Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

THƯ GỬI KHÔNG CẦN ĐỊA CHỈ



Cách nay hơn năm, hay 2 năm gì đó, mình nhớ không kỹ, chú em gửi cho mình lời mời kết bạn.
Nói thật lòng, người thiên hạ lạ huơ lạ hoắc mình còn Ok được, chú em sao lại không OK chứ?
Với lại mình cũng là hạng thảo dân rặt, có gì mà ra vẻ tinh vi?…
Thế rồi dường như chú thấy việc xuất hiện trên Facebook có vẻ ảnh hưởng tới sự đạo mạo cần có ở một công chức đang vai trò chi đó, nên chú "ken-xồ" mình
(Chắc chú nhớ có người lên Tivi Trung ương nói rằng chỉ những người vô công rồi nghề mới chơi Facebook).
Mình nghĩ thế, không hiểu có đúng tâm trạng chú em không, vì rất nhiều quan chức sợ Facebook.
Thực tế thì có không ít quan chức không biết cách tạo Face. Và họ không thể hiểu được facebook là một kênh thông tin để thăm dò dư luận xã hội rất cần thiết, rất hữu hiệu, với 3 tỉ tài khoản trên toàn thế giới.
Nhiều nguyên thủ quốc gia có Fanpage, chị Kim Tiến Bộ trưởng bộ y tế nhà mình cũng có mà lị.
Có cả Fanpage.com hẳn hoi.
Sáng nay chú gửi lời kết bạn cho mình:
- À, thế ra chú em đã ‘ken-xồ’ anh hồi nào anh không hay.
Không sao. OK!
Mình nghĩ bụng, chắc chú em đang sắp sửa hưu rồi.
Ở ta sự hưu trí nhiều khi giống như được cởi bỏ mọi thứ vướng víu mà lúc đang làm việc phải ráng im lặng chịu đựng.
Chú đọc được mấy chữ này cảm phiền, đừng giận anh.
Anh vẫn quý chú như thường.
Sài Gòn, 20.10.2017
VDC

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Máy bơm khổng lồ và những kẻ phá hoại



LÊ THANH PHONG 

LĐO - Chiếc máy bơm khổng lồ xuất hiện trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM) như vị “cứu tinh” giải cứu con đường ngập lụt bởi vì chỉ cần có mưa là đường ngập. Chủ đầu tư tự tin vào thắng lợi của sáng chế, báo chí đưa tin phấn khởi vì máy bơm đã trình diễn những màn đầu tiên rất ấn tượng.

Nhưng mấy ngày qua, dù làm việc rất vất vả, máy bơm không cứu được con đường ngập lụt, chủ đầu tư tố cáo có người phá hoại khiến máy bơm khổng lồ tê liệt. Ai phá hoại?

Đi tìm nguồn cơn, hóa ra các cống đều ngập rác. Xem clip của phóng viên các báo ghi lại hình ảnh công nhân dọn rác ở các miệng cống, mới thấy rác kinh khủng như thế nào. Với lượng rác đó, đúng là nước không thể thoát được.

Còn nhớ mới đây, sân bay Tân Sơn Nhất ngập trong biển nước, sau khi tìm nguyên nhân, mới biết các con mương thoát nước của sân bay bị ngập rác. Suy ra, rất nhiều tuyến đường trong thành phố, chỉ cần mưa là ngập, có nguyên do các cống thoát nước đã bị rác chiếm hết.

Ai là kẻ phá hoại? Trong chúng ta, ai xả rác thì người đó chính là kẻ phá hoại. Lon bia, chai nước ngọt, túi nylon, sử dụng xong là vứt ra đường. Nhiều gia đình lấy cống, mương làm nơi đổ rác, thậm chí đổ cả chăn, màn, đệm... Đến khi mưa xuống, nước không thoát được, bị kẹt trên những con đường ngập nước, lại đổ cho trời, đổ cho chính quyền, đổ cho những tham quan. Nhưng quên mất một điều, chúng ta cũng là kẻ phá hoại.

Còn ai phá hoại nữa? Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động ngày 18.10 tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, dù trời không mưa nhưng nước từ dưới tuyến cống này trào lên qua miệng cống khiến khoảng 50m đường bị ngập khoảng 30cm. Cán bộ trung tâm chống ngập khảo sát hiện trường và cho biết bên dưới có hệ thống cống hộp đấu nối với bờ sông, được trang bị nắp van một chiều để ngăn triều cường. Tuy nhiên, có thể do trục trặc nên nắp van này không hoạt động, khiến nước triều theo cống trào lên.

Máy bơm khổng lồ bơm nước ra sông mà nước ngược lại vào theo đường cống trào vào lại đường thì có mà bơm cả thiên niên kỷ. Van ngăn triều của tuyến cống bị hỏng thì đương nhiên lỗi do con người không phải do ông trời. Lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa, nếu làm ẩu thì coi như bỏ. Hay là từ khi lắp đặt đến nay chẳng ai quan tâm đến?

Nếu nghi ngờ kẻ phá hoại thì những con đường bị ngập lụt ở TPHCM có quá nhiều kẻ phá hoại. Xây dựng không đạt chất lượng là phá hoại, thiết kế sai dẫn đến thoát nước không hiệu quả là phá hoại, xả rác là phá hoại, rút ruột công trình là phá hoại, chia chác phần trăm cũng là phá hoại.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

tự giác tự gột rửa“?? Liệu có làm được không?

Nếu coi tài sản là bí mật đời tư thì anh đừng làm cán bộ nữa!

Tác giả: Xuân Quang
“Có trường hợp tài sản của cán bộ vẫn đóng dấu mật, đút vào ngăn kéo. Cho nên dân có muốn cũng không thể biết được cán bộ của mình có bao nhiêu tài sản” (Xuân Quang).

Ảnh Ông Giám đốc Tài- Môi Yên Bái kê khai tài sản trung thực nhưng chưa đầy đủ  😀
Khu biệt phủ của gia đình giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái – ảnh: Nam Trần
Nhiều người dân vẫn không biết cán bộ có bao nhiêu tài sản
Luật phòng chống tham nhũng đã quy định rõ việc kê khai và công khai tài sản cán bộ. Tuy nhiên người dân khó mà biết được.
Cũng không ít cán bộ có dấu hiệu kê khai tài sản không trung thực, nhưng chỉ khi bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện, thì người dân mới biết được cán bộ vi phạm kê khai tài sản và người đó có những tài sản gì.
Không chỉ người dân, mà ngay cả cán bộ công tác cùng cơ quan với người có trách nhiệm kê khai tài sản cũng khó mà biết, hoặc không có điều kiện tiếp cận với bản kê khai tài sản của đồng nghiệp, lãnh đạo.

Các vấn đề cán bộ, đảng viên buộc phải công khai để nhân dân giám sát

Ngay bản thân người kê khai tài sản có khi cũng không muốn tài sản của mình được công chúng biết đến (trừ những thời điểm buộc phải kê khai, công khai tài sản) vì ngại phiền phức hoặc lấy lý do, tài sản đó là bí mật đời tư được hiến pháp 2013 quy định.
Thậm chí, có trường hợp, khi có kết luận kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân về những vi phạm của cán bộ, thì văn bản đó cũng được đóng dấu tối mật theo kiểu chả dại gì mà “vạch áo cho người xem lưng”.
Từ thực tế trên có thể thấy, sự ra đời của Quyết định số 99 của Ban Bí thư, trong đó có nội dung về công khai tài sản cán bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan… đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của cử tri và Đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (ảnh: quochoi.vn).
Phải công khai tài sản cán bộ mọi lúc mọi nơi 
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, hôm 19/10, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, hiện nay việc công khai, minh bạch tài sản thu nhập cán bộ là một trong những nội dung còn rất hạn chế trong Luật phòng chống tham nhũng.
“Có trường hợp tài sản của cán bộ vẫn đóng dấu mật, kê khai xong đút vào ngăn kéo. Cho nên người dân có muốn cũng không thể biết, giám sát được cán bộ của mình có bao nhiêu tài sản.
Lại có ý kiến cho rằng, theo quy định của Hiến pháp 2013, thì việc công khai tài sản là xâm phạm bí mật đời tư của cán bộ, nên chỉ cần công khai ở mức độ nào đó thôi.

Ông Trần Quốc Thuận lo lắng cho người dân khi chống tiêu cực của cán bộ

Khi đề, bạt bổ nhiệm người ta cũng công khai tài sản, nhưng sau đó lại thu hồi lại ngay. 
Do vậy, số lượng người dân biết đến tài sản của cán bộ rất hạn chế.
Câu chuyện đặt ra là, việc công khai tài sản mang tính nửa vời như vậy sẽ không có hiệu quả khi thực hiện phòng chống tham nhũng.
Do đó, việc ra đời quyết định số 99 của Ban Bí thư là hoàn toàn đúng đắn. Tôi đồng tình và ủng hộ quan điểm này”, ông Xuyền cho biết. 
Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội đánh giá cao vai trò của người dân trong việc giám sát kê khai, công khai tài sản của cán bộ.
“Công khai tài sản của cán bộ để người dân giám sát thì tốt quá! Phải là người dân giám sát thì mới mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống tham nhũng.
Mà muốn người dân giám sát tài sản cán bộ có hiệu quả thì phải công khai rộng rãi hơn và không thể khống chế về mặt thời gian.
Hay nói cách khác, công khai tài sản cán bộ cũng cần thực hiện theo nguyên tắc công khai mọi lúc, mọi nơi.
Ví dụ, người dân muốn biết tài sản của cán bộ thì chỉ cần vào google.com.vn là biết tài sản của cán bộ đó bao nhiêu, tài sản biến động ra sao để thực hiện giám sát có hiệu quả hơn”, Đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.
Vị Đại biểu Quốc hội không đồng tình với quan điểm cho rằng tài sản cán bộ là bí mật đời tư nên không được phép công khai hoặc công khai có chừng mực.
“Nếu là người dân thì anh có quyền bảo mật về thông tin tài sản trừ trường hợp người đó vi phạm pháp luật.
Nhưng anh là cán bộ công chức thì phải tuân thủ theo luật cán bộ công chức và chấp nhận chuyện đó (chuyện công khai tài sản).
Trường hợp lấy lý do tài sản cán bộ có liên quan tới quy định bảo mật đời tư theo hiến pháp, nên chỉ cần công khai ở mức độ nào đó thôi, thì anh đừng làm cán bộ công chức nữa mà nên đi làm người dân bình thường.
Yêu cầu công khai tài sản theo quyết định nói trên, giống như tiêu chí đề ra khi xét tuyển vào ngành công an, quân đội, người xét tuyển phải chấp nhận một số điều kiện quy định có tính đặc thù của ngành”, Đại biểu Bùi Văn Xuyền phản biện.
Đại biểu Xuyền cho biết thêm, trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến, tập trung vào việc sửa công khai, minh bạch về tài sản cán bộ.
————— 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngu thì chết mà!

Thua thiệt tỷ USD, ngàn tỷ đồng chỉ vì đàm phán hớ



ĐÀO TUẤN



























LĐO - Một “lỗi đàm phán” khiến chúng ta phải bù lỗ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hàng tỷ USD ngay khi nhà máy lọc dầu này đi vào sản xuất trong vài tháng tới.

Nghi Sơn chưa qua, giờ lại đến việc ồ ạt nhập xăng Hàn Quốc với thuế suất chỉ được bằng nửa các thị trường khác khiến ngân sách nhà nước thất thu hàng ngàn tỷ. Nhưng quá đau và vô lý nhất là việc, để bù đắp chênh lệch về thuế nhập khẩu giữa các thị trường, người ta đang kiến nghị... nâng thuế nội địa. 

Năm ngoái, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã thẳng thắn chỉ ra một "lỗi của đàm phán xung quanh “miếng cân kê” Nghi Sơn.
Trong đó, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, với xăng, từ năm 2023 thuế nhập khẩu đã xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016.

Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) thuế nhập khẩu diesel từ 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%; riêng mazut, từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0% .

Những mâu thuẫn giữa cam kết FTA với cam kết Nghi Sơn đang hiển hiện trong một con số hậu quả cực lớn. Báo cáo từ Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) ước tính trong 10 năm đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể phải bỏ ra 1,5 - 2 tỷ USD để bù lỗ cho Nghi Sơn. Trong khi cái khu liên hợp này có vốn đầu tư chỉ 9 tỷ USD.

Giờ đến Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc, ngay cả FTA này cũng có một điều khoản hớ. Đó là quy định thuế suất mặt hàng xăng dầu là 10%, thấp hơn cam kết trong các Hiệp định khác (thuế xuất đang là 20%).

Hậu quả đến ngay lập tức. 9 tháng 2017, riêng với mặt hàng xăng, 90% kim ngạch nhập xăng là từ Hàn Quốc với lượng nhập lên tới gần 2,28 triệu tấn. 2,28 triệu tấn x (nhân) 10% thuế suất. Nếu nói “bút sa gà chết” thì đây chính là cái giá rất đắt, rất đau.

Một “lỗi đàm phán” khiến chúng ta phải bù lỗ cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hàng tỷ USD. Một điều khoản “hớ” khiến ngân sách nhà nước thất thu hàng ngàn tỷ tiền thuế. Nhưng vô lý nhất là người phải chịu trách nhiệm, một cựu bộ trưởng, thì đã hạ cánh an toàn, trong khi đó để sửa lỗi thì đấy - kiến nghị nâng thuế nội địa của Hiệp hội xăng dầu để bù chênh lệch.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Hãy coi chừng hoàng đế mới của Trung Quốc

Tập Cận Bình là người lãnh đạo mạnh mẽ nhất kể từ
Mao, và có vẻ như ông ta sẽ nắm giữ quyền lực cho tới khi nào ông ta còn muốn.Đại hội Đảng lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức ngày thứ Tư, để chọn ra các nhà lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp.

Có vài sự kiện sẽ có tác động lớn hơn đến hình dạng chính trị thế giới. Kịch bản cho Đại hội Đảng chưa được tiết lộ, nhưng tôi dám cược rằng, Tập Cận Bình (TCB) không những sẽ “tái đắc cử” cho nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai, làm Tổng Bí thư đảng và làm Chủ tịch của Trung Quốc, mà trên thực tế ông ta sẽ còn được tôn thành hoàng đế thế kỷ 21 của Trung Quốc.

Mỗi ủy viên ban thường vụ Bộ Chính trị bảy người sẽ là một người trung thành đáng tin cậy của TCB. Trong số họ sẽ là đồng sự thân cận nhất của TCB là Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), là người đang là mũi nhọn thanh tra chống tham nhũng của TCB. Chiến dịch đó đã viết lại các quy tắc làm việc ở Trung Quốc và tái lập lại cảm giác lo sợ (bị tù) của các đảng viên và tầng lớp giàu có.

Theo thông lệ các lãnh đạo Trung Quốc phải nghỉ hưu vào tuổi 68, do đó, việc Vương Kỳ Sơn 69 tuổi vẫn tiếp tục nằm trong ban thường vụ—cùng với không thấy người kế nhiệm TCB xuất hiện—sẽ chuẩn bị điều kiện cho TCB vẫn tiếp tục là lãnh đạo của Trung Quốc cho đến khi nào ông muốn. Khi cảm nhận được thực tế mới này, người Mỹ sẽ hỏi: Tập Cận Bình là ai? Để bắt đầu, tôi xin đưa ra 5 điểm có độ dài một tweet.

Thứ nhất, ông ta sẽ ngày càng được xem như là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông. TCB đang làm lu mờ ngay cả Đặng Tiểu Bình, là người đã chôn nền kinh tế kiểu Liên Xô và thay nó bằng chủ nghĩa tư bản thị trường do đảng lãnh đạo, từng tạo ra ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế với hai chữ số.

Thứ hai, TCB là nhà lãnh đạo tham vọng nhất trên sàn diễn quốc tế hiện nay. Rất lâu trước khi Donald Trump cam đoan “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, TCB cũng đã tuyên bố ý định làm y như thế cho Trung Quốc. Khẩu hiệu của ông ta năm 2012 nêu ra tầm nhìn của ông ta về “Giấc mộng Trung Hoa”, “việc tươi trẻ hóa đất nước Trung Hoa”. Cho mục tiêu đó, ông ta đã thực hiện bốn cuộc cách mạng: chuyển nền kinh tế nặng về xuất khẩu của Trung Quốc trở thành nền kinh tế sản xuất giá trị cao và sáng tạo, được thúc đẩy bằng tầng lớp trung lưu tiêu thụ lớn nhất thế giới, trong khi duy trì tăng trưởng kinh tế trên 6,5%; tổ chức và xây dựng lại quân đội Trung Quốc để Trung Quốc có thể, như TCB nói, “đánh và thắng” một kẻ thù hiện đại (như Mỹ); làm sống lại chủ nghĩa dân tộc và lòng tự hào trong việc khôi phục một nước Trung Hoa vĩ đại; và, quan trọng nhất là làm cho đảng có sức sống trở lại và tái lập quyền lực của nó. Mỗi sáng kiến này sẽ làm hầu hết các nguyên thủ quốc gia lo lắng. TCB đang nắm giữ cả bốn việc này cùng một lúc.

Thứ ba, ông ta là nhà lãnh đạo đáng ngạc nhiên nhất trên sân khấu quốc tế hiện nay. Trong một sân chơi gồm Vladimir Putin, Kim Jong Un và Donald Trump, điều khẳng định này có vẻ cường điệu. Nhưng nhớ lại những điều kiện vào năm 2012, khi TCB được cử làm người kế vị Hồ Cẩm Đào. Giống như ông Hồ Cẩm Đào, TCB được dự đoán sẽ là một bù nhìn nhạt nhẽo và là người phát ngôn kỹ trị của một ban lãnh đạo tập thể 9 người. Với sự khôn khéo, tốc độ và quyết tâm, ông ta đã thực hiện chuyển đổi chế độ thành sự cai trị của một người khá thuyết phục là đáng kinh ngạc. Cho đến nay chưa hề có một quốc gia trỗi dậy quá nhanh, trên rất nhiều góc độ như Trung Quốc trong thế hệ qua. Cũng có thể nói như vậy về TCB, là người đã đi từ một nông dân bị đày ải về chính trị, sống trong một cái hang, thành “Chủ tịch của mọi thứ”.

Hơn nữa, việc ông ta chọn đảo lộn chính sách “ẩn mình chờ thời” của Đặng [Tiểu Bình] đã làm cộng đồng quốc tế choáng váng. Từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á mới của Trung Quốc đang làm lu mờ Ngân hàng Thế giới, đến kế hoạch địa kinh tế khổng lồ then chốt của ông ta được gọi là “Một vành đai, một con đường”, cấp vốn cho 900 dự án cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp với chi phí vượt quá $1400 tỉ (tương đương với 12 Kế hoạch Marshall), ông ta còn hơn cả táo bạo. Khi Mỹ rút lui khỏi vai trò truyền thống của mình trên sân khấu thế giới, TCB đã nhanh chóng chuyển vào lấp chỗ trống, gây sốc giới ưu tú Davos vào năm 2017 khi chính ông ta tuyên bố―trước ít ỏi người bất đồng―bênh vực cho trật tự kinh tế tự do toàn cầu mới .

Thứ tư, TCB là nhà lãnh đạo toàn cầu có hiệu quả nhất hiện nay. Đánh giá kết quả hoạt động của Trung Quốc trong 5 năm đầu tiên: lấy lại sức sống cho một đảng mà nhiều nhà phân tích phương Tây tin rằng sẽ sớm rơi vào bước tiến dân chủ “chắc chắn”, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ khi dự kiến có nhiểu khủng hoảng và sụp đổ, và khẳng định quyền lực của Trung Quốc ở nước ngoài chống lại tất cả các đối thủ, có được điều ông muốn từ biển Đông cho đến dãy Himalaya.

Cuối cùng, trong tất cả các nhà lãnh đạo trên trường quốc tế, TCB sẽ là tự phụ nhất. Điều này không chỉ đơn giản bởi vì ông ta cai quản một quốc gia với 1,4 tỉ người và nền kinh tế đã vượt qua Hoa Kỳ năm 2014 trở thành nền kinh tế lớn nhất trên thế giới (được đo bằng sức mua tương đương mà cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế lẫn CIA coi đó là thước đo tốt nhất). Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà lớn hơn Mỹ 40%.

Vào thời điểm đó, ông ta hẳn đã xác lập vững chắc Bắc Kinh là thủ đô―và Tập Cận Bình là nhân vật―mà thế giới tìm kiếm tăng trưởng và ổn định sẽ hướng về đó trước tiên. Trung Quốc sẽ khôi phục lại vị trí của nó như là “mặt trời” mà các nước châu Á chạy vòng quanh―như đã làm trong những thiên niên kỷ trước đó. Và ông TCB sẽ trở thành hoàng đế hiện đại của Trung Quốc.

Tác giả: Ông Allison là giáo sư về chính quyền tại Đại học Harvard. Ông là tác giả của “Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?” (Buộc phải đánh nhau: Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides không?) (Houghton Mifflin Harcourt, 2017).


Graham Allison | Wall Street Journal
Dịch giả: Song Phan

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bí thư tỉnh ủy

Bí thư tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt ở Phú Yên


Tiếp tục câu chuyện về phá rừng làm dự án ở Phú Yên, phải nhắc một điều mà Bí thư tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt (ảnh 1) đã nói: “Tỉnh sẽ báo cáo, nhận khuyết điểm trước Thủ tướng, đồng thời trình bày cụ thể để Thủ tướng xem xét, quyết định. Thủ tướng cho làm hay không rồi tính tiếp.”
Ông Bí thư tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt. Ảnh VOV
Đã vi phạm pháp luật rồi còn chờ cho làm hay không ư?
41 dự án với tổng cộng 1.340ha đất (trong đó có 800 ha rừng) đã tan nát theo “tinh thần của lãnh đạo tỉnh là muốn làm cho Phú Yên phát triển nên chọn giải pháp nhanh nhất, tốt nhất”. 12/20 dự án đã “khai thác” rừng với tổng diện tích 230ha, gồm: 58ha rừng đặc dụng; hơn 124ha rừng phòng hộ và 48ha rừng sản xuất. 17/19 dự án có sử dụng đất rừng tại tỉnh Phú Yên chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác với diện tích 413ha.
Lấy ví dụ về dự án khu liên hợp cao cấp New City của Công ty TNHH New City Việt Nam tại bờ biển TP Tuy Hòa. Rừng dương nơi đây được trồng từ sau 1975 đã được gọt gần như… sạch sẽ. Những thân cây trơ trọi giữa dự án nhờ “công lao” UBND tỉnh Phú Yên cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác mới nên nỗi. Chẳng có bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nào được thực hiện khi triển khai dự án. Đáng lo nhất là dự án New City sát ngay với Trung tâm điều dưỡng tàu ngầm của Cục Hậu cần Hải quân. Khu liên hợp gồm Codotel, câu lạc bộ gia đình, khu TDTD thì góp phần gì vào việc bảo dưỡng tàu ngầm?

New City chỉ là một trong rất nhiều dự án bị thanh tra và phát hiện sai phạm mà ông Huỳnh tấn Việt- Bí thư tỉnh ủy Phú Yên không thể không biết. Trách nhiệm tập thể mang tên “sự thống nhất cao của thường vụ tỉnh ủy” trong những dự án ấy không thể che mờ trách nhiệm người đứng đầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến Phú Yên về chuyện phá rừng trong cuộc họp trực tuyến 63 tỉnh thành ngày 14/10/2017. Tôi đoán là Thủ tướng đã đọc kết luận của Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra Phú Yên với phần kiến nghị đích thân Thủ tướng về chủ trì xử lý. Riêng dự án hầm đường bộ Đèo Cả, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an xác minh làm rõ những vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng của các sở, ngành có liên quan và chủ đầu tư tại dự án khai thác khoáng sản đất làm vật liệu thi công dự án.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực xử lý tất cả các vấn đề trên. Nếu ông Trương Hòa Bình vào Phú Yên, có lẽ vẫn còn những “câu đố” khác chờ giải quyết.

– Những lô đất vàng ở Tuy Hòa được đấu gia ra sao (có nhiều lô vào tay cháu ruột bí thư, con trai người chị ruột ông Huỳnh Tân Việt)?

– Vì sao dự án bệnh viện nay là kho thuốc cho công ty dược của anh trai Bí thư Huỳnh Tấn Việt? (Ảnh 2)

– Ai chống lưng cho công ty dược sản xuất trong khu dân cư gây tiếng ồn khó chịu cho dân mà chẳng ai xử lý?

– Biệt thự màu trắng lấn hành lang thoát nước ngay giữa Tuy Hòa có liên quan gì bí thư Huỳnh Tấn Việt hay không mà sao không bị xử lý? (Ảnh 3)

v.v…

Nói thẳng với công cuộc “đốt lò” và Chính phủ minh bạch, so với ông Nguyễn Xuân Anh “mới lên, mau xuống” ở Đà Nẵng thì ông Huỳnh Tấn Việt ở Phú Yên “xứng đáng” hơn nhiều!

(Còn tiếp)
Mai Quốc Ấn
(FB Mai Quốc Ấn)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chiến thuật thời nay phải là “một đòn … chết tươi”


XUÂN DƯƠNG 16/10/17 (GDVN) - Nhân từ với kẻ thù của đất nước, dân tộc là tàn nhẫn với dân, với nước. Xuất phát từ truyền thống nghìn năm của dân tộc, chiến lược lâu dài trong cuộc chiến chống nội xâm đúng là phải nhân từ, nhưng chiến thuật tại thời điểm này phải là “một đòn … chết tươi”.
Tranh biếm hoạ phòng chống tham nhũng của Duy Liên trên Báo Nhân dân
Trong "Bình Ngô đại cáo", cụ Nguyễn Trãi viết: “Đánh một trận, sạch không kình ngạc. Đánh hai trận, tan tác chim muông…”. “Đánh” ở đây là đánh bọn xâm lược phương Bắc mà cha ông ta thời nhà Lê gọi là “giặc Ngô” (giặc Minh). Ghét cay ghét đắng bọn “giặc Ngô’ khiến dân gian xuất hiện những câu thành ngữ như “Thằng Ngô, con đĩ” hoặc “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”,…

Tuy nhiên nếu nghiền ngẫm kỹ sẽ thấy cụ Nguyễn Trãi nói đánh giặc Ngô để đất nước “sạch không kình ngạc”, đánh cho “tan tác chim muông” chứ không phải là đánh “chết tươi” kẻ thù xâm lược.


Trong bài thơ chúc Tết cuối cùng gửi đồng bào chiến sĩ cả nước năm 1969, Cụ Hồ Chí Minh viết “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Tư tưởng của Cụ Hồ cũng là theo cái mạch ý của tiền nhân mà mọi người Việt luôn ghi nhớ.

Gặp gỡ cử tri sau Hội nghị Trung ương 6 khóa 12, đề cập đến cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, chống lợi ích nhóm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:

“Phương châm là không phải đánh cho một đòn “chết tươi” … Trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng bây giờ đánh trên đầu rất mạnh, các tỉnh cũng phải làm mạnh đi, ở trên làm mà dưới không làm là địa phương mất uy tín”. [1]

Có thể thấy cách thức mà Trung ương và Tổng Bí thư đang tiến hành nhằm mục đích đầu tiên là làm cho trong Đảng, tiếp đó là bộ máy công quyền “sạch không kình ngạc” chứ không nhất thiết phải là “tan tác chim muông”.

Người dân rất mong muốn Đảng, Nhà nước dọn sạch bọn quan tham, bọn nhũng nhiễu, bức hại dân lành, mong muốn một đất nước đúng với tiêu chí “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” chứ không phải một đất nước với xã hội văn hóa, đạo đức xuống cấp, tệ nạn xã hội tràn lan, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, không phải một đội ngũ khá đông đảo quan chức bộ ngành, địa phương “nói cái gì cũng hay, làm cái gì cũng dở”.

Người viết cho rằng, tại thời điểm này Tổng Bí thư đã khá nương nhẹ khi cho rằng: “Ở trên làm mà dưới không làm là địa phương mất uy tín”.

Tham nhũng, lãng phí, thoái hóa, biến chất là giặc nội xâm và sự gây hại của họ chẳng khác gì “giặc Ngô”.

Thế nên không đánh cho “sạch không kình ngạc” mà chỉ đánh vào “uy tín” liệu họ có run sợ?

Thực tế cho thấy có người chẳng cần gì “uy tín” miễn là có “uy quyền”.

Nếu coi trọng uy tín, coi trọng danh dự, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã chẳng “chí phèo” đến mức tuyên bố: “Tôi về hưu rồi, muốn xử ra sao thì xử”.

Lịch sử cho thấy chỉ với 12 sứ quân, đất nước đã loạn lạc, muôn dân lầm than oán hận.

Các sứ quân này mới chỉ là các lãnh chúa một vùng, không phải vương hầu hay vua chúa.

Nếu đất nước có vài chục sứ quân ở địa phương, lại thêm hàng chục sứ quân các bộ, ngành, nếu mỗi sứ quân lại là “vua con” chứ không phải lãnh chúa thì tương lai đất nước, dân tộc sẽ thế nào?

Sẽ là sai lầm nếu chỉ chú ý đến các “vua con” ở địa phương mà quên “vua con” tại các bộ, ban, ngành.

Các ngành Công thương, Ngân hàng, Dầu khí bị lũng đoạn trong nhiều năm, điển hình là đại án OceanBank, là hơn chục dự án nghìn tỷ có nguy cơ đắp chiếu là do con người hay do thể chế?

Tại sao chữa bệnh cứu người lại tồn tại việc nhập lậu thuốc chữa bệnh và giá thuốc cao so với thu nhập của người dân?

Tại sao ngành Giáo dục năm nào cũng bắt dân bỏ tiền mua sách giáo khoa?...

Tại sao cả triệu người kê khai tài sản mà chỉ có bốn, năm người bị xử lý?

Có phải nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc có quá nhiều “vua con”, từ hiện trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Nói thế để thấy, nếu trên làm, dưới không làm mà chỉ bị “mất uy tín” thì sẽ có người không sợ.

Ngày 29/9/2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có thông báo số 116-TB/UBKTTU “Về kết quả kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên tại Sở Xây dựng”.

Hình thức kỷ luật cao nhất đối với tổ chức/cá nhân sai phạm là khiển trách, số còn lại thì “kiểm điểm sâu sắc và nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Sau khi công bố kỷ luật, người lãnh đạo cao nhất tỉnh này hoan hỉ tuyên bố:

“Cần thực hiện công khai để đảng viên trong Đảng bộ hiểu rõ bản chất vụ việc, đâu là việc đúng, sai, để thể hiện tính minh bạch trong xử lý vi phạm"? [2]

Kể thì cũng lạ, nếu các đảng viên trong Đảng bộ không hiểu rõ bản chất vụ việc thì làm sao dám giơ tay biểu quyết hình thức kỷ luật khiển trách hay nghiêm túc rút kinh nghiệm, còn nếu đã hiểu rõ vụ việc, đã nhất trí rất cao hình thức kỷ luật thì vì sao cần rùm beng chuyện “công khai”?

Que diêm, lò nóng và củi tươi

Liệu có phải “công khai” để “trên” hiểu rằng “dưới” đang “minh bạch” đây, “dưới” đang hết mình chống tiêu cực chứ không phải là chống … eo (eo tức là lưng đấy).

Có lẽ cũng nên bàn thêm về “tính minh bạch trong xử lý vi phạm” của tổ chức đảng tỉnh này khi mà chính Thông báo 116-TB/UBKTTU đã liệt kê quá nhiều sai phạm của ông Phó Chủ tịch tỉnh khi còn làm Giám đốc sở Xây dựng.

Nào là thành lập thêm mấy ban không đúng, tuyển dụng hơn 40 trường hợp sai, quy hoạch Phó Giám đốc sở cho “hot girl Quỳnh Anh” có vấn đề, đặc biệt là chuyện “dấm dúi” đưa cô gái này vào danh sách học lý luận chính trị cao cấp…

Theo khoản 1, điều 8, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thì:

“Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng;

Đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xoá tên trong danh sách đảng viên”.

Trần Vũ Quỳnh Anh tự ý bỏ việc, từ tháng 9/2016 đến tháng 9/2017 không sinh hoạt đảng, từ tháng 1/2017 đến tháng 9/2017 không đóng đảng phí, trong quá trình làm việc không kê khai tài sản dù thuộc diện phải kê khai.

Thế thì vì lẽ gì sau 12 tháng bỏ sinh hoạt đảng và sau 9 tháng không đóng đảng phí, người này mới bị khai trừ khỏi Đảng?

Vấn đề ở đây không chỉ là trách nhiệm của Chi bộ, của Đảng ủy Sở Xây dựng Thanh Hóa mà còn là của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy và trên hết là của Bí thư Tỉnh ủy.

Ai, bộ phận nào đã cố tình trì hoãn việc khai trừ bà Quỳnh Anh khỏi Đảng, có hay không sự hậu thuẫn nào đó từ những người có trách nhiệm khi chậm khai trừ và những biện minh rất khó hiểu về việc không thể kiểm tra tài sản nguyên đảng viên này?

Chúng ta thường nói xử lý sai phạm phải nghiêm minh, phải thượng tôn pháp luật, riêng với đảng viên còn phải tuân theo Điều lệ Đảng và “những điều đảng viên không được làm”.

Vậy Ủy ban Kiểm tra Trung ương nghĩ sao về hành vi vi phạm điều lệ Đảng của các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm thuộc Tỉnh ủy Thanh Hóa?

Vụ việc Trung ương xử lý các đảng viên Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ và Thành ủy Đà Nẵng được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Vậy vụ việc “tự kiểm điểm, tự kỷ luật” ở Đảng bộ Thanh Hóa mà dư luận rất ngạc nhiên có cần được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét?

Để minh chứng ý kiến nhân dân, xin trích ý kiến đảng viên lão thành, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:

“Xử lý tiêu cực phải quyết liệt, đừng để như Yên Bái, Thanh Hóa; vấn đề liên quan đến lãnh đạo cấp tỉnh thì Trung ương phải vào cuộc”. [1]

Những việc rõ như ban ngày xảy ra ở Yên Bái, Thanh Hóa,… chậm được giải quyết có phải vì “phép trên” thua “lệ dưới”?

Chuyện ở Thanh Hóa khiến dư luận liên tưởng đến câu thành ngữ hiện đại “Hà Nội không vội được đâu”, sự liên quan thế nào có lẽ bạn đọc đều biết nên không cần nói rõ. Có phải do có điểm chung nào đó nên ở đây: “Kỷ luật - không vội được đâu”?

“Hy sinh đời bố, củng cố đời con” là câu thành ngữ hiện đại nhưng đã sớm trở nên lạc hậu. Không “hy sinh đời bố” mà vẫn “củng cố” được đời con mới là điều các “bố” đang quyết tâm theo đuổi.

Để làm được việc đó, người ta thực hiện nguyên tắc Ba không: “Đồng chí không bằng đồng minh”; “Uy tín không bằng uy quyền”; “ “Lệnh trên” không bằng “cồng dưới”.

“Đồng minh” là cách diễn giải “lịch sự” của hiện tượng “kết bè kéo cách” mà Tổng Bí thư và các văn bản Trung ương Đảng từng đề cập.

Có đồng minh, việc lớn hóa nhỏ, việc to hóa bé, việc bé hóa … bùn, có đồng minh là có nghị quyết, thông báo theo ý của “Minh chủ”.

Một khi “đồng minh” chiếm thế áp đảo thì chẳng lẽ kỷ luật tất cả, kỷ luật hết thì lấy đâu người làm việc?

Có “đồng minh” là có uy quyền, có thể trở thành “vua con”, khi đó thiểu số những đồng chí “ấm ức” chắc chẳng phải chờ cả năm mới nhận được quyết định kỷ luật như trường hợp “hot girl Quỳnh Anh” ở Thanh Hóa.

Vẫn biết Cụ Nguyễn Trãi đã viết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân để thay cường bạọ”, nhưng dân gian cũng có câu “Nhân từ với kẻ thù là tàn nhẫn với bản thân".

Nhân từ với kẻ thù của đất nước, dân tộc là tàn nhẫn với dân, với nước.

Sau lời cảnh tỉnh của Tổng Bí thư: “Ai trót để tay nhúng chàm thì hãy sớm tự gột rửa” liệu sẽ có bao nhiêu cánh tay tự nguyện giơ lên xin phép “tự gột rửa”?

Chẳng phải suốt mấy năm trời kê khai tài sản, chỉ có vài người trong số gần triệu người bị phát hiện kê khai không trung thực?

Chẳng phải quan “to” như Hồ Xuân MãnVũ Huy HoàngTrần Văn Truyền,Nguyễn Xuân Anh, quan “nhỡ” như Hồ Thị Kim ThoaPhan Thị Mỹ Thanh, quan “bé” như Ninh Văn Quỳnh… đều đã kê khai tài sản đó sao?

Vậy thì nhân từ có phải là phương thuốc hữu hiệu khi người ta không phải “trót” mà cố tình nhúng chàm?

Xuất phát từ truyền thống nghìn năm của dân tộc, chiến lược lâu dài trong cuộc chiến chống nội xâm đúng là phải nhân từ, nhưng chiến thuật tại thời điểm này phải là “một đòn … chết tươi”.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://thanhnien.vn/thoi-su/long-dan-dang-ung-ho-phai-lam-tiep-khong-dung-lai-889735.html

[2]http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bi-thu-Thanh-Hoa-noi-ky-luat-roi-phai-cong-khai-de-biet-ban-chat-biet-dung-sai-post180039.gd
Xuân Dương

Phần nhận xét hiển thị trên trang