Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Tin muộn


NHÀ THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN BỊ AN NINH BẮT SỐNG DO BASAM " CHỈ ĐIỂM "...


bởi Trung Quan Do vào 9 tháng 12 2012 lúc 10:06 ·

Thức trắng vì bồn chồn.cảm giác chưa từng vì không phải lần đầu tiên xuống đường.5g30 sáng tôi lững thững đi bộ lên Sài Gòn,nhập vào một vài người chạy thể dục .[ mình chỉ đi thôi ,không chạy …nổi ].nhảy vào công viên chi lăng cũ nay là Vincom center ngồi quan sát.Barie và lực lượng dân quân đã được huy động vào nhiệm vụ
Trời đã sáng rõ.
Tôi đi vòng ra Hai Bà Trưng lên phía sau Nhà Hát Thành Phố cũng vẫn trong vai người tập thể dục, buộc tóc đuôi ngựa và bỏ kính cận vào túi [ thấy gì cũng lờ mờ ] phải thế vì hy vọng cái bản mặt quá quen của tôi an ninh chìm nổi rải chung quanhsẽ không nhân ra trừ để y như cũ. Tôi mò vào được continental chỉ duy nhất mình ngồi,chọn chỗ khuất sau rèm quan sát lực luộng áo vàng xám đang tụ tập giao nhiệm vụ , lẫn an ninh chìm ngồi rải rác bên công viên đối diện.tôi có điện thoại , anh Cao Lập cho biết các anh Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu và Cao Lập đang bị an ninh chốt giữ tại nhà.Anh Lập dăn tôi cẩn thận bị định vị nếu gọi điện trong khu vực phong tỏa .ttước đó vài phút,tôi cũng cho anh Ba Sàm biết một ít tin tức quanh khu vực và chỗ tôi ngồi.
7g 00 vẫn còn vắng.trước Nhà Hát Thành Phố đang xếp những dãy ghế nhưa cho cuộc hòa nhạc nào đó.Tôi phóng ra chặn hai người khách du lịch nước ngoài nhờ họ bấm nhanh cho vài pô ảnh trước khi lực lượng an ninh phát hiện ra mặt tôi rồi trở và continental tiếp tục uống cà phê và quan sát.
Nhưng rồi an ninh thường phục xuất hiện ngay bên cạnh “ anh Q ! tôi nói chuyện “ trong tíc tắc tôi nghĩ thầm an ninh sài gòn cực giỏi ,góc khuất thế , sau tấm rèm che mà vẫn túm được tôi. Vị trung tá tên Tg tự giới thiệu và yêu cầu tôi về nhà.tôi từ chối “ tôi đang cà phê sáng.” Ông trung tá nói chúng tôi biết anh.việc này để nhà nước lo và anh đừng để kẻ địch lợi dụng.hôm qua thành phố đã làm việc với các vị khác,nếu anh từ chối rời chỗ chúng tôi áp tải anh về.luận điệu“ để nhà nước lo…” khiến tôi ngao ngán tới nỗi không còn muốn tranh cãi điều gì ngoài khẳng định chúng tôi chống bọn xâm lược , đấy mới là bọn xấu. vị an ninh bỏ ra ngoài và yêu cầu tôi ngồi yên đấy. sau 15 phút một an ninh thường phục phóng xe đến.Tôi đề nghị tôi tự về, nhưng an ninh không đồng ý “ chúng tôi sẽ đưa anh về tận nhà.” Điện thoại tôi tắt và ra xe. 9g kém 20 p.

H19
Đây là địch:Tên này trực tiếp chỉ huy việc bắt bớ, đàn áp tại hiện trường ngày hôm nay...

Còn đây là phía nhân dân ta: Nhà báo L.P.K đội mũ phớt màu xám đang giơ cao nắm đấm

 Giờ đọc anh Ba Sàm tôi mới than trời biết được cái lý do mình bị phát hiện nhanh đến thế .ối anh Ba Sàm ôi ! anh đưa tin thế này có khác gì chỉ chỗ tôi khi họ vẫn theo dõi web của anh từng phút hôm nay: Nhà thơ Đỗ Trung Quân từ KS Continental-Saigon điện thoại cho biết: “Khắp khu vực quanh Nhà hát Lớn TP đã bị rào chắn, công an dày đặc. Ngoài 2 vị Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, còn có ông Cao Lập đã bị công an chặn lối ra khỏi nhà. Ông Huỳnh Tấn Mẫm có thể đã thoát, gọi điện thoại ông không nghe, có lẽ để tránh bị công an dùng kỹ thuật định vị”.
Tôi bắt đền anh công thức trắng , 6g30 sáng đi bộ khắp nẻo sài gòn để lọt được vào vị trí quan sát và tham gia số một này . Anh cứ đưa tin “ từ Sài Gòn…nhà thơ…” có phải ổn không nào.Hu! Hu!.
Tôi về rồi và điện thoại cũng được trả lại .
Giờ tôi cũng đang làm quan sát viên qua trang của anh đây.hix!
Nhưng An ninh vẫn ngồi ngoài kia !
Đóng chốt.

 Các biểu tình viên bị đưa về trại Lộc Hà

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

PHƠI LƯỚI




Đông rất lạnh rét mướt mài lên cửa
Qua mờ sương ta nhận ra mình
Sao chẳng giống ta nhiệt thành hăm hở?
Hình như ta rơi vào ngay cái bẫy của mình!

Sợi lưới vô hình dệt bằng tơ ảo vọng
Bao tháng năm mê mải tê lòng
Lưới kéo lên rồi khô cong ngọn sóng
Còn lại bây giờ nhạt những rêu rong

Không còn có em ta chỉ còn áo rách
Ai đi bơ vơ năm tháng lưu đày?
Suốt kiếp này làm sao quên được?
Làm sao ra khỏi bức tường mình góp công xây?

Có muộn lắm không khi ta về ngôi nhà của mẹ?
Ngôi nhà đơn sơ hun hút gió trời..
Tia nắng hiếm hoi của mùa đông an ủi
Có kịp một lần mang lưới ta phơi??

H.G




Thơ của BVCT:

Hùng Việt sử ca. Mở đầu



Mảnh đất Việt vạn năm văn hiến

Buổi bình minh trời biển non sông
Có nghe con Lạc cháu Hồng?
Chuyện cha ông thủa vua Hùng đau thương.
Nước nhà còn nhưng hồn đâu mất?
Sử vạn năm phút chốc đổi trao
Bụi thời gian mờ mịt sao
Tẩy sơn, gạt bụi lại cao ngàn trùng.
BVCT



Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

NHÂN NGHĨ VỀ NGÀY TẬN THẾ



00:47 13 thg 12 2012Công khai0 Lượt xem
0

Trái đất mỏng tang như trái trứng
Trôi trong không gian còn lắm ưu phiền
Trôi trong thời gian có quá nhiều đồ tể
Những tên độc tài và những kẻ khùng điên!

Xây Vạn Lý trường thành làm chi nhỉ?
Có ích gì bao cuộc phân tranh?
Máu và nước mắt thế gian này tràn ngập
Nước ngàn con sông bao giờ trong xanh?

Người đua nhau tìm tinh vân, đất và nước nơi vũ trụ
Sao Người không tìm trong lòng mình?
Những Trụ, Kiệt ngỡ ngai vàng muôn thủa!
Hít và Mút kia có nghĩ đến khi không giữ nổi mạng mình?

Sao con người sống như là chưa sống?
Để chết trong ảo vọng mơ hồ
Những kẻ tâm thần nghĩ mình nhà tư tưởng
Sẽ biến hành tinh này thành chốn hoang vu!

Người hoang mang trước ngày tận thế.
Có thể ngày mai..có thể nhiều ngày..
Sẽ chẳng ích gì nếu hành tinh này cứ trôi như thế..
Nơi u tì mà cứ ngỡ đang bay..



Thơ Chiêu anh:
  giáng sinh...đường về đồi thập giá...

1-dường như anh đang chết dần trong giấc ngủ
hay giấc ngủ là sự chết?
không biết...
2-trong giấc ngủ đứa trẻ lớn dần lên
trong giấc ngủ nụ hoa hé dần ra
sau giấc ngủ đứa trẻ thành người già
sau giấc ngủ nụ hoa chờ úa
sống và chết
không biết...
3-anh ngủ mấy ngàn ngày?
và thức mấy ngàn ngày?
anh chết mấy ngàn lần?
và sống mấy ngàn lần?
không nhớ...
4-chỉ cây trạng nguyên lá đỏ
tưởng héo tàn
vô phương cứu chữa
sáng nay thấy một chồi rất nhỏ
báo giáng sinh...
khởi đầu sự chết...
(33 năm đường về núi Sọ...)
5-chúa ngủ mấy ngàn năm?
chúa thức mấy ngàn năm?
sống và chết
sỉ nhục và vinh danh...
anh cũng chẳng biết...

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Chuyện nọ xọ chuyện kia


Năm xưa lưu lạc hải hồ, mình có quen mấy ông trên vùng cao. Một ông người Mèo, một ông Mán và một ông người Thổ. ( Cứ gọi nôm thế cho nó dân dã, thân mật, chả phải văn hoa, kiểu cách H’Mông, Dao diếc gì cả ). Tôn trọng, yêu mến nhau là ở trong lòng, phải đâu cách gọi tên thế này ra thế khác?
Ngày ấy mình khó trăm bề. Có ông anh kết nghĩa cho cái máy ảnh cũ Hiệu Ca non, ca già gì ấy, lâu ngày không còn nhớ nhãn mác, ống kính, độ zum của nó nữa. ÔNg ấy bảo: “Tao cho mày cái cần câu cơm. Lên vùng cao mà kiếm ăn. Ở đấy đồng bào người dân tộc. Người ta thật thà, tốt bụng và quý người. Vừa kiếm sống vừa tích lũy vốn sống sau này vừa phù hợp với chân số của mày”. Mình nghĩ ông này kinh, hiểu quá sâu về mình. Ông ấy không định kiến a dua theo dư luận lại còn có ý muốn giúp. Ông nhớ cả câu trong lá số của mình. Rằng là “Ở quê ăn ở chẳng yên, sau này lên núi, lên non mới thành”. Và cũng là “mối tình đầu CNXH”, con người ta sống với nhau. Đời sống còn nhiều khó khăn nhưng tình cảm trong sáng, không vụ lợi hoặc “Ông mất chân giò bà thò chai rượu”, có đi có lại như bây giờ!
 Đang sống ở Hà thành bụi bặm, ngột ngat, những người là người, lênh bênh như trứng treo đầu gậy. Công việc nay có mai không, ba cọc ba đồng buộc vào cỗ máy nhà nước dăm ba tháng, lại văng ra ngoài. Nay được ra chỗ rộng rãi, thoáng đãng, môi trường tử tế ai mà không ham? Tâm trạng mình như anh tù vừa được tha, sướng khôngtảđược!
 Mình sắm sửa lên đường ngay. Chỉ định đi một vài năm, rồi “Châu về hợp phố”. Ai ngờ dính với núi với rừng gỡ không ra, mãi cho đến bây giờ!
Bạn trên núi cao một thời coi mình như người trong nhà. Bốn, năm cái “cùng” chứ không chỉ “ba cùng” như mấy ông cán bộ hồi cải cách, hay mấy ông “nằm vùng” ngàynay.
Ấy là mình nghe kể lại và tìm tòi qua sách vở, chứ hồi “cải cách”, mình đã biết “cải cách”là cái quái gì đâu?
Còn cái anh “Nằm vùng” hiện tại, quá lắm chỉ một, hai “cùng” thôi. Anh nào bám dân chỉ cùng ở, cùng ăn đã là tốt rồi. Làm gì còn ai cùng làm, “Ba cùng” nữa?
Mình khác. Chẳng những cùng ăn, cùng ở, cùng làm..Còn cùng suy nghĩ và cùng vui, cùng buồn, sướng khổ với các ông ấy. Người ta đối với mình thế nào, mình quý báu lại người ta như thế.
Lâu nay thêm tí danh hão, mình bận công việc như lông lươn, chả lúc nào rảnh.
Lâu lâu mới lên thăm các ông ấy được một lần. Các lần thăm viếng ấy thường không gặp may. Rất ít khi gặp các ông ấy có mặt ở nhà. Hôm thì có ông đi “Cầu làng”, hôm ông đi làm “Ma khô”, hôm vợ chồng cơm nắm lên nương, ở lại đó đến tối mới về. Mình đi tranh thủ, làm sao đợi được đến ngày hôm sau?
Sự thực là thế, nhưng công nhận mình vẫn thiếu quyết tâm, thiếu nhiệt tình. Con người ta muốn tốt với nhau, muốn gặp gỡ ân tình có trở ngại nào ngăn cản được? Chẳng qua mình tự dối lòng, tự an ủi mình thôi. Cái chính vẫn là ngại đi bộ, đường xa. Cái thời mũ lá, măng rừng leo núi, vượt đèo hàng chục cây số “như xưa” mất rồi. Con người ta hơi sướng một tí là quên, sợ ngay cái khổ, dễ hư thân. Mình còn thế huống chi những anh miệng rộng, bụng to, quan liêu, quan cách? Chả trách chủ trương cứ như ở trên giời.   Muốn giúp người vùng cao mà giúp không phải lối.
Định dịp cuối năm, nhân thể “đi thực tế tối tác” có thời gian sẽ ở lại vài ngày. Nướng bắp non, uống rượu hoẵng, chuyện tào phào với các bạn “tồng”.
Chưa kịp đi các ông ấy có việc về tỉnh, ghé nhà chơi. Nào mật ong, mộc nhĩ, gà, gạo lỉnh kỉnh như kiểu đi thăm người ốm.
Lại mừng và nhậu..

**
Bốn thằng mình, tuy là bốn “tông” người khác nhau ngồi theo thế “Tứ trụ trào đình” đang “mở hội tâm hồn” đãi nhau, chứ không phải như bác Chế “đãi núi sông”đâu. Sông núi thì tâm hồn đãi làm sao được? Mà chỉ tâm hồn thôi cũng chưa chắc đã đủ. Sông núi cần thứ khác, cụ thể hơn, mãnh liệt hơn, can đảm, sáng suốt hơn. Tâm hồn suông thì nước mẹ gì?
Rượu rót ra chén, lời thật thà tử tế rót vào lỗ tai. Thằng người Mèo bảo: “Tao xem vườn nhà cái mày rậm quá. Để hôm này tao vác con máy xuống hộ cho một buổi. Để thế này định nuôi chồn à?” Mình bảo không phải, không phải. Chẳng qua bận quá, chưa mượn được người. Với lại làm rừng cần phải giữ “thực bì”. Phát sạch cỏ, độ ẩm giảm đi đâu có tốt? Nó cau mặt: “Đúng là cái mày học cày đường nhựa rồi. Phải phát quang đi cây mới lên được chứ?” Mình thế á, thế á? Hôm nào xuống giúp tao đi. Nó chả cần nghĩ lâu, đầu gật như gà mổ thóc! Thằng người Mán bảo: “ Cái gói tao đưa cho mày lúc nãy, đem ngâm rượu ngay đi. Dưng phải để lâu lâu mới uống. Uông lâu không nên đâu!”. Còn anh Thổ chả nói gì, gắp thức ăn cho cả ba: “Ăn tí đi đã. Uống không thế này khác gì rượu nhắm với thịt mình. Chuyện đâu chốc nữa nói. Ừ thì ăn. Uống..
 Đang vui có người thập thò trước cửa. Con chó Mèo lông xồm chồm ra, người đó kêu ré lên. Mình vội chạy ra:
- Ai đấy? Có việc gì à?
- Tôi đây, có việc mới đến tìm ông. Không có đến làm gì?
Không đợi mình mời người đó gù gù kiểu “bố bản” cứ thể xông vào. Mình điên thật sự. Thằng nào chứ thằng này mình không muốn nó vào nhà tí nào. Ngày thường mặt nó tôi tối, môi mỏng xám ngoét. Không hiểu sao hôm nay mặt nó đỏ tía lên. Cái trán hói cao như kiểu trán lãnh tụ bóng nhãy mồ hôi. Hai tay nó khuỳnh khuỳnh vòng trước đưa đi đưa lại, như thể chuẩn bị vào “trung bình tấn”, nom rất gây sự. Nó va mình mấy lần, mình đã cho nó nếm mùi đời, cạch mình đã lâu lâu. Hôm nay dáng vẻ khiêu khích thế này, chắc là có chuyện. Mình đoán thế dù chưa biết có chuyện gì? Mình đâu có vướng mắc hay làm hại gì nó? Thằng “kiêu binh” này muốn gi?
Nếu nhà không có khách mình sẽ từ tốn nói với nó là mình đang bận, hay có việc ngay bây giờ phải đi. Không phải mình hốt hãi, ngại gì thằng đó, chỉ là không muốn nói chuyện với hạng người này. Nhưng lúc này không lẽ đuổi nó đi? Mấy ông bạn kia sẽ nghĩ thế nào về mình? Dù sao nó cũng là người cùng một dãy nhà với mình. Có một vị láng giềng như thế, chả đáng lấy làm xấu hổ lắm sao?
Đành phải để hắn ngồi xuống ghế. Các ông bạn chân thành của mình vội lấy thêm cái chén, rót rượu cho nó. Mình than thầm, thể nào rồi cũng có chuyện..
Y như rằng! Hắn nhắc lại câu chuyện mấy hôm trước gặp mình ở nhà lão bí thư. Lão ấy cứ hỏi chuyện này, chuyện khác, chỗ nọ xọ chỗ kia. Lạ nhỉ, người cương vị như lão sao kiến văn eo hẹp thế không biết? Cái gì cũng hỏi? Vui mồm mình kể chuyện mấy ngày rong ruổi trên cao nguyên Đà Lạt. Gặp bà con người Lâm Hà.. Toàn những chuyện chả liên quan gì đến hắn. Không biết hắn nhắc lại hôm đó là sao nhỉ?

**
Đáng lẽ thằng bỏ mẹ này phải cảm ơn mình mới phải. Hồi giải tán hợp tác xã nó mất chân thư ký đội. Từ nay làm thật ăn thật, không thể thăn thiến được của ai.
Dân làng đỡ hơn trước một chút, nhưng nhà nó lại đi xuống.
Nó vẫn hãnh diện với mọi người: Từng là lính lái xe tăng, tàu bò, từng là ‘Dũng sĩ” nọ kia. Nhà nó có tủ gương, giường mô đét, là những của quý lúc bấy giờ. Lại năm gian nhà ngói, vườn rộng hàng mẫu. Cả xã chưa ai biết đi xe máy thì nó đã mua Pốt xoa. Mua để cho oai chứ đâu đã có đường mà đi được? ( Riêng thuê chiếc thuyền chở từ Vật Trì về đã bằng tiền nhà người ta ăn tiêu cả năm. Thế mới kinh! )
Đang ở trên trời như thế, tự nhiên rơi xuống đất. Nó chán, lao vào rượu chè, bài bạc là những thứ mà trước đây nó ghét, nó khinh bỉ.
Của nả trong nhà cứ dần dà đội nón ra đi. Cuối cùng vợ nó ra đi nốt. Riêng về chuyện này không phải lỗi ở thị vợ nó. Dù có nghèo khổ đến đâu, con gái làng này cũng không bao giờ bỏ chồng, bỏ con để sướng một mình.
Thị ra đi vì chuyện khác..
Thằng em trai nó đang ở trên “chốt”. Tình hình biên giới mỗi ngày một căng, tay ấy ít khi về.
Đứa em dâu lại rờ rỡ như hoa hải đường. Nó thèm và đã bước qua hàng rào luân lí!
Mình không rõ chuyện ấy có thực hay không?
Nhưng dân làng bảo là nó có chuyện với đứa em dâu.
Con này sinh ra một thằng bé có đuôi dài độ nửa mét, mắt mũi dính lại với nhau và có đến mấy cái tai!
 Nhà nó họp lại, không dám nuôi, nửa đêm bắt phải đem chôn dấu dân làng ở gốc cây mít.
Nửa tháng sau ông bố đẻ nó vào một đêm tối trời, treo cổ tự vẫn chính cây mít ấy. Khi cả nhà phát hiện ra, người ông đã cứng, lạnh tím tự bao giờ rồi!
Sau chuyện đó, nó dở điên dở khùng, nhưng lúc không rượu lại nói năng rất văn hoa. Người xa mới gặp ai cũng nghĩ nó là người hiểu biết lịch sự..
Chính khi ấy mình về. Nó chủ động đến chơi, nghe nó nói chuyện mình có chút cảm tình. Ở cái chốn rừng xanh núi đỏ xa cách thế giới này, có một thằng như thế ai lại không muốn? Mình đâu biết quá khứ hay dở thế nào đâu?
Thằng bỏ mẹ kể những ngày oai hùng của nó. Mình nghe mà thèm. Nó bảo : “ Thực ra bài hát năm anh em trên một chuyến xe tăng là người ta hát cho có vần. Đúng ra xe tăng ta thời bấy giờ chỉ có bốn người. Vừa lái chính lại phụ, xạ thủ, thợ máy. Dưng mà chả sao, thơ nhạc cũng phải mô đi phê đi một tí chứ. Có sao hát vậy thì làm sao mà nghe cho được”. Mình phục. Thằng này tài. Biết cả chuyện éo le, bếp núc của văn học nghệ thuật, không phải người thường!
Mình có cô bạn người dưới Phòng trước cùng học một khoa với mình. Chồng nàng lái tàu Vích Ko lớ sớ thế nào lâm vào cảnh lao lí. Nàng bán nhà lên Hà Nội ngồi chè chén ngoài ga Hàng Cỏ, kiếm sống qua ngày. Lại thêm một thằng con trai mới ba bốn tuổi. Mình tình cờ gặp nàng trong một chuyến vi hành. Người cũ, bạn xưa, oan khiên hiện tại khiến mình động lòng. Nàng theo mình lên nhà chơi, nhận bà mẹ mình là mẹ nuôi. Thực ra mẹ mình đâu có nuôi nàng được ngày nào?
Sau này mình cứ ân hận mãi, nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, bạn mình đã không khổ. Hoặc giả mình không gặp chuyện ngang tai trái mắt bỏ nhà đi chừng ấy năm, thì đã không có chuyện. Hắn lấy được nàng, nghe nói được mấy tháng đầu hạnh phúc lắm. Mình về thăm nhà, vợ chồng hắn đưa con lên chơi mang cả rượu cả gà.. Mình nghĩ vậy là mình đã làm được điều nhân nghĩa, phúc đức. Một thằng mất gần hết tính người gặp được người bơ vơ chân trời góc bể, đấu níu nhau, làm lại cuộc đời. Qúa tốt rồi còn gì để nói?
***
Ngồi vào bàn nhậu rồi, nó không cần ý tứ. Bạn trên non cao của mình rót chén nào ra, nó không để “long đen” chén ấy. Liên tay gắp cho người, lại gắp cho mình.( Muốn ăn thì gắp cho người cũng chẳng sao). Mình nghĩ thằng này lâu ngay háo chất. Sống một thân một mình, bữa thất bữa thường, Người có gia đình hẳn hoi lúc khó khăn này còn sất bất sang bang, huống chi đơn người, phù phiếm vật vờ như nó? Không thông cảm chiếu cố đến hoàn cảnh của nó thì mình đâu còn là con người. Chỉ mong cho nó “đến vạch”, đứng lên ra về. Mấy ông bạn trên núi lại càng thật thà chăm sóc..
Ai ngờ cuối bữa, nó nhắc chuyện hôm gặp nhà bí vừa rồi.
Hôm ấy nó cắt ở đâu mấy cành bưởi bảo là giống quý đến nhà bí chơi lần cuối!
Hỏi sao là lần cuối?
Nó bảo: “ Chả thiết ở cái làng này nữa. Sống buồn thế đủ rồi, tôi đến gặp ngài để ngày mai đi..”
Bí đâm hoảng. “ Thằng này có họ xa với mình. Nó định đi đâu? Hay là..? Nhà nó có cái zen tự vẫn. Ngoài ông bố nó còn đứa con trai bảo mà làm, thực ra uống thuốc ngủ chui vào bụi chết. Lại thằng cháu gọi nó là chú ruột. Hay là thằng này định “Theo chân” bố nó?” Vội vàng an ủi, động viên.
Mình cũng góp lời, thôi đi làm gì? Ở đâu cũng đường đất nhà trời. Ở đâu cũng phải làm phải ăn. Chả có chỗ nào ngồi mát mà ăn bát vàng đâu bác ạ!
Nó long mắt gừ mình:
- Mày thì biết sao được nỗi khổ của tao? Hồi ấy mày có nhà đâu? Con cái Quy ( Chính là cô bạn học của mình ) tao quý nó như vàng. Nó nỡ bỏ tao đi mang theo cả giọt máu của tao nữa. Chúng mày tưởng tao đi chết à? Đừng có nhầm. Tao đi tìm vợ con chứ dại gì mà tự vẫn?
Bí mừng ra mặt. Thế là đỡ đi một “vấn đề” phức tạp. Còn mình lại lo.
Ngày mình qua Lâm Đồng, thế nào lại gặp Quy. Đúng là oan gia lối nhỏ! Mình chỉ mong Quy đừng trách giận gì mình:
Nàng bảo chả qua là tại nàng chưa tìm hiểu sâu sát, lấy phải ác ma. Nó đánh nàng lên bờ xuống ruộng. Bắt phải đưa thằng cu con nàng về quê ngoại. Mà quê ngoại nàng đâu còn ai? Không có cách nào thuyết phục cảm hóa nổi con người này. Cuối cùng nàng lại một lần nữa cất bước lên đường. May mà vào đến trong này gặp được người tốt, mới có ngày hôm nay. Nàng gặp mình cốt để hỏi thăm hiện tại chồng cũ là nó đang sống như thế nào? Mình kể qua loa cho nàng nghe. Nàng lặng người đi một lúc. Nàng dặn mình đừng nói gì với hắn về chuyện này. Cho mình số điện thoại để khi nào nàng cưới con mời mình vào dự đám.

Mình đã giữ lời hứa với nàng không nói gì. Không hiểu sao nó lại biết có cuộc gặp gỡ đó?
Mình nghĩ mãi. Có lẽ hôm đó khỏi nó về một lúc, chả biết cám cảnh về nỗi niềm của nó hay mấy chén rượu ngâm bìm bịp nhà bí mà mình hở chuyện. Quên cả việc nó với bí là chỗ họ hàng. Có lẽ thông tin từ lỗ này dò rỉ ra chăng?
****
Mồm ăn miệng nói, nó liên thuyên về cái thời ra ngõ gặp anh hùng. Bản thân nó cũng là một “anh hùng chính danh”. Bạn vùng cao của mình cứ trố mắt ra mà nghe. Sao cái thằng xấu xấu bẩn bẩn này lắm tài thế nhở? Cái gì cũng biết, cái gì cũng hay. Trên đời này chả có cái khó nào mà nó chưa từng trải qua!
Bạn mình phục và nể nó quá!
Bạn người Mèo còn hẹn nó: “Hôm nào lên cái tao chơi”!
Người vùng cao vắng vẻ thích nghe chuyện và quý người một cách đơn sơ như vậy. Bạn Dao còn xin nó số điện thoại. Thằng bỏ mẹ cười ngượng ngịu: “ Mình quên không mang”.
Thực ra nó nào có dùng? Gọi đi đâu và nghe ai gọi mà dùng điện thoại?
Nó phét thế thây kệ nó. Mình chỉ mong cho nó đứng lên, kết thúc cuộc gặp bất đắc dĩ này.
Đột nhiên nó quay sang mình:
- Tớ có việc phải về. Nhưng trước khi về cậu cho tớ số của..
- Làm gì có số nào? Ông với bà ấy vợ chồng với nhau bao nhiêu năm còn chả có nữa là tôi?
- Này đừng dấu nhau, lão bí nó bảo cậu biết số của mẹ con cái Quy, cậu giấu tớ làm gì?
- Ông này hay! Tôi dấu làm gì? Nếu ông bí biết thì hỏi ông ta ấy, sao lại hỏi tôi?
- Hay là mày có chuyện gì với nó mà mày dấu?
Tôi nóng hết cả mặt mày, định lôi luôn nó ra cửa, nhưng nghĩ nhà đang có khách, không nên. Bạn Thổ trên làng Lan đã nóng mắt, lại không bình tĩnh như mình, nói ngay:
- Có, người ta mới cho mày được, không có lấy đâu cho, sao lại nói thế?
Nó nhếch mép cười khẩy:
- Mày biết đéo gì chuyện này mà tham gia? Thích gây với tao hả? Có biết bố mày là ai không?
Bạn thổ giận tím mặt, từ từ đứng lên. Có lẽ bạn ấy tức nó về câu văng tục vừa rồi..Nó ra tay trước, vơ vội cái bát vèo một cái ngang qua mặt mình. Không trúng ai. Cái bát chỉ làm vỡ cái khung ảnh “Gia đình văn hóa”  treo trên tường.
Cuộc đấu không hẹn của hai bên diễn ra ngay trên sân nhà. Hai kẻ không quen biết lăn xả vào nhau. Mọi người chạy đến nhưng không ai làm cách nào ngăn cản được. Đúng là thằng dở có vài miếng của thời “lực lượng đặc biệt”. Anh bạn Thổ cũng không phải tay vừa. Bài “Miêu quyền” giờ được lúc trổ tài, tấn thủ mau lẹ..
Mọi chuyện xảy ra bất ngờ quá, mình lúng túng chưa biết làm sao. Có lẽ tại cái thứ men rượu của bọn người “nước lạ” bán sang đây? Con người ta bỗng chốc trở nên rồ dại, mất bình tĩnh do thần kinh căng thẳng đột ngột. Người bình thường còn có thể chịu đựng được. Nhưng với với kẻ điên sẵn, rồ sẵn, lại có dòng máu mang “zen tự vẫn” như thằng này, không bị điên hẳn, mới lạ!
Hai đấu thủ kẻ thì xưng má, kẻ trều môi vẫn quyết một lòng sống chết lăn lộn vào nhau. Vớ được cái gì liệng về đối phương cái đấy. Vừa may có một người vác đâu cành dòng tre gai lùa vào giữa..
Đây là kinh nghiệm khi có hai con trâu cà đánh nhau, thật là hiệu nghiệm! Áo của cả hai “võ sư - võ sĩ” quấn chặt vào mớ gai đó, nhùng nhằng gỡ mãi không ra, cuộc tỉ thí mới tạm dừng. Cũng là lúc người nhà nó nghe tin chạy đến.
Không hiểu sao hôm nay bọn chúng mát tính. Không té nước theo mưa, kéo bè kéo cánh gây thêm sự như ở nơi khác, còn xin lỗi mình, đưa tên bỏ mẹ về nhà!
Bữa rượu thành ra hỏng. Bạn mình trên núi giận dữ bỏ ra về. Bao lâu mới gặp chỉ một chuyện không đâu vào đâu, chuyện nọ xọ chuyện kia mà nên nỗi!
Mình buồn, chả biết các anh í có hiểu cho tấm lòng của mình nữa hay không?

==================

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Văn hóa a dua


Mình đã định về. Ông anh ở huyện Con Dê lại bảo đi cùng với ông ấy một lúc. Ông ấy cần gặp một vài người, đi một mình “nó tơ hơ thế nào ấy”. Kinh nghiệm rồi, đã định không đi, nhưng khi ấy nể quá nên đành phải theo. Phàm là người dính chuyện bút nghiên, kinh doanh, ngoại giao.. khi độ cồn trong người quá mức đều không nên gặp ai.
Gặp người khi ấy chuyện nọ xọ chuyện kia, rất dễ sinh họa.
Nhớ năm du hành phương nam, ngày ba bữa bia rượu, chẳng mấy lúc tỉnh táo. Gọi là “đi thực tế để lấy tư liệu sáng tác” nhưng chả tích lũy được gì ngoài cái kinh nghiệm: - Khi say nói càng ít càng tốt. Mà tốt nhất đừng nói gì!
Buổi tối ở Quang Trị, nửa đêm phởn lên, ông “chánh đoàn” rủ mình với hai ông nữa đi chơi phố. Đến quãng đường vắng vẻ chỗ cây cầu gãy hồi chiến tranh lão ý dừng lại, có vẻ bồi hồi xúc động lắm. Ngắm ngía một thôi một hồi, mình cứ tưởng lão tìm nhà quen. Không hiếm ông cán binh hồi đó có “cơ sở” cũ trong này. Ông anh họ mình cũng có một nơi như thế. Ông ấy thường vẫn nhờ mình làm chân liên lạc cho sự bí mật của mình. Vợ ông từ ngoài bắc vào lúc nào cũng cháo ám kè kè, có muốn tắc tế cho người ta cũng khó. Không lẽ để người ta ôm con đỏ bơ vơ trong lúc đời sống khó khăn?
 Cám cái cảnh ấy mình đành nhận lời, thực lòng mình không đồng tình với lối ăn ở hai mang như thế này của ông ấy. Sau này bà vợ phát hiện ra, giận mình lắm, thỉnh thoảng còn trách lóc mình mãi đến tận bây giờ. Mãi đến ngày bà ấy dứt quyết buộc chồng về quê, nếu không làm dữ đến tổ chức đảng, chuyện mới chấm dứt. Nghĩ cũng tội cho ông anh mình. Vì cái lon thiếu tá hồi bấy giờ đành dứt áo ra đi, ngậm cay, nuốt đắng trong lòng rời bỏ nơi có giọt máu của mình để lại...Năm ngoái ông ấy trước lúc nhắm mắt cứ nhìn mình chằm chằm như nhắn nhủ điều gì, nước mắt ứa hai bên khóe mắt. Tắt thở đã lâu rồi, người nhà mãi mới vuốt được mắt cho ông ấy.
Thấy thái độ chùng trình của chánh đoàn lúc ấy làm mình chợt nhớ câu chuyện đó.

Nhưng thực ra không phải. Chẳng qua lão làm bộ làm tịch, “diễn” với bọn mình lúc đó về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của lão thời bấy giờ.
Lão chỉ chỗ nọ, chỗ kia lão bắn chết được mấy thằng. Chỗ lão suýt bị bọn chúng bắn chết ra sao. Mình chỉ biết nghe, không tham gia câu chuyện. Chợt lão phó kéo áo mình lui lại nói nhỏ vào tai: “Lại phét đấy. Đừng có nghe. Ngày xưa lão ở 559 mãi bên Lào, đâu có ở đây ngày nào mà bắn với chả giết?” Mình ngạc nhiên, không biết lão ấy nói vậy để làm gì?
Cả bọn đi thêm một quãng, có một quán rượu ngoài trời, lão lúc ấy đang cao hứng bảo cả bọn dừng lại: “ Làm chầu nữa rồi về ngủ cho ngon giấc”. Lão phó có vẻ không bằng lòng, hai bên từ lâu chỉ bằng mặt không bằng lòng nhau. Phó ta cố nhịn chờ vài tháng nữa lão về mẹ đĩ mình lên thay. Ngồi uống rượu mà đầu óc cứ để đâu đâu. Rượu ngoại hẳn hoi mà chả thú vị gì.Người ta ăn khi đói, rượu cũng vậy phải là lúc thèm nó mới thấy rượu là rượu ngon. Đủ chén, hay quá chén rồi còn biết gì hay dở, ngon hay không ngon?
Lão lên giọng thày đời dạy người ta nên như này, nên như khác. Rồi khoe cuốn TT mới ra đang được dựng thành phim như thế nào? 
Mình quen lão cũng đã lâu, trình văn vẻ, học vấn của lão đâu có lạ?
 Chẳng qua người ta cơ cấu cả trong việc in ấn, phát hành, thổi thơm vì cương vị chứ đâu phải tài năng sáng tạo gì? Đang lúc giá trị văn chương nghệ thuật đang bị méo mó về các lối pờ rồ, lăng xê, bốc thơm bốc thối nhau nhặng xị thế này, giá trị thực rất khó xác định, chủ yếu là văn hóa a dua, a tòng theo “bề trên”. Chẳng nhớ lúc đó mình nói câu gì, đại thể ý như thế, lão vằn mắt rủa xả mình không còn câu nào để nói. Nhà văn gì mà nói chua, nói bẩn không thể tưởng tượng được. May mà lúc ấy chút“sĩ” giang hồ của mình đã nguội được vài năm, không thì  lão lỗ mũi ăn trầu là cái chắc!
Sau đó lão giận, thù mình đến mấy năm trời, làm mình có lúc điêu đứng. Rồi những câu chuyện nhăng nhít lão nhặt ở đâu về gán cho mình. Miệng kẻ sang như lão nói đương nhiên có nhiều người tin. Mãi sau này về vườn rồi lão mới thôi, trở lại bình thương với mình, mọi người mới ngã ngũ ra là lão nói xằng. Nhưng cái tội cao ngạo, dạy đời của lão vẫn chưa bỏ hẳn, nên bàn bè dần dần thưa thớt chẳng còn ai.
Bây giờ lại cái ông ở huyện Con Dê này rủ vào nhà lão chơi, mình đâm lưỡng lự..

Ông HK thì bảo: “Tao chịu chú mày, như nước mới lửa mà vẫn chơi được với nhau, Anh thì chào thua. Các chú có công việc đến thì cứ đến. Tay khôn lỏi đó, anh không vào đâu”.
Mình không nài thêm.
Chơi hay không chơi với ai là quyền của mỗi người. Mấy bác có tuổi thường hay cực đoan việc này, không thích ai muốn người khác không thích theo. Mình khác. Mình có “Độc lập, tự do” riêng của mình, nhưng vẫn từ tốn bảo bác ấy:
- Bạn văn nghệ đâu có nhiều? Ai cũng chê trách cả thì bỏ tất hay sao? Buồn lắm bác ạ. Với lại em cũng học cái anh “tàng hình”, đã là ti vi phải có nhiều kênh, ai em cũng chơi, miễn là biết được tốt xấu để học hỏi, hay nên tránh, không đơn điệu lắm. Kính bác về nghỉ trước!”
Mình vào. Đã thấy ông “NÓI HAY” ở đấy. Ông này mình không nhớ tên, Ổi hay Na gì đấy. Cứ tạm gọi là ông Ổi cho dễ nhớ. Ông Ổi bắt tay mình rất nhanh, cái bắt tay xã giao chẳng lấy gì làm mặn mà lại có phần quan cách. Nhà văn nhớn giới thiệu người đến trước kẻ đến sau để đôi bên làm quen. Ông Ổi cười cười:
- Thì ra đây là tác giả, tôi vẫn thường đọc của anh. Độc đáo và táo bạo, viết có gan lắm!
Mình chưa hiểu đấy là ông ấy khen hay ông ấy chê? Nên chưa biết nên nói như thế nào. Nhờ có rượu, men nói hộ:
- Nhà em viết VKG thôi, cảm ơn bác quá khen!
Nhà văn chủ nhà trừng mắt nhìn mình:
- Cậu biết đây là ai không? Nói vớ nói vẩn, trên người ta đánh giá..
Rồi lão làm luôn một chặp:
- Tay này ruột để ngoài da. Tính nó lôm côm thế nên đời nó khổ.Chả giữ được cái gì trong miệng, thông thốc như ống nứa..Đừng để ý, đừng để ý..
Mình bực. Mình nào có nói gì sai đâu? Lão í cứ làm như mình“phạm húy”
 không bằng! Mà có sai thì mình chịu chứ bận đếch gì đến lão phải cải chính hộ?
Hình như, về hưu rồi lão vẫn còn sợ ông NÓI HAY thì phải? Một cái sợ mơ hồ ám ảnh, len sâu vào tiềm thức..
 Nhiều ông về hưu rồi chả ý tứ gì nữa, nói vung tý mẹt. Nói cả những câu, những điều tại vị không dám nói. Như là một cách cải chính lại, sám hối lại quá trình lầm lạc đã qua, hoặc cố tỏ ra như thế.
Nói thật, mấy ông này mình không phục lắm. Có gan, nói mẹ lúc đương chức đương quyền. Sau này nói vuốt đuôi thì ăn thua gì? Chẳng qua cách của mấy anh hèn học oai, chơi sang, việc qua rồi mới ra cái điều..!
Nhưng kiểu giữ ý mãi như lão này mình không dám khinh, nhưng cũng không trọng. Đó là “Văn hóa a dua”, lựa theo người trên mà làm. May mà chỉ viết lách, văn nghệ văn gừng chả ảnh hưởng đến ai. Hoặc có ảnh hưởng cũng không có hậu quả cụ thể. Nó mơ hồ như sương khói thế gian chả làm ai chết ngạt, hay nhức đầu sổ mũi. Chỉ làm người ta không thích hoặc không dễ chịu. Lão là con người máy móc khó thay đổi. Kết tinh ngàn đời của “nền văn minh lúa nước”, ít có táo bạo, tìm tòi, thay đổi, chỉ theo thói quen gọi là “tập quán”!
Lão vốn tinh quái, hình như đoán được mình đang nghĩ gì, nói luôn:
- Tớ phải mất ba ngày mới đọc xong bản thảo của cậu. Phải viết lại, viết thế hỏng chưa phải là TT.
- Bác nói cụ thể hơn xem nào:
- Này nhá, TT phải có chương có hồi. Có bố cục chặt chẽ, có tuyến nhân vật chính diện, phản diện, có “câu chuyện”.. Đọc cậu tớ chẳng biết cậu nói cái gì?
- Nghĩa là em không theo cách truyền thống của bác? Thế bác đọc “Linh Sơn” của CHK, đọc “Xe lên xe xuống” của NBP chưa?
Lão cáu:
- Tao đọc đéo gì mấy thứ đấy. Đó là văn chương phản động, không phải HTXHCN. Học theo để toi à?
Tôi thực sự ngạc nhiên. Người khác “thẩm văn” thế nào tôi không nói. Nhà văn nhớn như lão mà nghĩ vậy, chả trách văn đàn luôn luôn có tranh cãi, luôn luôn có “vấn đề”
Khốn nỗi bản thảo của mình đang nằm trong tay lão. NXB không hiểu kiểu gì lại nhờ lão đọc của mình. Lão mà phán vài câu văng mảnh là số phận của TP đi đời. Có khí mình còn bị làm khó cũng nên.
Mình đành bảo:
- Hội luôn khuyến khích anh em tìm tòi sáng tạo. Em cũng cố tìm một cách thể hiện mới. Cấu trúc của TT có chút thay đổi không theo lối thông thường. Kể cả trình tự cũng không theo thời gian. Nếu người đọc không chú ý, hoặc đọc một cách hời hợt đúng là không nắm được cốt lõi của câu chuyện. Nó vẫn có bố cục kín đáo, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, dẫn dắt mờ và sâu bên trong.. Bây giờ bác nói em mới vỡ ra nhiều điều. Có thể em làm chưa đạt, nhưng bác đọc lại lần nữa xem..
Lão cũng đang “xỉn” chả kém gì mình, nên chả ý tứ gì:
- Có cái chó gì mà phải đọc đi đọc lại? Tớ bảo hỏng là hỏng, còn nghe hay không là quyền của cậu!
Người ta bảo “Văn mình vợ người”. Ai chả cho rằng văn của mình hay? Nhưng trường hợp này hoàn toàn không phải. Mình không bảo thủ ý kiến cho mình viết như thế đã là được. Văn chương muôn đời là cái chỉ đến gần chứ chưa ai qua được bao giờ. Nhưng cách lão chê phũ phàng như tát nước vào trước mặt người khác, ai mà chịu nổi?
Không phải mình sĩ với ông HÁT HAY tên là ổi, hay với ông nhà thơ xứ CON DÊ mà mình phản ứng đâu.
Đau là ở chỗ, dù sao tác phẩm cũng là đứa con tinh thần của mình bị vùi dập, coi như không có, không đáng gì!
Chẳng may bạn có đứa con sứt môi, chả lẽ bạn không yêu thương nó sao? Bạn không phát khùng lên khi có người khác chế nhạo, chê cười nó trước mặt bạn và đông đảo mọi người?
Có thể lúc khác lão ấy góp ý riêng với mình, nói sao cũng được. Cần lắm được người ta chê, để biết chỗ khuyết của mình để sửa chữa, bổ sung vào.
Toàn khen nhau, khen lấy được chưa chắc đã hay. Điều này mình biết.
Nhưng lão chê lần này là có dụng ý khác. Va với lão vài lần, biết cách thù dai của lão nên mình hiểu. Người này dù có say, cũng luôn có chủ ý. Lão đã rèn được cái bản lĩnh ấy từ bao năm rồi. Không phải ngẫu nhiên lão ấy thành công. Lại là thành công quá mức thực ra đáng được ghi nhận..
Biết khen biết chê theo ý người khác là lối văn hóa a dua, a tòng. Nhưng làm được thế đâu phải dễ?
Nhất là dạng vẫn ương ương dở dở như mình!
**
Có những cuốn sách nằm lăn lóc ở thư viện hàng chục năm trời chả ai để ý. Người ta không quan tâm vì nó chẳng có gì hay để đọc. Văn chương không có tư tưởng, không có tính triết lí nhân sinh, không có chính kiến riêng của tác giả đó là thứ văn chương vô hồn, người ta không để mắt đến là chuyện đương nhiên. Chữ nghĩa lại thực thà ngô nghê không bằng bà già nhà quê kể chuyện, vừa ngô nghê vừa lủng củng, ai đọc làm gì?
Nhưng bỗng một ngày mát giời nào đó, một ông “quan trọng”, hay một bà “chức năng” nào đấy, vì một lẽ nào đấy nhấc nó lên, khen vài câu..Thế là cả đám ào vào khen thêm. Thi nhau phát hiện cái hay tiềm năng vốn không có gì, bỗng chốc sáng lòe! Thật là kì lạ, nực cười và mỉa mai hết chỗ nói.
Rồi.. một thằng cha căng chú kiết vô danh tiểu tốt, đang làm ăn mờ ám ở đâu đấy đang muốn dùng chữ nghĩa, văn chương và chút danh hờ của nó làm cái thuẫn đỡ tên. Nó bỏ ra dăm ba chục triệu thuê người chuyển tác phẩm giống giống người khác ấy thành kịch bản, dựng phim. Thế là có tác phẩm lừng lững, “trên cả tuyệt vời”!
Cả nước mới ớ ra là lâu nay mình vô tình. Văn tài xuất hiện từ lâu rồi mà mình không biết!
Rồi thi nhau thổi hơi. Hết đăng đàn trên báo, lại đến các em làm luận văn tốt nghiệp đại học. Có chị còn làm luận văn tiến sí tiến xiếc! Hiệu ứng đô mi nô đổ theo ầm ầm..
Đúng là thời kinh tế thị trường có định hướng, có khác. Công nghệ quảng cáo, pờ rồ phát huy tác dụng của nó lên đến đỉnh điểm luôn.
Lúc đầu các bác  ấy còn có vẻ e thẹn. nói năng rất khiêm tốn thận trọng. (Thực lòng các bác ấy cũng biết mình “chả đi đến đâu”, e thẹn là phải ). Xong lâu rồi thành quen, cũng tưởng mình hay thật. Bắt đầu ngoa ngôn, loạn ngữ chả coi ai ra gì. Thấy thiên hạ toàn thứ cỏ giả, chỉ mình mới thực tài. Thật thương và buồn lắm thay.
Mình biết có những cuốn sách hay chịu thiệt thòi vì không có cái may mắn ấy. Hoặc có cái không may lỡ một vị quan trọng nào đấy đọc qua loa, chưa biết hay dở đã chê. Số phận của các tác giả tác phẩm này thật là thiệt thòi.
Ừ thì cũng phải. Thời nào chả quên, chả sót, vẫn có người áo gấm đi đêm. Vẫn có kẻ ăn may, có anh thô thiển vừa đi vừa xì hơi mà vẫn ngất ngú, được thiên hạ khen sái quai hàm!
Cái gọi là công bằng, công tâm, đúng đắn tuyệt đối chả bao giờ có. Chưa nói đến tiêu cực, nhũng nhiễu do thiếu công khai minh bạch.
Có bàn đến rằm tây đen cũng chẳng hết chuyện.
Đang lúc nước sôi lửa bỏng này bàn mãi chuyện cực chẳng đã không nên bàn, e không phải đạo làm người. Mấy cái tàu “nước lạ” đang rình mò ngoài khơi. Có cái đã liều mạng vào cắt cáp tàu của mình, rồi tin đồn về “ngày tận thế”, tin kinh tế tiếp tục suy trào vào năm tới.. Toàn những tin quan trọng chết người cả.
Chuyện văn, chuyện đời bàn vào lúc này như câu chuyện thừa, chưa đúng lúc. Thế nên chuyện hay dở của mấy bác nhà nọ nhà kia tốt nhất là miễn bàn.
Ai hay thì ấm vào mình. Chẳng qua xả bớt một chút cho đỡ troét mà thôi! Đầu óc cần tỉnh táo quan tâm nhiều thứ khác thiết thực, gay go hơn vào lúc này..
Có điều gì không phải các bác bỏ qua và góp ý cho  nhá!
========


Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Nhân duyên khó định




Truyện ngắn của Hồng Giang



Đó là góc chết. Không hiểu sao nàng lại ngồi đó một mình, xoay mặt vào trong, một chân gếch lên chiếc ghế bỏ không bên cạnh?
Hình như nàng không muốn ai nhìn thấy mình, hoặc nàng không muốn nhìn thấy ai? Đôi lông mày thanh tú, cặp mắt đen, đuôi mắt dài thỉnh thoảng nhíu nhẹ, không ra vẻ vui hay buồn.
Nàng thoa nhẹ chút son môi. Da mặt để mộc gần như không đánh phấn. Mái tóc dày cắt ngắn theo mốt hiện đại của tuổi teen thời bây giờ. Khó có thể đoán tuổi của nàng, cũng như khó đoán nàng đang nghĩ, hay không nghĩ gì?

Đám ăn “mải” khánh thành “nhà miếu” của ông chuẩn tướng, nàng có liên quan gì mà tới đây?

Có một vài người nàng quen, nàng chào hỏi, họ cũng chào lấy lệ rồi quay ra chỗ khác. Không một ai tới ngồi cùng bàn với nàng, mặc dù nàng cũng người làng này, đâu có xa lạ gì nhau? Tôi đọc trong cái nhìn của những người đó có chút gì ganh tị, khinh khi và cả một chút coi thường.
Người ta ganh tị là phải, vì nàng ăn mặc không giống ai. Ở tuổi đấy mà vẫn quần bò, áo phông, tóc để thế kia, lại phảng phất mùi nước hoa.. Bề ngoài ấy xa lạ với những người ở xứ đồng rừng thường đi chân đất. Họ chỉ giày dép mỗi khi đi dự tiệc hoặc có hội hè.
Họ ganh tị cũng là phải. Tuổi nàng, đàn bà mấy người được như nàng? Hai bàn tay trắng muốt, ngón thon dài, móng tay sơn vẽ cầu kì. Gót chân hồng hồng như chân thiếu nữ. Người ta thì quần áo dù còn mới vẫn luôn bị nhăn nhúm, gấp để đã lâu, mới lấy trong giương ra, mặc một buổi, về cất lại vào giương. Công việc đồng áng khiến người ta mất dần thói quen chải chuốt, ngắm vuốt khi còn trẻ. Chân tay chai sần, có người nẻ tếch nẻ toác. Có bà chỗ nẻ quá sâu phải dùng chỉ khâu lại.Chỗ nứt rơm rớm chút máu khô mầu quyết trầu. Chả mấy ai được eo thon như nàng! Sinh đẻ sớm, lại làm ăn vất vả không chịu kiêng khem, bà nào, cô nào vòng hai cũng to hơn vòng một. Tóc tai cũng không còn được chú ý mấy. Chỉ chải qua loa cốt sao cho gọn gàng, kẹp bằng cái cặp tóc bằng đồng hay bằng sát cũ. Có người buộc bằng sợi vải sơ sài lắm, đâu có ai diêm dúa được như nàng?
Còn phấn son ư? Thật xa lạ với người quê, tỉnh lẻ.
Nàng hệt như con công đứng giữa bầy gà. Như bông hồng nổi bật trên đám hoa sói, hoa ngâu.
Người lạ chắc hẳn tưởng nàng ở thành phố về. Không là cô sinh viên sắp ra trường cũng con nhà quyền quý, có địa vị ngoài xã hội.

Riêng tôi, tôi biết chắc nàng là ai? Nhưng cái biết đó giờ cũng thành lạc hậu, vì nó cũ, quá lâu rồi. Phải có đến năm bảy năm nàng vắng bóng ở đất này. Làm sao biết con người thật của nàng hiện tại?
Con người ta nhiều đột biến, may mắn cũng như tai ương lắm. Một tháng, một năm đã khác, huống chi năm, bảy năm trời?

Đã đến đây, mọi người đều bình đẳng như nhau. Mọi người có quyền gì mà ganh ghét, tị nạnh hoặc khinh khi đối với nàng? Duyên ai phận nấy, “ai hay ấm bản thân mình”, tỏ vẻ ra đây để làm gì?
Ý nghĩ ấy khiến tôi có chút tò mò, không muốn cho một vị khách như nàng thất ý. Bất luận nàng là người ra sao? Như thế nào?

Hơn nữa đó cũng là trách nhiệm của tôi. Chuẩn tướng có nhờ tôi đón và tiếp khách giúp ông ta. Tôi không có quyền để bất cứ một ai đó mếch lòng..

Có mấy bà mấy cô mới đến, tôi xếp ngay họ vào ngồi với nàng cho có bạn. Hình như họ có chút chần chừ, gượng ngồi một lúc rồi lại sang bàn khác. Thấy vậy tôi ngồi xuống kéo thêm một tay mới đến ngồi bạn với nàng.
Tay này hiện là chủ của hai cái tàu vàng đang nạo sồn sột lòng sông trước cửa nhà tôi. Y có vẻ e ngại tôi nên khi tôi nói y vui vẻ ngồi xuống ngay. Tay ấy e ngại tôi là phải. Chả gì tôi cũng là mồm ăn, mồm nói, có tí “Quyền lực thứ tư” ở cái đất này.

Không ngờ mới, cũ hai người từ lâu quen nhau. Chuyện rôm rả, thân thiết lắm. Tôi lấy làm lạ, nhưng không tiện hỏi. Lộc Viên, chủ tàu vàng hình như đoán được ý nghĩ ấy, da mặt thiết bì của y dãn ra đồng thời với cặp mắt xếch, đôi lông mày rậm:

- Bọn tớ quen nhau từ hồi còn học phổ thông. Lâu lắm mới gặp..

Rồi y quay sang nàng:
- Tình hình chồng con và làm ăn của em hiện nay ra sao rồi?

Nàng cười rất tự nhiên:

- Nguyễn y vân anh ạ! Còn anh thế nào kiếm được có khá không?

- Bọn anh vẫn thế. Em bảo làm cát sỏi như bọn anh lấy đâu ra khá? Đủ ăn đủ tiêu là được rồi. Nào xăng dầu, xe pháo, công nhân.. Trừ mọi khoản cũng chẳng còn là bao. Chủ yếu tạo công việc cho mấy đứa em, đứa cháu làm là được rồi.

- Anh cứ nói.. Em hỏi thế thôi chứ đâu có ý định vay mượn đâu mà anh kín thế.

Nghe hai người nói chuyện với nhau, tôi biết cả hai không phải “lâu lắm mới gặp” như họ vừa nói khi nãy. Càng không phải là chuyện “cát sỏi cái mả mẹ gì” như Lộc Viên vừa trình bày.
Làm cát sỏi phải có bến có bãi, có đường, có nơi xuất hàng đi. Đằng này tàu đào giữa sông, sỏi cát đào lên lại đổ thành đống giữa dòng, đâu có bán, có chuyển đi đâu, vì làm gì có đường vận chuyển? Mặc dù chủ tàu nào cũng có “Giấy phép kinh doanh khai thác cát sỏi xây dựng”. Tuy là phạm vào tài nguyên, nhưng cũng chưa đụng đến của trong kho hay tiền trong két ngân hàng nhà nước.
So với những con bạch tuộc khổng lồ ngốn hàng ngàn, hàng tỉ đồng chẳng là cái gì. Cái thằng nhà báo quèn như tôi tạm an ủi mình với cái lí lẽ tạm bợ đó. Mà thực ra là sợ vu vơ một thế lực vô hình nào đấy. Đụng vào những việc như thế, chả khác nào mó dái ngựa? Không bản thân mình thì anh em gia đình mình không khó chuyện này, cũng khó chuyện kia. Chẳng gây được chuyện gì, biết đâu giữa đường bị cái xe lạ tông vào hay bị ném đá vào nhà lúc nửa đêm? Mọi chuyện đều có thể! Tốt nhất là không dây. Với lại ít ra hắn cũng còn biết tôn trọng, e dè đối với mình. Hôm mình cảm cúm qua loa hắn đến cho cả nửa lạng cao ngựa bạch bảo: “ Tớ cũng chẳng có gì, chỗ bạn bè với nhau, cái này nấu cháo bồi dưỡng cho nó khỏe, dạo này thấy cậu xanh lắm”. Mà thực ra mình đâu có bạn bè với hắn khi nào? Chỉ là chỗ quen biết, ở gần nhà nhau!

Chuyện của hắn với nàng không thuận lỗ nhĩ lắm, nhưng là chuyện của họ với nhau, mình bận tâm làm gì?
Tôi định đứng dậy đi ra chỗ khác để họ tự nhiên. Nàng kéo tôi lại:

- Anh thong thả đã, em có chuyện này muốn hỏi anh một tý?

- Chuyện gì? Để lúc khác được không? Tôi đang bận đón khách. Chả nhẽ người ta nhờ mình lại cứ ngồi đóng cọc một chỗ, e không tiện.

Nàng cười cười, cái cười của người đẹp, tuy vô cảm vô tư như tôi cũng thấy xao xuyến trong lòng:

- Úi giời.. Người ta cứ nói thế, chứ tướng tá thiếu gì người đón khách? Chẳng qua ông ấy nói thế cho đẹp lòng, đẹp đội hình đấy thôi, anh cứ ngồi đây!

Lúc này tôi thực sự lúng túng. Tôi không có ác cảm hay khi rẻ nàng như một vài người tôi vừa thấy, nhưng vẫn thấy ngài ngai thế nào ấy. Đây là chỗ đông người, chỗ công chúng, tôi đã biết gì về nàng đâu mà ngồi đây đằm thắm, chuyện trò với nàng? Chưa nói đến bao nhiêu con mắt nhìn vào của thiên hạ xung quanh, ngay như ông anh họ tôi, chủ nhân thực sự của đám tiệc này có thể sẽ không bằng lòng.
Ông ấy sẽ bảo: “ Tưởng chú thế nào, hóa ra cũng thường, hóa ra thấy gái cứ như mèo thấy mỡ. Chả đàng hoàng tý nào, tao sượng hết cả mặt”. Thế thì còn ra làm sao? Tôi đành nói cho xong việc:
- Đằng nào thì em vẫn còn ở đây. Thông cảm đến cuối buổi gặp lại, muốn hỏi gì hẵng hỏi nhé!

Tôi nói như vậy và đứng dậy đi ngay. Tôi tưởng, sau buổi tiệc này nàng sẽ quên lời xã giao ấy, hóa ra không phải.

**
Buổi khánh thành miếu rồi cũng xong. Khác với tiệc tùng,đám xứ trong vùng. Bao nhiêu phong bao, phong bì của khách đến mừng gia chủ đều cúng hết lên nhà chùa. Một ngôi chùa vừa mới xây bên kia sông, trông xuống bến đò. Cái nghĩa cử ấy làm nhiều người nể trọng. Thông thường nhà chùa đến tham gia làm lễ người ta chỉ sửa một cái lễ nhỏ, một cái phong bao nhiều thì đến năm trăm ngàn là cùng.. Chưa từng có ai tất tay cúng tiến cả thế này!
Nhưng vẫn có người xì xào: “ Người có quyền có chức chẳng qua phóng tài hóa thu nhân tâm, thu phúc lộc lâu dài”! Miệng dân sóng bể, chả biết đâu là cùng.
Chuẩn tướng sắp xếp cho đoàn cô đồng, thầy cúng, thầy phong thủy ra xe về Cốc Lếu Lào Cai. Từ đây lên đến đấy đường còn xa hơn đường xuôi Hà Nội. Nghe nói đây là các bậc thầy cao tay, trừ tà bắt quyết rất giỏi. Lại giỏi cả việc “định tính linh”, bốc bát nhang thờ. Chỉ riêng tiền trả công thầy, mua vàng mã, thuê xe đưa đi đón về đã hết gần trăm triệu.
Phải chi lớn như vậy là có lí do rất riêng của gia chủ. Vợ đồng chí ấy đi xem về nói “Dòng họ Nguyễn nhất định phải lập miếu thờ. Ngôi mộ cụ thân sinh ngày trước do vô ý chôn nhầm vào mộ địa của một “quan ngài” thác đã lâu. Nấm mộ ngài không còn dấu tích nên mới xảy ra cơ sự này. Ngày đấy đồng chí ấy vắng nhà, mai táng cụ đồng chí có biết đâu? Lẽ nào phải chịu trách nhiệm?
Âm dương gì, công bằng mà nói “Ai làm người đấy chịu”. Lúc đầu đồng chí anh họ tôi không tán thành!
Thầy nói nếu không làm gấp, trong nhà tất sẽ có nạn to. Đứa cháu gái ông anh cả làm bên an ninh đi công tác mãi không sao. Hôm vừa rồi đi thăm quan lại bị lật xe giữa ban ngày, đưa đến bệnh viện không kịp, nó mất vào quãng thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời.
Thanh tra giao thông xác định “tai nạn do lái xe ngủ gật trong lúc cầm vô lăng”. Chỗ ấy đường rộng, không có xe chạy ngược chiều, trời nắng ráo, bị như thế thật không ai ngờ?
Nhưng cõi âm nói “không phải bỗng dưng”. Lại tiếp đến ông anh trai trưởng đi đám về tự nhiên cảm nhập, cấm khẩu. Chữa chạy hàng tháng trời.. giờ nói năng ú ớ, ăn đâu nằm đấy. Thày còn bảo nếu không sớm dựng miếu thờ ngài, có khi cả chuẩn tướng chưa chắc đã toàn!
Đồng chí ấy không tin, một mực không đồng ý. Bên trên trông xuống, ở dưới trông vào làm thế sao tiện?
Thêm bà chị dâu khóc khóc, mếu mếu hùa theo bà vợ, nói đi nói về, cuối cùng đồng chí ấy miễn cưỡng phải nghe theo! Cũng là cách giữ hòa khí, êm thuận trong nhà. Người ta càng có danh có giá, càng phải giữ gìn cẩn thận. Tránh nhất là chuyện lục đục, ầm ĩ trong gia đình.
Miếu lại lập ở nhà ông anh trai, dù mình có đầu tư tiền của thì “bàn dân” vẫn cứ cho là vợ chồng ông ấy đứng ra làm. Vả lại ai hỏi chuyện này mà phải lo? Cũng là “tự do tín ngưỡng các nơi khác rầm rộ từ lâu rồi”..
Quả là sức mạnh tâm linh có sự huyền diệu, thu nạp bí ẩn. Từ chỗ miễn cưỡng chiều theo, đến chỗ săng sái tin cậy, là một sự thay đổi bất ngờ.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy ông anh họ chắp tay khấn vái với vẻ rất thành thực, trung tín, nom lóng ngóng, ngọng ngịu và buồn cười. Ông cầu cho cuối năm nay điều phỏng đoán của ông về việc thăng chức trở thành hiện thực. Dù thời bây giờ phong tướng không còn là chuyện hiếm hoi và các ông tướng cũng khá đông đảo rồi. ( Ngay cái làng bé tẹo này cho đến nay cũng đã có đến hai ông tướng. Một ông qua đời năm ngoái, đám rước linh đình, và ông anh họ tôi đây. Lịch sử của làng chắc thế nào cũng phải có tên của cả hai vị dù còn sống hay đã chết!)
Đám vui, nhưng thật lòng là khá mệt. Làm cái anh MC mời khách, qua mỗi mâm chỉ lưng lưng chén, từng ấy mâm chưa đổ là còn may. Đến lúc ngồi vào mâm, ăn quấy ăn quá một tí rồi lại đứng lên tiễn khách. Tôi chỉ muốn mau chóng xong xuôi công việc, ngả lưng một chút để lấy lại thăng bằng. Từ đấy đến giờ mình cứ như người phiêu du ở vương quốc lưu li. Chân như muốn chạm đất nhà trời. Nói như cụ Nam Cao là chả biết đứng lên, đi lại bằng cái gì? Có lẽ nhờ thói quen của cái nghề tiền chả được bao nhiêu, nhưng rượu lại được hơi nhiều, thành quen mẹ nó rồi!
Chuẩn tướng bảo:
- Thôi chú về nghỉ đi, công việc còn bao nhiêu các cháu lo. Việc ấy không phải việc của chú. Độ năm giờ chú nhớ đến đừng để phải gọi hay đi đón đấy nhá!
- Vâ..ầng, em về.ề..
- Liệu có đủ bình tĩnh cầm lái được không?
- Bác yên tâm đi, nam nhi sống ở đời, chạy xe là chuyện nhỏ..
Tôi loạng quạng dắt xe ra ngõ. Ngồi lên yên rồi đề mãi mà xe không nổ? Chắc là bình yếu, đạp khởi động vậy. Tôi co một bên giò.. Đạp thế quái nào toạc một ống quần mà xe vẫn trơ như cục sắt. Đạp cái nữa, cả người cả xe chúi sang bên rãnh ta luy.. Phải chỗ hờm, quả này ăn chắc lăn xuống ruộng!
Bỗng có bóng người quần bò, áo thun quen quen chạy lại đỡ tôi và dựng cái xe dậy:
- Anh để em. Chắc anh không đi được đâu. Để em đưa anh về cho an toàn..
- Cô cứ mặc tôi
Tôi lại cố gắng đạp mấy cái nữa. Nàng rúc rích cười. Tôi đã hơi cáu.
- Xe anh khóa xăng thế kia làm sao nổ được? Thôi để em xem..
Nàng bảo tôi ngồi lên. Lúc đó không hiểu sao tôi không nói lại câu nào nữa. Tôi như một đứa bé ngoan ngoãn cho nàng mang đi.
Rượu là cái gì nguy hiểm, đôi khi đánh mất phẩm giá con người. Ấy là sau này tôi nghĩ thế. Chứ thực ra lúc đó đâu còn biết mô tê,răng rứa, con mẹ gì?
Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang ở trong một gian phòng. Trên cái bàn kê gần cửa sổ giống như bàn làm việc của tôi có một bình hoa. Còn cái giường tôi nằm rất lạ, không phải của mình. Mà tôi đâu có cắm hoa bao giờ đâu nhỉ?
Vậy chỗ này là đâu?

***
Đồng chí anh họ tôi quả là hiểu đời, có con mắt nhìn xa trông rộng. Chẳng những giỏi binh “Binh thư yếu lược” mà còn thấu rõ mọi lẽ đường đời, hiểu sâu sắc thân phận con người.. Điều ông ấy e ngại cho tôi, rất không may nó đã xảy ra!
Khi tôi hoàn hồn thức giấc, chẳng cần phải suy nghĩ gì lâu, biết ngay mình đang ở chỗ nào?
Tại sao mình lại ở đó từ đấy đến giờ?
Mặt trời đã lên được hơn con sào phía đầu rặng tre. Ánh nắng vàng rộp của ngày tháng mười, tươi mới đang tràn ngập trên cánh đồng, dọc con đường làng, một góc của dòng sông qua cửa sổ của căn phòng này của nàng nom thấy.
Có thể nói là một buổi sáng đẹp trời. Than ôi lòng tôi lúc này đâu có được đẹp như thế? Nó đang trĩu nặng như đeo đá vào người để nhấn chìm từ từ tâm hồn xuống dòng sông mùa này chắc là đang lạnh giá kia!
Tôi đã ở trong phòng của nàng gần hai mươi tiếng đồng hồ mà hoàn toàn không có chủ ý gì. Không ai bắt buộc tôi cả, nhưng không phải tôi muốn, hay tôi tự nguyện!
Tôi thường không ưa những kẻ đạo mạo, sĩ diện rởm theo lối “liếm đĩa dính mật trước mặt học trò”. Nhưng thực tâm những nơi như thế này tôi thực sự không muốn bước chân vào. Không hẳn tôi sợ căn bệnh thế kỉ những người như nàng thường mang sẵn trong người. Cũng không hẳn sợ tai tiếng hay con mắt người đời dè bỉu..
Một nỗi sợ khác, rất mơ hồ chỉ nhận được qua linh cảm, chứ không bằng trực giác.
Tại sao nàng không đưa tôi về nơi tôi ở? Từ đây tới đó chỉ non nửa giờ xe chạy chứ có bao nhiêu? Nàng giữ tôi lại trong phòng này làm gì?
Tôi đã làm gì nàng và nàng đã làm gì tôi trong lúc tôi say gần như bất tỉnh nhân sự? Liệu đây có phải là một âm mưu?
Tôi vội vàng mặc quần áo ngay ngắn lên người, đề phòng mọi bất chắc có thể xảy ra, len lén như kẻ vụng trộm.
Bạn đọc, xin bạn hãy thông cảm cho tình trạng của tôi lúc bấy giờ. Ngay bây giờ đây khi kể lại câu chuyện này, tôi vẫn còn tim đập, chân run. Hạng người như tôi vẫn thường hèn như thế đấy. “Nói giời nói bể”, nhưng “hễ nghe một tiếng súng kíp đã tái xanh mặt mày”. Thiên hạ đồ đoán, có điều là rất đúng. Cái mà tôi lo không phải không có cơ sở. Không thiếu những con mồi trong tình cảnh này phải trả một giá đắt cho sự ngu ngốc và bất cẩn của mình..
Vẫn không có động tĩnh gì. Không có kẻ nào cầm súng cầm dao dọa giết hay vào đây khống chế tôi, buộc tôi phải ký vào sổ nợ một ngân khoản mà tôi không hề vay, hay nợ.
Cũng không có nhà chức trách nào tới lập biên bản, “tìm mẩu khăn ướt hay một thứ gì đó tương tự” làm tang vật. Sau đó tôi sẽ bị điệu đến một nơi để chấm dứt sự nghiệp còn đang dang dở của mình..
Bốn bề im ắng, tôi nghe thấy cả tiếng đập của quả tim vừa đang lo lắng của mình. Chẳng qua, thần hồn nát thần tính, mình tự dọa mình chứ nào có cái quái gì đâu?
Hình như ngoài vườn còn có tiếng chim kêu lích tích. Không hiểu sao lúc này tai tôi thính, đầu óc minh mẫn đến thế?
Tôi chú ý nhìn khắp gian phòng của nàng, đề phòng một kẽ hở nào đó có thể dùng ghi âm, ghi hình những gì diễn ra trên tấm đệm kia. Hoàn toàn không có gì cả!
( Sau này nhớ lại, tôi tự thấy sự vô lý và lố bịch của mình. Đúng là kẻ ngu xuẩn thường hay phức tạp hóa những gì thực ra quá đơn giản ).
Cái xe Way Tàu của tôi vẫn dựng sát chân tường, nó vẫn y như vậy, không hề mất một cái gương hay một mẩy yên nào cả!
Nhưng nàng đi đâu mà lúc này không có mặt ở đây?
Tôi không phải chờ đợi lâu. Nàng đã về tay mang một chiếc cặp lồng nho nhỏ vừa gỡ ra từ ghi đông xe đạp của nàng. Chúng tôi nhìn nhau. Cảm giác thật là khó nói. Bực tức, hằn học? Ngượng ngịu, đồng tình? Đều không phải!
Nàng tự nhiên như không có việc gì xảy ra:
- Anh rửa mặt rồi ăn chút cháo đi cho nó nóng. Cháo lòng em vừa ra quán mua về đấy. Hàng nhà bà Mùi Cắm sạch mà ngon!
Tôi không biết nói sao. Tự hỏi không biết mình trở thành Chí phèo ngồi ngắm cháo hành tự khi nào? Chỉ có điều nàng không là Thị nở. Nàng đẹp hơn và “có vấn đề” hơn Thị Nở rất nhiều.
Cuối cùng tôi cũng mở được miệng:
- Sao cô không cho tôi về nhà, mà lại đưa tôi đến đây?
- Em sợ đến nhà anh,chị ấy nghĩ sai về em. Bây giờ anh đã tỉnh rượu rồi, anh tự về thì hay hơn.
- Hỏi thật nhé, đêm qua tôi say rượu có làm điều gì không phải với cô không?
Nàng rúc rích cười ( Cứ như hay lắm, buồn cười lắm ấy):
- Sao anh hỏi thế. Không có chuyện anh làm gì, hay em làm gì đêm qua đâu.anh đừng nghĩ như thế. Em tuy là đứa không ra gì nhưng không hẳn như mọi người nghĩ. Ít ra còn chút tự trọng, chút liêm sỉ chứ. Hơn nữa em biết anh là người thế nào chứ? Không thể cư xử như lúc khác được..
Tôi vẫn chưa hiểu “lúc khác” của nàng là lúc nào. Thì nàng nói tiếp:
- Thực ra em quý anh vì anh là hình tượng thủa còn con gái của em. Không cần trai đẹp, trai giàu, cần người thông cảm và hiểu biết, tin cậy được mà thôi.
Giời đất! Tôi thì “Hình tượng”, “Thần tượng” cái nỗi gì? Cô ả này không chừng giăng câu mình đây. Tôi giật mình, không cả rửa mặt, ăn uống dắt xe ra cửa.
Nàng giữ tay tôi lại:
- Em biết em không nên nói ra câu này. Em không có tư cách gì để nói với anh câu đó. Nhưng từ khi đọc trong tập thơ của anh có hai câu em rất thích: “ Làm điếm mà xây lâu đài, còn hơn tham nhũng tiêu xài của dân”. Tự thấy an ủi mình được phần nào. Trước đây em tự ti và rất mặc cảm.
Đúng là cuộc đời luôn có những bất ngờ. Đó là tập thơ đầu tay của tôi in đã lâu. Tôi không nghĩ có những người như nàng cầm đến và đọc nó. Hai câu trên chả qua là bí tứ, bí vần viết cho nó Liên mà thôi chứ tôi đâu có ngụ ý gì?
Bất ngờ nàng khóc. Tôi chưa thấy ai khóc thê thảm như nàng. Không tru tréo, không nỉ non, chỉ lặng lẽ khóc. Không hiểu sao lúc đấy tôi lại nói:
- Cô nín đi, ai làm gì cô mà khóc? Người ta dễ hiểu nhầm..
Bất chợt nàng lại cười, cái cười mếu máo:
- Em thành thực xin lỗi anh và cảm ơn anh đã cho em được “một đêm gần một người đàn ông tử tế”. Tuy chúng ta không có duyên gì, em chỉ ngồi nhìn anh ngủ, gối đầu tay cho anh..Chỉ thế thôi em mãn nguyện rồi.. Đời em ra thế này là vì gặp người đàn ông đầu tiên không ra gì, lấy hắn làm chồng..
Nàng kể. Mặc kệ tôi có nghe hay không. Rất nhiều chuyện..
Tôi thì tôi nghĩ, người như nàng ai mà không nói thế?
Nghe thằng nghiện và tin lời ca ve có mà mất trí!
Tôi vội phóng xe ra khỏi nơi nàng ở như bay khỏi nơi đang có báo động dịch bệnh nguy hiểm..

****
Nửa năm sau, tôi có việc ngang qua chỗ đó. Không ai biết nàng đã bỏ đi đâu?
Tôi hỏi dò hàng xóm xung quanh, mới biết chuyện hôm nào nàng nói với tôi là có thật. Nàng từng bị lợi dụng, bị bỏ rơi nơi đất khách quê người, và cả gặp những tên khốn nạn…Cả những việc xấu xa người ta đồn đại cũng một phần là có thật..
Ai nghĩ thế nào về nàng thì nghĩ, với riêng tôi, tôi tin một ngày nào đó nàng sẽ làm lại cuộc đời.
Nhân duyên khó định, không ai có thể sắp xếp được cho ai, nhưng có điều chắc chắn người tử tế sẽ gặp điều tử tế!
Có thể đồng chí anh họ của của tôi sẽ không tin câu chuyện này là thực. Và nếu có, ông ấy chắc cũng không đồng ý với tôi và cho tôi là đứa dở hơi, có vấn đề.
Nhưng mà chuyện này, tôi có điên đâu mà đem kể với ông ấy?

*****