Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Nhận thức chính là khởi đầu của hy vọng



 Chấp nhận cuộc sống là một triết lý thường đến với con người trong những giai đoạn lịch sử rối ren, khi cá nhân bắt đầu trưởng thành và nhận ra rằng cuộc sống không như mong muốn. 
     Chủ đề này thường được nhiều nhà văn ở nước Nga xô viết khai thác. 
Thiên truyện dưới đây, viết khoảng những năm 70 của thế kỷ XX,  tức là khi mà xã hội  xô viết trải qua một giai đoạn khó khăn, cái lạc quan có thể cải tạo chế độ -- cái lạc quan sau biến động năm 1956 – dần dần phai nhạt.
Trong khi những người bình thường còn hy vọng ở những sự cải tổ được khởi động chậm chạp vào những năm 80, thì một số đầu óc xuất sắc đã biết rằng  rồi cuối cùng thể chế mà họ xây dựng sẽ không thể thoát khỏi  quy luật chung của mọi xã hội, nghĩa là sẽ bị đào thải. 
Chưa thể hiểu quy mô những đổ vỡ tan nát sẽ tới, tuy  nhiên  họ đã hiểu ra cả một khái quát   --  nói như nhân vật chính --  “cuộc đời – đó là sự mai một dần dà của những điều choáng ngợp”.
Và họ tự nhủ dẫu sao chúng ta vẫn phải sống khi khi nhận ra cái giả dối đã và sẽ còn ngự trị dài dài trên thế gian. 
Ý nghĩa của cuộc sống mỗi cá nhân lúc này là tìm cách cảm nhận hết  cái quy mô của xu thế giả dối  đó và lấy việc nhận thức ra nó làm sự khởi đầu cho hy vọng. 
Trong những phút bi quan nhất, họ vẫn không  chịu rơi vào phá phách cuồng bạo – kể cả đi vào tàn phá chính mình - như thường thấy ở những con người thấp kém.
Đặt bên cạnh cái lạc quan trong sáng  thường thấy ở văn phẩm nhiều cây bút chính thống, các tác phẩm của các nhà văn ngược dòng thường mang nặng những lo âu và dự cảm  bi đát. Giọng văn Juri Trifonov (1925-1981) - được coi là người chịu ảnh hưởng rõ rệt của F. Dostoievski  -- với những câu rất dài, nặng nề trầm đục,  hơi khó theo dõi, nhưng chính vì vậy, nó mới chuyển tải hết cái ám ảnh của chủ đề tác giả cùng ta hướng tới. Đương thời, Trifonov đã  được bạn đọc phương Tây chào đón như một nhà văn cổ điển, sách của ông như tiểu thuyết Ông già các tập truyện vừa Trao đổi, Tính sổ sơ bộ, Cuộc chia ly kéo dài, Cuộc đời khác, Nhà bên bờ sông..., được nhiều nhà xuất bản  Anh Pháp Mỹ, trong đó có nhà Gallimard ở Paris cho dịch. Tôi đã từng nhắc tới ông trong một bàì viết về  Nguyễn Khải khi so sánh hai trường hợp: nhà văn Việt Nam vừa muốn đổi mới, vừa muốn giữ nguyên mọi tác phẩm thời trẻ của mình, còn nhà văn xô viết thì khi đã trưởng thành,  nhất quyết từ bỏ tác phẩm Những sinh viên từng được giải thưởng Stalin năm mới 25 tuổi( xem bài Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2008/08/mt-cch-ngh-khc-v-nguyn-khi.html). 
Lần này xin giới thiệu với các bạn một truyện ngắn của Trifonov từng dịch ra tiếng Việt và in ở báo Văn nghệ Hà Nội khoảng 1985 , bản dịch là của bạn Đăng Bảy, hồi đó là biên tập viên phần văn học nước ngoài của báo.
                           
MÈO HAY LÀ THỎ?
Tôi đến thành phố này, sau mười tám năm, kể từ dạo đến đây lần đầu tiên. Khi đó tôi ba mươi nhăm tuổi, tôi chạy, nhảy, chơi cầu lông, hút thuốc một cách say sưa, có thể làm việc nhiều đêm liền. Bây giờ tôi đã năm mươi ba, chẳng còn chạy, nhảy, chẳng chơi cầu lông, không hút thuốc và không làm việc ban đêm được nữa. Hồi đó tôi đến Rome với một nhóm các nhà du lịch, giờ tôi ở đây một mình. Hồi đó,  chung quanh là bạn bè, giờ đây, chung quanh là những người Italia ít quen biết, họ bận bịu những công việc của mình, và tôi hiểu họ. Tiện đây cũng xin kể thêm rằng họ khá là tắc trách, quen chậm trễ hàng nửa giờ, có khi cả giờ. Tôi chờ ở tiền sảnh của khách sạn. Họ là những người đáng yêu. Tôi đã quen với sự trễ hẹn của họ. Họ không thể tự làm lại mình được. Ở đây Roma, nghìn năm trộn lẫn với nhau, những thời đại ăn chung ở  lộn với nhau, và khó mà xác định thời gian một cách chuẩn xác. Ở đây không cần thời gian. Bởi vì đó là Thành Phố Vĩnh Cửu, và đối với vĩnh cửu thì sự chậm trễ nào có nghĩa lý gì. Anh sống trong ngôi nhà của thế kỷ XIX, chân bước theo cầu thang của thế kỷ XVIII, ra với đường phố của thế kỷ XV, và ngồi vào xe hơi của thế kỷ XXI. Tôi đã nghiên cứu tất cả các họa báo bày la liệt trên bàn tròn tiền sảnh khách sạn “St. Rapheal” mà mặt trước của nó chìm ngập vào một dòng thác bằng nho dại hoặc có thể là vạn niên thanh vàng xám sột soạt trong gió. Nếu không thì đó cũng là một loại dây leo gì đó, xác xơ sau một mùa hè nóng bỏng.
Vốn là thế này: hồi đó tôi vốn nghèo khó, tằn tiện, tôi đi bộ khắp phố vì tiếc rẻ vài lia mua vé xe buýt, chiều chiều mệt đến rã chân ra, rồi sáng sau lại bật dậy, sảng khoái như một cậu bé, nhìn tất cả những tủ kính hiệu sách với nỗi bứt rứt, còn giờ tôi có thể mua bất kỳ một cuốn sách nào, đi bộ tôi thấy buồn tẻ và nhọc nhằn, ngoài ra tôi luôn luôn vội đi đâu đó và sẵn sàng lên xe tắc – xi. Hồi đó tôi sống ở “Cairô”, vốn là một nhà chứa, và những ả ở đây đã bị di khỏi những căn phòng chật hẹp trong thời gian Thế Vận hội, và họ đưa chúng tôi, khách du lịch đến ở cho khỏi xa nhà ga gần chợ và rạp chiếu bóng “Lux”; chúng tôi trèo bộ lên tầng năm; bây giờ tôi sống ở “ St. Raphael”, cạnh quảng trường Navôn, và nơi đó hoàn toàn không giống với cái nhà trọ “Cairô”. Hồi đó, mọi thứ đều làm chúng tôi choáng ngợp, tôi nhận xét, ghi nhớ tất thảy, tôi khắc khoải bởi ước muốn viết được một cái gì đầy trữ tình về những chuyện đó, bây giờ thì chẳng có gì choáng ngợp nữa và cũng không muốn viết cho lắm. Ở đây có nhiều nguyên nhân. Tôi sẽ không đi lan man về chúng. Chỉ nói một điều: cuộc đời – đó là sự mai một dần dà của những điều choáng ngợp.
Ngày chủ nhật, một trong những người Italia ít quen biết đã đến, cố chậm chỉ có bốn mươi phút, một người dễ thương có tên là Gieni, và anh ta đề xướng đi đâu đó ra ngoài thành phố. Ví dụ, đi Giesano. Tôi cười, thành phố Giesano là nơi duy nhất ở vùng ngoại vi Roma mà tôi đã từng đến mười tám năm về trước. Tôi đã viết một truyện ngắn về Giesano. Không thể chọn chỗ khác được ư? Nhưng Gieni ngần ngại, rõ ràng là không muốn đi nơi khác, chỉ lát sau mới vỡ lẽ là anh ta nhất thiết phải về nhà. Chúng tôi lên đường. Dọc đường, tôi nhớ ra, thành phố nhỏ bé đó sống bằng nghề trồng hoa. Ở đó thường diễn ra những dạ hội hóa trang và có thi pháo hoa. Hồi đó, trong đám bạn bè dễ choáng ngợp và dở say dở tỉnh, tôi ngồi trong quán ăn đặc sản Pistamentuchia, uốngkianti, chén món thỏ rán (đó là một quán thịt thú đặc sản, thỏ ở đây là thỏ rừng hẳn hoi và tất cả cách bày biện bên trong đều nhấn mạnh đặc điểm đó: sừng hươu, những con thú nhồi, những súng săn treo khắp tường), hát những bài hát, lắc lư trên ghế và ôm những người bên cạnh. Sau đó chủ quán tặng chúng tôi những bức ảnh quán ăn của mình với những người bồi bàn và đầu bếp đội mũ đứng thành hàng trước cửa, chủ quán Pistamentuchia ria rậm đích thân đứng giữa đám bồi bàn, sau đó chúng tôi ra ngồi bên dãy bàn ngoài quảng trường, chếnh choáng hơi men, khí trời dạo đó ấm áp và nồng nực khác thường, trộn lẫn mùi hoa và mùi thuốc súng, các nhà kỹ thuật làm pháo hoa đua nhau trổ tài, trên trời có cái gì đó xoáy tít và lấp lóe, sau đó người ta dẫn đến chỗ chúng tôi một người tên là Russôo, đã từng ở hai năm trong trại tù binh của ta, có bộ mặt trơn bóng, anh ta lấy tay làm bộ như cưa củi và nói “Giất tốt”. Có dạo tôi đã viết về tất cả những việc đó theo phong cách một loại văn trữ tình đang thành mốt của những năm sáu mươi. Truyện ngắn có tên là Hồi tưởng về Giêsanô. Và đó là bài ký mang chất hồi tưởng quả thật là quý nhất và khá nhất của tôi về chuyến đi đó. Nó có một cái gì đó phóng túng, trẻ trung, cởi mở, đậm tình người, và chất men! Tôi không thể giải thích hết đêm quảng trường ở Giênsanô đối với tôi là thế nào. Và quán ăn đặc sản Pistamentuchia nữa. Nhưng tất cả những cái đó lưu lại trong tôi như âm nhạc của những năm ấy, với tất cả những niềm vui, hy vọng, dự cảm của nó. Và bây giờ, thành Roma ngày chủ nhật trống trải. Tibrơ héo úa vàng hươm trên đá, Giêni về nhà với những công việc của mình, vậy thì tôi bám lấy anh ta để làm gì khi đã hiểu rằng chuyện đó là vô tích sự, rằng không có thể có sự lặp lại. Âm nhạc đã tắt lặng. Có hai người trong đám cùng chơi với tôi ở Giesano  đã chết, hai người khác thì đang ở cách tôi rất xa.
Thành phố không thay đổi gì sau mười tám năm. Đó cũng là một Thành Phố Vĩnh Cửu nho nhỏ. Ngoài hè khách sạn, nơi bầu không khí run rẩy bởi nóng bức, nơi ngả bóng những cây ngô đồng tây, có vô số những đứa trẻ chạy quanh những chiếc bàn, trên những phiến đá xếp trong các góc, nơi mát mẻ hơn, có những con chó thiểu não đang ngủ, chúng đại loại như những con chó mà họa sĩ Kaspatchiô thích vẽ và đã vô tình nhét cả vào những bức tranh đồ sộ khó hiểu của mình; tôi hỏi Gieni xem quán ăn đặc sản Pistamentuchia có còn không. Hỏi để làm gì, tôi không biết nữa. Thật ra quán ăn đó đâu có hấp dẫn gì tôi. Nó chỉ vừa vặn là một kỷ niệm. Tôi không hề định đi tìm nó. Gieni đáp quán ăn vẫn còn nhưng bây giờ đã có chủ khác. Hai năm trước ông chủ quán cũ gặp những chuyện phiền phức khá lớn. Ông ta bị ra tòa. Họ đã tố giác ông về chuyện treo đầu thỏ bán thịt mèo.
Suýt nữa tôi đã kêu lên: “Món ăn ở đấy rất ngon! Tôi nhớ chứ!”. Tôi lại muốn hô to: “Thế còn truyện ngắn Hồi tưởng về Giesanô thì sao? Nghĩa là chuyện lừa dối phải không? Nghĩa là, không phải những buổi hoàng hôn ấm áp, không phải những biển hoa, không phải những bài ca lắc lư cùng những người chung quanh, những con người lao động của Italia với những gương mặt rám nắng và can đảm của họ, không phải chất rượu Kianti tuyệt diệu, không phải mùi thịt thỏ hoang dã nữa, mà lại là những miếng thịt mèo rán hay sao??”. Và một ý nghĩ khác liền đến: “Phải kết thúc thiên truyện như thế! Phải viết nốt!”. Nhưng tôi cũng chẳng bật ra nổi câu đầu, câu tiếp sau và câu thứ ba. Im lặng nặng nề. Bởi vì bỗng nhiên cảm giác về một sự khác biệt loang ra khắp làn da, khắp cái quả tim đang đập thon thót của tôi: sự khác biệt giữa tôi hối ấy và hôm nay. Không cần viết nốt gì nữa. Không thể đính chính cái điều bất cần đính chính, cái không thể đụng chạm tới được, đó là cái đang trôi qua ta. Thiết nghĩ cũng chẳng vui vẻ gì khi biết rằng cái đã có lần làm mình ngạc nhiên và hạnh phúc, té ra lại là điều nhảm nhí và tầm thường. Trời ơi, nhưng đã từng có cảm giác hạnh phúc cơ mà! Và vĩnh viễn rớt lại những lời ca, tiếng reo trong đầu, những tràng pháo, và Russo. Thật ra, tôi cũng chưa nói hết toàn bộ cái thú vị của những miếng thịt thỏ rán. Tôi chưa thấu được chân lý. Những miếng thịt mèo rán thảm hại kia có ở khắp nơi, và nhà văn không có quyền làm bộ rằng chúng không có. Nhà văn bắt buộc phải phát hiện ra, dù cho chúng có trà trộn khôn ngoan và chui vào những chỗ sâu kín đến đâu chăng nữa. Mọi chuyện là như thế, nhưng hồi đó tôi mới có ba mươi nhăm tuổi, tôi chạy, tôi nhảy, tôi chơi cầu lông, tôi hút thuốc một cách say sưa, tôi có thể làm việc trong nhiều đêm liền.
Tôi hỏi Gieni:
- Sau đó, ngài Pistamentuchia ra sao?
- Người ta đã bào chữa cho ông ấy, - Gieni nói – Nhưng ông ấy không muốn sống ở Giensano nữa và đã bán quán cho người khác. Bây giờ quán ăn đó gọi là quán “Thỏ chính cống”.


Đăng Bẩy (dịch)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghệ thuật kêu than


Theo tôi biết, nước Mỹ không hề chi một xu ngân sách cho các hãng phim Hollywood nhưng phim Mỹ thì gần như thống trị thế giới.

Một nền kinh tế thị trường thực sự có nghĩa là ngay cả làm nghệ thuật cũng phải kinh doanh, tự lo lấy thân, giỏi được nhờ, dở ráng chịu. Không có la oai oái sao lương tôi thấp, thu nhập tôi chỉ đủ khỏi chết đói.

Có tài thì ngồi vào ghế lãnh đạo, bất tài thì chả ai tín nhiệm, dù thủ đoạn nọ kia, không phải tranh giành, tố cáo kèn cựa nhau. Xuân Bắc hay Anh Tú, hoặc bất cứ anh nào, nếu có tài chèo lái nhà hát kịch cho nó sáng đèn kéo người xem tới thì nghệ sĩ sẽ bầu, quái gì mà tranh nhau.

Tôi nói vậy bởi mấy đơn vị nghệ thuật nhà nước được bao cấp lâu nay đang vỡ ra cái nhọt thực chất ăn bám dân, dựa hơi ngân sách. Hãng phim truyện VN hay Nhà hát kịch VN cần được cổ phần hóa triệt để, ngay lập tức, trụ sở của nó dù đất vàng bạc kim cương gì đi nữa cũng phải quy ra tiền, anh nào muốn hoạt động nghệ thuật phải bỏ tiền ra mà mua, nộp tiền đó vào ngân sách. Lời ăn lỗ chịu, dở quá thì phá sản, đi ăn mày, ở đó mà than lương thấp lương cao.

Nhà nước cũng đừng bắt nó phải làm những bộ phim, vở kịch phục vụ chính trị chả ai thèm xem. Nó đừng vi phạm pháp luật là được. Các hãng phim, đoàn kịch cũng không được lấy cớ không xài ngân sách để làm tầm bậy tầm bạ. Cứ làm ra thứ hay, dân khen ngợi kéo nhau đi xem thì nhà nước chả bắt bẻ gì.

Kêu mí chả la. Chết giờ.

Nguyễn Thông


Phần nhận xét hiển thị trên trang

HỒI KÝ CỦA TRƯƠNG ĐỨC DUY


(Trích, người dịch Quốc Thanh)

“….Vào 1 giờ chiều, chiếc chuyên cơ hạ cánh đúng giờ xuống Sân bay Thành Đô. Khi đoàn đại biểu tới Nhà khách Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] và Thủ tướng Lý [Bằng] đứng trước cửa nhà khách đón khách. Sau khi chủ và khách đã ngồi cả trong nhà khách, hai bên hỏi han lẫn nhau đồng thời tiến hành trao đổi đơn giản.



Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] giải thích: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình đi nghỉ ở xa, nên lần này không gặp các vị được”. Cuộc gặp mặt đơn giản kết thúc xong thì nghỉ ngơi một lúc, đến 3 giờ chiều, hai bên bắt đầu tiến hành hội đàm chính thức vòng đầu. Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] bắt đầu bằng một phát biểu ngắn, tiếp theo Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đọc lời mở đầu theo một bản đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] trình bày một cách có hệ thống về giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia và mối quan hệ Trung-Việt.



Thủ tướng Lý [Bằng] phát biểu kĩ hơn về giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia. Sau khi nghỉ 15 phút, Nguyễn Văn Linh làm một bài phát biểu dài, nhấn mạnh trước đây Trung Quốc đã dành sự ủng hộ và giúp đỡ hết sức to lớn cho cách mạng Việt Nam và các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, Đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên; ông bày tỏ bây giờ nguyện sẽ cùng với phía Trung Quốc nỗ lực giải quyết tốt vấn đề Campuchia, sớm thực hiện bình thường hóa quan hệ hai nước, khôi phục lại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt-Trung.



Chủ tịch Đỗ Mười cũng có bài phát biểu tương ứng, bày tỏ phía Việt Nam nguyện cùng với phía Trung Quốc giải quyết thật tốt vấn đề Campuchia, sẽ tiến hành nghiên cứu kĩ lưỡng phương án giải pháp do phía chúng ta đề xuất. Hội đàm vòng đầu chủ yếu xoay quanh việc Việt Nam rút quân triệt để khỏi Campuchia và vấn đề thành lập bộ máy quyền lực lâm thời – Hội đồng tối cao Campuchia (tức phương án phân bổ quyền lực) sau khi rút quân.

Sau tiệc chiêu đãi tối, các ban làm việc của hai bên đã tiến hành bàn bạc căng thẳng từng chi tiết trong Phương án giải pháp cho vấn đề Campuchia, theo chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo từng bên, nhằm chuẩn bị tốt cho cuộc hội đàm chính thức vào ngày hôm sau, đồng thời bên phía ta đề nghị soạn thâu đêm luôn một bản dự thảo văn kiện chung.

Sáng ngày hôm sau tổ chức hội đàm vòng hai, trọng điểm là vấn đề Campuchia. Qua nỗ lực suốt cả một đêm của các ban làm việc hai bên, cả hai bên đã dần đi đến nhất trí đối với Phương án giải pháp cho vấn đề Campuchia. Nhưng trong hội đàm vòng hai vẫn còn xuất hiện một điểm bất đồng, đó là việc lập ra Hội đồng tối cao Campuchia gồm 13 đại biểu do phía ta đề xuất, phân bổ cụ thể là: 6+2+2+2+1 (tức phái Hun Sen 6 người, phái Campuchia dân chủ 2 người, phái Sihanouk 2 người và phái Son Sann 2 người + đích danh Sihanouk làm Chủ tịch).

Đỗ Mười bày tỏ tán thành để Sihanouk làm Chủ tịch Hội đồng tối cao Campuchia, nhưng cho rằng nên gộp Sihanouk vào trong danh mục phái Sihanouk, hai bên mỗi bên một nửa đã là thiệt cho Phnom Penh rồi, nếu như bên phái đối lập lại còn nhiều hơn 1 người, thì như vậy là không công bằng. Phía ta trình bày theo lý chủ trương và đòi hỏi rộng rãi của cộng đồng quốc tế, chứng tỏ phương án này là thích hợp nhất. Trong giờ nghỉ, Nguyễn Văn Linh đã có cuộc hội ý lại với Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng.

Trong buổi tiệc, Nguyễn Văn Linh thay mặt phía Việt Nam bày tỏ sự nhất trí toàn bộ với phương án do phía ta đề xuất, đồng thời nói sau khi về nước sẽ làm việc ngay với Phnom Penh, đồng thời cũng mong Trung Quốc thúc đẩy thực hiện việc hòa giải thực sự giữa Khơme Đỏ với Phnom Penh. Đến đây, vấn đề Campuchia đã được bàn bạc ổn thỏa, trở ngại lớn nhất trong quan hệ Trung-Việt đã được loại bỏ.

Tiếp đến, vấn đề khôi phục lại quan hệ giữa hai nước hai Đảng được bàn bạc trao đổi một cách khá thuận lợi, không gợi lại quá nhiều nợ nần cũ. Sau khi hai vấn đề lớn trong cuộc hội đàm lần này đã được trao đổi ổn thỏa, Tổng bí thư Giang Trạch Dân bày tỏ, giữa hai nước chúng ta từ đây có thể “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, đồng thời dùng hai câu thơ của Lỗ Tấn [2] “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại/ Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu”[3] làm lời kết cho cuộc hội đàm nội bộ lần này.

Phía Việt Nam bày tỏ hết sức mĩ mãn và phấn khởi trước thành quả của cuộc hội đàm lần này. Cuối cùng, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đề nghị, hai bên cần kí vào một bản kỷ yếu về thành quả của cuộc hội đàm lần này, Nguyễn Văn Linh vui vẻ đồng ý. Chiều hôm đó, trước khi Đoàn đại biểu Việt Nam rời Thành Đô, Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười đã cùng nhau kí vào bản “Kỷ yếu hội đàm Thành Đô” mang ý nghĩa lịch sử.

Sau khi đoàn Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng nói lời tạm biệt với Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng và các đồng chí Tằng Khánh Hồng, Tề Hoài Viễn, Chu Thiện Khanh…, đã đáp lên chiếc chuyên cơ của phía ta rời Thành Đô bay tới Nam Ninh, dừng ở Nam Ninh rồi đổi ngay sang chuyên cơ của phía Việt Nam bay về Hà Nội. Tôi cũng ngẫu nhiên đi theo Đoàn đại biểu Việt Nam quay về Hà Nội.

Trên đường về, không khí trong khoang máy bay khác hẳn với lúc đến. Các vị lãnh đạo trao đổi bàn bạc nhiều, những người khác cũng nói cười vui vẻ. Chủ nhiệm Văn Phòng Trung ương Đảng Hồng Hà phấn khởi nói với tôi: “Cuộc gặp lần này rất thành công, quá tốt!” Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bích Sơn cũng tràn đầy phấn khởi nói, về đến Hà Nội tôi sẽ mở tiệc mời đồng chí Đại sứ thưởng thức toàn những món ăn có tiếng của Việt Nam.

Một lúc sau, Chủ tịch Đỗ Mười đi lại phía tôi hỏi: “Nguyên văn hai câu thơ mà đồng chí Giang Trạch Dân trích dẫn đọc thế nào ấy nhỉ?” Tôi dùng ngay âm đọc Hán Việt (chú thích: Trong Nho học Việt Nam có một phép đọc cố định đối với chữ Hán) đọc lại một lượt cho ông ấy nghe, ông ấy còn bắt tôi viết nguyên văn ra, rồi nhờ tôi dịch ra tiếng Việt.

Đỗ Mười xem cả nguyên văn lẫn phần dịch ra tiếng Việt hai lần rồi bảo: “Đồng chí Giang Trạch Dân dẫn hai câu thơ này vào lúc kết thúc hội đàm là quá xác đáng!”. Về Hà Nội được ít ngày, tôi lại đọc được một bài thơ do Nguyễn Văn Linh viết thể hiện tâm trạng cảm khái cùa mình sau thành công của cuộc “Hội đàm Thành Đô”: “Huynh đệ chi giao sổ đại truyền/ Oán hận khuynh khắc hóa vân yên/ Tái tương phùng thời tiếu nhan triển/ Thiên niên tình nghị hựu trùng kiến” [4]

Nguồn: 中越高层成都会晤的前前后后 – Mạng Báo buổi sáng Liên hợp.

[1] Quảng Đông – Quảng Tây –ND
[2] Chỗ này tác giả nhầm. Đây là hai câu thơ của nhà thơ đời Thanh Giang Vĩnh. – ND
[3] Tạm dịch: Trải qua cơn sóng gió/ tình anh em vẫn còn/ Gặp nhau cười một cái quên hết oán thù . – ND
[4] Tạm dịch: Anh em chơi với nhau đã mấy thế hệ/ Oán hận trong khoảnh khắc đã biến thành mây khói/ Khi gặp lại nhau cười rạng rỡ/ Tình nghĩa ngàn năm xây dựng lại -ND.

Video tham khảo: 中越高层成都秘密会晤 一年后关系正常化 – Cuộc gặp mật cấp cao Trung-Việt ở Thành Đô – Một năm sau, bình thường hóa quan hệ.

Trương Đức Duy“

Nguồn: Facebook Dân Choa

Phần nhận xét hiển thị trên trang

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH MỚI CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN KIẾN GIANG


Học giả Huyền Giang (1931 - 2013). Ảnh TL.
.
Huyền Giang: Đường đến văn hóa
 
Đỗ Lai Thúy
Người đô thị
15:41 | Chủ nhật, 10/09/2017  

  
Đường đời của Huyền Giang (*) (1931- 2013) ga đi là chính trị và ga đến là văn hóa. Trong ngắn ngủi một đời người, quả thực, ít ai làm được như ông: thay đổi hệ hình tư tưởng đến hai lần: lần trước từ giai cấp sang dân tộc, lần sau từ dân tộc sang dân chủ.
 
Có thể sự nhạy cảm và tính trung thực trước “những điều trông thấy”, cũng có thể những chuyển biến gấp gáp, “một ngày bằng ba thu” của xã hội Việt Nam thế kỷ XX, cùng với đầu óc thích tìm tòi tư tưởng ở ông đã tạo ra những bước chuyển tư tưởng này.


Giã biệt

Trước hết cần khẳng định, trên phương diện tư tưởng, người ta có quyền được thay đổi. Huống hồ sự thay đổi ở Huyền Giang là sự vận động biện chứng, như những đợt sóng gối tiếp, cái sau bao giờ cũng có những mầm mống ủ sẵn từ cái trước. Ở hệ hình tư tưởng dân chủ, Huyền Giang từ bỏ các hoạt động chính trị chuyển sang hoạt động văn hóa, không phải như một sách lược, ẩn mình hay lảng tránh, mà là một chiến lược. Bởi văn hóa ở cấp độ tổng thể là nền tảng cho mọi tư tưởng, kể cả tư tưởng chính trị. Làm văn hóa tuy không có tác động tức thời, thấy được ngay, nhưng có thể ảnh hưởng đến phần chìm, phần định hướng của tảng băng trôi.

Bởi vậy, Huyền Giang quan tâm đến những tri thức văn hóa cơ bản, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến con người, nhằm giải phóng khỏi cái nhìn chật hẹp, “chính trị là thống soái”, con người chỉ có một bản chất là bản chất giai cấp... Xin kể ra đây một vài tác phẩm ông dịch thuộc nhiều lĩnh vực, với những bút danh khác nhau, thậm chí có cuốn không có tên người dịch: Văn hóa nguyên thủy của E.B.Tylor, Chủng tộc và lịch sử của Lévi-Strauss, Sự phát triển siêu cá nhân của R.Assagioli, Đạo giáo và các tôn giáo cổ Trung Quốc của H.Maspéro, Phê phán tính hiện đại của A.Touraine... Chỉ tính riêng mảng sách dịch, đến mấy chục tác phẩm kinh điển, với người khác đã có thể làm nên một sự nghiệp, nhưng với ông chỉ nhẹ nhàng: “vừa là kiếm ẳn [ăn], vừa là phục vu [vụ]”. Mục tiêu của Huyền Giang là viết, còn dịch chỉ để tạo nền cho viết.

Dưới tên người khác

Mảng sách thứ hai của Huyền Giang là biên soạn với những cuốn như Cách mạng Pháp 1789, Thế giới thứ ba, Từ điển xã hội học... Có điều sách biên soạn của ông không chỉ giới thiệu tư liệu thuần túy, mà là một trình bày có chủ ý với những diễn giải, bình luận của riêng cá nhân ông nhằm làm sáng tỏ những vấn đề thời cuộc.

Thời ấy với sách dịch thì có thể dùng bút danh, nhưng với sách viết, muốn in được và, quan trọng không kém, lấy được tiền nhuận bút, thì tác giả phải khai báo nhân thân cụ thể, và phải được chấp nhận. Bởi thế, các cuốn sách trên đều mang tên Nguyễn Khắc Viện. Phải nói đó là một nghĩa cử của bác Viện. Dĩ nhiên, bấy giờ với người trong cuộc thì không ai tính toán gì, tất cả chỉ nghĩ đến việc chung. Sau này, trước khi mất, bác Viện có thều thào đọc vào máy ghi âm những sách Huyền Giang viết mà ông phải thế danh, để “những gì của Xê-da trả về cho Xê-da”.

Huyền Giang là người có đầu óc nghiên cứu kể cả khi ông còn làm chính trị. Ngay từ năm 1959 ông đã có sách Phác qua tình hình ruộng đất và đời sống nhân dân trước Cách mạng tháng Tám. Rồi năm 1961 là Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám: tháng Tám 1945 - tháng Chạp 1946... Những năm 90 thế kỷ trước, khi đã chuyển sang nghiên cứu văn hóa là thời kỳ ông viết hào hứng nhất. Thể loại ông chọn là tiểu luận cho dễ cập nhật vấn đề và cũng dễ “xuất bản chuyền tay”. Do lối viết sâu, có đầu có cuối, nên nhiều tiểu luận của ông có dung lượng không kém một chuyên luận. Tuy nhiên, ông viết thanh thoát, dễ hiểu nên đọc ông không biết chán. Điều đáng lưu ý ở đây là các vấn đề tưởng rất “thời sự chính trị”, như Bức tranh thế giới hôm nay, Con người và chủ nghĩa nhân văn mới, Khái niệm xã hội công dân... được Huyền Giang tiếp cận từ góc độ triết học lịch sử nên đều trở thành những vấn đề văn hóa. Một thứ văn hóa vừa như là phạm trù tối hậu ở cấp độ tổng thể toàn nhân loại, vừa như là một lối tiếp cận rất hiện đại.

Tự đưa mình tới ánh sáng

Từ xưa đến nay, từ thế giới vào Việt Nam là tọa độ nghĩ suy của Huyền Giang về văn hóa Việt Nam hôm nay. Trước hết là vấn đề Nho giáo hay Con người cá nhân phương Đông. Nước ta lúc chống Nho thì vẫn giữ tư duy Nho giáo, khi muốn phục hưng Nho thì vẫn chỉ vớt được cái hình nhi hạ. Nho giáo, vì vậy, sẽ là vật cản cho xã hội hóa và cá nhân hóa, hai quá trình đưa dân tộc vào hiện đại. Nhìn sâu vào Thực trạng văn hóa hôm nay, rồi Hiện đại hóa và Tâm lý xã hội trong tiến trình hiện đại hóa, để cuối cùng đưa ra Bản tính tộc người Việt, một vấn đề căn cốt trong nghiên cứu văn hóa tộc Việt và văn hóa Việt Nam. Với các tiểu luận Đời sống tâm linh và tôn giáo, Con người và cái chếtvà Rồi ai cũng về cõi âm, Huyền Giang khẳng định tâm linh là một chiều kích quan trọng của con người, chiều kích bản thể luận. Điều này lý giải sự tồn tại lâu dài của tôn giáo. Còn cái chết được ông coi là sự tham gia cuối cùng của con người vào đời sống tâm linh, là sự hòa/hóa giải cái bi kịch rất người: một thực thể hữu hạn lại mong muốn hiện hữu vô biên.

Có thể nói, Huyền Giang là một trong những gương mặt trí thức nổi bật của những năm 80, 90 thế kỷ trước. Và, quan trọng hơn, tiếng nói bấy giờ của ông vẫn còn nguyên nhiệt huyết, sâu sắc, mới mẻ đến bây giờ. Cuộc đời ông nhiều khổ đau, khuất lấp, nhưng bằng lao động sáng tạo không mệt mỏi, bằng sự kiếm tìm giá trị và dám trả giá cho các giá trị đó, ông đã tự đưa mình tới ánh sáng. Sự thay đổi tư tưởng, là sự thay đổi triệt để nhất, vô tư nhất, không vì quyền lợi, địa vị, mà bất chấp quyền lợi, địa vị. Bởi vậy, viết về Huyền Giang bàn về văn hóa, mà không nói đến sự vận động tư tưởng của ông, hai lần thay đổi hệ hình tư tưởng của ông, là một thiếu sót lớn.

Huyền Giang là một nhân cách văn hóa. Cuộc đời ông là một giá trị văn hóa.

PGS-TS. Đỗ Lai Thúy
__________________
.
Tựa bài "Đường đến văn hóa": Nhân đọc Huyền Giang bàn về văn hóa, NXB Hội Nhà Văn, 2017, Hà Nội
  (*) Tên thật là Nguyễn Thanh Huyên, thường gọi Nguyễn Kiến Giang, nguyên ủy viên Ban Biên tập NXB Sự Thật, có nhiều bút hiệu như Kiến Giang, Lê Diên, Lương Dân...


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

TẮM TIÊN


( Tiểu phẩm)
Hè năm 1968. Văn lái xe trong Đoàn 559, được cấp trên giao nhiệm vụ chở lương thực, thực phẩm cho một C Thanh Niên Xung Phong ở một cánh rừng Đường 15 - Quảng Bình.
Quá trưa. Sau khi giao hàng xong, Văn ra con suối gần đấy định tắm thì thấy có đến hơn chục cô gái TNXP đang tắm dưới đó. Văn đã có ý định lên ngọn suối phía trên tắm, nhưng nhìn thấy các o đang tắm “Tiên” trông mát mắt quá nên anh đã đổi ý… Văn nấp vào một bụi cây vừa kín đáo,vừa thuận tiện cho việc “quay phim,chụp ảnh” …
Khi đang đắm đuối ngắm nhìn các khuôn ngực nở nang trên cơ thể nõn nà của các o TNXP trẻ thì bỗng nhiên có bàn tay vỗ vào vai Văn:
- Răng anh nỏ xuống tắm với bọn em! Mà lại đứng trên ni để nhìn trộm hầy?
- Xuống tắm với bọn em hầy!
- Có đi mô! Hay để chúng em khiêng?
Tiếp theo đó tiếng nói và tiếng cười phá lên…
Thì ra từ phía sau Văn, không phải một, mà là ba o bất ngờ tới, vừa nói vừa cầm tay kéo anh xuống bờ suối rồi đẩy ùm xuống nước nơi các o đang tắm…Chẳng khác gì đàn sói quây lấy con mồi… O thì té nước, o thì cầm tay, nắm vai, thậm chí có o còn ôm chầm lấy anh hôn lấy hôn để, cọ hết cả khuôn ngực để trần lên người anh…Tiếng cười, tiếng nói ầm ĩ cả quãng suối:
- Trông anh đẹp trai hầy!
- Anh ơi! Đến em cì cho!
- Anh mần chồng em hầy!
- Bây chừ anh cứ nhìn, cứ yêu bọn em thoải mái đi! Muốn mần chi thì mần! Mần răng mà phải nhìn trộm rứa hầy!
- Bọn em ở truồng! Anh lại mặc quần áo để tắm! Thế ni là không công bằng, cởi hết ra anh!
Sau đó là những tiếng “Cởi ra” hùa theo… Mấy o gần Văn định lột trần anh ra thì một o “ Có thể là C trưởng đơn vị TNXP” lên tiếng:
- Thôi dừng lại các o! Giỡn rứa thôi! Tạm tha cho anh nớ! Không có lát nữa ảnh chạy mất! Tối ni thể chi mà chẳng có O chết với anh nớ!
Tiếng cười lại phá lên ròn rã…
Văn vùng được khỏi sự phong toả của các cô gái lên bờ, chạy một mạch về lán TNXP, không dám ngoái cổ lại…
Ngày 18/9/2017
NV Thế Hùng
(Ảnh sưu tầm)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Châu Âu yêu cầu Trung Quốc cụ thể hóa lời hứa mở cửa thị trường


Khu trung tâm văn phòng thương mại tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 29/08/2017.

Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc hôm nay 19/09/2017 yêu cầu Bắc Kinh bãi bỏ những hạn chế và các quy định gây trở ngại cho đầu tư nước ngoài. Châu Âu lấy làm tiếc là tuy Trung Quốc hứa hẹn mở rộng cửa thị trường, nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì cụ thể.
Tháng Giêng năm nay tại Diễn đàn Davos, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã long trọng hứa « sẽ mở rộng cánh cửa ». Tiếp theo bài diễn văn ấn tượng này là thông tư của chính phủ dự kiến « tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng »  « nỗ lực nhiều hơn để thu hút vốn nước ngoài ».

Tuy nhiên trong bản báo cáo thường niên dày 400 trang công bố hôm nay, Phòng Thương mại Châu Âu tại Bắc Kinh với giọng điệu đầy thất vọng, nêu chi tiết về các rào cản đủ loại, và tâm trạng bất an của các nhà đầu tư. Báo cáo nhấn mạnh, các công ty châu Ấu « đã chán ngán trước những lời hứa không bao giờ được thực hiện », đề nghị chế độ Bắc Kinh « thay lời nói bằng hành động cụ thể », và chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử với các công ty có vốn nước ngoài.

Theo kết quả thăm dò công bố hồi tháng Năm, có 54% doanh nghiệp châu Âu cho rằng họ bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc. Chủ tịch Phòng Thương mại, ông Mats Harborn cho biết : « Đầu tư Trung Quốc vào châu Âu năm ngoái tăng 77%, trong khi đầu tư của Liên Hiệp Châu Âu (EU) vào Trung Quốc sụt giảm mất một phần tư, và tiếp tục giảm 23% trong nửa đầu năm nay. »

Tài chính, điện tử, dịch vụ tư pháp, xe hơi…rất nhiều lãnh vực được EU mở cửa cho đầu tư Trung Quốc, ngược lại Bắc Kinh buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải liên doanh với một đối tác địa phương, thậm chí cấm hẳn. Theo ông Harborn, tình trạng bất bình đẳng này không thể kéo dài.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại Liên Hiệp Quốc, Donald Trump đe dọa hủy diệt toàn bộ Bắc Triều Tiên




Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ngày 19/09/2017.

(AFP & Le Figaro 19/09/2017) Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong bài diễn văn đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm nay 19/09/2017 đã kịch liệt đả kích chế độ Bắc Triều Tiên, Venezuela và hiệp ước nguyên tử Iran.

Ông Trump bắt đầu bài diễn văn nảy lửa này với việc khẳng định chủ trương « Nước Mỹ trước hết », và trong nhiệm kỳ của ông, Hoa Kỳ sẽ sở hữu « quân đội hùng mạnh chưa từng thấy từ trước đến nay ».

 « Chúng tôi không có chọn lựa nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên »

Donald Trump kịch liệt tố cáo các « Nhà nước côn đồ », mà ông Georges W.Bush gọi là « trục tội ác ». Mục tiêu hàng đầu là « chế độ bất kham » Bắc Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng chỉ trích chương trình « tự sát » của Kim Jong Un, mà ông gọi là« Rocket Man ».

Tổng thống Mỹ tuyên bố :« Nếu chúng tôi buộc lòng phải tự vệ, hoặc bảo vệ các đồng minh, chúng tôi không có chọn lựa nào khác ngoài việc hủy diệt toàn bộ Bắc Triều Tiên (…). Bình Nhưỡng đã bỏ đói người dân của họ và đàn áp hàng triệu con người (…). Bây giờ là lúc để tất cả các quốc gia trên thế giới cùng bắt tay vào cô lập chế độ họ Kim ».



● Venezuela, một « chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa »

Gọi chế độ của Nicolas Maduro là « độc tài xã hội chủ nghĩa », ông Trump nói : « Chúng tôi và các nước khác có một nghĩa vụ, đó là giúp đỡ người dân Venezuela tìm lại tự do và tái lập nền dân chủ. Vấn đề ở Venezuela, không phải là chủ nghĩa xã hội đã được thực hiện không đúng đắn, mà là đã áp dụng chủ nghĩa xã hội ».

● Chế độ Bachar Al Assad là « tội phạm »

Về Syria, ông Donald Trump đả kích chế độ Bachar Al Assad do Nga và Iran ủng hộ, mà ông gọi là chế độ « tội phạm ». « Assad đã sử dụng đến vũ khí hóa học để giết thường dân, trẻ em. Đó là lý do khiến Hoa Kỳ đã phải tiến hành chiến dịch quân sự vào một căn cứ ở Syria ». Về khủng bố, tổng thống Mỹ hứa hẹn « kết thúc Hồi giáo cực đoan. Chúng ta phải ngăn cản bọn khủng bố sở hữu các vùng đất và tài nguyên, phải truy đuổi chúng ra khỏi đất nước, làm thế nào để những nước ủng hộ khủng bố phải trả giá ».

● Hiệp ước Iran là « một nỗi nhục »

Theo tổng thống Trump, hiệp ước nguyên tử Iran do người tiền nhiệm Barack Obama ký kết là « một nỗi nhục nhã, một trong những hiệp ước tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ ». « Đây là lúc để toàn thế giới phải làm cho chính quyền Iran ngưng gieo rắc cái chết và sự hủy diệt, hỗ trợ cho khủng bố ».

● Phản đối những mối đe dọa chủ quyền Biển Đông và Ukraina

Tuy không gọi đích danh Trung Quốc và Nga, nhưng tổng thống Mỹ tuyên bố : « Chúng ta không thể chấp nhận những mối đe dọa lên chủ quyền Ukraina và Biển Đông. Cần phải bảo vệ sự tôn trọng luật pháp, biên giới, văn hóa và các cam kết hòa bình ».
phần nhận xét hiển thị trên trang