Giáo dục - Giá trị vĩnh cửu của hoà bình
Họ là hai người khác nhau về chủng tộc, ở hai quốc gia cách xa nhau về địa lý và khác biệt về lịch sử hình thành. Những năm tháng chiến tranh, có lúc họ là kẻ thù một mất một còn của nhau trên mảnh đất nhỏ ven sông Thu Bồn (Quảng Nam). Sau khi cởi bỏ bộ đồ lính trận, trở về cuộc sống thường nhật trong thời bình, họ lại gặp nhau ở Việt Nam như một cơ duyên. Vậy mà cũng đã trên hai mươi năm. Điểm tương đồng gắn kết họ lại với nhau: một niềm tin bất diệt vào sức mạnh giáo dục đối với sự trường tồn của mỗi quốc gia. Đó là giá trị vĩnh cửu của hoà bình.
Nguyên Ngọc và Thomas Vallely. Ảnh Vũ Thành Tự Anh
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với hai - kẻ - cựu - thù - hai - người - bạn - hai - nhà - văn - hoá ở cách nhau hơn nửa vòng trái đất luôn đau đáu về nền giáo dục Việt Nam, một nền giáo dục mang trong mình nó nhiều khuyết tật…
Được biết hai ông vốn là cựu thù tại chiến trường bãi dâu sông Thu Bồn - Quảng Nam trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng may mắn, cả hai còn nguyên vẹn trở về. Ký ức chiến tranh ấy có ám ảnh các ông trong cuộc sống hoà bình hôm nay?
Nguyên Ngọc: Có hôm tôi kể với Thomas Vallely hồi cuối năm 1969 - 1970, khi Mỹ đánh phá cực kỳ ác liệt trên vùng nông thôn Quảng Đà (tên của vùng Bắc Quảng Nam hồi bấy giờ), cố cày trắng, quét sạch hết các cơ sở cách mạng, để đánh bật và tiêu diệt chủ lực Việt Cộng, thì chúng tôi, đứng đầu bấy giờ là anh Bí thư Quảng Đà, đối phó bằng cách quyết trụ lại trong các bãi bói ven sông Thu Bồn thuộc vùng Gò Nổi, Điện Bàn. Bí thư tỉnh quyết trụ ở nơi ác liệt nhất thì không bí thư huyện, từ đó cũng không bí thư xã nào, rồi không cơ sở cách mạng nào ở từng thôn xóm bỏ đất của mình mà chạy. Vô cùng gian nan, trầm luân nữa, từng ngày, nhưng cuối cùng cứ như vậy mà giữ được đất, từng tấc, được dân, từng người, giữ được phong trào… Miệt bói ấy ngày trước là những bãi dâu (tiếng Quảng Nam gọi là “biền dâu”) xanh mướt và mênh mông, cơ sở của nghề lụa nổi tiếng xứ Quảng. Khi dâu đã bị quét sạch, thì tự nhiên mọc lên một loại cây gọi là cây bói, giống như lau sậy, hoang dã hơn, cũng mênh mông, mịt mùng hơn. Chúng tôi đào hầm bí mật trụ lại trong bói. Ngày nào Mỹ cũng bắn vào đấy, cả đêm nữa, có hôm còn tưới xăng đốt, chúng tôi cháy sém cả tóc, chậm chân một chút chết thiêu ngay… Thomas bảo, đúng năm ấy ông là thủy quân lục chiến ở Quảng Đà, chính ông đã bắn vào các bãi bói đó. Tôi bảo, cũng may ông bắn xoàng… Và chúng tôi cùng cười.
Vậy đó, chiến tranh sau gần nửa thế kỷ. Hôm ấy, hai chúng tôi ngồi ở một quán nhỏ ven sông Hoài - Hội An. Bên ngoài lắc rắc mưa xuân. Rất yên tĩnh… Chị gọi chúng tôi là “cựu thù”. Đúng thôi. Nhưng bây giờ, quả thật rất khó hình dung. Trong cuốn sách rất hay “Nếu đi hết biển” của mình, đạo diễn Trần Văn Thủy có dẫn lời một nhà văn cựu chiến binh Mỹ, Wayne Karlin, nói rằng chiến tranh đắp lên khuôn mặt của người ở bên kia chiến tuyến một chiếc mặt nạ, chiếc mặt nạ hì hợm của kẻ thù. Để cho ta khinh bỉ, căm thù và tiêu diệt. Nhiệm vụ của văn học hôm nay là gỡ chiếc mặt nạ ấy ra, trả lại khuôn mặt người cho con người, để ta nhận ra khuôn mặt nguời của nhau. Chúng tôi thường không gọi ông là Thomas Vallely, cũng ít khi gọi Thomas, chỉ quen gọi Tommy. Nhìn mà xem, Tommy, cũng lạ, nhiều lúc ngồi với ông, tôi không có cảm giác đang nói chuyện với một người Mỹ. Mà với một ông già Việt phúc hậu, thậm chí có gì đó… hơi quê mùa, thật thà và quê mùa…
Vậy đó, giá trị của hòa bình. Trả lại những gì giản dị nhất của đời thường. Thật buồn và đau đớn, phải đổ biết bao nhiêu máu xương để có lại được điều giản dị này…
Có lẽ nhân đây cũng xin nói luôn: Tôi muốn gọi ngày 30/4 giản dị thế này: Ngày Hòa bình. Không gì vĩ đại hơn đâu.
Thomas Vallely: Tôi phục vụ 13 tháng tại Việt Nam trong khoảng thời gian giữa 1969 và 1970. Như đã tâm sự với người bạn già Nguyên Ngọc của tôi trong một bữa ăn trưa gần đây bên bờ sông Hoài ở Hội An, tôi - một thanh niên 19 tuổi - bước vào cuộc chiến mà hầu như không hiểu tí nào về hệ tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản hay các giả định chiến lược có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. (Tôi chỉ học được chút ít về chủ nghĩa cộng sản khi tôi vào đại học - tức là sau khi tôi từ Việt Nam trở về). Giống như nhiểu thanh niên trai trẻ thế hệ mình, tôi lớn lên với sự quyến rũ của dư âm Thế chiến II, cuộc chiến mà người Mỹ từ trước đến giờ luôn xem là “Cuộc chiến chính nghĩa” được tiến hành vì mục đích cao cả. Nhưng khi là một người lính thủy quân lục chiến đặt chân tới Quảng Nam, tôi thấy ngay rằng vai trò của Mỹ ở Việt Nam khác hoàn toàn.
Khi tới Việt Nam lần đầu, tôi đã không biết gì về đất nước này và tôi cũng đã không học được nhiều trong thời gian tôi ở đó. Trên thực tế, có thể nói là tôi đã học được hai điều. Thứ nhất, tôi hiểu rằng Hoa Kỳ không thể thắng trong cuộc chiến này. Chiến thắng là điều không thể khi mà hỏa lực Mỹ giết hại quá nhiều dân thường vô tội. (Bạn không cần phải là một chuyên gia chống chiến tranh du kích nổi tiếng như John Paul Vann (*) để nhận ra điều đó). Thứ hai, tôi đã rất vui khi sống sót trở về.
Phải rất lâu sau tôi mới bắt đầu học hỏi về Việt Nam. Tôi đã có rất nhiều người thầy tuyệt vời. Một trong những người tuyệt vời nhất là Nguyên Ngọc. Tôi học được rất nhiều điều từ Nguyên Ngọc, nhưng có một bài học nổi bật hẳn lên vì nó liên quan đến Việt Nam ngày nay. Nguyên Ngọc cho rằng khi chiến tranh kết thúc năm 1975, rất nhiều người Việt Nam nhầm tưởng là đấu tranh đã kết thúc. Trên thực tế, những thách thức lớn nhất vẫn đang chờ ở phía trước.
Nghe nói hai ông đang cùng phản biện cho một phim tài liệu lịch sử về chiến tranh Việt Nam? Sự thật lịch sử quan trọng nào của cuộc chiến tranh này sau 40 năm được công bố?
Nguyên Ngọc: Theo chỗ tôi được biết Tommy là cố vấn của bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, đã quay trong mấy năm qua. Ông đến Hội An tìm tôi, là bạn cũ, trong chiến tranh và trong hòa bình, rủ tôi sang xem một số phần bộ phim đang ở dạng bản nháp đó, và có ý kiến.
Tôi nghĩ chắc không có “sự thật lịch sử quan trọng” (và mới) nào đáng để tò mò, được công bố đâu. Nếu có thì cũng là đôi cách cắt nghĩa khác nhau nào đó về một số sự kiện trong chiến tranh, cũng là những sự kiện đã được nói đến rồi. Có lẽ điều quan trọng nhất qua bộ phim này là nhìn lại cái cuộc bi thảm ấy (còn gì bi thảm hơn chiến tranh?) như thế nào. Hiểu về nó ra sao? Và để làm gì? … Những năm qua, ngày tôi càng nghĩ rằng chắc không thể tách một cuộc chiến tranh ra khỏi hậu chiến của nó. Có hôm tôi hỏi Tommy: có phải ngày ấy ông sang Việt Nam, cầm súng và đánh nhau, vì ông được người ta nói rằng phải ngăn cộng sản ở bên ấy lại, để lan ra cả Đông Nam Á thì hậu quả khôn lường… Tommy bảo không hề. Ông là người dân Mỹ, được gọi đi làm nghĩa vụ công dân, ông đi, thế thôi… Ở cái quán nhỏ bên sông Hoài, chúng tôi đã nói với nhau về những điều như thế. Suốt hơn 30 năm sau chiến tranh, Tommy trở lại Việt Nam, đã làm bao nhiêu việc vì Việt Nam, từ những điều to lớn góp phần cho thay đổi và phát triển của đất nước này, đến những việc có ích cụ thể, thiết thực… Vì sao? Tôi nghĩ, từ hậu chiến nhìn lại, chắc nhiều người Mỹ hiểu ra rằng chỉ đơn giản ra đi vì “nghĩa vụ công dân” như họ đã đơn giản ra đi, lại có thể tàn phá cả một đất nước tận ở đâu đâu. Nay họ muốn góp phần làm lại …
Còn chúng ta, hậu chiến cho ta nghĩ gì? Nếu vì một hậu chiến như thế này hôm nay, thì có đáng cho những hy sinh khủng khiếp như đã qua? Ta cũng phải từ hậu chiến mà nhìn lại chiến tranh. Thôi, phải nói thôi, cho tôi nói thật: chúng ta đang sống chẳng xứng chút nào với những gì vì nó mà những năm tháng da82n đđẵng ấy ta đã cắn răng lại mà sống và chiến đấu. Ta vẫn thường nói chiến tranh chưa thôi đào bới lương tâm nước Mỹ. Cũng phải để cho nó còn đào bới lương tâm chúng ta nữa chứ. Theo nghĩa đó, đừng quên chiến tranh. Đừng phản bội chiến tranh. Sống và làm ăn sao đây hôm nay, để đừng tiếc một cuộc chiến tranh đã quá khủng khiếp.
Thomas Vallely: Cũng chỉ mới gần đây, khi tham gia với tư cách là cố vấn cho một dự án phim tài liệu ở Mỹ, tôi mới bắt đầu đào sâu hơn nữa vào lịch sử cuộc chiến mà tôi và ông Nguyên Ngọc đã đối đầu. Tôi hy vọng rằng, hai năm nữa khi bộ phim được phát hành, nó sẽ giúp khán giả hiểu rõ hơn về cuộc chiến này. Ở Hoa Kỳ có những bất đồng tai hại ngay cả về những sự kiện cơ bản. Ngay cả khi chúng tôi có nhiều khả năng tiếp cận tư liệu lịch sử hơn so với phía Việt Nam thì để những tư liệu này nói lên sự thật ở phía Hoa Kỳ cũng không đơn giản. Ở Việt Nam, thách thức này thậm chí còn lớn hơn bởi vì rất nhiều tài liệu lưu trữ cho đến nay vẫn rất khó tiếp cận. Một trong các lý do tại sao tôi quyết định tham gia thực hiện bộ phim này là vì các nhà làm phim thực tâm muốn xem xét cuộc chiến từ quan điểm của tất cả các bên chứ không chỉ từ phía Hoa Kỳ. Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam cho phép đoàn làm phim đến Việt Nam và trò chuyện với nhiều người đã từng tham gia cuộc chiến. Mong rằng nhiều người Việt Nam sẽ xem phim. Họ có thể đánh giá bộ phim về chủ đề phức tạp như thế thành công ra sao.
Nguyên Ngọc: Nói thật nhé, điều tôi quan tâm, và cảm thấy hạnh phúc: Tommy và tôi bây giờ, chúng tôi đã được gỡ mặt nạ, để nhìn thấy nhau là hai con người, bình thường, giản dị, có thể nói với nhau về nhưng ưu tư cho hạnh phúc của con người, ở bên này và bên kia.
Nhà báo Mỹ gốc Ý quá cố Oriana Fallaci từng viết cuốn sách rất hay trong thời điểm chiến tranh Việt Nam ở giai đoạn khốc liệt nhất, trước và sau Mậu Thân 1968. Từ Việt Nam, bà nhận ra rằng: “Cuộc sống, cuộc chiến tranh và rồi chẳng có gì” - NXB TP. HCM - năm 1991. Trong bài thơ “Đá ơi”, tuyển tập Thơ Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn - 2010, người chiến sĩ năm xưa ấy cũng thốt lên lên tiếng thở dài: “Nghĩ cho cùng / trong mọi cuộc chiến tranh. Bên nào thắng thì nhân dân đều bại” . Với hai ông, chiến tranh là gì? Cuộc sống là gì, và hoà bình có phải là điều mà con người luôn chiến đấu để gìn giữ?
Nguyên Ngọc: Tôi có đọc cuốn sách của Oriana Fallaci, đã rất lâu, một cuốn sách thật hay. Sách viết bằng tiếng Ý. Trong bản dịch tiếng Pháp của Jacqueline Remilet - NXB Robert Laffont - Paris, nó có tên là La vie, la guerre, et puis rien, Cuộc sống, cuộc chiến tranh, và rồi không còn gì nữa hết. Cuốn sách ấy bắt đầu bằng một câu hỏi : Qu’est-ce que la vie ? Cuộc sống là gì ? Cũng có nghĩa : Con người là gì? Trong chiến tranh, con người không từ bất cứ điều gì để tiêu diệt con người ở phía bên kia. Và, bằng một biện chứng éo le mà kinh hoàng, cũng đồng thời tự diệt đi con người ở trong chính mình. …et puis rien, và rồi không còn gì nữa hết! Tôi nghĩ Tommy, bạn tôi, làm nhiều việc cho Việt Nam, kiên trì, tận tụy, cũng chính là để tự làm lại mình, con người của mình, trong mình, sau chiến tranh. Chúng ta cũng vậy, phải vậy. Cho nên, tôi nghĩ, đẹp thay, mà cũng là tất yếu chăng, ông ấy và tôi, chúng tôi lại gặp nhau trong giáo dục. Nhất thiết phải là trong giáo dục, bằng giáo dục. Không có cách nào khác. Chỉ có thể làm lại con người bằng giáo dục. Năm ngoái, Thomas Vallely được trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh vì cống hiến cho giáo dục Việt Nam. Trong diễn từ nhận giải thưởng tháng 3/2014, Tommy khẳng định chỉ có thể cứu đất nước này bằng giáo dục! Nghĩa là từ làm lại con người. Tôi nghĩ chắc ở nước mình, thậm chí có thể cho đến tận hôm nay, Phan Châu Trinh là người thật sự thống thiết hiểu rằng cần phải làm lại con người để mà xây dựng lại đất nước này, và chỉ có thể bằng giáo dục.
Có phải giáo dục trong ý nghĩa ấy đã kết hai ông lại cùng nhau trên con đường gian truân của giáo dục Việt Nam? Nhìn nhận của hai ông một cách thẳng thắn về thực trạng giáo dục Việt Nam? Và nó còn có cơ may nào cho một nền giáo dục vốn đứt quảng và có quá nhiều bất cập hiện nay?
Nguyên Ngọc: Đã mấy chục năm nay rồi, ở Việt Nam chúng ta bàn cãi miên man về giáo dục, cải cách đi rồi cải cách lại, đổi mới rồi đổi mới căn bản và toàn diện… Nói đủ thứ chuyện, và đều hay ho, cũng không sai. Nhưng rồi đâu lại vào đó. Về cơ bản, chưa nhích lên được gì. Tôi cũng có một ngôi trường nhỏ, gần mười năm nay tôi loay hoay với nó. Đến nay thì có lẽ tôi đã hiểu: nếu tôi, chúng tôi, dù đã có đủ thứ lý thuyết thâm thúy, đủ thứ chương trình tiên tiến, hiện đại…, nhưng nếu chúng tôi không tạo được một môi trường thật sự tự do cho những người học thật sự tự do, thì chắc chắn chúng tôi sẽ thất bại. Như giáo dục của chúng ta bây giờ.
Chị muốn tôi nói chỉ vài chữ về thực trạng giáo dục của chúng ta ư? Chúng ta không có một nền giáo dục tự do. Và đó là nguy cơ cho dân tộc. Chúng ta cần một nền giáo dục tự do.
Với tôi, đến hơn 40 tuổi tôi mới thật sự hiểu cần nhất, quý nhất cho con người là tự do. Lần sau, nếu còn có lần đó, tôi sẽ cố gắng hiểu ra sớm hơn.
Thomas Vallely: Nguyên Ngọc và tôi thoạt đầu trở thành bạn bè không phải vì chúng tôi có cùng một quá khứ là cựu chiến binh mà vì niềm tin của chúng tôi vào vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục đối với tương lai của Việt Nam. Tôi đã vinh dự nhận giải thưởng Phan Châu Trinh năm ngoái. Tôi hiểu rằng Phan Châu Trinh có một niềm tin sắt đá rằng giáo dục là chìa khóa để chuyển hóa Việt Nam thành một xã hội tiên tiến. Rõ ràng là Nguyên Ngọc đang tiếp nối sự nghiệp của Phan Châu Trinh, cả hai đều thông qua giáo dục đại học và thông qua các nỗ lực của mình để gìn giữ và tôn vinh di sản văn hóa phong phú của Việt Nam.
Tôi đồng ý với Nguyên Ngọc rằng tự do là yếu tố nền tảng của một nền giáo dục có chất lượng. Nhưng nó không phải là yếu tố quan trọng duy nhất. Giáo dục phải truyền cảm hứng cho học viên, thôi thúc họ tự suy nghĩ cho bản thân mình và cho họ khả năng theo đuổi học tập suốt đời. Thi sĩ William Butler Yeats từng phát biểu một câu nổi tiếng rằng “giáo dục không phải là rót cho đầy tri thức mà là thổi bùng ngọn lửa”. Hẳn nhiên, giáo dục cũng phải chuẩn bị cho học viên đóng góp một cách có ý nghĩa cho xã hội của họ. Hiện tại, tôi đang tham gia vào nỗ lực thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), một trường đại học độc lập, không vì lợi nhuận. Tôi hy vọng rằng cho dù FUV đi theo hướng đổi mới công nghệ để cung cấp cơ hội học tập được thiết kế nhằm chuẩn bị cho sinh viên đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế tri thức thế kỷ 21, FUV vẫn sẽ thể hiện tinh thần của Phan Châu Trinh.
Thomas J. Vallely trở lại Việt nam khá sớm, từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông từng hướng dẫn các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam nghiên cứu thực địa sự phát triển của một số nước Đông Nam Á với kỳ vọng Việt Nam sẽ “phát triển theo hướng rồng bay”. Mục tiêu này của ông có đạt được?
Thomas Vallely: Trọng tâm công việc của tôi ở Việt Nam trong 30 năm qua là làm thế nào để Việt Nam vượt qua được những thách thức này và khai thác hết tiềm năng to lớn của mình. Một cách công bằng, tôi rất tôn trọng những thành quả của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới. Tuy nhiên, Việt Nam có thể và còn phải làm nhiều hơn thế nữa.
Cách đây vài năm, một số đồng nghiệp của tôi ở Trường Fulbright dịch cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại (**) trong đó tìm hiểu lý do vì sao một số ít quốc gia có thể trở thành nước phát triển cao trong khi đa số các nước khác lại thất bại. Các tác giả của cuốn sách này kết luận rằng chất lượng thể chế ở mỗi nước là yếu tố quyết định. Bởi vì thể chế phản ánh hệ thống chính trị của mỗi quốc gia, nên đó là một cách khác để nói rằng chính trị xác định quỹ đạo phát triển của mỗi quốc gia.
Cuốn Tại sao các quốc gia thất bại lập luận rằng những quốc gia thành công nhất là những quốc gia phát triển thể chế chính trị dung hợp. Ở mức độ khiêm tốn, quá trình này có thể được quan sát thấy tại Việt Nam. Theo tôi, việc củng cố vai trò và uy tín của Quốc hội là một trong những xu hướng đáng khích lệ nhất gần đây ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi không biết bất kỳ ai ở Việt Nam tin rằng tiến triển hiện nay đủ nhanh và đúng hướng để tiến tới các thể chế chính trị thực sự dung hợp.
Trong khi dường như có sự đồng thuận rộng rãi bề ngoài về những ưu tiên chính sách quan trọng như sự cần thiết phải cải cách thể chế, cải cách pháp lý và tái cấu trúc nền kinh tế, tôi không cho rằng những ưu tiên này rốt cuộc đã trở thành một tầm nhìn chung cho tương lai của xã hội Việt Nam. Xây dựng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là một mục tiêu đáng hoan nghênh, nhưng trên thực tế các khẩu hiệu kiểu như thế thực sự hàm ý gì? Một tầm nhìn chung như vậy chỉ có thể phát khởi thông qua các cuộc tranh luận và thảo luận cởi mở. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy ví dụ về những thảo luận rộng rãi trên cả nước có thể đưa đến tầm nhìn thống nhất hơn. Chúng ta đã thấy điều đó ở thảo luận về đổi mới hiến pháp năm 2013. Chúng ta đã chứng kiến điều đó qua sự thể hiện tình cảm đặc biệt tiếc thương đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Đến nay, những thảo luận này vẫn được tiếp tục hàng ngày trên internet. Đáng tiếc là những cuộc thảo luận này lại diễn ra chủ yếu ở bên ngoài thể chế công. Quốc hội có thể tạo ra một diễn đàn Việt Nam cần để kiến tạo một tầm nhìn quốc gia thuyết phục hơn.
Tôi cho rằng những yếu kém kinh tế là mối đe dọa lớn nhất đối với Việt Nam. Trong số những người tôi quen, không thấy ai tin rằng Việt Nam đang phát triển hết tiềm năng vốn có. Nếu không trở lại mức tăng trưởng kinh tế nhanh và toàn diện hơn thì nhiệm vụ quản trị quốc gia sẽ trở nên ngày càng khó khăn. Việt Nam thường được khen ngợi về tính “ổn định chính trị”, nhưng nguồn gốc của sự ổn định này là gì? Tôi cho rằng nó bắt nguồn từ cảm giác lạc quan về tương lai. Kể từ lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam năm 1985, những người Việt Nam tôi quen biết phần lớn đều tự tin vào tương lai của họ cũng như tương lai của đất nước. Họ nhiệt thành tin rằng cuộc sống của con cháu họ sẽ tốt đẹp hơn họ. Liệu người Việt Nam năm 2015 có còn tin tưởng vào tương lai? Tôi không chắc.
Chúng ta đều biết rằng khi các nước phát triển, việc duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh để nâng cao mức sống cho đại bộ phận người dân sẽ càng ngày càng khó khăn hơn. Một nền kinh tế phát triển chia sẻ trên bình diện rộng không chỉ tạo ra sự thịnh vượng mà còn mang lại nhiều lợi ích vô hình khác cho xã hội. Một nhà kinh tế ở trường Đại học Harvard viết cuốn sách nhan đề “Hệ quả đạo đức của tăng trưởng kinh tế” trong đó lập luận rằng các xã hội được hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế thường khoan dung hơn với sự đa dạng, nhiệt thành với dân chủ hơn và tạo ra nhiều cơ hội thăng tiến xã hội hơn. Ngược lại, kinh tế đình trệ thường dẫn tới xáo trộn xã hội, suy giảm sự khoan dung và bất ổn dân sự. Bởi vậy, có rất nhiều lý do tại sao Việt Nam cần phát triển kinh tế tốt hơn.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng chọn cho
mình 3 địa điểm trên đất nước khốn khổ của ông để yêu mến với niềm tự hào và ray rứt khôn nguôi: Tây Nguyên, Hội An và Hà Nội. Còn Thomas, nơi nào ở Việt Nam mà ông có thể có chút cảm tình? Vì sao như vậy?
Nguyên Ngọc: Hồi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tôi có nói: «Hà Nội đẹp đến nỗi nó bị phá thế mà vẫn còn đẹp!». Thế nhưng, sự xuống cấp của Hà Nội không chỉ có ý nghĩa tự nó. Nó tiêu biểu cho sự xuống cấp văn hóa của đất nước này. Thanh lịch nghìn năm bị thay thế bằng hai thứ trộn lẫn: vừa nhếch nhác quê kệch vừa hợm hĩnh diêm dúa lố bịch, nghĩ cho cùng cũng chỉ là một. Nơi là khuôn mặt từng yêu kiều của đất nước nay đang trưng ra một diện mạo xấu và không ít lần làm trò cười cho thiên hạ: giật hoa đào, giành suất ăn khuyến mãi, leo tường vào tắm miễn phí, chặt cây xanh hay như chuyện xây tháp truyền hình cao nhất thế giới gần đây, v.v...
Những người yêu Hà Nội đều đau! Tôi nghĩ: cả nước cần xúm lại mà cứu Hà Nội, vì cả nước. Còn Tây Nguyên, mấy năm trước đây tôi đã từng báo động : những giới hạn quan trọng đến mức sinh tử ở đây đã bị vượt qua: phá sạch rừng, đảo lộn dữ dội cơ cấu dân cư, hủy hoại tất cả các dòng sông lớn, hút cạn nước ngầm, phá vỡ các làng…, để cuối cùng phá nát văn hóa. Ở nơi vốn là một vùng văn hóa vào loại độc đáo và đặc sắc nhất nước, nay chỉ còn văn hóa Tây Nguyên dỏm. Hầu như không còn có thể quay trở lại, và đang thật sự không có đường ra… Vậy mà, chẳng hạn, người ta vẫn tiếp tục nói dối về chương trình bô-xít tai họa, nghĩa là cuộc tàn phá suốt 40 năm chưa hề chịu dừng lại.
Nhiều lần tôi tự hỏi : Vì sao ? Chỉ có thể là tham lam, ngu dốt, và kiêu ngạo, coi thường mọi thứ. Hỏi xem : Có ai đến Tây Nguyên để học? Học sự hiền minh bất tận của rừng, và của những dân tộc từng biết cách sống với rừng, nghĩa là với tự nhiên, hàng nhiều ngàn năm nay. Một bài học có thể cho cả nhân loại và nền văn minh đang lúng túng của mình ngày nay. Chúng ta đừng ngạo mạn, xấc xược đối với các dân tộc Tây Nguyên và với văn hóa. Hình như đang có một dòng lũ vô văn hóa đang muốn cuộn phăng cả đời sống chúng ta. Điều này thật đáng sợ. May thay, còn có một Hội An. Hội An nhỏ thôi, nhưng trong văn hóa không có khái niệm nhỏ hay lớn.
Tôi cũng không muốn nói thêm nhiều về Hội An. Chỉ xin có một nhận xét: Hội An luôn thấy mình có vấn đề, luôn lo lắng, đặc biệt về văn hóa. Bởi vì ở đây người ta hiểu một chân lý khắc nghiệt: cái đẹp luôn mong manh, từ một người con gái đẹp cho đến một văn hóa đẹp. Nó luôn bị thách thức từng ngày, và trong từng con người. Phải thận trọng từng chút, trân trọng từ cái nhỏ nhất. Đến Hội An có thể nhận ra một trong những điều lạ này, ở từng công việc, từng con người: vừa nhẹ nhàng, thong dong, thoải mái, vừa cẩn trọng, tinh tế trong từng chút nhỏ; có lẽ vì vậy mà ở đây cái bình dân với cái tinh hoa có thể hài hòa thật hay…
Còn một chỗ để ta không hoàn toàn bi quan.
Thomas Vallely: Địa điểm yêu thích của tôi ở Việt Nam không phải là một thành phố hay tỉnh lị nào mà là một ngôi nhà. Chính xác hơn, đó là ngôi nhà và phòng tranh của người bạn thân của tôi, họa sĩ Phạm Lực, một hậu duệ trực tiếp của Nguyễn Du. Bất cứ khi nào tôi tới thăm Phạm Lực, trò chuyện về tranh của ông, tôi đều được học hỏi thêm về Việt Nam, cả về quá khứ và hiện tại. Tranh của Phạm Lực thấm đượm di sản văn hóa phong phú của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là tiếng nói vang vọng về cuộc sống trong những thời kỳ sáng tác của ông. Ví dụ, một chủ đề quen thuộc trong tranh Phạm Lực những năm chiến tranh là những mất mát mà người phụ nữ phải gánh chịu. Ngày nay, một trong số những bức tranh của ông đề cập đến vấn đề môi trường suy thoái, sự câu kết độc hại của tiền bạc, quyền lực và lòng tham. Sáng tác của ông vừa mang tính cách đặc trưng Việt Nam nhưng đồng thời cũng rất có tính phổ quát.
Tôi luôn rời nhà Phạm Lực với cảm giác được tiếp thêm sức lực. Và đó là một lý do vì sao tôi không hoàn toàn đồng ý với nhiều bạn bè Việt Nam cùng hay trên lứa khi họ cho rằng văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ngày nay thiếu sức sống hay không đáng được trân trọng như trong quá khứ. Trên thực tế, với tôi, văn hóa Việt Nam ngày nay sôi động chưa từng thấy. Điều này mới đây lại được khẳng định khi tôi tham dự lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh 2015, trong đó vinh danh một số nghệ sĩ tài năng. Lễ trao giải có sự tham dự của nhiều cá nhân ưu tú, đại diện cho rất nhiều giai tầng của xã hội Việt Nam. Tôi rời buổi lễ với cảm giác lạc quan về tương lai của Việt Nam.
Xin cảm ơn Thomas Vallely và nhà văn Nguyên Ngọc đã dành thời gian quý báu để cùng trao đổi một câu chuyện dài trong thời bình về Việt Nam một cách thẳng thắn và đầy trách nhiệm.Chúng tôi cũng không quên cảm ơn TS Vũ Thành Tự Anh, người giúp chúng tôi tiếp cận với ông Thomas Vallely để thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Minh Nguyễn thực hiện (nguồn Bizlive)
______________
(*) Năm 1988, NXB Vintage Books - A Division of Random House - New York xuất bản cuốn: “A Bright Shining Lie - John Paul Vann and America in Vietnam” của Neil Sheehan, phóng viên của hãng thông tấn UPI và báo New York Times. Ông là người chứng kiến cuộc chiến tranh Việt Nam từ giữa năm 1962 - 1972. Từ đó, Neil Sheehan phát hiện ra John Paul Vann - một chuyên gia chống chiến tranh du kích - một con người mà thông qua cuộc đời - người ta có thể viết về sự dính líu của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. John Paul Van đã chết ở Việt Nam năm 1972 trong lúc vẫn tin rằng nước Mỹ sẽ thắng trong cuộc chiến. John Paul Vann là biểu tượng, là nhân vật của cuốn sách đoạt giải thưởng Pulitzer và giải thưởng sách quốc gia của Mỹ năm 1988.
Bản dịch của NXB TP. HCM năm 1990 và tái bản lần thứ hai vào năm 1995, mang tên: “Sự lừa dối hào nhoáng - John Paul Vann và nước Mỹ ở Việt Nam” do nhóm dịch giả ở Sài Gòn và nhà báo quá cố Lê Minh Đức hiệu đính.
(**) “Vì sao các quốc gia thất bại” của Daron Acemoglu và James A. Robinson, Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Chi với sự hợp tác của Hoàng Thạch Quân và Hoàng Ngọc Lan.
Hiệu đính: TS. Vũ Thành Tự Anh - NXB Trẻ - Năm 2013.
--------
Phần nhận xét hiển thị trên trang