Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Phong cảnh tinh thần thời hậu toàn trị (1)

Phong cảnh tinh thần thời hậu toàn trị (1) Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đôi dòng về cựu bộ trưởng lâm nạn

Khi còn làm báo ở Việt Nam, tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với ông Trần Xuân Giá, khi đó là đương kim thứ trưởng, rồi bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, bộ có thể coi là đầy quyền lực vào lúc mà vô số nhà đầu tư nước ngoài đang tìm tới Việt Nam.

Ông Trần Xuân Giá
Ông Trần Xuân Giá từng là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và Trưởng ban tư vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải

Vào cuối thập niên 90, tôi còn là phóng viên của báo Vietnam Investment Review mà bản tiếng Việt là báo Đầu Tư, cả hai đều do ông Giá đứng tên tổng biên tập.
Ông đã duyệt nhiều bài do tôi viết do một phó tổng biên tập chuyển lên và tôi cũng có nhiều dịp dự các cuộc tiếp khách và nói chuyện tay đôi với ông.
Qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, người đang đối mặt với khả năng ra trước vành móng ngựa ở tuổi 74, tỏ ra là một trong những quan chức dễ gần, lịch thiệp và sẵn sàng lắng nghe ý kiến.
Ông cũng tỏ ra rất ga-lăng với phụ nữ
Tôi còn nhớ có lần ngồi trong buổi ông tiếp các lãnh đạo của tập đoàn Enron mà dẫn đầu là một nữ phó chủ tịch với mái tóc vàng khá ưa nhìn nhưng toàn phát âm chệch tên của bộ trưởng sang chữ cấm kỵ.
Chủ và khách đều trò chuyện rất vui vẻ, sau khi khách đã ra về hết, tôi nói chuyện với ông và vẫn nhớ ông bình luận thêm: "Nói cho vui lòng người đẹp."
Sau này khi Enron sụp đổ và một số quan chức cao cấp phải ra tòa, tôi nhớ ngay tới buổi bộ trưởng tiếp khách.
Enron bị cáo buộc giấu nợ và các công ty con để có thể tồn tại trong nhiều năm dù trên thực tế đã phá sản.

Trong vụ việc mà ông Giá đang bị cho là có liên quan, Bầu Kiên cũng bị cáo buộc lập ra các công ty con để bám vào ACB, ngân hàng ông Giá là chủ tịch Hội đồng Quản trị, để kiếm lời bất chính.

'Cố tình làm trái'

Nhưng tội mà ông Giá đang bị cáo buộc là "cố tình làm trái gây hậu quả nghiêm trọng."

Bản thân ông là người đã đứng đằng sau việc soạn thảo nhiều văn bản pháp luật và có lẽ ít có khả năng ông không nắm bắt hết luật pháp trong lĩnh vực ngân hàng.
Và vị cựu bộ trưởng tới giờ vẫn khẳng định ông làm đúng pháp luật.
"Để đất nước phát triển bền vững phải xây dựng cho được nền dân chủ. Phát huy dân chủ có nhiều kênh nhưng phản biện xã hội là kênh hết sức quan trọng."Ông Trần Xuân Giá phát biểu hồi năm 2009
Dù tiếp xúc với ông nhiều khi còn làm báo trong nước, sau khi rời Việt Nam hồi năm 2000, tôi không còn giữ liên hệ với ông nữa.

Cũng có lần ông sang London nhưng tôi không đi đưa tin về chuyến đi của phái đoàn Việt Nam nên không có dịp tiếp xúc.

Đồng nghiệp gặp ông về cũng nói ông khá cởi mở.

Rồi tình cờ có lần tôi thấy ông phát biểu về "phản biện xã hội" trên báo trong nước hồi năm 2009 và có bài viết với tít "
Cựu bộ trưởng thúc giục dân chủ".

Qua các phóng viên khác, tôi biết ông tỏ ý trách tôi dù tôi dẫn nguyên văn câu ông trả lời rằng:

''Để đất nước phát triển bền vững phải xây dựng cho được nền dân chủ.

''Phát huy dân chủ có nhiều kênh nhưng phản biện xã hội là kênh hết sức quan trọng.''

'Ông cố vấn'

Bẵng đi ba năm, tới hè năm ngoái bỗng có nhiều tin đồn ông sẽ bị bắt.
Cuối cùng ông được cho tại ngoại trong quá trình điều tra nhưng vẫn bị quy vào tội "cố ý làm trái".

Tôi không rõ giờ ông sống trong hoàn cảnh ra sao, nhưng khi tôi tới thăm ông ở khu tập thể Vạn Bảo dành cho cán bộ cao cấp, nhà của ông không để lại ấn tượng gì về sự giàu sang.

Điều duy nhất để lại ấn tượng đối với tôi là chiếc bể cá to với những con cá vàng cũng to.
Ông Giá được cho là từng muốn ông Hùng giữ chức bộ trưởng kế hoạch đầu tư
Ông nói ông thích ngắm cảnh cá đuổi nhau và thấy rất "thú vị". Các con ông khi đó cũng đã lớn, con trai sang Mỹ học, con gái sang Anh.
Thật tình cờ con trai ông sau này lại cưới một bạn hoa khôi của lớp tiếng Anh tôi từng theo học ở phố Hàng Cót.
Nghe nói khi vụ Bầu Kiên gây rúng động ở Việt Nam thì ông đang ở Hoa Kỳ thăm gia đình con trai.

Đối với tôi, ông là một trí thức gần gũi, biết lắng nghe và có quan hệ thân tình với một số lãnh đạo cao cấp.

Khi ông còn làm bộ trưởng, ông tỏ vẻ cho thấy có thể nhấc máy gọi Thủ tướng Phan Văn Khải bất cứ khi nào.

Sau này khi không còn là bộ trưởng, ông lại được ông Khải giữ làm Trưởng ban cố vấn mà người ta nói gần như mọi quyết định của thủ tướng đều có sự đóng góp của ban này tới mức ông có ảnh hưởng như một phó thủ tướng thường trực, chức mà trên thực tế khi đó do ông Nguyễn Tấn Dũng nắm giữ.

Một người bạn nói với tôi rằng ông Giá từng tiến cử Chủ tịch Quốc hội hiện nay, ông Nguyễn Sinh Hùng vào chức bộ trưởng kế hoạch đầu tư, cho dù sau đó vì lý do nào khác, điều này không xảy ra.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng là học trò của ông Giá tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Mất niềm tin:

Khi tôi rời báo Vietnam Investment Review hồi năm 1999, tờ báo đã có thay đổi căn bản.

Bộ trưởng Giá đã không còn là Tổng Biên tập và đối tác nước ngoài, tập đoàn ACP của Australia, cũng đã rút ra sau khi có bất đồng với phía Việt Nam.
"Và giờ ông Giá cho rằng ông không làm gì trái. Nhưng vụ việc lần này lại không nằm trong tầm tay của ông."
Một trong những lý do tôi tới thăm ông tại nhà riêng là để thuyết phục ông ủng hộ cho đối tác nước ngoài để họ có thể tiếp tục có mặt trong hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Nhưng cuối cùng vị Bộ trưởng cũng không thể làm được gì để tháo gỡ mâu thuẫn giữa hai bên Việt - Úc và báo đã hoàn toàn thuộc vào tay người Việt, vốn cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng của tờ báo, nhất là bản tiếng Anh - Vietnam Investment Review.

Tôi cũng không vì thế mà trách ông Giá bởi có lẽ một mình ông cũng không thể xoay chuyển nổi tình hình lúc bấy giờ. Nhưng vụ việc cũng làm tôi mất niềm tin vào khả năng lẽ phải luôn chiến thắng ở Việt Nam.
Và giờ ông Giá cho rằng ông không làm gì trái. Nhưng vụ việc lần này lại không nằm trong tầm tay của ông.


Nguyễn Hùng

Nguyễn Hùng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGHỀ VĂN KHÔNG SANG TRỌNG THÌ NGHỀ NÀO HƠN?

Nguyễn Hoàng Đức

Thân ái chào giáo sư Trần Đình Sử, lâu rồi tôi không được gặp anh, nhưng vừa rồi được đọc GS qua bài có vấn đề “Phê bình kiểm dịch”, thấy nể phục giáo sư quá. Dù bài đó, GS vẫn viết theo lối “tân cổ điển mô phạm”, nghĩa là ít xông thẳng ngay vào vấn đề mà bao giờ cũng dàn trận xây xong các hòn gạch móng, rồi mới xây tháp để theo dõi trận đánh. Bài của GS vẫn có cách xây móng đó, nhưng nó đã ào tới cả một luồng gió tươi mới mát mẻ và đem theo cả nội hàm “phê bình kiểm dịch” mạnh mẽ như một trận cuồng phong muốn cuốn đi tất cả lá úa cỏ khô cũ kỹ lỗi thời. Nói thật, từ lâu nay tôi vẫn định kiến các giáo sư nhú lên từ thời bao cấp có cái gì đó khuôn thước ngăn kéo mốc meo mô phạm. Nhưng khi đọc bài của GS, tôi thấy ông đã canh tân “vũ khí” cũ để đem vào một trận đánh mới. Lâu nay không có dịp gặp giáo sư, nên tôi muốn qua bài “Nghề văn không sang trọng” mới của GS, gặp gỡ ông qua trao đổi. Trong phần kết luận ông nói:
“ Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng.”
Nói chung tôi khá đồng tình với hàm lượng bài viết của GS, ông ví nghề văn như nghề nhặt rác để làm cho xã hội thêm trong sạch hơn. Ông khích lệ các nhà văn, nhà thơ nên từ bỏ tính háo danh để dấn thân thực sự vào con đường canh tân xã hội. Đó mới là điều cao quí. Ý tưởng này của ông rất giống ý tưởng của nhà văn, triết gia J.P Sartre, đó là: “Tôi yêu những bàn tay bẩn, vì đó là những bàn tay bắt vào dọn dẹp cuộc đời”. Bàn tay chỉnh sửa tươm tất, bôi phấn quệt mầu chỉ là tay cave ngồi bên hè đợi khách, rồi đếm tiền boa. Bàn tay của nhà văn thì không thể như vậy mà phải cao quí hơn nhiều, như một phương ngôn của Ấn Độ: “Mực của học giả còn hơn máu kẻ tử đạo”.
Tôi cho rằng: cao quí và sang trọng cũng có nghĩa đồng tâm và đồng nhất khá lớn. Chẳng hạn người Tầu có câu: Làm giầu một đời, làm sang ba kiếp. Người Do Thái cũng nghĩ vậy, đời cha ông họ luôn lo làm giầu, để đời sau cho con ăn học.
Tất nhiên, tôi hiểu lời nói của giáo sư là cách nói tu từ, để dẫn đến cái ý tứ bên trong, cái thông điệp tinh thần. Dẫu vậy tôi vẫn muốn trao đổi để rõ ràng hơn, hoặc chí ít chúng ta được chuyện trò, nhiều hơn là được phát triển nhận thức. Theo tôi:
Văn học là sang trọng và cao quí bậc nhất!
Bởi các lý do sau:
- Văn học là môn nghệ thuật bằng chữ viết. Mà triết gia kinh viện Aristote có nói: “Học bất cứ cái gì trên đời thì điều đầu tiên cần phải học là chữ viết. Và học chữ viết là mất nhiều công nhất”.
- Triết gia Hegel cho rằng: Thi ca là loại hình nghệ thuật cao nhất bởi vì chỉ có thi ca mới có khả năng triết lý, mà các loại hình khác không thể làm được.Cụ thể hơn, thi ca (chữ viết) có thể đưa ra những khái niệm như “tinh thần”, “bất tử”, “vĩnh cửu”, “bất diệt”, “siêu hình học”, “Thượng Đế”, “ma quỉ”…những môn nghệ thuật khác như hội họa và âm nhạc không thể lột tả được khái niệm đó.
- Triết gia Aristote xác định: Văn chương là cao quí nhất bởi chỉ có văn chương mới có thể bàn đến công lý để minh oan cho con người. Công lý là cái đẹp nhất trong tâm hồn con người, và chỉ có văn chương mới toàn quyền bàn thẳng vào điều đó! Còn hội họa, kiến trúc, âm nhạc thì không bao giờ.Nói thế thì mấy anh nhà thơ vụn, trường ca không cốt truyện chớ có vui mừng hụt. Thi ca bàn đến ở đây, là thi ca như Illiad hay Odyssey… chúng có nhân vật và kịch tính, vừa là thơ, vừa là kịch, vừa là tiểu thuyết.
Văn chương không thể cao quí nếu như người ta chỉ tập làm văn như nhà thơ Xuân Diệu viết:
“Nghề xếp chữ ôi nghề con trẻ
Dăm câu vui đắp đổi mấy câu sầu”
Văn chương sang trọng và cao quí khi nó mang tầm tư tưởng, mà tư tưởng của loài người thì không thể đi ra ngoài những công lý, bình đẳng, tự do, bác ái, lập hiến, Thượng Đế, tôn giáo, tín ngưỡng… Nhưng đây lại là thứ rất thiếu và rất yếu của văn học Việt Nam, thành ra văn chương nói chung vẫn là bài ca nhì nhằng hát xướng vần vèo. Tôi đã từng viết đại ý: muốn ăn ra nhà hàng, muốn mua thịt thì ra chợ, muốn nghe nhạc đến nhà hát, muốn chữa bệnh đến bệnh viện, muốn tìm kiếm tín ngưỡng đến nhà thờ… nhưng muốn cứu rỗi tâm hồn thì còn gì lớn hơn văn chương?!
Cứu rỗi tâm hồn, chợ không làm được, bệnh viện cũng không, nhà hát cũng không, chỉ có văn chương mới khả dĩ làm chu toàn việc đó. Vậy thì văn chương với sứ mệnh cứu rỗi tâm hồn con người lại không cao quí và sang trọng hàng đầu sao?!
Mấy lời bộc bạch cùng giáo sư. Chúc giáo sư luôn mạnh khỏe, viết nhiều hơn để anh em được đọc và trao đổi lại. Cám ơn nhiều!
NHĐ 09/08/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

(Đọc tập Chân dung văn học của Vương Trí Nhàn)

 Đỗ Ngọc Thạch

Tập sách Cây bút, đời người (*của Vương Trí Nhàn tập hợp 12 bài viết về 12 nhà thơ, nhà văn Việt Nam hiện đại (**) -, là một cuốn sách thuộc thể loại “Chân dung văn học”, một thể loại vào loại khó viết. Khó viết bởi nó liên quan đến việc xác định chân giá trị cũng như đẳng cấp của các nhân vật mà việc xếp hạng các nhà văn, nhà thơ là điều rất tế nhị và phức tạp!

Cũng gần như là chân dung văn học, hai bài Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương” và “Tô Hoài - nhìn từ một khoảng cách gần” được đăng tải trên nhiều trang Web gần đây cũng thuộc phạm vi chú ý của bài viết vì có nhiều điểm liên quan.

*

Vương Trí Nhàn đã viết cuốn Cây bút, đời người dưới sự dẫn dắt của tư tưởng chủ đạo nào? Tôi đã tìm thấy phần nào câu trả lời qua một bài trả lời phỏng vấn của ông trên báo Lao động sau khi cuốn Cây bút, đời người ra mắt :
 “May mắn trong nghề làm phê bình của tôi là luôn được sống và làm việc gần các nhà văn, nhà thơ, đủ để bị thôi thúc bởi ý nghĩ: bên cạnh các bài thơ, cuốn truyện thì các nhà văn còn thường xuyên sáng tác ra một tác phẩm độc đáo khác, đấy chính là tính cách của họ. Người đời đôi khi thành kiến, đám người viết văn chẳng qua chỉ là một bọn dông dài. Trong khi, một số đồng nghiệp của tôi (nhất là các nhà giáo) lại có xu hướng lý tưởng hóa những người viết, xem cây viết nào cũng tâm huyết đầy mình. Phần tôi, tôi nghĩ, ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương cũng có bấy nhiêu kiểu người cầm bút, có thánh thần lẫn ma quỷ. Và trừ một số tài năng sáng chói, thì phần lớn người cầm bút cũng có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý. Rồi điều quan trọng hơn, mỗi con người có một tư cách, một số phận. Không phải chỉ những tài năng lớn mới có một cuộc đời thú vị, những nhà văn tạm gọi là bình thường cũng có cách phấn đấu riêng, những bi kịch riêng. Những cuộc làm người của họ trong văn chương cũng rất đáng ghi chép lại...
Tôi đã chân thực với những điều mình thấy, nhưng không vì thế mà dám nghĩ rằng, tôi chắc chắn đúng và chỉ có mỗi mình đúng. Có một câu của Ehrenburg mà tôi thấy tâm đắc: "Trí nhớ người ta giống như ánh đèn pha của một chiếc xe đang đi trong đêm, khi thì nó cho thấy hình ảnh một gốc cây, khi thì một trạm gác, khi thì lại là một con người".

Tôi đã và có thể vẫn đang còn là người sống hơi đơn độc như một thứ chầu rìa, một thứ mèo hoang giữa làng văn... Để yêu nhau, theo tôi, đôi khi nên đứng tách ra một chút để tưởng tượng và suy ngẫm về nhau”.
Ở một chỗ khác, Vương Trí Nhàn nói: Trong nghề viết văn tôi hay nhìn ra khuyết điểm của văn chương. Trần Đăng Khoa nói phải “tâm địa xấu xa” mới nhận xét được thói hư tật xấu của người khác như thế. Tôi nói về thói hư tật xấu của người khác để giúp người ta tiến lên.
*
Nên bắt đầu từ đâu? Có lẽ bắt đầu từ Tô Hoài (chân dung thứ 11 của tập sách) vì Tô Hoài cũng là một “cao thủ” của  chuyện viết chân dung văn học (cuốn “Cát bụi chân ai” viết về Nguyễn Tuân là chính) và Vương Trí Nhàn đã khen Tô Hoài rằng: “Những nét sinh hoạt của những người cầm bút thời nay đã được nhiều người trình bày lại một cách tự nhiên, trong số này giỏi nhất phải kể Tô Hoài. Ông biết gỡ đi phần hào quang chói lọi mà người ta hay lấy ra để lãng mạn hóa các nhà văn. Ông làm cho cái nghề gọi là sáng tạo này gần gũi với đời thường”( 1). Quả là trong cuốn Cây bút, đời người này, Vương Trí Nhàn đã học hỏi được nhiều ở bậc tiền bối và ông đã viết chân dung văn học theo cái cách  “gỡ đi phần hào quang chói lọi mà người ta hay lấy ra để lãng mạn hóa các nhà văn… làm cho cái nghề gọi là sáng tạo này gần gũi với đời thường”. Trong bài Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương, Vương Trí Nhàn cũng đã viết: “Tôi học theo cách làm của Tô Hoài khi viết về một người thầy như Nhị Ca, một người bạn như Nghiêm Đa Văn”.

Nếu cứ nhìn vào số lượng 150 cuốn sách đã có cùng với “hàng núi công việc” mà Tô Hoài đã làm từ khi hành nghề cho đến nay, ta chỉ có thể ngạc nhiên mà nói đó là một người khổng lồ và không dám đến gần! Nhưng Vương Trí Nhàn đã giúp ta tiếp cận Tô Hoài từ một khoảng cách rất gần, tới mức như là có thể chui vào “lục phủ ngũ tạng” của người khổng lồ Tô Hoài này một cách thoải mái! Bài chân dung Tô Hoài trong cuốn Cây bút, đời người (Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du) dường như chỉ mới là những nét phác thảo nên Vương Trí Nhàn đã công bố tiếp bài viết khá công phu, sau bảy năm: VƯƠNG-TRÍ-NHÀNTÔ HOÀI -nhìn từ một khoảng cách gần.


Nếu như ở Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du  chỉ là những nhận xét còn thận trọng, dè dặt, như:
 “…đây là một người có cách sống cách làm việc phù hợp với nghề, do đó, đời cầm bút thật bền mà cũng thật hiệu quả. Sau hơn 50 năm lao động chữ nghĩa, con người đó vẫn làm việc đều đặn tưởng như có viết vài chục năm nữa cũng không hết việc…Dông dài mà thiết thực, chuyện của Tô Hoài là chuyện của người đang sống đang lo toan vui buồn về cái hàng ngày, như mọi người khác… Tô Hoài có thể mang vào đó đủ thứ chi tiết linh tinh của “thời mở cửa” mà người ta khó nghĩ là một ông già bảy mươi lại có thể còn để ý tới. Sau thời bao cấp, không ít nhà văn lúng túng…Về phần mình, Tô Hoài có vẻ như không chút ngạc nhiên. Đã già từ lúc còn trẻ, nay về già ngòi bút ông lại trẻ lại. Ông vẫn đi họp, làm báo, chủ tọa hội nghị, và lại viết khỏe. Nhiều lần tôi đã tự hỏi, vì sao Tô Hoài lại có được sự trẻ khỏe dẻo dai như vậy? Ở đây, hẳn có những phần thuộc về sự rèn luyện của ông, lâu ngày thành một thói quen không cần cố gắng. Và trước bao thay đổi hàng ngày, con người ông vẫn dễ dàng thích ứng. Ông thường sống đúng như ông có, biết lui biết tới, biết lẩn tránh, nhưng cũng biết đối mặt trước mọi sự tọc mạch”...
Và trong mọi việc lại thấy hiện ra một Tô Hoài lõi đời, sành sỏi, con ruồi bay qua không lọt khỏi mắt! Những chuyến giang hồ vặt không một đồng xu dính túi; cái miên man cuốn hút khi dông dài giữa đám cầm bút nhà nghề, những chuyến viễn du, mãi tận Huế, tận Sài Gòn, Dầu Tiếng, cái tự nhiên không dễ có khi một mình về công tác tại một bản Mèo thấp thoáng giữa triền núi cao... bao nhiêu từng trải, như còn in dấu vào cách sống, cách chuyện trò của Tô Hoài hôm nay, bên cạnh cái nhũn nhặn lảng tránh, con người ấy thật cũng đã nhiều phen phải dàn mặt, phải chịu trận, nói chung là phải đối chọi với đời và nếu như có lúc phải đầu hàng thì đó cũng là bước đường cùng, rồi, nín nhịn chẳng qua để tồn tại, và sau hết, để được viết.
Có một thoáng gì đó, như là một chút hư vô trong con người thực dụng Tô Hoài chăng? Một nhận xét như thế là đầy mâu thuẫn, nhưng biết sao được, con người mỗi chúng ta trong những năm này bị bao sức mạnh xâu xé, kể sao cho xiết! Một chút khinh bạc có từ rất sớm (bản thân Vũ Ngọc Phan vốn rất hiền từ cũng phải nhận ra và lên tiếng cảnh cáo, khi đọc Quê người, O chuột...), cái khinh bạc đó hẳn không bao giờ mất hẳn. Cộng thêm vào đó là bao nhiêu ngọt bùi cay đắng đã đến trong cuộc đời một người viết văn, một người cán bộ, những phút bốc đồng và những lần tỉnh mộng, những lầm lỡ và man trá xen lẫn vào giữa những chân thành ngây thơ, cuộc bể dâu diễn ra ngay trước mặt. Khi đã trải tất cả những sự đó rồi, cái hư vô sẽ như một thứ ánh sáng mờ mờ giúp cho người ta sống nhẹ nhõm hơn và tự do hành động hơn. Lúc này, hư vô đã trở thành một điều kiện bắt buộc để sống, hư vô là một thứ thuốc an thần cho những kẻ ham hành động, nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, để hiểu rằng hành động của mình cũng rất có thể chỉ là vô nghĩa.
Không chỉ một lần, hình ảnh phù du như một ám ảnh trở về trong một số trang văn hồi ký, nó là những trang mang nặng tâm sự Tô Hoài. Những khi có việc đụng chạm đến toàn bộ cuộc đời viết văn của mình, ông phải nhớ tới nó. Là phù du, những năm tháng dong nhan chơi bời viết lách trước cách mạng. Là phù du những chuyến viễn du mãi tận phương trời xa thẳm. Mà cũng là phù du, những khi cố gắng viết nốt những trang cuối cùng của một quyển sách tầm tầm. Tưởng dã qua hẳn rồi, nhưng không phải, làm sao quên được sự phù du khi hàng mớ năm tháng quàng lên vai, càng sống càng thấy nhiều điều ngang trái. Có cần nhìn đi đâu xa, hãy nhìn cuộc đời những đồng nghiệp gọi là thành đạt sống ngay bên cạnh: Nguyễn Tuân được tiếng ngang ngạnh, rồi cũng là một Nguyễn Tuân phải khéo xoay xở để tạo ra cảm giác không bị ai quên, và nhất là một Nguyễn Tuân buông xuôi bất lực, muốn đi mà không đi được, muốn nói khác mà không nói được, khối cái đã tính nát ra định viết lại thôi. Xuân Diệu loay hoay giữa những bài thơ thù tạc và những bài nói chuyện đi theo lối mòn, Xuân Diệu nhuộm tóc cố làm ra trẻ, ham ăn ham uống, lúc chết mỡ quấn vào tim. Một Nam Cao tâm huyết lại mất sớm, coi như đã xong. Nhưng bao kẻ sống sót sau những cơn giông tố, mấy người sống được đúng tầm người của mình, hay lại chui lủi trốn tránh, hoặc lá mặt lá trái, dối dá qua ngày? Sự khinh bạc muốn gạt đi, nó cứ tìm đường quay trở lại. Rồi chính mình cũng đánh mất mình và nhìn đi nhìn lại, chỉ có thời gian là chiến thắng, là không thể đảo ngược. Cái phương châm sống cuối đời rút lại là ở hai điểm:
Một là làm thật nhiều muốn viết gì thì viết, không định bụng thế này thế kia, mà cũng không sợ mang tiếng khi viết.
Hai là không coi mình là quan trọng, chấp nhận hết thảy. Giữ được từng phút cảm động ngạc nhiên nho nhỏ, nhưng không còn gì ngạc nhiên trên những cái lớn
Thực hiện điểm thứ nhất thật không gì dễ hơn, nhất là khi người ta đã có trên 150 đầu sách như Tô Hoài.
Còn điểm thứ hai? Bảo là biết điều, là khiêm tốn có lẽ không phải. Ai đâu còn trẻ con thế! Sống cho nhẹ nhõm là cách tốt nhất để bảo toàn mình. Lại nhớ những câu Kiều mà thuở mới lớn, đã cùng với nhiều bạn thợ cửi, ngâm đi ngâm lại không biết chán: Nàng rằng thực dạy quá lời / Thân này còn dám coi ai làm thường!
Loanh quanh một hồi hóa ra chưa thoát khỏi chỗ xuất phát ban đầu? Nhưng với Tô Hoài lúc này, mọi sự khen chê không còn ý nghĩa. Trong cái thế kỷ đa đoan chúng ta đang sống, dẫu sao ông cũng đã luôn luôn dập dềnh trên mặt sóng. Tháng bảy và tám 1997, ông đến Đà Lạt ngồi viết xong một tập hồi ức, có tên là Chiều chiều. Chắc chẳng ai không hiểu đấy là chủ tâm “chiều chiều cuộc đời”, nhưng ông vẫn không quên ghi thêm hai câu ca dao cổ: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai” cho tơ liễu và lửng lơ đôi chút. Âu lại cũng vẫn những cái tạng Tô Hoài”....  

- thì đến Tô Hoài - nhìn từ một khoảng cách gần, những nhận xét của Vương Trí Nhàn đã mạnh dạn, sắc sảo hơn rất nhiều (những đoạn ghi chép kiểu như Nhật ký giống như những thước phim tài liệu chân thưc, sinh động):
 “…Văn Tô Hoài không  gợi cảm giác sang trọng mà thường  ăn ở cái vẻ miên man không cùng; sinh động tự tin, nhưng lại vẫn có chút hậm hụi, hèn hèn tội tội như thế nào đó. Một câu trong Xóm giếng ngày xưa “Tôi vẫn quen với những nhem nhọ “.
Về  kỹ thuật viết
Tô Hoài mạnh nhất khi tả phong cảnh, tả những ấn tượng của người viết. Từ đoạn này sang đoạn khác, nhiều khi chuyển rất đột ngột, không đếm xỉa gì đến người đọc. Nhưng vì cái duyên, người ta bị hút ngay vào những đoạn rẽ ngang rẽ dọc đó.
Tôi nghĩ rằng Tô Hoài không biết rõ nhân vật và ông không để ý đến nhân vật bằng phong cảnh.
Các loại nhân vật
Chỉ có một lần, Tô Hoài tả nhân vật có  chí khí và có tầm nhìn xa - Dế  mèn.
Chỉ có một lần, Tô Hoài tả loại người quật khởi - đó là A Phủ.
Còn ngoài ra các nhân vật của ông đều là là sát mặt đất; pha tạp, không thuần nhất; mặt mày nhòe nhoẹt; tồn tại theo kiểu khật khà khật khưỡng. Người ta hơi khó nghĩ khi xếp họ vào những loại người cụ thể. Nhiều người là loại tầm thường.
Sự tồn tại giữa đời
Mỗi lần nghĩ đến Tô Hoài, tôi vẫn lạ vì sao có một người khinh người rẻ của như vậy,  lạnh lùng như vậy,  mà vẫn sống giữa người đời rất nhẹ nhàng, và đi đâu cũng lọt. Hay là sự chân thành của Tô Hoài và người đời cũng rất thật mà tôi chưa nhận ra
…Bề ngoài có tính chất dân gian, song thực ra đó cũng là một quan niệm hiện đại về thế giới này, ở đó con người vừa có mặt, vừa vắng bóng; mọi hoạt động vừa là làm, vừa là chơi; tác phẩm vừa là tinh túy, vừa là độn; con người vừa là cán bộ, vừa là dân thường. Dễ từ bỏ nhau, dửng dưng với nhau, như đã dễ gần gũi với nhau.
…Trong bài viết về Nguyễn Bính, Tô Hoài bảo trong đời sống văn học trước 1945, người lẫn với ma, đó là cái thời nửa người nửa ma. Theo nghĩa này có thể bảo chính ông như một con ma, trong ông có một con người nghĩ ngược với những điều đang viết. Lúc nào ông cũng có nhu cầu tố giác mọi người, lật tẩy mọi người - kể cả lật tẩy chính mình. Lúc nào ông cũng đắm đuối trong một vài ý nghĩ tinh quái nào đó.
Trong con mắt những đồng nghiệp
Tô Hoài cũng có cái nhân bản của mình, chỉ  có điều cái nhân bản đó, không có được cái tầm như ở những ngòi bút kiệt xuất.

Con người làm bằng chất dẻo
Nói chung, theo Ý Nhi, Tô Hoài tỉnh bơ như không, khi nghe người khác chỉnh mình, cười mình, vạch cái xấu của mình.Tôi nghĩ, ông  như có cái khóa tốt, khóa tạch lại một cái, thế là mọi ý kiến về ông ở ngoài.
Theo nghĩa rộng, Tô Hoài rất khớp với xã hội Việt Nam hôm nay. Đọc lại Tự truyện, thấy tưng tức. Người tài quá, mà lại cũng khinh người rẻ của, ma giáo quá.
Một kiểu làm ăn tùy tiện
Thỉnh thoảng liếc qua báo Người Hà Nội, tự nhiên thấy nhếch nhác quá. Mà do Tô Hoài làm đấy.Từ người phụ trách báo đã khinh thường tờ báo của mình biết bao.
Một lúc nào đó tôi buột miệng nói: nếu tất cả chúng ta đều là cặn bã, thì loại như Tô Hoài vừa là cặn bã của xã hội cũ, vừa là cặn bã của xã hội mới.
Đọc lại bài viết Núi Cứu quốc (Nguyễn Đình Thi), thấy có câu  “Tô Hoài thú Việt Bắc nhưng không yêu Việt Bắc.”
Có lẽ với cả cuộc đời này cũng vậy, Tô  Hoài đâu có yêu. Một mặt, đó là người chả có nguyên tắc sống gì (dân ngoại ô không có nghề chuyên, chỉ đi làm thuê, việc gì cũng có thể làm; người ta chỉ thuê một lần, sau này cũng chả nhớ mặt nhau nữa). Mặt khác, đó lại là một cán bộ biết vươn lên trong xã hội, cũng thích công danh lắm.
Phan Thị Thanh Nhàn bảo: Bây giờ Tô Hoài vẫn bảo là không phải làm báo cho bạn đọc, mà là làm báo cho tuyên huấn họ đọc.
Tầm vóc văn chương
Đọc những nhà văn lớn ở nước ngoài, thấy rõ người  ta định lớn - người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa! Các nhà văn VN ở trình độ khác. Từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân tới Xuân Diệu Tô Hoài, luôn luôn ở người ta chỉ có cái ao ước là tìm ra một chỗ đứng trong đời sống, len lỏi để có thể bám trụ được, và từ đó nhìn ra với nụ cười hể hả: ta không chết.
Và nỗi lo lớn nhất là cạnh tranh với các đồng nghiệp ghi điểm trước đồng nghiệp.
Niềm tự tin
Trong Tô Hoài có chất của dân buôn bán Bắc bộ, nghèo nàn, chắc lép; lại có chất của dân công chức thuộc địa, cốt làm xong việc lấy lương, còn đâu kệ thằng Tây; có triết lý của người người hư vô, thây kệ đời bởi hiểu mọi cố gắng chỉ vô ích, vậy thì cứ sống cho thoải mái, đến đâu hay đến đấy. Tô Hoài là một hãng hàng thật hàng giả đều làm được, cũng biết người biết của, mà nhìn chung đối với sự đời chả coi cái gì ra gì hết.
Những năm chín mươi
Sức sống của nhà văn này cho tôi hiểu thế nào là sự phong phú của con người, nhất là loại người từng trải. Có thể nói ở  mỗi con người loại này có những con người khác nhau. Trước công việc, một con người khác - đôi khi là Chúa - chi phối anh ta. Trong khi đó, thì ngoài đời, anh ta vẫn tiếp tục phiêu lưu, lang thang, hưởng thụ, hư hỏng.
Phan Thị Thanh Nhàn kể : Ông Tô Hoài làm ở cơ quan báo, lại Hội nữa, ăn hai lương như Bằng Việt, mà chả bao giờ đến cơ quan cả.

…Cơ quan có cô N. làm văn phòng. Ông Tô Hoài dùng nó, nể nó. Đùng một cái, nó xin vào Hội. Anh em thấy chuế, ông Tô Hoài cũng thấy chuế. Cho nó vào thì ra làm sao nữa.
Có  người như Bằng Việt nói thẳng, thôi N. ơi chờ  chút đã, để bọn này viết cho N. mấy cái truyện hoặc mấy bài thơ rồi ký tên N. đã, N. hãy vào. Nhưng N. nó không chịu.
Đến ngày Ban chấp hành bỏ phiếu thì ông Tô Hoài vắng một cách cố ý.
Ấy, ông cứ sợ một đứa khùng dại như vậy để rồi có lúc ông coi thường cả một đại hội.
Người khác tham lộ mặt. Ông ấy thì lẩn khuất kín đáo. Khi có hai bên tranh nhau thì ông ấy nhường ngay. Chỉ khi nào, ở chỗ nào không ai để ý, ông ấy mới bổ nhào, và người ta phải chịu.
Cái mà tuổi tác mới dạy cho ông ấy chăng ? Không, từ trẻ ông đã thế.
Là cái mà văn hóa Việt Nam nó thấm vào ông nữa.
Con người trong Tô Hoài
Đọc lại Dế mèn. Đúng là có một tính cách, sự khao khát, ý tưởng hành động. Nhu cầu muốn làm việc lương thiện. Sự sòng phẳng, chấp nhận những lầm lỡ của con người mình.
Tính cách kiểu Dế mèn là tính cách thông thường của con người lập nghiệp, tuy không có cái sắc cạnh, cái quá đáng, cái gần như không thể bộc lộ được. Lại cũng đã bắt đầu thích chức vụ xã hội.
Nhưng ngoài Dế mèn, thì các nhân vật khác đều lặt vặt không có con người nào như Dế mèn. Trong truyện Tô Hoài trước cách mạng, loại con người hiện ra vớ va vớ vẩn đông hơn nhiều.
Trong một phiếm luận, tôi đã từng chứng minh những variant khác nhau mở ra trước nhân vật Tô Hoài trong việc mưu cầu hạnh phúc. Có vẻ như Tô Hoài muốn đưa ra cả loạt, một cụm mà lại không có một  phương án nào là rõ rệt.
Tô  Hoài không thật yêu một con người nào, một kiểu tính cách nào. Các loại nhân vật chỉ để vẽ phác, và đều nham nhở. Nhân vật không có những khao khát lớn. Nhân vật không có cái đắm đuối như các nhân vật của Nguyên Hồng. Bước đi loạng choạng, ý định thú tội - nhớ có một nhân vật Nguyên Hồng được tả như vậy. Gắn liền với ý thức về tội lỗi, khao khát chuộc tội. Sự thông cảm kỳ diệu với thiên nhiên, thấy ở đó một biểu hiện của Chúa, những cái ấy có ở những trang đặc sắc nhất của Nguyên Hồng.
Cuộc đời trong Tô Hoài thì lẩn mẩn rất nhiều chi tiết mà người bình thường quen thuộc nhưng lại hay bỏ qua. Đọc Tô Hoài người ta có thích thú nhưng không sửng sốt. Nhân vật trong Tô Hoài thiếu hẳn bản sắc riêng, cái thật nổi trội kỳ lạ. Có vẻ như họ sát ngay mặt đất, họ dễ lẫn đi giữa những người khác.
…Lạ  thật, một mặt thì Tô Hoài rất tiêu biểu cho lối làm việc của nghệ sĩ Việt Nam, loanh quanh tả cái cây cái lá với những chuyện vặt vãnh. Mặt khác, ông lại là người có lối làm việc của nhà văn hiện đại. Ông sớm viết hồi ký, viết ngay từ hồi 22-23 tuổi - tập Cỏ dại. Hình như ông hoàn toàn hiểu rằng nhà văn còn biết viết về những gì khác ngoài chính mình nữa !
Bên cạnh cái phần đôn hậu, sự ma mãnh là một thứ bản chất thứ hai Tô Hoài, nó giúp cho ông tồn tại nhưng cũng kéo thấp ông xuống.
- ma mãnh nghĩa là sẵn sàng làm bậy, nói dối, viết ẩu, len lỏi để sống.
- ma mãnh nghĩa là cứ tự nhiên mà thành, mưu mô lặt vặt xoay xở tầm thường cũng là tự nhiên, và không đủ sức vươn lên thành trí thức, vươn lên trong kiến thức, sách vở, phiêu lưu vào những khu vực thiêng liêng của đời sống tinh thần.
Về quyển hồi ký Cát bụi chân ai
Từ  hồi gặp nhau ở Moskva, Tô Hoài đã nói với tôi về ông Tuân, phải viết về ông ấy, viết chứ, nhưng không phải là kính viết mà viết một cách như là vẫn sống với ông ấy vậy.
Cả quyển viết về Nguyễn Tuân. Mở đầu bằng câu tôi kém Nguyễn Tuân 10 tuổi. Và đến cuối là đoạn có người đến báo Nguyễn Tuân chết. Theo cách trình bày của Tô Hoài, thấy ông không định viết Nguyễn Tuân cho sang mà kéo Nguyễn Tuân gần với mình, để rồi, cũng vẫn không quên cái điều căn bản, thực ra Nguyễn Tuân là Nguyễn Tuân mà mình vẫn là mình. Cái hiện tượng Nguyễn Tuân với Tô Hoài không gì khác, là chính văn học, là chính đời sống, chúng ta không lựa chọn cuộc đời này, ta sống với nó, vừa hăng hái thiết tha, vừa uể oải chán chường. Chưa bao giờ, chưa ở chỗ nào, tôi thấy Nguyễn Tuân như ở đây, nghe giọng toàn là thứ thiệt cả. Mặc dù luôn luôn nghi ngờ Tô Hoài, cho Tô Hoài là khôn, ranh, giấu mặt, song Nguyễn Tuân vẫn không bỏ được Tô Hoài, vẫn thấy đấy là một phần của cuộc đời mình. Theo cách nhìn của Tô Hoài, ở con người khinh bạc ấy, vẫn có biết bao tha thiết.
Đoạn cuối, tả Nguyễn Tuân già yếu, bất lực, tiếc đời, lụn bại, đúng với tình thế một người hết thời, nhưng cũng cho thấy một cuộc đời qua đi, chớp mắt một cái, thế là đã xong hết cả. Nhưng mấy hôm nay, người trong giới bảo nhau (tôi nghe Nguyên Ngọc bảo) là sách không in được đâu, trên chưa định thanh toán cái hóa đơn này đâu.
Tô Hoài: Nhưng ở tuổi tôi, tôi phải viết thế chứ còn gì nữa!”.

Ta có thể tạm dừng nói về việc viết chân dung Tô Hoài của Vương Trí Nhàn bằng một nhận xét bao quát về chân dung Tô Hoài qua việc Tô Hoài viết chân dung Nguyễn Tuân bằng cuốn Cát bụi chân ai:
Nhưng dẫu sao, Cát bụi chân ai vẫn là một cuốn hồi ký. Dù bóng dáng của Nguyễn Tuân có trùm lên cả quyển sách, thì cạnh đấy, vẫn hiện lên mồn một cái bóng dáng chính của người viết, một Tô Hoài lịch lãm, ý nhị, bắt vở hết các bậc đàn anh, biết thóp đủ mọi chuyện, khinh bạc, đáo để, song cũng lại biết thiết tha với từng chi tiết trong cuộc sống hàng ngày, lại càng tha thiết trước một chén rượu quý, mấy câu tâm sự bâng quơ, những lá thư cảm động.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đức nổ:


NHÃ THUYÊN – QUẦN THOA PHẢI LÀM TIỀN PHONG THAY CHO ĐÁM MÀY RÂU RÚC RÍCH THƠ

                                                                            Nguyễn Hoàng Đức

Không có kẻ tiền phong không thể có miền đất mới. Khi có miền đất mới như châu Mỹ chẳng hạn, mọi giá trị của châu Âu mới được xới tung gieo hạt làm tinh khôi và tươi tắn tràn trề trong sinh khí mới. Vừa qua, nước ao tù buồn ngủ của văn học mậu dịch Việt Nam vẫn cũ như tem phiếu khi để ruồi đậu mép xếp hàng mua vài cân cá ôi, thịt thối đã sôi sùng sục và dư chấn ào ào như đám chợ búa vỉa hè. Vỉa hè ở đây không mang nghĩa dè bỉu mà là một hiện thực sống động nhảy nhót bươn chải tươi tắn của cuộc mưu sinh hơn hẳn cái thứ văn học cán bộ văn phòng lờ đờ xếp ghế và khoe con dấu. Cơn dư chấn đó dậy sóng phía sau của một chiếc xuồng vẫn còn phấp phới  váy quần thoa, có cái tên đệm chữ “Thị”, mà là hai chữ “Thị” cơ chứ. Mở đầu là Đỗ Thị Thoan với luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”.  Và một “yếm thắm” khác hướng dẫn cho cô là PGS Nguyễn Thị Bình. Hai má đào này ngay lập tức đã biến thành bản mẫu minh chứng cho phương ngôn “Kẻ đi tiên phong bao giờ cũng bị hy sinh”.
Lịch sử Việt Nam đã từng có những nữ nhi siêu quần bạt chúng như Bà Trưng, Bà Triệu. Hai bà làm vẻ vang cho các nữ nhi yếu đuối. Nhưng xét toàn thể, khi hai bà vẻ vang bao nhiêu thì đám đàn ông lại hèn mạt chui gấu váy bấy nhiêu. Tại sao ở Hy Lạp hay la Mã cổ đại không có những người như thế? Tại sao nàng Penelope lại nổi danh là một phụ nữ khôn ngoan, kiên nhẫn và chung thủy? Bởi nàng nổi lên như một bản mẫu theo giới tính của nàng. Còn đám đàn ông Hy Lạp biết làm bổn phận nam nhi của mình thì đâu còn chỗ cho đàn bà chân yếu tay mềm phải xung trận. Còn Việt nam ở thời Hai Bà Trưng, đàn ông đã hèn nhát không làm bổn phận của mình, thì đàn bà mới phải gánh vác việc chinh chiến của đàn ông.
Anh hùng trong  chiến trận luôn luôn nhiều gấp hàng nghìn lần anh hùng văn hóa. Chỉ một lẽ nhỏ này là thấy: trong triều đình luôn đông rúc ríc những kẻ khom lưng uốn gối nịnh bợ kiếm chút bổng lộc của vua chúa, thì chỉ có một hoặc hai vị trung thần dám nói điều ngay thẳng. Và sự ngay thẳng của họ luôn mấp mé sự trả giá bằng sinh mạng. Mới đây cũng đã nổi lên hai nữ nhi làm anh hùng văn hóa giữa hằng hà sa số đám đàn ông đang hì hục hám danh bên mấy vần thơ nhẹ thõm. Đó là Y Ban đã từ chối giải thưởng “cây nhà lá hội” của những cán bộ hàng xóm viết văn vẫn còn mang giấc mơ tem phiếu kiểu “những giấc mơ hình cái thớt”. Và Kim Chi nữ nghệ sĩ ưu tú đã từ chối cả giải thưởng của Thủ tướng. Nếu như ngày xưa, chắc chị phải chịu án chu di tam họ vì tội dám phạm thượng.
Trong cơn dư chấn của Nhã Thuyên tức Đỗ Thị Thoan, có hai cái tên đàn ông rất xứng đáng vì đã làm được việc thích đáng chứ không phải vì tên tuổi của họ. Trước hết là GS Trần Đình Sử đã có bài viết khá kỳ công về đề tài này, hơn thế ông còn đưa ra cả phương ngôn – giống như thương hiệu vậy, đó là “Phê bình kiểm dịch”. Nguyên cụm từ này  đã phản ánh nền văn học chui lỗ kim bấy lâu nay luôn phải chui qua sự kiểm duyệt chặt chẽ thô sơ như kiểm dịch súc vật vậy. Một sự kiểm dịch chui lỗ kim như vậy làm sao còn đôi cánh kiêu hùng của đại bàng, còn vây duyên dáng của cá, mà chỉ còn con hình thuôn như giun để chui lọt mà thôi.
Thứ hai là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người cũng có công đưa ra phương ngôn “Phê bình chỉ điểm”. Xưa nay người ta chỉ dùng từ chỉ điểm cho kẻ thù, chứ mấy ai dùng từ đó cho quân ta. Phía ta thì chỉ gọi là tai mắt quần chúng báo cáo thôi. Và trong trường hợp của Nguyễn Văn Lưu thì người ta sẽ gọi là tai mắt cán bộ tham mưu cho cấp trên.
Xét về luận văn của Nhã Thuyên. Với cái tên “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” là một cái tê rất khoa học và chính xác, không những với đề tài mà còn trong bối cảnh chung của thời đại. Rõ ràng, nhóm Mở Miệng đã xác định vị trí nghệ thuật của họ như những người bên lề, họ còn ra nhà xuất bản “Giấy Vụn”. Giấy vụn là cái thứ người ta đã xé nhỏ để ném vào sọt rác. Vậy thì người thành lập nhà xuất bản đó đã phải tủi phận thế nào để thành lập nó?! Nếu người ta được quyền tự do thành lập đàng hoàng để cạnh tranh kẻ hơn người kém, hoặc được cơ chế Xin – cho đồ sộ ưu tiên bao cấp thì cần gì phải hèn kém đến độ ra nhà sách Giấy vụn? Ngay đến cả Mở Miệng cũng thế, nếu sáng tác của mình được thể hiện ra như các cán bộ mậu dịch thì làm sao phải lo chỗ loay hoay mở miệng. Và với đề tài “Thực hành thơ”, Nhã Thuyên muốn nói: nhóm này không phải sáng tác thơ, mà họ Thực hành một cuộc mở miệng, giống như được chui lọt cửa để bước vào rạp hát của sáng tạo. Vào được rồi, thì mới nói đến sáng tạo cái gì. Như vậy tính thông điệp, tính chủ đề của luận văn này hết sức mạch lạc, rõ ràng và khoa học, chứ không ú ớ, tù mù, ăn gian, đi đêm, tháu cáy như một số luận văn đi chép khác. Và lớn hơn thế nhiều, luận văn đã tiền phong vào một vùng đất dữ mà chưa ai dám mở miệng phát hiện, đặc biệt các cán bộ ăn cây mậu dịch đòi rào tem phiếu.
Nhưng kìa một đấu sĩ Nguyễn Văn Lưu đã nhảy ra đem cả chợ tem phiếu vào mà không nấu nổi một bữa ăn ra tấm món mùi vị. Ông đăng đàn cả bốn số báo Văn nghệ TP. HCM đòi nốc ao một nữ nhi bé nhỏ. Ông quả là đấu sĩ mượn cái oai của tem phiếu mà không có tim làm hiệp sĩ  mã hiệp và cao thượng. Trong đấu võ, người ta chỉ đấu cùng hạng loại, không bao giờ hạng nặng đi đấu với hạng lông, không bao giờ đàn ông đi đấu với đàn bà, đặc biệt tuổi cha chú lại đấu với yếm đào đang tuổi yêu. Đấu thế là phạm qui và thiếu hào hiệp. Mới đây, khi Giáo Hoàng Francis sang Brazil, ông có trả lời thẳng về vấn đề trọng đại “có phong chức linh mục cho phụ nữ không?” Ông nói còn trên cả từ chối, rằng: Việc này từ hồi Giáo Hoàng John Paul II đã chính thức khép lại rồi.
Việc từ chối phụ nữ làm công việc cô đơn nặng nhọc, cũng có nghĩa là ưu tiên phụ nữ. Vậy mà nhìn thấy Nhã Thuyên viết luận văn, ông NVL lại cậy thế ỷ dốc của hệ mậu dịch, xông vào chém tới tấp bừa bãi. Nhưng hiệp sĩ nhà nghề đích thực chỉ cần ra một đòn, đằng này ông đem cả quầy mậu dịch toàn “hàng mẫu không bán” ra thi thố, thì lại lộ tẩy rằng: đố kỵ với một yếm đào không xong???
Theo các triết gia Hy lạp, con người và xã hội quan trọng hàng đầu việc “Tiết độ” và “Khoan dung”. Con người nếu không tiết độ sẽ ăn uống sinh hoạt bừa phứa, bừa phứa như hội nghị lý luận Tam Đảo về nôn cả bia và đồ nhắm lên người nhau. Nếu không biết tiết độ, con người sẽ vong thân, không có nhân cách và đạo đức nữa. Nhà nước với toàn bộ quyền lực trong tay, xét theo thực tiễn và lý thuyết có thể tru di cá nhân bất cứ lúc nào. Nhưng nếu nhà nước không biết tiết độ quyền lực của mình thì chẳng khác gì cá nhân bạ chỗ nào ăn chỗ đó, bạ chỗ nào thải chỗ đó. Nhà nước thực hiện tiết độ, có cân nhắc trong quyền lực của mình, đó chính là cách khoan dung của nhà nước.
Luận văn là thứ “án tại hồ sơ”, đúng sai thế nào còn nằm đó và còn được tranh luận để thu hái nhận thức, đó cũng là quyền tự do tư tưởng và trình bày của cá nhân. Nhà nước hay ai đó thấy chưa đúng thì tranh luận lại, tại sao lại phải đuổi việc người ta? Làm vậy có phải thiếu tiết độ và bao dung không?
Thêm nữa mấy người khác tham gia tranh luận lại tìm cách nhục mạ nhau, rủa xả ngu hay dốt. “Nói phải củ cải cũng nghe” và “quân tử đấu lý, tiểu nhân đấu chân tay”, mình có lý lo gì không thắng, dở trò cơ bắp “cường từ đoạt lý” làm gì?
Tôi đề nghị, nhà nước nên trả lại cho PGS Nguyễn Thị Bình và Nhã Thuyên việc làm, như thế nhà nước mới tỏ rõ khả năng tiết độ và khoan dung của mình. Các loại phê bình tem phiếu cũng chỉ có tầm vóc ở mức tem phiếu, ta chớ nên nghe họ đánh trận giả vè vè quanh nồi cơm gạo mậu mà xử lý vấn đề, như vậy chẳng cố chấp lắm ru! Cố chấp như ông già không chịu về hưu lại vác đao tả xung hữu đột chém cháu gái mới qua tuổi vị thành niên thì còn gì để bàn về trí tuệ hay lòng cao thượng nữa đây?!
 .
NHĐ 08/08/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghề văn không sang trọng

( Bác nói nói gở, có ai bảo thế đâu? ):>
Trần Đình Sử

Cách đây không lâu có người cao hứng tung ra một ý kiến ngộ nhận: “Nghề văn là nghề sang trọng.” Bao nhiêu người nói theo. Thế rồi ảo tưởng, hiếu danh, thế rồi số người viết văn, làm thơ tăng vọt, thế rồi số hội viên hội nhà văn ngày một tăng. Người sắp hàng chờ vào hội cũng rất đông.

Tôi không có ý phản đối ai làm nghề văn, tôi cũng không nghĩ rằng mọi người vào hội đều háo danh. Tôi chỉ muốn nói nghề văn không phải là nghề sang trọng, nhất là vào thời hiện đại.

Ngộ nhận đó có thể bắt đầu từ một thời văn chương là thú vui nhàn hạ của tầng lớp quan lại, áo mũ xênh xang, là nghề làm đẹp các sinh hoạt của giai tầng quý tộc, được tài trợ hậu hĩnh, là nghề may ra có thể có tác phẩm để đời (để khoe khoang cùng người sang trong họ, ngoài làng, thỏa mãn tâm lí hiếu danh). Người ấy có thể không biết, từ ngày xưa, văn chương của kẻ đã ở vào lầu son gác tía thường không hay bằng văn chương của kẻ ở lều tranh, đồng vắng.

Bước vào thời xã hội tư sản, kinh tế thị trường phát triển, Walter Benjamin trong sách Nhà thơ trữ tình trong thời đại tư bản phát triển (1973), chuyên nghiên cứu thơ Baudelaire, phát hiện ra bài thơ Rượu của những người nhặt rác (nhà thơ Vũ Đình  Liên dịch là “người nhặt giẻ”) có những câu sau: 
Một ông lão nhặt rác bước qua, ngật ngưỡng cái đầu,
Chân vấp hè, trán húc tường như một chàng thi sĩ, 
Chẳng thèm nhìn cả bầy cớm như đầy tớ theo sau,
Dốc cả tâm hồn vào những mưu đồ hùng vĩ.

Thét to những lời thề, ban bố những luật thiêng,  
Quật ngã kẻ bạo tàn, nâng dậy gười oan ức,
Dưới cái tán mênh mông của bầu trời đêm,
Lặng lẽ say sưa của mình những hào quang đạo đức.

Phải những con người hàng ngày cuộc sống giày vò,
Sớm tối mệt nhừ, trĩu vai tuổi tác,
Đầu ngập, lưng còng dưới cái đống rác khổng lồ,
Mà Paris mênh mông, ngày đêm khạc mửa.[1]  
Khác với các nhà văn lãng mạn ở Việt Nam, mỗi khi nói đến Baudelaire thì chỉ nhớ đến nguyên tắc tương giao giác quan,  Benjamen[2] đã qua nhà thơ Pháp mà vẽ ra thân phận nhà văn trong xã hội tư sản. Ông ví nhà văn nhà thơ như người nhặt rác, bất cứ cái gì mà xã hội tư sản thải ra, vửt bỏ, khinh bỉ, xéo nát dưới chân họ đều nhặt nhạnh, thu gom. Họ như người làm nghề đồng nát, từ trong rác thải nhặt nhạnh lưu giữ những gì còn có giá trị và tái chế. Nhà thơ còn tìm ra các căn bệnh xã hội, tìm cách cứu chữa. Xã hội công nghiệp, thị trường đã làm đổi thay bậc thang giá trị, biết bao cái có giá trị đã bị vứt ra đường như là rác rưởi. Họ giống đám du thủ du thực, đi lang thang qua đầu đường xó chợ như người Bohemiên, bao gồm cả đĩ điếm, sống như những người vô gia cư, vô sản, nhưng trong cuộc lang thang họ biết tự ý thức và phát hiện ra cái mà xã hội bỏ qua.  Họ đồng tình với những ai làm lung lay nền tảng của xã hội tư sản. Ví von của Benjamin còn cho thấy, Họ ít nhiều đều sống cuộc đời bữa no bữa đói, đứng ở địa vị thấp kém mà phản kháng xã hội. Đã làm nghề nhặt rác thì chẳng có gì sang trọng, nhưng không thiếu sự dũng cảm và kiêu hãnh cũng như thách thức. Là người nhặt rác, Baudelaire đã sáng tạo ra Hoa ác, các nhà văn hiện đại tạo ra văn học phi lí, những thứ mới đầu nhiều người cứ tưởng là rác.

Ở Việt Nam, khi chuyển vào kinh tế thị trường đầu thế kỉ XX, cậu ấm Hiếu tài hoa, một “anh hồn” làm chủ soái văn đàn, sinh thời suốt ngày chỉ lo văn ế. Xuân Diệu thấy cơm áo không đùa với khách thơ. Các nhà văn chỉ là kiếp viết mướn nghèo nàn, tội nghiệp. Vũ Trọng Phụng đã nhặt được bao nhiêu rác qua Số đỏ, Vỡ đê, Giông tốvà các phóng sự bất hủ của ông. Nhưng họ chính là những người đầu tiên dựng xây nền văn học hiện đại đích thực của một dân tộc bằng chữ quốc ngữ, cái văn học phần lớn đã từng bị vứt vào sọt rác mấy chục năm trời.

Bước vào thời đại cách mạng, nhà văn trở thành chiến sĩ, tay cầm kiếm, cầm dao, thơ văn là tạc đạn, bom mìn, lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, tự nguyện làm lỗ tai, con mắt của giai cấp, làm người lính gác ngăn chặn diễn biến hòa bình. Như thế thì thân phận công cụ cũng chẳng lấy gì làm sang trọng. Tuy đã làm chiến sĩ, nhưng thân phận trí thức, nghệ sĩ lại luôn luôn ở vào địa vị bị cảnh giác như những kẻ có thể gây rắc rối cho trật tự xã hội và tư tưởng thì từ trong bản chất lại càng chẳng có gì sang trọng cả. Những năm chiến tranh, nhà thơ Xuân Diệu đã hàng trăm lần đi nói chuyện thơ cho các tầng lớp cán bộ công nhân viên nghe. Đi đâu ông cũng yêu cầu bố trí phông màn cho sáng đẹp và dặn dò quan tâm bữa ăn cho có đủ calo. Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến khi còn dạy học ở Đại học sư phạm Vinh, có lần cùng chúng tôi đến thăm nhà một học trò, được gia chủ làm gà tiếp đãi. Khi mâm được dọn ra, ông dơ hai tay làm điệu bộ ôm trọn cả mâm và nói đùa: Các cậu có dám thách đố một mình tớ ăn hết cả mâm này không? Mọi người đều cười vui, không ai chấp nhận thách đố cả. Tất nhiên nhà văn cách mạng không làm cái việc nhặt rác. Họ bị cấm nhặt rác, như trường hợp Nguyễn Công Hoan trong Đống rác cũ và nhiều người khác. Họ có trọng trách nhặt các tấm gương, những nhân tố tiên tiến trong xã hội để làm ra những hình tượng sáng ngời, có tác dụng giáo dục nhân dân quần chúng tiến lên chủ nghĩa xã hội, mặc dù thân phận họ vẫn thấp kém. Xin được nói thêm, văn chương  ở đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, ngoài những tấm gương người tử tế, không thể quên số phận của những con người giữ nước .

Nhà văn hôm nay, khi xã hội đã chuyển sang kinh tế thị trường, phấn đấu để được các nước phương Tây công nhận cho Việt Nam là kinh tế thị trường, hệ giá trị đã hoàn toàn thay đổi, thì nhiệm vụ văn chương cũng có thay đổi. Rác rưởi tràn ngập khắp nơi, từ trung ương đến địa phương, từ nông thôn đến thành thị, từ kinh tế đến văn hóa, từ trường học đến chùa chiền, từ trong nước ra ngoài nước, đâu có người Việt Nam thì ở đấy có rác. Thời cơ mới của nhà văn Việt Nam đã đến. Nhà văn vẫn là người nhặt rác. Walter Bejamin đâu có ngờ cái ví von của ông đã khắc họa rõ nét chính xác chân dung nhà văn của thời đại mới. Ông đâu có ngờ ở cái đất nước xa xôi mà có thể sinh thời ông không hề biết, kiếp nhà văn ở đâu cũng thế thôi. Họ nhặt rác để kiếm ăn, dể bảo lưu giá trị văn hóa, dựng xây xã hội, phản kháng bất công từ một địa vị thấp.

Nghề văn có gì sang trọng đâu. Nếu có được tâm hồn trong sáng, có tài năng thật sự, sáng tác được ít nhiều tác phẩm có giá trị, không cơ hội, vụ lợi, họ có thể được coi là nhà văn cao quý. Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng.

Hà Nội, 3 – 8 – 2013



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quê Choa: Phong cảnh tinh thần thời hậu toàn trị (1)

Quê Choa: Phong cảnh tinh thần thời hậu toàn trị (1): Lưu Hiểu Ba Phạm Thị Hoài dịch   Lưu Hiểu Ba Đặc điểm quan trọng nhất của thời hậu toàn trị là: một mặt, trong sự khủng hoảng tí... Phần nhận xét hiển thị trên trang