Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Bầy cừu chọn nên sống với Sói hay Sư tử ?


Ai cũng phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình, và phải vượt qua những rào cản sinh ra từ bản thân mới có thể tiếp tục tiến lên để đón nhận những điều tốt đẹp hơn. Bầy cừu phải chọn sống chung với một loại thiên địch của mình, chúng có hai lựa chọn: Sống chung với sói hay sống chung với sư tử? Và kết quả thực sự khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Trên một vùng thảo nguyên có hai bầy cừu, Thượng đế đã an bài một bầy sống ở phía Nam, một bầy sống ở phía Bắc. Thượng đế còn cho hai bầy cừu tự tìm kiếm hai loại kẻ thù tự nhiên (thiên địch), một là sư tử, một nữa là sói. 
Thượng đế nói với bầy cừu rằng:“Nếu như các ngươi chọn sói thì ta sẽ cấp cho các ngươi một con và nó có thể tùy ý cắn giết các ngươi. Còn nếu như các ngươi chọn sư tử thì sẽ cấp cho các ngươi hai con, các ngươi có quyền lựa chọn sống cùng một con trong chúng và tùy thời điểm mà hoán đổi”. 


Nếu như là bạn, thì bạn sẽ chọn sói hay chọn sư tử? Rất dễ dàng để lựa chọn phải không nào? Lựa chọn xong rồi, bạn hãy nhớ kỹ lựa chọn của mình và theo dõi tiếp để biết lựa chọn của bầy cừu. 
Bầy cừu ở phía Nam nghĩ rằng, sư tử thì hung mãnh hơn sói rất nhiều, hay là chúng ta chọn sói đi! Thế là, chúng chọn một con sói. 
Bầy cừu ở phía Bắc nghĩ rằng, mặc dù sư tử hung mãnh hơn sói rất nhiều, nhưng chúng ta lại có quyền hoán đổi một trong hai con sư tử nên chúng ta chọn sư tử đi! Thế là chúng chọn hai con sư tử.
Ở phía Nam, sau khi sói tiến vào bầy cừu, nó liền bắt đầu ăn thịt chúng.
Thân thể sói nhỏ, sức ăn cũng nhỏ, cho nên một con cừu cũng đủ cho nó ăn mấy ngày. Và như thế, bầy cừu vài ngày mới bị truy đuổi một lần.
Đàn cừu phía Nam đã quyết định chọn sói do thân thể sói nhỏ, sức ăn cũng nhỏ, cho nên một con cừu cũng đủ cho nó ăn mấy ngày. (Ảnh: americanliterature)
Bầy cừu ở phía Bắc chọn một con sư tử, con sư tử còn lại được lưu lại ở nơi của Thượng đế. Sư tử sau khi tiến vào bầy cừu, nó cũng bắt đầu ăn chúng. Sư tử không những hung mãnh hơn sói, mà sức ăn của nó cũng kinh người. Mỗi ngày nó đều phải ăn một con cừu. Như vậy, bầy cừu ngày ngày bị truy sát nên cũng vô cùng hoảng loạn.
Bầy cừu phía Bắc đã vội vã xin Thượng đế đổi con sư tử kia. Nhưng thật không ngờ rằng, con sư tử kia khi lưu lại chỗ Thượng đế đã không hề được ăn gì, đói khát không chịu được, nên đã nhào vào bầy cừu mà cắn giết còn điên cuồng hơn con lúc trước.
Bầy cừu phía Bắc suốt ngày chỉ lo trốn chạy để khỏi chết, ngay cả cỏ cũng không kịp ăn.
Bầy cừu phía Nam may mắn khi đã lựa chọn đúng kẻ thù thiên địch, lại cười nhạo bầy cừu phía Bắc không có con mắt tinh tường khi lựa chọn.
Bầy cừu phía Bắc thấy hối hận vô cùng và thống thiết kể khổ với Thượng đế, cầu mong được thay đổi thiên địch – đổi thành sói.
Thượng đế nói:“Một khi đã lựa chọn thiên địch rồi thì không thể thay đổi được, nhiều đời sau cũng phải tuân theo, các ngươi chỉ có quyền lợi duy nhất là ở cùng hai con sư tử đã lựa chọn đó mà thôi”.
Bầy cừu phương Bắc đành phải không ngừng hoán đổi chung sống với hai con sư tử.
Nhưng hai con sư tử đều hung tàn như nhau, hoán đổi con nào thì cũng bị thê thảm hơn bầy cừu phương Nam rất nhiều. Chúng dứt khoát không hoán đổi nữa, khiến cho một con ăn đến béo mập, cơ thể cường tráng, con còn lại thì bị đói bụng đến gầy còm.
Khi con sư tử gầy đói kia sắp chết, bầy cừu liền lên Thượng đế xin đổi sang ở cùng với nó.
Con sư tử gầy trải qua thời gian dài đói khát dần dần hiểu ra một đạo lý: dù cho là kẻ mạnh thế nào cũng không thể chiến thắng số mệnh. (Ảnh: wikipedia.org)
Con sư tử gầy trải qua thời gian dài đói khát dần dần hiểu ra một đạo lý: Bản thân tuy hung mãnh phi thường, 100 con cừu cũng không là đối thủ, nhưng vận mệnh của nó là nằm trong tay bầy cừu điều khiển. Bầy cừu bất cứ lúc nào cũng có thể đưa nó trở về chỗ Thượng đế, cho nó chịu đủ sự dày vò, hành hạ của đói khát, thậm chí có thể bị chết đói.
Sau khi nghĩ thông suốt đạo lý đó, con sư tử gầy gò đối xử với bầy cừu rất khiêm nhường, nó chỉ ăn con cừu chết hoặc con cừu bị bệnh, mà không ăn con cừu khỏe mạnh nào nữa.
Bầy cừu mừng rỡ, có mấy con cừu nhỏ muốn đề nghị ở cố định với con sư tử gầy, không muốn con sư tử mập kia nữa.
Một cừu già liền nhắc nhở:“Con sư tử gầy này là sợ chúng ta trả nó lại nơi Thượng đế để nó chịu đói chịu khát nên mới đối tốt với chúng ta như thế. Nhưng ngộ nhỡ con sử tử mập kia chẳng may chết đói thì chúng ta sẽ không có sự lựa chọn nào nữa, vì con sư tử gầy này sẽ rất nhanh chóng khôi phục lại bản tính hung tàn của nó”. 
Bầy cừu cảm thấy con cừu già nói rất có lý, vì không muốn cho con sư tử mập kia chết đói, chúng vội vàng đổi nó về sống cùng.
Con sư tử béo tốt trước kia bây giờ cũng đã đói bụng đến nỗi chỉ còn lại da bọc xương, hơn nữa cũng hiểu được đạo lý rằng số mệnh của mình là nằm trong sự điều khiển của bầy cừu. Để có thể sống trên thảo nguyên lâu hơn nữa, nó lại tìm mọi cách để nịnh nọt bầy cừu. Còn con sư tử bị trả về nơi Thượng đế kia khổ sở đến chảy nước mắt.
Bầy cừu phía Bắc sau khi đã trải qua trùng trùng điệp điệp những trắc trở, cuối cùng chúng đã vượt qua và sinh sống tự do tự tại.
Tình cảnh của bầy cừu phía Nam thì càng ngày càng bi thảm, con sói kia vì không có đối thủ cạnh tranh, bầy cừu lại không có cách gì thay thế nó, nó lại được thể làm xằng làm bậy. Mỗi ngày đều muốn cắn chết mấy chục con cừu, con sói từ sớm đã không thèm ăn thịt cừu nữa, nó chỉ uống máu của cừu, còn không cho phép con cừu nào được kêu. Con cừu nào mà kêu thì sẽ bị nó cắn chết ngay lập tức.
Bầy cừu phía Nam lúc này chỉ có thể than thở trong lòng:“Sớm biết như thế này, chi bằng lựa chọn hai con sư tử còn hơn!“
Bầy cừu phía Nam lúc này chỉ có thể than thở trong lòng và chấp nhận số mệnh của mình sống chung với con sói. (Ảnh: jofogas.hu)
Đại Kỷ Nguyên bàn:
Câu chuyện nhỏ nhưng mang lại cho chúng ta thật nhiều bài học sâu sắc.
Bạn muốn được sống một cuộc đời vui vẻ thoải mái, thì ngoài khả năng mạnh yếu bên ngoài, còn cần tự mình “nắm giữ quyền quyết định”. Cuộc đời mỗi người đôi khi phải đứng trước nhiều sự lựa chọn, vì vậy chúng ta phải chọn phương án giúp nắm chắc vận mệnh của mình. Cuộc sống có thể vui vẻ, khổ đau nhưng hãy để tự mình quyết định mang đến những điều chúng ta khao khát.
Nếu không nắm trong tay quyền quyết định, thì dù bạn có mạnh đến đâu cũng không thắng được số phận. Bầy cừu phương Nam chọn sói vì nghĩ nó bớt hung hãn hơn, và với sức ăn của sói chúng ngỡ rằng mình sẽ không bị ăn thịt nhanh chóng. Thế nhưng, quyền làm chủ thuộc về sói nên bầy cừu phương Nam phải chịu một kết cục thương tâm. Tương tự, hai chú sư tử tưởng mạnh mẽ, dữ dằn, có thể điều khiển được bầy cừu phương Bắc, nhưng cuối cùng, khi nhận ra nó không điều khiển được số phận của mình, nó đã phải nhượng bộ.  
Có nhiều người nghĩ mình tài giỏi, và chỉ cần có sức mạnh là có thể làm được mọi thứ, nhưng khi quyền quyết định không nằm ở bạn, thì mọi “vật ngoại thân” ấy đều không có nghĩa lý gì.
Khi đối diện với kẻ địch rất mạnh, trí tuệ luôn là vũ khí sắc bén để vượt qua những nghịch cảnh tưởng như khó vượt qua nhất. Bầy cừu phương Bắc khi lâm vào đường cùng chúng đã tìm được con đường sống cho mình. Giống như chiến thuật “Đưa vào nơi mất để mà còn, rơi vào chỗ chết để mà sống” trong “Binh pháp Tôn Tử”, bầy cừu đã chọn 2 con sư tử rất hung dữ, như đặt mình vào chỗ chết vậy, nhưng chính đường cùng này đã mở ra ánh sáng và cuộc đời cho chúng.
Mọi quyết định đã xảy ra đều không thể lấy lại, con đường nào đã đi cũng không thể quay đầu. Bầy cừu phương Bắc khi thấy sự hung dữ của sư tử đã muốn cầu xin Thượng đế đổi thiên địch, thế nhưng, đó không phải là bài học mà Thượng đế muốn chúng hiểu ra. Ai cũng phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình, và phải vượt qua những rào cản sinh ra từ bản thân mới có thể tiếp tục tiến lên để đón nhận những điều tốt đẹp hơn.
Chân Tâm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dân trí và vận mệnh quốc gia


Albert Einstein (nói cách đây gần một thế kỷ), “Chúng ta không thể giải quyết được vấn đề với cùng một cách tư duy mà chúng ta đã dùng để tạo ra chúng” (We can't solve problems by using the same kind of thinking we used when we created them).
Năm mới chuyện cũ: 
“Dân hai nhăm triệu ai người lớn / Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” (Trích bài “Bính thìn Xuân Cảm” của Tản Đà (1916) trong tập thơ “Khối Tình Con”).
Với trái tim nhạy cảm của một thi sỹ lớn nặng tình với đất nước, trong bài thơ thất ngôn bát cú cố tình viết dang dở (thiếu hai câu kết), cụ Tản Đà đã đau lòng nhận xét về dân trí quốc gia bằng mấy vần thơ cô đọng như lời sấm truyền. Và với bộ óc nhạy cảm của một nhân sĩ lớn có tầm nhìn xa, cụ Phan Châu Trinh đã tâm huyết đề xuất giải pháp chấn hưng quốc gia bằng “khai dân trí” (enlightened wisdom) và “chấn dân khí” (heightened morale). Ngày nay các nhà khoa học gọi sự nhạy cảm đó là “trí tuệ cảm xúc” (emotional intelligence).

Nhiệm vụ bất khả thi 
Không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Obama đánh giá cao tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh như một “triết lý” (philosophy) khi ông đến thăm Việt Nam (23/5/2016). Phải chăng ông Obama muốn nói rằng tư tưởng đó của cụ Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên giá trị, và người Việt lúc này vẫn cần “khai dân trí”? Cũng không phải ngẫu nhiên mà tổng thống Trump ca ngợi Hai Bà Trưng khi ông đến thăm Việt Nam (10/11/2017). Phải chăng ông Trump cũng muốn nói rằng người Việt đang cần “chấn dân khí”? Không biết điều đó có phải là dấu hiệu của “Đông Tây hội ngộ” hay không, nhưng chắc chắn nó càng khẳng định những gì các cụ Tản Đà và Phan Châu Trinh nói cách đây gần một thế kỷ đáng để hậu thế suy ngẫm. 
Một điều nữa cũng đáng suy ngẫm là vào thời Minh Trị (Meiji era), các nhân sĩ Nhật như ông Fukuzawa Yukichi đã giúp nước Nhật khởi nghiệp quốc gia, trở thành một đế quốc hùng mạnh khi phương Đông còn chìm đắm trong đêm dài lạc hậu. Sau chiến tranh, giới trí thức Nhật một lần nữa lại giúp nước Nhật bại trận chấn hưng, trở thành một cường quốc dân chủ. Người Nhật đã làm được điều đó vì họ trọng dụng trí thức và mở cửa để học hỏi phương Tây. Người Việt không làm được điều đó vì coi thường trí thức và đóng cửa để “bế quan tỏa cảng” với phương Tây, mà họ chỉ coi trọng khổng giáo (nay đã thành hủ nho). Gần đây, Việt Nam phát động “định nghĩa trí thức” thì e rằng đã quá muộn (too little too late). 
Việt Nam hiện nay có hàng chục vạn giáo sư tiến sĩ, nhưng chắc chỉ có vài trăm người là trí thức thực sự có tư duy độc lập và sáng tạo. Thói háo danh, thích xu nịnh và trọng bằng cấp (dù bằng giả và đạo văn), làm nhiều người ngộ nhận mình là trí thức. Hệ quả không định trước của chính sách cai trị độc đoán và ngu dân làm cho quan trí ngày càng thấp. Có người gọi đó là “định luật trên dưới cùng ngu”. Dân trí thấp kéo theo mọi cái đều thấp, dẫn đến vô cảm và vô minh, làm cho ý tưởng khai dân trí trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.
Cách đây một thế kỷ, cụ Phan Châu Trinh hô hào “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như một triết lý để chấn hưng quốc gia. Nhưng đến nay, người Việt vẫn dậm chân tại chỗ ở ngã ba đường, chưa thoát khỏi bãi lầy ý thức hệ đã lỗi thời. Trong khi người Nhật đã khởi nghiệp quốc gia (từ thời Minh Trị) và chấn hưng đất nước (từ sau chiến tranh thế giới hai) thì người Việt vẫn loay hoay “định nghĩa trí thức”. Trong khi người ta hô hào “công nghệ 4.0”, thì các quan cũng như dân vẫn còn đồng bóng, tin vào bói toán và cúng bái, cầu xin người chết thuộc thế giới âm làm thay việc của người sống ở thế giới dương (như “xin cho”).    
Khai dân trí thế nào
Khai dân trí được hiểu là mở cửa trí tuệ để đưa dân trí từ chỗ tối ra chỗ sáng, như một cuộc cách mạng về tư tưởng và văn hóa, nhằm giải phóng trí tuệ con người khỏi vô minh và ngộ nhận do theo đuổi một ý thức hệ đã lỗi thời. Ý nghĩa của Khai dân trí tương tự như Enlightenment trong tiếng Anh. Còn Dân khí thường dùng để chỉ sức mạnh tinh thần, không chỉ dựa trên lý trí mà còn bao gồm cả cảm xúc (EQ). Chấn dân khí chính là nhằm khôi phục và tăng cường sức mạnh tinh thần và nhuệ khí của dân tộc. Một khi dân trí thấp kém và dân khí yếu hèn thì giới trí thức phải giúp nhau và giúp người dân khaimở trí tuệ để đổi mới tư duy, góp phần chấn hưng quốc gia và hội nhập cùng với trào lưu chung của nhân loại tiến bộ.  
Có nhiều khái niệm liên quan đến người dân như “của dân, do dân, vì dân” (of the people, by the people, for the people) của tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1863), hoặc “tam dân chủ nghĩa” (three principles of people) của ông Tôn Trung Sơn (1924) bao gồm “dân tộc” (nationalism), “dân quyền” (civil rights), “dân sinh” (people’s livelihood)… Sinh thời, cụ Phan Châu Trinh và các nhân sĩ khác đều quan tâm vận dụng những tư tưởng này. Nhưng các cụ không biết rằng một thế kỷ sau, những tư tưởng cấp tiến đó vẫn còn là khẩu hiệu. 
Không phải chỉ có giới cầm quyền, mà cả người dân với tư duy truyền thống, cũng tin rằng “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Có lẽ vì vậy mà sau khi quốc gia khởi nghiệp bằng bạo lực do “cướp chính quyền” (năm 1945), Việt Nam đã “khai dân trí” bằng hệ thống “bình dân học vụ”, và sau chiến tranh (năm 1954) bằng hệ thống “bổ túc công nông”. Điều đó không sai về công bằng xã hội, nhưng là thảm họa nếu phủ nhận vai trò của trí thức khi người Việt muốn khởi nghiệp hay chấn hưng quốc gia. Nó lý giải tại sao Việt Nam vẫn tụt hậu và chính phủ “kiến tạo” còn gặp khó khăn khi xây dựng một nền kinh tế tri thức.  Đó là sự khác biệt cơ bản giữa Việt Nam với Nhật Bản (và các nước khác). 
Nhưng làm sao có dân trí cao khi người Việt Nam bắt chước người Trung Quốc đấu tranh giai cấp cực đoan bằng bạo lực (với khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”). Thời “cách mạng văn hóa”, Mao Trach Đông đã nói thẳng “trí thức không bằng cục phân” và đuổi họ về nông thôn để “cải tạo lao động” (trong đó có cả Tập Cận Bình). Nhiều người vẫn chưa quên những bài học kinh hoàng về “cải cách ruộng đất” và những màn đấu tố đầy bạo lực. Những gì diễn ra ở Trung Quốc thường lặp lại tại Việt Nam, tuy quy mô, mức độ và thời gian có khác nhau, nhưng mô hình và phương thức gần giống nhau (đến tận bây giờ). Việt Nam chống tham nhũng là rất đúng và cần thiết, nhưng vẫn bắt chước Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền hành xử cực đoan và thiếu dân chủ. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW (Mỹ), 79% người Việt trả lời là họ ủng hộ dân chủ “vừa phải”, 29% coi chính quyền là thể chế “rất tốt”, 41% coi là “hơi tốt” và chỉ có 3% coi là “rất xấu”. Nhiều người dân vẫn thích chuyên chính (đối với kẻ khác). Cực đoan và thù hận, vô cảm và vô minh là những căn bệnh nan y mãn tính của người Việt (cả trong nước lẫn ngoài nước). Ai đã khủng bố và giết hại năm nhà báo người Việt tại Mỹ (giai đoạn 1981-1990)?  Cái gì đã làm người Việt (cả hai phía) khó hòa giải dân tộc để chấn hưng quốc gia?  
Một số người phê phán cách dùng chữ “người Việt” là không đúng (mà theo họ phải gọi là chính quyền cộng sản). Phải chăng họ chỉ muốn áp đặt ý của mình cho người khác, và quen đổ lỗi cho người khác, còn mình thì vô can. Chẳng có ai thực sự vô can hay “ngoại phạm” vì người ta hay nói “dân nào thì chính phủ ấy” và “quan tham vì dân gian”. Chính quyền tham nhũng vì người dân hay hối lộ. Có vấn nạn thực phẩm độc hại vì dân gian và tham. Có vấn nạn chạy bằng cấp vì người dân hám danh và thích bằng cấp (do dân trí thấp).
Đánh tráo khái niệm và tụt hậu
Trong bối cảnh Việt Nam, hai chữ “nhân dân” được sử dụng quá nhiều như lạm phát. Từ “ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, chính quyền nhân dân, đến công an nhân dân, tòa án nhân dân, quân đội nhân dân, và chiến tranh nhân dân…Hầu như cái gì cũng gắn với “nhân dân” như khẩu hiệu dân vận. Người Việt thích vay mượn khái niệm “của dân, do dân, vì dân” của người Mỹ và mặc nhiên coi đó là của mình. Thực ra của ai không quan trọng, nhưng họ có thực sự tin vào điều đó không và lời nói có đi đôi với việc làm không. Gần đây, bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng có nói một câu làm bộc lộ bản chất, “Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai, dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chia sẻ một kinh nghiệm thu thuế thật ấn tượng, “Thu thuế phải như vặt lông vịt, vặt sao cho sạch nhưng đừng quá vội để vịt nó kêu toáng lên”.
Tại Việt Nam có rất nhiều khẩu hiệu dân túy như “thực hiện quyền làm chủ của nhân dân” với “dân chủ cơ sở”, theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên tinh thần “dân chủ tập trung” trong nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nhằm thực hiện các mục tiêu cơ bản “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhưng các ý tưởng dân chủ đã bị đánh tráo không còn như ban đầu, giống một đoàn tàu bị bắt cóc (hijacked) và người cầm lái bẻ ghi đoàn tàu chạy theo hướng khác. Người ta chỉ giữ lại cái vỏ và những khẩu hiệu mỵ dân để che đậy bản chất mới. Đó chính là “diễn biến” và “suy thoái”. 
Trong Hiến pháp 1946, lời nói đầu đã khẳng định ba nguyên tắc cơ bản là: (1) Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; (2) Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; (3) Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Đó là một hiến pháp tiến bộ, được lòng dân. Trong thời kỳ hậu chiến (1975-1988), tại Việt Nam vẫn tồn tại ba đảng là Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, và Đảng Dân chủ. Nhưng từ năm 1988, Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam đã buộc phải “tự giải thể”, chỉ còn một đảng duy nhất lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Hiến pháp mới, đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất lãnh đạo toàn diện đất nước. Đó là một bước tụt hậu về dân chủ.
Cụ Hồ đã từng định nghĩa dân chủ một cách dễ hiểu: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra. Đừng để dân sợ không dám mở miệng, nhưng còn nguy hại hơn là khi người dân không thiết mở miệng nữa” Nhưng thời thế thay đổi, khi dân chủ và tự do báo chí ngày càng bị thu hẹp. Theo xếp hạng của tạp chí Economist (2012) về chỉ số dân chủ, Việt Nam đứng thứ 144 trên tổng số 167 quốc gia được xếp hạng và nằm trong nhóm các nước độc tài thiếu dân chủ, được bộ ngoại giao Mỹ xếp vào nhóm nước “chưa có dân chủ, hạn chế tự do báo chí, tôn giáo. Nhưng để lý giải sự suy thoái và tụt hậu hiện nay, không nên chỉ đổ lỗi cho những người cầm lái đoàn tàu, mà còn phải xem lại dân trí của hành khách đi trên tàu.   

Năm ngoái, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã mượn câu đó của cụ Hồ để nói về tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân trong luật báo chí sửa đổi (GDVN, 18/2/2016). Trong bối cảnh đó, ông Hùng nhấn mạnh: “Ta mà hiểu rằng quản lý là siết lò so lại không cho làm là không được đâu, là vi phạm Hiến pháp”. Theo “quy trình”, Luật Báo chí điều chỉnh các loại hình báo chí và không cho tư nhân hóa báo chí, còn quản lý thông tin trên mạng được điều chỉnh theo Nghị định 72. Ông Hùng lý giải, “Hiến pháp nói về quyền tự do và chỉ hạn chế bằng luật, thế thì bây giờ các đồng chí định hạn chế cái gì, cấm cái gì thì phải đưa vào luật chứ để trong nghị định là không được đâu… Quản lý bằng nghị định cũng được, nhưng nghị định mà đụng đến quyền tự do dân chủ thì không được”.  Nhưng sang năm 2017, việc kiểm soát báo chí và mạng xã hội còn bị “siết lò so” mạnh hơn, như một bước thụt lùi.

Thực trạng về dân trí
Dân trí về quản trị đất nước chưa trưởng thành (immature). Tuy kinh tế Việt Nam tiếp tục tụt hậu (một số lĩnh vực thua cả Campuchia), nhưng đất nước vẫn đi theo một mô hình “không giống ai” (mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan gọi là “không chịu phát triển”). Tuy chiến tranh lạnh đã chấm dứt gần ba thập kỷ, nhưng Việt Nam vẫn hồn nhiên cử đặc vụ sang Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, vi phạm luật quốc tế và chủ quyền quốc gia Đức, gây khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt, làm chính phủ Đức nổi giận, đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (và có thể phủ quyết EVFTA). Trong khi nhà nước hô hào về “chủ quyền quốc gia” và “an ninh quốc phòng”, thì người Trung Quốc được thuê dài hạn rừng đầu nguồn và chiếm các vị trí hiểm yếu làm dự án. Gần đây, chính phủ do túng tiền đã quyết định bán các doanh nghiệp hàng đầu (Vinamilk và Sabeco) cho nước ngoài kiểm soát. Phải chăng đó là biểu hiện của dân trí thấp như “khôn nhà dại chợ” và “tham bát bỏ mâm” (nên lợi bất cập hại?).
Dân trí về hợp tác và hội nhập còn kém. Người ta nói rằng người Việt làm việc gấp 3 lần người Nhật, nhưng khi hợp lực lại thì 3 người Việt mới bằng một người Nhật. Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, người Nhật biết cách quản lý thời gian và làm việc nhóm hiệu quả, còn người Việt thì không. Giám đốc VJCC tại Hà nội nhận xét, “Người Việt Nam làm việc rất thông minh, cần cù, khi được các chuyên gia hướng dẫn thì họ biết phải làm gì và học hỏi rất nhanh. Thực tế là các bạn làm việc tốt hơn 3 lần so với người Nhật nhưng chỉ khi các bạn làm một mình. Tuy nhiên, khi các bạn làm việc tập thể thì các bạn làm không tốt bằng người Nhật chúng tôi vì khả năng làm việc nhóm (teamwork) của các bạn không tốt bằng người Nhật, và tôi có thể khẳng định rằng khi làm việc tập thể thì 3 người Việt mới bằng một người Nhật”. 
Dân trí về văn hóa ứng xử xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến bạo hành gia đình, bạo lực học đường và bạo lực xã hội (ngay trong các lễ hội văn hóa truyền thống). Trong khi nhiều cô “bảo mẫu” bạo hành với trẻ em mẫu giáo (hết vụ này tới vụ khác), thì Bộ giáo dục và các địa phương vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng đó, mà chỉ rút kinh nghiệm và đổ trách nhiệm cho nhau. Dân trí về lịch sử và ngôn ngữ cũng có vấn đề, khi một số “trí thức” lúc thì đề xuất “bỏ môn lịch sử”, lúc khác lại đề xuất “cải cách chữ viết tiếng Việt”, như một trò đùa vô minh về “cải cách giáo dục”, làm cho dư luận cả nước bức xúc.
Dân trí về bảo vệ sức khỏe của người dân còn lạc hậu, đa số thiếu ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Họ thường không kiểm tra định kỳ để phát hiện bệnh sớm, vừa do hoàn cảnh vừa do dân trí thấp. Nhiều người mắc bệnh vì thực phẩm độc hại hay ô nhiễm môi trường (do nhân họa) trong khi đó một số “không nhỏ” các quan chức y tế và bác sỹ (thoái hóa) lại tiếp tay cho các công ty dược như VN Pharma nhập thuốc ung thư dổm về bán cho bệnh nhân. Việt Nam đang trở thành tâm điểm của ung thư, mỗi năm có hơn 126.000 ca mắc bệnh ung thư mới, và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Xu hướng này ngày càng gia tăng, không những gây tổn thất lớn cho nền kinh tế mà còn làm cho biết bao gia đình điêu đứng. 
Dân trí và tham nhũng
Chống tham nhũng “giai đoạn 2.0” quyết liệt hơn với hình tượng “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã cao hứng mô tả. Sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt tại Berlin (23/7/2017), Đinh La Thăng cũng bị bắt tại Hà Nội (8/12/2017). Nhưng chống tham nhũng chắc không dừng lại ở “đại án PVN” mà còn tiếp diễn nhằm chiếu tướng (tuy chưa rõ là chiếu tướng ai). Trong khi nhiều người tin rằng đánh ông Đinh La Thăng là để chiếu tướng ông X (cầm đầu “bên thua cuộc”), những một số khác cho rằng đánh “Vũ Nhôm” là để chiếu tướng ông Y (đối thủ số một đang cầm quyền). Đây là trò chơi vương quyền (game of thrones) có nhiều ẩn số. Nhưng việc khám nhà và truy nã “Vũ Nhôm” sau khi thả rông để đương sự thoái vốn và bỏ trốn, là một vở kịch vụng về. Dân trí cao hay thấp khi công tác an ninh, tình báo của quốc gia cũng bị “thương mại hóa” và biến thành bi hài kịch.    

Gần đây, nhiều người bức xúc hỏi tại sao người ta lại để những người “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” tiếp tục vào Trung ương và Bộ Chính trị… Ông Trần Quốc Hương (nguyên phó chủ nhiệm Ban Tổ chức TW) hỏi lúc đó “các cơ quan kiểm tra, tổ chức của Đảng có ý kiến gì không trước những vi phạm của Đinh La Thăng?” Luật sư Trần Quốc Thuận nói: “Đó là một ẩn số cần làm rõ”. (Tiền Phong, 18/12/2017). Phải chăng vì vậy mà TBT Nguyễn Phú Trọng phải dự họp chính phủ (28/12/2017) để triển khai chủ trương “nhất thể hóa”. Không biết ông Nguyễn Phú Trọng có ý gì khi nói “Từ bé đến giờ mới được dự họp chính phủ”.  
Chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào hai nhóm đối tượng chính là một số “thái tử đảng” và quan chức địa phương (để đánh “từ vòng ngoài vào vòng trong”). Sau khi xử lý Vũ Huy Hoàng và Trầm Bê, ngày 8/1/2017 sẽ xét xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Dường như vòng vây đang gấp rút khép lại để chiếu tướng ông X, nhưng vụ khám xét và truy nã “Vũ Nhôm” ở Đà nẵng (21/12/2017) lại mở ra một hướng khác như để chiếu tướng ông Y. Nhưng dù chiếu tướng ông nào thì đất nước cũng là “bên thua cuộc” và nhân dân vẫn là nạn nhân của “trò chơi vương quyền” đang làm đất nước phân hóa và kiệt quệ, đứng trước những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế và những hiểm họa khôn lường về an ninh và chủ quyền quốc gia.
Thay lời kết
Đã gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi cụ Phan Châu Trinh kêu gọi “khai dân trí và chấn dân khí”, nhưng Việt Nam vẫn còn loanh quanh tại ngã ba đường, chưa thoát khỏi hệ tư tưởng đã làm đất nước tụt hậu so với Nhật Bản hàng trăm năm. Muốn “khai dân trí”, Việt Nam phải thay đổi hệ quy chiếu đã lỗi thời, và phải đổi mới thể chế toàn diện. Nếu không thực sự đổi mới thể chế thì việc chống tham nhũng cũng giống như trò “hàn soong hàn nồi”. Để thay cho câu kết, xin mượn lời Albert Einstein (nói cách đây gần một thế kỷ), “Chúng ta không thể giải quyết được vấn đề với cùng một cách tư duy mà chúng ta đã dùng để tạo ra chúng” (We can't solve problems by using the same kind of thinking we used when we created them).
NQD. 01/01/2018
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_NamMoiChuyenCu.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng bao giờ biến mình thành kẻ thù của xã hội dân sự và nhân quyền, nếu muốn dành cửa hậu tìm đường thoát thân.

Cơ hội tị nạn của Vũ nhôm ?



Thời gian ngắn vừa qua, ghi nhận một xu hướng rõ rệt của các quan chức VN khi bị "ngã ngựa" là kiếm đường tẩu ra nước ngoài, lợi dụng các cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế và hệ thống xét xử thiếu chuẩn mực pháp quyền tại Việt Nam để kiếm một suất "tị nạn chính trị" nhằm tránh bị trừng phạt.

Thông tin báo chí quốc tế loan tải, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") trong hành trình đào tẩu đang bị tạm giữ ở Singapore, đã thuê luật sư làm hồ sơ xin tị nạn chính trị ở một quốc gia Châu Âu và chống lại việc bị dẫn độ về Việt Nam.

Cơ hội xin được tị nạn chính trị của Vũ "nhôm" có thật sự khả quan hay không khi đối chiếu với cách vận hành của hệ thống pháp luật và chính trị bảo vệ cho người tìm kiếm tị nạn?

Có thể nói, tình trạng pháp lý của Vũ "nhôm" hiện tại là khá bi đát, ông ta chưa được cơ quan Cao ủy tị nạn cấp quy chế "người tị nạn" để được Liên Hợp Quốc bảo vệ theo Công ước về vị thế của người tị nạn 1951. Ông ta cũng đang ở một quốc gia ngoài Châu Âu, ngay cả khi một quốc gia Châu Âu nào muốn rước Vũ về cũng không phải là điều đơn giản vì Singapore-nơi đang tạm giữ Vũ không dễ dàng để Vũ rời khỏi Singapore trước áp lực đòi dẫn độ ở Việt Nam.

Vũ "nhôm" không phải là một người có cống hiến xuất chúng cho nhân loại, hay chịu cảnh đày ải cuộc đời như "đoạn trường tân thanh" để làm lay động sự quan tâm của Cao ủy tị nạn Liên hợp Quốc, các quốc gia Châu Âu, hay các tổ chức nhân quyền Phi chính phủ để họ lên chiến dịch "giải cứu Vũ nhôm". Tất cả họ dễ dàng "dị ứng" khi nhìn thấy các bằng chứng rõ ràng được phát tán trên mạng về việc Vũ đã có thành tích vơ vét công sản quốc gia và lũng đoạn kinh tế ở Đà Nẵng.

Con đường xin tị nạn và đến định cư ở một quốc gia ở Châu âu, bằng con đường pháp luật về bảo vệ người tị nạn xem ra có vẻ là ngõ cụt đối với Vũ, vì Vũ khó lòng đáp ứng được tiêu chuẩn là "người tị nạn" theo Công ước về vị thế người tị nạn 1951.

Theo nhóm luật sư của Vũ cho biết, hồ sơ xin tị nạn của Vũ đang nhắm đến nước Đức, với lý do đưa ra Vũ sẽ hợp tác phục vụ cho công tác điều tra của nước Đức về vụ án Trịnh Xuân Thanh. Có thể nói đây là khe cửa nhiệm mầu duy nhất để biến Vũ nhôm thành một người "rất đặc biệt" đối với phía Đức để phía Đức quan tâm và can thiệp. 

Nói thẳng ra là phía Vũ "nhôm" đang đề xuất cho một sự "đổi chác" với phía Đức. Vũ sẽ hợp tác điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh và cung cấp thông tin tình báo mà Vũ đang nắm giữ, phía Đức có thể cấp quy chế tị nạn tạm thời cho Vũ đến nước Đức để khai thác các thông tin mà Vũ đang có.

Hiện vẫn chưa biết phía Đức quan tâm đến đề xuất của Vũ ở mức độ nào, nhưng cửa ải khó qua nhất mà Vũ phải vượt qua là cánh cửa Singapore. Trong cuộc chiến pháp lý và chính trị tay ba giữa Việt Nam-Singapore-và quốc gia muốn tiếp nhận Vũ, Vũ vẫn không có đồng minh tiếp sức, dò đường chỉ lối cho mình trong hành trình nguy cấp ấy, ngoài mấy vị luật sư mà Vũ phải trả tiền.

Bài học rút ra dành cho các quan chức đương thời, đừng bao giờ biến mình thành kẻ thù của xã hội dân sự và nhân quyền, nếu muốn dành cửa hậu tìm đường thoát thân.

FB PHẠM LÊ VƯƠNG CÁC 02.01.2017


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chừng đó thôi. Mà mất ba ngày!

Enter đi !



Cô bé học trò mình làm ở Tuổi Trẻ nói: Có như thế mới biết đưa một cái tin dạng này khó khăn thế nào.

Nhiều bạn bè hỏi và đoán già đoán non: Bị cấm đưa à?

Thực ra không ai cấm.

Thực ra hai ngày qua đã liên hệ với cả luật sư Remy Choo lẫn ICA (cơ quan di trú Sing). ICA không trả lời, Choo thì có. Tuy nhiên qua điện thoại, khó lòng có thể biết đó có là Choo, nếu là Choo thì có đúng là luật sư và có là luật sư của Phan Van Anh Vu? Phan Van Anh Vu có là Phan Văn Anh Vũ và có là Vũ nhôm?

Chiều nay. Nhiều hãng tin phương Tây đề nghị mua lại một số tấm ảnh Vũ nhôm. Không bán! Nhưng nghĩ đã có gì đó xác nhận.

Tối nay, một đồng nghiệp nước ngoài khẳng định họ đã nhận được hồi âm từ ICA.
Họ cho biết sẽ cập nhật sau vài phút.

Hai hãng tin nước ngoài vừa đăng. Ban quốc tế check lần cuối xác nhận lần nữa.

Tin thì đã soạn sẵn.Thêm mấy phút thảo luận và thỉnh thị.Sếp OK.

Mình nói anh em:
Enter đi!


Lúc đó là 21:51
PLO là tờ báo Việt 
Nam đầu tiên đưa tin về xác nhận của ICA.
Chừng đó thôi. Mà mất ba ngày!

FB NGUYỄN ĐỨC HIỂN 02.01.2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á


Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á
Ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) là gương mặt đã quá quen thuộc trên thị trường. Bên cạnh kinh doanh, làm ngân hàng và bất động sản, ông Hiển còn có niềm đam mê khác nữa, ấy là bóng đá. Ông có thể say sưa bình luận, “chém gió” cả ngày không chán khi nhắc tới môn thể thao vua này, và bởi vậy, nhiều người vẫn quen gọi ông là... “bầu” Hiển. Những ngày cuối năm 2017, ông Hiển đã dành cho chúng tôi nguyên nửa ngày để chia sẻ về cuộc sống và sự nghiệp, mà như những người thân cận với ông nhận xét, rằng hiếm khi thấy ông bộc bạch tâm can đến thế.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 1.
Ông Hiển kể, mặc dù đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính, nhưng ông lại từng có ước mơ được làm giáo sư, viện sĩ.
"Khi còn là học sinh, tôi thần tượng các giảng viên Đại học nên luôn ước mơ sau này tốt nghiệp phổ thông sẽ trở thành một nhà nghiên cứu, một giảng viên, giáo sư với nhiều bằng sáng chế khoa học.
Vì thế, khi kết thúc phổ thông trung học hệ 10 năm, tôi thi vào khoa Vật lý của Đại học Tổng hợp để theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng khi có kết quả thi, tôi rất bất ngờ bởi cái tên Đỗ Quang Hiển lại nằm trong danh sách khoa Kinh tế chính trị.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 2.
Tôi hoang mang lắm, mới đem chuyện này về nói với Bố tôi. Thế là hai bố con đến trường gặp các thầy để hỏi. Thầy giáo mới nhìn bố con tôi cười tươi và bảo, vào được khoa Kinh tế chính trị là rất tốt, vì đây là khoa mới thành lập và phải học rất giỏi, có lý lịch tốt mới có thể vào được.
Khi nghe thầy nói vậy, tôi không đồng ý vì không đúng với ước mơ của mình và quả quyết không học khoa Lý thì sẽ không đi học nữa. Thuyết phục không được, trường "trả" tôi về khoa Lý theo đúng nguyện vọng" – ông Hiển kể.
Năm 1987, sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý - Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông Hiển về công tác tại Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia. Được Viện tín nhiệm, giao nhiều nhiệm vụ, ông có cơ hội được đi học tập, nghiên cứu, làm việc ở nhiều nước và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 3.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 4.
Trong số các nước đã tới học tập và nghiên cứu, ông cho biết đặc biệt ấn tượng với Nhật. Ông đã, tiếp xúc với nhiều đối tác là các tập đoàn lớn như Panasonic, Mitsubishi, National…và rất ngưỡng mộ cách làm ăn của họ.
Sau này ông biết được các "đại gia" ấy đang muốn tìm đối tác phân phối độc quyền các mặt hàng gia dụng như điều hoà, tủ lạnh, tivi, máy sấy tóc… ở phía Bắc Việt Nam. Thế là ông nghĩ, mình có thể làm được.
Và năm 1993, ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng bằng việc thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T, chuyên kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 5.
Ông kể, 3 năm đầu làm ăn khá thuận lợi, T&T trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm điện tử, điện lạnh của các thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản. Cứ hàng về bao nhiêu bán hết từng đó, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhanh chóng.
"Nhưng kể từ năm 1995-1998, chúng tôi rơi vào khủng hoảng" – đang kể chuyện say sưa về giai đoạn "khởi nghiệp" thì giọng ông chùng xuống như chìm vào quá khứ.
Theo lời của vị chủ tịch T&T thì năm 1998, thị trường Việt Nam bị tuồn vào khối lượng rất lớn hàng điện tử, điện lạnh… dưới dạng trốn, lách thuế và bán giá rất rẻ.
Sản phẩm của T&T nhập chính ngạch và nộp thuế đầy đủ lên tới 60% nên giá thành không thể cạnh tranh với các đơn vị trên, khiến cho thị trường điện tử điện lạnh trong nước bị khuynh đảo. T&T và rất nhiều đơn vị kinh doanh hàng điện tử tại Việt Nam cùng chung số phận là không bán được hàng và rơi vào làm ăn sa sút.
Không bán được hàng, nợ thuế của T&T lên tới 7 tỷ đồng, một khoản tiền vô cùng lớn lúc bấy giờ.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 6.
Ông nói, "một tờ báo thậm chí đã đưa tôi lên trang nhất với cái tựa đề đầy chua chát: Chúa chổm".
Sau hai tiếng "Chúa chổm" vút lên cao như gay gắt, ông Hiển ngưng câu chuyện một lúc lâu, như thể đang sống lại cảm giác khi ấy, và rồi lại hạ giọng xuống rất nhanh kể tiếp với chúng tôi: "Tôi cũng có chút hoang mang khi ấy, vì hàng thì không bán được, mà người ta lại còn gọi mình là Chúa chổm. Có lo không, lo chứ! Sợ không? Cũng sợ".
Rồi ánh mắt ông bỗng sáng rực trở lại, ông nói, "rất may sau đó Hải quan và Thuế vụ đã xuống tận nơi xác nhận việc nợ thuế do hàng của tôi còn tồn kho, tất cả hàng đều có đủ giấy tờ pháp lý và có giá trị lớn, tức là xác minh tôi nợ thuế vì không bán được hàng chứ không phải có điều gì không rõ ràng đằng sau".
Thời gian khủng hoảng kéo dài 3 năm, T&T đang từ số 1 trở nên trắng tay với gánh nặng nợ thuế và áp lực vô cùng. Trước hoàn cảnh đó, ông vẫn cố gắng chu cấp cho nhân viên đầy đủ, khuyến khích họ chuyển qua công ty khác làm việc vì ở lại thì rất khó khăn.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 7.
Vẫn tiếp câu chuyện về khủng hoảng T&T, ông Hiển nói rằng, những năm ấy phải chạy vạy khắp nơi để tìm cách xử lý, giải quyết hàng tồn kho trả nợ thuế và định hướng kinh doanh mới. Rồi khó khăn cũng qua đi và cơ hội mới lại mở ra.
Khi T&T đã trở lại vững vàng trên thị trường điện tử, điện lạnh, ông bắt đầu tính chuyện "tấn công" sang thị trường xe máy với dự liệu trước sự phát triển của một mảng thị trường nhiều tiềm năng sắp bùng nổ sau chủ trương nội địa hoá của Chính phủ.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 8.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành "cơn sốt" của gần 60 doanh nghiệp. Một miếng bánh mà có quá nhiều người giằng xé đã khiến cho việc kinh doanh của T&T gặp rất nhiều khó khăn.
Cạnh tranh ở thị trường thành phố đã khó, nhưng ở các tỉnh lẻ cũng không sáng sủa hơn do sự đổ bộ ào ạt của các doanh nghiệp nước ngoài. Hàng sản xuất ra bị tồn đọng, trong khi những khoản chi cho lương nhân công, nguyên vật liệu, khấu hao máy móc vẫn tiếp tục phải duy trì.
Khó khăn liên tiếp ập đến. "Nhưng tôi thích làm những việc người khác cho là không thể và phải đi tới cùng.
Tôi nghĩ, lúc khởi sự cả vốn và kinh nghiệm của mình đều yếu mà còn làm được, huống hồ khi đã đứng vững rồi mà gục ngã thì buồn lắm. Tiền bạc mất sẽ kiếm lại được, nhưng uy tín của T&T trên thị trường thì không thể bị lu mờ" – chủ tịch T&T kể.
Rà soát lại quy trình đầu tư, ông nhận ra có quá nhiều bất ổn. Kết hợp với những thương vụ không thành trong quá khứ, ông nghĩ, nếu chỉ làm thương mại - tức bán hàng mà không sản xuất - thì chẳng những phải chấp nhận đầu vào với giá cao mà còn luôn bị động.
Đó là tiền đề cho sự ra đời của nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ và phụ tùng xe máy đạt tỷ lệ nội địa hóa với quy mô lớn trên 80% của riêng T&T tại Hưng Yên với số vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD khi ấy. Và nước cờ đó đã đưa T&T vượt qua giông bão, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 9.
T&T của ông Hiển ngày càng làm ăn khấm khá sau giai đoạn khó khăn. Năm 2006, ông bắt tay vào kinh doanh một lĩnh vực hoàn toàn mới, đó là tài chính ngân hàng với cái tên Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái.
Ông kể với giọng nói rành mạch, dứt khoát rằng, thị trường khi ấy hầu như không ai biết đó là ngân hàng gì vì quy mô quá bé.
Nhưng ngay sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, đổi tên thành SHB, chuyển trụ sở từ Cần Thơ ra Hà Nội, niêm yết cổ phiếu lên sàn... SHB được thị trường ghi nhận và đánh giá như một ngân hàng năng động, có tốc độ phát triển thần tốc nhưng minh bạch, hiệu quả, an toàn, và bền vững.
Từ một ngân hàng chỉ có 400 triệu đồng vốn điều lệ, 8 nhân viên nghiệp vụ lúc thành lập năm 1993, sau đó là trải qua giai đoạn tái cấu trúc khi sáp nhập Habubank, rồi đến Thủy sản Bình An, nay SHB đã trở thành 1 trong 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Tính đến thời điểm 30/9/2017, tổng tài sản của SHB đạt hơn 265.300 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 11.196 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.330 tỷ đồng. Ngoài 2 ngân hàng con 100% vốn tại Lào và Campuchia, SHB còn đang chuẩn bị kế hoạch khai trương 1 văn phòng đại diện tại Myanmar.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 10.
Ngoài SHB và T&T, ông Hiển hiện còn là chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SHS, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội…
Chính bởi khả năng quản trị ngân hàng như vậy, ông Hiển đã được Enterprise Asia trao tặng giải thưởng "Doanh nhân Châu Á 2017" (Asia Pacific Entrepreneurship Awards – APEA). Ông là doanh nhân duy nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam được APEA xướng tên dịp này.
 Bầu Hiển: Từ “Chúa chổm” đến ông chủ ngân hàng và doanh nhân châu Á  - Ảnh 11.
Dù đã có 30 năm lăn lộn trên thương trường và gây dựng được những đế chế doanh nghiệp hùng mạnh, song Đỗ Quang Hiển lại sống khá kín tiếng và luôn nhận mình là một kẻ ngoại đạo. Ông chỉ muốn làm một người bình thường, được say mê với công việc và giữ vững ngọn lửa đam mê ấy.
Chia sẻ về sự thành công của SHB hay T&T, ông Hiển không nhận công lao về mình, mà nói rằng, ấy là sự tổng hợp của mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực lớn nhất là xây dựng thành công nền tảng văn hoá doanh nghiệp với giá trị cốt lõi là tính nhân văn trong hoạt động.
"Trong suốt quá trình phát triển, chúng tôi không chỉ vì lợi ích của mình mà bỏ qua trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Chúng tôi luôn kinh doanh, thu lợi nhuận trên cơ sở nền tảng văn hóa, tính nhân văn chứ không đạt lợi nhuận bằng mọi giá.
Bên cạnh nền tảng văn hoá, Hội đồng quản trị cũng đưa ra chiến lược phù hợp để phát triển trong từng giai đoạn, có định hướng lâu dài, luôn tìm ra sự khác biệt, đối mới, sáng tạo không ngừng và công khai minh bạch các hoạt động. Nếu không có nền tảng văn hoá, chúng tôi không thể có những thành công hôm nay" – ông Hiển nói với giọng đầy tự hào.
Khi nói về mối quan hệ với nhân viên, ông Hiển cho biết cá nhân ông là Chủ tịch nhưng ở SHB hay T&T không bao giờ giữ khoảng cách với cán bộ nhân viên.
"Phòng làm việc của tôi luôn mở rộng cửa. Bất cứ nhân viên nào có khúc mắc, cần cho ý kiến, thậm chí là tâm sự, tôi đều không phân biệt đối xử là sếp hay nhân viên. Tất nhiên, trừ lúc tôi có khách. Tôi đã và vẫn thường nói với các cán bộ nhân viên rằng: các bạn đừng nghĩ tôi là Chủ tịch mà cứ coi tôi như thành viên trong một gia đình.
Ở cơ quan, ai nhiều tuổi hơn tôi thì làm anh, ít tuổi hơn làm em. Và chúng ta đều có trách nhiệm, tận tâm cống hiến, không phải chỉ cho chúng ta mà cho các thể hệ con cháu sau này, cho cộng đồng và xã hội" – vị doanh nhân tuổi 56 trải lòng.
Theo Trithuctre

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đầu năm ôn lại 3 phương châm và 10 bài học sống bất hủ


1. Phải có ước mơ. Nếu bạn không xây dựng ước mơ của mình, người khác sẽ dùng bạn để xây dựng ước mơ của họ.
2. Kiên trì, kiên trì thực hiện ước mơ của bạn, nhất định sẽ đến ngày thắng lợi

3. Đừng dựa dẫm vào bất kỳ ai ngoài chính bạn, vì ngay cả cái bóng của bạn cũng rời bỏ bạn những lúc tối tăm.
Hãy trung thực trong những việc nhỏ bởi sức mạnh của bạn nằm ở đó.
1. Bạn không thể sống được 100 năm nên đừng kiếm tiền để đủ sống cho 1000 năm. Miếng ăn càng to càng dễ bị nghẹn.

2. Chỉ cần mất 2 năm để học nói, nhưng sẽ mất cả đời để học những gì không nên nói.

3. Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về; đừng bỏ rơi tổ ấm của bạn.

4. Bạn chẳng bao giờ nhận ra những thứ bạn có quan trọng như thế nào cho đến khi bạn đánh mất nó.

5. Hãy trung thực trong những việc nhỏ bởi sức mạnh của bạn nằm ở đó.

6. Người sống nhiều hơn không phải là người cao tuổi hơn, mà là người biết sử dụng cuộc sống của mình tốt hơn.

7. Người khác chỉ quan tâm tới thành tựu mà bạn đạt được. Do đó, chỉ quan tâm làm ra thành tựu, đừng quan tâm tới bất kỳ điều khác.

8. Chắc chắn tiền không phải là tất cả, nhưng cần phải có tiền vì có tiền thì mọi thứ sẽ luôn luôn dễ dàng hơn.

9. Không có hoàn cảnh nào là tuyệt vọng. Trong mọi hoàn cảnh đều có sẵn lối thoát. Hãy bình tĩnh tìm ra lối đó.

10. Đừng tranh luận đúng sai, hơn thua. Hãy sống bình an và chỉ làm những gì bạn cho là đúng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nếu chưa thể minh oan, hãy ân giảm án tử hình cho Hồ Duy Hải


Trương Huy San
Theo FB THS
Nếu có một bồi thẩm đoàn độc lập, rất có thể Hồ Duy Hải đã được tuyên vô tội. Nếu những gì nêu trong bài báo này là đúng, rất nhiều dấu hiệu “cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án” đã xuất hiện trong các tiến trình tố tụng. Tôi không rõ, các vị thẩm phán có đủ niềm tin nội tâm Hải có tội không mà dám lạnh lùng áp dụng mức tử hình với Hải.
Tháng 12-2014, Chủ tịch Nước (Trương Tấn Sang) đã quyết định hoãn thi hành án cho Hải. Không chỉ ông, dư luận, kể cả các cơ quan tố tụng lúc đó, đã không đủ niềm tin vững chắc Hải có tội để tước đoạt mạng sống của anh.
Khi chưa tìm thấy ai khác đã gây án (như các vụ án Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Văn Chấn…) không ai dám cả quyết Hồ Duy Hải có vô tội hay không. Nhưng, bằng cách suy đoán đó (trên nền tảng các bằng chứng buộc tội sơ sài và mâu thuẫn) mà ta vẫn cho rằng Hải có tội chúng ta đã vi phạm nguyên tắc căn bản nhất của công lý rồi (suy đoán vô tội). Nói chi đến trường hợp coi Hải là có tội khi bằng chứng không thuyết phục.
Hơn 4 năm qua, các cơ quan tố tụng không bổ sung được bất cứ chứng cứ mới nào để cũng cố một bản án từng khiến chúng ta ngờ vực. Chủ tịch Nước Trần Đại Quang nên ký ân giảm cho Hồ Duy Hải. Khi nắm trong tay sinh mệnh của một con người, sức nặng mà ông đang gánh không chỉ là cây bút. Ngay cả khi có đủ niềm tin nội tâm, “sát sinh” vẫn phải cần cân nhắc, nói chi đến trường hợp bị kết án rất khiên cưỡng như Hồ Duy Hải.

Làm rõ ‘nhân chứng đặc biệt’ vụ tử hình Hồ Duy Hải

Hoàng Điệp
Theo Tuổi Trẻ
29/05/2017 09:47 GMT+7
TTO – Mới đây, gia đình Hồ Duy Hải đã có đơn gửi đến lãnh đạo các cơ quan tố tụng trung ương đề nghị làm rõ việc rút bớt hồ sơ trong điều tra vụ án mạng tại Bưu điện Cầu Voi.
Bản án phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải đã có hiệu lực từ tháng 4-2009 - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Hồ Duy Hải đã bị phúc thẩm tuyên tử hình – Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Trong đơn, người thân của Hồ Duy Hải – người bị kết án tử hình trong vụ giết hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho rằng các cơ quan tố tụng đã rút bớt hoặc không đưa vào kết luận điều tra, cáo trạng những bằng chứng, hồ sơ có lợi cho Hải, dẫn đến việc làm sai lệch hồ sơ vụ án để kết tội bị cáo.
Rút bớt hồ sơ?
Theo luật sư Trần Hồng Phong (người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải), trong hồ sơ vụ án có nhiều bút lục là các biên bản, kết luận giám định hoặc giấy xác nhận liên quan đến vụ án nhưng lại không thể hiện trong kết luận điều tra và cáo trạng.
Cụ thể, hồ sơ rút bỏ kết luận giám định về dấu vân tay và diễn giải sai lệch về kết quả giám định dấu vân tay – trong khi đây chính là tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Tự ý sửa, thay đổi kết quả nhận dạng (về “chiếc xe máy” và “người thanh niên”) của nhân chứng Đinh Vũ Thường.
Tự ý sửa lời khai của nhân chứng về kích thước con dao (được xác định Hồ Duy Hải đã dùng để cắt cổ hai nạn nhân). Rút khỏi hồ sơ những tình tiết liên quan đến một nhân chứng đặc biệt quan trọng, có dấu hiệu liên quan đến cái chết của hai nạn nhân…
Theo đơn tố cáo, sau khi Hồ Duy Hải bị bắt giam, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định 4 tang vật: dấu vân tay, lông tóc, máu và than tro. Nhưng cơ quan điều tra chỉ sử dụng duy nhất 1 trong số 4 kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự kết luận về “than tro” thu được tại nhà Hải.
Tuy nhiên, phần sử dụng này lại cắt bỏ phần nội dung quan trọng nhất: “Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và simcard”.
Điều này cho thấy chưa thể kết luận Hồ Duy Hải đã đốt thắt lưng, quần áo, simcard sau khi gây án để che giấu hành vi tội phạm (như quan điểm của cơ quan điều tra).
Thế nhưng trong kết luận điều tra và cáo trạng, cơ quan điều tra và Viện KSND đã cắt bỏ phần kết luận quan trọng nhất, đồng thời lại mô tả là “phù hợp” với lời khai của Hồ Duy Hải vì “có thành phần vải và nhựa polyter”.
Trong khi đó, các kết luận giám định còn lại (máu, lông tóc) thể hiện không có sự liên quan đến Hồ Duy Hải thì không được đưa vào.
Đề nghị làm rõ bản chất vụ án
Tại bản kết luận giám định số 158 ngày 11-4-2008 kết luận: Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không trùng khớp với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải.
“Như vậy, với việc dấu vân tay của hung thủ thu được tại hiện trường không trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải, phải chăng các cơ quan tố tụng đã rút khỏi hồ sơ tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải?” – luật sư Phong đặt nghi vấn.
Từ những căn cứ pháp lý trên, luật sư Trần Hồng Phong và gia đình đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét đơn này để làm rõ bản chất vụ án.
Thực tế Hồ Duy Hải đã bị kết án tử hình và có quyết định thi hành án. Tuy nhiên, sau đó Hải được tạm hoãn thực hiện việc thi hành bản án này. Từ năm 2011 đến nay, gia đình Hồ Duy Hải liên tục làm đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải và đơn tố giác tội phạm.
Sau khi đơn được gửi ra TAND tối cao, tòa này đã có thông báo cho gia đình và luật sư biết nội dung đơn tố cáo đã được chuyển cho TAND cấp cao tại TP.HCM xem xét xử lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM cho biết tòa này vẫn chưa nhận được hồ sơ tố cáo và hứa sẽ cho kiểm tra lại.
Nếu nội dung đơn tố cáo của gia đình Hồ Duy Hải và luật sư về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của một số cán bộ tiến hành tố tụng thì thẩm quyền xem xét giải quyết là cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao, chứ không phải TAND cấp cao tại TP.HCM.
Cũng theo vị này, nếu hồ sơ có được chuyển về tòa thì tòa cũng sẽ chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Rút khỏi hồ sơ “nhân chứng đặc biệt”
Trong vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Nghị là người có liên quan và vai trò đặc biệt quan trọng. Trên thực tế, Nguyễn Văn Nghị là người yêu của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (thể hiện trong lời khai của anh Cao Hoàng Tuấn Anh).
Trong đêm xảy ra vụ án, Nguyễn Văn Nghị có ghé vào Bưu điện Cầu Voi và có lời khai nhìn thấy một thanh niên trong bưu điện tối 13-1-2008. Sau đó Nguyễn Văn Nghị đã bị bắt.
Cơ quan điều tra từng tạm giữ và lấy lời khai của Nguyễn Văn Nghị. Thế nhưng sau đó Nguyễn Văn Nghị không được đưa vào danh sách “nhân chứng”.
“Toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến Nguyễn Văn Nghị đều bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Vì sao không cho Nguyễn Văn Nghị nhận dạng Hồ Duy Hải? Vì sao không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị? Đây là những điều rất bất thường” – luật sư Trần Hồng Phong đặt câu hỏi.
Hai nữ nhân viên bị sát hại dã man
Theo hồ sơ, ngày 13-1-2008 tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau.
Tại hiện trường vương lại nhiều dấu vân tay của hung thủ.
Hơn hai tháng sau, ngày 21-3-2008, Hồ Duy Hải – nam thanh niên tại địa phương, nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km – bị bắt giữ. Hồ sơ thể hiện Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất, thực hiện hành vi giết người tại Bưu điện Cầu Voi.
Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hồ Duy Hải đều kêu oan.

Phần nhận xét hiển thị trên trang