Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Nghi vấn tỷ phú Trung Quốc đang giấu kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam?


clip_image001
Theo Dịch Vụ Thông Tin Thương Mại Toàn Cầu (GTIS) chuyên theo dõi các hoạt động thương mại trên thế giới, Việt Nam là đích đến của 91% lượng xuất khẩu phôi nhôm. (Ảnh minh hoạ)
Kho nhôm lớn nhất thế giới vừa được vận chuyển tới một cảng biển Việt Nam trong khi cách đây vài tháng còn nằm phủ bạt ở một hoang mạc của Mexico.
Theo một phóng sự điều tra của tờ Wall Street Journal, phần lớn số hàng này đang được phủ bạt đen, canh giữ bởi nhân viên an ninh tuần tra bằng xe máy, mang theo dùi cui ở một nhà máy trong khu cảng Vũng Tàu.
Theo nguồn tin này, hàng loạt động thái bất thường trong xuất nhập khẩu nhôm giữa Trung Quốc, Mỹ, Mexico và Việt Nam đều có liên hệ tới tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian – người được cho là đang giấu 1 triệu tấn nhôm trị giá 2 tỷ đô la để thao túng thị trường.
Theo Dịch Vụ Thông Tin Thương Mại Toàn Cầu (GTIS) chuyên theo dõi các hoạt động thương mại trên thế giới, Việt Nam là đích đến của 91% lượng xuất khẩu phôi nhôm.
Trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal hồi tháng 9 năm nay, kho nhôm của Mexico hiện đang nằm ở Việt Nam có liên quan tới ông Liu Zhongtian, chủ tịch tập đoàn nhôm China Shongwang, người giàu có nhất Trung Quốc. Ông Liu bị các nhà quản lý thương mại nhôm cáo buộc là xuất khẩu nhôm sang Mexico để xóa nguồn gốc Trung Quốc của mặt hàng này. Mục đích là lợi dụng hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Mexico để trốn thuế, bởi vì nếu là sản phẩm của Trung Quốc, mặt hàng này sẽ bị đánh thuế tại Hoa Kỳ. Tỷ phú Liu và tập đoàn China Zhongwang đã bác bỏ cáo buộc này.
Mỹ áp đặt các sắc thuế rất cao đối với nhôm nhập từ Trung Quốc, thuế xuất chống bán phá giá lên tới 374% cho phôi nhôm từ Trung Quốc trong khi nhôm Việt Nam chỉ chịu mức thuế trên dưới 5%. Trung Quốc được cho là đang dùng Việt Nam để có thể hưởng thuế xuất ưu đãi này.
Việc giá nhôm giảm giá trên thị trường đã đe dọa ngành sản xuất nhôm của Hoa Kỳ, dẫn đến nguy cơ hàng loạt nhà máy có thể đóng cửa. Theo Infonet, việc Trung Quốc tăng sản lượng nhôm và không phải đóng thuế đúng mức, là một mối đe dọa đối với ngành sản xuất nhôm tại Hoa Kỳ.
Theo phóng sự của Wall Street Journal, hành trình của nhôm Trung Quốc được vận chuyển từ Mexico sang Việt Nam trùng hợp với thời điểm lượng nhôm Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam và Mỹ tăng đột biến qua những cảng có liên hệ với tỷ phú Liu của Trung Quốc. Tuy nhiên người phát ngôn của tập đoàn China Zhongwang, Harriet Lau, bác bỏ là có bất kỳ liên hệ nào với kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam.
Theo người sáng lập Harbor Aluminum Intelligence LLC, tổ chức nghiên cứu thị trường nhôm toàn cầu, được WSJ trích lời nói Vũng Tàu là cảng xuất nhập khẩu chính của Global Vietnam Aluminum, công ty Việt Nam duy nhất có khả năng quản lý kho hàng khổng lồ như vậy.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta


Anh Tú
MTG - Trong bài viết trước, chúng tôi có kể sơ qua câu chuyện vua Lê Đại Hành mang cọp ra hù sứ giả nhà Tống khiến hai viên Tả chính ngôn là Tống Cảo, Hữu chính ngôn là Vương Thế Tắc tim đập chân run. Nhưng đó không phải là lần duy nhất và cũng không phải là lần đầu tiên mà triều đình nước ta cách đây 1.000 năm dọa nạt sứ phương Bắc.

Nếu tính từ thời độc lập bắt đầu do Ngô Quyền tạo dựng thì lần đầu tiên triều đình ta hù dọa sứ phương Bắc phải là Ngô Xương Văn, con thứ của Ngô Quyền. Năm 951, sau khi dẹp loạn Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn lên ngôi vua lấy hiệu là Nam Tấn Vương. Năm 954, Ngô Xương Văn cho sứ sang giao hảo với Nam Hán. Vua Nam Hán lúc ấy là Lưu Thịnh cho ngay cấp sự trung là Lý Dư làm sứ sang nước ta để dò xét tình hình nước Việt toan tính âm mưu kiếm cớ xâm lược tiến tới chiếm đóng nước ta.

Được tin ấy, Ngô Văn Xương cho ngay người đi sang chặn sứ Nam Hán lại trước khi tới biên giới, và dọa sứ Nam Hán rằng: giặc biển đương làm loạn, đường đi rất khó, đừng sang mà chết! (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Sứ Nam Hán hoảng sợ quay về. Mộng bành trướng của Nam Hán tới đây thật sự chấm dứt.

Phải nói rằng việc Ngô Xương Văn hù sứ giả nhà Nam Hán khi đó là rất cần thiết và kịp thời. Nếu để Lý Dư sang dò xét tình hình nước ta khi đó thì thật là hỏng hết đại sự. Cần nhớ là thời điểm đó, nước Việt đang loạn lạc trong khi Ngô Xương Văn tự xét mình không thể có tài cầm quân như cha là Ngô Quyền. Bản thân Ngô Xương Văn dẹp được Dương Tam Kha giành lại được ngôi vương cũng nhờ mưu chứ không phải nhờ dũng. Nếu để phương Bắc thấy rõ tình hình nước ta đang chia 5 xẻ 7 mà tiến quân thì e rằng cơ nghiệp của Ngô Quyền đã tan thành mây khói.

Sau nhà Ngô đến nhà Đinh, rồi đến thời Lê Hoàn hay Lê Đại Hành. Đến thời vua Lê Hoàn thì giang sơn đã thống nhất, có thể yên tâm tiếp sứ Trung Quốc. Nếu sứ thần là người biết điều như Lý Giác thì ta cũng rất lịch sự mà dùng cao tăng Đỗ Thuận để đối đáp. Nhưng nếu sứ thần hống hách ngạo mạn thì ta cũng 'trừng trị' thẳng thừng.

Năm 990, vua Tống lại cho một đoàn sứ giả sang ta, mang chiếu thư của vua Tống phong thêm chữ trong chức cho Lê Hoàn. Việc chỉ có thế mà nhà Tống phái một đoàn sứ giả đi, đứng đầu là Tống Cảo chánh sứ và Vương Thế Tác phó sứ. Hai viên chánh, phó sứ này tỏ ra ngạo mạn, hống hách. Chúng báo sang là ta phải cho thuyền sang đón chúng tại Liêu Châu (thuộc Quảng Đông).

Ta đáp lại bằng cách cho thuyền sang đón nhưng đi từ Quảng Đông về đến Hoa Lư mà mất cả tháng trên thuyền. Trước hết là để hành xác cho mấy vị sứ giả ngạo mạn này bớt tác oai tác quái. Quan trọng hơn là để cho chúng cảm thấy muốn dùng thủy quân tiến đánh nước ta thì gian khó vô cùng.

Sứ giả đến nơi thì được tiếp đón hết sức sơ sài.  Nơi sứ quán đồ cung cấp không được đầy đủ. Khi sứ bộ nhà Tống sắp vào thành thì mới có gian nhà lợp tranh đề chữ “Mao kính dịch” (trạm qua đường lợp tranh). Cho sứ ở đơn sơ nhưng vua Lê Hoàn lại kỳ công cho quân tinh nhuệ diễu võ giương oai làm cho sứ nhà Tống mất mật. Bởi vậy khi đưa chiếu vua Tống sang, vua Lê Hoàn không thèm lạy mà bảo đang đau chân. Sứ Tống cũng phải im.

Ấy vậy mà lúc sau, vua Lê Hoàn cho đặt yến tiệc tại bãi biển, để chủ và khách vừa ăn yến, vừa liên hoan múa hát, lấy trò bắt cá làm vui. Rồi Lê Hoàn tuy là vua, nhưng tự cởi mũ áo, bỏ giày, đi chân không lội xuống nước đâm cá không hề có dấu hiệu đau chân gì cả.

Theo cuốn Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước, sau bữa tiệc ở bãi biển, vua Lê Hoàn lại cho người khiêng một con trăn lớn, dài vài trượng đến sứ quán, nói với sứ nhà Tống: "Nếu ăn được, sẽ cho làm cỗ để mời". Sứ khiếp sợ, không dám nhận. Một buổi khác, Lê Hoàn cho dắt hai con hổ tới sứ quán để cho sứ thần vui chơi. Sứ càng sợ, không dám nhận (Những chuyện ta tiếp sứ Tống Cảo đều có ghi trong tờ tâu của Tống Cảo với vua Tống và chép trong Tống sử).

Khi Tống Cảo, Vương Thế Tác xin phép về nước, Lê Hoàn bảo thẳng vào mặt sứ: "Sau này có quốc thư thì nên để giao nhận ngay ở đầu địa giới, không phiền sứ thần đến đây nữa" (Đại Việt sử ký toàn thư). Vua Tống biết chuyện cũng phải bằng lòng sau khi nghe 2 sứ kể về sức mạnh quân sự của Đại Việt lúc ấy.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TƯỜNG THUẬT CUỘC ĐỐI THOẠI VỚI BỘ TRƯỞNG



ĐỐI THOẠI VỚI ÔNG BỘ TRƯỞNG 

Luật sư Luân Lê
8-12-2016

Sáng nay theo lịch, tôi và luật sư Trần Vũ Hải cùng sáu bà con đại diện ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đến trụ sở tiếp dân Bộ Tài nguyên và Môi trường để đối thoại với ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà (có dại diện Bộ, UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, xã Kỳ Lợi và báo chí đưa tin) về vấn đề khiếu nại, kiến nghị liên quan đến thảm hoạ Formosa gây ra vào tháng 4.2016 vừa qua.

Có vài vấn đề chính được thảo luận, trao đổi trong suốt 4 tiếng đồng hồ từ sáng cho tới hơn 12h trưa mới kết thúc.

Vấn đề mà luật sư Hải đặt ra là việc cấp phép xả thải cho Formosa không đúng luật theo Nghị định 201/2013/NĐ-CP (và Luật Tài nguyên nước 2012) vì đã không tham vấn cộng đồng nơi đặt ống xả thải, việc này đã được nêu rõ trong các đơn khiếu nại nhiều lần trước đây mà các luật sư chúng tôi đã gửi đi.

Vấn đề tiếp theo là hướng xử lý thế nào, có dừng hoạt động xả thải chờ xem xét giải quyết theo pháp luật hay không. Có thu hồi và huỷ bỏ giấy phép này không. Hiện nay Formosa vẫn xả thải và có đảm bảo được vấn đề an toàn môi trường không? Luật sư Hải có nói nếu không giải quyết được và hợp pháp thì bà con sẽ có các biện pháp pháp lý tiếp theo, kể cả việc kiện ra toà, mà như vậy thì ông Bộ trưởng phải trực tiếp tham gia vì Luật Tố tụng hành chính mới đã quy định như vậy (mà không được ủy quyền cho người khác).

Tôi thì nêu rõ hai vấn đề trọng tâm về hậu quả của thảm hoạ. Một là, tại sao lại chỉ bồi thường 4 tỉnh miền Trung và bồi thường trong vòng 06 tháng, vậy từ tháng thứ 7 trở đi thì thế nào, vì đến nay họ cũng không thể khai thác và mưu sinh được, và tiếp tục còn nằm trên bờ cho đến nhiều tháng sau đó nữa từ giờ. Những thiệt hại tiếp theo sau đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Hai là, vì sao các hộ dân ở các vùng biển bị ảnh hưởng từ thảm hoạ như Nghệ An dù họ đi khởi kiện theo đúng luật lại không được thụ lý giải quyết. Quyền lợi của họ chính phủ sẽ giải quyết như thế nào? Tôi đề nghị cũng cấp các thoả thuận của chính phủ (hoặc Bộ TNMT) đã thương lượng với Formosa, kết luận điều tra nguyên nhân thảm hoạ, việc uỷ quyền của dân cho chính phủ trong việc đã đứng ra thương lượng để có căn cứ giải quyết các vấn đề và trách nhiệm phát sinh trong thảm hoạ này.

Các hộ dân nêu ra tình trạng về việc làm Âu thuyền dở dang, gây khó khăn cho hoạt động khai thác, thiếu an toàn, gây thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân (khoảng 1.000 hộ dân khai thác trên một Âu thuyền, mà họ chỉ xây khi đang bầu cử, còn bầu cử xong là họ dời đi bỏ đấy không làm tiếp nữa). Việc tái định cư trong dự án Formosa vẫn còn nhiều bất cập lẫn bức xúc trong vấn đề bồi thường và giải phóng mặt bằng, cần xem xét lại. Việc học sinh, sinh viên tại các vùng ảnh hưởng bởi thảm hoạ được miễn học phí tại sao vẫn bị nhà trường yêu cầu nộp? Các hộ dân phản ánh gạo hỗ trợ có hiện tượng bị mốc hoặc nấu lên không để quá được 10 phút là không ăn được nữa. Họ cũng đề nghị chính phủ có cơ chế cho các lao động là trẻ em dưới 15 tuổi và người ngoài độ tuổi lao động, vì đây là những đối tượng đặc thù và nhạy cảm, khó khăn, không được học hành hay chăm sóc mà phải bươn chải kiếm sống. Các hộ dân nêu ra, việc Cua, Ghẹ, hải sản tầng đáy bị chết rất nhanh, khai thác đánh bắt từ đêm hôm trước về sáng hôm sau đã chết, trong khi bình thường thì phải tới 7-10 ngày mới chết, mà hải sản chết thì không thể nào bán được và nó cũng chứng minh là cá vẫn nhiễm độc tố.

Ông Bộ trưởng trả lời việc cấp phép là đúng trình tự luật của năm 1998 (lúc Formosa xin đầu tư dự án là năm 2008, thời điểm Luật Tài nguyên nước 1998 đang có hiệu lực), nên theo ông ấy (được tư vấn bởi bộ phận pháp chế, ông Cục trưởng Bẩy) thì Nghị định 201/2013/NĐ-CP là chưa được áp dụng. Tuy nhiên, sau khi trao đổi cởi mở và cương quyết, ông Trần Hồng Hà đề nghị một buổi làm việc riêng với các luật sư về vấn đề pháp lý và nếu ai sai phạm trong việc cấp phép xả thải cho Formosa thì sẽ xử lý theo luật định.

Ông Hà cũng tiếp tục trả lời rằng chính phủ sẽ có hỗ trợ giai đoạn sau bồi thường như hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ chuyển đổi nghề, kinh phí đào tạo việc làm, hỗ trợ lãi suất vay để đầu tư đóng tàu cỡ lớn đánh bắt khơi xa,…và hy vọng bà con cùng thấu hiểu vì đất nước mình nghèo, những nhà đầu tư mang lại nhiều lợi ích và khiến cuộc sống của dân ở vùng này được tốt hơn, khang trang hơn. Và trong quá trình điều tra, đã đưa ra kết luận từ các chuyên gia Israel, Đức, Mỹ thì công nghệ của Formosa đang dùng là ở mức trung bình khá, chứ không phải lạc hậu hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm. Việc xảy ra sự cố là trong quá trình vận hành thử, do lỗi của những công nhân vận hành.

Việc đóng Âu thuyền được ông ấy giao cho Hà Tĩnh làm và báo cáo phải xong trước quý I năm 2017. Việc học sinh, sinh viên vùng thảm hoạ được miễn học phí 100% trong vòng 2 năm. Việc tái định cư cũng được xem xét cùng với các điều kiện sống về cấp nước sạch sinh hoạt, điện, đều được ông Hà giao cho tỉnh Hà Tĩnh giải quyết và báo cáo, trả lời.

Những vấn đề khác nữa được trao đổi thẳng thắn, rõ ràng và cởi mở. Tuy rằng hai vấn đề mà tôi đặt câu hỏi thì ông Bộ trưởng gần như chưa có câu trả lời cụ thể và rõ ràng, và cũng chưa có phương án hữu ích nào được đưa ra. Và ông cũng nói có một số việc sẽ vượt quá thẩm quyền của ông, nên ông vẫn phải xin ý kiến của Phó thủ tướng thường trực hoặc chính phủ mới có câu trả lời cụ thể, nhưng ông hứa ông sẽ chịu trách nhiệm về mọi vấn đề trong sự việc của thảm hoạ này.

Cuối buổi đối thoại, tôi định chốt lại vấn đề pháp lý trong việc cấp phép cho Formosa xả thải trực tiếp ra nguồn nước, rằng, việc bộ phận tư vấn và pháp chế của ông ấy đang nắm không đúng và áp dụng sai luật trong vấn đề này. Nhưng bị luật sư Hải ngăn lại, vì trước đó ông Bộ trưởng có hẹn sẽ có cuộc trao đổi riêng với các luật sư cụ thể về vấn đề này, kể cả nếu cần thì mời đoàn luật sư độc lập cùng tham gia.

Ông ấy cung cấp số điện thoại và facebook để tiếp nhận các thông tin phản ánh công khai của người dân và hứa sẽ đảm bảo minh bạch, không để chìm lặng những kiến nghị hay các phản ánh của bà con tới Ông.

Ông Trần Hồng Hà vì bận nên giao Chánh văn phòng Bộ tiếp và mời cơm trưa các hộ dân lên đối thoại hôm nay. Tôi xin phép không đi cùng vì buổi chiều còn nhiều việc phải giải quyết nên đành mạn phép cáo lui.

____

Luật sư Trần Vũ Hải
8-12-2016

Về buổi làm việc với Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về Formosa : Ông Trần Hồng Hà nói, ông kiên quyết giải quyết vụ Formosa, không để Formosa tái diễn gây ra sự cố môi trường, vì đó là sinh mệnh chính trị của ông.

Sáng nay, tôi và luật sư Luân Lê cùng 6 ngư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã có buổi làm việc thẳng thắn với Bộ Trưởng Bộ TN và MT Trần Hồng Hà từ 8h30 đến 12h ( không nghỉ). Luật sư Lê Văn Luân có bản tóm tắt về buổi làm việc này trên FB của mình, mời các bạn tham khảo.

Tôi ấn tượng nhất việc ông THH tuyên bố giải quyết vấn đề Formosa là gắn liền sinh mệnh chính trị của ông. Sau buổi làm việc này, chúng tôi sẽ có những buổi làm việc tiếp theo với một số cán bộ cấp vụ, pháp chế của Bộ TN và MT về việc cấp phép nước xả thải cho Formosa, mà tôi khẳng định là sai luật, trên cơ sở thông tin từ chính Bộ TN và MT, nhưng cán bộ của bộ này lại không cho là như vậy.

Tạm thời tôi xin phép báo cáo các bạn như vậy! 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con trai cựu quan chức mở tiệc ma túy trong khách sạn



VietNamnet
08/12/2016 12:26 GMT+7 


20 đối tượng bị bắt giữ khi tổ chức tiệc ma túy trong khách sạn; đối tượng có vai trò tổ chức sử dụng ma túy trái phép được xác định là con trai của 1 cựu quan chức cấp cao.

Ngày 8/12 công an Q.11, TP.HCM đang tạm giữ 20 người gồm 15 nam và 5 nữ liên quan đến 1 ổ ma túy trong khách sạn mà đơn vị này triệt phá trong rạng sáng cùng ngày.
Các dân chơi trong động ma túy núp bóng khách sạn bị mời vệ trụ sở công an làm việc

Theo đó, 2h sáng 8/12 trinh sát hình sự, Công an Q.11 đã ập vào kiểm tra đối với khách sạn K.H ở đường Lạc Long Quân, P5, Q11. Tại 3 phòng ở các lầu 5, 6, 7 của khách sạn, công an đã bắt 20 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời thu giữ tang vật là lượng lớn tiền mặt, ma túy tổng hợp và các tang vật khác.

Đáng nói tại 1 phòng ở lầu 7, công an khi ập vào phát hiện có 6 nam và 1 nữ đang thác loạn ma túy. 3 đối tượng trong số này, là dân nhiều tiền án, tiền sự có hành vi chống đối quyết liệt, nhưng cuối cùng đã bị khống chế.
 
Tang vật công an thu giữ

Theo điều tra ban đầu, các dân chơi bị tạm giữ ở các phòng trong khách sạn K.H đều là dân ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định…Theo nguồn thông tin riêng, đối tượng có vai trò tổ chức cho dân chơi thác loạn tại khách sạn K.H là con trai của 1 cựu quan chức cấp cao.

Theo lời khai của các đối tượng, muốn vào chơi tại khách sạn K.H, khách phải đọc đúng mật khẩu, mới được nhân viên khách sạn cho vào.

Công an Q.11 tình nghi các đối tượng bị tạm giữ trong ổ ma túy tại khách sạn K.H là hoạt động theo tính chất băng nhóm và có nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác. Hiện công an đang mở rộng điều tra.
Đàm Đệ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin NÓNG: NHÀ BÁO HOÀNG ĐỨC TRUẬT TỪ BỎ NGHỀ BÁO



ĐÔI LỜI...

Hoàng Đức Truật

Lẽ ra tôi đã đưa những dòng này lên trang cá nhân của mình từ mấy hôm trước, sau khi đã gửi cho Tổng Biên tập Báo Quảng Trị thông báo thôi việc thay cho đơn xin nghỉ việc và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Báo Quảng Trị sau hơn 29 năm gắn bó. Nhưng hiềm một nỗi, vợ và các con tôi đều không ở nhà, tôi không muốn họ bất ngờ khi đọc được thông tin này, dù trước đó chúng tôi đã bàn thảo với nhau khá kỹ... 


Thật tình chưa bao giờ tôi thấy thanh thản và nhẹ nhõm như mấy hôm nay, khi quyết định vứt bỏ công việc mà suốt gần 30 năm hằng đeo đuổi với những trăn trở, đam mê. Tôi được trở lại với chính con người thật của mình, ngay thẳng, cương trực, quyết liệt đấu tranh với cái xấu, cái thấp hèn và những thói đạo đức giả. Tôi cũng đã vượt qua sự đớn hèn và từ nay không còn ám ảnh bởi nỗi dằn vặt: mình phải sống bằng những đồng tiền thuế của nhân dân, bằng mồ hôi của những người lao khổ nhưng không nói lên được tiếng nói của nhân dân, mình làm báo mà không nói được sự thật, không bảo vệ được nhân dân- những người dễ tổn thương nhất trong xã hội đầy rẫy sự nhiễu nhương này... 



Trở về với chính con người thật của mình, tôi cũng hết sức thanh thản vì gần 30 năm đeo đuổi nghiệp báo, dù mặt này mặt nọ vẫn còn hạn chế nhưng trong mọi hoàn cảnh tôi vẫn không bán rẻ lương tâm mình, dù phải tuyên truyền theo định hướng, dù phải sống, dù phải kiếm tiền nuôi con nhưng tôi đã không làm những điều nhơ bẩn, không viết những điều do người khác sai khiến, không làm những điều thất đức để phương hại đến người nào.

Gần 30 năm làm báo, tôi vẫn luôn giữ lòng tự trọng của một người có học, không mảy may tham quyền cố vị, biết từ chối những hư vinh và những danh hiệu thi đua không thực chất, để sống với con người thật của mình, an nhiên, tự tại...

Và cho đến lúc này, tôi cũng tự hào nói rằng trong suốt gần 30 năm qua, tôi vẫn luôn nỗ lực làm việc, đi lên bằng chính đôi chân của mình, không nợ nần ân nghĩa ai...

Giờ đây, khi đã quyết định thôi việc, quyết định từ bỏ con đường làm báo mà bao năm qua tôi từng đeo đuổi với những đam mê, ảo tưởng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến bạn đọc-những người luôn đồng hành và tạo niềm hứng khởi để chúng tôi viết nên những bài báo tâm huyết, có trách nhiệm. Cảm ơn những đồng nghiệp đã luôn hỗ trợ, sát cánh cùng tôi trong suốt chặng đường qua, đồng cảm chia sẻ và tin cậy nhau để đứng vững kể cả những lúc bi quan, hoang hoải nhất... Riêng với những người dân đã đóng thuế để nuôi tôi, tôi vẫn day dứt một lời xin lỗi bởi tôi vẫn còn mắc nợ họ...

Và tôi cũng hết sức cảm ơn vợ con tôi, gia đình, bạn bè và những người thân yêu đã luôn ủng hộ, động viên và chia sẻ để tôi có niềm tin tiếp tục sống làm một con người tử tế...

Nguồn fb tác giả: 
Đức Truật Hoàng

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=546722315535413&set=a.286102908264023.1073741834.100005929473451&type=3&theater


-----------------

P/s: Một người bạn của chúng tôi cũng đã vừa từ chức Phó Tổng biên tập một tờ báo lớn.
Hai Giáo sư Tiến sĩ đang chức cũng đã và đang hoàn tất thủ tục để từ bỏ đảng CSVN, trả thẻđảng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÓ GÌ MÃI MÃI?



Truyện ngắn HG

Trán cao, lưỡng quyền nhô lên trên nước da xạm nắng. Một cái mũi gồ thách thức ở quãng giữa, cụp xuống đoạn phía dưới. Kiểu mũi nhòm mồm.
Nói thực, chả ai  thích, nhưng cũng không ai khinh ghét gã. Nhưng quả thực người ta không mấy thiện cảm khi đôi mắt lồi, vằn những tia máu đỏ xung quanh con ngươi vàng đầy vẻ khiêu khích cứ chằm chằm nhìn người đối diện.
Đừng ai bảo những kẻ nhìn như thế là mang trong mình cái tâm thẳng thắn, bản tính nhân hậu, chân thành!
Nhất là hai cánh tay hay khuỳnh, nom rất gây sự. Ở con người kiểu như thế, chắc chắn “năng lượng tối” hơi bị nhiều. Đã nghiệm ra một điều không mấy chắc chắn là: Có những người ta gặp tự nhiên thấy lòng nhẹ nhõm, đầu óc sáng láng, tinh thần minh mẫn. Lại có những kẻ tuy chẳng gây gì cho mình, chỉ thoáng gặp nhau thôi, tự dưng thấy nặng như chì, lạnh như đá đeo. Đầu óc bấn rộn, bứt dứt khó chịu. Rõ ràng là mỗi người đều có “thiện quang” hoặc “ác quang” phát ra từ cơ thể đang tồn tại của mình. Nó chỉ hết khi thân lạnh, mắt nhắm, hai tay buông xuôi!
Nhưng gã đi đâu vào giờ này? Giữa lúc nóng oi ả, mặt đường khí bốc lên chập chờn như ngọn lửa không màu, gà chó đều tìm bóng cây, góc tường dâm mát để trú, gã lại lưng lững đi.

Người ta nói năm nay trở lại chu kỳ Ennino gì đó.
Nắng không như mọi năm. Nhiệt độ ngoài trời có lúc hơn bốn mươi độ. Lá cây hai bên đường như thể bị chàm lửa, héo rũ.
Nhà nhà đóng cửa, không ai muốn ra đường. Theo dõi qua ti vi cuộc đấu tàu ngoài biển đông, chiến thuật  “voi đấu với kiến” chưa ngã ngũ chỉ một phần. Phần thực tế hơn là sợ cái nóng phả vào nhà, nóng bỏng như trong lò sấy, quạt chạy hết công suất vẫn không lại.
En ni nô ni niếc gì không biết, nhưng chắc chắn là một năm rất không bình thường. Chiến loạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu một trong hai bên.ta và “gã hàng xóm” không kiềm chế được. Một năm cái nắng, cái gió rồi mưa bão cũng rất không tự nhiên, khiến lòng người không an, cảm thấy thời tiết dường như mỗi lúc mỗi khắc nghiệt, quá sức chịu đựng của con người.
Khăn bông dày vắt vai. Trời nóng như thế, gã đi đâu vào giờ này?

Thuận chiều, xuất hiện thêm một người đi xe đạp nữa. Một người đàn bà, trung trung tuổi. Chị ta chân dài, người ngắn do cái lưng gù gù như muốn co về phía sau. Hình dạng như thế đi xe đạp dưới cái nắng như thế này đã quá vất vả, chị ta còn đèo bó củi gai lòe xòe phía sau, thêm đoạn tre tươi vắt qua ghi đông xe đạp.Chả hiểu bằng cách nào đó người này vẫn đi được, thật là lạ. Thỉnh thoảng chị ta dừng lại, chỉnh lại dây buộc bó củi, đoạn xe cho dễ đi.Nhưng chỉ được từng đoạn.
Đi như thế này còn chậm hơn đi bộ, đến bao giờ đến nơi?
Trán Cao như nhận ra điều đó, gã dừng lại, rút cái khăn bông nơi cổ lau mặt, đứng chờ. Giọng nam cao trong, vóng của gã cất lên:
- Có cần giúp đỡ, đây hộ một tay?
Thiếu phụ mồ hôi nhễ nhõa, mặt đỏ bừng:
- Dạ em đi được ạ..
- Được cái gì? Không cần giữ kẽ. Đây cũng đi cùng đường. Đằng ấy để đây mang hộ đoạn tre.
Miệng nói, tay chống chân xe đạp, đỡ đoạn tre lên xe của mình, gã bảo:
- Thử xem nào, có dễ đi hơn không?
Thiếu phụ nét mặt tươi tỉnh, ánh mắt hàm ơn. Hình như chị ta định nói: “ Người đâu mà tốt thế không biết?”.

“Lâu rồi trên đường những việc như này kể như hiếm dần”. Nhưng chị không ra lời, lẳng lặng đạp xe đi trước một đoạn.
Gã đạp xe theo. Hai người đi sóng hàng đôi. Buổi trưa nắng, đường vắng xe có đi như thế cũng chẳng sao. Không ảnh hưởng đến ai.
Nếu phải lúc khác dù là đi xe đạp cũng là vi phạm giao thông vì chở hàng cồng kềnh lại dàn hàng đôi, chiếm gần hết lòng đường bởi bó củi và đoạn tre tươi.
Người không biết sẽ tưởng họ là hai người thân thiết, hoặc hai vợ chồng cùng đi chở củi về với nhau.
Vài ba câu chuyện không có gì đáng bận tâm. Kiểu xã giao thông thường của người mới gặp.

Đến quãng gần chợ, thiếu phụ dừng lại xin lại đoạn tre để rẽ con đường nhỏ vào làng.
Trán Cao đứng tần ngần nhìn theo. Lâu lắm rồi mới được giúp người lại là người thiếu phụ này.
Gã nhớ, có lần gặp ở đâu rồi? Hình như lần ấy mình đi uống rượu ở đèo Mê về. Đi qua con đường trước nhà người này.

Nghe đồn con mụ lẳng lắm. Thế mà sao khi mình ghé xin nước uống, mụ lại vội chạy ra đóng xập cổng lại như sợ cướp đến nhà?

Liệu có phải tiếng đồn ác về mình đã lan đến tận đây, hay cho mình say rượu, mụ sợ?
Sao ban nãy gặp mình mụ ấy cứ tảng lờ đi như không?
Thì thôi cũng người gặp người, có gì đâu, chẳng có gì quan trọng.
Nếu thích, hôm nào mình sẽ lại đến.
Nhà mụ í mình nhớ rồi, ngay bên cạnh cái ao, có con trâu già gầy giơ xương buộc dưới gốc cây khế. Sân trước nhà tráng xi măng, cửa gỗ cũ, lợp lá gồi mun mủn..

Cũng không biết có phải người thật hay không nữa? Gặp người vào giờ không vong, người ta bảo có khi là ma quỷ hiện hình giữa ban ngày. Chắc là không phải. Nếu ma quỷ hiện hình thường mang hình dáng đẹp đẽ, mĩ miều chứ không bao giờ có bộ dạng như người vừa rồi.
Chắc chắn đấy là ”một con người”, nhưng chả liên quan gì đến mình, gã nghĩ vậy, túc tắc đạp xe đi.

Buổi trưa. Những dãy phản thịt trống trơn. Một vài bà hàng rau gật gù, ngủ gà ngủ gật. Cũng đôi ba người bán tạp hóa còn thức, nhưng không ai để ý đến gã cả.
Người ta đã quá quen sự xuất hiện của gã vào giờ này, ở đây.
Đó là giờ gã từ nhà lên, vào quán của vợ cũ. Một cái lồng bàn nhựa màu xanh xỉn cũ kỹ úp ở góc bàn ăn. Những người khác đã ăn xong bữa lâu rồi, giờ chỉ còn mình gã. Vợ cũ đang rửa ráy hay dọn dẹp gì đấy sau tấm tôn che làm nhà tắm. Gã chồng mới béo ục ịch đu đưa trên võng.
Không phải chồng mới không biết gã đến, chỉ là hắn tảng lờ như không biết.
Để có cuộc chung sống hòa bình như thế này, những tháng trước đã xảy ra cuộc quyết chiến khốc liệt giữa đôi bên.
Gã là chồng chính thức, có cưới xin hẳn hoi, nhưng hai bên đã ly dị
Chồng mới là người đất khách quê người, từng là bạn cũ của gã. Ké cẩm ở đây, chồng mới vợ cũ đã có con với nhau. Cái lý của đôi bên thật là khó xử.

Cả hai đều ở tầng thấp nhất của thế giới này, tiền có thì ít mà phức tạp có thì nhiều, chả ai rỗi hơi mà can thiệp, phân xử vì chẳng có thể thu hoạch được bất cứ thứ gì trong “Cuộc nội chiến” gia đình.
Chồng mới có sức khỏe nhưng thân cô thế lép. Chồng cũ cậy thằng con trai lớn cũng cất quán ngay gần đấy. Nó là đứa chẳng ra gì, nhưng bố nó vẫn là bố nó, người khác đụng vào đâu có được?
Con Tạo luôn có cách giải quyết hài hòa, thỏa đáng cho con người.
Ghét nhau người ta vẫn phải chấp nhận chung sống với nhau ở vài khía cạnh nào đó. Với lại với chồng mới, mọi sự cũng chẳng ảnh hưởng gì!
Thằng chồng cũ bất tài không kiếm nổi miếng ăn, nó đã phải xuống xề thôi cũng mặc kệ nó. Ăn xong nó lại cắp đít về, có tơ tình gì với vợ cũ đâu mà ghen?
Với lại chồng mới có ghen cũng vô ích. Cặp với nhau, về lý chưa phải danh chính ngôn thuận. Hắn có vợ ở dưới quê, vợ này là “cơ sở hai”, lấy cái gì để tranh giành?
Trán cao, mặt phễu đang ngồi uống rượu một mình. Gã cắm cúi uống rồi ăn, không để ý đến xung quanh.
Vợ cũ trong khi đấy xếp một lô quần áo bẩn của mụ, của cháu nội, cháu ngoại vào một cái làn. Chị ta lặng lẽ buộc sau pốc ba ga xe đạp của Trán Cao. Lát nữa ăn xong gã ấy sẽ lẳng lặng đạp xe về để đến chiều tối gã lại đạp xe lên. Khi ấy quần áo của chồng mới vợ cũ, của cháu nội cháu ngoại đều đã được giặt sạch, gấp gọn ghẽ, thơm tho.
Không biết tự bao giờ, gã trở nên con người lành lành, khô khổ như thế này?
**
Đúng là không có gì tồn tại mãi mãi..
 Sau lúc chồng cũ của  Nụ về, hắn, chồng mới của cô dậy. Thực ra hắn đâu có ngủ, như người ta nói nhắm mắt bỏ đấy, làm lơ như không biết mà thôi. Chả hay ho gì hai thằng địch thù gằm gằm như muốn ăn thịt nhau mà lại không thể làm gì được.
Có nhiều thứ để kìm hãm của cả hai bên.
Tương quan lực lượng đã đành còn miệng tiếng thiên hạ. Chỉ một xung đột nhỏ có thể làm đề tài cho miệng lưỡi cả vùng bàn tán thêm bớt không biết điểm dừng.. Thôi thì chả hay gì chọc cái thối lên mà ngửi.. Thằng chồng mới là hắn nghĩ vậy.
Hắn ra bàn uống trà, nhìn vu vơ ra bên ngoài. Cả khu chợ vẫn yên ắng. Thì vẫn. Chợ chiều lấy gì mà vui?
Đúng là vật đổi sao dời. Ngót ba mươi năm trước chả ai nghĩ rằng ở chỗ này lại thành cái chợ đông đúc, nuôi sống hàng trăm con người. Bán đủ thứ như mọi cái chợ ở bất cứ khu thị trấn thị tứ nào.
Nó vốn là bãi đất bằng, nhỏ hẹp nằm bên dưới rừng cây lát. Khu vườn giống đặc biệt của lâm trường.
Hồi đó chỉ cần người nào đấy chặt một cành, làm đứt một cái rễ cây của khu rừng nhỏ xen giữa khu dân cư này đều có thể bị bắt ngay lập tức.
Thời đó chưa có lệ phạt vi cảnh bằng tiền mặt như bây giờ. Nhất nhất mọi việc, nhẹ thì đưa ra ủy ban xã, nặng thì đưa về công an huyện.
Chỉ nghĩ đến thế thôi ai nấy cũng e sợ, chẳng dám đụng đến một cây lát nào. Khu rừng cây lại gần bờ sông, chim chóc đủ loại dễ kiếm mồi nên về làm tổ rất đông. Ngay cả việc trèo bắt tổ chim cũng chẳng ai dám.
Chỉ có hắn, đương vị cán bộ nhà nước là thỉnh thoảng leo lên những ngọn cây này bắt chim non.
Hồi ấy hắn làm cán bộ của kho lương thực. Một khu kho có từ thời sơ tán phòng không tránh máy bay. Sau hòa bình người ta không chuyển về tỉnh, xây dựng mới thêm làm nơi thu mua, bán lương thực theo tiêu chuẩn cho người ăn lương nhà nước.
Đường xá chưa có, nhưng có con sông kế bên nên việc vận chuyển lên xuống bằng thuyền khá thuận lợi.
Đã làm chân thủ kho rồi mà tật leo trèo bắt chim của hắn không bỏ được. Một phần cũng bởi chỗ này khá hẻo lánh và buồn, có muốn cũng chả biết chơi đâu. Ti vi, đài đóm không sẵn như bây giờ. Cả khu kho có mỗi cái bán dẫn “Ông đi lung tung” cứ được vài hôm lại hỏng, chán chả muốn sửa.
Một hôm trèo bắt đàn ong mới về đậu trên bọng cây, hắn xảy chân bị ngã, bong gân. Chỗ cổ chân sưng vù lên đi không nổi. Có người mách cho hắn là ở dưới Soi Đủ có người chữa bồng gân, gãy xương hay lắm.  Hắn chân đau không đi được, đành phải nhờ người. Người này đi đến gần trưa về cùng một người nữa. Chính là tay chồng cũ vừa rồi. Hai người làm quen, thân nhau từ độ ấy.

Chồng cũ cũng không phải người thường.
Ngoài cái nghề lấy lá cây chữa gãy xương, anh ta còn làm chân phó chủ nhiệm nữa. Đang cuối thời bao cấp, chủ nhiệm HTX nông nghiệp không còn kiếm được như xưa, nhưng so với xung quanh, gã còn hơn chán vạn người.
Điều này thì cán bộ thủ kho như hắn quá biết. Phàm là đi bất cứ làng nào xã nào, vào những nhà to lợp ngói, trong nhà có tủ chè, có xe có đài.. không chủ nhiệm cũng chủ tịch. Chẳng có ai ngạc nhiên về điều ấy cả.
Thì cán bộ có điều kiện ăn ở sinh hoạt tốt mới có điều kiện phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội được tốt. Không ai phàn nàn, mà có phàn nàn chỉ ì xèo đâu đấy, cán bộ như hắn làm sao nghe thấy? Mà hắn chả quan tâm mấy cái chuyện đó làm gì.
Cùng cảnh cán bộ với nhau, tuy điều kiện mỗi người một khác, nhưng đều là những “nhân” quan trọng trong vùng. Thắm thiết giữa họ với nhau còn hơn anh em ruột.
Cứ chiều chiều dân làng lại thấy mấy anh kho lương thực xuống Soi Đủ. Họ ở đó chuyện trò rôm rả, đèn măng sông sáng tới khuya.
Tất nhiên không chỉ nói chuyện suông. Không gà thì cá, hoặc con cầy. Vui hết biết. Vợ chủ nhà hơi khô chân nhưng không gân mặt như bây giờ. Chị ta vào loại đẹp gái trong vùng thời bấy giờ. Gã lương thực có khi quá chén, bông đùa hơi quá, chủ nhà cũng không chấp. Cả hai vẫn mặn mà chơi.
Nhưng sự đời không có gì mãi mãi đã làm cho tình bạn đôi bên thay đổi.
Xóa bỏ bao cấp là niềm vui sống với nhiều người, thì với hai “nhân” này lại coi là tai họa.

Không còn HTX nữa, chồng cũ trở nên thất nghiệp. Gã buồn, lấy rượu làm vui rồi nát rượu.
Cán bộ lương thực như hắn cũng không gặp may. Khu kho giải thể theo cơ chế thị trường. Người ta san ủi nơi này làm chợ sát khu rừng lát giống của lâm trường. Hắn khăn gói về quê.

Bẵng đi thời gian, hắn mới quay trở lại. Cái chợ sơ sài năm nào giờ đã thành chốn đông vui. Hắn nảy ra ý định mở một tiệm hớt tóc. Cũng may cái nghề mọn này lúc ấy chưa có mấy cô chân dài cạnh tranh như bây giờ, vẫn còn kiếm được.

Bạn cũ dưới Soi Đủ cũng đã đổi nghề. Hai vợ chồng anh ta sắm cái thuyền máy chạy đò dọc. Từ sáng sớm hai vợ chồng đón khách từ đây xuôi về tỉnh, đến tối mới về. Vợ chồng chân giày chân dép, tay đeo nhẫn vàng to xù, ra dáng người ngoài tỉnh chứ không giống người ở đây.

Cái khoảng cách giàu nghèo được dựng lên. Thi thoảng có gặp nhau, chồng cũ, chồng mới bây giờ khi đó chỉ chào hỏi qua loa, không thắm thiết được như trước nữa.
Chợ được mở rộng dần, rừng lát cũng mất dần cây. Không có gì mãi mãi một cách tự nhiên, không ai để ý.
Một phần bởi xã hội ba đào. Nghe đâu bức tường Bẹc Lin sụp đổ. Không còn anh cả Liên Xô thành trì của hòa bình thế giới. Bột mì viện trợ khan hiếm rồi biến mất dần. Phía bắc biên giới cực kỳ căng thẳng. Chiến tranh dù to, dù nhỏ đều là ngọn lửa thiêu đốt, hủy diệt, cuộc sống trở nên khó khăn. Đám rừng lát cũng không còn được quan tâm như trước, vì thế cứ mất dần.

Giá bây giờ có ai nhắc đến nó, những người chưa biết hẳn sẽ ngạc nhiên. Không ai tin được một cái chợ đông đúc lại chính là nơi có cái vườn lát xanh um của năm nào..
Chiến tranh thời bấy giờ kiểu như cuộc chiến quy ước, chỉ giằng co nơi biên ải. Chỉ có tin tức và tiếng súng vọng về, mãi cũng thành quen..
Phải nói dân Việt ta khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh vào bậc nhất thế giới. Kể cả thích nghi với mọi loại chiến tranh, trên bộ, trên không cũng”nâu” vấn đề. Có nhẽ bọn đế quốc và mọi thế lực thù địch đều ghê dân ta ở điểm này!

Suốt mười năm ì ùng nơi biên ải, cuộc sống các nơi khác vẫn diễn ra bình thường như không. Vẫn cấy hái, lấy vợ làm nhà, như không có gì xảy ra. Nếu đời sống không thiếu thốn khó khăn người ta gần như ít nghĩ cuộc chiến ấy đang tồn tại, nó chưa xảy ra, hoặc đã chấm dứt rồi..

Hắn vẫn ngày ngày cắt tóc, cạo râu, lấy dáy tai.
Mà chuyện gì có mở đầu đều có kết thúc. Chỉ có điều dài hay ngắn, tốt hay xấu, lợi hay hại mà thôi.
Hắn cứ sống như thế, bảo là ba vạ cũng được, vô lo cũng được. Không còn vị trí, nghề nghiệp thì sự lựa chọn này hợp lý hơn cả. Hắn dự định gom góp chút tiền, làm cái nhà nho nhỏ, đón vợ con lên, thì đùng một cái, xảy ra một việc.

Đúng là không có gì mãi mãi..

Lúc này hắn ngồi nghĩ lại mọi chuyện như nó vừa xảy ra. Hồi đó hắn đâu có nghĩ có ngày mình lại ăn ở như vợ chồng với vợ người bạn thân như bây giờ? Có đầu óc tưởng tượng giàu đến mấy cũng không thể nghĩ ra chuyện đó.
Không ai tin một gia đình vào hàng sung túc lúc bấy giờ lại có ngày tan vỡ. Cũng không thể hình dung được ông cựu chủ nhiệm, từng là “dũng sĩ diệt xe cơ giới”, võ nghệ đầy mình lại có ngày chở theo chậu quần áo đằng sau pốc ba ga xe đạp gọi là “hàng” như bây giờ..
Tất cả như biến mất, như khu rừng lát ngày xưa, như chưa từng tồn tại, chỉ vì những duyên cớ hết sức vớ vẩn!

***
Cái chuyện xảy ra đột ngột làm mọi người xôn xao. Bà cụ Luận trước khi chết nói lộ ra một điều.

Điều này làm thay đổi hẳn cuộc đời Hoàn Trán cao.

Cụ bảo do tức giận vì nói mãi con dể không chịu nghe, cụ mới nói ra chuyện như thế. Một chuyện ghê ghớm  khiến cho vợ chồng Hoàn không thể ở được với nhau.

Bây giờ trước khi về với tiên tổ, bà cụ ân hận vô cùng. “Không có chuyện mẹ vợ đang tắm, con dể mở cửa nhà tắm nhảy vào vồ mẹ vợ, giở trò bỉ ổi”! Bà phải nói thế để cô Nụ con gái bà uất ức không thể chịu hơn được nữa! Cũng chỉ vì thương con gái cặm cụi lo làm lo ăn, thương chồng thương con hết lòng gặp phải anh chàng chẳng ra gì. Suốt ngày anh ta rượu chè, cờ bạc số đề, coi vợ như con ở. Hỏi tiền vợ không đưa là đánh vợ thâm tím mặt mày. Có lần thậm chí phải đi viện. Nhưng khuyên con bỏ chỗ tối cho đỡ cực thân cô Nụ một mực không nghe. Bà cụ luận phải dùng đến hạ sách, cuối cùng.

Người ta sống ở đời lên voi xuống chó cũng là chuyện thường. Có công danh địa vị thì hưởng. Không có về làm người thường, chấp nhận cuộc sống lo ăn, lo cư xử trước sau cho đúng mực.
 Làm gì háo danh đến nỗi đến khi không được toại nguyện đâm khùng liều, làm bậy làm bạ, sa sút đến không còn tính người?
Lời nói đọi máu.
Có những câu nói thay đổi cuộc đời con người.
Lời trăng trối của cụ Luận trước lúc lâm chung đã làm thay đổi tất cả. Sau tuần bốn chín ngày của cụ, cô Nụ về gặp chồng cũ là Hoàn trán cao nói rõ sự thể. Cô bảo “ Dù  sao người chồng cũ với tôi vẫn nặng tình nặng nghĩa, có đủ cái con, dâu dể. Còn anh chồng mới chỉ là chồng hờ, đến danh nghĩa chẳng có..Đời này  kiếp này sơ xuất làm dở dang nhau. Tôi không muốn để lại day dứt cho con cháu sau này..anh nghĩ thế nào?”.

Còn nghĩ thế nào nữa? Hoàn trán cao nghe xong bàng hoàng hết cả người. Anh không ngờ sự việc diễn ra ngày ấy chỉ bắt đầu đơn giản như thế?
Thói ngạo mạn của kẻ “kiêu binh” khiến Hoàn mất bình tĩnh. Anh đã không chịu tìm hiểu nguyên nhân để tháo gỡ, lại nổi xung lên, đánh đập vợ, để sự việc xảy ra thêm trầm trọng

***
Ông chồng mới của bà chủ “quán cá bờ sông” không rõ đi đâu sau đó ít ngày. Người ta bảo “Loại gá gởm, ngã đâu là giường” thì ở đâu chả được?

Hoàn trán cao cũng từ đấy không thấy xuất hiện trên đường với chiếc xe đạp cà rỉ nữa.

 Anh chồng cũ ngày nào giờ có xe máy chạy đàng hoàng. Bà chủ quán cá bờ sông đã tậu hẳn một trang trại gần rừng đầu nguồn. Chỗ ấy nước vẫn ào ạt chảy quanh năm. Chồng cũ của bà sẽ lập trang trại nuôi lợn rừng, trồng cây trái đặc sản. Bà đã dành riêng một đám đất để sưu tập các loại giống lúa nương mang về trồng.

Thói ba hoa của người “chồng mới” sau này  chí ít còn có ích trong câu chuyện này. Câu chuyện “nuôi con gì, trồng cây gì?”
Anh ta chỉ nói bỏ đấy cho vui chuyện, thì bây giờ thành sự thật.
Trong tình hình hàng năm hạn hán thường xảy ra gay go như hiện nay, biết đâu trồng giống lúa nương chịu hạn gỏi lại mang đến hiệu quả ?
 “Đến như giống lúa cũ, mới còn thay đổi cần xem xét, huống chi chồng cũ, chồng mới của con người”.
Bà Nụ chủ quán “Cá bờ sông” nói vậy, rồi cười.

Tôi ngồi nghe câu chuyện của họ, cũ cũ, mới mới, rối tinh cả lên, Lúc đầu còn thấy hoang mang, choáng vì quá nhiều sự kiện..
Sau rõ dần và thấy cần thiết phải ghi lại.

Ngoài kia sông Lô vẫn thanh thản trôi, như chẳng có chuyện gì.


























Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chợ đàn ông, chợ đàn bà


Uyển Ca 
Ừ em, mấy chị em ở đây cứ gọi chợ thật, chợ giả cho nó dễ phân biệt. Như ngoài chợ, lá thuốc, bánh mì, xôi ngô… là chợ thật, vì toàn là hàng thật. Bán chủ yếu cho bà con lao động, bốc vác, người làm thuê tứ xứ về đây. Còn chợ giả là phía trong chợ thật. Em thấy sao biển, rắn ngâm, cá ngựa, xúc xích chiên, mồi nhậu không? Toàn hàng giả, hàng Trung Quốc, toàn nhựa không đấy. Ngay cả hạt dẻ, chè, rượu gì cũng giả tất. Chẳng có hàng nào thật. Mà nghĩ cũng lạ, ham gì mấy cái thứ đó mà người thành phố cứ đến mua…


Biên giới Việt – Trung, Lào Cai
Lào Cai cách Hà Nội gần 300km, khách có thể đi theo đường sắt qua 5 tỉnh, hoặc mua một vé xe đi 265 km theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai thì đến. Lượng khách du lịch ngày càng tăng khi vào mùa thu Bát Xát, Sapa, họ đến với phong cảnh ruộng bậc thang, với hình ảnh các cô H’Mong, Dao duyên dáng cùng nụ cười hồn nhiên.

Nhưng tôi đến Lào Cai để ghé nơi khác: chợ Cốc Lếu bên dòng sông Nậm Thi, chảy từ miền Thượng Trung Quốc rồi nhập vào sông Hồng ở ngay đây – nơi heo hút, bất định như phần số con người.

Hai khu chợ

Chưa biết nên ghé đâu trước, thì tôi được một chị trạc 40 tuổi mới quen dẫn vào khu chợ đàn bà.

– Ghé chợ đàn bà đi em, gian hàng chị ở bên đó.

– Chợ đàn bà là sao chị?

– Em vào rồi sẽ biết.


Sông Nậm Thi, thượng nguồn sông Hồng

Cơ man các loại trái và đặc sản của Sapa từ sấu, mơ, mận, cốm, hạt dẻ, quả óc chó, táo mèo, sao biển, chè tuyết, rượu sán lùng…

– Chị ơi, có hẳn là chợ đàn bà đâu, em vẫn thấy đàn ông bán mà. Tôi hỏi.

– Em nhìn kỹ xem.

– Ðâu chỉ sấu, mơ, me dành cho chị em, rượu cũng bán đầy mà.

– Ha ha, cô em. Thì đó, ở chỗ ấy đấy.

– Sao chị?

– Em không thấy à, muốn ăn vặt thì em vào đây, muốn mua đồ cho con thì vào đây, và quan trọng nhất là ở đây có bán đủ thứ đồ bồi bổ quý ông. Em có thấy cá ngựa, sao biển, rắn khô, rượu dầm thuốc, rượu sán lùng, đủ loại rượu không? Tha hồ mua về mà tẩm bổ cho chồng nhé. Nếu không thì em ghé lại gian hàng cuối chợ này, hoặc đợi đây một chút cũng được, có nhu cầu chị gọi là nó mang hàng đến liền.Hàng Trung Quốc về tới Việt Nam

– Hàng gì chị?

– Thuốc lắc, thuốc kích dục đó em. Lắm bà lên đây mua thứ đó, em nghe chị, mua đón đầu, mua về cho ổng trước, ổng khỏi phải thèm thuồng, léng phéng bên ngoài. Chơi vậy mới cao cơ. Lắm ông ở nhà nhìn hiền hiền vậy, chứ sính đồ chơi, thích ngắm bikini màu đỏ lắm em ơi!

– Chị đúng là giang hồ thứ thiệt.

– Không giang hồ không sống nổi đất này đâu cô em à. Cô em trông có vẻ hiền quá. Xem như có duyên, lát chị dẫn em sang chợ đàn ông, tha hồ hàng mà ngắm.

Vẫn chưa tin lắm, tôi dạo một vòng quanh khu chợ đàn bà và hẹn chị chút sang chợ đàn ông.Phố tiệm vàng ở Lào Cai

Người tấp nập mua hàng, thỉnh thoảng có chị mua mấy ký táo mèo gọt sẵn để ngâm rượu. Ừ, giờ tháng 9, ngâm 3 tháng, tới Tết đã có một hũ rượu thơm phức mùi núi rừng.

Khách du lịch đi theo đoàn, thỉnh thoảng một cô mặt bịt khẩu trang, tay xách hộp nhựa đựng đĩa VCD hoặc DVD in lậu, Paris by night hoặc ca sĩ hot nào đang lên, giá đĩa VCD chỉ 5,000 đồng, DVD chỉ 10,000 đồng. Sau một hồi cò kè băng đĩa với một người đàn ông, đánh hơi không phải là cớm, cô nàng chuyển sang mời chào roi điện, thuốc lắc. Hỏi “Công dụng thế nào?”, đáp “Anh bỏ vào nước, nửa viên thôi, không màu, không mùi, kiểu như uống rồi, không làm là không được í. Không là tẩu hỏa nhập ma giống trong phim kiếm hiệp đó!” Ðứng bên, nghe cô ta xong thì tôi lạnh gáy, chạy ngay đến chỗ hẹn nhờ chị “chợ đàn bà” dẫn sang liền chợ đàn ông.

Khu chợ này bán toàn đồ điện tử, từ đồng hồ, nồi cơm điện, máy nghe nhạc, iPad, máy tính bảng, điện thoại di động, đèn pin…Chợ đàn bà, Cốc Lếu

– Ðúng chợ đàn ông này chị, em thấy là choáng.

– Chưa là gì đâu em, muốn xem hàng không, chị dẫn vào.

Nói rồi chị dẫn tôi vào một gian hàng điện tử, hẳn nhiên 100% hàng ở đây được nhập từ Trung Quốc. Chị nói nhỏ với bà chủ cửa hàng, bà ta kéo tôi vào trong đưa cho xem mấy loại dùi cui điện.

– Hàng xịn đó. Em thích loại nào, loại nhỏ này 100k, thích loại 60k cũng có, loại lớn 250k, lớn nhất là 500k; loại này công an cũng dùng, điện phóng ra khoảng 3m, không ai lại gần được, em yên tâm.

– Cồng kềnh thế này sao em mang về?

– Không sao, em cứ bỏ vào va-li, ba-lô cỡ bự, mang theo xe, tàu bình thường, chẳng ai kiểm tra đâu. Nếu đi máy bay thì tháo rời từng phần ra, bỏ vào nhiều túi xách khác nhau, qua kiểm tra an ninh cũng chẳng sao đâu, vì chỉ là những phần thiết bị điện tử, chẳng ma nào đoán ra được!Đồ chơi đàn ông, có cả mã tấu, roi điện và súng hoa cải

– Chị còn loại nóng hơn không, súng hoa cải chẳng hạn?

– Các loại đó có, nhiều nữa là khác, nhưng nếu em muốn xem thì khoảng nửa tiếng nữa, chị nói người mang hàng sang.

– Chị có chuyển hàng đi các tỉnh không?

– Có, ở đâu cũng tới, tới tay mới nhận tiền.

– Vậy chị cho em cái “cạc” đi, em sẽ báo chị sau.

Nói rồi, cám ơn, tạm biệt, tôi quay lưng với hàng trăm biển hiệu vừa tiếng Trung vừa tiếng Việt.

Người ta bảo chỉ trình giấy chứng minh thư, nộp mấy chục ngàn ngay cửa khẩu, là có thể qua Trung Quốc, bên đó cũng có “chợ Việt Nam”, tha hồ mua hàng nóng, nhưng phải trả thêm phí để thuê người vận chuyển, hoặc theo dòng Nậm Thi hoặc giấu trong rau quả, để mang về Việt Nam. Nhưng làm thế thì sợ, lỡ bị bắt người ta khai ra mình, nên đa số khách hàng đến chợ Cốc Lếu để tự thử nghiệm, rồi mua hàng với giá cao hơn chút.



Chợ thật, chợ giả

Ðến chợ vùng biên, tôi thấy sự phân tầng rất rõ. Kia là người Kinh với gian hàng chiếm ngay mặt tiền, người ra vào tấp nập, rôm rả như mở hội làng. Kia là cô gái Dao với một mớ lá thuốc, cô gái H’Mong với những túi xách lưu niệm.

– Vào chợ hả em? Mua được gì chưa? Chị người Dao bán thuốc bên đường hỏi.

– A chị, ra chị bán ở đây. (Nãy tôi đã gặp chị này ở hàng ăn trong chợ). Em chưa mua được gì. Chị bán lá gì vậy?

– Lá thuốc đó em, lá thuốc người Dao Ðỏ, để tắm xông.

– Hôm nào chị cũng bán à?

– Không, một hoặc hai tháng mới đi bán một lần thôi. Chị với mẹ vào rừng hái lá, phơi khô được kha khá thì xuống bán khoảng gần 1 tuần thì về.

– Thế đông khách không chị?

– Cũng ít em, người Kinh họ thích lắm nhưng mấy quán xông hơi nhiều nên họ cũng ít mua. Với lại họ vào chợ thật mua hết vì mình lâu lâu mới xuống.



– Ủa, chợ thật là sao hả chị?

– Ừ em, mấy chị em ở đây cứ gọi chợ thật, chợ giả cho nó dễ phân biệt. Như ngoài chợ, lá thuốc, bánh mì, xôi ngô… là chợ thật, vì toàn là hàng thật. Bán chủ yếu cho bà con lao động, bốc vác, người làm thuê tứ xứ về đây. Còn chợ giả là phía trong chợ thật. Em thấy sao biển, rắn ngâm, cá ngựa, xúc xích chiên, mồi nhậu không? Toàn hàng giả, hàng Trung Quốc, toàn nhựa không đấy. Ngay cả hạt dẻ, chè, rượu gì cũng giả tất. Chẳng có hàng nào thật. Mà nghĩ cũng lạ, ham gì mấy cái thứ đó mà người thành phố cứ đến mua…

Tôi tạm biệt chị, dạo ra bờ Nậm Thi. Nước Nậm Thi trong vắt, gió chiều miên man qua đền Trần thổi sang đền Mẫu, rồi ngược về xuôi.

‘Chợ đàn ông’ với hàng gia dụng Trung Quốc

Phần nhận xét hiển thị trên trang