Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

THƯ CỦA MỘT TRÍ THỨC VIỆT KIỀU VỀ ĐIỀU KHOẢN "CHO THUÊ ĐẤT 99 NĂM" TRONG DỰ LUẬT VỀ ĐẶC KHU



Trần Kiêm Đoàn


Thư gửi: Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Việt Nam


Kính thưa TS. Nguyễn Đức Kiên,


Trả lời câu hỏi : “Về vấn đề an ninh - quốc phòng, ông có lo ngại khi thời gian thuê đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm?”
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã nói:
“Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ... đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?”
Là một người Việt có song tịch (Mỹ -Việt), đã sống nửa đời ở Việt Nam và nửa đời ở Mỹ, tôi thấy có trách nhiệm góp ý với ông và các quan chức đang ở vị thế lãnh đạo trong nước nhằm làm sáng tỏ sự so sánh hời hợt và suy luận quá đơn giản của quý vị về vấn đề ở tầm mức quốc gia như thế nầy.
Khi nói đến những Khu Vực Đặc Biệt - Đặc khu (Special Zones) của một đất nước thì cần phải hiểu ngay rằng đấy là những khu vực nằm trên một quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của riêng đất nước đó. Tuyệt nhiên không có ảnh hưởng hay sự nhúng tay làm áp lực của nước ngoài bất cứ từ đâu đến. Từ năm 1934, Mỹ đã có những Đặc khu Thương mãi với Nước ngoài (Foreign Trade Zone – FTZ) và Trung Quốc mới bắt đầu thành lập các Đặc khu Kinh tế (Special Economic Zone – SEZ) từ năm 1980. Trong chiến tranh Việt Nam, miền Nam đã có những Đặc khu Quân sự như năm 1962 có Đặc khu Rừng Sát, Đặc khu Quảng Đà nhưng ở vào một vị thế và yêu cầu chiến lược cấp thời.
Các khu dân cư và buôn bán ở tại Pháp, Úc, Canada, Hoa Kỳ của các nhóm nước ngoài như Phố Tàu (China Town - Quartier Chinois)), Phố Hàn (Korean Town), Phố Việt (Little Saigon) là hoàn toàn khác với những “Đặc khu” như Ts. Kiên đã nêu ra làm ví dụ để so sánh và suy diễn với những “Đặc khu” của người Trung Quốc trên đất nước Việt Nam.
Tôi đã đi qua và đã tận mắt chứng kiến cũng như tìm hiểu trong quần chúng và chính mình nếm trải sự xa lạ, vong thân, vong quốc khi tiếp cận với những “Đặc khu” Trung Quốc tại Huế (Tân Mỹ), Đà Nẵng (Bãi biển Sơn Chà), Nha Trang (Đường Duy Tân dọc biển). Những nơi đó, người Trung Quốc đã ngang nhiên biến những mảnh đất thân yêu Việt Nam thành những “Tử cấm Thành” đại Hán của riêng họ. Họ che chắn bịt bùng như một sào huyệt riêng tư, người Việt Nam không có quyền lai vãng đến đó. Ngoài ra, những nhân sự người Trung Quốc là những kẻ mang sẵn tinh thần kiêu căng nước lớn, giàu có. Chúng nghênh ngang sẵn sàng khiêu chiến, gây sự với người Việt Nam ló mặt tới căn cứ địạ của họ. Và cũng đã có tin đồn phát tác rộng rãi trong quần chúng rằng, có những tình huống éo le và mỉa mai hơn nữa là các quan chức Việt Nam cũng bị cấm không được bước chân vào đặc khu nhượng địa của người Trung Quốc trên đất nước Việt Nam.
Trong khi đó, những khu Phố Tàu, Phố Hàn, Little Saigon… tại Hoa Kỳ và các nơi khác chỉ là một hình thức văn hóa chủng tộc trong một quốc gia hợp chủng. Nếu Ts. Nguyễn Đức Kiên dụng công tìm hiểu cẩn thận hơn thì đã không làm một sự so sánh khập khiễng và phiến diện “đau lòng dân Việt” đến như thế.
Những nơi đó không phải là một quốc gia trong một quốc gia như các Đặc khu Trung quốc trên đất nước Việt Nam hiện nay. Như khu Little Saigon lớn nhất ở Santa Ana chẳng hạn là một ví dụ điển hình phân biệt giữa cái gọi là đặc khu và khu phố thương mãi bình thường.
Toàn khu phố Little Saigòn là sở hữu của nhiều chủ nhân, nhưng địa bàn đất đai, kiến trúc là tài sản quốc gia Hoa Kỳ. Giới chủ nhân kinh doanh hay sở hữu địa ốc hầu hết là công dân Hoa Kỳ. Tất cả đều phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc gia từ thượng vàng đến hạ cám. Tiếng Anh là ngôn ngữ hành chánh chính thức (official language) mà từ một cái hóa đơn bán lẻ đến những văn tự giao dịch hàng ngày hay các văn kiện quan trọng đều phải dùng tiếng Anh. Những chủ nhân kinh doanh thương mãi hầu hết sử dụng song ngữ Anh-Việt mà tiếng Việt thì tùy nghi (optional), nhưng tiếng Anh là bắt buộc (mandatory). Không biết nói tiếng Anh thì phải dùng thông dịch viên chứ không phải như phường ú ớ chỉ biết rặt tiếng Tàu trên xứ Việt. Mọi nguyên tắc và quy trình sinh hoạt đều phải theo đúng tinh thần văn hóa, xã hội và pháp luật của Hoa Kỳ. Bất cứ một biểu hiện hay sự việc xảy ra lớn nhỏ nào đều do cơ quan an ninh Hoa Kỳ đảm trách. Mọi sự gian dối, phá rối, bạo hành, phạm pháp, tình nghi… dù ở mức độ lớn nhỏ nào đều do cơ quan công quyền xử trị tức khắc. 
Thưa Ts. Nguyễn Đức Kiên,
Là người có chút học vị, chắc ông khó có thể phủ nhận được thực trạng Việt Nam hôm nay là đang nắm trong chiến dịch “Chinh phục bằng vũ khí mềm” của Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt tại Phi Châu, Nam Mỹ và Đông Nam Á mà nước Việt Nam chúng ta đã và đang bị lún sâu vào con đường “bán nước” theo nghĩa thật, nghĩa đen, nghĩa minh xác nhất của nó. Đó là sự kiện (không còn là hiện tượng nữa) diễn ra quá rõ ràng rằng: đất nước Việt Nam, từ sông núi, biển trời tới đền đài, phố chợ… từ Bắc chí Nam đã bị bán và đang bị bán từng phần cho đạo quân vũ khí mềm Trung Quốc được trang bị và tiềm ẩn dưới nhiếu danh nghĩa khác nhau. Nghĩa là họ chở tiền chứ không phải chở xe tăng, đại bác đi chinh phục Việt Nam và thế giới nữa. Bất hạnh thay cho vận nước là đồng tiền chinh phục của Trung Quốc gặp đạo hùng binh tham nhũng Việt Nam kẻ tung người hứng thì còn chi là gia tài tổ quốc!
Hệ lụy của đất nước Việt Nam trước nạn xâm lăng của Trung Quốc còn dài. Vai trò kẻ sĩ ngày xưa hay trí thức ngày nay đã được đặt định: “Đất nước an nguy, người thường phải gánh” huống chi là thành phần trí thức và quan chức như quý ngài. Có một đại biểu trong Quốc Hội quý vị thuộc đơn vị Quảng Nam đã lên tiếng xác định với đồng viện rằng: “Có đặt vấn đề đúng, mới đưa ra cách giải quyết đúng!” Quả nhiên là vậy. Cách đặt vấn đề của Ts. Nguyễn Đức Kiên về những Đặc khu đang hiện hữu của người Tàu trên đất Việt là rõ ràng chủ quan và tùy tiện; nếu không muốn nói là mỵ dân và sai lầm. Một nhà khoa bảng giữ chức vụ trọng trách trong Quốc Hội của một nước 95 triệu dân như ông mà nhìn sự thoái trào của đất nước như là một chuyện qua đường bâng quơ và đơn giản như vậy thì làm sao tìm ra một con đường khả thi để giúp dân, giữ nước.
Đây không chỉ là sự góp ý riêng đối với trường hợp Ts. Nguyễn Đức Kiên mà là chung với các quan chức đang nằm trong vị thế lãnh đạo Việt Nam. Rằng là: Cần đặt vấn đề đúng đối với sự xâm lăng quân sự trên các vùng biển đảo đến cuộc vạn lý trường chinh bằng vũ khí mềm của Trung Quốc vào Việt Nam. Cần bạch hóa những Đặc khu nhượng địa để thế hệ con cháu mai sau không thống hận, nguyền rủa thế hệ đàn anh bất tài, tham bạo. Đất nước là đất nước chung, một thế lực có thể nhất thời giữ độc quyền cai trị; nhưng không ai là kẻ độc quyền yêu nước. Mong thay.
Đồng thời với đôi điều góp ý trên đây, tôi cũng đã viết và trình bày về nạn du lịch của du khách Trung Quốc tại Việt Nam và trên thế giới để có thêm thông tin về quan hệ nhân văn và văn hóa ứng xử của người Trung Quốc nội địa và thế giới bên ngoài trong thời hiện đại.
Là một người con dân Việt sống xa quê hương, tôi chỉ xin có đôi điều góp ý chân thành.
Xin cám ơn quý vị.
Trân trọng,
Trần Kiêm Đoàn, MSW; Ph.D
California. USA & Huế. VN
--------

* Ý kiến riêng của Trần Đức Anh Sơn:

Tôi tán thành những phân tích về nguy cơ của việc cho thuê đất 99 năm mà anh Trần Kiêm Đoàn nêu ra trên đây. 
Chúng ta không được cất tiếng tại quốc hội, thì chúng ta cần bày tỏ chính kiến của mình ở bất kỳ diễn đàn nào có thể, và dùng sự lan tỏa của MXH để tác động tới những đại biểu quốc hội vẫn đang còn lương tri, với hy vọng họ sẽ hiểu được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thấy được sự tồn vong của dân tộc, mà không bấm nút thông qua cái điều khoản "bán nước" kia trong dự luật Đặc khu sắp được quốc hội thông qua.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thưa cái đệch! ( Đúng là nhà báo ngoan, chịu )!


Nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Trần Đăng Tuấn

GIÁ VÀ PHÍ

Bây giờ chuyện giá hay phí không chỉ ở đường xá, mà đã và đang, sẽ là chuyện của trường học và bệnh viện nữa. 

Không nói chuyện chữ nghĩa nữa, mà nói thực chất GIÁ hay PHÍ. Quan điểm của tôi là thế này:

1- Thưa anh Thể

Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chẳng hạn. Nó là đường mới. Đường cũ vẫn có. Đi đường cũ không phải mua vé để bù cho đường mới. Đi đường mới phải trả khá tiền. Đắt sẽ ít người đi. Hợp lý sẽ nhiều người đi. Theo tôi nếu làm BOT hay không BOT nhưng thu phí đường theo cách như thế không ai thắc mắc.

Còn quốc lộ 1 BOT như vừa qua là vấn đề. Quốc lộ 1 không thể chỉ là GIÁ được, vì nó bao hàm trong đấy con đường trước khi sửa là của dân của nước. Phần đầu tư BOT chỉ là thêm vào thôi, và chỉ là một hợp đồng có thời hạn. Dân có quyền đòi hỏi thu phí sao cho đúng, cho hợp lý. Thêm nữa, dân đi đường cũ (không chỉ QL1) mà phải góp tiền cho đường mới thì là chuyện quái dị. Phải có sự rõ ràng mạch lạc, công minh. Phải có nhận sai và sửa sai.

2- Thưa anh Nhạ

Có các trường đại học dân lập, đại học tư hoàn toàn. Học ở đó phải trả nhiều tiền. Dân không kêu ca. Theo cách nói bây giờ là phải trả theo GIÁ bao hàm đầy đủ các chi phí của các trường đó. Bây giờ bất cứ trường đại học nào muốn thu đúng, thu đủ (như ông nói là theo luật Giá), thì hãy như các trường nói trên, tự trả hết tiền đất đai, nhà cửa, tài sản, nhân lực. Khi đó tự định học phí là bao nhiêu mà thu. Đắt thì con em nó ra nước ngoài học hết. Đó là cạnh tranh. Bên Tây họ cũng thế. 

Còn nếu trường đại học vốn là do dân do nước chắt chiu mãi mới có, rồi trên cái cơ sở ấy chuyển PHÍ thành GIÁ, đòi thu nhiều, thu đủ....thì nó lại giống như tráng nền mở rộng quốc lộ 1 rồi thu BOT.

3- Thưa chị Tiến

Bệnh viện tự lo từ A đến Z không liên quan nhà nước, giá dịch vụ thế nào không ai phản đối. Mắc quá họ ra nước ngoài hay sang viện khác chữa. Đó là cạnh tranh.

Nhưng cũng không lẫn lộn với chuyện bệnh viện do nhà nước đầu tư xây dựng lâu nay bằng tiền dân đóng góp. Nhà nước chưa thể cho dân chữa bệnh không mất tiền, nên phải thu phí - Đồng ý. Nhưng phí đó thành GIÁ thì không đồng ý. Nếu là GIÁ - hãy tự xây bệnh viện hay trung tâm khác và hạch toán tất tần tật vào kinh doanh chữa bệnh. Chuyển bệnh viện công sang thành bệnh viên tư cũng được. Nhưng phải mua lại, trả tiền cho nhà nước có thể đầu tư cho các bệnh viện công còn lại.

4- Với cả ba Anh Chị Bộ trưởng:

Tôi đồng ý các anh chị tính hết thành GIÁ.

Nhưng để thu đúng theo GIÁ, ai muốn thu hãy đầu tư cái giá trị mới bằng tiền của mình, không dựa vào cái tài sản chung của dân đã tích luỹ lâu nay làm nền như nền đường quốc lộ 1 thành đường BOT. 

Nếu dựa vào nền đường cũ, thì phải là PHÍ. Nếu cơ sở vật chất và dạy và học có trước do công quỹ, thì là PHÍ. Nếu cơ sở vật chất khám chữa bệnh xuất phát là tiền công, thì là PHÍ.

Còn nếu định giá để kinh doanh giao thông, giáo dục, y tế - OK. Nhưng đừng nhập nhằng lẫn vào cái của dân của nước đã làm ra.

Tóm lại, hãy phân minh chỗ nào là PHÍ, chỗ nào là GIÁ. Chỗ nào là phúc lợi. Chỗ nào là kinh doanh. Không nạc mỡ lẫn lộn. Không diễn biến hoà bình từ PHÍ sang GIÁ.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hèn ngu phải chịu thui!

Nhật Bản là thế? Việt Nam là thế?
Blog Kim Dung - Tác giả: NQT. Sự hưng thịnh của nước Nhật không chỉ bởi Minh Trị Thiên Hoàng hay Fukuzawa Yukichi mà bởi tất cả những người Nhật bình thường nhưng được “mở mắt” bởi tư tưởng khai minh, khai sáng trong giáo dục của Fukuzawa Yukichi và sự khoáng đạt của Minh Trị Thiên Hoàng. Đó là sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật, giữa Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi từ 150 năm trước đến nay.
KD: Bạn bè gửi cho những lời nhận xét này của NQT- người vừa đọc xong cuốn “Khái lược văn minh luận”- thấy vừa hay vừa ngắn gọn, một cách nhìn riêng so sánh về nhận thức, tư duy và giải pháp (con đường đi), lý giải vì sao nước Nhật thành công, trở thành một trong những cường quốc, và VN đến giờ vẫn loay hoay lúng túng tìm đường phát triển? Có câu “Gieo tính cách (đường lối, chính sách)- gặt số phận”. Số phận dân tộc nào vẫn do chính những người cầm đầu có trách nhiệm quyết định.

Title bài, chủ Blog xin đặt

——————–
“Đang đọc cuốn “Khái lược văn minh luận” của Fukuzawa Yukichi – nhà giáo dục học, nhà canh tân của nước Nhật thời Minh Trị Thiên Hoàng, ngang thời với Nguyễn Trường Tộ. Cuốn sách vừa được dịch nhân kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân nước Nhật. Mua từ trước lúc sửa nhà mà bây giờ mới đọc. Trước đã đọc một số tác phẩm của ông ta nhưng cuốn này quá hay nên đọc một mạch.

Hồi nhỏ, vẫn nghĩ Fukuzawa Yukichi của Nhật và Nguyễn Trường Tộ của Việt Nam có những tư tưởng tương đồng, nước Nhật lúc đó còn nát hơn Việt Nam do tình trạng cát cứ. Thế mà chỉ vài chục năm, Nhật thành hùng cường mà Việt Nam thì không? Càng lớn (và càng già?) có lẽ càng hiểu dần. Theo mình đây là các lý do: 

1. Người Nhật ham đọc sách hơn người mình. Trong khi người mình cam phận, chỉ quan tâm đến những gì thường nhật thì người bình dân Nhật quan tâm rộng hơn. Lúc bấy giờ dân Nhật chỉ có 35 triệu mà lần xuất bản đầu tiên cuốn “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi đã bán ra được tới 3,4 triệu cuốn (khoảng hơn 10 người mua 1 cuốn). Điều này cũng có nghĩa đương thời tỉ lệ người Nhật biết chữ cao hơn Việt Nam. Từ đó đến nay cuốn này tái bản đến gần trăm lần. Các cuốn sách khác của ông ta cũng tương tự như thế.
.
2) Nguyễn Trường Tộ chỉ mải mê viết các bản điều trần cho nhà vua. Trong khi đó Fukuzawa Yukichi tìm cách làm cho cả người bình dân Nhật hiểu sự lạc hậu của đất nước mình, hiểu được thế nào là văn minh. Trong khi Nguyễn Trường Tộ chỉ điều trần với nhà vua về việc thay đổi việc học thì Fukuzawa Yukichi không chỉ điêù trần mà còn vận động thành lập Trường Keiō-gijuku (Khánh Ứng Nghĩa Thục) về sau trở thành trường đại học hiện đại đầu tiên và cho đến nay vẫn là một trong những trường đại học uy tín hàng đầu, nơi đào tạo nhiều nhân tài cho nước Nhật. 
.
3) Trong khi Nguyễn Trường Tộ thấy việc canh tân bắt đầu từ nhà vua thì Fukuzawa Yukichi cho rằng nước Nhật muốn độc lập thì mỗi người dân Nhật phải có tư duy độc lập. Vì vậy dù cả hai đều hiểu vai trò cốt tử của giáo dục, nhưng tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi không chỉ là dạy cho người ta kiến thức hiện đại của Phương Tây mà dạy cho họ có tư duy phê phán, độc lập trong suy nghĩ. 
.
4) Trong khi Nguyễn Trường Tộ chỉ biết đến những ưu việt của văn minh Phương Tây thì Fukuzawa Yukichi với cuốn “Thoát Á Luận” kêu gọi rũ bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, học tập Phương Tây nhưng giữ bản sắc riêng của người Nhật. 
.
5) Trong khi Nguyễn Trường Tộ chỉ nghĩ đến các cải cách về giáo dục, kinh tế, kỹ thuật,… thì Fukuzawa ngoài các điều trên còn tìm hiểu thể chế của các nước Phương Tây (đặc biệt là Anh). Chính vì vậy, trong khi Việt Nam vẫn duy trì chế độ quân chủ thì Nhật Bản chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến, tuy vẫn có vua nhưng là xã hội hoạt động theo Hiến pháp và Pháp luật.
.

6) Không chỉ các sách của Fukuzawa Yukichi được người Nhật say mê đọc mà trong vài chục năm nước Nhật mua và dịch rất nhiều tác phẩm quan trọng trong kho tàng văn minh nhân loại. Người ta gọi đó là “một cuộc dịch thuật vĩ đại” của người Nhật. 
.
Tóm lại sự hưng thịnh của nước Nhật không chỉ bởi Minh Trị Thiên Hoàng hay Fukuzawa Yukichi mà bởi tất cả những người Nhật bình thường nhưng được “mở mắt” bởi tư tưởng khai minh, khai sáng trong giáo dục của Fukuzawa Yukichi và sự khoáng đạt của Minh Trị Thiên Hoàng. Đó là sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật, giữa Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi từ 150 năm trước đến nay.
—————-
Đọc thêm:

‘Khái lược văn minh luận’ – nền tảng lý luận để Nhật thoát nghèo thành cường quốc

Tác giả: Linh Lan

——————
Fukuzawa Yukichi – nhà tư tưởng khai sáng Nhật Bản thời kỳ Duy tân – vạch ra những điều quan trọng để dân tộc Nhật vươn lên hàng cường quốc.

Ra mắt bộ sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân

Thoát Á, Phúc Ông tự truyện, Khái lược văn minh luận, Khuyến học, Minh Trị Duy tân, Nhật Bản chuyển mình… là những từ khóa liên quan tới một người được coi là “người Cha” của Nhật Bản hiện đại – Fukuzawa Yukichi. Ông là nhà tư tưởng của công cuộc Duy tân Minh Trị, người suốt cuộc đời viết sách, dịch sách, làm báo, lập trường dạy học chỉ nhằm tập trung khai sáng đất nước và con người Nhật Bản, hướng tới văn minh phương Tây.

Khái lược văn minh luận là cuốn sách quan trọng của Fukuzawa Yukichi. Tác phẩm được xem là nền tảng làm thay đổi thế giới quan của người Nhật, lúc đó vẫn còn tư duy theo lối thủ cựu Nho giáo. Sách có 10 chương, được chia làm sáu quyển kèm theo hai phần phụ lục nhỏ với văn phong sáng rõ, giản dị.

Bìa sách “Khái lược văn minh luận”. Sách dày hơn 400 trang, khổ 14×20,5 cm.

Từ chương một đến chương ba, sách bàn về cơ sở lý luận của việc thiết lập cho phương pháp tiến tới văn minh, đặt nền tảng cho việc hiểu về cách tiếp cận thế giới văn minh cũng như xác định lấy văn minh làm trọng tâm, mục tiêu phấn đấu. Tác giả bàn về bản chất của văn minh qua hai khía cạnh: hình thức bên ngoài dễ thấy, bản chất bên trong thì không thể chỉ ra rõ ràng.

Chương bốn và năm bàn sâu về tri thức và đạo đức của người dân một nước, mối tương quan tới môi trường của một nước, và mỗi cá nhân trong đất nước đó. Nếu nước đó là văn minh, tiến bộ thì dù người dân có chút khiếm khuyết thiệt thòi về trí lực, trí tuệ vẫn có thể phát triển tối đa khả năng của mình và được hưởng lợi từ nền văn minh đó. Ngược lại, dù người có trí lực, đạo đức vẹn toàn nhưng sinh ra ở tại một nước chưa phát triển hay đang phát triển, thế nào cũng có những hạn chế nhất định trong việc bộc lộ hết khả năng bản thân. Điều này cho tới ngày nay vẫn còn rất đúng đắn và thực tiễn.

Ở chương sáu và bảy, tác giả bàn về tri (tri thức) và đức (đạo đức) và mối quan hệ của chúng với sự phát triển nhân cách, trí lực của một người. Một người có trí tuệ siêu việt nhưng không có đức độ, khó trở thành một người giỏi giang có thể giúp mình, giúp đời, và đôi khi còn ngược lại. Cũng như thế, một người có trí lực dồi dào trong việc nghiên cứu kinh bang tế thế, đi rao giảng khắp thiên hạ nhưng lại không thể nào lo liệu ổn thỏa cho gia đình nhỏ của mình, cũng không thể nào hoàn hảo được. Những ví dụ điển hình kiểu như vậy trong chương này rất nhiều và đa dạng. Từ phân tích về đức, trí mà tác giả bày tỏ những bàn luận về Thần, Nho, Đạo, Phật, Chúa… cũng như cách nhìn nhận của ông về một mẫu người có thể đóng góp công trạng để hoàn thành mục tiêu cho cuộc đời mình và góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Fukuzawa Yukichi (1835 – 1901) được coi là nhà tư tưởng trong cuộc “canh tân” thời Minh Trị biến Nhật Bản từ quốc gia lạc hậu và cô lập trở thành cường quốc.

Trong chương tám và chín, tác giả bàn luận và nhận định về nguồn gốc văn minh phương Tây và Nhật Bản. Ở phần nhận định về văn minh phương Tây, tác giả nêu ra sự ảnh hưởng của Giáo hội Thiên chúa giáo với xã hội phương Tây, nguồn gốc của chính quyền dân chủ, chế độ quân chủ, tinh thần độc lập tự do của phương Tây, tới những cuộc cải cách tôn giáo và những dấu hiệu của văn minh… Phần này là tóm tắt của sách Lịch sử văn minh châu Âu của Francois Guizot được xuất bản tại Nhật Bản vào năm 1829, và tác giả đọc ấn bản năm 1842.

Phần nhận định về nguồn gốc văn minh Nhật Bản, ngoài việc nêu ra cơ bản những đặc tính của văn minh Nhật Bản, Fukuzawa Yukichi còn nêu bật những khác biệt to lớn giữa hai nền văn minh này, từ đó chỉ ra những điểm yếu của văn minh Nhật Bản khi muốn phát triển. Tác giả nêu ra một nhận định về Nhật Bản đáng quan tâm, đó là: “Học vấn không có quyền lực mà chỉ tiếp tay cho chuyên chế”, tức là học vấn chỉ dành cho một tầng lớp trên, dân chúng không được tiếp cận. Ngoài ra, phương Tây chú trọng học vấn ở mặt thực nghiệm và phổ biến cho toàn dân từ đó khiến cả xã hội được phát triển. Ngược lại, học vấn ở phương Đông chỉ dùng cho chính quyền, cho vua quan, tầng lớp trên. Thế nên, tuy Nhật Bản giàu có về tài nguyên, sản vật, người dân lại thiếu tri thức khôn ngoan để quản lý và khai thác tài nguyên đó.

Từ những nhận định trên, tác giả kết thúc cuốn sách bằng việc bàn luận về nền độc lập của dân tộc Nhật Bản. Ai ai cũng lo lắng cho vận mệnh của đất nước nhưng chưa có giải pháp nào hữu hiệu cả trong bối cảnh các nước phương Tây hùng mạnh, và các nước xung quanh khu vực của Nhật đều bị nước ngoài lăm le, đe dọa và đã bị chiếm đóng như Ấn Độ, Trung Quốc… Để có được độc lập, con đường đi không phải là co vào vỏ ốc, mà là vượt qua gian khó giao tế được với nước ngoài, mở rộng tri thức, hiểu biết, phát triển giao thương với họ, từ đó xây dựng độc lập bằng cách tiến lên văn minh.

Muốn tác phẩm của mình phổ biến rộng rãi, Fukuzawa dùng văn phong sáng rõ và giản dị nhưng không kém phần sâu sắc. Ngoài ra, sách còn có hai phần phụ lục, bài Thoát Á luận của Fukuzawa và Những lời dạy thường ngày của ông dành cho các con. Thoát Á luận do Nguyễn Đức Hùng dịch từ năm 2005, cơ bản nêu lên sự khẳng định của Fukuzawa rằng con sóng văn minh phương Tây tràn đến khắp hang cùng ngõ hẻm của thế giới và Nhật Bản nên tiếp nhận cũng như lợi dụng điều này để phát triển. Từ quan điểm này, Fukuzawa chủ trương “Thoát Á”. Sau khi nêu ra vị trí địa lý của Nhật Bản ở gần Trung Quốc, Triều Tiên, chịu ảnh hưởng của nền Nho học trì trệ, kém phát triển, dẫn tới việc Nhật Bản kẹp giữa hai nước láng giềng đó. Về cơ bản, ông nhận định nếu Nhật Bản không tìm cách vượt lên, sẽ cùng chung số phận cay đắng bị chia năm xẻ bảy như hai nước trên. Fukuzawa cho rằng tốt nhất Nhật Bản nên tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây.

Phụ lục thứ hai là những lời dạy của Fukuzawa dành cho các con, gồm chín điều ghi nhớ và 15 lời dạy. Phần này rất ngắn nhưng cho thấy Fukuzawa coi trọng giáo dục tư chất đạo đức trong sáng, lành mạnh, coi trọng sự khác biệt, đề cao việc đọc sách, tự lực, tự học, tự vươn lên cho các con mình. Những lời dạy còn hé lộ một cốt cách khiêm cung, giản dị với trái tim trong sáng, thương yêu gia đình và mọi người, trọng các giá trị gia đình. Fukuzawa là một người rất Nhật Bản dù cả đời hướng tới và vận động cả nước Nhật hướng tới văn minh phương Tây.

Sau 150 năm gạn đục khơi trong và phát triển, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc, vượt xa những nước láng giềng Á châu về mức độ phát triển cả về kinh tế, xã hội và văn minh. Tinh thần ham học hỏi điều mới lạ và tốt đẹp của thế giới vẫn không ngừng ở dân tộc Nhật Bản. Điều Fukuzawa mong muốn – Nhật Bản sẽ hướng tới để trở thành một quốc gia văn minh – đã thành hiện thực từ lâu. Hơn thế nữa, Nhật Bản không chỉ học hỏi thế giới mà còn quay trở lại gìn giữ những giá trị truyền thống lâu đời của họ, tiếp thu văn minh nhân loại nhưng cũng đồng thời gìn giữ và phát triển tiếp những giá trị truyền thống kiến tạo nên khí chất, tinh thần người Nhật hiện đại.

https://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/diem-sach/khai-luoc-van-minh-luan-nen-tang-ly-luan-de-nhat-thoat-ngheo-thanh-cuong-quoc-3722688.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không ở đâu, người dân cô đơn như ở Việt Nam

Người dân thấp cổ, bé họng ở các dự án nhiệt điện ở miền Trung
Chua chát nhớ ra là, đến Quốc hội, nơi được gọi là cơ quan quyền lực cao nhất, nơi đại biểu đáng ra phải nói lên tiếng nói của dân mà cũng đầy loại nghị gật, nghị ăn theo nói leo, nghị xoa xuýt theo chính sách, nghị ăn hại với những phát ngôn vừa ngu xuẩn vừa vô tâm như Nguyễn Đức Kiên thì hy vọng gì. Không ở đâu, người dân cô đơn như ở Việt Nam. Câu chuyện của cặp vợ chồng này chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện tương tự chúng tôi đã gặp ở những khu tái định cư của những dự án nhiệt điện ở mấy tỉnh miền Trung.

Vợ chồng anh Minh, chị Thuận trước ngôi nhà ở khu tái định cư của họ. Ảnh: Đoàn Bảo Châu. Phan Quang Minh, 37 tuổi, từng là một ngư dân còn vợ của anh là Đỗ Thị Thuận, 35 tuổi từng làm muối trên cánh đồng của gia đình. Để có đất cho dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1, xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá, họ phải di dời đến khu tái định cư cách nơi ở cũ 20 cây số, nơi họ không thể tiếp tục làm nghề truyền thống của gia đình.

Bố của anh Minh cũng là một ngư dân và hai bố con thường đi đánh cá trên con thuyền bé của nhà. Để xây nhà trên khu tái định cư, họ phải vay thêm tiền ngân hàng. Nhà xây xong nhưng từ đấy cuộc sống của họ đi theo một lối rẽ khác. Minh đi làm thợ phụ trong những công trình xây dựng, công việc thất thường và bản thân anh cũng không có chuyên môn xây dựng nên thu nhập thấp. Vợ anh phải vào tp HCM bán vé số. Hai con để ở nhà ông bà nội nuôi và đưa đón các cháu đi học. Khu tái định cư rất xa trường học của các cháu và việc một người cả đời sống với biển như bố của Minh giờ phải loanh quanh ở nhà, chỉ đưa đón các cháu đi học bằng xe máy là một điều khó khăn.

Cách đây một tuần, bố của Minh đã thiệt mạng trong một tai nạn giao thông trên đường về nhà sau khi đưa cháu nội đến trường. Chị Thuận, vợ của anh phải về nhà làm đám cho bố chồng.

Chuyến đi của chúng tôi chỉ lướt qua 4 tỉnh miền Trung để có được cái nhìn tổng quan về những dự án nhiệt điện nên không có thời gian nhiều cho những cuộc phỏng vấn. Nhưng điều nổi lên rõ nhất là sự thiệt thòi đến phi lý của những người dân thuộc diện di dời của những dự án. Sự ô nhiễm môi trường của những người phải sống sát với những dự án nhiệt điện.

Có nơi, chính quyền địa phương dùng đủ mọi cách để bứng người dân ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thuyết phục chấp nhận giá tiền đền bù, doạ nạt đuổi việc người làm trong nhà nước nếu gia đình không chấp nhận ra đi. Sự căng thẳng bắt đầu ngay từ khi khởi công giống như với dự án nhiệt điện Quỳnh Lập, Nghệ An, khi khởi công đã phải huy động tới 600 công an để phòng sự chống đối của người dân.

Đành rằng sự phát triển cần sự đánh đổi, nhưng không thể bắt một số ít người dân phải hy sinh như thế được. Với những dự án lớn như các khu công nghiệp, các nhà máy nhiệt điện thì ngân sách thu về hoàn toàn có thể được dùng để đền bù thoả đáng giá trị nhà cửa, đất đai của người dân, dạy nghề mới cho họ đến khi thành nghề để có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tôi có hỏi chính quyền xã là các anh có nêu khó khăn của người dân lên trên không, họ lắc đầu bảo thấp cổ bé họng thì bên trên đâu có nghe. Tôi bảo “con có khóc thì mẹ mới cho bú”, các anh không nói, không đấu tranh thì bên trên biết làm sao được?

Hỏi xong thì mới chua chát nhớ ra là, đến Quốc hội, nơi được gọi là cơ quan quyền lực cao nhất, nơi đại biểu đáng ra phải nói lên tiếng nói của dân mà cũng đầy loại nghị gật, nghị ăn theo nói leo, nghị xoa xuýt theo chính sách, nghị ăn hại với những phát ngôn vừa ngu xuẩn vừa vô tâm như Nguyễn Đức Kiên thì hy vọng gì. Không ở đâu, người dân cô đơn như ở Việt Nam.

Cùng với anh Minh, chị Thuận thì nhiều cặp gia đình gần đấy cũng có hoàn cảnh tương tự. Cũng là chồng làm việc vặt vãnh kiếm tiền từng ngày, vợ vào Nam bán vé số. Rõ ràng là sự yên ổn trong cuộc sống của họ đã bị cướp đi bởi những người làm dự án, những người có đầu để nghĩ đến lợi nhuận của dự án mang lại nhưng lại thiếu hẳn con tim mang sự thương cảm bình thường nhất với những người dân chịu thiệt thòi.

“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” hay “Đem con bỏ chợ” ấy là cách làm chung của các dự án ở Việt Nam và nói cho đúng thì đấy là cách làm vô nhân đạo, tàn nhẫn của kẻ cướp.

Tôi biết rằng, nói về những điều này thì cũng chỉ như “ném đá ao bèo”, như “nước đổ đầu vịt” và tiếng nói của một phóng viên thì cũng chỉ như tiếng chiêm chiếp của gà con, nhưng không nói thì lòng ấm ức, nhưng đến bao giờ thì lòng mới khỏi ấm ức đây?


Châu Đoàn
FB Châu Đoàn



Phần nhận xét hiển thị trên trang

CAO ĐÔNG KHÁNH – “LỬA NGOÀI GIỚI HẠN“ CHÁY KHÔNG TẠ TỪ








Không có văn bản thay thế tự động nào.











(Bài viết tặng nhà văn Trần Hoài Thư và Thư Quán Bản Thảo)
Cũng như nhà thơ Trần Trung Đạo, nếu không có biến cố 30-4-1975, và không có những con thuyền lá tre kia, cố lao đi để tìm sự sống thật mong manh trong cái mênh mông của biển cả, giông tố của đất trời, thì chắc chắn chúng ta sẽ không có một nhà thơ dân dã Cao Đông Khánh. Những cơn mưa nguồn, gió bể ấy như nhát dao chém nát hồn ông. Để rồi từ những vết thương không bao giờ thành sẹo ấy, ứa trào ra hồn thơ quằn quại của kiếp tha hương. Thơ Cao Đông Khánh xuất hiện muộn, nhưng đúng vào thời khắc xoay vần đảo điên của đất nước, và con người. Ông là một trong những gương mặt tiểu biểu nhất về ngôn ngữ thi ca Nam Bộ, với chất giọng riêng biệt của mình.
Nhà thơ Cao Đông Khánh tên đầy đủ Cao Đồng Khánh, sinh năm 1941 tại An Phú Đông, Gia Định. Ông từng là người lính Việt Nam Cộng Hòa, năm 1964 bị thương, và mất một con mắt. Giải ngũ, Cao Đông Khánh được du học ở Hoa Kỳ. Sau năm 1975, ông bị bắt tù cải tạo. Ra tù năm 1979, ông vượt biển và định cư tại Hoa kỳ. Cao Đông Khánh bị bệnh, và mất vào ngày 12/12 năm 2000 tại Houston.
Thật ra, ngay từ thuở học trò, và những năm tháng du học Cao Đông Khánh đã đến với thơ, nhưng không để lại dấu ấn. Nó đã gây cho ông chán chường, tưởng rằng sẽ đoạn tuyệt với thi ca. Bởi, lúc đó có lẽ, ông thực sự chưa có giọng thơ, chưa tìm ra con đường riêng cho mình chăng? Do vậy, đánh giá thơ văn Cao Đông Khánh, dường như chỉ có thể dựa vào hai thi phẩm: Lịch sử tình yêu in năm 1981 và Lửa đốt ngoài giới hạn ấn hành năm 1996. Hai thi tập này, được ông viết trong khoảng hai mươi năm, kể từ sau biến cố 1975, cho đến những năm gần cuối đời. Tuy nhiên, hầu như những bài thơ trong tập Lịch sử tình yêu, đều được in lại trong thi tập Lửa ngoài giới hạn. Cho nên, Lửa ngoài giới hạn, như một tuyển tập, được gói gọn trong mười lăm chương là thi tập quan trọng nhất về sự nghiệp sáng tạo, cũng như diễn biến tâm lý, tư tưởng Cao Đông Khánh.
Nếu đọc Cao Đông Khánh một cách hời hợt, thoảng qua, thì ta cứ ngỡ đó là những câu thơ tình hoặc lời tự sự rong chơi bông phèng. Nhưng đọc thật chậm mới (cảm) nghiệm ra hồn thơ ông luôn gắn liền với xã hội, và thân phận con người. Do vậy, bác nào ít có thời gian, hoặc nóng vội không nên đọc thơ Cao Đông Khánh, dù từ ngữ ấy rất dân dã.
Thật vậy, Sàigòn Rồng Bay Phượng Múa là một bức tranh thất ngôn thơ rất lạ, và sinh động về bối cảnh, thực trạng của Sài Gòn, và cả miền Nam sau biến cố 1975. Xua đuổi dân lên rừng, khai hoang làm kinh tế, với sự cấm chợ ngăn sông, đốt, phá hủy văn hóa và khoa học: “Sàigòn mọc cỏ dại trên nóc cao ốc/ rêu mốc ẩm thấp/ trên trí tuệ của thành phố thấm xuống chân tay/ nấu phụ tùng điện tử, thụt ống khói lò rèn/ chế tạo cuốc xẻng đào xới tương lai“. Nó làm cho cuộc sống, đạo đức con người đảo lộn tùng phèo. Và lao ra biển là con đường duy nhất để tìm ra sự sống của con người:
“sàigòn, chợ lớn như mưa chớp
nát cả trùng dương một khắc thôi
chim én bay ngang về xóm chiếu
nước ròng ngọt át giọng hàng rong
hỡi ơi con bạn hàng xuôi ngược
trái cây quốc cấm giấu trong lòng
hỏi thăm cho biết đường ra biển
nước lớn khi nào tới cửa sông
sàigòn khánh hội gió trai lơ
khi ấy còn tơ gái núi về
đào kép cải lương say tứ chiếng
ngã tư quốc tế đứng xàng xê…“
Biến cố 30-4-1975, rồi năm tháng tù đày và hải tặc nơi địa ngục trần gian của những ngày vượt biển trốn chạy, đã làm Cao Đông Khánh bị ám ảnh, thần kinh luôn bị kích động cao độ. Khi tâm trạng, thần kinh bị kích động như vậy, thì dường như hồn ông đã thoát, tách rời khỏi thế giới hiện hữu xung quanh. Và để giảm bớt hoảng loạn, nỗi đau đó, chỉ có rượu và thơ mới có thể giải phẫu căn bệnh tâm lý đó. Sự chấn động tâm lý này, ít nhiều ta bắt gặp ở những nhà văn xuất thân từ người lính, tù nhân, như: Tô Thùy Yên, Nguyễn Bắc Sơn hay người lính phía Bắc: Bảo Ninh, Lưu Quang Vũ…Do vậy, từ ngữ, hình ảnh thơ Cao Đông Khánh dường như không theo một qui tắc, hoặc được cho là cấm kỵ trong thơ văn, từ trước đến nay. Nếu ta đã bắt gặp những khẩu ngữ hiện thực chua cay trong thơ của Nguyễn Bắc Sơn: “ Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui…“ thì đọc Cao Đông Khánh những từ ngữ trong cơn ám ảnh lên đồng ấy còn táo bạo, kỵ húy hơn gấp nhiều lần. Âu đó cũng là một nét đặc trưng riêng biệt thơ Cao Đông Khánh. Và Hạt Kim Cương Di Tản là một trong những bài thơ điển hình như vậy của ông:
“một người ngồi hát trong trại tỵ nạn
những vết muỗi đỏ trên thân thể nàng
những chỗ rối rắm những chỗ chí rận
giấu trong chỗ kín một hạt kim cương
một hạt kim cương lọt vô tử cung
những cuộc bạo dâm đứt giây trí nhớ
cây lá một ngày trổ trái héo hon
đứa trẻ sơ sinh dính đầy cát bụi.“
Có thể nói, nếu không phải là nạn nhân, một chứng nhân sống thì Cao Đông Khánh không thể viết ra những câu thơ xé ruột bầm gan đến vậy. Đã đọc rất nhiều thơ, văn cùng chung đề tài, nhưng chưa có bài thơ nào làm tôi xúc động bằng: Mẩu đối thoại ở Hoa Thịnh Đốn của Cao Đông Khánh. Nghịch lý hiện thực đắng cay ấy, để em: “Khuôn mặt đóng rêu trên đường nước mắt chảy/ Em sống ngoại ô của chỗ văn minh“. Nỗi đau ấy, chẳng phải riêng em, mà nó là thân phận chung của cả một dân tộc đang bị đọa đày vậy. Bài thơ như một bản cáo trạng của Cao Đông Khánh, khi ông vừa từ cõi tử thần đặt chân tới Hoa Kỳ:
"... em nói, chồng em chết tù cải tạo
những đứa con ngọc ngà chết ở biển đông
còn đứa trẻ khôi ngô này, sinh ở trại tị nạn
cha nó đang làm hải tặc Thái lan..."
Nếu không có nỗi đau đầu đời, cùng những biến động đảo điên của xã hội và con người, thì có lẽ Cao Đông Khánh chỉ dừng lại với cái nghiệp vẽ của mình. Bởi lẽ đó, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của nhà văn Trần Hoài Thư, khi chiến tranh đã cướp đi một con mắt, cái cửa sổ linh hồn ấy khép lại, thì nó mở ra trong thơ Cao Đông Khánh với những gì đắng cay và thiết tha nhất. Nỗi yêu thương, sự cảm thông này càng đậm sâu, sau những ngày tháng 4/1975. Sự đắng cay, và cảm thông ấy, ta có thể thấy rất rõ qua bài: Uẩn Tình Kẻ Xa Xứ. Có thể nói, đây là bài có lời thơ đẹp nhất, mà tôi được đọc trong thời gian gần đây. Cái sự cảm thông mang một chút dằn vặt, bất lực của Cao Đông Khánh trước số phận hẩm hưu và cay đắng của em, làm cho người đọc cay cay nơi khóe mắt:
“em đạp xe mini trời gió mềm trong áo
thành phố bập bềnh trôi giữa nắng mênh mông
sợi tóc chẻ hai gần đường xích đạo
vạt áo sau lưng khép hở Saigon
------
em hãy kể tôi như trái cây lột vỏ
để quá đêm ngày hôi gió thịt xương tôi
như gái tỉnh lẻ thất thân nơi thị trấn
lỡ một lần lỡ thêm nữa chẳng sao…“
Dường như, khi tâm trạng hưng phấn, kích động, Cao Đông Khánh tìm đến cây viết. Nỗi ám ảnh ấy vuột ra như dòng chảy tự nhiên vậy. Nên đọc Cao Đông Khánh, nếu không đặt mình vào hoàn cảnh tâm trạng của nhà thơ, thì quả thật từ ngữ trong thơ rất khó hiểu, có khi vô nghĩa. Và đoạn trích dưới đây trong bài Sàigòn Rồng Bay Phượng Múa sẽ là một minh chứng. Ba câu thơ đầu, với những khẩu ngữ rất dân dã, mang đặc tính Nam Bộ. Nó cho ta thấy, không chỉ tên phố, tên người đã bị thay tên đổi họ, mà cả thành phố này cũng đã bị đổi chủ, sang tên. Sự quên tên, lạc phố ấy chỉ là cái cớ để người thi sĩ bộc lộ cái sự cô đơn, lạc lõng của mình. Và chẳng có nỗi đau nào hơn thế nữa, khi con người phải lưu lạc chính trên quê hương mình. Ba câu thơ cuối có những hình ảnh khá trừu tượng, nếu tách rời sẽ vô nghĩa, nhưng nằm trong tổng thể đoạn thơ, và bài thơ thì rất hay. Dường như, nó cho người đọc tìm lại, liên tưởng đến một chút hương xưa trong khung cảnh, và tâm trạng nặng nề của thi nhân vậy:
“Sàigòn Phú Nhuận nhớ không nổi
có ngả nào qua khám Chí Hoà
hỏi thăm quên mất tên thằng bạn
như lá trên rừng đang chuyển mưa
trận mây đồng phục nặng như thép
ửng chút đời xưa rạng chỗ ngồi“
Tuy nhiên, khi đi sâu vào đọc Cao Đông Khánh đã cho tôi nhiều điều ngạc nhiên khác. Những thể thơ lục bát, thất ngôn, bát ngôn, hoặc thơ không vần của ông lại rất chu chỉnh, và giàu hình ảnh. Sự tìm tòi hoán đổi, hoặc tạo ra những từ mang nghĩa mới, tính chất khác bằng cách ghép các danh, tính từ…là tài năng nghệ thuật sáng tạo của nhà thơ Cao Đông Khánh. Thật vậy, để miêu tả đoạn trường thống khổ của người thiếu phụ, cùng với sự cảm thông của mình, trong bài Mẩu đối thoại ở Hoa Thịnh Đốn, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật ghép danh từ (khuôn mặt) với tính từ (đóng rêu- mọc rêu) làm cho câu thơ mang hình ảnh so sánh ẩn dụ hay một cách lạ lùng: “Khuôn mặt đóng rêu trên đường nước mắt chảy/ Em sống ngoại ô của chỗ văn minh“.
Đến với lục bát, ta có thể thấy Cao Đông Khánh dụng công làm mới bằng nghệ thuật vắt dòng, ngắt nhịp. Ông viết lục bát không nhiều, nhưng từ ngữ trau chuốt, mượt mà khác hẳn với sự gân guốc ở thể thơ khác. Đoạn trích trong bài thơ Tự Tình dưới đây, không chỉ cho ta thấy được sự ám ảnh của những ngày vượt biển trốn chạy tang thương ấy trong linh hồn Cao Đông Khánh, mà còn thấy được tài năng làm mới, cũng như hình tượng nghệ thuật thơ lục bát của ông:
“Tôi trồng giữa biển cây đa
Để em dựng miếu cất nhà nghỉ chân
Tôi còn hát nhạc Trịnh Công
Sơn, cung ngôn ngữ con khuông bổng trầm“
Thơ (văn xuôi) không vần xuất hiện ở Việt Nam đã non một thế kỷ. Từ Phan Khôi, Tương Phố cho đến nay, dường như chưa có nhà thơ nào thành công ở thể loại này. Cao Đông Khánh viết khá nhiều thơ không vần. Có lẽ, cái đặc tính khoáng đạt, mãnh liệt của thơ hợp với tâm trạng ông chăng? Tuy không thể nói là thành công, nhưng thơ không vần của Cao Đông Khánh có nhiều bài, đoạn khá tinh tế, với lối so sánh ẩn dụ độc đáo. Thành thật mà nói, nếu đặt những đoạn thơ văn xuôi này bên cạnh những bài thơ khác của Cao Đông Khánh, có lẽ không ai nghĩ, cùng một người viết ra:
« Hắn nhìn thấy ở đôi mắt nàng. Đôi mắt bốn mùa mưa gió ôn hòa cho hoa quả bình yên trên cây cao bóng mát lộng dưới một dòng sông yểu điệu bắt nguồn tự giây phút khởi sự như một bài thơ hay một nét phác họa về những mộng mị dài lâu…(Và)… Em xinh đẹp như sự im lặng. Im lặng chỉ có đôi mắt em. Im lặng chỉ có đôi môi em. Im lặng chỉ có ánh nồng của tóc. Im lặng chỉ có thân thể em trong chỗ không có phong cảnh. Và đen và màu sắc. Hợp lại thành câu hát một đời người trên nền tảng của em xinh đẹp như sự im lặng ánh sáng tạo được để em cầm đuốc bước ra làm lực sĩ nhan sắc. » ( Lửa đốt ngoài giới hạn, trang 281-284)
Trong văn học sử Việt Nam, có lẽ không có ai viết nhiều, viết lâu đến hai mươi năm chủ yếu về đề tài vượt biển và thân phận con người, cùng nỗi nhớ nhà, nhớ quê như Cao Đông Khánh. Sự biến đổi tâm lý trong hai mươi năm ấy, in đậm nét trên những trang viết của ông. Tuy nhiên, dù có biến chuyển tâm lý như thế nào đi chăng nữa, thì tư tưởng nhất quán trong Cao Đông Khánh vẫn là: « Bởi tôi không phải/ thằng Mỹ gốc Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa/ I love you – thuần chất Việt Nam/ Trả hết ân oán cho bọn mê đồ tình tự « . Chính vì vậy, nỗi đau đớn và nhớ thương luôn thường trực trong lòng người thi sĩ. Dẫu biết rằng, tên đã đổi, chủ đã thay. Đọc Thế giới trong, ngoài, một bài thơ gói trọn nỗi cô đơn khắc khoải đó của Cao Đông Khánh, quả thực không ai không khỏi bùi ngùi xúc động :
“Giáng sinh trắng ngọn đèn nhật ký
Bóng tối mỗi người có chỗ có nơi
Sao một cảnh, ai cũng hoài hương hết
Xứ sở nào mở tiệc giữa không trung…“
-----------------------
Mỗi người một kiểu đế vương thất quốc
Ngồi mỗi góc trời nhớ một cố hương
Khuya tận tụy trên từng giây âm nhạc
Khẩy trong đầu đồng vọng mớ lương tâm“
Cũng từ cái tư tưởng nhất quán ấy, do vậy trong thơ văn cũng như trong cuộc sống Cao Đông Khánh biểu hiện nhân sinh quan một cách rõ ràng. Và cái qui luật vô thường ấy, trước ông đã có nhiều văn nghệ sỹ những tháng ngày cuối đời thường nhắc đến và dự báo một cách chính xác như: Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Nho Sa Mạc…Vâng, điều đó có lẽ chỉ những thi sĩ, văn nhân với tâm hồn nhạy cảm mới có được. Và Trăng Trong Vịnh Frisco là một bài thơ như vậy, cũng là bài thơ cuối cùng rất hay (trước khi qua đời) của thi sĩ Cao Đông Khánh. Không chỉ có sự định liệu trước một cách vui vẻ, thanh thản: "Hắn đã đến. Đã ở. Đã đi/ Trống thêm một chỗ trống..." mà thi sĩ Cao Đông Khánh dường như muốn để cho chúng ta, những thế sau ông một lời nguyện cầu đầy nhân bản vậy:
“Hãy tập nói: Yêu
Mọi người: Hãy tập nói
Mọi người thành tiểu thuyết
Mỗi ngày tháng năm mỗi thời sự chung chạ
Ðể dành cho
những hơi thở nồng nàn của cuộc người sấp ngửa“
Thành thật mà nói, tôi chưa đọc thơ văn của ai mà cảm thấy nặng nề và khó khăn như thơ Cao Đông Khánh. Chưa hẳn đã phải là từ ngữ, mà cái nặng nề ấy bởi, thơ ông, tâm hồn ông gắn liền với những bi thương nhất của dân tộc và thân phận con người từ sau tháng 4/1975. Đọc lên cứ thấy chờn chờn, rợn rợn. Và có thể nói, ông là người viết lịch sử thuyền nhân bằng thơ. Thơ Cao Đông Khánh không phải thơ dễ đọc, do vậy rất kén người đọc. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng ông, văn học sử Việt (nhất là mảng thuyền nhân trốn chạy, với chất giọng Nam Bộ) sẽ để lại một khoảng trống không nhỏ.
Cách nay vài tuần, có một nhà văn gửi tặng tôi cuốn Lửa đốt ngoài giới hạn. Đọc thấy từ ngữ, và giọng thơ Cao Đông Khánh rất lạ. Nên tôi tìm đọc tiếp và viết. Có lẽ, bài viết này của tôi chỉ là một phần nhỏ với khía cạnh nào đấy về Cao Đông Khánh. Do vậy, rất cần các nhà nghiên cứu phê bình khai mở thêm.
Và tôi xin mượn bài thơ vẽ chân dung Cao Đông Khánh rất hay của nhà thơ Thế Dũng để kết thúc bài viết này :
« Từ nơi yêu dấu lưu linh
Giang hồ khánh kiệt làm thinh cười trừ
Thơ còn nhậu rất vô tư...
Sử tình mê sảng mấy mùa phù dung
Du nhân trắng mắt chìm xuồng
Ngàn cơn mơ ảo lâm chung bặt lời
Hồ Gươm trăng gió khơi khơi...
Cánh đồng trầm thủy biệt người hào hoa
Nhớ em như thể nhớ nhà
Dù như đã đổi chủ mà...vẫn mong !
Coi như thi họa xuống sông
Mua không văn tự biển ngông trời cuồng
Uống đời đốt tuổi long đong
Lửa ngoài giới hạn cháy không tạ từ...“
Leipzig ngày 19-5-2018
Đỗ Trường
Phần nhận xét hiển thị trên trang

nước nghèo là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là do yếu kém, sai lầm trong quản trị đất nước

Ăn như thế, phá như thế, bảo sao đất nước không nghèo, không tụt hậu?
Hoàng Dân - Đất nước ta có rừng, có biển, có đồng bằng, khí hậu ôn hòa, nguồn nhân lực dồi dào, tài nguyên khoáng sản cũng không phải là ít, vậy tại sao chúng ta nghèo? Do thực dân Pháp đô hộ, do chiến tranh, do bị cấm vận, do dân trí thấp, do thiên tai triền miên… Đó là những nguyên nhân để giải thích cho cái sự nghèo mà chúng ta thường nghe. Nhưng nếu lấy Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc các nước ở Đông Nam Á ra để so sánh thì những nguyên nhân trên liệu có đúng không?
Image result for tụt hậu?
Đúng, nhưng chỉ một phần. Chẳng hạn như Hàn Quốc, cũng từng có xuất phát điểm như chúng ta, nhưng chỉ sau mấy chục năm, họ đã trở thành một trong những cường quốc kinh tế. Họ đã làm gì để có được thành tựu đó? Sau khi nắm chính quyền, tổng thống Park Chung Hee tuyên bố sẽ “dọn rác”, làm sạch xã hội: “Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Nếu làm được vậy, trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới… Hôm nay, có thể một số người dân bất đồng ý kiến với tôi, nhưng xin hiểu cho rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”.

Sự phát triển nào cũng có mặt trái, dù phải chịu sự hà khắc dưới sự cầm quyền của Park Chung Hee, nhưng đổi lại người dân Hàn Quốc đã có được một nền kinh tế thịnh vượng, cùng với đó là chuyển tiếp thành công từ nền toàn trị sang chế độ dân chủ.

Còn chúng ta, sau 43 năm thống nhất, 24 năm Mỹ bỏ cấm vận, vị thế của Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới? Đứng thứ 6 Đông Nam Á, 42 trên thế giới thật không xứng với tiềm lực của chúng ta hiện tại nhưng nói đến tương lai thì không ai dám chắc tiến hay lùi. Rừng thì cơ bản đã phá xong, biển thì đã khai thác gần như cạn kiệt, sông ngòi ô nhiễm, tài nguyên khoáng sản cũng dần cạn, công nghiệp chỉ là gia công lắp ráp, nông nghiệp thì “được mùa mất giá”, nợ công vượt ngưỡng, ngân sách năm nào cũng bội chi, bộ máy cồng kềnh, công chức dư thừa, tham nhũng tràn lan, chi tiêu hoang phí… Xin hỏi, như vậy lấy gì để phát triển?

Có lẽ trên thế giới này không có quốc gia nào như Việt Nam, ngân sách có rất nhiều nguồn thu, nhưng thu lại không đủ chi. Vì sao? Hãy đọc những bài báo sau đây:

Dự án nạo vét 72 tỷ tăng ‘sốc’ lên thành 2.595 tỷ đồng:https://www.tienphong.vn/xa-hoi/du-an-nao-vet-72-ty-tang-soc-len-thanh-2595-ty-dong-1275503.tpo

5 tỷ USD ngân sách chi sai/năm: Tiền đi đâu? http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/5-ty-usd-ngan-sach-chi-sainam-tien-di-dau-3358238/

Mất hơn 800 tỷ đồng một năm nuôi 63.000 công chức “thừa”:http://danviet.vn/kinh-te/mat-hon-800-ty-dong-mot-nam-nuoi-63000-cong-chuc-thua-877869.html

Công trình làm hơn 500 triệu đồng, khai khống 1,4 tỷ đồng:http://dantri.com.vn/xa-hoi/cong-trinh-lam-hon-500-trieu-dong-khai-khong-14-ty-dong-20160825081335845.htm

Văn phòng HĐND Gia Lai một năm tiếp khách 3,2 tỉ đồng: https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/van-phong-hdnd-gia-lai-mot-nam-tiep-khach-32-ti-dong-2016122312424233.htm

Công trình hơn 700 tỷ chưa xong đã sạt lở, nứt toác:http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tin-anh/cong-trinh-hon-700-ty-chua-xong-da-sat-lo-nut-toac-365515.html

Công trình đê biển hơn 150 tỷ đồng hư hỏng sau 8 tháng khánh thành:http://danviet.vn/tin-tuc/cong-trinh-de-bien-hon-150-ty-dong-hu-hong-sau-8-thang-khanh-thanh-794836.html

Nhà máy hơn 3.000 ngàn tỷ ‘bán không ai mua, cho không ai lấy’:http://www.nhadautu.vn/nha-may-hon-3000-ngan-ty-ban-khong-ai-mua-cho-khong-ai-lay-d1974.html

“Cánh chim đầu đàn” 10.000 tỷ: Năm 2017 đóng cửa, dừng sản xuất?http://dantri.com.vn/kinh-doanh/canh-chim-dau-dan-10000-ty-nam-2017-dong-cua-dung-san-xuat-20161228063844071.htm

Nhà máy ngàn tỉ vừa đi vào hoạt động đã “đắp chiếu”:http://www.sggp.org.vn/nha-may-ngan-ti-vua-di-vao-hoat-dong-da-dap-chieu-488535.html

TP.HCM: Hai đại dự án đường sắt đội vốn 52.000 tỷ đồng:http://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-hai-dai-du-an-duong-sat-doi-von-52-000-ty-dong-12704.html

Quảng trường 1.500 tỷ dang dở sau hơn 7 năm thi công:https://vnexpress.net/photo/thoi-su/quang-truong-1-500-ty-dang-do-sau-hon-7-nam-thi-cong-3467335.html

Đường ngàn tỉ mới sử dụng đã hỏng: https://nld.com.vn/thoi-su/duong-ngan-ti-moi-su-dung-da-hong-20170910232703817.htm

Làm đường 10 năm chưa xong, đội vốn hàng trăm tỉ đồng: https://tuoitre.vn/lam-duong-10-nam-chua-xong-doi-von-hang-tram-ti-dong-1349131.htm


Đó chỉ là một vài dẫn chứng về sự lãng phí, thất thoát ngân sách, còn nếu liệt kê đầy đủ thì không biết bao nhiêu trang giấy cho đủ. Sẽ chẳng có ngân sách nước nào, cho dù là Mỹ, cường quốc kinh tế số 1 thế giới, cũng chịu không nổi nếu thu 10 đồng và ăn hết 8.

Lịch sử đã chứng minh, sự giàu có của một quốc gia không phụ thuộc vào tuổi tác (lịch sử), vào tài nguyên thiên nhiên, mà là bởi thái độ của con người được hình thành qua năm tháng bởi nền giáo dục và văn hóa: Nhật Bản diện tích chật chội, 80% là núi, nghèo tài nguyên, rủi ro thiên tai cao nhưng Nhật bản là nền kinh tế thứ 2 trên thế giới. 


Hay như Thuỵ Sĩ một quốc gia nhỏ bé, tài nguyên nghèo nàn, không có biển nhưng lại là quốc gia thu nhập bình quân đầu người, trong năm 2016 gần 79.000 USD, trong khi đó, mức tương tự ở Mỹ hơn 57.000 USD, ở Đức gần 42.000 USD, ở Anh gần 40.000 USD và ở Pháp gần 37.000 USD

Những nước nghèo là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là do yếu kém, sai lầm trong quản trị đất nước, còn các nguyên nhân khác chỉ là thứ yếu. Một quốc gia mà chỉ trông chờ vào bán tài nguyên, bán sức dân, thu thuế để nuôi bộ máy thì không chỉ mãi nghèo, mà còn tụt hậu.

Miệng ăn núi lở, bầu sữa ngân sách không phải là nồi cơm Thạch Sanh, sức dân cũng có hạn nhưng khả năng phá hoại của quan chức thì vô hạn “Ăn không từ thứ gì, bán không từ thứ gì”. Nếu không thay đổi, cứ đà này không biết đất nước sẽ đi đâu, về đâu?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Indonesia và Ấn Độ sẽ xây cảng quân sự ở Ấn Độ Dương


Tổng thống Indonesia Joko Widodo (T) tiếp đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) tại Jakarta, ngày 30/05/2018.


Hai nhà lãnh đạo Indonesia và Ấn Độ hôm nay 30/05/2018 tại Jakarta thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, đặc biệt là hải quân, với kế hoạch triển khai một cảng quân sự của Indonesia trên Ấn Độ Dương.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi tiếp kiến thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đã nêu ra việc phát triển cơ sở hạ tầng và khu kinh tế ở Sabang, nằm giữa đảo Sumatra và eo biển Malacca - một trong những kênh thương mại nhộn nhịp nhất. Ông Widodo tuyên bố Ấn Độ là đối tác chiến lược về quốc phòng.

Theo các nhà phân tích, động thái này là do đôi bên cùng quan ngại trước ảnh hưởng ngày càng lớn của hải quân Trung Quốc trong khu vực. 

Tuy không yêu sách chủ quyền Biển Đông, nhưng Indonesia tranh chấp quyền đánh cá với Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna, và đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây. Tuần trước, bộ trưởng Hàng hải Indonesia Luhut Pandjaitan nói rằng cảng Sabang hiện tại có độ sâu 40 mét, có thể cải tạo để đón tiếp không chỉ tàu buôn mà cả các tàu ngầm trong tương lai.

Đối với thủ tướng Ấn, đây là một phần của chính sách « Hành động hướng Đông » nhằm siết chặt quan hệ với các nước ASEAN. Ông nói : « Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và ASEAN phải trở thành sức mạnh bảo đảm hòa bình, tiến bộ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn nữa ». Thủ tướng Narendra cho biết New Delhi có thể hỗ trợ xây dựng các cảng biển và phi cảng tại Đông Nam Á.

Phần nhận xét hiển thị trên trang