HỌC LÀM NGƯỜI
Truyện ngắn; Phạm Thuận Thành
Hắn có hat-trich tiền án, kẻ văng mạng, kẻ bất cần đời. Ngày hắn ngủ để tối đi lần sờ hàng xóm kiếm ăn. Con ngan con gà, cái gáo cái chậu, thượng vàng hạ cám gì hắn cũng vơ. Hắn còn phải nuôi cô vợ ốm yếu và hai đứa con nhỏ. Hắn tuyên bố xanh rờn: Thằng này thích ở tù hơn ở nhà. Ở tù không bao giờ bị đứt bữa. ở tù được bình đẳng không có những con mắt nghi kị xa lánh của người làng. Chả ai thèm dây với hắn. Dây với hắn sẽ bị hắn lân la làm quen rồi mượn đồ hoặc để ý ăn trộm. Mà cho hắn mượn đồ là đi đứt luôn, vì hắn sẽ chuyển đồ dùng thành mỳ tôm cất vào bụng đừng hòng đòi lại. Chửi sợ hắn thù, hắn ném gạch vào nhà, hắn rình rập trộm cắp. Bắt được hắn cũng chả để làm gì. Đưa hắn lên công an xã chỉ tổ rách việc. Mất công lập văn bản, mất công giáo dục rồi thả. Giữ hắn thì mất oan bữa ăn. Trộm vặt, hoặc trộm vặt chưa thành làm gì đáng tội để truy tố ra toà. Lại còn tai tiếng địa phương, lại còn thành tích cảm hoá người lầm lỗi. Hắn cứ sống nhơn nhơn như thế trong sự căm ghét của người làng, trong sự mong muốn có ai đó bạo tay trừng trị hắn.
Đương lúc hắn tự tung tự tác vậy thì tôi thuê được nhà mở cửa hàng sách ngay đối diện nhà hắn. Lập tức bị hắn nắn gân: nào xin nước uống, nào xin nước ăn, nào nấu mỳ tôm nhờ, nào mượn rổ rá...Hắn tỏ thái độ ngọt nhạt, thứ ngọt nhạt tiềm ẩn đầy nguy cơ. Tôi cũng phải ngọt nhạt đáp lại mua láng giềng gần. Không muốn dây nhưng hắn vẫn cứ dây. Vì thực sự hắn chẳng có khả năng dây với ai ở làng này cả. Thành thử lúc nào tôi cũng phải căng sợi dây đàn để trông chừng hắn. Khi đã thân thân hắn khoe tên khai sinh là Văn Văn Sách. Họ Văn tên Sách nên hắn kính trọng tôi vì là chủ cả một nhà sách. Hắn còn đùa, bảo nếu coi hắn như một cuốn sách thì tôi cũng là chủ của hắn luôn. Hắn cũng biết sách chứa nhiều điều hay, đáng tiếc cuốn sách hắn được xã hội viết nên những dòng khó đọc quá. Tôi chợt nảy ra ý định khuyên hắn đọc sách, biết đâu mỗi ngày tích một ít điều hay của thiên kinh vạn quyển thì cuốn sách hắn trở thành cuốn sách hay sách quý thì sao. Hắn hỏi chẻ hoe:
- Bác có dám cho em mượn sách không? Em báo trước, em mượn là em sẽ nhóm bếp đấy. Bác trông, nhà em làm gì có cóc khô gì để đun.
- Cái đun thì phải kiếm chứ. Quét lá, dẫy cỏ. Gốc rạ đầy đồng đấy. Sao lại xé sách. Đây chú cứ mang về mà đọc đi, anh không cần chú phải ký mượn. Nói thật, chú ham đọc thì anh mừng. Ham đọc sẽ yêu sách quý sách. Chú trả anh lại cho mượn quyển khác. Chú không trả thì anh mất một quyển sách , đáng gì. Nếu mất, anh tiếc là mất niềm tin và lớn hơn là mất cơ hội làm người bình thường của chú thôi.
- Bác nói cứ hay như đài. Ừ thì em mượn, quyển mong mỏng thôi, có xé đỡ thiệt cho bác.
Ngày nào hắn cũng đổi sách, kể cả sách mượn rồi hắn vẫn vô tư mượn lại. Kèm lời trấn an Bác đừng lo, em đã xé là xé cả quyển chứ không thèm trò mèo, xé một hai tờ đâu. Tất nhiên tôi phải tự kiểm tra, nếu hắn xé là biết ngay. Từ ngày trở thành người ham sách hắn bắt đầu ra giọng quát con học bài. Ở bên này nghe rõ hắn nói với con: Bố mày nên người nhờ đọc sách. Mà đọc được sách là nhờ đi học. Mày phải học thật giỏi để nay mai đọc được sách đấy nhớ. Cũng từ ngày hắn ham sách, hàng xóm ít thấy than phiền mất gà mất chậu.
Một thời gian sau hắn nói với tôi:
- Bác tưởng em mượn sách của bác để đọc thật à. Hơi đâu mà đọc. Chẳng qua em muốn học làm người thì em phải mượn sách và tập yêu quý sách mà thôi. Cũng để con em chăm học. Còn xóm giềng thì nhìn em khác đi. Bác hiểu chưa.
PTT
Phần nhận xét hiển thị trên trang