Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Một nhân vật của Cách mạng Tháng Tám bị quên lãng

 ..Hoàng Văn Đức (1918-1996)

Bài viết của vị lão thành cách mạng Vũ Đình Hòe (1912-2011) - Bộ trưởng Bộ Tư Pháp đầu tiên của chính phủ liên hiệp.

Cụ Hòe đọc cho người con trai cụ chép ra, rồi nghe con trai đọc lại để sửa từng câu. Người con trai đó là nhà giáo Vũ Thế Khôi (đã có một số entry đề cập đến trên Giao Blog, ví dụ ở đây).

Bài mới lên trên Fb Vũ Thế Khôi (ngày 14/8/2017). Tôi chép nguyên về, chỉ chỉnh một chút về kĩ thuật trình bày.

--- 







Ảnh 3: Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainbeleau (Hoàng Văn Đức mặc complet đen, ngồi thứ 5 từ trái sang)

Lạng Hồng Ông Hoàng văn Đức ( ngoài cùng bên trái ) và bà Hoàng văn Đức ( ngồi hàng đầu thứ 3 từ phải sang )
Ảnh chụp cùng các gia đình các bạn bè chiến hữu năm 1956 ở Tràng Tiền HN



Lạng Hồng Ông Hoàng Văn Đức ( đứng thứ 2 từ phải sang )



Lạng Hồng Ông Hoàng văn Đức ( ngoài cùng bên phải ) trước ban thờ ông Đ.Đ.D. Năm 1994.





---

Sách của cụ Vũ Đình Hòe, đã ấn hành năm 2015





 
The Khoi VUさんが写真3件を追加しました。
Lại sắp đến kỉ niệm Cách Mạng Tháng Tám 1945. Có một nhân vật từng đóng vai trò rất tích cực, từng là trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những giờ phút vận mệnh nước nhà "ngàn cân treo sợi tóc", nhưng rồi... bị cố tình lãng quên, đến mức chẳng những bọn đầu xanh tuỏi trẻ ngày nay mà ngay cả thế hệ trung niên cũng không biết đó là ai khi nghe đến cái tên HOÀNG VĂN ĐỨC. Vậy mà đó là Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, thành viên Phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Fontainbeleau 1946. Xin chia sẻ với các bạn thanh khí NGUYÊN VĂN bài cụ Vũ Đình Hòe viết về ông trong tập hồi kí cuối cùng "Gương mặt những người cùng thế hệ" - bài Cụ đắn đo mãi mới đọc cho tôi làm từng câu trên vi tính, nghe đọc lại (sang tuổi 100, mắt mờ rồi!) để duyệt từng câu. "Nói nửa sự thật về ông Đức là nói dối!"




[Sinh năm 1918 trong gia đình tiểu thương ở Việt Trì. Theo học Cao đẳng Canh nông, sau khi tốt nghiệp hành nghề kỹ sư nông học; 1942 đến tháng 6 - 1944 làm Thanh tra canh nông của Sở Canh nông Bắc bộ. Từ tháng 6 - 1944 ông tham gia Việt Minh thành Hoàng Diệu, tham gia thành lập đảng Dân chủ, tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, làm Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh. Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 - 1 - 1946, Hoàng Văn Đức trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá I, được bầu làm Uỷ viên thường trực Quốc hội, tham gia phái đoàn Phạm Văn Đồng đi đàm phán với Pháp ở Hội nghị Fontainebleau năm 1946. Từ 1946 đến tháng 7 - 1952 ông giữ chức Tổng giám đốc Nha Nông chính, Chủ tịch Tổng hội công chức Cứu quốc, uỷ viên Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1952 - 1954 ông được cử làm uỷ viên Uỷ ban Cải cách ruộng đất trung ương. Từ 1957 đến 1959 Hoàng Văn Đức giảng dạy tại Đại học Nông nghiệp, 1960 - 1965 làm cán bộ kỹ thuật Bộ Nông trường, từ 1966 điều động về làm cán bộ kỹ thuật ở Nông trường 2 - 9, huyện Yên Thuỷ tỉnh Hoà Bình cho đến khi về hưu năm 1973. Ông mất năm 1996, năm 1997 được truy tặng Huân chương Độc Lập hạng nhất.]

“L’enfant terrible”(Thằng bé đáng sợ) là biệt hiệu mà bọn phản động trong Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh), Việt Cách (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội của Nguyễn Hải Thần) gọi sau lưng anh Hoàng Văn Đức qua những cuộc chạm trán nảy lửa tại Hội nghị liên tịch các đảng phái, họp vào cuối tháng 12 năm 1945 theo sáng kiến của Việt Minh, nhằm thoả thuận thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời. 

Cái biệt hiệu ấy diễn tả khá đúng con người anh - cả diện mạo lẫn tính cách. Anh Đức vóc người nhỏ thấp, còn thanh niên (kém tôi những 6 tuổi mà tôi ngày ấy cũng mới 33), tính tình cương trực, lời nói sôi nổi, lý lẽ sắc bén, cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, nhiều phen dồn các đối thủ Việt Quốc, Việt Cách vào thế bí trong các cuộc tranh cãi nhằm bảo vệ đường lối Đại đoàn kết dân tộc đặng gìn giữ nền Độc lập - Tự do mới giành lại được. Trong thế nước lúc ấy “ngàn cân treo sợi tóc”, mà đảng Cộng sản Đông Dương, lực lượng lãnh đạo Cách mạng tháng Tám, thì lại phải tránh mặt (tuyên bố “tự giải thể”, thực ra là rút vào bí mật), Hồ Chủ tịch khai thác cao độ vị thế của đảng Dân chủ, đặc biêt là tinh thần tranh đấu và khả năng thuyết khách của Hoàng Văn Đức, vừa được bầu bổ sung vào Trung ương Dân chủ cuối tháng 8 – 1945 và giữ chức vụ Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh (Bí thư là đồng chí Hoàng Quốc Việt). Trong khi Nguyễn Thành Lê và Đỗ Đức Dục tấn công bằng võ khí báo Độc Lập, cơ quan trung ương của đảng Dân chủ, vừa mới bắt đầu ra hàng ngày, vạch trần những mưu ma chước quỷ của bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách và các tướng Tầu Tưởng mà đại diện là Tiêu Văn, thì các trang thanh niên Hoàng Văn Đức, Hoàng Minh Chính và Lê Trọng Nghĩa luôn luôn được cử đi đấu tranh trực diện với bọn chúng.

Những ngày cuối tháng 12 - 45 tình hình Hội nghị liên tịch các đảng phái trở nên căng thẳng, có nguy cơ tan vỡ, xung đột vũ trang giữa các đơn vị Quốc Dân đảng và Việt Minh đã nổ ra đây đó ở đia phương; ở Vĩnh Yên, dưới chân núi Tam Đảo, bộ đội VM và QZ đang đóng đối diện, sát khí đằng đằng. Hồ Chủ tịch cử Hoàng Văn Đức, mang bức thư của Cụ lên thị xã Vĩnh Yên, trao cho UBND tỉnh, rồi tìm gặp Đỗ Đình Đạo (con Đỗ Thống Thuật xưa kia), thủ lĩnh QZ, chủ một đồn điền lớn ở trung du. Đạo có quen biết kỹ sư Hoàng Văn Đức hồi anh là Thanh tra Nha Nông chính Bắc kỳ. Đồng chí Đức đã hoàn thành tốt “sứ mệnh thuyết khách”, dãn xa nhau bộ đội hai bên, không để xảy ra cuộc “huynh đệ tương tàn” giữa lúc 20 vạn quân Tầu Tưởng đang rình rập cơ hội đè bẹp chính quyền Cách mạng trứng nước. Rồi bảy ngày trước cuộc Tổng tuyển cử, tôi lại được Hoàng Văn Đức cho xem thư tay của Cụ Hồ (bản gốc hiện nay vẫn lưu giữ tại gia đình anh): “Anh Đức, 2 rưỡi chiều nay, mời 5 đại biểu của Dân chủ đảng đến Bộ Nội vụ nói chuyện. Chào thân ái. 29 - 12 - 45. Hồ Chí Minh”. Lần này, Cụ Hồ mời anh em Dân chủ đến bàn cách đối phó với các đảng đối lập đang mưu mô tung quân ngăn cản đồng bào Thủ đô vận động tuyên truyền cho bầu cử. 

Hoạt động tích cực và hiệu quả của các đảng viên Dân chủ trên mọi lĩnh vực kháng chiến và kiến quốc đã được nhân dân Thủ đô ghi nhận trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 - 01 - 1946: toàn thành phố có 187.000 cử tri thì 172.765 cử tri đi bầu, số ứng cử viên là 74, số trúng cử là 6, trong đó có 3 đại diện đảng Dân Chủ*: 
- Hồ Chí Minh, ứng cử với danh nghĩa đảng Quốc gia Việt Nam, 169.222 phiếu
- Trần Duy Hưng, bác sĩ, đại diện Việt Minh, 126.846 phiếu
- Vũ Đình Hoè*, luật gia, 124.898 phiếu
- Nguyễn Văn Luyện*, bác sĩ, 106.577 phiếu
- Nguyễn Thị Thục Viên, giáo sư, không đảng phái, 95.375 phiếu
- Hoàng Văn Đức*, kỹ sư canh nông, 90.320 phiếu.


Nhưng Hoàng Văn Đức không chỉ là nhà hùng biện trên đấu trường chính trị. Anh còn là một chiến sĩ tài ba trên mặt trận kiến quốc. Suốt nửa thế kỷ qua, người ta ca ngợi kỳ công của chính quyền Cách mạng trong chiến dịch diệt “giặc đói” năm 1945, nhưng “quên” không nhắc tới danh tính người chiến sĩ lập công lớn trong “trận đánh” không tiền khoáng hậu ấy - kỹ sư canh nông Hoàng Văn Đức. 

Tưởng cũng nên nhắc lại bối cảnh hơn nửa thế kỷ trước. Do chính sách tàn bạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp vơ vét thóc gạo và ép dân phá lúa trồng đay phục vụ nhu cầu chiến tranh chống lại quân đội Đồng Minh, hồi đầu năm 1945 hơn 2 triệu đồng bào ta, tức 1/5 dân số nước ta lúc bấy giờ đã chết đói. Địch hoạ chưa qua, thiên tai đã ập tới: trận lụt lịch sử tháng 8 năm ấy nhấn chìm sâu hơn 1/3 diện tích lúa mùa, thất thu thóc ước tính đến một nửa sản lượng trung bình hàng năm, thảm cảnh chết đói đầy làng mạc, phố phường và đường cái quan lại sẽ tái diễn – một điều chính quyền Cách mạng non trẻ không thể cho phép xảy ra . Trong 3 thằng “giặc”: đói, dốt, ngoại xâm, thì giặc đói được Hồ Chủ tịch nêu lên hàng đầu là vì vậy.

Vừa ra mắt quốc dân xong, Chính phủ Nhân dân lâm thời đã phát động ngay phong trào “Cứu đói!”. Hồ Chủ tịch viết bài trên báo Cứu Quốc, đề nghị toàn thể đồng bào nhường cơm sẻ áo: cứ 10 ngày nhịn một bữa cơm, Cụ xin làm gương trước, đem xuất gạo đó phân phát cho những người đã đứt bữa. Cụ Ngô Tử Hạ, vị đại biểu Quốc hội khoá I cao tuổi nhất, khăn xếp áo dài thâm đội nón mê, tự tay cầm càng chiếc xe bò đi quanh hồ Hoàn Kiếm quyên bơ gạo cứu đói, khi trở về quảng trường Nhà hát lớn đã được đầy xe lẫn lộn đủ thứ gạo tẻ, gạo nếp, ngô vàng, ngô trắng, đậu xanh, đậu đen… - “đây là thứ gạo ngon nhất, gạo Đại đoàn kết” – Hồ chủ tịch tươi cười nói.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế cấp bách trong dăm ba bữa. Biện pháp căn bản thanh toán nạn đói là tăng gia sản xuất. “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa để giữ vững Tự do - Độc lập!” - Hồ Chủ tịch thống thiết kêu gọi. Bằng khả năng tổ chức mạnh mẽ và táo bạo của chính quyền Cách mạng và sự nỗ lực phi thường của toàn dân các tuyến đê bị vỡ đã đắp xong chỉ trong ba tháng, thóc giống đã huy động đủ gieo trồng kịp thời vụ lúa chiêm. Nhưng do thất bát của vụ mùa năm trước, thóc gạo chỉ còn đủ ăn đến trung tuần tháng 2, đến vụ thu hoạch lúa chiêm còn những 2 tháng rưỡi! Lấy gì ăn đây? Con ma đói Ất Dậu rập rình tái xuất…

Cách duy nhất: tăng gấp đôi, gấp ba sản lượng màu (ngô, khoai, sắn…) để bù vào chỗ ngót nửa triệu tấn thóc thất bát. Nhanh ăn nhất là khoai lang, nhưng …Qua thực tế vài ba năm tập toọng làm “tiểu doanh điền” – cái “ấp Khôi Khanh” của mình ở Đại Từ - Thái Nguyên , tôi “chất vấn” Hoàng văn Đức, sau khi trúng cử Đại biểu Quốc hội vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Nha Nông chính trong Bộ Canh nông do Cù Huy Cận làm Bộ trưởng:
- Đào đâu ra lượng dây khoai giống gấp 2-3 lần? Vụ đói đầu năm 45, ở Quỳnh Côi-Thái Bình tôi đi cùng đoàn tráng sinh cứu đói Hoàng Đạo Thúy, được thấy tận mắt dân nhổ khoai ăn cả dây hết trọi rồi!
- Ơ kìa! Việc của thằng chuyên môn này, cách giải bài toán ấy đây: thành lập khắp nơi vườn ươm dây lang, tức là đất làm phẳng, không lên luống, không cho lang ra củ, chỉ ra dây, cứ 20-30 ngày lại có thể cắt dây làm hom giống. Không phải là tăng gấp 2-3 lần dây giống mà có thể gấp 5-7 lần. Ơ kìa, có thể đến 10 lần ấy chứ!

Có nhiều dây giống, Chính phủ kêu gọi dân chúng cuốc cả công viên, bồn hoa, vỉa hè lên để trồng khoai cứu đói. Trong Hồi ký của mình Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến kể rằng ông bị Hồ Chủ tịch phê bình vì không kịp thời cho cán bộ cuốc cái vườn hoa rất rộng trước cơ quan ông lên để trồng khoai. 

Thực tế chứng minh rằng kỹ sư canh nông Hoàng Văn Đức đã tính toán chính xác: trong khi tổng sản lượng khoai (khô) trung bình trong 5 năm trước chỉ là 65.000 tấn mỗi năm thì 2 vụ khoai ngắn ngày từ tháng 11 - 45 đến tháng 4 - 46 đạt tới 330.000 tấn sản phẩm khô, tức tăng gấp 5 lần!

Nắm vững đặc điểm thổ nhưỡng các vùng miền Bắc và Trung bộ, Anh Đức cũng đề xuất tăng mạnh diện tích trồng ngô từ gần 7 vạn rưởi ha trước đây lên trên 22 vạn ha, trồng bằng các giống ngô khác nhau: 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng. Kết quả tổng sản lượng ngô đạt được là 224.000 tấn thay vì 50.000 tấn hàng năm.

Ngoài ra, đỗ tương, đậu, thường trồng xen lẫn với ngô cũng đã cho sản lượng 60.000 tấn. Tổng cộng chúng ta đã có 614.000 tấn màu khô bù cho 500.000 tấn thóc thất bát trong vụ mùa. 

“Cách mạng đã thắng nạn đói! Một kỳ công của chế độ dân chủ!” - Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt chính phủ hồ hởi tuyên bố trong buổi Lễ Quốc khánh 2 - 9 - 1946. Hơn nửa thế kỷ sau, năm 2005, Bộ trưởng Canh nông đầu tiên, kỹ sư canh nông làm thơ giỏi hơn làm ruộng Cù Huy Cận, trong một cuộc trả lời phỏng vấn về cuộc chiến chống giặc đói năm 45 – 46, bổ sung một câu chí lý: “Thần thiêng nhờ bộ hạ... Hoàng Văn Đức rất có công...”

Không chỉ hùng biện trên bàn hội nghị, anh Đức hùng biện cả trên trang giấy trắng mực đen. Tổng kết chiến dịch tăng gia sản xuất 45 – 46 chống giặc đói, Hoàng văn Đức đã viết bài dài súc tích trên cơ sở những sự kiện và con số đầy sức thuyết phục. Bài anh viết bằng tiếng Pháp đã được Cơ quan đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xuất bản tại Paris tháng 5 – 1946, gây tiếng vang lớn trong công chúng nước Pháp. Hơn năm chục năm sau, theo yêu cầu của tôi, anh đã tự dịch sang tiếng Việt và cho phép in lại trong phần Phụ lục cuốn sách - “Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh” (NXB Văn hoá Thông tin & Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2001).

Tôi đoan chắc rằng nhờ lập trường độc lập, tự do và dân chủ kiên định và tài ba thuyết khách, tháng 7 năm 1946 Hoàng Văn Đức được sung vào phái đoàn Phạm Văn Đồng “đem chuông đi đấm nước người”: đàm phán với Chính phủ Pháp ở Hội nghị Fontainebleau.


Năm 1952, Hoàng Văn Đức được cử vào Uỷ ban Cải cách ruộng đất Trung ương ngay từ đầu. Một vinh dự và trách nhiệm lớn. Tôi tuy là đương kim Bộ trưởng Tư pháp, chỉ được bổ sung vào cái Uỷ ban quan trọng ấy sau khi ông Thứ trưởng Cộng sản đã cùng những ai đó, ở tận đâu đó, hoàn tất mọi văn bản pháp quy liên quan. Tuy nhiên, anh Đức cũng chỉ trụ được 2 năm, mặc dù tôi nhớ trong kỳ họp Quốc hội năm 1953, anh tham luận thay mặt TƯ Dân chủ, ủng hộ tuyệt đối bản Dự thảo Luật CCRĐ do TƯ đảng Lao Động đưa ra, bằng những con số chính xác chứng minh bọn địa chủ thực dân và bè lũ tay sai cướp đoạt tàn bạo ruộng đất của bà con nông dân. Bốn chục năm sau, 1995, từ TP Hồ Chí Minh ra dự Hội thảo về “Tư tưởng pháp lý Hồ Chí Minh” theo giấy mời của Bộ Tư pháp (lập lại năm 1981, sau 20 năm bị giải thể) tôi tìm đến thăm Hoàng Văn Đức, từ lâu cũng đã bị “Chính phủ đuổi về vườn” như tôi. Trong câu chuyện hàn huyên, tôi có hỏi về lý do anh bị đưa ra khỏi Uỷ ban CCRĐ TƯ.
- Ơ kìa, anh vẫn chưa biết à?...Mình lên tận Cụ Hồ phản đối sự lộng hành, vi phạm ngay Luật CCRĐ ... 
- Vô phương rồi. Trong đoàn “phỏng Hoa” do Cụ Tôn dẫn đầu năm 1951, tôi từng được thấy tận mắt phương pháp “phóng tay phát động quần chúng” ở Quảng Tây tàn bạo khủng khiếp như thế nào! Bởi thế hồi giữa năm 1953, trong phiên họp liên tịch của Hội đồng Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận nghe vị đại diện TƯ đảng Lao Động thuyết trình về chủ trương tiến hành cải cách ruộng đất và đề nghị Chính phủ chuẩn bị Dự thảo Luật CCRĐ để trình Quốc hội, khi vị nọ thao thao bất tuyệt “phóng tay...phóng tay...”, tôi chất vấn: “phóng” là buông, buông tay thì Đảng lãnh đạo thế nào, các cơ quan chính quyền quản lý ra sao? Cụ Hồ im lặng, thuyết trình viên chỉ mỉm cười (chắc là chê trình độ chính trị non kém của Bộ trưởng Tư pháp!). Nhưng thôi, kể tiếp xem nào. Cụ dạy sao?
- Ông Cụ bảo sang trình bày với Trưởng ban CCRĐ TƯ ...Ơ kìa! Vừa mới nhắc bà Nguyễn Thị Năm có công nuôi Cách mạng, lại là địa chủ Kháng chiến, con là chỉ huy trung đoàn..., Trưởng ban đã nghiêm sắc mặt, đập bàn - nhẹ thôi, tính Ông ấy như vậy -, nhưng chụp cho hai cái mũ nặng trịch: “thiếu lập trường giai cấp” và “mất cảnh giác cách mạng”. 
- Chưa nặng lắm đâu. Ở bên bộ Tư pháp tôi còn bị chính “ông Thứ CS” của mình chụp cho cái mũ “phản động” cơ, nói lén sau lưng thôi. Kể tiếp đi, thế rồi sao?
- Ơ kìa! Mình đập bàn - rất mạnh! - đứng phắt dậy, to tiếng (Đúng vẫn là l’enfant terrible – tôi, VĐH, nghĩ bụng): - Các anh vi phạm pháp luật do chính mình đề ra, chưa nói về đạo lý là vô ơn bạc nghĩa! Và bỏ về thẳng...


Sau cú va chạm lần ấy, Hoàng Văn Đức chỉ bị đưa ra khỏi thành phần Ban CCRĐ Trung ương, tuy vẫn được giữ nguyên các chức vụ chính quyền và đoàn thể: Uỷ viên Thường trực Quốc hội, Phó tổng thư ký đảng Dân chủ. Nhưng trong “khối bất mãn Dân chủ”, như lời một lãnh đạo CS gọi “bộ ba” Hoè - Dục - Đức, từ đấy anh Đức chắc hẳn được coi là phần tử “phản động” cứng đầu nhất, phải xử nặng khi có cơ hội. 

Cơ hội đến nhanh thôi, chỉ 3 năm sau, khi mà “phóng tay phát đông quần chúng” đã làm được cuộc cách mạng thổ địa long trời lở đất, mang lại ruộng đất cho người cày, nhưng phạm những sai lầm cũng tầy đình. Cả xã hội miền Bắc náo động. Nhiều trí thức danh tiếng như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường trên diễn đàn Trung ương Mặt trận, và “khối Dân chủ bất mãn” trong các cuộc họp của Trung ương Dân chủ tranh luận gay gắt với các vị đại diện TƯ đảng Lao Động. Ý kiến thống nhất chung trong TƯ Dân chủ đã thể hiện thành văn bản nghiêm chỉnh gửi TƯ đảng Lao Động, như sau: những nguyên nhân sâu xa của sai lầm thảm khốc không phải chỉ do “chỉ đạo quan liêu” mà là “tư tưởng tả khuynh”, phương pháp độc đoán, chuyên quyền, thiếu dân chủ của lãnh đạo cấp cao và sự lộng hành, bất chấp luật pháp của thuộc cấp, cho nên để tránh lặp lại sai lầm gây tổn thất nặng nề trong tương lai thì phải chỉnh lại đường lối, thay đổi phương thức lãnh đạo bằng cách mở rộng dân chủ, bàn bạc, hiệp thương, như trong 3 năm đầu Cách mạng, với các chính đảng trong Mặt trận, đưa đại diện các chính đảng đó làm hai cấp phó trong các cơ quan quyền lực cao nhất (cấp chánh, đương nhiên, là của đảng Lao Động – chúng tôi đã nhấn mạnh điều này trong các cuộc tranh luận và trong văn bản!). Hoàng Văn Đức với tư cách Phó tổng thư ký đảng Dân chủ kiêm Bí thư đảng bộ Dân chủ Hà Nội, có uy tín lớn trong khối trí thức công thương, hoạt động năng nổ nhất, phát biểu hăng nhất – thì tính cách anh thế mà, không làm gì nửa vời. Anh triệu tập hội nghị các nhà công thương tiêu biểu, động viên họ phát biểu thẳng thắn. Có nhiều ý kiến phê phán sự quá tả trong vận động công tư hợp doanh gò ép, ôm đồm (“hợp tác hoá” cả thợ cắt tóc, phở gánh!), phá sản xuất... Anh Đức tổng kết thành bản kiến nghị của TƯ Dân chủ về con đường cải tạo và xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, dự định sẽ trình bày ở hội nghị Trung ương Mặt trận nay mai.


Nhưng sấm sét đã nổ ra sớm hơn...

Lâu nay, nói đến đấu tranh tư tưởng trong xã hội miền Bắc những năm 1956 – 1960, người ta chỉ chú ý vụ án Nhân văn – Giai phẩm lừng danh. Ít ai biết đòn sấm sét còn giáng xuống đầu hai chính đảng “anh em cùng chiến hào”. Đối với những nhân tố có trình độ tri thức cao nhất, từng hoạt động tích cực, có hiệu quả nhất trong việc giúp đảng CS thực hiện các chủ trương trong Cách mạng và Kháng chiến, họ vận động (sẵn kinh nghiệm “phóng tay” rồi mà!) và chỉ đạo cho “quần chúng đảng viên” đấu tố. Các giáo sư danh tiếng Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh... bị chính các trò của mình hạch tội, phỉ báng, bôi nhọ, rồi bị đuổi khỏi giảng đường đại học! Còn may là các vị khả kính ấy, cũng như chúng tôi, không có mối liên hệ nào với bất kỳ chính khách nước ngoài nào, nên không thể bị vu cáo là gián điệp của ngoại bang như anh Nguyễn Hữu Đang và bà Thuỵ An!

Trong Trung ương Dân chủ, “khối bất mãn” Hoè - Dực - Đức, đương nhiên, bị lôi ra tính sổ. Bị đấu tàn nhẫn nhất là “l’enfant terrible”. Đúng hôm “khai hoả” thì Hoàng Văn Đức bị kiết lỵ. Người ta lệnh khiêng anh ra đặt nằm trước Chủ tịch đoàn hội nghị cho đảng viên và cán bộ dưới quyền “vạch tội” chống Đảng lãnh đạo, “giao du”, “cấu kết” với các phần tử công thương “phản động”, “trốn cải tạo”... Có kẻ còn hung hăng nhảy lên tận bục Chủ tịch đoàn, sỉa sói đối tượng!..” Hội nghị cán bộ toàn quốc của đảng Dân chủ (15 - 30 / 6 / 1958)” đã được phù phép trở thành phiên toà đặc biệt quy kết cho chúng tôi những bản án chính trị huỷ diệt như “tư tưởng hữu khuynh”, “phản động”, “chống Cộng”, “đòi chia quyền lãnh đạo với đảng Lao Động VN” v.v và v.v., nhằm “đánh rắn rập đầu”, tiêu diệt hoàn toàn sinh mạng chính trị. “Con rắn độc nhất” Hoàng Văn Đức bị cách chức Phó tổng thư ký đảng Dân chủ và Bí thư Đảng bộ Dân chủ Hà Nội, tước đảng tịch vĩnh viễn. Chưa hết! Người ta đến gia đình anh yêu cầu giao nhà cho đồng chí Bí thư Thành uỷ (DC) mới. Một bạn thân của anh Đức trong giới công thương, anh Thẩm Hoàng Tín, từng có thời làm thị trưởng của Hà Nội tạm chiếm, nổi tiếng thanh liêm và bình dân, mời gia đình Đức đến ở tạm biệt thự của mình trong làng Yên Phụ. Lập tức, lãnh đạo mới của đảng Dân chủ yêu cầu tôi, bạn của cả Tín và Đức, đến thuyết phục Đức chuyển đi nơi khác. Lý do: nguyên Phó tổng thư ký của một chính đảng, bây giờ đã lột xác trở nên hoàn toàn “cách mạng”, mà lại “ngự” tại biệt thự của “một tên tư sản cỡ bự” thì phương hại đến “thanh danh” của Đảng quá xá. Chưa hết! Mặc dù sức khoẻ anh Đức suy sụp hẳn, sau hội nghị “đấu tố” phải nằm bệnh viện, có cán bộ CS cấp cao còn đến gặp Hồ Chủ tịch đề nghị cho bắt giam, đày đi trại cải tạo. May thay, Cụ Hồ còn có lòng thương người, không cho phép: “Hành người ta đến thế chưa đủ hay sao?”... Nhưng thôi kể làm chi nữa câu chuyện buồn của nhân tình thế thái, xưa cũng như nay “giậu đổ bìm leo”... 

Hoàng Văn Đức làm cán bộ giảng dạy ở Đại học Nông nghiệp vài năm, sau thấy để cho “con rắn độc chống Đảng” tiếp xúc với thanh niên sinh viên là quá nguy hiểm, Bộ Nông nghiệp rút anh lên làm chuyên viên kỹ thuật. Bầu cử Quốc hội II bắt đầu thực hiện cơ chế nhất thiết phải được Mặt trận giới thiệu mới được đưa vào danh sách ứng cử, anh Đức cũng như tôi, anh Dục và nhiều vị đại biểu cũ phạm tội “chống Đảng” đương nhiên không được ứng cử nữa. Không còn phải e dè gì, người ta “đày” Hoàng Văn Đức đi làm kỹ thuật viên trồng trọt tại một nông trường ở tỉnh Hoà Bình núi non xa xôi. Hoá ra lại rất trúng ý Đức: anh đang muốn chuồn cho nhanh khỏi cái “không khí oi bức” của Hà Nội. Anh tận tuỵ lao động ở đấy cho đến khi về hưu vào năm 1973 và trở về sống âm thầm bên vợ con trên căn gác hai ở phố Tràng Tiền, cũng do một người bạn trong giới công thương còn lưu luyến tình nghĩa “cái thuở ban đầu Cách mạng ấy”, nhường hẳn cho gia đình anh. 

Tôi viết: “âm thầm” - vì cái tên Hoàng Văn Đức đã thành “tabu” (điều cấm kị) trong tất cả những sự kiện cách mạng anh từng là tác nhân tích cực. Ngay cả trường hợp Hoàng Văn Đức là chứng nhân duy nhất ghi lại được hình ảnh sư kiện trọng đại. Chẳng hạn, như trường hợp bức ảnh quý hiếm về buổi ông Võ Nguyên Giáp tuyên đọc nhật lệnh trong buổi lễ xuất phát của Giải phóng quân từ ATK Tân Trào tiến về Thái Nguyên tham gia cướp chính quyền. Để khỏi phải nhắc đến “tên phản động đầu sỏ”, người ta đã ngang nhiên xuyên tạc nguồn gốc chứng cứ lịch sử. Từ nửa thế kỷ trước, tôi được biết ngọn ngành bức ảnh quý hiếm do một sự tình cờ. Số là hơn một tháng sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 - 9 - 45, nhà tôi sinh đứa con thứ sáu. Tôi đến gặp Đức mượn cái máy ảnh của anh để chụp hình đứa con gái sinh ra trong những ngày cả dân tộc đổi đời.

- Tiếc quá! Máy bị tịch thu mất rồi. Được mời dự buổi “xuất quân” của bộ đội ông Giáp ở ATK, mình lén chụp một “pô”, bị phê bình vi phạm nội quy Khu giải phóng, đem máy ảnh vào mà không khai báo. Phim bị tịch thu đã đành rồi, nhưng máy cũng có trả đâu!

*

Anh Hoàng Văn Đức âm thầm ra đi năm 1996...Chết là hết chuyện. Nhưng với L’enfant terible thì chưa... 

Một trưa Chủ nhật tháng 10 - 1996, tôi nhận được cú điện của cậu Khôi, con trai cả của tôi, từ Hà Nội gọi vào Thủ Đức báo:
- Bác Đức mất hồi sáng hôm qua rồi, Ba ạ. Bác gái nhờ con tổ chức tang lễ...
- Sao lại thế?! 
- Con vừa đến gặp bác gái hỏi việc phúng viếng. Bác ôm con khóc và nói 3 cơ quan Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Mặt trận đun đẩy nhau, chưa ai nhận đứng ra... “Nếu bố cháu ở Hà Nội, chắc chắn bố cháu sẽ đứng ra làm... Các em chúng nó chỉ giỏi làm việc chuyên môn, xã giao còn vụng dại lắm... Cháu thay mặt bố cháu cho vong linh bác trai đỡ tủi...” Con trả lời bác gái là không dám từ nan, để cháu xin phép bố cháu đã... Bây giờ, con xin ý kiến Ba làm thế nào, có thông báo rộng rãi không?...

Tôi nghĩ vài giây rồi bảo con trai:
- Cậu và cả Khanh, Khiêm nữa, có một số bạn bè trường Thiếu sinh quân xưa, bây giờ đang giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước. Cố gắng liên hệ, báo cáo với họ tình hình đã. Tôi nghĩ cậu cùng các con bác Đức thừa sức tổ chức tang lễ, nhưng e bất lợi cho việc chung...

Khôi đã liên hệ dược với anh Q.H., bạn học của Khanh, Khiêm, vợ lại là bạn học của Tú, con gái cả của chúng tôi; Q.H. lúc ấy đang là Uỷ viên TƯ Đảng CSVN, một Phó ban Kiểm tra TƯ. Chắc đã có “chỉ thị”, nên Bộ Nông nghiệp mới yên tâm thực hiện cái đạo lý cổ truyền “nghĩa tử là nghĩa tận” – lo hậu sự cho nguyên Tổng giám đốc Nha Canh nông đầu tiên của mình. 

Một năm sau, Hoàng Văn Đức được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.


Ngày cử tang, tôi ở xa thắp mấy nén nhang, vọng bái vong linh Anh... Hình ảnh Anh - người chiến sĩ Dân chủ kiên cường, luôn khắc sâu trong tâm khảm tôi. Tôi tự nhận thấy thua anh về tinh thần chiến đấu cho Lẽ Phải ở đời. Bây giờ ngồi ngẫm lại không khỏi có chỗ ân hận.




---

BỔ SUNG


.

Thứ bảy, 22/8/2015 | 11:28 GMT+7

Vũ Đình Hòe viết về những người cùng thế hệ

Quyển sách của cố Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ lâm thời đầu tiên nhắc độc giả nhớ về lớp quân nhân, trí thức thuộc "thế hệ vàng" của Việt Nam.


Nhà xuất Bản Trẻ vừa giới thiệu cuốn Gương mặt những người cùng thế hệ của ông Vũ Đình Hòe (1912-2011). Các bài tập hợp trong cuốn sách được tác giả viết rải rác trong 25 năm, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước cho đến khi ông qua đời vào ngày 29/1/2011.
Hơn bốn năm qua, ông Vũ Thế Khôi - con trai ông Vũ Đình Hòe - giữ gìn từng trang bản thảo của cha. Ấn phẩm ra mắt bạn đọc vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh ngày 2/9.
Bìa "Gương mặt những người cùng thế hệ".
Bìa sách "Gương mặt những người cùng thế hệ". Đây là quyển sách thứ hai được Nhà xuất bản Trẻ ứng dụng hình thức Tem thông minhdán trên sách, giúp tăng cường sự tương tác với bạn đọc.
Quyển sách gồm bốn chương: Những người đã bỏ mình vì nước, Vài gương mặt bạn, Đôi nét phác họa và chương cuối là Hai bức chân dung. Mỗi bài viết đều chứa nhiều dữ liệu, thông tin, những đúc rút, chắt lọc qua dòng lịch sử về một thế hệ Việt Nam được đào tạo trong môi trường giáo dục Pháp, trưởng thành với nhiều hoài bão, ước mơ và dùng tài năng, tâm huyết phụng sự đất nước từ những ngày đầu độc lập.
Chân dung các nhân vật được viết lại qua hồi ức của một tác giả từng là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục và Bộ trưởng tư pháp trong Chính phủ lâm thời đầu tiên. Nhiều bài viết sinh động nhờ vào hồi ức, kỷ niệm mà tác giả là chứng nhân, từng cùng trải qua các sự kiện, biến chuyển lịch sử với bạn bè - những con người cùng thế hệ.
Nhiều cái tên trong cuốn sách quen thuộc với độc giả Việt Nam như: Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Hãn La Sơn Phu Tử, Nguyễn Văn Tố... Nhưng cũng có những nhân vật mà độc giả trẻ có thể còn lạ lẫm như: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Cao Luyện, Vũ Trọng Khánh, Phan Anh, Phan Mỹ, Nghiêm Toản... Đó là hình ảnh giản dị, đáng kính của cụ Nguyễn Văn Tố - một con người được kết tinh từ sự hài hoa của nền Tây học và Hán học. Hay hình ảnh của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện hết lòng tận hiếu với dân, tận trung với nước - người bác sĩ đầu tiên mở bệnh viện tư, ưu tiên khám chữa bệnh cho người nghèo ở Hà Nội với cái tên "Nhà thương Ngõ Trạm". Một thi sĩ Đoàn Phú Tứ - nằm trong thế hệ những người sáng lập nền kịch nói Việt Nam hiện đại - hào hoa, phong nhã, hồn nhiên nhưng quyết liệt, trọng nghĩa khí khi có chuyện bất bình... Tựu trung, họ đều là những trí thức 70 năm trước đã dấn thân vì một nước Việt Nam mới.
Vinh danh các nhân vật ở thế kỷ trước, ông Vũ Đình Hòe không chỉ đề cập về những con người có thể bị lãng quên, mai một theo dòng thời gian mà hơn cả, ông kỳ vọng lớp độc giả trẻ hôm nay biết thêm về những con người của một thời.
Hướng đến độc giả thế hệ sau, cố tác giả và con trai Vũ Thế Khôi luôn thận trọng trong từng bài viết để thông tin đưa ra chính xác với các sự kiện lịch sử. "Bố tôi dặn làm sách cho thanh thiếu niên phải thật sự cẩn trọng về từng cái tên, từng địa danh... Mỗi bài viết trong sách đều kèm một bức chân dung về nhân vật và tiểu sử của họ. Ông dặn tôi khi viết tiểu sử đừng tin vào những bản lý lịch được công bố, do thời cuộc, nhiều bản lý lịch cung cấp thông tin không chính xác, mà phải đi tìm gặp con cái, thân nhân của nhân vật để hỏi và ghi chép lại", ông Khôi kể.
Trong những năm cuối đời, dù ở tuổi 100, ông Vũ Đình Hòe vẫn còn giữ đầu óc hoàn toàn minh mẫn, nằm trên ghế bố đọc cho con trai ghi chép lại những sự việc theo trí nhớ để hoàn thành bản thảo. Tuy vậy, ông chưa kịp hoàn tất hai bài cuối cùng theo dự kiến thì đột ngột qua đời ngày 26 Tết Tân Mão (tức ngày 29/1/2011).
Ông Vũ Đình Hòe sinh năm 1912, quê tại làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông là luật sư, nhà báo, đồng thời cũng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong sáu tháng tại vị giữ chức Bộ trưởng, ông đã có những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, khiến nền giáo dục cách mạng từ những ngày đầu độc lập đã dồi dào sức sống, tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của đất nước lúc bấy giờ.
Thoại Hà










































































http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/vu-dinh-hoe-viet-ve-nhung-nguoi-cung-the-he-3267324.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đất nước, con người kiểu này thì đéo... khá được!


Ông Bí thư Tỉnh Ủy nọ, đi tìm nhà ông Bí thư Huyện Ủy kia, gặp mấy đứa bé đang chơi đùa ngoài ngõ, ông Bí thư Tỉnh ủy hỏi:
- Này! Các cháu có biết nhà ông Năm, Bí thư Huyện Ủy ở đâu không?

Một đứa trong nhóm trả lời:
- Biết! Nhưng đéo chỉ!
Đi sâu vào ngõ, ông gặp một anh thanh niên, ông hỏi:
- Anh ơi! Anh có biết nhà ông Năm, Bí thư Huyện Ủy không?!
- Đéo biết! - anh thanh niên trả lời cộc lốc.
Đến khi gặp được ông Huyện Ủy, Bí thư Tỉnh ủy liền trách:
- Đồng chí dạy dỗ dân ở đây như thế nào mà lại ăn nói thô bỉ như thế hả?!
Ông Bí thư Huyện ủy đáp ngon ơ:
- Có đấy! Nhưng chúng nó đéo nghe!



Ông bí thư Tỉnh chưa kịp lắc đầu ngao ngán thì cô con gái của ông bí thư Huyện là cô giáo đang đi dạy về, nghe ông Tỉnh Ủy phàn nàn, cô bèn kể chuyện nhà trường:

- Cháu đang giảng bài văn có đoạn kể về thành tích anh hùng dũng cảm của quân đội nhân dân ta đánh bọn bá quyền Trung Quốc hồi năm 1979 ở biên giới phía Bắc. Sau đó cháu liền kêu một em cắt nghĩa ra hai chữ "dũng cảm" là gì? Nó suy nghĩ một chốc rồi đáp ngay:
- Dũng cảm là... là... đéo sợ!
Vừa lúc đó có ông Bộ trưởng Giáo Dục đến thăm trường, cháu đem chuyện của thằng bé kể cho ông nghe. Nghe xong, ông Bộ trưởng trầm ngâm một lúc rồi bảo:

- Nó cắt nghĩa như thế thì cũng đéo... sai!

Ông Bí thư Tỉnh ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi cũng buộc miệng:

- Bây giờ luân lý, đạo đức con người của xã hội ta là như thế đấy! Rồi đây, các thế hệ trẻ miền Nam cũng thế cả thôi. Đất nước, con người, xã hội bây giờ kiểu này thì đéo... khá được!
----------

Cả làng nói tục: 
Tôi đi công tác về
Có đi qua thôn nọ
Hỏi thăm một em nhỏ
Nhà ông chủ tịch đâu?
Em bé vừa lắc đầu
Vừa đáp tôi đéo biết
Hỏi một bà đang quét
Dọn đường ngõ vệ sinh
Bà cũng đáp nhanh nhanh
Đéo ai biết nhà đấy
Tôi đi sâu vào mãi
Cuối cùng cũng tìm ra
Ông chủ tịch có nhà
Tiếp tôi rất niềm nở
Nhân đây tôi cũng kể
Chuyện nói tục vừa qua
Ông ta cười khà khà!
"Đây chúng tôi rất bực, đã dày công giáo dục- mà họ vẫn đéo nghe".

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chín vấn đề nổi bật của ngoại giao Trung Quốc



Biên dịch: Hoàng Lan

Ngoại giao về cơ bản được quyết định bởi thực lực quốc gia. Nhưng không có nghĩa là có thực lực thì có thể làm tốt ngoại giao, ở đây còn có một vấn đề làm thế nào để vận dụng thực lực, việc này liên quan đến tư tưởng, chiến lược và sách lược ngoại giao.

Những năm gần đây cùng với việc nâng cao thực lực quốc gia, phong cách ngoại giao của Trung Quốc cũng có sự thay đổi rất lớn, từ tương đối bảo thủ trước đây chuyển sang tích cực dám nghĩ dám làm, nhưng việc tích cực mạnh dạn này lại không mang lại hiệu quả như mong đợi, trái lại, ở mức độ nào đó khiến cho môi trường tổng thể của Trung Quốc trở nên xấu đi. Ở đây có nhân tố dư luận bên ngoài chưa thể thích ứng với việc nâng cao thực lực của Trung Quốc, tuy nhiên phần nhiều là do bản thân Trung Quốc gây ra. Nói một cách đơn giản ngoại giao Trung Quốc mang lại cho người ta cảm giác “sợ nhưng không phục”, làm người ta sợ thì dễ, bởi thực lực của bạn đặt ở đó, người ta đương nhiên sợ bạn, giống như đứa trẻ sợ người lớn vậy, đây là một phản ứng tự nhiên nảy sinh bởi thực lực quốc gia, nhưng đồng thời với sự sợ hãi, làm cho người ta tôn kính hay nể phục thì rất khó.

Mỹ là bá chủ toàn cầu, nói một cách tương đối, Mỹ xử lý rất tốt mối quan hệ giữa “sợ” và “phục”, làm cho cả thế giới “vừa sợ vừa phục”. Ngoại giao Trung Quốc muốn đạt đến trình độ này, về mặt tư tưởng và thực tiễn ngoại giao cần phải có một sự thay đổi hệ thống, đặc biệt là phải có sự điều chỉnh lớn trong việc xử lý 9 vấn đề dưới dây:

Thứ nhất, thay đổi tư duy và tâm lý đối đầu ngoại giao với Mỹ, điều chỉnh quan hệ Trung-Mỹ

Nếu quan hệ Trung-Mỹ không phải là mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới hiện nay thì cũng là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Nhưng tầm quan trọng này không phải là đồng đẳng đối với hai bên, Trung Quốc cần Mỹ nhiều hơn so với Mỹ cần Trung Quốc, vì vậy trong cuộc hội kiến với Donald Trump, ông Tập Cận Bình đã nói Trung – Mỹ có hàng nghìn lý do để có mối quan hệ tốt đẹp, không có lý do gì để làm xấu đi mối quan hệ này. Đáng tiếc là trong ngoại giao đối với Mỹ, Trung Quốc thường không để ý đến lời khuyên bảo chân thành này, dùng một tư duy và tâm lý đối đầu để xử lý quan hệ với Mỹ, đặc biệt là trong một số vấn đề nan giải.

Với tư cách là bá chủ toàn cầu, việc Mỹ giữ cảnh giác đối với bất kỳ hành động nào thách thức địa vị bá quyền của mình là có thể hiểu được, Trung Quốc với tư cách là nước lớn trỗi dậy có chế độ xã hội khác với Mỹ, về mặt khách quan sẽ bị Mỹ coi là người khiêu khích, nhưng bản thân Trung Quốc lại hoàn toàn không có ý đồ thách thức bá quyền của Mỹ, bởi một khi có ý đồ này, về mặt tư duy và hành động sẽ biến thành “hễ là Mỹ chắc chắn sẽ phản đối”. Nói như vậy không phải là muốn Trung Quốc luôn hùa theo Mỹ, đối với lợi ích quốc gia của mình đương nhiên phải kiên quyết và giữ kiên định, nhưng phải thực hiện có lý lẽ có căn cứ, phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử quốc tế; đồng thời, không cần phải phô trương thanh thế, phải biết thỏa hiệp và nhún nhường, “ngoại giao phô trương thanh thế” sẽ chỉ có hại cho bản thân.

Đây không đơn giản chỉ là một sự vận dụng sách lược khi thực lực quốc gia không đủ, không đối đầu được với Mỹ, buộc phải trở thành chiến lược quốc gia, kiên trì lâu dài, cho dù trong tương lai có đủ thực lực cũng không được có ý đồ thách thức và thay đổi trật tự toàn cầu dưới sự chủ đạo của Mỹ, chính sách ngoại giao đối với Mỹ cần phải hợp tác lớn hơn đối đầu, làm tốt việc mà nước lớn thứ hai nên làm – nếu Trung Quốc là nước lớn thứ hai. Chỉ khi hiểu được chiến lược lớn thì việc xử lý đối với các vấn đề cụ thể mới không bị mất phương hướng. Đây là một điểm mà ngoại giao Trung Quốc trước tiên phải thay đổi.

Thứ hai, thay đổi chính sách ngoại giao “thù Nhật, ghét Hàn”, thực thi chính sách hòa giải với Nhật Bản, hữu hảo với Hàn Quốc

Trung Quốc và Nhật Bản cùng là hai nước mạnh là cục diện chưa từng có ở Đông Á, điều này dẫn đến Trung Quốc và Nhật Bản chưa thể thích ứng được với đối phương. Đối với Trung Quốc, do nguyên nhân lịch sử và hiện thực, trong gần 10 năm qua, chính sách ngoại giao đối với Nhật Bản của Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi trạng thái “thù hận Nhật Bản”, “ghét Nhật Bản”.

Đối với thái độ xử lý vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku của Nhật Bản, Trung Quốc đương nhiên phải chỉ trích và phản kích, nhưng không nên để vấn đề lịch sử trói buộc ngoại giao hai nước, gây rối cục diện phát triển của hai nước, cũng không nên truyền bá tư tưởng giáo dục thù ghét Nhật Bản một cách sai lầm. Việc xử lý đối với vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng như vậy, duy trì cách tiếp cận lộ trình kép, đó là tách chúng ra, không trói buộc vào toàn bộ quan hệ Trung-Nhật, ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ và hợp tác trong các lĩnh vực khác giữa hai nước. Trung Quốc và Nhật Bản cần phải chủ động hòa giải, chứ không phải là thù hận lẫn nhau.

Trung Quốc cũng nên quan hệ tốt với Hàn Quốc, hiện trạng thái bất thường do vấn đề Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) dẫn đến quan hệ hai nước nhanh chóng sụt giảm cần phải thay đổi. THAAD tuy có gây tổn hại đối với Trung Quốc, nhưng sự tổn hại này so với đại cục quan hệ Trung-Hàn và lợi ích của Trung Quốc trên cả Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên chỉ đứng thứ hai. Do vậy, không thể vì THAAD mà ảnh hưởng đến cục diện hợp tác giữa hai nước, Trung Quốc có thể bày tỏ thái độ phản đối đối với THAAD, nhưng không nên áp dụng biện pháp kinh tế đặc biệt xúi giục người dân phản đối và trừng phạt Hàn Quốc, làm như vậy sẽ chỉ làm cho Trung Quốc mất đi mối quan hệ với Hàn Quốc. Cần phải kéo dài chính sách “hữu hảo” với Hàn Quốc, đi sâu hợp tác giao lưu giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự thậm chí an ninh quân sự.

Thứ ba, thay đổi thái độ giữ bình tĩnh đối với Triều Tiên, tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nước này

Trái với việc phải duy trì hợp tác hữu hảo với Hàn Quốc, đối với Triều Tiên lại phải áp dụng biện pháp nghiêm khắc nhằm hối thúc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Mấy năm gần đây, thái độ và chính sách đối với Triều Tiên của Trung Quốc đã thoát khỏi tình hữu nghị vô căn cứ và việc nắm giữ ý thức hệ trước đây, bắt đầu trở nên thiết thực, nhưng sự thay đổi này vẫn không triệt để, chưa hoàn toàn xuất phát từ lợi ích quốc gia, mà chịu ảnh hưởng từ nhân tố địa chính trị và ý thức hệ nên vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Thái độ thỏa hiệp của Trung Quốc đối với Triều Tiên thể hiện ở việc do lo ngại tình hình trong nước Triều Tiên rối ren và dẫn đến sụp đổ nên tạm thời chưa xử lý đến vấn đề trừng phạt Triều Tiên, vẫn có phần bênh vực Triều Tiên.

Nếu Triều Tiên không phải là một quốc gia “cứng đầu”, dựa vào tính chất và quan hệ láng giềng của Chính quyền Triều Tiên, Trung Quốc có thể và cần phải tiến hành bênh vực ở mức độ nhất định đối với nước này, nhưng vấn đề là sự thực chứng minh sự bênh vực và giúp đỡ của Trung Quốc đối với Triều Tiên mấy năm qua vừa không mang lại sự chuyển biến tốt cho Triều Tiên, vừa gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, khiến cho bản thân Trung Quốc rất bị động. Đối với Chính quyền Triều Tiên, về cơ bản không thể gửi gắm hy vọng cải thiện, chỉ có duy trì không ngừng gây sức ép cao độ thì mới có thể buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân, thay đổi tình trạng nước này.

Thứ tư, thay đổi quan hệ bán đồng minh với Nga, không quá gần gũi với Nga

Trong lịch sử cận hiện đại của Trung Quốc, có hai quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với Trung Quốc, một là Mỹ và nước còn lại chính là Nga. Nhưng ảnh hưởng của Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện rõ chiều hướng tích cực, còn ảnh hưởng của Nga đối với Trung Quốc lại thể hiện mặt tiêu cực nhiều hơn.

Kể từ thế kỷ này, xuất phát từ nhu cầu cùng chống Mỹ, Trung Quốc và Nga nhanh chóng tiếp cận, đặc biệt là mấy năm gần đây, hai nước ngày càng qua lại gần gũi, thể hiện rõ một loại quan hệ bán đồng minh. Nếu hai nước coi việc hợp tác hỗ trợ lẫn nhau là một sự vận dụng sách lược chống lại Mỹ thì có thể hiểu được, nhưng đối với Trung Quốc phải tránh việc tiếp cận với Nga trở thành chiến lược, biến thành quan hệ đồng minh hoặc bán đồng minh để đối đầu với Mỹ.

Ở đây không bàn đến việc trong lịch sử, chỉ riêng việc xem xét từ thực tế, một là trong việc hợp tác hỗ trợ lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga, xét từ kinh nghiệm mười mấy năm qua, không thay đổi được cục diện “Nga chủ trì, Trung Quốc phục tùng”; hai là Nga cũng có tâm lý đề phòng Trung Quốc. Chẳng hạn, về mặt bán vũ khí tiên tiến, hợp tác năng lượng và tranh giành quyền lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nga luôn đề phòng Trung Quốc, đã làm rất nhiều chuyện mờ ám nhằm hại Trung Quốc, như ra sức lôi kéo Ấn Độ vốn không hứng thú với SCO tham gia nhằm kiềm chế Trung Quốc; ba là trong quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), mâu thuẫn giữa Nga và các nước này lớn hơn mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước này, việc hợp tác Trung-Nga có khả năng khiến cho Trung Quốc trở thành một quân cờ để Nga đối đầu với Mỹ và EU; bốn là trong quan hệ Trung-Nga, Trung Quốc muốn được hưởng lợi nhiều hơn là đầu tư mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau này. Lợi ích chung Trung-Nga không bằng lợi ích chung Trung-Mỹ, vì vậy, Trung Quốc phải ý thức được rằng việc kết quan hệ bán đồng minh với Nga đối với lợi ích chiến lược của Trung Quốc mất nhiều hơn được, cần phải thay đổi tình hình này.

Thứ năm, thay đổi nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nhau, làm một nước lớn toàn cầu có trách nhiệm

Đây không phải là nói Trung Quốc là nước không có trách nhiệm, mà nghĩa là trách nhiệm này nhất định phải tăng lên cùng với thực lực quốc gia của Trung Quốc, tức là tương xứng với nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu và nước lớn mới nổi. Cần phải thừa nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã hưởng thụ miễn phí từ hệ thống toàn cầu, tận dụng tối đa ưu thế của hệ thống quốc tế hiện hành có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc muốn phát huy vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế, chiếm vị trí quan trọng hơn trong hệ thống quản trị toàn cầu thì phải dùng năng lực bản thân để phản hồi cộng đồng quốc tế, cung cấp sản phẩm công cộng nhiều hơn, tốt hơn cho toàn cầu, bao gồm việc cải thiện điểm bất hợp lý, không công bằng trong hệ thống quốc tế hiện hành. Muốn làm được điều này, Trung Quốc phải thay đổi nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nhau vốn được xem là nền tảng ngoại giao mấy chục năm qua.

Không can thiệp công việc nội bộ của nhau thường được cổ xúy khi thực lực quốc gia của một nước nhỏ yếu và tồn tại sự thiếu hụt đạo đức, hoặc không muốn gánh vác nghĩa vụ quốc tế. Nguyên tắc này vào mấy chục năm trước đã giúp Trung Quốc giành được một số lượng lớn bạn bè ở thế giới thứ ba. Trung Quốc vừa tự nhận là đang trỗi dậy, trong thực tiễn ngoại giao vẫn còn giữ khư khư nguyên tắc này thì không những sẽ bị cộng đồng quốc tế coi là một thành viên không có trách nhiệm, mà về mặt khách quan sẽ còn trói buộc và hạn chế Trung Quốc phát huy vai trò nước lớn. Đương nhiên, từ bỏ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nhau không phải là khuyến khích Trung Quốc tùy tiện can thiệp công việc nội bộ của người ta, hoặc lấy đó làm cái cớ để thực thi bá quyền, mà là khi cộng đồng quốc tế nảy sinh sự việc bất công phải dũng cảm giương cao chính nghĩa

Thứ sáu, thay đổi ngoại giao ý thức hệ, xóa bỏ màu sắc dân tộc chủ nghĩa trong ngoại giao

Thành phần ý thức hệ trong ngoại giao Trung Quốc luôn nặng nề, tuy dựa vào tình hình quốc tế và môi trường quốc tế mà Trung Quốc phải đối mặt, nhưng ở mức độ rất lớn là dùng ý thức hệ để chỉ đạo kết quả ngoại giao.

Sau khi cải cách, ngoại giao ý thức hệ này đã có sự thay đổi rất lớn, ở một số thời điểm nào đó xuất hiện với hình thức mới đối với một số quốc gia nào đó, điều này biểu hiện rất rõ rệt trong mấy năm gần đây. Ngoại giao ý thức hệ không phải là một kiểu ngoại giao xuất phát từ sự phải trái đúng sai của bản thân sự việc và lợi ích quốc gia, mà là quan niệm giá trị và nhu cầu do đảng cầm quyền chỉ định đặc biệt: thực thi các khái niệm ngoại giao nếu “kẻ địch” phản đối thì mình ủng hộ, còn “kẻ địch” tán thành thì mình sẽ phản đối. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Mỹ, Nhật Bản, Nga, Triều Tiên cũng như một số quốc gia ở Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh như Venezuela mang đậm màu sắc ý thức hệ.

Ngoại giao giá trị quan muốn tránh được hoàn toàn rất khó, nhưng không được mở rộng, cực đoan hóa ngoại giao giá trị quan, nâng lên thành ngoại giao ý thức hệ, dùng ý thức hệ để phác họa, biến thành một kiểu ngoại giao bảo thủ, dẫn đến lợi ích quốc gia hoàn toàn bị ý thức hệ trói buộc. Trung Quốc từng chịu thiệt thòi rất lớn trên phương diện này, hiện vẫn chưa rút ra được bài học.

Ngoài ngoại giao ý thức hệ, cùng với việc tăng cường thực lực quốc gia của Trung Quốc, Trung Quốc lại xuất hiện ngoại giao dân tộc chủ nghĩa, ngoại giao phục vụ cho lợi ích dân tộc thì không có gì sai, nhưng không được đưa lợi ích của dân tộc mình vượt lên trên lợi ích của dân tộc khác, càng không thể lấy cớ lợi ích dân tộc, thực thi ngoại giao cường quyền. Trên thực tế, lợi ích dân tộc của Trung Quốc ở mức độ rất lớn biến thành một cái cớ để phục vụ cho nhóm lợi ích đặc biệt, xét về vấn đề này, ngoại giao dân tộc chủ nghĩa là một biến tướng của ngoại giao ý thức hệ hiện nay, rất khó tách biệt rõ ràng hai vấn đề này.

Thứ bảy, thay đổi biện pháp “thọc gậy bánh xe” đối với các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, không nên làm nổi rõ nguyên tắc “Một Trung Quốc”, không chiến tranh ngoại giao với Đài Loan

Quan hệ giữa Đại lục và Đài Loan tuy không phải là quan hệ quốc gia, nhưng việc xử lý quan hệ giữa hai bờ eo biển cũng liên quan đến ngoại giao. Việc Panama thiết lập quan hệ ngoại giao của Trung Quốc thời gian gần đây đã gây chấn động rất lớn đối với Đài Loan.

Nếu nói Panama do vị trí địa lý đặc thù và việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này có giá trị đối với Đại lục thì việc “thọc gậy bánh xe” đối với các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan chỉ thuần túy là để trừng phạt và trả thù Đài Loan. Nhưng làm như vậy sẽ chỉ khiến cho Đài Loan xa cách Đại lục hơn nữa, cho dù Đại lục không hề để ý đến vấn đề này, việc lôi kéo toàn bộ các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan cũng sẽ không thể gia tăng vị thế quốc tế và lợi ích quốc gia của Đại lục, trái lại phải bỏ ra nhiều chi phí cho vấn đề này.

Bởi các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan ngoài rất ít quốc gia có tầm ảnh hưởng như Tòa thánh Vatican…, phần lớn đều là các quốc gia nhỏ và nghèo mà người ta không nhớ nổi tên. Cho dù thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước đó thì cũng không có ý nghĩa lớn đối với Đại lục. Trái lại, để thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước này, Đại lục lại phải bỏ ra không ít nguồn lực. Những nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan này còn bao gồm đa số nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Đại lục, đều có tâm lý chủ nghĩa cơ hội, “dao động” giữa hai bờ eo biển Đài Loan, lấy nguyên tắc “Một Trung Quốc” làm mồi nhử để sách nhiễu hai bờ eo biển.

Tình hình này hoàn toàn là hậu quả của việc kiên trì cứng nhắc nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan hiện nay chỉ còn lại 20 nước, cho dù để Đài Loan phát triển quan hệ ngoại giao với các nước đó cũng không thể làm thay đổi được nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với nguyên tắc “Một Trung Quốc” và vị thế quốc tế của Đài Loan. Nếu Đài Loan không chịu thừa nhận “Nhận thức chung 1992” thì Đại lục chỉ cần nắm chắc điểm tới hạn là được, tức là đối với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế khác mà Đại lục tham gia và cả các nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Đại lục, yêu cầu họ phải giữ vững nguyên tắc “Một Trung Quốc”, không phát triển quan hệ chính thức với Đài Loan. Đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ, mà không cần thiết phải “thọc gậy bánh xe” các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, ngăn chặn không gian quốc tế của Đài Loan. Nếu có quốc gia và tổ chức quốc tế nào do dự, dùng nguyên tắc “Một Trung Quốc” để thách thức và sách nhiễu Đại lục thì Đại lục có thể cân nhắc gia tăng răn đe.

Hiện trạng trước mắt là do Đại lục quá nhấn mạnh nguyên tắc “Một Trung Quốc”, dẫn đến rất nhiều nước cho rằng có kẽ hở để lợi dụng, đòi hỏi không có điểm dừng đối với Trung Quốc. Và để viết trên thông cáo ngoại giao “Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời với Trung Quốc”, hàng năm Trung Quốc đều phải trả nhiều cái giá đặc biệt. “Ngoại giao vung tiền” bị chỉ trích đều được sử dụng ở phương diện này.
Nếu như trước đây Trung Quốc vì thực lực quốc gia tương đối yếu, không có công cụ hữu hiệu nào để đối phó và trừng phạt những quốc gia có ý đồ “ăn hai mang”, vậy thì giờ đây trong hòm công cụ của Trung Quốc có rất nhiều công cụ trừng phạt có thể vận dụng. Trong trường hợp này, tin rằng đại đa số quốc gia do lợi ích của mình đều có thể sáng suốt đưa ra lựa chọn, hoàn toàn không cần thiết phải lần nào cũng nhấn mạnh, muốn người ta thừa nhận “Một Trung Quốc”, lãng phí một số lượng lớn nguồn lực quốc gia. Vì vậy, cần phải cho Đài Loan một khoảng không gian quốc tế ra sao?

Thứ tám, thay đổi đúng lúc thái độ không tiếp xúc, không đàm phán với Đạtlai Lạtma, né tránh yêu cầu đòi độc lập đang trở nên gay gắt của Tây Tạng

Giống như Đài Loan, Tây Tạng cũng đã khiến Trung Quốc phải chi trả một khoản lớn chi phí không cần thiết. Một biểu hiện nổi bật về mặt ngoại giao trong vấn đề Tây Tạng chính là thái độ đối với Đạtlai Lạtma.
Do Trung Quốc xác định Đạtlai Lạtma là một phần tử chia rẽ dân tộc, không cho phép người đứng đầu và quan chức chính phủ các nước dùng tư cách nhà nước để tiếp xúc với Đạtlai Lạtma, nếu không sẽ bị coi là can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc, từ đó dẫn đến quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và một số quốc gia xảy ra rắc rối. Điển hình nhất là nước Anh, trong thời kỳ Chính quyền Cameron, vì Cameron hội kiến với Đạtlai Lạtma bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, khiến cho quan hệ Trung-Anh bị thụt lùi toàn diện. Ngoài ra, nhà lãnh đạo của một số nước phương Tây trong đó có Pháp, Canada, Mỹ cũng vì hội kiến với Đạtlai Lạtma mà gây tổn hại đến quan hệ song phương ở mức độ khác nhau.

Lý do Trung Quốc chỉ trích Đạtlai Lạtma là do Trung Quốc cho rằng ông là một phần tử chia rẽ dân tộc khoác chiếc áo tôn giáo, nhưng trên cộng đồng quốc tế, Đạtlai Lạtma lại là lãnh tụ tôn giáo có tầm ảnh hưởng thế giới. Các nhà lãnh đạo phương Tây khi hội kiến với Đạtlai Lạtma đều nhấn mạnh đến vai trò lãnh tụ tôn giáo của ông. Sự khác biệt về mặt nhận thức thân phận đối với Đạtlai Lạtma khiến cho Trung Quốc thường phải bỏ ra chi phí ngoại giao quá mức để ngăn chặn các nhà lãnh đạo và quan chức chính phủ của các quốc gia khác hội kiến Đạtlai Lạtma. Giải quyết vấn đề then chốt này là không được làm nổi bật quá thân phận chính trị của Đạtlai Lạtma, nhìn thẳng vào sự tồn tại và tầm ảnh hưởng tôn giáo của Đạtlai Lạtma, thay đổi kịp thời thái độ không tiếp xúc, không đàm phán đối với Đạtlai Lạtma.

Đối với Đạtlai Lạtma, hiện Trung Quốc áp dụng biện pháp “chờ đợi thời cơ”, cho rằng đợi sau khi Đạtlai Lạtma viên tịch thì vấn đề Tây Tạng tự khắc sẽ được giải quyết, cách nghĩ này quá ngây thơ, bởi không có sự bảo hộ tinh thần của Đạtlai Lạtma – người theo chủ nghĩa hòa bình này – thì chính quyền lưu vong Tây Tạng trong vấn đề độc lập sẽ chỉ trở nên cấp tiến hơn, sự bất mãn của người dân tộc Tạng cũng có thể sẽ gia tăng hơn nữa, sẽ kéo rộng khoảng cách hơn nữa khiến cho vấn đề Tây Tạng có thể xấu đi.

Thứ chín, thay đổi khái niệm một mình hưởng thụ Biển Đông, thừa nhận hiện trạng, gác lại tranh chấp, cùng khai thác, bảo vệ hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Đông

Kể từ sau khi Philippines đưa ra vụ kiện Biển Đông ra Tòa Trọng tài và được sự tán thành của Tòa Trọng tài, Trung Quốc trên thực tế ở trạng thái bị động, chỉ có điều tân Chính phủ Philippines đã thay đổi chính sách đối đầu với Trung Quốc của người tiền nhiệm, khiến cho vấn đề Biển Đông không bị xấu đi thêm nữa, nhưng trạng thái bị động về mặt pháp lý vẫn không thay đổi.

Nói một cách khách quan, trừ phi sử dụng vũ lực, nếu không Trung Quốc không thể “một mình hưởng thụ” hoàn toàn Biển Đông. Do vậy, đối với Trung Quốc và các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, một phương thức giải quyết hợp lý có thể tính đến lợi ích các bên là chấp nhận nguyên trạng, gác lại tranh chấp, cùng khai thác nguồn tài nguyên và bảo vệ hòa bình ở Biển Đông.

Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn nhất và có thực lực mạnh nhất ở Biển Đông, nên dẫn đầu đề xướng thành lập một Cộng đồng năng lượng Biển Đông cùng chia sẻ nguồn tài nguyên dầu khí, kết hợp cùng khai thác dầu mỏ ở Biển Đông, đồng thời xác lập tỷ lệ phân chia lợi ích hợp lý căn cứ vào số tiền đầu tư. Trước đây trên phương diện này do bị hạn chế ở kỹ thuật khai thác dầu mỏ, các nước trong khu vực không thể hợp tác được với nhau, mà là hợp tác khai thác cùng với các công ty dầu mỏ của các nước ngoài khu vực. Hiện Trung Quốc đã có đầy đủ khả năng thăm dò biển sâu và kỹ thuật khai thác, các bên liên quan ở Biển Đông hoàn toàn có thể thành lập một Cộng đồng năng lượng, cùng khai thác.

Ngoài ra, để ứng phó với an ninh trên biển, phòng chống cướp biển, bảo vệ tự do hàng hải, Trung Quốc cũng có thể dẫn đầu các nước có yêu sách chủ quyền, thiết lập đội ngũ thực thi pháp luật và cơ chế hợp tác an ninh trên biển ở Biển Đông.

Tóm lại, trên cơ sở thừa nhận lợi ích của các bên ở Biển Đông, bắt tay hợp tác từ năng lượng và kinh tế, mở rộng đến lĩnh vực an ninh chính trị, thiết lập cơ chế hợp tác, xây dựng cộng đồng lợi ích ở Biển Đông, đồng thời dùng hình thức hiệp ước để ràng buộc, khiến cho các bên ở Biển Đông được hưởng lợi từ trong hợp tác, xóa bỏ sự lo ngại của họ đối với Trung Quốc thì mới có thể thật sự gác lại tranh chấp chủ quyền, biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác. Còn hòa bình an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông cũng sẽ là sự đảm bảo lớn nhất đối với lợi ích của Trung Quốc. Mục đích cuối cùng của Trung Quốc chẳng phải là như vậy sao?

Vấn đề ngoại giao của Trung Quốc đương nhiên không chỉ biểu hiện ở 9 điểm nói trên. Nhưng nếu trong 9 điểm này có một sự thay đổi lớn thì ngoại giao Trung Quốc sẽ có một diện mạo hoàn toàn mới. Sự tôn trọng của mọi người đối với Trung Quốc sẽ tăng lên, Trung Quốc cũng sẽ có tầm ảnh hưởng lớn hơn đối với thế giới. Nói thẳng ra là sở dĩ ngoại giao phải thay đổi là vì Trung Quốc không còn là Trung Quốc của mười mấy năm trước nữa, sau khi thực lực quốc gia của Trung Quốc tăng cường hơn nữa, Trung Quốc phải trở thành một quốc gia “quân tử” khiêm nhường có trách nhiệm đối với thế giới, chứ không phải là một quốc gia ngang ngược sử dụng sức mạnh tàn bạo.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin mới chiều 2/9: Bất chấp tất cả, VN đứng lên không chấp nhận Biển Đôn...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện bi hài ở phiên toà xét xử Hà Văn Thắm



BẢO THẮNG - CAO NGUYÊN
LĐO - Lái xe ngơ ngác khi biết mình là Tổng giám đốc một công ty lớn, hay chuyện kiều nữ nức nở, trả lời toà bằng nước mắt ... là những chuyện bi hài quanh vụ xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm, đang được TAND TP Hà Nội thụ lý.

“Mất kiểm soát” tuyến lệ

Phiên xử Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cùng đồng phạm chứng kiến nhiều câu chuyện bi hài ngay từ màn thủ tục phiên toà.

Theo đó, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (SN 1983, quê Ninh Bình, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty BSC) gây chú ý ngay từ những giây phút đầu tiên với những lần “nức nở”, đem lại cho người khác cảm giác, cô gái này không còn làm chủ được tuyến lệ của mình.

Ở phần làm thủ tục phiên toà (kiểm tra căn cước cùng một số thông tin liên quan), bị cáo Tứ đã giàn giụa, không thể nói rõ những câu trả lời trước hội đồng xét xử (HĐXX), khiến không ít lần vị chủ toạ phiên toà phải nhắc nhở, động viên “bị cáo bình tĩnh”.

Đến phiên xử hôm 30.8, bị cáo Tứ tiếp tục tái diễn màn "thay lời muốn nói" bằng những giọt nước mắt lã chã khi HĐXX thẩm vấn. Lý giải việc “khóc như mưa” mỗi lần được hỏi đến, Tứ cho hay, do thần kinh yếu, dễ bị cảm xúc nên vậy.

Cũng bị cáo này, khi trả lời toà, luôn khẳng định mình không liên quan gì đến các đồng phạm ở nhóm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: “Dạ thưa hội đồng xét xử, bị cáo không làm gì hết, bị cáo không tư lợi, không giúp sức cho ai”.

Trong một diễn biến liên quan, phiên xử sơ thẩm hồi tháng 2 vừa qua, bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ đến toà với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, quá trình xét xử, cơ quan toà án nhận thấy có nhiều nội dung chưa được làm sáng tỏ, đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Kết thúc giai đoạn điều tra bổ sung, Tứ đến toà với một tư cách mới, vốn dĩ không hề mong muốn: Bị cáo.

Lái xe ngỡ ngàng biết mình là... Tổng giám đốc

Hôm 31.8, khi đang thẩm vấn các “chóp bu” của OceanBank, nhiều người theo dõi phiên toà được phen nghiêng ngả khi trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc OceanBank tự nhận mình là người nổi tiếng và rất nhiều tiền.

Theo ông Sơn, số tiền hơn 300 tỷ đồng bị cơ quan chức năng cáo buộc đã chiếm đoạt nhưng bị cáo cho hay, không dùng một đồng nào cho mục đích cá nhân. Lý giải khoản tiết kiệm 50 tỷ đồng trong ngân hàng, bị cáo Sơn khẳng định đây là số tiền có được nhờ tham gia một số dự án và lãi lớn. “Bị cáo cũng là người đầu tư tài chính, có thời kỳ bị cáo còn nổi tiếng trên thị trường chứng khoán và có khá nhiều tiền để đầu tư” – cựu Tổng giám đốc OceanBank nói trước toà.

Trường hợp lái xe bỗng dưng biết mình là Tổng giám đốc cũng được đánh giá là một trong những câu chuyện bi hài quanh vụ xử Hà Văn Thắm và đồng phạm.

Cụ thể, ở phiên 29.8, trong khi thẩm vấn bị cáo Trần Văn Bình – cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung, bị cáo này tỏ ra ngỡ ngàng khi biết mình là Tổng giám đốc.

Tài liệu truy tố thể hiện, tháng 11.2012, Trần Văn Bình ký hợp đồng tín dụng với OceanBank vay 500 tỷ đồng. Theo cáo buộc, bị cáo Bình là Tổng giám đốc của Công ty Trung Dung, nhưng ở toà, ông Bình khai nhận chỉ là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh. “Khi cơ quan điều tra nói bị cáo là Tổng giám đốc Công ty Trung Dung thì bị cáo mới biết” – ông Bình nói trước toà.

Vừa khai "trong sạch" hôm trước, hôm sau bị bắt

Đó là tình huống của Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – Ninh Văn Quỳnh. Tại phiên xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc OceanBank khai nhận đã chi 30-50 tỷ đồng mỗi năm cho PVN vào cá dịp lễ, tết và đưa tiền cho Ninh Văn Quỳnh. Bởi bị cáo Sơn cho rằng, thông qua ông Quỳnh có thể gửi quà đến cho khách hàng.

Phủ nhận lời khai này, tại toà, ông Quỳnh cho rằng, cá nhân cũng như PVN nhận thức việc Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn đưa tiền là sai trái nên đã không nhận.

Tuy nhiên, ngày 1.9, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã phát đi lệnh khởi tố ông Ninh Văn Quỳnh cùng các đồng phạm liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với việc góp 800 tỷ đồng từ PVN vào OceanBank.

>>> MP Blog...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

VĂN TẾ THẬP LOẠI QUAN THAM

Phạm Lưu Vũ


(Kẻ hậu sinh cung kính lạy cụ Đồ Chiểu)
Hỡi ơi! Thuế nặng phí dày, lòng dân bải hoải.
Trăm năm công đánh giặc, chưa chắc mà nay ở ngôi cao,
Mấy đời móc túi dân, thân tuy béo tiếng tham như chó
Nhớ quân xưa:
Con cái nhà ai,
Ăn no dửng mỡ.
Quen thân nhung lụa, đâu biết lòng dân,
Chỉ biết chọi nhau, ở trong biệt phủ.
Việc hát, việc hò, việc đàn, việc đúm… thân vốn quen rồi,
Học ăn, học nói, học chữ, học nghề… mắt đâu thèm ngó.
Nghiệp ăn hại kết tinh từ kiếp trước, cha quan to thì mình tất quan to,
Mùi tham lam đã ngấm đến cao lâu, thích hối lộ như mèo hoang thích chuột.
Chỗ thấy đường xe đông như nước, muốn lập trạm thu;
Ngày xem ngân sách cạn như chùi, muốn nâng thuế VAT.
Một mối lợi danh ngồn ngộn, há để ai cướp mất của ai,
Hai tầng quyền lực ngút trời, đâu dung lũ dân đen khốn khó.
Nào sợ ai đòi, ai bắt? phen này xin thỏa sức tung hoành,
Chẳng thèm biết ngượng, biết ghê, chuyến này quyết ra tay vơ vét.
Khá ngon thay:
Vốn chẳng phải quan to, quan nhỏ, khối thằng theo đóm được an tàn,
Chẳng qua là con bạc, con buôn, quan hệ tốt thiếu gì dự án.
Mười tám môn hối lộ, nào biệt thự, nào nhà,
Chín chục triệu dân đen, cứ tha hồ móc túi.
Ngoài cật đã có tờ quyết định, nào đợi dân kịp trở tay,
Trong xe chồng một đống hồ sơ, đâu cần đến lương tri, công lý.
Cửa quan đã đẻ ra cơ chế, liền sinh ra nhóm nọ nhóm kia,
Nhân danh người nhà tướng, nhà quan, chả cần vốn cũng tay không bắt giặc.
Chi nhọc thương thảo với giá này, giá nọ, lấn vườn, cướp ruộng, coi giặc cũng như dân,
Nào sợ thằng Vươn bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, dễ dàng như tập trận.
Kẻ dùi cui, người roi điện, làm cho dân lành, con nít hồn kinh,
Bọn hè trước, lũ ó sau, thương thay lão già gãy cẳng.
Tấm gương đạo đức đâu rồi?
Ai biết tính người vội bỏ.
Một kiếp quan trường rằng chữ lợi, ai hay quả báo nhãn tiền,
Trăm năm địa ngục ấy chữ nguy, nào đợi nhân nào quả nấy.
Núi sông mờ mịt, mà cỏ cây mấy dặm sầu giăng;
Thiên hạ thái bình, để già trẻ hai hàng lệ nhỏ.
Bên ngoài giặc cướp, Hán gian ùa tới, mà biển khơi đã chết còn dày đặc âm binh,
Bên trong quan tham, giữ ghế hành dân, mà hiệu lực nhất nhất theo kim tiền chỉ đạo.
Nhưng nghĩ rằng:
Tấc đấc ngọn rau ơn xương máu, tài bồi cho cả nước nhà ta,
Bát cơm manh áo sống ở đời, tối mắt mấy đời cha con nó.
Vì ai khiến dân đen khốn khổ, thuế phí chồng nhau,
Vì ai xui vườn ruộng tan tành, động mồ động mả?
Sống làm quan tham lam vô đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn,
Chết làm ma ở chốn cửu tuyền, ngửi phân lợn, uống nước đồng, nghe càng thêm hổ.
Thà chưa thác mà đặng lòng sám hối, ăn năn may tổ phụ còn vinh;
Hơn sống dai mà chịu chữ cẩu quan, ở với nhân dân cũng ngượng.
Thôi đi thôi!
Đường quan lộ, năm năm ư một khóa, có tham lam cũng lưu lại chút tình,
Nẻo công danh, một kiếp đặng một lần, cẩn thận kẻo sa phải vòng lao lý.
Đau đớn bấy! người tình ngồi tiếc của, Buổi vàng son sung sướng đâu rồi,
Não nùng thay! vợ trẻ chạy nuôi chồng, con xế cũ đậu ngoài song sắt.
Ôi!
Một khóa quan tham;
Nghìn năm nhục nhã.
Giặc cướp vẫn giăng đầy đâu đó, ai làm cho bốn phía mây đen,
Ông cha ta còn gửi cốt nơi đây, ai cứu đặng mấy phường con đỏ.
Sống mà cả nước non đều hận, oan gia đầy, muôn vạn kiếp còn theo,
Thác đừng trông đền miếu để thờ, tiếng gian trải muôn đời ai cũng chửi.
Sống tạo nghiệp, thác thì trả nghiệp, linh hồn theo ám cháu con, muôn kiếp không ngóc đầu lên được,
Sống thờ giặc, thác phải thờ ma, lời Phật dạy đã rành rành, một chữ “đọa” đủ mà cảnh tỉnh.
Hỡi ơi!
Nước mắt dân lành lau chẳng ráo, thương vì hai chữ dân oan,
Cây hương liệt sĩ thắp nên thơm, cám bởi một câu bội nghĩa.
May ra thì hưởng!

Phần nhận xét hiển thị trên trang