Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

PHẠM CÔNG THIỆN KỲ TUYỆT MỘT THIÊN TÀI



Phạm Công Thiện, kỳ tuyệt một thiên tài       Có những con người đến rồi đi qua mặt đất, trần gian này như một cơn giông tố bão bùng, sấm sét, gây chấn động kinh hồn, làm bùng vỡ một điều chi kỳ vĩ, tinh khôi trên bầu trời tâm thức nhân loại, Phạm Công Thiện là một con người độc đáo như vậy.

        Đấy là một giáo sư, tư tưởng gia, nhà văn, nghệ sỹ hay một thi sỹ kỳ tuyệt thiên tài, như đại văn hào Henry Miller từ Hoa Kỳ đã phát biểu trong một thư gởi Phạm Công Thiện, đề ngày 8.8.1966 : “Mới ở tuổi 25 mà là khoa trưởng văn chương ở một đại học nổi tiếng trong xứ sở của ông, quả nhiên là thiên tài. Điều đó thật phi thường quá, quả thật khó tin, thật như chuyện huyền thoại.” Đúng vậy, một con người đã đến và đi như huyền thoại giữa cuộc sống thiên diễn, đầy biến động trên quê hương đất nước Việt Nam.

       Làm sao nói về con người kỳ diệu này ? Vào một chiều tháng 6, bắt đầu mùa hạ năm 1941, Phạm Công Thiện ra đời bên dòng sông thơ mộng Cửu Long, một dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam. Thi sỹ lớn lên từ đó, từ thuở nhỏ vốn bẩm sinh thông minh xuất chúng, học một biết mười đến độ thông thạo nhiều ngôn ngữ, đọc hàng đống sách đủ loại Đông Tây kim cổ… Suốt ngày đêm cứ mặc sức mơ mộng, rong chơi và tha hồ tắm sông lội nước, nằm ngắm mây trời bay lãng đãng, xa xôi…

       Rồi bất thình lình, đột ngột một hôm vụt đứng dậy, xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một thần đồng, một thiên tài lỗi lạc, biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali, Tây Tạng, Tây Ban Nha… Từ thuở mới 13, 14 tuổi, chàng đã có những bài tiểu luận tham gia cộng tác với các tạp chí Phổ Thông, Dân Ta, Bông Lúa, Giữ Thơm Quê Mẹ, Văn, Văn Nghệ, Bách Khoa…Những bài viết triết lý, thi ca, viết về các nhà thơ, nhà văn trên thế giới, khiến Nguyễn Vỹ ( chủ bút tạp chí Phổ Thông, Dân Ta ) và học giả uy tín Nguyễn Hiến Lê đều nể phục, xem là thần đồng, một hiện tượng vô cùng hy hữu giữa thế kỷ XX.

       Năm 1957, mới 16 tuổi đã xuất bản Tự Điển Anh Ngữ Tinh Âm, 20 tuổi viết Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học, 23 tuổi, viết Tiểu Luận Bồ Đề Đạt Ma, 25, 26 tuổi, viết Hố Thẳm Tư Tưởng, Im Lặng Hố Thẳm, Ý Thức Bùng Vỡ, Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn, Trời Tháng Tư, Ngày Sinh Của Rắn, Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực, Nikos Kazantzaki, Rainer Maria Rilke, Henry Miller và dịch thuật từ tiếng Anh, tiếng Đức những tác giả vĩ đại Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger, Hoelderlin… làm chấn động toàn thể giới văn nghệ sỹ, trí thức Sài Gòn, miền Nam thời bấy giờ.
Phạm Công Thiện, kỳ tuyệt một thiên tài

       Thời kỳ ấy, từ 1966 đến 1970, mới 25 tuổi, Phạm Công Thiện đã làm Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, đồng thời là giám đốc soạn thảo Chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa Xã hội Nhân văn và chủ biên tạp chí Tư Tưởng đã khơi nguồn mạch sáng tạo, trào dâng chất ngất cho giới văn nghệ. Mở ra thể điệu phiêu bồng trên cung bậc văn chương, tư tưởng, thiền học, triết lý, thi ca bát ngát diệu thường.

       Trước đó, nhà thơ cũng đã từng làm những chuyến giang hồ tứ chiếng, xách túi thơ bầu rượu ngao du sơn thủy qua New York, California, Paris, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Ba Tư, Ý Đại Lợi rồi, từng diện kiến, tiếp xúc với những nhân vật kiệt xuất, lừng lẫy trên thế giới như Krishnamurti ở Paris, Henry Miller ở Los Angeles.

       Văn chương, nghệ thuật, triết lý, thi ca, những tác giả kỳ cựu, những bậc cao thủ thời đó đều tập trung về Đại học Vạn Hạnh, tạo nên một bầu không khí sinh động vô vàn. Đang là thần tượng của đám sinh viên các Đại học Vạn Hạnh, Văn Khoa, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt thì đùng một cái, Phạm Công Thiện bỏ ngang chức Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, lên đường viễn phương hành. Làm cuộc ra đi vô mục đích, nhảy tung vào Hố Thẳm Tư Tưởng không đáy bồng bềnh, lênh đênh qua tận bên kia bờ đại dương vào năm 29 tuổi, tức năm 1970.

       Đó là lúc Ý Thức Bùng Vỡ làm thay đổi cả một nếp sống bình sinh, hay cũng là một thái độ phản kháng cuộc chiến tranh tương tàn tương sát, đang diễn ra ở xứ sở Việt Nam đến độ khốc liệt, kinh hoàng, khủng khiếp nhất trên khắp hai miền Nam Bắc phân tranh. Cuộc nội chiến làm sụp đổ tan tành, tan hoang hết mọi sự trong tiêu điều, điêu linh, trầm thống...
Phạm Công Thiện, kỳ tuyệt một thiên tài

       Sống trong thời buổi loạn ly, bị khổn vây bầu không khí ngột ngạt như vậy, một hồn thơ sâu thẳm, nhạy cảm như chàng làm sao không rơi vào trạng thái cô đơn ? Cô đơn rờn lạnh hiu hắt, lặng buốt cả tim hồn thổn thức, cũng như bao thanh niên khác, chàng tìm đến tình yêu cho khuây khỏa bớt u sầu. Yêu nhau cảm động dường nào để cho lòng xao xuyến, xốn xang, chan chứa một điều chi da diết, trong tiếng hát liêu trai của nàng ca sỹ yếu gầy. Hình ảnh người ca sỹ yếu gầy ấy đã đi vào thi ca chàng một cách trữ tình, lãng mạn giữa trầm trầm mê mê bóng sương nhòa tha thiết trong hồn lệ rưng rưng :
Cô đơn về trắng sương rừng
Anh nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
Khuya buồn tủi nhục môi em
Mưa run lặng lẽ bên thềm bơ vơ
Tiếng ru vàng xuống đôi bờ
Hoang vu anh đứng đợi chờ chim kêu
Tay gầy ôm chặt tình yêu
Anh về phố gục những chiều hư vô
Đời đi trên những nấm mồ
Đau thương em hát cơ hồ khăn tang
Phố chiều thả bước lang thang
Như con sông nhỏ mơ màng biển xanh
Nửa đêm khói đốt đời anh
Yêu em câm lặng khô cành thu đông
Lời em như một dòng sông
Đôi bờ anh đứng giữa lòng hoa niên
Mưa chiều nước chảy triền miên
Một con chim dại lạc miền hoang lương
Về đâu thương những con đường
Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa


Phạm Công Thiện: Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học. Tái bản lần thứ ba. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1966
** Phạm Công Thiện Henry Miller. Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn 1969 
*** Lê Khắc Thanh Hoài. Chuyện Một Người Đàn Bà… Năm Con. Thời Đại xuất bản 2012
**** Phạm Công Thiện. Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên. Trần Thi xuất bản, Hoa Kỳ 1995
***** Phạm Công Thiện. Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng. Phương Đông xuất bản 2008
****** Phạm Công Thiện. Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất. Trần Thi xuất bản, Hoa Kỳ 1988
Thơ Phạm Công Thiện ( chữ nghiêng ) trích trong các tác phẩm :
Ngày Sinh Của Rắn. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1966
Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im. Văn Hóa Sài Gòn xuất bản 2009


Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHÀ THƠ VÀ CHUYỆN "GÁI GÚ"


Nhà thơ và chuyện "gái gú"



Nhà thơ Đỗ Hoàng vừa về thì ông đến. Không bấm chuông, ông cứ đứng trước cửa toáng lên réo: - Hoàng ơi! Hoàng!... Sao không có ai ra mở cửa thế này. Cái thằng này! Hoàng ơi! Hoàng...

Đứng trên ban công tầng 2, tôi vội với xuống: - Chú ơi! Anh Đỗ Hoàng vừa về. Anh ấy nhắn lại nếu rảnh thì chú qua nhà anh ấy chơi.

Ông gắt giọng: - Cậu xuống đây gặp tôi đi. Đứng trên đấy mà trả lời người lớn thì mất lịch sự quá.

Cửa vừa mở, chưa kịp nói câu xin lỗi, ông đã hất hàm hỏi: - Này! Thế cậu với Đỗ Hoàng có quan hệ với nhau kiểu gì thế?

Tôi cười: - Cháu quen biết anh ấy từ thời học Đại học.

Ông nhìn tôi, vẻ nghi hoặc, dài giọng: - Cậu cũng học Đại học?

Tôi cố nhịn cười, trả lời: - Vâng! Cháu cũng trầy trật 4 năm mới xong Đại học đấy ạ.

Ông nheo mắt, hất hàm: - Thế có biết làm thơ không?

Tôi thật thà: - Dạ! Cháu cũng chỉ mượn thơ để giãi bày tâm sự của mình thôi. Mà... Chú là nhà thơ Trần Lý?

Ông nghiêm nghị: - Trần Đình Lý! Tiến sĩ, nhà thơ Trần Đình Lý. Cậu réo tên tôi kiểu đấy rất thô thiển và mất lịch sự. Thế cậu cũng có thơ đăng ở trang của Đỗ Hoàng phụ trách à? Mà sao cậu không mời tôi vào nhà ngồi nói chuyện, cứ để tôi đứng ngoài đường thế này thì tệ quá.

Tôi gãi đầu, thành thật: - Cháu tưởng chú vội, với lại, chú cháu mình chưa biết nhau nên cháu ngại. Giờ chú nói vậy, cháu mời chú lên tầng 3, chú cháu mình ngồi uống trà, hàn huyên đôi ba câu chuyện.

Vừa ngồi xuống ghế, ông vỗ vai tôi: - Này, bỏ xưng hô chú cháu đi, nghe xa cách lắm. Anh em cho tình cảm.

Đưa nước mời ông, tôi tủm tỉm: - Dạ. Chắc cháu tầm tuổi con út của chú?

Ông cười: - Không! Cậu tầm tuổi con gái lớn của tôi. Các cụ nói không sai, con cái là tài sản quý lúc về già. Tôi có 3 đứa con, 2 gái một trai, đứa nào cũng ngoan ngoãn, nên người. Các cháu ngoại tôi tuyệt vời lắm. Ngoan, xinh và học giỏi. Mà cậu có mấy con? Thằng cu vừa rồi đẹp trai và ngoan nhỉ? Rất lễ phép! Cậu này! Giàu nghèo không quan trọng. Con cái ngoan ngoãn và thành đạt mới đáng để tự hào chứ mấy thằng trọc phú, con cái hư hỏng, văn hóa lùn tịt thì có gì để tự hào. Ấy thế mà cái bọn người đấy lúc nào cũng hợm hĩnh, ra vẻ ta đây, hình như họ không biết xấu hổ cậu ạ.

Rồi như chợt nhớ ra chuyện quan trọng, ông nhìn tôi, ngập ngừng: - Vừa rồi cậu nói cậu cũng biết làm thơ đúng không? Thế thì tôi đọc cậu nghe bài thơ tôi vừa viết tối qua, rồi cậu cho lời nhận xét thật khách quan nhé.

Tôi vội chối từ: - Ấy chết. Chú đừng bắt cháu làm việc đấy. Cháu cảm thơ kém lắm ạ. Với lại, khả năng ăn nói của cháu cũng có vấn đề nên chú cháu mình ngồi uống nước nói chuyện khác đi ạ.

Ông nhìn tôi, vẻ khó hiểu: - Làm thơ mà không thích nói chuyện về thơ thì làm thơ làm gì? Cậu có phong cách hệt thằng con trai tôi. Nó không thích nói chuyện về thơ ca nhưng lại thích nói chuyện về kỹ thuật vi tính, làm ăn, đại loại là những chuyện xã hội... Thằng ấy giỏi phết cậu ạ. Tự lập. Không thích dựa dẫm bố mẹ. Năm ngoái, vợ chồng nó mua được căn hộ hơn 6 tỷ bằng tiền kiếm được trong 3 năm đấy. Nó bảo không thích ở chung với bố mẹ nên hai vợ chồng nó phấn đấu kiếm tiền mua nhà rồi ra ở riêng. Giờ còn có 2 vợ chồng già, nhà thì rộng rãi, nhiều khi cũng thấy trống trải lắm.

Ông ngập ngừng một lúc rồi hỏi: - Cậu có hay đi đổi gió không? Là đi này kia với em út ý.

Thấy tôi bưng chén nước kề môi, cứ tủm tỉm cười, ông vội nói: - Chắc vợ chồng cậu hạnh phúc lắm nên không đi đổi gió chứ gì? Không có chuyện đó thì làm thơ mất hay, sáo lắm. Không có cảm hứng thì ra thơ sao được. Lẩn thẩn hết. Tôi đây này. Cái khoản gái gú còn máu hơn Đỗ Hoàng nhiều. Vợ tôi, bà ấy cũng hiểu chồng mình là giới văn nghệ sĩ nên cái khoản lãng mạn này kia không thể thiếu. Bà ấy cũng văn minh lắm, không ghen, không abc gì. Biết tỏng là tôi có bồ bịch mà tảng lờ cứ như không. Mà quái lạ. Chồng là nhà thơ mà vợ lại không thích nghe thơ mới oái oăm. Nhiều đêm, chợt nảy ra tứ thơ hay, quay sang nói với bà ấy thì bà ấy lại gắt: Ông lặng yên cho tôi ngủ. Thơ thẩn cái gì. Cậu thấy có bực không?

Nhấp ngụm trà. Ông lại hỏi dồn: - Thế vợ cậu không phản đối cậu làm thơ à? Thằng cu con cũng không thích thơ đúng không?

Khi biết tôi đang độc thân, ông chùng giọng: - Ừ, thế lại hay. Thoải mái cặp bồ, chả lo ai quản, chả lo làm tổn thương ai. Tôi nhiều lúc cũng muốn có bồ bịch bằng chúng bằng bạn nhưng ngại bà nhà tôi buồn nên khước từ hết. Nhà thơ mà. Nhiều gái mê lắm nhưng mình phải nghĩ đến tâm trạng của vợ con chứ...

Ông buông dở câu nói bằng tiếng thở dài.

Biết là phút thật lòng của ông nên tôi lảng sang chuyện khác để ông đỡ ngại chuyện chiến tích em út (gái miệng) của các nhà thơ. Chừng tiếng sau, vãn chuyện, ông đứng dậy ra về.

Vừa khóa cửa, chưa kịp bước lên cầu thang, tôi đã nghe tiếng ông oang oang điện cho nhà thơ Nguyễn Đăng Hành: - Ông Hành à! Tôi là Trần Đình Lý đây! Hôm nào tôi sang ông đàm đạo thơ rồi cùng nhau đi cưa gái nhé... Ừ. Nhà thơ mà! Gái gú không có thì ra thơ sao được! Lẩn thẩn hết! 

Hà Nội, chiều 16 tháng 03.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'LƯNG CHỮ CỤ, VÚ CHỮ TÂM" TRÔNG NHƯ THẾ NÀO?


        
Một tấm lưng thẳng, cân đối, giống như
phần trên chữ "cụ" 
Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN CÔNG
  
 Trong truyện dài “Đứa con của thần linh”, Nhà văn Trần Quang Vinh viết: “Ngày ấy bà được khen là cô gái đẹp nhất làng, (...) những chuẩn mực thể hiện khả năng sinh con đàn cháu đống của người đàn bà như thắt đáy lưng ong, lưng chữ cụ vú chữ tâm cũng hội tụ ở người con gái ấy”. 

          Tiểu thuyết “Một trăm và chín chín” (Trần Chiểu) viết: “Cụ Cố khen tôi “lưng chữ cụ vú chữ tâm”, hai núm như hai hột đào tơ, mắn đẻ, khéo nuôi con, cụ muốn lấy tôi làm vợ bé...”  




Bài “Vẻ đẹp phụ nữ qua lăng kính nhà phẫu thuật thẩm mỹ”, TS Vũ Ngọc Lâm viết: Những cô gái đẹp có tiếng của làng, của thôn, xã, huyện, tỉnh thường là có đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu, da trắng môi đỏ, hình thể thì cũng đến "thắt đáy lưng ong", "cổ cao 3 ngấn", "lưng chữ Vụ, vú chữ Tâm"...” (báo “Sức khoẻ đời sống”).  

Theo đây, thì “Lưng chữ cụ (hay “vụ”), vú chữ tâm”, là vẻ đẹp chuẩn mực của phụ nữ, cũng là tiêu chuẩn chọn vợ của đàn ông xưa. Vậy, “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” trông thế nào mà hấp dẫn nam giới đến vậy?

          1 - “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Lưng chữ “cụ”, vú chữ “tâm” Lưng (hơi gù như dáng) chữ “cụ” (trong tiếng Hán) và vú (hơi bầu như dáng) chữ “tâm” (của tiếng Hán) là hai nét hay gặp ở các cô gái mắn đẻ và khéo nuôi con [như Lưng gù chữ “cụ”, vú lồi chữ “tâm”]”.

          2 - “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm  [Lưng gù chữ cụ, vú lồi chữ tâm]. (lưng gù chữ cụ: lưng cong hình chữ cụ; vú lồi chữ tâm: vú to, nhọn, không chảy sệ, như hình chữ tâm - tiếng Hán). Một kinh nghiệm xem tướng: người phụ nữ có hình dáng lưng, vú như vậy là người lắm con”.

          3 - Bài “Đặc điểm văn hoá – giới tính qua tục ngữ Việt”, GSTS Đỗ Thị Kim Liên viết: “Còn những người: Lưng chữ cụ, vú chữ tâm là với ý những người đàn bà lưng hơi gù và vú bầu bầu thì mắn đẻ và khéo nuôi con”.

Kiểu vú song song, chảy sệ, đầu vú hướng xuống, hơi giống "mộc qua nhũ" (vú đu đủ)
Ảnh: St

          Một số từ điển khác ghi nhận dị bản “Lưng chữ NGŨ, vú chữ tâm”:

          4 - “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Lưng chữ NGŨ, vú chữ tâm (Tức lưng hơi gù và vú bầu bầu). Người ta thường cho rằng người phụ nữ lưng hơi gù và vú bầu bầu thì mắn đẻ và khéo nuôi con”. 
   
          5 - “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” (Nguyễn Cừ): “Lưng chữ Ngũ, vú chữ Tâm: Chữ Ngũ có đường vòng ví như lưng con gái, chữ Tâm tròn bầu như vú đàn bà. Đây là cách nhận dạng nhân tướng phụ nữ nào lưng hơi gù, bầu vú bầu bĩnh thì người ấy mắn con, dễ đẻ, dễ nuôi và sinh lý mạnh”.

Tấm lưng thẳng, cân đối, đầy đặn, đi đôi với dáng vẻ bộ ngực chữ tâm của một mĩ nhân
Ảnh: St

          6 - Sách “1575 câu thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm”, Lê Gia đưa ra dị bản “đặc biệt” hơn: “Lưng chữ cú () vú chữ tâm. Nghĩa câu: Lưng thì hơi cong gù như hình chữ cú () có nét chính hơi cong như cái lưng gù. Hai vú thì xệ xuống như hình chữ ‘tâm’ () có nét chính cong vòng xuống như quả mướp cong, gọi là ‘vú quả mướp’. Đây là nói về tướng người phụ nữ có hình dáng hơi xấu nhưng mắn đẻ”.

Vẻ đẹp của tấm lưng thẳng, đầy đặn, cân đối
Ảnh:ST
Vẻ đầy đặn, cân đối của "lưng chữ cụ" trong tranh vẽ của Hoàng Tân Hưng
Nguồn ảnh: FB Soi Dong Hoang

          7- Bài “Siêu mẫu Quỳnh Thi- vẻ đẹp mạnh mẽ, hoang dã”, Bùi Sĩ Nguyên lại đưa ra dị bản “lưng chữ THÚ” với cách giải thích cũng “thú vị” không kém: “Các cụ nhà mình dạy rằng “lưng chữ thú, vú chữ tâm”, nghĩa là đường cong nơi lưng nên mềm mại (chữ thú là bộ khuyển, dáng cong rất đẹp), còn ngực nên cao và tròn vành như chữ tâm.” (thegioidanong.net).
Một số kiểu vú theo cách đặt tên của người Tàu (từ trái qua phải) 1.Vú nho khô (vú lép); 2. Vú quả táo;
3.Vú anh đào; 4.Vú quả chanh; 5. Vú quả dừa; 6.Vú quả lê; 7.Vú đu đủ; 8.Vú quả xoài; 9.Vú nịt áo(?) 10. Vũ lọ;
11. Vú hoả sơn (núi lửa, trông giống vú chữ Tâm); 12.[không rõ chữ]; 13. Vú dưa hấu;
14.Vú hoa sen; 15.Vú bát tô; 16.Vú quả chuối; 17. Vú quả bóng.

             Cứ theo đây, thì cô gái “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” chẳng có gì đặc biệt ngoài cái lưng gù và cặp vú “bầu bầu”, “hơi bầu” hoặc “vú mướp”, mắn đẻ, khéo nuôi con.

           Tuy nhiên, theo chúng tôi, phân tích tục ngữ về tướng pháp, nhưng các nhà nghiên cứu biên soạn từ điển lại không tìm hiểu về tướng pháp, nên có sự hiểu lầm.

          Phép xem “tướng lưng” [bối tướng 背相], cho rằng, lưng là nền móng của thân (bối vi thân chi cơ chỉ - 背為身之基祉). Người mạnh khoẻ hay bệnh tật; phú quý hay bần tiện; trường thọ hay yểu mệnh, đều biểu hiện qua tấm lưng. Sách về tướng pháp “Nhân luân đại thống phú” [人倫大統賦] của Trương Hành Giản [張行簡], thuộc “Tứ khố toàn thư” [四庫全書] của Tàu viết: “Lưng phải đầy đặn làm chỗ dựa yên ổn cho thân. Nếu lưng mà cong vạy, thì nghèo, chết non, hoặc tuyệt tự; lưng rộng, ĐẦY ĐẶN, CÂN ĐỐI thì được hưởng phú quý.” [nguyên văn: 夫背所貴者豐隆,身乃恃安定偏側貧夭嗣者欹斜富貴有后者闊厚平正].
Ảnh: St

          Sách cổ về tướng pháp của Tàu, “Đỗng vi ngọc giám” [洞微玉鋻] cũng viết: “Lưng dầy mà không thô, dáng như lưng rùa mà bằng rộng, đầy đặn; nhìn phía trước như đang ngẩng, xem đàng sau tựa đang cúi, ấy là người có phúc tướng vậy.” [nguyên văn: 背須得豐隆不俗,如龜背而廣厚平闊,前看如昂,後看如俯者福相也].

Lưng đầy đặn, vai nở nang, vuông vắn, mông rộng bằng vai
rất giống hình chữ cụ.
Ảnh:ST 

          Sách “Nhân tướng học toàn thư” (Thiệu Vĩ Hoa - NXB Thời đại, 2010) viết: “Lưng tốt hội đủ các yếu tố: ĐẦY ĐẶN, RẮN CHẮC, CÂN XỨNG, nở nang. Trái lại, lưng mỏng, thế yếu, LƯNG CONG...đều là các loại tướng xấu, nội tạng không ổn định, tinh thần suy nhược. (...). Eo lưng là thành quách của bụng, mọi sự an nguy của bụng đều dựa vào eo lưng cả (...) Đàn bà nếu eo lưng quá nhỏ và bó lại ở phần giữa, đường tử tức có rất nhiều điểm bất lợi. Tướng eo tốt, nên CÂN ĐỐI, đầy đặn, to, mông nở, tròn, bằng. Khi NGỒI, eo THẲNG, BẰNG PHẲNG. Nhìn từ phía trước, mặt eo như thót lại, nhìn từ mặt sau, EO VUÔNG VỨC là quý tướng.” (HTC nhấn mạnh).
Lưng thẳng, đầy đặn, vai và eo lưng nở nang, cân đối như chữ CỤ 
Ảnh: ST 

          Xét về mặt khoa học, thì bất kể đàn ông, hay đàn bà, tấm lưng đều là nơi gánh đỡ toàn bộ cơ thể, là chỗ dựa của lục phủ ngũ tạng, cũng là trung tâm chi phối sức mạnh của toàn thân. Một người phụ nữ có tấm lưng gù làm sao đảm đương tốt thiên chức làm mẹ (riêng chuyện mang nặng khi thai ngén đã là một bất lợi, nói chi chuyện nuôi con). Có bao giờ tạo hoá lại ưu ái, trao quyền năng đặc biệt trong việc duy trì nòi giống cho một người gù lưng không? Theo chúng tôi là không. Với loài cầm, thú cũng vậy. Bất kể trống mái , hay đực cái, những con vật tạo hoá ban cho khả năng sinh sản tốt, đều có ngoại hình cân đối, khoẻ mạnh, tấm lưng vững chắc. Con người không nằm ngoài qui luật của tạo hoá.
Hai hình ảnh đối lập, khá điển hình:
-Bên phải, vú bánh dày
-Bên trái, vú chữ Tâm
Ảnh: ST

          Xét tự hình chữ “cụ” rất giống một tấm lưng VUÔNG VỨC, CÂN ĐỐI của người ĐANG NGỒI (nhìn từ phía sau), trong đó, nét ngang dài dưới cùng, giống như mặt phẳng để ngồi, cũng là biểu thị phần cuối của tấm lưng (ngồi là tư thế thể hiện rõ nhất kiểu dáng của cái lưng). 
Chữ CỤ hình dáng như một tấm lưng người đang ngồi, cân đối, khoẻ mạnh

Hình chữ: ST

         “Lưng chữ cụ” là tấm LƯNG THẲNG, CÂN ĐỐI, giống như hình chữ “cụ”[1], chứ không phải là tấm “lưng gù” (chữ “cụ” , chữ “ngũ” , chữ “vụ”, đâu có gợi tả hình dáng cái lưng “gù”. Còn nếu “gù” đến mức giống chữ “cú” , chữ “thú” , thì đây phải hiểu là người tàn tật mới đúng!)[2]. Mặt khác, trong thực tế, cũng không có căn cứ nào cho thấy, phụ nữ lưng gù mắn đẻ hơn người có tấm lưng bình thường. 

Eo lưng nở nang, đầy đặn, lưng cân đối
Ảnh: ST

          Vậy còn “vú chữ tâm” là kiểu vú thế nào? Nếu hình dung “vú bầu bầu”, “hơi bầu” như cách giảng của các nhà biên soạn từ điển, thì vú nào chẳng thế? Đến như Lê Gia hình dung “vú chữ tâm” thành “vú quả mướp” thì lại càng tệ hại! Dĩ nhiên tiêu chuẩn, quan niệm về cái đẹp có sự thay đổi theo thời gian. Nhưng tôi không tin một bộ ngực có hình dáng mơ hồ (“bầu bầu”) hoặc thõng “vú mướp”, gắn với tấm lưng gù lại thể hiện sức sống của người phụ nữ, và trở thành cái đẹp chuẩn mực khiến đàn ông phải si mê.

-Bên trái là kiểu bầu vú song song, đầu vú hướng chính diện
-Bên phải bầu vú ngoảnh ra hai bên, đầu vú hướng thương
chính là vú chữ tâm.
Đồ giải: ST

           “Vú chữ tâm” là kiểu vú đẹp. Cơ ngực, tuyến vú “chữ tâm” phát triển, mô mỡ dưới da đầy đặn, hai bầu vú cân đối, “NGOÀNH” RA HAI BÊN; “vú chữ tâm” không quá to, mềm mại và săc chắc, nên chỉ hơi sệ; trong khi bầu vú và đầu vú vẫn thây lẩy hướng thượng, tựa nét “ngoạ câu” (móc nằm), của chữ tâm .

Chữ TÂM, nét  móc nằm giống bầu vú ngoảnh ra phía phải, đầu vú hướng lên.
Nếu thêm nét đối xứng bên trái, sẽ thành hình dáng bộ ngực chữ tâm hoàn hảo.
Minh hoạ: HTC
Không cần quan sát phía sau, cũng có thể biết cô gái này sở hữu tấm lưng thẳng, cân đối;
cũng không khó nhận ra "chữ Tâm" rất đặc trưng.
Ảnh:ST
Ảnh: St

          Nghĩa là bầu vú và đầu vú “chữ tâm” không hướng chính diện kiểu “vú bánh giầy” [vú tròn hơi bẹt, không sệ, kém phát triển]; cũng không thòng xuống dưới như “vú mướp” [vú nhỏ, dài, nhão, cơ ngực và mô mỡ kém phát triển, Tàu gọi là “mộc qua” -
木瓜 - vú đu đủ]; không quá to như “vú quả dừa” [lang tử nhũ- 椰子乳], hay “vú dưa hấu” [tây qua nhũ - 西瓜乳]).

Vú chữ tâm
Ảnh: ST

          Có thể nói, tục ngữ “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” đúc kết kinh nghiệm về “tướng lưng” [bối tướng 背相] và “tướng vú” [nhũ tướng 乳相] của nữ giới. Theo đó phụ nữ đẹp phải có thân hình khoẻ mạnh, cân đối, lưng thẳng, vai và eo lưng nở nang; bộ ngực săn chắc, căng đầy, bầu vú thây lẩy ra hai bên theo chiều cho con bú. Đây chính là hình mẫu phụ nữ đẹp, có khả năng về tình dục, sinh sản tốt, nhiều sữa nuôi con, lại đáp ứng được yêu cầu sức khoẻ lao động trong cuộc sống làng xã xưa kia.

Điển hình của vú chữ TÂM, săn chắc mà mềm mại, thây lẩy hai bên, đầu vú hướng thượng
Ảnh: ST
          Tuy lấy tự hình chữ Hán làm trực quan so sánh, nhưng hiện chúng tôi chưa tìm thấy yếu tố gốc Hán, hoặc một dị bản gốc Hán nào liên quan đến tục ngữ “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm”. Đây là có lẽ là một kiểu đúc kết kinh nghiệm nhân tướng học dân gian theo cách riêng của người Việt: Một tấm lưng thẳng, cân đối (phía sau, trông như chữ “cụ” ), đi đôi và tương xứng với một bộ ngực săn chắc, đầy đặn (hình dáng như chữ “tâm”  đằng trước). Đó chẳng phải là sự kết hợp hài hoà, hoàn hảo của tạo hoá hay sao! Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, khi các cô gái đẹp thường sở hữu đặc điểm “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” khoẻ mạnh, mắn đẻ, khéo nuôi con, được người đời ca ngợi, kén chọn về làm vợ, làm dâu con./.[3]

                                                     HOÀNG TUẤN CÔNG/3/2017

Chú thích:
 [1] - “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) có ghi nhận khái niệm “lưng chữ cụ” và giảng là “lưng người ngay chừ”, nghĩa là lưng thẳng, nguyên văn: “lưng chữ cụ• dt. Lưng người ngay chừ : Lưng chữ cụ, vú chữ tâm (tng”); mục  “ngay chừ • bt." hướng dẫn xem "Ngay chòCây chổi ngay chừ; nằm ngay chừ”; mụcngay chò • tt. C/g. Ngay chừ, thật ngay : Cái cây ngay chò”. 

          “Ngay”, ở đây có nghĩa là thẳng, chính là cách hiểu đúng về kiểu “lưng chữ cụ”, tiếc rằng Lê Văn Đức đã không liên hệ được nghĩa của nó với câu “Lưng chữ cụ, vũ chữ tâm”, nên ở mục “Lưng chữ ngũ”, chính ông đã lặp lại sai lầm như nhiều người khác, khi giảng: “lưng chữ ngũ • dt. Lưng người khòm, cúp cong ở giữa: Lưng chữ ngũ, vú chữ tâm (tng)”.

[2] - Vì lúng túng, mơ hồ về câu tục ngữ, nên mỗi người đẻ ra một dị bản (chữ cụ , chữ vụ , chữ ngũ , chữ cú , chữ thú ...rồi thêm thắt thành "Lưng gù chữ cụ, vú lồi chữ tâm"). Thậm chí Từ điển tiếng Việt” (New Era) lại cho rằng “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm, Ngụ ý câu này cho rằng đàn ông mà có tấm lưng thẳng và rộng, đàn bà có cặp vú tròn trĩnh là người có dáng vóc đẹp đẽ”, và giảng “Lưng gù chữ cụ, vú lồi chữ tâm”, như “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm”. Tuy nhiên, cách diễn đạt của câu tục ngữ không cho phép người ta hiểu vế đầu nói về lưng đàn ông, vế sau nói về ngực (vú) phụ nữ. Mặt khác, vừa giảng "lưng chữ cụ" là "tấm lưng thẳng và rộng" của đàn ông xong, lại cho rằng, "Lưng chữ cụ vú chữ tâm" giống như  dị bản "Lưng gù chữ cụ vú lồi chữ tâm", là sao? Hoá ra "gù" nghĩa là "thẳng"?

[3] - Tham khảo một số cách hiểu liên quan đến câu tục ngữ đang xét:

- “Bầu vú  như là biểu trưng cho sức sống mãnh liệt và khả năng sinh sôi nẩy nở truyền nòi giống của người phụ nữ. Cho nên người Hán và những dân tộc Hán hóa đã mô tả người phụ nữ hấp dẫn là người có “lưng chữ cụ ()vú chữ tâm(心.  Ngay trong thời hiện đại này, “vòng một” cũng là một tiêu chuẩn trong các cuộc thi chọn hoa hậu; chọn người phụ nữ chuẩn mực (chủ yếu về mặt hình thể)”. (Bầu vú với văn hoá nhân loại - Lê Đình Khẩn).

- “Các cụ kén con dâu là phải chọn những người tốt nái. Lưng chữ cụ, vú chữ tâm. Nghĩa là lưng hơi gù một chút và vú phải dài thì mới mắn đẻ. Cứ làm như chuyện đẻ hoàn toàn tùy thuộc vào người đàn bà không bằng. Ngày nay làm gì có những người con gái có nét đẹp này cho các cụ chọn! Lưng chữ cụ thì phải tập đi đứng cho ngay ngắn còn vú chữ tâm thì phải tầm sư học đạo để kéo nó lên!” (Bà Ba Phải-Giadinhhoangtrong.wdr).


“Lưng chữ cụ vú chữ tâm” (lưng tôm, vú ngang hơi thòng)”. (Muôn kiểu làm đẹp và dụng cụ làm đẹp của quý bà quý cô trong lịch sử-Nguyễn Hữu Hiệp - Dân Vietj.com).

- “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm. (Đây là dạng người phụ nữ đẻ dễ, mắn đẻ, nhiều con)”. (Tham khảo nhân tướng học để chọn người-TS Nguyễn Hoàng Điệp-Vanhien.net).

- “Lưng chữ Cụ, vú chữ Tâm. khẽ đâm là chửa” (Vòng quay kì diệu-Lão Hà-Trannhuong.net).


Phần nhận xét hiển thị trên trang