Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Nhân tài chạy xe ôm


BM
Phạm Quốc Thái đang chạy Grab.

Tờ Thanh Niên vừa nhỏ thêm một… giọt sầu vào bể sầu: Phạm Quốc Thái, 26 tuổi, cựu sinh viên từng theo học chương trình “Kỹ sư tài năng” thuộc Khoa Kỹ thuật xây dựng của Đại học Bách khoa TP.HCM, từng là một trong sáu người được Intel – một tập đoàn công nghệ của Mỹ - chọn trao học bổng, trị giá 65.000 Mỹ kim để theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ tại Đại học Arizona, đang vừa làm việc cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) của TP.HCM, vừa chạy xe ôm nhưng không đủ… sống (1).

Trước đây, sau khi tốt nghiệp đại học, Thái từng được một doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam tuyển dụng, lương 12 triệu đồng/tháng. Vì muốn tiến xa hơn, Thái nộp hồ sơ xin học bổng và được cả chính phủ Ý lẫn Intel cùng chọn để trao học bổng. Thái bỏ học bổng do chính phủ Ý cấp để đi theo chương trình mà Intel vạch ra: Hỗ trợ chính quyền TP.HCM thực hiện “Chương trình Đô thị thông minh” bằng cách chọn trao sáu học bổng – đài thọ cho sáu người mà Intel tin là sau khi hoàn tất chương trình tu nghiệp, cả sáu sẽ giúp chính quyền TP.HCM triển khai thành công “Chương trình Đô thị thông minh”.

BM
  
Tốt nghiệp, Thái quay về Việt Nam, trình diện chính quyền TP.HCM và được phân công về BQL ATTP. Nơi này giao cho Thái “nhập liệu”. “Nhập liệu” – tên gọi loại việc vốn xa lạ với nhiều người – chỉ là chuyển dữ liệu từ giấy tờ vào máy tính, còn nói theo kiểu bình dân, “nhập liệu” là… đánh máy vi tính. Thái đã làm công việc “nhập liệu” hơn nửa năm. Thu nhập một tháng tròm trèm… 2,8 triệu đồng, thua cả phụ hồ! Bởi không thể bỏ việc vì đã cam kết sẽ phục vụ chính quyền TP.HCM ít nhất ba năm, để không chết đói, không thành vô gia cư vì không trả được tiền thuê nhà, buổi tối, Thái chạy… xe ôm.

BM
  
Vào lúc này, công việc duy nhất mà Thái làm, có liên quan đến chuyên môn mà nhờ vậy, được thiên hạ tuyển chọn, cấp học bổng là tham dự một chương trình do một tổ chức ngoại quốc tài trợ, cứ vào cuối tuần, Thái theo xe buýt đến Tây Ninh, truyền bá kiến thức khoa học cho dân chúng vùng sâu, vùng xa! Thái không phải là trường hợp cá biệt. Cậu chỉ là một ví dụ. Trong kế hoạch trợ giúp TP.HCM thực hiện “Chương trình Đô thị thông minh”, Intel đã chi khoảng 400.000 Mỹ kim để đào tạo sáu thạc sĩ các chuyên ngành: Công nghệ thông tin, Vật liệu xây dựng, Giao thông Vận tải, Môi trường,… Khi quay về, chỉ có 2/6 may mắn được sắp đặt vào những vị trí đúng chuyên môn!

***
BM  

Tờ Thanh Niên xem trường hợp của Phạm Quốc Thái là một bằng chứng về chuyện lãng phí nhân tài. Với kẻ viết bài này, nhìn như thế chưa đúng bản chất của vấn đề.

Trong mười năm vừa qua, tình trạng cử nhân, thạc sĩ tại Việt Nam thất nghiệp, phải làm những công việc trái với chuyên môn càng ngày càng trầm trọng. Một số “chuyên gia” và hệ thống truyền thông Việt Nam giải thích, tình trạng có học vấn cao nhưng thất nghiệp là do… cha mẹ đương sự và chính đương sự… lệch lạc về mặt nhận thức, sính bằng cấp, chỉ thích làm “thầy” chứ không không muốn làm “thợ” và do… hệ thống, chương trình đào tạo lạc hậu, không bắt kịp chuyển động của thị trường lao động (2). Thậm chí một số “chuyên gia” và cơ quan truyền thông còn lên án những cá nhân thuộc nhóm có học vấn cao đang thất nghiệp là thiếu cố gắng tự đào tạo, tự thích nghi…

BM
  
Với kẻ viết bài này, lối giải thích và lập luận theo hướng đã kể là một kiểu ngụy biện thiển cận và tàn nhẫn để che đậy lõi của vấn nạn.

Thời nào và ở đâu, người ta cũng tin học vấn và cố gắng vươn lên không ngưng nghỉ là con đường tốt nhất giúp cá nhân thành đạt. Ở Việt Nam cũng thế, nếu có khác thì khác biệt chỉ nằm ở chỗ cả phụ huynh lẫn học sinh phải đổ nhiều mồ hôi, nước mắt hơn để con cái có thể đi xa hơn, vững vàng hơn trên con đường mở mang học vấn. 

Nhiều triệu người Việt thuộc nhiều thế hệ đã đi hết con đường mở mang học vấn trải bằng mồ hôi, nước mắt, sức lực của cha mẹ ít nhất cũng hai thập niên. Cha mẹ càng nghèo, con đường mở mang học vấn của con cái càng đẫm mồ hôi, nước mắt.

BM
  
Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, sức lực đã trở thành vô dụng khi hàng trăm ngàn cá nhân có học vấn cao thất nghiệp? Chẳng có ai thèm thống kê nhưng con số đó chắc chắn rất lớn. Khi nỗ lực học hành, vươn lên bằng học vấn không còn là lối để thay đổi số phận, để lập thân, chẳng phải chỉ có hàng trăm ngàn cá nhân đã và đang thất nghiệp bế tắc mà còn có thêm nhiều trăm ngàn phụ huynh tuyệt vọng vì đã vắt kiệt mồ hôi, nỗ lực hết mức nhưng vẫn không thể thấy gì khác hơn sự vô vọng về tương lai con cái. Tại sao càng ngày càng nhiều cá nhân thuộc nhóm có học vấn cao thất nghiệp hoặc phải làm những công việc trái với chuyên môn, với mơ ước?

BM
  
Thất nghiệp là hệ quả có tính tất nhiên của suy thoái, sản xuất - kinh doanh lụn bại. Suy thoái là con đẻ của chính sách, phương thức điều hành – quản lý kinh tế, xã hội tồi tệ, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Làm sao Việt Nam có thể thoát khỏi suy thoái khi việc lựa chọn viên chức cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các cấp phụ thuộc vào “quy hoạch”, “qui trình” mà xét về bản chất chỉ nhằm hỗ trợ cha con, dâu rể, vợ chồng, anh em, thân bằng quyến thuộc, huynh đệ cùng băng nhóm tiếp tục nắm giữ quyền lực?

BM
  
Tại sao Thành ủy TP.HCM dành rất nhiều thời gian để sắp đặt công việc cho ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1 (3) nhưng lại không bận tâm đến những trường hợp như Phạm Quốc Thái dù cả hai cùng là đảng viên, sự khác biệt nếu có, chỉ nằm ở chỗ Thái học rất giỏi nên được vận động vào đảng?

BM
  
Tại sao chính quyền thành phố Cần Thơ lại dụng công sắp đặt, thuyết phục ông Nguyễn Thành Nhơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang chuyển công tác về Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang để giới thiệu bầu làm Phó Chủ tịch hội này dù ông Nhơn không ưng và rõ ràng là cả kiến thức và kỹ năng của ông Nhơn không phù hợp với công việc mà chính quyền thành phố Cần Thơ muốn dành cho ông (4)? Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tham gia tính toán, sắp đặt nhân sự theo kiểu bất cận nhân tình cho cả những cá nhân như ông Nhơn, những tổ chức vốn đề cao yếu tố thiện nguyện, nhân đạo như Hội Chữ thập đỏ thì xứ sở này còn chỗ nào cho những người thật sự tâm huyết và có khả năng?

BM
  
Toàn đảng đang hối hả quy hoạch nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương tại Việt Nam cho nhiệm kỳ 2021 – 2026. Hồi thượng tuần tháng này, kẻ viết bài này từng đề nghị, muốn biết việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo từ địa phương đến trung ương có chặt chẽ, khách quan trong việc lựa chọn cán bộ, có nâng được chất lượng nhân sự lên cao hơn, có sàng lọc, loại bỏ được những người bất xứng, có thể xem như bằng chứng về sự thận trọng, bài bản hay không thì cứ ngắm nghía, ngẫm nghĩ kỹ về hai scandal Đoàn Ngọc Hải và Nguyễn Thành Nhơn. Giờ xin đề nghị thêm: Hãy tham khảo trường hợp Phạm Quốc Thái!

BM
  
Khi hết thế hệ này đến thế hệ khác vẫn chỉ “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”, xem “qui hoạch”, “qui trình” tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức như một thứ quyền “mặc định” của đảng, bất kể thế nào cũng “đời đời ơn đảng” thì chắc chắn các bi kịch sẽ còn hoài và trầm trọng hơn.



Trân Văn


Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/lang-phi-nguoi-tai-du-hoc-thac-si-ve-lam-nhap-lieu-1095840.html
(2) http://petrotimes.vn/cu-nhan-that-nghiep-ngay-cang-nhieu-494120.html
(3) https://news.zing.vn/tu-chuc-khi-vua-duoc-giao-nhiem-vu-ong-doan-ngoc-hai-co-bi-ky-luat-post953662.html
(4) https://tuoitre.vn/pho-giam-doc-so-tu-phap-hau-giang-kien-quyet-khong-nhan-quyet-dinh-dieu-dong-20190604103957152.htm


BM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chiến hạm Canada bị tiêm kích Trung Quốc quấy nhiễu trên Biển Hoa Đông



Chiến hạm HMCS Regina (FFH334) của Canada. Ảnh minh họa.


Bộ Quốc phòng Canada hôm 27/06/2019 thông báo, hai chiến hạm của nước này, khi di chuyển tại hải phận quốc tế ở Biển Hoa Đông, hồi đầu tuần đã bị hai máy bay tiêm kích của Trung Quốc bám sát ở cao độ rất thấp. Một trực thăng của Hải quân Canada còn bị một tàu đánh cá Trung Quốc chiếu tia laser vào. 

Theo phát ngôn viên bộ Quốc phòng Canada, một tuần sau khi đi qua eo biển Đài Loan, chiến hạm NCSM Regina và tàu hộ tống Asterix, hôm thứ Hai 24/6 đang hướng về phía Bắc Triều Tiên, thì « hai chiếc Su-30 của Trung Quốc tiến gần ở khoảng cách chỉ có 300 mét và độ cao 30 mét ». 

Thông cáo nhấn mạnh : « Cho dù chiến hạm Canada luôn bị tàu chiến và máy bay của quân đội Trung Quốc theo bén gót sau khi thăm Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên bị áp sát như thế ». Được biết hai chiếc tàu Hải quân Canada sau khi thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam, tiếp tục đến Đông Bắc Á, góp phần vào nỗ lực răn đe mọi vi phạm lệnh cấm vận Bình Nhưỡng.

Tuy không có ai bị thương và không có thiệt hại vật chất nào, nhưng việc phi cơ tiêm kích Trung Quốc « dằn mặt » chiến hạm Canada cho thấy tình hình vẫn đang căng thẳng giữa Ottawa và Bắc Kinh. Mới đây Trung Quốc đã đòi hỏi Canada không cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Hoa Vi (Huawei), và cấm nhập khẩu thịt từ Canada, với lý do có các giấy chứng nhận thú y giả. Ottawa đã mở điều tra về cáo buộc này.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thật khó để đánh giá liệu cơ cấu mới của PLA có hiệu quả hơn trên chiến trường hay không.


Biên dịch: Phan Nguyên
Trong thập niên qua, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được trao nhiều ngân sách và vũ khí. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng 83% tính theo giá trị thực tế trong giai đoạn 2009 – 2018, cho đến nay là mức tăng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia lớn nào khác. Điều này cho phép Trung Quốc triển khai các tên lửa chính xác và vũ khí chống vệ tinh thách thức quyền lực tối cao của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng “Giấc mơ Trung Quốc” của ông bao gồm “giấc mơ về một lực lượng vũ trang mạnh mẽ”. Theo ông, điều đó liên quan đến việc “hiện đại hóa” PLA vào năm 2035 và biến nó thành một lực lượng “đẳng cấp thế giới” – hay nói cách khác là đủ sức đánh bại Mỹ – vào giữa thế kỷ này. Ông Tập đã đạt được rất nhiều tiến bộ.
Cải cách tổ chức có thể kém bắt mắt hơn so với những tên lửa có thể bay với tốc độ Mach 5, máy bay chở hàng không người lái và siêu pháo vận hành bằng điện từ (tất cả đều được Trung Quốc thử nghiệm trong năm qua). Tuy nhiên, ông Tập đã nhận ra rằng sẽ chẳng ích gì nếu trao vũ khí tối tân cho một lực lượng lỗi thời. Trong Chiến tranh Lạnh, PLA đã phát triển chủ yếu nhằm đẩy lùi Liên Xô và Mỹ trong các cuộc chiến tranh trên bộ lớn trên lãnh thổ Trung Quốc. Bộ binh đông đảo sẽ nghiền nát kẻ thù trong các trận chiến kéo dài. Vào những năm 1990, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bị báo động bởi sức mạnh của Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, đã quyết định tập trung vào việc tăng cường khả năng của PLA nhằm chống lại các cuộc “chiến tranh cục bộ trong điều kiện công nghệ cao”. Họ đã nghĩ đến những xung đột ngắn, khốc liệt ở vùng ngoại vi Trung Quốc, như ở Đài Loan, trong đó sức mạnh không quân và hải quân cũng quan trọng như lực lượng lục quân. Ông Tập cho rằng muốn chiến thắng trong những cuộc chiến như vậy đòi hỏi phải thay đổi cấu trúc của lực lượng vũ trang. Ông đã làm được nhiều việc trong ba năm qua để cải cách PLA hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác kể từ thời Đặng Tiểu Bình.
Mục tiêu chính của ông Tập là nhằm tăng cường khả năng “hợp đồng tác chiến”. Thuật ngữ này, mượn từ biệt ngữ quân sự phương Tây, đề cập đến khả năng của các lực lượng khác nhau – lục quân, hải quân và không quân – phối hợp nhanh chóng và thuần thục trên chiến trường. Sự phối hợp này đặc biệt quan trọng trong các cuộc chiến tranh nổ ra ở nước ngoài. Sẽ rất khó khăn cho các chỉ huy tại tổng hành dinh quốc gia trong việc chỉ đạo các binh sĩ, thủy thủ và phi công từ một khoảng cách xa. Các lực lượng khác nhau phải có khả năng phối hợp cùng nhau mà không cần hướng dẫn từ cấp cao.
Mô hình Trung Quốc theo đuổi chính là Hoa Kỳ, nước mà theo Đạo luật Goldwater-Nichols năm 1986 đã cải cách mạnh mẽ các lực lượng vũ trang của mình để đạt được mục tiêu này. Lầu Năm Góc chia toàn cầu thành các “bộ chỉ huy chiến đấu”. Các lực lượng sẽ không còn tranh cãi lẫn nhau nữa. Tất cả các binh sĩ, thủy thủ và phi công trong một khu vực nhất định, như Vịnh Ba Tư hoặc Thái Bình Dương, sẽ nhận lệnh từ một sĩ quan duy nhất.
Ông Tập đã làm theo. Trước cải cách của ông, các chỉ huy lực lượng lục quân và hải quân tại bảy quân khu trong nước sẽ báo cáo cho bộ tư lệnh lực lượng của họ, hầu như có rất ít hoặc không có sự phối hợp giữa các lực lượng với nhau. Vào tháng 2 năm 2016, ông Tập đã thay thế các quân khu bằng năm “chiến khu”, mỗi chiến khu do một chỉ huy duy nhất kiểm soát (xem bản đồ). Chẳng hạn, chiến khu Đông bộ có trụ sở tại Nam Kinh sẽ chuẩn bị chiến tranh với Đài Loan và Nhật Bản. Chiến khu Tây bộ rộng lớn, đóng  tại Thành Đô, sẽ đối phó với Ấn Độ. Chiến khu Nam bộ đóng tại Quảng Châu sẽ quản lý Biển Đông.
Song song với các chiến khu chia theo phạm vi địa lý này, hai bộ tư lệnh khác cũng đã được hình thành vào năm 2015 để nhắm vào các điểm yếu của Mỹ. Các lực lượng Mỹ phụ thuộc vào thông tin liên lạc qua các vệ tinh, mạng máy tính và các kênh công nghệ cao khác. Vì vậy, ông Tập đã tạo ra một Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược mới để nhắm vào các hệ thống này. Lực lượng này chỉ đạo chiến tranh không gian, chiến tranh mạng, điện tử và tâm lý. Năm 2018, họ đã tiến hành các cuộc tập trận chống lại năm đơn vị PLA trong cái mà Lầu Năm Góc gọi là “môi trường chiến tranh điện tử phức tạp”. Sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á cũng phụ thuộc vào mạng lưới căn cứ và các hàng không mẫu hạm. Ông Tập đã nhắm mục tiêu vào mạng lưới này bằng cách thiết lập một lực lượng mới gọi là Lực lượng Tên lửa Chiến lược, nâng cấp từ lực lượng trước đây ít được biết đến gọi là Quân đoàn Pháo binh số hai.
Ông Tập cũng đã thu gọn các lực lượng vũ trang, mặc dù quân số PLA vẫn ở mức hơn 2 triệu người. Kể từ năm 2015, PLA đã cắt giảm 300.000 lính, hầu hết trong số họ thuộc lực lượng lục quân, trong đó giảm một phần ba số sĩ quan chuyên nghiệp và giảm tỉ trọng của lục quân từ 70% xuống còn một nửa tổng quân số của PLA (mặc dù lục quân vẫn được giữ lại lực lượng văn công mà ban đầu được cho là sẽ bị loại bỏ). Ngược lại, thủy quân lục chiến tăng gấp ba quy mô. Các sĩ quan hải quân và không quân đã giành được nhiều chức vụ quyền lực hơn, bao gồm cả vị trí tư lệnh của hai chiến khu. Điều này phản ánh sự gia tăng ưu tiên của PLA đối với hải quân và không quân.
Thật khó để đánh giá liệu cơ cấu mới của PLA có hiệu quả hơn trên chiến trường hay không. Trung Quốc đã không tham gia một cuộc chiến nào trong bốn thập niên. Những người lính Trung Quốc cuối cùng có kinh nghiệm về một cuộc xung đột quy mô lớn – cuộc chiến với Việt Nam năm 1979 – sẽ sớm nghỉ hưu.
Nhưng có bằng chứng cho thấy PLA đang giỏi hơn về mặt hợp đồng tác chiến. Một số hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc bên ngoài biên giới, đáng chú ý là các hoạt động của máy bay ném bom quanh Đài Loan và trên Biển Đông, cho thấy sự phối hợp ngày càng tăng giữa các lực lượng không quân và hải quân. “Chúng tôi nhận thấy rất nhiều cuộc diễn tập chung để giải quyết các vấn đề trong hệ thống và giúp các lực lượng quen với việc hợp đồng tác chiến với nhau,” theo lời Phillip Saunders thuộc Đại học Quốc phòng tại Washington, DC. Các cuộc tập trận của Trung Quốc trước thường theo kịch bản viết sẵn rất chi tiết. Bây giờ các sĩ quan được đánh giá theo thực tế huấn luyện của họ, Meia Nouwens thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London cho biết. Trước khi ông Tập tiến hành cải cách, các lực lượng “quân xanh” mô phỏng kẻ thù sẽ luôn bị thua trong các cuộc tập trận thường niên quy mô lớn ở Nội Mông. Bây giờ họ thường thắng.
Nhưng quân đội Trung Quốc có thể vẫn chưa sẵn sàng cho các cuộc chiến tranh phức tạp. Ở Mỹ, việc thăng hàm thường phụ thuộc vào khả năng của sĩ quan khi làm việc với các lực lượng khác. Các sĩ quan Trung Quốc lại thường dành toàn bộ sự nghiệp của mình làm việc trong một lực lượng duy nhất, trong cùng một khu vực địa lý và thậm chí chỉ làm một công việc duy nhất. Văn hóa chính trị cũng là một vấn đề khác. “Các cấu trúc mà Trung Quốc đang cố gắng mô phỏng dựa trên sự cởi mở, ủy quyền và hợp tác”, theo lời Đô đốc Scott Swift tại Đại học MIT, người mới nghỉ hưu năm ngoái với tư cách là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ông nói rằng chiến tranh hiện đại đòi hỏi phải ra quyết định phi tập trung vì chiến tranh mạng và điện tử có thể cắt đứt liên lạc giữa chỉ huy và các đơn vị. “Các quân đội được thành lập dựa trên các nguyên tắc dân chủ sẽ trở nên lão luyện hơn trong việc thích nghi với môi trường đó”, Đô đốc Swift cho biết.
Ông Tập là một người độc đoán, cố gắng tập trung quyền kiểm soát. Người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào, không kiểm soát chặt chẽ PLA, ông Saunders nói. Đó là bởi vì người tiền nhiệm của ông Hồ, Giang Trạch Dân, đã bổ nhiệm hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, một cơ quan quyền lực giám sát các lực lượng vũ trang. Họ nắm giữ chức vụ đó trong suốt nhiệm kỳ của ông Hồ, làm nản lòng mọi nỗ lực nhằm cải cách PLA, kiềm chế tham nhũng và kỷ luật kém.
Ông Tập quyết tâm không chịu chung số phận. Các cuộc thanh trừng chống tham nhũng của ông đã hạ bệ hơn 13.000 sĩ quan (ba tướng đang tại ngũ đã bị giáng chức vào tháng 6, theo tờ South China Morning Post). Ông Tập đã giảm số thành viên quân ủy trung ương từ 11 xuống còn 7 người, loại bỏ một số chỉ huy lực lượng và bổ sung một sĩ quan chống tham nhũng. Cơ quan này cũng được trao quyền kiểm soát cả lực lượng bán quân sự Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, lực lượng sau đó đã tiếp nhận quyền kiểm soát lực lượng Hải cảnh.
Có thể thấy quá trình tái cấu trúc đã tạo ra sự bất bình. Các sĩ quan cao cấp không hài lòng khi mất đi các đặc quyền. Những người lính bị loại ngũ đôi khi xuống đường để thể hiện sự bất bình. Đây là một lý do khiến ông Tập thành lập Bộ Cựu chiến binh vào năm 2016. Nhưng, theo Nouwens, các sĩ quan trẻ được hưởng lợi từ việc đề bạt dựa trên thành tích, và họ tự hào về hình ảnh ngày càng nổi bật của PLA trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình Trung Quốc, cũng như ngưỡng mộ nỗ lực của ông Tập nhằm “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa”. Họ sẽ có cơ hội thể hiện vào ngày 1 tháng 10 tới khi một cuộc diễu binh khổng lồ sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh nhằm kỷ niệm 70 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản. Đó sẽ là chương trình diễu binh đầu tiên như vậy ở thủ đô kể từ khi ông Tập đưa ra các cải cách. Hãy mong đợi một màn biểu diễn đẳng cấp thế giới.

Mỹ đòi Cam Bốt điều tra việc Trung Quốc vào Sihanoukville để né thuế


Cảng Sihanoukville, Cam Bốt. Ảnh chụp ngày 14/12/2018.


Hoa Kỳ hôm nay 28/06/2019 đòi Cam Bốt phải mở điều tra về đặc khu kinh tế Sihanoukville do Bắc Kinh đầu tư, sau khi phát hiện các thủ đoạn của các công ty Trung Quốc tại đây để tránh né mức thuế đánh vào các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Bà Emily Zeeberg, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ, nói với hãng tin Reuters : « Hoa Kỳ sẽ truy lùng ráo riết các vụ hàng Trung Quốc đội lốt để tránh thuế, và sử dụng mọi công cụ pháp lý sẵn có để răn đe những vụ vi phạm luật thuế quan và thương mại của Mỹ », gồm các hình phạt dân sự, hình sự và các hành động thực thi pháp luật khác.

Bà nói thêm : « Chúng tôi kêu gọi chính phủ Cam Bốt xem xét kỹ càng việc quản lý và tuân thủ pháp luật ở đặc khu Sihanoukville ». 

Thông cáo của đại sứ quán Mỹ còn cho biết từ năm 2017, họ đã phát hiện hai vụ các công ty trong đặc khu Sihanoukville khai báo gian dối, như hóa chất glycine và phụ kiện bằng ống thép. « Trong cả hai trường hợp trên, các viên chức Mỹ đã đến thanh tra tại chỗ, và tuy được khai là hàng Cam Bốt, nhưng các hàng hóa này có xuất xứ Trung Quốc ».

Ban quản lý đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ), nằm ở phía tây thủ đô Phnom Penh, không trả lời Reuters. Phát ngôn viên bộ Thương Mại Cam Bốt cũng từ chối bình luận, nói rằng thông cáo hôm 23/6 của chính quyền đã nói rằng các cáo buộc trên là « vô căn cứ ».

Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào SSEZ, sở hữu hầu hết các dự án bất động sản giá trị ở đặc khu này, trong đó có khoảng 90 casino.

Hải quan Việt Nam gần đây cũng loan báo phát hiện một số vụ hàng Trung Quốc đội lốt « Made in Vietnam » để né thuế khi xuất sang Mỹ, và đang nỗ lực kiểm tra để tránh nguy cơ bị Washington trừng phạt. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Bộ KH&ĐT nói về việc TQ làm cao tốc Bắc-Nam


Nói như ông Trương thì chắc chắn nhà ĐT TQ sẽ thắng thầu vì Trung Quốc) sẽ là nhà đầu tư bỏ thầu thấp nhất trong khi pháp luật đấu thầu Việt Nam lại ưu tiên cho bên có giá bỏ thầu rẻ nhất.. Có điều như kinh nghiệm của vô số dự án khác, nhà ĐT TQ khi triển khai mới chây ì, đội vốn, thi công không đảm bảo chất lượng và tiến độ... trong khi lãnh đạo VN sợ QT như sợ cọp chẳng dám há mồm kêu rên, thì cuối cùng toàn dân sẽ lại phải gánh chịu hậu quả. Sợ rằng giá đầu tư dự kiến 118.716 tỷ đồng, TQ trúng thầu với giá 100.000 tỷ đồng và khi hoàn thành thì giá là 300.000-400.000 tỷ đồng kèm theo vô số điều tệ hại khác. Hãy quên nhà ĐT Trung Quốc đi. Hãy tìm các điều khoản để loại bỏ TQ ngay từ đầu các ông ạ.
Bộ Kế hoạch nói gì khi nhà đầu tư Trung Quốc muốn "nhảy" vào dự án cao tốc Bắc - Nam?
Dân trí - "Dự án này là quan trọng của quốc gia, là tuyến đường huyết mạch nên quan điểm của chúng tôi là phải chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực, kinh nghiệm". Đây là trả lời của ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trước câu hỏi của phóng viên về việc nhà đầu tư Trung Quốc tham gia dự án đường cao tốc Bắc - Nam tại Cuộc họp báo thường kỳ quý II năm 2019 của Bộ KH&ĐT sáng 27/6 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng 
Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT
Ông Trương cho biết, hiện nay về phân cấp thì cao tốc này Bộ Giao thông và Vận tải có thẩm quyền mời sơ tuyển nhà đầu tư. Thông tin chúng tôi được biết, hiện đang phát hành hồ sơ mời sơ tuyển theo từng dự án, hiện có khoảng 24 đến 25 nhà đầu tư trong nước đăng ký làm, số lượng khá nhiều. Liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, ông Trương cho biết: Quan điểm của Bộ nếu đáp ứng được tư cách hợp lệ, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, có năng lực, có giải pháp khả thi đều được mời tham gia.

"Dự án này là quan trọng của quốc gia, là tuyến đường huyết mạch nên quan điểm của chúng tôi là phải chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực, kinh nghiệm", Cục trưởng Trương nói.

Ông Trương cho hay: "Quan điểm của chúng tôi, nhà đầu tư nước ngoài phải được chờ đón là nhà đầu tư từng đầu tư thành công ở một dự án tương tự có hợp đồng tương tự ở nước mà họ không mang quốc tịch, không có sự kiện tụng, lịch sử thực hiện hợp đồng thì mới chọn".

Theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), với dự án cao tốc Bắc - Nam, hiện có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia, họ còn nhiều hơn cả các nhà đầu tư Trung Quốc.

Trước đó, tháng 4/2019, phát biểu tại phiên thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật khẳng định, các nhà đầu tư như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà, chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc, trong khi đó doanh nghiệp Việt không đủ năng lực.

Mới đây, trong chuyến công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tới Hàn Quốc, một số tập đoàn Hàn Quốc như Hyundai cũng có ý định đầu tư vào một trong số các dự án cấu phần của dự án cao tốc Bắc Nam.

Một thông tin liên quan, một số tập đoàn lớn của Việt Nam muốn liên kết nhau lại để làm dự án đường cao tốc Bắc - Nam, điều này được nhiều đại biểu Quốc hội khuyến khích và yêu cầu có chủ trương ưu tiên và hỗ trợ đầu tư để dự án đúng tiến độ.

Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654km có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng tiền Nhà nước, 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Theo Nghị quyết 52 của Quốc hội, từ nay đến 2021, Dự án cao tốc Bắc - Nam bao gồm 3 dự án đầu tư bằng tiền ngân sách và 8 dự án đầu theo hình thức hợp tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Mới đây, theo thông tin từ vụ Đối tác công tư - PPP (Bộ Giao thông Vận tải) các ban quản lý dự án đã phát hành 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đã có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Pháp, Anh, Hồng Kông, Trung Quốc… mua hồ sơ sơ tuyển.

Nguyễn Tuyền

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thủ Thiêm: Giữa hè nóng rực Lê Thanh Hải sắp vào lò?


Vụ Thủ Thiêm: Lê Thanh Hải nói gì?
BTV Tiếng Dân 28-6-2019 - Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nói gì về kết luận thanh tra Thủ Thiêm? Sáng 27/6, tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu MTTQ TP HCM lần XI, ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành Hồ, đã tới tham dự với vai trò khách mời và lần đầu tiên ông ta lên tiếng sau khi được hỏi về kết luận thanh tra dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Hải chỉ nói: “Giờ tôi nghỉ hưu rồi, có làm được gì mà trả lời”. Một số câu hỏi liên quan đến các sai phạm tại khu Thủ Thiêm cũng đã được nêu ra “nhưng ông Lê Thanh Hải nói không còn nhớ và từ chối trả lời”.
Lê Thanh Hải (người thắt cà vạt sọc xanh), 
cựu Bí thư thành Hồ. Ảnh: TP
Nhà báo Nguyễn Đức viết: “Nhưng thời ông làm chủ tịch rồi bí thư TP.HCM chính ông đã ký, chỉ đạo thu hồi đất trái pháp luật 160ha ngoài ranh, hàng trăm ha không có phương án, quyết định bồi thường… Dân kêu cứu tố cáo ông Hải bỏ ngoài tai, Chính phủ khi đó im lặng! Tội ông Hải và cán bộ liên quan đã gây ra với số hộ dân bị mất đất mất nhà: hơn 15.000 hộ!!! Cáo trạng bản án nào ghi hết!”

Vụ Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh ém vụ Thủ Thiêm trước đây, nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết“Lẽ ra tụi thằng Cang, thằng Hải đã phải vào tù trước cả ông Đinh La Thăng, thì văn bản mật của Khánh đã phủ thêm một lớp mật thì xem như hồ sơ bảo mật vĩnh viễn. Tất cả các cuộc thanh tra khác khi tạm hoãn đều xin ý kiến và báo cáo Thủ Tướng chính phủ – trừ vụ này. Toàn bộ văn bản ‘mật’ của tụi Cang, Khánh, Hải, tui sẽ bóc tách tiếp“.

VTC đưa tin: Dân Thủ Thiêm chưa hài lòng với kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi TTCP công bố Thông báo 1041, kết luận vụ Thủ Thiêm ngày 26/6, một số người dân Thủ Thiêm đã bày tỏ sự thất vọng, vì kết luận thanh tra “chỉ mới quy trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm”, chứ “không nói gì đến những người dân đang bám trụ ở những mảnh đất của họ vì bị oan”.

Ông Hoàng Thanh Long, 56 tuổi, khu phố 5, phường An Khánh, Quận 2 nói: “Người dân chúng tôi mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TPHCM sớm khắc phục hậu quả, trả lại nhà đất cho người dân để ổn định cuộc sống sau 23 năm bị ảnh hưởng bởi quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm trái pháp luật như thế”.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Ai được lợi ‘khủng’ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm?Bài viết chỉ ra, dù quá trình đầu tư khu đô thị Thủ Thiêm không hiệu quả, mất cân đối về tài chính, gây lãng phí ngân sách, nhưng lại giúp các nhà đầu tư ở khu đất này hưởng lợi “khủng”. “Đã có nhà đầu tư tham gia mà không theo thứ tự ưu tiên, dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi buông lỏng quản lý việc đầu tư xây dựng, chậm triển khai đầu tư xây dựng”.

______

Mời đọc thêm: Sai phạm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm: Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM nói gì? (ĐSPL). – Ông Lê Thanh Hải từ chối nói về dự án Thủ Thiêm: ‘Giờ tôi hưu rồi…’ (TN). – Nhà cầm quyền Sài Gòn ‘ăn đất Thủ Thiêm’ nhưng không nêu tên cụ thể (NV). Xót xa những mái nhà tan hoang khu đất bị thu hồi sai ở Thủ Thiêm(TP). – Những con số khủng khiếp từ kết luận thanh tra Thủ Thiêm (VOV). –Kết luận thanh tra Thủ Thiêm: Gấp rút thu hồi hàng chục ngàn tỉ đồng (TT). –TP.HCM sẽ họp báo về những sai phạm ở Thủ Thiêm trong tuần tới (Zing).


Phần nhận xét hiển thị trên trang

7 thứ bạn không thể nào giấu được Google


BM  

Có một sự thật đau lòng: "Nếu dịch vụ miễn phí thì bạn sẽ là món hàng". Câu nói này rất đúng và lại càng đúng hơn khi nói đến Google. Thử nghĩ xem, những dịch vụ mà Google cung cấp cho bạn như Gmail, Youtube, tìm kiếm, lưu trữ Drive..., tất cả đều miễn phí cả. Hấp dẫn quá phải không nào?

Nhưng thực ra, tất cả đều có cái giá của nó cả và bạn đang bị Google nắm giữ rất nhiều thứ bí mật đấy. Không tin à? Đọc thử những điều dưới đây rồi sẽ biết.

1. Google sẽ biết được toàn bộ lịch sử tìm kiếm của bạn

BM
  
Mỗi lần bạn gõ phím tìm kiếm thứ gì đó trên Google, "gã khổng lồ" này sẽ từng bước ghi nhớ lại hết và không sót bất cứ gì.

Nhiều người nghĩ rằng: "Thì tôi chỉ việc xóa lịch sử tìm kiếm, thế là xong ấy mà!". Nhưng thực ra không đơn giản vậy đâu, những dòng tìm kiếm của bạn vẫn còn nằm ở đấy, bên trong "bộ não" của Google.. Nếu không tin thì hãy click vào link này, đăng nhập vào tài khoản Google của bạn, tất cả những từ khóa tìm kiếm của bạn đều hiện ra trước mắt.

BM
  
Vậy có cách nào để che giấu? Lần sau nếu bạn có tìm kiếm những thông tin nhạy cảm, hãy mở chế độ Incognito Mode (chế độ ẩn danh) trên trình duyệt Chrome lên, mọi thứ sẽ không bị lưu lại đâu.

2. Vị trí hiện tại của bạn

BM
  
Google giống như có mắt thần trên trời cao vậy, hắn ta luôn dõi theo bạn trên từng cây số. Google không những lưu lại những nơi mà bạn đi qua, thậm chí còn ghi chú lại những nơi mà bạn thường xuyên đến. Nguy hiểm quá phải không?

3. Google còn biết cả những người bạn quen và những số điện thoại bạn đã gọi

BM
  
Bạn dùng điện thoại Android? À vậy thì chia buồn nhé! Những chiếc điện thoại chạy trên nền tảng của Google đều rất dễ bị hắn ta "bám đuôi", bạn gọi cho ai, vào lúc nào, "gã khổng lồ" này cũng biết tất.

Hơn nữa, Google còn biết được danh bạ của bạn, biết được những số này bạn hay gọi, ngoài ra còn biết cả những ứng dụng nào bạn từng tải về trên kho ứng dụng. Nếu bạn hay tải về các ứng dụng liên quan đến du lịch, đừng ngạc nhiên khi bạn thường xuyên nhận được các thông tin quảng cáo từ những công ty du lịch, Google đã "bán đứng" bạn hết đấy!

4. Google cũng biết những điều bạn hay "tâm sự" với robot

BM
  
Chắc hẳn bạn biết trợ lý ảo Siri trên iPhone chứ nhỉ? Google cũng có một trợ lý ảo mang tên Google Now. Mọi thứ bạn ra lệnh tìm kiếm, chẳng hạn như tìm nhà hàng, đặt bàn, tìm số taxi... chú robot trợ lý này cũng đều có thể đáp ứng được hết.

Tuy nhiên, đây lại chính là tên gián điệp "hai mang": một mặt vui vẻ trả lời hết những thông tin bạn cần, nhưng mặt khác lại gửi các tìm kiếm/yêu cầu của bạn cho Google và rồi từ đó gã khổng lồ này biết được hết sở thích cũng như thói quen của bạn.

5. Những tìm kiếm ngớ ngẩn trên Youtube cũng bị "soi mói"

BM
  
Thử nghĩ xem, những từ khóa bạn tìm kiếm trên Youtube từ thời còn "trẻ trâu" sẽ vẫn còn lưu giữ ở đó và đôi khi thấy lại bạn có thể sẽ bật ngửa không hiểu vì đâu mà lại có đấy.

6. Cả độ tuổi, giới tính và sở thích cũng bị hắn ta "nắm thóp"

BM
  
Thử nhớ lại lần đầu bạn tạo tài khoản Google xem, gã khổng lồ tìm kiếm này sẽ yêu cầu bạn điền ngày tháng năm sinh cũng như giới tính. Đó là do bạn vô tình cho hắn biết đấy. Nhưng nếu bạn đánh lừa hắn ta bằng cách cho ngày sinh giả thì sao? Yên tâm đi, dựa vào thói quen tìm kiếm, hắn sẽ biết xác định được khoảng độ tuổi cũng như sở thích của bạn đấy.

7. Biết bạn đang sử dụng điện thoại gì

BM
  
Trong những năm qua, Google biết được bạn đã dùng những thiết bị gì để đăng nhập vào tài khoản của họ, và tất nhiên hắn ta đều ghi nhớ hết mọi thứ. Để kiểm chứng, bạn có thể vào mục Sign-in & Security > Device activity & notifications, mọi thiết bị bạn từng đăng nhập tài khoản Google đều bị ghi dấu trong đây. Nếu muốn xóa bớt một số thiết bị bạn không còn dùng nữa, hãy chọn vào tên chúng và bấm Remove.


BM

Phần nhận xét hiển thị trên trang