Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Không đọc làm chi? Nếu còn mắt sáng? Chân không lỡ bệnh? Sao mình không đi?


TỪ CÁI KIẾN ĐẾN MỘT VÔ BIÊN ĐỜI

TỪ CÁI KIẾN ĐẾN MỘT VÔ BIÊN ĐỜI

(Nhân nghe khúc nhạc Nghêu ngao của Ns Châu Đăng Khoa phổ từ bài thơ Nghêu ngao chờ cơm của nhà thơ Trương Nam Hương)  
Lạp tạp ghi 
 Ngày lục xục, lạc xạc và tôi nghe ai đó kêu lên… “Thi sĩ đã tự sát!”. Hỏi ra mới biết, đó là những giả thi sĩ ngồi dưới chân giường phụng hiến thơ cho chân dài, là những trí thức đội mũ thơ trang điểm thêm cho cái văn bằng dỏm, là những tóc bạc vắt óc đến chảy cả nước mắt nước mũi nặn ra mấy câu tung hô…
Thi sĩ đã tự sát. Không, tôi không tin vì nhất định còn đó những thi sĩthứ thiệt và thơ sẽ không có những uế khí, ám khí, tử khí, không có kinh nguyệt và đờm dãi…
  Buổi chiều, bắt gặp bài thơ “ Nghêu ngao chờ cơm” của TNH, tôi tin là Thi sĩ chưa bao giờ chết và đột nhiên nhớ  bức tranh Con quỉ ngồi của Vrubel (1). Quỷ ngồi, vóc thân một người khổng lồ trên đỉnh núi cô đơn, tay buông thõng và chìm đắm trong suy tưởng, đang vận động  để thoát khỏi xác thịt của mình, thoát khỏi nỗi cô đơn vĩnh cữu… Bài thơ Nghêu ngao chờ cơm chỉ có mấy câu, thậm chí mấy từ nhưng thấp thoáng bóng dáng cái tứ của bức tranh. TNH như thế, đồng hành với Vrubel để vùng vằng vượt thoát lên nỗi cô đơn thân phận làm người…Vrubel dùng sắc đỏ của hoàng hôn ám ảnh, TNH mượn hình con giun cái kiến như những biểu tượng hèn mọn và đó là loại thơ không khoa trương, không ồn ào như một sự nín lặng đến tận cùng
Này em con kiến/ Luận về hạt cơm
Thân tôm phận tép/ Luận về cái nơm
 Bài thơ chảy đi trên những cặp đối xứng của tinh thần và thực dụng, lý và vô lý, thuận và nghịch, nhỏ bé và vĩ đại, cập và bất cập…Chú kiến chỉ cần hạt cơm như một lẽ sống còn và quẳng bỏ tất cả những chân lý định đề định nghĩa. Với kiến, Thượng Để đã chết từ khởi thủy không đợi đến tuyên ngôn hiện sinh của Heideiger. Ngược lại, tôm tép thì chỉ nói chuyện cái nơm như một lo âu nơm nớp, một ám ảnh bị săn bắt đuổi tận giết tuyệt… Và ngày lạc xạc, lục xục không đi ra khỏi hai phạm trù này: kiếm cơm và nỗi bất an triền miên dai dẳng…
 Rồi câu chuyện bóng núi sừng sững ngọn dựng lên với mây trời cô đơn đến bất tuyệt; một lòng biển sâu đáy vực đang to nhỏ thầm thì thiệt hơn:
 Núi cao chót vót/Luận niềm cô đơn
Mênh mông biển biếc/ Luận điều thiệt hơn
 Bước về hồi cuối của một tự sự, lời thơ bỗng đậm đậm lời nghi hoặc hỏi đoạn trường từ đâu (2), và đời bỗng mở đến vô biên với nhòe nhoẹt, quền quệt nước mắt…
Ta luận về nhau/ Những điều còn mất
Đời luận mãi đâu/ Cũng về nước mắt
 Tôi muốn nhấn mạnh, đây là nước mắt thực, không phải nước mắt “cá sấu” vờ vịt thương người, hay loại nước mắt lừa đảo tình ái, vẩn vơ yêu mịt yêu mòng. Vâng, cuộc sống đang bị tha hóa, vô cảm thì một chútnhen nhúm nghĩ cho phận người cũng hơn cả tấn thơ tình ái lăng nhăng xúc cảm nhầy nhụa làm vẩn đục thực tại…
Trong chừng mực, Nghêu ngao chờ cơm, như một góc ánh sáng soi chiếu vào những góc cạnh sần sùi của đời sống, phơi bày để tinh khiết nó chứ không phải để phê phán hay khóc than. Trong ý niệm này, TNH đã có một kết thúc có ý nghĩa…Tôi loáng thoáng nghe tiếng động của xoong nồi va nhau. Anh đang đói…chờ cơm vợ và hò.
 Chờ em nấu bếp/ Nghêu ngao anh hò…
 Là đói …lòng hay đói sống, đói những vần thơ sạch hay nung nấu cải táng những nhảm nhí, thơ nhảm nhí…Tôi không biết. Mỗi chúng ta có thể tự tham vấn…
***Buổi tối, lại may mắn hơn khi nghe nhạc sĩ Châu Đăng Khoa nghêu ngaobài thơ Nghêu ngao chờ cơm trong tiếng guitare của mình…Hình tượng thơ im lìm lần này đã có dịp bay lên và phô diễn cuộc ngày chon von đi từ bé mọn thấp hèn đến núi cao sông dài trời rộng, với những thuận nghịch xếp hàng …Tôi mê man…Đêm lập phương và im lặng róc rách tiếng guitare mộc của người nghệ sĩ tài hoa. Cái miệng móm mém những păm păm, í a í ới…Tiếng hát khàn đục và đêm thành ra một dị kỳ với ê hề khi giễu nhại khi hào khí, khi lổn nhổn một tiếng cười tịch mịch…Nói cho đúng, khúc nhạc không nằm trong dòng chảy giai điệu trữ tình quen thuộc của Khoa; đây là một vận động của cảm xúc trực hiện để cùngnghêu ngao, nghêu ngao đời, lang thang với cuộc ngày trên những gập ghềnh va đập…
Bài hát phổ thơ xây dựng ở chủ âm mi trưởng nhưng trường canh mở đầu đã có thêm một nốt quãng 2 ( fa thăng) nên mi trưởng không lộng lẫy, không rộn ràng âm vang mà như một hoặc nghi với Esus2Này em con kiến = sị mi fa si …Sị- si, chính thức là một quãng tám đủ dựng hình chú kiến con lớn dậy thành một chủ thể sống động trong cung bậc đời sống, cũng vĩ đại như con quỷ khổng lồ của Vrubel ở trên. Nhưng nếu hình tượng chú kiến con chỉ là một ảo giác thì hạt cơm là một thực tại, một thực dụng không thể chối bỏ và được định vị bằng hợp âmF#m7. Đến thân tôm phận tép âm nhạc càng lay lắt vực ngờ trong hòa âm Am6 với một nốt đô bình treo lên như dấu hỏi. Khép lại khổ thơ, giai điệu có hương chuyển về chủ âm nhưng nốt mi chủ lại biến mất, nhường đất cho một nốt quãng 3 ( sol thăng) để day dứt …Cái nơm trở thành hung thần ác sát, móng vuốt cạm bẫy giương ra. Không có nốt mi chủ để …bình yên. Một đoạn chuyển bằng tiếng đánh miệng pùm pum trong hòa âm F#m chuyển đến Esus2.
Núi cao chót vót luận niềm cô đơn. Thơ đã chuyển và nhạc đã bắt kịp tứ thơ khi chủ âm mi trưởng cắm neo và ở trọ trong bậc 4. Là A6 – phân biệt với A – để núi vẫn non nhưng lung lay mờ hoặc khi đối mặt với cô đơn trên mấy nẽo mây trời. Vâng, nốt mi chủ vẫn …biến mất…nên đối thoại của biển về điều thiệt hơn là không thể xác tín. Luận điều thiệt hơn= re sị sị sol. Chân lý, Thượng đế khoan hãy nói, nói ngay thiệt hơn ở đời vẫn là bất khả nan giải. Đen trắng, đúng sai…chỉ cách nhau một đường biên mỏng đến mong manh nên tiến trình chuyển động hòa âm ở đây chính là những quãng 2, quãng 6, quãng 9 …Cái điêu luyện tài hoa của người nhạc sĩ hé lộ ở đây, một tinh tế cảm nhận từ thơ đến nhạc…   
Nhan sắc nửa mùa luận về son phấn/ Sợi tóc nắng mưa luận về thời vận. Thơ đã chín và được âm nhạc chưng cất thành một vật phẩm thượng hạng. Vẫn giấu mình trong chủ âm mi trưởng, hai chi câu liên tiếp với 8 trường canh lại chốt chặt trong một hợp âm đơn giản: Am . Vâng, là Amcủa cung mi trưởng nên nghe ra cũng lắm não nề, vừa cà khịa những thui đen, vừa tở mở với những lạc lối của cuộc ngày…Nhưng giả như dừng lại ở đây, tôi nghĩ cả bài thơ lẫn khúc nhạc đều …thất bại. Thi sĩ Bùi Giáng vẫn tự tại ở đó với cái gọi là giải thực (decolonization), giải thực cho cái tinh thần bị tha hoá của người Việt: 
Gọi tên? Rằng một hai ba/ Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm
Thành ra khúc cuối của thơ và nhạc đã chuyển động đến bất ngờ. Bỏ quách những triết luận, bỏ quách những hoặc ngờ, chủ thể hay đối tượng, thực và phi thực có gì cần phân biết kia chứ; và nỗi đau hay niềm tuyệt vọng có khác mấy với tiếng cười, với mồ hôi thơm lừng của vợ bên bếp nấu…Thơ nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung không nhất thiết phải tải đạo…Basho chẳng phải đã tuyên ngôn “văn chương vô dụng” còn Tố Như tiên sinh cũng đã kêu lên "Văn chương tàn tích nhược như ti"…Một giọng thơ, một tiếng đàn, một quãng giai điệu…cuối cùng là một chậu hoa hồng thắp lên bình minh, một hương quỳnh để say trong đêm giả tưởng…
Nghêu ngao trong sự hòa tấu của thơ & nhạc có vẻ như đã làm được điều đó khi
Chờ em nấu bếp/ Nghêu ngao anh hò…
Và chủ âm mi đã phục sinh trong đoạn out của khúc nhạc, những nốt mi cao liên tiếp trải ra, mở rộng một vô biên đời, có cái kiến phận tép con tôm, có biển lớn với nhan sắc nửa mùa… Đời thực như thế, nó là thế. (C’est la vie). Không cần phải luận với lý giải phân vân. 
Em ơi thôi ta vui ta hò/Ta hò ta nghe chơi
Châu Đăng Khoa đang vui nhưng tuổi tóc bạc không cho phép anh hát nốt mi cao mà dành hạ xuống một quãng tám. Thành ra mi trưởng vẫn đầy những hòa âm quãng nghịch: E6- E9 và anh đang chép miệng pum pùm pum đến lải nhải rối môi. Đêm bỗng kỳ dị hay đời dị kỳ. Tôi không biết chỉ biết rõ nhất cái tin nhắn của vợ gọi về ăn cơm. Đói bụng rồi và cái anh ngoại đạo thơ nhạc như tôi đành bỏ cả thơ nhạc chạy về : vợ muôn năm và cơm vợ muôn năm …Sau cơm còn có cả hương hoa…Thiện tai thiện tai …!
Đêm Phú Nhuận 10/5/12 – LV


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Thấy hay thì đọc:


Huyền thoại về vợ tôi

ĐH

Hình ảnh: "Đường xa nghĩ đến sau này mà kinh!
(Kiều - Nguyễn Du)
Năm nay tôi bốn mươi tuổi và vợ tôi ba mươi sáu tuổi, nhưng bạn nghĩ gì nếu biết rằng mỗi ngày tôi phải ru nàng ngủ, thay tả lót cho nàng và cho nàng bú sữa bình?
Đừng tưởng là tôi muốn nói bóng gió gì đâu nhé. Vâng, ngay lúc tôi đang viết những dòng này thì nàng đang khóc oe oe kia, tôi xin phép được ngưng giây lát để đi pha cho nàng một bình sữa.
Có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa cái tuổi ba mươi sáu của nàng và số tháng mà chúng tôi lấy nhau. Vâng, chúng tôi lấy nhau đúng ba mươi sáu tháng và sự trùng hợp đó làm tôi kinh hãi. Bởi vì như thế có nghĩa là, cứ mỗi tháng sống chung với nhau, vợ tôi trẻ ra thêm một tuổi. Và ba mươi sáu tháng đã trôi qua, bây giờ nàng biến thành đứa trẻ sơ sinh nằm khóc oe oe trong nôi, miệng lúc nào cũng có cái núm vú cao su.
Tuy vậy trong mấy tháng đầu nàng đã làm tôi ngạc nhiên sung sướng: da mặt căng ra, môi đỏ tươi, tóc đen mượt hơn, mắt long lanh sáng. Ai cũng hỏi tôi đã cho nàng uống thuốc gì, chế độ ăn uống ra sao mà trẻ ra như vậy. Chính tôi cũng rất ngạc nhiên về điều ấy. Nhìn vợ đẹp lộng lẫy, trẻ trung như cô gái hăm lăm, hăm sáu tuổi, tôi rất hạnh phúc, có ngờ đâu đó chính là sự mở màn cho thảm kịch ngày hôm nay: thức khuya dậy sớm lo chuyện bú mớm, thay tả lót, đổ bô, xi đái… người tôi gầy rạc đi, mắt lõm sâu, tóc lốm đốm bạc.
Thực ra thì trong tuần trăng mật nàng cũng là một người đàn bà bình thường, chững chạc, đằm thắm. Nhưng câu chuyện cười ra nước mắt này bắt đầu từ cái buổi sáng nàng đòi đi uốn tóc. Nàng hỏi tôi thích kiểu tóc gì, tôi đáp:
-Ở tuổi em thiếu gì kiểu tóc đẹp, tùy em lựa chọn.
Thế là nàng đi mút chỉ. Xế chiều nàng trở về với một chùm lông nhím trên đỉnh đầu và trước trán vắt vẻo một cái đuôi chồn.
-Em uốn tóc kiểu gì vậy?
Nàng mỉm cười nhún vai, vừa soi gương vừa nói:
-Môđen mới nhất hiện nay ở Châu Âu. Y hệt trong catalô.
Nhưng nào phải chỉ có kiểu tóc, nàng còn diện một bộ đầm jeans rất nhiều lỗ: phía dưới là cái jupe cực ngắn, phía trên là cái gì giống như áo thun ba lỗ cũn cỡn, cũng bằng vải jeans.
Tuy nhiên nói cho công bằng, trong bộ vó ấy, kiểu tóc ấy, trông nàng trẻ ra đến mười tuổi. Điều đó đôi lúc làm tôi rất tự hào.
Ba tháng sau, nhằm sinh nhật của nàng, tôi đề nghị tổ chức một tiệc trà nhỏ mời bạn bè đến chơi. Nàng từ chối:
-Bạn anh toàn các ông cụ non. Mời đến nói chuyện chính trị em chán lắm.
-Vậy mình tổ chức như thế nào?
-Anh với em đi nhảy đầm.
-Nhưng anh có biết nhảy đầm đâu?
-Thì anh ngồi coi em nhảy.
-Nhưng em nhảy với ai?
-Mình sẽ đi với vài người bạn nữa.
Đêm đó tôi ngồi chịu trận suốt ba tiếng đồng hồ. Nàng nhảy Lambada rất điêu luyện. Đến một giờ sáng nàng mới chịu cho tôi đưa về nhà. Tôi mệt quá, ngủ thiếp đi. Sáng ra thức dậy tôi gần như hoảng hốt khi thấy nằm bên cạnh tôi là một cô gái trẻ măng gần như chỉ đáng tuổi con tôi, nhưng căn cứ vào quần áo nàng mặc trên người tôi biết nàng là vợ tôi.
-Sao anh lại có vẻ hoảng hốt vậy? Nàng mỉm cười hỏi.
Trời ơi, tôi kêu lên và đem cho nàng cái gương soi. Trông em như một thiếu nữ mới mười bảy tuổi.
Nàng ngắm nghía mình trong gương và cười khanh khách.
-Có gì đâu, đó là do chịu khó nhảy đầm. Nhảy Disco, Lambada cũng như tập aerobic vậy. Nó làm cho người ta trẻ ra.
Nói xong nàng đứng dậy vặn nhạc, vừa giựt “xun” vừa bước vào phòng tắm.
Tôi cũng chuẩn bị thay đồ để đưa nàng đi làm.
Lúc ra xe nàng nói:
-Xe này chán quá. Bố mua cho em chiếc Honda 250 phân khối mới được.
-Không nên em ạ, tôi nói, trong thành phố đi nhanh rất nguy hiểm.
Khi đưa nàng vào cơ quan, tôi ghé sạp báo gần đó để mua mấy tờ báo xuân. Chừng mười phút sau đã thấy vợ tôi chạy ra khóc bù lu bù loa.
-Chuyện gì vậy? Tôi hỏi.
-Họ không cho em làm việc.
-Tại sao?
-Họ tưởng em là người lạ xâm nhập cơ quan. Họ gọi công an.
Tôi giận quá, dẫn vợ tôi vào gặp Giám đốc.
-Chào anh, Giám đốc tươi cười nói, anh đến có việc gì?
-Thưa đồng chí, hôm nay chẳng hiểu sao người ta không cho vợ tôi vào sở làm.
-Đứa nào thế? Sao vô lý thế?
Vợ tôi khóc thút thít:
-Chính là chị Tâm, kế toán trưởng.
Giám đốc nhìn vợ tôi, bảo:
-Vậy thì cháu ra mời mẹ cháu vô đây. Chú hỏi xem sự thể ra sao.
Tình thế trở nên phức tạp, tôi nói ấp úng:
-Thưa, đồng chí lầm rồi ạ. Đây chính là vợ tôi, thủ quỹ của cơ quan đồng chí.
Giám đốc trố mắt nhìn tôi:
-Anh không đùa đấy chứ? A, hay là anh muốn xin việc cho cháu? Thế nào cháu đã tốt nghiệp cấp ba chưa?
Tôi chỉ biết kêu trời. Khổ thay, nhìn lại vợ mình thấy mặt tròn như trăng rằm, tóc môđen quá cỡ, dáng gọn ghẽ, ngực vồng lên, săn chắc. Đúng là cô bé mười bảy tuổi. Biết giải thích thế nào đây?
Tôi đành dẫn vợ ra về. Nàng bảo tôi ghé tiệm bánh kẹo mua cho nàng một bịch ô mai rồi bảo:
-Cóc cần. Làm việc với mấy mẹ sồn sồn chán chết. Anh cho em đi học lớp diễn viên điện ảnh đi.
Tôi chiều ý nàng.
Một tháng sau, khi tôi đang ngồi làm việc ở cơ quan thì có điện thoại bảo rằng vợ tôi bị tai nạn giao thông đang được cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Tôi chạy bay tới, thấy nàng đang mê man bất tỉnh. Bác sĩ trực là bạn tôi, ông nói:
-Khổ quá, con gái anh đua xe trong thành phố.
Tôi thấy không phải lúc đính chính liền hỏi:
-Tình trạng nạn nhân ra sao?
-Có khả năng bị chấn thương sọ não. Tôi đã chụp hình để xét nghiệm.
Hôm sau tôi trở lại bệnh viện. Rất may vợ tôi không bị gì nghiêm trọng. Nàng đã tỉnh lại. Bác sĩ mời tôi điếu thuốc và hỏi:
-Cháu học lớp mấy rồi?
-A… lớp… lớp mười.
Bác sĩ chặt lưỡi:
-Anh chiều con quá. Sao lại cho nó đi xe 250 phân khối. Nó chạy tốc độ 100 cây số giờ đấy.
Tôi cười ra nước mắt.
Một tháng sau vợ tôi bình phục. Tôi đưa nàng về nhà. Nhìn đi ngắm lại, rõ ràng nàng không còn là vợ mình nữa. Nhưng chẳng lẽ lại là con mình? Tôi buồn bã nói:
-Này em, em có thấy là mình đã thay đổi quá nhiều không?
-Em thấy chứ. Nhưng điều đó có gì là xấu. Bây giờ là thời đại của tốc độ, của mốt, của vũ điệu Lambada… sao anh lạc hậu quá vậy?
-Nhưng em nên nhớ rằng em đã ba mươi sáu tuổi. Nếu chúng ta có con sớm thì em đã là bà ngoại rồi, thế mà em ăn mặc quái đản, tóc xù lông nhím, nhảy Lambada và còn đua xe trên xa lộ nữa.
Nàng chu mỏ, nhạo tôi:
-Bố ơi, cuộc đời thật là ngắn ngủi.
Hôm sau nàng gom hết quần áo của mình lại thành một đống rồi nhét vô bao bố. Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Em làm trò gì vậy?
-Những thứ này bỏ hết. Anh may cho em một chục cái áo dài trắng.
-Nhưng đó là đồng phục của nữ sinh cấp hai, cấp ba. Em mặc làm gì nhiều thế?
-Tụi bạn em đều mặc như thế. Và nhớ mua xăng-đan trắng nữa nhé.
Tôi đành chiều ý nàng. Nàng còn đòi tôi sắm cho một chiếc xe đạp. Từ đó nàng mặc áo dài trắng, quần trắng, xăng-đan trắng, đạp xe đạp đi vòng vòng khắp nơi. Buổi chiều nàng đem về một lô sách báo nào là Mực Tím, Áo Trắng, Tuổi Ngọc, Tuổi Hồng… ngồi đọc ngấu nghiến, đọc xong lấy tập ra viết lưu bút.
Hôm sau nàng đưa cho tôi một bài thơ.
-Bố ơi, bố tìm cách đăng báo giúp em nhé.
Cũng may những tờ báo nàng đọc tôi đều quen thân nên mặc dù bài thơ không hay lắm cũng được cho ra mắt độc giả. Nàng có hứng, sáng tác liên tục.
Tiếc thay khi tên tuổi nàng đã khá nổi trong giới học trò thì cuộc hôn nhân của chúng tôi đã bước sang tháng thứ ba mươi mốt. Bấy giờ nàng không còn là cô thi sĩ mười lăm tuổi nữa mà chỉ là một em bé lên năm học mẫu giáo. Nàng quên ráo mọi chữ nghĩa, quên cả đánh răng mỗi sáng, rất sợ tắm rửa nên mình mẩy đầy ghét bẩn, đầu tóc thì đầy chí và tệ hại hơn nữa: nàng quên nàng là vợ tôi. Nàng gọi tôi bằng bố và xưng con một cách âu yếm. Tôi cũng không còn mặt mũi nào tự nhận là chồng nàng. Từ đó tôi lâm vào cảnh gà trống nuôi con mặc dù nàng không hề là con tôi.
Sang tháng thứ 32 của cuộc hôn nhân, nàng đòi tôi mua cho nàng một con ngựa gỗ, một con búp bê và một cái xe đạp ba bánh. Mỗi chiều đến trường mẫu giáo đón nàng về, tôi đều phải mua cho nàng một bịch xirô đá, không thì nàng khóc lóc thảm thiết.
Nhưng điều khổ tâm nhất là nàng hay đòi đến Sở Thú để đi máy bay. Tôi đứng ngoài rào nhìn nàng quay vòng trên cao, nghĩ đến những ngày thơ mộng của chúng tôi hồi mới lấy nhau mà ứa nước mắt.
Chỉ một tháng sau đó nàng bắt đầu nói ngọng. Tôi bế nàng trên tay, nàng cứ bi bô chỉ trỏ vào cái chuồng khỉ:
-Kon Kỉ. Kon Kỉ.
-Con khỉ đang làm gì? Tôi hỏi.
-Kon Kỉ kóc.
Tôi thở dài buồn bã và tuyệt vọng.
Ngày kia các cô giữ trẻ báo cho tôi biết rằng nàng bị chứng bại liệt, không thể đi đứng được nữa và đề nghị tôi đưa nàng đi bệnh viện. Tôi bế nàng trên tay, vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện vì tôi biết rằng đó không phải là chứng bại liệt mà chẳng qua đã đến giai đoạn nàng biến thành một đứa hài nhi.
Tôi ủ nàng trong chiếc khăn tắm màu đỏ chói (đó là chiếc khăn mà nàng đã tặng tôi trong tuần trăng mật) rồi ôm nàng trước ngực lủi thủi đi về nhà.
Tôi quyết định tự mình nuôi nàng trong phòng riêng vì không muốn người ta khám phá ra bi kịch của mình.
Bây giờ chúng tôi đang ở trong tháng thứ ba mươi sáu kể từ ngày cưới. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng tôi trong tháng thứ 37, 38.
Chẳng lẽ lúc ấy nàng biến thành một cái bào thai?
Nếu thế thì cái bào thai ấy sẽ nằm trong bụng ai?
Tôi chợt giật mình, sờ lên bụng, xuất hãn đầm đìa.
  


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trích TT Đ.H :



BÙ KHÚ TIÊN SINH – truyện dài

BU KHU 011.

Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng không tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa.
Tương truyền thời trai trẻ cũng có đi học nhưng thi mãi không đỗ nên suốt đời làm anh nhân viên quèn, bèn xoay nghề thi phú nhưng cũng không thành công, tác phẩm chẳng ai biết tới. Lại thử ra kinh doanh mở quán rượu thì bạn bè kéo tới nhậu nhẹt mà khất nợ nhiều quá, lỗ vốn phải dẹp tiệm.
Một ông già ngoài năm mươi như thế ít khi được các bà các cô để mắt tới, và tiên sinh thì cũng chẳng buồn trò chuyện với ai, tối ngày khép kín trong cái am như một nhà tu, một ẩn sĩ.
Ngày nọ, nhân lúc cao hứng, tiên sinh “diện” một bộ đồ thể thao, tà tà thả bộ dọc bờ sông, ra cái vẻ ta đây vẫn còn phong độ.
Không biết từ lúc nào hiện ra một bãi bồi nhỏ, trên đó mọc lên một quán cà phê xinh xắn.
Quán vắng khách, tiên sinh bước vô mà không thấy ai ra tiếp, bèn đằng hắng rồi kéo ghế ngồi dưới gốc cây bàng. Lát sau có một cô nương chừng ngoài ba mươi, yểu điệu bước ra từ lùm cây xơ-ri thấp và đầy trái chín.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vui để lại... buồn:


Những nhà khoa học người Việt ở NASA

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh
Khi có dịp đến thăm phòng trưng bày thành tựu chinh phục không gian của NASA ở Houston, bang Texas, những người Việt Nam sẽ không khỏi cảm thấy tự hào khi thấy tên của một người Việt được trang trọng tôn vinh, đó là giáo sư – tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Vinh, người đã vạch quỹ đạo cho những phi thuyền Apollo của Mỹ lên được mặt trăng. Khi còn ở Việt Nam ông là Tư lênh Không quân QLVNCH và là nhà văn  Toàn Phong  nổi tiếng với tác phẩm Đời Phi Công được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961.
image

Vạch quỹ đạo lên mặt trăng

Nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh đã nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về tính toán quỹ đạo tối ưu cho những chuyến bay lên mặt trăng dưới sự bảo trợ của Cơ quan Hàng không và không gian Mỹ NASA. Ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên ở Đại học Colorado được cấp bằng tiến sĩ khoa học không gian vào năm 1962 với công trình này.
image
Thăm viếng Bộ Tư Lệnh Không Quân Hoa Kỳ Thái Bình Dương ở Honolulu(1962)
Những lý thuyết của Nguyễn Xuân Vinh đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên được mặt trăng thành công và sau này được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền con thoi trở về trái đất.
image
Quỹ đạo vệ tinh co lại do sự cọ xát với bầu khí quyển
Ngoài tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh, suốt 40 năm qua hàng trăm chuyên gia người Việt các thế hệ đã nối tiếp nhau để lại nhiều dấu ấn trong những thành tựu của NASA. Chỉ tính riêng cơ quan Ames Research Center của NASA ở Moffett Field, bang California đã có hơn 100 chuyên gia là người Việt. Bay vào vũ trụ dài ngày
image
Tiến sĩ vật lý thiên văn Trịnh Hữu Châu (Eugene H. Trinh)
Một trong những chuyên gia người Việt như vậy là Tiến sĩ vật lý thiên văn Trịnh Hữu Châu (Eugene H. Trinh), làm việc trong Phòng thí nghiệm phản lực (Jet Propulsion Laboratory – JPL) của NASA. Tiến sĩ Trịnh Hữu Châu sinh năm 1950 tại Sài Gòn, đỗ Tiến sĩ vật lý ứng dụng Đại học Yale năm 1977, ông đã trở thành nhà du hành vũ trụ trên chuyến tàu con thoi Columbia 12 số hiệu STS-50 năm 1992, bay lên trạm không gian Skylab trong chuyến bay dài 13 ngày – dài nhất trong toàn bộ chương trình tàu con thoi. Cùng làm việc ở Phòng thí nghiệm phản lực còn có tiến sĩ Nguyễn Thành Tiến, người đã được NASA trao Huy chương ngoại hạng vì những đóng góp quan trọng trong chương trình Galileo đưa phi thuyền thám hiểm sao Mộc. Thế hệ khoa học 6X
image
Nhà khoa học Bùi Trí Trọng, người Mỹ gốc Việt, chuyên gia về động cơ hỏa tiễn của NASA.
Hiện nay, những gương mặt thuộc thế hệ 6X trở về sau chiếm đa số trong cộng đồng các nhà khoa học người Việt ở NASA. Trong đó, có thể kể tới Tiến sĩ hàng không và không gian Bùi Trí Trọng, hiện đang làm việc ở trung tâm nghiên cứu Dryden Flight Research Center ở Edwards, bang California.
image
Bùi Trí Trọng, sinh 1965 tại Sài Gòn, đỗ Tiến sĩ tại Đại học Stanford, sau đó anh làm việc cho Glenn Research Center của NASA từ 1997 với công việc khởi đầu là kỹ sư hàng không, hiện anh đang làm việc với tư cách chuyên gia nghiên cứu và thử nghiệm các loại tên lửa. Tiến sĩ Bùi Trọng Trí là một trong những tên tuổi của ngành hàng không thế giới.Nhà khoa học 25 tuổi
Một trong những gương mặt trẻ tuổi nhất là nhà khoa học Đinh Bá Tiến. Năm 2004, khi mới chỉ 25 tuổi và đang theo chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ về tin học tại Đại học Huddersfield ở Anh. Đinh Bá Tiến đã vượt qua hàng trăm ứng viên khác trên khắp thế giới và được tuyển chọn vào chương trình nghiên cứu trí thông minh nhân tạo của NASA để chế tạo các phần mềm điều khiển robot, phi thuyền tự hành.

Tham gia chế tạo kính thiên văn

image
GS Nguyễn Xuân Vinh & Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiền 
Từ khi còn là học sinh cấp 2 ở Đà Nẵng, Nguyễn Trọng Hiền đã say mê Vật lý và Thiên văn học. Năm 1981, khi sắp tốt nghiệp cấp 3, anh đi sang Mỹ định cư theo sự bảo lãnh của người anh. Vừa đặt chân đến thành phố Los Angeles , với vốn tiếng Anh khá thành thạo đã được chuẩn bị từ khi còn ở Việt Nam , Nguyễn Trọng Hiền đã theo học khoa Vật lý của trường Đại học Berkeley ( University of California at Berkeley ). Tốt nghiệp, anh tiếp tục theo học bậc Tiến sỹ tại Đại học Princeton với chuyên ngành nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ. Anh là người Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sỹ tại đại học này.
Công việc Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền là phụ trách mảng nghiên cứu chế tạo thiết bị quan sát thiên văn vũ trụ. Dự án mới nhất anh đang thực hiện là nghiên cứu chế tạo kính thiên văn cho đài thiên văn vũ trụ hợp tác giữa NASA và Cơ quan không gian châu Âu (ESA), dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2007.
image
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền trước Đài thiên văn Keck.
Ngoài những công việc nghiên cứu tại NASA, Tiến sĩ Hiền còn cộng tác rất tích cực với Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam . Được biết, anh cũng đang xúc tiến cùng các nhà khoa học trong nước thành lập một cơ sở đào tạo khoa học cho các em học sinh ở Việt Nam .
image
Đó mới chỉ là một số gương mặt tiêu biểu trong số hằng trăm nhà khoa học gốc Việt đã và đang làm việc, góp phần xây dựng và phát triển nên ngành khoa học không gian hùng hậu và nổi tiếng của nước Mỹ ngày nay


Phần nhận xét hiển thị trên trang