Inrasara. Văn học Việt Nam 2012, vài điểm nhấn
Cứ một tín hiệu vui vừa lóe lên là một tin buồn xuất hiện, tối với sáng cứ xen kẽ giằng co nhau, như thể muốn níu nền văn học nước nhà mãi ở lại cõi trung bình. Là tình trạng văn học Việt Nam năm 2012.
1. Mới ra giêng, đã xảy ra “thảm họa dịch thuật”. Thế giới mở, nhu cầu tiếp nhận thông tin từ bên ngoài là rất lớn. Hạn chế về ngoại ngữ, nên dịch thuật là điều tối cần thiết, để đất nước hội nhập với thế giới. Sau mở cửa, từ nỗ lực cá nhận hay tập thể, cả ngàn tác phẩm văn học trên thế giới được chuyển ngữ sang tiếng Việt, lần lượt ra đời. Thế nhưng, theo giới chuyên môn nhìn nhận, chất lượng của không ít sản phẩm kia đáng đặt thành câu hỏi. Dẫu nghi vấn tới đâu, người đọc Việt Nam vốn dễ tính vẫn an tâm với bản dịch lưu hành, khi chúng được đóng dấu son của dịch giả tên tuổi. Đùng cái, tác giả Hà Thúc Lang ở trang mạng tận hải ngoại làm cái thống kê chết người: hơn 3.000 lỗi trên 427 trang sách. Khi đó, tất cả mới giật nẩy mình.
Quyết định thu hồi tác phẩm Bản đồ và vùng đất vào giữa tháng 3-2012 của Công Ty Nhã Nam ngay trước thềm Hội sách diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, đã gây chấn động dư luận. Vì đó là dịch phẩm do một dịch giả thuộc dạng sao là Cao Việt Dũng dịch tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả thời danh người Pháp là Michel Houellebecq. Nên nó đã tạo xì-căng-đan, đến nỗi có người đã cho đây là “thảm họa dịch thuật năm 2012”!
2. Dư âm thảm họa dịch thuật chưa qua, thì văn đàn Việt Nam lại nảy ra sự cố khác: sự cố hội thảo về thơ… thần.
Hiện tượng thi sĩ trong “phút linh” có thể viết như thần nhập, xưa nay trên thế giới, có. Hiện tượng Hoàng Quang Thuận được “tiền nhân mượn bút” viết như lên đồng, cứ tạm cho là thật. Cả khi tập thơ Thi vân Yên Tử được dịch ra vài ngoại ngữ và được “gửi đi dự giải Nobel văn chương”, cũng ít ai lấy gì làm ngạc nhiên. Sự thể mấy thi sĩ tự huyễn về sự vĩ đại của mình chẳng phải là chuyện mới. Chỉ khi hiện tượng kia được tạp chí Nhà văn – Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức hội thảo tại hội trường Hội, ngày 8-8-2012, thì mới có chuyện. Bởi Hội Nhà văn Việt Nam là hội chuyên ngành vốn được xem là cơ quan bảo chứng uy tín nhất về chất lượng văn chương. Cho nên, việc mở hội thảo về hiện tượng thơ này buộc dư luận “soi” sản phẩm kia ở khía cạnh đó. Ở mặt này, tập thơ Thi vân Yên Tử có gì? – Tuyệt đối không có gì cả. Không gì cả còn đỡ, nó là tập thơ yếu. Thể thơ cũ đã đành. Thi ảnh – không mới. Ngôn từ – sáo rỗng. Tứ thơ – nhàm cũ…
Vậy, tại sao Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo cho loại thơ kém chất lượng kia ngay hội trường của Hội? Đành rằng khi “có tính vấn đề”, một sản phẩm chữ nghĩa vẫn có thể đón nhận một hội thảo tầm cỡ; thế nhưng sau đó, hội thảo kia thu hoạch được gì? – Không gì cả! Vậy, đâu là chính kiến của Hội Nhà văn Việt Nam? Nếu không, ai hay cơ quan nào có thể gánh trách nhiệm “định hướng thẩm mĩ cho độc giả”, – cái mệnh đề quen thuộc chúng ta hay rỉ rả trên các phương tiện thông tin đại chúng đến thành sáo mòn, mấy chục năm qua?
3. Lại hội thảo, về một nhà thơ và một nhà văn, nhưng dư luận đón nhận với tâm thế hoàn toàn trái ngược.
Ngày 28-6-2012, tại Viện Văn học Việt Nam, ngay sau hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều”, trên thông tin mạng toàn cầu đã nổi lên bão tố. Chưa có một cái nhìn toàn cảnh về thơ Việt hiện đại, chưa có đánh giá công bằng công lao người đi trước và cả người cùng thời, thì đối tượng được bàn luận trở nên chơi vơi không nơi nương tựa. Bởi, hầu hết ba mươi tham luận đều tập trung vào vế thứ hai: “Nguyễn Quang Thiều”, mà bỏ quên hay chỉ nhắc một cách rất sơ sài vế thứ nhất, là “thơ Việt Nam hiện đại”. Một bỏ quên đầy hớ hênh khiến tất cả chịu mất: đơn vị tổ chức mất, đối tượng hội thảo lẫn độc giả mất, và dĩ nhiên mất to hơn cả chính là nền văn học nước nhà. Bởi sau tọa đàm, chưa có một tổng luận khả tín nào được đưa ra. Công luận càng thêm hồ nghi về tính khoa học cũng như khoảng tối phía sau nó.
May! Khi tọa đàm khoa học diễn ra hơn ba tháng sau đó, 15-10-2012: “Lịch sử và văn hóa qua tự sự nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh”, uy tín văn giới mới được vớt vát chút đỉnh. Không phải khuôn mặt của nhà văn sau xứng đáng hơn nhà thơ trước, mà là cách thảo luận, đánh giá: nó bình tâm và do đó, khách quan hơn. Nguyễn Xuân Khánh với loạt tiểu thuyết lịch sử tầm cỡ của ông rất xứng đáng được đem ra bàn luận ở hội trường lớn. Hồ Quý Ly ra đời năm 2000, tái bản đến lần thứ 15, Mẫu Thượng ngàn in năm 2006, tái bản lần thứ 6 và mới nhất, năm 2011: Đội gạo lên chùa cũng tạo được dư luận tốt. Một tác giả tuổi cổ lai hi (Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933) mà làm được như thế là chuyện lạ. Cho nên không lạ, khi tác giả lôi cuốn được khối độc giả đáng kể đến với tác phẩm thuộc đề tài khó nhằn của mình.
4. Tin vui khác, dẫu muộn mằn, nhưng cũng đã làm nên sự kiện văn học. Đó là “Thông báo của Ban Công tác hội viên Hội Nhà văn Việt Nam” ra ngày 18-10-2012. Thông báo nêu rõ: “nhằm nâng cao chất lượng kết nạp Hội viên năm 2012 cũng như các năm tiếp theo, đề nghị tác giả bổ sung: Bản kê khai tóm tắt quá trình sáng tác và hoạt động văn học (1 trang A4); Đối với tác giả ngành Thơ tự chọn và gửi kèm 15 bài thơ… gửi về Ban Tổ chức Hội viên trước ngày 20 tháng 11 năm 2012.”
Giai đoạn qua, BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã “làm theo quy chế” trong khâu xét duyệt. Không có gì sai cả, bởi quy chế đã được Đại hội thông qua. Thế nhưng vì chưa cụ thể trong cách triển khai, và nhất là chưa rốt ráo để đạt khách quan tính tối thiểu, nên công cuộc dễ nảy ra hồ nghi từ phía dư luận. BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận ra sự thể, nhận ra và kịp thời ra “thông báo”. Là điều đáng hoan nghênh. Còn vận hành cụ thế thế nào, hãy chờ xem. Một động thái đáng hoan nghênh nữa, khi ngay đầu tháng 11-2012, website Hội Nhà văn đăng tin: “Các ứng viên xin gia nhập Hội Nhà văn tự giới thiệu tác phẩm của mình”, nhiều cây bút hồ hởi hưởng ứng. Muộn còn hơn không!
Thế là các thông tin cấp tập gửi tới.
Đến trước ngày xét kết nạp chính thức: 18-12-2012, 63 ứng viên với thông tin cần thiết đã được đưa lên mạng chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam. Không kịp cho mùa Hội viên rồi. 63/800 là con số quá nhỏ. Chưa tới 10% thì làm sao kịp cho Hội đồng xét? Hơn bảy trăm ứng viên còn lại ở đâu? Làm sao các Hội đồng có thể tiếp cận hồ sơ họ? Lại phải tạm làm… như xưa. Lần nữa, các Ủy viên tiếp tục chương trình cảm tính với cảm tình.
5. Tin vui bay chưa tới đâu, tin buồn ập đến. Lại thêm một sự cố khác.
Tạp chí Nhà văn 43 năm tồn tại qua vài tên gọi khác nhau, không dưng sáng ngày 20-11-2012, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đương kim tổng biên tập thông báo giải thể tạp chí. Bức xúc trước nông nỗi, nhà thơ Đỗ Hoàng kêu lên thống thiết “Hội Nhà văn Việt Nam nhổ lúa trồng đay”!
Ở đâu cũng vậy, báo hay tạp chí văn nghệ luôn chịu bù lỗ. Nhưng vì nhiệm vụ chính trị, ngân sách Nhà nước đã phải chịu gồng gánh. Đỗ Hoàng cho biết, báo Văn nghệ mỗi tháng bù lỗ hơn 200 triệu đồng. Tạp chí Văn học nước ngoài hay tạp chí Thơ bù lỗ đã đành, đến báo Văn nghệ trẻ cũng bù lỗ. Bù lỗ để rồi tất cả cùng bám vào ngân sách Hội Nhà văn Việt Nam. Thê thảm thế, cho nên việc “sáp nhập để nâng tầm” (chữ của chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh) hay tinh giản là cần. Nhưng hãy chú ý! Như bóng đá Việt Nam vội vã đốt giai đoạn để làm cú nhảy thần tốc lên chuyên nghiệp hóa, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã phó mặc cho các đại gia thao túng. Thao túng đến phát rộ, phát rồ, rồi quỵ. Dăm năm qua, đây đó đã xuất hiện hồ nghi về nhóm lợi ích trong văn học rình rập đợi thời cơ để đục nước béo cò. Nguy cơ nền văn học nước nhà giẫm lên vết xe đổ của kiểu bóng đá chuyên nghiệp rởm, là khó tránh.
6. Và rồi, ở thời điểm năm tận tháng tàn này, văn đàn Việt Nam nảy nòi một sự kiện “đặc biệt”. Tối 1-12-2012, tại Nhà Hát Lớn – Hà Nội, đêm nghệ thuật Bay cùng ViLi với sự góp mặt của không ít tên tuổi văn nghệ cộm cán, nhà thơ Vi Thùy Linh làm cuộc hôn phối vài loại hình nghệ thuật, với mục đích “tôn vinh văn chương Việt Nam”. Mà theo một tờ báo, “đây là một đêm diễn đặc biệt… chưa từng có một tác giả văn học nào làm”. Nhưng, để làm gì, cái đêm ấy? Và đã được gì, ngoài vuốt ve danh hão của người làm thơ trốn chạy trước hiện thực ngồn ngộn ngoài kia? Một hiện thực nóng bỏng không thể chịu đựng báo hiệu một bùng nổ khôn lường. Bay cùng ViLi là sự kiện đặc biệt, không sai! Nhưng đó là cái đặc biệt cực kì phù phiếm – thứ phù phiếm trả giá bằng bao tốn kém với cả khối tòng thuộc.
Nó khác cả vực thẳm với “trình diễn” của các nghệ sĩ hậu hiện đại. Dự án Ra đường của Ngô Lực hay các show trình diễn của nhóm Khoan Cắt Bê Tông chẳng hạn. Một hành vi nghệ thuật đẫm tinh thần tự do, thoát khỏi mọi buộc ràng; hơn nữa – không phụ thuộc về tài chính hay bất cứ điều kiện gì. Tác phẩm mời gọi nhiều diễn ngôn mang tính xã hội và nghệ thuật khác nhau, ở đó điều cốt tủy là nó lay dậy cộng đồng tự thức về đời sống hiện tại, rộng và sâu. Là điều mà những Bay cùng… các loại không làm được. Và không thể làm được.
7. Cùng thời điểm, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư diễn ra ba ngày với tiêu đề Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vữngtại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội, kết thúc chiều ngày 28-11-2012. Riêng tiểu ban 8: “Ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững”, lần đầu tiên đề tài toàn cầu hóa và văn học được mang ra thảo luận chính thức. Vài tham luận cho rằng, với trào lưu hậu hiện đại, toàn cầu hóa qua sự hỗ trợ đầy hiệu quả của phương tiện internet, đã làm nên thay đổi lớn trong văn học Việt Nam đương đại. Nhưng cũng có nhà nghiên cứu nghĩ khác: toàn cầu hóa làm nguy cơ suy thoái văn hóa dân tộc hơn là cơ hội.
Dẫu sao toàn cầu hóa đang xảy ra trên phạm vi toàn thế giới, không ai có thể phủ nhận và từ chối nó, mà phải nhập cuộc. Đó là điều tất cả mọi người trong hội trường này đều ý thức và cảm nhận được. Điều quan trọng là làm thế nào để tiếp nhận tinh hoa thế giới mà không tự đánh mất mình. Nhất là trên phương diện văn hóa, và cụ thể hơn, trong lĩnh vực văn học và ngôn ngữ, làm thế nào văn nghệ sĩ Việt Nam có thể lao thẳng vào thế giới mà không mất bản thể Việt Nam? Trả lời được câu hỏi đó là điều khó. Nhưng câu hỏi đặt ra và buộc nhà khoa học, nhà văn phải trả lời. Toàn cầu hóa vừa là cơ hội vừa là thách thức, là vậy.
8. Một hoạt động văn học sôi nổi không phải không đáng ngoảnh lại. Đó là việc hướng ra ngoài cấp tập của người làm văn học trong nước. Tại vịnh Hạ Long vừa lên chức kì quan mới của thế giới, Hội Nhà văn Việt Nam đứng đăng cai tổ chức Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương lần đầu tiên. Lần đầu tiên, “hoành tráng nhất, thành công tốt đẹp nhất”. Ngoảnh lại, khách mời kia là những ai? Họ là nhà thơ thuộc thứ hạng nào ở đất nước họ? – Không ai biết! Dẫu sao, sự hiếu khách và chu đáo của chủ nhà đã khiến cho cả khách lẫn chủ mãn nguyện. Mãn nguyện đến sau đó một quan thơ đã tuyên bố đầy tự tin “VN là một cường quốc về thơ”. Sự kiện lớn ở đầu năm đã tác động không ít đến hệ quả cuối năm: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu vào ghế phó Tổng thư kí thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi, một hội hữu danh vô thực từng tan rã nay vừa được tái nhóm lại.
Đó là tín hiệu vui. Còn hơn cả tín hiệu, mà là sự kiện có thật. Sự kiện tạo ảo tưởng dây chuyền. Đến không ít nhà thơ trong nước suy nghĩ ngây thơ rằng thơ Việt Nam đang vào guồng và sắp bắt kịp thế giới. Thế là – không nguyên do chính đáng nào cả – các nhà thơ cấp tập chạy lo chuyển dịch thơ ta thơ mình ra tiếng Tây. Đa phần là thứ tiếng Tây ngô nghê hết… chịu nổi. Để không ma nào đọc cả. Chẳng bõ Lê Anh Hoài làm ngược đời: Tổ chức cho đứa con ưu tú của dân tộc Khmer, K’Ho, Lô Lô dịch thơ của mình qua ngôn ngữ dân tộc ít người, để ra tập thơ đa ngữ Mảnh Mảnh Mảnh đầu tiên của Việt Nam!
9. Sau bao nhiêu nỗi phiền, rồi cũng lóe lên ánh sáng niềm vui. Năm qua, “hiện tượng thơ” Lê Vĩnh Tài làm sôi động thi đàn Việt Nam vốn bình lặng, “có mặt bằng mà chưa có đỉnh cao”. Sau trường ca Vỡ ra mưa ấm (2005), Liên tưởng (2006), Đêm & những khúc rời của Vũ(2008) và Thơ hỏi thơ (2008) in chính thống, nhà thơ xứ Tây Nguyên này chọn mạng toàn cầu để công bố sáng tác của mình. Và không đâu khác. Từ Bài trường ca cho quê hương đã chết một trăm năm trước(Talawas, 2009), Ăn của rừng rưng rưng nước mắt (Tienve.org, 2010),Và những cuộc thiên di (Tienve.org, 2011), Thờ ơ thơ(Vanchuongviet.org, 2011), cho đến tác phẩm mới nhất: Thơ hỏi thở(Tienve.org, 2012), Cánh đồng bất nhân (Lethieunhon.com, 2012), Thi sĩ (Tienve.org, 2012). Tiếng thơ tài hoa của nhà thơ đang tuổi đứng bóng mặt trời động cập đến các vấn đề thời sự nóng bỏng của văn học và hiện thực đất nước, đánh thức văn nghệ sĩ và người đọc cái nhìn phản tỉnh hậu hiện đại.
10. Cuối cùng là “10 năm Tiền Vệ” trên Tienve.org.
Đầu năm 1998, tạp chí Việt ra số đầu tiên ở Úc, là một sự kiện. Sự kiện kéo dài được bốn năm, thì ngưng: Việt… đình bản. Đình bản không phải chết, mà là chuyển hệ. Thành website Tienve.org. Điều làm nên khác biệt là, không nhập nhằng giữa mạng và giấy, mà Việt chuyển hẳn sang mạng. Chủ yếu vẫn là người cũ, Tienve.org ra đời “nhằm góp phần xây dựng một khối Thịnh Vượng Chung của văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi, bất chấp những dị biệt về địa lý và chính trị, mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để trả công việc sáng tác trở về đúng nguyên nghĩa của nó: làm ra cái mới”.
10 năm ra đời và lớn mạnh, Tienve.org lôi cuốn non hai ngàn tác giả trong và ngoài nước nhập cuộc “làm ra cái mới”, bàn về cái mới, đấu tranh quyết liệt cho cái mới tồn tại và phát triển trong môi trường văn học tù đọng hôm nay. Là một trong những website văn học có mặt sớm nhất, Tienve.org kiên định với mục đích của mình. Qua đó có thể khẳng định – bên cạnh làm nên sự thay đổi khuôn mặt văn học tiếng Việt đương đại, Tienve.org còn góp phần đánh thức ý thức tự do, dân chủ và trách nhiệm công dân nơi mỗi nghệ sĩ sáng tạo – một sáng tạo theo đúng nghĩa cao cả nhất của từ này.
Sài Gòn, 10-12-2012
Inrasara
http://inrasara.com
Phần nhận xét hiển thị trên trang