Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Dành cho người yêu thơ

Trân trọng giới thiệu ba bài thơ mới của NĐC: 

 Những cái vỏ ốc thối và máu, Giấc mơ    Bài thơ thắp đèn .
   
   Những cái vỏ ốc thối và máu

Chúng ta đang sống trong một  thế giới
khắp mọi nơi
vung vãi
vô vàn vỏ ốc thối
những mảnh sắc nhọn
đêm ngày chầm chậm cứa vào tâm hồn ta
rỉ máu
đau đớn ngàn lần

em bảo hãy chạy đến đây
ngã vào vòng tay mềm mại 
và… và…
ngủ đi ngoan nào
lãng quên giấc mơ tình yêu

nhưng em ơi
ngột ngạt
trong giấc mơ
mùi vỏ ốc thối
sặc sụa
máu
ngập ngụa

mi (zê) không thể chịu nổi sự vô cảm

             trợn trừng mắt nhìn
chiếc lá xanh đang uốn cong trên cành
ánh nắng mùa xuân thơm mùi mật ong
ánh nắng không vỏ ốc thối
ánh nắng không máu

chúng ta phải dìu nhau
chạy thoát ra khỏi những cơn lên đồng ngu xuẩn 
quét dọn con đường hàng ngày vẫn đi
chùi sạch sẽ chỗ ngồi
tẩy rửa thói quen nô lệ
             trải rộng tâm hồn hoa vàng huyền thoại
đón chờ ánh nắng tự do bay về

xin đừng ngã lòng
đừng chịu thua
những ảo giác tập thể mù loà

chúng ta vẫn phải đang sống trong một thế giới
sặc sụa mùi vỏ ốc thối
và máu
máu vẫn chảy ngày đêm
đau đớn ngàn lần

            
           Giấc mơ

             Tôi đã nhìn thấy
             dòng sông nhân dân
             đang lặng lẽ trôi
             lặng lẽ trôi
             trên mảnh đất thiêng ngàn đời
             Tổ quốc
             mảnh đất
             đầm đìa mồ hôi
             đầm đìa máu
             đầm đìa đau khổ
             đầm đìa nhẫn nhục
             mảnh đất
             đầm đìa khát vọng
             độc lập tự do

             mi (zê ) có nghe
             tiếng hát
             trôi trên dòng sông
             bài hát lạc quan buồn
             trong tâm hồn nhân dân

             mi (zê ) có  nghe
             tiếng gầm
             những con sóng ngầm
             cuồn cuộn vặn mình dữ dội
             trong tâm hồn nhân dân

             những con tầu nước sơn giả trá
             chất đầy tiền bạc ăn cắp
             chất đầy nơ ron thần kinh bệnh hoạn
             đang chầm chậm rạn vỡ

             trong giấc mơ
             tôi đã nhìn thấy
             dòng sông nhân dân
             vẫn đang lặng lẽ
             trôi
             và cuốn đi
             và nhấn chìm tất cả
           
              chẹc chẹc  .

                             

           Bài thơ thắp đèn 
  
                    (Tặng bạn thơ ở Mỹ)

             Thắp đèn lên
             góp một niềm vui nhỏ
             chung triệu niềm vui ánh lửa đồng bào
             những ngày này ta nắm chặt tay nhau
             nắm thật chặt
             cố gắng chạy
             chạy
              
             chạy chạy
             băng qua nỗi buồn cúi đầu nô lệ
             rửa mặt thật sạch
             hàng triệu hàng triệu người
             đang hiện rõ mặt con người
             hiện rõ mặt con người (không phải mặt con vật)
             ngẩng lên
             không còn sợ hãi

             xin lỗi - đếch thể hiểu được
             tức cười
             tại sao mà lâu nay lại sợ thế nhỉ
             thật ra chúng nó chỉ có một dúm
             mấy chục thằng bệnh hoạn
             lai lịch mờ ám
             đang chết sặc trong quyền lực và tiền bạc
             đao mèo

             tôi vẫn mơ tới một ngày
             đi phượt cùng anh
             hai thằng nằm dài trên đỉnh núi
             lục túi hút chung một điếu vi na
             tán lăng quăng về thơ tân hình thức
             chỉ có thế
             rồi đất lở chôn vùi hai đứa  
             nhưng…còn lâu hai thằng mới ngoẻo
             xin lỗi mấy em thổ mừ cứu hộ
             các anh đang thèm một ly cốt nhắc
             cốt nhắc thứ thiệt
             và có thể lại một điếu vi na
             và cũng có thể
             hai em vén váy ngồi xuống đây
             trợn mắt lên mà xem
             những bàn chân loạng choạng lơ ngơ   
             đang lò mò bước đi
             tìm tự do bác ái dân chủ công bằng
             chẹc chẹc    
             xin lỗi - sao thế nhỉ
             tức cười
             giấc mơ nhỏ nhoi

             thắp đèn lên
             góp lửa triệu người
             mong một ngày
             lửa tự do
             sáng bừng đất việt
             sáng bừng đất việt .
N.Đ.C

Bài cuối về Nguyễn bản


Nhà văn Nguyễn Bản và cái "vạ" văn chương!

Trần Huy Thuận

Vạ là một danh từ, nói về những tai hoạ bỗng dưng ập đến cuộc đời một người, một nhóm người,  buộc họ phải gánh chịu một cách oan uổng. Cùng miêu tả điều oan trái đó, còn có danh từ  "vạ vịt" và động từ "vạ lây". Đó đều là những tai hoạ không may, không do "đương sự" chủ ý gây ra. Nói một cách khác, đương sự không phải là kẻ "chủ mưu" hay "tác giả" của những sự việc, vấn đề... trực tiếp gây nên cái "vạ" đó. Có vạ nhỏ, nhưng cũng có vạ tày đình. Vạ nhỏ - chả nói làm chi: Con người ta vốn sớm nhận thức, "Đời là bể khổ" mà!. Vạ tày đình thì "gánh" chịu hết cuộc đời, có khi. Thày giáo, nhà văn Nguyễn Bản là một người như thế.

Nguyễn Bản sinh năm 1931, tại Bắc Ninh. Mười tám tuổi theo học trường Sư phạm Trung cấp Trung ương trên chiến khu Việt Bắc. Hai nhăm tuổi tốt nghiệp khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội, cùng khoá với nhiều người sau này trở thành  những nhà văn, nhà giáo "tên tuổi"; được phân công về dạy ở trường cấp III Hàn Thuyên Bắc Ninh - tỉnh nhà. Là cán bộ kháng chiến, lại dạy giỏi, lại viết văn hay, lại "hào hoa phong nhã" nữa, nên Nguyễn Bản rất được đồng nghiệp, bạn bè và học sinh yêu mến, kính trọng. Và anh đã lọt mắt xanh một người con gái diễm kiều, để chỉ một thời gian ngắn sau, hai người nên duyên vợ chồng.

Hạnh phúc của họ chắc sẽ êm đềm trôi trong cõi mơ, nếu như đất nước không xẩy ra vụ "nhân văn giai phẩm"! Đấy là một vụ án văn chương - chính trị, mà những người chủ chốt sau một thời gian bị kết tội, bị treo bút, bị đầy ải,... đến nay hầu hết đã được "trả lại" danh dự, công việc, lương lậu,... Trong đó có nhiều người đã được trao tặng những giải thưởng cao quý! Còn kẻ bị vạ lây thì sao?

Nguyễn Bản là một kẻ bị vạ lây. Đó là điều hoàn toàn có thể khẳng định, bởi anh chưa bao giờ là thành viên của nhóm "nhân văn giai phẩm", cũng không hề có bài đăng trên các báo ấy. Anh chỉ mê một số bài viết của họ. Từ mê, anh lại muốn truyền cái cảm thụ đó của mình cho đám học sinh thân yêu. Thế là trong một lần cao hứng, sau khi giảng xong bài thơ "Ta đi tới" của Tố Hữu, Nguyễn bản đã "ngoại khoá" cho các học trò của mình nghe bài thơ "Lời mẹ dặn" của Phùng Quán. Ai đó đã tố cáo chuyện ấy lên trên. Thế là một bản án không thành văn giáng xuống đầu thầy giáo trẻ - "một cú đòn âm", như cách gọi của nhà văn Hoài Anh. Nguyễn Bản không chống cái gì và cũng không a dua theo ai để chống bất cứ một ai. Thấy bài thơ "Lời mẹ dặn" có tứ hay, thì anh thích và muốn truyền cái thích ấy cho mọi người, thế thôi. Ngay từng câu từng chữ trong "Lời mẹ dặn" cũng chả hề chứa chút nội dung "chống" nào cả, ngoài chống thói dối trá, thiên thẹo:

Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Theo cách nói của dân gian, cái tội vạ lây ấy của Nguyễn Bản, là thứ vạ miệng - do cái miệng gây nên!

Sau đó, Nguyễn Bản vẫn được hành nghề dạy học, nhưng là dạy bổ túc cho cán bộ, rồi về "hưu non". Là sinh viên khoa văn khoá đầu, được đào tạo bài bản để trở thành người thầy cho các nhà văn, nhà báo sau này, Nguyễn Bản còn là người có năng khiếu văn chương và dịch thuật như ta biết; vậy mà cái "đòn âm" đã loại anh ra khỏi cả cái chân "hội viên" Hội văn nghệ địa phương! Người bạn đồng môn thân thiết thời nhỏ, tuy không được học hành đến nơi đến chốn, lúc ấy  đang làm chức lãnh đạo cấp cao của tỉnh, nhưng đã không những không có được cái đức của Dương Lễ đối với Lưu Bình - Nguyễn bản, mà còn muốn bạn cũ "mở mắt" ra mà xem, đừng tưởng cứ có học vấn cao là muốn gì cũng được đâu! Rồi đến cái cứu cánh cuối cùng là hạnh phúc gia đình, cũng tiếp tục bị vạ lây: trước sức ép của đời sống quá khó khăn, sức ép của dư luận về tội ảnh hưởng "Nhân văn giai phẩm" của chồng, người vợ anh đã không chịu đựng nổi: Nàng đang là "đối tượng" phấn đấu về mặt chính trị, nàng lại không có được cái cốt cách quý báu của Bội Trâm, người vợ yêu của Phùng Quán, người đã hết lòng cùng chông gánh chịu mọi tai hoạ, mọi khó khăn - và có thể nói không quá rằng, không có Bội Trâm, chắc không thể có một Phùng Quán như chúng ta đã biết. Vợ Nguyễn Bản tỏ ra rất bất mãn với việc làm của chồng, liên tục dày vò, dằn vặt anh. Cuối cùng, để "giải thoát" cho nhau, sau nhiều ngày tự đấu tranh tư tưởng, Nguyễn Bản đã lặng lẽ chia tay vợ, đẻ lại cho chị và các con toàn bộ nhà cửa, tài sản, ra đi tay không! Tìm đến tá túc nhà bạn tại một ngõ hẻm suốt mấy chục năm trời, cho đến tận những năm chín mươi của thế kỉ trước, mới may mắn được cô con gái lớn thương tình, cố gắng gom góp, vay mượn mua cho bố mảnh đất mười mét vuông cạnh nhà mình và cất cho ông một gian nhà mà nhà thơ Nguyễn Khôi đặt tên là "Hộp diêm"! Khi ấy nhà văn của chúng ta đã bước qua tuổi sáu mươi! Vậy là từ ấy Nguyễn Bản được về sống bên con cái, được con cái chăm sóc, không còn cô quạnh trong túp lều ở nhờ bạn bè nữa. Cuộc đời ông như vậy, kể ra cũng là "có hậu"!

Đằng đẵng chịu cái gọi là "đòn âm" mấy chục năm trời , Nguyễn Bản vẫn không rời cây bút: Văn chưong như cái nghiệp chướng, quấn chặt cuộc đời anh. Anh là một "cây viết" truyện ngắn có cá tính, để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Nguyễn Khải nhận xét truyện "Ánh trăng" của anh như sau: "... được viết bởi cây bút lão luyện nên nó giản dị, nó thật, đọc lời thoại mà như sờ nắn thấy người". Nguyễn Khôi, nhà thơ đồng hương thì đánh giá: "Ở Nguyễn Bản, ta có cảm tưởng anh đang nối tiếp dòng của Thạch Lam với "Gió đầu mùa", chỗ khác của Nguyễn Bản là những cuộc tình thường éo le, trắc trở...."[1]. Một số truyện của ông đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Nhưng Nguyễn Bản không chỉ sáng tác, mà còn dịch thuật. Anh từng tâm sự: " Tôi đã từng dịch thuê “tạp nham” đủ loại bằng tiếng Anh như: tài liệu kỹ thuật, những truyện trinh thám cho NXB Công An như Vụ giết người trên chiếc thuyền hoa, Những kẻ giết người bệnh hoạn, Trước toà pháp đình để kiếm tiền"[2]. Dù sáng tác hay dich, cây bút Nguyễn Bản cũng luôn thể hiện là một người tài hoa và có trách nhiệm; đau đáu với đời, hướng về những lớp người nghèo khó, lam lũ. "Vì sống khá lặng lẽ tại một ngõ nhỏ của Hà Nội nên văn của ông phảng phất cô đơn, tiềm ẩn xúc cảm số phận con người trong đường đời, đường tình"[3]. Cuộc đời đã tạo nên tính cách anh, với một tâm hồn vị tha và khép kín.

Những người trực tiếp làm báo "Nhân văn giai phẩm" giờ đã kẻ còn người mất, nhưng thảy đều đã được đắp đền bằng những giải thưởng này giải thưởng kia. Còn bao nhiêu kẻ vạ lây như Nguyễn Bản, vẫn cô đơn cầy cuốc trên mảnh vườn văn chương gập ghềnh sỏi đá. Giá như hồi ấy anh có một vài bài đăng trên báo Nhân văn hoặc tạp san Giai phẩm, chắc có khi anh cũng được xét tặng một cái gì đấy. Thậm chí còn được ai đó bỏ tiền ra, thuyết phục anh để họ được mua tác phẩm của anh như đã từng làm với Hữu Loan[4], chưa chừng!

Bây giờ đã là những tháng cuối của năm sát kề thập niên thứ hai thế kỷ hai mươi mốt. Không còn mấy thời gian nữa, Nguyễn Bản sẽ vào tuổi "bát thập". Sức viết, sức sáng tạo của anh vẫn rất tràn đầy, với rất nhiều dự định. Chúng ta sẽ còn được đọc từ anh nhiều tác phẩm mới, kể cả sáng tác lẫn dịch thuật. Đấy không chỉ đơn thuần là lời chúc, mà còn là sự trông đợi. Chắc chắn là như thế! ./.


(NGANG QUA CUỘC CHƠI)



Truyện viết từ năm mươi năm trước của Nguyễn Bản

SÔNG ĐÂU RỪNG ĐÂU RỒI?

 

Truyện ngắn của Nguyễn Bản
    Hắn nhìn ra ngoài. Nắng sáng trắng và rập rềnh như những cồn cát. Đêm buốt cóng, ngày chói chang. Trong nhà vẫn giá buốt. Hắn nhắm mắt và chỉ muốn ngủ gật. Nhưng hễ cứ nhắm mắt, giấc mơ đêm qua, những khoáy nắng tím sẫm mầu bồ quân lại ù ù trong đầu hắn. Hắn thèm được ngủ gật. Con Dốp cũng đang ngủ gật ngoài bậc cửa. Nhưng nó có trải qua một giấc mơ như giấc mơ đêm qua của hắn không? Dốp ơi, mày có mơ không, có mơ như tao mơ không? Hắn lại hỏi như thời nào hắn vẫn thường vẩn vơ tự hỏi. Giống vật có mơ không? Nhưng thời đó hắn hỏi rồi tự trả lời: thôi đi, con người chúng tao trở thành chúa tể chính là vì những giấc mơ kỳ diệu chứ chẳng phải vì cái cóc khô gì hết. Mặc xác cho vượn tiến biến thành người. Nó đã biến thành người hàng chục vạn năm rồi. Ta chỉ cần những giấc mơ.   Thời đó là bao giờ? Hình như thời đó hắn còn là một học sinh trung học, hoặc cùng lắm mới chỉ là một gã tân binh khoá sáu lục quân.   Thời đó, một đêm ngủ không mơ đối với hắn là một điều bất hạnh, thiệt thòi, thất vọng. Hắn cảm thấy giấc ngủ nhạt nhẽo. Đêm vừa qua, ta chẳng sống một chút nào, hắn phàn nàn, ta là một cái gì khác chẳng phải là ta. Nghĩa là hắn không còn tồn tại, tồn tại theo ánh sáng riêng của hắn. Hắn thấy tiếc và thường cố ngủ thêm, may ra vì lẽ gì, giấc mơ lạc đường mà đến muộn.   Mơ nghĩa là được sống đủ trong lúc ngủ, được chắp cánh bay, mung lung trong ảo tưởng, đắm đuối trong cảm giác yêu đương, ngây ngất trong chuyện ân ái còn vô cùng xa lạ đối với hắn.   Hắn mơ mẹ sống lại, gỡ từng sợi tóc bết mồ hôi, quạt gió vào chân tóc hắn, những làn gió xanh rờn, tê lạnh.   Hắn mơ, cái bút máy “Wearever” bạn tặng ngày hắn đi bộ đội, hắn đánh rơi xuống sông khi vốc nước rửa mặt ở bến Bình Ca, vẫn nằm nguyên trong túi.   Và mơ, chao ôi, cô nữ sinh học dưới hắn hai lớp, hắn yêu thầm và thường mất hồn khi bất chợt gặp nàng, tóc nàng lại ấp vào môi hắn.   Hắn mơ… bao nhiêu giấc mơ lấm tấm, lấm tấm những bụi trăng và lơ lửng…  Vậy mà lại có những đêm không mơ, làm sao hắn không khỏi bần thần suốt ngày hôm sau?  Mỗi lần ngủ mơ tỉnh dậy, hắn đều nhẩm lại, sợ quên, để nhớ, muốn nhớ mãi và tự nhủ tối mai ta lại mơ, gì cũng được, miễn là mơ, dù nhỏ bé, dù vô lý, thậm chí không may, dữ dội cũng được.  Quả thật, không phải không có những giấc mơ làm hắn phát hoảng như bị vây dồn giữa một đàn chó đến chục con giữa một khoảng đồng trống trơ gốc rạ, không gạch đá, cây que chống trả, một con rắn đen văng mình từ một ngọn cây cao quấn vào cổ hắn, đánh vỡ cái bình hoa, kỷ niệm duy nhất còn lại của mẹ, để quên ví tiền ở bãi tắm… Nhưng ngay cả những giấc mơ như thế vẫn cần thiết biết bao, bởi lẽ khi bàng hoàng tỉnh dậy, bình hoa vẫn còn nguyên, không có rắn, cũng không có chó và hắn vẫn thèm cả những giấc mơ như thế. Chứ sao, hắn tự nhủ, còn hơn là không có gì, ta được ngủ trong những kỷ niệm, ta tồn tại trong cõi vô thức.   Nhưng đó là chuyện thời ấy, thời chống Pháp, lúc hắn còn là một thanh niên yêu đời, hăng say, thể lực cường tráng, leo núi, băng rừng, ngủ đêm nhờ ở trạm đổi ngựa ở cổng trời… với một tâm hồn lãng mạn, phơi phới, hoặc xa hơn nữa từ thời niên thiếu.  Bây giờ thì khác rồi.   Bây giờ hắn không còn là một trung uý công binh nữa. Hắn đã chuyển ngành thành một cán bộ văn hoá làm những việc linh tinh, vô bổ. Không thiết làm thơ, hắn đã thôi làm thơ và lấy vợ. Vợ hắn là một giáo viên, yêu hắn lúc hắn đang làm thơ, bây giờ thường bất đắc ý và hờn trách vì chuyện đó.  - Anh lại làm thơ đấy ư?  - Thơ thẩn gì đâu?  - Thế anh đang viết gì?  - À, - hắn ngập ngừng - mấy dòng nhật ký ấy mà.  - Có giống thơ không? Đưa em xem nào!  Vợ hắn vơ lấy cuốn nhật ký.   Ngày …4-64  Chúng tôi đang nói chuyện về thơ, tự nhiên S hỏi  Anh có biết cô K không?  Không  Vẫn hay hát Xan-ta-lu-xi-a ấy.  Không, cũng vẫn không biết - tôi cười và nói đùa - từ khi lấy vợ, mình không còn biết cô nào nữa và về sau mình sẽ lên thiên đường…  Vợ hắn ngừng đọc và nguýt hắn.  Chưa chi anh đã vội giữ ngôi rồi.  Không biết chết đi rồi sẽ ra sao?  Sẽ thành hữu cơ, thành đất, bón cho mảnh đất cằn cỗi này - cô bạn quê Phát Diệm, ít nhất cũng một lần rửa tội, trả lời S rất tự nhiên như vậy.  Hết chuyện “sống là đấu tranh”, chúng tôi xoay quanh chuyện “chết” là hết, thành hữu cơ, bón cho đất khỏi cằn cỗi. Sợ hay tiếc? Chôn luôn cái khát vọng - chứng giải “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”?  Trời nổi giông. Tôi về phòng mình và tự nhiên bị xúc động mạnh. Ý nghĩ cái chết rập rình chơi vơi, và hỗn loạn trong đầu óc tôi như những bóng ma đang khiêu vũ trá hình nơi dạ hội. Đây chẳng phải là lần đầu tiên trong mấy năm nay. Tôi sợ, tôi xua đuổi nhưng trong vùng sâu kín nhất của tâm hồn, tôi lại như níu lấy, cầu mong. Tôi linh cảm hình như đây mới là tôi đang tư tưởng thực sự. Còn tất cả đều nhạt nhẽo rỗng tuếch, gượng gạo. Nhưng thường là tôi không thoát ra khỏi mớ rối mù hỗn độn ấy. Tôi choáng váng. Tôi đâm sợ. Tôi lại cố xua đuổi. Nhưng mỗi lần những bóng ma ấy hiện ra, chập chờn trên những cầu vồng khói, tôi lại cảm thấy mừng rỡ và hy vọng. May ra lần này nắm bắt được cái gì.  Chết là chẳng còn gì nữa. Vậy tốt nhất là đừng tồn tại từ một khởi điểm thời gian không gian nào ư? Nhưng sự thật lại khác. Tôi đã sinh ra vào ngày X tại một nhà hộ sinh bé nhỏ. Tôi đã từng sống những giờ phút sung sướng, đau buồn và vui tươi, lo lắng, hy vọng và thất vọng. Một ngày kia tôi sẽ chết. Finita la Comédia.  Tôi không phải là tín đồ Thiên chúa, Phật hay Hồi giáo để có thể tin rằng sau khi chết sẽ lên thiên đường hay xuống địa ngục. Ừ, giá có địa ngục thật thì hay biết mấy. Một lần nữa tôi sẽ nhường thiên đường cho tội lỗi và tham vọng mà vui vẻ tụt xuống chỗ tối tăm này. Ít ra như thế, tôi vẫn còn tồn tại, còn được suy nghĩ, tư tưởng. Và may ra không tồn tại trong giấc mơ bé nhỏ, thì thôi, tôi tồn tại nơi địa ngục.   - Trời ơi, sao cứ chết với địa ngục thế này?   Vợ hắn tối sầm mặt và chợt nhớ tới có lần người ta gần như tâm sự với cô ta: “Chị thì chẳng có chuyện gì, nhưng anh ấy…” và người ta buông lửng.  - Anh không muốn sống, cũng phải để cho con nó sống chứ?  Vợ hắn vứt toẹt cuốn nhật ký xuống trả hắn.  Sao lại là không? Hắn cũng muốn sống lắm chứ. Hắn đã có một đứa con trai và hắn nghĩ sẽ đem cả đời mình - cái cuộc đời rối beng, hiện rất hư sinh, hư nghĩa của hắn ra đắp điếm cho nó.  Và có thể vì vậy hắn không còn thèm muốn những giấc mơ như xưa. Hắn muốn thoát ra, muốn xua đuổi, nhưng càng xua đuổi, chúng càng quấn vào, bám riết, trước còn đêm, sau cả ngày nữa.  - Anh Hoàng, anh Hoàng, khổ quá lại mơ rồi!  Hắn ú ớ một lúc rồi bàng hoàng tỉnh dậy.  - Anh mơ gì mà kêu ghê thế?  - Mơ người ta bắt mất con, họ bảo không phải con mình, mà em mua lậu ở Yên Bái mang về.  Vợ hắn thường phải lay gọi và đập mạnh vào người hắn. Hắn vẫn cứ ú ớ và đôi khi lại kêu lên như lợn bị chọc tiết.   Những chuyện ấy xảy ra luôn.  Lần này, người hắn nhẹ bỗng, được nâng dẫn mãi lên cao, càng lên cao, càng quay tít, mọi vật càng hỗn độn mịt mù, trăng sao tím sẫm, rồi hẫng một cái hắn bị tuột dù lao xuống.   Lần khác, hắn bị lăng qua, lăng lại trên một dây thừng to treo giữa trần nhà, hai gã to lớn không có mắt, có mũi, chỉ có mồm và răng, đeo bao tay quyền anh, đứa bao đen, thằng bao đỏ, đấm vào mặt hắn từ đầu này sang đầu khác, máu mặt giỏ xuống nền nhà, vạch một đường chấm chấm theo đường chao của chiếc thừng treo.  Dần dần như một bệnh truyền nhiễm, nó lây sang vợ hắn. Đến lượt hắn lay vợ:   - Tự, Tự, kìa Tự!  - Ôi - Như một xác chết đã được vuốt mắt, vợ hắn từ từ mở mắt ra ngơ ngác:   - Sao kêu khóc dữ thế?  - Ôi sợ quá! - Vợ hắn quệt nước mắt xem thực hay hư, rồi giơ tay lên xem, nhìn thật kỹ, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu thắp đêm, rồi lại sờ tay lên trán lên ngực đứa con nằm bên cạnh, một lần nữa xác nhận thực hư và thảng thốt. - em mơ con ốm, em khóc, rồi lại thấy nước mắt toàn là máu… mơ thế có độc không anh?  Rồi vợ hắn ôm đứa con khóc nức nở:  - Ôi con chim xanh của mẹ… Liệu có độc không anh?  - Độc à? Có lẽ là không đâu. Cơ thể chúng ta quá mẫn cảm rồi.  Hắn không phải là thầy thuốc, nhưng hắn biết đó là dấu hiệu của chứng psychasthénia, tâm thần suy nhược, như gã bác sĩ nội khoa bạn hắn có lần đã nói với hắn. Những loại thuốc an thần, định tâm, những loại barbiturique chỉ chữa triệu chứng, không chữa nguyên nhân và thường gây nghiện. Thuốc chữa nguyên nhân người ta không bán, không cho bào chế, chẳng bao giờ bán.   Tới tình trạng đó, hắn không mong thoát những cơn mơ dữ nữa. Hắn, có thể cả vợ hắn sẽ gắng chịu, chịu cho quen dần, miễn mong sao trong cơn mơ đừng có máu. Cứ đấm, cứ ngã, cứ cắn, cứ vỡ vụn… hắn sẽ chịu hết. Vợ hắn cũng sẽ quen dần, chỉ cần đừng có máu. Không có máu. Hắn chẳng phải đợi lâu. Đêm qua nó đã đến với hắn.   Hắn mơ thấy dắt con đi chơi. Con đường rất quen thuộc, nhưng hắn chịu không nhớ ra nơi nào. Một bên là vách núi cao, có những chỗ hở, hở đá sắc, đất đỏ, một bên là dòng sông lúc hiện ra những bờ lau rậm rạp, lúc bị che khuất, bởi rừng cây. Tiếng bìm bịp đều đều nhịp một, chìm sâu trong những rặng lau như vừa sau một trận mưa rừng.   - Bố ơi, đi đâu thế này?  - Về thăm cội nguồn.  - Có hoa không?  - Nhiều lắm, hoa rừng  Hắn trả lời nhưng chính hắn cũng không biết mình đang ở đâu. Rõ ràng là con đường đã đi qua, nhưng ở đoạn nào, từ bản Riềng đi Khánh Khê trên sông Kỳ Cùng hay ven sông Lô đi Bắc Quang rẽ  Hoàng Xu Phì, hay qua chợ Hiên đi ven sông Chảy sang Phủ yền Bình yên Bái? Dù sao hắn cũng thấy thích thú, biết đâu không gặp lại những cảnh vật năm xưa, biết đâu lại không qua trạm đổi ngựa của người Mán ở cổng trời hắn đã ngủ nhờ năm ấy.  - Bố ơi, con mỏi lắm.  - Cố đến cây đa to kia ngồi nghỉ.  - Nhưng con mỏi lắm.  - Để bố cõng, mà hình như có tiếng trống.  Tiếng trống bịt bùng rộn rã phía cây đa. Hắn xốc con đi về phía đó. Tiếng trống mỗi lúc một rõ. Nhưng nó ở đâu? Cây đa như thể cây đa nguyệt cầu. Bỗng từ tán lá rậm rì, một người, hai người, rồi cả một bầy người nhảy xuống, mang theo đủ trống và cờ phướn. Mặt họ ngây ngô nhưng đầy vẻ kiêu hãnh, dáng dấp thánh thần. Họ kêu lên những tiếng kỳ lạ như tiếng vọng của cõi hồng hoang rồi lao vào nhảy múa. Bố con hắn kiếm một chỗ ngồi nghỉ dưới gốc cây. Thằng bé có vẻ thích thú. Những lá cờ phướn lượn lờ chao đi, chao lại lấp lánh những chữ vàng bằng giấy trang kim. Những chữ giống như những chữ được ghi lại khắp trong các đền đài cung điện cổ, lấp lánh trong mắt hắn.   - Chữ gì thế bố?  - Bố không đọc nổi thứ chữ cổ xưa.  Bỗng từ trong bọn họ có một cá thể tách ra nhìn bố con hắn. Một giống cái, đúng rồi, mặc dầu nó e lệ che giấu các bộ phận giới tính. Tuy vậy, nó nhìn hắn như thể tống tình. Nó đã chán mùi vị thánh thần hay không thích mùi vị thánh thần bằng mùi vị người chăng? No ngửi thấy mùi người, mùi đàn ông? Vẫn đôi mắt tống tình, nó lẳng lơ đi về phía hắn. “Thôi được, ta đang cô đơn, ta đang buồn chán, đang không hiểu nổi con người, ta đang muốn trở về hồng hoang” Hắn nghĩ vậy và giơ tay lên vẫy nó, bế nó ngồi lên đùi. Nó ngoan ngoãn ngồi vào lòng hắn, kéo con hắn lại, vít đầu bắt chấy cho thằng bé. Phần giống cái của nó chạm vào phần đàn ông của hắn, hắn bỗng rạo rực, muốn được cùng nó ân ái. Chợt nó giật mình ngước nhìn về đám linh nhân đồng loại. Hắn cũng ngơ ngác nhìn theo. Tiếng trống đập loạn xạ. Những tiếng hú man dại. Đám linh nhân dừng múa và tranh nhau bóc chữ trang kim trên cờ phướn bỏ vào mồm. Mắt họ long lanh rực lửa . Mắt hắn như bị quáng. Những chữ giấy trang kim bỗng phình to và đám linh nhân nuốt lấy nuốt để, nuốt luôn cả cây cỏ, bờ lau ở xung quanh, vừa nuốt, vừa vục đầu xuống sông để uống nước. Uống đến đâu sông cạn đến đấy, bụng họ phình to dài ra và trở thành mất cân bằng so với tứ chi bé nhỏ. Một số phải bò. Trong khi ấy con linh nhân cái đã rời khỏi hắn, kéo cả con hắn đi theo tới đống cờ phướn. Nó cũng xông vào, xô đẩy, bóc chữ, nuốt vội, và nhét lấy nhét để vào mồm thằng bé như sợ đồng loại của mình tranh hết. Nó dịu dàng hỏi con hắn:  - Con thấy thế nào? Có ngon không?  - Con thấy bầu trời đầy sao - Thằng bé vuốt ngực, nhìn lên bầu trời.  Nhưng bầu trời không có sao. Chỉ có nắng. Nắng rực lên và toé ra, chói lọi từ mắt đám linh nhân lúc này đã biến thành những con khủng long vàng có cánh đang nặng nề cố bay về phía nguyệt cầu. Dòng sông gần cạn sôi lên, tỏa hơi mù mịt. Rồi đáy sông trơ ra, cát và cuội nóng bỏng. Cây cỏ bị nuốt hết, khắp xung quanh là đá và cát, những núi cát, cồn cát triền miên. Nắng cuồn cuộn xoáy trên đầu thằng bé. Một chất như sữa đặc màu xám phùi ra và chảy xuống dọc hai bên má nó rồi chảy tiếp xuống cát cháy. Một mùi gây khét như mùi óc bò bị đốt. Hắn bỗng nhớ tới bọn buôn vịt buôn ngan ở gốc cây bên đoạn đường sắp vào thành phố. Chúng lôi bánh đúc ra nhồi, nhồi lặc lẽ cả diều lẫn cổ những con vật đáng thương, có con không thở được, lưỡi thè ra, mặt mày xám lại. Chúng kiếm lãi ở mỗi con một cái diều vài ba lạng. Nhưng ở đây, con quỷ cái kia, mày lãi được cái gì? Mày sẽ giết thằng bé mặc dầu nó không có mào. Hắn thét lên:   - Dừng tay lại, đồ quỷ cái.  Nhưng dường như con linh nhân không nghe thấy hoặc cố tình không chịu nghe. Nó chen đẩy, bốc chữ ấn vào mồm thằng bé.  Trời ơi, nó làm thằng bé chết mất, hắn tức giận, hắn tìm quanh xem có một cái gì đó. Phải đập chết con quỷ cái. Hắn cuống lên, nắng cháy, cát cuồn cuộn và sôi réo. Hắn cuống quýt, chạy vòng quanh.   - Chuyện gì thế?  Bỗng đâu xuất hiện ra một cái mặt to phè, mồ hôi sùi ra như những hạt mỡ bò. Mắt trợn trạo, nhìn quanh hỏi trống không. Chợt y ghé tai nói nhỏ với người đứng cạnh. Lão này dương mục kỉnh trố trố nhìn hắn khiến hắn bối rối và lo lắng. “Quái, mình lại phạm sai lầm gì nữa chăng?” Hắn nhìn lại quần áo của mình. Cúc quần, cúc áo đều ngay ngắn. Vả lại có phải là ngày tưởng niệm gì đâu. Hắn hơi yên tâm và lại nghĩ về con hắn. Dẫu sao cũng phải đập vỡ sọ con quỷ cái. Nhưng cái mặt sùi mỡ lại lừ lừ tiến về phía hắn. Hắn hồi hộp. Y sẽ làm gì đây? Nhưng y chỉ nghiêm nghị nhắc hắn:   - Anh Bá bảo anh nên cất dép đi.  - Cất dép à? Được thôi.  Hắn vừa trả lời vừa chạy vụt vào phòng mình cất dép. Nhưng phòng mình sao lại ở đây? Thôi mặc kệ chuyện đó. Phải đập vỡ đầu con quỷ cái đã. Cát vẫn chảy xiết, nắng ù ù như cối xay giớ. Mùi óc bò khét lẹt. Hắn vồ lấy một tảng đá và lao về phía con linh nhân.
  Nhưng hắn chưa kịp ra tay con linh nhân cái đã kêu thét và lập tức lão đeo mục kỉnh đã chặn trước mặt hắn, trừng mắt, tay chỉ con linh nhân đang nằm co rúm nhìn hắn vừa giận dữ vừa thê thảm. Hắn nhìn vào đôi mắt nó, đôi mắt hơi lồi ra, màu đồng thau dưới cái trán hẹp và giô, đầy vẻ hờn trách và cái mồm chẩu ra như muốn chửi rủa hắn. Càng nhìn kỹ càng giống cái trán, cái mồm, con ngươi màu đồng thau của vợ hắn những lúc thị hờn trách. Chả lẽ đây là vợ hắn thật ư? Hắn hoang mang đến tột độ. Đúng lúc ấy, lão đeo mục kỉnh ghé tai hắn nói thầm:
  - Anh thấy chưa, phải tin tưởng chứ!
  
Phải tin tưởng chứ. Câu nói bỗng rung lên bịt bùng, xa xôi như tiếng trống phía cây đa làm hắn chóng mặt. Hắn bỗng nhớ ra thời kỳ hắn còn làm thơ, lão đeo kính không biết có phải lão này không, đã trịnh trọng bảo hắn:
   “Phải tin tưởng chứ” rồi hắn được đưa về lao động ở một nông trường mênh mông những cát, đang quy hoạch trồng dứa và nuôi bò giống Cuba. Lão ta cũng cẩn thận nhắc hắn bỏ dép để sau ba năm có thể trở thành một nhà thơ chân đất, bám rễ vào công nông. Nghĩ đến ba năm đó, hắn như người muốn quỵ.

  Lão đeo kính nhếch mép cười. Mấy chiếc răng vàng trong mồm lão như còn mắc dính những giấy trang kim chưa nuốt hết.
  Hắn hoảng hốt nhìn xung quanh cầu cứu. Nhưng xung quanh chỉ còn vài con khủng long lặc lè, mệt mỏi vì chưa có cánh và mặt chúng mới lạnh làm sao. Chúng hướng cả về phía lão. Chết tôi rồi. Chẳng ai nói đỡ cho mình một câu, chẳng ai thanh minh cho mình cả. Bầu trời đầy sao ư? Nhưng trong mắt hắn, cát chảy và nước sôi sùng sục.  - Con ơi!  Hắn kêu lên như muốn cầu cứu chính con mình. Nhưng con hắn đâu hay lũ khủng long nuốt chửng cả nó rồi? Hắn càng cuống và cảm thấy khát dữ dội. Nước trong người hắn như bị dóc kiệt. Cơn khát vật vã. Cơn khát sa mạc. Nắng bùng cháy trong mồm và cát rào rào trong cổ hắn.   - Nước!!! Sông đâu rồi? - Hắn gào lên - Rừng đâu, bóng râm đâu, bìm bịp đâu, cho tôi đi tìm con tôi trong những rặng lau!  Những rặng lau cũng đâu rồi? Đâu rồi, tất cả đâu rồi?  Hắn gào lên chợt nghe thấy tiếng mình, phải một lúc lâu mới tỉnh dậy được. Người hắn đầm đìa. Mặc dầu đêm sương lạnh buốt, hắn tung chăn tỉnh dậy thay ngay bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi.   - Làm gì mà tung chăn ra, lạnh thế?  - Dậy thay quần áo.  - Sao đang đêm lại thay quần áo, anh điên à?  - Mơ, rồi đái dầm, đốn quá.  Vừa lẩm bẩm trả lời vợ, trả lời cả chính mình, hắn vừa xỏ nốt một chân vào ống quần. Cũng may mà lần này vợ hắn lại ngủ say, không nghe thấy hắn kêu gào. Dĩ nhiên hắn không thể kể cho vợ nghe giấc mơ, mặc dù giấc mơ không có máu. Chỉ sột soạt những giấy trang kim, đám linh nhân những con khủng long vàng và không có máu.   Nhưng cát chảy, nắng sôi, đáy sông nóng bỏng, rừng biến mất, bờ lau không còn, bìm bịp câm lặng và phảng phất mùi óc bò khét.
1964    
Nguyễn Bản