Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Đêm và những khúc rời



những ngày này
thơ như vết thương
giữa lòng dân tộc...
 
 
1.
 
ở vương quốc hình cong queo như lò
xo. Việc xử án thuộc thẩm
quyền nhà
vua. Mỗi bản án, vua xét
xử như đùa, vì
móc trong túi ra đọc chừng một
phút
 
một lần, vua xử treo cổ
một tên cướp đất
đích thân nhà vua chứng
kiến sự thực
thi pháp luât
 
đội thi hành án loay hoay không thực hiện
được vì tên cướp cao quá
khổ
mà giá treo cổ
bọn lính làm quá thấp
 
thấy thế, vua hét từ tít tắp:
có chuyện cỏn
con mà không làm nổi. Bay đâu, ra ngoài phố
tìm lấy
một thằng lùn mà treo
cổ
lên!
 
 
2.
 
chàng chính phủ chạy hộc
tốc về nhà, đóng sầm cửa và hét lên với
nhân dân vợ:
“Em ơi, đóng gói đồ đạc đi thôi. Anh mới trúng xổ
số.”
 
người vợ thốt
lên: “Ồ vậy à?
Tuyệt
quá. Em thật là
sung sướng.
Em sẽ chuẩn
bị đồ
đạc đi biển hay lên núi hả
anh?”
 
ông chồng nói:
“Anh chẳng cần biết.
Chỉ cần em
cuốn
xéo
khỏi
đây.”
 
 
3.
 
nghị định.. như cơn mưa
không ngừng những ngày áp thấp
nó làm ướt màn hình
và mọi người
thình lình
thấy lạnh
 
máy tính bị ướt mưa
làm người chơi hét lên vì tiếc của
tiếng kêu hơi đau đớn
 
một chấm sáng xanh mờ
như bình minh vẫn còn đêm tối mãi
mặt trời không lặn cũng không mọc
mưa không ngừng cũng không bắt đầu
 
bây giờ mọi người ngồi đọc
trong những suy nghĩ chậm và màu nâu
chuyện nhỏ như con thỏ
tiếng sủa của con chó
 
và những lời thì thầm
như những gã đàn ông ngồi vỉa hè trên phố
lén lút như lá rơi
như mây trời
gió thổi...
 
như chiếc áo lạnh
và đôi ủng
ta vẫn lội
những ngày mưa...
 
 
4.
 
những gì còn lại là: cơn bão
mưa
nghiêng
trong gió
lá thổi trở lại
 
sự tuyệt vọng của một phụ nữ kêu oan cho chồng. Sau đó
trên bãi đất trống trước cửa
chiếc thuyền mắc cạn dạt vào bờ. Một đầm lầy
người vợ đòi tự thiêu
người chồng đang tuyệt thực
 
nơi ngôi mộ hình như đã lấp lại. Ta nhớ
những điều lộn xộn
bóng người di chuyển giữa các phòng
xô chậu hứng đầy mưa
 
trong sân ngập nước
mọi thứ dường như trôi nổi
không gì có thể nhìn thấy
 
trong ánh lấp loáng của chậu nước
run rẩy
biến mất
khi ta cúi xuống để chạm vào nó
nước trong xô
méo mó
mặt người
loang loáng tấm bia mộ...
 
+
 
hạt mưa
thậm chí khi nhắm mắt
tôi biết bạn vẫn đang rơi
 
vì bạn cứ thì thầm vào tai tôi
- “Bạn đang làm gì?”
 
tôi không biết phải làm gì
tôi chỉ ngồi nghe mưa
âm thanh của những giọt nước
trên mắt tôi
 
hạt mưa
cuộc gặp gỡ của trời cao và đất dày
bay
âm thanh
như tim đập muốn vỡ trong lồng ngực chúng ta
 
có thể, nhưng
đó mãi mãi là một bí ẩn
như giọng nói của bạn
đứt hơi qua điện thoại
có lẽ bạn đã mệt
sau cả ngày bị bao vây
 
tiếng mưa
nghe như tiếng người
khóc
đời bạn đã rơi
một lần
mật lồn nhiều lần nữa
 
Chúa đã từng thọ tội
nên tôi không thể tin
chúng ta vô tội
bạn chỉ là một cổ tích
 
giọt mưa
hay nước mắt rơi...
 
và chúng ta cùng mở mắt nhìn
không, sẽ không có ai dám mở mắt
cho đến khi mưa dừng lại
như bạn đã ngừng lời
hụt hơi
trong chiếc điện thoại
duy nhất của trại giam...
 
 
5.
 
phép ẩn dụ
khi nguyễn đức sơn đụ
mẹ cây bông
nguyễn quốc chánh đụ
má tụi mày
không ngớt mài dao
 
nhiều khi như một sự cải trang nhục nhã của ngôn ngữ
làm không còn
ai thích nghe thơ
 
như sóng biển
không còn ai lắng nghe
 
tiếng sóng vỗ bờ
chỉ như một tai nạn của nước lao đầu vào đá
nó có nghĩa là
trắng xoá
cả bờ
 
nó có nghĩa là
không có gì
cả
 
chỉ là những con ghẹ đã luộc chín đỏ
mùi thơm bay trong gió
có cả mùi hạt tiêu
 
cái chết
của những con ghẹ
như những nhà thơ
hy vọng, vu vơ
vào chữ nghĩa nhảy múa
 
nó bẻ gãy hai càng của các nhà thơ
câm lặng
vì sợ
 
ngậm miệng lâu quá rồi
mở miệng nghe ngờ ngợ
ụ á ụi ày ăn ướp ủa ân
ụ á ụi ày ăn ết ủa á ao...
 
không một dấu hiệu nào
người ta lắng
nghe
thơ...
 
 
6.
 
chính phủ
là bài thơ
giả vờ hành pháp
 
và quốc hội
chàng biên tập ngủ mơ
trên các lỗi chính tả
còn sót trong bài thơ
 
mù mờ
ú ớ...
 
 
7.
 
khi mặt trời già đi và chết
nó làm rơi những giọt ánh sáng
như nước mắt của những con bò
đang đi lên
ngọn đồi tự do
 
những con bò nhìn lên các vì sao
chúng nghĩ rằng đó là những con cá
đang bơi
nó làm tung tóe cả bầu trời
và các vị thần bị ướt
dấu chân của các Ngài
chạy tung tăng khắp nơi như những đứa trẻ
 
với một cái ngáp dài
những con bò bị lạc vào một nơi nào
địa ngục?
thiên đường?
chưa biết
 
nhưng chúng biết
nước mắt của chúng vẫn bị mắc kẹt
trong những vầng dương chết tiệt
xác của các Ngài - hay - đứa - trẻ - lạc - đường
hoa trong bóng tối
nở ra toàn tội lỗi
tự nhiên và ngu muội
hơn cả những con bò
 
 
8.
 
đêm đã muộn
tất cả những người ngồi uống rượu than khóc ở vỉa hè
đã về nhà
những gì còn lại chỉ là tiếng thở dài của người dân
và tiếng cười đang bò ra của mấy con chuột
cống...
 
+
 
ngửa bàn tay
rồi sấp lại
 
nắm bàn tay
rồi xoè ra
 
cho đến một ngày
già
ba hoa
bệnh
chết
 
+
 
nhưng có người
làm cả triệu người đổ máu
không ai biết họ trốn ở đâu?
khi mọi người đã đầu
thai kiếp khác
 
thơ
như con gà mái
phải tiếp tục quang quác cho họ
ác
ác...
 
 
9.
 
người phụ nữ dưới sông bước lên ngồi chải tóc
nàng mù từ khi sinh ra
ánh trăng cũng là tưởng tượng
 
đó là tiếng kêu của một cái cốc
nàng đánh rơi xuống sàn nhà
và nước chảy thành một vệt dài
chìm sâu vào ánh mắt
 
khi ấy mọi thứ sáng lên
một ngọn đèn trong sự cô đơn
nàng có cảm giác như ánh trăng
đang cúi xuống bốn góc của trái đất
dịu dàng thân mật
như Mẹ thức suốt đêm cúi xuống bên giường
ngày xưa nàng bị sốt
 
nước mắt của nàng
một ngày nào đó sẽ rơi xuống thấp hơn cỏ
quanh hành lang của ánh trăng
có đôi mắt một người không bao giờ thức
 
nàng ngủ
nhưng bây giờ, nàng thèm chua
nàng ngậm lát khế của quê hương trong miệng
nhìn mọi người đang phát điên
 
và ánh trăng làm thành bức tượng
của nàng
đang ngồi trong bóng tối
nuốt xuống
vị mặn
của muối...
 
 
10.
 
bàn phím rì rào rì rào
khi bài thơ
ra đời
 
khi sinh ra như thể bài thơ rơi
vào một khoảng không
trống rỗng
 
bài thơ
nó quá mỏng manh
biến mất mỗi ngày
sau tiếng rì rào của bàn phím
 
câu thơ
nhiều khi nó chỉ tồn tại trong ba ngày
như món quà sinh nhật tặng cho nàng
nàng cười: ngày hôm qua, hôm nay
vậy chỉ còn được ngày mai...
 
trong khi thơ ngỡ
đang gieo xuống đất
niềm vui chữ nghĩa
như những hạt đậu
sau này
người ta sẽ cẩn thận bóc lớp vỏ ngôn ngữ
 
thơ cứ ngỡ
ý nghĩa rõ ràng của nó chìm sâu
dưới rễ...
 
 
11.
 
những con bướm trắng
nhìn tôi từ quyển sách đang mở
bay ra những bông giấy trắng
 
+
 
lần lượt lần lượt
hai lần, một lần là tôi và một lần có tôi
cuối cùng có cả một cô đơn
 
+
 
cô đơn cũng là một nơi
tự nhiên hôm qua em
tới. Cả ngày hôm qua em cười
 
+
 
bầu trời nằm
trong con mắt của hai ta. Biển
suốt đời chỉ gọi những đứa trẻ
 
+
 
tại sao biết là ghềnh đá cuối cùng
thơ vẫn lao đầu
chết chìm
 
+
 
cô đơn
hoa hồng màu hồng, hoa hồng màu hồng
hoa huệ trắng trắng trắng...
 
+
 
chúng ta sống chết sống
chết sống chết. Vậy mà cứ kêu
để nhà nước đánh đòn oan
 
+
 
thời gian từ từ trôi
chúng ta không ai vội
vì nỗi nhớ vẫn mở cửa chờ đợi
 
+
 
từ trên núi đá
chúng ta đi xuống
làm những hòn non bộ
 
+
 
thế giới trước đây là biển
nên bây giờ
sa mạc còn tương lai
 
+
 
có một đường chân trời
nằm ngang và ngủ suốt ngày. Vì thế
đêm nay chúng ta phải thức
 
+
 
băng lại và cầm máu một vết thương
rồi sau đó cởi lớp gạc ra để cuộn lại
như trò chơi thế giới đang rối loạn
 
 
12.
 
mọi thứ nhẹ nhàng biến mất
nàng đi tìm
và câu hỏi “Ai đó?”, vang lên
 
nàng đã giơ cả hai tay lên đầu
như gần đây người ta hay biến vào bóng tối
 
ngay lập tức
thế giới của nàng trở nên mờ
nó có màu hơi tím
 
chúng ta cứ nghĩ từ trái tim sẽ đến trái tim
nên mải miết đi tìm
để bây giờ nàng hỏi bất ngờ
“chúng ta sẽ làm gì?”
để không còn giơ hai tay lên đầu
đầu hàng mà cứ nói lên hàng đầu
hàng đầu rồi biết đi đâu...
 
chúng ta chỉ cúi đầu
bẽn lẽn ...
 
 
13.
 
chúng đến
có mùi
thịt nướng
 
bóng tối
như ngày xưa
bước chân Mẹ trở về nhà
trên con đường
cỏ ướt
 
hình như bên cửa sổ của mỗi căn nhà bây giờ
có một cái miệng
há to
và đỏ
 
chúng lại đến
vẫn có mùi
thịt nướng
mùi
của kẻ đi nướng
thịt
 
 
14.
 
bên trong chuyến tàu lên thiên đường...
mọi người bị dồn lên toa
chen chúc và vẫn mong
đi chuyến khác
 
một ông đầu hói trọc
hóng hớt với vẻ hiểu biết
cuối cùng
bị mắng oan
 
một ông còn tóc
nói như khóc
về một người vừa bị bắt
 
cô gái bên cạnh tôi
mảnh mai nhưng nham hiểm
như bóng tối
nhanh chóng gõ bài thơ cho người mới vừa
bị bắt
 
trong ánh sáng mặt trời
xiên qua cửa sổ
đổ dọc trên sàn
tôi phát hiện rằng đi tàu
chậm hơn đi bộ
vậy mới khổ
 
từ cơ thể đang lắc lư của tôi
mãi mà không rơi
xin lỗi chịu hổng nổi
cô gái ấy quay lại như bóng mờ
và gửi email bài thơ mới viết cho tôi
với tốc độ của một con ốc sên
lãng quên
lênh đênh
thiên đường
xã nghĩa...
 
 
15.
 
vĩ nhân chỉ nhẹ nhõm
khi bức tượng đồng của mình được hạ xuống
sau hàng thế kỷ
 
vĩ nhân muốn nằm xuống tại một ngọn đồi
lộng gió
và nghe những khúc dân ca
ngày xưa Mẹ hát...
 
và những buổi chiều chủ nhật
nắng thật đẹp
gia đình và bạn bè của chàng đến thăm
thì thầm
những lời riêng tư
cầu nguyện
 
tất nhiên
vĩ nhân không thể thú nhận việc này với bất kỳ ai
người ta thích chàng đứng như một bức tượng đồng
mãi mãi...
 
hãy tưởng tượng bạn là một bức tượng đồng
chỉ còn có thể đứng
và bất lực nhìn
người ta mặc chiếc áo len dày cộp của lịch sử lên người
ngay cả lúc đất nước đang vào hè nóng bức...
 
 
16.
 
tự dưng bạn hát giữa lúc đang đọc thơ
mọi người không ai kịp cảnh giác
bạn hát
như mơ
 
dường như chúng ta đã băng qua một khu vườn
rẽ trái vào hoàng hôn
trong khi lẽ ra chúng ta rẽ
phải vào buổi sáng
 
những con chim bắt đầu bay về
trong bài thơ cố nặn ra của bạn
cố hết sức lãng mạn, nhưng
hình như bạn đã chán
cả những con chim?
 
nhưng khi bạn hát
bạn đã hoá thân mình thành bài hát
mấy sợi tóc mai ướt mồ hôi
hai mắt mỉm cười
các ngón chân của bạn nhón lên trên cỏ
ướt
 
hình như bạn muốn bay
bạn muốn là phép lạ
bạn hơi say...
 
chúng ta đã qua tuổi tin vào phép lạ
chúng ta đã già
nhưng như lời bài hát, bạn đang thì thầm:
chúng ta như những bài thơ
đi qua trận cười khiếm nhã
những email xa lạ
những đòn thắt lưng mệt lả
 
người ta không chịu
cho bài thơ phép lạ
để hoá thân...
 
 
17.
 
thơ có thể làm bạn khó chịu...
vì thơ không vuốt ve
cũng không phải sex
 
thơ xuyên qua bạn bằng ngôn ngữ
nhiều lúc khó nghe
nhiều người nghĩ thơ uốn éo
thích bổng trầm
 
nhưng thơ không cần
thơ phát âm
mọi thứ rất rõ ràng
ví như: buổi sáng
tôi đói
tôi đau
tôi bị đánh...
 
khi thơ chạm vào
bạn đừng ghen tị
thơ nối chúng ta với thế giới
thơ viết, chúng ta đọc, và những thứ còn lại
thảm hại hay phải biến mất
 
thơ viết, chúng ta đọc, và những thứ còn lại
thảm hại hay phải biến mất
thơ viết, chúng ta đọc, và những thứ còn lại
thảm hại hay phải biến mất
 
ngay cả những cậu bé
cũng không thở dài hay hối tiếc
thơ không phải dành cho các lứa tuổi
may rủi
 
thơ không phải
các nốt tàn nhang trên gương mặt
khi cậu bé cười
 
nó di chuyển
nhiều khi quằn quại
thông qua ngôn ngữ
 
nó không vuốt ve
cơ thể bạn
nó nã đạn
dù không ngừng
lãng mạn...
 
 
18.
 
những ngày này
thơ như vết thương
giữa lòng dân tộc...
 
 
19.
 
đêm nay
trong giấc mơ không ai mơ
có thể cô gái ấy không nói yêu bạn
nhưng muốn trả lại danh dự cho bạn
bằng những bài thơ không lời
 
nó là món quà cô ấy tặng cho bạn
khi cô ấy được tự do
 
để hiểu được điều này
trái tim của bạn bây giờ
hãy lắng nghe
dù không ai xin bạn thương xót
thậm chí khi nhìn ngắm vết thương
bạn có thấy chảy máu?
 
những gì cô ấy muốn nói
không phải nước mắt
đơn giản là nó mặn như muối
 
đây không phải là một bài ca về cái chết
đây là một bài hát tình yêu
 
tại sao bạn không dám nói điều này trong một bài thơ
bạn không thể nói
tình yêu, nó là cái gì
mà bạn không dám nói?
 
hay chỉ khi bạn chết
sắp chết
linh hồn muốn bay lên thiên đường của bạn
mới chịu nhận ra
như số phận sám hối muộn màng của những người giống như bạn...
 
như số phận sám hối muộn màng của những người...
như số phận sám hối muộn màng...
như số phận bạn...
 
 
20.
 
bây giờ đang giữa mùa khô
giữa mùa cúp điện
 
bóng tối có nguồn gốc sâu
xa từ lịch sử
làm đất nước ứ hự...
 
khi mùa hè cuối cùng kết thúc
những cơn gió mùa thu đi từ đầu này đến đầu kia của thành phố
phải trả bằng máu xương
không như bây giờ chỉ mấy chục ngàn tiền xe thồ
căn nhà nhỏ của bạn chìm vào con hẻm
nhỏ nhoi bóng tối...
 
trong căn nhà lẻ loi
nhưng chúng là ánh sáng
bạn lao động, làm thơ
lơ ngơ
cho đến khi bóng tối của bạn
chìm sâu vào trái tim bạn
đâm sâu vào lòng đất
mọc thành cây cổ thụ khổng lồ
xanh mượt cho những ngày không còn khô
và nóng
 
bạn không còn bị bỏ rơi...
 
 
21.
 
bạn nằm ngửa nhìn lên trời
không thấy ngôi sao nào đêm nay
giống như vàng đang toả sáng?
như em ngày nhớ
lỏng lẻo mưa mềm
 
thậm chí còn có đủ chỗ
cho các chữ cái của thơ được ép lại như vàng miếng
đóng dấu SJC
mà báo Thanh Niên đã nghi
là vàng lậu...
 
quá lâu
họ đã ở trên nóc một mái nhà
họ gần như là mặt trời
nên nhân dân rửng mỡ với vàng và sau đó chảy tan như tuyết
chắc sắp sửa rồi đói hết biết...
 
hơn cả sự vĩ đại của học tập và làm theo những tấm gương
cũng đời đời vĩ đại
họ bước đi nhẹ nhàng
mái tóc và vầng trán của họ như hai bàn tay
của chúng ta hàng ngày vái lạy vào không khí
 
đó là dạ dày của nhân dân bị treo lên bởi một mái tóc
và chòm râu thưa
nó run rẩy như 2 triệu người năm bốn lăm
bị phát-xít Nhật bỏ cho chết đói
 
và chúng ta có còn sức để hỏi:
các ngón tay của chúng ta còn đủ sức để chơi
vào bàn phím cũ
lải nhải một bài thơ
mà mấy chục tấn vàng chỉ là tiếng vọng
cho những lần đấu giá tiếp theo
 
cái đói có đủ mạnh
để mang lại thơ
một bài thơ nữa?
 
hay chúng ta sẽ xoè hai bàn tay
như ăn mày đứng nhìn nắng
nhìn họ trên mái nhà
cứ lo họ trượt chân té ngã
 
và nhận từ họ những nụ cười từ xa
rơi rơi
nhẹ nhàng
thương hại...
 
 
22.
 
trong trại súc vật không cần học môn luật
ý thích là luật
khi không thích thì không có gì tồn tại
sách đỏ quý hiếm cỡ nào cũng phải
tuyệt chủng
bái bai...
 
+
 
trong trại súc vật không cần học môn địa lý
tây bán cầu hay đông bán cầu
ra xích đạo gặp nhau
là chiếm
 
không có múi giờ
hay kinh tuyến vĩ tuyến
Bắc - Nam
mọi thứ cứ hở ra là
lấy
 
như biển Đông nát bấy
lòng tham
 
+
 
trong trại súc vật không cần học môn vật lý
chưa cần bom nguyên tử
cứ gặp là tông vỡ thuyền
chỉ ngư dân căng mắt nhìn chằm chằm
còn sống sót thì bơi trong im lặng
 
+
 
trong trại súc vật không cần học môn thể thao
không cần cầu thủ chạy cánh
tự cuộn tròn tự thả ra một trái banh
tự tấn công tự bất ngờ, chóng vánh
 
+
 
trong trại súc vật không cần học môn đạo đức
không cần danh dự
cứ ký nghị định thư
Kyoto
rồi về nhà xả thải
 
+
 
trong trại súc vật không cần học môn ngoại ngữ
cứ dịch như
cái tử cung của bố
bị ung thư
 
+
 
nhưng trong trại súc vật vẫn có nỗi buồn
riêng của nó
khi không ai dám nói về điều gì đó
mặc dù mỗi ngày trái tim của họ
bị thương
 
+
 
nhưng trong trại súc vật vẫn có tình yêu
như có lần em hỏi
người ta vẫn làm những bản tình ca
và âm thầm
hát chúng suốt đêm
 
+
 
người ta vẫn mong một cầu vồng
sau cơn mưa ở phía tây của quả bóng
cùng nhau sút tung lên bầu trời
cùng nhau rơi
nước mắt
 
(ở trại súc vật người ta mau nước mắt
nhiều khi khóc giữa
ngày vui...)
 
+
 
không phải trại súc vật
ở đà nẵng
cũng có chàng duy nhất
đang lang thang trên phố để về nhà
 
chàng ra khỏi cổng toà soạn
một nhà thơ gặp một nhà thờ
tiếng chuông gió
quyến rũ...
 
chàng ném một quả bóng
lúc ngày sắp kết thúc
chạy theo cật lực
cuộc vui...
 
hoàng hôn và bầu trời
mải chơi với quả bóng
nó quên mất
là chàng đã trở về nhà
 
trong một đường phố yên tĩnh
bóng người và cái cây
bầu trời chảy như giấc mơ...
 
 
 
 
----------------
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đôi điều thưa lại với nhà thơ Trần Trương

Trần Đình Sử

TNc Sau khi trang nhà đưa bài của nhà báo Nguyễn Anh Tuấn "Nghề văn không sang trọng nhưng văn chương lại cần sự sang trọng ", chúng tôi nhận được bài của nhà thơ Trần Trương trao đổi với nhà văn, GS Trần Đình Sử. Hôm nay trang nhà nhận được bài của GS Trần Đình Sử trao đổi với nhà thơ Trần Trương. Việc trao đổi, đối thoại rất cần trong không khí dân chủ. Tất cả các ý kiến của các tác giả là quan điểm riêng của họ..
xxx
Tôi là một nhà khoa học nhân văn, trong thời buổi đổi mới, có rất nhiều vấn đề lí luận văn học cần được nhận thức lại, vì thế mà tôi đã cố gắng nêu nhiều vấn đề. Tôi tự thấy mình có khả năng và điều kiện đối thoại với các bạn bè, đồng nghiệp trên các vấn đề ấy, ngõ hầu đưa nền tư duy lí thuyết của chúng ta tiến thêm cho kịp các nước tiên tiến. Nhưng hóa ra ước mong của tôi chỉ là ảo vọng hão huyền. Bởi khi tôi đọc bài Mấy lời với ông Trần Đình Sử đăng ngày 15/8/2013 trên trang tranhnhuong.com của nhà thơ Trần Trương thì tôi hoàn toàn thất vọng. Hóa ra ở Việt Nam hiện nay vẫn hoàn toàn không có đối thoại. Thì xin hãy đọc kĩ bài của nhà thơ Trần Trương.
Thay vì đối thoại, nhà thơ Trần Trương chọn cách bôi bác, chế giếu, nói kháy, xách mé. Ông bảo tôi đi học ở Trung Quốc vào thời Cách mạng văn hóa, nhưng ông không biết rằng, thời cách mạng văn hóa ở Trung Quốc các trường đại học đều đóng của, sinh viên đi lao động cải tạo ở nông thôn, còn lưu học sinh nước ngoài thì ai về nước nấy. Anh đọc câu vè : “Trình độ văn hóa cấp ba,Thế mà bỗng chốc được là giáo sư, Giáo sư mà dốt bỏ xừ, Tiếng Tây chỉ thuộc mỗi từ..”Măng-giê”(Tiếng Pháp= Ăn).” Có thể nước ta trong thời buổi háo danh có người gian lận về bằng cấp, nhưng nói chung về giáo sư Việt Nam, nói riêng về tôi là không đúng và là xúc phạm danh dự. Tôi bảo vệ tiến sĩ năm 1980, phong phó giáo sư năm 1990, phong giáo sư năm 1996, là một quá trình phấn đấu cật lực về chuyên môn, không ai được xúc phạm. Từ năm 1961, trong hơn nửa thế kỉ, tôi đã đào tạo hàng ngàn sinh viên đại học, hàng trăm thạc sĩ, ba chục tiến sĩ, trong các học trò đó có nhiều người đã thành giáo sư, phó giáo sư , có người làm thứ trưởng, vụ trưởng, viện trưởng, trưởng khoa, chủ nhiệm bộ môn, trưởng phòng đào tạo…Tôi đã là Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, đã nhân giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ từ năm 2000, thì những lời nói như trên là sàm sở, thiếu đứng đắn. Ông bảo tôi chỉ là phó tiến sĩ, “sau này tự nhiên thành giáo sư”. Xin thưa không có gì tự nhiên hết, đó là chủ trương của Nhà nước ta, muốn chuân hóa đào tạo cán bộ. Ông đã không biết mà lại nói xách mé. Toàn bộ phó tiến sĩ ở nước ta đều là tiến sĩ cả, không riêng một mình ai. Vậy thì có gì đáng chế giễu ở đây? Ông chê tôi dốt ngoại ngữ, không đọc được tác phẩm “bản ngữ”, mà chỉ đọc theo bản dịch. Ông không biết rằng tôi đã dịch bảy cuốn sách khoa học từ tiếng Nga và tiếng Trung, tái bản nhiều lần và cho đến nay vẫn tiếp tục dịch, lược thuật, giới thiệu các tài liệu nước ngoài cho bạn đọc Việt Nam. Ông chê chúng tôi dốt, không đọc được “Bản ngữ” nước ngoài, ông phê thế chúng tôi không hiểu được, bởi vì “bản ngữ” là tiếng mẹ đẻ của người nói, mà chúng tôi có phải là nguời nước ngoài đâu. Muốn chê đúng thì phải nói không đọc được “nguyên bản” tiếng nước ngoài, chứ không phải là bản ngữ như ông nói. Ông nói cũng đúng với nhiều trường hợp, nhưng không đúng với tôi. Ông thấy đấy, những lời xách mé, chế giếu của ông đều không đúng sự thực và không có chút giá trị gì, ngoài sự chúng tỏ là ông còn hạn chế nhiều về hiểu biết. Ông là nhà thơ mà không biết rằng, mọi châm biếm, chế giễu chỉ có giá trị khi nó đi đối với sự thật. Sự dối trá, bịa đặt chỉ là sự phỉ báng vớ vẩn.
Nói cho đúng, ông Trần Trương cũng có lúc muốn trao đổi lại về vấn đề nghề văn không sang trọng của tôi. Nhưng ý kiến của ông đầy mâu thuẫn và sai lầm. Thoạt đầu ông phủ nhận việc có người xướng ra cái thuyết nghề văn sang trọng”. Ông viết : “có ai nói nghề văn là nghề sang trọng đâu?, chắc ông (tức là tôi – TĐS chú) có nghe đâu đó ở những “diến đàn” bia bọt nào đó, chứ trên văn đàn chính thống ở các hội nghị nghiêm chỉnh không có vị lãnh đạo hoặc nhà văn nào dám nói thế..” Nhưng cách đó mấy dòng ông lại viết: “Tôi hiểu cao qúi và sang trọng có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Làm một hành động cao quý hay viết một tác phẩm hay đến mức cao quí thì đó cũng có thể là sang trọng. Nhưng khi tác giả được nhìn nhận là sang trọng thì chắc chắn họ có những tác phẩm cao quý.” Câu này chứng tỏ ông là người ủng hộ thuyết nhà văn sang trọng chứ chối làm sao được. Tôi nói có đối tượng đấy chứ, không nói không bao giờ. Xin lưu ý với ông là nhiều lời nói chính thống và ở hội nghọ nghiêm chỉnh không tác động vào con người mạnh mẽ bằng lời nói ở diễn đàn bia bọt đâu. Cái thiếu sót thứ nhất của ông là không phân biệt được nghĩa của từ sang trọng và từ cao quý, lẫn lộn chúng với nhau. Sang trọng là từ chỉ sự giàu có, quyền thế hơn người về địa vị, quan chức, của cải vật chất, ví như nhà cửa sang trọng, áo quần sang trọng, đồng hồ sang trọng, địa vị sang trọng, đám ma sang trọng, đám cưới sang trọng…Trong các trường hợp ấy không thể thay thế chữ cao quý vào được. Những cái sang trọng thường nằm ở bên ngoài con người, ai nhìn cũng thấy được. Thấy một người đi ô tô đắt tiền, ăn mặc chưng diện, ta có thể nói ngay, một người sang trọng. Nhưng người ấy có cao quý hay không là chuyện khác, bởi cái cao quý nhìn bề ngoài không thấy được. Phải sống, giao tiếp, thể nghiệm mới nhận thấy. Chữ cao quý chỉ phẩm chất về tinh thần, cho nên tôi nói, nghề văn cần cao quý, chứ không cần sang trọng. Chữ nghề văn sang trọng nó không thích hợp và dễ gây ngộ nhận. Thiếu sót thứ hai là do không phân biệt được hai từ đó cho nên lập luận không chặt chẽ. Cái lập luận của ông cho rằng “khi tác giả được nhìn nhận là sang trọng thì chắc chắn họ có những tác phẩm cao quý.” là không đúng. Trước khi “vụ thơ” Hoàng Quang Thuận đổ bể, hẳn mọi người đều thấy là ông ấy sang trọng, có chức vụ “viện trưởng”, đi ô tô, có nhiều tiền, nghĩ rằng thơ ông ấy “chắc chắn” là cao quý, rồi hết lời ca ngợi. Nhưng khi ca ngợi rồi thì mới biết thơ ông ấy không cao quý gì cả. Đó, nhầm lẫn sang trọng với cao quý tai hại như vậy đó.
Điều quan trọng nhất cuối cùng là ông không hiểu nội dung bài viết ngắn của tôi. Đúng như PGS Nguyễn Thị Minh Thái có nói, “bi kịch đọc không vỡ chữ”. Đã đọc không hiểu thì khó bàn bạc được gì cho rõ ràng. Ông không hiểu thì ông suy diễn : “Tự nhiên ông (tức là tôi - TĐS) đặt điều ra là nghề văn là nghề không sang trọng rồi có vẻ muốn bôi bác Hội Nhà văn.” Xin hỏi ông Trương, tôi có vẽ bôi bác Hội nhà văn ở chỗ nào? Xin ông cho biết câu chữ cụ thể nào thể hiện sự bôi bác đó ? Ông có biết là ông đang vu cáo tôi không? Hiện tượng háo danh đã rất phổ biến trong thực tế, là một hiện tượng tâm lí xã hội, không phụ thuộc vào Hội nhà văn. Chính hiện tượng đó gây gánh nặng, áp lực cho Hội nhà văn đấy. Đả phá tâm lí ấy chính là giúp cho Hội nhà văn nhẹ gánh hơn. Ông lại nói : “Cách viết của ông (tức là tôi – TĐS) trong mấy bài viết gần đây tôi thấy :”Loằng ngoằng” quá”. Tôi là người làm lí thuyết, thích tư duy logich rạch ròi, không tư duy được theo kiểu nhà thơ, cho nên không biết thế nào “loằng ngoằng”.
Dù có thất vọng thế nào thì con đường đi tới của lí luận phê bình vẫn phải là đối thoại, chứ không phải đối đầu. Muốn đối thoại thì ta phải học, trước hết cần biết tôn trọng người đối thoại. Sau là lắng nghe ý kiến trái chiều của người ta. Sau nữa cũng cần có chung một nền tảng tri thức. Hiện nay trong xã hội ta đang thịnh hành các khung tri thức khác nhau. Rất đông người theo hệ tri thức tiền hiện đại (cổ điển), một số người theo tri thức hiện đại, một số khác trẻ hơn theo tri thức hậu hiện đại. Thế là khó hiểu nhau rồi. Chúng ta không thể tiêu diệt người theo khung tri thức này, bỏ tù người theo khung tri thức kia. Để hiểu nhau chỉ có con đường đối thoại. Đối thoại là đi tìm cái chung chân lí. Chỉ cho mình là duy nhất đúng, cứ thế mà kết luận, xử lí thì có cần đối thoại nữa hay không?
-----------
Đọc tiếp bài viết của Nhà Thơ TRẦN TRƯƠNG :

Mấy lời với ông Trần Đình Sử
Nhà thơ Trần Trương


Tôi vốn là người luôn coi trọng các nhà khoa học ,cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.Đặc biệt các nhà khoa học đã có học hàm ,học vị như Giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Sử đã từng du học ở Trung Quốc(thời kỳ cách mạng Văn Hóa} và rồi sang Nga làm luận văn phó tiến sĩ (sau này bỗng nhiên được gọi là tiến sĩ).Ông Sử là một nhà khoa học Xã hội và biết được 2 ngoại ngữ. Sở dĩ tôi nói thế vì hiện nay trong hàng nghìn giáo sư hay phó giáo sư của ta có không ít vị trình độ ngoại ngữ rất kém, không giao tiếp được với người nước ngoài và chắc chắn không đọc được tác phẩm văn học bằng tiếng bản ngữ , chỉ đọc qua bản dịch thôi., chắc vì thế có một nhà thơ trào phúng đã làm 4 câu thơ sau|
Trình độ văn hóa cấp ba
Thế mà bỗng chốc được là giáo sư
Giáo sư mà dốt bỏ xừ
Tiếng Tây chỉ thuộc mỗi từ..”Măng-giê”(Tiếng Pháp= Ăn).
Thôi nói dông dài một chút , tôi xin đi thẳng vào cái bài viết của giáo sư Sử về việc ông nói: Nghề văn không phải nghề sang trọng. Nhưng thưa ông có ai nói nghề văn là nghề sang trọng đâu?, chắc ông có nghe đâu đó ở những “diến đàn” bia bọt nào đó,chứ trên văn đàn chính thống ở các hội nghị nghiêm chỉnh không có vị lãnh đạo hoặc nhà văn nào dám nói thế.Chắc ông bức xúc gì đó mà tự kỷ ám thị rồi đặt điều ra thôi.Mọi nghề sang trọng hay không là ở sự cống hiến , hành động, việc làm, thành quả, tác phẩm của người làm vinh quang cho nghề ấy và có tác dụng tốt cho xã hội.Dù là hội viên hội phân bón, hội nuôi ong, hay hội nhà văn cũng thế thôi. Hội viên hội phân bón mà có sáng kiến làm ra phân tốt để bón cho cây cối tăng sản thì đấy là ông ta đã làm sang cho hội phân bón, còn ông Giáo sư hoặc ông nhà văn nào tầm thường chỉ dùng cái “mác” giáo sư hay nhà văn để dậm dọa thiên hạ thì cũng chẳng sang trọng gì,Thưa giáo sư Sử có phải thế không.?Cách viết của ông trong mấy bài viết gần đây tôi thấy :Loằng ngoằng” quá. Ông tỏ ra khách quan, có vẻ bênh cái luận văn rất tầm thường va tục tĩu của Nhã Thuyên, ông chê bai và phân tích một cách bôi bác và dè bỉu lịch sử văn chương của ta qua từng thời kỳ,nhưng hời hợt quá,Làm nhà khoa học là phải khách quan thì quan điểm của mình mới đáng tin cậy,tôi không ngờ ông Sử là ủy viên hội đồng lý luận TW mà lại phát ngôn như thế.Tôi hiểu cao qúi và sang trọng có mối liên kết chặt chẽ với nhau.Làm một hành động cao quý hay viết một tác phẩm hay đến mức cao quí thì đó cũng có thể là sang trọng.Nhưng khi tác giả được nhìn nhận là sang trọng thì chắc chắn họ có những tác phẩm cao quý. Ta đánh giá cái nghề sang trọng hay không sang trọng là ở chỗ đó.Tự nhiên ông đặt điều ra là nghề văn là nghề không sang trọng rồi có vẻ muốn bôi bác Hội Nhà văn.Hội Nhà Văn cũng như mọi tổ chức khác, trong cái cộng đồng ấy cũng có người giỏi, người chưa giỏi, thậm chí có cả người kém.kể cả trong hàng ngũ Giáo sư cũng vậy.
Sau mấy bài viết của ông Trần Đình Sử, lại có mấy ông tung hô,cứ như đây mới là chân lý,và rồi vội vàng nhận mình làm đệ tử luôn.Như các bạn biết đấy, theo thống kê chính thống, thì trong hàng nghìn giáo sư, và hàng vạn tiến sỹ mà sự đóng góp của họ hàng chục năm nay chẳng có gì lớn lao ,hiệu quả rất thấp.Nói ý này hoàn toàn tôi không hề có ý hạ thấp vai trò của các vị tiến sĩ, hay giáo sư,mà như mở đầu bài này tôi mãi là người lúc nào cũng ngưỡng mộ các nhà trí thức ấy,Giáo sư Trần Đình Sử cũng nằm trong sự ngưỡng mộ ấy, nhưng mong ông hãy đừng làm nhà “khoa học trung tính”, Nhà nước phong cho ông là giáo sư do sự phấn đấu của ông bao nhiêu năm, vậy mà ông đang quên ông là nhà khoa học , Xin ông hãy thật khách quan, đứng đắn trong những vần đề cụ thể, đừng biến mình làm con thoi trong khung dệt rối chỉ.

Chiến thuật “tằm ăn dâu”


Brahma Chellaney
Tàu cá Trung Quốc tiến ra biển
Tàu cá Trung Quốc tiến ra biển
Dọc các biên giới đất liền, những cuộc tấn công lén lút thường đi trước, mở đường cho chiến lược tằm ăn dâu của họ.
Hoạt động âm thầm xâm phạm biên giới láng giềng của Trung Quốc đang nổi lên là một nhân tố gây bất ổn nghiêm trọng ở châu Á. Trong khi hải quân Trung Quốc và một bộ phận không quân tập trung khẳng định yêu sách chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, thì lục quân nước này lại đang rất ráo riết tại các vùng biên giới miền núi giáp Ấn Độ, cố gắng làm thay đổi từng chút ranh giới kiểm soát của đối phương.
Chiến lược biên giới được ưa chuộng của Trung Quốc xoay quanh chiến lược “tằm ăn dâu”. Chiến lược này bao gồm việc duy trì liên tục những hành động nhỏ, không đủ để tạo một biến cố gây chiến tranh, nhưng theo thời gian dần đưa tới những sự chuyển hóa chiến lược có lợi cho Trung Quốc.
Bằng các biện pháp xâm lược âm thầm như vậy, chiến lược của Trung Quốc có mục tiêu hạn chế đáng kể lựa chọn của các nước đối phương bằng cách gây nhiễu loạn các kế hoạch ngăn chặn của họ và khiến họ khó triển khai hành động đáp trả một cách thích hợp hoặc hiệu quả.
Hoạt động thay đổi nguyên trạng biên giới lãnh thổ liên tục được Trung Quốc triển khai kể từ khi thành lập năm 1949.
Minh chứng sớm nhất cho chiến lược tằm ăn dâu đó, mà kết quả là từ năm 1954 – 1962 Trung Quốc đã dành được quyền kiểm soát từng phần cao nguyên Aksai có diện tích bằng đất nước Thụy Điển. Được đà, Trung Quốc sau đó tiếp tục đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, bãi Johnson 1988, bãi Vành Khăn 1995, và gần đây nhất là bãi cạn Scarborough 2012.
Điều đáng nói về mối thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với an ninh châu Á ngày nay là việc họ thiếu tôn trọng các đường biên giới đã tồn tại. Nói cách khác, Trung Quốc vẫn đang tìm cách vẽ lại biên giới chính trị.
Dọc các biên giới đất liền, những cuộc tấn công lén lút thường đi trước, mở đường cho chiến lược tằm ăn dâu của họ. Mục đích là để gặm nhấm vào đất đai của đối phương, giống như một loài gặm nhấm khổng lồ. Việc sử dụng chiến lược này đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn dọc biên giới Himalaya với Ấn Độ, biên giới tranh chấp dài nhất của thế giới. Tại đây, phương thức tấn công được Trung Quốc là sử dụng dân du mục người Hán tới đẩy lui dân Ấn Độ ra khỏi các thảo nguyên truyền thống của họ và mở đường cho một cuộc xâm lược quân sự.
Trong khi đó, để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông, công cụ phổ biến được Trung Quốc sử dụng bao gồm từ ký các hợp đồng thăm dò dầu khí đến đòi được hưởng các quyền đánh cá mở rộng – tất cả đều nhằm tăng cường các yêu sách lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc.
Ở Hoa Đông, Trung Quốc triển khai các đơn vị bán quân sự theo chiến dịch tiêu hao sinh lực địch chống lại Nhật Bản trong tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku – một cách tấn công đã tỏ ra thành công trong việc làm lung lay nguyên trạng và khiến thế giới thừa nhận sự tồn tại của tranh chấp này. Thách thức Nhật Bản, kẻ xâm lược và kẻ thù trước đây của mình, là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm tìm kiếm nguồn tài nguyên dưới đáy biển và cạnh tranh ưu thế chiến lược ở tây Thái Bình Dương, vươn ra khỏi cái mà họ gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” – một chuỗi đảo bao gồm Điếu Ngư/Senkaku, Đài Loan và một số đảo khác của Việt Nam và Philippine.
Mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông là thực hiện từng bước chắc chắn hợp pháp hóa sự hiện diện của mình ở 80% vùng biển mà nước này hiện tuyên bố chủ quyền chính thức “đường lưỡi bò”. Thông qua những hành động lập đi lặp lại liên tục, Trung Quốc đang cố gắng khắc sâu sự hiện diện lâu dài của mình ở các vùng này.
Trong số những cách thức mà Bắc Kinh tìm kiếm để củng cố “sự thực” mới ở không gian Biển Đông là việc cho thuê các vùng lãnh thổ có dầu khí và ngư trường bên trong các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước khác. Hoạt động cho thuê như vậy được thiết kế nhằm hạn chế các quyền kinh tế được quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển của các nước tranh chấp khác trong khi mở rộng được kiểm soát nguồn tài nguyên dầu khí trong khu vực của Trung Quốc.
Trung Quốc vừa thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, như một tiền đồn quản lý Biển Đông, thành lập một chính quyền dân sự tại chỗ và một lực lượng quân sự đồn trú nhằm giám sát toàn bộ khu vực. Trong nỗ lực mới nhất thực hiện cái gọi là “việc đã rồi” đối với dã tâm xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, nước này còn ngang nhiên khởi động các chuyến du lịch biển tới các đảo tranh chấp này.
Có vẻ như, Bắc Kinh đã kỹ lưỡng cắt ra những lát thật mỏng để tránh bất kỳ hành động lớn nào có thể trở thành cái cớ gây chiến tranh. Quả thực, Trung Quốc đã cho thấy sở trường chia tách mọi hành động thành vài phần và sau đó thực hiện mỗi phần một cách riêng biệt theo cái cách mà cuối cùng vẫn cho phép những phần khác nhau đó đều thu về một mối.
Mưu đồ này nhằm khiến cho đối thủ bối rối và không biết phải phản ứng ra sao. Thực tế, như một kẻ thái salami điêu luyện, ngụy trang việc tấn công là hành động phòng thủ, Trung Quốc đã không chỉ cản trở được sự kháng cự của đối thủ mà còn biến họ thành kẻ khai chiến. Bất kỳ quốc gia nào trong trường hợp này đều đứng trước lựa chọn chiến lược của Hobson: hoạc là chịu thua thiệt, hoặc là chấp nhận một cuộc chiến tranh nguy hiểm với một cường quốc đang trỗi dậy.
Chiến thuật và chiến lược của Trung Quốc do vậy đặt ra một mối thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với một số nước láng giềng, đặt họ vào thế lưỡng nan, không biết làm sao để có thể đẩy lui sự xâm lược của Trung Quốc.
Tác giả Brahma Chellaney là một nhà địa chiến lược và tác giả cuốn “Water, Peace, and War” (Rowman & Littlefield, 2013).
Nguyễn Tính (theo Washingtontimes)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quê Choa: Phương Uyên: Tôi yêu Tổ quốc, nhưng xin đừng đánh ...

Quê Choa: Phương Uyên: Tôi yêu Tổ quốc, nhưng xin đừng đánh ...:  Thụy My & Phương Uyên   Phương Uyên vừa được ra khỏi trại giam Long An tối 16/08.   Vừa được trả tự do tại tòa phúc thẩm ở Long ... Phần nhận xét hiển thị trên trang