Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Khi đá biết nói -- truyện ngắn "Thạch tinh trong ruột một người" của Nguyễn Tuân




Dưới đây là một truyện ngắn thuộc dạng yêu ngôn (yêu= ma, quái) của Nguyễn Tuân, thiên truyện lạ lùng bậc nhất mà lại chưa hề xuất hiện trong một tuyển tập nào của tác giả mấy chục năm nay.
  Sở dĩ người sưu tầm tha thiết muốn nhiều bạn đọc cùng đọc lại truyện ngắn in ra lần đầu  1943 này vì hai lẽ.
Thứ nhất nó có những đoạn cực tả về tình trạng thụ bệnh của một con người.     Xã hội ta hiện nay đầy rẫy những người bệnh tật, bệnh nổi có bệnh chìm có; và tổng quát lại có thể coi là một xã hội trong thời hậu chiến bệnh tật.   Chắc hẳn là sau những trạng thái bệnh bình thường, còn có biết bao nhiêu thứ bệnh kỳ lạ mà chỉ thời hiện đại mới có.
 Trước khi bàn chuyện kê đơn chữa chạy, đang cần những người biết miêu tả biết nói ra cho mọi người rõ về bệnh để cùng biết, cùng ngấm, cùng sợ.
   Hơn nữa, chữ bệnh theo nghĩa đen thường cũng tương ứng với một tình trạng bệnh tật về tinh thần,– chữ bệnh theo nghĩa bóng.
   Thứ hai truyện nói về sự báo oán báo thù cũng là cái thứ rất nặng nợ trong mối quan hệ giữa người với người thời nay.    Trong truyện ngắn dưới đây, báo oán  là sự trừng phạt kỳ cục với những kẻ lừa dối dẫn đến cái chết của mấy người đàn bà trẻ tuổi.
Ngày nay đang nẩy sinh những tội ác trên quy mô lớn, động chạm đến số phận tài sản nhân cách hàng vạn hàng triệu người.   Bất lực trước tình trạng công lý không có trên trần thế , hẳn các nạn nhân  có lúc sẽ nghĩ tới việc cầu cứu tới những thế lực siêu nhiên.
    Người ta cùng mong đợi một sự báo oán ghê rợn tột cùng sẽ xẩy ra với bọn ác.
     Niềm tin vào cái  thế lực  mơ hồ huyền bí ấy hình như rất sâu sắc nơi Nguyễn Tuân. Nó buộc ông ở cuối truyện, mượn lời một nhân vật , phải công khai đứng ra khuyên mọi người qua các tình tiết éo le để “tìm lấy một ý niệm trong đời sống đạo đức”.  
Tác giả thường bị mọi người coi là một ngòi bút ngang ngược, phá cách, duy mỹ, bất chấp cả những lẽ phải thông thường.
Ở đây, khi  tự nguyện đóng vai giáo huấn, ông có dịp thể hiện một sự “phá cách ngược” nghiêm trang hiếm thấy.
      Chính nó là cái dư vị kéo dài  khiến tôi tin là thiên truyện đáng được đông đảo chúng ta đọc đi đọc lại và liên hệ với tình hình thời sự.

GHI CHÚ VỀ VĂN BẢN       Sinh thời Nguyễn Tuân, các truyệnYêu ngôn đã viết chỉ mới kịp đăng báo chứ chưa được ráp thành tập. Dựa trên ý đồ và tài liệu sẵn có của tác giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã tìm cách dựng lại Yêu ngôn rồi khai sinh cho nó thành một tập sách riêng.  Sách Yêu ngôn in ra lần đầu ở nhà xuất bản Hội Nhà văn 1999. 
     Chúng ta có dịp đọc lại ở đây Đới roi, Rượu bệnh, Xác ngọc lam, Loạn âm, Lửa nến trong tranh, ngoài ra còn có Khoa thi cuối cùng và Trên đỉnh non Tản (lấy từ Vang bóng một thời ),Tâm sự của nước độc (lấy từ Chùa đàn).   
Song theo chúng tôi tìm hiểu, Yêu ngôn của Nguyễn Tuân không chỉ có vậy.    
Thiên truyện  dưới  đây in ra lần đầu ở một tập sách mang tênThơ văn mùa xuân ( 1943 ), vốn là một thứ sách tập hợp sáng tác của nhiều người khác nhau. 
Điều đáng chú ý là trong truyện này, tác giả đã ghi chú là sẽ cho in Tổ tôm người và ở cuối truyện thì có ghi rõ là rút ở tập Yêu ngôn. 
Tiếp đó, tới đầu 1945, trên tạp chí Thanh Nghị số đặc biệt ( 100,101.102,103,104) , còn thấy NXB Tân Việt quảng cáo rằng đã in của Nguyễn Tuân một tập ký mang tên Xe đào ( ghi rõ bản thường mỗi cuốn 7 đồng ) và sẽ cho in Cậu lãnh một.  
Xe đào nói ở đây tức là xe điều, một quân trong cỗ tam cúc; còn lối gọi nhân vật là “cậu lãnh một” cũng xui người ta liên tưởng tới cách gọi nhân vật trong Chùa đàn.  
Lại một lần nữa chúng ta thấy sự liên tục của những mô típ và chất liệu.    
Bởi vậy mặc dù chưa tìm thấy các cuốn sách trên trong các thư viện (  hơn nữa  Cậu lãnh một có thể là mới rao thế thôi, nhưng tác giả chưa cho in, thậm chí chưa viết ), chúng tôi vẫn muốn tin rằng có cả một mạch tư duy “kiểu yêu ngôn“ mà vào khoảng 1942 – 1945, Nguyễn Tuân đã theo đuổi.  
   Có khả năng cả loạt tác phẩm đã được thai nghén, và dù chỉ một số đã xuất xưởng, số ấy cũng nhiều hơn những truyện trong tập Yêu ngôn chúng ta đang có.    
Thiên truyện Thạch tinh trong ruột một người, [ tinh chứ không phải tín]  in đúng như văn bản đã tìm thấy, kể cả cách viết hoa trong một số trường hợp ; chỉ riêng cách viết một số từ, chúng tôi sửa theo quy định chính tả hiện nay. Chú giải đầu tiên của tác giả đánh dấu hoa thị, các chú giải sau đều là của người sưu tầm. 


THẠCH TINH TRONG RUỘT MỘT NGƯỜI


“…đến lúc nào mà đá lại biết nói nữa,  thì chúng bay sẽ chết hết"
Kinh Sám Hối

Từ cái chuyến đi chơi hội Đèn mùa Xuân năm ấy và đánh Tổ Tôm Người (*) ở làng Nguyệt Tường về , là cậu Bảy đau nặng. Bệnh lạ quá. Động ăn chút gì vào là thổ ra hết. Thuốc, đến chén này là chén thứ bốn mươi hai — tính đến cụ lang xóm Bình Xa này là ông danh y thứ mười một –, không chén thuốc nào chịu đi qua cổ họng cậu Bảy.
Mặc dầu con bệnh cố nuốt nước thuốc mà thuốc không chịu xuống.  
Hễ uống ngụm nào là lại trả ra ngay.
Nền gạch lá nem dưới giường kia, từ ngày cậu Bảy nằm liệt đó, đã mất cái màu hồng tái cố hữu của nó. Những nước thuốc thổ ra đây đã sơn lên một màu cánh gián dày cộm, mỗi khi gặp kỳ hanh nó lại nứt rộp ra từng tảng cạnh uốn cong. Gặp gió nồm, những tảng sơn đó lại nhũn sũng ra, lênh láng sánh đặc.
   Trông cứ như là thuốc phiện tốt, chan hoà mà không trôi chẩy đi đâu cả.
Đến thế này thì con bệnh đã phụ thày và phụ thuốc nhiều quá.
Nước thuốc của đơn nào, cậu Bảy liền giả ngay cho thày đó, không hợp với ai cả.
Trong khi nằm chờ sự lành vững cũ trở về với thể xác, ở các lỗ chân lông con bệnh vẫn tiết ra một thứ mồ hôi đỏ như máu, mỗi ngày thay đều mấy lượt quần áo mà người vẫn cứ đỏ đẫm ra như máu.       Máu ấy khô cứng lại, dính bám vào da thịt, mỗi lần con bệnh bị dựng dậy để thay mặc, sự đau khổ thực không biết thế nào mà nói cho hết được.
Đũng và cạp quần, đường hồ lá sen áo cánh dính bết vào đã đành. Lại đến cả đường bâu áo dài cũng phải khéo tay gỡ lắm thì mới tránh được sự nhăn nhó rên la cho con bệnh.
Nhục hình đó, sớm chiều ngày nào cũng diễn lại.  
Vào những buổi thay áo và tắm khan cho cậu Bảy, thân quyến đều lánh đi hết. Chỉ có một người đầy tớ già làm việc bên giường.  
Cậu Bảy lo khổ về bệnh thì có một phần và đau xót về nỗi nhục nhã này thì có đến muôn nghìn.
Không rõ có phải đây là một chứng nan y hay không, nhưng con bệnh tưởng phụ ngay được đời sống bằng một việc quyên sinh còn hơn là kéo dài ngày chờ khỏi với cái cảnh tượng một phế nhân tanh tởm xấu xí này.
Hỡi ôi, trông cậu bây giờ, ai dám nghĩ rằng con người ấy, trước đây, đã từng bao nhiêu lần mặc áo gấm lam có vảy bạc và cưỡi một con ngựa màu phấn đạm. Cậu Bảy tuy là người của thế kỷ này, nhưng nhất định không dùng ô-tô, mặc dầu cậu thừa sức sắm được – mỗi lần ngừng nhạc (1) ở cổng vườn nhà nào để hỏi thăm tiểu chủ nhân xem đêm trước hoa rụng nhiều hay ít, thì miệng nói ra toàn là thơ và nhời của câu đối cả!
Con người phong lưu mã thượng ấy, giờ trông đáng kinh tởm lắm.
Ngày nào cũng vậy, ở các lỗ chân lông, thay cho mồ hôi của một thứ bệnh thoát dương,chưa có tên chua trong y khoa xứ này thời này, máu cứ đều đều rỉ tuôn ra tưởng như không bao giờ cái chất quý ấy ở một người lại có thể cạn kiệt được. Gian buồng bệnh, tanh hơn lòng thuyền của người đi bể đánh cá dài hạn.  
Cho người lạ chợt vào đây, cái cử chỉ đầu tiên của người ấy là cứng chân kìm đà bước, ưỡn ngửa người ra sau để đưa tay lên cố mà băn khoăn với một cơn mửa lộn hộc.  
Và nhìn người nằm đờ trên giường bệnh áo quần tẩm ướt đỏ ngòm và dưới gầm bóng loáng nước thuốc nâu cô sánh lại, người ta nghĩ đến một vụ án mạng — tử thi nằm chờ quan huyện đến khám nghiệm, đối chiếu xác với phép sách Tẩy Oan.
Thân quyến cũng héo dần trong sự ngậm ngùi.
Hết lễ bái ở đền này phủ nọ, hết bói toán tướng số thì lại ngờ đến mồ mả gia tiên xem có ai phạm tới không.
Ông thầy địa lý cũng không hơn gì được ông thầy bói và ông thầy thuốc.
Cô Chín — em ruột cậu Bảy — vốn biết anh mình không phải là một người thẳng thắn, trong tâm tính những lúc ra ngoài, ngờ anh đã dính vào một việc tình cảm ở chỗ đầu sông ngọn nguồn xứ Mường, đã chót chỉ non thề bể với con nhà lang đạo nào ở thượng du để đến nỗi người ta phải hờn giận mà chài ốm chăng.
Bèn nói với mẹ nên đem vàng nhang lên dò hỏi ở những chỗ rừng xanh núi đỏ.  
Cũng vô hiệu. Cũng vẫn không chỉ được cái thứ mồ hôi đó ngày ngày tuôn rỉ ra khắp mình Cậu Bảy.    Ấy là sự thuốc thang chạy chữa.  
Còn như việc cơm cháo hằng ngày thì con bệnh chỉ chịu uống có nước đậu xanh xanh lòng; còn bất cứ cái gì khác là cũng đều trả ra hết.  
Người, ăn uống như thế, gì mà chẳng teo ngót mãi đi. Tứ chi như bốn thân que, khắp mình đường gân xanh nổi lên rõ; ổ mắt trũng xuống, xương lồng ngực đội mãi lên; cuống họng thắt lại, tiếng nói bé dần, nói ra không ai nghe thấy gì nữa; rồi đến thính giác lại càng hỏng quá; không nghe thấy một tiếng động gì của ngoại cảnh lọt được vào và riêng trong đầu mình thì suốt ngày đêm cứ thấy có cái gì nó kêu gào ngay ở đấy  —  lắm lúc nghe sợ quá, con bệnh lại rú lên, vật vã giẫy giụa, trông thương thảm vô cùng.
Một hôm, theo lệ thường vào thay quần áo lần thứ nhất mỗi ngày cho Cậu Bảy, người nghĩa bộc có tuổi bỗng kêu to lên, làm kinh động cả một gia đình ít lâu nay chỉ còn sống trong âm thầm.
Y gọi cả nhà lại giường bệnh mà xem.
Người nằm đây không đỏ đẫm như mọi ngày nữa và giờ lại trắng bệch. Thì ra, không hiểu vì phép sinh lý gì, máu đỏ trong người con bệnh đã hết từ đêm trước và, tuôn ra các lỗ chân lông, giờ chỉ toàn là một thứ máu trắng.
 Lấy tờ giấy bản để lên mình con bệnh một lúc lâu cho nó thấm hút lấy ít máu trắng, người lão bộc thè lưỡi nếm vào mảnh giấy ướt, thấy nó nhạt như vị nước lã, bèn khóc oà lên với một câu: “Thế này thì cậu con chẳng còn sống được mấy chốc nữa đâu. Cả nhà lo liệu đi thì vừa thôi.”
Từ buổi nếm phải một thứ máu không có chất tanh, mặn và thay những quần áo không còn màu đỏ máu như trước nữa, người đầy tớ già xác tín rằng mình đang liệm sống cho một người lả dần về cõi khác.
Cuối tháng đó, nguời chú Cậu Bảy lật đật về đến nhà, sau khi nhận được gia thư do Cô Chín gởi đi. Ông tức tốc vào buồng bệnh, đem thẳng ngay cát bụi của đường xa vào gian phòng sâm tịch (2), muốn giáp mặt ngay đứa cháu để hỏi chuyện.  
Đã từ lâu, Cậu Bảy vốn không nghe được tiếng gì và không nói được ra tiếng, chú cháu phải lấy giấy mực ra để bút đàm. Tờ giáp (3) cuộc hội đàm thân mật bằng bút này, xem lại y như những lời hỏi cung và những lời thú tội. Gọn rõ và cảm động.
Chú hỏi: “- Tháng giêng mùa vừa rồi, mày cho ngựa ngày ăn cỏ ở vùng nào?”
Cậu Bảy, cố thu hết thân lực vào đôi mắt, nhìn ông chú không chớp cố tỏ cho chú biết rằng mình không có điều gì phải minh (4) cùng ai hết.  
Biết đứa cháu có tính gàn bướng, ông chú bèn đấu dịu. Bèn viết lại: “Thầy cháu mất đi rồi, lớn nhất trong chi họ nhà ta, chỉ còn có chú. Vì sự mưu sinh, chú phải đi xa luôn. Chú không ở luôn ở nhà được để góp thêm tâm ý vào việc phục hưng gia tộc, thật là một điều lỗi đối với các cháu hàng dưới. Nay nhận được thư của em Chín cháu, kể rõ sự tai biến, chú vội về thăm cháu và cần nhất là hỏi cháu mấy điều, trước khi cháu chết — chú chẳng cần phải giấu mà không dám nói ngay cho cháu biết rằng sự sống của cháu bây giờ cũng chỉ là việc của khoảnh khắc đây thôi; có kéo dài lắm thì cháu cũng chỉ đậu được đến ngày thu phân tháng sau thôi”.
Đến đây, ông chú chừng cũng bùi ngùi thay cho đứa cháu bạc mệnh, ngừng viết, nhìn Cậu Bảy.
Mặt Cậu Bảy rớm lệ.
Ông chú viết tiếp:
– Tháng giêng vừa rồi, cháu chơi ở làng Nguyệt Sương?
– Vâng. Chơi Tổ Tôm Người.
– Đúng rồi. Chẳng lúc về đây, tiện đường, chú rẽ vào làng Nguyệt Sương thăm ông Chánh Ba và được nghe một câu chuyện tự ải (5). Người con gái quan Lãnh Tín gieo mình xuống đầm. Rồi ông Chánh Ba lại kể cho chú nghe về phong tư diện mạo một người khách phương xa đến chơi Tổ Tôm Người, khăng khít với một con Thang Thang. Cứ những dáng điệu người và lời thơ hạ chữ đối và gieo tử vận (6), do ông Chánh Ba thuật lại, thì chú đoán ngay ông khách phương xa ấy lại là cháu chú rồi. Thế còn cái con Thang Thang ấy? Ai sắm Thang Thang trong hội bài người?
– Bẩm chú, chính là con gái quan Lãnh.
Ông chú lịm người đi, tay rời hẳn bút ra. Thế này thì ông hiểu rồi. Chợt trong có một phút của trực giác, ông nhận thấy ngay liên can giữa bệnh người cháu và cái chết đuối của người con gái kia.
Ông gặng hỏi: “Vậy chớ mày thề thốt những gì với con gái ông Lãnh Tín?”.  
Cậu Bảy không trả lời, khẽ thở dài.
Ông đổi câu chuyện:  
– Giờ tao hỏi về bệnh mày. Thế trong người mày bây giờ nó như thế nào? Kể rõ cho chú nghe.
– Kể lại cũng vô ích. Thuốc thầy nào chữa nổi. Cháu chỉ còn chờ có chết để tạ lỗi cùng con bài Thang Thang. Việc cô con gái quan Lãnh tự vẫn, cháu được biết từ trước khi chú nói. Chỉ có lửa vạc dầu sôi của một thế giới khác là mới tẩy hết được căn bệnh của cháu. Lửa của cuộc đời này, không đủ nóng để diệt những trùng trong mình cháu. Thôi, ngày giờ của cháu đang bị tính đếm từng li từng phút, chú để cho cháu được yên tĩnh mà nghĩ tới một hậu kiếp của cháu ở ngoài thế giới này.
– Làm ích được cho đời sống này chút nào, ta vẫn cứ phải gắng, gắng cho tới phút cuối. Bệnh của cháu, tự cổ lai đến giờ, chưa có một y gia cổ kim Đông Tây nào nói đến. Y học Thái Tây thì lại càng không có bàn đến nữa. Nó là ở ngoài khu vực y khoa hiện đại. Cháu cứ kể rõ chú nghe. Chú ghi lại để rồi sau sẽ thuật chép ra để chất chính (7) cùng những bậc Biển Thước của năm cõi lục địa. Đã hay rằng việc này là một việc quả báo, một việc âm oán. Nhưng biết đâu đấy? Cháu cứ kể rõ. Cháu gây nên tội ác, cháu đau khổ nhục nhã đến như thế, tưởng cũng là đủ cho linh hồn cháu siêu thoát rồi. Đời cháu, vào quãng cuối, thế mà lại còn hơn cả những cuộc đời kẻ khác trọn đời không làm một điều thiện nào và cũng chẳng làm một điều ác nào. Cháu cứ bình tĩnh mà kể lại chứng bệnh cháu, may ra có bổ ích gì cho người đồng thời không?
Tay run run, Cậu Bảy cầm bút.  
Những dòng chữ chằng vào nhau và chữ nọ dính bắt qua chữ khác như chữ phép lá bùa trừ tà.
Chữ ít, không có linh khiếu, thiếu cả kiến lẫn thức (8), và lại không bác văn quảng học thì có người lại sẽ tưởng đây là một câu thai (9) của sứ Tầu gởi đố và ai giảng được thì sẽ nhất đán (10 ) được làm Trạng – theo đúng vào một lời tiên tri của Tả Ao bắt hòn đất nhà mình phải phát vào ngày giờ ấy đây.

Cậu Bảy kể rằng: 
    “Tính về thời kỳ thụ bệnh kể từ hôm người cháu tiết ra một thứ máu trắng cho đến về trước, cháu không biết gì cả. Thân xác cháu ở ngoài Thời Gian và Không Gian. Những chuyện mồ hôi đỏ như máu tuôn rỉ khắp mình cháu là sau này người lão bộc kể lại thì cháu mới rõ đấy thôi. Rồi mới biết kinh sợ và cháu thừa biết là cháu hỏng mất rồi, là đời cháu hết rồi.   
“Máu đỏ chảy cạn hết, thì tiếp ngay đến việc cháu điếc và cháu câm. Ngày lại ngày, cháu nhìn lớp máu trắng tuôn đầy trên mình cháu thay cho lớp máu đỏ trước, tịnh không nghe được ai nói vào một câu nào và cũng tịnh không nói ra với ai một lời nào.   
“Đầu cháu rức nặng như bị đánh đai sắt vào. Ngủ được tí nào thì thôi, chứ hễ thức giấc dậy là như có người la ó trong đó. Tiếng kêu trong đầu rất là phồn tạp hỗn loạn. Có khi như gió ngàn đuổi mãnh thú. Có khi như bẻ bão rượt sóng bờ. Có khi vang dậy như hầm thuốc súng nhỡ bén chạm phải lửa ngoài. Có khi lại xa vắng u tịch như vọng hưởng của đàn chiêu hồn bên sông không có đò chở. 
     Ở trong đầu thì vang dậy kinh động như vậy mà nhìn ra quanh mình để lắng lấy tiếng một cái gì quen thuộc của hằng ngày nó có thể làm bạn với mình và nhắc cho mình nhớ rằng mình vẫn là người của cuộc đời này, thì cháu chỉ thấy có im lặng. 
     Những bóng người qua lại của cả nhà này đều câm cả.
        Những hình ảnh đó cử động và mấp máy môi như người trong trò phim câm.  
“Mất đến ba tuần khổ loạn như thế ở trong đầu. Được đúng một ngày một đêm, trong đầu cháu tắt hẳn tiếng kêu. Nhưng đến ngày sau thì trong người cháu lại có một việc biến rất mới lạ. Là ở trong bụng, lại có tiếng người rì rầm lào xào.  
     Hình như đấy là một cuộc nói chuyện tay đôi của hai con người. Không rõ họ là già hay trẻ, đàn ông hay là đàn bà. Vì cái tiếng nói của họ là một thứ âm thanh không có tuổi không phân ra giống cái giống đực. 
     Họ nói tuy bé nhưng rồi sau cháu cũng nghe được.   
Có lẽ vì cháu đã thành một người điếc đối với tất cả biểu diễn của cuộc đời bên ngoài bằng tiếng động, có lẽ vì thính giác của cháu chỉ còn có thu dồn vào để mình lại lắng cái tiếng của cuộc đời bên trong thôi, có lẽ vì thế mà cháu đã nghe nổi những cuộc đối thoại của họ trong bụng cháu chăng?
   Buổi sớm họ cười đùa, buổi trưa họ hờn giận, buổi chiều họ cãi nhau xỉ vả nhau để lúc khuya khoắt thì lại làm lành và cợt nũng nhau. 
     Không rõ họ có ngủ phút nào trong người cháu không, chứ hễ cháu thức lúc nào là nghe thấy họ kể lể than vãn khúc khích lúc ấy.   
     “Một buổi nặng bụng buồn tay quá, cháu có đem việc này kể ra giấy cùng tên nghĩa bộc vẫn luôn luôn có mặt ở bên giường cháu. Ngay chiều ấy, cháu nghe thấy một cuộc than khóc vật vã của họ, tiếng thê thảm đưa từ dưới lên trên đầu, rung mạnh các thớ màng óc. Cháu nghe rõ mồn một. Câu của người thứ nhất:
” -Này, nó định trục hai đứa ta ra khỏi lòng nó đấy.   
” Câu của người sau:  
” – Sao biết? Và nó định dùng thuật pháp gì? Lòng nó là quê của ta rồi. Một vào nổi là ở mãi, trăm ngàn năm cũng không ra nữa. Chỉ có nó chết, là ta mới chịu rời đi đâu thôi. Chúng ta mà vào ngồi vững được ở đáy lòng nó thì càng là việc Giời. Giời đã bảo ta vào thì rồi cũng chỉ có Giời là bắt ta ra được thôi. Chứ thứ nó thì làm gì nổi. 
“Đến đây, hai người lại hạ thấp giọng xuống.  
” – Tao nghe thấy người nhà nó đang định cho nó ăn thịt chó để đánh bật chúng ta ra ngoài. Người nhà nó, chắc đoán ra hai đứa ta là ai rồi. Vậy chớ mày có sợ mùi thịt chó không? 
” – Nếu thế này, thì cơ nguy đã đến nơi rồi. Ra ngoài, lạnh và lạ lắm. Mà rồi ăn vào đâu, ở vào đâu.   ” – Vậy mày sợ? Tao thì yên trí lắm. Nó muốn làm gì thì làm. Tao vững lắm. Không ra. 
” – Người có chất dương như anh, không sợ đã đành. Nhưng tôi thuộc về chất âm, nghe cái tin này, rất lấy làm buồn sợ. Chúng ta sẽ phải chia rời từ đây. Ra rồi thì khó mà vào lắm. Những lúc tưởng nhớ đến nhau, tôi ở ngoài sẽ thông tin với người ở trong bằng cách nào? Chẳng nhẽ biệt nhau lại có nghĩa là mất hẳn?  
“Đến lúc này, cháu mới rõ rằng trong lòng cháu, có cả một người đàn ông và một người đàn bà và họ đang xây dựng một cái gì trong người cháu.       Cháu lấy làm nghĩ nhiều. Cháu liền cho gọi lão bộc vào hỏi. Y cũng nói lại rằng ở nhà ngờ bệnh cháu thuộc về âm loạn và có người mách cho rằng muốn trừ tà khí thì không gì bằng thịt loài cầy và sắp nấu cầy cho cháu ăn.      Cháu cười và bảo lão bộc nên thôi việc ấy đi. Cháu nghĩ rằng đằng nào thì cháu cũng tận số đến nơi rồi. Có trừ khử được những quái vật ấy ra khỏi lòng dạ mình thì cuộc đời của cháu ở cõi đời này cũng vẫn cứ phải tắt hết như thường.    
Trước, lúc còn lành mạnh, đã gây nên điều lỗi với đàn bà; giờ, người đã bạc nhược hao mòn đến thế này thì còn nên gây oán luỵ làm gì với một người đàn bà khác – mặc dầu người đó là thuộc về giống yêu, giống quái đang mượn cái lòng bị hình phạt của mình để làm một nơi chung họp với một con quái khác.  
Không phải là cháu nghĩ đến sự báo thù của giống yêu quái này mà cháu sợ đâu. Điều oán của cháu gây nên ở đời thực tại này, cháu tin rằng cháu đã trang trả xong bằng cái chết mòn này rồi.  
Nhưng cái tương lai của cháu là ở ngoài đời thực tại này kia.  
Công việc kiến thiết của cháu lại phải ở ngoài thế giới này.  
Chết trong bây giờ ở đây, để mai kia cháu sẽ gặp lại con gái quan Lãnh ở chỗ khác để lập lại với nàng một cuộc sống khác công bằng hơn và đẹp hơn. 
“Bây giờ cháu nhờ chú một việc này. Là chú sẽ cho táng cháu ở mé gò Bạch Ảnh, ở bờ phía đông đầm làng Nguyệt-Sương, gần ngay chỗ con quan Lãnh gieo mình. Các bề trên trong gia tộc có gì phản đối về việc chôn cất này, chú thề với cháu là phải làm theo ý nguyện của cháu. 
Thôi, lạy chú, chú ra đi. Và cho đào huyệt sẵn đi thì vừa. Cái chết đã dâng lên đến nửa phần người cháu rồi.”*    

Lúc Cậu Bảy vừa thở hơi cuối cùng, quạ ở tám phương trời rủ nhau bay đến sao mà nhanh và nhiều đến thế. Những cây và các luỹ tre các làng phụ cận bỗng hoá ra màu đen cả.   Ở những cây đen ngòm ấy, loài ác điểu ngày đêm kêu không ngớt tiếng.  Trông thi hài Cậu Bảy, người thương tiếc thì ít mà sợ tởm thì rất đông.   Trời là một đấng biết tha thứ, biết xoá bỏ, đối với một người đã biết hối lỗi là gì rồi, sao Trời lại còn bày thêm ra một việc thảm mục (11) đến thế nữa. Cái thây Cậu Bảy ở giữa giường thực không còn hình nữa. Ra từ lúc còn sống, xương Cậu Bảy đã rũa mòn dần mà không ai để ý tới.  
Thành thử cỗ quan làm cho người chết hoá ra to rộng quá. Bỏ bao nhiêu cỗ tổ tôm, bao nhiêu cuốn lịch, bao nhiêu giấy bản, bao nhiêu trà phát du (12) vào đấy cho vừa. Nói cho đúng ra, thì phải đến năm cỗ thi hài Cậu Bảy nữa thì mới chắc kín lòng săng.
Người ta lại phải thửa áo quan khác. Nó lại chỉ bé bằng thân hình cái tiểu sành có viền đường gấm hoa chanh. Thành ra lúc đám khởi hành, việc hung táng mà người không rõ chuyện lại tưởng là cát táng (13).
     Lúc hạ huyệt, quạ trên một giời cao, một loạt chà xuống mép bờ đầm bâu cứ đen đặc lại. Đứng xa trông, bờ đầm Nguyệt Sương như có người viền một vành khăn đen tròn không nhoè lép lấy một nét.
Việc tang ma chôn cất người cháu quá mấy tuần cơm cúng rồi, bấy giờ ông chú mới ngồi ở buồng sách tại mái tây biệt thự đã được xông hương trầm mà giở cuốn Gia huấn trong họ nhà ra ghi vào đấy những dòng dưới đây:
  ” Đây là những lời quý báu ta để lại cho lũ con chính thống của ta và cho lũ cháu trong họ nhà. Tụi bay, đứa lớn rồi thì phải đọc lấy mà làm trọng và đe mình từ ngay phút này; còn đứa nhỏ thì noi các đàn anh mà gắng hiểu ngay để sớm biết mà e sợ.
  “Việc Cậu Bảy bị chết trong cảnh nghịch biến thương thảm – ta đã có thuật rõ kèm vào đây, ở chương Cố sự nơi cuối tập Gia huấn này – là một điều cảnh cáo của ý Trời. Ta vốn nặng lòng với những điều thuộc về đạo đức thường, ta rất lấy làm đau xót cho danh dự gia tộc đã bị Cậu Bảy làm tì ố. Người chết đã biết sám hối. Ta cũng đã biết tha thứ. Nhưng còn ta còn sống, còn lũ bay còn sống đó!
“Nhân việc tai biến vừa xảy đến trong họ, ta lại nhớ đến một việc cũ.
“Trước đây, ta đã nhiều phen lên rừng xuống biển để tìm chân nhân.     Một chuyến đò đi bể, còn độ phần tư đường, thì ghé được tới đảo có người bên ta bị bọn giặc bể Tầu Ô bắt.     Ta được thoát chết vì cái đức bình thản của ta trước sự rộ nạt của giáo mác lũ giặc. Đứa đầu đảng bèn đãi ta vào bực khách, lúc ăn ngủ ra vào đều lấy các thứ lễ tiết đối với cao sĩ ra mà dùng. Ngoài những lúc chúng phải bóc lột thuyền buôn để duy trì cuộc sống của chúng trên mặt nước cả, đầu đảng bọn cướp thường vời ta tới bàn để hỏi về thiên văn, địa lý và nhân luân.
Hắn biết rằng hắn hỏi ta chẳng phải để mà theo; ta biết rằng ta có nói ra, cũng chẳng phải là để cho hắn nghe.    Nhưng đã đãi nhau là đám có chữ, lấy chữ ra mà nói chuyện thì hỏi đến đâu ta đều trả lời rất thành thực và hắn cũng lấy lễ độ cất những câu ta viết ra.  
Từ đấy, hắn đãi ta vào bực thượng khách.
Một buổi thuyền Tầu Ô vào vịnh Hạ Long, ghé đảo Cát Bà. Đổ bộ, hắn đưa ta vào hầm đựng của, ở trong một hang núi cách bờ độ lụi hết hai nén hương. Ta vào, chân tay bị vướng bởi vàng lụa, ngà voi, sừng tê, quế chính sơn, mật ong, sa nhân và nhiều thứ nữa.
Hắn hỏi ta muốn gì và cười, tay giơ thẳng vào đống của cướp.
Ta cũng cười, hai tay giơ lên giời, nghĩa là đụng vào trần hang.
Ta để ý xem xét thấy bị mắc kẹt vào bọn châu báu phi nghĩa kia là một cuốn sách đã gần mục. Giở ra xem thì đấy là một tập lữ ký của Trần Dĩ Luyện – một hàng nhân trong một đoàn tuế cống sứ (14) qua Trung-Quốc, về đời Thiệu-Trị — nói về những điều tai nghe mắt thấy, bên cạnh con đường đi sứ ở Tàu (Ta vốn có khiếu riêng để nhớ những dã sử của nước nhà).
Ta không đủ thời giờ để hỏi tên cướp xem hắn bắt được sách này ở trường hợp nào. Ta chỉ kịp bảo hắn rằng vàng bạc của hắn định cho ta, ta không lấy gì làm thú bằng việc xin hắn cuốn sách ấy.       Hắn thuận và cố giữ ta ở lại.
     Ta nhất định bỏ hắn và thoái thác là nhớ quê cũ lắm. Sau hắn phải chịu, cho ta xuống thuyền nhỏ nhìn ta xuôi về Hải Ninh (15) với một cuốn sách cũ.
     “Sách đó, Cậu Bảy, vì thiếu tiền đi chơi đã bán cho một người nước Hiệp Chủng du lịch qua xứ mình.
     Ta tiếc giận vô cùng. (Nếu tụi bay mà tiền và lực có dư và lại muốn nhìn thấy sách đó, ta dám cam đoan với lũ bay rằng sẽ thấy sách đó ở tủ kính một viện bảo tàng Mỹ nào, chứ không sai).
Sách mất, nhưng trí nhớ của ta thì mất sao được. Ta đọc sách đến đâu, chữ cứ như chôn vào ruột. Vì thế mà ta mới nhớ nổi chuyện lạ của quan Hàn Lâm Trần Dĩ Luyện chép được ở dọc đường đi sứ, để kể nữa – không sai lấy một chữ một lời — cho tụi bay nghe lại:
“Đất Giang-Tô, nhiều người đưa lụa trắng ra cho đoàn sứ nước ta đề thi. Thi (16) hay và chữ đẹp quá, họ đều lấy làm cảm kích.
Một nhà kia thanh bạch, không biết lấy gì tạ lại người đi qua chỉ có một thuở, bèn đem luôn một cái thảm sử trong gia tộc ra mà kể, tưởng làm như thế cũng là đáp được cái duyên tri ngộ trong muôn một.  
 Tổ họ ấy ở đất ấy – tên người và tên đất, ngài Phó Công Sứ Nguyễn Đại Nhân có ghi rõ –, vốn là người có tài và có duyên, lúc ra ngoài, quanh năm chỉ đi chơi, chẳng mấy khi phải ăn bữa nào ở nhà.     Những lúc ra ngoài, lại hay thề thốt với rất nhiều giai nhân bên đường.
   Cơm thiên hạ hay có nhiều sạn sỏi, ăn nhiều vào, sỏi sạn ấy tích lữy và đúc lại thành những hòn cuội trong dạ dầy. Ruột ông tổ nhà họ ấy đã có cuội.
   Kế đến một lần, ông tổ nhà họ ấy dám thề nhảm với một nguời đàn bà và rủi lại gặp giờ thiêng, sau khi uống láo những giọt nước mắt của người đàn bà vào ruột, những hòn cuội cũ kia bèn hoá thành thạch tinh (17).
Những thạch tinh ấy biết nói chuyện và biết làm hại người sống. Nó phá từ trong lòng người ta mà phá ra. Phá hại lúc còn sống chưa đủ, nó lại còn theo rồi đến lúc xuống huyệt nữa kia.
Vì thế mà thi hài tổ họ ấy đã mai táng xong xuôi tưởng yên ấm, bỗng một đêm về sáu tháng sau, nó bật lên như có kẻ cắm cốt mìn vào mà bắn.
“Có lẽ hai con nguời biết nói chuyện trong ruột Cậu Bảy là giống thạch tinh đó.  Đời Cậu Bảy, tung tích bôn tẩu hồng trần, chắc trong bụng không thiếu gì sỏi sạn của cơm thiên hạ. Và nước mắt thiêng Cậu Bảy uống liều vào trong cơn trí trá với lòng người, chính là nước mắt của con gái quan Lãnh Tín làng Nguyệt Sương đó.“Lũ bay nên khớp hai chuyện chênh nhau về cả thời lẫn không-gian, nhưng đều chung một lý do huyền bí, để tìm lấy một ý niệm trong đời sống đạo đức.“Ta góp việc này vào tập Gia huấn, tự coi nó như một điều cần đáng thêm vào thập điều trong gia pháp. Lũ bay khá vâng theo”./.


Chú giải
(*) Xem truyện Tổ tôm người sẽ đăng ở Thơ văn, tập mùa hạ
(1 ) tức là dừng ngựa
(2) sâu và vắng
(3) Ngày nay hay viết : tờ nháp
(4) làm rõ,cắt nghĩa
(5) Cũng có nghĩa tự tử tuy nghĩa ban đầu nói rõ là tự thắt cổ
(6) Cái vần gieo đến mức tuyệt vời . Tương tự như tử công phu là hết sức công phu .
(7) Gạn hỏi để tìm câu trả lời đúng
(8) Kiến : điều thấy ; thức : điều biết ; đây chỉ cả kinh nghiệm lẫn hiểu biết qua sách vở
(9)Câu đố
(10) Một ngày kia
(11) Đau xót cho con mắt ( khi phải chứng kiến những chuyện thương tâm )
(12) Chúng tôi chưa tra cứu được
(13 ) Người chết chôn xuống lần đầu gọi là hung táng , bốc mả chôn lại gọi là cát táng
(14) Đoàn đi cống theo chu kỳ hàng năm ; hành nhân , nghĩa đen là người đi đường , nhưng đây chỉ người phiên dịch đi theo các sứ bộ
(15) Tên một tỉnh cũ sát biên giới Việt Trung , sau nhập vào thành tỉnh Quảng Ninh
(16) Đầu thế kỷ XX, trong ngôn ngữ hàng ngày , nhiều người vẫn gọi thơ là thi .
(17) Chỉ phần tinh tuý của đá


Mời xem thêm một bài viết khác có liên quan tới bài trên:
Tư duy nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong các truyện Yêu ngôn:
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2013/03/tu-duy-nghe-thuat-cua-nguyen-tuan-trong.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đoàn Thị Hương có 'cuộc sống khép kín'

Cuối cùng thì báo chính thống cũng được phép nêu tên nghi phạm người Việt.

Từng học trung cấp dược, suốt 10 năm xa quê Đoàn Thị Hương chỉ về thăm nhà vài lần, ít giao tiếp và được đánh giá là "ngoan hiền". Chiều 20/2, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia "khẩn trương làm rõ các thông tin liên quan việc Malaysia bắt giữ một nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam dưới tên Đoàn Thị Hương".
Nghi phạm mang hộ chiếu Doan Thi Huong xuất hiện 
tại sân bay Malaysia, nơi ông Kim Jong-nam tử vong.
Nguồn tin của VnExpress cho hay, Công an tỉnh Nam Định đã nhận được chỉ đạo của Bộ Công an yêu cầu xác minh thông tin về Đoàn Thị Hương (29 tuổi) đang bị tạm giữ do nghi liên quan cái chết của người được cho là Kim Jong-nam - anh trai Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, tại Malaysia. Thông tin trên hộ chiếu thể hiện, Đoàn Thị Hương có địa chỉ thường trú tại tỉnh Nam Định.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng xác nhận "đang kiểm tra, xác minh”. "Hiện phía cảnh sát của Malaysia chưa có văn bản hoặc công văn chính thức đề nghị phối hợp điều tra”, vị này nói.

Hôm 16/2, tổ công tác của Công an tỉnh, Công an huyện đã về địa phương thu thập thêm thông tin về Đoàn Thị Hương. Trưởng công an xã cho hay đã cung cấp các yêu cầu liên quan lai lịch của cô gái này. Đoàn Thị Hương được chính quyền cho biết chưa có tiền án, tiền sự, từ nhỏ chưa điều tiếng. Cơ quan công an đang xác minh thông tin về 10 năm sống xa quê của cô gái này.

Cuộc sống khép kín

Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nằm cuối xã, cạnh bờ kênh thủy nông, ông Đoàn Văn Thạnh (bố của Đoàn Thị Hương) xác nhận với VnEpxress đã được nhà chức trách mời cung cấp thông tin. Người thương binh hạng 2/4 này có 5 con, Đoàn Thị Hương là út.

Ông Thạnh cho hay Đoàn Thị Hương ngoan, hiền song càng ngày càng sống khép kín, ít chia sẻ với người thân. Con gái út của ông "thoát ly" gia đình từ khi về Hà Nội học trung cấp dược, 2-3 tháng về thăm nhà một lần.

Cô nói với gia đình ở và làm việc tại Hà Nội, song suốt 10 năm qua, dù ông Thạnh và gia đình gặng hỏi, Hương lảng tránh, không trả lời địa chỉ tạm trú cũng như nơi làm việc. Gia đình nghèo khó, vợ ốm mất 2 năm trước, bản thân ông là thương binh nên chưa có điều kiện về Hà Nội tìm hiểu con sống thế nào.

"Lần nào con bé cũng về vào lúc 8-9 giờ tối và đi vào sớm hôm sau, ít trò chuyện và thường không ra khỏi nhà. Nó không đưa tiền phụ giúp bố mẹ song cũng chưa bao giờ xin", ông Thạnh nói. 


Ông Đoàn Văn Thạnh, bố của Đoàn Thị Hương là thương binh 2/4. Ảnh: Giang Chinh.

Ông Thạnh nhiều lần giục lấy chồng song Hương đều nói "chưa nghĩ đến". Trong mô tả của người bố, con gái ông cao chừng 1,6 m, tóc uốn xoăn.

10 năm xa nhà, cô gái này chỉ về nhà một mình, chưa từng đưa bạn bè về thăm gia đình. "Những bức hình chụp chung với gia đình, con cũng không có mặt", ông nói.

Lần gần nhất Đoàn Thị Hương về thăm quê là ngày 25/1 đến 29/1/2017 (mùng 2 Tết Đinh Dậu), cô chỉ ở trong nhà mà không thăm họ hàng, bạn bè.

Ngày 13/2, công dân Triều Tiên mang hộ chiếu có tên Kim Chol (được cho là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) bị hai phụ nữ tấn công, nghi bằng chất độc, tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia.

Hai nữ nghi phạm mang hộ chiếu nước ngoài đã bị cảnh sát Malaysia bắt giữ. Indonesia xác nhận một nữ nghi phạm là công dân nước này và cho biết đang yêu cầu được tiếp cận lãnh sự để hỗ trợ pháp lý. Nghi phạm nữ còn lại mang hộ chiếu với tên gọi không dấu Doan Thi Huong sinh năm 1988, quê Nam Dinh. Hiện chưa có bất cứ thông tin nào xác nhận tính hợp pháp của cuốn hộ chiếu mang tên Doan Thi Huong.




Diễn biến vụ hạ độc trong vòng 5 giây với ông Kim Jong-nam (bấm để xem chi tiết).

Trong một diễn biến mới nhất, Triều Tiên vừa lên tiếng không xác nhận người đàn ông bị sát hại ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un.

Giang Chinh - Bá Đô
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/doan-thi-huong-co-cuoc-song-khep-kin-3542375.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài toán nông nghiệp là gì?


ĐỨC HOÀNG 20.02.2017, TTCT - Thỉnh thoảng, ở đâu đó bạn bắt gặp một nỗ lực “đi tìm lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam”. Thậm chí có thể bắt gặp cả tuyên bố “đã tìm được lời giải cho bài toán”. Nhưng có một thực tế là chưa có một nỗ lực đáng kể nào để đi tìm... bài toán là gì.

Đất đai cằn cỗi, nông dân càng phụ thuộc vào hóa chất. ảnh Chí Quốc
Các dòng sông đều chảy... nhanh
Một người nông dân ở Đồng Tháp và một cố vấn của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) có điểm gì chung? Họ cùng nhìn thấy một vấn đề nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong một buổi chiều, người viết đối thoại với cả hai nhân vật ở hai đầu đất nước. Một người phải thường xuyên dừng lại để làm rõ các phương ngữ và thổ âm.

Một người sử dụng nhiều từ tiếng Anh chuyên ngành. Dù không hề biết đến quan điểm của nhau, cả hai cùng đưa ra một thông điệp: các dòng sông ở ĐBSCL đang chảy quá nhanh.

Người nông dân là Võ Văn Tiếng - một chàng trai trẻ ở Hồng Ngự, Đồng Tháp - đang quyết tâm trồng lúa không có thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trên ruộng đồng của cha mẹ. Còn vị chuyên gia là Koos Neefjes, cố vấn của UNDP - một học giả uy tín trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

“Khởi nguyên, các dòng sông không chảy ra biển dễ dàng như vậy” - ông Koos Neefjes nói. Tháng 8 năm ngoái, ông đã xuất hiện trên tờ The Economist và đưa ra một tuyên bố rất đáng chú ý: hạ tầng thủy lợi của chính Việt Nam đang gây hại cho nguồn nước tại ĐBSCL nhiều hơn cả các đập thủy điện mà Trung Quốc xây trên thượng nguồn.

“Thủy điện Trung Quốc” xưa nay vốn là một quán tính tư duy khi đề cập đến lý do làm nguồn nước hạ lưu sông Mekong bất ổn. Nhưng ông Neefjes tin rằng hệ thống đê điều và kênh rạch cũng đã làm giảm đáng kể khả năng trữ nước của vùng đồng bằng này.

“Quá trình làm khô (đất đai) và làm giảm khả năng trữ nước này đã tăng lên trong vài thập kỷ qua vì khao khát được cấy vụ lúa thứ ba trong năm, tại các vùng trũng và sâu như Đồng Tháp Mười hay Tứ Giác Long Xuyên.

Điều này đồng nghĩa với việc trị thủy - xây đê để đảm bảo không có quá nhiều nước vào mùa ngập, và như thế giảm khả năng trữ nước của vùng đồng bằng” - ông phân tích.

Võ Văn Tiếng, bằng một ngôn ngữ khác, mô tả quá trình này: “Ở quê em ngày xưa chỉ làm hai vụ lúa thôi. Bây giờ một năm làm ba vụ. Người ta cứ làm lúa hoài, làm hoài. Ngày xưa mỗi năm xả đê 3-4 tháng, để nước ngập đồng ruộng. Năm nào đất cũng được nhận phù sa mới. Bây giờ họ bao đê lại. Năm năm rồi quê em chưa xả nước vào đồng”.

Cứu đất

Hai người cùng gặp nhau trong việc chỉ ra một trong những hệ quả nguy hiểm của phương pháp trị thủy này. Đó là việc đất đai trở nên cằn cỗi hơn, và như vậy, người nông dân trở nên phụ thuộc vào chất hóa học trong quá trình trồng trọt.

“Sử dụng phân bón khi trồng ba vụ lúa buộc phải tăng lên. Khả năng tự bồi dưỡng của đất đã giảm vì hai lý do: ngập đã giảm - do đê điều ngăn nước; ngay cả hàm lượng dinh dưỡng của nước sông cũng giảm vì chất lượng phù sa giảm - do các con đập trên thượng nguồn hạn chế hàm lượng phù sa” - ông Neefjes phân tích.

Quá trình này diễn ra trong nhiều thập kỷ, được khuyến khích bởi các chính sách nhằm tăng năng suất lúa gạo, tạo ra một vòng xoáy mà ở trung tâm của nó người nông dân bị hút vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Và đó chính xác là “bài toán” mà chàng nông dân Võ Văn Tiếng đang cố gắng giải trên mảnh ruộng của cha mẹ, hay rộng hơn là cho làng quê của mình.

Út Tiếng từng bị gọi là “khùng” khi quyết định rằng mình sẽ chuyển từ làm ba vụ như làng xóm sang còn hai vụ, đồng thời không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón để tạo ra hạt gạo hữu cơ có giá trị thương phẩm cao.

Tiếng gia tăng chất lượng đất bằng việc bơm thêm nước vào đồng để lấy phù sa từ sông. Phần lớn mọi người đều tin Tiếng sẽ thất bại. Bà con chòm xóm không biết rằng cậu đang làm theo quy trình “cứu đất” của những chuyên gia hàng đầu. Đó cũng là những nội dung mà ông Koos Neefjes đề xuất khi bàn đến giải pháp.

Bây giờ thì Tiếng đã có một cánh đồng hữu cơ, hai vụ một năm, nhưng cho giá trị hạt gạo thương phẩm cao hơn nhiều so với những người cùng làng. Những lô gạo của Tiếng đưa ra Hà Nội được mua hết chỉ trong vài ngày.

Đất của cậu được bồi dưỡng liên tục bằng nhiều phương pháp tự nhiên. Tính cả khả năng chăn thả trên đồng ngập nước, mặc dù năng suất gạo của Tiếng chỉ bằng 60% các cánh đồng xung quanh nhưng thu nhập bình quân trên cùng diện tích của cậu cao gấp rưỡi.

Tiếc rằng không phải ai cũng có khả năng học hỏi để trở thành một người nông dân như vậy. Võ Văn Tiếng trở nên nổi tiếng vì cậu đặc biệt. Những người nông dân xung quanh đã không còn chế nhạo Tiếng. Nhưng mọi người không đủ khả năng thay đổi ước mơ của mình.

“Nông dân quê em vẫn chỉ mơ về năng suất thiệt cao” - Tiếng than thở. Ước mơ đó đã không thay đổi trong suốt hơn 30 năm. Trong tư duy của những con người một nắng hai sương này, tăng thu nhập vẫn sẽ là tăng khối lượng gạo sản xuất ra.

Nhưng đó là điều ngày càng trở nên khó khăn. Với chi phí đầu vào cao và giá gạo bấp bênh, Tiếng tính rằng mỗi nông dân canh tác trên 5.000m2 sẽ lời từ 5 đến 7 triệu đồng một vụ. Mỗi năm ba vụ, tổng thu nhập năm nếu chỉ trồng lúa chỉ là 15 đến 20 triệu.

“Thanh niên đi hết rồi anh” - Tiếng nói. Trong làng giờ chỉ còn người già, và một lượng rất nhỏ thanh niên chịu ở lại làm nông cùng gia đình. Họ bỏ lên thành phố làm thuê. Một kịch bản quen thuộc với phần lớn các vùng nông nghiệp nước ta hiện nay.

Hành trình của Tiếng

Điều quan trọng nhất trong hành trình của Tiếng, thật ra, là việc lựa chọn mô hình thương mại: ngay từ đầu cậu đã xác định rằng mình sẽ làm ra hạt gạo có thương hiệu.

Một trong những lý do tạo nên “vòng xoáy” của những cánh đồng không có hóa chất chính là việc hạt gạo không có thương hiệu, không có giá trị cao trên bản thân thị trường nội địa. Xuất khẩu được ưu đãi, khiến cho các công ty tập trung cho xuất khẩu hạt gạo giá rẻ.

“Vòng kim cô chính sách”, như là nghị định 109, đặt điều kiện quá cao đối với một doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo, khiến cho những doanh nghiệp nhỏ đứng ngoài cuộc chơi.

Còn với thị trường trong nước, họ đối mặt với một tập quán tiêu dùng bền chắc: gạo đến bàn ăn mỗi nhà được phân phối qua các tiểu thương thuộc khu vực kinh tế phi chính thức và có lợi thế kinh khủng về... thuế.

Việc làm gạo đóng gói và có thương hiệu cho thị trường trong nước, thật ra, là trăn trở của những doanh nghiệp đang muốn tạo đột phá trong nông nghiệp. Cậu nông dân Đồng Tháp đã chọn một con đường vĩ mô.

Tiếng đặt cho hạt gạo của mình một cái tên: “Tâm Việt”. Những buổi đầu tiên, hạt gạo làm ra bán rất chậm. Tiếng không có chi phí cho marketing, cũng không có hệ thống phân phối. Cậu túc tắc bán thông qua người quen và truyền miệng.

Đầu vụ thứ hai, gọi điện, Tiếng mới nói rằng mình vừa bán xong gạo của vụ thứ nhất. Nhưng mô hình của Tiếng bắt đầu được biết đến, và đó là lúc các bộ phận khác của chuỗi giá trị được lắp vào: “tâm” của chàng trai 20 tuổi này thuyết phục được nhiều doanh nghiệp và cơ quan truyền thông.

Một doanh nghiệp nông sản cùng tham gia việc đóng gói để hạt gạo Tâm Việt có một bao bì chuyên nghiệp.

Những nhà phân phối nông sản sạch, đại diện cho một quyền lực đang lên của thị trường hiện nay, tìm đến. Kết quả: giờ Tiếng thậm chí không còn gạo để bán lẻ. Gạo trên cánh đồng đã được người ta tiêu thụ hết. Chỉ sau hai năm, bây giờ cơ ngơi của Võ Văn Tiếng, với sự đầu tư về vốn từ niềm tin cộng đồng, đã là 40ha.

Cuộc hành trình của Võ Văn Tiếng, dù ở quy mô rất nhỏ, là một cuộc phản biện cho nông nghiệp Việt Nam.

Những mệnh đề từ lâu đã được nhắc đến trên báo chí: xuất khẩu gạo giá rẻ mà không xây dựng được thương hiệu; ám ảnh với việc tăng năng suất dẫn đến suy thoái đất và lạm dụng thuốc hóa học; người nông dân không tự làm chủ cánh đồng của mình mà phụ thuộc vào hệ thống thương lái. Chúng xoắn vào nhau thành một khối bế tắc. Tiếng gỡ ra, phản biện từng mục một.

Nhưng cuộc hành trình lớn không chỉ nhờ một “tấm gương” mà thành. Những người nông dân xung quanh đã không còn chế nhạo Tiếng. Nhưng mọi người vẫn không đủ khả năng thay đổi ước mơ của mình. “Nông dân quê em vẫn chỉ mơ về năng suất thiệt cao” - Tiếng than thở

Ước mơ đó đã không thay đổi trong suốt hơn 30 năm. Trong tư duy của những con người một nắng hai sương này, tăng thu nhập vẫn sẽ là tăng khối lượng gạo sản xuất ra. Sẽ cần một sự cổ vũ ngược từ cả hệ thống để họ làm điều ngược lại.■


http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-de-su-kien/chuyen-de/20170220/bai-toan-nong-nghiep-la-gi/1265575.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Liệu Thủ tướng có định ám chỉ gì không?


Ngày 19 tháng 2 một số báo và VTV đưa tin Thủ tướng chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An (NA). Ngoài những nhiệm vụ về xây dựng, phát triến, cuối cùng bài tường thuật có câu sau: “Thủ tướng cũng đã trả lời và chỉ rõ hướng giải quyết với các kiến nghị khác của tỉnh; cũng như chỉ đạo tỉnh tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm pháp luật”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc 
với Hà Tĩnh chiều 1-5 về vụ cá chết - Ảnh: Tấn Vũ
Câu chỉ đạo này của TT diễn ra sau mấy ngày nhân dân Song Ngọc tổ chức đi nộp đơn kiện Formosa bị ngăn cản, bị cho là làm rối trật tự công cộng, cản trở giao thông, bị thông tin chính thống tại Nghệ An lên án vi phạm pháp luật. Trong lúc đó nhiều tường thuật trên mạng xã hội dân sự phản ảnh những thủ đoạn gian dối và đàn áp của công an, là chính quyền “Bốc lửa bỏ tay người”. Việc này làm dấy lên trong toàn quốc sự quan tâm chính đáng. Thế nhưng, theo tường thuật, trong báo cáo với TT, lãnh đạo NA không đề cập đến, trong phát biểu TT không đả động đến. Như vậy họ không biết hay có biết mà cố tình lờ đi, cho đó là chuyện quá nhỏ mọn.

Và rồi liệu lời chỉ đạo của TT có ám chỉ đến việc trên hay không. Tôi có một vài phán đoán sau:

1- Thủ tướng quả thật không biết vì ông bận nhiều việc quá, không xem báo, không vào mạng, không ai báo cáo cho biết. Như thế thì quá tồi tệ. Phán đoán này dễ bị bác bỏ.

2- Thủ tướng có biết, nhưng chỉ được thông tin một chiều và tin chắc rằng nhân dân Song Ngọc bị phản động mua chuộc để gây bạo loạn tiến tới lật đổ chế độ. Nếu như thế chứng tỏ nhận thức, trình độ của TT quá kém, quá nguy hiểm. Đúng ra TT phải nghe được cả 2 bên, phải tìm cách biết được sự thật. Ngày 17/2 / 2017, làm việc với Hội đồng TƯ Liên hiệp các hội KH và KT VN, Thủ tướng nói: “Trong bối cảnh thực hiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ người dân, Chính phủ càng cần nghe ý kiến của người dân, của trí thức”.

Nếu phát hiện ra những dối trá của cấp dưới mà cố tình bao che hoặc làm ngơ thì làm sao tạo được lòng tin của nhân dân.

3- Thủ tướng biết thông tin cả 2 phía và đang rất hoang mang, tiến thoái lưỡng nan, há miệng mắc quai, thôi thì tạm im, tạm lờ. Điều này chứng tỏ phẩm chất quá kém. Tôi nghĩ, nếu việc này tôi mà làm thủ tướng thì chỉ sau vài ngày tôi sẽ thu được khá đầy đủ thông tin để xử lý.

4- Trong lúc hoang mang, mà không đả động gì đến lại sợ bị ai đó hạch tội. Thôi thì dùng lối ám chỉ: “chỉ đạo tỉnh tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm pháp luật”. Không biết TT đã lường trước sự nguy hiểm của lối ám chỉ này không. Đó là con dao hai lưỡi.

Bình luận: Dân ta có câu, “Lời nói gió bay”. Nhưng lời nói của những người quyền cao chức trọng thì bão cũng không thổi bay được vì nó có gang, có thép. Sẽ có những kẻ dựa vào đó để thực hiện âm mưu thâm độc. Xin theo lời của Phu Xich nhắc rằng: “Mọi người hãy cảnh giác”.

Nguyễn Đình Cống
FB Nguyễn Đình Cống



Phần nhận xét hiển thị trên trang

BAO NHIÊU NGƯỜI CHẾT TRONG CÁCH MẠNG VĂN HOA


Thiên Kỳ


“Cách mạng Văn hóa” là phong trào chính trị do cố lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông cùng “Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương” khởi xướng và lãnh đạo kéo dài cả thập kỷ (từ 5/1966 – 10/1976). Giới sử học xem đây là “mười năm hỗn loạn” hay “mười năm thảm họa” của Trung Quốc.
Cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng trả lời phỏng vấn: “Số người chết thật sự trong Cách mạng Văn hóa e rằng là con số thiên văn, mãi mãi không thể tính ra được”.Cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng trả lời phỏng vấn: “Số người chết thật sự trong “Cách mạng Văn hóa” e là chữ số thiên văn, mãi mãi không thể tính ra được”.
Nhà văn Trung Quốc Tần Mục (1919 – 1992) từng viết: “Đây là thảm họa vô tiền khoáng hậu, làm hàng triệu người bị khốn đốn, hàng triệu người ôm hận đến cuối đời, vô số gia đình phải ly tán, trẻ em bị biến thành côn đồ lưu manh, không biết bao nhiêu sách vở bị thiêu đốt, di tích bị phá hoại, mộ tiên hiền bị đào lên, đã gây ra vô số tội ác dưới danh nghĩa cách mạng!”.
Cuối cùng thì “Cách mạng Văn hóa” giết chết bao nhiêu người? Những số liệu nghiên cứu đều cho thấy có nhiều triệu người bị chết trong phong trào chính trị này. Trong một hội nghị, nguyên lão Trung Quốc Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) từng chỉ ra, “Cách mạng Văn hóa” đã chỉnh đốn cả trăm triệu người, khoảng hai triệu người bị hại chết. Đặng Tiểu Bình từng thừa nhận với phóng viên nước ngoài, “số người chết trong “Cách mạng Văn hóa” phải tính bằng con số thiên văn…”.
Nghiên cứu của học giả nước ngoài
Trong tác phẩm «Trung Quốc: Lịch sử mới» của giáo sư Phi Chính Thanh (Fei Zhengqing) thuộc Đại học Harvard của Mỹ đã đưa ra con số một triệu người bị hại chết.
Giáo sư Đinh Trữ (Ding Shu) về lịch sử đương đại Trung Quốc là học giả sống tại nước ngoài chỉ ra, “Cách mạng Văn hóa” làm khoảng hai triệu người Trung Quốc chết bất thường. Ông phân tích: Năm 1966 giết chết 100.000 người, thời đầu “Cách mạng Văn hóa” giết chết khoảng 200.000 người, thời võ đấu (1966 – 1969) giết chết từ 300.000 – 500.000 người, hơn 500.000 người chết vì Đội Thanh, phong trào “nhất đả tam phản” và “thanh tra đội phản cách mạng 516” đã hại chết khoảng 200.000 người.
Giáo sư Tô Dương (Su Yang) thuộc phân hiệu Irvine Đại học California thống kê theo số liệu từ 1.520 cuốn Huyện Chí đã ước tính ở nông thôn có ít nhất 750.000 – 1,5 triệu người bị bức hại đến chết; một số người tương đương bị tra tấn tàn tật; ít nhất 36 triệu người bị bức hại chính trị dưới các hình thức khác nhau. Con số này chưa kể nạn nhân tại các thành phố lớn.
Trong chuyên khảo, ông thừa nhận: Vì tất cả các cuốn Huyện Chí thường che giấu sự thật theo những mức độ khác nhau nên tính toán số người tử vong của ông có thể vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế.
Còn Giáo sư r. J. Rummel viết trong sách «Thế kỷ thảm khốc của Trung Quốc» có khoảng 7,73 triệu người thiệt mạng trong “Cách mạng Văn hóa”.
Cach mang van hoa
Số liệu của chính quyền Trung Quốc
Theo trong “Suy nghĩ của tôi về Cách mạng Văn hóa”, cựu Tổng Biên tập «Hoàng Đàm Xuân Thu» Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) cho biết, theo ông Diệp Kiếm Anh báo cáo tại Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị Trung ương (sau Hội nghị toàn thể TW1 đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 12) thì số người chết như sau: (1) Phong trào võ đấu làm chết khoảng 123.700 người; (2) 2,5 triệu cán bộ bị đấu tố, hơn 302.700 cán bộ bị bỏ tù, hơn 115.500 cán bộ bị chết bất thường; (3) Khoảng 4,8 triệu nhân sĩ các giới tại các đô thị bị quy các tội như học giả phản động, phần tử chủ nghĩa tu chính, phần tử khác giai cấp, chống cách mạng…, trong đó khoảng 638.000 người chết bất thường; (4) Hơn 5,2 triệu địa chủ và phú nông ở nông thôn bị bức hại, khoảng 1,2 triệu người chết bất thường; (5) Có khoảng 113 triệu người bị đàn áp chính trị với mức độ khác nhau, trong đó hơn 557.000 người mất tích.
Còn «Những phong trào chính trị trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc» do Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc biên soạn ghi lại: Sau 2 năm 7 tháng điều tra, số liệu thống kê mới vào tháng 5/1984 về “Cách mạng Văn hóa” là: hơn 21,44 triệu người bị thẩm tra, tấn công; 125 triệu người bị liên lụy, ảnh hưởng; 4,2 triệu người bị bỏ tù; 17,28 triệu người chết bất thường; 135.000 người bị kết án tử hình vì tội phản cách mạng; 237.000 người chết trong võ đấu, 7,03 triệu người bị đánh tàn tạ, hơn 70.000 gia đình bị ly tán.
Cho dù số liệu không thống nhất nhưng đều thừa nhận có hơn hai triệu người chết bất thường trong thời “Cách mạng Văn hóa”.
Chuyên gia Tống Vĩnh Nghị (Song Yongyi), giáo sư Đại học Tiểu bang California chuyên nghiên cứu về thời kỳ này chỉ ra mâu thuẫn trong số liệu thống kê của phía nhà chức trách Trung Quốc. Ví dụ trong sách «Quảng Tây của Trung Quốc đương đại» xuất bản năm 1992 thừa nhận số người chết bất thường trong thời “Cách mạng Văn hóa” khoảng 83.000 người, nhưng trong tài liệu mật «Ký sự Cách mạng Văn hóa Quảng Tây, 1968» ghi lại, sau khi Ủy ban Cách mạng Văn hóa Quảng Tây thành lập đã giết chết ít nhất 100.000 người “phe tạo phản 422”. Hay ví dụ như số người chết tại Nội Mông Cổ trong phong trào diệt phản động “đảng Cách mạng Nhân dân Nội Mông Cổ” công bố vào năm 1980 là 12.222 người, nhưng trong «Lịch sử Khu tự trị Nội Mông Cổ» xuất bản năm 2004 thì cho biết, trong 10 năm “Cách mạng Văn hóa” có tổng số hơn 27.900 người bị hại chết. Hay như tại tỉnh Vân Nam, theo số liệu của chính quyền đưa ra vào năm 1982 thì số người tại đây bị hại chết là 17.000 người, nhưng trong «Báo cáo Cách mạng Văn hóa tỉnh Vân Nam» hoàn thành năm 2005 thì con số là 23.000 người chết.
Cuối cùng thì có bao nhiêu người chết? Tống Vĩnh Nghi cho rằng, có lẽ chỉ khi nào chính quyền Trung Quốc cho công bố hồ sơ mật thì mới hy vọng xác định được.
Diệp Kiếm Anh nói chuyện trong nội bộ
Ngày 24/9/2014, báo Tân Kinh của Trung Quốc đăng bài viết «Bàn về số liệu “Cách mạng Văn hóa” với Khổng Khánh Đông» của người lấy bút danh “Tây Pha”, tác giả chất vấn việc giáo sư Khổng Khánh Đông của Đại học Bắc Kinh so sánh số người bị hại chết trong “Cách mạng Văn hóa” với số người bị chết vì súng ống của Mỹ. Theo bài biết, nguy hại của “Cách mạng Văn hóa” không chỉ là vấn đề số người bị hại mà còn là trở ngại nghiêm trọng và kéo dài đối với phát triển quốc gia.
Bài viết còn chỉ ra, ngày 13/12/1978, trong lúc bế mạc một Hội nghị Công tác Trung Quốc, ông Diệp Kiếm Anh nói: số người bị hại và liên lụy trong thời “Cách mạng Văn hóa” lên đến hơn một trăm triệu người, chiếm 1/9 dân số Trung Quốc.
Trong suốn sách mang tên «Rửa oan: Sửa lại những án oan sai» do Nhà xuất bản Nhân dân An Huy xuất bản năm 1997, hai tác giả gồm Phó Chủ nhiệm Lịch sử Đảng tỉnh Sơn Đông Đinh Long Gia (Ding Longjia) và Phó Giáo sư Đại học Sơn Đông Đổng Bảo Huấn (Dong Baoxun) đã dẫn ý kiến phát biểu ngày 13/12/1978 của Phó Chủ tịch Trung ương Diệp Kiếm Anh: Qua 2 năm 7 tháng điều tra toàn diện trung ương đã xác định có 20 triệu người chết trong “Cách mạng Văn hóa”, số người bị bức hại chính trị là hơn 100 triệu người, chiếm 1/9 dân số Trung Quốc, tiêu tốn 800 tỷ RMB (nhân dân tệ).
Kỳ lạ là bài phát biểu của Diệp Kiếm Anh trong nghi thức bế mạc Hội nghị Công tác Trung Quốc lại không được ghi âm lại, nhưng lại có trong «Tuyển tập Diệp Kiếm Anh» xuất bản tháng 3/1996. Trong tác phẩm này, tác giả cho biết: “Bài học quan trọng mà Cách mạng Văn hóa để lại cho chúng ta là Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương đã lợi dụng quyền lực giành được để thực hiện hành vi phát xít, trên xử cán bộ, dưới xử dân chúng, gây ra vô số án oan sai, án giả tạo… Số người bị hại và liên lụy trong trận bức hại thảm khốc này lên đến hơn trăm triệu người, chiếm 1/9 dân số cả nước. Một bài học vô cùng đau đớn”.
Trong phát biểu được xuất bản công khai này không nhắc đến con số cụ thể hai triệu người chết.
Ngày 19/12/2008, cô con gái của ông Diệp Kiếm Anh là Diệp Hướng Chân cho biết, tác phẩm «Diệp Kiếm Anh nói chuyện tại Hội nghị Công tác Trung ương» do chủ nhiệm văn phòng của Diệp Kiếm Anh là Vương Thủ Giang (Wang Shoujiang) cùng thư ký quân sự Vương Văn Lý (Wang Wenli) soạn đã được đăng 227 kỳ trên tạp chí Tài Chính. Theo lời kể, bản thảo sau này được tóm gọn và sửa chữa lại nhiều. Những chi tiết liên quan đến Hoa Quốc Phong và Tập Trọng Huân (cha của ông Tập Cận Bình) đã bị loại bỏ. Ví dụ đoạn: “Tại Hội nghị này, Chủ tịch Hoa Quốc Phong công khai thẳng thắn phê bình tôi trước toàn Đảng khiến tôi vô cùng cảm động. Về mặt này Chủ tịch là tấm gương cho tôi”.
Những chi tiết bị cắt bỏ cùng việc không cho ghi âm lại lời phát biểu của Diệp Kiếm Anh cho thấy có nhiều điểm nhạy cảm trong bài nói chuyện này.
Đặng Tiểu Bình: Số người chết e rằng là… con số thiên văn
Theo «Văn tuyển Đặng Tiểu Bình», từ ngày 21 – 23/8/1980, tại Đại lễ đường Nhân dân, ông Đặng Tiểu Bình hai lần trả lời phỏng vấn của nữ phóng viên người Ý nổi tiếng thế giới Fallaci.
Phóng viên Fallaci là người đã phỏng vấn hơn 200 nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Fallaci đặt câu hỏi đầu tiên: “Có nên tiếp tục treo bức ảnh chân dung Mao Trạch Đông tại quảng trường Thiên An Môn không?” Câu hỏi thứ hai: “Người Trung Quốc thường cho rằng Cách mạng Văn hóa là do Tứ nhân bang gây ra, thế nhưng khi nói Tứ nhân bang thì lại giơ ra 5 ngón tay là sao?
Sau đó Fallaci tiếp tục hỏi: “Cuối thì có bao nhiêu người chết trong đại Cách mạng Văn hóa?”
Đặng Tiểu Bình trả lời: “Con số người chết thật sự trong Cách mạng Văn hóa e rằng là con số thiên văn, mãi mãi không thể tính ra được”.
Ngoài ra, Đặng Tiểu Bình còn nêu ví dụ một vụ án oan kinh điển: Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Triệu Kiện Dân (Zhao Jianmin) bị Khang Sinh cho là phản đồ, đặc vụ Quốc dân đảng. Vì thế đã hạ lệnh Bộ trưởng Công an Tạ Phú Trị (Xie Fuzhi) bắt giam. Chỉ riêng vụ án này đã có hơn 1,38 triệu người liên lụy, trong đó hơn 17.000 người bị đánh chết, hơn 6.000 người bị đánh tàn tạ. Chỉ riêng khu vực Côn Minh số người bị đánh chết đã là 1.493 người, bị thương tích tàn tạ là 9.661 người.
Thiên Kỳ
Theo trithucvn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà thơ Huy Tưởng


Nhà thơ Huy Tưởng
Sơn dầu trên vải, 80x60cm (2017)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

3 TRUYỆN CỰC NGẮN


QUÁ KHỨ...

Chúng tôi đã đi qua một cuộc chiến. Cha tôi nói:
“Đó là một hợp đồng. Xương máu đã được quy ra tiền và biến thành cơ hội làm ăn của các nhà ngoại cảm.”
Tôi đã ở đó, nhìn cha ngồi vào một cái bàn lớn, cùng với nhiều người, ký tên. Chữ ký của cha khá ngoằn ngoèo, vì tên của cha rất dài. Cha nói:
“Con phải chờ đợi cho đến khi mọi thứ được an toàn. Khi khói lửa đã tan, sẽ có người xuất hiện và vẫy tay chào những người may mắn sống sót, từ một lễ đài.”
Tôi không hiểu cha muốn gì, nhưng tôi vẫn nhớ nụ cười của cha khi ông tả với mọi người về đứa con trai của ông, là tôi. Với đôi dép râu và chiếc mũ vải mềm lãng tử, rất đẹp và hợp mốt, cha lúc ấy đã ba mươi tuổi, gấp đôi tuổi của tôi.
Tôi hỏi cha:
“Cha ơi, cha vừa nói gì với mọi người thế?”
“Con đã thành một người máy.” Cha nói.
“Người máy?” Tôi hỏi.
“Ừ, nhìn vào con ai cũng biết đúng là như vậy.”
“Chỉ cần nhìn thôi ư?” Tôi hỏi.
“Thôi nào, bạn ơi...” Cha cười và nói tiếp với tôi. “Tôi biết bạn không hiểu, vì tôi cũng đã từng cố hiểu một vài lần, và cuối cùng tôi cũng không thể hiểu.”

CÁCH MẠNG...

Nàng nhìn vào đứa con trai bé nhỏ của mình, tự hỏi: “Không biết nước mắt đang biến đi đâu?” Cuối cùng nàng quyết định: “Chúng ta sẽ cùng chờ Công lý.”
“Nhìn này,” một người nông dân trong làng nói với nàng, “những vết bầm tím.”
Cơn gió đã thổi qua thi thể đứa con trai bé bỏng, và nàng nhìn đăm đăm vào những vết bầm tím mà người nông dân vừa chỉ. Người nông dân vẫn nghẹn ngào: “Tôi không chắc lắm, nhưng các nghĩa quân, các nghĩa quân... Họ đã bắt chước phong cách của Quân chính phủ.” Ông ta vẫn lắp bắp: “Tôi không biết, tôi không biết. Những nghĩa quân cách mạng, bây giờ họ đã tàn ác y hệt như quân chính phủ...”
Nàng thốt ra một tiếng nấc, và để che giấu, nàng nói với người nông dân: “Nó chỉ là một cậu bé ở nông trại. Chắc ông cũng không biết nó là con ai, phải không?”
Thi thể đứa bé chồm lên, ôm lấy mẹ của mình, khóc những tiếng nức nở.
Nước mắt của nàng rơi thành những hạt bụi, li ti, và không bao giờ còn bay lên...

SỰ TIẾN HOÁ CỦA CÁCH MẠNG...

Sau cuộc cách mạng, nàng lơ lửng trên mặt đất, và nhìn những con tàu vũ trụ chuẩn bị rời bệ phóng, bay vào không gian.
“Thật kỳ diệu.” Nàng nhủ thầm và ước gì mình có thể khóc cho hàng triệu người đã chết.
“Họ sẽ không còn nghe chúng ta.” Một kẻ đối tác của nàng nói. “Chúng ta đã cho phép họ được trả giá. Và họ đã trả giá, không rẻ. Có lẽ do họ chưa quen mua bán.”
“Chúng ta không bao giờ sai lầm?” Nàng hỏi.
“Tất nhiên chúng ta có thể. Nhưng cả triệu người mà nàng đang muốn khóc thương cũng đã hoá thành những phôi người đông lạnh. Họ vẫn tồn tại cho đến khi chúng ta tìm thấy một hành tinh khác cho họ sinh sống. Chúng ta sẽ hướng dẫn họ và nhắc nhở họ về số phận của Trái đất.”
“Tôi biết điều đó!” Nàng nói.
“Và chúng ta sẽ thành công.” Kẻ đối tác của nàng nói.
“Như vậy là kiêu ngạo!”
Nhưng thật ra cũng chẳng ai còn gì để mà kiêu ngạo. Họ và nàng cùng rách nát và thảm hại như những kẻ ăn mày. Nàng biết điều đó, và lặng im nhìn những con robot hoang tưởng mang dép râu đang đứng lố nhố quanh con tàu vũ trụ. Chúng đóng mở một cái gì đó để con tàu chuẩn bị khởi động. Có lẽ chúng đang lắp thêm một ít ốc vít cho con tàu...


Phần nhận xét hiển thị trên trang