Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Xin hỏi hai ông Tư Sang và Ba Dũng




Nguyễn Đăng Quang
2-9-2018

Cách đây 4 năm, trước việc các LLVT (gồm quân đội và công an) bị huy động tùy tiện và trái pháp luật vào các cuộc cưỡng chế, giải tỏa đất đai bất hợp pháp, và nhất là vào việc ngăn chặn, cản trở các cuộc biểu tình yêu nước của toàn dân phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Tổ quốc, ngày 2/9/2014, hai mươi (20) cựu sĩ quan Quân đội và Công an chúng tôi đã cùng nhau ký kiến nghị gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (sau đây gọi tắt là “Kiến nghị 20”).



Kiến nghị nêu 4 yêu cầu rất cụ thể. Tôi xin đề cập 2 trong 4 đòi hỏi của “Kiến nghị 20” này như sau:

Kiến nghị 1 nêu rõ: “Không được huy động Quân đội và Công an vào bất cứ việc gì có hại cho nhân dân. Quân đội có nhiệm vụ Hiến định là “Bảo vệ Tổ quốc chống ngoại xâm”, do vậy tuyệt đối không được huy động Quân đội vào những việc mang tính đối kháng với nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa… Công an có nhiệm vụ Hiến định là “Bảo vệ An ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm”, do vậy tuyệt đối không lạm dụng Lực lượng Công an vào việc đàn áp những người dân vô tội đấu tranh đòi giải quyết những quyền lợi hợp pháp của mình.” (Hết trích 1)

Kiến nghị 4 nêu cụ thể: “Là người chủ và người bảo vệ đất nước, Nhân dân và LLVT Việt Nam phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ với nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung, và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo… Về Hội nghị Thành Đô, có tin nói Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo đã công bố nội dung thỏa thuận giữa 2 bên, trong đó trích dẫn: “Việt Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng và Quảng Tây… Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận yêu cầu nói trên, và cho Việt Nam thời hạn 30 năm (1990-2020) để ĐCSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Hoa”. Chúng tôi không rõ thật giả thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Thành Đô năm 1990” (hết trích 2).

Kiến nghị trên được gửi ông Tư Sang và Ba Dũng đã tròn 4 năm. Đến nay cả 2 ông đều đã nghỉ hưu để “ráng làm người tử tế”. Song rất buồn và đáng trách, giống hệt như các Lãnh đạo cao cấp khác, 2 ông Tư và Ba này đã không trả lời “Kiến nghị 20” một câu. Phải chăng trong đầu và trái tim họ đã mất hết suy nghĩ về nghĩa vụ và trách nhiệm của người lãnh đạo đối với công dân, mà trong trường hợp này lại là đồng đội, đồng chí của mình? Đây quả là cách ứng xử lạ lùng và kỳ cục nếu không nói là thiếu chuẩn mực đạo đức và luật pháp, mà chỉ duy nhất thấy ở lãnh đạo các quốc gia theo thể chế độc tài, toàn trị.

Trong số 20 cựu sỹ quan LLVT ký tên, người trẻ nhất nay cũng đã 77 tuổi, còn người cao tuổi nhất đã bước sang tuổi đại thượng thọ: 103 tuổi. Đó là lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại TQ. Tướng Vĩnh vào Đảng năm 1939, được phong hàm Thiếu tướng năm 1959. Trong tất cả sỹ quan cấp tướng do đích thân Chủ tịch HCM tấn phong, cụ là người duy nhất còn sống cho đến nay. Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh kể lại cho tôi chuyện sau: Lúc đương chức, cả 2 ông Tư Sang và Ba Dũng đều cử phái viên đến thăm cụ. Một lần ông Ba Dũng cử 1 vị tướng đến thăm với mục đích thẳng băng là yêu cầu cụ bớt phê phán và lên án ông ta. Ông tướng này (chỉ bằng tuổi con cụ) nói: “Bác nguyên là Trung ương Ủy viên, tôi cũng là nguyên Ủy viên Trung ương. Bác là sỹ quan cấp tướng, tôi cũng cấp tướng.” Nghe đến đây, cụ bèn ngắt lời khách: “Không dám. Tôi vào Đảng khi anh còn chưa sinh. Còn khi tôi được phong hàm tướng và tham gia BCHTW, có lẽ lúc đó anh mới chỉ học cấp 1. Anh so sánh như vậy là khập khiễng. Vả lại khi tôi được phong tướng và được bầu vào Trung ương, thời kỳ ấy Đảng ta còn rất trong sạch, chứ đâu như bây giờ. Nay tất cả là do đồng tiền chi phối và quyết định, khác hẳn trước đây”. Biết là thất thố và không thể đối đáp tiếp, ông tướng nọ vội vàng cáo lui, lẳng lặng ra về.

Đến nay có 1/5 số ký “Kiến nghị 20” đã rời cõi tạm về nơi vĩnh hằng. Đó là Thiếu tướng Lê Duy Mật và 4 đại tá: Bùi Văn Bồng, Phạm Hiện, Nguyễn Thế Trường và Lê Hồng Hà. Xin mạn phép hỏi ông Tư Sang và Ba Dũng: Vì lý do gì mà các ông không phúc đáp và trả lời 4 vấn đề nêu trong “Kiến nghị 20” gửi các ông 4 năm trước? Thực sự là do đâu? Chắc ở dưới suối vàng, 5 sỹ quan quá cố và khả kính kia sẽ không tha thứ cho 2 ông về tội đã phớt lờ bổn phận và đạo lý của mình. Bốn yêu cầu trong “Kiến nghị 20” đâu phải là những đòi hỏi vô lý, ngược lại đấy là những vấn đề rất thiết thực, nằm trong khuôn khổ và phù hợp với Hiến pháp. Trong số ký “Kiến nghị 20” có nhiều người đáng tuổi cha chú hai ông, họ góp phần xương máu trong 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để các ông được cơ cấu “làm đày tớ của dân” (lời Chủ tịch HCM). Đảng bố trí các ông ngồi vào 2 trong 4 ghế tứ trụ triều đình để phục vụ ai? Các ông đã coi khinh, không lên tiếng trả lời, vậy lương tâm các ông còn không? Các ông hành xử bất tín, bất nghĩa, vô chính trị như vậy là do tự ý cá nhân hay theo chỉ đạo của ai, thưa 2 ông?

Mong rằng cách ứng xử thiếu văn hóa, khiếm nhã và vô đạo lý nói trên sẽ không bao giờ lặp lại trong sinh hoạt chính trị, nhất là trong tư duy của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.
____

 (P/s:  Xin mời quý độc giả đọc toàn văn bản “Kiến nghị 20” dưới đây:) 

KIẾN NGHỊ của 20 cựu sĩ quan LLVT 
gửi Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ CHXHCN Việt Nam 

Ngày 2 tháng 9 năm 2014.  

KÍNH GỬI:

– Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thống lĩnh các Lực lượng Vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
– Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Chúng tôi là những người lính trọn đời “Trung với Nước, Hiếu với Dân”, luôn trăn trở với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân. Đứng trước tình hình nghiêm trọng, đe dọa an ninh, chủ quyền và sự phát triển của Quốc gia, chúng tôi vô cùng lo lắng và thấy cần phải kiến nghị với Lãnh đạo Nhà nước một số điểm như sau.

1. Lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân phải luôn luôn vì Nhân dân, nên không được huy động Quân đội và Công an vào bất cứ việc gì có hại cho Nhân dân. Sức mạnh của Lực lượng vũ trang chỉ có được khi dựa vào Nhân dân, nên không được đánh mất tín nhiệm đối với Nhân dân. Vì vậy, để bảo vệ uy tín của Quân đội là lực lượng có nhiệm vụ hiến định “quốc phòng”, tức là bảo vệ Tổ quốc trước ngoại xâm, cần chấm dứt ngay việc huy động Quân đội vào những sự vụ mang tính đối kháng với Nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa… Để khôi phục uy tín của Công an, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ hiến định “bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”, tuyệt đối không lạm dụng lực lượng Công an vào việc đàn áp những người dân vô tội, chỉ yêu cầu giải quyết quyền lợi hợp pháp của mình.

2. Các chiến sĩ Lực lượng vũ trang chỉ có thể yên tâm rèn luyện và sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc khi tin tưởng rằng cống hiến của họ luôn được Nhà nước ghi nhận thỏa đáng và gia đình của họ sẽ được Nhà nước chăm sóc chu đáo. Việc cố tình phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và mấy trận chiến bảo vệ biển đảo không chỉ phủ nhận lịch sử, xúc phạm đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần và quyết tâm chiến đấu của Lực lượng vũ trang. Đó là sai lầm không được phép tái phạm. Để khắc phục hậu quả, phải nhanh chóng giải quyết những cách cư xử không đúng đối với với thương binh và gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, phải sớm khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị lãng quên của các liệt sĩ và thương binh đã hy sinh xương máu trong chiến tranh biên giới phía bắc và ngoài biển đảo, gấp rút tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ dọc biên giới phía Bắc đã bị bỏ bê hơn hai chục năm qua.

3. Lực lượng vũ trang cần được xác định rõ ràng và chính xác đối thủ, không thể mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù. Đối tượng tác chiến của Quân đội phải là những thế lực có thể đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong hiện tại và tương lai, chứ không thể là những đối thủ đã thuộc về quá khứ. Đối tượng khống chế của Công an phải là những kẻ tội phạm và các hành vi vi phạm hiến pháp, pháp luật, dù ở trong hay ngoài bộ máy cầm quyền, chứ không thể là những người dân vô tội. Lịch sử đã chỉ ra rằng Nhân dân ta phải thường xuyên đề cao cảnh giác trước nguy cơ ngoại xâm từ nước láng giềng phương Bắc. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của của chúng ta, tuy nay đã tạm rút đi, nhưng vẫn cho thấy họ không hề từ bỏ quyết tâm bá chiếm Biển Đông. Lịch sử cũng cho thấy, sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nước cựu thù đã hợp tác với nhau rất hiệu quả và bền vững, ví dụ như mối quan hệ giữa CHLB Đức và ba nước Mỹ, Anh, Pháp, giữa Nhật Bản và Mỹ, giữa Việt Nam và hai nước Pháp, Nhật Bản. Do đó, không thể vì những quan niệm bảo thủ, giáo điều mà đánh mất các cơ hội hợp tác với các cường quốc tiên tiến văn minh, nhằm phát triển kinh tế, công nghệ, nâng cao sức mạnh quốc phòng và tăng cường sự ủng hộ quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

4. Là người chủ và người bảo vệ đất nước, Nhân dân và lực lượng vũ trang phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với Nhân dân về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của Quốc gia. Về Hội nghị Thành Đô, có tin nói rằng Tân Hoa xã và Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã công bố nội dung thỏa thuận giữa hai bên, trong đó trích dẫn: “Việt Nam mong muốn sẵnsàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây… Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc”. Chúng tôi không biết thật giả thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô năm 1990. Chuyến đi thăm Trung Quốc gần đây của đặc phái viên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận với phía Trung Quốc về ba nguyên tắc chỉ đạo phát triển quan hệ Việt-Trung mà nội dung chỉ nhắc lại những câu sáo ngữ, không nói gì tới thực trạng và các biện pháp chấm dứt các hành động ngang ngược của thế lực bành trướng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta trong mưu đồ bá chiếm Biển Đông. Chưa biết bên trong còn có những thỏa thuận cụ thể gì, nhưng toàn dân và toàn quân yêu cầu lãnh đạo Đảng và Nhà nước có đối sách đúng đắn trước mưu đồ và hành vi xâm lược của thế lực bành trướng Trong Quốc, không thể chấp nhận thái độ thể hiện sự thần phục họ, và càng đòi hỏi phải công khai, minh bạch thực trạng quan hệ giữa hai bên.

Trên đây là mấy đòi hỏi cấp bách, nhằm khôi phục uy tín của Quân đội và Công an trong Nhân dân, đồng thời tăng cường sức chiến đấu của Lực lượng vũ trang, để có thể đáp ứng được những thách thức to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

DANH SÁCH KÝ TÊN:

  1. Lê Hữu Đức, Trung tướng, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu.
  2. Trần Minh Đức, Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh hậu cần Mặt trận Trị Thiên – Huế.
  3. Huỳnh Đắc Hương, Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
  4. Lê Duy Mật, Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 2, cựu Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) 1979-1984.
  5. Bùi Văn Quỳ, Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh chủng Tăng-Thiết giáp.
  6. Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, nguyên Chính ủy Quân khu 4.
  7. Bùi Văn Bồng, Đại tá, nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
  8. Phạm Quế Dương, Đại tá, nguyên TBT tạp chí Lịch sử Quân sự.
  9. Nguyễn Gia Định, Nghệ sĩ ưu tú Điện ảnh quân đội.
  10. Lê Hồng Hà, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an, Ủy viên Đảng đoàn Bộ Công an.
  11. Phạm Hiện, Đại tá, nguyên Chánh Văn phòng B.68 Đoàn chuyên gia giúp Campuchia.
  12. Phạm Xuân Phương, Đại tá, nguyên chuyên viên Cục Nghiên cứu Tổng cục Chính trị.
  13. Nguyễn Đăng Quang, Đại tá, nguyên cán bộ Bộ Công an.
  14. Đào Xuân Sâm, Cựu chiến binh Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  15. Tạ Cao Sơn, Đại tá, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2.
  16. Đoàn Sự, Đại tá, nguyên Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Tổng cục Chính trị.
  17. Lê Văn Trọng, Đại tá, nguyên Trưởng Ban lịch sử Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu.
  18. Nguyễn Thế Trường, Đại tá, nguyên TBT báo Quân giải phóng Trung Trung bộ.
  19. Nguyễn Văn Tuyến, Đại tá, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự.
  20. Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn), Đại tá, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Trưởng phòng Sở chỉ huy Cục Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Tôi đề nghị xét lại việc cho lưu hành tiền TQ ở VN'

Nên nghe toàn văn bài nói của TS Doanh trong trang gốc: https://www.bbc.com/vietnamese/media-45383117

1 tháng 9 2018 - "Điều này là trái với Hiến Pháp của Việt Nam. Hiến Pháp của Việt Nam chỉ cho phép trên lãnh thổ của Việt Nam chỉ có đồng tiền của Việt Nam [được lưu hành] mà thôi, còn ai chịu trách nhiệm, có lẽ sẽ là trách nhiệm của Quốc Hội, của Chính phủ xác định về việc này," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.
 
"Chủ quyền về tài chính, chủ quyền về tiền tệ là một trong những nội dung hết sức quan trọng về chủ quyền kinh tế," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh bình luận với BBC về một quyết định của Nhà nước Việt Nam cho phép lưu hành đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc song song với đồng tiền Việt Nam tại các tỉnh biên giới giáp ranh với Trung Quốc. "Đấy là quyền kiểm soát về đồng tiền để thanh toán trong bất kỳ một nền kinh tế nào," nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm hôm 01/9/2018.

"Và mọi chính phủ, mọi nhà nước đều hết sức nghiêm ngặt trong việc thực hiện chủ quyền này. Tôi hy vọng và tha thiết đề nghị là Quốc Hội và Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét về Thông tư 19 này."

Theo chuyên gia về chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô này, quyết định kể trên đến từ một thỏa thuận giữa hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam được ký kết ở cấp Bộ trưởng, và sau đó Thông tư của Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn thực hiện.

"Điều này là trái với Hiến Pháp của Việt Nam. Hiến Pháp của Việt Nam chỉ cho phép trên lãnh thổ của Việt Nam chỉ có đồng tiền của Việt Nam [được lưu hành] mà thôi, còn ai chịu trách nhiệm, có lẽ sẽ là trách nhiệm của Quốc Hội, của Chính phủ xác định về việc này," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.


https://www.bbc.com/vietnamese/media-45383117

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kẻ sĩ xưa đẹp trên từng trang sách


Lật giở từng trang lịch sử nước nhà, thời nào cũng có kẻ sĩ đẹp lung linh, nhất là về tài năng và nhân cách. Kẻ sĩ ấy là những hiền tài, hào kiệt, bậc thầy, là tấm gương đạo đức, bản lĩnh, chí khí, tinh thần. Ức Trai tiên sinh (Nguyễn Trãi) từng tổng kết” “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có”. 

Trải thế hệ này qua thế hệ khác, ta từng nghe ông cha truyền lại những tấm gương Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giang Văn Minh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ… đỗ đạt cao, giỏi giang trị quốc bình thiên hạ, vì dân vì nước, tấm lòng trong sạch. Họ in dấu cả trên bia đá bảng vàng ghi danh lẫn những lưu truyền trong lòng người và văn chương, sử sách. 

Nhưng cũng có không ít ẩn khuất, góc tối, góc hẹp khiến có những kẻ sĩ suốt dặm dài thời gian bị che phủ, mờ nhạt, không lộ diện, thậm chí bị hiểu sai, méo mó, ngược hẳn với con người thực. Tình trạng ấy của lịch sử đã xuất hiện trong nhiều giai đoạn, nhất là khi có những biến thiên thời cuộc, xã hội bãi bể nương dâu, “thế gian biến cải vũng nên đồi”. Thôi thì chả dám trách, tránh sao được khi búa tạ thời đại giáng vào ai đó, chỉ có điều thật mừng bởi có lúc phát lộ những khoảng sáng vỡ òa khiến sự thật trở về đúng với nó vốn có, nhờ công khai phá tìm tòi của nhiều thế hệ hậu sinh. 

Trong những sự khai phá ấy, gần đây nhất là 2 cuốn sách chững chạc, nghiêm túc xoáy sâu vào chủ đề kẻ sĩ của nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Thắng (tức Từ Khôi): Cuốn Vụ án Thái sư hóa hổ (năm 2017) và Đạo sắc màu máu (năm 2018). 

Tôi đã từng nhắc tới công trình nghiên cứu dày dặn Vụ án Thái sư hóa hổ nên không đề cập nhiều nữa. Chỉ nhớ rằng, là nhà báo đi nhiều hiểu nhiều (nhà báo Từ Khôi là Phó trưởng ban Văn hóa nghệ thuật báo Đại đoàn kết, am hiểu vốn cổ, thạo chữ Hán), anh đã nghiên cứu sâu và kỹ lưỡng về vụ án “lừng danh” có một không hai trong lịch sử nước ta: Thời nhà Lý thế kỷ 11, Thái sư Lê Văn Thịnh, quan đầu triều, quyền chỉ dưới vua, bị kết án tội hóa hổ “âm mưu giết vua”, cách tuột cả quan tước, bị đi đày, khi mãn hạn đã chết như một kẻ ăn mày nghèo khó. Suốt bao nhiêu năm, một kẻ sĩ “đỉnh giáp khai khoa” (đỗ đầu khoa thi đầu tiên của nước nhà), một vị quan lẫy lừng, công giữ nước khó ai bì, đã bị nhắc trong sự nguyền rủa của người đời. Cũng đã có không ít nhà nghiên cứu làm cái việc xắt từng lát sử đánh giá lại vụ việc để chiêu tuyết cho ông. Nhà báo Từ Khôi với những chuyến điền dã cặm cụi không mệt mỏi, lật từng viên gạch hòn ngói, tỉ mỉ soi đọc từng tấm sắc phong, hoành phi, câu đối bấy lâu chìm khuất trong nhân gian và phát hiện sự thật bất ngờ: Trạng nguyên-kẻ sĩ-Thái sư Lê Văn Thịnh đã bị oan, mối oan khuất cả nghìn năm mới được giải tỏa. Nhân cách một kẻ sĩ dùng tài năng và đạo đức của mình phục vụ cho đất nước, cho muôn dân lại sáng bừng lên sau dằng dặc những tăm tối hàm oan. 

Trong Đạo sắc màu máu, tác giả Từ Khôi dựng lại những hình ảnh kẻ sĩ mà chúng ta đã biết ít nhiều, gồm Giang Văn Minh và Nguyễn Duy Hiểu (thời Lê - Trịnh), Lê Văn Thịnh (thời Lý), Đặng Trần Côn (thời Lê), Lê Hữu Trác (thời Lê), Nguyễn Văn Siêu (thời Nguyễn), Cao Bá Quát (thời Nguyễn). Mỗi người một vẻ, người thì tài giỏi kinh bang tế thế, giúp vua gây dựng cơ đồ, người luôn đau đáu nỗi thương đời thương dân chịu cảnh trầm luân loạn lạc, người chăm chút từng viên gạch văn hóa để bảo tồn truyền thống văn hiến dân tộc, người cương trực khí tiết, người nhân hậu yêu thương… Tất cả hiện lên rất sinh động qua những “chạm khắc” tỉ mỉ của tác giả, sâu sắc và tinh tế. Và đáng nói nhất, Từ Khôi mở cho bạn đọc thêm những cánh cửa mới hiểu hơn về con người lịch sử mà bấy lâu ta tưởng như đã biết kha khá đầy đủ rồi. 

Xưa nay, vế đối lừng danh “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ ngày xưa máu vẫn còn đỏ) đập lại thói kiêu ngạo của vua quan nhà Minh trong câu thách đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng tới giờ rêu đã phủ xanh), người đời chỉ biết và nhắc tới vị sứ thần oanh liệt Giang Văn Minh, nhưng thực ra, với phát hiện của tác giả Từ Khôi, căn cứ vào các bản sắc phong, chiếu biểu, di tích thờ cúng, nay phát lộ rằng đợt đi sứ “không nhục mệnh vua”, “giữ gìn quốc thể” để lại tấm gương “thiên cổ anh hùng” ấy không phải chỉ liên quan tới sứ đoàn của chánh sứ Giang Văn Minh mà cả đoàn của chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (vì sao cùng lúc phải đi 2 đoàn đã được tác giả lý giải rất rõ), cả hai kẻ sĩ anh hùng Giang Văn Minh và Nguyễn Duy Hiểu có thể coi là đồng tác giả của vế đối bất khuất. Lịch sử bấy lâu cũng biên ghi chưa đầy đủ, thường chỉ nhắc tới Giang tiên sinh mà quên vị anh hùng họ Nguyễn. Cả hai vị chánh sứ đều bị bọn vua quan nhà Minh kiêu ngạo, tàn ác xử tử, mổ bụng moi gan chỉ vì họ đã dám đối lại bằng ý chí bất khuất, khí phách anh hùng. 

Người đời cũng từng ngạc nhiên tại sao Trạng nguyên, Thái sư Lê văn Thịnh bị xử tội mưu giết vua nhưng ngôi chùa - đền thờ ông bây giờ lại chính là căn nhà mà ông đã từng sống chứ không phải bị tịch thu, bị xóa sạch vết tích như nhiều trường hợp khác (Nguyễn Trãi chẳng hạn). Sở dĩ vậy bởi Lê Văn Thịnh công lao quá lớn, nên ông được tha tội chết, chỉ bị đi đày, tài sản nhà cửa bị xử lý theo phép “hóa gia vi tự” (biến nhà thành chùa) chứ không xóa sạch. 

Và còn nhiều bất ngờ khai mở nữa trong cuốn sách sẽ trả lời những thắc mắc của hậu sinh: Tại sao danh sĩ Đặng Trần Côn lại đào hầm, tự giam mình vào đó để học và viết, trong đó có tuyệt tác Chinh phụ ngâm? Cuốn sách y học nổi tiếng Y tông tâm lĩnh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác do ai tổ chức khắc ván in lưu truyền cho đời sau, có liên quan gì tới mối tình của ông với người đàn bà năm xưa? Tháp bút bên hồ Gươm hầu như ai cũng biết tác giả là cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu nhưng nó được hình thành như thế nào, ai thi công… thì chả mấy người tỏ tường. Và tình bạn giữa Nguyễn Văn Siêu – Cao Bá Quát, cặp “thần Siêu thánh Quát” có phải chỉ là duyên văn chương hay còn gì khác? Bấy nhiêu cũng để bạn đọc không rời mắt khỏi cuốn sách chỉ 149 trang này sau khi đã lật mở trang đầu. 

Điều đọng lại, và có lẽ cũng là điều mà tác giả Từ Khôi gửi gắm tới mọi người, là xã hội Việt Nam qua bao biến thiên đã bừng lên những kẻ sĩ tuyệt đẹp cả về tài năng và nhân cách. Họ như niềm an ủi, động viên cho những thế hệ hậu sinh khi bất chợt lúc nào đó thấy tại sao thời nay “đi giữa phố đông không thấy mặt người”.


Nguyễn Thông


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lộ diện thế lực chống lưng để giáo sư Hồ Ngọc Đại tung tác, phá hoại nền giáo dục của một dân tộc !


Khi giáo sư Hồ Ngọc Đại và tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển hợp tác với nhau qua Dự án VNEN, sách công nghệ giáo dục và sách VNEN đều được bán qua hệ thống phân phối độc quyền theo hệ thống quản lý ngành dọc. Tức là thầy Nguyễn Vinh Hiển và các cộng sự của mình, với chức vụ Thứ trưởng hay Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học hàng năm đều có công văn gửi xuống các sở, sở xuống phòng, phòng xuống các trường về việc đăng ký mua tài liệu dạy học.
Thực tế những công văn, văn bản chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi còn tại chức với các dự án, đặc biệt là Dự án VNEN đã bị giấu kín kể từ khi truyền thông đặt câu hỏi xung quanh những uẩn khúc của việc triển khai mô hình này.
Tuy nhiên chúng tôi vẫn thấy những dấu hiệu của một hệ thống phân phối sách giáo khoa độc quyền, khép kín, tinh vi và “hiệu quả bất ngờ”, in đến đâu bán hết đến đấy.
Hệ thống này không mất một đồng chi phí nào cho mặt bằng hay quảng cáo, nhưng phụ huynh học sinh không thể không mua, dù sách có đắt gấp 2, gấp 3 lần sách giáo khoa hiện hành mua ngoài cửa hàng.
Cũng không một nhà xuất bản nào cạnh tranh được với hệ thống này nếu họ được phép phát hành sách giáo khoa.
Hệ thống này đã được nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và cộng sự đã dày công xây dựng từ trước khi nghỉ hưu.
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển trên cương vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia chương trình Chuyện đương thời của VTV 1 cùng nhà báo Tạ Bích Loan, chuyên gia Giản Tư Trung với chủ đề “Đổi mới giáo dục bắt đầu từ đâu?” phát sóng tối 25/10/2013. Ảnh cắt màn hình, nguồn: vtv.vn.
Thày Hiển và cộng sự của mình đã chuẩn bị rất kĩ, từ các văn bản cho đến con người trong hệ thống quản lý ngành dọc.
Khi giáo sư Hồ Ngọc Đại và tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển hợp tác với nhau qua Dự án VNEN, sách công nghệ giáo dục và sách VNEN đều được bán qua hệ thống phân phối độc quyền theo hệ thống quản lý ngành dọc.
Tức là thầy Nguyễn Vinh Hiển và các cộng sự của mình, với chức vụ Thứ trưởng hay Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học hàng năm đều có công văn gửi xuống các sở, sở xuống phòng, phòng xuống các trường về việc đăng ký mua tài liệu dạy học.
Dùng mệnh lệnh hành chính xây dựng hệ thống phân phối độc quyền sách giáo khoa?
Đơn cử như Công văn số 1409/BGDĐT-GDTH ngày 26/3/2015 về việc đăng ký dạy học theo “bộ sách” Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, chúng tôi đã từng liên hệ với Vụ Giáo dục Tiểu học nhưng cũng không xin được.
Bạn đọc chỉ có thể tìm thấy “dấu vết” của nó qua công văn chỉ đạo tiếp theo của một số Sở Giáo dục và Đào tạo xuống các phòng. [1]
Công văn số 5478/BGDĐT-GDTH ngày 8/8/2013 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký:
Phần A – Nhiệm vụ chung viết: “tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, từng bước mở rộng áp dụng dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục”.
Phần B – Nhiệm vụ cụ thể / II. Thực hiện chương trình giáo dục / mục 2.2 Quản lý và thực hiện Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (GPE-VNEN) viết:
“Chỉ đạo hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt, tập trung vào giải pháp dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục để đảm bảo học sinh lên lớp 2 đạt chuẩn năng lực tiếng Việt.” [2]
Công văn số 2764/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Mô hình VNEN năm học 2013-2014 do ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học ký ngày 2/5/2013 còn chỉ ra cụ thể hơn nữa. [3]
Nhưng đáng kể nhất phải nhắc đến một số công văn “kinh điển” trong việc bán sách giáo khoa độc quyền ngành dọc.
Một là Công văn số 1181/BGDĐT – GDTH về việc đăng ký phương án dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục.
Thày Hiển đã chỉ cho các trường, các phòng và sở giáo dục phải mua sách ở đâu. Phần cuối của công văn này viết:
“Để chuẩn bị tốt tài liệu phục vụ năm học 2013-2014, Bộ đề nghị các sở Giáo dục và Đào tạo chủ động liên hệ trực tiếp với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Trường Phổ thông Công nghệ giáo dục – NXB Giáo dục Việt Nam (ĐT: 0437925314) để mua tài liệu.”
Công văn số 1181/BGDĐT – GDTH về việc đăng ký phương án dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 – CNGD trên trang congnghegiaoduc.vn với dòng đánh dấu màu hồng gây chú ý.
Công văn này vẫn đang được “treo công khai” trên trang congnghegiaoduc.vn của Trung tâm Công nghệ giáo dục mà giáo sư Hồ Ngọc Đại làm giám đốc, thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Văn bản này như một sự bảo đảm của thày Nguyễn Vinh Hiển cho tính “hợp pháp” của tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại này với phụ huynh, đồng thời cũng trợ giúp không nhỏ cho các trường trong việc bán sách. [4]
Hai là công văn chỉ đạo các trường mẫu giáo tổ chức cho phụ huynh có con chuẩn bị học lớp 1 phải mua sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, nếu không năm sau con họ không có sách học:
Ngày 17/5/2016, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế ra Công văn số 490/PGDĐT-PT gửi “các trường mầm non” và tiểu học trực thuộc về việc triển khai dạy học và đăng ký tài liệu theo bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cho học sinh lớp 1.
Công văn này nhằm thực hiện Công văn số 37/SGDĐT-GDTH ngày 12/01/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế về việc triển khai dạy học Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cho học sinh lớp 1 năm học 2016-2017;
Và công văn số 1012/SGDĐT-GDTH ngày 09/5/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế về việc đăng ký tài liệu dạy học theo bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cho học sinh lớp 1, năm học 2016-2017 có 28 trường tiểu học trên địa bàn thành phố (có danh sách đính kèm) sẽ dạy học môn Tiếng Việt theo sách Công nghệ giáo dục.
Công văn số 490/PGDĐT-PT viết:
Đối với các trường Mầm non: Thông báo đến phụ huynh các lớp trẻ 5 tuổi đăng ký mua bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1 (theo danh mục đính kèm) tại trường tiểu học sẽ cho con vào học lớp 1 năm học 2016-2017 (đối với trường tiểu học dạy học môn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục) cùng lần khi nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1. [5]
Có thể kể thêm các công văn bán sách như thế này như:
Công văn số 3989/BGDĐT-GDTrH ngày 6/8/2015 về việc chuẩn bị sách hướng dẫn học cho học sinh lớp 6 tham gia mô hình trường học mới, do Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn ký.
Công văn chỉ rõ địa chỉ để các sở tổng hợp danh sách mua sách VNEN về Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, tòa nhà HEID số 12, Láng Hạ, Hà Nội…
Mới nhất thì có thể kể đến Công văn số 3081/SGDĐT-GDTH ngày 8/8/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước về việc sử dụng tài liệu Mô hình trường học mới Việt Nam năm học 2017-2018 do Phó Giám đốc Lê Hải Đăng ký.
Công văn này viết:
“Danh sách các trường tiểu học đăng ký tài liệu Mô hình trường học mới năm học 2017-2018 được gửi về Phòng Giáo dục tiểu học, email: tieuhoc@binhphuoc.edu.vn trước ngày 15/8/2017 để Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, đăng ký với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức in ấn kịp thời và cung cấp cho các trường.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ảnh: Báo Điện tử Vietnamnet.
Kinh phí mua tài liệu Hướng dẫn các môn học mô hình VNEN của học sinh do cha mẹ học sinh chi trả, hoặc các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học thanh toán từ các nguồn kinh phí hợp pháp.
Các trường tiểu học lưu ý, bộ tài liệu Mô hình trường học mới năm học 2017-2018 được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn, phát hành trên cơ sở đề xuất trực tiếp của các trường và được Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp gửi về Nhà xuất bản.
Các trường hướng dẫn phụ huynh học sinh tuyệt đối không mua bộ tài liệu Mô hình trường học mới trôi nổi ngoài thị trường để tránh mua nhầm sách giả, sách có nội dung chưa được thẩm định.” [6]
Hay ví dụ như Công văn số 275/PGDĐT-GDTH ngày 7/4/2017 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên về việc chỉ đạo dạy học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục và dạy học VNEN năm 2017-2018:
Đăng ký số liệu về số lớp, số học sinh tiếp tục thực hiện dạy học TV1.CGD và dạy học VNEN năm học 2017-2018 (Theo mẫu đính kèm).
Về tài liệu hướng dẫn học và tài liệu tham khảo: Các trường đăng ký số liệu về Phòng Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp gửi Sở Giáo dục và Đào tạo.
Báo cáo và biểu mẫu đăng ký thực hiện năm học 2017-2018 gửi về qua hộp thư của Tổ tiểu học, chậm nhất là ngày 12/4/2017. [7]
Xây dựng đội ngũ bán sách giáo khoa độc quyền nằm trong hệ thống chỉ đạo ngành dọc
Trong bài báo “Trường Thực nghiệm, một bí mật không ai biết” đăng trên Báo Điện tử VietnamNet ngày 21/5/2012 tường thuật nội dung bàn tròn trực tuyến “những vấn đề giáo dục sau sự kiện đạp đổ cổng trường”, giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết:
“Năm vừa rồi (2011), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra quyết định chính thức đưa phương án của công nghệ giáo dục về địa phương.
Nhưng vì Quốc hội ra Nghị quyết số 40 chỉ có một bộ sách toàn quốc nên buộc phải dùng từ “thí điểm”.
Nhưng mà “thí điểm” hiện nay có 16 tỉnh và có 50.000 học sinh…
Chỉ cần nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1.000 là đáng tin cậy.
Giải pháp đưa ra là giải pháp, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo thì xuống Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận ra quyết định, Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định nên làm việc ngon hẳn. Rất ngon!
Tôi chưa bao giờ làm việc thuận lợi như năm vừa rồi.
Trước đây làm gì thì chỉ làm với anh Hiển thôi, anh Thành thôi. Anh Hiển là Thứ trưởng, anh Thành là Vụ trưởng, các anh ấy cho phép làm, cùng hỗ trợ.
Trong 3-4 năm nay, khi chỉ có thứ trưởng và vụ trưởng làm, nói chung cũng vất vả, phải thuyết phục.
Nhưng khi Bộ trưởng có quyết định thì tình hình khác hẳn.
Tôi thấy khi thực sự chính quyền vào cuộc thì tình hình rất dễ.
Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật.
Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi.
Nhân chuyện ấy tôi nói, chúng ta không nên nhận, kể cả anh Tiến, anh Thành, anh Luận… không phải là tác giả của “chương trình 2000”.
Chương trình này đã triển khai đã mười mấy năm nay. Những người đó là một bộ phận hoàn toàn khác. Còn các anh là những người chịu một việc đã rồi.
Vấn đề này, phải bàn lại công việc trước đó nữa, cần nói đến nguồn gốc sâu xa nữa.
Vụ Tiểu học thực bụng muốn làm. Anh Hiển, anh Luận thực bụng muốn làm.
Nhưng cả một hệ thống từ xưa đến nay… Chuyện này, chuyện khác là hậu quả của “Chương trình năm 2000”.
Nên nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì.” [8]
Đó là lý do tại sao, dù đã về hưu từ năm 1999, nhưng tháng 9/2011 không biết “sức ép nào” đã buộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục để phục vụ giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Không chỉ có vậy, đội ngũ lãnh đạo và chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học cũng trở thành lực lượng chính hậu thuẫn thầy Đại triển khai, trực tiếp thực hiện việc xuống các địa phương để chỉ đạo, tập huấn, thí điểm và triển khai sách Công nghệ giáo dục. [9]
500 tác giả của sách giáo khoa 2000 im lặng. Không một ai lên tiếng. Cục diện “chân vạc chia ba thiên hạ” trong thị trường sách giáo khoa hình thành từ đây.
Website Hệ thống Giáo dục CGD Victory mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập có đăng lại bài phỏng vấn ông của nhà báo Quỳnh Hương, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bài này, nhà báo Quỳnh Hương cho biết:
“Vị giáo sư có tiếng ngang ngạnh, nhiều đời Bộ trưởng phải “gờm” vì cách làm giáo dục của ông quyết liệt đến không khoan nhượng, ông nói về giáo dục luôn thẳng thắn đến “nghịch nhĩ””. [10]
Chẳng biết “nhiều đời Bộ trưởng” phải “gờm” giáo sư Hồ Ngọc Đại đến đâu, nhưng cả Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đều đã từng bị Đại biểu Quốc hội chất vấn về chương trình công nghệ giáo dục.
Kỳ họp Quốc hội tháng 11 năm ngoái, thầy Nhạ có hứa trước Quốc hội sẽ cho thẩm định tài liệu công nghệ giáo dục, nếu không hợp lý thì bắt buộc phải dừng. [11]
Tuy nhiên năm học mới đã bắt đầu và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vẫn tiếp tục được triển khai tiếp, thể hiện rõ trong Báo cáo Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng năm học 2017-2018.
Báo cáo này chỉ cho biết Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định tài liệu công nghệ giáo dục và Hội đồng đã báo cáo Bộ trưởng. Nhưng nội dung báo cáo, kết luận của Hội đồng là gì thì không thấy công bố.
Với hệ thống ê kíp đã gầy dựng, cũng không có gì ngạc nhiên khi thầy Nguyễn Vinh Hiển dù đã về hưu, vẫn thường xuyên dẫn đoàn cán bộ, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học về các địa phương để tập huấn VNEN.
Ví dụ như chuyến tập huấn mới đây cho Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình [12] hay về tận trường học VNEN ở huyện Thái Thụy [13].
Cũng bởi hệ thống thày Hiển và thày Đại đã dày công gây dựng, nên dù Luật Giáo dục hiện hành quy định về sách giáo khoa một đằng, thực tế lại diễn ra một nẻo.
Giáo viên và phụ huynh chỉ thấy sách thay liên tục, và giá sách thì đắt.
Có thể thấy rằng, lực cản đối với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là không hề nhỏ, nhất là từ chính ê kíp của người tiền nhiệm.
(Theo Giao Duc)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vận nước đến hồi bĩ rồi sao mà lắm thứ quái gở?


Kết quả hình ảnh cho ảnh Hồ Ngọc Đại

Tôi vẫn thấy cách phát âm của mấy vị Phạm Toàn, Hồ Ngọc Đại... có chỗ không ổn, thậm chí lẩn thẩn. Các nhà chế ra chữ quốc ngữ ngày trước sở dĩ qui ước phát âm các chữ c,k,q... khác nhau là vì nó đặt ở những chữ khác nhau. Cho nên cuốc khác với quốc... Nay qui về 1 kiểu (cờ) tưởng đơn giản ở lúc đánh vần, song lại phức tạp ở lúc phải nhớ phân biệt khi viết... Vả lại trong quá trình hội nhập, phát âm theo kiểu tây là cần thiết, không thể xóa bỏ được, thậm chí nó còn đang ngày càng mở rộng. Ví dụ ngân hàng BIDV được phát âm (theo kiểu tây) là Bi Ai Đi Vi. Nếu đọc theo các vị là Bờ I Dờ Vờ thì... bố thằng tây cũng chịu...
Lớp 1 nay là lớp vỡ lòng ngày trước. Hết 1 năm thì đằng nào cũng đọc thông viết thạo. Có cần thiết phải dùng cái "công nghệ" của các vị hay không? Chẳng lẽ trẻ em lớn lên, lại phải học phát âm 1 lần nữa để hội nhập hay sao? Hơn nữa, ông Hồ Ngọc Đại còn nói rằng với công nghệ GD của ông, thì chỉ thầy cô dạy được, cha mẹ không dạy được, trẻ con chỉ về nhà "chơi" với cha mẹ thôi, không cần phải học cha mẹ nữa thì tôi thấy có vẻ... phản giáo dục đấy, thưa ông phò mã già.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam, Hoa Kỳ phải chăng là những đồng minh trên thực tế?


Khi được hỏi liệu quan hệ Mỹ Việt có thể sẽ dẫn đến một mối quan hệ đồng minh hay không, ông Hoàng Việt cho biết: “Việt Nam có một chính sách quốc phòng gọi là Ba không. Chính sách này đã chính thức được luật hóa cách đây độ một tháng. Tức là Việt Nam luôn duy trì chính sách Ba không, không liên kết với một quốc gia này để chống lại một quốc gia khác, không cho một quốc gia khác lập căn cứ quân sự trên đất nước mình, … như vậy khả năng Việt Nam chính thức trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ là không có, nhưng vấn đề quan trọng là tuy không phải chính thức là đồng minh với một hiệp ước nào đó, nhưng trong thực tế, không khác gì đồng minh cả, thì cũng không sao.”

Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Carl Vinson tại Đà Nẵng, 3/2018.
Những cuộc tiếp xúc Việt- Mỹ trong tám tháng đầu năm 2018 bao gồm những cuộc thăm viếng chính thức của các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai bên, cho đến những cuộc thăm viếng có tính cách kỹ thuật như bà Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ khí Andrea Thompson đến Hà Nội vào đầu tháng tám, Hội thảo lục quân có sự tham dự của các viên tướng Mỹ vào cuối tháng tám tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm thủ đô nước Mỹ tháng 6/2018,… và gây tiếng vang hơn cả là hàng không mẫu hạm Carl Vinson cặp cảng Đà Nẵng tháng 3/2018.

Nhận định về hàng loạt cuộc gặp gỡ như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Sài Gòn nói với Đài RFA:


“Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Đối với nhiều người thì Tổng thống Trump là ngưới khó dự đoán. Việt Nam đã hết sức chủ động trong chính sách đối ngoại của mình gắn kết với Mỹ nhiều hơn, để chủ động hơn trong chính sách, giảm thiểu khả năng bất ngờ đối với Việt Nam, và cũng để tạo mối quan hệ sâu hơn với Mỹ, mặc dầu về mặt chính thức thì Việt Nam cũng không muốn làm Trung Quốc bất an khi thúc đẩy quan hệ sâu với Mỹ.”
Việt Nam đã hết sức chủ động trong chính sách đối ngoại của mình gắn kết với Mỹ nhiều hơn.

-Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung.
Theo một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam không muốn nêu tên, về phía Mỹ đã có một sự thay đổi lớn trong cách nhìn về vai trò của Việt Nam hiện nay, sự thay đổi đó, theo nhà nghiên cứu này thì không hẳn là do quyết định của chính quyền Mỹ hiện tại dưới quyền Tổng thống Trump, mà là một khuynh hướng của nước Mỹ về trật tự thế giới đã bắt đầu hình thành từ năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, và Mỹ trở thành quốc gia siêu cường duy nhất dẫn dắt trật tự thế giới.

Quốc gia siêu cường duy nhất này đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, về cả quân sự lẫn chính trị. Thậm chí có ý kiến từ Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ như là một cường quốc.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một người nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn, dẫn lời những nhà quan sát khác nhau cho rằng cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ vừa phát động với Trung Quốc trong năm 2018, là một cuộc phản công, không để hình thành một trật tự mà Trung Quốc mong muốn.

Bên cạnh chiến tranh thương mại, ông Hoàng Việt cho rằng vấn đề Biển Đông là rất quan trọng. Tại đây Bắc Kinh liên tục lấn lướt các nước nhỏ trong mấy năm qua.

“Hiện nay thì mặc dù Hoa Kỳ không nói ra, nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải kiềm chế Trung Quốc. Đương nhiên vấn đề Biển Đông rất quan trọng. Điều đó cho thấy một điều là thế của Trung Quốc đã thay đổi, không còn một mình một chợ múa gậy vườn hoang như trước nữa, mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã ra tay.”

Ông cho rằng Trung Quốc có phần đã xuống nước, sau khi vừa qua đã đồng ý với các quốc gia Đông Nam Á về việc thúc đẩy một bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, việc nhận ra vai trò quan trọng của Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc là điều mà Việt Nam có thể thủ được nhiều lợi ích, nhất là về mặt an ninh hàng hải:

“Hiện tại Việt Nam là nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất đối với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, và tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ tận dụng điều này để giúp Việt Nam có thể về một mặt nào đó, có thể nâng cao năng lực hàng hải của mình ở khu vực Biển Đông, để bảo đảm một mục tiêu lớn hơn của Mỹ là đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực.”

Vào tháng 3/2018, Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần duyên loại Metal Shark, vào tháng 6/2018 hai bên đã có một cuộc đối thoại về an ninh hàng hải tại thủ đô nước Mỹ, cũng vào tháng 6/2018, Mỹ mời Việt Nam tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC ở Thái Bình Dương tổ chức mỗi hai năm một lần.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, Hà Nội, 9/7/2018. AFP
Vào tháng 8/2018, một đạo luật về quốc phòng của Mỹ đã được sự đồng thuận của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong đó có ngân sách viện trợ quốc phòng cho các quốc gia Đông Nam Á.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung cũng đồng ý với nhận xét rằng trong những tiếp xúc giữa Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á vừa qua, việc tiếp xúc với Việt Nam là tăng mạnh hơn hết.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thành Trung, Việt Nam vẫn thận trọng không làm cho Trung Quốc phật lòng. Biểu hiện cho điều đó là việc Việt Nam tuy được mời tham gia tập trận RIMPAC 2018, nhưng chỉ phái các sĩ quan quan sát, chứ không gửi tàu chiến tham dự.

Tương tự như vậy, theo ông Nguyễn Thành Trung, là thái độ của Việt Nam đối với ý tưởng thành lập Tứ giác Ấn Độ Thái Bình Dương, với nòng cốt là bốn quốc gia Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc:

“Về mặt địa chính trị thì Việt Nam là cực kỳ quan trọng đối với bộ tứ đó. Nhưng vấn đề này còn tùy thuộc vào Việt Nam chấp nhận những chính sách của bộ tứ đó như thế nào? Hiện tại Việt Nam vẫn giữ ở mức nhẹ nhàng, từ tốn, vì chính sách ba không của Việt Nam không muốn gắn chặt với bên nào.”

Cách nhìn những tiếp xúc Việt- Mỹ liên tục diễn ra trong năm nay giữa ông Nguyễn Thành Trung và ông Hoàng Việt cũng có sự khác nhau.
Trong tương lai quan hệ quốc phòng Việt Nam Hoa Kỳ sẽ phát triển mạnh hơn nữa.

- Thạc sĩ Hoàng Việt
Ông Hoàng Việt đánh giá cao quan hệ quốc phòng, đặc biệt chuyến thăm Việt Nam của bà Andrea Thompson:

“Việc Thứ trưởng (Ngoại giao) Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí, bà Thompson sang thăm Việt Nam, tuy nội dung làm việc chưa được tiết lộ, nhưng có khả năng là Việt Nam muốn mua sắm một số vũ khí của Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy cùng với việc trước đây khi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, và tháng ba năm nay hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ cặp bến Đà Nẵng, cho thấy trong tương lai quan hệ quốc phòng Việt Nam Hoa Kỳ sẽ phát triển mạnh hơn nữa.”

Ông Nguyễn Thành Trung xem mối quan tâm về kinh tế thương mại quan trọng hơn, đó là chuyến thăm Mỹ của ông Vương Đình Huệ vào tháng 6/2018:

“Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Mỹ cũng đã gặp ông Lighthizer, cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Hiện tôi vẫn xem kinh tế là quan trọng, kể từ cuộc viếng thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng năm năm ngoái.”

Lý do được ông Trung đưa ra là vì Việt Nam là một quốc gia thương mại, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao hơn cả tổng sản lượng quốc dân, điều đó làm Việt Nam lo âu giữa cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ Trung. Cuộc chiến thương mại này đang phá giá đồng tiền Trung Quốc, đồng tiền Việt Nam, có thể tạo nên những bất lợi quan trọng.

Tuy vậy hai ông Nguyễn Thành Trung và Hoàng Việt đều đồng ý ở điểm Việt Nam vẫn duy trì thái độ không liên minh của mình trong quan hệ với các cường quốc.

Khi được hỏi liệu quan hệ Mỹ Việt có thể sẽ dẫn đến một mối quan hệ đồng minh hay không, ông Hoàng Việt cho biết:

“Việt Nam có một chính sách quốc phòng gọi là Ba không. Chính sách này đã chính thức được luật hóa cách đây độ một tháng. Tức là Việt Nam luôn duy trì chính sách Ba không, không liên kết với một quốc gia này để chống lại một quốc gia khác, không cho một quốc gia khác lập căn cứ quân sự trên đất nước mình, … như vậy khả năng Việt Nam chính thức trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ là không có, nhưng vấn đề quan trọng là tuy không phải chính thức là đồng minh với một hiệp ước nào đó, nhưng trong thực tế, không khác gì đồng minh cả, thì cũng không sao.”

Nhận xét này khá tương đồng với nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy, dẫn lời nhà nghiên cứu người Mỹ Patrick Cronin, cho rằng Việt Nam là “đồng minh” chủ chốt của Washington trong khu vực Đông Nam Á. Ông Dy cũng cho rằng việc hoãn lại việc chuẩn thuận luật ba đặc khu của Việt Nam, mà nhiều người cho rằng có lợi cho Bắc Kinh, là một sự điều chỉnh chiến lược của Việt Nam tiếp tục đi theo hướng thân thiện với Hoa Kỳ.

Kính Hòa

Phần nhận xét hiển thị trên trang