Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

KHOE MỘT CHÚT:


KHOE MỘT CHÚT: 

Tập sách khảo cứu "Hoa tay đất Việt" của VTT, được Nhà xuất bản Kim Đồng, in năm 2017, đã có mặt tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt . Cảm ơn Hoàng Thanh Thủy (Thanh Hoàng Thủy) nhiều !

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chỉ có xã hội hóa và cá nhân hóa mới mang lại sự dân chủ

  •   ĐỖ LAI THÚY - PHAN THẮNG

Chỉ có xã hội hóa và cá nhân hóa mới mang lại sự dân chủ
Lời Tòa Soạn: Văn hóa của một dân tộc là một dòng chảy liên tục, tuy nhiên, có lúc nhanh, lúc chậm, có lúc bình lặng, lúc dữ dội, có bằng phẳng, có thác có ghềnh, và thẩm mỹ về dòng sông mỗi người, mỗi thời có thể khác nhau. Tạm hình dung như vậy để có một cái nhìn khách quan về văn hóa, đừng quá áp đặt cái chủ quan trong ứng xử với văn hóa để tránh làm cho văn hóa méo mó, biến dạng. Tất niên năm nay, với tâm niệm đó, chúng tôi đã đón PGs, ts Đỗ Lai Thúy làm khách của Văn hóa Nghệ An và đã có cuộc trao đổi ngắn nhưng thú vị.
Phóng viên:Bây giờ là cuối năm 2013, có nghĩa là chúng ta đã bước sang thế kỷ mới được 13 năm. Là người đã quan tâm và có nhiều nghiên cứu về văn hóa, ông thấy văn hóa nước nhà ta bây giờ có khác nhiều so với thập kỷ cuối của thế kỷ trước?Sự khác biệt lớn nhất, quan trọng nhất là gì, nó thể hiện như thế nào?
Đỗ Lai Thúy:Hỏi về văn hóa, hoặc thay đổi về văn hóa, một cách chung chung thì rất khó trả lời. Vì thế, ở đây, để trả lời câu hỏi của anh, tôi phải phân biệt hai thứ văn hóa: một văn hóa ở cấp độ tổng thể và một văn hóa ở cấp độ đời sống thường nhật. Về loại hình văn hóa thứ nhất thì trước đây người ta không để ý, hoặc  không biết rằng có nó để mà để ý. Câu tuyên bố của một quan chức văn hóa: “văn hóa phải phục vụ du lịch” là một minh chứng. Những năm gần đây người ta bắt đầu nghiên cứu nó.Ngành văn hóa học (theo cách gọi của Nga) hoặc nghiên cứu văn hóa (theo cách gọi của Mỹ) được củng cố và đã có mã ngành để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Các công trình văn hóa học đã được dịch và xuất bản nhiều hơn. Còn về văn hóa đời sống hoặc đời sống văn hóa thì cũng đang có sự chuyển dịch từ phạm vi nhà nước sang phạm vi xã hội, cả ở bộ phận sản xuất văn hóa lẫn bộ phận hưởng thụ văn hóa. Các xưởng phim tư nhân, các nhóm ca nhạc, các triển lãm của các họa sĩ độc lập, đặc biệt là nghệ thuật trình diễn và sắp đặt, các trang mạng cá nhân…ra đời và hoạt động khá hiệu quả. Đây có lẽ là sự khác biệt tuy quan trọng nhưng khó nhận ra giữa văn hóa Việt Nam bây giờ và văn hóa Việt Nam thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước.
Phóng viên:Bản chất của sự thay đổi đó là gì? Tại sao có sự thay đổi đó hay là động lực tạo nên sự thay đổi đó? Nội lực hay là ngoại lực chiếm vị trí chủ công?
Đỗ Lai Thúy:Bản chất của sự thay đổi đó, theo tôi, là sự dân chủ hóa. Việt Nam trước đây là xã hội của cộng đồng và nhà nước. Để hiện đại hóa một đất nước như vậy phải cùng lúc thực hiện hai quá trình tưởng như trái ngược nhau, nhưng lại bổ sung cho nhau là xã hội hóa và cá nhân hóa. Chỉ có xã hội hóa và cá nhân hóa mới mang lại sự dân chủ. Và đến lượt nó, mới mang lại sự thay đổi văn hóa, nhất là sự thay đổi văn hóa ở cấp độ tổng thể. Như vậy, sự thay đổi văn hóa chủ yếu là do dân chủ, và dân chủ là một sự vận động nội sinh. Như vậy nhân tố nội sinh rất quan trọng. Tuy nhiên lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng ở một vài trường hợp đặc biệt, yếu tố ngoại sinh còn quan trọng hơn yếu tố nội sinh, vì cái đến từ bên ngoài thức tỉnh, kích thích, nuôi lớn cái ở bên trong. Có điều cần nói thêm là Cách mạng tháng Tám, rồi Đổi mới và Mở cửa trước đây đã mang lại nhiều dân chủ, nhưng đó là dân chủ đám đông, dân chủ vì/cho đám đông. Ngày nay, để sáng tạo văn hóa cần phát triển một thứ dân chủ khác: dân chủ cá nhân.
Phóng viên:Sự thay đổi, sự vận động đó, theo ông có gì không bình thường không?
Đỗ Lai Thúy:Sự vận động đó là bình thường, có thể nói là đúng quy luật. Chỉ có sự không vận động, sự “ngoan cố đứng im” mới là không bình thường.
Phóng viên:Hơn một thập kỷ đầu thế kỷ trước các bậc tiền bối đã tạo cho nền văn hóa dân tộc một gia tốc lớn. Đông kinh nghĩa thục và chữ Quốc ngữ đã làm thay đổi diện mạo khí chất của văn hóa nước nhà. Và không chỉ là văn hóa, mà rộng lớn hơn nhiều, đó là sự thức tỉnh của một dân tộc. Còn hơn mười năm đầu của thế kỷ này, ông có nghĩ là đã có một cuộc vận động lớn của văn hóa dân tộc khi mà chúng ta có rất nhiều phong trào văn hóa, nhiều sự kiện văn hóa rất rầm rộ? Lý do tại sao chúng ta chưa tạo ra được một chuyển biến thực sự sâu sắc về văn hóa?
 Đỗ Lai Thúy: Sự xâm lược của thực dân Pháp vào nước ta, khiến chúng ta có sự tiếp xúc sâu với nền văn minh phương Tây. Có thể nói, đây là sự va đập lớn của hai nền văn minh/văn hóa Đông – Tây. Ý thức về văn hóa dân tộc mới thức tỉnh, tự nhận diện. Trước đây các cụ đồ nhà ta phấn đấu để văn hóa Việt Nam giống và ngang bằng với văn hóa Trung Hoa. (Thậm chí giống Trung Hoa hơn Trung Hoa: Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ Thi đáo Tùng, tuy thất thịnh Đường). Đối diện với phương Tây, văn hóa Việt Nam không chỉ tự khu biệt với nó, mà còn khu biệt với cả các văn hóa đồng văn Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật bản. Hơn nữa, bấy giờ vấn đề cứu nước cứu dân gắn liền với vấn đề duy tân, mà trước hết là duy tân văn hóa. Văn hóa vừa là phương tiện vừa là mục đích của sự Đổi mới lần thứ nhất này. Đây là sự thay đổi hệ hình văn hóa. Ngày nay, chúng ta có nhiều phong trào văn hóa, nhiều sự kiện văn hóa nhưng lại không thuộc về cấp độ văn hóa tổng thể, mà chỉ thuộc về cấp độ văn hóa đời sống, mà là đời sống nhà nước, nên không thể sánh được với hồi đầu thế kỷ XX.
Phóng viên:Có người nói, về phương diện Con người, văn hóa của chúng ta đang thụt lùi. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Đỗ Lai Thúy:Một câu hỏi như vậy thì khó có thể đưa ra một câu trả lời dứt khoát, có hay không có. Nếu nhìn vào cạnh khía văn hóa sinh hoạt ở đám đông, qua các hành vi ứng xử, lời ăn tiếng nói, đạo đức cá thể, lợi ích nhóm…thì có thể nói về phương diện Con người văn hóa của chúng ta đang thoái hóa. Nhưng nếu nhìn rộng ra, ở cạnh khía thời đại, qua một số cá nhân tiêu biểu cho tinh thần của thời đại này thì, tôi nghĩ, không thể nói như vậy được. Rõ ràng văn hóa của chúng ta vẫn đang tiến triển. Vấn đề nằm ở chỗ làm sao nhân rộng được những yếu tố này. Xã hội ta hiện nay vẫn chưa có một tầng lớp e’lite để thực hiện nhiệm vụ trên.
Phóng viên:Mỗi thời đại cần có một hay những mô hình nhân cách tương ứng với yêu cầu phát triển của thời đại đó. Cách đây một trăm năm lịch sử đã sản sinh ra những lớp người, hạng người ưu việt để đáp ứng nhu cầu của đất nước. Bên cạnh các sĩ phu, đã bắt đầu xuất hiện, hình thành tầng lớp trí thức trí thức tân học. Họ là chủ nhân của vận động văn hóa dân tộc giai đoạn đó. Còn bây giờ ông thấy sự xuất hiện của một thế hệ mới với những phẩm chất mới đủ khả năng thúc đẩy tiến trình văn hóa nước nhà? Họ là ai? Những phẩm chất nổi trội của họ là gì?
Đỗ Lai Thúy:Mỗi thời đại văn hóa đều sản sinh ra một mô hình nhân cách văn hóa thích ứng với sự phát triển của thời đại đó. Tôi gọi đó là mẫu người văn hóa (1). Thời đại văn hóa Phật giáo (Lý -Trần) đã tạo ra con người vô ngã, thời đại văn hóa Nho giáo (Lê – Nguyễn) tạo ra con người sĩ phu, như là các mẫu người văn hóa của xã hội việt Nam truyền thống. Từ khi tiếp xúc với phương Tây, nhất là nửa đầu thế kỷ XX, hình thành một mẫu người văn hóa mới là con người trí thức tân/Tây học. Còn mẫu người văn hóa ngày nay, trong thời buổi toàn cầu hóa, hay chí ít cũng theo phương châm : {dù là} “hành động cục bộ, địa phương” {nhưng hãy} “tư duy tổng thể, toàn cầu”, thì vẫn là con người trí thức, nhưng không kèm theo một định ngữ nào cả. Người trí thức hiện nay, đúng hơn tầng lớp trí thức là chủ/ khách thể của những vận động văn hóa. Chỉ họ mới có khả năng thúc đẩy tiến trình văn hóa nước nhà. Họ có cái nhìn thời đại, toàn cầu, có tư duy độc lập, tính chủ động, sáng tạo, thiết tha với văn hóa dân tộc và biết xấu hổ khi đất nước tụt hậu…
Phóng viên:Trong lịch sử, yếu tố bản địa của văn hóa Việt Nam là Đông Nam Á nhưng về sau do vị trí địa chính trị - văn hóa nên văn hóa chúng ta ngả sang không gian văn hóa Khổng giáo. Rồi sau khi người Pháp đô hộ thì lại có nhiều yếu tố văn hóa phương Tây. Còn bây giờ, đằng sau cái đa phương của sự giao tiếp, giao đãi, văn hóa của chúng ta có đang là ngoại biên của trung tâm nào? Và liệu văn hóa Việt có là trung tâm của những ai? Chúng ta đã đủ sức hấp dẫn, khả năng lan tỏa để trở thành một trung tâm của khu vực Đông Nam Á?
Đỗ Lai Thúy:Văn hóa Việt Nam tự thân thuộc về văn hóa Đông Nam Á. Nhưng ở miền Bắc và trên cả nước (từ năm 1802) qua quá trình tiếp xúc và tiếp biến văn hóa Trung Hoa, chúng ta đã “chuyển vùng” sang văn hóa Đông Á với Trung Quốc là trung tâm. Rồi khi tiếp xúc với người Pháp thì văn hóa Việt Nam, với các vận động duy tân, Âu hóa, chúng ta lại chuyển dần sang văn hóa phương Tây, tức lại chuyển vùng một lần nữa, nhưng lần này không phải từ khu vực này sang khu vực khác mà từ khu vực ra thế giới! Tuy vậy, ở giai đoạn nào văn hóa Việt Nam cũng là văn hóa ngoại vi. Hoặc là ngoại vi của trung tâm văn hóa Hán Nho giáo, hoặc là ngoại vi của trung tâm văn hóa Ấn Độ (ở phần lãnh thổ phía Nam trước năm 1802), hoặc là ngoại vi của trung tâm văn hóa phương Tây. Nhưng từ Đổi mới 1986 đến nay, chúng ta chủ trương đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước, và không “tôn” một văn hóa cụ thể nào là trung tâm nữa. Có lẽ những thất bại cay đắng của việc lấy mô hình này hay cái mô hình làm khuôn mẫu đã làm cho văn hóa Việt Nam thay đổi tư duy? Hay thời đại mới đã làm cho chúng ta có tư duy mới? Nhưng không có một trung tâm cụ thể, hữu hình nào không có nghĩa là văn hóa Việt Nam đã thoát được số phận của một văn hóa ngoại vi. Ngược lại, chúng ta đang là ngoại vi của cái văn hóa thế giới hiện đại… Khái niệm này giống như khái niệm văn học thế giới mà thi hào Goethe đã đề xuất  trước đây, tuy trừu tượng nhưng mà có thực. Văn hóa thế giới hiện đại thu hút tất cả tinh hoa của các nền văn hóa dân tộc ở tất cả các địa phương khác nhau trên thế giới, nhưng không phải như một con số cộng, mà đã được tinh thần thời đại tinh luyện, tinh  chế để trở thành một chỉnh thể. Văn hóa Việt Nam, cũng như nhiều nền văn hóa quốc gia khác, hiện còn đang là ngoại vi của trung tâm văn hóa thế giới này. Sự phấn đấu của chúng ta là ngày càng tiến dần đến trung tâm và khi nào tất cả các nền văn hóa ngoại vi hòa nhập vào trung tâm thì sẽ không còn trung tâm và ngoại vi nữa, chỉ còn duy nhất một văn hóa trái đất, văn hóa hành tinh của chúng ta. Nhưng điều đó có thể là không tưởng, hay còn rất lâu, rất lâu mới xảy ra. Nhiệm vụ trước mắt của văn hóa Việt Nam là thu hẹp khoảng cách với trung tâm văn hóa thế giới.
Phóng viên:Tại sao vậy thưa ông?
Đỗ Lai Thúy:Trong một cái nhìn như vậy thì, tôi nghĩ không còn cần thiết đặt ra vấn đề liệu văn hóa Việt Nam có đủ sức hấp  dẫn, khả năng lan tỏa để trở thành một trung tâm của khu vực Đông Nam Á nữa. Bởi lẽ, văn hóa của từng nước Đông Nam Á cũng là ngoại vi của cái văn hóa thế giới hiện đại kia, nên sự vận động của nó cũng sẽ hướng về phía trung tâm ấy, chứ không phải một tiểu trung tâm (nếu có) nào khác. Còn nếu cứ cố tình đặt ra vấn đề như vậy thì tôi nghĩ là không thể. Văn hóa của các nước Đông Nam Á là sự thống nhất trong đa dạng. Ngoài văn hóa gốc bản địa, địa phương ra, trong quá trình lịch sử, nó còn tiếp nhận nhiều văn hóa khác nhau, như văn hóa Ấn Độ (đến mức gọi là các nước ngoại Ấn), văn hóa Hồi giáo, văn hóa Khổng giáo, văn hóa phương Tây. Tóm lại, văn hóa Đông Nam Á là một bức tranh khảm, hoặc một bức tranh ghép mảnh, nên không thể có mảnh nào là trung tâm được, mặc dù văn hóa Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận, vinh danh.
Phóng viên: Xin đề cập và đề nghị ông trao đổi ý kiến có tính chất nhận định của mình về tương lai của các di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta mà trong những năm vừa qua đã được UNESCO công nhận, vinh danh. Liệu trong tương lai nó sẽ tồn tại trong đời sống cộng đồng như thế nào? Hát Xoan, Hát Quan họ, Ví – Dặm Nghệ Tĩnh, Cồng Chiêng Tây Nguyên… chẳng hạn?
Đỗ Lai Túy:Quả thật chúng ta có nhiều di sản văn hóa phi vật thể trở thành di sản văn hóa thế giới, ngoài di sản văn hóa vật thể cung điện Huế, phố cổ Hội An, Phong Nha Kẻ Bàng, như Cồng Chiêng Tây Nguyên, Hát Quan họ, Hát Xoan, Ví Dặm Nghệ - Tĩnh, Nhạc cung đình Huế, Ca trù, Đờn ca tài tử…Rồi còn nhiều hồ sơ dự tuyển nữa. Trước hiện tượng này nhiều người nói đến phong trào “làm di sản”, mà chúng ta thì thường sống bằng phong trào, hoặc “hội chứng di sản”. Và xuất hiện một lòng tự hào thái quá, thậm chí hoang tưởng về văn hóa Việt Nam. Chúng ta quên mất rằng tinh thần mà UNESCO đưa ra để công nhận một di sản là nhằm đẻ bảo vệ di sản ấy khỏi biến mất, chứ không hoàn toàn là vì di sản ấy quá độc đáo. Bởi vậy, sau vinh quang là trách nhiệm nặng nề. Làm sao để di sản còn tiếp tục sống được khi chúng ta có thói quen lúc chưa được thì chăm sóc nó, quan tâm hết mình đến nó, lúc được rồi thì bỏ lửng để dồn sức làm hồ sơ cho cái khác? Rồi quan niệm sai lầm về khai thác di sản, đưa di sản vào cuộc sống như cải biên Quan họ, Hát Xoan…, nên chỉ sau một vài thế hệ là mất gốc, mất nguyên bản, nghĩa là mất luôn giá trị của di sản. Hơn nữa, các di sản phi vật thể  ngày xưa tồn tại trong một không gian nhất định, không gian ấy là một phần không thể thiếu được của di sản thì nay đang dần biến mất.
Phóng viên:Tôi nghĩ, dẫu sao thì văn hóa đương đại của chúng ta hiện nay cũng đang có rất nhiều vấn đề, nhiều chuyện phải bàn bạc, trao đổi vì hình như lâu nay cách nhìn nhận,nhận thức về nó vẫn nặng theo kiểu phong trào, có nghĩa là chúng ta đề cao cái hình thức, cái biểu hiện bên ngoài dễ thay đổi chứ không quan tâm nhiều đến bản chất, đến giá trị của nền văn hóa. Từ nhận thức này đã chi phối và quyết định cách hành/hoạt động văn hóa và các lĩnh vực tinh thần.
Cảm ơn ông đã nhận lời làm khách của chúng tôi và có những trao đổi sâu sắc, thiết thực và thú vị. Hy vọng chúng ta sẽ có những cuộc trao đổi tương tự trong tương lại gần.
Phan Thắngthực hiện
………………………………
(1). Xin đọc: Đỗ Lai Thúy, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Văn hóa thông tin H. 2005.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc sống này thật ra rất đơn giản, đừng cố phức tạp nó...

Tôi thích sống một cuộc sống đơn giản trong cái thế giới phức tạp này, nhưng cũng có đôi khi, thế giới này cố phức tạp sự đơn giản trong tôi. Đó là khi tôi đắm chìm trong những nổi buồn của riêng mình và rồi tôi biết, mình cần một khoảng lặng giữa dòng đời.

Tôi thích sống một cuộc sống đơn giản trong cái thế giới phức tạp này, nhưng cũng có đôi khi, thế giới này cố phức tạp sự đơn giản trong tôi. Đó là khi tôi đắm chìm trong những nổi buồn của riêng mình và rồi tôi biết, mình cần một khoảng lặng giữa dòng đời.
Cuộc sống này không phải là một màu hồng tuyệt đẹp như bạn vẫn thấy. Mà nó là một tổ hợp màu hỗn độn, vì ngoài những giây phút mà ta hạnh phúc, vui vẻ thì luôn có những giây phút mà ta để nổi buồn xâm chiếm con người ta và cả những khi tuyệt vọng về cuộc sống này. Nhưng có lẽ, đôi khi, nổi buồn chiếm phần lớn cuộc sống của ta. Vì sao vậy nhỉ, vì cuộc sống này quá tàn nhẫn sao, không, là do suy nghĩ con người ta càng lớn càng phức tạp đi.
Cuộc sống này thật ra rất đơn giản, đừng cố phức tạp nó...
Khi ta còn là những đứa trẻ, suy nghĩ chúng ta thật đơn giản, khi đó, trong mắt chúng ta, thế giới này cũng thật đơn giản. Ta thỏa thích cười đùa, thỏa thích làm những điều ta muốn mà không phải vướng bận một điều gì cả. Nhưng không vì vậy, chúng ta không biết buồn khi đó, chỉ là nổi buồn bị chúng ta nhanh chóng lãng quên khi ta tím thấy một niềm vui mới, một món đồ chơi mới. Lúc đó, cuộc sống ta thật đơn giản, thật vui vẻ, thật hạnh phúc và nó là một màu hồng tuyệt đẹp.
Khi ta bắt đầu lớn theo năm tháng, thì suy nghĩ của chúng ta cũng bắt đầu trưởng thành hơn, chúng ta bắt đầu học cách phức tạp mọi thứ xung quanh mình hay khi làm một việc gì đó, chúng ta đều phải suy nghĩ một cách thật cẩn thận về hậu quả cũng như những lợi ích mà nó mang lại, điều mà những đứa trẻ chả bao giờ bận tâm. Chúng ta dể bị cuốn vào sự hối hả của mọi thứ xung quanh mình, cố gắng học tập, cố gắng bon chen với cuộc sống của chính mình, đến nỗi, có khi, ta quên mất niềm vui cuộc sống này nó như thế nào nữa. Và dường như, ta cũng quên luôn cách để lãng quên nổi buồn trong cuộc sống chúng ta.
Cuộc sống này thật ra rất đơn giản, đừng cố phức tạp nó...
Có bao giờ chúng ta dừng lại một chút giữa dòng đời hối hả đó, và suy nghĩ về những gì ta đã trải qua. Ta đã mất đi những gì và đạt được điều gì không. Có lẽ, cũng sẽ có những lúc ta cũng làm điều đó, nhưng rồi chả kịp nhận ra điều gì cả, vì thời gian bạn đã bị những bon chen của cuộc sống hằng ngày này chiếm trọn rồi mà. Chúng ta cố gắng làm việc, cố gắng kiếm thật nhiều tiền, trở thành ông này, bà kia. Và rồi, chúng ta cảm thấy mình đang thành công với cuộc sống hiện tại của mình. Nhưng con người ta luôn có những tham vọng, vậy nên, ta lại cố gắng đạt được những thứ cao hơn, cao hơn nữa, to lớn hơn, vĩ đại hơn nữa. Cuối cuộc đời, khi ta nhìn lại, có lẽ, chúng ta đã đặt được những gì bạn mong ước, tiền bạc đầy túi, danh vọng tràn đầy. Và rồi, ta thỏa mãn với cuộc sống đó chứ, hay, ta cảm thấy một sự thiếu sót một điều gì đó, điều gì nhỉ, à, niềm vui, hạnh phúc, hay đơn giản là một người quan tâm ta đúng nghĩa, chúng ta có sao.
Cuộc sống này thật ra rất đơn giản, đừng cố phức tạp nó...
Chúng ta đã quá hối hả với cuộc sống này, để rồi, đôi lúc, ta quên mất, ta sống vì điều gì. Tôi thích một cuộc sống đơn giản, buồn thì khóc, vui thì cười. Tôi không quan tâm miệng đời xung quanh mình để làm gì cả, vì miệng nói thì có lúc cũng mệt mà im thôi. Tiền ư, cũng quan trọng đó, nhưng nó không phải là thứ gì đó quan trọng trong cuộc sống của tôi cho lắm, tôi chỉ cần kiếm một khoảng tiền đủ để trang trải cuộc sống hiện tại của tôi mà thôi. Phải, cái thế giới này dùng đồng tiền để cân đo đong đếm, vậy tôi sẽ dùng đồng tiền để đo xem lòng người sâu nhường nào. Tôi biết cách bằng lòng với mọi thứ tôi có, vì tôi biết, nhìn lên tôi không bằng ai, nhưng nhìn xuống, tôi đã hơn rất nhiều người rồi. Tôi thích ngồi một góc giữa dòng đời, nhìn dòng người hối hả, bon chen, tôi không muốn tham gia cùng họ để làm gì, vì tôi mệt mỏi rồi.
Tôi muốn một cuộc sống đơn giản, bình yên, tôi biết là khó đấy, nhưng khó mới làm, dể thì nói làm gì nữa đây. Châm ngôn cuộc sống của tôi là "còn sống là còn hi vọng, còn niềm tin". Vì người ta cũng thường bảo nhau rằng, sống vì niềm tin cơ mà.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đáo [thô] bỉ ngạn cùng Đỗ Lai Thúy


Đặng Thân
Đỗ Lai Thúy vừa ra sách mới, Bờ bên kia của viết, cả một cái tên của tuyệt đỉnh chữ. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn có lời giới thiệu (hơi bị "công chức"):
[...] Chính lý thuyết đã cho Đỗ Lai Thuý nhìn mới đối tượng và, quan trọng hơn, cách tiếp cận đối tượng ấy. Phê bình văn học của ông, do vậy, dù ngắn hay dài đều là phê bình học thuật. Nghĩa là ông thiên về tìm kiếm những giá trị mới, những phương pháp mới, nhất là những thứ có thể tạo ra sự chuyển đổi hệ hình. Tuy say mê lý thuyết như vậy, nhưng, Đỗ Lai Thuý không ứng dụng đơn giản, mà chủ yếu là trải nghiệm lý thuyết qua những thực hành phê bình cụ thể. Tập tiểu luận Bờ bên kia của Viết, tuy là một tập hợp, nhưng là một tập hợp có ý đồ, có cấu trúc. Nó chẳng những bộc lộ ít nhiều viết-Đỗ-Lai-Thuý mà chúng tôi vừa trình bày một cách cô đọng ở trên, mà cả những gì đằng sau viết ấy, tức "bờ bên kia của viết" mong bạn đọc cùng ông "đáo bỉ ngạn".
Mấy dòng ấy chỉ có xác chữ mà chưa có hồn. Các "cách tiếp cận đối tượng" xưa nay đều chưa có cái nào "đáo bỉ ngạn |" đâu nhé. Mọi thứ "học thuật", "trải nghiệm lý thuyết qua những thực hành phê bình cụ thể" cũng thế; "có ý đồ, có cấu trúc" càng xa "bỉ ngạn" (pāramitā | | ba la mật).
Còn Đỗ Lai Thúy nói gì? Ông tự giới thiệu:
Viết văn, viết văn hoá, viết người viết chung quy là viết bản thân. Nhưng không từ cái ngã còn nhiều rong rêu bám víu, mà là cái bản ngã - vô ngã. Viết, khi ấy đã sang bờ bên kia của viết.
Vậy, đến "bờ bên kia", là do viết được bằng cái "bản ngã - vô ngã"? Dẫu Đỗ Lai Thúy đã gắng nói lòng mình, nhưng e, là ông vẫn bị "lời" nó ám, cho nên lòng ông đã "vô", nhưng vẫn làm người đọc thấy "rong rêu" trong mắt, nên nhẽ vẫn chưa ai thật sự nhìn ra chính ông cho hết nhẽ. Tham khảo "bờ bên kia" trong mắt Tuệ Trung Thượng sỹ,[1] thì hiển hiện rõ ràng ("sạch sẽ"), như trong bài "Thị chúng" (Bảo mọi người):

Phiên âm:
Thế gian nghi vọng bất nghi chân, Chân vọng chi tâm diệc thị trần. Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn, Hiếu tham đồng tử diện tiền nhân.
Dịch nghĩa:
Thế gian ưu dối không ưa thực, Cái tâm thực hay dối cũng đều là bụi cả! Nếu muốn vượt lên cao sang bờ bên kia, Hãy hỏi đứa trẻ thơ ở ngay trước mặt.[2]
"Chân vọng chi tâm diệc thị trần", nên rằng, "bản ngã"/"vô ngã" thì dường như "cũng đều là bụi cả". Kìa, "hãy hỏi đứa trẻ thơ ở ngay trước mặt". "TRẺ THƠ", chính là cái thể chất chứa đầy trong Đỗ Lai Thúy, và cũng chính điều tôi muốn nói về ông, bút/chữ của ông.
Đến đây, thì tôi muốn nói ngòi bút của ông không khác con dao của gã đồ tể thực sự "đáo bỉ ngạn" trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Chuyện về gã như vầy: Khi tên bếp của vua Văn Huệ mổ bò gã đưa lưỡi dao xoèn xoẹt, phát ra những thanh âm có tiết tấu của những khúc nhạc như trên thiên giới. Điều quan trọng, là đã 19 năm, đã mổ nhiều ngàn con bò, mà gã chưa hề phải mài dao bao giờ, lưỡi dao vẫn sắc như mới mài. Gã nói, hồi mới học nghề chỉ thấy bò là bò, rồi sau ba năm thì không thấy bò nữa, gã không còn phải dùng mắt hay mọi cảm quan, mà chỉ mổ bò bằng tinh thần. Vấn đề là gã đã biết hết cơ cấu con bò, nên chỉ lách lưỡi dao mỏng vào những chỗ kẽ "hư không" trong thân thể con vật mà không đụng tới kinh lạc, gân, bắp thịt, xương. Gã tâu với vua: "Mỗi khi gặp một khớp xương mà thần thấy khó khăn, thần nín thở, ngẫm kỹ, rồi chầm chậm đưa lưỡi dao thật nhẹ tay, khớp xương rời ra dễ dàng cứ như bùn rơi xuống đất. Rồi thần cầm dao, ngửng lên, nhìn bốn bên, khoan khoái, chùi dao, đút vào vỏ." Ngòi bút của Đỗ Lai Thúy, cũng tương tự. Ông có thể giải quyết mọi vấn đề rất gọn gàng, viết về mọi "người viết" một cách thoải mái nhất có thể mà cứ đâu ra đấy; đưa ra những kiến giải hay ho, sinh động, độc đáo, uyên áo, ngọt ngào... Hãy nghe Đặng Tiến, giảng viên ĐH Thái Nguyên, đưa ra nhận xét giản dị:
Dầu ai nói ngang hay nói chéo thì tôi vẫn thấy Đỗ Lai Thúy là một trong dăm bảy nhà phê bình văn chương, nghệ thuật, văn hóa... đáng ngưỡng mộ. Ông đọc nhiều, tham bác nhiều học thuyết và ứng dụng thành công.
Cứ thế, ngòi bút ấy đã viết nên 11 cuốn sách (trong đó có những tuyệt phẩm như: Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Chân trời có người bay, Bút pháp của ham muốn, Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy, Thơ như là mỹ học của cái khác, Hé gương cho người đọc...),[3] ôm chứa hầu khắp mọi "người viết" của văn học/hóa Việt khắp hai bên bờ Thái Bình Dương, trong đó có nhiều tác giả cực kỳ khó nhằn cả về văn phong lẫn quan điểm chính trị. Thế nhưng, "các khớp xương rời ra dễ dàng cứ như bùn rơi xuống đất". Hãy chiêm ngưỡng một đoạn ngắn mở đầu bài "Tô Thùy Yên là hiện tại" của ông trong tập sách mới:
Thơ thành thị miền nam 1954-1975 đa dạng, phong phú. Trong khu rừng nhiệt đới sum suê cá tính ấy nổi lên ba đại thụ: Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Thơ họ hay, khỏi phải nói, đáng nói họ mở ra những con đường sáng tạo khác nhau; đưa thơ Việt cập nhật và cập... thế giới. Thanh Tâm Tuyền, như Trần Dần sau đó, đi hết mình về phía (chủ nghĩa) hiện đại. Bùi Giáng cũng như Lê Đạt sau đó, đặt một chân vào hậu hiện đại. Còn Tô Thùy Yên rẽ ngang vào một hiện đại khác, hiện-đại-cổ-điển.
Chỉ có 6 câu mà "giải | 解 | mổ xẻ" xong các đỉnh núi thơ của 20++ năm!
Xưa, đã có trự "chí thiện đồ ngưu" của Văn Huệ [Vương]; nay, cả mừng mà thấy bậc "cập thiện đồ văn" của vương quốc Văn Chương. Đọc chữ của Đỗ Lai Thúy, cảm quan ban đầu dìu dịu, rồi triển lên ngay rất là mạnh, chắc rằng không khác chi Kinh Kha khi xưa nghe Cao Tiệm Ly gẩy đàn, như Chiến quốc sách đã ghi: ", | Cao Tiệm Ly kích trúc, Kinh Kha hòa nhi ca | Cao Tiệm Ly gẩy đàn trúc, Kinh Kha hòa theo mà ca." Cho nên, đọc Đỗ Lai Thúy, mà không thấy cái sự thúc bách "hòa nhi ca", thì quả là rất mất vệ sinh ("kém tắm").
Gã mổ bò của Văn Huệ "hồi mới học nghề chỉ thấy bò là bò, rồi sau ba năm thì không thấy bò nữa, gã không còn phải dùng mắt hay mọi cảm quan, mà chỉ mổ bò bằng tinh thần"! Ồ, chuyện của gã chính là đỉnh cao của dưỡng sinh, và, nhất là, không khác gì chuyện hệ trọng của các đại sư học đạo: Khi chưa học đạo, chỉ thấy núi là núi; khi dấn thân học đạo, lại thấy núi không phải là núi; lúc ngộ đạo rồi thì lại thấy núi là núi. Sau này, chính Georg Wilhelm Friedrich Hegel lẫm liệt đã học được tinh thần ấy, để đạt đến "tự ý thức" về tính tuyệt đối trong công thức nổi tiếng biện chứng: "thesis - antithesis - synthesis | đề - phản đề - hợp đề". Nên nhớ, "synthesis" của ông chính là "núi" của giai đoạn ba; nôm na thì: núi/sông..., mà không phải là núi/sông..., mới đích thực là núi/sông... Người đọc, dù bình thường đến mấy, sẽ thấy cái thượng thặng chân lý (có vẻ) "đèn cù" ấy trong viết-Đỗ-Lai-Thúy. Ồ, vũ trụ này cũng chính là một cái đèn cù ("kèn đù"?) hỗn độn nhất (nhưng "hài hòa"); bỏ qua hiểu biết này mọi người đều rất dễ lãng phí cả cuộc đời. Cái "kèn đù" ấy, phản ánh trong thiền và Hegel, chính là tam nguyên luận trong triết học, là cái không những loài người hiện nay hầu như "không thèm biết", mà hầu hết các học giả hàng đầu nhân loại, cũng "đành bỏ qua".
Hành trình viết của Đỗ Lai Thúy (hiếm hoi) còn là một quá trình phản ánh rõ nét nhất tư tưởng của Friedrich Wilhelm Nietzsche hùng tráng, về những chặng đường của một trí giả thực sự: lạc đà, sư tử, trẻ thơ. Bắt đầu như con lạc đà chất lên lưng mà thồ biết bao gánh nặng của tri thức nhân loài, trở thành "sư tử hí cù" cuồng điên tàn hủy tất tật, rồi thanh tẩy tất cả để hóa thành trẻ thơ, từ đây mới có "cá tính sáng tạo", "cái mới", "cái khác". Tiếc thay, trong giới "học giả" nước Nam hiện nay, đa phần thì vẫn chỉ là "lạc đà", chỉ biết è cổ chất chồng (tuy nhiên, tất cả mà được như thế thì đã tốt) mà không sáng tạo (vì chưa từng dám đập phá và trở về hồn nhiên). Đã thế, có những "GSTS" còn thường viết (như chửi) về các thầy mình, hết thầy này đến thầy khác, những bài "nêu công ơn" kiểu như "Thầy tôi, người thồ chữ"!! Thế mà các vị "thò chầy" kia vẫn sung sướng tạc thù được với nhau mới vãi linh hồn. Ôi, những "lạc [thú] [chốc] đà"!!
Thực ra, Nietzsche cũng còn thiếu, chứ (ai cũng biết) đoạn đầu ắt phải là "trẻ thơ" (ngạc nhiên trước vạn vật), rồi mới đi tiếp chặng "lạc đà", "sư tử", để rồi mới có thể "復歸於嬰兒 | phục qui ư anh nhi | lại trở về với trẻ thơ", như Lão Tử đã truyền trong Đạo Đức Kinh cách nay hàng ngàn năm. Như Phúc Âm đã bảo: "אם לא תחזרו בתשובה ותהיו כמו ילדים קטנים, לא תיכנסו למלכות השמים | Truly I tell you, unless you change and become like little children, you will never enter the kingdom of heaven | Ai không trở nên như trẻ nhỏ không được vào nước Trời." Để rồi mới tới Nietzsche, và sau đó là René Maria Rilke: thơ là tiếng nói của trẻ thơ; nhà thơ ơi, hãy luôn biết cách nhìn mọi vật như kẻ lần đầu trên thế gian nhìn thấy...
Sáng tạo lớn của Đỗ Lai Thúy, dưới ảnh hưởng của Thomas Samuel Kuhn ("triết gia khoa học" có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20) với thuật ngữ "paradigm shift | chuyển đổi hệ hình", là việc ông (cùng một số ủng hộ viên khác) chia văn học làm ba hệ hình: tiền hiện đại, hiện đại, hậu hiện đại. Tổng hợp tất cả các điều trên từ thiền, triết, Lão, Trang, Phúc Âm, Tuệ Trung Thượng sỹ, Hegel, Nietzsche, Rilke, Kuhn, Đỗ Lai Thúy... và, tam nguyên luận, tôi xin được đưa ra sơ đồ tóm lược này:
TRIẾT | THIỀN | NITZSCHE | VĂN HỌC TÍNH | HỆ HÌNH Nhất nguyên |Núi là núi | [Trẻ thơ] | “Dân gian” | Tiền hiện đại
Nhị nguyên | Núi không | Lạc đà | “Khoa học” | Hiện đại
| là núi | Sư tử | “Tâm linh” | Hậu hiện đại
Tam nguyên | Núi lại là núi| Trở về trẻ thơ | DG của KH & TL | ??

Vậy thì, thưa tất cả các nhà lý luận văn học Việt Nam rằng, quan điểm của các vị còn chưa trả lời cho câu hỏi của tôi (đã hỏi các vị từ lâu trong các hội thảo), đó là tôi chưa thấy rõ cái "tam nguyên", hay đơn giản là "sự trở về trẻ thơ" đâu (hệ hình? / chủ nghĩa?). Tất nhiên, tôi đã có câu trả lời của mình (và tôi tin chắc đến lúc này thì nhiều người cũng thấy), nhưng nói hết lúc này, hình như là chưa đúng "時|thời" chăng. Một lời đơn giản, thì chỗ có hai dấu hỏi (??) ấy mới thực sự là cú "trở về trẻ thơ" của "tam nguyên", một thứ "dân gian" tái hiện nhưng đầy ắp "khoa học" tính của modernism cùng "tâm linh" tính của postmodernism, sau khi đã vượt vũ môn qua các cửa ải "nhị nguyên" của những "lạc đà" và "sư tử", có thể tạm gọi đó là "transmodernism | xuyên hiện đại" (Đây, cũng là nơi tôi [nhà văn Đặng Thân, như nhiều người vẫn gọi] thường cư, và vẫn gọi là PHẠC-NHIÊN; xin các nhà lý luận phê bình nhỡ quan tâm thì lưu ý, đừng ép uổng tôi đi lung tung).
Tuy nhiên, đối với cả hành trình viết-Đỗ-Lai-Thúy thì ông lại đủ cả bốn chặng đó (trẻ thơ, lạc đà, sư tử, trở về trẻ thơ). Thế nhưng, đề nghị mọi người đừng nhìn các chặng theo kiểu "linear | tuyến tính" (Ôi, biết đến bao giờ các "học giả" nước ta mới hết "máy móc" nhỉ?), mà phải biết nhìn kiểu "non-linear | phi tuyến tính". Vì thế mà tôi đã nói: "trẻ thơ", chính là cái thể chất chứa đầy trong Đỗ Lai Thúy, và cũng chính điều tôi muốn nói về ông, bút/chữ của ông. Đúng vậy, Đỗ Lai Thúy là một trẻ thơ phi tuyến tính | non-linear child.
Cập nhật 1: Vừa có một vị tiến sỹ văn học gạo cội nhắc:
“Tôi cho cái được nhất của Đặng Thân là đặt lại vấn đề cho các nhà lý luận văn học Việt Nam rất hay (có thể là mở ra một hệ hình cho nghiên cứu, lý luận văn học). Còn vụ "trẻ thơ phi tuyến tính" mà dành viết về Bùi Giáng thì chắc là cực hay như Đặng Thân đã có một bài thơ rất "thượng thừa" về Bùi Giáng.[4] Mong cho mỗi cú viết của Đặng Thân đều kết thúc bằng cảm hứng "viết đến đây nhẹ cả bìu..." như cao trào huyết lệ về "trung niên thi sỹ"!!!”
Thưa anh, thứ nhất, tôi đã có đặt một danh xưng cho Bùi Giáng, là tuyệt-tự-tiên, và, nếu có viết nữa về người, tôi sẽ viết trên tinh thần ấy. Thứ hai, tôi thấy Bùi Giáng đúng là "trẻ thơ", nhưng, ông là "trẻ thơ" cỡ vừa thủy tổ vừa vị lai, đến mức ông đã tự gọi mình là "đười ươi" (Rất chính xác, vì sinh học đã chỉ ra đười ươi và khỉ có bộ não như của đứa trẻ hai tuổi. Bùi Giáng là "trẻ thơ mặc định | default child"). Thứ ba, anh đừng quên Đỗ Lai Thúy đã có một chuyên luận khủng khiếp về Bùi Giáng (đã in trong tập Thơ như là mỹ học của cái Khác), có thể nói đó là bài viết của một non-linear child về default child vậy.
Cập nhật 2: Nhiều "học giả", cũng như cánh ngộ chữ "loser" vất vưởng, rất phản ứng và căm tức với cái nhan đề "bờ bên kia" mà Đỗ Lai Thúy đã đặt, như thể cái từ đó chỉ dành cho các bậc đại giác ngộ ngất ngưởng. Hỡi ôi, bây giờ là thời nào? Thời phong kiến, chắc rằng không thường dân nào dám tự nhận mình là "vua" trên văn bản nào, tru di cái chắc. Nhưng hiện nay, ta thấy nhan nhản vua: vua dầu mỏ, vua truyền thông, vua bất động sản... cho chí vua bãi rác. Tức là, "vua" đã thành một từ phái sinh, không còn chỉ có mỗi hàm nghĩa "nguyên thủ một quốc gia quân chủ theo chế độ cha truyền con nối" nữa, mà còn chỉ "người đứng đầu và có quyền lực" trong bất cứ lĩnh vực nào. Vậy là, chúng ta ai cũng hoàn toàn có quyền gọi ông là vua, như là "vua đống rác cũ" chẳng hạn (từ này hay). Tương tự, "bờ bên kia" cũng đã thành từ phái sinh; riêng trong phê bình văn học, Đỗ Lai Thúy thực sự "đáo bỉ ngạn" vậy.
Cũng mạo muội khuyên ông, sao không nghĩ ra từ/ngữ của riêng mình, khỏi phải "ăn lại đờm dãi của người xưa", như Trần Nhân Tông đã "chém". Vì thế, mà tôi "nhún nhường" bảo là "đáo [thô] bỉ ngạn" cùng ông.
[còn tiếp]
_______________
[1] Ông sinh năm 1230, mất 1291, là anh ruột của Trần Hưng Đạo, người hướng đạo của "Phật Hoàng" Trần Nhân Tông.
[2] Nguồn: Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, 1977.
[3] Đặng Tiến, giảng viên ĐH Thái Nguyên, có ý kiến tiếp khá chi tiết như sau:
Như cái còm (cá) măng trước Đặng Tiến có nhận xét rất là ngu ngơ rằng ông Thúy là một trong số không nhiều lắm những nhà phê bình rất đáng kính trọng hiện thời. Ông đọc nhiều nguồn và ứng dụng thành công vào phê bình nghiên cứu văn chương nghệ thuật văn hóa Việt Nam. Tầm nhìn của ông rộng và sâu. Công trình của ông mở rộng tầm mắt cho người đọc, nhất là người đọc ở khu vực miền Bắc dài dài chìm đắm trong các chức năng văn nghệ cực kì "mao nhiều" chứ không ít, ... là chưa tiến hóa cùng nhân loại! Đặng Tiến chỉ là người đọc rất bình thường. Vì yêu tri thức mà đọc thôi chứ chả vì sự nghiệp vẻ vang giáo hóa gì hết. Nếu không vì định kiến hẹp hòi cá mương, cá mập gì đấy thì sau Mắt thơ có phần "tai tiếng" Đỗ Lai Thúy còn tung nhiều chưởng cực kì là cực kì! Công trình nghiên cứu văn hóa Việt từ góc nhìn nhân cách học văn hóa phải nói thực sự là "ghê răng" chỉ tiếc là ông chưa nghiên cứu mô hình con người cán bộ máy móc kiểu robot hiện đại trên nền tảng hợp nhất hai mẫu quân tử và nông dân mà đẻ ra dạng cốt cán ngự trị dài dài ở xứ ta suốt từ hồi cải cách ruộng đất mà vương vấn tới tận bây giờ!!! (Đó là công trình Văn hoá Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hoá, đề tài cấp Viện, do Viện Văn hoá xuất bản. Đây là công trình nghiên cứu từ góc nhân cách học hay cũng là nghiên cứu phát triển gì đó. Theo hướng này sẽ tìm ra quy luật hình thành nên GS Nguyễn Lân "chứ ranh" từ điển sai bét nhè. Theo họ Đỗ, văn hoá là cái kết tinh ở một trình độ phát triển, kết tinh ấy hiện thành con người mang tính điển mẫu cho mỗi một thời đại cũng là một trình độ phát triển. Ông cho ta biết mấy mẫu người: người làng xã, người vô ngã thời Lí, người Hoàng đế, mẫu nhà Nho hành đạo, nhà Nho tài tử, người cá nhân... Vì thế tôi mới tiếc ông không nghiên cứu mẫu người cán bộ công nông binh robot nho sĩ nông phu). Rồi ông vận dụng phân tâm học hậu Freud cộng với tư tưởng của ông Bakhtin để nghiên cứu Hồ Xuân Hương, công trình này của Đỗ Lai Thúy đảm bảo đọc hay không kém gì tiểu thuyết của Đặng Thân. Rồi còn gì nữa? Bút pháp của ham muốn đọc thấy mê man nhưng mê xong rồi lại tỉnh! Rồi gì nữa, cuốn Chân trời có [hay hết?] người bay phác thảo chân dung văn hóa của những anh tài xứ Việt. Ai đã đọc chân dung ông Thúy viết về Trần Quốc Vượng - "người theo nết đất" thì chỉ còn biết "than" trời sinh một cặp rõ là tuyệt. Viết về ông Vượng trước họ Đỗ thì có cả... chục, nhưng họ Đỗ mới là người viết hay nhất về Trần Giáo sư. Rồi còn gì nữa? Thơ như là mĩ học của cái Khác đọc cũng thú đấy chứ? Còn gì nữa nhỉ? Rất nhiều thứ mà Đặng Tiến kẻ ngu ngơ này không thể nói hết trong cái còm măng này. Cuối cùng thì hoan hô Đặng Thân. Xin được nhắc lại Giời mượn Đặng Thân để nghị luận về Đỗ Lai Thúy. Không viết về Đỗ Lai Thúy thì Đặng Thân có thể vẫn chưa là Đặng Thân dù họ Đặng đã đình đám với 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]! (Nguồn: FB)
[4] Xem bài: "Búi Jàng: một bó cỏ trời".

Phần nhận xét hiển thị trên trang