sự đểu giả, tráo trở của người viết ra chúng, em thấy nó hỗn hơn nhiều lần việc chửi 1 người tầm tuổi cha mình nhưng nhân cách tồi bác ạ. Có lẽ bác là người hơi mô phạm nên chú trọng về hình thức hơn nội dung, gặp phải ngôn từ tục tĩu một chút là bác thấy phản cảm và giảm mất phần nào sự công tâm khi đi vào nội dung chăng ?!

Trong bài bác có viết : “Tôi chỉ sợ quân đê tiện, bọn cơ hội: gió chiều nào che chiều ấy, còn chức còn quyền thì ngợi ca chế độ. Hết chức hết quyền thì phê phán hệ tư tưởng, chê bỏ đường hướng lãnh đạo, phê phán tệ hối lộ tham nhũng v.v…”. Không biết cái mà em gọi là sự đểu giả tráo trở ấy nó có trùng với cái “đê tiện” mà bác vừa đề cập không? Em nghĩ là có. Em hiểu cái “sợ” của bác ở đây đồng nghĩa với “ghê tởm”, chứ không phải “run sợ”. Ghê tởm, nhưng bác chẳng những không lên tiếng, mà có người lên tiếng trước chúng thì bác lại không hài lòng? Và dù là với “quân đê tiện” thì vẫn cần có sự tôn trọng hả bác? Em thấy hơi khó hiểu chỗ này.

Ngày em còn nhỏ tầm 10, 12 tuổi, trong xóm em ở có một sự việc rất ghê gớm xảy ra. Một ông già 70 thường dụ dỗ để sàm sỡ một bé gái lên 8. Ba mẹ cháu bé bắt quả tang, gọi người làm chứng và chửi ông ta một trận xối xả, còn ông ta thì van xin trối chết để khỏi bị kiện. Vì cháu bé chưa bị sao, và ông lão kia cũng đã già nên ba mẹ cháu cuối cùng cũng tha cho ông ta. Tuy nhiên sau đó cả xóm từ lớn đến bé nói đến ông ta đều gọi bằng “thằng”, “thằng già mắc dịch”, “thằng già dê” .... Ông ta đi ngang qua ai cũng bị nhổ nước bọt, hoặc bị chửi bóng chửi gió. Ví dụ không sát lắm, nhưng cái chính là từ đó em hiểu được một điều rằng tuổi tác không phải là yếu tố để có được sự tôn trọng ở người khác.

Hồng vệ binh chém gió trên mạng” được bác nhắc đến như một mối đe dọa với những ai đó, thực ra cũng chỉ là trong trận chiến chữ nghĩa, ngôn từ với mục tiêu cuối cùng là nhận thức thôi bác ạ. Những “kẻ bị đấu tố” chả ai bị chụp cái nia vào cổ rồi quay vòng tròn, cũng chả ai bị xử bắn, ngược lại họ còn nhơn nhơn, ngày càng hung hăng, bất chấp lý lẽ, giở đủ chiêu trò mà phổ biến là bịa đặt, ăn vạ và vu khống. Họ cũng đấu tố, kết tội không chỉ từng cá nhân cụ thể mà cả nền tảng xã hội đang cần sự ổn định, chứ đâu phải cúi đầu chịu trận đâu bác. Bác không cần phải quá lo lắng cho họ như thế.

Bác bảo “Các Hồng vệ binh cũng chửi rủa những người “bất đồng chính kiến” bằng giọng của những bà buôn cá, mặc dù biết những người “bất đồng chính kiến” có tuổi đời hơn cả bố mình, có chuyên môn sâu mà cả họ nhà mình cũng không bằng”. Chuyện giọng điệu và vấn đề tuổi tác thì em đã có nói ở trên rồi. Còn cái ý về chuyên môn sâu không hiểu bác đưa vào để làm gì. Vấn đề ở đây là “chính kiến” cơ mà bác. Còn chuyên môn sâu của em là … cờ tướng bác ạ, bác có dám chắc cả họ nhà ông Huệ Chi, hay Trần Mạnh Hảo có người chơi cờ tướng giỏi hơn em không? Hihi.

Em đánh giá cao bác ở nhận định Hồng vệ binh là “sản phẩm không được hưởng lương, nhưng lại thấm nhuần các bài huấn thị, dạy bảo”, bác đã đứng trên những kẻ hễ thấy người nói khác mình thì quy chụp là “dư luận viên”, là “bút nô”, bác hiểu được rằng có những ý kiến phản biện lại các nhà “bất đồng chính kiến” một cách tự phát, tự giác. Nhưng buộc lòng em phải đánh giá thấp bác khi bác nói họ “thấm nhuần các bài huấn thị, dạy bảo” với giọng có vẻ mỉa mai, có ý xem họ như những cái máy ghi âm rồi phát lại. Sao bác lại đánh giá thấp những Hồng vệ binh có chính kiến khác với các “nhà bất đồng chính kiến” vậy bác? Bác nghĩ sao nếu em cũng nói các nhà “bất đồng chính kiến” là sản phẩm của các bài huấn thị, dạy bảo từ những nguồn khác với nguồn của các Hồng vệ binh? Là em nói “nếu” thôi, chứ em thì chả bao giờ nói thế đâu. Em cho rằng điều quan trọng là chính kiến của họ sai-đúng thế nào chiếu theo chính kiến của em thôi. 

Ở trên bác đã biết có những người phản biện các nhà “bất đồng chính kiến” không vì ăn lương, nhưng ở dưới bác lại nói về họ với một ý có chút “họ hàng” với lương, là đoạn này : “Hồng vệ binh (ngoại trừ Đông La có thời nghèo khó, Đông La không sống bằng đặc quyền đặc lợi) thì chắc hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, không nghèo khó và được ăn học theo thầy, theo trường tử tế”. Thực ra điều đó nếu có cũng là hợp lý thôi. Ai nói gì cũng xuất phát từ lợi ích của người ta cả, trừ các bậc Thánh nhân và vĩ nhân. Nhưng nói “đặc quyền đặc lợi” thì lại không hẳn đúng. Xin nói để bác biết rằng bằng vào những gì bác Đông La kể về bác ấy thì em (chính xác là gia đình em) từng trải qua thời nghèo khó hơn cả bác Đông La, trừ phi bác ấy “kể khổ” chưa hết. Em cũng chưa từng và không có cơ hội để hưởng đặc quyền đặc lợi nào của chế độ này, trừ khi những chính sách đổi mới của nhà nước sau thời bao cấp đã cho em và nhiều người khác có cơ hội làm ăn phát đạt, đời sống khấm khá hơn cũng được xem là “đặc quyền đặc lợi” so với những người có cùng cơ hội đó nhưng khai thác kém hơn vì nhiều lý do. Bác có thể không tin điều đó, nhưng em nói thế để nhắn nhủ với bác một điều rằng khi tranh luận liên quan đến nhận thức thì đừng bao giờ đưa vấn đề “bổng lộc”, hay “đặc quyền đặc lợi” ra như là một động lực của người đối thoại. Bác thừa biết có nhiều kẻ vừa hưởng bổng lộc, hưởng đặc quyền đặc lợi của chế độ này mà vẫn ra rả chửi chế độ đấy thôi, cho nên nói như thế vừa võ đoán, vừa không làm sáng tỏ được gì thêm về mặt nhận thức cả.

Thưa bác Đạt, theo Wikipedia, Hồng Vệ Binh là các thanh thiếu niênTrung Quốc được giáo dục tôn sùng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông, bị Tứ nhân bang và Mao Trạch Đông sử dụng để thanh trừng bè phái, xúc phạm, đấu tốtra tấn, phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân tỏ ra thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với Mao Trạch Đông và phe trung thành với ông ta trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Như vậy dù là theo nghĩa bóng, là ví von thôi thì việc bác bảo em cùng một vài bloggers khác như bạn Thanh Tùng Nguyễn, bạn Thiếu Long Texas … là Hồng vệ binh thì đã thiếu chính xác lắm rồi, ít nhất là ở điểm chúng em không hại ai, không bị ai sử dụng cả, chúng em viết chỉ theo cảm xúc và nhận thức của chính mình. Những điểm khác biệt khác xin bác tự xem xét.

Tiện đây cũng mong bác xem lại chỗ bác xếp hai bạn Thanh Tung Nguyên với Thiếu Long Texas vào chung nhóm “chửi học đời mới” với em. Thôi thì em hay dùng từ tục tĩu, cách nói dân dã, tếu táo thì bị bác nói thế em đành phải chịu. Nhưng với hai bạn Thanh Tùng Nguyễn và bạn Thiếu Long Texas mà bác nói thế thì không đúng tẹo nào. Hai bạn đó viết bài rất hay, nghiêm túc và đầy tính trách nhiệm. Bạn Thanh Tùng Nguyễn đôi lúc còn dùng từ hơi mạnh, chứ bạn Thiếu Long Texas thì hết sức từ tốn, lý lẽ của các bạn ấy đưa ra rất thuyết phục, được nhiều người ngợi khen. Bạn Thiếu Long thậm chí còn không tán thành cách “chửi rận hơi dữ dội, gay gắt, hoặc như là vừa viết vừa cười châm biếm rận” (hình như bạn í đá xéo em hay sao ấy, hihi) và chủ trương cách vận động, cảm hóa tốt nhất là thuyết phục ôn hòa, đó là cách có hiệu quả nhất” cơ mà.

Về việc công khai hay không công khai danh tính của các blogger. Em không nghĩ việc này với bác cũng lại quan trọng đến thế. Điều quan trọng ở mỗi blog là nội dung của nó. Nếu có công khai mà toàn nói những điều xằng bậy, để bịa đặt, vu khống hại người thì có gì là hay ho. Còn không công khai mà nói điều hay lẽ phải thì cũng giống như một bài báo mà tác giả để bút danh thôi. Người ta chỉ quan tâm đến nội dung bài báo chứ đâu cần biết tác giả có bút danh kia là ai.Ngay lúc này đây khi đang thưa chuyện với bác, em cũng không hề bận tâm bác là ai, đang làm nghề gì, có học hàm, học vị, chức tước gì không. Em thưa chuyện hoàn toàn trên cơ sở những bài viết của bác, cái tên Nguyễn Văn Đại, cho dù không nhất thiết khác với tên thật thì với em vẫn chỉ như một bút danh mà thôi. Việc không công khai danh tính mà viết đàng hoàng còn thể hiện một điều là tác giả không cần sự nổi tiếng và thuyết phục người đọc bằng chính bài viết chứ cần hỗ trợ bởi danh tiếng, học hàm, học vị. Như em đây, có vài người nói em viết blog phê phán những người “nổi tiếng” để nổi tiếng theo, nhưng có ai biết Hòa Bình là ai đâu, vậy thì nổi tiếng để làm gì? Lúc đầu em không công khai danh tính chủ yếu để chọc vào cái tính tò mò của mọi người cho vui thôi, nay có thêm chuyện “viết để nổi tiếng” này nữa, đã thế em càng không công khai, hehe.

Bác kết thúc bài viết bằng một câu ta thán tưởng chừng thấu tận trời xanh : "Hồng phúc của đất nước đâu rồi? Sao mà lắm Hồng vệ binh thế?". Hehe, Hòa Bình, Thanh Tùng Nguyễn, Thiếu Long Texas ... là những phần tử nguy hiểm cho đất nước Việt Nam ta vậy sao?

Bác thử đặt vấn đề lại như thế này xem sao nhé : nếu cứ để cho các nhà “bất đồng chính kiến” như Sàm Chi Diện Lập Chênh Đằng Thụy Gió … mặc sức đấu tố mà không ai lên tiếng thì mọi sự sẽ ra sao? Em lại thấy lúc này đặt câu hỏi :  "Hồng phúc của đất nước đâu rồi?" mới là phù hợp bác ạ.  

Cuối cùng, dù sao bài viết này của bác cũng khiến em phải suy nghĩ, rằng có lẽ em nên cẩn trọng hơn, tiết chế hơn để tránh gây khó chịu cho người đọc, nhất là cho những người đồng tình với nội dung mà thấy phản cảm về hình thức diễn đạt. Nhưng thú thật với bác là nghĩ vậy chứ không biết em có làm được vậy không vì tính em vừa nóng vừa tếu, mà tếu quá, nóng quá thì đôi khi hay bị quá đà. Vì thế nên em không dám hứa. Có gì mong bác và mọi người bỏ quá cho. Hihi.

Nay kính bác.


Hầm bà lần

Tôi giả sử rằng, “lựa chọn” là một từ chủ động nhất trong đời sống ngôn ngữ của một con người tự do. Nhưng cả quyền lựa chọn cũng là một sự tự do có ngoại trừ, để nhớ một ý tưởng tôi mượn tạm đâu đó, không biết có liên quan tới Camus: người ta không thoát khỏi sự lựa chọn.
Một lời nói ra bao giờ cũng chứa một nguy cơ với người nói: nguy cơ của việc lời nói được nói ra. Tôi đã lựa chọn sự im lặng hoặc tự cho mình nhã hứng mở lời. Nếu cần viện đến một lý do, thì lúc này, đó là để góp thêm vào việc bày tỏ và thực hành lý tưởng huyên thuyên nhã nhặn của mình.
Trong trận mưa gió ngôn từ làm tốn giấy, tốn mực (in và trời), tốn đất đai báo chí và internet suốt mấy tháng nay, rút cục tôi đã không thể ứng dụng được cách ứng xử của nhà thơ Lê Đạt: người ta đang nói về một Nhã Thuyên nào đó, hẳn không phải tôi. Một người dẫu hết sức muốn tránh ảo tưởng về bản thân, cũng có thể thấy mình quan trọng quá. “Khôn đâu đến trẻ”, tôi hiểu câu tục ngữ của người Việt ta theo nghĩa nhất định người trẻ thì không nên khôn ngoan. Tôi thì nhất định tin rằng tôi còn trẻ.
Lựa chọn viết về Mở Miệng, với tôi, đơn giản nghĩa là tôi đã không chọn viết về Trần Dần, Lê Đạt hay Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng hay Nguyễn Du Nguyễn Trãi hay Ca Dao. Hẳn nhiên, tôi hiểu rằng, người ta có thể an toàn khi nương dựa và trông đợi vào những điều đang được bảo lãnh, nhưng người ta cũng có thể bình yên khi không tìm cách để được bảo lãnh.
Một hiện tượng thơ là một hiện tượng thơ, bất kể mọi nỗ lực Photoshop nó thì dấu vết của thơ ca vẫn còn đó: bằng những bài thơ đã được viết, những cuốn sách đã ra đời, bằng những con người đang sống hay đã chết vẫn còn đang biết nói năng.
Trong thơ ca, “cấm kỵ” là một từ ngữ vừa cổ xưa vừa tạm bợ. Nếu tôi hình dung cấm kỵ không phải như một cái ngoài ta, mà nằm sẵn trong ta, thì hẳn nhiên, tôi cũng không cần nương dựa vào từ “cấm kỵ” để tán dương sự can đảm hay để miệt thị thói yếu hèn. Nhưng khi thừa nhận những cấm kỵ giả định đang lừng lững trong đời sống và ngôn ngữ của chúng ta, tôi lại thấy ở đó tiềm năng của va chạm và thay đổi. Bởi lẽ, bất cứ khi nào chạm đến những cấm kỵ thì câu hỏi về sự tự do lại được đặt ra. Có giới hạn nào cho sự tự do này không?
Tôi chưa bao giờ có cảm giác ông Midas có đôi tai lừa là một ông vua đáng bỉ vì không dám “nói ra sự thật”. Tôi chỉ thấy một ông lão cô đơn. Cô đơn trong nỗi bất an về đôi tai bất thường của mình. Đòn trừng phạt mà Apollo giáng xuống ông vua tội nghiệp rút cục là vì… xung đột quan điểm thẩm mỹ.
Tôi không nói về nỗi thất vọng, niềm hi vọng, sự cảm kích, thói lãnh đạm, nỗi bất bình, thói cầu an… hay sử dụng các từ ngữ giàu khả năng bày tỏ thái độ xung quanh sự việc này. Nhưng tôi hẳn phải thẳng thắn về thái độ của mình: nếu nhất định người ta phải nói chuyện với nhau trên sự “nhân danh”, nhất là nhân danh những thứ lớn lao như lý tưởng, khoa học, lịch sử, tôi xin được im lặng. Tôi lựa chọn một trạng thái sống không nhân danh gì cả ngoài sự phô bày: ở đó, cái riêng tư, cái nhỏ bé, cái khoái cảm có câu chuyện của riêng nó. Trong sự tìm kiếm những khoái cảm, tôi tin sẽ chảy ra những dòng đậm vị của suy tư và yêu thương, và hẳn cũng sẽ có một chút khe hẹp dành cho những người ham muốn gắn kết và trao đổi.
Và đây có thể là cách ứng xử tôi đã học được từ thơ ca: tôi chưa bao giờ thấy thơ ca muốn là một thứ vũ khí, dù để được bọc vàng trong tay kẻ mạnh hay nằm đợi thời trong tay kẻ yếu. Để lựa chọn không trở thành vũ khí, để không nhận cái vinh hạnh khổ nạn của một vật tế, thơ ca, thường lựa chọn bảo vệ thứ mà nhiều người không tiếc cho đi: sự cô độc tự nó. Thậm chí, thơ, như tôi hiểu, sẵn sàng nhận về mình sự tổn thương, sự không được chia sẻ, không tìm cách che chắn hay gồng mình tự vệ.
Sự cô độc đó có thể gây ra ít nhất một chút quan hoài thiết thân của mỗi người, và có thể trở thành một mối quan tâm chung của cộng đồng, biết đâu.
Lúc tôi viết về thơ Mở Miệng, đó đang là chuyện đang-diễn-ra. Lúc tôi viết xong phần viết của mình, có thể thơ Mở Miệng đã là chuyện của quá khứ. Lúc tôi đang viết những dòng này, tôi tưởng tượng rằng tất cả chúng ta đã đang dần hoá thạch. Tôi chưa biết, có thể cả những bức tượng thạch cao cũng có thể giao tình.
Dẫu thế nào, có những điều đang trôi đi và thay đổi trong cảm giác về sự lặp lại băng giá của tồn tại. Và bất kể vị thế bé nhỏ của văn chương và thơ ca, tôi cũng đã có lúc tin rằng chuyện mua vui cũng được một vài trống canh đôi khi cũng không phải là vô ích.
3.8.2013
Nhã Thuyên


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÂU CHUYỆN CON VOI


CHUYEN CON VOIMột người đàn ông đi qua chỗ đàn voi đang đứng. Bất chợt ông dừng lại, ngạc nhiên khi thấy những con voi to lớn này chỉ bị cầm giữ bởi một sợi dây thừng rất nhỏ buộc phía chân trước. Không hề có xích sắt, cũng chẳng có chuồng giam.
Có thể thấy rõ, hiển nhiên, lũ voi có đủ khả năng để dứt đứt dây, chạy đi bất cứ lúc nào. Nhưng không hiểu vì sao, lũ voi vẫn chưa làm vậy.
Người đàn ông trông thấy người quản tượng đứng gần đó. Ông hỏi anh ta tại sao lũ voi cứ đứng yên vậy mà không hề có vẻ muốn tháo chạy. 
- “Ồ”, người quản tượng đáp, “khi chúng còn nhỏ, chúng bé hơn thế này rất nhiều, chúng tôi vẫn dùng loại dây thừng cỡ đó để buộc chúng lại. Ở độ tuổi đó, dây như vậy là đủ giữ chúng rồi. Nhưng khi đã lớn hơn, chúng vẫn tin mình không thể dứt nổi những sợi dây thừng này. Chúng cho rằng, sợi dây thừng ngày xưa vẫn có thể giữ chúng được, thế là chẳng bao giờ chúng có ý nghĩ dứt bỏ dây và chạy đi”.
Người đàn ông vô cùng kinh ngạc. Những con thú đó hoàn toàn có khả năng chạy thoát khỏi sợi dây ràng buộc chúng, nhưng chỉ vì không tin mình có thể, nên chúng vẫn cứ chấp nhận một thực tiễn như đang có.
Cũng giống như những con voi đó, có biết bao người trong chúng ta, đã đi qua cuộc đời với ý nghĩ, chúng ta không thể làm được gì đó, đơn giản chỉ vì ”ta cứ nghĩ rằng ta sẽ thất bại”
SƯU TẦM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cầm - Hỏi chuyện chủ quán “Lá Diêu Bông”



Nghe nói ở làng Hạnh Hoa có một cô chủ quán rượu xinh đẹp lấy tên bài thơ Lá Diêu Bông cuả Hoàng Cầm đặt tên quán của mình, tôi bèn mang máy ghi âm bỏ túi đến… uống rượu. Quán nhỏ, lợp tranh đơn sơ, nhưng lịch sự. Các tửu khách trông có vẻ trang nhã, không giống như quán rượu ở quê. Cô chủ quán đẹp như tiên, đi lại nhẹ nhàng như mây gió. Nghe nói ngày xưa chị trót yêu một chàng trai kém mình tám tuổi, gia đình cấm đoán, nên quyết định không lấy chồng. Từ hồi “đổi mới” chị mở quán rượu sinh sống, và luôn mơ được gặp tác giả Lá Diêu Bông.




Nhà thơ Hoàng Cầm. (Hình: dutule.com)


Thấy tôi là khách lạ, chị ưu tiên tiếp rượu, và cuộc trò chuyện đã diễn ra như vầy:
- Chắc chị mê thơ lắm mới đặt tên quán bằng tên một bài thơ?
- Tôi mê tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Nhưng khi đọc được bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm là tôi quên Vũ Trọng Phụng luôn. Từ đó tôi cũng hình dung Hoàng Cầm là cái cậu con trai cứ lẽo đẽo theo tôi đi tìm lá thuốc cho mẹ từ hồi mới lớn. Nhưng người phụ nữ trong bài thơ Hoàng Cầm thì đi lấy chồng, có con, còn tôi thì không.
- Chắc chị thuộc nhiều bài thơ Hoàng Cầm?
- Từ khi đọc bài thơ Lá Diêu Bông, là tôi đi tìm đọc Hoàng Cầm. Nghe nói trong “đổi mới” thơ ông bị “lưu ban” một thời gian dài. May mà từ khi tôi thích thơ Hoàng Cầm, thơ ông lại được in ra liên tiếp. Tôi có đủ các tập Về Kinh Bắc, Men đá vàng, 99 tình khúc, Mưa Thuận Thành, Bên kia sông Đuống, và cả cuốn kịch thơ Kiều Loan ông viết từ hồi bốn lăm (1945). Tôi đọc đến đâu là thuộc đến đấy, vì thơ ông rất Việt Nam, rất thích hợp với tư duy của tôi. Như là ông viết riêng cho tôi.
- Chắc chị từng học đại học văn?
- Mấy đứa cháu tôi nó mới học đại học văn. Nhưng chúng nó chẳng hiểu gì về thơ. Chúng nó thạo kinh tế hơn. Bây giờ đứa nào cũng nhà lầu xe hơi trên phố.
- Thế chị học gì?
- Tôi học thơ Hoàng Cầm. “Sông Đuống trôi đi – Một dòng lấp lánh – Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”. Đọc câu thơ này, nhiều đêm tôi nằm nghiêng và thấy mình cũng như đang trôi đi.
- Chị lãng mạn thật.
- Con người, ai mà chả lãng mạn. Nhưng lãng mạn bằng thơ thì nó đẹp gấp trăm nghìn ngoài đời. Thơ làm cho người ta sống đẹp hơn.
- Nhưng phải là thơ Hoàng Cầm?
- Tất nhiên là với tôi. Nhưng có một ông khách trên phố về đây uống rượu, ông ta cũng mê thơ Hoàng Cầm lắm. Ông ấy bảo chỉ có thơ Hoàng Cầm và thơ Hàn Mặc Tử là nhất. Suýt nữa tôi với ông ấy đã thành đôi…
- Sao lại không thành?
- Vì tôi chỉ thích thơ Hoàng Cầm.
- Rắc rối nhỉ?
- Này anh, nghe nói ông Hoàng Cầm lại sắp lấy vợ phải không?
- Năm nào tôi cũng nghe nói như vậy. Nhưng rốt cuộc thì mười mấy năm nay chả có đám cuới nào cả.
- Thế cũng tốt.
- Sao lại tốt?
- Mỗi lần thi sĩ yêu lại có thêm bài thơ hay cho đời.
- Chị không ghen với các giai nhân thật sao?
- Việc gì mà tôi phải ghen với họ.
- Ở Sài Gòn cũng có một cái quán Lá Diêu Bông như quán chị…
- Tôi biết. Những cái quán ấy ra đời sau quán tôi. Đọc báo tôi biết mà. Hai “anh- chị” còn làm thơ tặng nhau nữa. Thi sĩ Hoàng Cầm phủ dụ chị ta bằng những câu thơ thật sang trọng: “Kinh Bắc lên men đằm hương vương phi – Hỡi mưa Phương Nam bao giờ mưa đi?”. Thế mà chị ta không chịu đi thì thật là “trời không có mắt”.
- Nếu ông Hoàng Cầm mà làm thơ tặng chị, hay nói như chị là “phủ dụ” chị thì chị tính sao?
- Với tôi thật không có hạnh phúc nào bằng. Tôi phóng to bài thơ lên dán trên vách quán để khách rượu cùng thưởng thức.
- Nhỡ có người lại chê thì sao?
- Chê là quyền của người ta. Tôi cũng đọc một bài người ta phê bình thơ Hoàng Cầm là “thơ tình dục khiêu dâm”. Và tôi thấy chính cái tay phê bình ấy mới thực sự có một cái đầu “dâm”. Cứ theo cái đầu của anh ta thì Hồ Xuân Hương hay Nguyễn Du khi viết về tình dục sẽ bị anh ta xử trảm.
- Có lẽ chị nói đúng.
- Tôi nói đúng là cái chắc. Ví dụ những câu thơ đẹp như thế này: “Ấm êm em trong trắng thịt da đêm – Ngọn gió nào cũng ấp một hơi thèm” mà anh ta lại phán là “thơ khiêu dâm” thì tôi không hiểu là anh ta đọc thơ theo cách nào.
- Thơ cần có tri âm. Cũng như Bá Nha gẩy đàn phải có Tử Kỳ nghe. Chị là Tử Kỳ của riêng Của Hoàng Cầm rồi đấy!
Có thêm khách đến. Tôi chia tay chị chủ quán Lá Diêu Bông. Biết tôi quen Hoàng Cầm, chị mừng lắm, gửi tặng ông chai rượu Hạnh Hoa, và nhờ tôi mời thi sĩ ghé thăm quán. Hoàng Cầm cũng mừng lắm. Tôi và ông chuẩn bị “hành quân” thì ông bị đau phải vào bệnh viện. Vậy mà cái cậu con trai lẽo đẽo theo Chị đi tìm lá Diêu Bông đã gần chín mươi xuân. 



Thủ bút của nhà thơ Hoàng Cầm. (Hình: dutule.com)


Giờ thì “Con người Hoàng Cầm” – con người đẹp trai da trắng môi đỏ, hào hoa và tài hoa ấy đã không còn lại trên cõi đời này nữa, ngợi ca hay chê trách ông cũng là chuyện đã rồi. Nhưng ông đã sống, đã yêu, đã đắng, đã ngọt và đã thơ. Thật kiêu hãnh đọc câu thơ ông viết: “Chim vàng phải tên dưới bụng/ Giận mình bay quá cao”, “Đợi sau khi Em qua đời/ Sẻ đồng thành phượng núi”. Hàng ngàn trang viết của ông còn đó, nói hộ chúng ta rất nhiều điều về một con người nghệ sĩ đến tận cùng chân tóc. Dân tộc và Ái tình chính là hồn ông gửi lại. Đó là những tác phẩm trầm đầy tinh thần Việt mà trong đó sử Việt, văn hóa Việt hay văn hóa Kinh Bắc đều ánh xạ qua trái tim mạnh mẽ và yếu mềm của ông. Vì thế tôi tin ông không mất. Ông còn rất gần ta và đang “Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc”. Vâng, người ta còn đọc ông, và ông còn tồn tại, cũng có thể là “tam bách dư niên hậu”…

Nguyễn Trọng Tạo
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhận diện nhóm lợi ích và lợi ích nhóm ở Việt Nam


Anh Vũ


Sự hoạt động của các nhóm lợi ích trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội là sự cấu kết giữa những chủ đầu tư với các quan chức trong bộ máy Nhà nước. Đây là nguyên nhân làm cho kinh tế đất nước suy kiệt. Sự thực của vấn đề này đang diễn ra ở như thế nào, Anh Vũ phỏng vấn TS. Kinh tế Phạm Chí Dũng.
Các nhóm lợi ích
Anh Vũ: Thưa ông, lâu nay ta thấy cụm từ “nhóm lợi ích”được nhắc tới rất nhiều. Trên thực tế, các nhóm lợi ích xuất hiện và phát triển rất mạnh. Nó có thể khuynh đảo cả kinh tế - xã hội và kể cả chính trị. Xin ông đánh giá khái quát về vấn đề này?
TS. Phạm Chí Dũng: Cho dù đã hình thành và gây hậu quả từ lâu, nhưng đến đầu năm 2011 cụm từ “nhóm lợi ích” mới bắt đầu được dư luận xã hội đề cập một cách chính thức. Khái niệm “nhóm lợi ích” thường được hiểu là mối quan hệ cấu kết giữa hai thành phần tư sản tư nhân và quan chức cấp cao của nhà nước, với mục đich nhằm trục lợi.
Nhóm lợi ích tạm chia thành ba loại: Nhóm lợi ích thứ nhất là nhóm đầu cơ liên quan đến tài chính như ngân hàng, vàng, bất động sản, chứng khoán; điển hình như nhóm ngân hàng G5, Công ty vàng SJC... Nhóm lợi ích thứ hai liên quan đến tính bao cấp là những nhóm độc quyền như xăng dầu, điện, nước mà điển hình là Tổng công ty xăng dầu (Petrolimex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  là những điển hình. Nhóm lợi ích thứ ba là các Tổng công ty nhà nước như Vinashin, Vinalines… Các nhóm lợi ích tuy không được bao cấp, phải tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất và kinh doanh, nhưng lại được hưởng lợi khá lớn từ hệ thống chính sách ưu đãi của chính phủ.
Các nhóm lợi ích tuy không được bao cấp, phải tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất và kinh doanh, nhưng lại được hưởng lợi khá lớn từ hệ thống chính sách ưu đãi của chính phủ.

TS. Phạm Chí Dũng
Trong hai năm 2011 và 2012, làn sóng thâu tóm ngân hàng cho thấy một sự chiếm đoạt và giành giật lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích. Trong bối cảnh nền kinh tế còn tương đối ổn định thì các nhóm lợi ích vẫn còn đất sống, nhưng khi nền kinh tế rơi vào suy thoái thì đã có những nhóm lợi ích như BĐS và chứng khoán đã gặp khốn đốn. Khi ấy, chỉ còn một số nhóm lợi ích như vàng, ngân hàng, xăng dầu, điện, nước vẫn có thể tồn tại.
Trong các nhóm lợi ích thì nhóm lợi ích thứ nhất được đánh giá là nhóm trục lợi ghê gớm nhất, có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong các chiến dịch đầu cơ vào thời điểm các năm 2006-2009. Giai đoạn này nhiều triệu phú đô la ở Việt Nam xuất hiện, có nhiều đại gia có tài sản từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD. Đáng chú ý là theo dư luận, trong nhóm đại gia này còn có sự liên quan đến không ít các quan chức.
Anh Vũ: Xin ông cho biết về sự nguy hại của nó đối với đất nước như thế nào?
TS. Phạm Chí Dũng: Rất nguy hại làm cho kinh tế suy thoái. Trong thời gian qua, các tập đoàn và nhóm lợi ích đã lũng đoạn và thao túng nền kinh tế và khiến cho các doanh nghiệp hết sức khốn đốn, lâm vào tình trạng phá sản và đời sống dân sinh trở nên kiệt quệ. Từ đó dẫn đến khoảng cách lớn về phân hóa thu nhập trong xã hội. Tuy nhiên, bất chấp làn sóng phản ứng gay gắt của dư luận, các nhóm lợi ích xăng dầu, điện vẫn không ngừng tăng giá, một phần để bù đắp cho những khoản lỗ ngoài ngành, phần khác để gia tăng lợi nhuận. Vừa rồi đã giá xăng tăng 3 lần và giá điện tăng 5%.
Điều đáng lưu ý là các nhóm lợi ích đang có dấu hiệu hoạt động theo kiểu mafia với hai yếu tố quyền lực và tiền bạc để lũng đoạn. Khác với ban đầu là các nhóm lợi ích chỉ dùng quyền để trục lợi thì bây giờ, người ta dùng cả quyền lẫn tiền không những nhằm khuynh loát chính trị mà còn lợi dụng vét kiệt hết tài nguyên của đất nước và tài sản của dân chúng.
Từ năm 2011, dưới sự bảo trợ của Ngân hàng nhà nước, nhóm lợi ích vàng xuất hiện, đã khuấy đảo và thao túng thị trường vàng trong tất cả các khâu. Tính chất độc quyền trong kinh doanh vàng đã tạo ra sự chênh lệch khá lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới 5- 7 triệu đồng/lượng và gây thiệt hại cho người dân.
Mâu thuẫn phát sinh
clip_image002
Một khu dân cư cao cấp đang xây dựng ở Hà Nội, ảnh minh họa. R. photo

Anh Vũ: Hiện nay, giữa các phe nhóm lợi ích đang có vấn đề mâu thuẫn về quyền lợi và quyền lực. Xin ông cho biết về hậu quả của việc xung đột ở đỉnh điểm trong tương lai (nếu có) sẽ diễn ra theo chiều hướng nào?
TS. Phạm Chí Dũng: Vì khó khăn của nền kinh tế mà thị phần và tỷ suất lợi nhuận của các nhóm lợi ích đã bị giảm đi tương đối. Từ đó, các nhóm lợi ích phải quay sang cạnh tranh với nhau như trong vài năm vừa rồi. Sự tồn tại và chiếm lĩnh của các nhóm lợi ích sẽ phụ thuộc rất lớn vào biến động của nền kinh tế. Khi đó, kênh tạo ra lợi nhuận tối ưu lại phụ thuộc vào các chính sách độc quyền và tạo ra đặc quyền của nhà nước.
Muốn có được chính sách độc quyền và đặc quyền lại cần có những người tạo ra chính sách. Trong trường hợp này, nhóm thân hữu xuất hiện và các nhóm lợi ích đã bắt rễ với nhau và hình thành nên mối liên kết hữu cơ, hay còn gọi là mối quan hệ “ăn chịu”.
Nếu không có được một thay đổi đột biến về chính sách vào ngay lúc này, tất yếu sẽ kéo theo phản ứng bùng nổ mang tính cách mạng của nhân dân. Tương lai bùng nổ như thế sẽ không còn bao lâu nữa.
Anh Vũ: Ngoài nguyên nhân về trục lợi, sự tồn tại của nhóm lợi ích còn là hệ quả tâm lý của các quan chức, ông có đánh giá  như thế nào?
TS. Phạm Chí Dũng: Mục tiêu của mối quan hệ nhóm lợi ích – nhóm thân hữu không chỉ thuần túy là tạo ra lợi nhuận. Như bài học lịch sử ở các nước tư bản từ thời kỳ đầu đến nay, tiền bạc luôn có khuynh hướng biến thái thành quyền lực, thông qua phương tiện chính trị. Thì hoạt động chính trị không chỉ nhằm gia tăng và bảo vệ tài sản cá nhân, mà còn để thỏa mãn tâm lý ham thích và thể hiện quyền lực đối với đối tượng bị cai trị.
Nếu không có được một thay đổi đột biến về chính sách vào ngay lúc này, tất yếu sẽ kéo theo phản ứng bùng nổ mang tính cách mạng của nhân dân. Tương lai bùng nổ như thế sẽ không còn bao lâu nữa.

TS. Phạm Chí Dũng
Nền chính trị đã tạo ra cho quan chức thói quen thích thể hiện quyền lực và đặc biệt thích cai trị. Với cố tật của nó, nó có khả năng sẽ bị biến thái trong những năm tới, với một phần lớn nền chính trị sẽ rơi vào tay các nhóm tài phiệt và chính khách tham lam.
Anh Vũ: Vậy theo ông cần có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
TS. Phạm Chí Dũng: Chính quyền phải có biện pháp ngay, không thì sẽ quá muộn. Trong những năm qua, mặc dù không ít vụ việc lợi dụng chính sách trục lợi đã bị công luận và dư luận phanh phui và lên tiếng phản ứng mạnh mẽ. Tuy vậy vẫn không có bất kỳ một hành động cụ thể nào của các cơ quan đảng và nhà nước đối với bất kỳ một nhóm lợi ích nào.
Vì thế một yêu cầu cần phải tiến hành cuộc đại phẫu đối với khối doanh nghiệp nhà nước là hết sức bức thiết. Nhưng cần hơn tất cả, là phải có nhát cắt đại phẫu vào vị trí của những nhóm lợi ích. Nếu không, nguy cơ nền kinh tế bị thao túng và lũng đoạn hoàn toàn bởi nhóm lợi ích và nhóm thân hữu là rất dễ xảy ra. Khi đó, mức độ xấu nhất của tình trạng kinh tế xã hội không còn được quy chiếu từ năm 1991 như TS. Lê Đăng Doanh đã nói, mà sẽ ghê gớm hơn gấp bội.
Anh Vũ: Xin chân thành cảm ơn TS. Phạm Chí Dũng.
A.V. – P.C.D.
Phần nhận xét hiển thị trên trang