Chủ nghĩa hậu hiện đại — Những mảnh nghĩ rời [chuyên đề VĂN NGHỆ HẬU HIỆN ĐẠI]
|
1. Chủ nghĩa hiện đại (modernism) không phải là sản phẩm hay hệ quả của tính hiện đại (modernity): Chủ nghĩa hiện đại là sự hoài nghi, hơn nữa, sự phản đối, thậm chí, phản kháng lại tính hiện đại: Đó là cuộc khởi nghĩa của mấy thế hệ tài hoa, từ Baudelaire đến Apollinaire, Tristan Tzara, André Breton, James Joyce, v.v... nhằm chống lại các bậc tiền bối vĩ đại của họ, từ René Descartes cho đến Francis Bacon, những người xây dựng nền móng tư tưởng cho cả nền văn minh hiện đại ở châu Âu, và sau đó, hầu như ở khắp nơi trên thế giới. Chủ nghĩa hậu hiện đại, ngược lại, là sự đầu hàng đối với tính hậu hiện đại (postmodernity), một sự đầu hàng dễ dàng và nhẹ nhàng, tuy thấp thoáng có chút gì như chua chát, nhưng nhờ thế, cái điều đáng lẽ là một bi kịch lại biến thành một trò đùa. Là trò đùa, lại là trò đùa pha lẫn châm biếm, chủ nghĩa hậu hiện đại tự dưng có ý nghĩa phê phán. Và, vì tính chất phê phán ấy, cộng với tính chất giải thiêng của tiếng cười vốn gắn liền với mọi trò đùa, chủ nghĩa hậu hiện đại bỗng dưng có ý nghĩa chính trị. Ý nghĩa chính trị ấy dẫn đến một nghịch lý khá oái oăm: mặc dù đề cao chủ nghĩa đa nguyên, chủ trương dung hợp mọi giá trị vốn bị gạt ra bên lề có khi cả hàng ngàn năm, chủ nghĩa hậu hiện đại lại bị khá nhiều nền văn hoá ngoại biên, đặc biệt những nền văn hoá hậu thuộc địa, nghi kỵ, và có khi, chống đối kịch liệt.
2. Cho chủ nghĩa hậu hiện đại là sự đánh mất niềm tin đối với các siêu tự sự, Jean-François Lyotard đã lấy niềm tin làm cơ sở để định nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại. Không phải một mà có tới hai niềm tin: niềm tin vào các siêu tự sự và niềm tin vào tính bất khả của các siêu tự sự ấy. Dựa trên niềm tin, chủ nghĩa hậu hiện đại, ngay từ đầu đã gặp khó khăn trong nỗ lực lý thuyết hoá, một khó khăn mà cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ sau ngày manh nha như một trào lưu, nó vẫn chưa vượt qua được. Được xây dựng trên nền tảng của một niềm tin bị đánh mất, tự bản chất, chủ nghĩa hậu hiện đại là một thứ văn hoá của sự phủ định, nghĩa là, nói cách khác, nó được định nghĩa không-phải-là-một-cái-gì-đó thay vì là-một-cái-gì-đó. Chủ nghĩa hậu hiện đại, như thế, là sản phẩm và là biểu hiện của sự khủng hoảng, trước hết, là sự khủng hoảng của giới trí thức, đặc biệt trước khả năng tái hiện (representation) của ngôn ngữ, và cùng với ngôn ngữ, mọi diễn ngôn trí thức và nghệ thuật mà cho đến gần đây, nhân loại vẫn thường tin tưởng và tự hào. Mất niềm tin vào khả năng tái hiện, ranh giới giữa diễn ngôn trí thức và diễn ngôn nghệ thuật bị xoá nhoà: khoa học (science) được xem như một thứ thi học (poetics); và lý thuyết về văn học trở thành lý thuyết-như-là-văn-học. Trong lãnh vực văn học, những sự xoá nhoà ấy thực chất là một sự giải phóng: Chúng làm rộ nở cả diễn ngôn lý thuyết lẫn diễn ngôn sáng tạo.
3. Người/dân tộc nào không biết tin tưởng một cách nồng nhiệt sẽ không bao giờ biết hoài nghi một cách quyết liệt: chủ nghĩa hậu hiện đại ở đó, nếu có, sẽ không tránh được sự què quặt. Đó là số phận của Việt Nam chăng?
4. Nghệ thuật nào, tự bản chất, ít nhất ở khởi thuỷ của nó, cũng đều là nghệ thuật ý niệm. Cái gọi là nghệ thuật ý niệm (conceptual art) manh nha từ đầu thế kỷ 20 và bùng phát thành phong trào từ thập niên 1960, thật ra, đã có từ lâu. Nó cũng xưa cũ như chính lịch sử của nghệ thuật. “Khởi thuỷ là ý niệm...”
5. Lịch sử văn học, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói là lịch sử các định nghĩa về văn học. Tổng số các định nghĩa ấy càng nhiều và càng đa dạng, diện tích của văn học càng rộng. Diện tích văn học càng rộng, sự phủ định nó càng gặp nhiều thử thách: Đó là những thử thách đáng mơ ước của chủ nghĩa hậu hiện đại.
6. Nhân loại bỏ ra hàng ngàn năm để chuyên nghiệp hoá sinh hoạt văn học nghệ thuật. Kết quả cuối cùng của chuyên nghiệp hoá là thiết chế hoá (institutionization). Chủ nghĩa tiền vệ là nỗ lực đánh sập cái tính thiết chế ấy. Chủ nghĩa hậu hiện đại được xây dựng trên sự đổ vỡ của các thiết chế: tự bản chất, chủ nghĩa hậu hiện đại, do đó, gần với chủ nghĩa tiền vệ hơn là với chủ nghĩa hiện đại, dù trong chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa tiền vệ chỉ còn là một giấc mơ: Chủ-nghĩa-tiền-vệ-hậu-hiện-đại là một giấc mơ của một giấc mơ.
7. Nhà cầm quyền phi dân chủ nào cũng muốn độc quyền viết lại lịch sử để, thứ nhất, tạo nên một thứ đại tự sự hầu hợp thức hoá quyền lực và cách hành xử quyền lực bất chính của họ; và thứ hai, để thực dân hoá trí tưởng tượng của các thế hệ mai sau. Chủ nghĩa hậu hiện đại với chủ trương tương đối hoá lịch sử, truất bỏ chức năng đại tự sự của lịch sử, xem lịch sử như một loại hình tự sự, một câu chuyện của hắn (his-story) hay của ả (her-story), lúc nào cũng bị điều kiện hoá bởi tính văn bản, tự nhiên trở thành một thứ đối-tự sự (counter-narrative) và đối-văn hoá (counter-culture) của các loại chủ nghĩa toàn trị.
8. Trong lịch sử nhân loại từ xưa đến nay, chủ nghĩa hiện đại là giấc mơ lớn nhất về việc nắm bắt hiện thực và tạo nên sự hoà điệu trong hiện thực, ngay cả hiện thực từ trong vô thức hay trong sự ngẫu nhiên, trong khi đó chủ nghĩa hậu hiện đại là cú giật mình thức tỉnh lớn nhất và đầy hoang mang của nhân loại. Hoang mang đến độ mất cả niềm tự tin sau khi đã tỉnh thức.
9. Chủ nghĩa hậu hiện đại là cách nói “Không” trước mọi quy phạm. Sau tiếng “không” ấy là gì? Không cần biết. Quan trọng nhất là nói: Không.
10. Tôi rất thích câu chuyện “thác đao điền” trong lịch sử Việt Nam ngày xưa: Vua Lý Thái Tông thưởng công Lê Phụng Hiểu bằng cách cho ông lên núi Băng Sơn ở Thanh Hoá ném đao; đao bay đến đâu vùng ấy thuộc về điền trang của ông. Viết văn cũng thế. Viết văn là ném chữ vào cái thế giới tối tăm mù mịt của những điều chưa biết và không biết. Chữ bay đến đâu, biên giới của tác phẩm trải dài ra đến đó. Biên giới của tác phẩm trải dài đến đâu, lãnh thổ văn học được mở rộng đến đó. Viết, với các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa, nghĩ cho cùng, là một cách thăm dò chính khả thể và khả tính của cái viết.
11. Cái vốn hiện đại chủ nghĩa dẫn đến việc hình thành chủ nghĩa hậu hiện đại có thể làm bằng văn học bằng tiếng mẹ đẻ nhưng cũng có thể được làm bằng văn học nước ngoài nếu người ta thực sự thâm hiểu nó. Đó là một trong những đóng góp lớn nhất của toàn cầu hoá vào việc phát triển chủ nghĩa hậu hiện đại: Với toàn cầu hoá, trong khi các nước lớn có thể ăn cướp tương lai của các nước nhỏ, các nước nhỏ, ngược lại, có thể ăn cắp quá khứ của các nước lớn, để từ đó, dần dần giành lại tương lai cho mình, trong đó có chủ nghĩa hậu hiện đại.
12. Chủ nghĩa hậu hiện đại không những đánh mất niềm tin vào các siêu tự sự mà còn đánh mất niềm tin vào mọi tự sự. Tự sự, dù lớn hay nhỏ, cũng đều trở thành chơi vơi: chúng là những mảnh ghép rời hơn là một câu chuyện có kết cấu vững chắc. Nhưng con người không thể thoát được tự sự. Tự sự hiện diện khắp nơi, là yếu tố căn bản tạo nên lịch sử, từ đó, ý niệm về bản sắc của cá nhân cũng như của cả cộng đồng. Phải sống với những gì mình không tin: đó là một trong những nghịch lý và bi kịch lớn nhất của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trích dẫn (quotation), giễu nhại (pastiche) và siêu hư cấu (metafiction) là những cách thừa nhận sự nghịch lý và bi kịch ấy, đồng thời cũng là cách biến nghịch lý và bi kịch thành những thủ pháp nghệ thuật.
13. Loại hình nghệ thuật nổi bật của chủ nghĩa hiện đại là hội hoạ và thơ; của chủ nghĩa hậu hiện đại là kiến trúc và tự sự; trong tự sự, nổi bật nhất là tiểu thuyết. Nhiều người ta xem chủ nghĩa hậu hiện đại như thời vàng son của tiểu thuyết. Tuy nhiên, trên thực tế, không có lúc nào tiểu thuyết lại đối diện với nguy cơ bị huỷ diệt lớn như thời hậu hiện đại. Để tránh bị huỷ diệt, nó phải biến thành cái gì khác, cái phản-tiểu thuyết, như một số người từng gọi. Có điều, khi cái phản-tiểu thuyết chinh phục được nhiều độc giả, nó lại trở thành tiểu thuyết. Dĩ nhiên, hai cái tiểu thuyết trước và sau ấy khác hẳn nhau. Khác, như đỉnh Lô sơn trong thơ Tô Đông Pha ngày xưa: “Lô sơn yên toả, Triết giang triều / Vị đáo sinh bình hận bất tiêu / Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự / Lô sơn yên toả, Triết giang triều.” (Ai đó đã dịch: “Mù toả Lô sơn, sóng Triết giang / Khi chưa đến đó hận vô vàn / Đến rồi về lại không gì lạ / Mù toả Lô sơn, sóng Triết giang”.)
14. Bất hạnh lớn nhất của những người ôm mộng trở thành nhà hậu hiện đại chủ nghĩa ở Việt Nam là họ không có một siêu tự sự để phá đổ. Siêu tự sự Mác xít ở Việt Nam là thứ siêu tự sự mang tính tôn giáo thời trung cổ hơn là tính chất duy lý thời hiện đại. Chống lại nó là chống lại một thứ dị đoan chứ không phải chống lại một triết lý. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh? Ồ, chống lại nó, người ta chỉ tự mình làm cho mình hèn đi.
15. Có những lý thuyết bắt đầu bằng phê bình. Có những lý thuyết kết thúc bằng phê bình. Trong chủ nghĩa hậu hiện đại, vốn gắn liền với giải kiến tạo và hậu cấu trúc luận, lý thuyết là phê bình, hơn nữa, là tự phê bình: sự phản tỉnh mang tính phê phán (critical self-reflection), do đó, trở thành một trong những trung tâm của ý thức hậu hiện đại.
16. Người ta hay nói văn học nghệ thuật giúp tìm hiểu về con người. Với chủ nghĩa hậu hiện đại, văn học và nghệ thuật giúp ta tìm hiểu, hay đúng hơn, kinh nghiệm về những giới hạn của con người, trước hết là giới hạn của ngôn ngữ, của chủ thể tính và của năng lực nhận thức, đặc biệt đối với những cái toàn thể (wholeness). Có thể nói, với chủ nghĩa hậu hiện đại, loài người từ bỏ giấc mơ làm Thượng đế.
17. Gần đây, người Việt Nam hay nói đến chuyện đổi mới văn học, nhưng, thứ nhất, hình như không mấy ai băn khoăn về ý nghĩa của chữ “mới”; thứ hai, khẩu khí của người phát ngôn thường rất ư hẹp hòi và, lạ nhất là, rất ư bảo thủ, gắn liền với những mệnh lệnh đầy tính giáo điều: muốn mới thì phải thế này, phải thế nọ, v.v... Nhưng cái mới thực sự bao giờ cũng là cái phi-phải. Nói đến cái mới là nói đến sự đứt đoạn hơn là sự kế tục; là cái còn mù mờ hơn là những gì đã rõ ràng.
18. Sự phát hiện ra tính liên văn bản làm các nhà hậu hiện đại khiêm tốn hơn: họ biết, dù muốn hay không, họ cũng là những con nợ. Tính giải điển phạm (decanonization) lại làm cho họ tự tin hơn: họ biết họ không nhất thiết phải đi theo bất cứ con đường có sẵn nào cả. Nhưng tính giải lịch sử (dehistoricization) lại làm cho họ cô đơn hơn: nghệ thuật mà họ đang theo đuổi, bất kể là loại hình nghệ thuật gì, cũng là nghệ thuật của khoảnh khắc; và bản thân họ cũng chỉ sống trong từng khoảnh khắc, những khoảnh khắc phân mảnh và bất liên tục.
19. Cách tân thực sự trong lãnh vực văn học nghệ thuật là cách tân về phương diện phương pháp sáng tác và ý thức mỹ học. Những thay đổi về phương diện nội dung hay chính trị và xã hội chỉ là những điều kiện làm nảy nở hay nuôi dưỡng sự cách tân chứ không phải là mục tiêu của nó. Đường phố hay ngay cả nghị trường cũng đều quá nhỏ đối với người sáng tạo.
20. Quá trình khu biệt hoá các loại hình văn học nghệ thuật (thơ, nhạc, sân khấu, hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc, v.v...) cũng như khu biệt hoá tác phẩm văn học nghệ thuật và tất cả các loại sản phẩm khác trong xã hội chỉ xuất hiện ở châu Âu vào cuối thế kỷ 18, và ở Việt Nam, từ đầu thập niên 30 của thế kỷ 20 (và chấm dứt khoảng 10 năm sau, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, rồi, tiếp theo là chiến tranh chống Pháp, chiến tranh Nam Bắc, v.v...). Khi chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương giải khu biệt hoá, tính chất khu biệt ở châu Âu đã có hơn 200 tuổi; ở Việt Nam, nó mới chập chững bước vào tuổi... teens! Chưa có gì thành hình, thành nếp cả. Những tập tính tiền-hiện đại vẫn thống trị xã hội và mọi sinh hoạt văn hoá. Bởi vậy, có thể nói đối thủ của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Tây phương là chủ nghĩa hiện đại. Đối thủ của chủ nghĩa hậu hiện đại, nếu có, ở Việt Nam, là... truyền thống nói chung. Trong cái gọi là truyền thống nói chung ấy, mỗi người cầm bút phải tự tưởng tượng cho mình một kẻ thù. Mệt!
21. Thử thách lớn nhất lớn đối với các nhà phê bình, ở thời hiện đại, chủ yếu là năng lực diễn dịch; ở thời hậu hiện đại, là năng lực giải kiến tạo (deconstruct) cái thế giới nghệ thuật được người nghệ sĩ kiến tạo (construct), đồng thời tái kiến tạo (reconstruct) cái thế giới đã được/bị người nghệ sĩ giải kiến tạo; nói cách khác, đó là thứ năng lực sáng tạo.
22. Tác phẩm văn học nghệ thuật hậu hiện đại chủ nghĩa thường có tính chất triết lý dù chúng có thể không có nghĩa gì cả. Nhại Jean-Paul Sartre, chúng ta có thể nói: “Đằng sau bất cứ sự có-vẻ-vô-nghĩa nào cũng có một siêu hình học của... thời đại”.
23. Văn học Việt Nam hiện nay, nói theo chữ của John Barth, là một thứ văn học của sự cạn kiệt (literature of exhaustion). Ý thức về sự cạn kiệt, ở Mỹ, dẫn đến chủ nghĩa hậu hiện đại; ở Việt Nam, một sự cạn kiệt phi ý thức sẽ đơn thuần là một sự cạn kiệt, hay nói theo Nam Cao, một sự “sống mòn”. Và chết mòn.
24. Di sản văn học Việt Nam vừa nghèo nàn lại vừa nặng nề, nặng nề vì chính sự nghèo nàn của nó; nặng nề và nghèo nàn đến độ tôi có cảm tưởng việc không biết đến nó là một điều may mắn cho người cầm bút.
25. Chủ nghĩa hậu hiện đại là một biểu hiện của chủ nghĩa tiền vệ ở một thời đại người ta vừa biết không thể viết như cũ được nữa nhưng cũng không còn tự tin vào cái mới như thế hệ cha anh của họ. Cái mới chỉ còn đơn giản là cái khác. Khác-hoá (otherization) trở thành một mệnh lệnh của nghệ thuật.
26. Trong lãnh vực văn học nghệ thuật, nhất là trong những giai đoạn có nhiều và cần nhiều sự thay đổi, những người biết nửa vời thường dốt hơn những người không biết gì cả: những người sau có thể thay đổi, trong khi đó, những người trước thì thường là không. Có lẽ Jean-François Lyotard cũng nghĩ thế khi đặt tên cho một tác phẩm của ông là Tính hậu hiện đại giải thích cho trẻ con (The Postmodern Explained to Children). Thật ra, cuốn sách ấy không hề viết cho trẻ con. Nó chỉ nêu lên một đòi hỏi: để hiểu, người đọc cần có cái ngây thơ trong sáng, cả trong tâm hồn lẫn trong nhận thức, của trẻ con.
27. Ở giới cầm bút, ngoài yếu tố tài năng, điều tôi quan tâm nhiều nhất không phải là kiến thức, nhất là kiến thức lý thuyết, mà chính là thái độ; trong thái độ, điều tôi thích nhất là sự quyết liệt; trong sự quyết liệt, điều tôi đánh giá cao nhất là sự quyết liệt đối với tiêu chí, ở đó, người ta không cho phép mình lẫn lộn giữa các phạm trù và các giá trị: Theo kinh nghiệm của tôi, đó chính là yếu tố phân biệt tính nghiêm túc, tính chuyên nghiệp và từ đó, triển vọng của người cầm bút trong thế giới nghệ thuật. (Ồ, mà nói như thế thì còn gì là... hậu hiện đại nữa nhỉ?)
28. Hầu như tất cả các đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại đều có thể tìm thấy trong chủ nghĩa hiện đại. Tính chất phân mảnh, đứt đoạn, lắp ghép, giễu nhại, xoá nhoà ranh giới giữa các thể loại, thậm chí, giữa các phạm trù (nghệ thuật / thương mại, đặc tuyển / bình dân), v.v... đều đã manh nha từ các trào lưu đa đa, siêu thực, vị lai và lập thể. Sự khác biệt chỉ là ở mức độ: những sáng kiến mới manh nha ở chủ nghĩa hiện đại trở thành chủ đạo ở chủ nghĩa hậu hiện đại. Và quan trọng nhất, ở thái độ. Nếu chủ nghĩa hiện đại thích tìm kiếm những cái phổ quát, chủ nghĩa hậu hiện đại tìm kiếm những cái đặc thù; chủ nghĩa hiện đại có tính độc thoại, chủ nghĩa hậu hiện đại có tính tương thoại; chủ nghĩa hiện đại chú mục vào những yếu tố trung tâm, chủ nghĩa hậu hiện đại lưu ý đến những tiếng nói bên lề, thậm chí, những tiếng nói bị bóp nghẹt hay bị quên lãng. Xoay quanh một trung tâm, chủ nghĩa hiện đại đề cao tính chất liên tục, chặt chẽ và thống nhất; chủ trương phi tâm hoá, chủ nghĩa hậu hiện đại khuyến khích tính chất phân mảnh và đứt đoạn. Bản chất của chủ nghĩa hiện đại có tính toàn trị; chủ nghĩa hậu hiện đại có tính đa nguyên. Chủ nghĩa hiện đại tin vào sử tính của các biến cố, chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ tin vào ký ức. Tin vào sử tính cũng có nghĩa là tin vào sự tiến hoá và sự tiến bộ; tin vào ký ức, người ta chỉ tin vào chủ quan tính. Niềm tin vào tính chủ quan đồng nghĩa với niềm tin vào tính tương đối. Tin vào sự tương đối, thật ra, là không thực sự tin vào cái gì cả, hay nói cách khác, chỉ tin vào chính mình và những sự thật có tính điều kiện, chủ yếu là gắn liền với một chu cảnh về lịch sử và văn hoá nhất định.
29. Tất cả những gì chúng ta có đều là văn bản. Ngay chính bản thân chúng ta không chừng cũng chỉ là văn bản. Mọi văn bản đều bị khống chế bởi ngữ pháp và đều có tính liên văn bản. Điều đó có nghĩa là chúng ta vừa bị ngữ pháp hoá lại vừa bị liên văn bản hoá. Bị ngữ pháp hoá là bị quy ước hoá và bị cộng đồng hoá trong khi bị liên văn bản hoá là bị xâm lược bởi cả hệ thống văn hoá và cả ký ức tập thể của không phải chỉ dân tộc mà còn, với những mức độ khác nhau, của cả nhân loại hay một phần nhân loại. Là văn bản cũng có nghĩa là diễn dịch. Số phận của con người là được/bị diễn dịch. Ngay chính phản tỉnh cũng là một hình thức tự diễn dịch. Phản-diễn dịch, khái niệm được Susan Sontag nêu lên như một đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại, thật ra, chỉ là một cách nói: chính bản thân nó cũng cần được diễn dịch.
30. Truyền bá chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam thật khó. Đọc lý thuyết, phần lớn người đọc chờ đợi điều gì? Họ chờ đợi, thứ nhất, một định nghĩa thật ngắn ngọn và thứ hai, một danh sách các tín lý và các nguyên tắc thật rõ ràng. Tiếc, cả hai đều là những thứ bị chủ nghĩa hậu hiện đại từ chối. Sự từ chối ấy là một yếu tính của nó: chủ nghĩa hậu hiện đại không thể hiện hữu nếu không có sự từ chối ấy. Khi chủ nghĩa hậu hiện đại có một định nghĩa và một số kim chỉ nam cố định, nó không còn là nó nữa. Nó lại đi tìm cái nó khác, cái hậu-hậu hiện đại, chẳng hạn.
31. Marx nói: “Các nhà triết học giải thích thế giới bằng những cách khác nhau. Nhưng vấn đề là cải tạo thế giới.” Các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa tin rằng, thứ nhất, khi kiến thức là quyền lực và những cái gọi là chân lý có khả năng, đúng hơn, chức năng hợp thức hoá quyền lực, không có cách giải thích nào không đồng thời là một cách cải tạo; thứ hai, khi chính thế giới cũng là một thứ văn bản, qua các hoạt động diễn ngôn của mình, các nhà triết học và cả giới cầm bút nói chung không phải chỉ giải thích hay cải tạo thế giới. Mà là sáng tạo thế giới. Là làm cho nó trở thành có thực. Có thực như một động thái (activity) hay một tiến trình (process) chứ không phải cái gì đã-có-sẵn như nhiều người, trong đó có cả Marx, nhầm tưởng.
32. Đọc các tác phẩm bây giờ mà chỉ nghĩ đến các cây bút thời 1930-45 hay các thế hệ chống Pháp, chống Mỹ hay chống Cộng là làm nghèo nàn cho chúng và cũng tự làm nghèo nàn cho chính mình; là tự giam cầm tầm nhìn của mình trong cái trục lịch đại cũ kỹ và chật chội. Chủ nghĩa hậu hiện đại là trò chơi địa phương nhưng các khung quy chiếu (frames of reference) của nó lại phải có tính đồng đại và toàn cầu. Chính các khung quy chiếu ấy sẽ dần dần giải lãnh thổ hoá (deterritorialize) và giải quốc gia hoá (denationalize) văn học. Chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện dịch thuật. Dịch, ờ, thì cũng cần, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ.
33. Hư vô, thừa thãi, ngẫu nhiên, phi lý, buồn nôn, lưu đày, địa ngục, dịch hạch, ngoại tình,.... đọc lại các từ đã thành sáo ngữ của chủ nghĩa hiện sinh thời trước, chợt nhận ra một điều: chúng đầy cảm tính; chúng nhấn mạnh vào khía cạnh cảm tính của cuộc sống. Những từ ngữ gắn liền với chủ nghĩa hậu hiện đại, ngược lại, lại có tính chất tiến trình: phi tâm hoá (decentralization), gạch nối hoá (hyphenization), giải khu biệt hoá (dedifferentiation), giải lãnh thổ hoá, giải đẳng cấp hoá (dehierarchization), giải thực dân hoá, giải ngoại biên hoá (demarginalization), giải hợp thức hoá (delegitimation), giải hoặc (demystification), giải bản thể luận (deontologization), v.v... Có thể nói chủ nghĩa hiện sinh là thứ siêu hình học của tâm trạng, trong khi đó chủ nghĩa hậu hiện đại lại là siêu hình học của hiện tại hay của sự thay đổi. Nhằm nắm bắt từng sự thay đổi trong hiện tại, thi pháp hậu hiện đại chuyển từ kết quả sang tiến trình, tập trung chủ yếu vào bản thân tiến trình sáng tác, một tiến trình không bao giờ kết thúc. Như chính cuộc đời: không bao giờ có điểm kết thúc. Trừ phi tận thế.
34. Về phương diện thuật ngữ, thời hậu hiện đại cũng là thời nở rộ của các tiền tố (prefix): hết “phản-” (anti-) lại đến “giải-“ (de-), “siêu” (meta-), “đối-“ (counter-), và, đặc biệt, “hậu-“ (post). Có lẽ đây là một trong những biểu hiện rõ nhất về mối quan hệ giữa chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện đại: trong chiều hướng này, có thể nói chủ nghĩa hậu hiện đại là một cuộc đại khủng hoảng của chủ nghĩa hiện đại: chủ nghĩa hậu hiện đại tồn tại bằng sự vắng mặt hoặc biến dạng của một số yếu tố căn bản của chủ nghĩa hiện đại.
35. Chủ nghĩa hậu hiện đại không những làm thay đổi cách viết mà còn làm thay đổi cả cách đọc, thậm chí, cách đọc lại, hay nói theo Derrida: “để viết khác, chúng ta phải đọc lại một cách khác” (to write differently, we must reread differently). Tuy nhiên, chủ nghĩa hậu hiện đại không phải chỉ là một cách đọc và một cách viết. Trên tất cả, nó là một cách nhìn: chính cách nhìn ấy quy định cách đọc và cách viết. Thiếu cách nhìn ấy, nói chuyện hậu hiện đại là điều vô ích: người ta sẽ không hiểu được gì cả.
36. Hầu hết các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa ở Tây phương đều đi sau thời đại của họ: họ xuất hiện khi các điều kiện hậu hiện đại đã có sẵn. Các nhà hậu hiện đại Việt Nam, nếu có, mặc dù xuất hiện sau các nhà tiền phong của chủ nghĩa hậu hiện trên thế giới gần cả nửa thế kỷ, vẫn đi trước thời đại của họ, trên nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá không những ở ngoài ngưỡng hậu hiện đại mà còn mới chập chững ở ngoài thềm của chủ nghĩa hiện đại.
37. Từ xưa đến nay người ta vẫn có khuynh hướng xem biểu tượng Tháp Babel, nơi con người bị Thượng Đế trừng phạt phải nói nhiều thứ tiếng khác nhau thay vì một thứ tiếng thống nhất như trước, là một tai hoạ. Từ quan điểm hậu hiện đại, ngược lại, đó là một dấu mốc lớn của sự tiến bộ, mở đầu cho kỷ nguyên sáng tạo và đa dạng hoá của nhân loại. Có thể nói lịch sử văn học nào cũng là lịch sử hậu-Babel, nơi mỗi cộng đồng, thậm chí, mỗi cá nhân, mê mải đi tìm một tiếng nói riêng cho mình. Cái gọi là sự thống nhất trong quan điểm văn học nghệ thuật, điều mà ở Việt Nam, nhiều người vẫn thích lải nhải, là một điều hoàn toàn vô nghĩa. Nó vừa phản văn học vừa phản trí thức.
38. Một trong những chức năng lớn nhất của văn hoá là tạo huyền thoại (myth-making function). Một trong những chức năng chính của chủ nghĩa hậu hiện đại là giải huyền thoại (demythification): Chủ nghĩa hậu hiện đại, ở phương diện này, dù muốn hay không, cũng trở thành một thứ đối-văn hoá của thời đại. Là đối-văn hoá, chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành một thách thức trước mọi quyền lực, và do đó, dưới mắt những kẻ có quyền lực, ngay tính chất phi-chính trị (apolitical) của nó cũng bị chính trị hoá.
39. Không phải nhà hậu hiện đại chủ nghĩa nào cũng là một kẻ phản-duy bản luận (anti-foundationalist) hay phản-yếu tính luận (anti-essentialist), tuy nhiên, một lý thuyết hậu hiện đại chủ nghĩa nhất quán khó mà dung hợp được với niềm tin vào sự hiện hữu của một nền tảng tiền nghiệm và vĩnh cửu nào đó cho mọi kiến thức và “chân lý” do con người phát hiện. Chính trong chiều hướng phản-duy bản luận và phản-yếu tính luận ấy, các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa đã xem Nietzsche, kẻ tuyên bố “Thượng đế đã chết” như là một bậc tiền hô của họ. Dĩ nhiên, “Thượng đế” ở đây không phải là Thượng đế của Cựu Ước hay Tân Ước mà là Thượng đế của nhà siêu hình học, đạo đức học và nhận thức luận, thứ Thượng đế đóng vai trò của vàng hoặc Mỹ kim để bảo chứng cho các hệ thống tiền tệ mà loài người sử dụng. Thượng đế chết, mọi kiến thức đều là những sự diễn dịch (interpretation); mọi diễn dịch đều là những sự thương thảo (negotiation); mọi thương thảo đều có tính quan hệ (relational); mọi quan hệ đều tương đối (relative); mọi sự tương đối đều gắn liền với chu cảnh (contextual): thừa nhận tính chu cảnh ấy, người ta lạc vào tình thế luận (situationalism) hay phối cảnh luận (perspectivism). Lại cũng chính là những chỗ đứng của Nietzsche ngày trước. Hoan hô Nietzsche!
40. Với chủ nghĩa hậu hiện đại, lịch sử — nếu có thể gọi được như vậy — là một cô gái chưa bao giờ có trinh tiết. Không có, nên không bao giờ bị mất. Tính chất độc sáng, do đó, chỉ còn là một hoài niệm và cái gọi là sáng tạo chỉ có một ý nghĩa tương đối, đúng hơn, một ý nghĩa phi-truyền thống: đó chỉ là cách lắp ghép mới của những cái cũ. Ừ, thì cũng mới, chứ sao? Với đá, gỗ, sắt, gạch và ngói cũ, cực kỳ cũ, người ta vẫn có thể xây cất những ngôi nhà mới, hoàn toàn mới, kia mà. Chất liệu không quan trọng: đó là điểm thống nhất giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhưng sau điểm thống nhất ấy là sự khác biệt: yếu tố quan trọng thay thế chất liệu, với các nhà hiện đại chủ nghĩa, là cấu trúc (structure); với các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa là tiến trình hình thành tính cấu trúc (structurality).
41. Khi cố gắng giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam, không nên mơ tưởng đến những mùa thu hoạch ngay tức khắc. Thu hoạch? Chắc chắn sẽ có. Nhưng có lẽ không thể có ngay tức khắc được. Chủ nghĩa hậu hiện đại không phải là một hệ thống thủ pháp để có thể ứng dụng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Sau lưng hệ thống thủ pháp ấy còn có một hệ thống quan điểm; sau lưng hệ thống quan điểm ấy là cả một hệ thống cấu trúc kinh tế, chính trị và xã hội; sau lưng hệ thống cấu trúc kinh tế, chính trị và xã hội ấy là cả một truyền thống văn hoá kéo dài hàng ngàn năm; tất cả góp phần làm nảy nở một ký ức và trí tưởng tượng tập thể cũng như những cảm xúc tương ứng, từ đó, chủ nghĩa hậu hiện đại được hiện hình.
42. Tầm vóc và ảnh hưởng của Mikhail Bakhtin ở Tây phương chắc chắn lớn hơn ở Nga; của Jacques Derrida và Jean-François Lyotard ở Mỹ chắc chắn lớn hơn ở Pháp. Người được phát hiện bao giờ cũng được cộng thêm một cái gì đó từ người phát hiện; nhờ thế, họ giàu hơn chính bản thân họ. Và người phát hiện cũng được giàu hơn chính họ nữa, dĩ nhiên.
43. Tôi thích một câu nói của Susan Sontag, hình như trong cuốn Against Interpretation: “Thế giới chủ yếu là một hiện tượng thẩm mỹ.” Tôi cũng thích nữa câu nói của Joseph Margolis, đâu đó: “Mỹ học là nguyên tắc triết lý mang tính chiến lược nhất của thời đại chúng ta.” Nhưng gây ấn tượng nhất trong tôi là câu nói này của John Cage: “Cái đẹp bắt đầu từ đâu? Và nó kết thúc ở đâu? Nơi cái đẹp kết thúc, đó chính là nơi người nghệ sĩ bắt đầu.” Nhiều người đồng tình với John Cage trong việc tách biệt hai khái niệm thẩm mỹ và nghệ thuật: Với họ, thẩm mỹ không phải là điều kiện cần và đủ cho sự tồn tại của các tác phẩm nghệ thuật. Ngược lại, người ta có thể sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật thực sự không cần có một giá trị thẩm mỹ nào cả. Tôi cho đó không phải là một nghịch lý mà chỉ là hiện tượng thông thường trong những thời điểm giao thời, lúc quan điểm thẩm mỹ cũ đã tàn lụi mà quan điểm thẩm mỹ mới chỉ vừa manh nha, chưa đủ đứng vững thành một tiêu chí đánh giá tác phẩm nghệ thuật.
44. Tác dụng lớn nhất của các trò chơi là dạy người ta biết cách hưởng lạc thú của việc hy sinh bản thân mình cho một luật lệ chung. Tác dụng lớn nhất của nghệ thuật là dạy người ta tìm thấy lạc thú trong việc hy sinh luật lệ chung cho bản thân mình. Có điều bản thân nghệ thuật cũng là một thứ trò chơi, bởi vậy, quan hệ giữa nghệ thuật và trò chơi không phải là thứ quan hệ đối kháng mà là tương tác: ý thức về bản thân hay luật lệ càng cao và việc hy sinh chúng càng gặp nhiều thách thức, cảm giác lạc thú lại càng lớn. Lớn như một cái cao cả.
45. Loài người, suốt cả thời cổ điển và trung đại, bị ám ảnh và choáng ngợp bởi thiên nhiên và thần linh; thời hiện đại, bởi lý trí, và sau đó, bởi vô thức; còn thời hậu hiện đại, bởi kỹ thuật và truyền thông đại chúng. Đối diện với thiên nhiên và thần linh, con người thấy bị khiếp sợ: ý niệm về cái cao cả được hình thành như một sự uy hiếp. Sùng bái lý trí và tò mò trước vô thức, con người say mê theo đuổi những khám phá mới mẻ: cái cao cả chập chờn như một sự quyến rũ. Bị vây bủa bởi kỹ thuật và truyền thông đại chúng, những sản phẩm do chính mình tạo ra nhưng dường như đã trở thành xa lạ và bí ẩn đối với chính mình, ở đó mọi thứ đều trở thành ảo hoá (virtualization) và thế vì hoá (simulation): ý niệm về cái cao cả gắn liền với ý niệm về sự tha hoá. Người ta vẫn bị ám ảnh, vẫn bị choáng ngợp, vẫn hoang mang, nhưng không còn ngưỡng mộ.
46. Những người đã ít nhiều cảm nghiệm và trải nghiệm khí quyển hậu hiện đại sẽ không bao giờ có thể đi lại con đường hiện đại của nhân loại trước đây được nữa. Cũng như một người đàn bà không bao giờ có thể sống lại trọn vẹn cái thời con gái của mình. Không bao giờ.
47. Nhìn lại lịch sử văn học nghệ thuật thế giới, người ta dễ phát hiện ra hai nghịch lý: thứ nhất, hầu như không có lúc nào và không ở đâu không có sự hiện diện của văn học nghệ thuật, hoặc dưới hình thức sơ khai, có tính dân gian, hoặc dưới hình thức chuyên nghiệp, gắn liền với những người sống hẳn bằng sáng tác; thứ hai, những cái được gọi là văn học nghệ thuật ấy rất khác nhau; khác từ văn hoá này sang văn hoá khác; trong một nền văn hoá, khác từ thời này sang thời khác; trong cùng một thời, khác từ người này sang người khác; khác đến độ người ta dễ ngỡ không có cái gọi là văn học nghệ thuật nói chung, trừ, may ra, một điều căn bản nhất: chất liệu. Nghịch lý ấy dẫn đến một số hệ luận: một, dù có tính chất phổ quát, văn học nghệ thuật vẫn có tính chất văn hoá hơn là tự nhiên; hai, là văn hoá cũng có nghĩa là cái gì được tạo thành chứ không có sẵn; và ba, cái-được-tạo-thành nào cũng có tính lịch sử và hơn nữa, đều có khả năng được tạo thành tiếp hoặc tạo thành lại. Chủ nghĩa hậu hiện đại, một mặt, hoài nghi tính lịch sử, nhưng mặt khác, lại sẵn sàng đảm nhận vai trò tạo thành lại cái gọi là văn học nghệ thuật.
48. Nghệ thuật không phải là những gì có sẵn: Vậy, những gì có sẵn (readymade) cũng có thể trở thành nghệ thuật: Đó sáng kiến của Marcel Duchamp, một trong những sáng kiến có ý nghĩa cách mạng lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20, và có ảnh hưởng rất sâu đậm đến mỹ học hậu hiện đại chủ nghĩa.
49. Viết để ngay cả những điều phức tạp nhất cũng có thể được đọc và được hiểu là một cái thú. Viết để đạt đến cái cõi bất khả độc (unreadability) và bất khả quyết (undecidability) lại là một cái thú khác, cái thú thám hiểm vào những vùng biên ải xa xôi không những hiếm người mà còn hiếm cả ánh sáng nữa; ở đó, người ta có thể đùa nghịch với bóng tối và sự vắng vẻ đầy thanh khiết.
50. Tôi đọc được, đâu đó, câu chuyện cười về cuộc đối thoại giữa hai nhà hậu hiện đại chủ nghĩa. Người thứ nhất: “Hai nhà hậu hiện đại chủ nghĩa không bao giờ đồng ý với nhau về bất cứ điều gì.” Người thứ hai: “Ông nói đúng.”
|