Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Không chấp nhận ý kiến đối lập sẽ dẫn tới thất bại?


image

Vở kịch thắng nhiều giải thưởng 'Hamilton' đã thống trị hầu hết các trải nghiệm sân khấu hàng đầu trong hai năm qua. Các buổi biểu diễn ở New York liên tục cháy vé và cuối cùng thì nó cũng đặt chân đến London. Sự tò mò buộc tôi phải đi xem. Và tôi nhận ra mình... không thích nó.

Bài học ở đây là gì? Có lẽ tôi nên kỳ vọng ít hơn. Trên thực tế, triết học Phật giáo cho rằng chìa khóa của hạnh phúc là kỳ vọng ít đi. Ý tưởng này khá thực tế trong kinh doanh. Người quản lý nào chưa từng nghe theo lời khuyên: Hứa ít thôi, hãy làm nhiều hơn?

Thế nhưng hạ thấp sự kỳ vọng có phải là điều tốt? Carol Dweck, giáo sư tâm lý học của Đại học Stanford, không nghĩ vậy.

image

Theo Dweck, hạnh phúc đến với những người không ngừng học hỏi và nỗ lực để cải thiện. Đừng cam phận và kỳ vọng ít hơn vào bản thân. Càng mong đợi nhiều, hạnh phúc của bạn càng lớn. Điều này cũng hoàn toàn đúng trong kinh doanh: các nhà lãnh đạo cần luôn suy nghĩ về sự tăng trưởng để thúc đẩy bộ máy của mình tiến tới.
Cả hai ý tưởng đều có ý nghĩa, hợp lý, dễ liên hệ... và hoàn toàn trái ngược. Nhiều độc giả có lẽ đồng ý với cả hai.

Sự thiếu đồng nhất đã trở thành một thứ bị xem là tội lỗi trong nhiều năm. 'Sự lật lọng' trong các vấn đề là lời cáo buộc mà tất cả các chính trị gia đều sợ hãi.

Tuy nhiên, việc có hai ý tưởng trái ngược nhau trong đầu và chọn một trong hai tuỳ từng thời điểm không có nghĩa rằng chúng ta là người dễ thay đổi. Đó là cách mà tất cả chúng ta đôi lúc đều áp dụng và việc nhận ra sự tồn tại song song này là một kỹ năng lãnh đạo quan trọng.

Trí óc nhanh nhạy

Những nhà quản lý có suy nghĩ đơn giản thường tìm kiếm sự nhất quán. Người quản lý khôn ngoan cảm thấy thoải mái với sự trái ngược này.

image

Các nhà quản lý giỏi nhất thường sẵn sàng chấp nhận hai quan điểm trái ngược nhau trong một vấn đề vì họ biết thế giới phức tạp ra sao. Trong kinh doanh, khả năng phản ứng với tất cả sự phức tạp và nghịch lý của thế giới là vô cùng quan trọng.

Việc hạn chế ý tưởng, quan sát hay phản hồi của bạn để phù hợp với một logic duy nhất có thể hạn chế lối ra cho các vấn đề và quan trọng hơn hết, nó không phù hợp với thực tế.

Con người và những vấn đề họ tạo ra, và sau đó cố gắng giải quyết, có thể đến với bạn một cách bất ngờ - vậy tại sao bạn phải để cho suy nghĩ hạn hẹp của chính bản thân làm cho công việc của mình khó khăn hơn?

Khi tôi huấn luyện cho các quản lý và yêu cầu họ mô tả sếp của mình, họ sẽ luôn dùng những từ như 'quản lý vi mô' hoặc "uỷ nhiệm".

Chúng ta thường thích gắn mác cho mọi người theo những cách hạn hẹp, nhưng khi làm vậy, ta bỏ lỡ một thứ quan trọng: Việc gắn mác cho người khác không chỉ dễ gây hiểu nhầm, nó còn giảm cơ hội học hỏi của chúng ta.

image

Cách nhiều người mà tôi huấn luyện nói về sếp của mình làm cho họ khó có thể hiểu rằng công việc quản lý đòi hỏi kỹ năng chọn ưu tiên trong các vấn đề xung đột và đối mặt với áp lực.

Một người quản lý giỏi không phải là người thường xuyên hoặc dành tất cả thời gian cho công việc giám sát. 

Quản lý hiệu quả yêu cầu phải có sự chuyển đổi liên tục. Đôi lúc người quản lý cần đóng vai trò là một giáo viên dành thời gian hướng dẫn trực tiếp, nhưng đôi khi cũng cần cho người khác sự độc lập họ cần để phát triển.

Có lẽ đây là một sự thật khó chấp nhận, nhưng những sếp giỏi là những người có khả năng luồn lách giữa các nghịch lý, tuỳ hoàn cảnh thay đổi của một công việc hoặc dự án.

Họ thực sự tạo cơ hội cho các thành viên trong nhóm bằng cách phân công trách nhiệm, nhưng họ chỉ không ủy thác và quên đi. Họ chú ý không ngừng nghỉ.

Nhận thức được những mâu thuẫn thường xuyên mà bất kỳ vị sếp nào cũng phải trải qua khi nắm cả hai nhiệm vụ này sẽ giúp cho những người mà tôi huấn luyện giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả hơn nhiều so với những gì họ đã làm.

Người quản lý thông minh thường tôn trọng các nghịch lý.

Nếu điều này là khó với bạn, hãy xem xét những lời khuyên sau đây:

image

·        Mặc dù sự nghịch lý và mâu thuẫn vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta, nhưng hai ý tưởng đối nghịch không cần phải là đều chính xác vào cùng một thời điểm. Một ý tưởng thất bại ba năm trước đây có thể là một ý tưởng đúng ngày hôm nay. Các thiết bị trợ lý điện tử trong những năm 1980 (Newton, General Magic) đã thất bại thê thảm, thế nhưng các thiết bị di động trong thế kỷ 21 giờ đây là trọng tâm công việc và đời sống của chúng ta.

·        Những gì có ý nghĩa đối với tôi có thể không có ý nghĩa đối với bạn. Không có ý tưởng nào chiếm được ưu thế 100%, và điều đó cũng có nghĩa là những sự điều chỉnh trong công việc theo cách làm việc và quản lý của mỗi người là hoàn toàn tự nhiên.

·        Sai lầm lớn nhất là từ chối nghịch lý và mâu thuẫn. Chỉ vì chúng ta giả vờ rằng chúng không phản ánh đúng thực tế không có nghĩa là chúng đột nhiên biến mất. Nhưng điều đó lại có nghĩa là bạn đang hiểu một cách rất hạn chế về những gì đang xảy ra, và đó không phải là một ý tưởng tốt. Lối suy nghĩ cởi mở sẽ giúp bạn xác định những rủi ro tiềm ẩn và tìm cách giảm thiểu chúng.

·        Đừng đánh giá thấp khả năng của những người thường có trong đầu hai luồng ý nghĩ đối lập. Các quản lý giỏi sẽ muốn nhân viên mình nghĩ rằng cả hai ý nghĩ đó là đúng. Chúng ta tiêu tốn rất nhiều năng lượng để cố sức đạt được sự nhất quán, trong khi việc chấp nhận sự tồn tại của nghịch lý lại quan trọng hơn nhiều.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phân cực, và có lẽ thật khó để chấp nhận rằng ai đó tin vào hai quan điểm trái chiều cùng một lúc. Nhưng vẫn tồn tại những người như vậy, và đó là điều nên làm.




Sydney Finkelstein

image


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Việt bỏ 3 tỉ đôla mua nhà ở Mỹ



image

Công dân Việt Nam bỏ ra khoảng 3,06 tỉ đôla Mỹ năm ngoái để mua nhà ở Mỹ, theo một ước tính của Hiệp Hội Quốc Gia Chuyên Viên Địa Ốc Hoa Kỳ (National Association of Realtors).

Báo cáo hàng năm mới nhất của họ, công bố hôm 18/7, cho thấy Việt Nam đứng trong tốp 10 nước hàng đầu mua nhà tại Mỹ.

image

Hiệp Hội Quốc Gia Chuyên Viên Địa Ốc Hoa Kỳ cho biết, tính từ tháng Tư 2016 đến tháng Ba 2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỉ đôla.

Nếu tính theo phần trăm, năm ngoái, Việt Nam, Đức, Venezuela và Nhật mỗi nước chiếm 2% trong số người ngoại quốc mua nhà ở Mỹ.

Đứng đầu là Trung Cộng, chiếm 14%, theo sau là Canada 12%, Mexico 10%, Ấn Độ 5%, Anh 5%, Brazil 4%.

image
10 nước mua nhà nhiều nhất ở Mỹ trong 12 tháng qua

Đây là 10 nước mua nhà nhiều nhất ở Mỹ.

Số tiền công dân Trung Cộng bỏ ra để mua nhà ở Mỹ năm ngoái đạt mức kỷ lục, 31,7 tỉ đôla.

Hiệp Hội Quốc Gia Chuyên Viên Địa Ốc Hoa Kỳ cho biết 65% người mua Trung Cộng trả bằng tiền mặt, chỉ có 26% vay tiền mua nhà ở Mỹ.

image

Phần nhận xét hiển thị trên trang

To gan luận về bác sĩ Nguyễn Khắc Viện


19/07/2017 Nguyễn Hoa Lư 
Ngày 10 tháng 5 năm 2017, kỷ niệm 20 năm ngày mất của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhiều tờ báo viết bài ca ngợi ông,gọi ông là “bậc tiên tri”[1], “một người uyên bác và thẳng thắn”[2], người có “tư tưởng canh tân đất nước”[3]… Sinh thời, bác sĩ Viện được tôn xưng với nhiều danh hiệu: nhà báo, nhà văn, nhà sử học không chuyên, đồ Nghệ, nhà bác học, người Pháp gọi ông là nhà thơ vì đã chuyển ngữ Truyện Kiều sang tiếng Pháp với tâm hồn của một thi nhân. Nhưng có lẽ ông tâm đắc nhất với hai danh hiệu “sĩ phu hiện đại” và “nhà văn hóa”[4].
BS Nguyễn Khắc Viện. Ảnh: internet
Trên không gian ảo, người ta vẫn truyền nhau một bức thư ngắn đề ngày 30 tháng 11 năm 1986 của bác sĩ Viện. Tôi đọc thư, hình dung về ông, 73 tuổi, mình hạc xương mai, cúi người bên chiếc máy chữ, hai bàn tay lướt nhanh trên bàn phím.
Thư ngắn gửi một quan đại thần của triều đình, cũng là đại thần của thi ca cách mạng Việt Nam. Những dòng thân tình nhưng cũng thật nghiêm khắc. “Anh Tố Hữu ạ, trước kia đọc thơ anh, dịch thơ anh cảm hứng đằm thắm bao nhiêu thì nay thấy ngán bấy nhiêu… Chúng tôi thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo. Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền là chôn vùi sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân…”
Chính sử không viết, hậu thế vì vậy không biết bức thư của vị “sĩ phu hiện đại” có được gửi đi hay không, có đến tay Tố Hữu và phản ứng của vị đại thần ra sao.
20 năm sau ngày ông mất, tôi ngồi đọc cuốn sách “Việt Nam, một thiên lịch sử” của ông. Cuốn sách được truy tặng giải thưởng nhà nước năm 2000, được ca ngợi là “vừa đậm đà phong cách văn học vừa mang tính chính luận sâu sắc và bản sắc dân tộc” (Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình), “bút pháp của ông ngắn gọn, nghiêm cẩn những sâu sắc, hấp dẫn”(Mai Quốc Liên), “là công trình khoa học lớn” (Hoàng Tùng).
Dù được “bảo đảm” bằng giải thưởng nhà nước và những lời tán dương nồng nhiệt của nhiều tác giả tên tuổi, tôi đã đọc cuốn sách một cách khó nhọc, đã buồn bã suy tư và viết những dòng này. Trong một tâm trạng bình tĩnh, tôi không chờ đợi kiểu nhún nhường “nếu có điều gì sai sót, mong người đọc lượng thứ”. Nếu tôi bị ném đá vì đã vội vàng đưa ra những nhận định nông cạn và sai lầm về bác sĩ Viện thì tốt biết bao nhiêu, cho cuộc đời, cho danh tiếng của người mà tôi đặc biệt kính trọng.
Những hạt sạn trong “Việt Nam một thiên lịch sử”
Trình bày thiên lịch sử bi hùng của dân tộc, từ thời thượng cổ đến những năm cuối cùng của thập kỷ 90 của thế kỉ trước trong 500 trang sách thực sự là một thách thức cho bất kỳ ai. “Ngọc còn có vết, việc đời đa đoan”, nếu đây đó trong 500 trang sách có chỗ cần bàn lại thì cũng là sự đương nhiên.
+ Về Nguyễn Du và Truyện Kiều (Trang 176-180)
Tác giả dành riêng một bài, trân trọng viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều. (Thật thú vị, ba cha con nhà Nguyễn Khắc mê kiều vô cùng. Nguyễn Khắc Niêm và Nguyễn Khắc Dương rất hay lẩy Kiều, Nguyễn Khắc Viện dịch Kiều ra tiếng Pháp). Tuy vậy,  khi ca ngợi nội dung có tính Kiều “hiện thực cao”, “tố cáo chế độ phong kiến áp bức và thối nát một cách thích đáng”, “ca ngợi tình yêu của những đôi trai gái tự do tìm đến nhau”… mà không nhắc đến “kim Vân Kiều” thì đó một thiếu sót đáng ngạc nhiên, bởi công đầu trong nội dung truyện Kiều phải là Thanh Tâm Tài Nhân.
Cụ Viện có sự nhầm lẫn khi viết rằng: “Thế rồi, dưới ngọn bút của Nguyễn Du, nàng Kiều sau bao phen bị cuộc đời tàn bạo chà đạp, phải biến thành gái làng chơi, đã nói với người yêu mình rằng nàng vẫn còn trong trắng, bất chấp mọi dập vùi, rằng tính yêu chung thủy phải được quan niệm một cách nhân đạo hơn là cách nhìn của những kẻ đạo đức giả”. Thực ra đó là lời Kim Trọng an ủi người yêu, sau 15 năm lưu lạc, khi nàng một mực tự nhận “Thiếp từ ngộ biến đến giờ/ Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa” và khăng khăng “Nghĩ mình chẳng hổ mình sao/ Dám đem trần cấu dự vào bố kinh”.
Dù tựa đề “Nguyễn Du và Truyện Kiều”, khi nhắc đến Nguyễn Du không thể không nói đến di sản đặc biệt quý giá là ba tác phẩm thơ chữ Hán, “Thanh hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm” và “Bắc hành tạp lục”. Nguyễn Khắc Viện dành đúng một câu để giới thiệu về ba tập thơ này như sau:  “Trong các bài thơ chữ Hán, Nguyễn Du miêu tả nỗi thống khổ của những người nghèo bằng những lời thắm thiết”. Tập thơ với 203 bài[5] mang nặng tâm sự và thái độ của Nguyễn Du với cuộc đời, với các triều đại, với những nhân vật lịch sử bằng những vần thơ trữ tình-triết học trác tuyệt. Nói rằng các tập thơ này “miêu tả nỗi thống khổ của những người nghèo” thật sự không chính xác.
+ Những đánh giá về Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (Trang 229-231)
Bác sĩ Viện khẳng định: “Nhân vật nổi bật nhất trong phong trào yêu nước 20 năm đầu thế kỷ XX là Phan Bội Châu”. Rằng Phan Bội Châu “lập ra một tổ chức mới – tổ chức Duy Tân. Duy Tân chủ trương tổ chức lại lực lượng trong nước, đồng thời cử người ra nước ngoài học tập kỹ thuật mới về quân sự và chính trị, chuẩn bị đấu tranh vũ trang”. Với Phan Chu Trinh, bác sĩ Viện viết “Chủ nghĩa cải lương của Phan đã không cứu được ông khỏi bị nhà cầm quyền thuộc địa bắt vào năm 1909, và chỉ nhờ sự can thiệp của các nghị sĩ Pháp, ông mới được cứu thoát”.
Ba câu trích ở trên có hai điều cần bàn lại.
Đầu tiên, việc đánh giá Phan Bội Châu là “nổi bật nhất” và Phan Chu Trinh là “cải lương” không còn đúng ở thời hiện tại. Ngày nay, con cháu càng ngày càng thấm thía và muốn đi theo con đường “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do Phan Chu Trinh đề xướng.
Thứ hai, thông tin viết về Phan Chu Trinh trong câu đã dẫn ở trên là không chính xác. Trên thực tế, cụ Phan hai lần ngồi tù, Nguyễn Khắc Viện đang nói về lần thứ nhất. Lần đó Phan Chu Trinh bị kết án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (tội chém nhưng chỉ giam lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không cho về), bị đày đi Côn Đảo ngày 4 tháng 4 năm 1908. Sau nhờ dư luận trong nước và sức ép của hội nhân quyền Pháp, đầu mùa hè năm 1910, Thống đốc Nam Kỳ theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương ra Côn Lôn thẩm vấn riêng Phan Châu Trinh. Tháng 8 năm đó, ông được đưa về đất liền. Tại Sài Gòn, một hội đồng xử lại bản án cho ông được ân xá, nhưng buộc xuống Mỹ Tho chịu quản thúc.
+ Viết về Phạm Hồng Thái (trang 254)
Lịch sử ghi rõ, liệt sĩ Phạm Hồng Thái, 28 tuổi, trước khi thực hiện mệnh lệnh có để lại di thư “Hồng Thái tôi vâng mệnh toàn thể hy sinh vì 40 triệu đồng bào[6], chết không hề nuối tiếc; những mong kêu cứu trên toàn thế giới để cho dân tộc Việt Nam được tồn tại trên trái đất này thì Hồng Thái tôi cũng yên lòng nơi chín suối[7]. Quả bom Sa Điện vì nghĩa lớn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sao bác sĩ Viện mô tả “phải nhảy xuống sông Châu Giang rồi chết đuối”? Hai chữ “chết đuối” đặt ở đây e mắc tội với vong linh vị anh hùng Phạm Hồng Thái?
+ Văn học nghệ thuật (Trang 446-450)
Bài này nằm trong chương 9, viết về xây dựng những cơ sở đầu tiên của CNXH. Vậy nên tác giả chỉ đề cập đến các tác giả của nền văn học XHCN. Điều này hiển nhiên. Nhưng trong tập sách không có bài viết nào đề cập nền văn học nghệ thuật của nửa đất nước còn lại. Trong một công trình biên niên lịch sử dân tộc thì đó là một khoảng trống thật khó lý giải.
Theo bác sĩ Viện thì những lớp nhà văn lãng mạn trước 1945 đã có một “sự chuyển hóa sâu sắc” và dẫn ra các tên tuổi: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Huy Cận… Bác sĩ Viện đánh giá: “Những luận văn chính trị, đặc biệt của các nhà lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, với văn phong súc tích, ngôn ngữ tinh tế, đã là những tác phẩm văn học đánh dấu một thời kỳ.” Nhận định sau được lăp lại đến hai lần, lần đầu trong bài Phong trào văn học 1930-1945, bác sĩ Viện đã “lưu ý” rằng các luận văn chính trị của các nhà lãnh đạo Đảng là “những mẫu mực xuất sắc của văn xuôi mới Việt Nam”. Bây giờ nhìn lại, độc giả có cảm thông với nhận định “chuyển hóa sâu sắc” của lớp các nhà thơ lãng mạn và sự “súc tính, tinh tế”, “mẫu mực xuất sắc” trong các luận văn của các nhà lãnh đạo? Trong thực tế, các nhà thơ lãng mạn bà bác sĩ Viện nêu ra, không một ai vượt qua được những thành tựu của bản thân trước khi đi theo Đảng. Một người bạn của tôi nhất định muốn bạn đọc thưởng lãm văn phong của cụ Đồng qua lời giới thiệu của cho cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học[8]. Lời giới của Ông Đồng gồm bốn câu. Câu đầu viết “Quyển từ điển tiếng Việt này là quyển từ điển đầu tiên ở nước ta…” . Câu cuối viết “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh công trình này và thân ái gởi đến các đồng chí có công trong việc biên soạn những tình cảm nồng nhiệt của tôi, đồng thời cũng đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao công trình quan trọng này, chuẩn bị biên soạn một bộ từ điển tốt hơn sau này[9].
+ Viết về những sĩ quan trong chế độ Việt nam Cộng Hòa (Trang 455-456):
Từ năm 1954, hàng ngàn sĩ quan đã được Mỹ đào tạo và nhồi sọ, phần đông là những phần tử lưu manh, những kẻ mất gốc thèm khát đô la… Chúng giàu có lên ghê gớm bằng những cuộc cướp bóc trong các đợt hành quân, các vụ buôn lâu hàng hóa, vũ khí, ma túy, chúng cài bà con thân thích vào những vụ áp phe béo bở – xuất nhập khẩu, khách sạn, đĩ điếm, ma túy… Bọn đâm thuê chém mướn được dùng để thực hiện những công việc hèn hạ như tra tấn, tàn sát, đốt nhà, mưu sát… Một bộ máy tuyên truyền đồ sộ nhằm đầu độc tư tưởng văn hóa…”.
Hơi văn sang sảng không khí áp đặt, mạt sát. Thật khó tưởng tượng rằng đánh giá này được viết ra gần 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc? Lời khen của nhà báo cách mạng lão thành Hoàng Tùng “ngắn gọn, nghiêm cẩn, sâu sắc, hấp dẫn” khiến tôi thực sự khó xử.
+ Viết về các vấn đề của đất nước trong tương lai (Trang 530-537)
Đây là bài kết thúc cuốn sách, tác “chốt lại” những vấn đề trọng đại trước mắt của đất nước. Trong bài có đoạn sau đây.
“Một khi chính quyền đã ở trong tay một nhà nước Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thì con đường đã được vạch ra sáng tỏ:
– Xóa bỏ chế độ phong kiến, loại trừ từng bước CN Tư bản và nền kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường.
– Cải cách rộng đất triệt để và hợp tác hóa nông nghiệp, đích cuối cùng là thành lập những nông trường quốc doanh.
– Phát triển nhanh chóng khu vực kinh tế nhà nước nắm trong tay toàn bộ quá trình sản xuất – phân phối của cải vật chất theo một kế hoạch chi phối mọi chi tiết của hoạt động kinh tế.
– Hội nhập vào “phe XHCN”, đối lập với “phe đế quốc chủ nghĩa”.
Cả bốn quyết tâm “xóa bỏ”, “cải cách”, “phát triển” và “hội nhập” mà bác sĩ Viện đưa ra ở trên chỉ có một giá trị duy nhất. Ấy là việc gợi lại cho các độc giả đã qua tuổi tri thiên mệnh rùng mình nhớ về những đợt học chính trị vô vị, buồn chán và dài lê thê của 30 năm về trước.
+ Một ý nhỏ về văn phong
Tôi chỉ đọc được bản dịch, văn phong có thể không phải là của chính tác giả. Cứ liệt ra đây để người đọc suy xét. Câu trích dẫn sau đây có phong vị đặc trưng của một tài liệu tuyên truyền thời Việt Nam đang là lương tri thời đại, dân chúng đang hồ hởi chờ xem cơn giãy chết của CNTB. Câu văn dài tưởng như bất tận, chan chứa niềm lạc quan bất tận về tương lai đất nước.
Ngay từ 1977, toàn thể các bộ máy của Đảng và của nhà nước, cũng như các tổ chức quần chúng – Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn, Mặt trận tổ quốc, đều được huy động cho một chiến dịch rầm rộ nhằm xóa bỏ tư thương, cải tạo các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa ở Sài Gòn thành xí nghiệp quốc doanh hoặc liên doanh, đưa tất cả nông dân miền Nam vào các hợp tác xã nông nghiệp; những hợp tác xã đã có ở miền Bắc phải nhanh chóng tiến lên quy mô đại công xã”.
+ Một câu hỏi bỏ ngỏ
Viết về văn hóa xã hội, về trí thức mà bỏ qua, không có một dòng nào về câu chuyện “nhân văn giai phẩm” (?), thực sự là một câu hỏi khó về “bản lĩnh” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Thử tìm hiểu về tâm hồn Nguyễn Khắc Viện qua hai trang viết về Cải cách ruộng đất (Trang 369-372)
Khi cầm tập sách “Việt nam một thiên lịch sử”, đầu tiên tôi chọn đọc bài viết về cải cách rộng đất. Hai lý do rất đơn giản sau đây.
Thứ nhất, Nguyễn Khắc Viện có một số phận rất đặc biệt. Cha ông, cụ Nguyễn Khắc Niêm, vốn là vị quan đại thần triều Nguyễn, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tham tri Bộ Hình, hai lần giữ chức Phủ Doãn phủ Thừa Thiên, Tuần vũ tỉnh Khánh Hòa, Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa. Cụ Niêm về hưu năm 1944. Sau 1945 cụ Niêm tham gia nhiều tổ chức văn hóa kháng chiến từ hội đồng nhân dân xã đến ủy viên chấp hành Liên Việt Liên khu IV. Lúc rảnh thì khám bệnh bốc thuốc giúp đỡ bà con trong vùng. Đến CCRĐ, ông cụ Niêm bị đấu tố, rồi bị chết trong trại. Toàn bộ gia sản bị tịch thu, gia đình bị đẩy ra đường. Nghiên cứu thái độ của Nguyễn KhắcViện về vấn đề này có thể mang đến nhiều giải đáp thú vị.
Thứ hai, cá nhân tôi rất quan tâm đến “cái tôi vô danh và đáng ghét” của các tác giả, cho dù họ viết về những vấn đề vĩ đại nhất của lịch sử và thời đại. Trên bàn tôi có hai tập sách mỏng nổi tiếng “Những câu chuyện lịch sử khác thường”[10] của Jim Pipe. Hai tập sách viết về hai cuộc chiến tranh thế giới. Những thảm khốc của chiến tranh, sau khi dẫn ra những số liệu ấn tượng, Jim viết “nỗi kinh hoàng chưa dừng lại ở đó”. Tác giả lấy ngay câu chuyện trong gia đình mình. “Cụ tôi là James J. Sanders gia nhập quân đội Canada… Trung đoàn của cụ nghỉ chân trong một rạp chiếu bóng. Bệnh dịch lan nhanh như lửa cháy, chỉ trong vòng vài ngày, cả trung đoàn đều bị ngã gục, chỉ một người không bị lây bệnh có lẽ là do uống rượu whisky… Người chết vì dịch bệnh còn nhiều hơn cả vì chiến tranh”. Cuộc chiến cuốn vào vòng xoáy của nó khoảng 65 triệu người thuộc 28 quốc gia. Ông cụ James là một hạt cát. Nhưng đó là một hạt cát có địa chỉ, có số phận. Chi tiết riêng tư nhưng lại góp phần làm nên đẳng cấp của một tác giả lớn.
Quay lại với cụ Nguyễn Khắc Niêm, Nguyễn Khắc Dương viết về cha mình. “Hình ảnh người bắt chân chữ ngũ, tay phe phẩy chiếc quạt nằm dài trên tấm phản ngựa kê trước thềm nhà dinh Tham Tri Bộ Hình ở Huế, tay gác lên trán, ngâm thơ với giọng hơi trầm dưới ánh hoàng hôn, có một cái gì buồn nản, tuy nhẹ nhàng không bi đát lắm nhưng thật thấm thía. Năm 1945, ông tâm sự với con “là người có ăn có học, tự thiếu thời, thày không phải không biết đến cái nhục mất nước; và các cụ Cách Mạng chí sĩ có ý khuyến dụ thầy, nhưng một mặt thày thấy không thể thành công, mặt khác thì biết mình là người thiếu đảm lược gan dạ, sợ không dám dây mình vào “đại sự” chẳng những không lợi ích gì mà còn có thể hại đến đại sự của các cụ, nên thầy từ chối. Ra làm quan có chăng cũng là cái nghề sinh nhai, miễn đừng gây nên tội ác gì, chỉ mong sống bình yên lương thiện, nuôi vợ con”.
Tính cách hàng ngày của cụ Niêm có thể suy ngẫm thêm qua cách cụ dạy các con. “Mỗi khi quét mạng nhện chăng ở trần nhà hay góc tường, thầy cấm không được giết các con nhện chạy trốn. Cụ bảo: mình đã phá nhà người ta chưa đủ hay sao lại đuổi theo giết người ta nữa.” Gọi mạng nhện là “nhà người ta”, sao lại có người cha nhân từ đến vậy!
Vậy nhưng ngoài việc bị đấu tố và chết trong trại cải tạo, cả gia đình cụ chịu tai họa. Lời Nguyễn Khắc Dương: “Mẹ già tôi! Đã cần kiệm giúp thân phụ tôi giữ được thanh liêm trong lúc làm quan! Từ bị trói suốt một ngày trời để bắt nhận tội xúi dục con mình ăn trộm buồng chuối trong thửa vườn mà trước đó vài ngày mình còn là chủ nhân sở hữu. Mẹ già tôi! Hơn 20 năm với hai bàn tay trắng theo nghĩa đen, nuôi con khôn lớn sau khi chồng bị đấu tố, chết trong trại học tập và bị tịch biên toàn bộ gia sản, không ai dám thuê mướn, giúp đỡ hay chào hỏi, phải rời bỏ quê nhà “đi tha hương cầu thực” theo nghĩa đen!”
Không chỉ riêng gia đình, cả dòng họ Nguyễn Khắc và nhiều gia đình khác trong vùng bị tan nát. Nguyễn Khắc Dương viết: “Mẹ tôi! Sao lại không tự tử năm 54 như hai bà cô của tôi, như bà cụ thím của thân phụ tôi, như ông dượng chồng bà dì tôi, như biết bao nhiêu người khác đã làm trong hoàn cảnh tương tự! Thần lực nào đã giữ cho hai hàm răng của người lại để khỏi cắn lưỡi mà chết đi cho rảnh nợ đời…
Trong “Việt Nam một thiên lịch sử’, CCRĐ được Nguyễn Khắc Viện viết trong 2 trang sách. Rất lạ, ở đó chỉ có âm hưởng hào hùng như một bản hùng ca. Chỉ có thắng lợi, chỉ có quyết tâm, quyết liệt để đạt đến thành tích “hàng trăm ngàn hecta đất đã được cấp phát cho dân nghèo”. Trong đó “Nông dân gợi lại những nỗi khốn khổ và nhục nhã của mình, vạch trần hành vi tham nhũng và tội ác của địa chủ, cường hào, những xấu xa của chế độ cũ… Phát động quần chúng thực hiện cuộc CCRĐ đã tạo nên niềm phấn khởi trong nông dân”.
Với giai cấp địa chủ Nguyễn Khắc Viện dùng những lời lẽ đầy uy lực:  “Tuy vậy, các địa chủ vẫn còn giữ một phần ruộng đất khá lớn, tiếp tục bóc lột nhân dân và chính quyền thôn xã một phần vẫn còn trong tay họ; tình hình đó cản trở việc áp dụng các biện pháp nông nghiệp mà nhà nước ban bố”. Và cụ Viện đưa ra tổng kết, lời tổng kết vang lên đầy “chất thép”, không khoan nhượng, rằng “kinh nghiệm cho thấy: nhiều địa chủ đã phàn nàn kêu ca hoặc thậm chí ít nhiều ra mặt chống đối. Chỉ có một cuộc phát động quần chúng nông dân mới có thể đập tan được sự chống đối đó và xóa bỏ hẳn được chế độ phong kiến cản trở tiến bộ xã hội và công cuộc giải phóng dân tộc”.
Kết thúc hai trang sách, cụ Viện dẫn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vang lên như tiếng kèn xung trận “Chưa bao giờ thấy có một làn sóng người VN đi ra mặt trận đông đảo như vậy… Hậu phương truyền đến tận người chiến sĩ ý chí quyết thắng, tinh thần kháng chiến tuyệt vời và niềm phấn khởi do CCRĐ tạo nên”.
CCRĐ trong sách của Nguyễn Khắc Viện chỉ có tráng ca và niềm phấn khởi tuyệt vời, không hề có tiếng rên của đau đớn, của tủi nhục. Trong cuộc cách mạng của người vô sản, không chấp nhận bi kịch của cá nhân, dù đó là cha mẹ, chú bác và dòng họ mình?
Bài học Nguyễn Khắc Viện
Đặt bên nhau hai cuốn lịch sử của hai tác giả, cuốn “Việt nam sử lược”[11] của Trần Trọng Kim và “Việt Nam một thiên lịch sử” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ta thấy có nhiều điều thú vị. Hai cụ là đồng hương Hà Tĩnh, đều cùng Tây học. Một cuốn viết đầu thế kỷ, một trong những cuốn đầu tay của một nhà giáo, khiêm cung nhận “sử lược”. Một cuốn viết cuối thế kỷ, cuốn sách cuối cùng của một bác sĩ, tự hào rằng “một thiên lịch sử”. Cuốn đầu thế kỷ khi dân mình là loại Annam mit, cụ Kim dẫn ra danh mục 26 sách tham khảo (16 cuốn chữ Nho và chữ Quốc ngữ, 10 cuốn chữ Pháp). Cuốn sau khi dân mình ngang tầm thời đại, công trình khoa học này không dẫn một cuốn sách tham khảo nào.
Cụ Kim nhiều hơn cha cụ Viện 6 tuổi. Trong “Việt Nam một thiên lịch sử” của cụ Viện, cụ Kim chịu cái án nặng nề. “Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim” (trang 312) đã có những động thái khiến cụ Viện hùng hồn tuyên bố “Chính phủ Trần Trọng Kim tự vạch mặt, đơn giản họ chỉ là tay sai của người Nhật” (Trang 311). Cho đến nay, sự nghiệp chính trị của Trần Trọng Kim vẫn đang là vùng cấm. Cuốn sách của một tác giả tai tiếng (?) nhưng với nhiều thế hệ người đọc của gần 100 năm qua, nó chưa bao giờ cũ.
Con người và sự nghiệp của Nguyễn Khắc Viện được đúc kết nên từ năm đặc điểm sau đây:
  • Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống về khoa bảng coi trọng lễ nghĩa, ghét dối trá, thương người nghèo, yêu cuộc sống thanh đạm. Quê hương Nghệ Tĩnh trong nửa đầu thế kỷ XX là vùng đất văn vật sản sinh nhiều anh tài cho đất nước.
  • Bản tính thông minh và giàu nghị lực, nhiều khát vọng với quê hương đất nước.
  • Thấm nhuần Đạo Nho từ thơ bé. Được đào tạo bài bản văn hóa Tây Phương, 26 năm sống và hoạt động ở Paris. Sau đó là những nghiên cứu sâu về đạo phật, đạo Công giáo.
  • Cả cuộc đời là một cuộc chiến đấu bền bỉ, can trường với thần Chết.
  • Tiếp thu học thuyết Max, trở thành người Cộng sản, suốt đời kiên định, được chính quyền tạo điều kiện để ông làm việc, sáng tạo, cống hiến.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nhận được sự kính trọng và tôn vinh của người đương thời. Nhưng nếu coi ông là nhà văn hóa, sản phẩm lưu truyền cho hậu thế, thì buộc phải xét đến giá trị cuốn sách quan trọng nhất của ông, “Việt Nam một thiên lịch sử”.
Cuốn sách thiếu hẳn cái khí chất cần thiết của một kẻ đi đường dài với các thế hệ tương lai. Vì sao vậy? Xem lại các đặc điểm hun đúc nên con người và tác phẩm của Nguyễn Khắc Viện, tôi cứ nghĩ mãi về đặc điểm cuối cùng. Nếu ông không gặp chủ nghĩa Max, có thể sự nghiệp của ông sẽ hoàn toàn khác?
Dù ở nhiều thành phố, tên ông được đặt cho nhiều con đường và trường học, dù có nhiều bộ phim và lời ngợi ca ông, riêng tôi một hậu thế vô danh, nghĩ về ông, tôi vẫn giữ một niềm thất vọng. Sự thất vọng có vị cay đắng và tiếc nuối.
[4] Bàn về Đạo Nho, NXB Thế giới, 1993.
[5] Nguyễn Du toàn tập, NXB Văn học, 1996
[6] Số liệu này không chính xác(?) Năm 1954, dân số nước ta mới 23,4 triệu. http://tailieu.vn/tag/dan-so-nuoc-ta-1954.html
[9] Cả một Viện ngôn ngữ, lấy mấy lời loằng ngoằng của ông Thủ tướng để làm bản chứng nhận chất lượng! Học giả Nguyễn Hiến Lê có lần nói đại ý rằng những người viết có nhân cách trong chế độ cũ coi sự giới thiệu của “các anh hai trong chính quyền” là việc làm mất nhân cách.
[10] Nhà xuất bản Kim Đồng, 2015
[11] NXB Văn hóa thông tin, 1999
http://baotiengdan.com/2017/07/19/to-gan-luan-ve-bac-si-nguyen-khac-vien/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kinh ngạc người sống thọ 443 tuổi


24/04/2014 Tuyển tập 12 quyển Vĩnh Thái Huyện Chí năm thứ 13 thời vua Càn Long nhà Đại Thanh đã được biên tập lại và xuất bản năm 1922 có ghi chép về người đàn ông tên là Trần Tuấn tự Khắc Minh, ngụ tại thôn Thang Tuyền, huyện Vĩnh Gia Sơn, tỉnh Phúc Kiến (nay là thôn Thang Trình, xã Ngộ Đông, huyện Vĩnh Thái). Người đàn ông này sinh năm 881 niên hiệu Hy Tông Trung nhà Đường (năm tân sửu) mất năm 1324 niên hiệu Thái Định Giáp Tử nhà Nguyên, hưởng thọ 443 tuổi.
Hình vẽ phác họa về người đàn ông Trung Quốc sống thọ 443 năm
Sách còn viết thêm, bởi vì tuổi quá cao lại không có con cái nên người dân trong thôn thay nhau phụng dưỡng ông Trần Tuấn. Khi càng lớn tuổi, cơ thể ông càng teo đi, dần dần biến nhỏ như một đứa trẻ, đi lại bất tiện.

Người dân trong thôn đã đan một chiếc giỏ trúc đặt ông Trần vào trong rồi mang ra đồng để tiện chăm sóc. Và vì thế, ông còn được gọi là Thái Lam Công (ông giỏ trúc). Khi ông đói, những người phụ nữ cho ông ăn sữa như trẻ sơ sinh.

Sau khi ông mất, người dân bản địa có khắc một bức tượng đặt cùng xương cốt của ông và thờ cúng trong miếu Thang Tuyền. Tấm bia bằng gỗ khắc tên ông hiện nay vẫn còn được lưu giữ.


Theo baidu, nơi ông Trần Tuấn sống có một suối nước nóng nhiệt độ lên đến 73 độ C. Chỉ cần nhúng một chú gà vào dòng suối này thì vài phút sau có thể nhổ sạch lông. Ông Trần Tuấn sống tới hơn 4 thế kỷ rất có thể là do thường xuyên được tiếp xúc suối nước nóng này.

Trong khi đó, người dân bản địa lại tin vào truyền thuyết có một đứa trẻ đã làm đứt sợi dây cột cuốn sách sinh tử. Trong lúc hoảng loạn, đứa bé xé vội một trang trong cuốn sách để thay thế sợi dây cột kia, và trang bị xé đó chính là nơi ghi chép thời gian sinh tử của ông Trần Tuấn. Diêm Vương vì không thấy tên Trần Tuấn trong cuốn sách sinh tử nên người đàn ông này đã nhiều lần thoát chết.

Tuy nhiên, Diêm Vương vốn là người làm việc nghiêm túc. Ông đã bắt đứa trẻ xé sách kia cùng một đồng môn khác mang theo một chiếc giỏ than đen đến suối Thang Tuyền rửa thành than trắng.

Thấy vậy, Trần Tuấn liền cười ha ha nói: "Ta sống được 443 năm rồi nhưng chưa thấy ai rửa được than đen thành trắng cả". Và đúng buổi trưa ngày hôm đó Trần Tuấn qua đời.

Một trường hợp sống thọ đáng kinh ngạc khác là danh y Lý Khánh Nguyên sinh năm 1677, mất năm 1933, hưởng thọ 256 tuổi.

Danh y Lý Khánh Nguyên sống thọ 256 tuổi

Lý Khánh Nguyên là danh y nổi tiếng cuối đời nhà Minh đầu nhà Thanh. Năm 100 tuổi ông đã được nhà vua trao tặng giải thưởng đặc biệt cho những cống hiến trong y thuật. Năm 200 tuổi ông bắt đầu giảng dạy trong trường đại học. Rất nhiều học sĩ phương Tây nghe danh tiếng đến xin được gặp ông.

Trong suốt cuộc đời mình, ông có tổng cộng 24 bà vợ và 180 người con.Thời báo New York Times và tạp chí tin tức hàng tuần của Mỹ - Times cũng đã dành chuyên mục đặc biệt viết về ông.

Ông trải qua tất cả 9 triều đại từ nhà Thanh từ Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống đến thời Dân Quốc và là trường hợp sống thọ hy hữu trên thế giới.

Ông cho biết nguyên nhân sống trường thọ là: thứ nhất ăn chay, thứ nhì là duy trì nội tâm vui vẻ, thoải mái và thứ ba là tích cực dùng lá sen, hạt Muồng, quả La Hán, Kỷ Tử đun trà uống.

Ông luôn tin rằng việc duy trì một trạng thái bình tĩnh, "ngồi như rùa, đi như chim, ngủ như cẩu" là bí quyết sống thọ.

Theo Thu Huệ (Theo Qiwen) (Khampha.vn)
http://www.24h.com.vn/phi-thuong-ky-quac/kinh-ngac-nguoi-song-tho-443-tuoi-c159a625451.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khi người dân không được “chia sẻ”


Nguyễn Vạn Phú

(TBKTSG) - Bên cạnh góc độ quản lý nhà nước như được phân tích ở bài Không thể cứ mãi quay lưng với cái mới thử nhìn sâu hơn về nền kinh tế chia sẻ để loại trừ các hiệu ứng không mang tính nhân văn.

Thử hình dung một tình huống rất có thể xảy ra. Với một thành phố lớn, đông dân như TPHCM, hầu như mọi con đường đều có một vài điểm sửa xe nhỏ, ở đó với bộ đồ nghề đơn giản, một máy bơm cũ, một người thợ tay nghề vừa phải đã có thể mưu sinh khi thỉnh thoảng bơm vá lốp hay chùi bugi cho khách vãng lai. Ngày xưa khi xe dễ hỏng hóc hơn, có thể có nhiều điểm sửa xe hơn nhưng quy luật cung cầu điều chỉnh sự hiện diện của những người thợ vỉa hè này ở từng góc phố.

Tình huống rất có thể xảy ra là như thế này: một ngày đẹp trời nào đó, một người đam mê khởi nghiệp (mà nói theo từ thời thượng hiện nay là startup) bèn nghĩ ra một ứng dụng (app). Người dùng tải về và khi cần bấm bấm vài cái, ngay lập tức thông tin cần vá xe đang xẹp lốp được tung lên không gian ảo, mạng lưới thợ sửa xe lưu động đã đăng ký tham gia trước đó được cảnh báo và ai ở gần nhà người có xe xẹp lốp nhất bấm nút nhận lời đến vá ngay tại nhà. Thử hình dung một app như thế ắt sẽ ăn khách: xe đề không nổ, xe cần thay nhớt, xe gãy gương chiếu hậu… cần bất kỳ dịch vụ gì, người dùng nhanh chóng được phục vụ, giá rẻ hơn ra tiệm, thậm chí rẻ hơn điểm sửa xe góc phố. Không còn lo bị chặt chém vì khách có quyền nhận xét đánh giá chất lượng phục vụ; không còn lo bị đổi phụ tùng vì mọi thông tin đều lưu trên mây, tiện cho việc kiện cáo khi có sự cố…

Ngày trước, với một hình dung như thế, nhiều người đã phấn khích không tiếc lời khen ngợi cho những ứng dụng thực tiễn của một nền kinh tế chia sẻ, đem đến biết bao lợi ích. Nhưng cứ nghĩ xa thêm một chút nữa, coi thử rốt cuộc cách sắp xếp lại nguồn lực của xã hội theo kiểu “Uber hóa” như thế có thật sự lợi chăng?

Mấu chốt của nền kinh tế chia sẻ nằm ở hai chữ “chia sẻ”. Trước đây người viết ủng hộ mô hình Uber vì cứ nghĩ mô hình này sẽ giúp tận dụng nguồn lực tạm thời nhàn rỗi để tăng thêm lợi ích cho cộng đồng. Một người có xe hơi trùm mền ít chạy, lại có vài giờ rảnh vào buổi chiều tối, có thể kiếm thêm thu nhập khi đăng ký tham gia mạng lưới xe Uber. Một người khác thường đi làm từ nhà ở đầu này thành phố đến chỗ làm ở cuối thành phố, tận dụng app Uber hay Grab để có thể chở thêm người khác đi cùng lộ trình, cùng thời gian. Thế mới gọi là kinh tế chia sẻ.

Còn như hiện nay, có những trường hợp vay tiền ngân hàng để mua xe chạy Uber, Grab, phải cày suốt mười mấy tiếng mỗi ngày mới hy vọng có đủ thu nhập trả lãi ngân hàng, duy trì một mức sống tối thiểu thì có đáng là một mô hình tốt chăng? Có những ông chủ bỏ tiền mua cỡ chục chiếc xe để cho thuê chạy Uber, với họ mô hình Uber là mô hình kiếm tiền tốt nhưng tài xế lái xe thuê của họ thì sao? Cung cầu thị trường thường ở mức cân bằng, sự ra đời xe Uber hay Grab rẻ hơn taxi truyền thống có thể làm tăng cầu một chút nhưng không đủ để cân bằng lại mức cung tăng đột biến như hiện nay. Trong hoàn cảnh đó, giá ắt sẽ phải giảm, phần thiệt thòi rơi vào tài xế taxi truyền thống thì đã rõ nhưng thực tế các tài xế Uber, Grab cũng gánh phần thiệt thòi này khi lao động vất vả hơn nhiều cho một khoản thu nhập không tương xứng.

Cái lợi về giá, về chất lượng phục vụ được nâng lên dĩ nhiên có phần dành cho người tiêu dùng nên sự ủng hộ mô hình mới này của họ là điều đương nhiên. Nhưng một phần cái lợi về giá này gom góp lại để tạo nên một giá trị thị trường lên đến 70 tỉ đô la Mỹ cho một công ty không có tài sản gì đáng kể thì thật là vô lý. Thật ra Uber đang lỗ - họ vẫn cứ đang tung ra các cuốc xe miễn phí cho mọi người, miễn sao càng nhiều người sử dụng Uber càng tốt, đó là cái làm nên giá trị thị trường của những công ty startup kiểu này.

Sự xung đột giữa Uber và các hãng taxi truyền thống không chỉ xảy ra ở Việt Nam, nó có hầu như ở mọi thị trường Uber hiện diện, thậm chí còn gay gắt hơn nhiều vì ở nhiều nơi, giấy phép sở hữu một biển số xe taxi từng lên đến cả triệu đô la như ở New York. Phải nói thẳng, ít ai ủng hộ các hãng taxi già cỗi, xe thì dơ, tài xế thì bất lịch sự, có dịp là chặt chém. Nhưng chính cái dư luận ban đầu ấy đẩy cuộc cạnh tranh này vào thế bất lợi một cách không sòng phẳng cho phía taxi truyền thống. Ở nhiều thị trường Uber chơi không đẹp, chuyên phớt lờ các quy định mà taxi truyền thống phải tuân thủ.

Quay lại tình huống giả định nêu ở đầu bài, giả thử việc “Uber hóa” dịch vụ sửa xe lưu động thành công rồi sao nữa? Có thể người tiêu dùng thoải mái hơn một chút; một vài nhà sáng lập cái startup này trở thành triệu phú, không phải bằng tiền cắc gom từ thợ sửa xe mà từ tiền của các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào. Nhưng chắc chắn cuộc sống của hàng ngàn thợ sửa xe ở góc phố sẽ bị đảo lộn. Nhiều người mất việc, cuộc sống bị đẩy xuống thấp một chút nữa; nhiều người khác phải vay tiền để nâng cấp dịch vụ thì mới tham gia được mạng lưới thuộc “nền kinh tế số”. Thu nhập của họ giảm sút để bù cho lợi nhuận tăng lên của giới ngân hàng… Tất cả những cái này đã có ai đặt lên bàn cân để xem có đáng không, có đáng để đánh đổi không?

Nhìn rộng ra, ví dụ mô hình của Amazon chẳng hạn, có đáng là nơi lãnh ấn tiên phong của một cuộc cách mạng công nghệ mệnh danh 4.0?

Người tiêu dùng được lợi một chút khi mua hàng mà không cần tốn công sức ra cửa hàng, giá có thể rẻ hơn, hàng giao đến tận cửa. Đổi lại, hàng triệu cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ vì thế mà biến mất. Chủ nhân các cửa hàng này có thể phải vào làm cho các trung tâm giao nhận của Amazon, đồng lương thấp hơn, hàng ngày phải đi cả chục cây số để sắp xếp hàng theo lệnh của máy tính. Công việc của họ rồi cũng sẽ mất đi vào tay các con robot không cần lương, không cần giờ nghỉ. Người tiêu dùng cũng dần dần rơi vào vòng kiểm soát của các nhà bán hàng bởi nhất cử nhất động của họ trên không gian mạng đều bị máy móc theo dõi để điều chỉnh hành vi mua sắm của họ.

Bây giờ thì chưa nhưng đã manh nha xu hướng tự động hóa các khâu sản xuất trước đây giao cho lao động giản đơn như cắt may, da giày. Thử tưởng tượng xã hội sẽ biến động như thế nào nếu hàng triệu lao động trong ngành may mặc mất việc vì robot? Đừng nói theo lý thuyết là họ sẽ phải hay sẽ được nâng lên một nấc trên các bậc thang tạo ra giá trị theo kiểu không may nữa thì đi làm thiết kế!!! Hàng triệu người Mỹ đã không bước lên bậc thang mới như thế đã bỏ phiếu cho Donald Trump và quay lưng lại với toàn cầu hóa. Khi người dân không được “chia sẻ” miếng bánh tăng trưởng thì cũng đừng hòng có một nền kinh tế chia sẻ đúng nghĩa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phạm Công Danh tiếp tục bị đề nghị truy tố


Ngọc Lê 

TNO - Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ngày 10.7 đề nghị truy tố Phạm Công Danh và đồng phạm vì đã gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 ngân hàng.

Hôm qua 10.7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và VNCB. Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay, ngày 11.3.2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tách vụ án hình sự nội dung liên quan đến sai phạm xảy ra tại 3 ngân hàng trên để tiến hành điều tra riêng.

Liên quan vụ án này, các bị can gồm: Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB - chi nhánh Lam Giang), Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng ban Kiểm soát VNCB), Phan Minh Tùng (nguyên phụ trách kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) và 18 bị can nguyên lãnh đạo của 18 công ty sân sau của ông Danh bị đề nghị truy tố về cùng tội cố ý làm trái.

Theo kết luận điều tra, tháng 9.2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank - tháng 5.2013 được đổi tên thành VNCB), ông Danh đã lợi dụng nắm quyền chi phối, lúc này với vị trí là Chủ tịch HĐQT VNCB đã tuyển chọn và đưa người của mình vào tiếp quản và điều hành mọi hoạt động của ngân hàng. Kể từ lúc này, ông Danh đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành và ban kiểm soát của VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện lập các hồ sơ khống vay vốn để rút tiền sử dụng mà không bận tâm đến việc VNCB đang bị NHNN đưa vào diện kiểm soát, mọi giao dịch trị giá 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát NHNN.

Cho vay vì… quen thân

Theo kết luận điều tra, ông Danh và đồng phạm đã thông đồng lấy tiền của VNCB gửi qua Sacombank làm tài sản bảo lãnh, nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Cụ thể, tháng 4.2013, ông Danh và Mai, Khương, Viễn đến chi nhánh Sacombank ở Q.3 liên hệ vay tiền. Ông Danh gặp ông Trầm Bê (Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) đề nghị ông Bê cho ông Danh vay tiền. Ông Bê đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Sau đó, ông Bê dẫn ông Danh gặp lãnh đạo Ban Tổng giám đốc Sacombank, triển khai làm thủ tục cho ông Danh vay tiền. Từ đó, Giám đốc Sacombank chi nhánh Q.8 và chi nhánh Trần Hưng Đạo tiếp nhận hồ sơ của 6 công ty sân sau của ông Danh vay số tiền trên.

Để vay được khoản tiền này, ông Danh chỉ đạo Khương và cấp dưới lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để nộp cho Sacombank. Ngày 26.4.2013, 1.800 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của ông Danh. Có được tiền, ngày 27.4.2013 ông Danh chuyển 1.700 tỉ đồng trả khoản nợ trước đó cho BIDV. Số tiền còn lại, ông Danh giữ trong tài khoản cá nhân của mình.

Thuê nhân viên rửa xe làm… giám đốc

Bằng thủ đoạn tương tự, ông Danh và đồng phạm còn sai phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn TPBank để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty TNHH MTV Trung Dung (gọi tắt là Công ty Trung Dung) do ông Danh thành lập, điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỉ đồng.

Do các công ty của ông Danh thành lập đã đứng tên vay vốn tại Sacombank nên không thể vay tại TPBank, Mai đã nhờ người mượn pháp nhân của các công ty khác để vay tiền của TPBank. Ông Danh dùng tiền này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.

VNCB cũng đứng ra bảo lãnh cho khoản vay này. Điều đáng nói, 11 doanh nghiệp vay tại TPBank đều biết rõ ký hồ sơ vay chỉ là thủ tục, tiền vay vốn không được tự quyết định mà phải chuyển hết cho Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung nhưng vẫn ký, dẫn đến hậu quả ông Danh rút toàn bộ tiền vay vốn của TPBank sử dụng hết, không có khả năng thu hồi.

Đối với hành vi cố ý làm trái của ông Danh xảy ra tại BIDV, ông Danh cũng đã dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty do ông thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng. Để lập các công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, ông Danh nhờ nhân viên hành chính, nhân viên bảo vệ, nhân viên rửa xe, bảo dưỡng xe của Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà đứng tên làm giám đốc công ty và trả lương cho họ 5 triệu đồng/tháng, sau đó tăng lên 10 triệu đồng/tháng.

Kết luận điều tra xác định, mặc dù một số cá nhân liên quan tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV có các sai phạm nhưng kết quả giám định về thiệt hại của đoàn giám định NHNN xác định thiệt hại không xảy ra tại ngân hàng, vì vậy các cá nhân liên quan của 3 ngân hàng này không phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.

Theo kết luận điều tra, hành vi trên của ông Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng, phạm tội cố ý làm trái.

Ở giai đoạn 1 của vụ án, ngày 24.1.2017, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án Phạm Công Danh 30 năm tù về hai tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” vì đã gây thiệt hại cho VNCB trên 9.000 tỉ đồng. Cũng với tội danh trên, 35 đồng phạm khác bị tuyên án từ 3 năm đến 22 năm tù.

Phần nhận xét hiển thị trên trang