Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Làm chậm tiến độ - cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất của nhà thầu Trung Quốc


>> Thương lái Trung Quốc lại giở trò khi mua bưởi
>> Một thông tin “rúng động” hàng triệu viên chức


Ngọc Việt

MTG - Có thể thấy rằng, việc làm chậm tiến độ là một cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất của những nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực thực hiện (hay cố tình không thực hiện) những gói thầu mà họ bỏ thầu và trúng thầu.

Biến kỳ vọng thành thất vọng

Ngày 12.1.2012 đã diễn ra một sự kiện đặc biệt tại Hà Nội, đó là lễ ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) thoả thuận về một khoản vay tái thiết và phát triển (IBRD) cùng bốn gói tín dụng hỗ trợ giảm đói nghèo (IDA) cho Việt Nam, với tổng số tiền là 973,5 triệu USD, theo tài liệu của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam).

"Đây là lần đầu tiên mà WB tài trợ cho việc phát triển đường cao tốc tại Việt Nam. Các khoản tín dụng ký kết hôm nay sẽ cung cấp vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thành phố có tiềm năng phát triển và góp phần hỗ trợ thực hiện các cải cách của Việt Nam", bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam khi đó phát biểu tại lễ ký kết.

Theo AmCham Vietnam thì số tiền của các khoản tín dụng trên được sử dụng để tài trợ cho Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với giá trị là 613,5 triệu USD, tài trợ cho Dự án phát triển hạ tầng đô thị với giá trị là 210 triệu USD và khoản tín dụng dành cho Dự án Hỗ trợ giảm đói nghèo với giá trị là 150 triệu USD.

Trong số các gói tín dụng đó thì Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi rất được kỳ vọng, được đánh giá là sẽ nâng cao hiệu quả trong việc hỗ trợ năng lực cần thiết cho sự tăng trưởng của khu vực Trung Bộ trong tương lai, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo điều kiện cho thúc đẩy thương mại trong nước và quốc tế thông qua hội nhập khu vực.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã được giao làm chủ đầu tư của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ngày 19.5.2013 Dự án đã được khởi công và dự kiến 65km đầu tiên được thông xe vào cuối năm 2016, đến năm 2018 sẽ thông xe toàn tuyến.

Vậy nhưng, ngày 23.7.2016, VEC cho biết đã phát hiện những gian dối trong sử dụng vật liệu nền đường tại gói thầu A3 có giá trị đầu tư là 1.360 tỉ VND, thuộc Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (DA ĐNQN). VEC đã buộc nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc phải lập tức dừng thi công tại những vị trí trên, cho đến khi loại bỏ và thay thế vật liệu đạt chuẩn.

Rồi ngày 1.3.2017 tại hạng mục cầu VD09A km 107+307, tư vấn giám sát (TVGS) hiện trường đã phát hiện bãi tập kết vật liệu thép để thi công cầu VD09A của nhà thầu Giang Tô không đảm bảo kỹ thuật, quá sát mặt đất, một số thanh sắt chạm đất.

Ngày 22.3.2017, tại hạng mục cầu VD09C, TVGS kiểm tra khoan cọc nhồi cầu VD09C đã phát hiện không có phụ gia bentonite tại hiện trường. Nhà thầu không có tài liệu chứng minh dung dịch khoan hiện tại đúng yêu cầu thi công được duyệt.

Do đó, TVGS đã yêu cầu nhà thầu Giang Tô dừng thi công công tác khoan cọc cho đến khi bổ sung đầy đủ nguồn bentonite và các tài liệu đảm bảo cho vật liệu sử dụng làm dung dịch để khoan tạo lỗ cọc.

Vậy là bao nhiêu kỳ vọng về dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, một công trình trọng điểm, nay đã dần trở thành nỗi thất vọng gắn liền với những sai phạm liên tiếp của nhà thầu Trung Quốc tại gói thầu A3.

Những thiệt hại từ việc chậm tiến độ của nhà thầu Trung Quốc

Ngày 17.4.2017, trong công văn gửi ông Gordon A. Edwards, Giám đốc, tư vấn giám sát CS1 gói thầu A3, do ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban QLDA ĐNQN ký, có  nội dung yêu cầu nhà thầu Giang Tô thay thế Giám đốc dự án gói thầu A3 là ông Sun Taiping, trước ngày 1.5.2017.

Đặc biệt, trong công văn này, VEC cho biết tư vấn giám sát sẽ xem xét thiệt hại với chủ đầu tư do việc chậm tiến độ của gói thầu A3 và thông báo cho nhà thầu phải chịu trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng.

Thoạt nghe có thể nhiều người cũng cảm thấy an lòng vì nhà thầu Trung Quốc làm ăn gian dối đã bị phát hiện, xử phạt và nhất là bị xem xét phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra, song phân tích kỹ thì lại thấy “buồn nhiều hơn vui”. 

Bởi lẽ, nhà thầu Trung Quốc không thể bồi thường được những thiệt hại do họ gây ra, mà việc phạt theo hợp đồng chỉ mang tính chiếu lệ. Xin phép đưa ra bài toán kinh tế để chứng minh cho nhận định đó.

Có thể thấy, thiệt hại do nhà thầu Trung Quốc làm chậm trễ công trình sẽ bao gồm hai phần:  phần tính toán được bằng số liệu và phần chưa thể tính được bằng số liệu (đặt trường hợp nhà thầu chấp nhận khắc phục và khắc phục được lỗi).

Thứ nhất, phần thiệt hại tính toán được bằng số liệu - đó là thiệt hại về tài chính:

Theo tài liệu của VEC, tổng vốn đầu tư của DA ĐNQN khoảng 28.000 tỉ VND, trong đó WB tài trợ 613,5 triệu USD, tương đương khoảng 13.300 tỉ VND. Vì là vốn vay dạng IDA nên lãi vay của khoản vốn này là 0%.

Vốn đối ứng của Việt Nam là 28.000 tỉ - 13.300 tỉ = 14.700 tỉ VND. Dự án sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ (TPCP), lãi suất khoảng 7%/năm.

Như vậy, tổng vốn đầu tư cho DA ĐNQN sẽ phải chịu lãi suất vay là:

          R = (13.300 tỉ x 0% + 14.700 tỉ x 7%)/28.000 tỉ x 100 = 3,765%

Do đó:

Lãi vay 1 năm của DA ĐNQN  là:  RA3yC = 28.000 tỉ x 3,765% = 1.029 tỉ

Lãi vay 1 tháng của DA ĐNQN là:  RA3mC =  1.029 tỉ / 12 =  85,75 tỉ

Lãi vay 1 ngày của DA ĐNQN là:  RA3dC =  85,75 tỉ /30  =  2,858 tỉ

Gói thầu A3 có tổng giá trị đầu tư là 1.360 tỉ VND, vậy:

Lãi vay 1 năm cho gói A3 là:  RA3y = 1.360 tỉ x 3,765% = 49,98 tỉ

Lãi vay 1 tháng cho gói A3 là: RA3m =  49,98 tỉ /12 =  4,165 tỉ

Lãi vay 1 ngày cho gói A3 là:  RA3d = 4,165 tỉ/30 = 0,1388 tỉ

Nếu chậm tiến độ một ngày thì gói thầu A3 sẽ làm thiệt hại riêng về lãi vay cho vốn đầu tư của gói thầu này là RA3d = 138,8 triệu VND, song thực ra nó có nguy cơ gây ảnh hưởng tới cả dự án, nghĩa là thiệt hại thực tế là RA3dC =  2,858 tỉ VND.

Đặt trường hợp nhà thầu Trung Quốc chấp nhận bồi thường thiệt hại do chậm tiến độ, chắc chắn con số bồi thường chỉ được tính toán xoay quanh khoản thiệt hại là 138,8 triệu VND/ngày, chứ không phải là 2,858 tỉ VND/ngày, nghĩa là rất nhỏ so với thiệt hại thực tế của Việt Nam. Bởi lẽ nhà thầu Trung Quốc chỉ thực hiện gói thầu A3 của DA ĐNQN.

Thứ hai, phần thiệt hại chưa thể tính toán bằng số liệu - như ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của vùng, khu vực và cả nước. Và phần thiệt hại này chắc chắn sẽ không thua gì thiệt hại đã tính toán được, như về lãi vay của vốn đầu tư.

Cùng với những thiệt hại về kinh tế - tài chính, việc chậm tiến độ, nhất là với những công trình trọng điểm, còn gây ra rất nhiều hệ luỵ cho kinh tế - xã hội tại khu vực được hưởng lợi nhờ dự án.

Có thể thấy rằng, việc làm chậm tiến độ là một cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất mà những nhà thầu Trung Quốc không đủ năng lực thực hiện (hay cố tình không thực hiện) những gói thầu mà họ bỏ thầu và trúng thầu.

Hiện nay, có tới hàng trăm nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện những gói thầu của họ trên đất nước Việt Nam và phần lớn bị chậm tiến độ. Qua bài toán kinh tế trong tính toán thiệt hại do chậm tiến độ trong Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, có thể thấy thiệt hại do nhà thầu Trung Quốc gây ra cho kinh tế Việt nam khủng khiếp như thế nào.

Trước việc nhà thầu Trung Quốc lại liên tục mắc sai phạm, điều đó khiến giới phân tích cho rằng dường như đó là những sai phạm có tính toán. Vì vậy có thể nhận diện đây là một cách phá hoại kinh tế của nhà thầu Trung Quốc, chứ không chỉ đơn giản là việc mắc lỗi trên công trường.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đèn Hoa Kỳ


Hôm qua báo chí đăng tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Mỹ theo lời mời của ông tổng thống Đônan Trăm. Dư luận ì xèo về cách tiếp đón ở sân bay thành phố Nữu Ước, tôi chẳng quan tâm, nhưng tôi để ý tới món quà mà thủ tướng đem theo: một chiếc đèn dầu, còn gọi là đèn Hoa Kỳ.

Thực lòng, tôi đánh giá cao việc chọn món quà này. Quà mà nguyên thủ hay quan chức nhà nước cấp cao tặng nhau không cần phải là thứ có giá trị tiền bạc lớn mà quan trọng ở giá trị tinh thần, ý nghĩa sâu sắc. Có tặng tiền tỉ cho đại diện nước Mỹ cũng không làm người ta sướng bởi luật nước này đã quy định tất cả quà cáp quan chức thu nhận đều phải khai báo với cơ quan kiểm soát, chỉ được giữ lại những món nào trị giá tiền bạc dưới 200 USD. Vị nào gian dối, nếu bị phát hiện là toi đời, sự nghiệp chính trị sẽ về mo, không bao giờ có thể ngóc đầu được nữa. Người Mỹ rất ghét sự gian dối. Tôi đã đi Mỹ lần nào đâu mà biết, nhưng nghe rất nhiều bạn tôi bẩu thế. Con gái tôi còn bổ sung, ai vào lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Mỹ để phỏng vấn xin visa, nó phát hiện nói dối một lần thôi, dù nói dối về bất cứ thứ gì, ngày tháng năm sinh chẳng hạn, thì đừng hòng hy vọng được vào nơi đó lần thứ 2 chứ đừng nói qua Mỹ.

Đang nói chuyện quà tặng, tự dưng chệch sang chuyện Mỹ. Khen Mỹ có mà khen cả ngày. Ở xứ ta á, quan chức sống chủ yếu bằng quà tặng các kiểu, được gọi khéo léo thành lộc. Lộc quan là thứ hấp dẫn người ta đua tranh vào hoạn lộ. Vừa rồi có vị đại biểu quốc hội sổ toẹt ra rằng thu nhập của hầu hết bộ trưởng xứ này cao gấp nghìn lần lương. Lão Maddox hàng xóm nhà tôi cằn nhằn rằng sống bằng lương thế đéo nào được. Tôi bảo ông chả đang sống bằng lương hưu đó sao. Lão quát, nhưng tao không ngày nào cũng tiệc tùng, xe cộ, biệt thự, em út, mát xa mát gần…

Lại chệch, cần quay về chuyện đèn điếc thôi kẻo làm mệt người đọc. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng dụng ý của ông thủ tướng Phúc là hai nước chúng ta sẽ cùng thắp sáng hiện tại và tương lai. Có đèn mà để quan hệ tăm tối thì coi sao được. Ông nào cố ý phùng mang trợn mặt thổi tắt phụt ngọn lửa đèn thì xóa mẹ nó quan hệ đi còn hơn. Sực nhớ câu thơ của thi sĩ quá cố Phạm Tiến Duật “Ôi ngọn lửa đèn/Có nửa cuộc đời ta trong ấy/Giặc muốn cướp đi/Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy”. Giá tay trợ lý, tham mưu nào mách cho ông Phúc đọc câu này kể cũng hay hay, chứ lần nào cũng Kiều, chán bỏ mẹ.


Hồi tôi bé tí nghe thày tôi kể ngày xưa xứ ta chỉ thắp sáng bằng nến sáp ong (bạch lạp), dầu lạc, dầu trẩu, mỡ con này con kia. Nhưng có phải nhà nào cũng có nến thắp đâu nên chủ yếu sống trong đêm tối. Tôi thì nghĩ nông dân hoạt động, làm việc ban ngày khi có mặt trời, còn buổi tối, ban đêm chỉ có nhiệm vụ ngủ, và làm gì thì làm. Chính vì thế hầu như nhà nào cũng đông con. Các anh con mấy ông bác tôi ở làng Trà Phương quê tôi nhà có 7-8-9 đứa con là chuyện thường. Cũng lời thày kể, đến đầu thế kỷ 20 người Phú lãng sa (Pháp) mới cho đưa dầu hỏa sang An Nam, do mấy công ty của Mỹ khai thác và bán khắp toàn cầu. Dầu hỏa không thể đổ vào cái đĩa đốt bằng bấc như kiểu dầu lạc, mà cũng không đúc thành thỏi thành cục như sáp ong được, vì vậy dân ta thờ ơ không ham mua. Bọn nhà buôn ma mãnh (thương nhân thời nào chả ma mãnh, láu cá) liền kiếm người chế ra cái đèn đổ dầu hỏa vào đó, có ống dẫn dầu thấm qua sợi bấc (thường làm bằng sợi bông), có cái máy vặn bánh xe nhọn bé tí xíu đẩy sợi bấc lên xuống điều chỉnh lửa to nhỏ, trên cùng là chiếc bóng thủy tinh che chắn gió. Hãng Shell (Mỹ, Anh) bán dầu lúc đầu phát không cho người mua dầu nên dân chúng gọi đồ dẫn hỏa thắp sáng ấy là đèn Hoa Kỳ. Cuối thời nhà Nguyễn, do kiêng húy chữ Hoa nên gọi thành Huê Kỳ.

Thời đó tên nước Mỹ có nhiều cách gọi, theo cách phiên âm tiếng Hán thì là Mỹ Lợi Kiên (gọi tắt là Mỹ), nhưng theo cách nôm na của dân xứ ta, nhìn thấy lá cờ nước này có nhiều ngôi sao, mỗi sao biểu tượng cho một bang, bà con ta khen đẹp như hoa bèn gọi cờ ấy là hoa kỳ (hoa là bông hoa, kỳ là cờ), từ đó chết tên Hoa Kỳ. Thực ra Hoa Kỳ là cách gọi bông đùa, tếu táo, mỉa mai. Về sau nữa thì gọi theo kiểu Tây là American, USA. Thời những năm 50-70 khi Việt Nam có chiến tranh với Mỹ, cách gọi Mỹ là phổ biến. Người ta khắc lên núi đá Ninh Bình ven đường ra trận câu khẩu hiệu thật to “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” chứ có ai đọc thành “Hoa Kỳ xâm lược” đâu. Theo tôi, cần thống nhất lại cách gọi tên nước này, nhất là về mặt quan hệ quốc gia, quan hệ ngoại giao có tính toàn cầu. Gọi kiểu “Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” cũng không ổn, dở ông dở thằng, dở nôm na dở sang trọng. Gọi là Mỹ thì mấy vị hay bới móc lại sợ có yếu tố Tàu trong chữ ấy. Thôi thì trước khi bắt nhịp vào được với thời đại phủ sóng toàn cầu, cứ tạm gọi là Mỹ đã, bởi nó quen rồi, ăn vào đầu rồi. Cũng xin rụt rè có ý kiến như vậy để anh Phạm Bình Minh thượng thư bộ Ngoại giao con cụ cựu bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lưu ý tí nhỉ.

Cái đèn quà mà thủ tướng Phúc đem qua Mỹ bầu đèn được làm bằng gốm Bát Tràng, trang trí khá đẹp. Tôi cam đoan ít nhất thủ tướng phải đem theo vài ba chiếc giống nhau, lỡ chân tay lập cập đánh rơi bể thì có cái mới thay thế ngay. Nhưng đó chỉ là chiếc đèn kiểu dáng đèn Hoa Kỳ nổi tiếng thôi. Thày tôi sinh thời bảo đèn Hoa Kỳ làm bằng đồng cơ, cả bầu đèn lẫn chỗ vặn bấc lắp bóng đều rặt bằng đồng. Chính mắt tôi từng thấy trên nhà ông ngoại tôi có cây đèn như thế. Đẹp lắm. Đẹp và chuẩn không thể tả. Bầu đèn được lau chùi hằng ngày, vả lại do tay cầm vào nên cứ bóng loáng, ánh sắc đồng. Về sau thì người ta mới chế thêm từ những vật liệu khác như nhôm, thủy tinh, inox, cũng vẫn gọi tên đèn Hoa Kỳ. Bây giờ mà ai lùng ra chiếc đèn Hoa Kỳ gốc đem sang Mỹ bán cho hãng dầu con sò Shell có khi vớ bở.

Suốt những năm 50-70, miền Bắc chống Mỹ, đánh Mỹ nhưng vẫn thắp sáng bằng đèn Hoa Kỳ. Sau có cả đèn bão Liên Xô, đèn măng xông Trung Quốc, đèn đốt khí đá đất đèn tự chế nhưng đèn dầu Hoa Kỳ vẫn là chủ lực. Lứa chúng tôi xuống hầm học bài mỗi đứa đem theo cây đèn dầu hỏa trứ danh ấy để thắp sáng tương lai. Suốt thời bao cấp những năm giữa thập niên 70 đến giữa 90 cây đèn Hoa Kỳ vẫn là nguồn sáng chính, có khi còn sáng hơn nguồn sáng đảng, bởi hầu như tối nào cũng cúp điện. Bây giờ thì chẳng còn mấy ai nhớ đến nó, cây đèn Hoa Kỳ ấy nữa. May mà có thủ tướng Phúc.

31.5.2016
Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

CÁNH ĐỒNG THINH LẶNG



Lang thang trên cánh đồng người
bắt sâu, đuổi bướm
hát lời vu vơ

nhói lòng lại nhớ bạn xưa
ân tình với những giấc mơ thủa nào..

Cánh đồng nắng
gió khao khao
ai đem sứt mẻ đớn đau lòng người?
em tôi khóc
chị không cười
anh tôi lầm lũi cuối trời chiêm bao!
Đợi chờ chi?
ngước mây cao!
mây là vần vũ, mây chào hư không!
Câu thơ gieo chữ trên đồng
tự câu thơ chết
giữa dòng sông trôi!
Cánh đồng bạn, cánh đồng tôi..
lặng thinh,
thinh lặng
nổi trôi cánh đồng!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vũ khí chết người từ thiết bị bay nhỏ


image

Bạn tưởng tượng ra điều gì khi nghĩ về thiết bị bay không người lái? Một món đồ chơi đơn lẻ điều khiển từ xa có nhiều cánh quạt, hay một máy bay quân sự khổng lồ không người lái?

Sắp tới, hình ảnh đó có thể hoàn toàn khác: thiết bị bay đang trở nên ngày càng nhỏ hơn, chế tạo rẻ hơn, và có thể tự bay vòng quanh, tự tập hợp thành nhóm lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn và bay như một đàn chim.

image

Chúng được gọi là "đàn" - nếu có đủ số lượng bay cùng nhau, và chúng chiếm ưu thế so với con người ở một số mặt; có thể cứu người, hoặc trở thành lực lượng tác chiến đầy uy lực nơi chiến trường.

Tại sao các "đàn" thiết bị bay lại quan trọng?

image 

Đầu tiên là trên chiến trường, các đàn vật thể bay có thể mạnh hơn vũ khí và các công nghệ mà quân đội vẫn thường sử dụng trong hàng thập niên qua. Ta hãy hình dung tới cảnh này: trong một thành phố dày đặc người, các nhóm thiết bị bay bốn động cơ siêu nhỏ có thể bay quanh và thu thập tin tức tình báo. Xe tăng chiến đấu có thể bị hạ gục bởi các vật thể bay tấn công tràn ngập từ mọi hướng cùng lúc đổ về. Trên biển, hàng ngàn thiết bị bay nhỏ có thể tràn tới tấn công một tàu chiến, có thể rất nhiều trong số chúng sẽ bị bắn hạ nhưng rất nhiều "chiến binh" khác thoát được, phá hủy radar và đẩy con tàu vào tình trạng vô phương chống đỡ.

image

Hơn thế nữa, không có người lãnh đạo hay chỉ huy nào trong một đàn vật thể bay; cả nhóm tạo thành một hệ thống tự tổ chức, trong đó mọi cá thể đều có vị trí ngang nhau. Nhóm thiết bị bay có thể tìm kiếm trong khu vực một cách hiệu quả, bay cùng nhau mà không va đụng. Và chỉ cần một người điều khiển toàn bộ nhóm thiết bị này.

Đàn vật thể bay rất lợi hại. Một tên lửa có thể bắn hạ một máy bay, trong khi một nhóm thiết bị bay vẫn có thể tiếp tục hoạt động bình thường sau khi có hàng chục 'thành viên' bị tiêu diệt. Không quân sẽ không có đủ tên lửa để đối phó, bởi kẻ thù quá đông, áp đảo về mặt số lượng.

image

Thiết bị bay sẽ sớm được triển khai theo nhóm trong rất nhiều tình huống khác, từ các buổi biểu diễn nhạc rock đến nông trại.

Vậy là ta có thể bắt đầu nhìn thấy các các nhóm vật thể bay trong đời sống hàng ngày?
Thật vậy. Trong thực tế, có lẽ bạn đã từng thấy chúng.

image

Đầu năm nay, 300 vật thể bay xếp hình thành lá cờ Hoa Kỳ trong chương trình biểu diễn của Lady Gaga giữa quãng nghỉ giải Super Bowl, tỏa sáng cả trời đêm. Và hãng Intel đang quảng bá "Đêm sao băng" bằng các thiết bị bay thay thế cho pháo bông. Công ty eHang của Trung Quốc nói họ đã lập kỷ lục về đàn thiết bị bay đông đảo nhất trong một buổi trình diễn tuyệt đẹp ở New York với 1.000 thiết bị bay tạo hình bản đồ Trung Cộng và một từ tiếng Trung có nghĩa "Phước".

Các nhóm thiết bị bay còn thể kiểm tra đường ống, ống khói, đường dây điện và các nhà máy công nghiệp với giá rẻ và rất dễ dàng.

Đàn vật thể bay cũng có thể phát huy tác dụng ở nông trại. Chúng có thể phát hiện bệnh của cây và quản lý lượng nước tưới, phun xịt thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ chính xác ở các vị trí cần xịt; tất cả làm việc hài hòa để kiểm soát toàn bộ khu vực cũng như lấp các khoảng trống.

image

Nikolaos Papanikolopoulos từ trung tâm robotCentre for Distributed Robotics tại Đại học Minnesota đang nghiên cứu các thiết bị bay dùng năng lượng mặt trời và có khả năng phối hợp cùng nhau làm công tác khảo sát các khu vực nông trại rộng lớn với chi phí thấp.

"Nhiệm vụ của chúng có thể bao gồm phát hiện sớm tình trạng thiếu nitơ, bệnh cây trồng, và kiểm soát hiệu quả nguồn nước," Papanikolopoulos cho biết.

image

Còn gì nữa?

Trong khi thiết bị bay đã được sử dụng trong hoạt động cứu hộ nhiều năm qua, thì việc dùng các phiên bản nhóm thiết bị bay nhỏ hơn có thể thậm chí cứu được nhiều người hơn.

Phòng thí nghiệm Thiết bị bay Siêu nhỏ của Đại học Delft đang phát triển một đàn "thiết bị bay bỏ túi" đủ nhỏ vừa trong bàn tay bạn. Chúng bay vào các khu vực trong nhà, vào những tòa nhà bị đổ nát nghiêm trọng, giúp lực lượng cứu người tìm kiếm và tỏa đi tìm người sống sót sau động đất hoặc các thảm họa khác.

image

Những nhà nghiên cứu tại Đại học Loughborough đã tạo ra một hệ thống hỗ trợ tìm kiếm và giải cứu trên núi. Hệ thống này sử dụng một nhóm tối đa là 10 thiết bị bay nhỏ. Các thiết bị bay này có trang bị camera tầm nhiệt giúp dễ dàng tìm ra người leo núi bị lạc, và bằng cách liên hệ với nhau, chúng đảm bảo cả khu vực đều được tìm kiếm đầy đủ.

Quân đội nước nào đang phát triển các đàn thiết bị bay - và vì sao?

Nhiều cường quốc đang theo đuổi công nghệ nhóm thiết bị bay.

image

Chẳng hạn như Hoa Kỳ vừa tung ra nhóm thiết bị bay "Perdix" nhỏ từ máy bay chiến đấu F/A-18. Các thiết bị này chỉ nặng vài trăm gram, được thả từ các vị trí thường dành để thả pháo sáng. Thiết bị bay Perdix được làm bằng công nghệ in 3D có thể tái sử dụng, chúng trấn áp không quân đối phương bằng cách di chuyển như "chim mồi", hoặc gây nhiễu cho radar đối phương, hoặc bằng cách định vị các radar mà chúng có thể tiêu diệt.

image

Hải quân Hoa Kỳ cũng dự định phát triển các nhóm thiết bị bay có chi phí rẻ hơn giá thành một tên lửa. Họ phát triển phần mềm cho phép các nhóm thiết bị bay phụ có thể chia ra thực hiện nhiều nhiệm vụ nhất định, hoặc để các thiết bị bay mới bay nhập vào đàn liên tục.

image 
Hồi đầu năm, các nhà điều tra phát hiện một nhà xưởng của IS bị chiếm lại ở Ramadi có hoạt động làm các thiết bị bay, từ công đoạn lắp ráp ban đầu trở đi

Một cường quốc khác trong lĩnh vực này là Trung Cộng, vốn từ lâu nay đã dẫn đầu trong thị trường thiết bị bay tiêu dùng cỡ nhỏ. 

Chỉ riêng công ty DJI của Trung Cộng đã chiếm tới 70% thị phần thiết bị bay toàn cầu, và giờ đây quân đội Trung Cộng đang suy tính xem có thể làm gì với công nghệ mới này.

image

Hồi 12/2016, tại một triển lãm hàng không, Tập đoàn quốc doanh Công nghệ Điện tử Trung Cộng (CETC) trình chiếu một video với 70 thiết bị bay bay cùng nhau. Thiết bị bay tạo thành nhóm và cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo. Các vật thể bay này có thể phối hợp "tấn công tập trung" nhắm vào bệ phóng tên lửa của kẻ thù. Tất cả chúng đồng thời lao vào tấn công cùng một lúc từ nhiều hướng - quá nhiều cùng lúc đến mức khiến hệ thống phòng thủ bị tê liệt.

image

Có lẽ một trong những kế hoạch tham vọng nhất là dự án của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ với hàng loạt thiết bị bay sử dụng trên bộ, trên biển và trên không. Đây có thể được sử dụng làm làn sóng tấn công đầu tiên vào bờ biển, trước khi con người đổ bộ, tìm kiếm, phát hiện và có thể tấn công đối phương. Nhóm thiết bị bay cũng có thể phòng thủ chống lại lực lượng thiết bị bay từ kẻ thù. Để khám phá khía cạnh này, Lực lượng Thủy quân Lục chiến đã thiết lập một trò chơi chiến tranh giữa các thiết bị bay. (Đã có thiết bị bay được thiết kế để bắt giữ thiết bị bay của kẻ thù).

Thiết bị bay nhỏ có thể được sử dụng làm gián điệp, thám thính, hoặc thu thập tin tức tình báo. Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Cao cấp (Darpa), một cơ quan khoa học cao cấp của Lầu Năm Góc, dự định trang bị cho bộ binh thiết bị bay thám sát riêng, đặc biệt dùng trong các khu vực đô thị và bên trong các tòa nhà.

image

"250 thiết bị bay nhỏ có thể kiểm soát sáu tòa nhà thành phố," Stephen Crampton từ Hệ thống Nhóm Thiết bị bay cho biết. Các nhóm thiết bị bay có thể "tự tổ chức thành nhiều nhóm nhỏ đem lại thông tin hữu ích, chẳng hạn như 'cho chúng ta biết nguy cơ với vị trí của mình'."

Vậy tương lai của các đàn thiết bị bay là gì?

Công nghệ đàn thiết bị bay không người lái vẫn còn rất sơ khai. Nhưng nó sẽ tiến hóa rất nhanh.

Trên lý thuyết, đàn thiết bị bay có thể đánh bại bất cứ vũ khí hiện tại nào, và có thể tấn công với hỏa lực đủ chính xác để hủy diệt trên quy mô rộng lớn. Tác động của chúng có thể trở thành đối thủ của công nghệ súng máy: bất cứ ai không sở hữu nhóm thiết bị bay có thể nhanh chóng thất trận trên chiến trường. Chiến tranh có thể trở nên đơn giản hơn với những ai có đàn vũ khí thiết bị bay lớn nhất và tốt nhất.

image

Nhưng chiến trường không phải là nơi duy nhất mà ta sẽ thấy các đàn thiết bị bay. Trong thực tế, một ngày nào đó chúng sẽ có mặt ngay bên cạnh con người.

Về lâu dài, nếu các nhà nghiên cứu tại Viện Wyss của Harvard nói đúng, thì các nhóm thiết bị bay nhỏ có thể trở thành một phần của môi trường chúng ta trong vai trò là côn trùng. Dự án RoboBee (Ong Robot) của họ đang phát triển những thiết bị bay nhỏ hơn cái kẹp giấy và chỉ nặng 1/10 gram. Hàng ngàn Robobee có thể được dùng để quan trắc thời tiết, giám sát, hoặc thậm chí thụ phấn cho mùa màng khi lượng ong mật giảm.

image

Hãy để ý đến những đàn thiết bị bay siêu nhỏ ở bất cứ đâu. Và cuối cùng, chúng đã được tất cả mọi người yêu thích, từ các nhà nông cho tới Lady Gaga.



David Hambling

image

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xung đột và ngoại giao ở Biển Đông


image
Một người lính thủy quân lục chiến của Philippines bơi trong vùng nước quanh Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông

Một phần ba lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu. Ước tính khoảng 5 ngàn tỉ đôla thương mại hàng năm. Sáu quốc gia đòi chủ quyền. Một vùng biển. Đó chỉ là bề nổi của vấn đề.

Chào mừng các bạn tới Biển Đông, vùng biển chung của Đông Nam Á. Biển Đông là nơi có nguồn tài nguyên phong phú gần và dưới bề mặt—lòng biển chứa đựng nguồn cá dồi dào và đáy biển hứa hẹn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt mà theo ước tính chính thức của Mỹ ít nhất ngang bằng với trữ lượng của Mexico, và theo một số ước tính gây tranh cãi của Trung Cộng, có thể chỉ thua trữ lượng của Ả-rập Saudi. Biển Đông cũng là một trong những tuyến đường biển có tầm chiến lược quan trọng nhất và bị tranh chấp nhiều nhất của thế kỷ 21.

image

Về phía bắc, Biển Đông giáp với Trung Cộng, nước tuyên bố mình có chủ quyền lịch sử từ hàng trăm năm trước. 

Ngày nay, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với 95 phần trăm vùng biển này và lệ thuộc vào đó để mang về 80 phần trăm lượng dầu thô nhập khẩu. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với những đảo nhỏ ở Biển Đông và đã bồi đắp một diện tích khoảng 1.300 hectare để duy trì phần lớn là cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm cả những đường băng đủ dài để máy bay ném bom có thể cất cánh và hạ cánh.

Suốt nhiều thế kỷ qua, Biển Đông đã đóng vai trò thiết yếu đối với sự sống còn kinh tế của những nước giáp ranh như Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippines.

Những quốc gia không có tuyên bố chủ quyền cũng có lợi ích của riêng mình. Ngư trường Natuna giáp với Biển Đông cũng có trữ lượng khí thiên nhiên thiết yếu cho nước Indonesia gần đó.

image

Xa hơn, Hàn Quốc và Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng lệ thuộc vào quyền tự do qua lại ở đây để đáp ứng hơn phân nửa nhu cầu năng lượng của họ.

Mỹ, bảo vệ lợi ích của mình và của những đồng minh, duy trì một sự hiện diện quân sự trong khu vực. Giới chức Hải quân Mỹ dự định mở rộng lực lượng điều động ra nước ngoài của Hạm đội Thái Bình Dương thêm khoảng 30 phần trăm nữa đến trước năm 2021. [https://www.fas.org/sgp/crs/row/R42784.pdf]

image

Trong khi tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của Châu Á trong hai thập kỷ qua vẫn tiếp tục, sự ổn định trong khu vực và sự tiếp cận đối với Biển Đông vẫn còn là một vấn đề có hệ quả toàn cầu.

Những vụ đụng độ giữa tàu tuần tra hải quân Trung Cộng và tàu đánh cá của những nước lân cận cho thấy nhiều nguy cơ châm ngòi xung đột quốc tế và đẩy những cam kết an ninh của Washington lên hàng đầu.

Nhiều nước phương Tây đã hối thúc Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một văn kiện ấn định những khu vực kiểm soát hàng hải dựa trên đường bờ biển. Nhưng Trung Cộng phần nhiều xem những luật lệ quản trị hàng hải mà Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn là không tương thích với luật pháp trong nước; tệ hơn họ xem những luật lệ này là những công cụ của bá quyền phương Tây được định ra để hạn chế ảnh hưởng đang lớn dần của Trung Cộng trong tư cách một cường quốc thế giới.

image
Binh lính Trung Cộng tuần tra trên đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Cộng gọi là Nam Sa) trước bia chủ quyền có nội dung: “Nam Sa là đất của ta, thiêng liêng bất khả xâm phạm,” ngày 9 tháng 2 năm 2016.

Mỹ, nước đã ký vào UNCLOS nhưng không phê chuẩn, thường dựa vào thỏa thuận quốc tế này để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ.

Vào tháng 7, một ban hội thẩm gồm năm thẩm phán ở thành phố The Hague đã đồng lòng bác bỏ cơ sở pháp lý của gần như tất cả những tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Cộng. Trong vòng vài tuần, Tòa án Nhân dân Tối cao của Trung Cộng đã ban hành một quy định khẳng định “cơ sở pháp lý rõ ràng cho Trung Cộng bảo vệ trật tự hàng hải,” trong đó Bắc Kinh tuyên bố sẽ truy tố bất kỳ người nước ngoài nào bị phát hiện đang đánh cá hoặc thăm dò trong vùng biển tranh chấp.

image

Những phương tiện khác nhằm giải quyết những tranh chấp lãnh thổ phức tạp dường như cũng không hữu hiệu. Bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á, lâu nay đã bị trì hoãn và là văn kiện mà giới chức Bắc Kinh nói sẽ chung quyết vào năm 2017, sẽ không có mấy tác dụng trong việc giải quyết những tuyên bố chủ quyền chồng chéo. Cũng giống như phán quyết của tòa án ở The Hague, bất kỳ tuyên bố nào của ASEAN có tính ràng buộc pháp lý đều thiếu cơ chế có ý nghĩa để thi hành.

Tương lai phía trước

Mỹ lâu nay vẫn nói rằng họ không có lập trường chính thức về tranh chấp Biển Đông, dù Mỹ vẫn hay chỉ trích hành vi của Trung Cộng ở đó và đã mở rộng những liên minh quốc phòng với những nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ông có thể sẽ phải nhanh chóng xử lý một cuộc khủng hoảng bên trên Biển Đông. Trước đây, chỉ vài tháng sau khi nhận nhiệm sở, cựu Tổng thống George W. Bush đã phải đối mặt với một cuộc tranh chấp quốc tế gây ra bởi một vụ va chạm trên không giữa một máy bay do thám của Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Cộng gần đảo Hải Nam.

image

Chưa đầy bảy tuần sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, tàu và máy bay của Trung Cộng đã đối đầu với tàu USNS Impeccable, một tàu do thám tại vùng biển nằm về phía nam Đảo Hải Nam, và ra lệnh cho tàu này rời đi. Mỹ cho biết họ có quyền ở đó và rằng tàu của họ đã bị quấy nhiễu. Bắc Kinh thì bênh vực hành động của mình. Ông Obama phản ứng bằng cách gửi một khu trục hạm có gắn phi đạn điều hướng tới để bảo vệ tàu Impeccable.

Những vụ việc như vậy có thể tiếp tục định hình những tranh chấp khi nó diễn ra trên biển và ở những thủ đô khắp thế giới. Cho tới khi những câu hỏi lớn hơn về chủ quyền lãnh hải được giải quyết, tuyến đường thủy này hứa hẹn sẽ vẫn là điểm tựa mà địa chính trị thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu đặt trọng tâm vào. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến khi chúng xảy ra, ngay ở đây.



Pete Cobus

image

Phần nhận xét hiển thị trên trang