Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Khủng hoảng Bắc Triều Tiên – Những quân bài trong tay Mỹ


Charles Krauthammer

Phạm Nguyên Trường dịch

Cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên là có thật và đang gia tăng…



Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong hơn một chục năm qua, tại sao bây giờ người ta mới tỏ ra hốt hoảng? Bởi vì Bắc Triều Tiên đang nhắm tới cuộc bứt phá trong lĩnh vực hạt nhân. Chế độ này công khai tuyên bố rằng họ đang chạy đua nhằm phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có thể bắn tới Mỹ - và do đó, phá hủy bất cứ thành phố nào của Mỹ - chỉ cần Kim Jong Un ấn nút là xong.

Bắc Triều Tiên không nói dối. Họ đã có những tiến bộ đáng kể trong việc chế tạo tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, tức là loại tên lửa có thể triển khai nhanh hơn và do đó, dễ dàng cất dấu hơn, làm cho kẻ thù khó phát hiện hơn, có thể thực hiện cuộc tấn công phủ đầu.

Đồng thời, Bình Nhưỡng liên tục phát triển kho vũ khí hạt nhân. Hiện nay nước này có khoảng 10 đến 16 đầu đạn hạt nhân. Đến năm 2020, họ có thể có 100. (Để so sánh: Anh được cho là có khoảng 200).

Đấy là lý do xảy ra khủng hoảng. Chúng ta không thể chấp nhận việc Kim Jong Un có khả năng hủy diệt các thành phố của Mỹ.

Một số người đòi thực hiện chính sách ngăn chặn. Nếu chính sách này đã ngăn chặn được Nga và Trung Quốc trong suốt từng ấy năm, thì tại sao không áp dụng với Bắc Triều Tiên? Thứ nhất, chính sách ngăn chặn - ngay cả với kẻ thù có tư duy duy lí như Liên Xô - không phải bao giờ cũng chắc chắn thành công. Tháng 10 năm 1962, chúng ta đã tiến đến rất gần cuộc chiến tranh hạt nhân. Và thứ hai, Bắc Triều Tiên là chế độ cực kỳ quái đản, một đất nước khép kín, do một kẻ bất thường, cực kì tàn nhẫn, và thất thường cai trị. Không thể tin được Caligula (tức Gaius Julius Caesar Augustus Germanicus, Hoàng đế La Mã thứ ba, trị vì từ năm 37 đến năm 41 Công nguyên. – ND). Đây là chế độ hoang dã, chẳng khác gì một giáo phái, nhân dân là những con robot. Karen Elliott House từng nhận xét rằng, nếu Iraq của Saddam Hussein là một nhà tù, thì Bắc Triều Tiên là một tổ kiến.

Tổ kiến thì không có cơ chế kiểm soát và đối trọng.

Nếu không ngăn chặn được thì phải phòng ngừa. Nhưng, bằng cách nào? Hy vọng lớn nhất là Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng và buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Trung Quốc đã thể hiện thái độ trong suốt nhiều năm, nhưng họ chưa bao giờ làm bất cứ việc gì, dù chỉ có một chút xíu tính quyết định. Họ có lý do để không làm. Đấy không chỉ là họ sợ dòng người tị nạn lớn sẽ tràn sang, nếu chế độ nhà Kim tan rã. Mà còn vì Bình Nhưỡng là cái dằm chọc mãi vào mắt người Mỹ, trong khi, nếu chế độ này sụp đổ thì Hàn Quốc (và do đó, Mỹ) sẽ tiến tới Áp Lục giang.

Tại sao lần này Trung Quốc phải ra tay?

Có mấy lý do.

● Họ không muốn giảm căng thẳng, nhưng cũng không muốn chiến tranh. Nguy cơ chiến tranh đang gia tăng. Họ biết rằng Mỹ không bao giờ chấp nhận bị đe dọa tấn công bằng tên lửa hành trình. Và chính quyền hiện nay dường như đặc biệt quan tâm tới việc buộc Bắc Hàn không được vượt qua “đường ranh đỏ” không được công bố này.

● Việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực nhằm chống lại vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ gây những thiệt hại nghiêm trọng đối với lợi ích của Trung Quốc. Hàn Quốc đang thúc đẩy việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa (Terminal High Altitude Area Defense - THAAD). Nhật có thể cũng làm theo. Nhiệm vụ chiến lược của THAAD là theo dõi và bắn hạ tên lửa được phóng đi từ Bắc Triều Tiên, nhưng, tương tự như tất cả các hệ thống lá chắn tên lửa nào khác, chắc chắn là nó sẽ làm giảm sức mạnh và khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương mà kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hiện đang có.

● Đối với Trung Quốc, không làm gì có thể dẫn tới nguy cơ là Mỹ mang kho vũ khí chiến thuật trở lại Hàn Quốc – năm 1991, kho vũ khí đã bị rút ra khỏi Hàn Quốc.

● Nếu cuộc khủng hoảng trầm trọng thêm, có khả năng là Hàn Quốc và, quan trọng hơn nữa, Nhật Bản cũng sẽ tự sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhật Bản sẽ là cơn ác mộng khủng khiếp nhất đối Trung Quốc.

Đấy là những át chủ bài mà Mỹ có thể rút ra. Mục tiêu của chúng ta phải rõ ràng. Tối thiểu, chấm dứt các cuộc thử nghiệm. Tối đa, thay đổi chế độ.

Vì Bắc Kinh đặc biết quan tâm tới việc giữ nguyên chế độ hiện hành, chúng ta có thể làm cho lời đề nghị thứ hai trở thánh dễ nuốt bằng cách từ bỏ ý tưởng về thống nhất đất nước. Đây sẽ không phải là nước Đức, nhà nước cộng sản ở Đức đã bị Tây Đức nuốt chửng. Chúng ta sẽ chấp nhận Bắc Triều Tiên là nước độc lập, nhưng ở vào địa vị như Phần Lan (Phần Lan hóa là quá trình, theo đó, một quốc gia hùng mạnh có tác động mạnh đến các chính sách của một quốc gia láng giềng nhỏ hơn, trong khi cho phép nó giữ được nền độc lập và hệ thống chính trị của riêng mình. Thuật ngữ này có nghĩa là “để trở nên giống như Phần Lan” đề cập đến ảnh hưởng của Liên Xô lên các chính sách của Phần Lan trong cuộc Chiến tranh Lạnh - ND)

Trong suốt Chiến tranh Lạnh, Phần Lan, theo thoả thuận, là nước độc lập nhưng luôn luôn ủng hộ các chính sách đối ngoại của nước Nga. Ở đây chúng ta sẽ đảm bảo rằng Bắc Triều Tiên mới sẽ là nước độc lập, nhưng luôn luôn hướng về phía Trung Quốc. Ví dụ, chế độ mới sẽ hứa không bao giờ tham gia bất cứ liên minh thù địch nào.

Cần phải đàm phán. Đàm phán có thể phải được củng cố bằng việc thể hiện lòng quyết tâm của Mỹ. Cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên và vị trí đặt tên lửa của nước này sẽ là quá nguy hiểm, làm như thế gần như chắc chắn sẽ gây ra cuộc xâm lăng Hàn Quốc với hàng triệu nạn nhân. Nhưng, chúng ta có thể tìm cách bắn hạ một tên lửa của Triều Tiên, trong khi nó đang bay để chứng minh cả khả năng của mình trong việc tự vệ và sự phù phiếm của lực lượng tên lửa của Bắc Triều Tiên, lực lượng này có thể bị vô hiệu hoá về mặt công nghệ.

Cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên là có thật và đang gia tăng. Nhưng chúng ta không phải là những người bất lực. Chúng ta có một số lựa chọn. Chúng ta có lực lượng và phương tiện. Đã đến lúc triển khai sức mạnh của chúng ta.

Tôi đang quyên góp 500 USD để in bản dịch tác phẩm Chủ nghĩa cộng sản của Richard Pipes. Xin cám ơn. Bạn có thể ủng hộ qua Patreon https://www.patreon.com/phamnguyentruong
            

Nguồn washingtonpost.com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao Trung Quốc không kiềm chế Triều Tiên?


Sự sụp đổ chế độ ở Triều Tiên sẽ gây ra những vấn đề gai góc cho Trung Quốc.
Triều Tiên chỉ toàn gây rắc rối cho Trung Quốc, quốc gia bảo trợ chính của nước này trên trường quốc tế. Một ngày trước khi ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, dự kiến gặp người đồng nhiệm Mỹ của mình tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa hai bên, Kim Jong Un, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, đã ra lệnh tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo khác, thể hiện thái độ khinh thị đối với cả hai vị lãnh đạo, đồng  thời trình diễn khả năng của nước mình cũng như sự sẵn sàng gây rắc rối.
Theo tuyên bố chính thức, Trung Quốc muốn bán đảo Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên đã đột ngột tăng cường chương trình vũ khí của mình. Cuộc thử nghiệm tên lửa tầm trung vào ngày 5 tháng 4 đã đưa số cuộc thử nghiệm tên lửa trong năm nay của Triều Tiên lên đến con số bảy, một trong số đó đã thất bại. Quốc gia này cũng đã thử nghiệm tên lửa giai đoạn đầu tiên của của loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có khả năng bắn đến đất liền nước Mỹ. Năm ngoái, quốc gia này đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm hạt nhân, đưa một vệ tinh vào quỹ đạo và lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu ngầm. Trung Quốc không được lợi gì từ việc có một nước láng giềng hung hăng, được vũ trang hạt nhân và cực kỳ khó dự đoán. Vậy tại sao Trung Quốc lại không hành động nhiều hơn để kiềm chế ông Kim?
Kim Jong Un
Kim Jong Un
Thực tế, Trung Quốc đã có hành động. Quốc gia này đã đồng ý tuân theo các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên Hợp Quốc gần đây nhất được áp đặt lên Triều Tiên, và vào tháng 2 vừa qua, Trung Quốc đã ngừng mua than của Triều Tiên trong suốt thời gian còn lại của năm. Than là nguồn ngoại hối lớn nhất cho đất nước bị cô lập này. Phần lớn người ta cho rằng ông Tập đang nổi giận với ông Kim, đổ lỗi cho ông ta về vụ ám sát người anh cùng cha khác mẹ của ông là Kim Jong Nam, người có quan hệ gần gũi với Trung Quốc và đã sống ở Macau dưới sự bảo trợ của Trung Quốc.
Vấn đề là ở chỗ, mặc dù chính sách của Trung Quốc thay đổi rất ít, thì chính sách của Mỹ dường như lại đang thay đổi rất nhiều. “Nếu Trung Quốc không giải quyết được Triều Tiên, chúng tôi sẽ làm điều đó”, Donald Trump đã phát biểu như vậy gần đây với tờ Financial Times. “Chính sách kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc”, Rex Tillerson, Ngoại trưởng của Trump, đã phát biểu vào hồi tháng 3, và ông còn nói thêm, “Tất cả các phương án đều đang được đưa ra xem xét.” Đối với người Mỹ, mối đe dọa từ việc một tên lửa ICBM của Triều Tiên có khả năng bắn trúng California đang chứng minh là một nhân tố thay đổi cuộc chơi.
Mặc dù Trung Quốc lo ngại hành động đơn phương của Hoa Kỳ, có vẻ như quốc gia này sẽ không có những thay đổi chính sách triệt để để ngăn chặn điều này. Hai lý do xưa cũ để Trung Quốc ủng hộ chế độ Triều Tiên lại càng mang nhiều động lực hơn bao giờ hết: Trung Quốc không muốn thống nhất bán đảo Triều Tiên nếu điều đó tạo ra một đồng minh lớn hơn của Hoa Kỳ trên biên giới của mình. Và hàng triệu người Triều Tiên có thể chạy trốn sự sụp đổ của đất nước bằng cách chạy vào Trung Quốc, mang lại bất ổn cho ba tỉnh đông bắc Trung Quốc, đồng thời là ba tỉnh nằm trong số những khu vực có tình hình kinh tế trì trệ nhất nước này.
Ngoài ra còn có ba lý do mới hơn. Thứ nhất, tên lửa của Triều Tiên, vào thời điểm hiện nay, không nhắm vào Trung Quốc. Nhưng chúng sẽ nhắm vào Trung Quốc nếu Trung Quốc tấn công quốc gia mà mình bảo trợ. Thứ hai, Trung Quốc không xem ICBM của Triều Tiên như là một mối đe dọa sâu sắc theo cách nhìn của người Mỹ. Cuối cùng, Trung Quốc đang lo lắng về các kế hoạch của Hàn Quốc nhằm triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, được gọi là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối , hay THAAD, mà Trung Quốc tuyên bố thực ra là nhằm vào các tên lửa của nước này. Vì vậy, Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Triều Tiên chống lại Hàn Quốc. Dường như Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến phản ứng của các nước khác đối với sự hiếu chiến của Triều Tiên hơn là vào chính thái độ hung hăng của quốc gia này.
Đó là lý do tại sao Triều Tiên, cùng với thương mại, là nhân tố giúp kiểm chứng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 6 tháng 4 năm 2017. Nếu Trung Quốc chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm đẩy lùi sự hiếu chiến của ông Kim, nó có thể khiến những hệ quả nguy hiểm nhiều khả năng xảy ra hơn – mặc dù đó vẫn còn là những khả năng xa xôi. Những hệ quả này có thể là bất cứ điều gì, từ một cuộc tấn công quân sự của Mỹ chống lại các cứ điểm tên lửa của Triều Tiên, đến quyết định của Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình. Thay vì phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, hậu quả có thể sẽ là sự phổ biến vũ khí hạt nhân tại khu vực này.
Nguồn: “Why doesn’t China rein in North Korea?”, The Economist, 05/04/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đề nghị xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng



TTO - Đó là Thông báo của Ủy ban kiểm tra Trung ương vừa được phát đi sau kỳ họp thứ 14, từ ngày 24 đến 26-4-2017.

Toàn văn như sau:

Từ ngày 24 đến 26/4/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 14. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận các nội dung sau:

I- Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân có liên quan

1- Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên; không kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc Tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm vẫn được Tập đoàn điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, có trường hợp điều động, bổ nhiệm chức vụ cao hơn; để nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị khai trừ ra khỏi Đảng và xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn. Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.

Thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Đảng ủy Tập đoàn ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ĐU, ngày 17/08/2009 có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Hội đồng Thành viên (HĐTV), Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.

Để HĐTV ban hành các nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến HĐTV và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng; trong đó góp vốn vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng.

Để HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN, ngày 16/05/2011 góp vốn đầu tư vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn.

Nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro khó thu hồi vốn đầu tư với tổng số tiền rất lớn.

2- Đồng chí Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.

Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để HĐTV, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật;       

Vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.

Chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN.

Chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005.

Đồng chí có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ Đồng chí làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).

3- Đồng chí Phùng Đình Thực, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVN từ năm 2008 - 2010 và Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV từ tháng 9/2011 - 7/2014 chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong giai đoạn 2011 – 2014; có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng uỷ và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của HĐTV, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công thương; không chỉ đạo xem xét vi phạm của Nguyễn Xuân Sơn khi làm Tổng Giám đốc Oceanbank; chịu trách nhiệm cùng Tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV khi làm quy trình đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Nguyễn Xuân Sơn từ Phó Tổng Giám đốc lên Chủ tịch HĐTV và Bí thư Đảng ủy Tập đoàn năm 2014. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.

4- Đồng chí Đỗ Văn Hậu, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc PVN từ tháng 11/2011 - 10/2014 cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong thời gian nêu trên. Có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng uỷ và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của HĐTV, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét có nội dung không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy khi chuyển công tác; có trách nhiệm trong việc đề nghị bổ nhiệm Nguyễn Xuân Sơn như đã nêu trên. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.

5- Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010- 2015. Có trách nhiệm trong việc Ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng uỷ và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của HĐTV, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Trong thời gian ông Nguyễn Xuân Sơn là Tổng giám đốc, người đại diện vốn của PVN tại Oceanbank, đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hiện nay ông Nguyễn Xuân Sơn đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an tạm giam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

6- Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015; có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng uỷ và Nghị quyết số 4266/NQ- DKVN của HĐTV. Chịu trách nhiệm trong việc tham mưu quyết định chỉ định gói thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án Nhiên liệu sinh học.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ PVN và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và các cá nhân liên quan. Căn cứ Quy định số 263-QĐ/TW và Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định:

- Cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với đồng chí Phùng Đình Thực; cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với đồng chí Đỗ Văn Hậu; khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn; cảnh cáo đối với đồng chí Nguyễn Quốc Khánh.

- Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng theo thẩm quyền.

- Yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công thương khẩn trương xem xét kỷ luật hành chính tương ứng đối với các cá nhân trên.

- Yêu cầu Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương khẩn trương thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn PVN.

II- Xem xét thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Thiện, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Lê Hữu Lộc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

1- Đồng chí Nguyễn Văn Thiện với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong việc bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm một số trường hợp cán bộ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và không đúng quy định.

2- Đồng chí Lê Hữu Lộc với cương vị là Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong việc tuyển dụng, xếp lương công chức không đúng quy định.

Căn cứ Quy số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định:

- Thi hành kỷ luật khiển trách đối với đồng chí Lê Hữu Lộc.

- Đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Thiện theo thẩm quyền.

- Yêu cầu Ban Thường vụ tỉnh Bình Định và đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc về những khuyết điểm có liên quan.

III- Xem xét báo cáo kết quả kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu; cho ý kiến về một số dự thảo văn bản trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng và giải quyết một số công việc khác theo thẩm quyền.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Bộ Tư pháp: Không cấm người dân ngụy trang ghi âm, ghi hình


Ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, cho biết dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang không điều chỉnh đối với người sử dụng.
 .
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp sáng 26/4, trả lời thắc mắc của phóng viên, ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, cho hay dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị có nhiều phản ánh trái chiều thời gian qua.
 .
Theo ông Hải, vấn đề này Bộ Công an “thai nghén” mấy năm nay. Bộ Tư pháp đã hai lần thẩm định Nghị định nhưng chưa ban hành được vì trong Luật Đầu tư quy định thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị chưa có tên trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
 .
“Chiều 25/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định này. Chúng tôi đang hoàn thiện báo cáo thẩm định để trình Bộ trưởng Tư pháp”, ông Hải nói.
Ông Lê Đại Hải trả lời phóng viên tại buổi họp báo sáng 26/4. Ảnh: Thắng Quang.
.
Về vấn đề dự thảo có điều quy định chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị, vị Phó vụ trưởng cho hay tại cuộc họp của hội đồng thẩm định hôm qua, nhiều thành viên cũng đặt ra vấn đề này.
Tuy nhiên, quan điểm chung của Bộ Tư pháp là chỉ quy định những tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện thì được kinh doanh thiết bị ngụy trang
.
“Nghị định chỉ quy định chủ thể được kinh doanh mặt hàng này chứ không điều chỉnh việc ai được sử dụng thiết bị này. Nghị định không cấm nhà báo hay người dân sử dụng thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình”, ông Hải cho hay.
.
Theo ông Lê Đại Hải, Hiến pháp quy định về nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân được làm những gì luật không cấm, mà muốn cấm cũng phải quy định trong luật.
.
“Nhà báo hoạt động theo Luật Báo chí. Nếu, Luật Báo chí cho phép các đồng chí được quyền sử dụng thì các đồng chí thực hiện”, Phó vụ trưởng Pháp luật Dân sự – Kinh tế nói.
.
 Mua bán thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình phải có giấy phép
Chủ cơ sở kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự nếu muốn hoạt động trong thời gian tới.
Vân Thanh – Thắng Quang

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có dòng sông nào không bên lở bên bồi?


XUÂN DƯƠNG (GDVN) - Thay đổi thù hận trong quá khứ bằng tấm lòng vị tha, bằng niềm tin vào sự bao dung, nhân ái sẽ làm cho người ta sống thanh thản. Những người sinh vào những năm 70 thế kỷ trước giờ đã trên dưới 40 tuổi, đã là lớp trung niên thuộc vào diện người xưa gọi là "Tứ thập nhi bất hoặc". 
Để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh
 không thể thiếu sự đoàn kết toàn dân. 
“Nhi bất hoặc” nghĩa là khi tới 40 tuổi người ta có thể hiểu thấu sự việc trong thiên hạ, phân biệt được phải trái, biết được điều gì nên hay không nên làm. Khi ngoài 40 tuổi, sự “chín” về tư duy cho phép người ta nghe lời nói, nhìn việc làm biết được ai là người tốt kẻ xấu, ai là người yêu nước thương dân. 

Tuy nhiên không phải tất cả mọi người ở tuổi 40 đều “nhi bất hoặc”. Muốn đạt tới trạng thái "nhi bất hoặc" con người phải gạt bỏ những hiềm khích cá nhân, phải nhìn sự việc bằng cái “Tôi” lớn chứ không phải cái “tôi” bé.

Thay đổi thù hận trong quá khứ bằng tấm lòng vị tha, bằng niềm tin vào sự bao dung, nhân ái sẽ làm cho người ta sống thanh thản.

Nếu luôn coi mình là đúng, không tự thay đổi mình, sống trong nhà còn khó chứ đừng nói sống với người tứ xứ.

Hai mươi tám năm trước - ngày 9/11/1989 - bức tường chia đôi thủ đô Berlin bị phá bỏ, nước Đức thống nhất bắt tay vào xây dựng một quốc gia hòa hợp và hòa giải, không hề có định kiến giữa người dân hai miền Đông và Tây Đức, cũng không có định kiến giữa người dân trong nước với kiều dân Đức ở nước ngoài.

Thủ tướng Đức hiện nay, bà Angela Merkel vốn là một cán bộ Đoàn Thanh niên Tự do Đức (Đông Đức) và là công dân đầu tiên xuất thân từ nước Đức cộng sản (Cộng hoà Dân chủ Đức) trở thành lãnh đạo nước Đức tư bản từ năm 2005.

Nước Đức ngày nay không có sự phân biệt người dân Tây Đức với Đông Đức như 28 năm trước.

Nhờ sự hòa hợp, hòa giải ấy, nước Đức nhanh chóng vượt qua sự tàn phá trong thế chiến 2, trở thành nền kinh tế mạnh nhất châu Âu và thứ tư thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản).

Để xây dựng một nước Việt Nam theo tiêu chí “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” bên cạnh những chủ trương đúng đắn của Nhà nước, không thể thiếu sự đoàn kết toàn dân, bao gồm cả những người Việt sinh sống ở nước ngoài.


Về phía Nhà nước, chủ trương hòa hợp, hòa giải đã được đề cập trong nhiều diễn đàn, đã được các vị lãnh đạo thường xuyên đề cập.

Vấn đề còn lại là đưa chủ trương ấy vào cuộc sống, điều này đòi hỏi cả giới lãnh đạo lẫn người dân, không phân biệt họ đứng bên nào trong quá khứ.

Báo Laodong.com.vn cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 22/7/2016 trong bài “Tranh cá ba miền ủng hộ chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa” viết:

“Đây là chương trình do các nhà báo Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huy Đức cùng nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình và Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu khởi xướng từ 7/1/2014, nhằm tri ân gia đình những người lính đã tham gia, đã ngã xuống trên các trận tuyến chống quân Trung Quốc xâm lược, đặc biệt là hai trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988”.

Báo Thanhnien.vn trong bài “Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại” viết:

“Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ cuộc chiến bi hùng ấy, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử để hiểu thêm dã tâm xâm lược của cường quốc láng giềng, để thấy sự bất khuất của những người con đất Việt, và để củng cố bằng chứng và niềm tin rằng, Hoàng Sa mãi mãi là một phần của đất mẹ Việt Nam”. [1]

Chuyện về hai lần khóc trong đời ông Nguyễn Cao Kỳ

(GDVN) - Cả cuộc đời ông được ghi dấu bởi sự kiện, có thể là chính sử, cũng phần nhiều là giai thoại nhưng đậm tính cách ngang tàng và dữ dội.

Từ năm 2010, Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh chính thức trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh cho những công trình xuất sắc thuộc bốn hạng mục: “Dịch thuật; Nghiên cứu; Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục và Việt Nam học”.

Sự khác biệt của Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là không phân biệt quốc tịch của tác giả, miễn là thỏa mãn các tiêu chí:

“Thứ nhất, các giải thưởng của Quỹ chỉ trao cho tác phẩm của các tác giả còn sống.

Thứ hai, các giải thưởng của Quỹ không trao cho các tác phẩm đã được các giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước.

Thứ ba, tác phẩm đoạt giải phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cụ thể về thời gian và chất lượng của từng giải do Hội đồng Khoa học của Quỹ đưa ra”. [2]

Những năm gần đây Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh tổ chức lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh cho các tác giả trong và ngoài nước, có nhiều người từ nước ngoài về tham dự và nhận giải.


Kiều bào Thái Lan tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tượng phật nhân dịp gặp gỡ Xuân quê hương 2017, ảnh của Tuổi Trẻ

Nêu một vài dẫn chứng để thấy, nỗ lực hòa hợp, hòa giải trong việc đánh giá công bằng quá khứ, gác lại bất đồng, cùng nhau hướng tới tương lai chính là khát vọng cháy bỏng trong trái tim mỗi người con dân đất Việt.

Cũng như dòng sông với bên bồi bên lở, một cộng đồng cư dân bao giờ cũng có chuyện “chín người mười ý”.

Ở nơi này, nơi khác nếu có những tiếng nói không cùng dòng chảy hòa giải, hòa hợp dân tộc âu cũng là điều bình thường.

Gần đây nhất là chuyện lấy mốc thời gian 1975 để xem xét việc cấp phép hay không cấp phép biểu diễn một số ca khúc.

Tại sao lại chọn năm 1975 khi mà các ca khúc dẫu sáng tác vào thời điểm nào cũng có thể phù hợp hoặc không phù hợp với “luật - lệ” hiện hành? Phải chăng việc chọn năm 1975 làm mốc phân định chính là rơi rớt còn sót của một định kiến xưa cũ cần xóa bỏ?

Tờ báo nổi tiếng Anh Quốc (Bbc.com/Vietnamese) ngày 24/2/2017 trong bài “Bà Janet Nguyễn bị đưa ra khỏi phòng họp thượng viện” tường thuật việc công dân Mỹ gốc Việt Janet Nguyễn lên tiếng chỉ trích ông Tom Hayden, nhà hoạt động từng tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam (đã qua đời tháng 10/2016) như sau:

“Chỉ vài chục giây sau khi phát biểu, bà Janet Nguyễn nhiều lần được yêu cầu ngừng, yêu cầu ngồi xuống trước khi mic bị tắt và Thượng nghị sỹ Bill Monning nói bà vi phạm nội quy, đồng thời yêu cầu nhân viên an ninh đưa ra khỏi phòng họp thượng nghị viện California”. [3]

Đánh giá những gì bà Janet Nguyễn phát biểu tại thượng viện bang California, một số nghị sĩ bang và công dân Mỹ cho rằng “những bình luận của bà Nguyễn là thiếu tôn trọng và không phù hợp” hoặc “bà ấy đã làm được điều mà bà ấy muốn, là không được nói. Bà ấy muốn gây xôn xao cho địa hạt của mình”… [3]

Bằng cách “vi phạm nội quy”, “thiếu tôn trọng và không phù hợp”, làm tổn thương người đã khuất (ông Tom Hayden) chỉ để “gây xôn xao cho địa hạt của mình” có phải là hành động vì cộng đồng người Mỹ gốc Việt hay chỉ là phục vụ những toan tính cá nhân nào đó?

Hành động của bà Janet Nguyễn - theo đánh giá của người Mỹ - chỉ là “không phù hợp” với “tiêu chuẩn Mỹ” hay cũng không phù hợp với nguyện vọng hòa hợp, hòa giải của đa số người Việt sinh sống ở nước ngoài?

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama từng khẳng định: “khu vực Đông Nam Á là ngôi nhà của lòng nhân ái, với những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới. Và đó là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của tôi”. [4]

Nên biết rằng chính khách tầm cỡ Obama không nói những lời sáo rỗng. Ý nghĩa chính trị, ngoại giao trong các phát biểu của người đứng đầu Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ trên diễn đàn quốc tế luôn là đề tài cho những nghiên cứu sau này.

Khi đích thân Tổng thống Mỹ khẳng định Đông Nam Á là “ngôi nhà của lòng nhân ái” thì cũng có nghĩa là Việt Nam - thành viên có trách nhiệm và uy tín trong ngôi nhà chung đó - chính là một trong những điểm tựa của truyền thống nhân văn cao đẹp này.

Và không lý gì những người mang dòng máu Việt lại phủ nhận sự thật hiển nhiên đó bằng cách đào bới quá khứ, cố tình làm sưng tấy vết thương chiến tranh đã lành sau gần nửa thế kỷ.

Nếu có ai đó cùng quan điểm với bà dân biểu vùng California, thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu kỹ lưỡng văn hóa Mỹ, cũng nên hỏi tại sao ông Obama không “trừ Việt Nam ra” khi nói về “ngôi nhà của lòng nhân ái” của các quốc gia Đông Nam Á?

Sẽ rất tốt đẹp nếu những phản biện nhằm tới mục tiêu để đất nước trở nên văn minh hơn, dân chủ hơn, cường thịnh hơn, để người Việt dù cầm trên tay tấm hộ chiếu của bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền tự hào, rằng dòng máu chảy trong huyết quản mình là dòng máu con Lạc, cháu Hồng.

Kỷ niệm ngày 30 tháng 4, không cần thiết phải hỏi nhau đó là “ngày thống nhất”, “ngày chiến thắng” hay “ngày hòa hợp”.

Đó là ngày kể từ đó, bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có thể đi du lịch từ “Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, từ Cao nguyên Đồng Văn ở địa đầu phía bắc đến đảo Thổ Chu ở cực Nam tổ quốc.


Đón người thân về quê ăn tết tại sân bay Thành phố Hồ Chí Minh: Ảnh: Hữu Khoa

Đó cũng bắt đầu một thời kỳ cứ mỗi dịp Tết đến, hàng nghìn bà con Việt kiều lại trở về thăm quê hương và người thân.

Là thời kỳ mà Khánh Ly, Chế Linh, Nguyễn Cao Kỳ Duyên và hàng loạt ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn, hàng loạt doanh nhân Việt kiều về nước đầu tư mang lại lợi ích cho bản thân và cũng là góp phần xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, văn minh, dân chủ.

Dòng sông nào cũng có đôi bờ, đôi bờ nào cũng có bên bồi, bên lở. Dẫu lịch sử có biến động, con người có cố tình đắp đập ngăn sông thì dòng sông vẫn chảy.

Liệu có thể tìm thấy trên hành tinh này một dòng sông không có bên lở bên bồi?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong bài hát “Chảy đi sông ơi” viết: “Sông mấy ngàn năm tuổi, miệt mài chảy mãi không nguôi, chuyện bao đời sông biết cả, mà sao vẫn trẻ mãi, không già”.

Dòng sông trong ca khúc vừa là hình ảnh thực của những “dòng sông Mẹ” đã tạo nên đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, đó cũng là hình ảnh của dòng sông thời gian, dòng chảy lịch sử đã góp phần hình thành nên nước Việt và dân tộc Việt hôm nay.

Góp phần làm thay đổi hiện trạng suy thoái văn hóa, trì trệ kinh tế của đất nước bằng những tiếng nói chân tình bao giờ cũng khó hơn là đả phá và kích động.

Nhìn vào truyền thống nhân ái, lòng yêu nước của người Việt để tin tưởng, rằng dân tộc này đã kịp nhận ra những sai lầm về làm ăn kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo dục thế hệ trẻ,…

Đã nhận được cái giá phải trả cho những quyết định duy ý chí và vì thế chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn để xứng đáng với truyền thống dựng nước và giữ nước mà thế giới ngưỡng mộ.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://thanhnien.vn/chinh-tri-xa-hoi/hai-chien-hoang-sa/hai-chien-hoang-sa-40-nam-nhin-lai-6168.html

[2] http://www.vusta.vn/vi/news/Guong-Dien-hinh/Quy-Van-hoa-Phan-Chau-Trinh-mot-Quy-xa-hoi-tieu-bieu-57534.html

[3] http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39078569

[4] http://infonet.vn/nu-co-van-goc-viet-dac-biet-trong-phai-doan-tong-thong-obama-tham-viet-nam-post199431.info
Xuân Dương


Phần nhận xét hiển thị trên trang

THIÊN NGỌC MINH UY - MIẾNG PHO MÁT TRONG BẪY CHUỘT

 Chung Nguyen 




Thiên Ngọc Minh Uy lừng danh đã chính thức nộp đơn xin giải thể, rút phích cắm để dừng cuộc chơi sau 17 năm đồng hành cùng đất nước
Năm nhóm Tam Ca Áo Trắng trèo lên bãi đá 1x2 trạm trộn bê tông quay MV Sài Gòn Cô Tiên, thì công ty Sinh Lợi được thành lập ở quận 4 - tiền thân của Thiên Ngọc Minh Uy ngày nay. Tuy xin chết, nhưng việc giải quyết tiền nong cho hàng vạn thành viên công ty thì vẫn chưa có phương án nào khả thi, tiền đi đâu, và đòi thế nào, mời các bạn đã và đang là nạn nhân liên hệ C46, Bộ Công An - đơn vị đang thụ lý điều tra. Tuy xác suất lấy lại được tiền tương đương con chim bay trên trời ỉa trúng cốc bia trong quán Hải Xồm có mái che, nhưng cứ thử còn hơn là từ bỏ. Để điều tra cặn kẽ từng giao dịch, hoạt động tài chính của Thiên Ngọc Minh Uy có lẽ sẽ mất một thời gian không nhỏ vì tính phức tạp và số lượng thành viên kinh khủng của nó trải khắp đất nước. Hơn 25 vạn người gần tương đương dân số tỉnh Bắc Kạn đã được cấp mã thành viên, nếu bị khởi tố, đây sẽ là vụ lừa đảo thế kỷ chưa từng có trong lịch sử. Mạng lưới của Thiên Ngọc Minh Uy phát triển mạnh nhất ở khu vực phía Bắc đặc biệt là vùng nông thôn, nơi tập trung đa số thành viên và đóng góp nguồn thu chủ yếu. Doanh thu của Thiên Ngọc Minh Uy trong 2 năm 2014-2015 là 3.448 tỉ đồng tiền mặt, gấp 10 lần số tiền Quỹ đầu tư phát triển Liên Hợp Quốc (UNCDF) viện trợ cho Việt Nam để phát triển nông thôn kể từ khi có quan hệ chính thức năm 1978. Nếu muốn biết nguồn lực chính ra được dùng cho xoá đói giảm nghèo thực tế chảy đi đâu, hãy hỏi các soái ca đóng suits bespoke Ninh Hiệp ở A6/D11 Đồng Bông, nơi từng một thời vang tiếng thề bồi quyết tâm đong tiền tỉ của những doanh nhân đầu còn vương bèo tấm hồ Tây và chân vẫn bám phù sa sông Kinh Thầy, rất có thể sẽ các bạn sẽ có câu trả lời. Về lý thuyết thì không thể cấm được hoạt động kinh doanh đa cấp, hình thức kinh doanh này được bảo vệ bằng luật ở gần như tất cả các quốc gia trên thế giới trừ 2 nước anh em XHCN không tiện nêu tên, nơi mọi loại hình kinh doanh của tư bản đều là phạm pháp. Trên thực tế kinh doanh đa cấp phát triển đỉnh cao ở Mỹ và Nhật Bản với quy mô và tính chuyên nghiệp hơn Việt Nam rất nhiều lần. Tấm gương đa cấp sáng ngời của nước Mỹ chính là anh tổng thống cao to đẹp trai vừa xịt mấy chục quả Tomahawk giúp nhân dân Syria san ủi lại sân bay, giải phóng mặt bằng trong phút mốt mà không cần bắt nhốt công an. Tự do kinh doanh phải là một quyền hiến định ở các nước theo kinh tế thị trường, luật pháp chỉ có thể quản lý ngành hàng kinh doanh và đưa ra những chế tài để đảm bảo các công ty đa cấp không hoạt động theo mô hình tháp, hoặc lừa đảo bùng tiền thành viên, chứ việc các đại lý tuyến trên chiết khấu cho tuyến dưới là bình thường trong mọi loại hình sản xuất, thương mại, nên không có cách nào cấm được nếu họ thực hiện đúng nghĩa vụ về thuế. Đa cấp Thiên Sư một thời vẫn quảng cáo công khai trên các kênh mainstream của Đài Loan và Đại Lục, nơi mọi người đều có thể xem qua đường truyền nhà đài VTV Cab lẫn ăng ten chảo chợ Tân Thanh. Cấm kinh doanh đa cấp là vi phạm quyền tự do kinh doanh, một trong những cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định quốc tế, chứ không phải nhà nước không muốn cấm, đừng hiểu lầm. Nỗi đau của kinh tế Việt Nam không phải là bất động sản như mấy anh chuyên gia hết thời chém gió, cũng chẳng phải nền sản xuất trình độ cầm mỏ hàn vững vàng bước vào cách mạng 4.0, mà là những công ty đa cấp như Thiên Ngọc Minh Uy hay Liên Kết Việt, lại gọi được vốn nhanh và nhiều hơn bất kỳ start-up thành công nào của đất nước. Chừng nào còn ngu còn lười còn trông mong mua tờ giấy lộn 10k ăn vài chục tỉ thì đa cấp vẫn còn đất sống, và sống khoẻ, vì ai đang nuôi chúng, nếu không phải là nhân dân? Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột, hoặc trạm thu phí BOT Bến Thuỷ mà thôi.

 http://www.trelangblog.com/2017/04/thien-ngoc-minh-uy-mieng-pho-mat-trong.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cụ Lê Đình Kình có thể xuất viện 1-2 ngày tới



(Ngày Nay) - Cụ Lê Đình Kình, người cao niên có uy tín ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức những ngày qua và hiện sức khỏe cụ đã ổn.
Trao đổi với báo chí ngày 26/4, một lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay cùng ngày, các bác sĩ của bệnh viện đã hội chẩn, đánh giá tình trạng sức khỏe của cụ Lê Đình Kình, chuẩn bị cho cụ ra viện trong 1-2 ngày tới tùy theo mong muốn của cụ. Nếu gia đình muốn, cụ có thể xuất viện từ ngày 27/4.
Theo vị lãnh đạo này, cụ Kình đã được điều trị tại bệnh viện những ngày qua và hiện đã ổn định về sức khỏe. Trong những ngày cụ điều trị ở bệnh viện, các bác sĩ đều quý mến vì cụ là người rất hiểu biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ cùng ngày, ông Lê Đình Ba - cháu cụ Lê Đình Kình cho biết: “Chúng tôi cũng thường xuyên được các bác sĩ trao đổi về sức khỏe của ông tôi. Sức khỏe của ông tốt lên từng ngày”.
“Gia đình và họ hàng đang chờ quyết định của bệnh viện về thời điểm khi nào ông tôi được ra viện. Sau khi có quyết định của bệnh viện, gia đình và người dân thôn Hoành sẽ đón ông tôi về” - ông Ba nói.
“Người dân trong thôn đều quan tâm đến sức khỏe của ông. Nếu được bệnh viện cho về, đây là niềm vui của gia đình và cũng là niềm vui của người dân thôn Hoành” - ông Ba nói thêm.
Trước đó, trong đối thoại với người dân xã Đồng Tâm ngày 22/4, khi nói về cụ Lê Đình Kình, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ ngoài công việc ra còn tình cảm của con người.
“Ngoài trách nhiệm của tôi là chủ tịch thành phố, tôi cũng thường xuyên vào thăm hỏi cụ Kình. Tôi cũng đề nghị các bác sĩ chăm sóc tốt nhất để cụ sớm khỏe”- ông Chung nói.
“Tôi mong cụ bình phục nhanh nhất để cụ về Đồng Tâm cho bà con yên tâm. Thực sự cụ là người có uy tín”- ông Chung chia sẻ với người dân Đồng Tâm.
Theo Tuổi trẻ
Phần nhận xét hiển thị trên trang