Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

SOS: TỈNH HÒA BÌNH CÔNG BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP DO SẠT LỞ



Hoà Bình công bố tình trạng khẩn cấp do sạt lở đất 
VNE

Chủ nhật, 15/10/2017 | 22:57 GMT+7 

Sau bốn ngày công bố tình trạng khẩn cấp do mưa lớn, tỉnh Hoà Bình tiếp tục công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất.

Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đất do ảnh hưởng mưa lớn gây ra trên địa bàn Hòa Bình, được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang ký ngày 15/10.

Theo quyết định trên, tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan di dời ngay các hộ dân, nhà cửa, vật kiến trúc, cơ sở sản sản xuất- kinh doanh ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và có kế hoạch vận động, di dời các hộ dân còn lại nằm trong vùng cảnh báo sạt lở đến nơi an toàn.
Cơ quan chức năng tổ chức tìm kiếm các nạn nhân còn lại trong vụ sạt lở vùi lấp 18 nạn nhân vào rạng sáng ngày 12/10. Ảnh: Giang Huy.

Các khu vực bị sạt lở gồm: Thành phố Hòa Bình (phía Đông Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (khu vực đồi Ông Tượng); khu vực tổ 4,5,6 phường Chăm Mát, khu vực tổ 4, phường Thái Bình; khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến; Huyện Kim Bôi (xóm Mớ Khoắc, xóm Mớ Đồi, xã Hạ Bì; xóm Đúp, xóm Củ, xã Tú Sơn); Huyện Tân Lạc (các xã: Phú Cường, Nam Sơn); Huyện Đà Bắc (xóm Nhạp Ngoài, xã Đồng Ruộng, xóm Hà, xã Đồng Chum, xóm Kế, xã Mường Chiềng, xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa và các tuyến đường trên địa bàn huyện); Huyện Lạc Sơn (xóm Nạc, xã Tuân Đạo); Huyện Mai Châu (xóm Phiêng Xa, xã Đồng Bảng); Huyện Kỳ Sơn (sạt lở đất tại xóm Tân Thành, xã Hợp Thành).

Theo thống kê của cơ quan chức năng về thiệt hại do đợt mưa lũ từ ngày 10-12/10, tỉnh Hoà Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người với 20 người chết, 13 người mất tích và 8 người bị thương.

Đặc biệt, rạng sáng ngày 12/10, mưa lớn tại khu vực xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc đã xảy ra vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng. Từ trên đỉnh thác Khanh, hàng nghìn mét khối đất đá ập xuống, vượt qua lòng suối vùi lấp nhiều căn nhà và 18 người. Đến trưa ngày 15/10, lực lượng tìm kiếm đã tìm được 13/18 nạn nhân.

Võ Hải

Phần nhận xét hiển thị trên trang

700 TÙ NHÂN Ở TRẠI 5 CÓ AI BỊ LÀM SAO KHÔNG?



Huy Lam

Khi mưa lũ kéo đến, một trại giam của công an Thanh Hóa đã không hề có kế hoạch di tản tù nhân và gia súc do tù nhân nuôi. Kết quả là 700 tù nhân bị mắc kẹt trong những buồng giam ngập nước, và hơn 4,000 con heo chết đuối ngay trong chuồng.

Truyền thông Việt Nam mấy hôm nay hầu như chỉ đăng tải tin tức và hình ảnh về 4,000 con heo chết nổi lềnh bềnh trong một gian chuồng, mà hầu như không nhắc đến các tù nhân.

Một số báo đài nhắc đến 700 tù nhân qua hành động đưa cơm của đội ngũ nhân viên cai tù. Hai sự việc trên báo chí được mô tả tách rời như thể chúng xảy ra ở hai nơi riêng biệt.

Nay mặc dù mưa đã tạnh, nhưng nước vẫn còn ngập sâu. Báo chí trong nước xác nhận quang cảnh rùng rợn nơi 4,000 con heo chết đuối và 700 phạm nhân mắc kẹt chỉ là một nơi duy nhất: Trại giam số 5 của Tổng cục 8 tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Tình hình tại đây được giữ nguyên trong mấy ngày qua và dự trù sẽ không sớm thay đổi trong những ngày tới. Nhân viên cai tù tiếp tục dùng ca nô đưa cơm cho 700 tù nhân đang mắc kẹt, mà công an gọi là “đang được quản lý”.

Theo báo Dân Việt hôm Thứ Sáu 13/10, mức lũ được ghi nhận là “rất cao”, và kế hoạch của công an Tổng cục 8 là tiếp tục “quản lý” chặt chẽ tù nhân tại đây thay vì đưa họ đi nơi khác.

Tù nhân bị giam một cách áp đặt bởi công an, và một cách tự nhiên bởi nước lụt, bên cạnh hàng ngàn xác heo chết trong chuồng tiếp tục sình thối và phân rã.

Đến nay truyền thông trong nước chỉ đăng tải hình ảnh 4,000 con heo, nhưng không một báo đài nào được phép đăng tải hình ảnh của 700 tù nhân, cho nên người dân trong và ngoài nước không biết thảm cảnh của những con người này ra sao.

Huy Lam / SBTN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHÁT VỚI "MỐI CHÚA"


Vũ Thị Xinh




Mục đích của người thực hiện cuộc đối thoại này chỉ là để giải quyết sự tò mò, về tâm trạng của tác giả Mối chúa giữa bão dư luận. Nhưng những trả lời giản dị, hóm hỉnh của Lão Tạ lại cũng là những ý kiến rất tinh tế về việc viết, tôn trọng bạn đọc và bản lĩnh nghề nghiệp nhà văn cần phải có

-Chào “Mối chúa”, ông ổn chứ?
-Chào bạn, tôi ổn, cảm ơn.
-Ông đang làm gì?
-Tôi đang “vi tính đàm” với bạn đây thôi…
-Ý tôi là ông đang dành thời gian cho công việc gì? Đọc hay viết?
-Vì công việc, tôi đọc là chính.
-Có khi nào ông nghĩ lại có lúc tác phẩm của mình gây ra hẳn một cơn bão dư luận?
-Nghĩ thế chắc tôi đã kiệt sức từ lâu rồi, làm sao còn có thể viết Mối Chúa ròng rã trong ba năm.
-Tôi biết khi Mối chúa ra đời, ông nhận được nhiều lời chúc mừng của đồng nghiệp, trong đó có cả những người hầu như chẳng khen ai bao giờ, ông có bị ngợp không?
-Nếu là 20 năm trước, chắc chắn tôi sẽ tưởng mình đang trên mây. Tuổi già hóa ra cũng có cái hay...
-Ý ông là tuổi già giúp ông bản lĩnh hơn?
-Tôi không nói nguyên văn như vậy.
-Dư luận nói chung không hiểu nổi vì sao CXB lại yêu cầu đình chỉ Mối chúa?
-Tôi cũng không hiểu.
-Việc đình chỉ phát hành một cuốn sách nào đó có vẻ như là công việc thường xuyên của CXB?
Tôi chỉ biết trước Mối chúa đã có hàng chục cuốn sách bị CXB đình chỉ phát hành, có cuốn còn bị thu hồi, tức là mức độ nghiêm trọng hơn.
-Một nhà văn nằm trong số những người nổi tiếng nhất trên văn đàn nước Việt nhận xét, viết được như Mối chúa, phải là người ngày nào cũng đăm chiêu nghĩ ngợi về hiện thực đất nước, rằng Mối chúa sẽ thuộc những cuốn sách ở lại lâu dài với bạn đọc…Trong khi đó lại có người cho rằng, với Mối chúa, ông viết về hiện thực một cách hời hợt? Ông xa rời hiện thực do chỉ ngồi suy xét trong phòng máy lạnh?... Ông nghĩ gì về những nhận xét này?
-Có chuyện gì đặc biệt trong những nhận xét trái ngược ấy về một cuốn sách đâu mà phải nghĩ! Tôi từng nhận được những lời khen còn khủng hơn và những lời chê còn ác liệt hơn nhiều. Khen, chê là quyền tối cao, bất khả bàn luận của bạn đọc, dưới góc độ một người sáng tác.
Tôi kể bạn nghe chuyện này. Cách đây mấy tháng tôi phải tiếp một cộng tác viên. Trong câu chuyện ông ta xứ xách mé gọi cụ Nguyễn Du là Du. Tôi phản ứng thì ông ta bảo, Du (Nguyễn Du) chỉ là người « đạo văn », vần vè hóa một câu chuyện có sẵn, đánh lừa bạn đọc mấy trăm năm. Tôi ức nghẹn cả cổ nhưng rồi nghĩ là nếu cụ Nguyễn Du nghe được, chắc cụ cũng cười váng mà không tức giận.
-Tôi theo dõi trên FB thấy ông bấm nút like, chia sẻ cho hàng ngàn người cả bài viết chê Mối chúa thậm tệ, ông tự tin vào khả năng tự bảo vệ của Mối chúa đến thế cơ à?
-Bạn có định nói tôi làm thế là do đọc hời hợt không đấy, rằng người ta chê lại cứ tưởng khen?
-Tôi hỏi rất thật lòng, bởi vì tôi chưa thấy ai làm như ông?
-Vậy thì từ nay bạn sẽ thấy.
-Nói chuyện với ông thật là ngại. Nhưng tôi xin phép tiếp tục: Một số đồng nghiệp của ông cho rằng ông ít hiểu biết về quan chức khi mô tả họ một cách thô lỗ, rằng họ tinh vi và tinh tế hơn nhiều trong chuyện ăn của đút?
-Xin miễn cho tôi phải đưa ra bình luận về nhận xét đó.
-Vậy còn với cá nhân ông?
-Tôi ấy à? Tôi theo dõi thời cuộc thì thấy có nhiều mức độ hư hỏng của quan chức. Mức độ ăn của đút một cách dấm dúi, kiểu bốc vụng một miếng rồi vội chùi mép, là mức nhẹ nhất, xảy ra thời nửa thế kỉ trước. Giai đoạn tiếp theo là ăn của đút một cách ý tứ, hay nói văn vẻ là hư hỏng một cách tinh tế. Sau đó chuyển sang giai đoạn ăn chia dựa trên các thỏa thuận được che đậy. Tiếp theo là trắng trợn, trơ tráo, tức là đến mức “đỉnh cao”. Chính là giai đoạn hiện nay. Bạn chỉ cần ra đường , vào bệnh viện, tham gia một vụ chạy dự án, đi xin việc cho con, có việc liên quan đến quan tòa…là bạn đồng ý với tôi ngay. Mọi thứ đều được mói toẹt ra, trắng phớ ra, không còn cần tí ý tứ nào. Biếu nhau biệt thự, chia nhau hàng ngàn mét vuông đất, xui nhau thò tay vào két Nhà nước lấy hàng trăm tỉ đồng, dựa vào quyền lực để tổ chức cưỡng đoạt đất của người dân thì có muốn ý tứ cũng khó về mặt kĩ thuật! Thông thường một xã hội mà đám quan chức bắt đầu “cướp ngày”, người dân bị coi như cỏ rác, là kiểu gì cũng loạn, là đêm trước của một thay đổi kinh hoàng nào đó.
Nhưng trong Mối chúa, tôi không chỉ viết về nạn cướp ngày, mà tôi còn viết về hiện tượng bọn “cướp ngày” thừa tiền để mua một chức quan. Tất cả những nhân vật phản diện trong Mối chúa đều được định danh là cướp, trước khi họ đóng những cương vị khác. Đã là cướp mà còn tinh tế, ý tứ thì chỉ có trong cổ tích.
-Chả lẽ ông Chu Mộng Long đúng khi suy diễn từ cái tên Đãng Khấu?
-Một sự suy diễn thú vị của một lão quái kiệt nhưng có đúng không thì lại là chuyện khác. Tôi chỉ biết nói vậy.
-Nhiều bạn đọc tiếc rằng sao Mối chúa không phải là một quan to? Giá mà Mr. Đại không xuất hiện, cứ ẩn ẩn hiện hiện nhưng không xuất hiện, thì ấn tượng hẳn sẽ mạnh hơn về một sự chi phối quyền lực ngầm?
-Nếu tôi viết như vậy thì chính những người đó lại bảo tôi bắt chước hoặc giống Kápka. Giống người khác, dù là giống Kapka, liệu có đáng để mà tự hào? Vả lại, Mối chúa gánh vác một sứ mệnh khác...
Nhưng tiện thể tôi muốn nói nhiều hơn một chút về tâm lý này. Người Việt mình bị đè nén quá lâu bởi quyền lực chính trị, thành ra mới cứ ám ảnh về một cơ hội trả thù, muốn người khác giải tỏa thay bằng cách hạ bệ ai đó họ căm ghét, mà coi nhẹ nội dung câu chuyện. Nhân vật là ai, cấp chức cao thấp ra sao liệu có quan trọng bằng tác phẩm ấy đưa ra thông điệp gì sâu sắc về tư tưởng, thẩm mỹ, đạo đức? Có khi nào bạn đọc một kiệt tác nước ngoài mà bạn đòi hỏi nhà văn phải ám chỉ nhân vật quyền lực nào đó ở đất nước họ mới đáng để bạn đọc? Tôi chắc là không. Bạn cứ nhớ lại tâm trạng của mình khi đọc Hămlet, Vườn anh đào, Tên tôi là Đỏ, AQ chính chuyện, Đàn hương hình hay những sáng tác của Mukarami…bạn sẽ thấy dường như mong muốn nhân vật phải ám chỉ cá nhân quyền lực nào đó chỉ được đưa ra như một đòi hỏi với nhà văn Việt Nam thời hiện đại, bởi ngay cả những tác phẩm lớn của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng...cũng chỉ toàn viết về những nhân vật tầm thường mà vẫn thấy toàn bộ chân dung của thời đại các ông sống?
-Có người bảo những phần mô tả việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất của ông chỉ là sao chép lại những gì báo chí đã viết dưới dạng phóng sự?
-Sướng nhất là bạn đọc. Họ có quyền muốn nói gì thì nói. Còn với người viết thì chỉ nên im lặng. Trên thực tế đó là những chương tôi mất nhiều công nhất.
Với ông hiện thực đời sống và hiện thực đã được sáng tạo khác nhau ở chỗ nào?
-Nó khác nhau như bông hướng dương ngoài vườn và bông hướng dương trong tranh. Nếu chỉ cần sao chép cho giống thì chụp ảnh nhanh và hiệu quả hơn là vẽ…
-Khi Bước qua lời nguyền ra đời, mọi người gọi ông là “Cậu Tư”, sau đó là Lão Khổ (nhân vật chính trong tiểu thuyết Lão Khổ) và giờ đây là Mối Chúa, ông thích cái tên nào hơn cả?
-Luôn luôn thật khó khăn cho ông bố nào đó khi đưa ra lựa chọn một trong số những đứa con của mình, ngay cả khi chỉ để dùng tên nó gọi thay cho tên mình.
-Nhiều người đọc chung nhau ở nhận xét, Mối chúa là cuốn tiểu thuyết hấp dẫn từ đầu đến cuối? Vậy hấp dẫn đã đủ để là cuốn sách hay chưa? Hấp dẫn quan trọng đến mức nào với một tác phẩm văn học?
-Vô cùng quan trọng nhưng không bao giờ là tất cả.
-Giờ đây mọi người đang chờ quyết định cuối cùng liên quan đến số phận Mối chúa của cơ quan quản lý? Ông nghĩ nó sẽ thế nào?
-Với tôi, trong trường hợp Mối chúa, mọi việc đã xong, điều gì xảy ra cũng không còn quan trọng.
Thông tin rò rỉ cho tôi biết là Ban Tuyên giáo đã làm việc với lãnh đạo Hội nhà văn và giám đốc Nhà xuất bản. Với những gì đến tai tôi thì tôi chỉ có thể khẳng định Mối chúa sẽ không được tái bản nữa.
-Nếu đúng thế thì có khác gì cấm lưu hành? Chính xác là cấm lưu hành tiếp? Nghĩa là bạn đọc từ nay chỉ có thể đọc trên bản sách lậu?
-Tôi cũng nghĩ thế.
-Ông chấp nhận à?
-Để tôi xem mình có thể làm gì? Người viết ở Việt Nam ít quyền lắm trong việc phổ biến tác phẩm của mình, bạn biết điều đó mà.
-Ông đang làm công tác xuất bản, ông thấy còn điều gì chưa hài lòng về việc xuất bản sách ở nước ta?
-Vẫn còn nhiều tác phẩm không có cơ hội ra mắt bạn đọc như quyền của nó được thế? Tôi có thể kể ngay ra không ít hơn mười tác phẩm. Một vài trong số đó tôi đã đọc. Chẳng ai đủ sức ngăn cấm bạn đọc tin rằng, có thể những tác phẩm hay nhất còn nằm lại trong số đang là bản thảo đó?
-Trong số vài chục cái tên nổi định nổi đám của giới cầm bút trong nước, ông có định so sánh mình với ai không?
-Để làm gì, khi việc đó là vô bổ và vô nghĩa.
-Hỏi nhỏ ông một câu, sách của ông có lúc có nơi bán tới 500 ngàn một cuốn, ông có tiếc khi đã bỏ qua một dịp tự kinh doanh mình như một số người vẫn làm?
-Nếu tôi luôn dành thời gian tìm cơ hội như vậy, nếu tiền luôn đầy ắp trong đầu tôi, thì có thể bây giờ ngay cả cho không cũng không ai buồn cầm Mối chúa lên tay. Sự nghiệt ngã này là chủ ý của Chúa trời!
-Chúc ông chân cứng đá mềm!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

8 ĐẶC ĐIỂM CỦA HẠNG TIỂU NHÂN



Nếu trong số những người bạn chơi hoặc quen biết, có người sở hữu từ 2 trong số 8 đặc điểm nói trên, hãy đừng đắn đo mà tránh họ ra xa một chút kẻo có ngày rước họa vào thân.
.
8 đặc trưng của kẻ tiểu nhân, người sở hữu chỉ 2 đặc điểm trong số này cũng nên tránh xa!.
Ngụy Hi, một trong ba nhà văn lớn hàng đầu của triều Thanh, từng nói: “Ta không hiểu như thế nào là người quân tử, nhưng nhìn vào khả năng “chịu nhận phần thiệt” của người ấy là sẽ biết. Ta không hiểu được như thế nào là kẻ tiểu nhân, nhưng nhìn vào việc “tranh giành phần lợi” của người ấy là sẽ biết”.
.
Có thể chịu thiệt quả không phải là một việc dễ dàng. Cần phải là người có tấm lòng khoan dung, độ lượng to lớn mới có thể chịu thiệt thòi một cách cam tâm tình nguyện. Người quân tử cũng phải là người chịu nhẫn nhục, co được giãn được, tức là biết ứng phó thích hợp với tình huống cụ thể. Chẳng trách mà người xưa dùng tiêu chuẩn “có hay không có khả năng chịu thiệt” xét làm yếu tố đầu tiên để nhận biết người quân tử và kẻ tiểu nhân.
.
Trong đời, phân biệt được chính – tà, quân tử – tiểu nhân xem ra là chuyện không dễ dàng.
.
Có những lúc bạn vô ý nói ra hay làm một điều gì đó, xong chuyện cũng chẳng giữ lại trong tâm. Nhưng người khác lại cứ chấp nhất hoài một lời nói ấy. Thực ra, đây chính là hành động của những kẻ tiểu nhân. Vậy làm thế nào để phát hiện những người như thế quanh mình?
.
Tiểu nhân là từ dùng để chỉ những người có nhân cách thấp kém, nghĩ một đằng nhưng nói một nẻo. Ở bất cứ đâu cũng đều có thể bắt gặp những kiểu người như thế.
.
Ở cạnh người tiểu nhân, chỉ một chút thiếu thận trọng, chúng ta sẽ bị phải rước lấy nhiều phiền toái. Thế nên, học cách nhìn rõ được người tiểu nhân là việc rất cần thiết cho dù bạn ở môi trường nào đi nữa. Trong cách ăn nói, hành động của họ, thường có những nét đặc trưng rõ rệt như sau:
.
1. Thích nịnh nọt người khác
.
Khi đứng trước mặt chúng ta, họ ra vẻ rất nhiệt tình, từng lời nói “ngọt như mía lùi” khiến cho ai nấy cũng dễ rơi vào trạng thái mất cảnh giác. Có những lời không nên nói, có những sự việc không nên làm nhưng bạn đã làm, đã nói trước mặt họ, vì bạn coi họ là người có thể tin cậy,nói sao biết vậy. Nhưng chỉ cần quay lưng đi một cái, sự việc đã đến tai người khác, đẩy bạn vào trạng thái bất lợi.
.
8 đặc trưng của kẻ tiểu nhân, người sở hữu chỉ 2 đặc điểm trong số này cũng nên tránh xa! - Ảnh 1.
.
2. Thích ngồi chỗ nọ nói xấu chỗ kia
.
Trước mặt bạn, kẻ tiểu nhân sẽ nói bạn hay, chê người kia dở nhưng trước mặt người kia, bạn là kẻ chẳng ra gì. Kẻ tiểu nhân thường tìm cách lấy lòng tất cả nhưng lại ngấm ngầm chia cắt tình bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí gây ra những tranh cãi và mâu thuẫn khó có thể hàn gắn. Hơn nữa, miệng lưỡi những kẻ tiểu nhân thường rất khéo léo, cho dù bị phát hiện, họ cũng biết cách thoái thác, phủi sạch trách nhiệm.
.
3. Gió chiều nào xoay chiều đó
.
Ở cơ quan, biết được lãnh đạo thích ai, kẻ tiểu nhân sẽ tìm cách gần gũi người đó. Với những người lãnhđạo không ưa thích, kẻ tiểu nhân sẽ ngày ngày tìm cách đả kích. Trong mắt họ, ai có ưu thế thì đeo bám, ai thất thế thì xa lánh. Với những người không có giá trị lợi dụng, họ chắc chắn sẽ không bao giờ nghĩ đến việc gần gũi, kết thân.
.
4. Thích thể hiện
.
Trước mặt lãnh đạo, những kẻ tiểu nhân luôn tỏ ra hăng hái, nhiệt tình nhưng khi cấp trên vừa đi khỏi, đâu lại vào đó. Trong công việc, họ nói và làm trước sau không như một. Kiểu người này vô cùng giỏi trong việc kể công. Nếu công việc của người khác có một chút sơ suất, họ sẽ lập tức gọi điện thoại cho cấp trên và coi đó là “thành tích” của bản thân.
.
8 đặc trưng của kẻ tiểu nhân, người sở hữu chỉ 2 đặc điểm trong số này cũng nên tránh xa! - Ảnh 2.
.
5. Sở trường đổ vấy trách nhiệm cho người khác
.
Nếu trong công việc mắc sai lầm hoặc hành động, ngôn từ của bản thân không đúng, kẻ tiểu nhân sẽ một mực không thừa nhận mà tìm một người thế thân gánh nạn. Kiểu người này rất “mồm mép”, có thể đổi trắng thay đen, có thể khiến mọi người nhầm lẫn mà lan truyền đi những thông tin sai sự thật.
.
Thậm chí có những lúc “chân tướng” vì thế mà bị giấu nhẹm đi và cho dù được phát hiện khi việc đã rồi, mức độ ảnh hưởng của nó cũng đã không còn nữa.
.
6. Thích bịa đặt dựng chuyện
.
Những kẻ tiểu nhân làm như vậy vì nhiều mục đích khác nhau chứ không đơn thuần chỉ là để mua vui. Có những kẻ bịa đặt, dựng chuyện để mưu lợi cá nhân, gây bất lợi cho người khác, bôi nhọ đối thủ, nâng cao bản thân.
.
7. Thường bồi thêm nhát dao chí mạng cho người đang gặp hoạn nạn
.
Trong cơ quan, đơn vị có đồng nghiệp mắc sai lầm hoặc thất bại trước một nhiệm vụ nào đó, bị cấp trên phê bình. Những kẻ tiểu nhân sẽ sẵn sàng bồi thêm một hai nhát dao chí mạng khiến “nạn nhân” càng lúc càng rơi vào “vòng nguy hiểm”.
.
8 đặc trưng của kẻ tiểu nhân, người sở hữu chỉ 2 đặc điểm trong số này cũng nên tránh xa! - Ảnh 3.
.
8. Sẵn sàng giẫm lên vai người khác để leo lên trên
.
Bạn khổ nhọc lao động, làm việc, trong khi đó những kẻ tiểu nhân chỉ đứng một chỗ, đợi sẵn để hái quả ngọt. Bạn trồng cây, kẻ tiểu nhân ngồi dưới hóng mát, lợi dụng con đường sẵn có mà bạn khổ sở vạch ra, đến lúc thành công, họ vội đứng lên nhận công và sẵn sàng gạt phắt bạn ra ngoài. Nếu thất bại, trách nhiệm tất nhiên sẽ thuộc về bạn.
.
Nếu trong số những người bạn chơi hoặc quen biết, có người sở hữu từ 2 trong số 8 đặc điểm nói trên, hãy giữ khoảng cách với họ, đảm bảo cho mình một “vùng an toàn” tối thiểu.
.
Nguồn: Sưu tầm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HỘI TRI THỨC ĐẦU TIÊN Ở BẮC KỲ ĐÚNG 110 NĂM TRƯỚC.


Tập truyện ngụ ngôn của Lafontaine là một trong những cuốn sách dịch đầu tiên của Nguyễn Văn Vĩnh, và cũng là tác phẩm được Nguyễn Văn Vĩnh đưa lên khảm trai.


HỘI TRI THỨC ĐẦU TIÊN Ở BẮC KỲ
ĐÚNG 110 NĂM TRƯỚC


Nguyễn Lân Bình


“Càng hiểu biết, con người càng tự do”.
(Voltaire (1694 – 1778) – Nhà văn, nhà triết học Pháp).

Thưa các quý vị độc giả và các bạn!

Không phải suy đoán, không phải ngờ vực, rằng khi Nguyễn Văn Vĩnh tròn 20 tuổi, ông đã say mê đọc, đọc đến mức mà sau này, Vũ Bằng (1913-1984) một “đệ tử” của ông đã phải khẳng định trong cuốn sách mang tính hồi ký của mình có tựa đề “40 năm nói láo” rằng, “Nguyễn Văn Vĩnh đọc tất cả những gì rơi vào tay mình!”. Tất nhiên, vào cái thời đó, Nguyễn Văn Vĩnh đọc bằng tiếng Pháp.

Với bản chất say mê văn hóa, đề cao vai trò của kiến thức, hai nhân tố đó chỉ có thể trở thành hiện thực bằng việc đọc và học. Nhưng ngày ấy, đồng bào của ông đọc bằng chữ gì? Sách ở đâu? Và báo là cái gì? Hán văn và Pháp văn chỉ nhằm phục vụ cho một nhóm người ít ỏi trên con đường kiếm kế sinh nhai, và đi tìm danh, lợi, còn người dân…?

Nguyễn Văn Vĩnh luôn khẳng định: “Dân An Nam nghèo và khổ, không phải vì ngu và lười, mà vì không được học hành, không có kiến thức”. Xót sa như thế, giận dữ như thế, nên Nguyễn Văn Vĩnh đã sống mái với đời để làm những điều quá khó vào cái thời hồng hoang ấy, khó như ngài Delmas, Chủ tịch Hội Nhân quyền Hà Nội, đã nhắc đến trong bài điếu, đọc ở lễ tang tiễn biệt Nguyễn Văn Vĩnh được tổ chức ở Hà Nội ngày 8/5/1936 như thế này:

“Dịch những tác phẩm của Victor Hugo, của Alexandre Dumas, của Lafontaine ra một tiếng nước ngoài đã là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Và khi mà thứ tiếng đó lại là tiếng An Nam, là chữ Quốc ngữ, một thứ tiếng độc âm, một thứ chữ viết mới được sáng tạo ra chỉ để trao đổi những ý nghĩ đơn sơ nhất, điều đó tưởng như một phương thức không thể nào thực hiện được. Nguyễn Văn Vĩnh đã làm được điều kỳ diệu đó. Nhưng trước tiên, ông đã phải xây dựng nên một thứ ngôn ngữ viết, thay thế cho chữ Nôm cổ xưa, được coi như một loại chữ viết của dân tộc thiểu số Trung Hoa. Từ một thứ chữ viết chưa thành hình nó bó buộc ông, ông đã thực là một người thợ kim hoàn kiên nhẫn, và đã mài rũa để nó trở nên bóng bẩy, long lanh, phản ánh được mọi thứ màu sắc tinh túy nhất của ánh sáng mặt Trời”.

Nguyễn Văn Vĩnh đã làm nhiều bước một cách có tính hoạch định, để phục vụ cho mục đích khai dân trí. Việc ông cùng với các đồng môn của mình, xin lập HỘI DỊCH SÁCH năm 1907 tại Hà Nội, rõ ràng là một sự kiện đầy dấu ấn trên con đường mở mang trí tuệ cho đồng bào An Nam. Tuy nhiên, các nhân sĩ hôm nay không mấy ai quan tâm đến….

BBT chúng tôi xin gửi đến các quý vị và các bạn độc giả, một trong bốn bài viết liên quan đến sự kiện này cách đây tròn 110 năm về trước. Các bài viết khác cũng trong dòng chảy này, chúng tôi sẽ đưa vào cuốn sách thứ ba của Nguyễn Văn Vĩnh, và sẽ được giới thiệu bằng bài viết riêng.

Trân trọng!

BBT Tannamtu.com
NGUYỄN LÂN BÌNH
----------------------------------------------

HỘI DỊCH SÁCH BẮC – KỲ
 

(Đăng Cổ Tùng Báo, ra ngày 25/7/1907)

Việc này không phải nói lôi-thôi nữa, ai là người có trí cũng biết cả là việc hay, vậy bản-báo cũng không phải kể những cái nhẽ hay ấy nữa.

Và cái việc: người An-nam nên lấy chữ Quốc-ngữ làm quốc văn, thì độ này Nhật-báo và diễn-thuyết ai cũng đã bàn cả.

Nay có mấy ông định lập ra, thì chắc thế nào các Quí-khách ai nghe thấy cũng sẽ vào dúp các ông ấy.

Chúng tôi dám quyết trước rằng: cái số những ông sáng lập ra Hội này, đến đời sau sẽ coi như một cái bia các ông khai sự học mới ở nước ta.

Vậy bản-báo vào cái tờ đạt sau này, xin các Quí-khách mỗi ông đem tâm vào dúp hộ Hội dịch sách.

* * *
Hà-nội, ngày 15 tháng sáu năm đinh-mùi.

Kính trình ngài,

Chúng tôi có định lập ra ở Bắc-kỳ một hội, để dịch ra tiếng bản-quốc các sách hay của Đại pháp và của nước Tầu.

Chúng tôi dám phiền đến Ngài, là chắc đã biết Ngài cũng tin như chúng tôi rằng: sự dịch sách có ích lợi cho dân ta lắm, cho nên ở tờ đạt này, cũng không phải kể hết các nhẽ nữa, (vả những nhẽ ấy, đến hôm hội-đồng xin giảng giải để các quan đều nghe cả), chắc thế nào Ngài cũng vào dúp chúng tôi một chân, nhưng xin nhờ Ngài giảng dụ điều hay ấy, cho các ông thân-thuộc cùng bạn hữu ngài cũng biết, thì sự này mới nên việc nhớn được.

.
 
Bộ truyện ngụ ngôn của Lafontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch năm 1907, 
sau được đưa vào Tủ sách Âu Tây Tư Tưởng thành lập năm 1926.

Các quan lớn thì chúng tôi cũng mong ở như lòng ái-quốc thương-dân của các quan lắm. Chắc rằng thế nào các quan cũng dùm dúp cho, mà vào hội chúng tôi, hoặc để quản-trị hội, hoặc để dục lòng kẻ khác.

Chúng tôi xin trình trước với các quan rằng: hội này chúng tôi mở ra là thực hợp ý Nhà-nước, vì Nhà-nước bây giờ cũng hết lòng sửa đổi sự học. Chớ hội chúng tôi không có ý gì ngạo phép, xin các quan đừng ngại.

Các quan cai-trị dân, một tiếng nói bằng trăm nhẽ bàn của chúng tôi, nếu các quan dúp cho thành công quả này, thì cái phúc để lại muôn năm, đời sau dân nước Nam có được nhiều sách mà học, mỗi ngày tư tưởng một giộng ra, làm ăn buôn bán mỗi ngày một khôn khéo ra, cũng sẽ nhớ đến rằng: vì có các quan dúp vào bây giờ.

Sự dịch sách dẫu chẳng trước thì sau cũng sẽ có. Các quan bây giờ đứng lên sáng lập ra, chẳng hơn là, để mai sau con cháu lại trách các quan đời này không vội làm sự hay, dư!

Các điều-lệ hội, thì chúng tôi đã thảo rồi, xin đến ngày 4 aou^t 1907 là ngày chủ-nhật, 26 tháng sáu ta, đúng hai giờ chiều, mời các ngài lại họp ở hội Trí-tri, phố hàng Quạt số 59 ở Hà-nội, chúng tôi sẽ xin trình các ngài để các ngài sửa lại. Nay hãy xin kể qua mấy điều cốt nhất, để các quan xét.

Hội-viên thì phân ra làm ba hạng:

Một hạng gọi là biên-tập-hội-viên, đóng đồng-niên một đồng, nhưng phải tình-nguyện với hội, mỗi tháng dịch ra bao nhiêu trang giấy, tháng nào cũng phải có;

Một hạng gọi là chợ-dịch-hội-viên, đóng đồng-niên 3 đồng, thì thỉnh thoảng lúc nào dảnh, hoặc lúc nào có việc gì hay, phải dúp vào một việc, nhưng mỗi năm ít ra cũng phải dúp một lần;

Một hạng gọi là Tán-thành-hội-viên, đóng năm đồng, thì muốn sẵn lòng dúp lúc nào cũng được, không thì thôi.

Mỗi tháng các Hội-viên hạng-nhất làm được bao nhiêu việc, sẽ in ra một tập để gửi cho cả các Hội-viên ba hạng cùng xem.

Những ông coi việc dịch thì tùy ý mình mà trọn, hoặc dịch sách Pháp, hoặc dịch sách Tầu, đã trọn rồi thì cứ mỗi tháng phải đủ phần việc, trừ ra khi nào có sự ngăn chở quá thì phải có giấy trình Hội-đồng.

.
 
Những tác phẩm kinh điển của văn học Pháp, lần đầu tiên đến với công chúng Việt Nam bằng các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh

Hội sẽ cử một ông, hoặc sẽ thuê một ông trưởng thư-ký, để thu bài mà in ra, rồi gửi đi cho các hội-viên cho đủ.

Sau này xin gửi ba cái sổ, để nhờ ngài biên dúp những tên các ông quen ngài mà muốn vào chân sáng-lập Hội-dịch-sách.

Ông nào muốn vào hạng nào xin ông ấy ký vào trương ấy, rồi nhờ ngài gửi cả về trước ngày 26 tháng ta này cho M. Vĩnh, 39, rue des Pavillons-noirs (phố Mã Mây hiện nay. B/t), hãy tạm nhận để trình Hội-đồng.

Đến hôm ấy, hễ ông nào thong thả thì xin quá bước lại chỗ hội-đồng, để dúp bàn thể-lệ và cử mấyông hãy tạm thay mặt Hội để xin phép và ký sổ điều-lệ.

Việc này là việc hay cho nước ta, xin ngài khẩn khoản cho, mà ngài có bận việc quá, xin nhờ ngài giao hộ cho ông khác có thể dúp được chúng tôi thì xin đa-tạ quá.

Nay kính trình,

MM Đỗ-văn-Tâm, Hiệp-biện-đại-học-sĩ;
Trần-văn-Thông, Đốc-học tràng hậu-bổ;
Lương-văn-Can, Giáo-trưởng Đông-kinh-nghĩa-thục;
Nguyễn-Liên, Tham-biện, chủ hội Trí-tri;
Đỗ-Thận, Hội-viên thành-phố Hà-nội;
Bùi-đình-Tá, Giáo-trưởng tràng Thái-hà;
Đào-văn-Sử, Giáo-trưởng tràng hội Trí-tri;
Phạm-văn-Hữu, Giáo học tràng Sư-phạm;
Phạm-xuân-Tuyết, Thông-phán tòa Đốc-lý Hà-nội;
Hàn-thái-Dương, Chủ bút Đại-việt-tân-báo;
Nguyễn-văn-Vĩnh, Chủ bút Đại-nam-đăng-cổ-tùng-báo.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mao chết, Giang tù

Tân Tử Lăng



Chương 39


0 giờ 10 phút ngày 9-9-1976, Mao Trạch Đông qua đời.
 
Tang lễ được tổ chức siêu trọng thể. Trong 7 ngày quốc tang, 30 vạn quần chúng đến viếng. Ngày 18-9, một triệu người dự lễ truy điệu trên quảng trường Thiên An Môn.
 
Tình cảm của đông đảo quần chúng dự lễ tang thật phức tạp. Một số người vẫn rất mê tín Mao, cảnh họ chùi nước mắt là chân thành. Đại đa số kính sợ hơn mến yêu, song kính sợ không phải để chúc phúc, mà để tránh tai hoạ. Lớp thanh niên học sinh, những tiểu tướng Hồng vệ binh sùng bái Mao nhất trong thời kỳ đầu Đại cách mạng văn hoá từng lục soát đánh đấm từ Nam lên Bắc, đập phá, giết chóc từ Đông sang Tây, giúp Mao đánh đổ hàng loạt kẻ thù chính trị, được hứa hẹn làm người kế tục cách mạng, cuối cùng bị đưa về vùng núi và nông thôn đề bần nông và trung nông dưới “giáo dục lại”. Những thanh niên này lòng đầy phẫn uất bị lợi dụng, bị lừa bịp, sự kiện Thiên An Môn 5-4 chứng minh họ đã thức tỉnh. Lễ truy điệu kết thúc, trên đường về, phần lớn mọi người cảm thấy lòng nhẹ nhõm, như vừa tham gia diễu hành mừng quốc khánh, khác hắn tình cảm lúc Chu Ân Lai từ trần.
 
Đông đảo cán bộ trung cao cấp theo Mao cả đời bắt đầu thức tỉnh. Đổng Thiết Thành, Chính uỷ một đơn vị thuộc Học viện quân sự, cấp bậc tương đương Quân đoàn trưởng, nói với người viết cuốn sách này:
- Các đồng chí trong Đảng mong Mao Chủ tịch đi sớm một chút, ông không chết, đất nước không có hy vọng. Nếu lũ bốn tên lên cầm quyền, chúng tôi sẵn sàng lên núi tiến hành chiến tranh du kích.
 
Một ông già ngoài 60 tuổi “ba đời bần nồng” ở huyện Hợp Giang nghe tin Mao chết đã bình thản nói: “Mao Trạch Đông lẽ ra phải chết từ lâu rồi”.
 
Sắp xếp chuyển giao quyền lực kiểu gia đình trị khiến Mao để lòi chiếc đuôi dài phong kiến, những lý luận của Mao như phòng, chống xét lại, ngăn chặn chủ nghĩa tư bản phục hồi, tiếp tục cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản… đều trở thành dối trá, bịp bợm. Những vòng hào quang sáng chói trên đầu Mao như mặt trời đỏ nhất, người mác xít vĩ đại nhất, đại cứu tinh của nhân dân, lãnh tụ vĩ đại bỗng trở nên ảm đạm. Ban lãnh đạo hùng mạnh với đội ngũ nhân tài kinh tế hình thành từ Đại hội 8 bỗng hỏng cả, các thành viên Bộ Chính trị và Ban bí thư đều biến thành xét lại trên 70% uý viên Trung ương bị đánh đổ. Chỉ có vợ và cháu Mao mới là nhà cách mạng vô sản đủ tư cách kế tục Mao. Đó là mục đích 10 năm Đại cách mạng văn hoá đấu đi đất lại cần đạt được. Sau khi thấy rõ tất cả, mọi người thất vọng, lắc đầu. Toàn đảng, toàn quân, toàn dân không thể chấp nhận kết cục đó.
 
Lễ truy điệu vừa kết thúc, cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt đã bắt đầu.
 
Về người kế tục, Mao để lại ba danh sách. Danh sách đầu tiên xác định rõ Giang Thanh là Chủ tịch Đảng. Hai danh sách sau, đưa Mao Viễn Tân lên vị trí số 1, Giang Thanh xuống vị trí số 3. Rốt cuộc ai đứng đầu? Nội bộ phe Giang Thanh tranh chấp. Việc này đòi hỏi Phó Chủ tịch thứ nhất Hoa Quốc Phong triệu tập Hội nghị Bộ chính trị xác định, Giang Thanh không thể lên ngôi Nữ hoàng ngay sau khi “Tiên vương” băng hà. Hoa Quốc Phong vẫn chủ trì công tác trung ương. Được phái nguyên lão đứng đầu là Diệp Kiếm Anh ủng hộ, tối 6-10-1976, Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng đứng ra bí mật bắt Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Mao Viễn Tân, triệt để đập tan âm mưu của Mao Trạch Đông phục hồi chủ nghĩa phong kiến, thực hiện gia đình trị. “Lũ bốn tên” bị bắt đánh dấu Đại cách mạng văn hoá hoàn toàn thất bại, cũng đánh dấu chấm dứt thời đại Mao Trạch Đông.
 
Hội nghị Trung ương 3 khoá 10 họp từ 16 đến 21-7-1977 ra nghị quyết tước đảng tịch và mọi chức vụ trong và ngoài đảng của Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên.
 
Ngày 17-3-1980, Ban Bí thư thảo luận vấn đề xét xử tập đoàn Lâm Bưu và tập đoàn Giang Thanh, xác định 16 tội phạm chủ yếu, trong đó 6 người đã chết (Lâm Bưu, Khang Sinh, Tạ Phú Trị, Diệp Quần, Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì) chỉ khởi tố, không xét xử. Mười tội phạm chủ yếu đưa ra xét xử là Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác, Giang Đằng Giao.
 
Hội nghị quyết định thành lập Ban chỉ đạo xét xử hai vụ án này, do Bành Chân làm Chủ nhiệm.
 
Cuối tháng 3-1980, trong cuộc họp Ban Bí thư, Bành Chân nêu vấn đề: Lâm Bưu, “lũ bốn tên” phạm tội và Đảng mắc sai lầm là hai việc tính chất hoàn toàn khác nhau, không thể xét xử sai lầm của Đảng. Như vậy có nghĩa là do nhu cầu chính trị, ngọn cờ Mao Trạch Đông không thể đổ, không thể bỏ, nhưng lại phải để hàng chục triệu người bị bức hại và nhân dân Trung Quốc trút bỏ được những oán hận suốt 10 năm trời, quét sạch uy tín của Mao, để từ nay nó không còn khả nàng cản trở công cuộc cải cách mở cứa và tác động đến đường lối, chính sách của Đảng nữa. Để đạt mục đích này, biện pháp hay nhất là xét xử Giang Thanh, để Giang nhận tội thay Mao. Ba giờ chiều 20-11-1980, tại số 7 đường Chính Nghĩa, Bắc Kinh, phiên toà đặc biệt Toà án nhân dân tối cao bắt đầu xét xử vụ án tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh. Trong 880 người ngồi trên ghế dự thính, có các bà Vương Quang Mỹ - phu nhân Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Phố An Tu - phu nhân Nguyên soái Bành Đức Hoài, Tiết Minh - phu nhân nguyên soái Hạ Long, Hách Trì Bình - phu nhân đại tướng La Thuỵ Khanh. Quyết định khởi tố dài hơn 2 vạn chữ do Chánh án và Phó Chánh án luân phiên đọc nêu lên 48 tội của hai tập đoàn Lâm Bưu, Giang Thanh. Sau đó, toà án tách ra, thẩm vấn riêng từng tập đoàn một.
 
Trong phiên thẩm vấn sáng 3-12, Giang Thanh nói ra một số việc khiến công chúng sửng sốt, trong đó quan trọng nhất là: “Tôi là con chó của Chủ tịch, Chủ tịch bảo cắn ai, tôi cắn người đó”. Giang còn nói:
- Việc gì các vị cũng đổ lên đầu tôi. Trời đất ơi, hình như tôi là người khổng lồ ba đầu sáu tay đã làm nên kỳ tích. Tôi chỉ là một người lãnh đạo của Đảng, tôi đứng về phía Mao Trạch Đông! Bắt tôi, xét xử tôi, là phỉ báng Chủ tịch Mao Trạch Đông!
 
Chỉ vài lời đó đã đập tan câu chuyện thần thoại về “chỉ có Hậu, Phi làm hại nước, còn Hoàng thượng vẫn anh minh”, nói rõ lịch sử chân thực của Đại cách mạng văn hoá.
 
Khi vạch tội Giang Thanh có dã tâm chống Đảng, cướp quyền, công kích Hoa Quốc Phong, người được chỉ định kế tục Mao, Giang Thanh lớn tiếng, thu hút sự chú ý về phía mình:
- Tôi muốn cho các vị biết một việc, câu “đồng chí làm việc tôi yên tâm” Mao Chủ tịch viết cho Hoa Quốc Phong tối hôm đó không phải là toàn bộ nội dung Mao viết cho Hoa, ít nhất còn thiếu 6 chữ “có vấn đề, hỏi Giang Thanh”.
 
Mấy câu trên của Giang khiến phiên toà đại loạn. Giang cười nhạt:
- Ta bất chấp phép nước, đạo trời ư?
 
Trong những hồi chuông dồn dập. Giang một lần nữa bị lôi ra khỏi phòng xử án, nhưng trên những hàng ghế dự thính, mọi người vỗ tay rầm rộ, đây là những lời khen chân tình, bởi Giang Thanh đã vạch ra một sự thật quan trọng nhất: Người kế tục mà Mao chỉ định là Giang, chứ không phải Hoa Quốc Phong: Hoa chỉ là viên cận thần có việc cần thỉnh thị Nữ hoàng.
 
Hoa làm việc Mao yên tâm, nhưng không phải Hoa muốn làm gì thì làm, mà phải thỉnh thị Giang, làm theo chỉ thị của Giang.
 
“Quyết định khởi tố” đưa ra bản “Kỷ yếu cuộc toạ đàm về công tác văn nghệ trong quân đội do đồng chí Lâm Bưu uỷ thác đồng chí Giang Thanh triệu tập” làm bằng chứng câu kết giữa Lâm Bưu và Giang Thanh, có vẻ như Mao hoàn toàn không biết việc này. Sự thật là Mao đã ba lần duyệt văn bản trên, tự tay sửa 11 chỗ, lại thêm 6 chữ “đồng chí Lâm Bưu uỷ thác cho thêm sức nặng.
 
“Quyết định khởi tố” vạch tội Giang Thanh câu kết với Khang Sinh hãm hại các uỷ viên Trung ương khoá 8. Thật ra đó là chủ trương của Mao, Giang Thanh chỉ là người chấp hành. Nói Giang đánh đổ 123 uỷ viên Trung ương trái với ý muốn của Mao, liệu có thể như thế được không?
 
Mao Trạch Đông những năm cuối đời tâm địa tối tăm, giả dối, xảo trá, vừa không từ bất cứ việc làm xấu xa lào, lại muốn để lại tiếng thơm muôn thuở. Các Hoàng đế phong kiến muốn truyền ngôi, cuộc đấu tranh phế lập thường dẫn đến xung đột đổ máu, nhưng nó chỉ giới hạn trong phạm vi cung đình, chẳng liên quan gì đến trăm họ. Để phế truất Lưu Thiếu Kỳ, lập Giang Thanh hoặc Mao Viễn Tân, Mao đã làm cho sự việc còn phức tạp hơn thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ông ta muốn thực hiện đế chế dưới danh nghĩa cách mạng, quả thật không nói ra được, mà nói ra cũng danh không chính, ngôn không thuận. Do đó, ông ta dùng hàng tràng lý luận cách mạng, “bố trí chiến lược vĩ đại” lần này đến lần khác, các phong trào chính trị triền miên, các âm mưu quỷ kế nối tiếp, giấu kín ý đồ thật sự của mình, làm cho toàn đảng, toàn quân, toàn dân xoay như chóng chóng chạy theo ông ta, để đạt mục đích đen tối của mình. Đến nay, chúng ta cần thực sự cầu thị thừa nhận hai tập đoàn chống đảng Lâm Bưu, Giang Thanh đều ra đời và phát triển trong lồng ấp của Mao, nhất là tập đoàn Giang, một bà nàng và mấy anh học trò, không có Mao Trạch Đông đứng sau nâng đỡ làm sao có khả năng phá hoại toàn đảng, gây rối loạn trong cả nước? Trước công đường, Giang Thanh nói:
- Các vị nói tập đoàn Lâm Bưu, Giang Thanh là không đúng. Lâm Bưu là một tập đoàn do Lâm Bưu đứng đầu. Trần Bá Đạt, tôi Khang Sinh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn là một tập đoàn; đứng đầu tập đoàn này không phải tôi, mà là Mao Chủ tịch.
 
Ngồi trên đỉnh kim tự tháp tác oai tác quái, bức hại cán bộ lãnh đạo các cấp, lừa bịp toàn đảng, toàn quân, toàn dân, không chỉ là tứ nhân bang” (lũ bốn tên), mà là “ngũ nhân bang”, do Mao Trạch Đông làm bang chủ.
 
Qua 2 tháng 5 ngày thẩm lý, ngày 25-1-1981, Toà án tối cao Trung Quốc tuyên án: Giang Thanh và Trương Xuân Kiều tử hình, hoãn chấp hành án 2 năm, tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời, Vương Hồng Văn tù chung thân, tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời, 7 người khác bị kết án từ 16 đến 20 năm tù, tước đoạt quyền lợi chính trị từ 5 đến 6 năm. Từ đó, Giang bắt đầu cuộc sống ngục tù dài dằng dặc.
 
Buồng giam Giang Thanh trong nhà tù Tần Thành chính là nơi từng giam giữ Bành Chân. Sắp đến hạn thi hành án, Giang được giảm án xuống tù chung thân. Tháng 11-1989, lãnh đạo Trung Quốc cho phép Giang hưởng chế độ giam lỏng. Văn phòng Trung ương tìm cho bà ta một ngôi nhà nhỏ 2 tầng ở gần Tửu Tiên Kiều, có một hộ lý ở cùng.
 
Ngày 13-5-1991, Giang Thanh viết lên trang đầu tờ “Nhân dân nhật báo”: “Một ngày đáng kỷ niệm trong lịch sử” Trước đó 25 năm, ngày 13-5-1966, theo đề nghị của Mao, Giang được cử làm người lãnh đạo Tổ cách mạng văn hoá Trung ương, đầy uy lực bước lên vũ đài lịch sử, quyền thế, vinh hiển, hưởng thụ, phong quang vô hạn. Nay bị bắt đã 15 năm, sức khỏe ngày càng giảm, những người ủng hộ trước đây không có chút tin vui nào, bản thân cũng chưa thảy dấu hiệu nào có thể trở lại vũ đài chính trị. Sự khác biệt giữa xưa và nay khiến Giang tức giận, đau thương, tuyệt vọng. 3 giờ 30 phút sáng 14-5, hộ lý phát hiện Giang Thanh đã treo cổ tự sát trong nhà tắm. Buổi chiều, con gái Giang là Lý Nạp đến bệnh viện ký nhận giấy tử vong, và đồng ý không có bất cứ hình thức tang lễ nào. Không một người thân nào của Mao hoặc Giang có mặt khi thi thể Giang được hoả táng 3 ngày sau đó.
 
Ba năm Đại tiến vọt, cả nước có 37,55 triệu người chết đói tồn thất khoảng 120 tỉ NDT. Mười năm Đại cách mạng văn hoá, theo Diệp Kiếm Anh tiết lộ tại lễ bế mạc Hội nghị công tác Trung ương ngày 13-12-1978, có 20 triệu người chết, 100 triệu người bị đấu tố, lãng phí 800 tỉ NDT.
 
Cộng thêm thu nhập quốc dân tổn thất 500 tỉ NDT (báo cáo của Lý Tiên Niệm tại Hội nghị kế hoạch toàn quốc 20-12-1977), thì lãng phí, và giảm thu tới 1.300 tỉ NDT. Từ khi thành lập nước Trung Hoa mới năm 1949 đến khi Mao qua đời năm 1976, không có nội chiến, không có thiên tai nghiêm trọng, mà số người chết không bình thường lên tới trên 57,55 triệu, thiệt hại kinh tế 1.420 tỉ NDT, gấp hơn hai lần tổng kim ngạch đầu tư xây dựng cơ bản trong 30 năm.
 
Theo tờ “Kính báo” Hồng Công, mùa xuân 1992, một cơ quan tuyên truyền ở Bắc Kinh đã tổ chức thăm dò dư luận về 10 nhà lãnh đạo đáng kính nhất ở Trung Quốc, theo phương thức bỏ phiếu.
 
Kết quả như sau:
1. Chu Ân Lai 100% số phiếu bầu
2. Đặng Tiểu Bình 97%
3. Đặng Dĩnh Siêu 90%
4. Lưu Thiếu Kỳ 88%
5. Chu Đức 84%
6. Vạn Lý 83%
7. Hồ Diệu Bang 80%
8. Dương Thượng Côn 78%
9. Giang Trạch Dân 76%.
10. Bành Chân 72%
 
Còn Mao Trạch Đông được bao nhiêu? Không đến 2% (hai phần trăm). Nhân dân đã thức tỉnh. Việc tiếp tục treo ảnh Mao trên Thiên An Môn, tiếp tục để thi hài Mao ở Nhà kỷ niệm là lạc hậu so vai quần chúng rồi, cần xứ lý thoả đáng để đất nước ta triệt để thoát khỏi bóng đen Mao Trạch Đông.
 
Cuộc thăm dò dư luận này có một điểm đáng chú ý: quần chúng nhân dân không lẫn lộn giữa Đảng cộng sản và Mao Trạch Đông, không vì uy tín của Mao tụt mạnh mà lung lay niềm tin vào Đảng cộng sản. Mười nhà lãnh đạo đáng kính nhất được lựa chọn đều là đảng viên cộng sản. Điều đó nói với chúng ta một chân lý: chớ gửi gắm tính hợp pháp của Đảng cộng sản cầm quyền vào việc bảo vệ những sai lầm của Mao; sửa đổi những sai lầm của Mao, Đảng cộng sản mới có tính hợp pháp cầm quyền, sửa đổi càng nhiều, tính hợp pháp càng lớn, sửa đổi toàn bộ, trở lại Chủ nghĩa dân chủ mới, đi con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ, là có tính hợp pháp hoàn toàn.
hết: Chương 39 , xem tiếp: Lời kết 1

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THƯƠNG NHỚ MỘT NGƯỜI VỪA RA ĐI


Nhà báo Đinh Hữu Dư (TTX Việt Nam). 

Hy vọng những kẻ phá rừng sẽ biết chùn tay
một chút khi nghĩ về em

Lê Quốc Minh

Sáng nay về Ninh Bình chia tay một đồng nghiệp trẻ. Em ra đi ở tuổi 29. Dọc lối vào nhà em xếp đầy những vòng hoa trắng. Và mỗi câu chuyện về em khiến tôi không cầm được nước mắt.

Con ngõ nhỏ trên đường Xuân Thành giống như mọi con ngõ ở các thị trấn, thành phố thời nay với những căn nhà 2-3 tầng khang trang. Nhưng lọt trong khung cảnh đó là một căn nhà cao không quá đầu người, nay đã mọc rêu xanh. Một người bạn của em dẫn tôi ra tận nơi, kể rằng nơi đây em đã sinh sống tới tận cuối phổ thông, chẳng một bóng điện, trước khi người ta làm đường khiến cái-gọi-là-căn-nhà tụt sâu xuống dưới.

Em ở với bà nội từ bé, ngày ngày bà đi bán bánh cuốn, cũng chỉ được vài chục ngàn, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Do hoàn cảnh riêng, bố mẹ em chuyển lên vùng kinh tế mới Nho Quan cách đó cả tiếng rưỡi giờ xe chạy, nơi cũng chẳng có đường, cũng chẳng có điện. Dường như chừng ấy chưa đủ chất lên mình chàng trai nỗi thống khổ, số phận run rủi đẩy người em gái vào tai nạn và chồng bỏ đi, bà và em lại chăm thêm hai đứa cháu còn thơ.

Vậy mà cái nơi lụp xụp thiếu thốn trăm bề ấy đã sản sinh ra một chàng phóng viên kiên nghị. Hoàn cảnh nghèo nàn hiếm thấy trong thế kỷ 21 vẫn không cản được em hoàn thành bằng đại học và tiếp ngay sau đó là bằng thạc sỹ báo chí. Mọi người kể lại rằng bán căn nhà ọp ẹp không đủ tiền, bố mẹ em đã phải vay nợ thêm để em có tiền đi học, người anh họ cũng giúp em thêm kinh phí mua một số đồ dùng thiết bị phục vụ cho những năm đèn sách.

Chuyện em đi thử việc và nỗ lực thi vào nhiều cơ quan báo chí thì mọi người biết cả rồi, từ báo Nhân Dân, VTV cho đến khi em tìm được bến đậu là Thông tấn xã Việt Nam với điểm thi tuyển gần cao nhất, nơi mà em tâm sự cùng bạn bè rằng thực sự phù hợp với mình. Chuyện em được cử lên cơ quan thường trú Yên Bái, lăn xả suốt một năm trời với bao bài viết, tấm hình, thước phim về cuộc sống, thể hiện khả năng của một nhà báo đa tài đa nhiệm thì mọi người đều đã rõ. Tỉnh đánh giá nỗ lực của em trong đợt đưa tin bão lũ ở Mù Cang Chải hồi tháng 8 mới đây, tặng em bằng khen mà còn chưa kịp trao thì em đã ra đi.

Đồng nghiệp cùng khóa vào TTXVN bảo em là người “4 không” – không rượu bia, không thuốc lá, không cờ bạc, và không ăn sáng. Em thường cười rằng không ăn sáng là thói quen từ đại học, nhưng chúng bạn đều biết em tiết kiệm từng đồng gửi về cho bà và chăm cháu. Chúng nó cũng biết em thường xuyên phải ăn mì gói cả tuần, nhưng ngoài lý do phụng dưỡng người thân thì em còn muốn tiết kiệm tiền mua sách cho bọn trẻ ở Mù Cang Chải. Hôm qua mở cửa phòng em ở cơ quan thường trú Yên Bái, thấy trong đó phải có cả tạ sách mà em tích cóp được mỗi khi về Hà Nội.

Em cũng không phải người hay kêu khổ hay kể công. Hầu như không ai biết được hoàn cảnh quá thương tâm của em hay hiểu rõ cái dự định lập tủ sách cho trẻ nhỏ. Đến hôm nay, biết được thì đã muộn rồi.

Tin em bị lũ cuốn cùng vài người khác trên cầu Ngòi Thia như sét đánh. Cơ quan nhận thêm cú sốc lớn chỉ vài ngày sau khi một cựu nhà báo kiệt xuất của TTXVN qua đời. Suốt mấy ngày, đồng nghiệp cả trong và ngoài cơ quan cầu nguyện mong em trở về, gần 600 cán bộ chiến sỹ ở Yên Bái lập 7 chốt chặn dọc sông tìm em cùng những nạn nhân xấu số mà không hiệu quả. Sau hơn 50 giờ, em được phát hiện cách nơi bị nạn tới gần 100km.

Có lần em tâm sự với bạn bè trong cơ quan, rằng chỉ cần trả hết nợ là em sẽ về quê. Theo những người bạn bè thân thiết, vừa mới đây, em còn hân hoan kể đã trả nốt món nợ của bố mẹ, cũng trả lại khoản “đầu tư” của người anh họ thuở nào. Hóa ra em về quê thật, nhưng không ai tin được em lại nằm xuống quá sớm và quá nghiệt ngã thế này. Em đã trả hết nợ người, hết nợ đời, đã an yên nơi quê nhà, bên cạnh bà nội, người đã nuôi em từ tấm bé. Nhưng em để lại trong chúng tôi một nỗi niềm day dứt khôn khuôi về số phận một con người, em cũng cho chúng tôi thấy một tấm gương đầy ngưỡng mộ.

Chia tay em, hàng trăm người khóc, từ già đến trẻ, từ lãnh đạo cao cấp đến nhân viên, từ người quen thân em đến những người lần đầu biết tên. Tôi thấy cả những đồng nghiệp vừa gạt nước mắt vừa bấm máy. Ai cũng thương cậu phóng viên tài năng, dễ mến, tốt bụng, mà đoản mệnh. Em mới làm việc cho TTXVN hơn một năm, nhưng thời gian ít ỏi ấy đã kịp để lại một dấu ấn vô cùng lớn trong lớp nhà báo trẻ của cơ quan, và cả những người như chúng tôi.

Lần đầu tiên đi dự một đám hiếu, nước mắt tôi cứ lã chã rơi từ đầu đến cuối.

Vì em đấy, Dư ơi…

Phần nhận xét hiển thị trên trang