Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017


Việt Nam và cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ

Từ thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên BBC Karishma Vaswani bình luận về môi trường cho các công ty start up tại Việt Nam, nơi có tốc độ phát triển kinh tế thuộc hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.
Những thống kê mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng nóng đạt 7,64% trong quý III. Phần lớn trong số đó là nhờ nông nghiệp, nhưng công nghệ cũng đang gia tăng vai trò đóng góp dù còn nhỏ bé.
Hãy cùng xem câu chuyện của một vài doanh nghiệp start up công nghệ để biết về những thách thức họ gặp ở Việt Nam và thay đổi trong môi trường kinh doanh trong thập kỷ qua.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đất, nước còn thì người ĐBSCL sẽ không phải tha hương

"Đất, nước còn" hay "Đất nước còn" ? "Đất nước còn thì người Việt sẽ không phải tha hương ?" Ông nào tư vấn cho ông Phúc nói được 1 câu rất hay: “phải giữ được đất, giữ được nước, giữ được người ĐBSCL mới gọi là thành công”, chứ không phải câu ông Phúc quen miệng nói "ĐBSCL phải là đầu tầu phát triển của cả nước". Đúng là ông Phúc có tiến bộ. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là tiến bộ trên ngôn từ, còn hành động thì chắc là còn lâu.
Đất, nước còn thì người ĐBSCL sẽ không phải tha hương
Nguyễn Hữu Thiện 24/11/2017, (TBKTSG) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, theo tinh thần Hội nghị “Diên Hồng” về phát triển ĐBSCL tháng 9 vừa qua tại Cần Thơ. Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “phải giữ được đất, giữ được nước, giữ được người ĐBSCL mới gọi là thành công”.

Cảnh sạt lở ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ảnh: NGUYỄN HỮU THIỆN
Phải giữ được đất, giữ được nước...
Đất, nước và người ĐBSCL bị đe dọa gì mà phải lo giữ và giữ thì phải làm sao? Nói ngắn gọn, đất bị mất do sạt lở, bị lún, và đất còn lại thì bị “rỗng ruột” - tức không còn dinh dưỡng. Nước ngọt thì năm ít, năm nhiều theo thời tiết, khí hậu. Năm nào ít nước ngọt thì nước mặn lấn sâu hơn. Dù sao, đồng bằng này vẫn là một trong những nơi dồi dào nước nhất trên hành tinh, nhưng có nước nhiều cũng như không vì sông ngòi lại ô nhiễm nặng nề, người dân phải chuyển sang xài nước ngầm nên gây sụt lún đất thêm. Nước ngầm cũng vì vậy mà cạn kiệt nhanh. 


Vùng nước biển ven bờ thì bị bỏ quên trong mọi quy hoạch phát triển nên phải gánh đủ thứ từ đất liền đưa ra. Rốt cuộc, người đồng bằng bỏ đi nơi khác, tha phương cầu thực. Trong 20 năm gần đây, gần hai triệu người đã đi khỏi vùng đất gọi là trù phú này, để lại làng quê người già, con nít.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể gom lại thành ba nhóm là biến đổi khí hậu, thủy điện trên sông Mêkông, và những vấn đề do tự mình gây ra. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra dần dần có thể thích ứng được nếu chọn đúng cách; thủy điện làm mất phù sa, mất cát thì không có gì thay thế; nhưng nếu nội tại đồng bằng khỏe mạnh thì sẽ đỡ hơn nhiều và vẫn phát triển được.

Trong bối cảnh đó, nghị quyết lần này đã nêu ra chiến lược dài hơi cho đồng bằng theo hướng thích ứng thuận thiên là chính, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên; chuyển tư duy nông nghiệp từ thuần túy sản xuất sang làm kinh tế nông nghiệp, và quy hoạch tích hợp, tổng thể cho toàn đồng bằng. Tại hội nghị hồi tháng 9, Thủ tướng cũng nói rõ sẽ dứt khoát giảm lúa ba vụ, ưu tiên biện pháp phi công trình, còn đầu tư công trình thì ưu tiên các công trình cấp bách.

Đây có lẽ là cách ứng xử tốt nhất đối với tình hình nhiều thách thức của miền đất này. Vì sao lại tốt nhất?

Tránh can thiệp thô bạo, tránh gây hối tiếc

Can thiệp thô bạo vào tự nhiên, trái quy luật thì trước sau gì cũng phải trả giá đắt. Vậy đối với đồng bằng, những quy luật nào là quan trọng, cần tránh can thiệp thô bạo để không phải hối tiếc?

Nếu làm được Nghị quyết 120 thì ĐBSCL sẽ có sức chống chịu tốt hơn với những thách thức. Đất đai được duy trì, sông được chảy, văn hóa sông nước còn có nền đất, nước để tồn tại thì người đồng bằng sẽ không phải tha hương.

Ở một vùng sông nước như ĐBSCL, ít sự can thiệp vào tự nhiên nào thô bạo hơn là can thiệp vào sông ngòi và quy luật dòng chảy.

Đồng bằng này do chính dòng chảy mang phù sa, cát bồi đắp nên. Thiếu hụt hai thứ này thì sự bồi đắp mở rộng sẽ ngưng, rồi sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra tới khi nào đạt điểm cân bằng mới. Điểm cân bằng mới đó ở đâu, không ai trả lời được. Những nguyên nhân khác gây sạt lở đều là phụ. Vì vậy, không nên nghĩ làm kè hết bờ biển, bờ sông, lấp hố sâu tự nhiên của sông thì sẽ hết sạt lở, mà chỉ nên bảo vệ những nơi nào quan trọng, khẩn cấp. Tốn nhiều tiền mà trái quy luật thì không hiệu quả, gây hối tiếc.

Do ảnh hưởng thủy triều từ biển, sông ngòi ở ĐBSCL chảy hai chiều, có nước lớn, nước ròng hàng ngày; nước rong, nước kém hàng tháng theo con nước rằm, ba mươi âm lịch. Sông chảy hai chiều thì sông ngòi mới sạch, mới có cá tôm, văn hóa sông nước. Ở đồng bằng chưa có nơi nào ngăn mặn mà nước sông rạch dùng được cho sinh hoạt. Hạn mặn cực đoan như năm 2016 lâu lâu mới xảy ra một lần. Thay vì dùng nhiều ngàn tỉ thì dùng vài tỉ ngăn tạm lúc đó, hết thì tháo ra sẽ đỡ hối tiếc hơn, hoặc chuyển sang canh tác mặn ở nơi nào và mùa nào mặn sẽ hiệu quả hơn.

Từ sau đợt hạn mặn năm 2016, ta nghe nói nhiều về chuyện ĐBSCL sẽ thiếu nước do thủy điện, phía trên họ chuyển nước sang lưu vực khác, suy ra ta phải đào ao, phải đắp sông ngăn mặn, trữ nước. Có thật ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt không? Không chắc. Nói ngắn gọn, những năm mưa bình thường, thủy điện không ảnh hưởng lượng nước đến đồng bằng; những năm khô hạn thì thủy điện sẽ tích nước làm khô hạn tồi tệ hơn; những năm nước nhiều, thủy điện sẽ làm lũ tồi tệ hơn, lũ chồng lũ.

Chuyện Thái Lan định làm dự án Khon-Loei-Chi-Mun chuyển 4,5 tỉ mét khối nước từ sông Mêkông qua sông Loei để tưới vùng Đông Bắc có làm ĐBSCL thiếu nước không? Không chắc! Nếu Thái Lan làm được thì có ảnh hưởng, nhưng đâu dễ làm được chuyện này. Vùng Isaan Đông Bắc Thái Lan gồm 19 tỉnh, chiếm một phần ba diện tích nước Thái, lẽ ra là vùng nông nghiệp quan trọng nhưng lâu nay không phát triển nông nghiệp được vì khô hạn. Người dân ở đây sống bằng nghề làm muối hàng trăm nay nay. Nghe thật lạ, nhưng bên dưới 19 tỉnh này là một đĩa muối mỏ khổng lồ, dày đến 200 mét, cách mặt đất 20 mét, có nơi lộ thiên. Các chính trị gia ở Bangkok đã đưa ra nhiều lời hứa hẹn đem nước về, xanh hóa vùng Isaan. Mấy chục năm nay, lời hứa này được đưa ra nhiều lần, nhiều chính trị gia đã thành công, lấy được phiếu, đắc cử, còn chuyện chuyển nước từ sông Mêkông để xanh hóa vùng Isaan xem ra không dễ. Nếu vẫn cố làm thì chính vùng này sẽ xảy ra thảm họa vì muối lan khắp nơi và trồi lên mặt đất. Năm 1989, dự án Khon-Chi-Mun khổng lồ tương tự đã được thực hiện và thất bại ê chề.

Vậy với sự đoán già đoán non, mơ hồ về những chuyện chưa chắc xảy ra ở phía thượng lưu rồi đinh ninh rằng ĐBSCL sẽ thiếu nước, rồi “ra tay trước” với ĐBSCL bằng những công trình nhiều ngàn tỉ, can thiệp thô bạo vào sông ngòi thì khác nào ta khám bệnh sơ sài, đoán rằng mình sẽ bị ung thư rồi đi xạ trị, hóa trị ngay, chắc chắn sẽ gây hối tiếc.

Chuyển từ tăng gia sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, quy hoạch tích hợp

Chuyển tư duy nông nghiệp từ thuần túy sản xuất số lượng sang làm kinh tế nông nghiệp là hướng đi cần thiết hiện nay. Những năm đầu sau chiến tranh, ta bị đói nên tăng gia sản xuất là đúng, nhưng nay đã qua thời đó thì cần phải đổi. Thực tế cho thấy, tăng gia sản xuất lúc đầu thì hết đói, nhưng càng làm nhiều nữa mà chỉ nhắm đến số lượng, thì không thể thoát nghèo. Lúa làm ra nhiều nhưng tiền thì ít, sông ngòi bị hủy hoại, đất đai cạn kiệt độ màu mỡ, sao duy trì tăng gia sản xuất lâu dài được chứ chưa nói làm giàu. Thoát nghèo phải có chiến lược ở tầm cao hơn, nhắm đến giá trị, chất lượng, thị trường, uy tín, tính lời, tính lỗ. Để bền vững thì lời, lỗ phải được tính cả về kinh tế, xã hội, môi trường chứ không thể mãi vắt kiệt đất đai, tài nguyên.

Tại hội nghị hồi tháng 9, Chính Phủ chủ trương sẽ có quy hoạch tổng thể, tích hợp cho ĐBSCL. Hiểu ngắn gọn, quy hoạch tích hợp là kế hoạch phát triển dài hạn có sự tham gia của tất cả các ngành. Nói hình tượng thì quy hoạch tích hợp giống như một phác đồ trị bệnh có hội chẩn của bác sĩ nhiều ngành. Đồng bằng này giống như một cơ thể sống, các bộ phận liên hệ với nhau, can thiệp chỗ này ảnh hưởng chỗ khác. Lâu nay cách chúng ta làm là nhiều “bác sĩ” đưa ra toa trị bệnh riêng cho cùng một bệnh nhân mà không hề có “hội chẩn”. Ngành giao thông quy hoạch riêng, thủy lợi quy hoạch riêng, sử dụng đất quy hoạch riêng, dẫn đến tình trạng đồng bằng có 2.500 bản quy hoạch, “đá nhau” lung tung. Thêm vào đó, mỗi tỉnh lại theo đuổi mục tiêu riêng trong phạm vi của mình, không biết ảnh hưởng đến nơi khác ra sao. Như vậy thì tổng thể của toàn “cơ thể” đồng bằng khó mà khỏe khoắn được.

Có thể nói những kết luận của Thủ tướng tại hội nghị vừa qua là sự chuyển hướng cần thiết, không thể chậm trễ hơn. Dĩ nhiên đó là ở tầm chiến lược, còn việc thực thi thì phải chờ thời gian trả lời. Sự giằng co giữa các ngành do góc nhìn, mối quan tâm riêng, kể cả lợi ích cục bộ, thành tích ngành, vẫn có thể phá vỡ chiến lược chung. Nhưng đây là luồng gió mới trong tư duy phát triển ĐBSCL, rất đáng mừng. Nếu làm được thì ĐBSCL sẽ có sức chống chịu tốt hơn với những thách thức. Đất đai được duy trì, sông được chảy, văn hóa sông nước còn có nền đất, nước để tồn tại thì người đồng bằng sẽ không phải tha hương.

http://www.thesaigontimes.vn/265289/Dat-nuoc-con-thi-nguoi-DBSCL-se-khong-phai-tha-huong.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Họ hàng, đàn em lên chức: Đại gia ẩn mình, quyền lực bao trùm


  Nhiều đại gia đang vừa là chủ tịch của ngân hàng, vừa là tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT nhiều doanh nghiệp. Quy định mới không cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng được kiêm nhiệm chức vụ tương đương tại các DN khác cần phải thể hiện tính hiệu quả trên thực tiễn, nếu không, đây lại là một phương án “nặng phần trình diễn”. Các đại gia vẫn có thể cho họ hàng, người thân, đàn em đứng tên các chức vụ để ẩn mình 'điều binh khiến tướng'.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều, của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD), vừa được Quốc hội thông qua ngày 20/11, quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc của một TCTD, không được đồng thời là Chủ tịch, Thành viên HĐQT; Chủ tịch, Thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của bất kỳ một DN nào khác.

Quy định này, được đưa vào luật, nhằm mục đích làm minh bạch hoá thị trường tiền tệ, giúp giảm thiểu lợi ích nhóm, cho vay DN sân sau đã xảy ra nhiều thời gian qua.

Đại gia có từ bỏ quyền lực?

Trên thực tế, tại Việt Nam, không ít đại gia vừa là lãnh đạo của một DN, lại vừa đảm nhiệm vai trò chủ tịch HĐQT tại một ngân hàng. Từ ngày 15/1/2018 tới, những đại gia này sẽ phải lựa chọn: hoặc làm chủ DN hoặc làm chủ ngân hàng.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, quy định nêu trên, nếu không làm chặt chẽ, sẽ chỉ mang tính hình thức và mọi chuyện vẫn như cũ.

Thực tế hiện nay cho thấy, một số đại gia là ông chủ của 1 hoặc 2 ngân hàng và một số doanh nghiệp. Nay, theo một số chuyên gia, dù luật có bắt họ chỉ được lựa chọn một vị trí lãnh đạo, nhưng trên thực tế, ngân hàng hay các DN đó vẫn là của họ. Việc thoái vốn cũng chỉ là hình thức.

Người ta có thể đưa người thân vào nắm giữ các chức vụ này thay mình, rồi vẫn ngấm ngầm điều hành. Vì vậy, mọi người có quyền nghi ngờ về hiệu quả của quy định này, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, nhận xét.

Vấn đề quan trọng là làm sao để thực hiện nghiêm minh quy định này, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý như thế nào,... Đến nay, vẫn chưa thấy có giải pháp nào được đề cập tới, ông Đức nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ, cho rằng, các đại gia có trăm nghìn cách lách luật. Họ có thể đưa họ hàng, người thân, vào thay thế, nắm giữ các vị trí then chốt của ngân hàng - cách này đã đươc sử dụng đại trà trên hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua.

Vì vậy, Luật sửa đổi, cần phải thể hiện tính hiệu quả trên thực tiễn, nếu không, đây lại là một phương án “nặng phần trình diễn”, chứ thực sự không ảnh hưởng gì đến hiện tượng nói ở trên.

Thậm chí, quy định mới này, có khi lại giúp các đại gia, viện cớ thoát khỏi những vị trí đang ở trong tình trạng nguy hiểm, có thể bị mang ra tòa, như những vụ án ngân hàng vừa xảy ra, ông Kim nêu ý kiến.

Lo không hiệu quả

Theo ông Kim, hệ thống Ngân hàng Việt Nam vẫn khá phức tạp và câu chuyện bắt đầu từ hơn 10 năm trước, với những phi vụ đầu cơ lớn vào chứng khoán, vàng, ngoại tệ, bất động sản. Muốn đầu cơ thì phải có tiền, muốn có tiền thì phải đi vay. Tuy nhiên, vay vốn ngân hàng không hề dễ dàng. Vì vậy, các đại gia nghĩ đến cách mua luôn một ngân hàng để tài trợ vốn cho dự án của mình. Khi đã sở hữu ngân hàng rồi, để vay vốn, các đại gia ban đầu áp dụng thuật đòn bẩy tài chính, sau dùng phương án DN sân sau, rồi cuối cùng là “đòn” sở hữu chéo.

Muốn giải quyết dứt điểm những yếu kém của hệ thống ngân hàng, phải có phương án tổng thể, giải quyết cùng lúc nợ xấu, sở hữu chéo và DN sân sau, ông Kim lưu ý.

Theo Luật sư Đức, chỉ quy định không cho Chủ tịch HĐQT ngân hàng, được kiêm nhiệm chức vụ tương đương tại các DN khác sẽ không có tác dụng nhiều trong việc minh bạch thị trường, hay giảm cho vay DN sân sau, nếu họ cố tình vi phạm. Hiện tồn tại rất nhiều vấn đề liên quan tới sở hữu chéo, lợi ích nhóm, nên dù có quy định nêu trên thì thực tế vẫn vướng.

Theo ông Kim, nếu muốn quy định trên hiệu quả hơn, nên thực hiện 3 biện pháp. Thứ nhất, cấm việc chia nhau quyền hành trong một gia đình và phải định nghĩa thành viên gia đình gồm những ai. Tuy nhiên, điều này vẫn không giải quyết được hiện tượng “đệ tử” hay “bồ nhí” được đưa vào nắm giữ các chức vụ quan trọng.

Tiếp đến là quy định lãnh đạo ngân hàng phải có bằng đại học chuyên ngành về tài chính và có 3 năm kinh nghiệm, ở một vị trí điều hành ngân hàng. Những lãnh đạo này phải qua một kỳ thi (phỏng vấn) bởi những chuyên gia về tài chính ngân hàng (nhưng không làm việc trong ngành). Báo cáo buổi phỏng vấn sẽ được đưa lên Hội đồng bổ nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Một lãnh đạo ngân hàng chỉ được bổ nhiệm, khi có sự đồng thuận của cơ quan này.

Nội quy, tổ chức, điều lệ, quy định về những quy trình quan trọng (nhất là về tín dụng) của ngân hàng, đều phải được một Hội đồng Giám sát tổ chức ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Ngoài ra, những quy định về phần cổ phiếu tối đa mà một cá thể (kể cả gia đình và DN, trong cùng một tập đoàn hay đối tác chiến lược) cũng phải sửa đổi và áp dụng một cách nghiêm túc hơn. Những giải pháp này đã được áp dụng ở nước ngoài, đặc biệt là ở Thụy Sỹ.

Còn theo Luật sư Đức, để ngăn chặn hiện tượng đưa người thân thay mình nắm giữ vị trí ở DN sân sau, các cơ quan chức năng cần phải nắm thực chất về sở hữu, tránh tình trạng đúng trên giấy tờ, pháp lý. Phải xử lý nghiêm nếu phát hiện thấy vi phạm để răn đe.

Trần Thủy

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/ho-hang-dan-em-len-chuc-dai-gia-an-minh-quyen-luc-bao-trum-413382.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không đơn giản chỉ là cải cách chữ viết ?




Một số người trịnh trọng biến dư luận về việc cải cách chữ viết theo sáng kiến Bùi Hiền thành thuyết âm mưu, rằng người ta đang đánh lạc hướng dư luận để quên đi những chuyện động trời khác. Trong khi dư luận cộng đồng bao giờ cũng nhạy cảm hơn số người trịnh trọng ấy. Tôi hình dung có một âm mưu khác còn to hơn âm mưu vặt vãnh mà mấy ông đa nghi này đặt ra.

Sự thực, người ta đủ khôn để không rơi vào mớ bùng nhùng, rắc rối khi cổ súy cho cái món cải cách chữ viết của ông già không còn đủ tỉnh táo. Vấn đề môi trường, dân chủ, dân sinh ư? Thì nó vẫn chình ình ra đó hết ngày này đến ngày khác chứ mất đi đâu mà lấp liếm, ai bức xúc cứ lên tiếng chứ có sự cấm đoán nào đâu. Nhưng cải cách chữ viết như Bùi Hiền tưởng là chuyện điên rồ, nhưng không điên rồ tí nào khi nó nhân danh khoa học và được các nhà khoa học tai to mặt lớn đứng ra lên tiếng bảo kê. Không phải ngẫu nhiên mà họ quảng bá công trình của Bùi Hiền trên phương tiện báo chí, trên truyền hình quốc gia, lại cho những nhà khoa học có danh như Phạm Văn Tình, Trần Ngọc Thêm, Đoàn Hương… lên tiếng khẳng định đó là khoa học!

Xét hệ thống vấn đề, theo tôi, đó là một chiến lược diễn ngôn. Có thể sau thăm dò dư luận sẽ là một sự áp đặt bằng một dự án tiền tỉ trong cải cách giáo dục. Hiện tại có thể vấp sự phản ứng quyết liệt nhưng rồi sẽ dần quen. Giới tuổi teen thấy lối chữ này phù hợp với chế biến lâu nay của chúng, chúng tin tưởng và sẽ bắt chước làm theo, cứ thế cái chưa quen thành quen dần, đến lúc chấp nhận và trở thành phổ biến. Theo Foucault, tri thức – quyền lực – niềm tin là bộ ba trong chiến lược diễn ngôn phổ biến của giới cầm quyền. Tri thức do một nhóm cầm quyền tạo ra, dùng quyền lực áp đặt để hợp thức hóa và tạo ra thói quen gọi là niềm tin để hoàn tất một quy trình của chiến lược diễn ngôn.

Vấn đề nghiêm trọng nằm ở chỗ, không chỉ là cải cách chữ viết. Theo triết gia Derrida, chữ viết không kí sinh vào tiếng nói như Aristotle và Saussure nói, mà ngược lại, nó hình thành độc lập và có xu hướng điều chỉnh và thống nhất âm đọc theo quy ước của con chữ. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi phổ biến chữ viết Bùi Hiền? Thế hệ tiếp theo sẽ đọc “ngờ” /ng/ thành “quờ” /q/, “chờ” /ch/ thành “cờ” /k/, “thờ” /th/ thành “uờ” /w/, “trờ”thành “cờ” /c/… Cải cách hợp lý để tối ưu hóa giao tiếp thì không có gì để nói, nhưng cải cách làm dị dạng ngôn ngữ từ chữ đến tiếng nói của một dân tộc là một âm mưu thâm độc.

Âm đôi khi bị mất chức năng khu biệt như nói ngọng, lẫn lộn hỏi/ngã, n/ng, c/t, d/gi,… nhưng chữ viết lại có chức năng khu biệt rất lớn về nghĩa của từ. Bùi Hiền nói lấy tiếng Hà Nội làm chuẩn, trong khi không có lý do gì tiếng Hà Nội phải là chuẩn phổ thông. Sự cải biến tự nhiên lâu nay để có chữ viết như hiện tại là cả một quá trình lựa chọn dung hòa tiếng nói giữa các vùng miền và khu biệt nghĩa cho nhiều trường hợp đồng âm. Cải cách như Bùi Hiền không còn là tiếng Việt nữa. Không phải vô lý khi một số bạn phát hiện âm đọc trong cách ghi âm của Bùi Hiền na ná như người Việt học tiếng Tàu. Hậu quả là cả ngàn năm Bắc thuộc, người Việt dù mượn chữ Hán nhưng vẫn đọc âm Việt do chữ ghi hình không liên quan đến âm đọc, nay chỉ trong vài mươi năm mà toàn dân có thể phát âm giống người Hán để dễ dàng học… tiếng Tàu! Vậy là tiếng Việt đẹp đẽ trong veo của dân ta biến mất ngay khi dân ta học tiếng mẹ đẻ của mình!

Và câu chuyện không ngẫu nhiên khi Bộ Záo zụk và Dào tạo từng chủ trương phổ cập hóa tiếng Trung với hàng loạt sách giáo khoa đã in. Và cũng không phải ngẫu nhiên có kẻ đang đánh động dư luận sẽ thay Facebook, Google thành mạng Weibo, WeChat và Baidu Tieba của Trung Quốc (?).

Nếu nói thuyết âm mưu thì âm mưu nào lớn hơn? Tiếng nói của dân tộc không là vấn đề môi trường, dân chủ, dân sinh? Môi trường văn hóa, sự độc lập tự chủ và sự tồn sinh tinh thần dân tộc không lớn hơn mọi thứ khác sao? Saussure nói, người bản ngữ luôn luôn đúng. Tôi nói thêm, phản ứng cộng đồng luôn luôn đúng!

Ngôn ngữ, trong đó có chữ viết khi đã phổ cập thành ngôn ngữ toàn dân, là tài sản của cả cộng đồng. Nó sinh ra để giao tiếp và mọi thay đổi đều nhằm mục đích tối ưu hóa giao tiếp chứ không phải là tri thức như phát minh Galieo, Copernic. Nghiên cứu quy luật khách quan của ngôn ngữ thì đúng là câu chuyện riêng của chuyên gia ngôn ngữ học. Nhưng ý muốn chủ quan nhân danh sự tiến bộ đòi làm thay đổi toàn bộ tài sản ngôn ngữ của cộng đồng thì không có ông vua Mèo nào dám tuyên bố với cái lý rằng, cộng đồng bản ngữ không được phép phản ứng. Một bảng chữ cái với mấy mươi ký hiệu là cái gì cao siêu đến mức “đám quần chúng” không được phép lên tiếng, hỡi các ông vua ngôn ngữ học trịch thượng Phạm Văn Tình, Trần Ngọc Thêm, và cả bà chuyên viết văn, bình văn yết hậu “rất là thiền luận” Đoàn Hương???
Thử nghe một đoạn:

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=758079537711052&id=100005270373382&hc_location=ufi&fbt_id=758079537711052&lul&ref_component=mbasic_photo_permalink_actionbar&_rdr#s_8030b46b5bf67b28dcb337517217fb7e 



FB CHU MỘNG LONG 30.11.2017


Phần nhận xét hiển thị trên trang

9 kiểu tính cách không thể thành công


9 kiểu tính cách không thể thành công
Không chỉ các kỹ năng, tính cách cá nhân cũng là phần quan trọng quyết định thành công của bạn trong công việc. 9 kiểu tính cách dưới đây sẽ khiến bạn không thể tiến lên trên con đường sự nghiệp.
Nhà kinh tế David Deming của Đại học Harvard đã nghiên cứu sự thay đổi tính chất công việc tại các công ty từ năm 1980 đến nay và nhận thấy những công việc đòi hỏi kỹ năng xã hội tăng trưởng đến 24% trong khi các công việc đòi hỏi về khả năng kỹ thuật và sự thông minh thì tăng chậm hơn nhiều. Nghiên cứu chỉ rõ, những người có các kỹ năng xã hội cũng như trí thông minh cảm xúc (EQ) cao có xu hướng thành công hơn hẳn so với những người rập khuôn và cứng nhắc.
Tuy vậy, cũng có những tính cách khiến công việc bị cản trở không ít. Những người có 9 đặc điểm sau cần xem xét lại định hướng cuộc đời mình để thay đổi sớm:
Người hèn nhát
Nỗi sợ hãi có tác động rất lớn, chúng thay đổi  hành động của con người. Trong công việc, người hèn nhát thể hiện ở việc không bao giờ dám chịu trách nhiệm. Họ sợ sai, sợ phải nhận lỗi, sợ bị chê trách và không bao giờ mạnh dạn nói lên ý kiến của mình.
Người tiêu cực
Ở những người có nét tính cách này, việc duy trì một bầu không khí năng động và tươi sáng tại nơi làm việc là một điều không tưởng. Không chỉ cản trở sự tiến lên của chính bản thân, sự xuất hiện của họ còn khiến đồng nghiệp cảm thấy u ám thay, những suy nghĩ tiêu cực áp đặt lên tất cả mọi người dễ dàng khiến công việc mất đi động lực.
Người kiêu ngạo
Ngược lại với những người hèn nhát, người kiêu ngạo luôn cảm thấy rất tự tin với những điều mình làm, luôn thấy mình là tốt nhất và không ai có khả năng tương xứng. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong con người đó lại là sự tự tin giả dối, luôn cảm thấy không đủ, không hài lòng và bất mãn với thực tại.
Người chỉ tư duy theo đám đông
Những người này thường rất ít khi đưa ra ý kiến cá nhân, không phải vì sợ hãi mà vì họ không có ý thức phản biện, luôn cho rằng “chúng ta làm thế này là tốt rồi”. Nếu bạn thường xuyên bị thuyết phục bởi những ý kiến của đám đông, dễ dàng cho đám đông là chân lý thì hãy coi chừng, sẽ chẳng bao giờ bạn có thể thành công được đâu.
Người chậm thích nghi
Những người như này thường rất chậm chạp trong việc thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh hoặc không biết nắm bắt thời cơ để đạt được những thành tựu nho nhỏ trong công việc. Rất khó để thay đổi kiểu người này vì đó là vấn đề ở thái độ chứ không phải hoàn cảnh không tạo điều kiện.
Người nóng tính
Một số người hoàn toàn không kiểm soát được tính khí và cảm xúc của mình, nhất là khi đối diện với những vấn đề ngoài dự đoán. Khi họ cảm thấy khó chịu thì bất kỳ việc làm nào của đồng nghiệp cũng khiến họ khó chịu, từ đó dễ dẫn đến việc rạn nứt các mối quan hệ.
Người thích đóng vai “nạn nhân”
Những người này thoạt nhìn có vẻ là khá hiền hòa, thích tâm sự và chia sẻ nhưng gặp lúc khó khăn bạn sẽ nhận thấy sự thoái lui của họ. Bản chất của những người thích đóng vai “nạn nhân” là không có sự chủ động, không biết nắm bắt cơ hội để học hỏi và phát triển mà luôn dựa dẫm vào người khác. Và khi họ bị lùi lại, họ sẽ cảm thấy như mình bị cô lập, bị tách biệt trong khi chính họ là người làm cho mọi thứ rối tung lên.
Người cả tin
Tốt bụng là một đức tính tốt, nhưng tốt đến mức dễ dãi và cả tin thì không biết nên vui hay nên buồn. Những người này thường dễ dàng chấp thuận một yêu cầu từ cấp trên mà không một ý kiến, dù cho nó vô lý và ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của họ. Hãy nhớ rằng, bạn có thể chủ động thương lượng mức lương, chủ động từ chối cũng như đưa ra những thắc mắc cần thiết. Biết lựa thời điểm để bảo vệ quyền lợi chính mình sẽ giúp bạn tăng thêm sự tôn trọng trong mắt người khác.
Người hay xin lỗi
Những người thiếu tự tin luôn xin lỗi vì những ý tưởng và hành động của họ. Họ sợ thất bại và tin rằng xin lỗi sẽ trở thành lá chắn cho họ. Chắc chắn bạn từng gặp những người xin lỗi từ khi đưa ra ý tưởng đến lúc hoàn thành ý tưởng đó, họ vẫn tiếp tục xin lỗi.
Ban đầu, họ xin lỗi vì muốn tạo ra một lá chắn thể hiện sự cầu tiến giả tạo (trong khi thực chất là họ đang sợ hãi) còn về sau là họ muốn thể hiện sự khiêm tốn thái quá (nếu công việc thành công) hoặc sự tránh né trách nhiệm (nếu công việc thất bại).
Những người như thế, thường ít khi có thể bảo vệ được chính kiến của mình trước đám đông và không dễ để thành công đâu.
THU HOÀI/Trí Thức Trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kính thưa các loại “Sĩ”

Hình minh họa

“Đổi bò lấy tiến sĩ” là tên một chương trình ở miền Bắc XHCN. Anh cả Xô Viết thấy ta quá thiếu thốn trí thức bèn giúp bằng cách nếu ta cử một người học tiến sĩ, bạn sẽ cấp một con bò. Thật chứ chẳng phịa.

Nói gì nói, dân mát- cơ-va, ê-ka-tê-ri-na, sanh-pe-téc-bua, lô-mô-nô-xốp… là dân giỏi. Tiếc rằng giờ làm to cả nên quên chuyên môn chăng?

Dù sao, họ chắc chắn giỏi hơn tiến sĩ bây giờ. Không vơ đũa cả nắm. Tôi gặp nhiều tiến sĩ giỏi, họ hầu hết hoạt động độc lập. Còn tiến sĩ quốc doanh thì thôi rồi (ói phát kể tiếp).

Tại sao lạm phát tiến sĩ? Trước hết nà phải trách cái lền giáo dục lày lày. Khuôn mẫu, học vẹt, ngờ nghệch nhưng rất thích hàm vị. Sau đó là xã hội tăng động lày lày. Cứ nghe tiến sĩ thạc sĩ nà xoắn cả lên. Ông nào dốt mấy có cái sĩ, chạy thêm chút là chễm chệ ghế trên.

Ngay ở quê bây giờ, giáo làng cũng chạy đua thạc sĩ. Có thạc sĩ học sinh mới học thêm. Ở quê thằng nào đến tán con gái bố, bố đá ấm nước chè văng ra đường gọi là chim cút! Thạc sĩ đến, bố vào tận buồng lôi trượt con gái ra. C ưa được con bố rồi thì nghe bố dặn: “Con chưa tiến sĩ là chưa động phòng nghe con.”

Thạc sĩ, tiến sĩ đông như kiến cỏ nhưng có cái máy tưới nước nông dân cũng tự phát minh. Vì họ có thực tế. Chứ tiến sĩ ngồi phòng lạnh, biết đếch gì đồng ruộng mà phát minh. Vì thế, đọc đề tài tiến sĩ cười ướt cả bỉm.

Đề tài tiến sĩ, nó phải nguy hiểm tí, học thuật tí. Và đặc biệt là đéo có tính khả thi. Để hội đồng cấp đại, khỏi thẩm định. Ông anh Nguyễn Một kể vầy. Hồi có cô em làm đề tài thay đổi thói quen rửa bát bằng miếng xốp của nông dân. Ổng kêu sửa lại: Ứng dụng nguyên tắc ma sát và điều chuyển hi đờ rô, ô xy trong môi trường phi kim loại. Hồi có thằng bắt cu đái giữa thủ đô. Nguyễn Một lại gợi ý đề tài: “Sự hoạt động bất thường của hệ bài tiết trong môi trường đô thị.”

Bữa nghe hai ông anh đi học thạc sĩ kể. Giờ siết kinh lắm. Nhứt là tiếng Anh. Thi vấn đáp lận. Nhưng miễn sao hiểu được câu cô hỏi rồi trả lời bằng tiếng Việt là qua cái rẹc. Ông anh kia rầu rầu nói chứ toạch mẹ! Hỏi sao? Ổng bảo đề ra viết một bức thư cho John. Mình tủ thế nào, lại Dear cmn Mike chứ lị !

Những câu chuyện vui nhưng không cá biệt. Bi giờ tiến sĩ thạc sĩ thành nhu cầu đéo cản được, cũng như mua bán dâm vậy á. Thôi thì ông nào muốn học tự móc túi ra học như người ta. Chứ bây giờ các ông bà nghị quyết chi 12 nghìn tỷ thì nghẹn ngào. Nhà nghèo, cơm không có đớp, bầy con phải nhịn để ông bố dốt nát ưa làm sang mua áo gấm. Thiệt đau lòng.

Tửng nói thẳng với mấy ông sắp sĩ. Tự trọng một chút. Dốt mà biết xấu hổ cũng là một cảm tính cách mạng, cũng là yêu nước vậy!

Thực tế lúc này, chúng ta cần bò hơn tiến sĩ. Hay Tửng lại ứng nghiệm làm cmn một đề tài: “Ứng dụng các nguyên tắc song phương và quan hệ lịch sử trong việc đổi tiến sĩ lấy bò”!

Nguyễn Tiến Tường

(FB. Nguyễn Tiến Tường)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hiệu Minh - “Mẹ Nấm” đi tù và Phương Uyên du học Mỹ


Tin cho hay, “Mẹ Nấm” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vừa bị tuyên án 10 năm tù trong phiên xử phúc thẩm hôm 30/11. Trong khi đó, cô sinh viên Phương Uyên vừa có cuộc liên hoan chia tay với gia đình và bạn thân để lên đường du học Mỹ.

“Kẻ ở, người đi” trong một ngữ cảnh chính trị Việt Nam và quốc tế khó đoán trước được điều gì.

Hình minh họa
“Mẹ Nấm” ở lại

Một số người hy vọng chuyến đi của TT Trump tới Đà Nẵng dự APEC sẽ giúp “Mẹ Nấm” được thả, kể cả đăng thư của con gái của Mẹ Nấm gửi đệ nhất phu nhân, bà Melania Trump.

Bà Melania Trump ở lại thăm Vạn Lý Trường Thành, cô cháu gái (con của Ivanka) hát tiếng Trung cho TBT Tập Cận Bình nghe và được khen ngợi.

TT Trump tới APEC đã nói “các bạn nên lo cho ngôi nhà của mình..” là đủ hiểu, nước Mỹ chán giúp tỵ nạn chính trị rồi. Các bạn bắt thì cứ xử theo luật mình thích, nước Mỹ không can thiệp như trước nữa.

Vả lại, hàng ngàn người Việt lưu trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ đang có nguy cơ bị trục xuất nhất là tại California.

VOA cho hay, các nhà lập pháp dân cử liên bang, tiểu bang, và địa phương của tiểu bang này đã công khai lên án chiến dịch truy quét, bắt giữ mạnh tay chưa từng có trước nay những người tị nạn gốc Việt bị lệnh trục xuất của chính phủ Mỹ.

Họ cho rằng, chính quyền Trump có thể dùng con bài bắt bớ này để mặc cả chính trị với Việt Nam theo kiểu “ông đưa cái giò, bà thò chai rượu”, nhất là TT hiện có máu buôn bán.

Xin nói thêm, “Mẹ Nấm” bị xét xử sau vài tuần khi APEC được cho là “thành công vang dội” cũng là nước cờ cao dù BNG Mỹ lên tiếng “quan ngại sâu sắc” nhưng ông chủ Tillerson (BT) đang bị đồn đoán là sắp mất việc.

Vụ việc “Mẹ Nấm” quá nhỏ so với tầm toàn cầu của Trump đang hướng nội “chuyển việc về quê” thay vì “dân chủ, tự do và nhân quyền” mà Hoa Kỳ từng đi rao giảng khắp thế giới.

Trong bối cảnh như thế, thư của con gái “Mẹ Nấm” gửi Melania bị cho vào “sọt rác” theo một nghĩa nào đó là bình thường. Vụ này thì Hoa Kỳ có vẻ đã “ủn ngược”.

Phía VN tiếp tục dùng tù nhân chính trị để mặc cả như đã từng làm là vô nghĩa, có khi Hoa Kỳ đang dùng tỵ nạn VN để “phe phẩy” lại cũng nên.

Phương Uyên
Phương Uyên du học Mỹ

Về chuyện cô Phương Uyên một thời trên mạng được tung hô như Bà Trưng, Bà Triệu, do hô khẩu hiệu “đả đảo…” đi Mỹ là một cách hay.

Hiệu Minh Blog từng có bức thư “Vài lời gửi cháu Phương Uyên” khuyên rất chân thành, thiết thực. Xin trích ra đây một đoạn vì sợ bạn đọc FB không vào blog được.

“Nếu cháu chưa biết tiếng Anh thì nên học để hiểu thêm thế giới bên ngoài. Cháu tìm hiểu kỹ hơn về những nhân vật nổi tiếng như Martin Luther King, Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi, Lech Walesa và nhiều người khác. Ngoài chuyện bản thân bị bắt bớ, tù đày, và bị giết hại, những nhân vật này đều có bề dày văn hóa rất cao mới có khả năng dẫn dắt hàng chục triệu người đi theo.

Cháu nên tìm đọc những cuốn sách về Trò chơi quyền lực. Cuốn “The Power Game” của giáo sư trường Harvard là Joseph S. Nye cũng đáng tham khảo. Ông từng là trợ lý đối ngoại thuộc bộ Quốc phòng. Giáo sư Nye cũng quen thuộc với bạn đọc VietnamNet vì những trao đổi thẳng thắn về hội nhập và phát triển.

Cuốn tiểu thuyết nói về một người từng là giáo sư đại học Princeton được người bạn cũ giới thiệu ra làm cố vấn cho cuộc đua chức Tổng thống Mỹ của ứng viên Wayne Kent. Ông này thắng cử và giáo sư được đề bạt ngoại trưởng. Sống ở Washinton DC, giáo sư bỗng cảm thấy sự ngột ngạt của cuộc sống chính trị bởi những trò bẩn thỉu, ai cũng muốn mục đích riêng của mình.

Tự nhiên giáo sư bỗng nhớ thời êm đềm ở Princeton cổ kính, một trong những Ivy League của Hoa Kỳ.

Những ngày qua với vài biến động không đoán định trong nền chính trị nước nhà, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng không phải là quá ngạc nhiên đối với những người đã từng trải.

Trước chuyến đi của chủ tịch Trương Tấn Sang tới Trung Quốc, nhà văn – blogger Phạm Viết Đào và cả Trương Duy Nhất bị bắt.

Nhưng trước chuyến đi Hoa Kỳ, phiên tòa xử Lê Quốc Quân được hoãn vô thời hạn. Sau chuyến ông Sang về, cháu Phương Uyên “bỗng” hưởng án treo.

Còn khá nhiều động thái khác, dựa trên quan hệ giữa các quốc gia để lãnh đạo hành xử. Chưa kể giữa các lãnh đạo với nhau, không khác vị giáo sư Princeton, đều rơi vào vòng xoáy của quyền hành nhiều trò bẩn đánh dưới thắt lưng.

Một khi các nhà chính trị chơi trò quyền lực thì số phận của người dân quá nhỏ bé, đôi khi bị nhấc lên hạ xuống như một quân cờ. Các cường quốc coi các nước nhỏ như những con tốt thí để họ làm việc khác lợi hơn cho nước họ.

Bao giờ tạm hiểu những trò chơi đó thì sẽ rõ tại sao, 3 tháng trước, cháu vừa bị phạt tù nặng 6 năm, nay bỗng thành án treo và được về nhà ngủ ôm mẹ.”

Chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình đòi kiện CP VN hơn 1 tỷ đô do quá khứ một số người chơi trò quyền lực và thế hệ tương lai trả giá đắt là một ví dụ tầm quốc gia.

Khi biết về Power Game (trò chơi quyền lực) thì sẽ hiểu tại sao người bị tù, người được du học Mỹ, bởi trong mỗi thời điểm con bài nào mới là quan trọng đối với nhà cái.

Chuyện “kẻ ở người đi” sẽ còn tiếp diễn, nhưng trong tương lai không chỉ có hướng từ Việt Nam sang Mỹ. Stay tuned.

Chúc các bạn vui cuối tuần.

Hiệu Minh


(Blog Hiệu Minh)

Phần nhận xét hiển thị trên trang