Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Vì phê phán lãnh đạo, giáo sư Đại học Thanh Hoa bị cấm dạy


27 tháng 3 2019 - Giáo sư luật Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) vừa bị Đại học Thanh Hoa danh tiếng ở Trung Quốc đình chỉ công tác vì phê phán 'tệ sùng bái cá nhân' và chính sách của Đảng Cộng sản. Tin ông Hứa bị đình chỉ được bạn bè, đồng nghiệp ông chia sẻ và một số giáo sư nổi tiếng khác ở Trung Quốc lên tiếng ủng hộ ông, theo trang South China Morning Post ra ở Hong Kong hôm 27/03. "Tội" của GS Hứa, 56 tuổi, là đã công bố các bài viết cho rằng tự do học thuật và các quyền dân sự ở Trung Quốc ngày càng bị hạn chế. Bà Quách nay đặt câu hỏi, 'tại sao trường Thanh Hoa cấm ông ấy giảng dạy?" "Có thể họ không thích những gì ông ấy viết, và coi đó là sai trái, nhưng việc cấm dạy là trái luật, và vô lý".

GS Hứa Chương Nhuận bị cấm dạy và
 không được tiếp xúc với sinh viên
Phê phán Đảng CS từ cái nhìn truyền thống
Dùng hình ảnh "sương tuyết mùa đông" (xue shang jiashuang - ruộng tuyết lại có sương muối khiến nông dân thêm khổ), GS Hứa nói tự do ở Trung Quốc thời Tập Cận Bình "đã giảm sút lại còn giảm sút hơn". Trong một bài viết hồi đầu 2018, ông lật lại cuộc tranh luận của Lương Sấu Minh với Mao Trạch Đông sau năm 1949 ở nước Trung Quốc mới.

Dùng các hình tượng truyền thống, ông ca ngợi Lương Sấu Minh (1893-1988) là trí thức lớn, là 'đại Nho' sau khi ông này thách thức trực diện Mao, coi Mao không đủ uy tín văn hóa (nhã lượng) để cải tạo xã hội Trung Quốc.

Trong một bài viết năm ngoái, ông Hứa cũng cảnh báo về nạn sùng bái cá nhân, và quyết định của Quốc hội Trung Quốc bỏ kỳ hạn cho chức chủ tịch nước.

Quyết định đó trên thực tế đã khiến ông Tập Cận Bình có thể cầm quyền bao lâu tùy ý.

Tuy nhiên, ông Hứa không đứng vào vị trí của một nhà bất đồng chính kiến theo kiểu ủng hộ dân chủ Phương Tây mà chọn giác độ của văn hóa Khổng giáo Trung Hoa để phê phán đảng cầm quyền hiện nay.


Được đồng nghiệp và bạn bè ủng hộ

Giáo sư Quách Dư Hoa và nhà văn Chương Di Hòa là hai trí thức lên tiếng ủng hộ giáo sư Hứa Chương Nhuận, theo tờ báo từ Hong Kong.

Bà Quách Dư Hoa cho hay bà đã nói chuyện với GS Hứa sau khi ông nhận thông báo từ Đại học Thanh Hoa, thành phố Bắc Kinh nói họ đã tạm đình chỉ công việc của ông.

Thanh Hoa là một trong các trường̣ đại học nổi tiếng nhất Trung Quốc

Tuy nhiên, theo bà, trường đại học đã có thể không nêu lý do vì sao ông Hứa bị tạm ngưng công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Trong thời gian này, ông bị nhà trường điều tra và không được phép gặp sinh viên.

Bà Quách nay đặt câu hỏi, 'tại sao trường Thanh Hoa cấm ông ấy giảng dạy?"

"Có thể họ không thích những gì ông ấy viết, và coi đó là sai trái, nhưng việc cấm dạy là trái luật, và vô lý".

Từ Đại học Bắc Kinh, đồng nghiệp là giáo sư luật Trương Thiên Phàm cũng lên tiếng ủng hộ ông Hứa Chương Nhuận, và chỉ trích ĐH Thanh Hoa khiến cho "tự do ngôn luận thêm gặp khó khăn", theo tờ South China Morning Post.

Ông Trương Thiên Phàm nay kêu gọi các luật gia Trung Quốc phát biểu để bảo vệ giáo sư Hứa Chương Nhuận. Đại học Thanh Hoa danh tiếng

Là một trong số đại học hàng đầu Trung Quốc và châu Á, ĐH Thanh Hoa ra đời năm 1911 nhờ quyết định của Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt vào năm 1909 cho nhà Thanh dùng một phần tiền bồi thường chiến phí để mở cơ sở luyện thi cho sinh viên Trung Hoa sang Hoa Kỳ du học.

Công nông binh cùng học ở ĐH Thanh Hoa thời Cách mạng Văn hóa Vô sản

Người đại diện đầu tiên cho chính phủ Mỹ phụ trách chương trình giảng dạy của Thanh Hoa Học đường khi đó là mục sư Charles Daniel Tenney, cựu hiệu trưởng ĐH Bắc Dương.

Khẩu hiệu của trường là 'Tự cường và dấn thân xã hội', do nhà giáo, nhà cải cách Lương Khải Siêu đặt cho.

Tuy nhiên, vào giai đoạn 'động loạn' của Cách mạng Văn hóa trong thập niên 1960, sinh viên các trường Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh (Bắc Đại) bị cuốn hút nhiều vào phong trào Hồng Vệ Binh.

Hồng Vệ Binh tại ĐH Thanh Hoa lập ra Binh đoàn Tỉnh Cương Sơn đông tới 5000 người đập phá các khoa, đem giáo viên, giáo sư ra đấu tố. Hàng trăm người bị hành hạ, bức tử và một số bị giết.

Trong thời kỳ thử nghiệm chủ nghĩa cộng sản công xã, ĐH Thanh Hoa hồi đầu thập niên 1970 đã cho công nhân ồ ạt vào học không cần thi.

Khi phong trào sinh viên Thiên An Môn nổ ra năm 1989, ban đầu chỉ có sinh viên Bắc Đại và ĐH Sư phạm Bắc Kinh tham gia, nhưng sau đó có sinh viên Thanh Hoa.

Tuy thế, theo CNN, 25 năm sau thảm sát Thiên An Môn, đa số sinh viên ĐH Thanh Hoa "không hề nghe nói đến sự kiện đó", cho thấy kiểm duyệt ở Trung Quốc rất thành công

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47720177


nhận xét hiển thị trên trang

Theo truyền thuyết, có một thư viện vũ trụ khổng lồ lưu trữ thông tin quá khứ và tương lai, giống như ngân hàng ký ức đồ sộ ở thời không khác. Phải chăng đây chính là công cụ giúp các nhà tiên tri đoán trước tương lai?

Phải chăng các nhà tiên tri đã kết nối với ngân hàng ký ức khổng lồ ở không gian khác để dự đoán tương lai? (Ảnh minh họa: internet)
Bạn đã bao giờ nghe nói về hồ sơ của vũ trụ Akashic? Theo truyền thuyết, Akashic là một thư viện vũ trụ khổng lồ, nơi lưu trữ mọi thứ đã từng tồn tại và sắp xảy ra, nó giống như một ngân hàng ký ức đồ sộ nằm ngoài thời không này của chúng ta. Phải chăng đây chính là công cụ giúp các nhà tiên tri đoán trước tương lai?
Người ta tin rằng hồ sơ Akashic chứa tất cả các kiến ​​thức và trải nghiệm của linh hồn con người. Nó có chức năng như một siêu máy tính chứa đựng tất cả các thông tin của vũ trụ, nơi người ta có thể truy cập để biết được những việc trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Mọi khoảnh khắc, mọi hành động, mọi cảm giác và mọi suy nghĩ, tất cả mọi thứ của một người sẽ được tìm thấy ở đó.
Bộ nhớ này không chỉ lưu trữ thông tin về linh hồn con người, theo truyền thuyết, hồ sơ Akashic còn chứa đựng toàn bộ tri ​​thức của cả vũ trụ, từ lúc sự sống bắt đầu cho đến tương lai, tất cả điều được hiển hiện từ vi quan cho đến hồng quan.
Akashic một thư viện vũ trụ khổng lồ lưu trữ thông tin quá khứ và tương lai, giống như ngân hàng ký ức đồ sộ ở thời không khác. (Ảnh: qua obyksiazka.blogspot.com)
Nếu hồ sơ Akashic thực sự có tác dụng như vậy thì đây hẳn là công cụ hoàn hảo cho các nhà tiên tri.
Từ ngàn xưa, ý tưởng về sự tồn tại một không gian chứa đựng toàn bộ ký ức vũ trụ đã thu hút các triết gia và học giả trên khắp thế giới.
Akasha là danh từ Phạn ngữ trong tiếng Ấn Độ cổ dùng để chỉ chất tinh hoa căn bản của Vũ Trụ. Chất ấy có tác dụng như một cuốn phim, trên đó ghi nhận một cách rõ ràng không bao giờ mất những âm thanh, ánh sáng, cùng mọi hành vi, tư tưởng của con người và tất cả mọi sự xảy ra trong vũ trụ kể từ thuở khai sinh ra vũ trụ.
Chính nhờ sự lưu trữ đó mà những người có thiên mục (con mắt thứ 3) có thể nhìn thấy quá khứ như đọc một quyển sách đang lật giở từng trang trước mặt họ, cho dù những sự việc ấy đã xảy ra từ quá khứ xa xưa. Chất Akasha có thể được coi như một cái máy chụp ảnh vĩ đại của Vũ Trụ.
Theo ghi nhận của Crystal Links, trong thuyết du già dòng Surat Shabda, hồ sơ Akashic nằm trong nhân của hành tinh Trikuti. Những người tin vào sự tồn tại của hồ sơ Akashic đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy hồ sơ này được biết đến rộng rãi, điển hình như:
– Ở Ai Cập cổ đại, những người có thể tiếp cận hồ sơ Akashic sẽ giữ vị trí rất cao trong triều đình, chịu trách nhiệm cố vấn hay giải thích giấc mơ cho các Pharaoh.
-Người Druid cổ đại thuộc khối liên hiệp Anh cho biết họ có khả năng tiếp cận hồ sơ Akashic.
– Trong Kinh Thánh cũng có đề cập đến hồ sơ Akashic với cái tên “Cuốn Sách của Sự sống”, trong cả Cựu ước (Psalm69:28) và Tân ước (Philippians 4: 3, Khải Huyền 3: 5, 13: 8, 17: 8, 20. : 12, 20:15 và Khải Huyền 21:27).
Alice A. Bailey đã viết trong cuốn sách “Light of the Soul” (Ánh sáng của linh hồn) của mình như sau:
“Hồ sơ Akasha giống như một bộ phim điện ảnh khổng lồ, nó ghi lại tất cả những ước mơ và quá khứ của địa cầu. Những ai lĩnh hội được nó sẽ thấy được hình ảnh các sự việc đã qua của mỗi con người kể từ thời điểm bắt đầu cho đến từng đời sau này. Chỉ có những nhà tâm linh có tu dưỡng mới có thể phân biệt được hình ảnh chân thực nếu không sẽ bị đánh lừa bởi những hình ảnh do tâm chấp trước của mình diễn hóa ra”.
Nói cách khác, chúng ta có thể định nghĩa hồ sơ Akashic là ‘kho dữ liệu’ tồn tại ở một nơi độc lập nào đó nằm ngoài thời không của chúng ta.
Thâm nhập vào bộ nhớ vũ trụ
Nếu có một bộ nhớ như vậy tồn tại, làm cách nào chúng ta có thể thâm nhập và truy cập những thông tin này, vượt qua tất cả các giới hạn và khám phá những điều chúng ta chưa từng biết?
Nếu bạn muốn hình dung về Akashic, hãy liên tưởng đến những nhà tiên tri nổi tiếng trong lịch sử như Nostradamus, Edgar Cayce, và Baba Vanga.
Nếu hồ sơ Akashic chứa đựng tất cả tri thức và lịch sử của toàn bộ vũ trụ, thì người có thể kết nối với nó chẳng phải sẽ có được vô lượng thông tin giá trị? Nếu mọi thứ trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều được ghi chép trong bộ nhớ vũ trụ này, ai truy cập vào nó chẳng phải sẽ biết được các sự kiện trong tương lai vẫn chưa xảy ra? Và người đó chính là một nhà Tiên tri.

>>> 3 cuộc thế chiến đã được Illuminati sắp đặt từ thế kỷ 19

Nostradamus — một trong những nhà tiên tri nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại
Chân dung của nhà tiên tri lỗi lạc Nostradamus. (Ảnh: Voice Of People Today)
Năm 1555 tại Pháp, Nostradamus bắt đầu viết một loạt những câu thơ bí ẩn và kỳ lạ. Các bài thơ này được cho là những dự đoán chính xác đến kinh ngạc về các sự kiện xảy ra trong tương lai của nhân loại. Thông qua khả năng tiên tri, người ta tin rằng Nostradamus đã dự đoán đúng các thảm họa và thiên tai từ hàng trăm năm trước khi chúng xảy ra.
Ông đã tiên đoán đúng vụ đại hỏa hoạn ở Chicago năm 1871 làm 300 người chết, hơn 100 nghìn người lâm vào tình trạng mất nhà cửa, hay sự nổi dậy của Hitler trong những năm 1930. Ông cũng dự đoán sự kiện khủng bố tòa tháp đôi rúng động nước Mỹ vào ngày 11/9/2001 trong bài thơ sau:
Mặt đất rung chuyển và phun lửa từ tâm
Sẽ gây ra sự run rẩy xung quanh thành phố mới.
Hai tảng đá lớn sẽ gây chiến trong một thời gian dài,
Sau đó, Arethusa sẽ làm đỏ một con sông mới.
Ông cũng được cho là đã đoán trước sự kiện con người đổ bộ lên Mặt trăng, vụ ám sát Tổng thống John Kennedy và việc chế tạo ra bom hạt nhân.
Vậy làm sao mà ông có thể dự đoán được tương lai? Các học giả đưa ra giả thuyết là Nostradamus đã câu thông với một nguồn năng lượng bí ẩn ngoài vũ trụ: Hồ sơ Akashic.
Edgar Cayce – một Nostradamus khác
Được nhiều người gọi là nhà tiên tri ngủ gục, Edgar Cayce từng đưa ra nhiều lời tiên tri đã trở thành sự thật như Thế Chiến II, hoặc cái chết của một số tổng thống Mỹ, bao gồm cả Kennedy.
Ông cống hiến cuộc đời mình cho các nghiên cứu liên quan đến khả năng thấu thị, UFO, lục địa bị mất tích Atlantis, tâm linh, chữa bệnh, và các lĩnh vực khác.
Cũng giống như Nostradamus, ông dường như có một khả năng kỳ lạ là nhìn thấy được những chuyện chưa xảy ra. Ông đã báo trước sự thức tỉnh của một hoặc cả hai núi lửa Vesuvius và Etna.
Năm 1934, ông dự đoán rằng phần lớn lãnh thổ Nhật Bản sẽ trượt xuống biển. Điều trùng hợp là nhà địa chất học người Nhật Nobichico Obara lập luận rằng Nhật Bản đang liên tục chìm xuống biển, hai đến ba centimet mỗi năm.
Vậy làm thế nào ông có thể thấy trước được tương lai? Phải chăng cũng giống như Nostradamus, Cayce cũng có năng lực truy cập vào bộ nhớ vũ trụ?
Trong quyển sách “Law of One, Book 1”, Edgar Cayce được hỏi làm thế nào ông biết được các thông tin mà ông đã dự đoán. Câu trả lời là từ “RA”. Phải chằng đó là viết tắt của Record Akashic.
Baba Vanga và những lời tiên tri kỳ lạ
Cũng giống như Nostradamus và Cayce, Baba Vanga, một nhà tiên tri mù từ Bulgaria, đã dự đoán chính xác nhiều điều xảy ra trong tương lai.
Bà được nhiều tác giả nhắc tới như một Nostradamus của thế kỷ 21. Bằng cách nào đó, Bà đã dự đoán được cuộc tấn công khủng bố 9/11, sóng thần ngày 26/12/2004, và cũng cảnh báo thế giới về sự nổi lên của nhóm khủng bố ISIS cách đây nhiều thập kỷ.
Lời tiên đoán năm 1989 về vụ khủng bố tòa tháp đôi ở Mỹ của bà như sau:
“Đáng sợ! Đáng sợ! Những anh em sinh đôi của Mỹ sẽ ngã xuống sau khi bị những con chim sắt tấn công. Những con sói sẽ gầm rú trong lùm cây và máu của những người vô tội sẽ chảy”. Nó đã ứng nghiệm khi tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (New York) đổ sập do vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Tháp đôi cũng có nghĩa khác là “sinh đôi” (Twins) hay còn gọi là anh em. Những kẻ khủng bố đã khống chế toàn bộ hành khách trên máy bay – “những con chim sắt” – và lao vào tòa tháp. Lùm cây trong tiếng Anh có nghĩa là “bush” nên ở đây có thể cũng ám chỉ đến tên của vị Tổng thống đương nhiệm của Mỹ G. Bush.
Bà cũng đã dự đoán được số phận bi thảm của tàu ngầm Nga Kursk vào năm 2000: “Trên ngưỡng cửa thiên niên kỷ, vào tháng 8/1999 hoặc năm 2000, Kursk sẽ bị nhấn chìm trong nước, và cả thế giới sẽ cùng trục vớt nó”.
Khả năng dự đoán tương lai của con người đã được thế giới công nhận và được gọi là công năng “Túc mệnh thông”. Vậy công năng này thực sự là gì? Tương lai con người chưa xảy ra tại sao lại có thể dự đoán trước được? Con người có thể câu thông với các nguồn năng lượng bí ẩn ngoài vũ trụ hay không? Thời không khác có hay không?
Tất cả những điều này đều được Đại Sư Lý Hồng Chí giải thích một cách khoa học và rõ ràng trong quyển sách chính Chuyển Pháp Luân của môn tu luyện Pháp Luân Công. Quyển sách này đã được dịch ra 38 thứ tiếng và được đọc bởi hơn 100 triệu người tại hơn 114 quốc gia trên thế giới. Bạn cũng có thể đọc hoàn toàn miễn phí tại đây:
Bảo Long (t/h)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giáo sư Harvard: Trái Đất có tồn tại “không gian thứ 5” nhưng con người không thấy được

Giáo sư vật lý về lý thuyết hạt và vũ trụ học tại Đại học Harvard, Lisa Randall trong một lần tình cờ đã phát hiện rằng, trên Trái Đất có thể có tồn tại một không gian chiều thứ 5 mà mắt thường của con người không nhìn thấy.

Trên Trái Đất có thể có tồn tại một không gian chiều thứ 5 mà mắt thường của con người không nhìn thấy. (Ảnh qua Gizmodo)
Lisa Randall, một giáo sư vật lý ở trường Đại học Harvard, kể rằng bà tình cờ phát hiện một vài hạt đột nhiên biến mất trong quá trình thí nghiệm phân tách hạt nhân, vì thế bà đặt giả thiết những mảnh vụn này có thể thuộc về một không gian mà con người không nhìn thấy được, và gọi là “không gian thứ 5”.
Giáo sư Randall đã suy luận rằng: “Không gian 5 chiều có thể tồn tại đồng thời cùng không gian của chúng ta, chỉ là con người không thể nhìn thấy”.
Giới vật lý học tin tưởng rằng có tồn tại nhiều chiều hay nhiều không gian khác ngoài không gian bốn chiều mà chúng ta đã quen thuộc (không gian ba chiều và thêm một chiều thời gian). Việc khám phá ra “năng lượng tối” và “vật chất tối” còn gây chấn động giới khoa học, lý thuyết vật lý học hiện tại không thể giải thích được, vì thế nhiều nhà vật lý tin tưởng rằng không chỉ có tồn tại không gian đa chiều, mà còn tồn tại vô số vũ trụ.
Kết quả hình ảnh cho Lisa Randall
Giáo sư Lisa Randall tình cờ phát hiện một vài hạt đột nhiên biến mất trong quá trình thí nghiệm phân tách hạt nhân. (Ảnh qua SMC)
Điểm khác biệt với lý thuyết dây (String theory) chính là chiều không gian thêm vào của “không gian thứ 5” theo đề nghị của giáo sư Randall có thể là vô cùng lớn. Điều quan trọng nhất là bà đưa ra một phương pháp để kiểm tra sự tồn tại của bằng chứng về một không gian khác, tuy nhiên việc kiểm tra rất tốn kém – tổng hao phí lên đến 4 tỉ đô la Mỹ mà Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu đang xây dựng ở độ sâu hơn 100m dưới lòng đất tại biên giới giữa Thụy Sĩ và Pháp tại một trạm nghiên cứu va chạm hạt với quy mô lớn nhất thế giới. Nếu như những hạt biến mất không dấu vết, có thể khẳng định chúng đã vào “không gian thứ 5” mà con người không nhìn thấy được.
Kết quả hình ảnh cho fondo de pantalla infinito
Nếu như những hạt biến mất không dấu vết, có thể khẳng định chúng đã vào “không gian thứ 5” mà con người không nhìn thấy được. (Ảnh qua Sina)
Nếu “không gian thứ 5” hay không gian khác thực sự có tồn tại, điều này sẽ đem đến cho con người một tầm nhìn mới, một biến đổi có tính cách mạng trong việc tìm hiểu vũ trụ, thời gian – không gian và sự sống.
Lấy ví dụ, trong không gian khác cũng sẽ có tồn tại vật chất, năng lượng và thậm chí là sự sống. Vật chất ở không gian 3 chiều của chúng ta có thể đột nhiên biến mất vào một không gian khác (trong thí nghiệm của Randall). Như vậy cũng không thể loại trừ khả năng vật chất, năng lượng và sự sống ở không gian khác đột nhiên xuất hiện ở không gian của chúng ta. Từ đó xuất hiện cái gọi là “hiện tượng thần kỳ”.
Lấy ví dụ một số câu hỏi, linh hồn có tồn tại hay không? Có phải tồn tại ở một không gian khác? Như vậy đủ loại vấn đề khó hiểu mà con người chưa lý giải được có phải đều liên quan đến không gian khác? Sự tồn tại của không gian khác sẽ cho thêm bằng chứng thuyết phục để trả lời các câu hỏi trên.
Điều mà con người hiện đại cảm thấy khó tin chính là, vấn đề mà khoa học thực chứng phương Tây phải bỏ một số tiền khổng lồ để tìm hiểu thực ra lại không phải là bí mật gì đối với văn minh cổ xưa của nhân loại. Từ thời cổ đại, giới tu luyện đã có thể trực tiếp nhận thức không gian khác, hơn nữa, những người có tố chất tu luyện còn có thể ra vào không gian khác.
dia ngục, cổng địa ngục, Bài chọn lọc,
Siêu hố sâu Kola được cho là đã tìm đến cánh cửa địa ngục. (Ảnh: Rusue)
Rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Khoa học phương Tây phải tốn số tiền khổng lồ như thế cũng thật khó để chứng minh được sự tồn tại của không gian khác, mà thời cổ đại không có công cụ “hiện đại” nào thì làm sao thăm dò được không gian khác? Vậy nên nhiều người không tin tưởng.
Người hiện đại không có hiểu biết đầy đủ về văn minh cổ đại, chẳng hạn văn minh Trung Hoa 5000 năm trước, họ không hiểu tại sao văn minh cổ đại lại tiến bộ được, và tiến bộ ở những điểm nào? Đằng sau điều này tất nhiên có nguyên nhân sâu sắc.
Việc thăm dò vũ trụ, không gian khác và bí mật của sinh mệnh không cần công cụ phức tạp của khoa học hiện đại, công cụ phức tạp cũng khó mà thăm dò được sự huyền bí của vũ trụ và sinh mệnh. Việc thăm dò bí ẩn của vũ trụ vốn không có gì là phức tạp.
Ví dụ, giới tu luyện ở Trung Quốc đã sớm nhận thức được bản thân trong lúc vô tình hay hữu ý có thể hiển hiện ra ở không gian khác, “ảo ảnh” chính là hiện tượng ở không gian khác phản ánh đến không gian này của chúng ta.
Phương pháp thăm dò vũ trụ, thời gian – không gian và sinh mệnh của Trung Quốc cổ đại hoàn toàn khác với phương Tây. Tuy một số người đã nhận ra khoa học thực chứng mà phương Tây sử dụng cũng giống như “thầy bói xem voi”, lại không nhiều người thực sự nhận thức được con đường mà người cổ đại đã đi là con đường tắt, có thể đạt đến hiệu quả ngoài sức tưởng tượng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khóc Nữa Đi Hương


Tưởng Năng Tiến – "Theo quan điểm của tôi, cách tiếp cận pháp lý… của Chính phủ Việt Nam gây nguy hiểm cho tính mạng của Hương. - L.S Cù Huy Hà Vũ" - Là công dân của một quốc gia Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc mà lâm vào hoàn cảnh bất hạnh như em thì quả là một điều vô cùng đáng tiếc. Tôi cũng tiếc là không thể làm được bất cứ điều chi để giúp được em, ngoài việc góp thêm một giọt nước mắt – dù tuổi già hạt lệ như sương. 


Tôi đến Malaysia, lần đầu, vào một ngày Hè. Trưa hôm ấy, chắc có “sự cố” chi đó về hệ thống A.C nên phi trường Klia vô cùng nóng bức. Khung cảnh không chỉ ngột ngạt, khó thở mà còn có vẻ bất an vì những toán lính quân phục rằng ri, tay lăm lăm cầm súng, mắt chăm chăm nhìn vào hành khách. What’s wrong? Chuyện chi vậy cà? Cứ y như là đất nước này đang có một cuộc đảo chánh (coup d’etat) vậy. Cho đến khi đứng chờ đổi tiền, liếc nhìn mấy tờ báo đặt ở quầy hàng kế cạnh – chợt thấy hình ảnh một khuôn mặt trông quen quen – tôi mới hiểu tại sao?

Đoàn Thị Hương!

Tờ Sraits Times, số ra ngày 16 tháng 6 năm 2017, chạy tít: “Jong-nam murder: Case set for hearing on July 28 in Shah Alam.” Sự việc xẩy ra này xẩy ra tại đây từ hôm 13 tháng 2 (đã hơn ba tháng trôi qua) mà không khí của phi trường Kuala Lumpur vẫn còn căng thẳng, và hình ảnh của cô gái VN vẫn xuất hiện trên trang nhất của báo chí ở xứ người.

Tuy thế, cũng như bao nhiêu kẻ vô tình khác, ngay sau khi rời sân bay là tôi quên ngay chuyện Đoàn Thị Hương... cho đến mãi hôm nay. Sáng nay, tin tức và hình của em lại tràn ngập mọi phương tiện truyền thông:

Lawyers for Vietnam woman in Kim Jong Nam murder accuse Malaysia of “discrimination” as her trial is postponed

Woman charged with murdering Kim Jong Un's half-brother to stay behind bars after appeal rejectedri

Đoàn Thị Hương rời tòa trong nước mắt

Đoàn Thị Hương bị bác đơn kháng án, vẫn bị truy tố ám sát Kim Jong Nam

Phải Cứu Lấy Công Dân VN Đoàn Thị Hương

Đoàn Thị Hương thất thần rời phiên tòa ở Malaysia

Nghị sĩ Malaysia bất bình vì Đoàn Thị Hương vẫn bị truy tố

Vụ Đoàn Thị Hương: Ngoại giao Việt Nam đã thua!

Truong Huy San lên tiếng: “Uy tín quốc gia không chỉ nằm ở chỗ đã ‘thắng bao nhiêu đế quốc thực dân’ mà còn ở chỗ có bảo vệ được công dân của mình không.” Tôi thường rất thích cách đặt vấn đề tinh tế, sắc sảo (và luôn luôn “sát sườn”) của nhà báo nổi tiếng này nhưng với câu hỏi vừa nêu thì tôi sợ rằng ông hơi bị… “lệch đề.” Vấn đề không phải là khả năng “bảo vệ công dân” của những kẻ đang cầm quyển ở VN mà là họ có bao giờ (thực sự) quan tâm gì đến đến số phận, cùng nỗi an nguy, và an sinh của dân chúng hay không?

Câu trả lời, rõ ràng, là hoàn toàn (và tuyệt đối) không – theo công luận:

Thùy Linh: Hà Nội không thực sự chủ động, và quyết tâm vận động giúp Đoàn Thị Hương.

Nguyễn Minh Khuê: Trong trường hợp này, rõ ràng họ sẵn sàng phó mặc cho công dân mình làm con vật tế thần không chút xót xa.

Đạt Tiến Nguyễn: Chỉ khi nạn nhân người Indonesia được trả tự do và người dân Việt Nam phê phán mạnh quá thì Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mới gọi điện cho phía Malaysia.

Nguyễn Thông: Nhà nước này, chính quyền này, bộ máy cai trị này, khi thực hiện hoặc yêu cầu điều gì, trước hết cũng chỉ vì sự tồn tại của nó chứ không phải vì dân.

Nguyễn Trâm: Đoàn Thị Hương xui khi sinh ra là người Việt

Hoa Nghi: Cô Hương không phải xui khi là người Việt, mà cô xui vì là công dân của nước CHXHCN Việt Nam.

Minh Hải:… trong vụ án này dư luận quan tâm và theo dõi qua báo đài thấy một điều rõ ràng là Chính phủ Việt Nam có quá nhiều phản ứng đi sau so với phía Indonesia trong việc vận động hành lang ngoại giao, bảo hộ công dân nước mình.

Diên Vỹ: Một phụ nữ không nghề nghiệp rõ ràng, gia đình cũng không biết phải làm gì vì không được ai hướng dẫn gì ngoài việc chỉ biết trông cậy vô sự giúp đỡ hiếm hoi của Đại sứ quán Việt Nam, cô Hương dường như hoàn toàn vô vọng.

Điều bận tâm duy nhất của tất cả những vị quan sứ ở mọi cấp – và mọi nơi – là làm sao thu hồi lại vốn (lẫn lời) cho số tiền đầu tư mà họ đã bỏ ra để chạy chức thôi. Đại Sứ Quán VN tại Kuala Lumpur, tất nhiên, cũng không ngoại lệ:

- Ngày 19 tháng 12 năm 2006, nhật báo International Herald Tribune loan tin “có hàng chục thiếu nữ VN đang được trưng bầy tại các quán cà phê ở Mã Lai, để chờ được mua về làm vợ. Sự kiện này khiến cho người dân bản xứ cảm thấy vô cùng bất an, thiếu điều muốn lên… cơn sốt. Họ mô tả đó là một việc làm “bệnh hoạn và vô luân” (The pratice has been described as “sickening and immoral…)

Dù vậy, theo như tường thuật của phái viên AP: ”Đại sứ Việt Nam ở Mã Lai, Nguyễn Quốc Dũng, nói rằng giới chức có thẩm quyền không hề biết có những sự cố như vậy… ” (“Vietnam’s ambassador to Malaysia, Nguyen Quoc Dung, said officials were not aware of such incidents…)

- Hôm 9 tháng 4 năm 2009, RFA loan tin: Sau gần một năm làm việc không được trả lương ở Mã Lai, công nhân xuất khẩu lao động “liên lạc được với nhân viên Đại Sứ Quán VN thì chỉ được trả lời à ới rồi sau đó cúp điện thoại. Khi họ liên lạc trở lại thì không có ai bắt điện thoại để đáp cả.”

- Ngày 3 tháng 4 năm 2018 – theo VOA – một phụ nữ Việt Nam tự sát bằng dao ngay tại Đại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur… Vụ tự sát xảy ra ngay tại Đại sứ quán đã khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài phẫn nộ. Nhiều ý kiến cho rằng tệ nạn lạm thu và thái độ bàng quang, vô trách nhiệm của các cán bộ tại các đại sứ quán Việt Nam đã dẫn đến những uất ức của người dân khi buộc phải đến làm thủ tục.

Đoàn Thị Hương không những chả trông mong gì được vào các viên chức ngoại giao (đốn mạt) này mà còn bị “kẹt” trong mối quan hệ rất tồi tệ giữa Mã Lai và VN về một vụ án mới xẩy ra năm ngoái:

“Trong một phán quyết được đưa ra hôm 30/5, Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND) thành phố Hồ Chí Minh đã bác bỏ kháng cáo của các nguyên đơn trong đó yêu cầu ngân hàng Vietinbank hoàn trả số tiền lên tới 4.9 nghìn tỷ đổng (tương đương 215 triệu USD) mà bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm dụng. Thay vào đó, thủ phạm chính Huyền Thị Huyền Như có trách nhiệm phải bồi thường một số tiền đã lừa đảo nói trên…

Nếu theo phán quyết vừa nêu, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) - một chi nhánh của Tập đoàn Berjaya của Malaysia, Bhd ít có hy vọng lấy lại được 10 triệu đô la bị chiếm dụng, tương đương 70% số vốn điều lệ của công ty và có thể khiến cho doanh nghiệp này phá sản. (“Ngân Hàng Malaysia Mất Hy Vọng Thu Hồi Vốn Qua Vụ VietinBank”. RFA 2018-05-30).

Đã thế, em cũng không được chính đồng bào mình hết lòng hổ trợ hay bênh vực – theo ghi nhận của thông tín viên (BBC) Thùy Linh: “Một phần dư luận Việt Nam cũng chỉ trích Đoàn Thị Hương, cho rằng cô gái gốc Nam Định, dù bị lợi dụng, thì vẫn cần phải chịu trách nhiệm thích đáng vì hậu quả của hành động dại dột của cô đem lại.”

Kể ra thì Hương “dại” thật.

Hiện có cả chục ngàn phụ nữ Việt Nam đang hoạt động mại dâm Malaysia. Sao em không bán thân như họ cho nó đỡ phiền mà lại đi làm chuyện bán mạng hiểm nguy đến thế?

Cũng có hằng triệu cô gái Việt Nam, trong lứa tuổi của Hương, đang làm ô sin ở nước ngoài. Sao em không gia nhập lực lượng xuất khẩu này để thể hiện lòng yêu nước, để biết thế nào là gía trị của lao động (vinh quang) và để tránh khỏi bị tiếng đời chê trách là trây lười lao động?

Giản dị hơn, còn trẻ và còn khoẻ, sao em không xin làm công nhân trong một nhà máy thuộc khu chế xuất nào đó gần nhà? Tuy đồng lương không đủ sống nhưng thà sống dở/chết dở ở quê hương – bên cạnh gia đình, cha mẹ, họ hàng – vẫn hơn là chết rục trong lao tù nơi đất lạ xứ người (nhiều) chứ?

Là công dân của một quốc gia Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc mà lâm vào hoàn cảnh bất hạnh như em thì quả là một điều vô cùng đáng tiếc. Tôi cũng tiếc là không thể làm được bất cứ điều chi để giúp được em, ngoài việc góp thêm một giọt nước mắt – dù tuổi già hạt lệ như sương.

Khóc nữa đi Hương!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao chính phủ không muốn trình Luật Đất Đai ra Quốc hội?


Đã có quá đủ kinh nhiệm xương máu về việc nhiều doanh nghiệp đã “từ tâm” đến thế nào để từ lợi dụng nông dân đến cướp đất của họ. Một khi đã lấy được đất của nông dân, không có gì bảo đảm là doanh nghiệp sẽ thuê nông dân làm công cho họ, mà nếu có thuê thì cũng chẳng có gì chắc chắn là nông dân sẽ được hưởng một mức lương đủ sống. Tìm mọi cách câu giờ để không chịu sửa đổi Luật Đất Đai theo hướng công nhận quyền sở hữu tư nhân nhưng lại đẩy nhanh tốc độ ‘tập trung tích tụ đất đai’ vào tay các nhóm lợi ích mafia, đã quá rõ là Chính phủ, Bộ tài nguyên và Môi trường của các tập đoàn lợi ích móc xích với quan chức đang lao vào hội chứng ‘hốt cú chót’ khi chứng kiến màn đêm buông trùm lên chế độ.
Không bao lâu sau chủ trương 'tập trung tích tụ ruộng đất', khu Vườn Rau Lộc Hưng của người dân đã bị chính quyền TP.HCM phá sạch và 'cướp sạch'. Tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật quốc hội diễn ra trong hai ngày 25 và 26 tháng 3 năm 2019, sau khi xuất hiện một số ý kiến của đại biểu quốc hội yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ Luật Đất đai sửa đổi để sẵn sàng đưa vào chương trình trình Quốc Hội, phía Chính phủ đã đề nghị rút dự án Luật Đất đai sửa đổi khỏi chương trình năm 2019 cho đến sau năm 2020, với lý do để cho việc sửa đổi thật “chín”.

Bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà, đại diện của cơ quan được chỉ định nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai 2013, cũng là tác giả kiêm đạo diễn của thảm họa xả thải môi trường Formosa mà đã đẩy đến nửa triệu dân các tỉnh miền Trung vào cảnh khốn quẫn nhưng vẫn không hề bị xử lý bằng bất kỳ hình thức pháp luật nào, cho rằng “đất đai tại Việt Nam là một lãnh vực nhạy cảm và phức tạp và khi thực hiện sửa đổi thì càng thấy khó khăn và vướng mắc”.

Đề nghị rút Luật Đất Đai của phía chính phủ - bị nghi ngờ rất lớn về việc có bàn tay ‘thày dùi’ của một số nhóm lợi ích, tài phiệt cùng một lũ một lĩ quan chức được vấy máu ăn phần trong đó, xảy đến trong bối cảnh cơn ung thư cưỡng chế đất vẫn không hề thuyên giảm trên toàn cõi Việt Nam, khiến cho ngày càng nhiều người dân trắng tay ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. 


Vụ ‘cướp sạch’ 5 ha đất Vườn Rau Lộc Hưng do chính quyền TP.HCM đích danh thủ phạm vào giáp tết nguyên đán 2019 là chứng cứ mới nhất, quá đủ để thiết lập một phiên tòa xử giới quan chức về tội, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái và biến người dân thành kẻ thù bất đắc dĩ của chế độ cầm quyền cường bạo này.

Vườn Rau Lộc Hưng cũng là một trong những biểu hiện đấu tiên về chủ trương ‘tập trung tích tụ đất đai’ của đảng cầm quyền - phát sinh từ năm 2017 - khiến người nông dân Việt Nam mất đi mảnh đất ở và kế sinh nhai cuối cùng.

Trong khi hoàn toàn chưa có cơ sở nào để tin rằng chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” của đảng cầm quyền sẽ “tăng năng suất lao động và làm cho nông dân đỡ khốn khổ hơn” như lối tuyên giáo không còn biết liêm sỉ là gì của hệ thống báo đảng, chủ trương này đã bị biến thành công cụ của những kẻ “tay không bắt giặc”, không chỉ là tai họa xã hội mà còn là một nguy cơ chính trị khủng khiếp đối với chế độ theo cách “chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân.”

Trong thời gian gần đây, đã diễn ra một làn sóng nhẹ nhiều doanh nghiệp chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2016, như “đánh hơi” được chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” sắp được đảng khởi phát, một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản bắt đầu tính toán “nhảy” vào lĩnh vực nông nghiệp, bất chấp tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực này luôn thuộc loại thấp trong số các ngành sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.

Dù chưa chính thức, “Tập trung tích tụ đất đai” bắt đầu bị soi mói lợi dụng, và nếu không được kiểm soát chặt chẽ, vô hình trung chủ trương này có thể tiếp tay cho hành vi “lấy của người nghèo chia cho người giàu.”

Hậu quả ghê gớm có thể nhìn thấy trước là chủ trương “Tập trung tích tụ đất đai” nếu không được kiểm soát và chế tài trong quá trình triển khai, đặc biệt về việc doanh nghiệp phải triển khai đúng công năng đối với đất nông nghiệp, tất sẽ phát sinh tràn lan tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này để cưỡng bức nông dân phải vào cơ chế “tập đoàn hóa” của họ như thời “kinh tế mới” ngay sau năm 1975, hoặc tồi tệ hơn là doanh nghiệp “tay không bắt giặc” khi cấu kết với chính quyền địa phương để cưỡng bức thu hồi đất của nông dân, biến những người đang sở hữu mảnh đất chôn rau cắt rốn và là kế sinh nhai duy nhất thành dân oan đất đai, sau đó chuyển công năng đất nông nghiệp thành đất đô thị để bán kiếm lời khủng.

“Triển vọng mất trắng” của nông dân là có thực. Một trong những phương án “hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân” mà chính quyền nêu ra là doanh nghiệp sẽ tổ chức canh tác trên đất của nông dân, còn nông dân sẽ biến thành “công nhân nông dân” làm thuê cho doanh nghiệp đó. Lẽ dĩ nhiên, mức thu nhập của nông dân được “vẽ” theo phương án này là không tệ (4-5 triệu đồng/người/tháng). 

Nhưng trong thực tế, đã có quá đủ kinh nhiệm xương máu về việc nhiều doanh nghiệp đã “từ tâm” đến thế nào để từ lợi dụng nông dân đến cướp đất của họ. Một khi đã lấy được đất của nông dân, không có gì bảo đảm là doanh nghiệp sẽ thuê nông dân làm công cho họ, mà nếu có thuê thì cũng chẳng có gì chắc chắn là nông dân sẽ được hưởng một mức lương đủ sống.

Thường Sơn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Con gái Hà Nội xưa dưới góc nhìn của một người con Sài Gòn


Mẹ tôi nể phục mấy cô gái Hà Nội lắm. Dưới con mắt của người nhà quê ra Hà Nội làm việc vặt, bà thấy các thiếu nữ nơi đây ứng xử khôn khéo, nói năng lễ độ, và khuôn phép lắm. Đó là chưa kể thêu thùa may vá, nữ công gia chánh… Nói chung là đảm. Mỗi khi thấy mấy cô Sài Gòn tân thời quá, tự nhiên quá, bà lại chép miệng, con gái Hà Nội đâu có thế. Bà nói riết, nói riết… khiến tôi ngờ… bà muốn thằng con của bà nên đi tìm một thiếu nữ Hà Nội.
Nhưng thế giới của tôi lại khác. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn, trong đầu tôi, nếu có, cũng chỉ là con gái Sài Gòn cho hợp… thủy thổ.
Mà con gái Bắc (di cư 54) hồi đó gớm lắm, vờn qua vờn lại, làm duyên, đá lông nheo, õng ẽo làm điêu đứng con trai Nam Kỳ đến là khổ. Một thanh niên xứ Biên Hòa đã phải cay đắng thế này:
Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền,
Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang,
Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt…
Tôi không có ý kiến gì về bài thơ trên, mà cũng chẳng dại gì có ý kiến. Mấy bà mấy cô Bắc Kỳ đọc bài thơ trên có nổi cơn tam bành rủa xả, thì chắc cũng chỉ mình rủa mình nghe thôi, chứ tác giả, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chết rồi, chết trong một chiếc xe hơi cũ kỹ ở sân chùa bên California.
Dù sao cũng nên đọc tiếp thêm vài câu nữa mới thấy “cảm thương” cho tác giả:
…Ta vẫn nhớ dặn dò lòng tha thiết,
Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
Nên yêu đương bằng gương mặt khờ khờ
Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt…
Những ngày sau 75, trên tivi Sài Gòn là những đoàn quân “chiến sĩ gái”, bước theo nhịp quân hành, chiếu cận cảnh với đôi mắt rực lửa căm hờn, giọng nói lanh lảnh. Cảm giác đầu tiên của tôi với các cô gái Bắc Kỳ (thứ thiệt) là… ớn lạnh. Tôi cười, “Đấy con gái Hà Nội của mẹ đấy…” Bà cụ lại thở dài, chép miệng… “Hồi trước đâu có thế…”
Dĩ nhiên, mẹ tôi không thể phát hiện cái trò đánh lận rẻ tiền của thằng con, tỉnh bơ xem tất cả các cô Bắc Kỳ đều là các cô Hà Nội.
Thực ra trong đầu tôi cũng có một chút gì đó mơ hồ về con gái Hà Nội. Biết tả thế nào nhỉ! Có thể là hình ảnh dịu dàng đằm thắm của cô Liên trong Gánh Hàng Hoa, hay thiếu nữ tân thời một cách bảo thủ, không sao thoát ra khỏi vòng lễ giáo của cô Loan trong Đoạn Tuyệt. Tôi cảm được nỗi cô đơn của Loan khi thả bộ trên bờ đê Yên Phụ… Đại loại là tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.
Cũng chẳng dừng ở đấy đâu. Khi đọc “Tuấn, chàng trai nước Việt”, một thứ tiểu thuyết hồi ký của Nguyễn Vỹ, tôi biết thêm rằng, các cô nữ sinh Hà Nội cũng lãng mạn ra rít. Họ kín đáo lập ra hội “Ái Tino”. Tino Rossi là ca sĩ người Pháp lừng danh thưở đó, và là thần tượng của vô số thiếu nữ, chẳng riêng gì thiếu nữ Hà thành. Cái “hội” kín đáo, chỉ lèo tèo dăm ba cô thế thôi, nhanh chóng tan hàng, và rồi mạnh ai người nấy tam tòng tứ đức, xuất giá tòng phu, công dung ngôn hạnh… Cái “lãng mạn tân thời” chỉ là đóm lửa, và họ nhanh chóng quay lại với sự thanh lịch, nề nếp theo giáo dục của gia đình.
Năm 1980, lần đầu tiên tôi ra Hà Nội công tác. Anh bạn đồng nghiệp trạc tuổi, tốt nghiệp từ Đông Đức, chở tôi trên chiếc Simson lòng vòng Hà Nội. Nơi đầu tiên tôi muốn ghé thăm là phố Khâm Thiên. Anh bạn tròn xoe mắt, “Làm gì còn hố bom mà ghé thăm”. Tôi chợt hiểu vì sao anh bạn ngạc nhiên, nhưng không thể giải thích. Môi trường giáo dục trong Nam ngoài Bắc khác nhau.
Cái máu phóng đãng đã dẫn tôi đến phố Khâm Thiên, chứ không phải bom rơi đạn lạc ở đó. Đến, dù chỉ để nhìn vài căn nhà xiêu vẹo, cũng thỏa đôi chút tò mò về một thời vang bóng. Phong lưu tài tử giai nhân, đúng, nhưng không phải cách phong lưu của Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố. Anh chàng Vân Hạc khi chờ kết quả thi, ra vào chốn ả đào để vui say bè bạn, để trấn an nhau, để bốc nhau, để chờ ngày bảng vàng ghi tên.
Tôi nhớ đến kiểu cách phong lưu của Cao Bá Quát, một tay chơi thứ thiệt, khi làm sơ khảo trường thi, tiếc bài thi hay mà phạm húy, đã dùng muội đèn để sửa. Việc lộ, bị kết án giảo giam hậu, ông phải đi dương trình hiệu lực, nghĩa là đi làm phục dịch cho phái đoàn đi công tác nước ngoài. Con người tài hoa này, mang theo nỗi cô đơn đến phố ả đào giải sầu bên chén rượu, làm vài bài hát nói, đào nương hát, mình gõ nhịp…
Giai nhân nan tái đắc
Trót yêu hoa nên dan díu với tình
Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh
Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ…
Cũng lần đầu ở Hà Nội, buổi chiều chập choạng tối, lang thang ở phố Huế, tôi thấy một bà đi xe đạp ngược chiều, bị cảnh sát ngoắc lại. Bà năn nỉ thông cảm? Không. Bà phân bua? Không. Bà cãi tay đôi với cảnh sát rằng, nhất định mình đúng. Lương và nhu yếu phẩm phân phối còn không đủ sống, đâu dễ gì chịu nộp phạt. Đôi co với nhau mà cả hai vẫn một mực xưng hô… đồng chí. Tôi phì cười. Hà Nội có những điều không nằm trong trí tưởng tượng của một người Sài Gòn, lần đầu ra Hà Nội như tôi.
Bây giờ, Hà Nội khác xa rồi. Hà Nội nhiều nhà cao tầng, cầu vượt. Hà Nội nhiều xe hơi hơn, Hà Nội giàu hơn. Hà Nội không còn những cảnh cãi tay đôi với cảnh sát buồn cười như thế nữa. Hà Nội văn minh hơn, nhưng có thể họ phải “cãi tay đôi” với chính mình, khi mà còn những cảnh thanh niên thiếu nữ “à la mode” hái hoa, giẫm hoa bẻ cành để chụp ảnh, hay gào thét tung hô thần tượng minh tinh Hàn Quốc. Đó là chưa kể bún mắng cháo chửi, rải rác vẫn còn đâu đó. Thương hiệu chăng? Tôi chịu! Ăn ngon mà nghe chửi, thôi thà ăn độn dễ nuốt hơn.
Tôi có bà bạn già (hơn tôi) là dân Hà Nội mấy đời. Cha bà là một trong số rất ít người xong bậc đại học thời Tây. Sau 54, nhà đông con, xoay sở không nổi, ông bố định cho 2 đứa con lớn tạm nghỉ học, đi làm rồi học bổ túc sau. Nhưng bà mẹ thì không, nhất quyết không. Bà đến gặp ông bà bác sĩ nhà bên mượn… tiền để các con tiếp tục ăn học. Họ cùng ở trong thành như bà, không vướng bận con cái, còn chút của ăn của để, đồng ý cho vay tín chấp, một thứ tín chấp tình người, thời nay khó tìm. Tôi hiểu ra, dân trí thức Hà Nội xưa có kiểu chơi “chẳng giống ai” (lúc này). Họ kín đáo giúp đỡ nhau trong những tình huống khắc nghiệt. Trong họ dường như chất “nhân” và lòng tự trọng được rèn luyện qua giáo dục, giấy rách phải giữ lấy lề. Mực đen và bão tố không thể vấy bẩn hay phá sập. Những năm sau 75, trong Sài Gòn tôi cũng thấy vài trường hợp như thế.
Bà bạn (già) này, về chuyên môn, thì kiến thức mênh mông chứ chẳng vừa. Ăn nói nhẹ nhàng, nhưng quyết liệt khi cần. Vậy mà cư xử thì cứ dạ dạ,..cám ơn. Bà nói chuyện với tôi cũng thế, cũng dạ dạ… cám ơn. Tôi cười, sao chị khách sáo thế. “Không phải đâu, tôi được giáo dục trong nhà từ nhỏ như thế. Các anh chị em tôi cũng đều như vậy chứ chẳng riêng tôi. Hồi đi học, chỉ vì dạ dạ… cám ơn mà chúng tôi bị phê bình là tiểu tư sản. Ông bà cụ dạy con nghiêm khắc lắm. Tôi là con gái, đi học về là phải tập tành bếp núc, ăn trái chuối là phải bẻ đôi. Ở trường là chuyện khác, còn về nhà là đâu ra đó, vào khuôn phép.” Tôi cũng nhận ra sự “khách sáo chân thành” của bà, chứ không phải khách sáo đãi bôi.
Dạo sau này, vì công việc tôi thường ra Hà Nội. Đi ăn hàng với bè bạn ở đó thì không sao, nhưng hễ đi một mình là bị chặt (giá), dù chỉ là chai nước tinh khiết, 10.000 đồng ở quán ven đường phố cổ. Bị chặt riết thành quen. Tôi nhủ thầm, lần nào ra Hà Nội mà không bị chặt coi như trúng số. Dù tôi cũng có vài người bạn thân ở Hà Nội, nhưng giữa tôi và Hà Nội, dường như vẫn còn khoảng cách nào đó. Tôi đến Hà Nội như một kẻ xa lạ, đến như đi nước ngoài không cần visa.
Sài Gòn dễ hội nhập. Cứ ở Sài Gòn là thành người Sài Gòn. Chưa thấy mình là người Sài Gòn, ở lâu thêm chút nữa cũng biến thành người Sài Gòn. Sài Gòn đồng hóa con người nhanh lắm.
Nhưng Hà Nội có lẽ khác, người ta đồng hóa Hà Nội như vũ bão, đồng hóa cạnh tranh từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra một văn hóa Hà thành hiện đại khó mô tả. Còn người Hà Nội (thứ thiệt) đành phải co cụm, khép kín, và giáo dục con cái theo cách riêng của họ để bảo tồn… di sản. Giáo dục từ gia đình mới tạo ra gốc rễ, chứ không phải là quy tắc ứng xử, hay giàu sang, quyền thế.
Hà Nội nhiều hồ. Hà Nội đẹp vì hồ vào những buổi sáng thật sớm, khi trời còn nhá nhem. Sáng lên, Hà Nội biến mất. Con gái Hà Nội (xưa) chắc cũng thế. Cuộc đời dâu bể đã làm họ biến mất, nhưng thực ra cũng chỉ lẩn quất, âm thầm đâu đó thôi.
Năm ngoái, đi ngang qua ngõ nhỏ trong khu phố cổ, tôi ghé tiệm tạp hóa mua chai nước lạnh. Bà bán hàng dễ cũng gần 70, đưa chai nước: “Thưa, của ông đây, giá 5.000. Cám ơn ông…” Tai tôi lùng bùng. Trong tiềm thức có cái gì nghe quen quen, đọc đâu đó rồi. Đã dợm chân đi, nhưng cũng quay lại: “Thưa bà, bà là người Hà Nội?”“Vâng ạ, nhà tôi ở ngõ này đã ba đời rồi, từ thời ông nội tôi ra làm quan ở đây”.
Mẹ tôi nói đúng về con gái Hà Nội. Họ hiếm hoi, ẩn mình như giọt nước đọng ở mặt dưới của lá cây sau cơn mưa. Có duyên mới gặp, phải tìm mới thấy.
History sưu tầm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngôn ngữ làng quê trong thơ dị nhân Văn Thùy .


Việt Thắng 
(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong thời buổi kinh tế thị trường. Đời sống người dân đã khấm khá, phong trào thơ ca cũng bùng nổ theo. Người in thơ thì nhiều mà người đọc thơ thì ít. Thơ bán chả ai mua vì chất lượng thơ. Riêng dị nhân Văn thùy cả thơ phô tô bằng chữ viết tay cũng bán được. Tác giả còn nhớ có lần Văn Thùy vào Sài gòn, tới giao lưu với CLB thơ lục bát Sài gòn. Ai ai cũng muốn chụp với Văn thùy phô ảnh làm kỷ niệm. Trong khi Văn Thùy chả có một cái thẻ hội viên của hội nào cả.
Nhà thơ – Dị nhân Văn Thùy
Có những ngôi sao trước khi lịm tắt chợt lóe sáng trên bầu trời. Trong làng văn chương Việt Nam đầu thế kỷ 21, Văn Thùy là một điển hình. Bước sang tuổi “Thất thập cổ lai hy” vụt lóe lên bằng một thể thơ lục bát. Dáng người gầy guộc, tóc dài búi tó, râu để dài như các cụ ngày xưa, răng khấp khểnh cái còn cái mất; thoạt nhìn cứ tưởng Bùi Giáng tái thế. Có lẽ hình hài và những ngôn từ làng quê qua tay nhào nặn của Văn Thùy, phần nhiều là những từ ngữ bình dị, giản đơn nhưng khá “lắt léo” và thêm chút khẩu ngữ kỳ dị, tếu táo nên người đời đặt cho ông bút danh dị nhân Văn Thùy chăng?
Viết về tình yêu, ngay cả chốn cửa thiền ông cũng tán tỉnh: Em ăn mày Phật cửa chùa /Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay …/ Yêu đương chọn gió cuối mùa/Ngày dưng cũng chọn góc chùa thỉnh kinh … / Em nguyền khổ hạnh ăn chay / Tôi thề uống cạn đắng cay cõi trần …/ Phải tay này gặp Thị Mầu /Chẳng sưng đầu mõ cũng nhàu vú chuông …/ Cổng chùa xin tiểu lỏng then… / Kẻ trần tục dễ lẻn lên thăm chùa… Sự tương phản về hoàn cảnh, chữ nghĩa phù phép đã đẩy câu thơ bay lên về khát vọng tình yêu trong hoàn cảnh trớ trêu.
Trong bối cảnh nào Văn Thùy cũng đắm đuối và bông đùa được. Có lẽ trời phú cho Văn Thùy giỏi khoa tán gái bằng thơ; trái ngược với thân xác ông lếch thếch … : Sao đành làm gái một con / Để cho phỗng đá liếc mòn con ngươi… / Cho tôi sờ áo một lần / Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên… /Áo gì cứ mỏng mòng mong / Thế này thì đến phải lòng mất thôi/ Rủi mai hóa cát bụi rồi / Hú hồn đốt mã cho tôi áo này….
Cả những khi ông tếu táo, độc giả phải phì cười về thơ kiểu khẩu ngữ của Văn Thùy mà chẳng dám chê trách ông: Em đi mấy bước nữa rồi/ Dẫm chồng lên vết hôn hồi mới yêu … / Vừa ban thông điệp yêu đương / Bỗng dưng cả bộ dát giường động kinh… / Có gì mạnh đến lạ thường / Yêu suông đến bốn chân giường còn hai…
Vì miếng cơm manh áo, cả cuộc đời bon chen chốn thị thành. Cuối đời Văn Thùy về căn nhà dưới chân dốc cầu Đìa thị trấn Ân Thi tỉnh Hưng Yên. Căn nhà bé tẹo, mái nhà mấp mé mặt đường; trước nhà có giàn hoa giấy, đường vào nhà là một con dốc thẳng đứng như sườn đê sông Hồng . Từ căn nhà này anh đã chiêm nghiệm những việc đời từng trải. Mượn những lời dân dã làng quê thành thơ theo phong cách Văn thùy; nói lên cảm nhận của mình về mình : Nửa đời bám gió leo mây / Hôm nay ngồi phệt mặt đầy rong rêu … / Từ ngày đốc chứng làm thơ /khôn ngoan vốn mỏng ngẩn ngơ càng dầy …/ Bao nhiêu chữ nghĩa hương hoa / Cũng bay về phía thật thà ngày xưa… Nhưng khi viết về người Mẹ Văn Thùy đã làm ta phải rưng rưng: Sợi đen năm cũ đâu rồi / Còn phơ phơ lại tơi bời gió sương… / Con xuôi ngược nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rã rời mái gianh …/ Nén nhang tro trắng đội đầu / Gọi hồn tóc rối rủ nhau hẹn về …/ Người mua tứ xứ nay đâu / Răng đen nhuộm tích trầu cau vắng rồi…
Ở cái tuổi bẩy mươi ngọt bùi, đắng cay Văn Thùy đã từng trải trên cõi trần gian này. Viết về mảng xã hội Ông có những câu thơ mang tính triết lý rất cao: Bóng ta đổ dưới chân ta/ Nào ai đã bước nổi qua bóng mình …/ Hào quang đánh bẫy nhân sinh / Khói nhang an ủi tâm linh mịt mù… / Nói nhiều là đấng nhân gian / Ăn nhiều là bậc tham quan gia truyền… / Ngợi ca Thần Thánh đẩu đâu / Thế nào rồi cũng nát nhàu câu thơ…
Trong thời buổi kinh tế thị trường. Đời sống người dân đã khấm khá, phong trào thơ ca cũng bùng nổ theo. Người in thơ thì nhiều mà người đọc thơ thì ít. Thơ bán chả ai mua vì chất lượng thơ. Riêng dị nhân Văn thùy cả thơ phô tô bằng chữ viết tay cũng bán được. Tác giả còn nhớ có lần Văn Thùy vào Sài gòn, tới giao lưu với CLB thơ lục bát Sài gòn. Ai ai cũng muốn chụp với Văn thùy phô ảnh làm kỷ niệm. Trong khi Văn Thùy chả có một cái thẻ hội viên của hội nào cả.
Nhìn chung trong thơ Văn Thùy chỉ tập trung viết về mảng tình yêu, gia đình và những ký ức về cái tôi… Biên độ xã hội còn bị bó hẹp. Dù sao bằng sự vận dụng những ngôn ngữ dân gian qua bàn tay của Văn Thùy; Ông đã tạo cho mình một lối đi riêng trên cánh đồng thơ thời hậu hiện đại. Vì vậy ông đã :
Quay về quê mót thóc rơi
Nghe con trâu ợ ra lời rạ rơm .
Khi độc giả đã đọc thơ dị nhân Văn Thùy, không dễ gì quên được “những lời rạ rơm” của Ông.
Sài Gòn hè 2014.
Việt Thắng

Phần nhận xét hiển thị trên trang