Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Tổ quốc trên hết


Cựu Tổng thống Ba Lan Wojciech Jaruzelski: Tổ quốc trên hết


Cựu Tổng thống Ba Lan, Đại tướng Wojciech Jaruzelski là nhà lãnh đạo cuối cùng còn sống sót thuộc thế hệ những người từng đứng đầu các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trước kia. Lễ sinh nhật lần thứ 90 của ông đã trôi qua ngày 6/7 vừa qua. Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, ông đã phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn và phức tạp. 

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa bị xóa bỏ ở Ba Lan, đã không chỉ một lần các đối thủ chính trị mưu toan đưa ông vào nhà giam với đủ các lý do. Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, ngay cả kẻ thù quyết liệt nhất của ông, cựu Tổng thống Lech Walesa cũng đã buộc phải công nhận rằng, chính ông Jaruzelski đã là người lập nên nhiều công trạng trước nhân dân và Tổ quốc Ba Lan.

Đại tướng Wojciech Witold Jaruzelski sinh năm 1923 tại thị trấn Curuvija, gần thành phố Lublin, phía đông nam nước Ba Lan hiện đại. Ông xuất thân từ một gia đình điền chủ quý tộc. Cha ông từng là sĩ quan. Cho tới trước năm 1939, vị Tổng thống tương lai đã có một cuộc sống khá sung túc. Thế nhưng, Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bùng nổ ngày 1/9/1939, khi quân đội Đức tấn công vào lãnh thổ Ba Lan. Gia đình Jaruzelski đã buộc phải tha hương sang lánh nạn ở Lithuania, nước cộng hòa ven biển Baltik mà chỉ một năm sau đó đã trở thành một thành viên của Liên bang Xôviết.
Giai đoạn đầu sống trên lãnh thổ Liên Xô đã không dễ dàng đối với những thành viên của gia đình mang họ Jaruzelski. Cha mẹ của vị Tổng thống tương lai đã qua đời trong những điều kiện làm việc thời chiến khó khăn. Bản thân ông cũng đã phải đi khai thác gỗ ở vùng Altai và trong các khu mỏ ở Karaganda. Cuộc sống lao động cực nhọc đã khiến cho vị Tổng thống tương lai bị tổn thương lưng vĩnh viễn và mắt ông bị suy giảm thị lực, một bên giác mạc bị cháy. Cũng chính vì thế nên sau này, lúc nào Jaruzelski cũng phải đeo đôi kính đen. Chính trong thời trai trẻ chìm nổi đó, vị Tổng thống tương lai đã học nói tiếng Nga một cách nhuần nhuyễn, không hề bị trọ trẹ chút nào.

Tới năm 1943, Jaruzelski đã đổi đời sau khi được gửi đến phục vụ trong Sư đoàn bộ binh Ba Lan đầu tiên mang tên Tadeusz Kosciusko được thành lập trên lãnh thổ Liên Xô (Tadeusz Kosciusko, 1746-1817, danh tướng, chính trị gia người Ba Lan, anh hùng dân tộc). Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Jaruzelski được huấn luyện trong trường quân sự tại Ryazan. Và cũng ngay trong năm 1943, ông đã được tham gia các trận chiến đấu thực sự đẫm máu của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, sát cánh cùng Hồng quân Liên Xô. Tiếp theo, ông đã trải qua các trận đánh giải phóng Warsaw, vùng ven biển Pomorie và trận đánh trên sông Elbe. Jaruzelski khi kết thúc chiến tranh đeo quân hàm trung úy và nhiều huân, huy chương chiến đấu…

Trong những năm đầu tiên sau chiến tranh, Jaruzelski đã được phân công đi chiến đấu dẹp loạn từ nhóm quân nổi dậy Ukraina (UPA) và đạo quân Krajowa (AK) của nhóm người Ba Lan thân phương Tây. Trong hàng ngũ AK, người cha của cặp anh em song sinh Lech và Jaroslaw Kaczynski (Lech Kaczynski, 1949-2010, Tổng thống Ba Lan trong giai đoạn 2005-2010, đã tử nạn trong vụ tai nạn máy bay ở Smolensk) từng giữ một vị trí không hề thấp chút nào). Có lẽ chính chi tiết này đã góp phần thúc đẩy cặp anh em song sinh Kaczynski khi nắm được quyền lực đầu những năm 2000 rồi đã rất quyết liệt tìm cách để đưa Đại tướng Jaruzelski vào tù… Tuy nhiên, đó chỉ là những nỗ lực bất thành vì không thể có được lý do xác đáng…

Trong chế độ mới ở Ba Lan, ông Jaruzelski đã tỏ ra rất có năng lực và càng ngày càng được thăng tiến. Vào cuối những năm 40 của thế kỷ trước, vị Tổng thống tương lai đã tốt nghiệp Học viện Bộ Tổng tham mưu, gia nhập Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan (PZPR). Sau khi trải qua nhiều chức vụ trung cấp khác nhau, tới năm 1960, ông đã trở thành người đứng đầu Tổng cục Chính trị quân đội Ba Lan. Hai năm sau, Jaruzelski được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và tới năm 1965, làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Ba Lan. Ở thời điểm này, dù mới 42 tuổi nhưng ông đã được phong quân hàm tướng.

Mùa xuân năm 1968, tướng Jaruzelski trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đã cùng binh lính sát cánh với các đơn vị quân đội các nước thành viên khác của khối Hiệp ước Warsaw đến Tiệp Khắc để dẹp cái gọi là cuộc nổi loạn “Mùa xuân Praha”. Ở giai đoạn đó, ngay trong đất nước Ba Lan cũng không yên tĩnh. Năm 1970, cuộc biểu tình của những người không hài lòng với tình trạng tăng giá đã bị xả súng tấn công, làm 44 người chết. Sau này, trong thể chế mới, có thế lực muốn buộc cho Jaruzelski trách nhiệm về vụ này. Tuy nhiên, xả súng bắn vào những người biểu tình không phải là các quân nhân Ba Lan mà là các cán bộ an ninh, không nằm trong quyền điều hành của ông…

Năm 1976, tại Warsaw lại có những người dân xuống đường biểu tình phản đối việc tăng giá hàng. Tuy nhiên, lần này thì không ai phải trở thành nạn nhân của bạo lực cả. Có nguồn tin cho rằng, chính Bộ trưởng Quốc phòng Jaruzelski đã dứt khoát bác bỏ phương án sử dụng quân đội đàn áp những người biểu tình…

 Nhìn từ một góc độ khác, có thể do cách xử lý mềm mỏng quá của chính quyền Ba Lan thời đó nên ở đất nước này ngày càng lan rộng phong trào chống chính quyền và công đoàn Đoàn kết của thủ lĩnh Lech Walesa đã có thêm cơ hội để phát triển. Tới năm 1981, các đòi hỏi quyền lợi kinh tế từ tổ chức này đã được thay đổi bằng các đòi hỏi chính trị. Lãnh đạo PZPR Edward Gierek và người kế nhiệm Stanislaw Kania đã không làm được việc gì đáng kể để cải thiện tình hình. Trong khi đó, phe đối lập đã được Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vốn có uy tín rất lớn ở Ba Lan, đứng ra công khai cổ xúy. Hàng loạt những đài phát thanh nước ngoài phát bằng tiếng Ba Lan như Tự do, BBC.. đã công khai kêu gọi người dân Ba Lan đứng lên chống lại chính quyền…

Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên Điện Kremli đã buộc phải rất chăm chú theo dõi những biến đổi thời sự ở đất nước láng giềng anh em Ba Lan, bởi lẽ, điều đó sẽ có ảnh hưởng rất to lớn tới chính sự tồn vong của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Phát biểu tại Đại hội XXVI của Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS) đầu năm 1981, Tổng Bí thư Leonid Brezhnev đã nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không để cho Nước Cộng hòa Ba Lan xã hội chủ nghĩa lâm nạn và sẽ không để bị xúc phạm. Cũng ở thời điểm đó, nhà tư tưởng chính yếu của chế độ Xôviết là ông Mikhail Suslov đã đến Warsaw, yêu cầu các nhà chức trách Ba Lan xử lý nghiêm với những kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.

Trong bối cảnh đầy khó khăn và phức tạp đó, tất cả quyền lực ở Ba Lan đã được chuyển giao cho Jaruzelski, người vẫn giữ lại vị trí Bộ trưởng và đồng thời nắm cả chức lãnh đạo đảng và Hội đồng Bộ trưởng. Ông đã phải rất linh hoạt hành xử giữa sức ép từ sự bất mãn của người dân, những trò khiêu khích của phương Tây và nguy cơ quân đội Xôviết tràn vào… Ông đã can đảm từ chối sự giúp đỡ bằng quân sự từ Điện Kremli và cam kết sẽ xử lý được tình hình bằng chính sức mạnh nội bộ của người Ba Lan. Chính quyết định này của Đại tướng Jaruzelski đã giúp Ba Lan tránh được những đụng độ vũ trang rất dễ cướp đi sinh mạng của nhiều người Ba Lan và các chiến binh Xôviết…

Tối 12/12/1981, Đại tướng Jaruzelski đã lên truyền hình và tuyên bố tình trạng thiết quân luật tại Ba Lan. Liên lạc bằng điện thoại đã bị cắt đứt, tất cả các cơ quan báo chí đều bị đóng cửa, ngoại trừ hai ấn phẩm chính thống. Quyền lực được chuyển vào tay của cơ quan đặc biệt mới được thành lập là Hội đồng Quân sự cứu quốc. Đại tướng Jaruzelski đã bổ nhiệm các chức ủy viên đặc biệt tại các thành phố và nhà máy để duy trì trật tự an ninh. Xe tăng xuất hiện trên các đường phố. Các nhân vật chống đối, trong đó có thủ lĩnh công đoàn Đoàn kết Lech Walesa đã bị bắt giữ… Dần dà tình hình ở Ba Lan được cải thiện. Tất nhiên, không phải không có thương vong. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 12/1981 đến tháng 7/1983, tức là khi lệnh thiết quân luật đã bị hủy bỏ, chỉ có khoảng 100 người bị thiệt mạng. Các nhà quan sát đều cho rằng, những mất mát không lớn này đã giúp cho Ba Lan ở thời điểm ấy tránh được những vụ đổ máu khủng khiếp hơn.

Nhờ những nỗ lực của Jaruzelski, tình hình Ba Lan đã yên ắng được thêm một vài năm. Mặc dù Đại tướng Jaruzelski cũng bị phương Tây chỉ trích này nọ nhưng đã không có nước nào đưa ra bất kỳ một biện pháp trừng phạt nào đối với Ba Lan.

Tuy nhiên, con đường phát triển của Ba Lan đã phải chấp nhận những thay đổi căn bản. Cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn vào năm 1988 đã đẩy hàng ngàn người dân xuống đường. Phương Tây ra mặt công khai ủng hộ công đoàn Đoàn kết, trong khi Điện Kremli lại cũng đang phải vất vả đối phó với những khó khăn mới nảy sinh nên không còn sức đâu để “canh chừng” quốc gia láng giềng.

Hiểu rõ rằng không thể tiếp tục duy trì quyền lực cũ, tướng Jaruzelski đã ngồi vào bàn thương lượng với phe đối lập để tìm phương thức chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Năm 1989, ông đã trở thành Tổng thống Ba Lan (chức danh này đã được khôi phục lại sau 40 năm) và đã đồng ý tổ chức bầu cử tự do vào hai viện của Quốc hội. Và như đã rõ, trong cuộc bầu cử đó, chiến thắng đã tới với công đoàn Đoàn kết. Tới mùa thu năm 1990, cuộc bầu cử Tổng thống mới cũng đã mang lại thắng lợi cho thủ lĩnh công đoàn Đoàn kết Lech Walesa…

Từ thời điểm đó, Jaruzelski đã thoát ly khỏi chính trường. Tuy nhiên, những kẻ thù chính trị vẫn không để cho ông yên. Đã rất nhiều lần vị tướng khả kính bắt buộc phải ra hầu tòa bởi những lời vu cáo. Người đặc biệt dữ dằn trong những cố gắng làm hại tướng Jaruzelski là vị Tổng thống thứ ba của nước Ba Lan hậu xã hội chủ nghĩa, Lech Kaczynski. Tuy nhiên, buộc tội nhà lãnh đạo cao niên của một thời Ba Lan xã hội chủ nghĩa cho tới hôm nay vẫn là việc khó khả thi…

Trong lễ kỷ niệm ba thập niên sự kiện năm 1981, trả lời phỏng vấn báo chí, tướng Jaruzelski đã khẳng định rằng, ông đã hành động một cách chính xác ở thời điểm đó: “Nếu hôm nay rơi vào tình huống tương tự thì tôi vẫn sẽ hành động y như thế…”.

Có thể là lạ nhưng người được coi là kẻ thù quyết liệt nhất của tướng Jaruzelski, cựu Tổng thống Lech Walesa, hiện giờ lại lên tiếng bảo vệ ông: “Trong chiến tranh, Jaruzelski đã chiến đấu cho một nước Ba Lan tự do. Ông là một tướng quân. Trong một câu chuyện khác và những hoàn cảnh khác, ông ấy hẳn đã được đánh giá là một vĩ nhân”. Không phải đơn giản mà ông Walesa lại có những lời như thế…

Đối với Đại tướng Jaruzelski, phúc lộc của Tổ quốc luôn đứng hàng đầu. Trong bất cứ một hoàn cảnh phức tạp nào ông cũng cố gắng tìm ra được phương án tối ưu. Và hậu thế sẽ càng ngày càng thấy rõ hơn công lao của ông đối với đất nước Ba Lan trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động và rối lẫn đã qua…
Đinh Thế Cường/ Antgct.cand


Nhìn lịch sử Ba Lan qua tướng Jaruzelski

Tướng Wojciech Jaruzelski
Tướng Wojciech Jaruzelski ban bố Thiết quân luật ngày 13/12/1981
Trong lúc Ba Lan tiếp tục theo dõi vụ xử các lãnh đạo cộng sản vì Thiết quân luật năm 1981, có tiếng nói từ Vatican đề nghị không xử tướng Wojciech Jaruzelski, 85 tuổi.
Ông Joaquin Navarro-Valls, cựu phát ngôn viên của Tòa Thánh, được trích lời hôm 28/09 tiết lộ rằng cố Giáo hoàng John Paul II từng nói với ông tướng Jaruzelski “cũng là một con người”.
Đức Giáo hoàng lúc sinh thời đã gặp tướng Jaruzelski tám lần để bàn thảo các vấn đề của Ba Lan và quốc tế.
Ông Navarro-Valls trả lời báo La Republica của Ý rằng không nên xử ông Jaruzelski vì như thế không khác gì “đem lịch sử ra tòa”, nhất là trong không khí chính trị hiện thời tại Ba Lan.
Cuộc tranh luận về vai trò của tướng Jaruzelski và Thiết quân luật (13/12/1981-22/07/1983) cũng phản ánh cách nhìn của người Ba Lan hiện nay với quá khứ cộng sản.
Đem lịch sử ra tòa
Ngay từ 2006 đã có vụ truy tố ông Jaruzelski nhưng không thành vì các "tội ác cộng sản".
Tướng Jaruzelski chưa bao giờ chối bỏ trách nhiệm cho quyết định năm 1981 và nhiều nguời Ba Lan tin lời giải thích của ông rằng Thiết quân luật do chính quyền Ba Lan áp dụng là cách tốt hơn để Liên Xô đem quân vào như ở Tiệp Khắc năm 1968.
Giáo hoàng John Paul II
 Ông Jaruzelski đầu tiên là một quân nhân, sau đó là một người dân tộc chủ nghĩa, rồi mới là một người cộng sản.
Giáo hoàng John Paul II (1920-2005)
Bản thân tướng Jaruzelski đã chỉ huy các đơn vị Ba Lan đưa quân vào Tiệp Khắc hồi đó và ông đã xin lỗi, gọi đây là một sai lầm cả về quân sự và đạo đức.
Nhà luật học Andrzej Gaberle đuợc báo Wyborcza trích lời nói ông nghi ngờ lý lẽ của công tố viện vì họ muốn chứng minh ban lãnh đạo cộng sản Ba Lan khi đó dùng bộ máy nhà nước để phạm tội hình sự có tính vũ trang.
"Liên hệ tội ác" công tố viện nêu ra chỉ áp dụng với các nhóm phi pháp như băng đảng còn thiết quân luật đuợc ban bố bằng sắc lệnh của ông Jaruzelski với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng, Bộ truởng Quốc phòng.
Còn thẩm phán toà phúc thẩm Barbara Skoczkowska nói toà không nên làm thay việc đánh giá Thiết quân luật của các sử gia, giới xã hội học và chính trị học.
Vai trò quan trọng
Gốc quý tộc Ba Lan theo Công giáo, cả gia đình ông Jaruzelski bị Liên Xô đầy đi Siberia nơi cha ông chết vì không đuợc chạy chữa.
Gia nhập quân đội Ba Lan cộng sản do Liên Xô lập ra để giúp Hồng quân đánh phát xít Đức và đối trọng lại quân đội Ba Lan cộng hòa ở phía Tây, ông tham gia trận công phá Berlin năm 1945.
Nhưng vai trò nổi bật hơn cả trong sự nghiệp chính trị của tướng Jaruzelski là quyết định đối thoại với Công đoàn Đoàn kết từ 1988 đến 1989, mở đường cho Hội nghị Bàn tròn.
Tính toán của ông Jaruzelski là dùng đối thoại để chuyển quyền lực từ đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR) vốn đã mất uy tín khủng khiếp sang cho tổng thống của nước Cộng hòa, vị trí ông sẽ nắm.
Quyền lực đó được phe đối lập công nhận như một bước tiến mới so với cơ chế đảng lãnh đạo toàn diện trước đây. Đổi lại, chính quyền cho phép bỏ phiếu tự do bầu ra Thượng viện, trong lúc Hạ viện vẫn do phe cộng sản nắm 65%.
Điều bất ngờ là cuộc bỏ phiếu đưa đến chỗ phe cộng sản được đúng một ghế trong cả 100 ghế thuợng nghị sĩ.
 Liên Xô khi ấy duới thời Gorbachov quyết định bỏ học thuyết Brezhnev 
Sử gia Antoni Dudek
Lòng dân đã đổi và bản thân ông Jaruzelski, bậc trưởng lão của phe cộng sản hiểu ra rằng chỉ có thể thay đổi hẳn thể chế thì mới đưa Ba Lan sang một trang sử mới.
Ông từ chức Tổng bí thư đảng Công nhân Thống nhất, mở lối cho đảng này bỏ hẳn đuờng lối Marxist-Leninist để trở thành một đảng Xã hội Dân chủ cánh tả sau đó.
Giữ chức tổng thống, ông Jaruzelski đã hợp tác với Thủ tuớng là một trí thức Công giáo, ông Tadeusz Mazowiecki.
Ông từ chức cuối 1989 và Ba Lan bầu lên nhà lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa làm tổng thống.
Hiện tại Ba Lan có ý kiến cho rằng Hội nghị Bàn tròn cũng chỉ là một âm mưu chia sẻ quyền lực giữa phe cộng sản và các nhân vật chủ chốt của Công đoàn Đoàn kết.
Nhưng theo sử gia Antoni Dudek thì không có "âm mưu" gì vì Liên Xô khi ấy duới thời Gorbachov quyết định bỏ học thuyết Brezhnev và để cho các nuớc nhu Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc chọn các giải pháp khác, làm thí nghiệm cải tổ chính trị cho Moscow.
Dùng từ ngữ như ở Việt Nam hiện nay là “Diễn biến hòa bình” thì phần “diễn biến” là do phe Công đoàn Đoàn kết chủ xướng nhưng ông Jaruzelski đã đảm bảo để mọi việc diễn ra “hòa bình”.
Theo ông Joaquin Navarro-Valls thì Đức Giáo hoàng người Ba Lan đã nói về tướng Jaruzelski rằng ông “đầu tiên là một quân nhân, sau đó là một người Ba Lan dân tộc chủ nghĩa, rồi mới là một người cộng sản”.





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chào bác! Mai em ngược

Lý Sinh Sự

() - Số 177 

- Nghe nói kỳ này sẽ chặn Facebook, không cho các blog đăng tin tổng hợp. Như thế là Internet ở VN sẽ bị thu hẹp, phải không bác?
- Chú “nghe hơi nồi chõ” ở đâu mà linh tinh thế? NĐ72/2013/CP đã quy định các trang thông tin điện tử cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp. Nói đúng ra là không được nhập nhèm giữa blog cá nhân với kiểu làm báo copy đủ mọi thứ rồi xào xáo thành “tờ báo” của mình. Internet là Internet, vào đọc hay tham gia tự do toàn cầu, nhưng nước mình có quy định riêng.

- Ở các nước họ vẫn có trang thông tin cá nhân có nhiều tin kiểu copy để bán kèm.

- Nước mình có ai mua bán gì tin, các báo điện tử, trang tin tổng hợp sống chủ yếu bằng quảng cáo, tài trợ, họ có cả bộ máy làm báo mạng, tin tức thừa mứa, nhỏ như con thỏ, to như cái đình, thượng vàng hạ cám có tất. Luật quy định ai muốn phát triển blog thành trang tin tổng hợp cứ tự do, nhưng phải có đủ 5 điều kiện: Là một doanh nghiệp, có tổ chức trang, nhân sự quản lý và khả năng tài chính. Tất nhiên phải xin phép.

- Úi dà! Thế thì các trang blog nhiều người đọc hiện nay chả bác nào có đủ điều kiện. Làm báo là một nghề, không dễ như buôn dưa lê đâu.

- Không đủ điều kiện thì là trò chơi tự giới thiệu cá nhân, muốn nói kiểu gì thì nói, ai cấm! Nhưng lại “đọc báo giùm bạn” thì vướng luật rồi.

- Sao từ trước nay chả thấy ai nói gì, chỉ hò nhau vào trang bác này, bác kia để nghe nói “sự thật” hay chuyện “thâm cung bí sử”?

- Trước chưa có luật thì thả lỏng, giờ có rồi thì phải theo.

- Thế thì em lo quá, bác ạ.

- Chú có phải là cư dân mạng đâu mà lo, lo con bò trắng răng à?

- Em cũng thập thò vào mấy bác, nói hăng lắm, có bác chửi vung xích chó như ở quán nhậu ổi xanh, xoài chua, cá chỉ vàng. Nếu bây giờ cấm thì trơ ra còn cá thể bác A, anh B, có gì hay ho để nói mà mọi người đọc? “Hơn nhau tấm áo manh quần/Cởi ra mình trần ai cũng như ai”.

- Chú nói thế các bác, các anh giận đấy, toàn là các tên tuổi nhiều người biết cả. Thôi, việc đại sự để các bác quản lý nhà nước lo. Các bác ấy có luật xử phạt đầy đủ các tình tiết, bác nào, anh nào sẵn tiền thì chơi tiếp đi.

- Phần nhiều các bác blog là dân sáng tạo, các bác cứ tải tác phẩm lên cho bà con xem miễn phí, dân ta nghèo tiền đầu mua sách báo.

- Được thế thì hay, nhưng lại sợ “văn mình vợ người”, không đọc thì còn không sao, đọc xong thì chào bác, mai em ngược!

Lý Sinh Sự
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nói như không nói gì?

Nhã Thuyên: 


Tôi giả sử rằng, “lựa chọn” là một từ chủ động nhất trong đời sống ngôn ngữ của một con người tự do. Nhưng cả quyền lựa chọn cũng là một sự tự do có ngoại trừ, để nhớ một ý tưởng tôi mượn tạm đâu đó, không biết có liên quan tới Camus: người ta không thoát khỏi sự lựa chọn.


Một lời nói ra bao giờ cũng chứa một nguy cơ với người nói: nguy cơ của việc lời nói được nói ra. Tôi đã lựa chọn sự im lặng hoặc tự cho mình nhã hứng mở lời. Nếu cần viện đến một lý do, thì lúc này, đó là để góp thêm vào việc bày tỏ và thực hành lý tưởng huyên thuyên nhã nhặn của mình.
Trong trận mưa gió ngôn từ làm tốn giấy, tốn mực (in và trời), tốn đất đai báo chí và internet suốt mấy tháng nay, rút cục tôi đã không thể ứng dụng được cách ứng xử của nhà thơ Lê Đạt: người ta đang nói về một Nhã Thuyên nào đó, hẳn không phải tôi. Một người dẫu hết sức muốn tránh ảo tưởng về bản thân, cũng có thể thấy mình quan trọng quá. “Khôn đâu đến trẻ”, tôi hiểu câu tục ngữ của người Việt ta theo nghĩa nhất định người trẻ thì không nên khôn ngoan. Tôi thì nhất định tin rằng tôi còn trẻ.

Lựa chọn viết về Mở Miệng, với tôi, đơn giản nghĩa là tôi đã không chọn viết về Trần Dần, Lê Đạt hay Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng hay Nguyễn Du Nguyễn Trãi hay Ca Dao. Hẳn nhiên, tôi hiểu rằng, người ta có thể an toàn khi nương dựa và trông đợi vào những điều đang được bảo lãnh, nhưng người ta cũng có thể bình yên khi không tìm cách để được bảo lãnh.

Một hiện tượng thơ là một hiện tượng thơ, bất kể mọi nỗ lực Photoshop nó thì dấu vết của thơ ca vẫn còn đó: bằng những bài thơ đã được viết, những cuốn sách đã ra đời, bằng những con người đang sống hay đã chết vẫn còn đang biết nói năng.

Trong thơ ca, “cấm kỵ” là một từ ngữ vừa cổ xưa vừa tạm bợ. Nếu tôi hình dung cấm kỵ không phải như một cái ngoài ta, mà nằm sẵn trong ta, thì hẳn nhiên, tôi cũng không cần nương dựa vào từ “cấm kỵ” để tán dương sự can đảm hay để miệt thị thói yếu hèn. Nhưng khi thừa nhận những cấm kỵ giả định đang lừng lững trong đời sống và ngôn ngữ của chúng ta, tôi lại thấy ở đó tiềm năng của va chạm và thay đổi. Bởi lẽ, bất cứ khi nào chạm đến những cấm kỵ thì câu hỏi về sự tự do lại được đặt ra. Có giới hạn nào cho sự tự do này không?

Tôi chưa bao giờ có cảm giác ông Midas có đôi tai lừa là một ông vua đáng bỉ vì không dám “nói ra sự thật”. Tôi chỉ thấy một ông lão cô đơn. Cô đơn trong nỗi bất an về đôi tai bất thường của mình. Đòn trừng phạt mà Apollo giáng xuống ông vua tội nghiệp rút cục là vì… xung đột quan điểm thẩm mỹ.

Tôi không nói về nỗi thất vọng, niềm hi vọng, sự cảm kích, thói lãnh đạm, nỗi bất bình, thói cầu an… hay sử dụng các từ ngữ giàu khả năng bày tỏ thái độ xung quanh sự việc này. Nhưng tôi hẳn phải thẳng thắn về thái độ của mình: nếu nhất định người ta phải nói chuyện với nhau trên sự “nhân danh”, nhất là nhân danh những thứ lớn lao như lý tưởng, khoa học, lịch sử, tôi xin được im lặng. Tôi lựa chọn một trạng thái sống không nhân danh gì cả ngoài sự phô bày: ở đó, cái riêng tư, cái nhỏ bé, cái khoái cảm có câu chuyện của riêng nó. Trong sự tìm kiếm những khoái cảm, tôi tin sẽ chảy ra những dòng đậm vị của suy tư và yêu thương, và hẳn cũng sẽ có một chút khe hẹp dành cho những người ham muốn gắn kết và trao đổi.

Và đây có thể là cách ứng xử tôi đã học được từ thơ ca: tôi chưa bao giờ thấy thơ ca muốn là một thứ vũ khí, dù để được bọc vàng trong tay kẻ mạnh hay nằm đợi thời trong tay kẻ yếu. Để lựa chọn không trở thành vũ khí, để không nhận cái vinh hạnh khổ nạn của một vật tế, thơ ca, thường lựa chọn bảo vệ thứ mà nhiều người không tiếc cho đi: sự cô độc tự nó. Thậm chí, thơ, như tôi hiểu, sẵn sàng nhận về mình sự tổn thương, sự không được chia sẻ, không tìm cách che chắn hay gồng mình tự vệ.

Sự cô độc đó có thể gây ra ít nhất một chút quan hoài thiết thân của mỗi người, và có thể trở thành một mối quan tâm chung của cộng đồng, biết đâu.

Lúc tôi viết về thơ Mở Miệng, đó đang là chuyện đang-diễn-ra. Lúc tôi viết xong phần viết của mình, có thể thơ Mở Miệng đã là chuyện của quá khứ. Lúc tôi đang viết những dòng này, tôi tưởng tượng rằng tất cả chúng ta đã đang dần hoá thạch. Tôi chưa biết, có thể cả những bức tượng thạch cao cũng có thể giao tình.

Dẫu thế nào, có những điều đang trôi đi và thay đổi trong cảm giác về sự lặp lại băng giá của tồn tại. Và bất kể vị thế bé nhỏ của văn chương và thơ ca, tôi cũng đã có lúc tin rằng chuyện mua vui cũng được một vài trống canh đôi khi cũng không phải là vô ích.
3.8.2013


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Nghĩ về đời sống văn học hôm nay, đôi điều tôi muốn nói

Nguyễn Đình Chú
GS- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 

I. Từ một thời tưởng như mọi chuyện đều êm ả
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã tạo ra một không khí rất mực hào hùng trên đất nước. Không hẳn là tất cả nhưng tuyệt đại đa số người Việt Nam, nhất là người dân lao động đều nhiệt tình đi theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà thể hiện rõ ràng nhất là sự hưởng ứng cao độ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trí thức, văn nghệ sĩ, số đông cũng vậy. Cách mạng nhất thời đã thu hút được nhiếu trí thức, văn nghệ sĩ lớn của đất nước. Không ai có lương tâm nỡ đặt văn chương nghệ thuật lên trên số phận của đất nước vừa được cách mạng giành lại chưa được bao lâu lại đang có nguy cơ mất lại với kẻ thù ngoại xâm.
Không ít trí thức văn nghệ sĩ sẵn sàng gác lại những đòi hỏi cần thiết của nghệ thuật và nghề nghiệp để nhiệt tình tham gia kháng chiến. Hoài Thanh trong bài Dân khí miền Trung đăng trên Tạp chíTiền Phong số 3 ra ngày 16/12/1945 chẳng đã hồn nhiên tuyên bố ngày trước sống với cái Tôi là tội lỗi. Nay phải từ bỏ để về với cái Ta (cách mạng). Mặc dù chính nhờ đến với cái Tôi để thành bà đỡ đẻ của phong trào Thơ Mới mà ông có được Thi nhân Việt Nam sau này được mọi người, đặc biệt nhà thơ từng là thần đồng thơ Trần Đăng Khoa đặt lên vị trí thiên tài trong phê bình văn học, coi đây không phải là người viết mà là “người trời” viết. Tất nhiên, lúc này vẫn có người cũng nhiệt tình đi với kháng chiến nhưng không muốn rời bỏ con người nghệ sĩ của mình nên mới có câu thơ :

Ta muốn chia đời làm hai nửa/ Nửa làm chiến sĩ nửa thi nhân”. Khẩu hiệu văn nghệ phục vụ kháng chiến đã được đông đảo văn nghệ sĩ hưởng ứng. Nhưng thực tế vốn không đơn giản, trên đường đi với cách mạng với kháng chiến, mối quan hệ giữa chính trị với văn chương nghệ thuật, ít nhiều cũng đã chớm phát sinh mâu thuẫn. Cuộc tranh luận về nghệ thuật năm 1949 ở chiến khu Việt Bắc là dấu hiệu. Có điều là việc giải quyết mâu thuẫn lúc này đã quá nhẹ nhàng. Một cuộc nhận đường đã diễn ra mà kết quả là tạo được một khí thế đồng thuận, êm ả. Đúng là hào khí của Cách mạng tháng Tám, tráng khí của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp đã nhất thời dẹp yên những mầm mống bất đồng về đường lối văn học nghệ thuật. Tác phẩm Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam của Trường Chinh xuất bản năm 1949 được coi như kinh điển. Tiểu luận Nhận đường của Nguyễn Đình Thi được xem là chính thống. Truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao được coi là thành tựu văn học đầu mùa và mẫu mực của công cuộc nhận đường để trong nhiều năm tháng, với nhà trường, nhận vật Hoàng vẫn bị coi là phản diện, nhân vật Độ vẫn được coi là chính diện một cách quá dễ dãi. Phong trào chỉnh huấn năm 1953 lại còn như là một cuộc thay máu cho văn nghệ sĩ từ chất tiểu tư sản sang chất công nông binh và còn được công cuộc cải cách ruộng đất góp phần bồi đắp thêm. Từ sau cuộc nhận đường cho đến ngày kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, trong phạm vi khu vực cách mạng đã thành công, giường như chỉ thấy một chiều êm ả và góp phần vào sự chiến thắng của cuộc kháng chiến. Tất nhiên, sự đời cũng vẫn không đơn giản. Vẫn đã có những mạch nước ngầm chảy theo chiều khác. Vụ Nhân Văn – Giai phẩm xẩy ra vào thời gian 1956- 1957 lại là chứng cớ. Câu thơ “Đem bộc công an đặt giữa trái tim người” của nhà thơ Lê Đạt cho thấy sự mâu thuẫn giữa chính trị và nghệ thuật khá gay gắt, dĩ nhiên là với một số người như Lê Đạt chứ không phải với tất cả văn nghệ sĩ. Nhưng Nhân Văn giai phẩm đã nhanh chóng bị triệt hạ. Sự êm ả vẫn lại tiếp diễn. Đây là dịp để lý thuyết văn học nghệ thuật của phe xã hội chủ nghĩa đặc biệt là của Liên Xô tràn tới chiếm lĩnh văn đàn, đặc biệt là trong phạm vi nhà trường đại học. Sau vụ Nhân văn giai phẩm, hầu như mọi người đã ngoan ngoạn tin rằng mỹ học Mác-Lênin là cao siêu thần diệu nhất, phản ánh luận của Lênin là cẩm nang thần kỳ mở đường vào thề giới văn chương nghệ thuật có hiệu quả nhất. Đối với người sáng tác và phê bình văn học, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là tối ưu nhất với định nghĩa của Trường Chinh là “sự phản ánh cuộc sống trong trạng thái vận động cách mạng”. Thể ký được đặt lên hàng đầu trong cuộc tranh luận tại viện Văn học. Vai trò của hư cấu trong nghệ thuật phần nào bị xem rẻ. Có người đã gọi đùa cuộc tranh luận đó là cuộc “cấu ký “. Xu hướng xã hội học dung tục, chính trị hóa trong phê bình văn học được lên ngôi. Một nhà phê bình văn học có tên tuổi (xin miễn nhắc tên) của viện Văn học đã nói trước đội ngũ giáo viên văn của tỉnh Hà Đông (cũ) rằng tác phẩm Sống như anh của Trần Đình Vân ghi chuyện anh Nguyễn Văn Trổi hay hơn cả Truyện Kiều. Một số giáo viên đã viết thư xin giáo sư học giả Viện trưởng viện Văn là Đặng Thai Mai giải thích Sống như anhhay hơn Truyện Kiều ở chỗ nào làm ông Cụ nổi cáu hỏi tay nào nói nhảm nhí thế để giáo viên thắc mắc. Tiếp đó, tác phẩm Bất khuấtra đời thì lại còn là phi thường nữa. Đã có nhà lãnh đạo văn nghệ nói: với Việt Nam ta, chỉ cần ghi chép đúng với sự thật cuộc sống đã là nghệ thuật rồi bới lẽ chính cuộc sống đã đẹp, đã là nghệ thuật. Nói như thế nhưng không một ai có ý kiến khác. Trong không khí có vẻ êm ả này, đã xuất hiện không ít những “phương ngôn”(!?) được dùng ra đề thi môn văn trong nhiều kỳ thi tuyển sinh đại học. Ví như: “giữa bao ngọn cờ sai lạc, lá cờ anh là lá cờ Đảng” khi nói về thơ Tố Hữu, “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn…Lòng ta thành con rối/ Cho cuộc đờì giật dây” khi nói đến phong trào Thơ Mới mà chính người nói từng là một ngôi sao của phong trào đó… Nhóm Tự Lực Văn Đoàn bị chê bai và xếp xó. Phong trào Thơ Mới bị cho là lãng mạn tiêu cực. Sinh viên đại học văn mà hầu như không được tiếp xúc với tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới. Nhất Linh, Khái Hưng…đều bị coi là phản cách mạng. Vũ Trọng Phụng là Trốtkit, là “lưu manh văn hóa” (HVH). Văn học ở các đô thị miền Nam là sản phẩm của văn hóa thực dân mới. Còn văn học miền Bắc xã hội chủ nghĩa là “nền văn học tiên tiến nhất của thế giới về đề tài chống chủ nghĩa thực dân”…Một đời sống văn học có những biểu hiện như thế đã tồn tại tưởng như êm ả, được mọi người chấp nhận.
II. Đến cái thời biến động phồn tạp đa chiều
Rõ là đời sống văn học nghệ thuật hôm nay trong đó đặc biệt là văn học đã không êm ả nữa, đã biến động để chuyển sang trang mới mang tính chất phồn tạp, đa chiều vốn là chuyện bình thường của nhiều nước trên thế giới:
1. Mấy trang đầu đã hé mở vẻ đẹp.
Sự thay đổi ít nhiều trong quan điểm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên đà đổi mới toàn diện đất nước là nguyên nhân mở đầu. Hẳn là không ai quên niềm hân hoan thoáng có của giới trí thức và văn nghệ sĩ khi có cuộc gặp mặt cởi mở giữa Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với trí thức và văn nghệ sĩ năm 1987. Trong đó ông Tổng bí thư tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ sĩ và sẵn sàng đi đưa cơm cho văn nghệ sĩ nào vì sáng tác mà bị tù đày. Có thể coi đây như là một trận mưa xuân nhè nhẹ cho cây cỏ thêm chút xanh tươi, đâm chồi nẩy lộc. Những Cù lao Chàm, Đứng trước biển, Ngoại tình của Nguyễn Mạnh Tuấn; Đất trắng, Con tốt sang sôngcủa Nguyễn Trọng Oánh, Những thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng của Dương Thu Hương, Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Phiên chợ Giát, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu; Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội của Lê Lựu, Truyện ngắn mà nổi bật nhất là Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp; Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận tình yêu) của Bảo Ninh; Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng; Chuyện làng ngày ấy của Võ Văn Trực; Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Những mảnh đời đen trắngcủa Nguyễn Quang Lập… có thể ra đời trước sau cuộc gặp gỡ với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhưng được đón nhận chính là nhờ ít nhiều liên quan đến chính sách đổi mới văn học nghệ thuật của Đảng. Ở những sáng tác này, điều đáng ghi nhận là giá trị hiện thực trong cách nhìn và viết về chiến tranh, là giá trị hiện thực phê phán giám nói những điều mà trước đó là cấm kỵ, kèm theo là sự trổi dậy của con người cá thể (cái Tôi), tuy có sự hỗn tạp nhưng phần chân chính cũng không nhỏ. Trong phạm vi chính luận, Đề dẫn về công tác văn học nghệ thuật của Đảng đoàn văn nghệ do Bí thư Đảng đoàn là nhà văn Nguyên Ngọc chủ xướng thể hiện khát vọng đổi mới ít nhiều có tính chất đột biến. Cùng với đà đó, còn có một số luận điểm luận thuyết như Chủ nghĩa hiện thực phải đạocủa Hoàng Ngọc Hiến, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của Nguyễn Minh Châu, Cái thời lãng mạn của Nguyễn Khải, Tập tiểu luận của Lê Ngọc Trà …Tất cả, nhất thời đều được coi là thành quả đổi mới văn học một khi có sự đổi mới trong đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng sự đời vẫn lại không đơn giản chút nào. Chưa gì thì một luồng phản kích đã diễn ra. Đề cương công tác văn nghệ của Bí thư đảng đoàn Nguyên Ngọc, luận điểm về Chủ nghĩa hiện thức phải đạo của Hoàng Ngọc Hiến đã bị phê phán kịch liệt, đặc biệt là với hai ông Chế Lan Viên và Hà Xuân Trường. Rồi nữa, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Tập tiểu luận của Lê Ngọc Trà từng được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, cũng bị phê phán găy gắt. Để rồi mọi chuyện lại tưởng như trở lại êm ả. Nhưng thực tế lại không phải thế.
2. Và hôm nay thì khác.
2.1. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, bao nhiêu lý luận văn học nghệ thuật một thời tồn tại êm ả, nào là về tính Đảng, tính khuynh hướng, về chức năng nghệ thuật theo quan điểm Mác xít, về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, về phản ánh luận của Lênin, về lý thuyết của nhiều ông Ốp, ông Ép xem ra đã và đang nhường chỗ dần cho các loại hình lý thuyết khác của phương Tây hiện đại. Nào là cấu trúc luận, văn học so sánh, tự sự học, phong cách học, loại hình học, thi pháp học, phân tâm học, hậu hiện đại, diễn ngôn…Ngay đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam từ việc xây dựng một nền văn học nghệ thuật có nội dung xã hội chủ nghĩa và hình thức dân tộccũng được thay bằng nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc và đến nay thì lại là xây dựng một nền văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Điều đáng mừng là “ của Xêda đã trả lại cho Xêda”. Những giá trị văn học đích thực đã được khôi phục. Văn học hợp pháp thời kỳ 1930-1945, trừ dòng văn học hiện thực phê phán, từng bị hạ giá thảm hại thì nay sách Giáo khoa Văn phổ thông trung học đã có thể coi đó là thời kỳ rực rỡ thứ hai trong lịch sử văn học dân tộc. Hầu hết các tác phẩm có giá trị của thời kỳ đó đã được tái bản. Không ít luận văn, luận án đã nghiên cứu về tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, về Thơ Mới, về Nhất Linh, Khải Hưng, Thạch Lam… Vũ Trọng Phụng được đặt lại vị trí số một của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Kể cả Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh từng bị coi là tội nhân thuộc dòng văn học nô dịch nay là những người đi đầu trong công cuộc hiện đại hóa văn hóa văn học nước nhà. Cách nhận định về Phong trào Nhân Văn- Giai Phẩm đó đây cũng đã gần như nói ngược so với trước. Trong số những người tham gia Nhân văn- Giai phẩm bị điêu đứng mấy chục năm trời, nay hầu hết được khôi phục tư cách hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Không ít người được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước. Nhà văn Vũ Bằng từng được coi là nguyên mẫu của nhân vật Hoàng phản diện trong Đôi mắt của Nam Cao nay biết ra thì là tình báo chiến lược của cách mạng.Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng được trích học ở chương trình Văn THPT, THCS. Đặc biệt, nhà văn Lan Khai, tác giả của Lầm than, từng được đề cao trong tư cách nhà văn đầu tiên viết về giai cấp công nhân, nhưng rồi ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đang làm Chủ tịch phường tại thị xã Tuyên Quang thì bị thủ tiêu và mang oan phản cách mạng đến tàn lụi cả gia đình, thì nay cũng đã “sống dậy sáng lòa” trong buổi tưởng niệm của Hội nhà văn Việt Nam. Thái độ, cách nói về văn học miền Nam trước 1975 cũng đã khác trước, không ít tác phẩm đã được tái bản và có người đọc trong khi những tác phẩm của miền Bắc trước 1975 hình như lại ít được tái bản hơn. Rồi nữa, văn học hải ngoại cũng được nhìn nhận thỏa đáng không như trước và một số tác phẩm cũng đã được lưu hành trong nước…Và điều này thì hơi trái khoáy. Đó đây đã xuất hiện ít nhiều khuynh hướng sám hối, tự phủ nhận. Ví như Chế Lan Viên trong tập Di cảo với các bài thơ Trừ đi, Dã tràng xe cát, Ai tôi, Bánh vẽ..,Nguyễn Khải với bút ký Đi tìm cái TôI đã mất… kể cả Tô Hải bên phía âm nhạc với Hồi ký của một thằng hèn… Đó đây cách nói về hai nhà lãnh đạo chủ chốt của văn nghệ nước nhà trong nhiều năm tháng là Trường Chinh và Tố Hữu cũng đã khác trước rất nhiều…Trong nghiên cứu và phê bình văn học, tính Đảng, tính khuynh hướng, vấn đề lập trường một thời là sinh mạng của người cầm bút nhưng dẫn đến không ít sự bất chấp muốn nói gì thì nói cũng đã ít nhiều nhường chỗ cho tính khách quan khoa học vốn bị cho là sản phẩm của tư sản phải từ bỏ. Hệ quy chiếu dựa theo học thuyết giai cấp đấu tranh và hình thái xã hội một cách sống sượng cũng đã ít nhiều nhường chỗ cho hệ quy chiếu lấy dân tộc nhân dân nhân bản làm gốc. Đúng là đang có sự biến động và phồn tạp đa chiều trong đời sống văn học hôm nay. Dĩ nhiên, tại những nước mà ở đó sự kết hợp giữa nhà nước pháp quyền đích thực và chế độ tự do cá nhân đã thành nền nếp thì chuyện bá nhân bá ý như thế là hết sức bình thường. Còn ở nước ta đang trên đường từ giã cái thời bao cấp kinh tế kéo theo cả bao cấp tư tưởng để cố gắng xây dựng một nền dân chủ không ít vất vả thì ít nhiều vẫn thành chuyện. Ở đây, một câu hỏi có thể đặt ra cho các nhà lãnh đạo văn học nghệ thuật hôm nay, liệu các vị có thể khôi phục lại được một tình hình văn học nghệ thuật êm ả đơn chiều trên đất nước mà được chấp nhận như ngày nào nữa không. Đúng là khó thật trước tình hình phồn tạp, đa chiều của đời sống văn học, cũng là đời sống tư tưởng của đất nước hôm nay. Riêng Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương thì xem ra đang cố gắng làm một cái gì đó cho nền văn học nghệ thuật nước nhà nhưng vẫn phải chờ xem sẽ là gì?
2.2. Trong sáng tác, sự phồn tạp đa chiều cũng khá rõ bởi thời đại đã cho nó một môi sinh rộng mở nhiều so với trước, một cơ sở mà ngày trước chưa có là văn hóa mạng. Thực tế đã có những tác phẩm mà như ngày trước là không thể có mặt nhưng nay thì nó vẫn nằm nhan nhản đó đây mà không cần kể ra thì quý vị cũng đã thừa biết và số phận của những tác phẩm đó là thế nào cũng không phải là chuyện đơn giản với thời gian. Nhìn chung thì thấy tình hình sáng tác văn học của nước nhà hiện nay cũng rôm rả và biến động khác trước nhiều cả ở văn xuôi, cả ở thơ ca. Mà trong đó thấy nổi lên một khát vọng đổi mới mãnh liệt nhưng thành tựu đã có được gì thì vẫn phải chờ đã. Trong đó, không kể khuynh hướng coi trọng sự đổi mới hình thức mà trước hết là đổi mới con chữ xuất phát từ quan điểm ngôn ngữ là công cụ số một của văn chương, nghệ thuật văn chương trước hết là nghệ thuật của ngôn từ. Về nội dung thì giường như có mấy khuynh hướng chủ đạo trong sự đổi mới văn học như sau:
a) Mạnh dạn theo hướng hiện thực phê phán: Đúng như nhà văn Nguyễn Khải đã nói nền văn học nước ta đã có Cái thời lãng mạnmà ở đây cách hiểu ý của nhà văn xem ra cũng không đơn giản. Có thể ai đó sẽ cho như thế là vô bổ phải từ bỏ. Còn tôi thí đồng ý là phải vượt qua thời lãng mạn nhưng không coi nó là hoàn toàn vô bổ. Bởi mỗi thời có một yêu cầu đối với văn chương nghệ thuật. Trong hai cuộc kháng chiến gian khổ và khốc liệt ghê gớm như thế mà không lãng mạn, không nâng bổng tâm hồn, tâm lý của người dân lên như thế thì lấy đâu ra sức mạnh đánh thắng kẻ thù. Khoa học tâm lý chẳng đã nói đến sức mạnh của tâm lý kể cả vai trò của ảo giác ảo tưởng trong sự sống con người. Dĩ nhiên, hết chiến tranh, trở lại cuộc sống đời thường mà cứ lãng mạn một chiều thì lại thành dối trá, có tội với nhân dân với lịch sử. Theo dõi tình hình sáng tác văn học, kể cả kịch bản sân khấu, kịch bản phim gần đây, dễ thường phải kết luận chưa bao giờ văn học hiện thực phê phán lại phát triển bề thế, dám chọc trời như hôm nay. Nó thẳng thừng hơn nhiều so với dòng văn học hiện thực phê phán thời 30-45 của thế kỷ trước dù rằng độ kết tinh nghệ thuật thì vẫn là đàn em.
b) Đề cao việc khám phá cái Tôi trong sáng tác nhưng trước hết là tìm cách khẳng định cái Tôi của chính mình. Tham dự một vài lần ngày Hội thơ đầu năm tại Văn miếu Hà Nội, ở khu vực dành cho các nhà thơ trẻ, tôi thấy nhà thơ nào cũng tuyên bố tôi tìm tôi, tôi phải là tôi. Trước sự thật đó, tôi cứ thèm giá gì mình cũng có được chút đỉnh tài thơ như các bạn trẻ đó nhưng vẫn muốn được hỏi lại các nhà thơ trẻ rằng: đã đi vào văn học thời nay dĩ nhiên phải coi trọng cái Tôi và phải khẳng định được cái Tôi nhưng hiểu về cái Tôi thế nào là hoàn chỉnh tối ưu? Và để có được những thành quả văn chương bất hủ như những gì cha ông thuở trước đã có, nhân loại đã có thì ngoài việc hướng vào cái TÔi, còn cần những gì nữa không? Trong khi, đó là chuyện hoàn toàn không đơn giản. Chả phải là chung quanh định nghĩa thế nào là thiên tài văn chương vẫn còn không kém phần phức tạp và bí hiểm đó sao.
c) Đi vào đề tài sex một cách trần truồng mà dư luận độc giả trước hiện tượng này cũng không đơn giản. Người thích người không thích vốn có liên quan đến tâm lý tiếp nhận của các thế hệ tuổi tác và trình độ văn hóa khác nhau. Không dấu gì quí vị, trước một tác phẩm như Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu mà nhà văn Nguyên Ngọc và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đều rất mực đề cao, đặc biệt nhà văn Nguyên Ngọc đã cho tác phẩm có những giá trị lớn hơn cả vấn đề thân phận con người trong khi với tôi thì xin phép tác giả Bóng đè và nhà văn Nguyên Ngọc được nói thật là không thể chấp nhận tác phẩm này. Tôi tự hỏi sao giữa mình với nhà văn Nguyên Ngọc lại có sự trái ngược nhau quá đáng thế ? Mình quá dốt nát, quá lạc hậu, bảo thủ trong khả năng nhận biết giá trị văn học ư?. Đúng là có qui luật cộng hưởng trong tiếp nhận nghệ thuật phồn tạp và đa chiều. Thôi thì đành chấp nhận Nguyên Ngọc là Nguyên Ngọc, tôi là tôi. Chả ai bắt được ai giống ai.
III. Và đôi điều tôi muốn nói
1. Hẳn là chúng ta phải thừa nhận rằng với thời đại hôm nay về pháp luật thì dứt khoát mọi người phải tuân thủ nhưng về tư tưởng thì ai nấy có quyền tư tưởng riêng. Cái thời mà trong học thuật, một khi có vị lãnh đạo cao cấp nói rằng “Nho giáo là phản động. Dân tộc ta sở dĩ tồn tại được là nhờ chống được Nho giáo”, hay như trong đời sống văn học nghệ thuật, các nhà lãnh đạo nói rằng văn học nghệ thuật phải phục vụ chính trị nhưng không nói rõ thế nào là phục vụ chính trị chính đáng và không chính đáng…mà mọi người đều phải im tiếng thì có lẽ đã một đi không trở lại. Thời đại này là thời đại hội nhập thế giới do đó trong suy nghĩ của con người không thể không ít nhiều có sự so sánh thế giới, không riêng gì với trí thức văn nghệ sĩ mà cả với người dân bình thường. Một cụ già người Mèo sống trên rẻo cao không hề biết chữ, một hôm xuống núi đi chợ, chiều hôm trước xem phim một nước nào đó của thế giơi có đường sá thênh thang rộng lớn mà tự nhiên buột ra câu nói: đường bên nước họ rộng đẹp hơn bên nước mình. Thì đúng là đã hàm chứa sự so sánh thế giới điều mà vĩ nhân ở thế kỷ XV như Nguyễn Trãi cũng chưa có vì lịch sử chưa cho phép.Thời đại này là thời đại trổi dậy của cái Tôi cá thể (L individu) trong đó có tư duy cá thể đúng theo luận điểm của Descartes: “ Je pense donc je suis” (Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại) mà không có được điều đó thì đừng hòng nói gì đến sự phát triển đất nước cho ra phát triển. Thời đại này phải là thời đại của tinh thần duy lý, của tư duy phản biện, tư duy đối thoại, tư duy thuyết phục…chứ không phải là tư duy cảm tính, tư duy áp đặt. Từ đó là thời đại mà mọi người phải tuân theo pháp luật của nhà nước cần được xây dựng trên nền tảng nhân bản và dân chủ để rồi tự mình suy nghĩ, tự mình tìm chân lí. Không ai có thể bắt mình phải ăn theo nói leo. Đúng là như thế nhưng ở đây lại có vấn đề cũng không kém phần cơ bản là làm sao mỗi cá thể có thể nghĩ đúng, tư duy đúng để hành động đúng. Rõ là từng cá thể phải có trình độ hiểu biết, trình độ văn hóa, càng cao bao nhiêu càng lợi cho mình bấy nhiêu. Muốn thế lại phải học người, nghe người, để từ đó không theo đuôi người mà tự lựa chọn để tìm đến chân lý một cách có bản lĩnh. Không dấu gì quý vị, qua vài lần nghe một số nhà thơ trẻ hào hứng tự khẳng định cái TÔI ở ngày Hội thơ tại Văn Miếu, tôi cứ thấy thiếu cái vế sau mà tôi đang muốn nói đó. Mà thiếu vế sau đó thì không chừng dễ sa vào sự kiêu ngạo ngông nghênh chỉ đáng buồn cười.
2. Điều thứ hai tôi muốn nói là chung quanh vấn đề cũ mới trong văn học. Cũ mới là vấn đề của cuộc sống. Cũng là vấn đề của văn học nghệ thuật, Riêng với văn chương nghệ thuật, đổi mới là thuộc bản chất của sự sáng tạo. Kẻ thù của văn học nghệ thuật là sự trùng lặp, là sự cũ kĩ. Chưa bao giờ, trên đất nước ta lại có khát vọng đổi mới văn học một cách nồng nhiệt như hôm nay, nhất là với những cây bút trẻ. Nhưng thế nào là đổi mới một cách chính đáng thì lại đang có vấn đề. Trong thực tiễn sáng tác văn học theo khát vọng đổi mới hôm nay chẳng đã vừa hay vừa dở, chưa đủ độ chuẩn xác để khả dĩ làm nên những tác phẩm lớn. Mà có một nguyên nhân là muốn đổi mới nhưng chưa thật hiểu đúng đổi mới. Nhiều người khi nói đến đổi mới thường hay nhắc đến luận đề của Héraclit: “người ta không bao giờ tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Và hiểu rằng với dòng sông đó thì nước luôn luôn chảy không ngừng, nghĩa là chỉ có mới mà không có cũ. Tôi cho rằng hiểu như thế là chưa chính xác. Bởi ở đây, đành là nước luôn chảy nhưng vẫn còn dòng sông. Mà cuộc sống là thế. Vừa có biến vừa có bất biển, vừa có cái mới vừa có cái vĩnh hằng. Con sông là vĩnh hằng dù rằng nước sông thì luôn chảy, nghĩa là luôn mới. Cho nên, nếu ai đó hôm nay mải mê đeo đuổi với sự cách tân nghệ thuật mà bỏ quên những giá trị vĩnh hằng thì hẳn là dễ rơi vào thế bấp bênh trong nghệ thuật. Đúng ra, bên cạnh khát vọng đổi mới, phải có thêm khát vọng làm sống lại những giá trị vĩnh hằng một cách chân chính dù không đơn giản. Xin hãy đổi mới từ những giá trị vĩnh hằng và từ đổi mới tạo thêm những giá trị vĩnh hằng để đất nước được nhờ.
Rồi nữa, thế nào là mới. Hẳn là mọi người đã nhất trí rằng cách tân, tạo ra những giá trị mới vốn là quy luật tồn tại, là bản chất của nghệ thuật cả trên hai phương diện nội dung và hình thức. Nhưng sự cách tân nghệ thuật lại có hai trạng thái: cách tân trong nội bộ một phạm trù văn học và cách tân làm thay đổi một phạm trù văn học. Lịch sử văn học viết Việt Nam ta cho đến nay chỉ có hai phạm trù là trung đại và hiện đại. Trung đại là từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Hiện đại là từ đầu thế kỷ XX đến nay. Phạm trù văn học là khái niệm có nội hàm bao gồm ba bộ phận. Thứ nhất gồm: những yếu tố gián tiếp liên quan đến văn học: hình thái xã hội, hình thái văn hóa, ý thức hệ thời đại. Thứ hai: gồm những yếu tố trực tiếp liên quan tới văn học: chữ viết, phương tiện ghi chép và in ấn, báo chí, phương thức lưu hành (chưa hoặc đã gắn với kinh tế hàng hóa), lực lượng sáng tác, công chúng văn học. Thứ ba: gồm những yếu tố thuộc bản thân văn học: cơ cấu của nền văn học, hệ thống quan điểm văn học, những cảm hứng chủ đạo trong sáng tác văn học, hệ thống thể loại thể tài và bút pháp của các thể loại thể tài văn học, phong cách ngôn ngữ văn học, những quy luật kết tinh mang tính đặc thù của phạm trù văn học.Thành tựu của văn học Việt Nam ở nửa đầu thể kỷ XX là thành tựu đổi mới cách tân làm thay đổi lịch sử văn học Việt Nam ta từ phạm trù trung đại mang tính chất khu vực sang phạm trù hiện đại mang tính chất toàn cầu. Văn học Việt Nam sau 1945 dù có nhiều đổi mới cách tân nhưng vẫn thuộc phạm trù hiện đại. Còn với văn học hôm nay là gì khi nói đến sự đổi mới, cách tân? Rõ ràng vẫn là chuyện cách tân đổi mới thuộc phạm trù hiện đại. Phải nói rõ ra như thế để ai đó đừng quá ảo tưởng sẽ làm được cái điều mà văn học nửa đầu thế kỷ XX… đã làm được. Đâu đó có nói đến hiện đại và hậu hiện đại thì đúng là có sự đổi mới khác nhau giữa hiện đại và hậu hiện đại, nhưng hãy nhớ cho rằng giũa hai thứ đó vẫn có chung chữ hiện đại. Tôi cầu mong ở sự đổi mới văn học hôm nay nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một kết quả đổi mới cách tân như văn học nửa đầu thế kỷ XX đã có. Còn tương lai xa nữa là thế nào thì chưa biết.
3.Về chuyện cái TÔI (L’individu) trong văn học. Đúng đây là một trong những vấn đề cốt lọi nhất của văn chương nghệ thuật nói chung nhưng trước hết là vấn dề của cuộc sống con người ở mọi đất nước trong đó có nước Việt Nam ta mà trình độ nhận thức và thực tiễn giải quyết vấn đề đã không đồng đều, Có thể nói được rằng ở vấn đề này, phương Tây đi trước phương Đông. Riêng ở nước ta, cứ qua văn học mà thấy thì nó quá chậm. Chẳng những thế mà hôm nay xem ra cũng chưa có sự tường minh tới mức cần có. Trong lịch sử văn học Việt Nam, đến nửa sau thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỹ XIX, mới thấy cái TÔI có mặt trong các tác phẩm nhưChinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và dịch phẩm của Đoàn Thị Điểm (?), Truyện Kiều của Nguyễn Du,, Khuê ai lục của Ngô Thời Sĩ, Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du, Sơ kính tân trang của Phạm Thái, thơ Hồ Xuân Hương, thơ văn Nguyễn Công Trứ…Riêngcái TÔI đạo đức vốn là sản phẩm của truyền thống đức trị của phương Đông với các học thuyết của nó đặc biệt là Nho giáo thì đã có mặt từ lâu đời nhưng vẫn chưa hẳn là cái TÔI mà ở đây đang nói tới. Đừng lẫn lộn hai khái niệm: vấn đề cái TÔI (L’individu) trong văn học và hiện tượng cái tôi trữ tình trong văn học đặc biệt là trong thơ ca. Bởi lẽ, một bên thuộc khách thể trong sự sống con người mà tới một giai đoạn nào đó văn học mới nhận thức được để khám phá, chiếm lĩnh. Một bên thuộc chủ thể cảm xúc, trữ tình của người cầm bút vốn là thuộc tính muôn đời muôn thuở của văn chương nghệ thuật nhất là ở thể loại trữ tình, ở thơ ca từ ngày có mặt. Cái TÔI viết hoa có mặt buổi đầu trong văn học Việt Nam ta chậm nhưng khá xinh đẹp vì nó kết hợp hài hòa được với cái TA. Cứ nhìn vào hình tượng Thúy Kiều thì rõ. Thúy Kiều là hình tượng nghệ thuật hội tụ được nhiều giá trị nhân bản nhất trong những hình tượng phụ nữ của lịch sử văn học Việt Nam xưa nay trong đó có giá trị về sự trổi dậy của cái TÔI.[1] Nhưng ngay sau đó, đất nước bị xâm lăng, cái TÔI đã phải nhường chỗ cho cái TA là số phận đất nước. Sang đầu thế kỷ XX, trong hoàn cảnh xã hội thực dân phong kiến, giai cấp tư sản đã có mặt dù là dưới chế độ thuộc địa, lại có thêm ảnh hưởng văn hóa và tư tưởng tư sản phương Tây tràn tới, cái TÔI lại tái xuất, tuy không kết hợp được với cái TA hài hòa như thời Nguyễn Du nhưng tự giác hơn và cũng bề thế hơn để làm cơ sở tư tưởng, cơ sở triết học cho sự ra đời của Tự Lực Văn Đoàn, phong trào Thơ Mới, Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh…Cách mạng tháng Tám thành công, chưa gì đã phải đương đầu với hai cuộc kháng chiến khốc liệt. Trong hoàn cảnh đó, theo qui luật của cuộc sống Việt Nam, cái TÔI lại phải nhường chỗ cho cái TA. Nhưng một khi đất nước đã hòa bình thống nhất, cuộc sống trở lại đời thường thì cũng theo quy luật, cái TÔI sẽ tái xuất. Không ít trong số tác phẩm được nhắc tới ở tiểu mục Mấy trang đầu đã hé mở vẻ đẹp nói ở trên có phần là nhờ ở sự tái xuất cái TÔI. Khát vọng nồng nhiệt về cái TÔI của các nhà thơ nhà văn trê hôm nay cũng là sản phẩm chính đáng của sự tái xuất đó. Vấn đề ở đây là phải làm sao có được sự nhận thức cho thật thấu đáo, thật tường minh đích đáng về cái TÔI để có cơ sở vững chắc cho sự đổi mới chứ không thể như hiện thời. Phải thấy cái TÔI là tế bào làm nên mọi hình thái cơ thể tức là mọi hình thái cộng đồng xã hội mà muốn khỏe mạnh thì phải có các tế bào khỏe. Đó là chân lí tối thượng trong mọi cộng đồng, mọi quốc gia. Nhưng ở đây lại có điều rất phức tạp, đã gây rắc rối cho nhân loại là vì từ một cái TÔI cá thể, trong thực tiễn cuộc sống nhân loại, lại đi theo hai hướng. Một hướng nhân bản cần cầu nguyện cho nó trổi dậy sớm ngày nào hay ngày ấy. Một hướng là phi nhân bản mà phải quyết tâm tiêu diệt. Trong hướng nhân bản, cái TÔI vẫn là cái TÔI nhưng có một phương diện dứt khoát không thể thiếu là sự kết hợp hài hòa giữa cái TÔI và cái TA. Thiếu sự kết hợp TÔI-TA một cách chính đáng thì dễ thường sẽ rơi vào hướng phi nhân bản là cái TÔI ích kỷ, khốn nạn đang phá hoại cuộc sống của nhân quần, của đất nước. Có hai thuật ngữ cũng không được lầm lẫn: cá nhân (cái TÔI- L individu, Le Moi) và cá nhân chủ nghĩa (L individualisme).[2]Không dấu quý vị, đọc bài bút ký Đi tìm cái TÔI đã mất của nhà văn quá cố Nguyễn Khải, tôi thú vị và kính nể tâm huyết, bút lực của nhà văn nhưng chỉ tán thành một nửa không tán thành một nửa. Nửa tán thành là sự xót xa đã để mất cái TÔI. Nửa không tán thành là ví chưa thấy nhà văn nghĩ đến mối quan hệ hài hòa tối cần giữa cái TÔI và cái TA trong khi cái TA tuy có mặt bất chính nhưng vẫn có nhiều mặt chân chính cần được cái TÔI góp phần vun đắp như chính nhà văn đã làm dù còn phải chịu sự sàng lọc trong thời gian.
4. Về chuyện sex trong văn chương nghệ thuật: loài người được tạo hóa sinh ra vốn mang tính tự nhiên sinh học trước khi mang tính xã hội. Và khi mang tính xã hội vẫn có tính tự nhiên sinh học. Thế nhưng sự nhận thức về con người tự nhiên sinh học giữa phương Tây và phương Đông trong đó có Việt Nam ta cũng lại sớm muộn và không giống nhau. Dĩ nhiên trong thời đại hôm nay, một khi đã có sự hội nhập thế giới mãnh liệt, thế giới đang trở thành “phẳng” thì khoảng cách đó đã được rút bớt. Ở phương Tây, từ rất sớm, đặc biệt là từ thời Phục hưng vào thế kỷ 15, 16, sự nhận thức và từ đó là sự khám phá con người tự nhiên, con người sinh học, con người chưa mặc quần mặc áo đã là một thành quả nhân văn chủ nghĩa cao cả để có được một nền nghệ thuật khỏa thân sáng giá và là niềm tự hào của nhân loại. Tất nhiên, ở phương Tây, trước hiện tượng con người tự nhiên sinh học, trong thực tiễn, cũng lại đã đi theo hai hướng: nhân bản và phi nhân bản. Nhân bản là sự thăng hoa giá trị người. Phi nhân bản là kéo con người trở về thú tính, động vật. Còn ở Việt Nam ta là thế nào? Đành rằng đã tồn tại văn hóa phồn thực ở nơi này nơi khác trong việc thờ linga. Nhưng riêng trong văn học thì xem ra là một sự né tránh. Câu chuyện Chữ Đồng Tử có hé ra chút ít về con người khỏa thân nhưng cụ thể là gì thì chưa rõ. Mãi đến khi thiên tài Nguyễn Du viết Truyện Kiều thì quả thật lần đầu tiên, văn học Việt Nam mới có được một bức tượng khỏa thân tuyệt vời của phụ nữ và là bức tượng khỏa thân độc nhất vô nhị của văn học Việt Nam trung đại: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà / Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Táo bạo đến như nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì cũng chỉ he hé ra chút ít do có sự sơ ý của Thiếu nữ ngủ ngày mà thôi. Ngoài ra, gọi là văn học sex trong văn học Việt Nam ở cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, không thể không nhắc lại mấy câu thơ về chuyện chăn gối trong quan hệ vợ chồng của Chinh phụ ngâm“Cái đêm hôm ấy hôm gì/ Bóng trăng lồng bóng đồ mi trập trùng/ Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông/Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng/ Trên hoa dưới nguyệt trong lòng xiết bao”. Và thơ Hồ Xuân Hương với những câu như: “Cán cân tạo hóa rơi đâu mất / Miệng túi càn khôn khép lại rồi”, “Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không”. Đúng là sex chứ còn gì nữa. Nhưng điều đáng nói ở đây là từ bức tượng khỏa thân của Thúy Kiều cho đến những câu thơ của Chinh phụ ngâm, Hồ Xuân Hương vẫn là chuyện hở nhưng kín và hướng chung là mỹ hóa. Phải chăng đó là một cách để giữ lấy sự trong sáng trước hết cho tâm hồn mình rồi nữa cho tâm hồn người tiếp nhận và đó là hướng nhân bản cao cả trong văn học sex. Trước bức tượng khỏa thân tuyệt tuyệt vời Thúy Kiều, người đọc đố ai biết được nó cụ thể là thế nào để vẽ lại. Nó chỉ tạo cơ sở cho mình tha hồ suy tưởng để mà ngây ngất, ngất ngây với nó. Thế là đủ. Chứ trần truồng ra, dễ thường sẽ rơi vào trạng thái nhục cảm động vật đơn thuần. Còn với văn học sex hôm nay ở nước ta là thế nào? Nhìn chung, thấy nó trần truồng quá, nó hở hoác ra cả mặc dù nó có công chúng nhất định. Đó đây đã có luận văn luận án về văn học sex trong đó đồng tình hơn là băn khoăn, thắc mắc. Nhưng liệu có thể an tâm với tình trạng đó hay là phải nghĩ khác. Mong được các tác gia văn học sex hôm nay nghĩ lại và thử so sành cách xử sự của mình hôm nay với cách xử sự của cha ông thưở trước, xem cách nào là có lợi cho cuộc sống hơn, cho đất nước hơn. Cũng mong các bạn đừng phe lờ sự thật là bên cạnh những người tán dương các bạn vẫn có những người cho rằng không phải là tất cả nhưng có một loại văn học sex hôm nay ít nhiều dính dáng với loại tranh ảnh và phim sex đã phá hoại thuần phong mỹ tục và dãn đến nhiều chuyện khủng khiếp mà báo chí hàng ngày vẫn đưa tin. Riêng tôi chỉ muốn nói lại cái ý đã nói : thời đại này là thời đại của sự lựa chọn. Mà muốn lựa chọn tối ưu thì chỉ chạy theo cảm hứng không thôi là hoàn toàn chưa đủ. Phải học hỏi thêm, phải nghe thêm người khác, phải có văn hóa thêm, phải suy đi tính lại để có sự lựa chọn tối ưu.
5. Vấn đề đổi mới để góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Làm gì cũng phải có mục tiêu. Không rõ những người đang nhiệt tâm đổi mới văn học đã nghĩ gì nhiều về mục tiêu chưa. Vì một giá trị nhân bản mới ư? Vì muốn hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa văn học nước nhà ư? Đúng đấy! Nhưng nói gì thì nói, cũng phải nghĩ nhiều, nghĩ trực tiếp đến sứ mạng xây dựng cho đất nước một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bởi đây là vấn đề sinh tử của Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta hôm nay. Cứ tưởng tượng rằng trong cuộc hội nhập thế giới sôi động chưa từng có này, đất nước sẽ giàu có lên nhiều nhưng về văn hóa mà không còn gì là bản sắc dân tộc nữa thì ý nghĩa cuộc sống sẽ là gì ngoài sự vô nghĩa. Một khẩu hiệu lớn đã được đề ra: “Hòa nhập mà không hòa tan”. Nhưng thực tiễn cuộc sống trong đó có văn chương nghệ thuật đang diễn ra là gì nếu không phải là nguy cơ bị hòa tan đang ngày một rõ nét. Ai sẽ chịu trách nhiệm trước hiện tình này? Dĩ nhiên trước hết là những người lãnh đạo đất nước. Nhưng còn toàn dân, trong đó có giới văn nghệ sĩ. Với cách đặt vấn đề như vậy, ở đây tôi muốn được những nhà văn nhà thơ trẻ đang khát khao đổi mới văn học hãy cùng suy nghĩ về một vấn đề vô cùng tai hại trong lịch sử đã gây nên sự hao hụt trầm trọng bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam mà tiếc rằng cho đến nay từ các nhà hoặch định chính sách văn hóa cũng như hầu hết người Việt Nam ta, kể cả số đông trí thức văn nghệ sĩ chưa nhận ra để có biện pháp khắc phục trong khi muốn xây dựng một nền văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói không sợ sai rằng chừng nào mà chưa nhận ra vấn đề này thì chừng đó khó mà ngăn chặn được sự hòa tan . Đó chính là sự áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trong đó có Việt Nam ta trên phương diện văn hóa và tinh thần[3] từ khi có cuộc “ mưa Âu gió Mỹ”, có sự giao lưu Đông Tây, đặc biệt rõ rệt là từ nửa sau thế kỷ XIX đến nay. Quả thật như thế. Quy luật về sự áp đảo là quy luật về mối tương quan giữa kẻ mạnh và kẻ yếu. Mạnh nên áp đảo được. Yếu nên bị áp đảo. Nhưng kẻ mạnh không phải cái gì cũng hay. Ngược lại kẻ yếu không phải cái gì cũng dở. Có điều là một khi đã bị áp đảo thì cái dở của kẻ mạnh cũng thành chiến thắng và cái hay của kẻ yếu cũng thành chiến bại. Lịch sử văn hóa Việt Nam ta từ khi có cuộc giao lưu Đông Tây, đặc biệt là trong gần một trăm năm nô lệ người Pháp là vậy trên mọi phương diện: từ triết lí nhân sinh cho đến đời sống chính trị, thiết chế xã hội, y học, y phục, thể thao, võ thuật, trò chơi, quan điểm nghệ thuật, lý luận văn chương, phê bình văn học…ít nhiều là thế. Cách mạng tháng Tám thành công, ý thức dân tộc có được trổi dây đáng kể nhưng cơ bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị áp đảo. Nói như trên không có nghĩa là phủ nhận sự nâng đỡ cũng rất lớn lao của văn hóa phương Tây trong công cuộc hiện đại hóa văn hóa văn học Việt Nam, Thêm nữa lại có chuyện thay chữ viết Hán Nôm bằng chữ quốc ngữ trong khi cả khu vực không nước nào thay chữ viết mà lâu nay người Việt Nam ta chỉ thấy cái được rất lớn mà chưa thấy cái mất cũng không nhỏ. [4] Hãy chú ý đến điều mà cố đạo Puginier là người từng hăng hái cổ động chính quyền thực dân Pháp ở Đông dương thay chữ viết đã nói: “thay chữ viết là thay cả một nền văn hóa”. Và chính Toàn quyền Pháp tại Đông dương là Decoux năm 1943 cũng đã nhận tội “thay chữ viết là làm cho con cháu người Việt Nam hôm nay không hiểu gì tổ tiên của mình nữa”. Đúng là thay chữ Hán Nôm bằng chữ quốc ngữ thì cái được rất lớn là dân chủ hóa được nền văn hóa văn học nhưng cái mất cũng không nhỏ là tạo nên sự gián cách lịch sử rất tai hại. Các nhà văn nhà thơ đang hăm hở đổi mới văn chương hôm nay nghĩ gì trước sự thật oái oăm đó. Liệu các bạn có nghĩ đến sứ mạng cao cả là đổi mới văn chương để góp phần phục hồi lại những giá trị văn hóa, tinh thần mà dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta trải qua mấy nghìn năm lịch sử đã xây đắp được nhưng đã bị những tai biến lịch sử làm hao hụt nhiều không. Ở trên, tôi có đề nghị với các bạn bên cạnh khát vọng đổi mới xin hãy thêm khát vọng làm sống lại những giá trị vĩnh hằng chính là điều liên quan tới vấn đề này. Xin thắp hương cầu nguyện và chờ mong ở các bạn là những người Việt Nam đã được Thượng đế ban cho phước lành là có nhiều năng khiếu văn chương nhưng mong được nâng cao tư tưởng và văn hóa hơn nữa trước những vấn đề đang đặt ra cho văn chương nghệ thuật của nước nhà.
Yên Hòa thư trai


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tản văn của bạn:


Dị mộng



Tôi nằm im nghe bão. Là nghe bão bởi xung quanh chả còn tiếng gì khác ngoài tiếng bão hết. Cả khu khám chữa bệnh tự nguyện của bệnh viện hôm nay yên ắng khác thường, tuyệt chẳng bóng người qua lại trừ người bác sỹ trẻ trực khám cứ đến giờ thì lại xuất hiện với chiếc xe đầy các dụng cụ y tế cùng thuốc men loẹt quẹt bước vào phòng để tiêm và phát thuốc cho bệnh nhân. 

Mưa và gió lớn đến từ đêm qua, tiếp tục tăng lên và ồ ạt vào sáng nay, khung cửa sổ nơi tôi nằm đã nhuốm màu xám xẫm. Tôi không thể nhìn thấy bầu trời bởi cả một vòm cây rộng lớn che kín hết không gian nơi khung cửa ấy. Chỉ thấy cảm giác buồn, mênh mông là buồn...

Mấy ngày này trong viện tôi luôn nằm mơ thấy cái chết. Đêm hôm trước tôi mơ thấy mình chết hai lần. Lần đầu tiên là bị xe ô tô cán phải. Cái chết đến nhẹ nhàng không đau đớn như tôi tưởng. Tôi chỉ thấy mình bị hất tung lên, nhẹ bẫng rồi tan trong gió. Khi phiêu du, tôi nghĩ hoá ra cái chết chỉ đơn giản là vậy.

Rồi tôi tiếp tục mơ mình lửng lơ, sau đó dừng trước một ngôi nhà năm gian, phía trước có một giàn thiên lý, ở bên dưới mái hiên và giàn thiên lý ấy tôi thấy những cô dì chú bác là họ hàng của mình đang ngồi xung quanh một chiếc bàn bằng gỗ dài, họ ăn mặc những bộ quần áo kỳ lạ, khăn xếp, áo tứ thân, dây xanh đỏ buộc ngang bụng. Trông thấy tôi, một người đứng dậy kéo tôi vào rồi họ túm chặt tôi lại, dán lên đầu tôi một thứ bùa chú viết lên giấy rồi quấn chặt lại như người ta vấn khăn tang. Hành động này giống hệt như người sửa xe đã làm thế với tôi trước khi tôi xảy ra tai nạn. Và bây giờ bà cô của tôi đang lầm rầm rồi nói lại câu cũng giống hệt như người thợ sửa xe của tôi nói, rằng tôi chỉ còn 6 giờ đồng hồ nữa thôi, chỉ còn sáu giờ nữa là tôi đã hết hạn sống ở dương gian, nghĩa là tôi đã tận số rồi, nếu không buộc bùa này lên đầu tôi sẽ chết. Tôi bảo tôi đã chết rồi còn gì, có người cũng đã dán thứ bùa này lên đầu tôi rồi nhưng tôi vẫn cứ chết đó thôi. Sau đó thì mặc họ túm chặt, tôi cứ vùng vẫy, vùng vẫy giật thứ bùa ngải trên đầu ném đi và nghĩ tới 6 giờ nữa mình sẽ chết rồi bừng tỉnh.

Đêm hôm sau tôi lại nằm mơ tiếp thấy cái chết. Nhưng người chết lần này lại là một người bạn, khi người ta báo với tôi là anh chết rồi, tôi ra khỏi phòng để họ đưa anh vào chuẩn bị khâm niệm. Tôi cứ đứng ở ngoài, bình thản, không sợ hãi cũng chẳng có ý niệm gì về cái chết. Giấc mơ cứ dài lê thê, không đầu không cuối, nhưng trong giấc mơ tôi gặp lại những người bạn cũ, rất lâu rồi không gặp họ, mà họ thì chả có liên quan gì tới người bạn đang nằm kia cả.

Chả hiểu sao, những giấc mơ chết chóc đó, những buổi gặp gỡ chóng vánh đó đều diễn ra ở một ngôi nhà xưa cũ, nó chỉ tồn tại trong trí nhớ của tôi chứ giờ không còn hiện trạng như xưa nữa. Ngôi nhà trong cái chết của tôi thì là nhà của gia đình dì ngày lâu lắm khi dì mới theo chồng về đó ở. Giờ ngôi nhà đó đã dựng thành một căn biệt thự, còn dì thì đã không còn chốn dương gian gần ba năm nay rồi.  Ngôi nhà trong cái chết của người bạn thì lại diễn ra ở nhà một người bạn khác từ những năm chúng tôi học cấp I, cây mắc cọoc quả vẫn sai lúc lỉu, bờ giậu bằng những cây gai kết lại, đứng bên này có thể nói chuyện với người ở nhà kế bên... Bố bạn đã mất khi cả bạn cùng ba em vẫn còn nhỏ. Trải qua thời gian khó khăn, khi bạn đi lấy chồng nơi khác, các em đã trưởng thành, mẹ bạn cũng đã bán ngôi nhà đó cho người khác để đến ở cùng người con trai... Cả hai ngôi nhà đã rất lâu tôi không còn ghé tới hay nhớ tới,  vậy mà chả hiểu sao trong giấc mơ nó lại hiện lên một cách rõ ràng như vậy, chân thực như vậy, quả là một điều lạ lẫm và ngạc nhiên quá đỗi...


Tôi thường tỉnh dậy sau mỗi giấc mơ như vậy giữa đêm, rất khó ngủ lại tiếp dù không hề có cảm giác sợ hãi. Tôi chỉ băn khoăn là khi trước, gặp những giấc mơ như thế tôi thường rất hoảng sợ. Đầu óc tôi khi đó rất cố gắng để tỉnh táo nói với tôi đó chỉ là giấc mơ thôi mà, chỉ là giấc mơ thôi rồi bảo tôi thức dậy đi, thức dậy rồi sẽ thấy chỉ là mơ thôi. Sau đó thì tôi nặng nhọc mở mắt và sợ hãi trong đêm, mồ hôi đầm đìa và đầu cảm giác nặng trịch. Vậy mà mấy hôm nay, gặp những giấc mơ như thế, tiếng nói của lý trí không lên tiếng đó chỉ là giấc mơ thôi, cho nên tôi nghĩ đó là thật, rất thật. Thậm chí khi tỉnh dậy giữa đêm tôi không nghĩ là mình đang còn sống nữa. Chỉ khác là tôi không thấy sợ hãi gì, bình tĩnh ngồi dậy, nhìn ra cái ô cửa tối om trong đêm vươn ra thứ ánh sáng quỷ dị từ chiếc đèn trong khuôn viên bệnh viện. ..

Tôi kể câu chuyện về giấc mơ đầu cho chị, chị bảo sinh dữ tử lành, mơ ta ra người... Mẹ thường hay nói vậy.  Tôi bảo, thế thì cũng không phải điềm lành rồi, nếu giấc mơ gắn với số phận một ai khác hẳn người đó phải là người thân thiết hoặc quen biết tôi, cho nên là ai mà gặp rủi ro thì cũng là điều không hay, tôi  buồn và lo lắng lắm... Thêm nữa tại sao cả hai người trong giấc mơ tôi cứ nhắc đi nhắc lại về cái thời hạn 6 tiếng đồng hồ ấy, liệu đó có phải là điềm báo gì không? Tôi cứ hồ nghi rồi mệt rã rời...

Nỗi phiền muộn khiến tôi càng cảm thấy rã rời, vị bác sỹ già lại bổ sung thêm seduxen vào đơn thuốc và tôi lại nén bỏ nó vào thùng rác ngay cạnh bàn uống nước trong phòng. Tôi biết mình không cần tới thuốc để có một giấc ngủ sâu không mộng mị. Bởi rằng thế nào giữa đêm tôi cũng cứ vẫn tỉnh giấc, chờ đợi một điều bấy lâu đã quen mà mong sẽ dần quên... Và, không biết còn bao nhiêu đêm tôi sẽ gặp lại cái chết như thế, phải chăng có một vài điều đang dần bỏ tôi, chui vào trong giấc ngủ trước khi ra đi vĩnh viễn? 

Trong cái vô hạn lại mong cái hữu hạn. Trong cái vô thường lại mong được bình thường. Giống như những giấc mơ kia, cái chết tưởng chừng chỉ là một giấc mộng, có đủ đầy cả những ký ức khuất chìm nơi ấy, ra đi trong yên bình...

 Tuân theo lẽ tự nhiên tất hẳn sẽ an bình, không còn thấy phiền muộn trước những điều không được như ý muốn. Nhược bằng tâm sẽ bất an. Tâm chưa an thì tình còn động. Đến khi tâm an thì tình cũng đoạn lỗi. Bởi tình cũng là do tâm mà sinh...

"Bão đã tan rồi. Bão tan nhanh như một cơn mộng". 

Chưa ai nói, bão tan nhanh như một cơn mộng cả, nhưng chị lại nói với tôi như thế.

Mong tâm chóng bình yên...


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đăng lại bài này:

Liên minh ma quỷ trí thức rởm và lưu manh – một phát hiện thiên tài của Vũ TrọngPDF.InEmail
Văn Chinh   

Bài tham luận tại Lễ tưởng niệm 100 năm sinh Vũ Trọng Phụng

Trên đường đến Cống Mọc ăn giỗ nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có nói về một bước ngoặt của bản đồ chính trị thế giới sau Thế chiến 2, là các chính khách bắt đầu chú ý đến giới trí thức, vận dụng triết học của họ vào chính trường, ví dụ, sau Hiện sinh của Jean Paul Sartre, Châu Âu không đánh nhau nữa mà chung sống hòa bình và hợp tác để mỗi cư dân sống tốt có một cuộc đời duy nhất của mình.
Đó là một nhận xét rất quan trọng. Hôm ấy, do chỉ cùng ngồi xe đi một đoạn đường ngắn, tôi chưa kịp nói những ý kiến mà hôm nay xin trình bầy tại đây, như sau.
Thực ra, ngay khi lập nước, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã dựa vào nền tảng tri thức luận của các trí thức ưu tú nhất thời ấy của xứ sở. Lenine từng nói một câu bất hủ: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.” Còn ở ta thì có một thành ngữ “Không thầy đố mày làm nên” xác lập địa vị không thể thay thế của trí thức. Tuy nhiên, ở Phương Đông, người ta mới chú trọng đến mưu sĩ – mà họ gọi là quân sư trong các âm mưu tranh bá đồ vương của mình, chỉ đến thế kỷ XX, phương Đông, trong đó có Việt Nam mới bắt đầu chú ý đến giới trí thức như một kiến trúc sư thời thế. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hại lần mời 2.600 đại trí thức đến Bắc Đới Hà làm Hội nghị Diên Hồng nhằm xin ý kiến tháo gỡ bế tắc hiện tại, vạch hướng tương lai; một lần bởi ông Đặng Tiểu Bình và mới đây bởi ông Hồ Cẩm Đào. Sau Đại hội VI, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp gỡ văn nghệ sỹ tại số 10 Nguyễn Cảnh Chân, số lượng ít hơn và khuôn khổ cũng chỉ xung quanh phạm vi quan hệ giữa Đảng và Văn nghệ sỹ chứ chưa phải là các sáng kiến làm cho đất nước sớm trở nên hùng cường, nhưng tiếng vang của cuộc gặp đã là rất lớn. Vâng, tôi ước mơ có một Hội nghị Bắc Đới Hà ở cả quy mô và phạm vi tương ứng, bàn luận rộng ra khắp các lĩnh vực, cố nhiên quan tâm hàng đầu của Hội nghị là xác định hệ thống lý luận kinh tế chính trị kết tinh được cả văn hóa Đại Việt lẫn tinh hoa tri thức thế giới hiện thời.
Chúng ta từng quá tin vào các trí thức ưu tú đại biểu mà không tính đến khả năng các tài năng bị quyền lực và nền hành chính làm tha hóa, làm diễn biến hòa bình sau một chặng dài nắm quyền lực của họ. Chúng ta cũng từng quá tin vào mặt phải của liên minh TRÍ THỨC – VÔ SẢN mà không tính đến sức mạnh của liên minh ma quỷ TRÍ THỨC RỞM – VÔ SẢN LƯU MANH, để cho đám âm binh này lớn nhanh như nấm độc sau mưa, như Xuân Tóc Đỏ - Văn Minh đủ thời gian áp sát liên minh chân chính, tạm gọi là Liên minh DƯƠNG và hậu quả là nó bị Liên minh ÂM làm xói mòn, lấn át.
Cố nhiên, chỉ những ai ác ý hoặc ấu trĩ mới suy luận rằng Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ (xuất bản năm 1938) để ám thị thời thế hôm nay. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều, một khi hình tượng của nhà văn trở thành chân lý nghệ thuật thì sức sống của nó sẽ văng xa vào mọi ngóc ngách đời sống, chẳng những giúp cắt nghĩa chuyện đã xa xưa mà còn giúp phòng ngừa bệnh trạng tái phát cho cả mai sau. Văn Minh – Xuân Tóc Đỏ là một ví dụ.
Văn Minh là một trí thức nửa vời, dạng như các con ông cháu cha bây giờ không đủ điểm sàn, bèn du học. Hắn chả học được gì, đã đành, vì ở Pháp người ta dạy học trò bằng tiếng Pháp mà cái “vốn tiếng Pháp Thanh Xuân một năm” thì không đủ để nghe giảng. Vậy thì Văn Minh học bằng cách bắt chước, là cái cách người Việt mình rất giỏi như TS Nguyễn Văn Huyên đã khảo sát thấy. Hắn bắt chước trò làm công nghiệp thời trang của người Tây, cả cái kiểu PR bằng truyền thông, bằng những hoạt động tài trợ sân quần vợt, tài trợ thi đấu, trưng bầy “bộ sưu tập tang lễ” dị hợm, lố bịch độc đáo trong đám tang ông nội của mình nhằm quảng bá lôi kéo thị hiếu của kẻ giầu xổi, đánh vào tính hãnh tiến rởm đời của họ v.v…Và, để kiếm tiền, hắn lao ra hoạt động xã hội thúc đẩy nhanh quá trình Âu hóa – bây giờ ta gọi à “hội nhập”, bất chấp hở hang, gợi dục cùng những hệ lụy của nó là trái với luân thường đạo lý và đi ngược lại với thị hiếu thẩm mỹ tinh tế của người Việt. Xin lưu ý, y phục tinh tế, đẹp và giản dị của Đại Việt giúp người Việt tự tin nó khác hẳn với anh nông dân dúm dó trong bộ Comples hoang mang như là kẻ đi mượn; biến ý thức độc lập tự chủ của dân Việt thành mặc cảm tự ti đồng hồ của Tây có bao giờ sai. Cũng xin lưu ý, một trong các hành vi đầu tiên của ông Đặng Tiểu Bình khi tái quyền là comples hóa, váy ngắn hóa Trung Quốc, giúp phá vỡ nhanh hệ thống bao cấp vì khi cả xã hội đã bị lôi cuốn vào thói đua nhau ăn mặc thì lập tức nó cuốn người ta vào cuộc trường chinh bất tận là đua nhau kiếm tiền; nhưng cũng nó góp phần phá vỡ nhiều gia đình, mà gia đình, về mặt triết học, đã là hạt nhân làm nên tầm vóc đế quốc Trung Hoa cổ trung đại. Hậu quả của nó, như mọi người đều biết, là chứng  “nội bế, ngoại nhiệt”- bên trong bế tắc, bên ngoài gây hấn, mất lòng ba bề bốn bên, là chứng nan y hiện chưa có thuốc chữa.
Phát hiện ra nét điển hình của trí thức rởm Văn Minh – một cái tên người có hàm nghĩa vừa dị hợm vừa ám thị, Vũ Trọng Phụng cũng nhìn ra tính chất và sức mạnh nguy hiểm của nó, của văn minh nhưng với thể tạng ốm yếu của mình – ông sẽ chết vì bệnh lao phổi một năm sau khi viết Số đỏ, ông liệu sức không thể “làm gì” nó, chỉ còn biết cười cợt nó, cảnh báo nó cho mọi người nhìn thấy. Ôi, nếu như ông còn sống đến năm 1987, thọ 75 tuổi thì Vũ Trọng Phụng thể nào cũng được mời dự cuộc gặp tại số 10 Nguyễn Cảnh Chân. Khi dự họp, nhất định ông sẽ không kêu khổ nhục, nhà văn chứ có là bố thiên hạ đâu mà không khổ nhục dưới một gầm giời khổ nhục; tôi tin chắc chắn nhà văn sẽ khuyên cần tránh cái họa compes hóa, váy ngắn hóa Việt Nam mà cần hội nhập bằng tất cả tinh thần Đại Việt ngàn năm và vĩ đại của mình. Nhưng lịch sử làm gì có nếu, thương ôi.
Trí thức rởm thì có thể liên minh với ai để tạo nên sức mạnh? Nó không thể bén mảng đến cửa nhà cụ nghè ông cử. Quan lại, những quan lại đứng đắn cũng cấm cửa loại người này. Giới thương nhân và công nghiệp đứng đắn thậm chí còn tránh Văn Minh như tránh hủi, vì nó đe dọa đến nghiệp nhà truyền thống của họ. Vậy thì hắn chỉ có thể liên minh với gã ma cà bông vô nghệ nghiệp là Xuân Tóc Đỏ - một gã vô sản lưu manh. Vũ Trọng Phụng tả gã: Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ thuở bé, ở với bác bị bác đuổi vì thói xấu vô đạo đức và Xuân trở thành kẻ lang thang bụi đời: "Thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát. Bán cao đơn hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiêu xảo khác nữa. ánh nắng mặt trời làm tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nó  nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục tuy nó tinh quái lắm, thạo đời lắm." Từng làm nhiều nghề, mỗi nghề lại mang đến cho gã môi trường sống mới, giúp phát triển tính cách và thủ đoạn sống mới như khi gã kiếm sống bằng nhặt banh ở sân quần vợt thì gã đã đặt được một chân vào cửa giới thượng lưu; nhưng Xuân có những mặt ổn định không hề thay đổi, đó là bản chất vô giáo dục, vô văn hóa. Còn chính Xuân thì miêu tả về mình một cách thủ đoạn, có khi chân thành như một thách thức: "Tôi thì danh giá quái gì. Hạ lưu. Ma cà bông. Nhặt banh quần. Không đứng đắn." có khi lại tỏ ra kiêu ngạo, hợm hĩnh một cách lố bịch. "Xuân Tóc Đỏ càng kiêu ngạo làm bộ làm tịch bao nhiêu thì lại được thiên hạ càng kính trọng bấy nhiêu!" Đó là các chiêu thức gã học được từ xã hội thượng lưu, có thể nói gọn, Xuân Tóc Đỏ quyết chí bầy ra hình ảnh siêu nhân của gã trước nhân quần, bằng tất cả mánh lới gã học được từ hầu khắp các môi trường sống của mình, từ hạ lưu đến thượng lưu, đặc biệt là giới thượng lưu rởm, trong đó có bà Phó Đoan và Văn Minh.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng viết về cuộc gặp giữa Văn Minh và Xuân qua môi giới việc làm của bà Phó Đoan. Đối với bà, là một cách quẳng đi chưa dứt khoát cái thằng người mà bà muốn nó không đứng đắn thì nó lại cứ đứng đắn, còn với Văn Minh, đây có vẻ như vô tình ngẫu nhiên, nhưng tài năng bộc lộ chính ở chỗ cứ như là ngẫu nhiên mà thực ra lại là tất yếu. Một xã hội phát triển, một công ty đang mở mang phát triển bao giờ cũng thiếu nhân công, cửa hàng Âu hóa của ông bà Văn Minh cũng thế và trong tình thế ấy, chẳng sớm thì muộn, hắn sẽ gặp những người như Xuân, không cần trí thức lắm, vì hắn kỵ trí thức, chỉ cần có vẻ trí thức là được rồi; Xuân lại quen thuộc cả hai thế giới thượng lưu và hạ lưu, đi về giữa hai chỗ này như ra vào nhà mình. Không ai thích hợp hơn Xuân Tóc Đỏ trong ý đồ mở mang phát triển hiệu may Âu hóa của Văn Minh. Nói một cách khác, liên minh giữa trí thức rởm với vô sản lưu manh là một tất yếu lịch sử trên tiến trình văn minh một xã hội. Hiện chúng ta có rất nhiều ví dụ sống về những kẻ như Xuân Tóc Đỏ và Văn Minh, nó như minh chứng sống về sự sống lâu bền của tác phẩm văn học mà, nói như Nguyễn Khải, “.Số đỏ’ là cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học."
Từ đây, cặp đôi Văn Minh Xuân Tóc Đỏ như hình với bóng, kẻ này tung, người kia hứng và ngược lại. Điều thú vị là tình huống phát triển truyện cũng là tình huống phát triển tính cách và mặc dù với giọng điệu phúng dụ cười cợt nhưng tác giả lại cực kỳ hiện thực trong khai triển tâm lý. Xuân từng nhặt banh quần thì, với sở trường trèo me hái sấu, gã nhanh chóng học lỏm mà biết chơi quần vợt; với kinh nghiệm bán thuốc lậu trên tầu điện ngoài bến xe, gã biết vài chiêu về y lý. Văn Minh liền mưu toan biến cái “sở trường”của liên minh thành sức mạnh, trước hết nhằm xây dựng hình ảnh trang trí cho liên minh do mình làm thủ lĩnh. Hắn giới thiệu Xuân nguyên sinh viên trường thuốc rồi khi xuất hiện tình huống ông nội ốm, hắn liền cho Xuân chữa bệnh dù biết chắc Xuân sẽ cho ông nội mình uống “nước cống” âu cũng là một cách kinh doanh. Nếu không khỏi, chắc Văn Minh sẽ có nhiều bài bào chữa, nói thí dụ, “chữa được bệnh chứ ai chữa được mệnh” và nếu khả năng này xẩy ra, Văn Minh sẽ ngư ông đắc lợi về món tài sản thừa kế. Nhưng may, Xuân là gã luôn luôn gặp may, thì số đỏ mà lại. Vậy là danh xưng Xuân – nguyên sinh viên trường thuốc trở thành quan Đốc. Với khả năng quần vợt của Xuân, hắn bơm thổi, hắn “đầu tư” bằng mánh lới để Xuân trở thành vô địch quần vợt. Và cao trào của tiểu thuyết đã được viết thật tuyệt vời bằng trường đoạn Xuân “chịu thua”nhà vô địch Xiêm La để tránh họa chiến tranh, gã trở thành người anh hùng cứu nước. Đây là một trường đoạn hấp dẫn bất ngờ vào bậc nhất, đến các đạo diễn Hollywood cũng phải ghen tị dù nó bộc lộ đầy khiếm khuyết ba via. Ở đây có sự tráo trở của phương pháp, cái ba via bịa đặt lại trở thành yếu tố nhấn đậm sự vô lối, sự lố bịch và kệch cỡm của một xã hội nhố nhăng như nước suối trong vừa hòa vào dòng sông ô nhiễm bởi cặn bã văn minh, lại tạo cho trận thi đấu quần vợt một không khí thời đại. Cho đến khi cổ động viên hô lớn "Xuân Tóc Đỏ vạn tuế, sự đại bại vạn tuế” thì tôi ngờ rằng đến chính Lỗ Tấn cũng phải giật mình.
Nhưng sức sáng tạo của người mà chỉ một năm sau nhà văn Nguyễn Tuân đã phải viết “Một đêm họp đưa ma Phụng” còn dồi dào, như nham thạch trào sôi từ núi lửa. Không thể không kinh hoàng khi ông hạ bút viết về cái vẫy tay của Xuân Tóc Đỏ chào quần chúng hâm mộ gã. Ông viết về cái chiến thắng thật của thói hãnh tiến  rởm, về cái chiến thắng thật của một liên minh ma quỷ giữa trí thức rởm và vô sản lưu manh thật tài tình và thật lắm dư ba. Dư ba đến mức, nó cho phép chúng ta liên tưởng đến cái vẫy tay chào thế kỷ của những kẻ lưu manh nhưng lại được chính nhân quần vồ vập đón chào.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang