Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020
Các cơ quan ngoại giao Trung Quốc bí mật phá hoại nước Mỹ như thế nào? by anle20 Các cơ quan ngoại giao Trung Quốc bí mật phá hoại nước Mỹ như thế nào? Trái: (ảnh: Reuters), Phải: (ảnh: William Warby/Flickr). Các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Hoa Kỳ là điểm nóng gián điệp và nơi tiến hành các hoạt động bí mật nhằm phá hoại nước Mỹ, theo ý kiến cảnh báo của các chuyên gia sau khi Mỹ gần đây ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Lãnh sự quán Trung Quốc đã bị đóng cửa hôm 31/7 sau khi chính quyền Mỹ cáo buộc đây là một “trung tâm trộm cắp tài sản trí tuệ và gián điệp”. Các quan chức Mỹ cho biết trong một cuộc họp báo ngày 24/7 rằng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là nơi “đặc biệt hung hăng và thành công” trong việc trộm cắp công nghệ và nghiên cứu của Mỹ. Theo báo Epoch Times, một quan chức cấp cao Bộ ngoại giao Mỹ nói rằng hoạt động gián điệp của lãnh sự quán của Bắc Kinh nhắm vào các nghiên cứu xoay quanh vắc xin COVID-19. Houston là một trung tâm nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm nghiên cứu y sinh. Theo một quan chức tình báo cấp cao Mỹ, trong 10 năm qua, đã có hơn 50 trường hợp nhân viên lãnh sự quán Houston tuyển dụng công dân Mỹ cho các kế hoạch thu hút nhân tài được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, đặc biệt nhắm vào các trung tâm nghiên cứu trong khu vực. Các chương trình nhân tài này, với mục đích thu hút các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc, đã bị chỉ trích vì tạo điều kiện chuyển giao phi pháp các nghiên cứu và bí quyết để mang lại lợi ích cho Bắc Kinh. Một quan chức cấp cao Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, các quan chức lãnh sự Houston đã liên lạc với các nhà khoa học tại một viện nghiên cứu ở Texas, chỉ dẫn cho họ biết các thông tin cần thu thập. David R. Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương đã chia sẻ với tờ New York Times rằng, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston và hai nhà ngoại giao khác đã bị bắt hôm 31/5 vì sử dụng ID giả để hỗ trợ các du khách Trung Quốc tuồn lên một chuyến bay thuê riêng tại Sân bay liên lục địa George Bush ở Houston, Texas. Trao đổi với Epoch Times, một cựu nhà ngoại giao và chuyên gia Trung Quốc nói rằng những nỗ lực đánh cắp công nghệ như vậy được thực hiện tại tất cả các cơ quan ngoại giao Trung Quốc trên khắp thế giới. “Các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc là đầu mối cho các hoạt động gián điệp toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh”, Nicholas Eftimiades, một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ và là tác giả cuốn sách “Các hoạt động tình báo Trung Quốc”, cho biết. Các hoạt động phi pháp do các cơ quan ngoại giao Trung Quốc thực hiện ngấm ngầm và bí mật, không chỉ giới hạn trong các hoạt động gián điệp kinh tế và quân sự, các chuyên gia lưu ý. Lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc cũng là các trung tâm chỉ huy các hoạt động thao túng ở nước ngoài. Không từ thủ đoạn, như dùng tiền mua chuộc và đe dọa, họ cố gây ảnh hưởng dư luận và ép giới tinh hoa địa phương phải nghe lời để hành động theo cách có lợi cho Bắc Kinh. Đồng thời, các cơ quan ngoại giao thi hành đàn áp những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài và làm câm lặng những phát biểu chỉ trích ĐCSTQ trên khắp các diễn đàn từ cấp chính phủ, doanh nghiệp cho đến học viện. Họ phối hợp các nhóm gọi là “mặt trận thống nhất” như là các cộng đồng người Hoa và nghiệp đoàn và sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài để thực hiện các chiến dịch của Bắc Kinh. Gián điệp Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), cựu nhà ngoại giao cấp cao tại lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, Úc, người đã đào thoát năm 2005, nói với tờ Epoch Times rằng lãnh sự quán Houston có tầm quan trọng chiến lược cao đối với Bắc Kinh vì khu vực Houston tập trung trụ sở của các tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm các ngành hàng không, y sinh và dầu khí. Ông mô tả ĐCSTQ là ký sinh trùng dựa vào đánh cắp công nghệ của Mỹ trong các lĩnh vực tiên tiến để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghệ ở đại lục. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FPI) Christopher Wray mới đây cho biết cơ quan này có hơn 2.000 cuộc điều tra trên cả nước Mỹ xoay quanh Trung Quốc. Hơn 80% của tất cả các cáo buộc gián điệp kinh tế được các công tố viên liên bang đưa ra kể từ năm 2012 đều liên quan đến Trung Quốc, theo Bộ tư pháp Mỹ. Ông Eftimiades nói rằng, mọi lãnh sự quán Trung Quốc đều giám sát và hỗ trợ các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh ở nước sở tại. Mặc dù có thể có một số hành vi gián điệp kinh tế mà họ không biết, nhưng họ đều nhận thức được điều này, ông lưu ý. Các lãnh sự quán đang hỗ trợ một mạng lưới các sĩ quan quân đội Trung Quốc đang bí mật theo học tại các trường đại học Hoa Kỳ trên khắp 25 thành phố, hướng dẫn họ cách né tránh và cản trở việc thực thi pháp luật, một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp cho hay. Gần đây, FBI bắt giữ một loạt sinh viên Trung Quốc bị cáo buộc gian lận thị thực, che giấu tư cách quân nhân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong đơn xin thị thực của họ. Một trong những người bị buộc tội là Tang Juan (Đường Quyên), nhà nghiên cứu tại Đại học California Davis, cô ta đã trốn vào lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco sau khi bị đặc vụ FBI thẩm vấn vào ngày 20/6, và bị bắt giam ngày 23/7. Cáo trạng cho biết cô này là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu “thuốc giải độc sinh học”. Các quan chức lãnh sự Trung Quốc còn liên quan đến các nỗ lực thu thập chất xám, cụ thể là trong hoạt động chiêu mộ người tài. Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Mỹ, đã tạo điều kiện cho việc bí mật tuyển dụng các nhà khoa học Hoa Kỳ đến làm việc tại đại lục, theo tài liệu của tòa án được tiết lộ vào tháng 4. Năm 2019, Liu Zhongsan, quốc tịch Trung Quốc, bị buộc tội lừa đảo, ông này xin thị thực Mỹ diện nghiên cứu cho nhân viên chính phủ Trung Quốc nhưng mục đích thực sự là tuyển dụng các chuyên gia Mỹ đến làm việc tại Trung Quốc. Liu thường xuyên điều phối các hoạt động tuyển dụng nhân tài của mình với các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, D.C. và lãnh sự quán Trung Quốc tại New York. Tháng 9/2019, Mỹ trục xuất hai quan chức đại sứ quán Trung Quốc, những người này đi cùng vợ và họ lái xe đến một căn cứ quân sự nhạy cảm ở Virginia, vượt trạm kiểm soát và xâm nhập căn cứ trái phép. Họ đã chạy trốn khi bị nhân viên quân sự truy đuổi. Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco cũng có dính líu đến vụ án Chung Dongfan, cựu kỹ sư Boeing, bị kết án 10 năm tù vì tội gián điệp trong hai lĩnh vực hàng không vũ trụ và quốc phòng, đánh cắp và chuyển giao các bí mật tàu con thoi của Mỹ cho Trung Quốc vào năm 2010. Lãnh sự quán đã giúp Chung gửi tài liệu kỹ thuật thiết kế máy bay ném bom B-1 về Trung Quốc, đựng trong vali ngoại giao. Chính phủ Mỹ năm 2016 đã cáo buộc Lin Ying, cựu quản lý của Air China, hãng hàng không nhà nước Trung Quốc, với tội danh buôn lậu. Lin nhận hàng hóa từ các sĩ quan Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ ở Liên Hiệp Quốc và các nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc ở New York, rồi tuồn những gói hàng ra khỏi sân bay John F. Kennedy (JFK) ở thành phố New York, trên các chuyến bay đến đại lục. Lin đã nhận tội gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh vào tháng 4/2019. Ảnh hưởng ác tính Lãnh sự quán và đại sứ quán là các nút quan trọng trong mạng lưới “mặt trận thống nhất” của chính quyền Bắc Kinh. Theo báo cáo tháng 6 về ĐCSTQ của Viện Chính sách Chiến lược Úc, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc chịu trách nhiệm thúc đẩy các chương trình nghị sự của Bắc Kinh ra nước ngoài, thông qua các tiền đồn ngoại giao để điều phối hàng nghìn nhóm trên khắp thế giới thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, đàn áp các phong trào bất đồng chính kiến và thu thập thông tin tình báo. Họ kiểm soát các Hiệp hội sinh viên và học giả Trung Quốc (CSSA), các nhóm sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học ở Mỹ và trên toàn cầu. Nhiều CSSA công khai nói rằng họ được chỉ đạo hoặc tài trợ bởi các lãnh sự quán Trung Quốc ở địa phương. Họ có một giai đoạn lịch sử dài hung hăng gây hấn phản đối các sự kiện thể hiện quan điểm phê phán Bắc Kinh trong khuôn viên các trường đại học, từ đó làm dấy lên mối lo ngại xâm phạm nền tự do học thuật của Mỹ. Trong bài phát biểu năm 2018 Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, các CSSA cũng sẽ “cảnh cáo các lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc ở hải ngoại nếu sinh viên Trung Quốc tại đây và các trường học Mỹ đi lệch khỏi đường lối ngôn luận của Bắc Kinh”. Bộ phận giáo dục tại các phái bộ Trung Quốc cũng giám sát các Viện Khổng Tử, các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa được thành lập tại hàng chục trường đại học Mỹ. Các học viện này bị chỉ trích vì truyền bá tuyên truyền của Bắc Kinh và bóp nghẹt tự do ngôn luận. Bản thân các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng cố gây áp lực cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ chấp nhận lập trường ủng hộ Bắc Kinh, sử dụng các phương thức như hối lộ, tống tiền và thỏa thuận bí mật, Giám đốc FBI Wray nói. Bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng Là một phần trong chuỗi nỗ lực của ĐCSTQ nhằm bịt miệng và bôi nhọ các nhà phê bình ở nước ngoài, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tấn công mạnh vào các nhóm bất đồng chính kiến, gây áp lực cho các chính trị gia địa phương tránh né các nhóm này và tổ chức các cuộc tấn công. Ông Chen, người từng đứng đầu bộ phận chính trị của lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, tiết lộ hồi năm 2005 rằng, một trong những nhiệm vụ chính của nhân viên lãnh sự là theo dõi và đàn áp các học viên Pháp Luân Công tại địa phương. Theo ông, mỗi đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc đều có ít nhất một nhà ngoại giao với công việc chính là thực thi chính sách đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Ông cho biết, lãnh sự quán soạn ra một danh sách trong đó có tên của khoảng 800 học viên Pháp Luân Công địa phương, với mục đích từ chối nhập cảnh Trung Quốc nếu họ nộp đơn xin thị thực. Danh sách này được đưa vào trong một danh sách toàn cầu được duy trì bởi các cơ quan an ninh Trung Quốc, ông nói thêm. Đồng thời, các lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc trên khắp thế giới trong nhiều năm đã cố ngăn chặn các buổi biểu diễn của đoàn Nghệ thuật biểu diễn Shen Yun, có trụ sở ở New York. Thông qua nghệ thuật vũ đạo cổ điển và âm nhạc truyền thống, Shen Yun đã làm hồi sinh nền văn minh Trung Hoa chân chính đã bị thất lạc và chia sẻ nó với người dân toàn cầu. Các lãnh sự Trung Quốc đã gây áp lực lên các nhà hát và chính phủ sở tại trì hoãn các chương trình. Các quan chức Hoa Kỳ cũng cảnh báo các lãnh sự quán đóng vai trò cơ sở cho các hoạt động “săn cáo” của Bắc Kinh, một chiến dịch nhằm hồi hương những kẻ chạy trốn mà ĐCSTQ nhắm đến, bao gồm cả những người bất đồng chính kiến và các quan chức ngã ngựa. (Nguồn ảnh: Phải: (ảnh: William Warby/Flickr))
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét