Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

ĐẠI CAO THỦ

 



 
Tại một ngã tư trọng điểm trong thành phố, vào giờ cao điểm buổi sáng, người và xe len chật như nêm cối, nhích từng tí một.

Bỗng một chiếc xe 4 chỗ sang trọng không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, bất chấp đèn đỏ băng qua đường.

Lập tức, một nữ cảnh sát giao thông xinh đẹp bước tới chặn chiếc xe đó dừng lại, ra hiệu tấp vào vỉa hè.

Nữ cảnh sát chào lái xe theo đúng điều lệnh: 

" Chào anh, xe anh không chấp hành tín hiệu giao thông, cụ thể là vượt đèn đỏ, đề nghị anh xuống xe xuất trình giấy tờ xe và bằng lái để kiểm tra"

Người lái xe hạ kính, vẫn ngồi nguyên trên ghế lái nhíu mày:

" Cô có biết trên xe chở ai không? "

Nữ cảnh sát :

" Tôi không biết"

Lái xe: 

" Vậy tôi nói cho cô biết, trên xe là Thủ trưởng Chu và và các đồng chí lãnh đạo“.
Nữ cảnh sát vội bước tới cửa sau chào các Thủ trưởng.

Lái xe nhăn mặt:

" Lần sau để ý tí nhá, mới vào nghề hả"

Nữ cảnh sát:
" Đề nghị anh xuống xe xuất trình giấy tờ xe và bằng lái"

Lái xe:
" Hả? cô điên à "

Nữ cảnh sát:
" Tôi nhắc lại lần cuối, Đề nghị anh xuống xe xuất trình giấy tờ xe và bằng lái"

Lái xe hậm hực miệng làu bàu bước xuống xe đưa giấy tờ và bằng lái cho nữ cảnh sát.

" Anh đã vi phạm luật giao thông đường bộ, vượt đèn đỏ " - Nữ cảnh sát nghiêm giọng.

" Tôi sẽ lập biên bản tạm giữ giấy tờ xe và bằng lái của anh ".

Lái xe mắt trợn ngược, mồm há hốc không nói được câu gì. Đúng lúc đó, Thủ trưởng Chu bước ra khỏi xe, tiến về phía nữ cảnh sát.

" Chào cô" - Thủ trưởng Chu nhìn lên phù hiệu trên áo nữ cảnh sát " Cô là thiếu úy Kiều Tinh ?"

Nữ cảnh sát:

" Chào thủ trưởng! tôi là Kiều Tinh, thiếu úy công tác tại đội 35, được phân công chấp hành nhiệm vụ tại ngã tư này"

Thủ trưởng Chu :

"Chúng tôi đang trên đường đi họp giao ban, cuộc họp rất quan trọng, cô có thể châm chước cho chúng tôi đi ngay để không bị trễ giờ"

Nữ cảnh sát: 

" Không được thưa Thủ trưởng, xe của Thủ trưởng vi phạm, buộc phải lập biên bản theo quy định, xe Thủ trưởng sẽ được đi ngay sau khi chúng tôi lập xong biên bản"

Thủ trưởng Chu :

" Tôi xin nhắc lại cuộc họp rất quan trọng"

Nữ cảnh sát Kiều Tinh:

" Chúng tôi không thể làm khác được, trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, xin Thủ trưởng hãy chấp hành pháp luật và vui lòng chờ ".

Thủ trưởng Chu không nói thêm câu nào bước vào xe ngồi.

Sau khoảng 20 phút, xe của Thủ trưởng Chu được đi sau khi đã bị lập biên bản và tạm giữ giấy phép lái xe. Mặt đồng chí lái xe đỏ như gấc vì bực tức.

Thủ trưởng Chu đẩy cửa bước vào phòng họp, mọi người đã ngồi chờ đông đủ.

Thủ trưởng Chu: 

" Thưa các đồng chí, cuộc họp hôm nay tôi đã đến muộn đúng 27 phút. Lý do là xe của tôi đã bị một nữ cảnh sát giao thông chặn lại và lập biên bản, đây là lần đầu tiên trong đời tôi gặp trường hợp như thế này. Theo tôi được biết, đồng chí nữ cảnh sát đó tên là Kiều Tinh, công tác tại đội 35. Đề nghị cho tôi biết, lãnh đạo đội 35 là ai?

- " Dạ thưa thủ trưởng, đội trưởng là đồng chí Võ, đội phó trước đây là đồng chí Mạt, nhưng đồng chí Mạt đã được điều động sang đội 36"

Thủ trưởng Chu :

" Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao giao thông trong thành phố ta lại lộn xộn đến vậy, không ai tôn trọng luật giao thông, vào giờ cao điểm thì thực sự hỗn loạn. Các đồng chí có biết vì sao không? Một trong những nguyên nhân chính là do mỗi khi bị xử phạt, người vi phạm lại gây sức ép với cảnh sát giao thông. Tôi đã nhiều lần chứng kiến nhiều vụ vi phạm, cảnh sát giao thông khi biết trên xe có lãnh đạo là cả nể cho qua. Các đồng chí nghĩ sao? Nếu mỗi chiến sĩ của chúng ta đều nêu cao tinh thần trách nhiệm như thiếu úy Kiều Tinh thì tôi xin khẳng định rằng, giao thông trong thành phố này sẽ an toàn, trật tự và văn minh nhất cả nước. Nhân đây, tôi đề nghị khen thưởng đồng chí Võ, đội trưởng đội 35 vì đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nữ của mình tác phong làm việc nghiêm túc, đúng pháp luật. Đồng thời, tôi đề nghị đề bạt đặc cách vào chức vụ đội phó đội 35 đối với thiếu úy Kiều Tinh, đây chính là điển hình gương mẫu để cán bộ chiến sỹ học tập, rút kinh nghiệm. Các đồng chí có ý kiến gì không? "

Dạ...đồ...ng ý...ạ !

Tối hôm đó, Thủ trưởng Chu đến thẳng khu chung cư cao cấp Paradise, bấm thang máy lên tầng 90, bấm chuông căn hộ 9001. Kiều Tinh ra mở cửa.

Thủ trưởng Chu bước vào, vứt cặp xuống Sa-lon: 

" Việc của em xong rồi nhé, thông qua 100%, ngày mai sẽ ra quyết định và gửi các đơn vị".
Kiều Tinh: " Vâ...âng, Sếp của em đúng là đại cao thủ..."

- " Thế có thưởng gì cho anh không đấy?.."

- " ...chụt....chụt... ".

Chiếc loa nhạc đang phát bài "Đừng xa em đêm nay" 1 cách du dương...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Về Đồng Tâm: nghe, nhìn, ngẫm… buồn, vui…





Nguyễn Nguyên Bình
20-7-2017


Đến địa phận xã Đồng Tâm, hỏi thăm đường về làng Hoành, may gặp một chị người làng, chị tận tình chỉ đường, nhưng lại dặn chúng tôi đừng hỏi thăm nhiều nữa, cứ đi như thế là đến nơi. Chị còn nhỏ giọng: “Hôm qua công bố kết quả thanh tra, ‘họ’ chặn đường ghê lắm, trong cuộc họp, chỉ họ nói là chính, dân nói mấy câu là họ cắt luôn không cho nói”. Trời, chưa đi đến nơi mà đã nghe “mùi thuốc súng” rồi, lạ thế!

Vào tới sân nhà cụ Kình, một lát sau, nhiều người làng đã kéo đến, có lẽ mọi người biết tin những người bạn của Đồng Tâm mới về. Trong nhà, cụ Kình cũng loay hoay trở dậy để tiếp chúng tôi. Hỏi thăm sức khỏe và thương tật, thì cụ đưa ra tấm phim mới chụp, thấy rõ cái xương đùi bị vỡ, đã phải nẹp lại và bắt tới 11 con vít, vẫn chưa liền. Cụ nói cái xương ấy bị vỡ (chứ không phải gãy) làm mấy mảnh, còn xương mỏm trên đùi thì bị gãy không nối lại được, rồi đây có khỏi thì cũng thành tật, đi lại sẽ khó khăn lắm (về việc vỡ, gãy xương đó, vừa rồi trên mạng có người thắc mắc, cho rằng xương đã gãy làm mấy đoạn, lại không chữa trị ngay, với một cụ già như vậy mà chưa nguy đến tính mạng thì không tin được! Ai không tin có thể xem tấm phim dưới đây). Sự kỳ lạ đó chỉ có thể giải thích đó là do hồng phúc tổ tiên, và cũng là sự may mắn hiếm hoi của làng Hoành:




Trong khi mấy bạn đi cùng tôi đang nghe chuyện của cụ Kình thì tôi được nghe chuyện của mấy bác gái và mấy chị phụ nữ. Một bác có tuổi rầu rĩ: “Tự nhiên dân làng Hoành này lại mang cái tiếng chống chính quyền, rào làng kháng chiến, bắt người trái phép, phá hoại tài sản… Thật là tình ngay lý gian, khổ quá” (bác gái nói đến đó thì mọi người vội cắt ngang, an ủi: không phải đâu, bác ơi, làng ta tình ngay mà lý cũng ngay chứ).


Bác ấy vẫn buồn bã, nói tiếp: “Dân tôi bây giờ đâm bồ côi bồ cút, trước thì trông chờ Đảng, Chính phủ, tưởng là gỡ được nỗi oan, nhưng bây giờ các ông ấy bỏ không cứu chúng tôi rồi. Các ông ấy sợ cứu giúp Đồng Tâm thì các nơi họ bắt chước theo, rồi sinh loạn, làm khó cho các ông ấy chứ gì? Nhưng cơ mà Đồng Tâm không phải như các nơi. Nơi khác họ bị thu hồi đất, thì họ được đền bù, chỉ thắc mắc nỗi đền bù không thỏa đáng thôi, chứ đâu như ở đây, đất cứ thu hết lần này lần khác mà chẳng được đền bù một xu. Lại còn lừa bắt người làng, đánh đập cụ già thành thương thành tật. Ai tự nhiên gây sự làm gì, họ đánh cụ Kình như thế, dân nào mà ngồi yên được, mới kéo cả ra, đông lắm, mà chỉ đàn bà là nhiều. Thấy họ có cả súng, cả dùi cui, lựu đạn, thế nhưng lúc ấy chẳng còn biết sợ là gì, ào ào đến vây quanh đám ấy, không bắt lại thì để chết à? Không bắt thì làm sao cứu được cụ Kình? May sao mấy chú ấy cũng chịu để cho dân bắt. Đã bắt người thì phải rào, phải rấp lối vào làng chứ, để thông thống lối vào, nhỡ họ đem thêm quân tướng vào triệt hết cả làng thì sao? Lúc ấy chỉ nghĩ được đến thế thôi… Ai cố tình đổ cho làng tôi gây sự thì làng cũng phải chịu. Chứ biết nói làm sao…”


Khi được hỏi tên, bác gái hơi ngần ngại, bảo: “cứ nói tôi là người làng Hoành là được rồi. Bây giờ cả làng ai chả nghĩ vậy, có phải mình tôi đâu”.


Một chị tre trẻ tiếp ngay sau bác gái, giọng sôi nổi: “Em thì chả ngại nêu tên, em là Đề, em phải nói là hôm qua nghe công bố cái kết luận ấy mà đến giờ vẫn đang uất đến cổ, phát khóc lên được ấy. Họ ép dân quá đáng lắm. Cái xã Đồng Tâm này đã hiến cho nhà nước bao nhiêu ruộng đất rồi. Nào hơn 200 ha làm sân bay, hơn 300 ha làm trường bắn ASEAN, nào 47 ha bổ sung dự án gì ấy… trước nay dân có ai kêu gì đâu. Nay còn 59 ha cánh đồng Sênh, họ lại cố lấy bằng được, mà họ cũng chẳng có giấy tờ gì làm chứng, đó là họ làm trái. Chúng em không chịu đâu, ai có đổ tội là chống đối, là vi phạm hay cái gì cũng chẳng ngại, phải giữ lấy đất cơm áo, chứ không thì sống bằng gì? Bố em là Nguyễn Văn Lạp, công an xã từ thời chống Tàu, là thương binh, nhà em có hai liệt sỹ, gia đình mới nhận bằng Mẹ anh hùng sáu tháng trước, không ai có thể nói gia đình em là phần tử xấu được. Bây giờ vẫn nghèo, chẳng dính gì đến tham ô tham nhũng như mấy ông cán bộ thời nay. Chả sợ ai quy chụp. Trước kia, làng này, xã này chứa chấp bao nhiêu bộ đội công an về huấn luyện, ở nhờ nhà dân, cùng ăn khoai sắn với dân, mà sắn khoai cũng trồng ở đất Đồng Sênh chứ đâu. Chốc nữa em đưa các bác ra tận đất mà xem, họ đã lấy bao nhiêu rồi, cứ mênh mông cả ra, thế mà vẫn chưa thỏa…”


Hỏi về việc mới đây cấp trên họ nói sẽ đem ra truy tố 14 vị cán bộ huyện xã ở đây vì buông lỏng quản lý đất đai có gỡ được oan trái gì cho dân ta không? Câu này được một bác lớn tuổi, tên là Bùi Văn Nhạc, đã từng là chính trị viên đại đội, 55 tuổi đảng, trả lời: “Đó là số những người đã tham nhũng chia chác đất đai suốt từ năm 2002 đến 2013, việc đó không liên quan đến mảnh đất Đồng Sênh hiện đang tranh chấp. Đó là những người bị chính chúng tôi tố cáo từ mấy năm nay. Các đảng viên chính trực trong xã như cụ Kình, như ông Vệ, ông Doãn… đã hưởng ứng Nghị quyết TƯ 4 của Đảng kêu gọi mạnh mẽ chống tham nhũng, mới đưa đơn tố họ ra. Lúc đó, động cơ chỉ là muốn xây dựng Đảng, loại bỏ những cá nhân vi phạm kỉ luật Đảng, vì vậy chúng tôi rất vô tư, không bỏ qua sai phạm của bất kể người nào, kể cả trong họ hàng… Nhưng sự thực thì, đơn từ đã lắm, tố suốt mấy năm mà chẳng có ‘ông trên’ nào đoái hoài xem xét đến. Đùng một cái, xảy ra vụ đánh người, cướp đất ầm ỹ cả nước, nên bây giờ mới đem ra truy tố cái món đã thiu từ lâu ấy. Người ngoài không biết, chắc cứ tưởng họ xử trí công bằng đấy nhỉ? Tưởng họ làm như lời ông thủ tướng, rằng là ‘xử quan trước, xử dân sau’ có phải không? Dân chúng tôi ở đây thì biết tỏng, đó chỉ là động tác giả thôi, lại thêm cái kết luận mới công bố hôm qua cứ như đấm vào mặt dân, thì lại càng thất vọng với mấy ông ý. Chả còn tin cái gì cả…”


Ngừng dây lát, bác Nhạc nói tiếp, giọng chùng xuống: “Nói thật, trước nay dân Đồng Tâm hiền lành lắm, chỉ biết nghe một chiều, chả biết xem tin tức gì ở nơi nào khác, chả biết mạng mẽo là gì (Ngay trong gia đình cụ Kình, chỉ có người cháu dâu là biết sử dụng máy tính, biết vào mạng, nhưng trước kia cũng không biết về các trang liên quan chính trị, chính em). Chúng tôi cứ tưởng các vụ tham ô tham nhũng xảy ra ở huyện, xã này đã là to lắm. Nay mới biết, cái tham ô tư túi cỡ vài ngàn mét đất nông thôn, mấy trăm triệu với cả tỷ đồng chưa là gì đối với các ‘quan’ của cả nước. ‘Việt theo’ họ tính kế chiếm hàng mấy chục vạn mét vuông, lừa đảo, đánh đập, bắt người trắng trợn đến thế mà còn không hề bị xử lý nữa là. Đau vô cùng. Ngẫm lại thấy rùng mình, chắc là hôm đó họ định giết người diệt khẩu. Họ biết cụ Kình có mang cả một cặp tài liệu giấy tờ ghi rõ lịch sử đất đai ở Đồng Tâm, cụ lại thuộc đến nằm lòng những nội dung trong đó. Cho một tay phó trưởng công an huyện, với cú đánh có nghề, quyết liệt như thế, rồi nhét giẻ vào mồm, bắt đem đi, không cho chữa trị, như vậy không phải là quyết đoạt mạng người già trên 80 tuổi hay sao? Còn may, lúc đã bị đánh cú đau như thế mà cụ vẫn đủ tỉnh táo để vứt cái cặp ấy cho một người làng và kịp hô giữ lấy, và bản thân cụ thì đã tạm qua cơn nguy hiểm


Nhưng… cũng lại nói thật, bây giờ tuy đã mất hết lòng tin vào những người có quyền thế ở những cấp cao như vậy, và thấy rằng, cứ thế này thì mất Đảng mất chế độ đến nơi, chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn lo ngại. Mất Đảng, mất chế độ thì sẽ ra sao? Tình hình có dẫn đến rối loạn không?”


Nghe đến câu hỏi này của bác Nhạc, tôi đành phải ra lời: Có thể tình hình sẽ không đáng lo như bác nghĩ, trên thế giới cũng đã có nhiều nước vốn có “đảng” toàn trị và “chế độ” như ở ta, nhưng khi xảy ra việc “mất đảng, mất chế độ” rồi, tình hình chỉ thấy tốt lên, không thấy rối loạn. Sau đây bác nên tìm đọc thông tin nhiều chiều, chắc sẽ tìm được câu trả lời chính xác, bác ạ.


Cũng qua sự bộc lộ chân tình của người cựu chiến binh làng Hoành ấy, mới biết, cuộc khủng hoảng Đồng Tâm là hoàn toàn không hề có một sự can thiệp nào từ bên ngoài, và cũng chẳng phải những người dân ở xã Đồng Tâm, cũng như ở làng Hoành đã không có cái gì là chủ động chuẩn bị, cũng không có tổ chức nào được lập sẵn để chống đối nhà cầm quyền. Sự việc diễn tiến theo một quy luật tự nhiên, bắt đầu từ nhu cầu đấu tranh dân sinh, nhu cầu tự vệ mà thôi… Vì vậy, trách nhiệm giải quyết khủng hoảng phải là của phía chính quyền. Tiếc thay, chính quyền không những đã chối bỏ trách nhiệm, mà còn có những động thái cố tình đổ thêm dầu vào lửa kiểu “Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” hoàn toàn đổ lỗi cho dân. (Nhưng xét cho cùng, với bản chất độc tài, độc đoán; với luật đất đai vô lý vô lối, nhà cầm quyền có muốn cũng không thể giải quyết dứt điểm sự việc một cách hợp tình hợp lý, vừa thuận lòng dân, lại vừa thuận lòng quan – Viettel – được).


Cũng qua đây, chúng tôi hiểu, tại sao trong giai đoạn đầu, Đồng Tâm vẫn giương biểu ngữ: “Nhân dân Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước”; họ cũng không muốn có sự tham gia của bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào bên ngoài. Điều đó không có gì khó giải thích. Lúc đó Đồng Tâm vẫn cho rằng sự việc không quá phức tạp, không vượt quá thẩm quyền và khả năng giải quyết của chính quyền cấp thành phố ở Hà Nội. Cũng vì vậy, bà con Đồng Tâm đã thật lòng vui mừng đón ông chủ tịch thành phố về xã. Ở xa không biết, thì có người khen Đồng Tâm khôn ngoan, có chiến thuật, có sách lược nên mới lấy được bản cam kết lịch sử của chủ tịch Chung; có người lại bực bõ, trách Đồng Tâm là khoảnh, là ngu trung…


Trước khi tạm biệt làng Hoành và xã Đồng Tâm, chúng tôi được chị Đề và chị Hoan lấy xe máy đưa ra thăm thực địa. Tận mắt thấy cánh đồng Sênh đẹp như mơ, chúng tôi càng hiểu tại sao các quan Viettel cố muốn giành cho bằng được. Đồng Sênh bằng phẳng, dựa vào dãy núi chạy tới tận vùng Hương Sơn Mỹ Đức, lại có tỉnh lộ 429 cặp theo, nhìn bằng con mắt tâm linh phong thủy hay con mắt trần thế thực dụng thì đều thấy đẹp.


Các chị nông dân chỉ cho chúng tôi cái bờ tường đang dở dang bao quanh cánh đồng kia là Viettel họ đã bỏ ra hàng mấy chục tỷ để xây, định sau này cấm không cho dân vượt qua, vừa rồi họ đã cấm dân đi con đường 429 này, nhưng dân chúng em cứ đi. Cấm dân mà lại không cấm người Trung Quốc mới vô lý chứ, mấy lần bắt gặp toán người Trung Quốc vào đây, họ bốc đất lên xoa trên tay rồi rê rê xuống xem. Hỏi thì người phiên dịch nói lảng rằng họ đang tìm đường đi Chùa Hương, rồi lủi. Xung quanh đây có mấy ổ Trung Quốc, hai bên cổng trường bắn ASEAN này, gần núi Đầu Rồng này, trong cánh đồng 47 ha còn có một trung tâm trồng nấm, thấy nói cũng là của Trung Quốc. Họ ở đấy khá lâu rồi, không thấy bán nấm ra ngoài bao giờ…


Các chị còn cho biết, trong quả núi kia có một cái hang lớn lắm, ngày xưa bộ đội ta giấu máy bay MIG 17 trong đó; bộ đội cao xạ Trung Quốc ngày ấy cũng đã vào hoạt động ở vùng này, bây giờ chắc Trung Quốc cũng đang nhòm ngó gì nơi đây chứ không thể là bình thường. Có người đân trong làng còn nghi ngờ rằng Viettel muốn chiếm cánh đồng ấy để nhượng bán cho Trung Quốc. Một cái tin động trời như thế, ai dám tin? Nhưng có lẽ cũng không thể hoàn toàn bác bỏ.

Ngẫm nghĩ thấy, Viettel từ khi kinh doanh dịch vụ viễn thông, đã chả nhập bao nhiêu máy móc thiết bị của TQ đấy thôi? Máy móc TQ bán giá cạnh tranh, kinh doanh ắt phải lãi nhiều, mà có thể phía nhà cung cấp kia họ còn ưu tiên ưu đãi vì các mục đích khác, chưa biết chừng. Đã lệ thuộc họ trong kinh doanh thì khó mà từ chối những gì họ muốn, biết đâu được… (phần này xin tham khảo thêm bài phân tích của nhà giáo Nguyễn Tiến Dân:  “Trung cộng đang toan tính điều gì ở mảnh đất Đồng Tâm”, cũng trên trang Tiếng Dân này).


Lại ngẫm, nếu trước đây, khi những người cầm quyền còn đủ dũng khí kình chống thế lực cực đoan bá quyền TQ, đồng hành với dân, thì những hiện tượng trên đã không thể bị bỏ qua. Chính quyền huyện, xã và cơ quan quân sự địa phương phải coi đó là vấn đề “nhạy cảm” để cảnh giác theo dõi, đề phòng. Đàng này, có ai ỏ ê gì đâu, bao nhiêu tinh lực họ còn tập trung vào việc đối phó với dân, trọng tâm công tác là biến đất của dân thành “đất quốc phòng”! Nỗi đau của người Đồng Tâm cũng là nỗi đau thắt lòng của người viết bài này. Không đau, không lo sao được khi cảm nhận bọn Tàu đã đang toan tính một mưu mô nào đó trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này.


Có thể nói: chính động thái đổ thêm dầu vào lửa của nhà cầm quyền như vừa qua mà ngọn lửa Đồng Tâm vẫn không bị dập tắt. Lửa đấu tranh ở Đồng Tâm vẫn còn ngún cháy. Người dân Đồng Tâm nay đã bắt đầu suy nghĩ khác, nhất là những người vẫn được nhân dân coi là “già làng trưởng bản”.


Rồi đây, theo quy luật, cuộc đấu tranh của Đồng Tâm sẽ phải chuyển hóa từ dân sinh sang dân chủ; nhận thức và tâm hồn người Đông Tâm sẽ phải có bước “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo xu hướng mà đảng cầm quyền đang đang rất không mong muốn, đang cố sức ngăn chặn. 

Nguồn: Tiếng Dân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đảo Tri Tôn và thông điệp của tàu chiến Mỹ



image
Đảo Tri Tôn nằm về phía Nam của nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc Hoàng Sa

Tàu USS Stethem hôm 02/07/2017 áp sát đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Cộng, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền, khiến Bắc Kinh gọi đây là "khiêu khích quân sự".

Vậy thông điệp từ hoạt động của tàu USS Stethem là gì và lịch sử tranh chấp tại vùng này có gì liên quan đến hòn đảo nhỏ này?

image

Điểm qua năm vấn đề cơ bản:

1. Không công nhận đường cơ sở quanh Hoàng Sa

Đài Fox News ở Hoa Kỳ nói đi vào phạm vi 12 hải lý cách đảo Tri Tôn là thông điệp "Hoa Kỳ không công nhận" chủ quyền của Trung Cộng tại đây.

Lucas Tomlinson trên trang Fox News, kênh truyền hình "yêu thích" của Tổng thống Trump, trích dẫn một quan chức quốc phòng Mỹ nói USS Stethem cũng "thách thức cả tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Đài Loan" về đảo này.

image

"Phạm vi 12 dặm biển là biên giới lãnh hải bao quanh mọi quốc gia có biển, và đi tàu vào bên trong phạm vi này chính là cách gửi ra thông điệp Hoa Kỳ không công nhận tuyên bố chủ quyền đó."

Cùng lúc, trang Independent ở Anh trích lời bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về Biển Đông tại Center for a New American Security, nói:

Hoa Kỳ muốn thử thách đường cơ sở bất hợp pháp của Trung Cộng quanh vùng Hoàng SaMira Rapp-Hooper
"Khác với Trường Sa, nơi Trung Cộng đã xây đảo nhân tạo mấy năm qua, tại Hoàng Sa, nước này trên thực tế đã kiểm soát toàn bộ từ 1974."

image

Bà giải thích mục đích của Hoa Kỳ sử dụng quyền tự do hàng hải (freedom-of-navigation operation, gọi tắt là FONOP) là nhằm thử thách "đường cơ sở bất hợp pháp của Trung Cộng quanh vùng Hoàng Sa".

2. Trump bắt đầu nản về Trung Cộng

image
USS Stethem vào bên trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn để gửi thông điệp tới TC

Nhưng động thái mới nhất của Hải quân Mỹ còn được thực hiện trong bối cảnh "có vẻ như chính quyền Trump hết kiên nhẫn với Bắc Kinh về các công tác tiếp tục xây đắp quân sự ở Biển Nam Trung Hoa", tác giả Tomlinson viết.

Bên cạnh đó, "Hoa Kỳ cũng thất vọng rằng Bắc Kinh không kiềm chế được Bắc Hàn về chương trình nguyên tử và hỏa tiễn".

Hôm 1/7, báo The Guardian ở Anh cũng nhận định rằng "tuần trăng mật của hai ông Trump và Tập Cận Bình đã chấm dứt".

Hoa Kỳ cố ý chọn ngày ông Tập Cận Bình sang duyệt binh ở Hong Kong tuần qua để kêu gọi "thêm dân chủ cho Hong Kong và rằng Trung Cộng phải tôn trọng các quyền tự do, gồm cả tự do báo chí".

image
Tàu Mỹ áp sát đảo Tri Tôn

3. Vì sao Tri Tôn quan trọng?

Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) gồm 130 đảo san hô, bãi đá và đá ngầm, cách miền Trung Việt Nam 250 hải lý (400 km) về phía Đông và đảo Hải Nam của Trung Cộng 220 hải lý (350 km) về phía Nam, theo Britannica.

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo, là nhóm đảo Lưỡi Liềm ở phía Tây, và nhóm đảo An Vĩnh ở phía Đông.

image

Đảo Tri Tôn - có tên theo chiếc tàu của Anh HMS Triton, nằm riêng lẻ ra về phía Nam và thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm. Trung Cộng gọi đây là đảo Trung Kiến.

Khoảng cách từ Tri Tôn vào đảo Lý Sơn của Việt Nam lại chỉ có 123 hải lý.

image 
Bản đồ và tên gọi nhiều đảo trong vùng Hoàng Sa từ một tài liệu tiếng Việt

Khoảng cách từ Tri Tôn đến mũi Ba Làng An trên đất liền Việt Nam chỉ có 135 hải lý, gần hơn khoảng cách từ đảo Hoàng Sa đến đảo Lăng Thuỷ thuộc Hải Nam của Trung Cộng (140 hải lý).

Cũng vì vị trí nằm ngoài hẳn nhóm đảo chính, Tri Tôn có ý nghĩa phòng thủ, chặn lối vào các đảo còn lại.

Trước lần vào gần đảo Tri Tôn hôm đầu tháng 7 mới đây, một chiến hạm của Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2016 cũng đi vào gần đảo này.

Để thách thức chủ quyền của bất cứ nước nào đang kiểm soát Hoàng Sa, Hoa Kỳ không cần phải vào sâu trong nhóm đảo An Vĩnh và Lưỡi Liềm mà chỉ cần đến gần đảo Tri Tôn là đủ.

4. Lịch sử chủ quyền và quyền kiểm soát

Năm 1932, Pháp tuyên bố đưa quần đảo Hoàng Sa vào thuộc Liên bang Đông Dương và lập một trạm khí tượng tại đây.

image 
Không ảnh của DigitalGlobe tháng 2/2016 chụp Đảo Bắc (North Island), cách đảo Phú Lâm 12 km về phía Bắc

Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier ra Nghị định đặt Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và Hoàng Sa tách khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào Thừa Thiên.

Trong Thế Chiến 2, Nhật Bản chiếm một số đảo nhưng rút đi để rồi đến năm 1951 tuyên bố từ bỏ chủ quyền tại đây.

image 

Năm 1947, quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo lớn nhất trong nhóm An Vĩnh (phía Đông).

Cùng thời gian, trên đảo Hoàng Sa (Prattle Island), là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (phía Tây), người Pháp vẫn vận hành trạm khí tượng và sau đó, Quốc gia Việt Nam tiếp tục công tác này.

image 
Đảo Tri Tôn (đánh dấu đỏ trên bản đồ) nằm gần bờ biển VN hơn là khoảng cách từ đảo Hoàng Sa (trong cùng nhóm đảo Lưỡi Liềm) tới khu vực đảo Hải Nam của Trung Cộng

Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Cộng, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến.

Sau năm 1954, khi Hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam (tạm thời), con số quốc gia tuyên bố chủ quyền tăng lên gấp đôi.

Sau khi tiếp quản từ Trung Hoa Dân quốc, Trung Cộng cộng sản và Việt Nam Cộng hòa là hai nước kiểm soát trên thực tế một số đảo, bên giữ nhóm đảo phía Đông, và bên giữ nhóm phía Tây.

Nhưng hai nước khác cũng nói họ là bên tiếp nhận chủ quyền đã nêu.

Trong trường hợp Đài Loan thì họ vẫn tiếp tục coi mình là Trung Hoa Dân quốc cùng mọi chủ quyền tại quần đảo này trước khi mất về tay Bắc Kinh.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng nói họ mới là bên có chủ quyền chính đáng từ tất cả những gì người Pháp trao trả lại.

5. Khai thác dầu khí và căn nguyên xung đột

image 
Hải quân TC tập trận gần Hoàng Sa hồi tháng 7/2016

Theo Bách khoa Toàn thư Anh, xung đột ở Biển Đông bùng lên năm 1974 sau khi Việt Nam Cộng hòa bắt đầu ký các hợp đồng khai thác dầu khí với công ty nước ngoài, khiến Trung Cộng có phản ứng.

Trung Cộng đã tấn công các đảo ở Quần đảo Hoàng Sa bằng không quân và hải quân, chiếm trạm khí tượng (trên đảo Phú Lâm), và kiểm soát toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa từ đó.

Nhưng kể từ đó đến nay, chủ quyền các hòn đảo ở đây vẫn là cốt lõi của tranh chấp, theo Britannica.

image

Các vấn đề lại bùng nổ năm 2014 khi giàn khoan HD-981 của Trung Cộng được kéo xuống khu vực gần Quần đảo Hoàng Sa, khiến Việt Nam phản đối.

Tin tức về một giàn khoan khác mà Trung Cộng đưa ra Biển Đông gần đây dù không được nước này xác nhận, đang tiếp tục làm nóng lên bầu không khí xung quanh các vùng đảo ở đây.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

GS Ngô Bảo Châu 'có quan điểm trái với sự giáo điều'


image

Một giảng viên ở Hà Nội nói rằng bà tin "Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng để ý chuyện ông đang bị bôi nhọ" và rằng bà khâm phục "một trí thức thành danh ở nước ngoài vẫn tha thiết với những vấn đề xã hội của Việt Nam".

Mạng xã hội tại Việt Nam đang lan truyền những bài 'Tiếc cho nhân tài Ngô Bảo Châu; Ngô Bảo Châu - một con trâu biết làm toán' hay 'Ngô Bảo Châu - một con chó phản chủ…'

Một bài trong số này đăng trên blog có đoạn viết: "Ngô Bảo Châu tiếp tục cổ súy cho các hành động sai trái chống phá đất nước của những tên phản động như Lê Công Định, Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Mẹ Nấm..."

image
Giáo sư Ngô Bảo Châu đọc diễn từ tại Viện Hàn lâm Khoa học Pháp hôm 20/6

Cuối tháng trước, Giáo sư Châu là một trong 15 nhà khoa học của nhiều quốc gia được bầu làm viện sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Pháp.

Hồi tháng 12/2016, ông quyết định hiến toàn bộ tiền thưởng giải Fields năm 2010 để tài trợ cho Tạp chí Pi dành cho các học sinh, sinh viên yêu toán.

image

Trên trang cá nhân có nhiều lượt theo dõi, gần đây ông chia sẻ link ký thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm).

Tháng 6/2017, đề cập về tập thơ Thành Phố Dịu Dàng bị thu hồi, Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: "Đã vào thiên niên kỷ thứ ba lâu rồi mà ở đâu đó trên quả đất này vẫn có ai đó muốn kiểm soát thơ, cho rằng thơ không được chủ quan, thơ phải hợp lý. Có phải họ nuối tiếc một cái gì đó mà đáng ra nên vĩnh viễn cho yên nghỉ với thiên niên kỷ trước hay không?"

Dũng cảm và dấn thân

Hôm 12/7, bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học từ Hà Nội nói : "Tôi tin Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng để ý chuyện ông đang bị bôi nhọ đâu."

image

Chắc ông thừa hiểu xã hội Việt Nam giống như căn nhà đóng cửa lâu năm, mới mở cửa đón làn gió mới, nên có thể một số người bên trong có phản ứng không phù hợp."

"Tôi cũng không cho rằng chuyện ông bị bôi nhọ liên quan đến chính quyền, vì không có tin nào như vậy trên báo chính thống."

"Theo như tôi thấy, có thể nguyên do của việc này là vì ông có những quan điểm trái với sự giáo điều về tôn sùng HCM hay phản đối việc bắt giam blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh."

"Ông Châu là một trí thức chân chính, nói theo kiểu ngày xưa là "uy vũ bất năng khuất (người cương trực không chịu khuất phục kẻ có quyền thế)."

image
GS Châu (đeo kính) thường xuyên về Việt Nam làm việc và thăm thân nhân

"Trí thức người Việt thành danh ở nước ngoài thì nhiều, nhưng người tha thiết quay về đóng góp cả về nghề nghiệp và về những vấn đề xã hội của Việt Nam như Giáo sư Châu là rất hiếm hoi," bà Nguyễn Hoàng Ánh, nói. "Tôi cho đó là sự dũng cảm và dấn thân."

Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách Hóa Nông Thôn nói : "Theo tôi, việc một số trang mạng hạ bệ giáo sư Ngô Bảo Châu thì không thể gọi nó là chiến dịch và không đáng bận tâm."

image

"Điều đáng nghĩ là những phát ngôn rất đỗi hiển nhiên mà người có tri thức nào cũng có khái quát và phóng ngôn lại thu hút số đông quan tâm và cả đám đông chống đối."

"Điều này, một phần phản ánh tính yếu của đám đông, họ xả ẩn ức về thực trạng xã hội qua quan điểm của một cá nhân, và một đám đông khác không chấp nhận quan điểm trái chiều. Xã hội có đám đông chỉ dừng ở xả ẩn ức qua và bằng ngôn từ thì thiếu sức mạnh nội thân để đấu tranh chống lại cái xấu và kiến tạo văn minh quốc gia."

"Hạ bệ một trí thức cụ thể nào đó là chỉ số xấu. Nhưng sự hạ bệ kinh khủng nhất và kéo lùi sự phát triển của xã hội là sự hạ bệ tri thức của đám đông."

"Sự hạ bệ đó được thể hiện qua những người lớn khẳng định 'trẻ em không đọc sách', nhà trường không giúp trẻ em đọc sách, và xã hội vẫn để hơn 14 triệu trẻ em chưa được nghe và đọc sách. Vậy, để một ngày đẹp trời, những phát ngôn hiển nhiên của một trí thức nào đó không bị chụp mũ, thì cần một đám đông trân quý tri thức bằng cách chia sẻ nó rộng rãi."

Cùng thời điểm, nhà báo Huy Đức viết trên Facebook cá nhân: "Đừng nghĩ truyền thông Việt Nam đã "dựng" Ngô Bảo Châu lên như dựng vài thần tượng khác."

image

"Chính truyền thông và một vài chính trị gia đã khai thác sự ngưỡng mộ của dân chúng trước tài năng toán học xuất chúng của ông để đánh bóng hình ảnh cho họ."

"Chắc giờ đây có người nhận ra Ngô Bảo Châu là một học giả tầm cỡ quốc tế chứ không phải là "một con cừu" nội địa. Nhưng, quý vị nên nhớ, danh tiếng của Giáo sư Ngô Bảo Châu là có thật chứ không phải là một sản phẩm của truyền thông để quý vị có thể sử dụng truyền thông, ngay cả chính thống, mà hạ bệ."

Trước đó, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse, Pháp, viết: "Thật ra, những điều Giáo sư Ngô Bảo Châu nói ra, từ bô xít cho đến Mẹ Nấm… mới chỉ ở mức nhẹ, chẳng có gì là ghê gớm hay bí mật, ai có khả năng tự tìm thông tin và suy luận đúng đắn cũng nhận thấy được."

image

"Tuy nhiên, trong thời đại Internet này, chính sách ngu dân có thể làm chậm lại sự tiến bộ của xã hội, nhưng cuối cùng thì làm sao có thể ngăn cản nổi nhu cầu văn minh hoá, tự do hoá về tư tưởng của cả trăm triệu người dân."

Giáo sư Ngô Bảo Châu vào hè năm ngoái gỡ một bình luận gây tranh cãi của mình trên Facebook.

Vào hôm 19/05/2016, trên Facebook cá nhân của mình, Giáo sư Châu viết: "Có quý‎ mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta."

Bình luận này nhận được trên dưới 20.000 người "thích", hàng trăm bình luận và cả ngàn lượt chia sẻ nhưng đã được gỡ bỏ sau khoảng hai giờ kể từ khi đăng.

image

Phần nhận xét hiển thị trên trang