Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Việt Nam – Đông Á 35 năm bão lửa 1940-1975


Phim tài liệu “Việt Nam – Đông Á 35 năm bão lửa 1940-1975” gồm 2 tập.
Tập 1: Phim tài liệu đặc biệt về cuộc chiến Đông Dương và Việt Nam 1940 — 1954 với những thước phim lịch sử về cuộc tấn công biển người của Hồng Quân Trung Cộng tại chiến trường Cao Ly (Triều Tiên) đẫm máu.
Những hình ảnh về quốc trưởng Bảo Đại trong sứ mệnh tái hình thành và phát triển quân đội Quốc Gia Việt Nam và những ngày cuối cùng của cuộc chiến Pháp-Việt mà ngày N đã kết thúc tại Genève.
Tập 2: Ngô Đình Diệm
Đây là DVD phim tài liệu tổng lược về cuộc đời chính trị của vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam và những chứng tích lịch sử của nền đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa.
Qua tập phim này, người xem được nhìn thấy những hình ảnh về cuộc đối đầu giữa chính phủ Ngô Đình Diệm với các lực lượng Giáo Phái và Bình Xuyên, những nỗ lực phát triển Quân Lực VNCH, những chứng liệu về mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và những hoạt động chính trị và xã hội của vị Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà đã gây ra nhiều tranh cãi trong hơn 50 năm qua.
This entry was posted in VideoViệt Nam and tagged . Bookmark the permalink.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/04/26/viet-nam-dong-a-35-nam-bao-lua-1940-1975/#sthash.YrGIhcCH.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

“Formosa”


Mới sáng sớm, một phụ nữ đã hối hả gõ cửa một tiệm xăm. Chủ tiệm càu nhàu:
- Trời ơi, giờ này đã đi xăm mình!
Khách nài nỉ:
- Bác ơi, em phải xăm gấp nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng! Giá bao nhiêu em cũng chịu mà... 


nh minh họa
Nghe vậy chủ tiệm lục đục soạn đồ nghề: 
- Nào, thế cô muốn xăm hình gì, xăm ở đâu?
- Em không xăm hình mà chỉ xăm chữ, xăm toàn thân! Này nhé: bác xăm cho em ở cánh tay phải chữ “tay phải”, xăm ở cánh tay trái chữ “tay trái”, ở hai chân cũng tương tự như thế...

Chủ tiệm cười ngất:
- Hiểu rồi! Cô sợ mai mốt vào bệnh viện bị mổ nhầm bên nên xăm cho ê kíp mổ đỡ phải xin lỗi rồi rút kinh nghiệm về sau chứ gì!
- Bác thông minh ghê! Chưa hết, xong rồi bác lật em lại rồi xăm tiếp ở chân phải dòng chữ “chân trái nếu nằm sấp”, ở chân trái dòng chữ “chân phải nếu nằm sấp”... 


- Cẩn thận nhỉ. Nếu thế thì cô cũng nên xăm ở ngực, ở tai, ở bàn tay rồi bàn chân nữa chứ?
Khách hoan hỉ gật liền:
- Mông nữa! Cho em hai chữ “mông trái” và mông phải”!

Sau một ngày làm việc cật lực, thân hình cô khách kín mít chữ từ trên xuống dưới. Tưởng đã xong thì khách lại ngần ngừ:
- Bác ơi, còn một chỗ nữa... Chỗ này không xăm không được... Lỡ bác sĩ tưởng nó là... cái môi của em mà cắt nhầm là em hết ăn cơm!

Chủ tiệm xăm hiểu liền:
- Với trình độ bác sĩ bây giờ thì lo xa thế cũng phải. Nhưng nên xăm chữ gì bây giờ? Xăm thẳng tên thì sợ thô tục, vậy phải dùng chữ nào cho ai cũng hiểu đó là cái có người thích rước về nhưng cũng lắm người ghê tởm vì chuyên thải nước bẩn?

Nghe đến đó khách buột miệng:
- “Formosa”!

ST

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người TQ viết về sự kiện VN ‘xâm lược’ Campuchia


khmer_rouge_14
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Lời giới thiệu của người dịchViệt Nam (VN) giải phóng nhân dân Campuchia khỏi cuộc diệt chủng của Khmer Đỏ là hoàn toàn chính nghĩa, là công trạng to lớn của VN đóng góp vào sự nghiệp tiến bộ của nhân loại. Thế nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc (TQ) tìm đủ mọi thủ đoạn xuyên tạc vu khống sự kiện này. Nhưng cuối cùng chính nghĩa bao giờ cũng thắng. Những người TQ có lương tri cũng dần dần hiểu ra sự thật. Bạn đọc có thể thấy rõ điều đó qua bài dưới đây, đăng trên trang mạng Phượng Hoàng, một trang mạng chính thống hàng đầu của TQ, phục vụ người Hoa trên toàn cầu, bình quân hàng ngày có 671 triệu lượt truy cập.
Ngày 7/1/2009, hàng chục nghìn người Campuchia tụ tập tại sân vận động Olympic quốc gia ở Phnom Penh, nhiệt liệt chúc mừng 30 năm ngày kỷ niệm Campuchia thoát khỏi ách thống trị của Khmer Đỏ. Hoạt động kỷ niệm quy mô lớn này do Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền tổ chức và đã thu hút hơn 40 nghìn người tham gia.
Thủ tướng Hun Sen và một số đảng viên Đảng Nhân dân đã tham dự lễ hội trọng thể này. Chủ  tịch Thượng viện Campuchia Chia Xim khi đọc diễn văn có nói ngày kỷ niệm này có ý nghĩa trọng đại, nó đánh dấu “một trang đen tối nhất trong lịch sử Campuchia” đã kết thúc. Chia Xim đặc biệt cảm ơn nước láng giềng Việt Nam “đã cứu Campuchia”, đánh giá cao quân tình nguyện Việt Nam đã có những hy sinh to lớn vì để tiêu diệt chính quyền Khmer Đỏ tàn sát nhân dân Campuchia và đã kịp thời ngăn chặn được số phận bất hạnh của nhân dân Campuchia tiếp tục bị Khmer Đỏ tàn sát. (“Tinh Châu nhật báo” của Campuchia ngày 8/1/2009).
Việc Chia Xim cảm ơn Việt Nam rất dễ khiến người ta liên tưởng tới “cuộc chiến phản kích tự vệ chống Việt Nam” do Trung Quốc phát động ngày 17/2/1979, cũng khiến người ta tỏ ý nghi ngờ tính chính đáng của cuộc chiến tranh đó. Tuy rằng hiện nay Trung Quốc cố gắng tránh không nhắc tới cuộc chiến này, nhưng đối mặt với lịch sử, chúng ta phải có dũng khí nhìn thẳng [vào sự thật], xem xét và phán đoán một cách khách quan và công bằng. Hồi ấy Trung Quốc phát động “cuộc chiến phản kích tự vệ chống Việt Nam” có nguyên nhân chính là do Việt Nam xâm lược Campuchia.
Ba chục năm sau, khi đối mặt với cuộc chiến tranh đó, vì sao người Campuchia lại tỏ ý chân thành cảm ơn nước láng giềng Việt Nam “xâm lược” mà không một chữ nhắc tới Trung Quốc? Chúng ta rất cần thiết  ôn lại những ngày tháng thực sự khủng khiếp như bị bóng đè đối với người Campuchia ấy – thời kỳ chính quyền Khmer Đỏ thống trị nước này.
Đảng Cộng sản Campuchia thành lập năm 1950, hồi ấy là một nhánh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến thập niên 1970, đổi tên là Đảng Campuchia Dân chủ (Party of Democratic Kampuchea), sau này được gọi theo tiếng Pháp là “Khmer Đỏ” [Khmer Rouge].
Ngày 18/3/1970, nhân dịp Hoàng thân Norodom Sihanouk đi thăm nước ngoài, tướng Lon Nol đã làm đảo chính lật đổ chính quyền Sihanouk. Sau đó Sihanouk lưu vong ở Bắc Kinh. Hồi đó Khmer Đỏ đối địch với chính phủ Lon Nol.
Được chính phủ Trung Quốc ủng hộ, Sihanouk giúp Khmer Đỏ giành lại chính quyền từ Lon Nol. Ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh, lật đổ chính phủ Lon Nol, và xây dựng “nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia” do Pol Pot lãnh đạo. Từ đó trở đi chính quyền Khmer Đỏ bắt đầu sự thống trị đẫm máu trong gần 4 năm tại Campuchia, nhân dân Campuchia rơi vào thế giới bi thảm đen tối nhất của loài người.
Trong thời gian nắm chính quyền, Pol Pot thi hành sự thống trị vô cùng đáng sợ, hòng cải tạo Campuchia thành một xã hội không phân chia giai cấp, cưỡng chế xua đuổi toàn bộ dân đô thị về nông thôn, tiến hành cuộc đại thanh lọc trong cả nước.
Lấy cớ là máy bay Mỹ sẽ ném bom Phnom Penh, chính quyền Pol Pot kêu gọi dân Phnom Penh, yêu cầu họ sơ tán về thôn quê và hứa sau ba ngày sẽ có thể trở lại Phnom Penh, yêu cầu họ không cần mang theo bất cứ tài sản nào. Sau khi dân cư thủ đô đã xuống nông thôn, phần lớn họ bị chính quyền Khmer Đỏ sát hại, chưa đến một nửa số người sống sót trở về nơi cư trú cũ.
Trong thời kỳ đầu Khmer Đỏ cầm quyền, số người bị thanh trừng gồm dân cư các đô thị, đặc biệt những người có tiếp xúc với phương Tây, trí thức từng tiếp nhận sự giáo dục của phương Tây và các nhân viên làm việc cho chính phủ Lon Nol. Trong thời kỳ sau, những người bị thanh trừng còn có cán bộ các cấp trong thời gian cách mạng Khmer Đỏ.
Dưới sự thống trị của Pol Pot, tiền tệ bị hủy bỏ, nhân dân phải lao động trong các công xã, họ chỉ được ăn trong nhà ăn tập thể, cấm ăn ở ngoài. Trong gần 4 năm dưới sự thống trị của Khmer Đỏ, rất nhiều người đã chết vì đói ăn, đau ốm và lao lực quá mức. Cũng có nhiều người bị hành quyết vì nguyên nhân chính trị hoặc vì phạm các loại lỗi nhỏ nhặt. Theo các thống kê khác nhau, số người Campuchia chết trong thời gian Khmer Đỏ thống trị ước tính khoảng từ 1,2 triệu tới 3 triệu người, chiếm khoảng một phần tư dân số Campuchia, trong đó có 215 nghìn người Campuchia gốc Hoa, và hầu như toàn bộ hơn 10 nghìn người Campuchia gốc Việt Nam.
Cuộc thanh trừng của Khmer Đỏ đã châm ngòi cho cuộc nổi loạn chống Pol Pot nổ ra vào tháng 5/1978, khi những người Campuchia lưu vong ở Việt Nam lập ra “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia” do Heng Samrin lãnh đạo – ông là một cán bộ lãnh đạo cấp cao trong Khmer Đỏ, nguyên sư đoàn trưởng quân đội Khmer Đỏ và Bí thư một Tỉnh ủy thuộc Đảng Cộng sản Campuchia (nay là Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Campuchia).
Ngày 25/12/1978, dưới sự dẫn dắt [nguyên văn đái lĩnh] của Heng Samrin, 100 nghìn “quân tình nguyện” Việt Nam […] mở cuộc tấn công thế như chẻ tre. Tuy nhiều người Campuchia cảm thấy sợ hãi khi thấy quân Việt Nam đến, nhưng được sự dẫn đường của không ít người Khmer Đỏ đầu hàng và của dân chúng Campuchia chịu sự thống trị tàn khốc của Khmer Đỏ, quân đội Việt Nam chỉ sau hai tuần tấn công đã chiếm được Phnom Penh vào ngày 7/1/1979, lật đổ ách thống trị khủng bố của Khmer Đỏ.
Sau đó, lấy lý do quân đội Việt Nam xâm phạm Campuchia, ngày 17/2/1979, chính phủ Trung Quốc đã phát động “Cuộc chiến phản kích tự vệ chống Việt Nam”.
Ba chục năm sau, nhân dân Campuchia chúc mừng việc lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, Chia Xim thay mặt nhân dân Campuchia cảm ơn Việt Nam đã giúp lật đổ chính quyền Pol Pot; điều đó khiến chúng ta cần nhận thức lại và tìm hiểu lại giai đoạn lịch sử này.
Trang ba báo “Tin tham khảo” của Trung Quốc ngày 25/1/2006 đưa tin dưới tiêu đề “Thủ tục xét xử Khmer Đỏ sắp khởi động”, cho biết: theo thỏa thuận ký giữa Liên Hợp Quốc và chính phủ Campuchia, một cơ quan quyền lực đặc biệt đang chuẩn bị cho việc thành lập tòa án xét xử Khmer Đỏ. “Giờ đây cuối cùng đã có hy vọng thấy việc sẽ áp dụng các biện pháp tư pháp nhất định để xem xét những người đã gây ra cái chết của hàng triệu dân Campuchia trong thời gian 1975 đến 1979”.
Năm 1998, nhà lãnh đạo Khmer Đỏ là Pol Pot đã chết vì bệnh tim, hiện nay một số nhà lãnh đạo Khmer Đỏ đã bị Tòa án bắt giữ chờ xét xử gồm có nhân vật số hai là Nuon Chea, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ieng Sary cùng vợ là Ieng Thirith, và Kaing Guek Eav. Dự kiến tháng 3/2009 sẽ xét xử Kaing Guek Eav. Những người khác do tuổi cao hoặc đau ốm sẽ hoãn lại đến năm 2010 hoặc muộn hơn mới xét xử. Họ sẽ đối mặt với cáo buộc và kết án phạm tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng hoặc tội chống nhân loại, nhằm an ủi mấy triệu dân chúng Campuchia vô tội bị chúng hãm hại tới chết.
Khi Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo dùng hành động đẫm máu tàn bạo viết những trang sử dã man của nhân loại, lịch sử tất nhiên sẽ tiến hành thanh toán những thứ rác rưởi tàn bạo không chút tính người ấy, mãi mãi đóng đinh chúng lên cây cột sỉ nhục của lịch sử.
Trung Quốc từng ủng hộ Khmer Đỏ, cho tới nay chưa ai đứng ra tiến hành suy nghĩ lại về giai đoạn lịch sử đó.
Pol Pot, kẻ tự xưng là “học trò của Mao Trạch Đông” (xem sách “Quốc tế quảng giác”, trang 222), tháng 6/1975 đang ở Trung Quốc, lúc đó Chu Ân Lai đang ốm nặng từng thiện chí khuyên họ không nên làm như thế. Pol Pot và các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ hãnh diện tuyên bố: Những người cách mạng trên toàn thế giới có thể học được rất nhiều kinh nghiệm từ Campuchia, “Cách mạng ở bất cứ nước nào đều không thể thực hiện được sáng kiến của Campuchia là rút toàn bộ dân ra khỏi Phnom Penh” (trang 221 sách đã dẫn).
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đã xác minh [nguyên văn: ấn chứng] Pol Pot [là] “học trò của Mao Trạch Đông”. Tuần san châu Á xuất bản tại Hong Kong ngày 5/4/2007 đưa tin: Hun Sen cho rằng “Căn nguyên tư tưởng của cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc là tư tưởng Mao Trạch Đông. Tư tưởng của Pol Pot bắt nguồn từ tư tưởng Mao Trạch Đông. Tư tưởng Mao được thực thi tại Campuchia nhưng cũng đã bị chứng minh là thất bại”.
Cùng với sự xét xử chính nghĩa [của Tòa án nói trên], giai đoạn lịch sử tàn ác vô nhân đạo do Khmer Đỏ làm nên tất nhiên sẽ bị mổ xẻ, những hành vi bỉ ổi ẩn giấu dưới tư tưởng cách mạng trang nghiêm mà chúng tự xưng sẽ bị phanh phui. Dưới sự cảm hóa và kêu gọi của tinh thần hãy để cho mồi lửa cách mạng vô sản lan ra toàn thế giới, Trung Quốc từng vô tư “ủng hộ và viện trợ” Khmer Đỏ. Nhưng ngược lại, chính cái gọi là lý tưởng cách mạng cao cả của Pol Pot đã đẩy mấy triệu người Campuchia xuống địa ngục muôn đời không thể trở lại trần gian. Khmer Đỏ đội vòng hào quang màu đỏ, rốt cuộc dưới bánh xe chính nghĩa của lịch sử, cái vòng hào quang ấy đã bị chôn vùi, để lại một vệt sử đỏ máu thê thảm của nhân loại.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ mạng Phương Hoàng, 越南入侵柬埔寨 30年后获尊重”   (“[Sự kiện] Việt Nam xâm lược Campuchia – sau 30 năm được tôn trọng”), ngày 8/1/2009.
Hình: Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia năm 1989. Nguồn: Corbis.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/02/25/nguoi-tq-viet-ve-su-kien-vn-xam-luoc-campuchia/#sthash.39zjSph1.dpuf


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Việt Nam TK 19 qua lăng kính một sử gia Nhật


Tác giả: Nguyễn Mạnh Sơn
Pháp Việt giao binh ký – Một tài liệu quý cho sự tu sử nước nhà
Pháp Việt giao binh ký là cuốn sách chép cuộc chiến tranh của nước Việt Nam với nước Pháp từ những năm đầu triều Nguyễn đến những năm 1880. Nội dung cuốn sách chủ yếu xoay quanh mấy vấn đề như địa lý, phong tục, sản vật, diên cách lịch sử Việt Nam, mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam cùng cách thức mà Trung Quốc và Việt Nam đối phó với Pháp.
Tác giả của Pháp Việt giao binh ký là Sone Toshitora (曾根 俊虎/ Tăng Căn Tuấn Hổ) (1847-1910), một võ sĩ thời Bakumatsu (幕末/ Mạc mạt), Đại úy Hải quân Nhật Bản, được coi là nhân vật quan trọng nhất của thuyết Liên Á trong lịch sử cận đại Nhật Bản và là một trong những người sáng lập Hưng Á hội. Sone Toshitora từng là học trò của Watanabe Hiromoto (1848-1901), Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và Yoshida Kensuke (1838-1893).
Pháp Việt giao binh ký chép bằng chữ Hán, xuất bản lần đầu tại Tokyo (Đông Kinh), Nhật Bản, năm Minh Trị thứ mười chín, tức là năm 1886. Sau này ảnh ấn của cuốn sách được in trong Cận đại Trung Quốc sử liệu tùng san, tập 62 近代中國史料叢刊第六十二輯, xuất bản năm 1966, Văn Hải xuất bản xã, tại Đài Bắc.
Về cuốn sách Pháp Việt giao binh ký, Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình trong Vãng tân nhật ký [1] cũng có ghi lại đôi dòng: “Ngày 6 tháng 12 năm 1883, Tăng Căn Khiếu Vân [2] 曾根 嘯雲 đến thăm, tôi và ông ấy ngồi ở đình Vọng Sơn, trò chuyện hồi lâu. Khiếu Vân có lấy ra hai cuốn sách cho tôi xem, một cuốn là Nam phiêu ký sự 南漂記事 trong sách đề năm Khoan Chính thứ sáu (năm thứ 59 niên hiệu Càn Long triều Thanh, năm thứ 56 niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê nước ta, tức là năm 1794)… Một cuốn nữa là Pháp Việt giao binh kỷ lược 法越交兵紀略 ghi chép rất nhiều câu chuyện, bài viết được đăng trên nhật báo, quá nửa là sai lầm, không chính xác. Nên ông ấy có nhờ tôi nhuận chính lại, tôi có rút bỏ khoảng hơn mười bài, giản lược bớt và sửa chữa…”[3]
Trong lời tựa đầu sách, Sone Toshitora cũng có trình bày đại ý việc biên soạn Pháp Việt giao binh ký vì ông thấy các cường quốc Âu châu đang xâm chiếm các nước Đông phương, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam là những nước đồng văn đồng chủng, cùng chung giáo hóa, thì lấy làm lo nên đã đứng ra lập một hội, với mục đích bênh vực các nước Đông phương, gọi là “Hưng Á hội”. Vì vậy xuyên suốt cuốn sách này, Sone Toshitora chỉ ra hết những biện pháp bóc lột của Pháp, rồi một mực kêu gọi, hô hào các chí sĩ châu Á ra tay cứu giúp một nước đang trong cảnh nguy vong là nước Việt Nam.
Thời ấy, Sone Toshitora cũng giao lưu với nhiều anh tài Trung Hoa, như Vương Thao, một nhà báo trứ danh ở Hương Cảng. Vương Thao cũng là một tay quen biết rộng nhiều, hay thư từ qua lại với một số vị đại thần nước ta như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Tư Giản. Vì thế, khi Nguyễn Thuật đi sứ sang Tàu, nhờ Vương Thao giới thiệu, có được đọc qua bản cảo Pháp Việt giao binh ký của Sone Toshitora và có để ít nhiều lời bình trong sách.
Do vậy khi cuốn sách được đem in, ngoài Sone Toshitora đứng tên ra, thì trên bìa sách người ta còn thấy có đề tên Nguyễn Thuật, Hà Đình, người Việt Nam đứng hiệu duyệt kế sau Vương Thao, người Tàu đứng san toản. Và trong sách thỉnh thoảng cũng có những lời phê vắn tắt của ông Nguyễn Thuật, nhưng rất ít.
Cuốn sách bao gồm 5 quyển, với rất nhiều lời đề tựa của Taruhito (熾仁); Yokoi Tadanao (横井 忠直); Akamatsu Toriyoshi (赤松 則良); Kawada Oukou (川田 甕江); Kurimoto Joun (栗本 鋤雲); Vương Thao (王韜); Ngũ Diên Phương (伍廷芳), Sone Toshitora… Nội dung cuốn sách chủ yếu là tổng hợp thông tin về tình hình chính trị Pháp – Việt trên nhật báo Việt Nam, Hồng Kong, Trung Hoa. Tuy nhiên trong quyển đầu, Sone Toshitora cũng dành một vài trang để viết về tính cách, phong tục, ăn ở… của người Việt. Mặc dù có nhiều chi tiết ngày nay không còn chính xác nữa nhưng đó cũng được coi như tấm gương phản chiếu để người Việt nhìn lại chính mình của hơn một trăm năm về trước.
Người Việt Nam thế kỷ XIX qua mắt của Sone Toshitora[4]
 Thể chất
“Thân thể gầy còm, tinh thần suy yếu, tuy có khi sấn sướt làm mình ra mạnh mà rồi cũng trở nên biếng nhác tức thì. Có lẽ tại họ không có lòng kiên nhẫn. Bởi vậy, những việc khó nhọc lắm và phải làm lâu lai thì họ ắt không kham”.
“Người An Nam đa phần nhỏ thó, cái mặt trẹt, cái tai phẳng, cái mũi thấp, con ngươi đen, hơi giống người Tàu. Da hơi đen, có lẽ là bởi những người đó làm ruộng và dang nắng. Chứ còn như những người sang và các cô gái trẻ thì da cũng có trắng. Tuy vậy, đại để An Nam không có người đẹp. Người nào da trắng thì trắng như sáp, còn đen thì như đồng đen. Cũng có người da hơi vàng, giống người Mông Cổ. Con trai con gái hồi còn trẻ tuy cũng có vẻ đậm đà dễ coi, nhưng sau khi có vợ có chồng rồi thì tuồng mặt đổi hẳn, không còn được như trước nữa. Cũng có nhiều kẻ tốt tóc, nhưng ngoài hai mươi tuổi thì tóc đã trở nên xác xơ, không láng ngời nữa. Họ thường búi tóc. Kẻ nào ưa làm dáng thì hay búi bằng chang, con trai con gái đều như vậy. Nhiều người mặt mày xấu xí, cách đi đứng quê kệch, lại từ đỉnh đầu đến gót chân, thường lộ ra những nét cong queo nghiêng lệch. Đó là tại hồi còn nhỏ, người mẹ hoặc người vú hay để đứa trẻ chàng hảng hai chân ngồi lên trên hai chân của mình mà cho ăn cho bú, nên lâu ngày rồi nó như thế”.
Nguyễn Thuật có phê rằng: “Dân cày và đàn bà nhà quê mới có nhiều người tuồng mặt xấu xí; chứ còn các hàng quan thân văn sĩ hầu hết người nào cũng có nghi dung tuấn tú, không phải xấu xí cả đâu”.
Y phục, trang sức
“Về y phục, đồ mặc thường của họ quá chật. Nhưng, đàn ông mặc như thế thì được tiện và nhanh nhẹn. Đàn bà, áo dài hơn đàn ông, may bịt bùng hết, không có chỗ hở da. Đó là vì ngừa thói dâm của phụ nữ mà khiến họ có sự bất tiện. Lễ phục thì hai tay áo dài và rộng”.
“Đàn ông, đầu đội khăn; đàn bà dùng cái nón lớn để che nắng che mưa. Dân thường thì dùng một miếng vải nhỏ che trên đầu; khi đi ra đồng, đội nón lá; còn miếng vải nhỏ, vắt trên vai để thay khăn tay. Đó là điều không giống với nước nào hết.”
“Họ lại có dùng cái dải trắng và đỏ đeo hai cái đãy ngang lưng, đó cũng là điều khác với các nước nữa. Trong đãy chứa trầu cau, trái trám, để ăn. Khi ra ngoài, đeo hai cái đãy trên vai. Trong nhà thì trưng bày những đồ như cái hộp bằng đồng hoặc bằng bạc để đựng trầu cau cùng vật ăn được”.
Nguyễn Thuật phê rằng: “Cái tục mang đãy nay không còn có nữa”.
“Họ thường ăn trầu cau hoặc trái trám, cho nên răng đều vàng ra hay đen đi. Đàn bà họ lại ưa dùng đồ trang sức bằng ngà voi”.
Nguyễn Thuật nói rằng: “Ăn trầu thì có; còn trái trám thì là thức ăn phụ, coi như đồ gia vị, chớ không dùng để ăn thường”.
Đi đứng
“Đàn ông đàn bà đi ra ngoài đều đi chân không. Duy có ông già cùng người đàn bà làm tốt thì có mang giày, mà giày thì ngắn, khi mang vào, thường để hai gót ra ngoài, cho nên dáng đi cũng xấu xí. Từ ngày có người Pháp đến ở trong nước, người An Nam nào có thông hôn với người Pháp thì có đi giày đen và tất trắng”.
Nhà cửa
“Nhà làm nhỏ hay lớn, cao hay thấp là tùy người giàu nghèo sang hèn khác nhau. Đại khái nhà đều thấp, tối tăm và xấu xí; cột dùng gỗ, nghèo thì dùng tre. Trên nhà, lợp bằng lá dừa nước, hoặc tranh, hoặc rạ; cũng có lợp ngói, nhưng phải là giàu mới lợp ngói được. Trong nhà chia làm mấy ngăn, ngăn bằng ván hoặc phên. Bốn phía tường dùng ván, có khi dùng lá dừa, nên hay bị mất trộm lắm. Đồ vặt trong nhà không có mấy, vài ba bộ ván hoặc giường để mà ngồi nằm, lại với tủ hoặc rương để đựng quần áo. Nhà giàu sang thì có cái kỷ nhỏ, bày đồ trà để đãi khách”.
Vệ sinh, ăn uống
“Người An Nam đến sự ở nhà không sạch sẽ, mặc áo quần dơ bẩn thì thôi, khắp thế giới không nước nào bằng! Cũng có kẻ mặc đồ hàng lụa, áo kép, áo lót, nhưng vẫn như là lam lũ. Thật ra thì kiểu y phục của họ không thích hợp với mùa lạnh mùa nóng, còn nhà thì không thích hợp với sự ăn ở. Họ hay ăn mặn quá hoặc cay quá, chua quá, cũng có thể tại đó mà thể chất trở nên yếu đuối, tâm thần trở nên thất thường. Lại thêm khí hậu không tốt, làm cho người suy nhược. Người An Nam ít sống lâu, trẻ con phần nhiều không nuôi được. Họ đẻ con rất dễ dàng, nhưng vì ăn ở bẩn thỉu, không biết vệ sinh cho nên chúng hay chết non. Từ ngày biết phép chủng đậu, trẻ con cũng có bớt chết”.
Tính cách
“Người An Nam không thiếu người có tài có trí. Họ có tánh giỏi nhớ, tuy chưa thể vào sâu trong mọi sự, chứ được cái học mau biết. Người Pháp đến An Nam mới mười năm nay mà người An Nam học tiếng Pháp cũng đã đủ dùng, nói chuyện thường không đến nỗi ngập ngợ; vả lại viết bằng chữ Pháp cũng được nữa.
Họ không phải là không dũng khí. Nếu cai trị có phương pháp, lấy pháp luật mà chỉnh tề, lấy đạo nghĩa mà cố kết thì sự dũng cảm của người An Nam được việc lắm, sẽ không có người nước nào ở Đông phương này bằng họ được. Nay vì sự cai trị lỗi phương, trên dưới không noi đường chính, cho nên lòng người tàn bạo và khinh bạc thật hết chỗ nói. Coi như giữa chỗ pháp trường, người An Nam đến coi tuy thấy sự thảm khốc trước mắt mà họ vẫn đứng hút thuốc tự nhiên, không hề có vẻ thương xót. Như thế là vô tình quá lắm, chứ có phải dũng gì đâu!
Người An Nam ưa giữ theo tục cũ những mấy trăm năm về trước. Sự ấy đã thành ra thói quen, không sao chữa được. Nhưng có một điều đáng quý là biết kính người trên và giữ pháp luật. Từ khi có giao thiệp với người Pháp, họ dần dần bỏ mất cái tính vâng lời ngoan ngoãn ấy đi mà lại cho mình như thế là khai minh tiến bộ thì thật đáng tiếc. Tuy vậy, những người Pháp ở An Nam lại còn ngang ngạnh quá người bản xứ nữa, người An Nam có thế nào cũng còn là hơn họ. Đối với người Pháp, người An Nam tuy có vâng lời cũng chỉ bề ngoài thôi, chứ thật ra thì ai nấy đều “dạ trước mặt, trỏ cặc sau lưng” vậy”.
“Coi bề ngoài thì người An Nam trong các xứ đều không khác nhau lắm. Nhưng xét kỹ mới thấy tài trí và dũng lực của người Nam Kỳ thật thua xa người Bắc Kỳ. Người Nam Kỳ gặp cảnh nghèo không chịu nổi, mà đến lúc giàu cũng không biết giữ cho bền. Người nước họ hạng trung bình, không giàu mà cũng không nghèo, thì cai trị không khó mấy. Đến những kẻ siêng ăn nhác làm, ham chơi bời quá chẳng may sa sẩy, hễ mất chỗ sinh nhai là hóa ra ăn trộm. Lại có kẻ nhờ thời may làm nên phú quý thì hay khoe khoang kiêu ngạo, làm phách với người dưới mà lờn mặt với người trên. Cho nên người ta hay nói: “Người An Nam không biết xử cảnh nghèo mà cũng không biết xử cảnh giàu”. Tóm lại, những sự ấy đều bởi tại giáo hóa chưa đến nơi.”
Nguyễn Thuật phê rằng: “Nghèo khổ mà đi ăn trộm, giàu sang mà đổ ra kiêu sa, đó chẳng qua trăm ngàn người mới có một hai người như vậy. Không phải hết thảy người An Nam đều thế cả. Cái đó cũng giống như các nước”.
“Người bản xứ hay đổi nghề. Có thể bảo họ là “vô hằng tâm [5]”. Người nào thấy một việc gì trúng ý mình thì nôn nả làm liền, lúc đầu dù có nhọc nhằn mấy cũng ráng chịu. Đến vài tháng hoặc vài năm, đã thấy lộ vẻ biếng trễ rồi, rốt cuộc công việc phải bỏ dở. Khi bỏ rồi, thấy không có nghề làm, lại muốn trở lại nghề cũ. Cái thói ấy, người Pháp muốn trừ đi cho họ, nhưng vì mới đến ở, chưa có thể được.
Phụ nữ An Nam có tài gánh gồng buôn bán ở các nơi phố chợ. Còn chồng họ thì ở nhà uống rượu nói chuyện với bạn bè hàng xóm, ngồi không mà hưởng của vợ làm ra. Cái thói ấy cho đến ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn. Trẻ con mất dạy. Chúng nó cũng có học, nhưng chỉ học qua loa những sách dễ dễ của người Tàu. Người lớn không biết cách chỉ bảo trẻ con. Chúng có lỗi cũng không hay răn phạt. Bởi vậy trẻ con đều hung tánh, đến lúc lớn cha mẹ đối với chúng cũng chịu phép.
Con gái 14 tuổi trở lên, đã cho đi chợ bán hàng, ra chỗ đông người, rộn tai choáng mắt, sinh ra lắm điều tệ, thế mà cha mẹ cũng chẳng cấm ngăn, để muốn làm gì thì làm…
Người An Nam không có ý nỗ lực tấn tới, mà lại còn không biết biện biệt sự lợi hay hại, nên hay hư. Việc buôn bán trong nước, họ đều phó cho người Tàu, không ngó ngàng đến. Người Tàu ở đó hay rủ nhau hùn vốn lập công ty để buôn. Buôn có lời, họ lại chia ra và lập thêm công ty khác. Còn người bản xứ thì sẵn tánh khinh bạc, hay nghi ngờ nhau, chống báng nhau, không lập công ty được; cho nên mối lợi trong nước đành phải để cho người Tàu tóm thâu. Người trong nước ưa lấy sự trá ngụy để lừa dối nhau, không ai tin ai được cả. Rất đỗi bà con quen thuộc cũng không có thể tin cậy nhau được. Đây thử cử ra một sổ vay nợ để làm chứng: Người cho vay đặt ra quy điều để ngừa giữ rất nghiêm nhặt, nhưng thường không khỏi bị gạt. Vì họ cho vay ăn lời nặng quá, có khi số lời gấp đôi số vốn, thì dễ gì mà trả được? Té ra sự gạt nợ cũng tại chủ cho vay tự mình chuốc lấy”.
Dù nội dung sách vẫn còn nhiều điểm cần phải bàn bạc lại, đánh giá lại nhưng Pháp Việt giao binh ký vẫn là một trong những tập tư liệu hữu ích, nhiều hình ảnh thú vị cho các nhà nghiên cứu về quan hệ Pháp Việt và phong tục, văn hóa, địa lý… nước ta vào cuối thế kỷ XIX.
TP.HCM, 10/8/2016
————–
Chú thích:
[1] Về tác phẩm Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã có bài viết Lược tả về sách Vãng sứ Thiên Tân nhật ký của Phạm Thận Duật và Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (71). 2008, trang 110-117.
[2] Khiếu Vân là bút hiệu của Sone Toshitora.
[3] 阮述《往津日記》Nguyễn  Thuật  Vãng  Tân  nhật  ký, Trần  Kinh  Hòa  biên  chú,  Hương Cảng Trung Văn đại học – Trung Quốc văn hóa nghiên cứu sử liệu tùng tan (tập 1), Trung Văn Đại học xuất bản xã, Hương Cảng, 1980, trang 59.
[4] Pháp Việt giao binh ký được học giả Phan Khôi trích dịch (chúng tôi có sửa vài chữ khi trích dẫn) đăng trên tạp chí Sông Hương, Huế, năm 1937.
[5] Vô hằng tâm: Không có lòng bền bỉ, kiên trì.
Nguồn: toasang-ugvf.org
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/02/26/nguoi-viet-nam-tk-19-qua-lang-kinh-mot-su-gia-nhat/#sthash.bAMkaVXW.dpuf


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chỉ "Kiểm điểm nghiêm khắc.." thôi ư?

Những 'di sản' tai tiếng của ông Võ Kim Cự
25/02/2017 - Rời Hà Tĩnh ra Trung ương công tác, ông Võ Kim Cự để lại phía sau nhiều dự án với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang ngắc ngoải.
Thiết bị trị giá gần một nghìn tỷ đồng của Dự án 
thép Vạn Lợi bị bỏ không giữa nắng mưa.
Liên quan trực tiếp đến đại dự án Formosa, cuối năm 2010, khi ông Võ Kim Cự vừa được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh, với ý tưởng đón đầu đưa con em trong tỉnh vào làm việc tại các dự án ở Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó mục đích chính là cho dự án Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Dự án xây dựng Cơ sở đào tạo Cao đẳng nghề Vũng Áng - Hà Tĩnh, do Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa).

Dự án được triển khai xây dựng tại xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh lúc đó, nay thuộc phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh, với diện tích hơn 16ha, quy mô 5.000 học viên/năm. Sau nhiều năm xây dựng, nhìn bề ngoài, cơ sở đào tạo này như một công trình với hàng ngàn người làm việc tại đây.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, thời điểm năm 2013, ông Trần Đắc Hòa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, ngôi trường hoành tráng này chỉ có hơn 100 học viên, trong đó chủ yếu là các em theo học bổ túc văn hóa.


Mục tiêu ban đầu của tỉnh Hà Tĩnh là xây dựng trường để đào tạo con em trong tỉnh trở thành những công nhân kỹ thuật, cung cấp cho dự án Formosa. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, mục tiêu này đã thất bại. “Với trình độ của đội ngũ giáo viên hiện có, có đào tạo các học viên ra cũng không bao giờ các nhà thầu nước ngoài nhận vào làm”, ông Trần Đắc Hòa nói.

Dự án nước đội vốn 2.500 tỷ đồng?

Đây là dự án đầy tai tiếng khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra nhiều dấu hiệu bất thường như kinh phí ban đầu là 1.850 tỷ đồng, nay chưa hoàn thành nhưng vốn bỏ ra đã lên 4.400 tỷ đồng (đội vốn 2.550 tỷ đồng), bao gồm vốn tự có, vốn vay và vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Theo kết luận của TTCP, dự án thể hiện sự “tiền trảm, hậu tấu” nóng vội, chủ quan và duy ý chí. Như việc chủ đầu tư chỉ định thầu cho nhà thầu là cổ đông của chủ đầu tư khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, chỉ định thầu trái luật…

Với mục tiêu cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng mà chủ yếu là dự án của Formosa, dự án này nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự. “Đặc biệt, chủ đầu tư cần tăng cường đôn đốc, giám sát các vị tư vấn, nhà thầu để thi công công trình đảm bảo thời hạn cấp nước cho các nhà đầu tư trong Khu Kinh tế Vũng Áng như đã ký kết”, trích chỉ đạo của ông Võ Kim Cự trong một lần đến làm việc tại dự án.

Oái oăm thay, khi dự án đi vào hoạt động, đối tác số 1 là Formosa lại không “mua hàng”. Tức là không thực hiện cam kết như trước đây khi thực hiện dự án. Hiện chủ đầu tư của dự án như ngồi trên đống lửa vì Formosa không mua nước như cam kết ban đầu.

Dự án thép nghìn tỷ

Năm 2012, Dự án sản xuất thép Vạn Lợi tại Khu Kinh tế Vũng Áng được ngân hàng giải ngân gần ngàn tỷ đồng bỏ hoang đến hiện nay. Theo đó, năm 2008, dự án Nhà máy gang thép có công suất 500 nghìn tấn/năm được khởi công, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, do Cty Cổ phần Gang Thép Hà Tĩnh (Cty GTHT) làm chủ đầu tư (vốn điều lệ 885 tỷ đồng).

Dự kiến, nhà máy đi vào hoạt động năm 2010, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động địa phương. Cty GTHT, gồm 4 cổ đông: Tập đoàn thép Vạn Lợi chiếm 58,4%; Cty Cổ phần đầu tư khoáng sản Hợp Thành 34%, còn lại là của hai cổ đông cá nhân. Tổng thầu thi công dự án là một tập đoàn của Trung Quốc. Phần lớn tiền đầu tư bằng vốn vay ngân hàng.

Chỉ vài tháng sau khi triển khai, Cty GTHT cơ bản đã đưa các hệ thống thiết bị về lắp đặt, xây dựng hệ thống nhà điều hành, nhà trộn… Đột nhiên, từ cuối năm 2009, những cán bộ, công nhân làm việc tại đây bắt đầu được chủ đầu tư thông báo tạm dừng thi công một số hạng mục và bỏ không cho đến hiện nay.

Năm 2013, Cty Sắt Vũ Quang (Cty con của Cty GTHT) bán 4.500 tấn quặng sắt đã qua sơ chế cho một đối tác ở Quảng Ninh. Con tàu chở 4.500 tấn quặng đang làm thủ tục rời cảng Vũng Áng, bỗng dưng Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự ra thông báo yêu cầu các cơ quan chức năng phải bốc dỡ 4.500 tấn quặng trở lại.

Gần nửa tháng con tàu bị giữ nhưng không có bất cứ cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về thủ tục tạm giữ con tàu này. Và con tàu đã rời Cảng Vũng Áng kèm theo biên bản xử phạt hành chính của Cảng vụ Hà Tĩnh vì “chưa làm thủ tục rời cảng”.

Giám đốc Cảng Vụ Hà Tĩnh thời điểm đó là ông Vương Bình Minh nói: “Lấy cơ sở gì mà giữ tàu của người ta. Mọi thủ tục đều đầy đủ hết, việc Cảng vụ Hà Tĩnh không làm thủ tục cho con tàu chở 4.500 tấn quặng rời cảng là vì thông báo của Chủ tịch Võ Kim Cự”.

Tại nhiều cuộc làm việc với liên quan đến vấn đề nợ nần của Cty GTHT, lãnh đạo các ngân hàng cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự vẫn một mực ép các ngân hàng tiếp tục “bơm” tiền vào các dự án này.

Trao đổi với PV thời điểm năm 2013, ông Võ Tá Nam - PGĐ Chi nhánh Hà Tĩnh - Ngân hàng Phát triển VN, chủ nợ lớn nhất của Cty GTHT nói: Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần tổ chức các cuộc họp yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cho Cty GTHT vay tiền nhưng không được chấp thuận”.

(Theo Tiền phong)

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/nhung-di-san-tai-tieng-cua-ong-vo-kim-cu-358345.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhớ Na Sầm


Mấy chục năm tôi không về Na Sầm
Thị trấn nhỏ kề bên dòng sông lạ
nhớ giàn nho, nhớ người em gái nhỏ,
voi đá có còn làm ầm ĩ khúc sông?
Vợ chồng anh mù có còn đó không
chẳng nhớ bằng cách nào họ sống được đời bán kim, buôn chỉ?
ngôi đền cũ Hưng Đạo Vương có một thời vắng vẻ
gần kề hang sâu còn nóng dấu tay người
Cây lim già còn đó hay đạn giặc đã đốn rồi?
Lô cốt cũ, giàn nho bà cụ Ngạn..
Đã một thời in dấu bước chân tôi
những ngày xa quê, xa Hà Nội..
Con dốc nào chạy sâu vào hang núi
đến nhà bạn thơ áo còn đẫm mồ hôi
chiếc bắp rưng rưng mẹ phần sẵn đáy nồi
sao quên được bạn nhường ta tấm áo..
Đường số bốn y như đường độc đạo
chỉ có thẳng ngay, không gian dối bao giờ
vận nước xoay vần bao cơn bão đi qua
Sông vẫn chảy, núi vẫn bền núi đá
Chỉ có tôi chút nữa thành xa lạ
lận đận công danh có lúc quên Na Sầm
bạn bầu một thời sao nhãng chuyện hỏi thăm
tôi đánh mất một phần mình nơi phố nhỏ..
Thưa vắng rồi bạn bè thời cơ khổ
Em gái lấy chồng, bạn cũ về quê
chỉ còn mãi núi sông
là mãi đợi tôi về!

Phần nhận xét hiển thị trên trang