Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

NHỮNG NHÀ PHÊ BÌNH CHÍNH TRỊ

Bùi Công Thuấn


Phê bình văn học-Diện mạo của một thời


Tôi tạm gọi những nhà phê bình văn học chuyên tâm vào vấn đề chính trị khi phê bình một hiện tượng văn học là những nhà phê bình chính trị. Xin không nhầm lẫn với những nhà bình luận chính trị trên báo chí, vì đối tượng của những người cầm bút này là những vấn đề chính trị.

1.CƠ SỞ XUẤT PHÁT
Từ đâu xuất hiện những nhà phê bình chính trị? Và nhiệm vụ của họ là gì?
Những nhà phê bình chính trị, phê bình trên lập trường ý thức hệ Marxist ở Việt Nam đã xuất hiện từ những năm 1930-1945. Giáo sư Nguyễn Văn Trung trong Lược khảo văn học tập III (1968) ở Sài Gòn cho biết:
“Ngay từ hồi 1933-1935 đã có những nhà phê bình Việt Nam đặt những vấn đề lý luận văn học và phê bình văn học theo quan điểm Mácxít. Nhất là vào thời kỳ Mặt trận Bình dân, Đảng Cộng sản được tương đối tự do hoạt động, một số tờ báo do Đảng lãnh đạo chủ trương đường lối phê bình Mácxít một cách công khai với những người như Hải Triều, Hải Thanh, Bùi Công Trừng…Trong cuộc tranh luận Văn học vị nghệ thuật hay vị nhân sinh hồi 1935, Hải Triều công khai đứng trên lập trường Mác xít để bài bác những quan điểm của Thiếu Sơn, Phan Khội, Hoài Thanh…”
…”Phê bình Mác xít trở thành trội bật, quyến rũ với những tác phẩm của Nguyễn Bách Khoa hồi 1940-1945. Từ 1945 đến 1954 và nhất là từ 1954 đến bây giờ, một nửa nước Việt Nam coi quan điểm Mác xít là quan điểm phê bình chính thức và độc tôn. Nỗ lực áp dụng phương pháp phê bình duy vật vào văn học…” (sđd, tr.190)
Trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948), đồng chí Trường Chinh nói rõ:
“Chúng tôi thành thật trông chờ những cây bút phê bình chân chính trong văn nghệ Việt Nam.
…Phê bình chúng tôi đề nghị đây là phê bình đúng nguyên tắc, phê bình trong kỷ luật dân chủ, không phải ‘tư do phê bình’. Có thể có những kẻ manh tâm muốn phê bình để gieo rắc sự chia rẽ, nghi ngờ trong hàng ngũ dân tộc, để cung cấp tài liệu cho địch hại ta. Những kẻ đó không phải là phê bình mà là quấy rối, không phải thật tâm cầu tiến bộ mà là khiêu khích, địa vị của chúng không ở trên đàn văn nghệ của một nước dân chủ, mà phải ở trong nhà tù của chính quyền nhân dân!
Không phải chỉ cần phê bình những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch. Cuộc đấu tranh về văn hóa và tư tưởng không thể tách rời cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự và kinh tế được. Kẻ thù đem tư tưởng bi quan hưởng lạc ra nhồi sọ thanh niên ta trong vùng chúng kiểm soát; chúng mê hoặc quần chúng bằng những quan điểm ích kỷ, duy tâm; chúng truyền bá nghệ thuật suy đồi, thối tha của chúng; chúng đầu độc tinh thần nhân dân ta một cách vô cùng thâm độc. Ta đã theo dõi để vạch mặt chúng chưa? Đuy-ha-men (Duhamel) sang Đông Dương lớn tiếng bênh vực chính sách ăn cướp của lũ thực dân; ai là người trong giới văn nghệ chúng ta đã đứng ra trả lời cho hắn một cách đích đáng? Trong chiến tranh chống thực dân xâm lược này, cuộc đấu tranh về tư tưởng không thể thiếu được!
Chúng tôi sốt ruột trông chờ những kiện tướng phê bình văn hóa đế quốc nói chung và văn hóa thực dân Pháp nói riêng. Chúng ta không nên quên rằng tư tưởng văn nghệ đồi trụy của thực dân Pháp, những học thuyết nguy hiểm của chúng đã ít nhiều thấm vào tâm hồn thanh niên, trí thức và thế hệ văn nghệ sĩ nước ta ngày nay. Bởi vậy, phê bình tư tưởng phản động và văn học, nghệ thuật đồi trụy của thực dân Pháp còn là một cách cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa.”[1]
Trong đoạn trích trên, hai lần Trường Chinh nói rằng: “Chúng tôi thành thật trông chờ những cây bút phê bình chân chính trong văn nghệ Việt Nam.”; “Chúng tôi sốt ruột trông chờ những kiện tướng phê bình...”. Nghĩa là trong cuộc đấu tranh chống xâm lược đòi buộc phải có đội ngũ những nhà phê bình chân chính, những kiện tướng phê bình. Vì “Trong chiến tranh chống thực dân xâm lược này, cuộc đấu tranh về tư tưởng không thể thiếu được”
Trong đoạn văn trên, Trường Chinh cũng xác lập rõ đối tượng phê bình là: “Không phải chỉ cần phê bình những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch”.
Hoạt động phê bình còn có một mục tiêu khác nữa là: “Bởi vậy, phê bình tư tưởng phản động và văn học, nghệ thuật đồi trụy của thực dân Pháp còn là một cách cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”
Như vậy “phê bình chính trị” không chỉ đơn thuần là phê bình văn học nghệ thuật, mà nhà phê bình thực hiện nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh về văn hóa-tư tưởng mà “Cuộc đấu tranh về văn hóa và tư tưởng không thể tách rời cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự và kinh tế được”, nghĩa là đang làm nhiệm vụ của một chiến sĩ trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật, trong cuôc đấu tranh chung của dân tộc. Vai trò này có thẩm quyền lớn hơn vai trò của một nhà phê bình văn học nghệ thuật đơn thuần. Họ có chỗ đứng chân chính trên diễn đàn văn nghệ. Ngoài nhiệm vụ phê bình “những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch” họ còn góp phần “cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”.
Những nội dung trên còn được nhắc lại trong các nghị quyết của Đảng về văn học nghê thuật:
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VIII, ngày 16.07.1998 nhận định:
“Đời sống văn học, nghệ thuật còn những mặt bất cập. Rất ít tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc và thành quả đổi mới. Trong sáng tác và lý luận, phê bình, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan. Một vài tác phẩm viết về kháng chiến đã không phân biệt chiến tranh chính nghĩa vói chiến tranh phi nghĩa. Xu hướng “thương mại hoá”, chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật bị suy giảm.
Và đề ra nhiệm vụ:
Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.”
Nghị quyết 23 của Bộ chính trị ngày 16/6/2008 cũng nhận định:
“hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt. Lý luận văn học chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó...
Quan điểm chỉ đạo:
- Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hoá của các thế lực thù địch
Các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò, nhiệm vụ của nhà phê bình chính trị nói riêng và tất cả các nhà phê bình văn học nghệ thuật trong Hội Nhà văn Việt Nam nói chung. Vì thế ta hiểu vì sao tiếng nói của nhà phê bình chính trị có “uy quyền” hơn những nhà phê bình nghệ thuật đơn thuần.
2. PHÊ BÌNH CHÍNH TRỊ DỰA TRÊN NHỮNG TIÊU CHÍ NÀO?
Thực ra khuynh hướng phê bình chính trị đã trở thành khuynh hướng độc tôn suốt mấy chục năm qua ở Việt Nam trước giai đoạn đổi mới. Trong nhà trường, giảng Văn là giảng chính trị. Đọc tác phẩm văn chương, tiêu chí đầu tiên đánh giá tác phẩm là tiêu chí chính trị. Các hoạt động văn học nghệ thuật đều hướng đến phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị. Hội Nhà Văn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội- nghề nghiệp của người viết văn, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ đến sau đổi mới (1986) các khuynh hướng phê bình khác mới được phép tìm tòi thử nghiệm. Cùng với sự tiếp thu các lý thuyết phê bình đương đại, khuynh hướng phê bình chính trị mới có tính “đối thoại” hơn đối với Cái Khác. Nhưng tiếng nói “quyền uy” của phê bình chính trị vẫn còn nguyên giá trị.
Nhà phê bình chính trị thường xem xét tác phẩm văn chương ở những tiêu chí như, tác phẩm có phản ánh chân thực hiện thực cách mạng không; trong khi phản ánh hiện thực, tác giả có theo đúng quan điểm đường lối của Đảng không, có nhiệt tình phục vụ cách mạng không; tác phẩm thực hiện chức năng giáo dục, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong mặt trận văn hóa tư tưởng như thế nào... Nói gọn lại là, tác phẩm có được viết bằng phương pháp sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa như Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã đề ra hay không. Và tùy vào mức độ “giác ngộ chính trị” và vị trí công tác, thì nhà phê bình chính trị có thể có cái nhìn khác với quần chúng về một tác phẩm hay một hiện tượng văn học, và do đó, có “thẩm quyền” khác nhau, gây ra những ảnh hưởng khác nhau..
Thực tế là ở những nhận định, đánh giá một tác phẩm, một hiện tượng văn học những cấp có thẩm quyền cao (như Tuyên giáo tỉnh, Tuyên giáo trung ương, Hội đồng Lý luận và Phê bình VHNT trung ương) luôn có ý nghĩa chỉ đạo cho cấp dưới trong hệ thống chính trị. Chẳng hạn khi một tác phẩm bị cấp địa phương phê phán, nếu cấp trung ương và công luận lên tiếng bảo vệ thì sự phê phán sẽ có thể được bỏ qua. Trường hợp truyện ngắn Cánh đồng bất tận (2006) của Nguyễn Ngọc Tư, và bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của Đàm Chu Văn 2012. Ngược lại nếu cấp có thẩm quyền đánh giá là “có vấn đề” thì tác phẩm có thể bị thu hồi.
Đúng là “quyền uy” của nhà phê bình chính trị tỷ lệ thuận với nhân thân và chỗ dựa chính trị để lập luận. Xin đọc nhận định của Vũ Hạnh (2007) về việc tái bản các tập truyện của Dương Nghiễm Mậu, một tác giả miền Nam trước 1975:
“Những tác phẩm này giá trị ra sao đa số bạn đọc sống ở miền Nam trong thời chống Mỹ đều đã biết rõ. Bởi lẽ những quyển sách này không chỉ là các sản phẩm văn hóa mà vốn là những vũ khí độc hại về mặt tinh thần.
Chúng ta đều biết phản động và đồi trụy là những đặc điểm nổi bật mà chế độ cũ vận dụng để làm tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược. Nếu nhiều quyển sách của Dương Nghiễm Mậu nổi bật là tính phản động thì sách Lê Xuyên là tính đồi trụy. Phải nhìn nhận rằng thời chế độ cũ không ai quan niệm sách của Lê Xuyên thuộc loại văn chương bởi sự dễ dãi về mặt bút pháp và sự tồi tệ về mặt nội dung. “
Vũ Hạnh quy kết tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu là “phản động”, nằm trong văn hóa đồi trụy và phản động của chế độ cũ ở miền Nam trước 1975. Để củng cố kết luận ấy, Vũ Hạnh đã đứng trên lập trường “văn học là vũ khí tinh thần” trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong chế độ cũ, đã đem Cách mạng và sự nghiệp giải phóng đất nước làm chỗ dựa chính trị để lập luận, đồng thời lại mượn tất cả người đọc ở miền Nam thời chế độ cũ để phủ định giá trị của tác phẩm Dương Nghiễm Mậu. Vũ Hạnh nói như thế thì ai cãi được. Có điều Vũ Hạnh đã không chỉ ra cụ thể trong những cuốn sách tái bản của Dương Nghiễm Mậu đâu là phản động, và mối quan hệ của chúng trong chính sách văn hóa của chế độ cũ ở miền Nam, thành ra người đọc chỉ thấy đó là những nhận định quy chụp hẹp hòi và đã cũ so với thời đại đổi mới.
Và đây là “đối thoại” của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người viết lời giới thiệu cho các tập truyện tái bản của Dương Nghiễm Mậu:
“Gửi ông Vũ Hạnh
Tôi đã đọc bài viết “Đâu là tiêu chí của người xuất bản” của ông (Sài Gòn Giải phóng 22/4/2007) về việc nhà xuất bản Văn nghệ và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp xuất bản một số tác phẩm viết và in tại Sài Gòn trước 1975 của Lê Xuyên và Dương Nghiễm Mậu. Cuối bài ông có nhắc đến sự “giật mình” của nhiều người (trong đó có ông không?) khi đọc bài “Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu” của tôi (Thể thao & Văn hóa 13/4/2007). Tôi không có ý bình luận hay trao đổi gì với ông về bài viết đó. Nhưng nhân có nó tôi muốn kể lại chuyện này có lẽ ông đã biết rồi nhưng nghe lại để nhớ lại.

Cách đây gần mười lăm năm tôi nêu lên yêu cầu phải nghiên cứu bộ phận văn học miền Nam (Sài Gòn) giai đoạn 1954-1975 để hình dung một bức tranh văn học dân tộc đầy đủ của thế kỷ XX. Riêng về thơ tôi đã nêu lại nhóm Sáng Tạo và vai trò của Thanh Tâm Tuyền trong sự vận động đổi mới thơ Việt sau 1945. Đề xuất của tôi vấp phải những phản ứng quyết liệt gay gắt của một số người mà tựu trung lý lẽ của họ cũng như ông bây giờ: nhân thân tác giả là “ngụy” và nội dung tác phẩm là “phản động đồi trụy”. Ông Trần Mạnh Hảo đã có hơn một bài phê phán trực tiếp tôi về chuyện này và liên quan đến thơ Thanh Tâm Tuyền ông ấy đã cho tôi là “giật lá cờ máu trong tay thơ ca kháng chiến trao về phía bên kia”.

Thời gian cứ trôi thơ Thanh Tâm Tuyền (cũng như các tác phẩm văn học có giá trị khác của một nửa đất nước thời 1954-1975)) vẫn “âm thầm chảy” để đến năm 2006 khi nhà thơ này qua đời ở Mỹ thì tại Hà Nội tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam do chính ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội và là bí thư ban cán sự Đảng của Hội làm tổng biên tập đã in lại 4 bài thơ của Thanh Tâm Tuyền “để tưởng nhớ một tài năng có nhiều tâm huyết đóng góp cho quá trình hiện đại hóa thơ”. Điều này tôi đã viết trong ý kiến “Một đính chính cho Hoàng Ngọc-Tuấn”.

Liệu tôi và độc giả rộng rãi có phải chờ mười lăm năm nữa để lại được đọc những dòng như trên đây của báo Văn nghệ (thay cho tạp chí Thơ) viết về Dương Nghiễm Mậu hay không thưa ông Vũ Hạnh tác giả của “Bút máu” một truyện ngắn hay đăng công khai ở Sài Gòn trước 1975?

Trong khi đó tôi lại muốn mách ông biết: trong cuốn Từ điển văn học (bộ mới 2005) Dương Nghiễm Mậu đã được đưa vào với tư cách một tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam (tr. 358 - 360). Cuốn từ điển này đã được đánh giá cao thời gian qua. Ở bìa bốn của bốn tập truyện ngắn vừa in lại của Dương Nghiễm Mậu đều có trích các nhận định từ mục từ này. Vậy thưa ông Vũ Hạnh khi một nhà văn đã được đưa vào từ điển khẳng định từ điển đã được phát hành rộng rãi và được thừa nhận giá trị thì việc cục xuất bản cấp giấy phép và nhà xuất bản in sách của nhà văn đó có gì là sai trái là phạm luật? Ông có nhắc đến nhà văn Nguyễn Mộng Giác sống ở Mỹ và bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ viết về Nguyễn Huệ được in lại trong nước. Nhưng bây giờ nếu ông Nguyễn Mộng Giác xin phép cũng in lại trong nước bộ tiểu thuyết trường thiên khác của ông ấy là Mùa biển động viết về hiện thực cuộc chiến tại miền Nam trong thời gian 1963-1975 mà không được cấp phép thì ông nói sao thưa ông Vũ Hạnh?
Phạm Xuân Nguyên đã đưa một người có nhân thân và vị trí chính trị cao hơn Vũ Hạnh để làm chỗ dựa lập luận cho mình, đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời đưa thêm một “thực thể chính trị” có uy tín học thuật và pháp lý là Hội đồng soạn thảo Tự điển văn học (bộ mới 2005). Tác giả của bộ Tự điển này là 58 chuyên gia, cùng với sự cộng tác của 48 chuyên gia khác, trong đó có nhiều Giáo sư-Tiến sĩ có uy tín như Phong Lê, Trần Đình Sử, Trần Hữu Tá, Lê Ngọc Trà, Đỗ Lai Thúy, Phương Lựu, Trương Đăng Dung…Tất nhiên nhân thân và uy tín của Vũ Hạnh không là gì cả so với tập thể hơn 100 chuyên gia sọan Tự điển văn học. Phạm Xuân Nguyên đã vận dụng những tư tưởng đổi mới về văn nghệ của Đảng (lập trường dân tộc và sự đổi mới văn học) để bảo vệ “uy tín chính trị” của mình. Lập luận của Phạm Xuân Nguyên tỏ ra “mới” hơn nhiều. Vũ Hạnh đã là “người của quá khứ”.
3. NHỮNG LẦN “QUẤT ROI” PHÊ BÌNH
Khi một tác phẩm, một hiện tượng được coi là vấn đề chính trị thì nhà phê bình chính trị có cơ hội phát huy hết sức mạnh “ngọn roi phê bình” của mình. Xin đơn cử hai trường hợp.
Tham luận của PGS-NGND Trần Thanh Đạm trong Hội nghị lý luận, phê bình VHNT toàn quốc tại Hà Nội tháng 3. 2006 đã phê phán trực tiếp cái gọi là lý luận “văn học tự vấn” của Nguyên Ngọc. Ông viết:
“…Im lặng một thời gian, nhà văn Nguyên Ngọc trong một số bài có tính chất bình luận công bố ở trong nước và trong các bài phỏng vấn của một số tờ báo lá cải ở “hải ngoại“, để minh hoạ cho công lao khởi xướng “đổi mới“ trong văn học từ dạo làm Tổng biên tập báo Văn nghệ với phát hiện “Tướng về hưu“ của Nguyễn Huy Thiệp, rồi đây lại phát hiện “Bóng đè“ của Đỗ Hoàng Diệu, lại cổ súy cho cái gọi là “văn học tự vấn“ mà anh cho rằng mình đã phát hiện ra trong xu thế phát triển đương đại của văn học ta. Đại khái theo ý kiến của nhà văn không sáng tác mà đi vào bình luận văn học với tham vọng làm người tiên phong hướng đạo cho văn học đổi mới này, thì các thứ văn học chuyên miêu tả cái ác, cái xấu, thậm chí cái tục tĩu, thô bỉ trong đời sống và cả trong lịch sử của chúng ta đều được xếp vào dòng “văn học tự vấn“. Đại khái xã hội ta, dân tộc ta (và trong thâm ý không dám nói ra của nhà bình luận này - cách mạng ta) vốn mắc nhiều tội lỗi, sai lầm, bê bối… cần bằng văn học, qua văn học mà “tự vấn“ lương tâm về những sai lầm của mình.

Thực ra, cái “lý luận“ về “văn học tự vấn“ này cũng chưa hề được triển khai cho thật minh bạch, thẳng thắn; nó chỉ “thò lò hai mặt“ lấp lửng nửa nạc, nửa mỡ, nửa trắng, nửa đen cùng một dạng với các thủ đoạn chiến tranh tâm lý mà bọn thù địch của chúng ta ở nước ngoài trước nay vốn vẫn sử dụng, bây giờ lại “chuyển giao kỹ thuật“ cho một số kẻ cơ hội và manh tâm ở trong nước.

Nếu nhìn ra nước ngoài, thì thứ lý luận này ở một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây vốn được gọi là “văn học tự thú“, “văn học sám hối“, “văn học phản tư“. Ở ta, hồi mới bắt đầu đổi mới cũng có một vài kẻ bắt chước nước ngoài, kêu gọi văn học ta và không chỉ văn học ta, phải “sám hối“, “tự thú“, “nhận tội“ là đã làm cách mạng, đã chiến đấu, hi sinh chống thực dân, đế quốc, nhất là đã lỡ chiến thắng chúng để đem lại độc lập, tự do, thống nhất cho nước nhà, đã mở đường tiến lên phục hưng dân tộc, đổi mới đất nước. Cái mưu đồ đằng sau cái thứ “lý luận văn học“đó dù thường được che đậy một cách giảo quyệt vẫn không khó gì mà không nhận ra. Tuy vậy, nó vẫn có thể lừa bịp, dụ dỗ được một số người…

…Cứ nhìn xem những ai là kẻ phụ họa nó, khuyến khích, cổ vũ nó, thì có thể thấy ngay nó đến từ đâu và phục vụ cho ai. Thực sự thì nó không hề che dấu cái động cơ và mục tiêu chính trị của nó, khi tự nguyện làm một bè trong dàn đồng ca phản cách mạng, phản dân tộc, trong ngoài hô ứng lẫn nhau…”[3]
Qua văn bản trên, Trần Thanh Đạm vừa trực tiếp vừa gián tiếp quy kết Nguyên Ngọc là một kẻ cơ hội và manh tâm, sử dụng “thủ đoạn chiến tranh tâm lý của bọn thù địch ở nước ngoài”. “Động cơ và mục tiêu chính trị là phản cách mạng, phản dân tộc”. Để dẫn đến kết luận ấy, Trần Thanh Đạm suy diễn: Nguyên Ngọc “bắt chước nước ngoài, kêu gọi văn học ta và không chỉ văn học ta, phải “sám hối“, “tự thú“, “nhận tội“ là đã làm cách mạng, đã chiến đấu, hi sinh chống thực dân, đế quốc, nhất là đã lỡ chiến thắng chúng để đem lại độc lập, tự do, thống nhất cho nước nhà, đã mở đường tiến lên phục hưng dân tộc, đổi mới đất nước. Cái mưu đồ đằng sau cái thứ “lý luận văn học“đó dù thường được che đậy một cách giảo quyệt vẫn không khó gì mà không nhận ra”
Thực ra đây không phải là phê bình văn học, mà là “đánh” trực diện vào nhân thân và con người chính trị của nhà văn Nguyên Ngọc. Những suy diễn của Trần Thanh Đạm là hoàn toàn chủ quan, và có mục đích chính trị, như thể đây là một bản kết tội của một viện kiểm sát. Nếu những ý kiến của Nguyên Ngọc là một thứ lý luận văn học thì nhất thiết phải đối thoại bằng những lý thuyêt lý luận văn học có tính thuyết phục cao hơn. Không thể không đối thoại, không phân tích mà đã kết luận ngay một người là phản cách mạng, phản dân tộc. Trước tòa án, bị cáo còn có quyền tự bào chữa (Điều 322 luật Tố tụng hình sự 2015). Và không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Luật Dân sự cũng quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. » (Điều 37, Luật Dân sự 2005)
Ngọn roi thứ hai là của nhà phê bình Chu Giang.
Luận văn “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng” của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) năm 2010, do PGS-TS Nguyễn Thị Bình ĐHSP Hà Nội hướng dẫn. Luận văn này đạt điểm tuyệt đối. Hội đồng chấm Luận văn gồm có: Chủ tịch Hội đồng: PGS.TS Nguyễn Văn Long. Phản biện và thư ký: PGS.TS Ngô Văn Giá, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, TS. Chu Văn Sơn, TS. Nguyễn Phượng.
Vấn đề của Luận văn này được đặt ra trong Ở Hội nghị Lý luận và phê bình văn học lần III (2013). Giáo sư Phong Lê lên tiếng: Ai làm luận văn xúc phạm lãnh tụ, hãy truy đến tận gốc xem hội đồng thạc sĩ ai chấm, ai lập hội đồng. Không thể chấp nhận được. Cần phải lên tiếng. Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu đặt thẳng vấn đề với các đồng nghiệp, thực ra là “đánh “thẳng vào nhân thân chính trị của những người có liên quan đến việc chấm luận văn của Đỗ Thị Thoan.
Ông viết :” Chúng tôi muốn góp ý với các đồng nghiệp là nhà văn Nguyễn Đăng Điệp-Viện trưởng Viện Văn học, và nhà văn Văn Giá- Trưởng khoa Lý luận-Phê bình Văn học Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa), hai thành viên hội đồng chấm luận án và Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên-người đã đọc bản thảo Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên- rằng các bạn nên giữ sự trung thực cho ngòi bút của mình, nên tự trọng về nhân cách. Các bạn có thể xin ra khỏi Đảng, tự nguyện trả lại các chức danh và học vị mà thể chế này-do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập- đã phong tặng cho các bạn rồi làm một nhà văn tự do thì hay hơn là lập lờ hai mặt như vị thầy của các bạn: vẫn ca ngợi kính phục Dương Thu Hương: Người phụ nữ một mình chống lại cả một Nhà nước- nhưng mà giải thưởng, chức danh Nhà nước ấy trao cho vẫn vui vẻ nhận, lại còn thắp hương khấn vái xin cho được nữa. Cũng mong ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng để Đại học Sư phạm Hà Nội thành ra một trung tâm hài hước như thế “ (22)
Nguyễn Văn Lưu dùng cách nói ám chỉ để nói điều này: Các PGS-TS trong hội đồng chấm Luận văn Nhã Thuyên là những người không trung thực, không tự trọng, vì các vị ấy được chế độ do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập phong tặng học vị, chức danh, nay các vị phản bội, lập lờ hai mặt, vừa hưởng mọi quyền lợi bổng lộc địa vị của Nhà nước, vừa chống lại Nhà nước. Đặt vấn đề như thế, tức là vấn đề chính trị.
Luận văn của Đỗ Thị Thoan sau đó bị thu hồi. Chu Giang đã làm được nhiệm vụ: “Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.”(Nghị quyết TW 5 khóa VIII), và “cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”(đd). Có thể coi Chu Giang là “kiện tướng phê bình” như mong mỏi của đồng chí Trường Chinh trong Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1984). Ông “tả xung hữu đột” trong trường Văn trận bút. Bài viết của ông tập trung trong các cuốn Luận chiến văn chương I, II, III. Cuốn Luận chiến văn chương III được giải của Hội đồng lý luận và phê bình VHNT trung ương năm 2015.
Không chỉ có các nhà phê bình chính trị tên tuổi như Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm, Chu Giang- Nguyễn Văn Lưu, Đông La…mà có thể nhận thấy sự hiện diện của nhà phê bình chính trị ở khắp nơi trong đời sống văn học nghệ thuật. Đó là những người làm công tác biên tập ở các nhà xuất bản, các tổng biên tập các báo; đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy ở Đại học, ở các Viện; các thầy cô giáo dạy Văn ở Phổng thông; các cán bộ Tuyên giáo khắp các tỉnh, huyện trong cả nước. Có cả những nhà phê bình chính trị trong mỗi nhà văn nữa…Họ được học tập chính trị thường xuyên nên nắm vững quan điểm đường lối của Đảng, họ “nhạy cảm” với các vấn đề chính trị, và ở cương vị quyền lực, họ có thể xử lý vấn đề ngay.
Tuy vậy, trong lĩnh vực tư tưởng, họ không dễ “đổi mới” nhận thức, quan điểm lý thuyết văn học trong một sớm một chiều, thành ra, nhiều khi họ trở thành lực cản của đổi mới. Sự xuất hiện của truyện ngắn Cánh đồng bất tận (2006) của Nguyễn Ngọc Tư làm xuất hiện những luồng dư luận trái chiều là một ví dụ. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã có gần 20 năm, song nhiều vấn đề lý luận văn nghệ mới phát sinh vẫn chưa được nhìn nhận theo những quan điểm mới của Đảng. Vẫn còn đó quan điểm văn nghệ phục vụ trực tiếp nhiệm vụ cách mạng, quan điểm văn học phải phản ánh hiện thực cách mạng như trong thời kháng chiến. Lý luận văn học được giảng dạy trong nhà trường vẫn theo sách giáo khoa cũ…
Tôi đã định kết thúc bài viết ở đây, nhưng thấy lòng băn khoăn mãi.
Đành rằng, nhiệm vụ của nhà phê bình chính trị là: “Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.”; “kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hoá của các thế lực thù địch”; “phê bình tư tưởng phản động và văn học, nghệ thuật đồi trụy của thực dân Pháp còn là một cách cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”(đd), nhưng điều làm tôi băn khoăn là thái độ, ngôn ngữ và văn hóa phê bình của người viết. Tôi có cảm giác rằng, trong cách nhìn của Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm, Chu Giang, hình như các vị ấy coi đồng chí, đồng nghiệp của mình là kẻ thù, gọi họ là những kẻ phản cách mạng, phản dân tộc, và vì thế các vị ấy ra sức tố cáo, quy kết và chụp mũ chính trị lên bản thân những người mà các vị ấy phê bình (tôi buộc phải hoài nghi về động cơ diễn ngôn của các vị!).
Lẽ ra, dù là phê bình có nội dung chính trị, thì phê bình văn học vẫn phải dựa trên các lý thuyết văn học để đối thoại. Tôi đã đọc các bài Hải Triều đối thoại với Hoài Thanh, Thiếu sơn,[4] thì tính thuyết phục của ngòi bút của Hải Triều là ở lý luận, ở nền tảng tư tưởng Marxist khi ông phân tích vấn đề, và mặc dù phê phán rất thẳng thắn, nhưng Hải Triều vẫn giữ vững sự tương kính và những phẩm chất văn hóa, văn chương của mình. Ngược lại, Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm và Chu Giang (đã trích dẫn ở trên) đã không đưa ra được lý thuyết triết học, văn học nào làm bệ đỡ cho lập luận của mình, ngoài một mớ ngôn từ chính trị đã thuộc lòng. Điều này khiến cho những người muốn đối thoại với các nhà phê bình chính trị rất e ngại, nếu không nói rằng họ không thể đối thoại.
Hội đồng lý luận và phê bình VHNT trung ương đã có nhiều hoạt động tích cực giúp cho những người làm công tác lý luận phê bình văn học ở cơ sở (nhà phê bình chính trị phong trào) theo kịp với quan điểm đổi mới của Đảng, uốn nắn lại văn hóa phê bình, tạo một đời sống văn chương lành mạnh, thúc đẩy văn học chảy về phía trước hội nhập toàn cầu hóa.
Tháng 2. 2017
Nguồn: Bùi Công Thuấn-Lý luận và phê bình văn học, Diện mạo của một thời.
__________________
[1] Trường Chinh-Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Nxb Sự Thật Hà Nội 1975. Trang 95-96
[2] Đâu là tiêu chí của người xuất bản? SGGP:: Cập nhật ngày 22/04/2007
[3] Talawas 15.03.2006-Trích Tham luận hội nghị lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc của Hội đồng Lý luận và phê bình VHNT trung ương tại Hà Nội tháng 3. 2006, (tài liệu sử dụng nội bộ) trang 162-165.
[4] Hải Triều-Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh; Kép Tư Bền- một tác phẩm thuộc về cái triều lưu “Nghệ thuật vị nhân sinh” ở nước ta…[ Hải Triều, Về văn học nghệ thuật, Hồng Chương sưu tầm và biên soạn, Nxb Văn Học, Hà Nội 1965, tái bản lần thứ nhất 1969]
Đọc thêm: Thư trả lời ông H (1925) của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguyễn Mạnh Tường " Vừa khóc vừa cười"




ĐỌC LẠI MỘT BÀI VIẾT VỀ TRÍ THỨC 
CỦA NGUYỄN MẠNH TƯỜNG
Bài viết sau đây đã được viết ra 61 năm trước. Ngày nay đọc lại,  trong tôi vẫn còn nguyên sự khâm phục, và nhất là thấy lớp trí thức được đào tạo thời Pháp thuộc tốt quá lẽ ra họ có thể đóng góp nhiều cho nước Việt Nam độc lập -- tương tự như người trí thức ở miền Nam trước 1975 có thể đóng góp cho công cuộc phát triển hậu chiến mà chúng ta đã bỏ qua. 
Tuy nhiên đọc đến đoạn cuối bài Vừa khóc vừa cười này   đối chiếu với tình hình hiện nay  thú thật trong tôi  còn thoáng qua  cái cảm giác  rằng, nhà trí thức ở đây còn nhiều ấu trĩ. Ông có ảo tưởng về khả năng thay đổi của nhà cầm quyền. Những người như ông đã không thể bảo vệ được mình để có thể sau này còn tiếp tục lên tiếng về cả một giai đoan lịch sử mà các ông đã trải qua.
Do chỗ phần cuối bài viết này có nhắc tới một số chuyện về trí thức bên Trung quốc, tôi muốn nhớ tới một cái nhìn toàn cảnh gần một trăm năm về vấn đề này  mà tôi đã dẫn ra trong  bài “Trí thức Trung quốc thế kỷ XX”.


VỪA KHÓC VỪA CƯỜI
Trong một thiên anh hùng ca sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ XI, thi sĩ tường thuật cuộc chiến đấu anh dũng của hai anh hùng Roland và Olivier, chống lại kẻ thù chung. Hai bạn chí thân giết được nhiều địch, nhưng hai người đều bị thương cả. Đặc biệt Olivier, máu chẩy nhiều, hoa cả mắt không nhận thấy gì nữa. Khi Roland lại gần để giúp bạn, Olivier tưởng nhầm là kẻ thù, bổ mấy nhát dao xuống, may không trúng đầu Roland. Anh này liền dịu dàng lên tiếng: “Tôi là Roland đấy mà. Sao anh đánh tôi?”. Olivier xin lỗi bạn: “Mắt tôi hoa, không nhận ra anh nữa”.
*
Khi châu Âu chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ tư sản, trong thế kỷ thứ XVI, Rabelais kể chuyện Badebec, vợ của Gargantua, vừa sinh con xong thì từ trần: “Cái thắc mắc làm cho Gargantua rối trí là hắn không biết nên khóc vì vợ vừa chết, hay nên cười vì con vừa sinh”.

*
Đến cuối thế kỷ thứ XVIII, khi Cách mạng 1789 sắp bùng nổ, Figaro, một nhân vật của Beaumarchais, sau khi kiểm điểm tình hình của một xã hội đã thủ tiêu hết mọi tự do, kêu lên: “Tôi vội vàng cười khì để tránh khỏi khóc oà”. Như thế không đúng. Phải khóc trên cái hiện thời để đón cái ngày mai. Dù sao, người trí thức là người vừa khóc, vừa cười. Khóc vì các sai lầm phải chứng kiến trong hiện tại, cười vì vui với cái mới đang đến. Khóc vì đau khổ. Cười vì hy vọng. Khóc hôm nay để cười ngày mai. Trên quá trình từ cái khóc đến cái cười diễn cuộc đấu tranh tư tưởng của người trí thức.
Người nào chỉ biết hoặc khóc thôi, hoặc cười thôi, không phải là người trí thức.
Ta ân cần với người trí thức ưa khóc. Ta phải chiếu cố, nâng đỡ người ta. Người ấy đau khổ vì các thắc mắc căn bản và sâu sắc. Người ấy thành khẩn. Người ấy không phải là thù, người ấy là bạn. Ta phải kiên trì, cố gắng đưa cái khóc của người ta biến thành cái cười.
Ta dè dặt, có khi ngần ngại, trước người trí thức ham cười. Ta hoan nghênh cái cười chân thật, xuất phát từ đáy lòng, nẩy nở trên các giọt lệ vừa khô. Nhưng ta khó chịu trước cái cười bình phong dùng để che đậy các thắc mắc bản thân mà mình không muốn thù với mình. Ta ghét cái cười dùng để mị trên, lừa dưới, câu các kẻ ngây thơ, biểu lộ một ý chí tôn sùng, hòng củng cố một địa vị, hay mưu cầu một bổng lộc. Quần chúng cần đề cao cảnh giác để khỏi mắc mưu cái cười ấy. Cấp lãnh đạo lại cần cảnh giác hơn nữa vì cái cười nịnh hót nuôi dưỡng bệnh chủ quan mà cấp lãnh đạo thường mắc.
Cái cười nguy hại này không nhất thiết biểu hiện bằng sự nhích môi. Nó có thể là linh hồn của một cử chỉ, nội dung của một thái độ. Có người cười bằng cái đầu nó gật, cái lưỡi nó tán thành, ủng hộ. Trong bao nhiêu “tả khuynh”, tôi nghe thấy vang tiếng cười ấy.
Tôi sợ người trí thức im lặng. Tôi nghi ngờ người trí thức cười. Tôi thương người trí thức khóc. Tôi yêu người trí thức vừa khóc, vừa cười, khóc hôm nay để cười ngày mai, “khóc lên tiếng cười”.
*
TIN vẫn hơn NGHI. Trong mười người ta tin, có thể có một kẻ thù lẻn vào. Nhưng ta vẫn còn chín người bạn. Và chín người bạn này sẽ giúp ta tìm ra kẻ thù ấy. Nếu ta nghi cả mười người, khi ta giơ tay, chẳng ai bắt tay ta. Ta không có một người bạn nào cả.
Đồng ý rằng phải phân chia rõ rệt địch, ta. Nhưng ta phải xác định thái độ của ta đối với địch. Địch mưu hại ta và thực sự gây cho ta nhiều tổn thiệt. Nhưng ta chớ nên buộc cho nó trách nhiệm về các tai hoạ căn nguyên ở sự dốt nát, sai lầm, chủ quan của ta. Theo danh từ khá phổ biến “như thế không lợi”. Không lợi vì ta đề cao địch, tỏ vẻ sợ địch. Không lợi nữa vì gán kết quả sai lầm của ta cho địch, ta không sửa chữa được gì, không rút được bài học kinh nghiệm. Từ trước tới nay, ta chỉ đặt vấn đề: ai là địch, ai là ta? Tôi đề nghị đặt thêm vấn đề: do địch làm, do ta phạm. Điểm trên đề cao cảnh giác và cho phép ta đề phòng, hoặc đối phó. Điểm dưới nêu cao tinh thần tự phê và giúp đỡ ta xây dựng.
Con thỏ sợ đến cả bóng của nó. Con sư tử bất chấp mọi thú vật. Ta không phải là sư tử và cũng không muốn là sư tử. Nhưng nhất định ta không phải là thỏ.
Kẻ thù số một của trí thức: bọn chụp mũ. Kẻ thù số một của cấp lãnh đạo: các cán bộ chuyên môn “cười”, và bọn vỗ ngực, và cả bọn chụp mũ nữa. Các cán bộ chuyên môn “cười”, dựa vào bọn vỗ ngực trong quần chúng, ru ngủ cấp lãnh đạo. Bọn chụp mũ nham hiểm hơn: họ gây thành kiến giữa lãnh đạo và quần chúng, họ vô tình hay hữu ý xuyên tạc các nguyện vọng chính đáng, các yêu cầu hợp tình, hợp lý, hợp pháp của quần chúng. Họ là Iago xúc xiểm Othello ghen vợ, ghét vợ, giết vợ. Bị bao vây chặt chẽ như vậy, tài nào cấp lãnh đạo hiểu biết được sự thật của quần chúng?
Có một số người thấy phong trào quần chúng đòi hỏi, ở Đảng lãnh đạo, một chính sách cho trí thức (với các tự do dân chủ và mối quan hệ tốt giữa chính trị và chuyên môn) đã tỏ thái độ “khó chịu” và phản ứng mạnh. Họ nhắm mắt, lắc đầu, chép miệng, thở dài. Không thực sự cầu thị, chưa điều tra nghiên cứu, chẳng tìm hiểu sự thật, họ chỉ biết mang đao to, búa lớn ra doạ nạt, họ là Don Quichotte cầm giáo tiến lên đâm cối xay, họ quên lý luận Cách mạng họ đã học tập. Họ là nàng công chúa quên thời kỳ gặp Thạch Sanh trong hang.
“Tích tịch tình tang…” Tiếng đàn của Thạch Sanh có nhắc lại được kỷ niệm cũ không? “Hỡi tuyệt thế giai nhân mà tôi yêu với mối tình vô hạn, nàng còn nhớ thuở đôi ta gặp nhau trong hang đá không? Đôi ta quyết sống chết có nhau, với nhau. Vì vậy ta thắng kẻ thù, ta sống. Bây giờ thời kỳ gian lao đã qua, nàng trở về dinh cơ huy hoàng, lên xe xuống ngựa. Nàng lỡ lòng nào quên tình duyên cũ?”.
Tôi muốn thân ái hỏi các bạn đang chép miệng thở dài: “Các bạn là những người Cách mạng. Thái độ của các bạn phản ứng, đối phó (tôi không nói đàn áp) trước một phong trào quần chúng đông đảo, đòi hỏi, trên lập trường Cách mạng, những quyền lợi chân chính, thái độ ấy, phân tích, truy nguyên nó, ta thấy gì? Tôi run sợ trước kết luận tôi phải tiến tới. Tôi ngừng bút. Tôi nhường lời cho tất cả người Cộng sản trên thế giới, trong đó có các đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, có các bạn, để các người ấy nhận định về thái độ nói trên, định danh cho nó, gọi nó bằng tên Cách mạng của nó. Để tránh khỏi mang tiếng chụp mũ cho các bạn, tôi dành quyền phán định cho “giới có thẩm quyền”.

Tôi chỉ xin nhắc lại rằng trong lịch sử cách mạng Liên Xô và Trung Quốc, có khi giai đoạn kiến quốc tiến vào bước quyết liệt, chính thể cách mạng không thể nào lãnh nhãn được vấn đề trí thức. Cuộc đấu tranh của trí thức Việt Nam hiện thời xen vào khung khổ cách mạng, phối hợp với phong trào trí thức trên toàn thế giới. Coi nhẹ nó là một sai lầm. Giải quyết nó một cách hời hơt, nông cạn, với tinh thần của người nhớn cho kẹo trẻ con để nó khỏi khóc, là một sai lầm nghiêm trọng. Đối phó với nó, chống lại nó… tôi không tiếp tục vì tôi tin rằng không một chính thể cách mạng nào lại hành động như vậy. Bằng chứng là báo Nhân dân trong số 30-9-56 vừa đăng bài của đồng chí Lục Định Nhất đọc ngày 26-5-1956, với sự chậm trễ có 4 tháng thôi. Từ Bắc Kinh tới Hà Nội, đường dài hơn năm nghìn cây số, tốc độ của sự thật như thế là nhanh rồi. Còn báo cáo của đồng chí Chu Ân Lai in từ ngày 30-1-1956, tôi không nhớ đăng báo Nhân dân ngày nào. Dù sao, các bạn thấy rõ là, Đảng Lao động Việt Nam coi trọng vấn đề, như Trung Quốc từ đầu năm nay, như Liên Xô từ năm 1936. Đảng lại còn phát động tinh thần dân chủ trong quần chúng trong các giới, các cơ quan, và sở dĩ làm như vậy là để thắt chặt liên lạc với quần chúng, đi sát với sự thật của quần chúng, trưng cầu ý nguyện của quầnchúng để xây dựng chính sách, lãnh đạo có kết quả. Vậy tại sao các bạn lại chép miệng thở dài? lại xuyên tạc ý nghĩa trọng đại, lịch sử của một phong trào quần chúng, mà chính Đảng phát động? Thế các bạn đấu tranh cho ai, phục vụ cái gì? Chủ trương của Đảng phát huy dân chủ là một sáng kiến mà toàn dân hoan nghênh. Hạt đã gieo, bây giờ sắp đến lúc gặt hái. Cớ sao các bạn lại muốn truất quyền của Đảng gặt hái cái mùa màng mà Đảng đã gieo hạt?
Nhưng tôi hiểu các bạn. Các bạn là những người tốt. Chẳng qua các bạn chỉ nặng về một số thành kiến mà thôi. Tuy nhiên, các bạn thật sự cầu thị: các bạn cho phép tôi tin như vậy. Phải không, các bạn?
4-10-56

( In lần đầu trên Giai Phẩm mùa thu  – tập III – Minh Đức xuất bản, tr 22-25. Ở đây tôi đưa lại theo bản của  Văn hóa Nghệ An . 2011)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin không vui:

Việt Nam bị ảnh hưởng gì từ vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình…?


Trong những ngày này, dư luận ở khắp nơi đặc biệt là người Việt năm Châu đang hướng về một vụ kiện mang tầm quốc tế giữa nguyên đơn là doanh nhân người Hà Lan gốc Việt ông Trịnh Vĩnh Bình và bị đơn là Chính phủ Cộng sản Việt Nam (CSVN), hiện phiên xử đang diễn ra tại Paris (Pháp) kéo dài từ ngày 21/08 đến ngày 31/08/217. Câu hỏi đặt ra là liệu vụ kiện này nó tác động như thế nào đến hiện tình đất nước Việt Nam?…

Nhà báo Tường Yên, nhân vật trong bài viết 
(ảnh; facebook Lữ Thị Tường Yên)
Ngoại trừ những bài báo hiếm hoi được đăng tải trước đây thì trong những ngày này tại Việt Nam với hơn 850 cơ quan báo chí in, hơn 650 tạp chí và hơn 200 trang thông tin điện tử lại không có một dòng thông tin về vụ việc ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ CSVN ra Tòa án quốc tế. 

Và phiên xử hiện đang diễn ra tại Paris, thủ đô nước Pháp dự kiến kéo dài từ ngày 21/08 đến ngày 31/08/2017 kết thúc. Vì lẽ này mà đông đảo người dân Việt Nam ở trong nước nếu không tìm hiểu từ các trang báo “lề trái” hoặc báo đài Việt Ngữ quốc tế thì hoàn toàn mù mịt thông tin, mơ hồ về vụ kiện và sẽ không biết chính xác phiên xử diễn ra như thế nào?

Chia sẻ với Cali Today, nhà báo Tường Yên và cũng là nhà hoạt động Nhân quyền người Hà Lan gốc Việt cho biết đã có mặt tại Paris vào sáng ngày 21/08, cùng với một số người Việt ở vài nơi tụ họp về tổ chức biểu tình và làm truyền thông trực tiếp phiên xử ở bên ngoài trụ sở Tòa Trọng tài quốc tế số 112 Ave Kleber -75016 Paris. Những biểu ngữ mà người biểu tình đem đến không chỉ hướng về cá nhân ông Trịnh Vĩnh Bình mà còn hướng về Việt Nam. Những bài hát; “Anh là Ai”, “Dậy mà đi!” hoặc “Trả Lại Cho Dân” bằng lời Việt ngân vang giữa đường phố Paris khiến không khí vốn hào hứng càng thêm hào hứng, như có một niềm tin là vụ kiện này sẽ làm thay đổi bộ mặt của xã hội Việt Nam như lời chia sẻ của nhà bào Tường Yên:

“Những bản nhạc “Dậy mà đi” “Ai là Ai?” “Trả Lại Cho Dân”…nhiều người hát theo những bài này. Tôi nghĩ vụ kiện này như cho người ta một làn gió mới, một sức mạnh niềm tin là người dân Việt Nam sẽ thay đổi và có thể thay đổi”

Một số người Việt tụ tập biểu tình phía đối diện Tòa trọng tài quốc tế Paris, thời điểm diễn ra phiên xử (ảnh; Facebook Phạm Văn Thành)

Cali Today điểm sơ lại vụ kiện: Ông Trịnh Vĩnh Bình (SN1947) là một doanh nhân Hà Lan gốc Việt. Năm 1976, ông vượt biên sang tị nạn tại Hà Lan và thành công với việc kinh doanh sản phẩm chả giò nên có biệt danh “Vua Giò Chả”. Vào năm 1987, tin tưởng vào tiếng gọi của CSVN nên ông Bình đem tiền bạc, sản nghiệp về Việt Nam đầu tư vào các ngành kinh doanh: bất động sản, du lịch, sản xuất…ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Sài Gòn. Trong vòng chưa đầy 10 năm, tức là từ năm 1987 đến 1996, công việc làm ăn của ông Bình lên như “diều gặp gió”, nâng số tài sản lên gần gấp 8 lần so với số vốn ban đầu. Tuy nhiên, ngay sau đó tai họa ập xuống, ông Bình bị Công an Bà Rịa- Vũng Tàu bắt giam và truy tố với cáo buộc “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” và “đưa hối lộ”.

Năm 1998, Tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Bình 13 năm tù. Ông Bình sau đó kháng cáo, vào năm 1999 Tòa phúc thẩm tối cao tại Sài Gòn tuyên giảm hình phạt xuống 11 năm tù dành cho ông Bình. Nhiều tài sản của ông Bình sau đó bị Ủy ban tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và Đồng Nai tịch thu, bán đấu giá.

Được sự giúp đỡ của Chính phủ Hà Lan, ông Bình được tại ngoại để chấp hành hình phạt và sau đó ông Bình đã thành công trong việc tìm đường đào thoát ra khỏi Việt Nam.

Năm 2003, viện dẫn các quy định của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994, ông Bình đã nhờ tổ hợp luật sư nổi tiếng Covington Burling ở Washington (Hoa Kỳ) nộp đơn kiện Chính phủ CSVN ra một Trung tâm Trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư, đặt tại Stockholm (Thụy Điển). Phiên xử quốc tế dự định là sẽ bắt dầu vào tháng 12/2005 tại Stockholm nhưng sau đó phải dừng vì phía ông Bình và phía đại diện Chính phủ CSVN đã có những thỏa thuận bên ngoài. Theo đó, Chính phủ CSVN đồng ý xóa án cho ông Bình, bồi thường 15 triệu USD và trả lại toàn bộ tài sản đã lấy của ông Bình. Đổi lại, ông Bình phải rút đơn kiện khỏi Tòa Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận trên.

Năm 2006, Chính phủ CSVN miễn chấp hành hình phạt tù cho ông Bình và cho ông được phép trở lại Việt Nam.

Năm 2012, các ông Trần Văn Mười, Lê Minh Huy Hoàng và Hoàng Anh Linh nguyên là những nhân viên Cục Thi hành án dân sự ở Bà Rịa- Vũng Tàu và cũng là những người dính vào vụ án Trịnh Vĩnh Bình bị bắt và sau đó bị Tòa án tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên án bằng với thời gian tạm giam.

Trải qua mấy năm không thấy Chính phủ CSVN thực hiện đúng cam kết với những gì đã thỏa thuận ở bên ngoài phiên xử vào năm 2003, nên tháng 01/2015, ông Bình tiếp tục đệ đơn kiện Chính phủ CSVN lần hai ra Tòa án quốc tế.

Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình (ảnh; thông tin văn hóa Blogger)

Ngày 21/08/2017, Tòa án quốc tế đưa vụ án ra xét xử tại Paris với nguyên đơn là ông Trịnh Vĩnh Bình và bị đơn là Chính phủ CSVN, số tiền bồi thường tối thiểu là 1,25 tỷ USD mà ông Bình đưa ra vì lý do bị oan ức. Được biết, tổ hợp luật sư giúp pháp lý cho ông Bình trong phiên xử lần này là văn phòng luật sư King & Spalding LLP một văn phòng luật sư lớn tại Hoa Kỳ.

Theo nhà báo Tường Yên, vụ kiện không chỉ mang tính “thắng-thua” giữa ông Trịnh Vĩnh Bình với Chính phủ CSVN mà đối với Chính phủ CSVN nó còn ảnh hưởng rất lớn đến phương diện ngoại giao quốc tế. Cũng phải nói thêm, vào tháng 07/2017 vừa qua, Chính phủ CSVN đã bị Chính phủ Đức “trút cơn thịnh nộ” khi có hành vi cho mật vụ đột nhập vào nước Đức bắt một người Việt đang xin tỵ nạn là ông Trịnh Xuân Thanh đem về Việt Nam. Hành vi này không chỉ vi phạm luật pháp nước Đức mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, nay thêm vụ kiện của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình liên quan đến pháp luật Hà Lan. Rõ ràng, kết quả vụ kiện dù có như thế nào thì trong bối cảnh ngoại giao quốc tế, Chính phủ CSVN đang bị ảnh hưởng tiêu cực không hề nhỏ và đồng thời nó cũng sẽ mở ra những tiền lệ khác ngay trong chính đất nước Việt Nam.

“Ảnh hưởng tới Việt Nam thì nhiều mặt lắm; thứ nhất là ảnh hưởng tới giới kinh doanh, họ sẽ mượn cái này như một tiền lệ để đi kiện Chính phủ CSVN mà điều này theo tôi tìm hiểu là có nhiều người đã bị Chính phủ CSVN lường gạt mà họ không dám đứng ra kiện như ông Trịnh Vĩnh Bình, hoặc là họ nghĩ họ quá bé nhỏ, bị phá sản tiền mất tật mang thì họ đâu còn sức đâu để kiện Chính phủ CSVN ra quốc tế…”- Lời của nhà báo Tường Yên.

Nếu nói về những người dân bị cướp đất thì ông Trịnh Vĩnh Bình nói đúng ra cũng là một người bị cướp đất như bao dân oan Việt Nam, có khác chăng ông là dân oan người Hà Lan gốc Việt. Còn nói về những người bị bỏ tù oan sai, bị xâm phạm nhân quyền như những Tù nhân lương tâm ở Việt Nam thì ông Bình cũng là người từng bị CSVN bỏ tù oan sai. Vì vậy, theo nhà báo Tường Yên những người bị cướp đất, bị xâm phạm nhân quyền ở Việt Nam có thể tận dụng những gì có được từ vụ án ông Trịnh Vĩnh Bình mà mạnh mẽ, khi có điều kiện cần thiết thì kiện Chính phủ CSVN ra Tòa án quốc tế để bảo vệ chính mình. Sâu xa hơn, vụ kiện này nó còn…

“Cho người ta thêm niềm hứng khởi mới để mà tiếp tục chiến đấu nếu phán quyết mà bất lợi cho Chính phủ CSVN thì Chính phủ CSVN sẽ kiệt quệ về tài chính, đẩy sự bất mãn của người dân hoặc người nằm trong bộ máy công quyền đặc biệt là người chỉ phục vụ vì quyền lợi chứ không phải vì lý tưởng, một khi Chính phủ CSVN phá sản thì họ sẽ bất mãn. Lúc này cuộc đấu tranh sẽ thuận lợi hơn khi có sự phối hợp trong ngoài.”- Nhà báo Tường Yên nói.

Hiện tại căn cứ vào những tài liệu có được từ vụ kiện thì đông đảo dư luận đều quả quyết là ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ thắng Chính phủ CSVN. Và nếu như thế thì dư luận đặt hỏi ngược lại là liệu Chính phủ CSVN có thực thi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra khi bản thân bị thua kiện hay không?

Nhà báo Tường Yên kết lời, Tòa trọng tài quốc tế có thể ra chế tài tước đoạt tài sản của Chính phủ CSVN đã đầu tư ở nước ngoài hòng bắt Chính phủ CSVN phải tuân thủ phán quyết. Ngoài ra, nhà báo Tường Yên chia sẻ thêm:

“Tôi nghĩ là Tòa trọng tài quốc tế là Tòa tối cao rồi họ không thể đi chổ nào để phản kháng về quyết định này được nữa. Thành ra tôi nghĩ họ sẽ cùng đường, không còn con đường nào để chạy được nữa.”

Paris tháng Tám mùa thu năm nào cũng với những hàng cây ven đường, khu rừng Blouson nổi tiếng rực vàng ánh nắng, chiếu nhẹ trên những xa lộ. Paris vẫn luôn lãng mạn trong từng thi thơ, ca khúc. Song Paris năm 2017 còn là nơi có phán quyết định mệnh liên quan đến một nước có tên Việt Nam. /.

Thiên Hà
(Cali Today News)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện kì lạ về ông Đào Tấn Cường vừa bị bắt khẩn cấp


Bạch Hoàn (Fb): Ông Đào Tấn Cường, anh trai của Chánh Văn phòng Thành ủy TP Đà Nẵng, vừa bị bắt khẩn cấp. Ông Cường, đến giờ được xác định là người đã gửi tin nhắn đến số điện thoại của ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, với nội dung đe dọạ ông Thơ và người thân của ông Thơ.


Ông Huỳnh Đức Thơ (bên phải) trong một cuộc họp - Ảnh: Hữu Khá

Một bản tin trên tờ Tuổi Trẻ viết rằng, những tin nhắn này xuất hiện sau khi có một số điều chuyển nhân sự ở Đà Nẵng và cùng thời điểm với thông tin về tài sản của ông chủ tịch Thơ bị lọt ra ngoài. Khi đọc thông tin này tôi chợt nhớ đến lời khẳng định của Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: Không có chuyện nội bộ Đà Nẵng mất đoàn kết.

Cá nhân tôi thì thấy, trước một Huỳnh Đức Thơ dày dạn kinh nghiệm chính trường, thì hiện ra một Nguyễn Xuân Anh hoàn toàn... trẻ trung!

Chính trị gia tuyệt đối không thể là một con gà chọi. Làm chính trị phải biết khi nào nhu, khi nào cương. Và quan trọng nhất, trong lúc thế sự rối ren thì phải biết dùng cái đầu, tức dùng mưu.

Trong một diễn biến chẳng biết có liên quan hay không, tôi đang tự thắc mắc tại sao bà Hồ Thị Kim Thoa với khối tài sản khổng lồ đã bị xử lý, mà tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ lại được cho là thông tin mật!?

Toàn chuyện kì lạ và chắc sẽ không dừng lại ở đây.


........

Bắt khẩn cấp nghi can đe doạ chủ tịch TP Đà Nẵng


Ông Đào Tấn Cường (anh trai của Chánh Văn phòng Thành ủy TP Đà Nẵng) được xác định là người đã gửi tin nhắn đe doạ đến số điện thoại của ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Đức Thơ (bên phải) và ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá

Ngày 19-8, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Đào Tấn Cường - trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng để điều tra về hành vi đe doạ giết người.

Thời điểm trước khi bị bắt ông Cường là phó giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng. Được biết, ông Cường cũng là anh trai của chánh văn phòng thành uỷ Đà Nẵng.

Kết quả điều tra ban đầu xác định ông Cường đã có hành vi nhắn tin với nội dung đe doạ gửi đến số điện thoại của ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Nội dung của những tin nhắn có lời lẽ ám chỉ sẽ gây ra việc nguy hiểm đến cá nhân ông Thơ và người thân trong gia đình ông.

Ngoài ra, cùng thời điểm ông Thơ bị nhắn tin đe doạ thì một số lãnh đạo, cán bộ cấp sở, văn phòng uỷ ban của TP Đà Nẵng cũng nhận được những tin nhắn tương tự.

Được biết hành vi của Đào Tấn Cường xảy ra sau khi Thành uỷ, UBND TP Đà Nẵng có một số quyết định liên quan đến công tác điều động, bổ nhiệm nhân sự của TP.

Cũng thời điểm này, thông tin về kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ cũng bị lọt ra ngoài và đăng tải trên một số trang mạng.

THÂN HOÀNG - H.K
(Tuổi Trẻ)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Số tiền ông Bình đòi CPVN bồi thường lớn cỡ nào ?


Vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ VN chính thức ra Tòa Quốc tế
Đây là lần thứ 2 ông Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế. Theo quy trình tố tụng trọng tài tại Tòa án ICC, mọi phán quyết đều sẽ mang tính ràng buộc đối với các bên. Bằng việc đưa tranh chấp ra trọng tài theo quy tắc này, ông Bình và chính phủ Việt Nam đã phải nhất trí thi hành bất kỳ phán quyết nào mà không có sự chậm trễ.

Tháng 1/2015, ông Bình nộp đơn kiện chính phủ Việt Nam với lý do Hà Nội không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận mà 2 bên đã đồng ý vào năm 2005, trong vụ kiện lần đầu.



Phiên xử giữa doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, một nhà đầu tư Hà Lan gốc Việt, kiện chính phủ Việt Nam “vi phạm thỏa thuận”, với mức đòi bồi thường “tối thiểu 1,25 tỷ USD”, bắt đầu diễn ra hôm 21/8 tại Tòa Trọng tài Quốc tế ICC, Paris, Pháp.

Nhà triệu phú 70 tuổi cho VOA Việt Ngữ biết qua email, rằng ông trên đường tới Trung tâm Trọng tài Quốc tế ở thủ đô nước Pháp, để dự phiên xử. Và sau đó không có tin tức gì thêm. Ông Trịnh Vĩnh Bình đã ngưng tiếp xúc với báo chí kể từ những ngày cuối tháng Bảy, theo yêu cầu của Tòa Trọng tài Quốc tế, quyết định sau khi có khiếu nại của chính phủ Việt Nam.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong khoảng từ 8 đến 10 ngày, theo thông tin ông Bình cho biết trước đây.

Luật sư đại diện cho ông Bình tại phiên tòa là hãng luật danh tiếng của Mỹ, King & Spalding LLP. Luật sư đại diện cho Chính phủ Việt Nam là hãng luật hàng đầu của Anh, Freshfields Bruckhaus Deringer.

Đây là lần thứ 2 ông Bình kiện chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế.

Cách đây 14 năm, ông Bình, một doanh nhân thành công trong ngành thực phẩm với biệt danh “Vua Chả Giò” ở Hà Lan, kiện chính phủ Việt Nam ra tòa án quốc tế với mức đòi bồi thường 100 triệu USD. Trong vụ kiện năm 2005, ông Bình được tổ hợp luật sư Mỹ, Covington Burling đại diện, đạt được thỏa thuận ngoài tòa với chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam miễn án và bồi thường cho ông Bình 15 triệu USD; khi ông Bình có đơn kiến nghị, Chính phủ Việt Nam xem xét trả lại những tài sản “hợp lý” của ông Bình. Đổi lại, ông Bình rút đơn kiện khỏi Tòa Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.

Vụ kiện đang diễn ra ở Paris lần này có nguyên ủy từ những năm cuối thập niên 1990 khi ông Bình về Việt Nam đầu tư, rồi bị chính phủ Việt Nam tuyên án 13 năm tù về tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” và tội “đưa hối lộ.”


Ông Trịnh Vĩnh Bình lúc nhỏ ở Bạc Liêu.

Sinh ra ở Bạc Liêu, Cà Mau, ông Bình đã cùng gia đình vượt biên năm 1976 sau đó định cư ở Hà Lan. Khởi nghiệp với 2 tiệm thực phẩm, ông Bình sau đó đã trở thành nhà triệu phú và trở về Việt Nam theo tiếng gọi “về nước đầu tư.” Hưởng ứng chính sách khuyến khích Việt kiều về nước đầu tư, ông Bình mang theo gần 2,5 triệu USD và 96 kg vàng. Ông kinh doanh ở mọi lĩnh vực từ khách sạn cho tới thủy-hải sản cho tới nông-lâm sản cho tới xuất khẩu.

Ông Bình nói với VOA rằng khi về Việt Nam kinh doanh, ông “chỉ nghĩ là thử thôi.” Nhưng ông đã nhân được số vốn ban đầu đưa về Việt Nam lên 8 lần chỉ trong vòng 6 năm trong lĩnh vực đất đai và bất động sản.

Theo nhận định của cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, “ông Bình trở nên thành công và khá nổi tiếng ở Việt Nam” lúc đó nhưng cũng cho rằng sự thành công quá nhanh này đã “tạo ra một sự cuốn hút không bình thường.”


Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình (Ảnh tư liệu)

Vào năm 1996 ông Bình bất ngờ bị bắt với cáo buộc “trốn thuế” và “đưa hối lộ.”

Một trong những nguyên nhân mà ông Bình đòi chính phủ Việt Nam bồi thường tại vụ kiện lần này ở Paris là sự vi phạm nhân quyền do nhốt người oan sai. Ông Bình từng bị tạm giam hơn 18 tháng trước khi đưa ra xét xử tội “trốn thuế” theo cáo buộc của Việt Nam. Với sự can thiệp của chính phủ Hà Lan, ông Bình được tại ngoại và vượt biên lần thứ 2 trước khi bị bắt “để thi hành án 11 năm tù.”

Trước khi phiên tòa ở Paris bắt đầu, cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nói với VOA rằng ông và nhiều quan chức khác của chính phủ Việt Nam đã tìm cách “dàn xếp êm thấm vụ việc” để không ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước Việt Nam-Hà Lan nhưng không thành công vì sự mâu thuẫn trong nội bộ của chính phủ về lợi ích cũng như chi phối của lực lượng an ninh. Cũng theo lời nhà cựu ngoại giao hàng đầu của Việt Nam, sở dĩ chính phủ Việt Nam bội ước thỏa thuận ngoài tòa của vụ kiện trước vì “việc trả lại các tài sản cho nguyên đơn đã không thực hiện được… do các tài sản bị tẩu tán, thay đổi chủ sở hữu.”

Ông Cầm, từng là bộ trưởng ngoại giao trong thời gian 1991-2000, nói “mọi chuyện bây giờ phụ thuộc theo cán cân công lý” và ông cho rằng dù Tòa trọng tài ở Paris có ra phán quyết thế nào thì “đây sẽ là một vụ kiện để lại nhiều bài học kinh nghiệm cần phải rút ra.”


Tòa án Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Quốc tế (ICC)

Theo quy trình tố tụng trọng tài tại Tòa án ICC, mọi phán quyết đều sẽ mang tính ràng buộc đối với các bên. Bằng việc đưa tranh chấp ra trọng tài theo quy tắc này, ông Bình và chính phủ Việt Nam đã phải nhất trí thi hành bất kỳ phán quyết nào mà không có sự chậm trễ.

VOA

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LẠI HOAN HÔ NƯỚC TA



Nhà nước ta sướng thật
Muốn thu gì thì thu.
Muốn chém ai thì chém.
Là vì thằng dân ngu.


LẠI CHUYỆN ĐẲNG CẤP
Các hoàng tử Ả Rập
Chơi ô tô dát vàng.
Bill Gates, siêu tỉ phú,
Đi chiếc xe cà tàng.

Các nàng chảnh Đại Việt
Khoe túi hàng tỉ đồng.
Cô con gái Bill Gates
Ba lô trăm nghìn đồng.

Vâng, lại chuyện đẳng cấp.
Giữa Minh và Vô Minh.
Giữa Tâm Thiện, Tâm Ác.
Giữa Ngu và Thông Minh.

Người chơi ngông, khoe mẽ,
Tỏ ra mình rất ghê.
Vì bên trong, họ biết
Không có gì để khoe.
______

LẠI HOAN HÔ NƯỚC TA

Theo lộ trình cam kết,
Thuế ô tô về không.
Tức là xe sẽ rẻ,
Là điều ai cũng mong.

Mong thì mong, nếu muốn,
Nhưng đến Tết Công Gô
Chúng ta, dân Đại Việt,
Mới mua được ô tô.

Là vì ông nhà nước,
Điên điên và hâm hâm,
Sẽ tăng thuế trước bạ
Lên năm mươi phần trăm.

Tức ô tô một tỉ,
Thì dù muốn hay không,
Người mua phải đóng thuế
Thêm năm trăm triệu đồng.

Đấy chỉ riêng trước bạ.
Người mua xe ngoài ra
Phải đóng nhiều thuế khác.
Lại hoan hô nước ta.

Nhà nước ta sướng thật
Muốn thu gì thì thu.
Muốn chém ai thì chém.

Là vì thằng dân ngu.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thuế chồng lên thuế, dân chịu không thấu - Bài 3


Giá xăng sẽ tăng lên 25.000 đồng/lít vì thuế?


24/8/2017 QUANG HUY - TRÀ PHƯƠNG 

- Sau rất nhiều ý kiến đóng góp từ phía các cơ quan, hiệp hội và người dân, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng/lít. Không chỉ vậy, Bộ Tài chính lại vừa đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng xăng dầu từ mức 10% hiện nay lên 12%.

Xăng phải cõng thêm thuế
Cụ thể, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế BVMT mới nhất, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế BVMT với mặt hàng xăng lên mức tối đa 8.000 đồng/lít; xăng máy bay là 6.000 đồng/lít, các loại dầu lên 4.000 đồng/lít.



Nếu áp dụng theo đề xuất này thì mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với hiện nay. Đây thực sự là một gánh gặng đè thêm lên vai người dân và doanh nghiệp.

Giải thích về việc bác ý kiến đóng góp của nhiều tầng lớp trong xã hội, Bộ Tài chính cho rằng việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu mà còn xem xét đến nhiều yếu tố khác. Đơn cử như xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường nên cần có chính sách nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế. Bên cạnh đó, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Việc Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm giữ nguyên đề xuất khung thuế suất quá cao và đề nghị tăng thuế VAT khiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia phản ứng mạnh mẽ. Anh Lê Văn Quý (quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm nghề xe ôm nói: “Những người nghèo như chúng tôi sẽ phải gánh hết các khoản này. Tôi không hiểu sao đề xuất tăng thuế BVMT đối với xăng dầu lên mức tối đa 8.000/lít đã bị dư luận phản ứng kịch liệt mà nay họ còn đề xuất tăng thuế VAT lên mức 12%. Dân làm sao chịu nổi!”.


Bộ Tài chính cho rằng giá xăng trong nước còn rẻ so với nhiều nước nên phải tăng thuế lên 8.000 đồng/lít. Trong ảnh: Người dân mua xăng tại một cửa hàng xăng dầu tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thắt lưng buộc bụng

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu phân tích tăng thuế VAT chắc chắn giá xăng dầu sẽ phải tăng lên. Nếu tăng thuế VAT lên mức 12% thì giá xăng tăng thêm khoảng 300 đồng/lít, chưa tính các loại thuế và phí khác.

“Trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, thuế VAT đánh trên tổng các thành phần khác nên có thể ví von VAT là thuế chồng thuế và có giá trị tuyệt đối chỉ sau thuế BVMT” - vị này nói.

Theo tính toán của các chuyên gia, hiện 1 lít xăng đang phải cõng rất nhiều loại thuế và phí. Cụ thể: Thuế nhập khẩu áp trên mỗi lít xăng khoảng 1.300 đồng, thuế BVMT 3.000 đồng, chi phí định mức 1.050 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng, quỹ bình ổn giá 300 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt gần 1.400 đồng, thuế VAT hơn 1.500 đồng…

Như vậy, tổng các loại thuế và phí 1 lít xăng người dân mua phải “gánh” khoảng 8.800 đồng. Trong khi đó giá xăng RON 92 bán lẻ ngày 23-8 được Petrolimex niêm yết ở mức 17.480 đồng/lít. Như vậy, thuế phí chiếm hơn 50% giá xăng.

Nếu thuế BVMT tăng lên mức kịch khung đề xuất là 8.000 đồng/lít, tăng thuế VAT lên 12% thì giá xăng bán lẻ có thể sẽ bị đẩy lên hơn 25.000 đồng/lít. Khi đó số tiền thuế và phí mà người dân mua xăng phải đóng cho mỗi lít xăng lên đến hơn 14.000 đồng!

“Tăng một lúc hai loại thuế là VAT và BVMT sẽ đẩy giá xăng dầu tăng lên, đồng nghĩa với giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng vọt, đồng tiền mất giá, thu nhập không đủ chi tiêu. Người dân thu nhập thấp đã khổ càng khổ hơn, buộc người dân phải thắt lưng buộc bụng” - chị Thùy Dương (quận 12, TP.HCM) chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng, anh Bảo Tâm (nhà ở quận 11, TP.HCM) cho biết mỗi tháng gia đình anh phải chi hơn 1,5 triệu đồng cho tiền xăng. “Nếu giá xăng bị đẩy lên hơn 25.000 đồng/lít vì thuế VAT, thuế môi trường tăng lên thì gia đình tôi phải chi hơn 2 triệu đồng/tháng cho chi phí xăng xe. Chi phí tăng, thu nhập lại đang giảm vì kinh tế khó khăn thì không biết người dân sống sao đây!” - anh Tâm bức xúc.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Qua đó để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Giá xăng dầu tăng cao thì người tiêu dùng sẽ trả ở mức cao và ngược lại, khi giá xăng dầu xuống thấp người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

“Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho quỹ. Bên cạnh đó, việc sử dụng quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu” - VINPA nêu quan điểm.

Đóng cửa, tạm ngừng hoạt động

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho hay một số DN vận tải đang tạm ngừng hoạt động vì chi phí cầu đường quá lớn. Cụ thể, thời gian vừa qua có quá nhiều trạm thu phí BOT mọc lên khiến chi phí của DN tăng vọt. Ví dụ một xe vận tải hàng hóa tuyến Hà Nội - TP.HCM chi phí cầu đường trước đây 8 triệu đồng/tháng, hiện nay lên 13 triệu đồng.

Đối với DN vận tải hành khách cũng chung số phận, như tuyến cố định Hà Nội - Hà Tĩnh, xe giường nằm chi phí cầu đường đã lên tới 18 triệu đồng/tháng. Chi phí quá cao khiến nhiều DN vận tải hàng hóa không còn lợi nhuận, phải bán xe, tạm ngừng hoạt động, một số DN đang cố gắng cầm cự.

“Đã khó khăn mà nay Bộ Tài chính còn đề xuất tăng thuế thì buộc DN phải tăng cước vận tải, khi đó người dân phải chịu và DN chắc chắn sẽ “chết” nhiều hơn vì hiện nay xăng dầu chiếm tới 40%-45% chi phí của DN vận tải. Đề xuất này là đi ngược với chủ trương của Chính phủ là giảm chi phí cho cộng đồng DN” - ông Liên nói.


Không có văn bản thay thế tự động nào.
Nhìn biểu thuế suất tiêu thụ đặc biệt này, đồ rằng họ đang khuyến khích dân tình chơi vé số (15%). Đặng khi trúng, tậu bộ gậy đi chơi góp (golf) (20%)!

Tăng thuế xăng 8.000 đồng/lít, ngân sách có thêm 5 tỉ USD

Trong văn bản góp ý về thuế BVMT gửi cơ quan chức năng, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng khung thuế dự kiến trong tờ trình mức trần 8.0000 đồng/lít là quá cao và sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và DN. Do đó VINPA đề nghị mức thuế BVMT với mặt hàng xăng nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít.

Theo tính toán của VINPA, nếu tăng thuế BVMT lên xăng dầu như đề xuất là 8.000 đồng/lít xăng và 4.000 đồng/lít dầu diesel thì mỗi năm ngân sách sẽ thu được 100.000 tỉ đồng, tức gần 5 tỉ USD.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho hay với phương án tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung về đối tượng và khung mức thuế đảm bảo trách nhiệm BVMT của cá nhân, tổ chức khi sử dụng xăng dầu. Tuy nhiên, hiệp hội cho rằng nếu thuế BVMT đối với xăng được thu theo khung mức thuế tối đa 8.000 đồng/lít đối với xăng RON 92 thì mức thuế này bằng 93% giá nhập khẩu. Riêng thuế BVMT chiếm đến 60,61% tổng số thuế...

“Với mức thu thuế như vậy sẽ rất khó giải thích với người tiêu dùng” - VINPA nêu quan điểm.

Minh bạch khoản chi, khỏi phải tận thu

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nghịch lý là dù đề nghị tăng thuế VAT, tăng thuế môi trường nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra được các nghiên cứu cụ thể rằng việc tăng các khoản thuế sẽ bổ sung cho sách được bao nhiêu; nó ảnh hưởng đến người dân, từng nhóm người dân như thế nào, lợi và hại của việc tăng thuế ra sao.

Đặc biệt thu thuế BVMT để dùng khoản thuế này đầu tư ngược lại cho các dự án BVMT nhưng theo ông Hiếu, xung quanh sắc thuế này còn nhiều bất cập. Chẳng hạn đầu vào thu bao nhiêu thuế thì rất rõ nhưng đầu ra, tức chi khoản tiền thuế này lại không rõ ràng, minh bạch.

“Nếu minh bạch, quản lý tốt phần chi ngân sách, giảm sự lãng phí, giảm tham nhũng… sẽ đủ cân đối ngân sách, không cần tăng thuế” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá một trong những lý do của việc tăng thuế BVMT là nhằm tăng thu cho ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề là nó không được dùng cho đúng tên gọi của sắc thuế này, tức là BVMT mà có phần để bù đắp các khoản hụt thu ngân sách do thuế nhập khẩu giảm.

Bằng chứng là theo một báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách từ thuế này rất lớn nhưng chi rất ít: Năm 2016, tổng thu đến 42.393 tỉ đồng thuế BVMT trong khi mới chỉ chi cho cùng mục đích có 12.290 tỉ đồng, tức mới chỉ chi 28,9%.

“Thuế BVMT thu ba, bốn đồng thì chi ra cho mục đích này chỉ khoảng một đồng. Như vậy thuế dư thừa, tại sao lại còn tăng thu thuế BVMT lên gấp 2-3 lần để làm gì?” - một chuyên gia đặt vấn đề.

QUANG HUY - TRÀ PHƯƠNG
http://plo.vn/kinh-te/quan-ly-kinh-te/gia-xang-se-tang-len-25000-dong-lit-vi-thue-723261.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang