Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Chuyên gia Pháp : Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông


Các máy bay chiến đấu J-15 trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tham gia tập trận tại Biển Đông ngày 02/01/2017.

Theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, trưởng bộ môn khoa học chính trị của trường đại học Báptít Hồng Kông, Bắc Kinh rõ ràng đang quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trên thực tế đã có sự thay đổi nguyên trạng về quân sự và chiến lược tại vùng biển quan trọng này. Trung Quốc diễu võ giương oai nhằm đe dọa các nước, lấn dần từng chút một để tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ.
Báo chí Trung Quốc hôm 13/01/2017 đã đả kích ông Rex Tillerson, ngoại trưởng do tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump bổ nhiệm, vì ông đưa ra ý kiến nên cấm Bắc Kinh đến các đảo đang kiểm soát tại Biển Đông. Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng ý tưởng này là « kỳ quặc », trừ phi muốn xảy ra « một cuộc chiến tranh quy mô » giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. China Daily dọa nạt « một cuộc đối đầu hủy diệt » nếu chính quyền Trump, sẽ nắm quyền từ ngày 20/1, sử dụng đến biện pháp này.


Trước đó một hôm, ông Rex Tillerson trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ tuyên bố : « Chúng ta phải gởi một dấu hiệu rõ ràng đến Trung Quốc, cho họ biết rằng phải ngưng việc xây dựng trên các đảo (tại Biển Đông), và họ không còn được phép đi vào những đảo này ».

Loạt đại pháo được báo chí nhà nước Trung Quốc dồn dập nã vào ý đồ phong tỏa mang tính vô tiền khoáng hậu của ông Tillerson, chứng tỏ mức độ căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ hiện nay tại Biển Đông. Nhật báo Le Monde đã phỏng vấn nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trưởng bộ môn khoa học chính trị của trường đại học Báptít Hồng Kông, tác giả cuốn « Chính sách quốc tế của Trung Quốc, giữa hội nhập và ý hướng đại cường ».

Trung Quốc liên tục biểu dương sức mạnh : chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của họ hồi Noel lần đầu tiên đã đi qua eo biển Miyako ở ngoài khơi Okinawa để tiến ra Thái Bình Dương. Sau đó các máy bay ném bom nhiều lần bay lượn phía trên các eo biển trong khu vực, vòng quanh Đài Loan, dù trên không phận quốc tế. Các hành động ngày càng lặp đi lặp lại trên Biển Đông như thế nói lên điều gì ?

Các vụ xuất kích này là những hành động khoa trương, nằm trong ý đồ tạo ra một sự cân bằng lực lượng mới. Đó là một cách để trưng ra nhiều khía cạnh của sức mạnh quân sự Trung Quốc. Hàng không mẫu hạm vừa là đặc trưng vừa là biểu tượng của quyền năng. Hiện nay, Trung Quốc chỉ có mỗi một chiếc, cũng như Pháp có chiếc Charles De Gaulle : tàu sân bay có nhiều chức năng, được triển khai để mang đến một thông điệp vừa chiến lược vừa ngoại giao. Trung Quốc đã tiến được từng bước với chiếc Liêu Ninh : ban đầu họ tập dượt cách hoạt động tại Biển Hoa Đông, rồi đến Thái Bình Dương, sau đó đến địa điểm nhạy cảm là Biển Đông.

Không quân Trung Quốc cũng chứng tỏ khả năng bảo đảm được việc tiếp liệu trên không cho các phi cơ tiêm kích và oanh tạc cơ. Tuần duyên Trung Quốc nay được trang bị rất tốt. Trong quá khứ, chúng ta từng thấy dân quân biển can thiệp trong những vụ va chạm. Để xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Bắc Kinh đã huy động đủ loại đơn vị để nạo vét và cải tạo.

Đối với Trung Quốc, tầm quan trọng của việc biểu dương lực lượng là làm gia tăng rủi ro trong thời bình cho hải quân các nước khác tại Biển Đông, làm cho họ hiểu rằng can dự vào sẽ nguy hiểm, ngay cả việc đi qua vô hại. Chính trong logic này mà Bắc Kinh hồi tháng 12/2016 đã đoạt lấy một tàu ngầm tự hành phục vụ công tác giám sát của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ.

Phía sau tất cả những điều đó, là ý định bảo vệ căn cứ tàu ngầm Tam Á (Sanya) trên đảo Hải Nam, bảo đảm cho các tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn có thể được triển khai ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà không bị phát hiện. Bị kẹt giữa những chuỗi đảo, nhất là những đảo gần nhất đang do các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Đài Loan, Philippines kiểm soát, vấn đề địa lý là tối quan trọng cho Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc xích lại gần tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte là cần thiết.

Tiếp đến, tất cả những động thái trên không phải là quyết định ngẫu nhiên, mà là phản ứng trước cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, cũng như tuyên bố của tổng thống tân cử Mỹ về chính sách « một nước Trung Hoa ».Trong những tháng tới, có lẽ Trung Quốc sẽ gây thêm áp lực quân sự lên Đài Loan.

Liệu có nguy cơ thực sự về các vụ va chạm hay xung đột ?

Có các rủi ro do tính toán sai lầm. Nhưng tôi nghĩ rằng Bắc Kinh bằng mọi giá cố tránh mọi sự cố dẫn đến xung đột vũ trang với Hoa Kỳ. Vụ cưỡng đoạt chiếc tàu ngầm tự hành là một tín hiệu cho tân chính phủ Mỹ. Cũng có các nguy cơ đối với Nhật Bản, cho dù Trung Quốc hành động một cách thận trọng, bối cảnh hiện nay có thể dẫn đến một sự cải thiện quan hệ nho nhỏ.

Hoa Kỳ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau là quân sự hóa Biển Đông. Sự thể ra sao ?

Bắc Kinh hiển nhiên đang lao vào việc quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Họ nói rằng các thiết trí quân sự trên đó là khiêm tốn, mang tính phòng vệ - điều này thật khó tin, còn việc quân sự hóa thì không thể chối cãi. Hơn nữa, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh các phi cơ và chiến hạm Trung Quốc cấp tập qua lại Biển Đông, thông qua các eo biển Đài Loan (giữa Trung Quốc với Đài Loan) và Ba Sĩ (giữa Đài Loan với Philippines). Tại Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã bảo Tokyo là cần phải làm quen với việc máy bay và tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên đi qua.

Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự gây ra nhiều hậu quả khác nhau. Tại Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã đưa ra chương trình đóng các tàu ngầm. Nhật Bản cải thiện các thiết bị nghe lén và giám sát trên đảo Ishigaki và Yonaguni, nằm cách Đài Loan 50 hải lý. Tokyo cũng tăng ngân sách quốc phòng, nhưng việc gia tăng này có giới hạn. Ngược lại, ngân sách dành cho lực lượng tuần duyên Nhật - vốn không trực thuộc quốc phòng - được tăng lên rất nhiều, đó là một lực lượng trang bị hùng hậu và hiệu quả. Giữa Đài Bắc và Tokyo, người ta quan sát thấy các dấu hiệu của một sự hội tụ lợi ích chiến lược. Người Nhật nay đã tiến hành đối thoại an ninh công khai hơn với Đài Loan, và mới đây đã đổi tên cơ quan đại diện tại Đài Bắc.

Trước sự leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông, các nước khác phản ứng như thế nào ?

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã thành công trong việc làm cho Việt Nam, vốn rất lệ thuộc vào người láng giềng phương Bắc về kinh tế, phải yên lặng. Manila thì đã thành đồ chơi trong túi Bắc Kinh - ngư dân Philippines được cho phép quay lại bãi cạn Scarborough, sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye, và sự hòa giải với ông Duterte. Trung Quốc xích gần lại với Malaysia, cho dù hành động này mang tính cơ hội vì một phần nhờ thủ tướng Najib Razak bị rắc rối với tư pháp Mỹ. Dù vậy họ vẫn gặp trục trặc với Singapore, vốn rất kiên quyết dựa vào nguyên tắc trọng tài. Bắc Kinh trả đũa bằng cách tịch thu các xe bọc thép của Singapore quá cảnh ở Hồng Kông.

Nhìn chung, các quốc gia ven Biển Đông vô cùng thận trọng. Họ không có chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận một sự hiện diện rộng khắp của Trung Quốc. Bắc Kinh tự xây lên các đảo riêng và không sáp nhập các lãnh thổ do các nước khác trấn đóng, trừ bãi cạn Scarborough năm 2012. Thế nhưng họ lại ký thỏa thuận với Philippines về quyền đánh cá. Đó là một động thái chính trị của Bắc Kinh, nhưng không đặt lại vấn đề yêu sách chủ quyền, vốn bất di bất dịch, bất chấp phán quyết trọng tài. Trung Quốc đang trong thế mạnh khi nói rằng không có việc thay đổi nguyên trạng. Sau năm 2012, thực tế không có thay đổi nguyên trạng về lãnh thổ tại Biển Đông, nhưng có sự thay đổi nguyên trạng về quân sự và chiến lược.

Còn người Mỹ thì sao ?

Họ thực sự bối rối. Trung Quốc đã tiến bước một cách hết sức cẩn trọng, chú ý không quân sự hóa trực tiếp các tranh chấp, tránh xâm phạm trực tiếp quyền của các nước láng giềng. Mỹ rất khó ngăn cản các động thái tằm ăn dâu này. Hoa Kỳ có thể tăng cường các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, kể cả khu vực gần các đảo nhân tạo, vốn không được luật pháp quốc tế coi là đảo. Nhưng sự việc dừng lại ở đó. Bắc Kinh để yên cho các hoạt động này, và dù sao đi nữa họ không thể phiêu lưu qua việc đánh lén người Mỹ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nạn nhân của những thí nghiệm chính sách

>> Một Hà Nội vụn vỡ



Hồ Quốc Tuấn/ theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
VNN - Nhiều năm trở lại đây, hệ thống giáo dục đại học và giảng viên đại học ở Việt Nam ngày càng bị chỉ trích nặng nề trên nhiều khía cạnh. Sinh viên ra trường không có việc làm, số bài đăng báo quốc tế của giảng viên thấp, phương pháp giảng dạy lạc hậu trong khi số tiến sĩ, thạc sĩ thì lại tăng cao là một vài trong số đó.

Sinh viên thất nghiệp: tại thầy, tại trò hay tại Nhà nước?

Không ít lần người viết thấy các thảo luận trên các phương tiện truyền thông coi việc sinh viên thất nghiệp hoặc không làm được việc ngay lập tức cho doanh nghiệp là lỗi hoàn toàn của trường đại học Việt Nam hoặc một hệ thống định hướng nghề nghiệp kém từ trung học. Có phải sự thật là như vậy không?

Thất nghiệp trong sinh viên cao là hiện tượng phổ biến hiện nay trên thế giới vì số đào tạo tăng cao trong khi công nghệ đổi mới thường xuyên khiến các công việc truyền thống cần bằng đại học như ngân hàng, kế toán, luật sư, bác sĩ... cũng đổi thay một cách nhanh chóng. Những người “đi học cho có” thì khi ra trường không thể thích ứng được với sự thay đổi.

Có những người đi học đại học kiểu “học đại”, hy vọng ra có việc làm, thì tự nhiên sẽ có những trường đại học không có chất lượng mọc lên đáp ứng yêu cầu đó. Những trường đó cũng chỉ cần một ai đó có một tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ nào đó để đứng lớp lấp đầy chỗ dạy.

Có cầu ắt có cung, nhiều người đi dạy đại học xem đó chỉ là phương tiện kiếm sống hoặc “trạm dừng chân” do biến động của thị trường lao động hoặc thị trường tài chính. Họ cố gắng tồn tại mà không cần nghiên cứu khoa học, chỉ là những cái máy dạy ở những ngôi trường đại học chất lượng kém.

Sự tồn tại của những người dạy đại học như vậy và những sinh viên như vậy bản thân nó là do “lỗi hệ thống” - cho phép mở trường đại học tràn lan và thiếu kiểm tra, giám sát và xử lý các trường kém chất lượng.

Thực tế thì việc sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều một phần không nhỏ còn do định hướng nghề nghiệp sai lầm của gia đình, khi ai cũng ép con phải có bằng đại học, học những ngành thời thượng, bỏ qua những nghề cơ bản mà xã hội luôn cần mà không cần bằng đại học như đầu bếp, sửa chữa điện, nước...

Nhưng cũng không thể hoàn toàn trách nhu cầu học đại học và sau đại học của đại bộ phận gia đình khi mà thực tế thị trường việc làm cho thấy có những việc làm không cần có trình độ đại học nhưng nhà tuyển dụng cũng đòi bằng đại học, nhất là ở những cơ quan công quyền. Cũng không dễ để dự báo ngành nào sẽ tốt trong vài năm nữa.

Thất nghiệp trong sinh viên cao dĩ nhiên có một phần do các chương trình giáo dục đại học và các giảng viên không hoàn thiện, nhưng còn nhiều yếu tố khác chi phối. Sự khác biệt giữa những hệ thống kinh tế và giáo dục thành công và hệ thống thất bại nằm ở chỗ hoặc là gắn đào tạo đại học sát với thực tiễn (chẳng hạn Đức thành công với một số ngành theo cách tiếp cận này, nhưng không phải tất cả các ngành đào tạo, và cách này cũng có mặt trái của nó về chi phí đối với trường đại học và độ linh hoạt), hoặc là tạo ra một hệ thống an sinh xã hội đủ tốt để những người chọn sai nghề có cơ hội chọn lại nghề lần thứ hai.

Ở Việt Nam, chi phí giáo dục cao và thái độ dè bỉu đối với sinh viên thất nghiệp hoặc sinh viên làm trái ngành đào tạo đang đẩy một bộ phận sinh viên thất nghiệp tạm thời thành thất nghiệp vĩnh viễn và lỗi được đổ cho các trường đại học và giảng viên đại học trong khi vai trò của chính sách chi tiêu công, an sinh xã hội, những người cấp phép thành lập trường đại học và những định kiến lạc hậu trong xã hội thì hoàn toàn được phớt lờ.

Người ta đã tìm ra được những “con cừu thế mạng” rất tốt để che giấu cái khuyết tật của hệ thống trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên. Nói cho công bằng, sinh viên thất nghiệp là tại tất cả thầy, trò, gia đình, xã hội và chính sách nhà nước (không chỉ chính sách giáo dục mà còn chính sách kinh tế, khoa học - công nghệ và an sinh xã hội).

“Trò chơi” đếm bài đăng tạp chí ngoại

Trong vài năm gần đây, việc đi “đếm” bài nghiên cứu khoa học đăng tạp chí quốc tế của các trường đại học Việt Nam được xem như một giải pháp cải thiện việc Việt Nam tụt lại phía sau trong nghiên cứu khoa học. Ai không có thì bị cho là nhà khoa học trình độ thấp hoặc không nghiêm túc làm việc.

Một nhà khoa học có một lượng lớn bài đăng tạp chí quốc tế chất lượng cao thì rõ ràng là người làm việc chăm chỉ và tài năng. Nhưng so sánh giữa một người có một lượng lớn bài đăng tạp chí quốc tế chất lượng thấp với một người không có bài nào cả hoặc có một vài bài thôi thì rất dễ có kết luận sai lầm.

Mặt khác, một bài nghiên cứu không đăng tạp chí quốc tế nhưng có đóng góp đáng kể cho chính sách của Việt Nam sẽ bị bỏ qua. Không phải cứ bài nghiên cứu hữu ích cho một nước như Việt Nam là các tạp chí tốt nước ngoài quan tâm, như trong ngành tài chính-kế toán mà người viết nghiên cứu thì do thị trường Việt Nam nhỏ và không có nhiều đặc thù khác vài nước láng giềng, như Trung Quốc, nên số bài đăng dùng dữ liệu Việt Nam trên các tạp chí tốt không nhiều. Một chút khác biệt trong kết quả nghiên cứu có thể là rất quan trọng cho chính sách Việt Nam, nhưng không phải là một cái gì đặc biệt đối với kiến thức chung trên bình diện quốc tế trong mắt của một vài người bình duyệt khó tính. Đó là chưa nói đến một yếu tố quan trọng là người ta không tin vào chất lượng dữ liệu nghiên cứu của Việt Nam.

Những trao đổi với các đồng nghiệp tại Việt Nam cho người viết biết thêm là cách tính điểm hoặc khen thưởng một bài báo khoa học ở một số trường, thậm chí là ở cấp nhà nước, có tính cào bằng giữa những tạp chí tốt nhất và tệ nhất, miễn là chúng là “tạp chí quốc tế” và không may là cùng nằm trong một nhóm xếp hạng nào đó. Trong khi đó, nếu trò chuyện nghiêm túc với những giáo sư có 20-30 năm kinh nghiệm đến từ nhiều nền giáo dục nước ngoài, bạn sẽ thấy có một sự khác biệt lớn trong cách nhìn nhận những bảng xếp hạng tạp chí quốc tế và đa phần họ nhìn nhận rằng có rất nhiều khuyết điểm trong cách đánh giá một cách máy móc chất lượng nghiên cứu như vậy.

Những điều này sẽ dẫn đến việc tôn vinh những người biết cách chơi trò chơi “đăng bài quốc tế” kiểu mới, tương tự như việc người ta kiếm ra một cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài vài năm trước để rồi bây giờ nhiều người bị vạch trần là mua bằng ở những nhà máy sản xuất bằng của nước ngoài.

Thật ra, nguyên nhân sâu xa của sự tụt hậu trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là do khiếm khuyết trong chính sách tài trợ nghiên cứu khoa học và đảm bảo người làm khoa học sống được mà không cần làm “thợ dạy”.

Chừng nào mà chuyện này chưa cải thiện, thì không thể mong giảng viên đại học của Việt Nam có thể thật sự có nhiều bài đăng tạp chí nước ngoài loại tốt và họ lại trở thành nạn nhân của những con số thống kê về tình hình nghiên cứu khoa học của đất nước.

Lời kết

Những phân tích trên đây không phải là lời biện minh cho những đồng nghiệp ở Việt Nam về những kết quả không mấy khả quan của giáo dục đại học. Nhưng tôi hy vọng nó góp một góc nhìn nhỏ mà có thể là còn nhiều thiên lệch của mình vào cuộc tranh luận về đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam. Chúng ta cần có những góc nhìn đa chiều và khách quan để đánh giá đâu là con đường đi hợp lý cho giáo dục đại học tại Việt Nam trong nguồn lực hiện có, chứ không chạy theo những chỉ tiêu hay mô hình máy móc do những người không hiểu rõ về giáo dục đại học Việt Nam và toàn cầu, nhắm mắt du nhập từ nước ngoài những công cụ “quản lý hiện đại”.

Trên hết, cần hết sức thực tế và trung thực với các mục tiêu mà đại học Việt Nam có thể làm được với nguồn lực mà ta có.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Phạm Công Danh: 'Tôi không lấy đồng nào của VNCB'


Cựu Chủ tịch VNCB cho biết đã bán hàng chục căn nhà để duy trì thanh khoản trong thời gian tiếp quản ngân hàng đang ở tình trạng thua lỗ nặng, chứ không lấy đồng nào của nhà băng.

Ngày 17/1, nói lời sau cùng tại phiên xử phúc thẩm, ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB) cảm ơn cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện cho ông chữa bệnh.
Ông mong HĐXX xem xét lại bối cảnh khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB) và quan hệ với ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) là quan hệ vay mượn. Bị cáo cho biết, bản thân tự hào vì kế thừa Tập đoàn Thiên Thanh và xây dựng công ty vững mạnh trong nhiều lĩnh vực. Với mong muốn xây dựng đất nước nên ông đã mua lại Ngân hàng Đại Tín để vực dậy ngân hàng này.
Tuy nhiên, khi tiếp quản ông mới biết ngân hàng đang thua lỗ nặng, 95% nợ xấu không có khả năng thu hồi, luôn đặt dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
ong-pham-cong-danh-toi-khong-lay-dong-nao-cua-vncb
Ông Danh cho rằng không tư lợi một đồng nào tiền của VNCB. Ảnh: H. D. 
"Bị cáo không lường trước được những khó khăn. Bản thân đã bán hàng chục căn nhà để duy trì thanh khoản cho ngân hàng. Bị cáo không lấy bất cứ đồng nào của VNCB", ông nghẹn giọng và mong HĐXX xem xét.
Cựu Chủ tịch VNCB cũng cảm ơn đại diện VKS đã đề nghị truy thu 100% tài sản thiệt hại để khắc phục hậu quả và hiện đã khắc phục được khoảng 72%.
Ông Danh xin lỗi thuộc cấp và gia đình của họ, những người bị liên lụy trong vụ án này. Xin tòa miễm trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt cho cấp dưới vì "họ là những người nỗ lực làm việc nhằm xây dựng ngân hàng chứ không tư lợi".
Nguyên Tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai - bị cáo buộc giúp sức tích cực cho ông Danh - cho biết, suốt 30 tháng kể từ ngày bị bắt luôn đau đáu với những hậu quả gây ra với gia đình, xã hội, bạn bè, đồng nghiệp.
Theo bị cáo, lý do xảy ra vụ án như ngày hôm nay là do ngân hàng trước khi ông Danh tiếp quản nợ xấu quá lớn. Quá trình chuyển giao giữa nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn đại diện và nhóm Thiên Thanh không thành công. Ngân hàng không có nguồn thu nào và chi phí ông Danh bỏ ra chăm sóc khách hàng là quá lớn.
Các bị cáo khác là cựu nhân viên của VNCB cũng cho biết, bản thân không tư lợi trong vụ án, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự.
Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong thời gian tái cơ cấu VNCB, gây thất thoát 9.000 tỷ đồng. Hồi tháng 9, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt ông 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và 26 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và thu hồi các khoản tiền thất thoát để khắc phục thiệt hại. 
Tòa sẽ tuyên án vào ngày 24/1.
Hải Duyên 


Nổ súng trên phố Phan Bội Châu, Hà Nội


Tuổi trẻ
16/01/2017 22:53 GMT+7 

TTO - Hiện cơ quan công an đang phong tỏa hiện trường, tổ chức khám nghiệm, thu thập thông tin điều tra vụ nổ súng xảy ra trên phố Phan Bội Châu, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hiện trường xảy ra vụ nổ súng - Ảnh: Thân Hoàng


Vụ nổ súng xảy ra khoảng 21g đêm 16-1, trước cửa một quán cà phê trên phố Phan Bội Châu. 

Theo những người dân chứng kiến vụ việc, hai thanh niên đang ngồi uống cà phê thì to tiếng với nhau. Khoảng 10 phút sau thì có tiếng súng nổ. 


Sau tiếng nổ thứ nhất, một thanh niên chạy vào phía trong quán, thanh niên còn lại chạy đuổi theo. 

"Tôi nghe 3 tiếng nổ vang lên. Một lúc sau thì thấy một người đàn ông dùng tay ôm phía sườn chạy ra ngoài đường rồi bỏ đi. Người thanh niên còn lại đi ra khỏi quán cà phê rồi cũng đi mất", một người dân kể lại. 

Một vỏ đạn rơi lại trước cửa căn nhà trên phố Phan Bội Châu - Ảnh: Thân Hoàng

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, trước cửa nhà bên cạnh quán cà phê có hai vỏ đạn rơi trước hiên. Một số vật dụng tại quán cà phê bị xáo trộn do người dân hốt hoảng bỏ chạy khi nghe tiếng súng. 

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an quận Hoàn Kiếm đã có mặt tại hiện trường tổ chức khám nghiệm, thu thập thông tin và tổ chức truy bắt đối tượng gây ra vụ nổ súng.

Thân Hoàng


Phần nhận xét hiển thị trên trang

LÀM SAO DỪNG LẠI BÂY GIỜ?


Truyện ngắn của Hồng Giang
Chiều chiều, dọc theo con đường bờ sông tráng nhựa người ta thường bắt gặp một ông lão gầy tong teo, dúm dó, mặt nhăn nhúm đến tội nghiệp.
Ông là một trong những người cao tuổi mê hát chèo ở cái thị trấn này. Người lạ chắc không thể đoán được ông bao nhiêu tuổi với cái hình hài bề ngoài đầy mâu thuẫn của ông.
Người quen thì biết ông đã qua tuổi tám mươi, nếu như gia cảnh an lạc thì đầu năm vừa rồi ông đã khao tuổi thượng thọ rồi.
Con người ta sống được đến cái tuổi ấy là có phúc lớn lắm rồi, cớ sao ông lại luôn than trời, kêu mình bất hạnh?
Ở tuổi ấy, mái tóc ông còn đen, lông mày còn rậm, răng hầu như còn gần đủ, nên mới nói hình dạng bề ngoài nhiều mâu thuẫn.
Ngoài mấy thứ ấy ra, “Các cơ quan đoàn thể” của ông rệu rạo lắm rồi. Chân tay gầy khẳng như các lóng mía, chả thấy da thịt đâu. Đôi mắt và cái mũi lại xuống cấp nghiêm trọng, luôn rỉ thứ nước đùng đục rất hôi. Bộ quần áo trên người dễ đến hàng năm không giặt. Nhìn cái dáng hình tiều tuỵ khốn khổ ấy, thấy ông xách cái mũ bảo hiểm đi đường, có lẽ nhiều người nghĩ ông già này là người cô đơn cô quả, không nơi nương tựa, đang lần hồi kiếm bữa qua ngày?
Gặp xe nào ông cũng vẫy, nhưng chẳng ai dám cho đi, sợ mình làm phúc phải tội. Lỡ ông ngã xuống, các con ông không để cho mình được yên. Chúng đâu có phải người thường? Có chức có quyền cả đấy, toàn là bậc tai mắt trong xã hội, đại diện cho “ngũ liên” : Công, nông, binh, thương, trí ..
Ngay như bản thân ông cũng không phải người vô thừa nhận, ông là ông giáo về hưu, mỗi tháng còn có mấy triệu bạc. Hai ông bà song toàn, sống cả đến ngày nay.
Vườn rộng hàng mấy mẫu, toàn đất thượng đẳng điền. Con cái mỗi đứa một dinh cơ vào loại đàng hoàng nhất nhì trong vùng, con trai con gái hầu hết có ngành nghề hưởng lương nhà nước.
Tính tổng cộng ông có tám người con: Ba trai, năm gái. Như vậy kể về hào con, hào của, ông đều được cả, đâu có kém ai trên đời?
Vậy bảo khổ, không hiểu ông khổ cái nỗi gì? Ông còn bảo ông không bằng anh cu Ất, chữa xe đạp, nhà nó nghèo, nhà ở không bằng cái bếp nhà ông là cớ làm sao?
Ai lạ gì anh cu Ất, quanh năm đào ao, bổ củi thuê? Từ ngày làng lên thị trấn, đất có giá, bán được vài thổ, có tiền, tập tọng xoay ra kinh doanh. Nhưng kinh doanh phải có duyên, có số. Không phải ai đi buôn cũng giàu. Anh buôn thức ăn gia súc, thứ hàng mà khối người nhờ buôn bán nó mà giàu lên, nhưng anh thì lụn bại. Sổ sách luộm thuộm, nhớ nhớ quên quên, cho người ta thiếu chịu, có anh chây bửa không chịu trả .. Tính các nguyên nhân thất thoát thì nhiều lắm. Cộng thêm phần, cả đời đói rách, bỗng chốc có tiền, vợ con đòi ăn đòi tiêu, anh cũng chiều cho thoả thích. Thế là lửa cháy hai đầu, buôn đã lỗ, lại tiêu hoang. Tiền bán đất như là nước lã ra sông, tay trắng hoàn tay trắng.
Nhưng anh Ất không buồn, đời anh khổ mãi quen rồi, lại khổ nữa có làm sao đâu?
Chị Dậu ( Chị Dậu có thật hẳn hoi, chứ không phải chị Dậu nhân vật trong
“Tắt đèn” của Ngô Tất Tố đâu nhé ), lại thân con gà, ra sức bới. Mỗi sáng một thúng bún rối, làm hàng bún riêu kiếm được gạo cho cả nhà. Được cái nết yêu chồng, quý con nên trong nhà lúc nào cũng vui vẻ, yên ắng như ngày mồng một tết. Ngày mà người ta chỉ ở nhà, chỉ nói chuyện vui, không to tiếng cãi cọ vì phải kiêng. Chị chiều anh hết mực, nghe đâu có rượu ngô ngon là mua bằng được về cho chồng.
Chả phải lo nghĩ gì, anh cu Ất làm thêm nghề sửa chữa xe đạp để thiên hạ nhìn vào thấy “có nghành, có nghề”, không phải loại đàn ông ăn nhờ vợ.
Thực ra nghề sửa xe đạp bây giờ đâu còn kiếm được như thời trước, dăm cái nan hoa cũng có tiền ngay?
Xe máy Tàu tràn sang rẻ như bèo, xe đạp mới còn chẳng ai ham, cũ quá người ta bán cho hàng lông gà, sắt vụn, ít khi sửa chữa. Lâu lâu mới kiếm được miếng vá, vài ba ngàn đồng.
Thôi thì ít còn hơn không!
Vả lại, anh là người theo chủ nghĩa lạc quan, coi cái khó, cái khổ như bạn hiền, nên vẫn vui đời!
Chả biết nghe ai xui dục, anh cu Ất dạo này lại sính văn chương chữ nghĩa, thơ ca, hò vè đủ cả.
Lâu lâu có anh nhà thơ ở tỉnh về sửa sang cho vài bài, rồi đem về tỉnh in, anh Ất trở thành “nhân sĩ” của thị trấn này.
Anh còn giỏi chơi đàn Măng đô lin nhất thị trấn. Hễ thị trấn có công việc gì là anh đều có tiết mục “văn nghệ chào mừng”!
Ông giáo Thuần bảo đời anh tươi hơn ông là phải. được cả phần xác lẫn phần hồn .
Không phải như ông ngoài tươi, trong héo, nom bề ngoài thì đỏ mà thực ra chưa chín khi nào, vẫn chát, vẫn chua trong dạ.
Ông với anh cu Ất là chỗ thân tình từ ngày ông hay lui tới chỗ quán anh sửa xe. đã lấy rẻ thì chớ mà lại hết sức ân cần. Nay kể cả lúc không sửa xe nữa vì không đủ sức đi xe đạp, ông vẫn năng qua lại.
Từ ngày anh Ất chuyển sang làm thơ, thì với anh, ông thân lại càng thân. Ông vốn là cộng tác viên nhiều năm nay của một số tờ báo. Từ hồi có phong trào viết về “người tốt việc tốt” ông đã nổi danh rồi.
Sống ở cơ sở, bao nhiêu điều mắt thấy, tai nghe, ông chỉ moniphe một chút là thành những chuyện cảm động, lay chuyển lòng người. Thêm một số bài thơ trên sáu dưới tám, hay thất ngôn tứ tuyệt, ông đã là cây bút có tiếng trong vùng.
Hai người thân nhau là lẽ đương nhiên, như người ta bảo “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Bây giờ nom tiều tuỵ thế, đi đâu trong cái túi ông xách theo cũng có tập bản thảo, một nửa văn xuôi, một nửa thơ ông sáng tác nhiều năm đã qua.
Nhưng chuyện ông bảo ông không bằng anh Ất là cớ làm sao?
Những người sống lâu năm ở cái làng này, khi nó chưa là thị trấn như bây giờ đều biết ông giáo Thuần đã có một thời “vàng son” rất đáng tự hào. Lúc xung quanh còn nhiều người thiếu đói, mặc dù đông con ông vẫn hết sức đàng hoàng. Ông còn cho rằng ý kiến bảo rằng:“Đông con, tất nghèo khó” là ý kiến không mấy chính xác. Đó là ý kiến bao biện của anh đầu óc làm ăn kém sáng suốt, không biết đường dạy bảo con cái. Thực ra nếu biết sai khiến con cái cũng giúp được khối việc.
Sáu bảy tuổi chúng có thể chăn trâu, thả bò. Mười hai tuổi trở lên đã có thể cùng phụ cha mẹ làm vườn. Đứa bé thì trông nhà, quét sân, chăn con lợn con gà. Lớn việc lớn, bé việc bé, không có đứa nào ăn không, ngồi rồi cả! Ông giáo không chỉ nói mà đã làm như thế . Con ông thuộc loại ngoan ngoãn chịu thương chịu khó, chắt chịu, nhặt nhặnh, khéo léo nhất trong làng.
Ông là hiệu trưởng trường cấp hai trường làng, lương nhà giáo bấy giờ chưa cao như bây giờ nhưng ông luôn tìm ra cách thu nhập phụ.
Không phải bằng cách xén vào quỹ “Những khoản chi khác” của nhà trường như một số ông hiệu trưởng thời nay, cứ khai vống lên các khoản chi mua sắm trang thiết bị của trường. Cũng không phải o ép, bẻ hành, bẻ tỏi các thày cô trong trường để ép người ta cung phụng, lo lót mình. Thời đó có muốn làm những việc đó cũng khó. Ngân sách chi cho các trường eo hẹp, có muốn bớt xén cũng chẳng lấy đâu ra mà bớt xén. Còn các thày các cô, ông phải chiều họ như chiều vong, nói nặng với họ là không xong, rắc rối là họ bỏ nghề ngay lập tức vì đồng lương “bèo” quá không đủ tiền mua gạo. Hầu hết các thầy các cô đều phải phát nương trồng ngô, đỗ cải thiện thêm. Thày cô nào nhà có vốn thì mở hàng tạp hoá ngoài chợ, buôn từ cuốn vở đến chai xì dầu, cân cá mắm ..
Ông không làm như họ. Vườn nhà ông rộng, đất lại tốt, ngoài giờ ở trường về, thời giờ còn lại ông dành cả vào đấy.
Cả một vùng chả có mấy người biết trồng rau, chỉ biết sẵn mấy thứ rau rừng, cứ rau bao, rau đay, rau dớn quanh năm. Phần vì bận công việc nương rẫy đồng áng, phần không có kinh nghiệm nên không mấy người làm. Có trồng cũng chỉ đủ nhà ăn, có đâu bán chợ?
Ông giáo là người nhận ra điều ấy, biết đây là lỗ hổng trong cách làm kinh tế của miền đồng rừng. Ông về quê học kinh nghiệm, lấy hạt giống rau về trồng. Quê ông là vùng rau chuyên canh, công cuộc “đưa rau xanh lên núi” nhờ thế đâu có khó khăn gì?
Mùa nào thức đấy. Mùa hè có rau ngót, rau muống, rau rền. Mùa đông có cà chua bắp cải, cà bát. .
Đất ven sông nên việc tưới tắm cũng rất thuận tiện. Rau vườn nhà ông cứ lên ngời ngời . Chỉ qua mấy vụ, hai vợ chồng đã có chút vốn kha khá. Cả nhà hầu như suốt ngày ngoài ruộng rau.
Mấy cô con gái thay nhau sáng chiều ngồi chợ, vì chúng còn đang học không thể ngồi cả ngày.
Ông không dừng lại ở đây.
Làm kinh tế là phải biết lấy ngắn nuôi dài, biết mở rộng sản xuất. Cả khu vườn rộng hàng mẫu, trừ đám trồng rau, trồng màu, ông rào lại, khoanh vùng nuôi gà. Môi trường còn tốt, chưa có dịch bệnh, đàn gà sinh sôi nảy nở, không thể đếm được có bao nhiêu con? Lại thêm phân gà bồi bổ cho đất vốn đã màu mỡ rồi, không tốn tiền mua đạm hay NPK.
Tiến thêm bước nữa, ông mua mấy con bò giống mang về. Đàn bò cũng
“ Không ngừng phát triển” theo tinh thần đi lên của CNXH. Nhà nuôi không xuể vì đàn bò quá đông, không cai quản hết, ông cho làng nuôi chia. Bò cái đẻ cứ hai con ông lấy một ..
Cứ như thế.. Tiền của như nước chảy vào chỗ chũng, ông giàu không nhất thì nhì trong huyện.
Tiếng tăm đồn ra tới tỉnh ngoài, quan hệ vì thế mà ngày càng mở rộng. Quan lớn quan bé cả tỉnh đều thành chỗ thân tình.
Nhưng ông không quá coi trọng cái đó. Danh tiếng là cái đáng quý, đáng trân trọng, nhưng chưa thiết thực, nếu nó chỉ là danh hão.
Quan trọng là biết để cho tiền sinh sôi nảy nở. Ngân hàng chưa có cơ chế cho dân vay tiền rộng rãi thì ông cho vay, thả lãi kiếm lời. Lãi mẹ đẻ lãi con, cộng ra, cộng vào cứ việc sinh sôi nảy nở.
Có tiền, ông có điều kiện cho con ăn học, đứa nào cũng có ngành có nghề. Cái nghề giáo xưa nay mạt nhất, đang được nhà nước quan tâm. Rồi đây sẽ là nghề có tiền mà đỡ vất vả, phơi nắng, phơi sương. Mấy cô con gái ông cho đi học sư phạm bằng hết. Nghề này về lâu về dài có tương lai và nhất là phù hợp với đàn bà con gái. Qua kinh nghiệm bản thân, ông biết chắc là như thế.
Anh con cả học nghề xong, ông lo cho nó đi lao động nước ngoài. Thời ấy, những người khác muốn được vậy có mơ cũng không được! Với ông chỉ trong tầm tay.
Chưa có gia đình nào nền nếp, trong ấm ngoài êm như gia đình ông. Vợ con ông còn đòi hỏi gì nữa mà không quý trọng, yêu kính ông?
Nhưng sự đời không ai biết trước được ngày mai nó sẽ như thế nào?
****
Đã năm sáu giờ chiều, gần tối rồi mà vẫn nắng như đổ lửa. Ông giáo cố gắng lết đôi chân rã rời của mình cho mau về đến nhà. Hôm nay anh cu Ất về tỉnh nhận giải thưởng về bài dự thi viết về nghành giáo dục nên không có nhà. Nếu không ông đã ghé vào đấy, ngồi chơi một lúc cho lại sức. Nhân thể đọc cho anh ta nghe bài thơ ông vừa viết đêm qua. Ông viết bài thơ chủ yếu để giải tỏa tâm trạng của mình với những nỗi đau nhân tình thế thái, nỗi hận với vợ với con, hận với đời, nếu không viết ra, ông sẽ không chịu được.
Ông cũng chẳng vội gì, về nhà lúc này mất điện, nóng như thiêu như đốt, lại không có người trò chuyện thì vội về để làm gì? Hơn nữa mấy hôm nay ông thấy trong người đuối qúa, có muốn vội cũng không được. Nhưng anh Ất không có nhà, ông không muốn vào nhà khác. Ở thị trấn này, xứ u tì quốc tăm tối nhất nước nam từ ngày gia cảnh ông có chuyện lục đục, người ta đã nhìn ông với con mắt khác.
Xưa thì thấy ông từ xa, đã có người cười cười, nói nói, chạy ra đón tay dắt vào, vì khi ấy ông còn có của, cho vay, cho mượn, giúp dập người này người khác. Nay thì họ bơ ông như củ khoai hà, nhìn nhận ông như kẻ sa đoạ, rượu chè.
Bạc, đúng là “Bạc như dân, bất nhân như lính”. Ý nghĩ chua chát thoáng qua trong đầu, làm miệng ông đắng ngắt.
Nhưng cũng chẳng trách họ được, ông biết thằng con trai ông không muốn ông lui tới bất cứ nhà ai ở thị trấn này, chỉ vì ông hay mang chuyện của nó ra than vãn với họ. Mà người ta không muốn mất lòng nó, nó đang là người giữ gìn an ninh trật tự, có một tý chức, tý quyền ở đây. Chả ai muốn nó mất lòng, để ý soi mói đến mình nếu chứa chấp ông hay ông năng lai vãng. Cái thằng con ông sinh ra, nuôi nấng, gây dựng để cho nó có ngày hôm nay. Trong ba đứa con trai, ông vất vả với nó nhiều nhất, cũng là đứa làm ông đau lòng nhất.
Hồi vợ nó bỏ nó, nó chán đời, mấy lần tự vẫn mà không chết. Lần nặng nhất uống thuốc sâu, phải đi bệnh viện rửa ruột, nếu ông không có tiền, làm gì nó còn sống đến ngày hôm nay?
Người ta bảo uống phải thứ thuốc ma quỷ đó, thần kinh bị ảnh hưởng, chẳng đâu muốn nhận nó vào cơ quan nhà nước.
Vậy mà ông chạy chọt, lo liệu mãi nó cũng có chút địa vị. Từ ngày có quy định mới, nó vĩnh viễn hưởng lương nhà nước cho đến già thì về hưu. Hơn cả bí thư, chủ tịch do dân bầu, nếu không trúng chắc cũng về vườn.
Lộc nước như thế, đáng nhẽ nó phải biết ai là người lo cho nó chứ?
Cứ như nó ai người ta vời? Nó tưởng ti toe ba miếng võ “Cứt gà” mà được trọng dụng hay sao? “Nhầm to rồi con ơi! Mày là đứa bất nhân, bất hiếu, rồi đời mày sẽ gặp quả báo thôi con ạ!”
Thằng anh nó, con vợ cầm quyền trong gia đình, đối với ông cũng không hơn gì. Chính nó cũng nhiều lần nói thẳng vào mặt ông :“Ông già rồi mà không đứng đắn, nát rượu, gái gú làm con cái xấu hổ. Bao giờ ông chết tôi chôn, chứ tôi không muốn nhìn thấy ông nữa” .
Ông hận lắm, nó đâu phải người ngoài, không biết chuyện mà kết luận nói với ông những điều như thế ?
Ngày ông với mẹ nó ra toà, nó đâu biết nỗi khổ trong lòng ông? Người ta ở tuổi xưa nay hiếm mà còn phải ra toà ly dị thì có nỗi đau, nỗi nhục nhã nào hơn? Cực chẳng đã ông mới phải làm như vậy. Đâu phải chuyện trai trên dưới dưới gì để chúng mang tai mang tiếng?
Chung quy cũng bởi bà ấy quá đáng quá. Một chuyện hiểu nhầm, có bé xé ra to, lôi kéo cả đàn con lên án ông, coi thường ông, uất ức quá ông mới phải hành xử như vậy.
Ông về dưới Phủ Đoan với bà sau này, tuy không làm đám cưới, nhưng cũng có đăng ký hẳn hoi, cũng có dăm mâm biến báo xóm làng. Đâu phải là chuyện gì mờ ám?
Chẳng qua lấy chỗ dựa lúc tuổi già, đâu còn “nụ cà hoa mướp” gì mà chúng nghĩ ông là người trăng hoa?
Nhà cửa, đất đai, tài sản ông để lại hết cho cho bà ấy và các con, có mang một tý một mảy nào của nhà đi đâu? Chúng nó chẳng thương thì ông tìm đường lo lấy thân ông vậy?
Nhưng nào chúng để cho ông yên? Chúng vu cho người ta là thấy ông có lương hưu, có của dấu ngầm, tìm cách quyến rũ lừa đảo ông, để đến nỗi uất quá người ta chịu không nổi. Bà ấy phải vừa khóc vừa gạt nước mắt nói với ông rằng: “ Thôi ông về trên ấy, thỉnh thoảng tôi lên thăm, chứ ông ở đây các anh các chị ấy làm tôi xấu hổ quá, chết mất ông ạ!”
Rồi chúng bày trò đón rước ông về, bỏ ông ở nhà thằng con bất nhân ông vừa nhắc đến.
Khốn khổ, người già đêm thường ít ngủ.
Ông dậy đi ngoài, nó bảo ông phá rối không cho vợ chồng con cái nó ngủ. Bữa ăn không đứa nào mở mồm ra chào mời ông lấy một câu. Ông bỏ tiền mua rượu bố con cùng uống, nó bảo nó “không thèm, cứ uống cho lắm vào rồi nói bừa nói bãi”
Mỗi tháng ông đưa nó cả hai triệu bạc mà nó không bằng lòng. Nó bảo ông già rồi giữ tiền làm gì? Lại mang cho gái hẳn?
Ối con ơi là con! Ăn tiêu như nhà mày mỗi tháng chi cho bố cũng chỉ đến năm trăm là cùng, bố đưa cho cả hai triệu, mày vẫn chưa cho là đủ ư? Hay là có bao nhiêu phải đưa cả cho mày? Tao còn phải phòng khi ốm đau, lúc khách xa, bạn gần, đi đình đi đám nữa chứ? Chả nhẽ đến lúc đó lại ngửa tay ra xin vợ chồng mày?
Vẫn biết “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” Nhưng đối xử với bố như hiện nay thì con ác, con tệ lắm con ạ!
Răng bố là răng giả, vợ chồng con cái nhà mày cứ mua toàn xương củ chối về gặm với nhau, bố có ăn được miếng nào đâu? Ông bảo cháu bớt một tý nấu cho ông bát cháo, nó vằn mắt :“ Nhà này không có thói nước lọ cơm niêu, ăn ma ăn mọi, có gì cả nhà cùng ăn, đừng có vẽ chuyện”
Vậy thì ông ở với vợ chồng nhà nó sao được? Ông đành dọn đi chỗ khác. May mà gần nhà ông có cái nhà gianh cũ của vợ chồng một anh nghiện siđa mới chết, còn bỏ không, ông nói khó với bố mẹ anh ta cho ở nhờ.
Vợ anh này từ khi chồng chết, chán đời đi đâu biệt tích.. Tình cảnh như thế, người ta chẳng khó dễ với ông làm gì.
Ông ở một mình, đúng là nước lọ cơm niêu, hôm nào khoẻ khoẻ thì tự nấu lấy ăn, hôm nào mệt thì đi ăn quán.
Được cái may, quán xá bây giờ mở rộng, muốn cơm có cơm, muốn cháo có cháo, không như ngày nào, có tiền trong túi mà chịu nhịn đói.
Ông không dám mua nhiều, làng xóm bây giờ loạn lắm, đề đóm, cờ bạc nên xểnh cái gì ra là mất cái đấy. Chổi cùn, rế rách con nghiện nó cũng không tha! Thôi thì cứ mua ít một, hết lại mua.
Vì thế ngày nào cũng phải lếch thếch đi chợ.
Cầu trời cho mạnh chân khoẻ tay, chả biết sống chết lúc nào, đến đâu thì đến!
Ông ngồi dưới tán của cây keo ven đường mà nghĩ lẩn thẩn bấy nhiêu chuyện.. Hai hàng nước mắt tự dưng tràn qua mặt, xuống miệng mặn chát. Chưa bao giờ ông cám cảnh như lúc này.
Người đời thường ao ước sống lâu trăm tuổi. Nhưng sống lâu như thế mà cảnh ngộ như thế này thì sống để làm gì?
Chợt có chiếc xe con đỗ ngay trước mặt. Ông chưa hiểu chuyện gì, đã thấy một người trên xe to béo, phốp pháp, cổ đeo cà vạt đỏ, nhảy xuống. Người đó đi lại phía ông ..
Khách lạ nhìn ông rất lâu, nét mặt anh ta đầy vẻ lưỡng lự, như không tin ở mắt mình. Anh ta đã phải mất mấy tiếng đồng hồ chạy xe vòng vòng hỏi thăm và được người ta chỉ đến chỗ này, chẳng lẽ..?
Ông giáo Thuần cũng ngạc nhiên không kém. Lâu lắm rồi có ai nhìn ông như thế đâu? Với nhiều người, cả đến vợ con ông, đã lâu ông không còn tồn tại trên đời.
Nhưng mà biết đâu được? Sống đến tuổi này, ông biết đời người thật lắm chuyện bất ngờ.
Biết đâu một học trò nào đó của ông ngày trước, bây giờ thành đạt, nhớ đến thầy? Một anh “Va xi li” nào đó thăm thày giáo cũ, như bài văn ông từng giảng cho học trò ngày nào? Hay một nhà từ thiện muốn ra tay giúp đỡ người có hoàn cảnh cơ nhỡ một cách trực tiếp, không muốn qua trung gian vì sợ tiền của mình bỏ ra không đến tay người cần cứu trợ?
Thoáng qua trong đầu ông bao nhiêu giả thiết. Ông định hỏi, chưa kịp mở miệng, người kia lên tiếng:
- Cháu hỏi không phải, cụ có phải là cụ Thuần không ạ?
- Vâng, chính tôi đây, nhưng ông là ai mà lại hỏi thăm tôi?
Người đó vội ôm chầm lấy ông:
- Chú Thuần ơi ! Cháu là Nhân con bố Thìn đây. Sao chú ra nông nỗi này? Cháu về quê, người ta kể chú thím ở trên này đàng hoàng lắm cơ mà ?
Ông giáo đẩy người khách lạ ra một chút để nhìn rõ mặt, chịu, ông chưa đến nỗi lú lẫn nhưng không thể nhận ra anh ta là ai? Nhưng tên người anh ta vừa nhắc đến ông làm sao quên được?
Dù đã năm mươi năm trôi qua, ông vẫn nhớ. Người ấy là anh trai ông, dù có lâu hơn thế cũng không thể quên .. Nhưng nghe nói ông ấy chết từ lâu rồi cơ mà? Cái vóc dáng người trước mặt ông, cả giọng nói như có cái gì giống nhau lắm, thôi đúng rồi ..
Hai chú cháu ôm nhau khóc, đứng lặng hồi lâu. Một già một trẻ, người sang trọng, kẻ bần hàn.
Người cháu nhắc lại câu vừa ban nãy đã hỏi:
- Sao chú lại ra thế này hả chú?
Ông giáo cười, nụ cười đẫm nước mắt :
- Chuyện dài lắm cháu ạ! nói một lúc không hết được. Chỉ tại chú vô phúc, vợ hỏng, con hư mới ra nông nỗi .. Thôi bây giờ vào nhà chú cái đã, chú kể cho con nghe sau, ai lại đứng giữa đường, giữa chợ thế này ?
Người cháu đỡ ông lên xe, ông không quên mang theo cái túi xách lem luốc, anh ta đỡ lấy, giở ra xem: miếng đậu phụ trắng nhợt đã vỡ nát, trộn lẫn gói bún đã nguội ngắt từ bao giờ. Anh bảo ông bỏ lại, ông chần chừ tiếc rẻ, một lúc sau mới chịu vất xuống rãnh nước đang chảy ri rỉ ven đường.
Trước khi nổ máy cho xe chạy anh ta bảo :
- Chú không thể về nhà với bộ dạng thế này được! Bây giờ chú đi với cháu, cháu thuê khách sạn ngoài thành phố, đêm nay chú cháu ta nghỉ ngoài đó. Cháu có mua quần áo biếu chú đây, muốn gì chú cũng phải tắm rửa, thay đồ, mai mới về. Chú là nhà giáo kia mà, ai lại ăn mặc như thế này?
Ông giáo bảo :
- Không cần như thế đâu, “quen sợ dạ, lạ mới sợ áo quần”, ở đây người ta lạ gì chú? Chú cứ mặc như thế này là được rồi. Gặp được cháu là chú mừng rồi!
Anh ta nhất định không nghe, cho xe chạy thẳng ra thành phố. Đi ngang qua nhà mình, ông chỉ cho người cháu thấy ngôi nhà xây của mình, ngôi nhà hai tầng sơn màu vàng nhạt, núp dưới tán cây nom đâu có đến nỗi nào?
Người cháu có vẻ không hiểu những gì đã xảy ra cho người ruột thịt của mình, anh ta chỉ chau mày, không hỏi, cho xe chạy nhanh hơn .
***
Nhà ông phó chủ tịch, kiêm trưởng ban công an thị trấn hôm nay có việc lớn. Xe lớn xe nhỏ đậu thành bãi dài, người ta phải cử cả đội thanh niên bảo vệ tay đeo băng đỏ để hướng dẫn xe vào nơi canh giữ. Người ra vào tấp nập, loa đài inh ỏi. Các bà các cô mặc áo dài, môi son, tay cầm xắc nhỏ.
Các ông mặc com lê, cà vạt, giày da mới.
Đám thanh niên càng nhiều màu vẻ, đương nhiên cả những cô cậu ăn mặc kỳ quặc, tóc xanh, tóc đỏ mà thường ngày ông phó chủ tịch không ưa.
Nhưng hôm nay những việc ấy chẳng ai để tâm đến nữa, đang trong ngày vui mà!
Hai dãy nhà bạt lớn dựng trên bãi đất hôm qua còn trồng ngô, đã lên râu vừa được phá bỏ, san đầm phẳng phiu .
Một chiếc Phông lớn được căng ở rạp chính có hàng chữ mạ vàng “ Lễ mừng thượng thọ cụ Đăng Minh Thuần tám mươi tuổi”. Phía bên trái có bức ảnh ông giáo Thuần chụp bán thân ở tuổi năm mươi, Phô tô sốp kiểu mới, chỉ hao hao giống người thật ngoài đời. Nhưng chuyện ấy không sao, “ Nghệ thuật luôn là thứ làm cho con người ta đẹp thêm lên, có khi còn hơn hẳn đời thường”! Khi treo bức ảnh này lên, mọi người tranh cãi bảo là nó không giống mấy, để treo bức khác, anh cu Ất đã bảo thế và giữ nguyên chủ ý của mình.
Ai cũng cho thế là phải, mà cụ Thuần khi ở tuổi năm mươi cũng đẹp lắm chứ, ai chả có lúc già? Tranh cãi làm gì cho mất công?
Tám người con của cụ, không thiếu một người. Anh cả đang là giám đốc công ty tư nhân có một cái tên rất lạ “ Khai thác tiềm năng và phát triển văn hoá Dân tộc”. Công ty anh đang sưu tầm các loại nhạc cụ ở địa phương về làm mẫu, rồi chế tác mới để kinh doanh.
Thời Du lịch được nâng lên thành ngành công nghiệp không khói, những thứ ấy đang được ưa chuộng. Các Video ghi hình hát then, hát lượn, cả ca trù, hát hầu đồng cũng là mặt hàng bán rất chạy. Vì thế mà công ty ngày càng phát triển.
Hai người em trai đứng kề bên. Ai cũng nét mặt hớn hở, cười nói ân cần bắt tay, đón tiếp khách. Cô gái út là chủ trang trại nuôi đà điểu thay mặt chị em gái đứng ngoài cửa tươi cười hướng dẫn khách vào bàn ngồi. Các cô còn lại người nào việc nấy, vui như ngày hội!
Mà đúng là ngày hội thật, không phải ngày hội làm gì có nhiều hoa tươi, nhiều tiếng cười, nhiều đèn sáng rực rỡ như ngày hôm nay?
Anh Ất được ban tổ chức cử làm MC. Buổi lễ chưa chính thức khai mạc, trong khi chờ đợi anh đang hát một bài nghe rất chi mủi lòng:
“ Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn .. mà chảy ra ..
Là người.. sống ở trên đời .. biết nhớ công cha mẹ,.. mới là người hiền nhân ..
Vì đâu anh nên người tài ba?
Hãy nhớ công sinh thành
Vì Người mà có ta ..a..a”
Tiếp đến là tiết mục chào mừng của các cháu trường mầm non mà cô con gái thứ hai của cụ giáo làm hiệu trưởng. Các cháu mặc đồng phục nom xinh xắn, bó hoa ôm trước ngực, vẻ mặt trong sáng hồn nhiên, ca vang bài “ Cháu yêu bà”. Bài hát tuy không phù hợp lắm vì đây là mừng thọ cụ ông, nhưng mà không sao. Tấm lòng con trẻ, ai lại bắt bẻ bao giờ?
Ông chủ tịch thị trấn hôm nay đích thân thay mặt chính quyền cơ sở, sau lời giới thiệu của anh cu Ất, ông thong thả, bước dõng dạc lên bục có cài sẵn Micơrô, ông dõng dạc tuyên bố khai mạc buổi lễ, hàng tràng vỗ tay vang dội. Người ta để ý thấy cụ giáo Thuần rơm rớm nước mắt khi nghe ông nêu quá trình công tác, cống hiến của cụ trong sự nghiệp “trồng người” của địa phương.
Một cụ đại diện cho người cao tuổi lên nêu lại quá trình giống hệt vị chủ tịch thị trấn một lần nữa, chỉ thêm sau đó cụ đọc tặng một bài thơ có nhan đề là:
“ Niềm vui lúc tuổi già” .
Bài thơ tương đối dài, đại ý là khi người ta về già, người ta nên để cho đầu óc thanh thản, chả tội gì mà lo, chả tội gì mà buồn, quên tuổi tác, quên oán thù và quên bệnh tật, ủng hộ con cháu nó làm công việc xã hội, đừng phàn nàn gì nữa.
Cuộc đời nó thế, con cháu mình nó thế.. Nghĩ ngợi, thắc mắc cũng chẳng giải quyết được việc gì!
Một vị ở trên tỉnh về, vị này đang có cương vị quan trọng nên nói năng kiệm lời.
Vị cám ơn thày giáo cũ, tri ơn công dạy dỗ của thày nên mình mới có ngày hôm nay!
Lại hàng tràng vỗ tay vang dội!
Đáng lẽ như các buổi lễ khao thọ khác, cụ giáo cứ việc ngồi yên một chỗ để mặc cho người ta tán thưởng, chúc tụng mình.
Nhưng trong hoàn cảnh riêng của mình, cụ cảm thấy không nói, không được. Tay cầm mic của cụ run run, cụ cố trấn tĩnh như ngày nào đứng trên bục giảng:
-Kính thưa các cụ, các ông các bà, các vị quan khách đại diện cho các ban ngành của tỉnh, của huyện, của thị trấn .. Tôi vô cùng xúc động trước những tình cảm tốt đẹp của tất thảy quý vị và bà con lối xóm đã dành cho tôi .. Quá trình tham gia công tác xã hội của tôi cũng đạt được một số thành tích. Ban nãy ông chủ tịch thị trấn và cụ hội trưởng hội người cao tuổi đã nói rồi. Tôi xin không nhắc lại nữa. Tôi muốn nói như một chuyện tâm tình với tất cả mọi người có mặt hôm nay ở đây. Có thể sắp tới đây, tôi sẽ phải xa mọi người mãi mãi.. Tôi có người cháu con anh trai tôi, đang định cư ở nước ngoài. Cháu muốn đưa tôi về trông nom từ đường họ Đặng của tôi ở dưới quê, vì hiện nay không có ai có thể làm tốt việc này hơn tôi được..
Vài người ở dưới xì xào :
- À thì ra thế, chả trách có lễ mừng thọ này.. Chắc là ông cháu bỏ tiền ra khao thọ cho chú đây chứ đám con ông ấy nếu muốn thì đã làm từ lâu rồi.
- Suỵt, bé cái mồm chứ, đèn nhà ai rạng nhà ấy, nói thế đến tai ..
- Thì có ai nói sai gì đâu?
- Thôi để yên xem ông cụ còn nói gì nữa kìa.
Giọng cụ giáo nghe chừng đã mệt :
- Làm người ai cũng có lúc thế này, lúc thế khác. Thường thì người ta “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đạy lại”. Tôi thì lại muốn sòng phẳng, thành thật với chính bản thân mình. Tôi cũng không tốt hẳn như mọi người nghĩ đâu. Cũng có lúc cho vay nặng lãi, rồi thương người vô lối như trường hợp cái bà ở dưới phủ Đoan. Hôm nay bà ấy tôi cũng mời, không hiểu vì sao bà ấy không đến. Con người ta đến già thì dở, tôi cũng không phải thần thánh gì, mà bảo sáng suốt mãi được, nhưng lại hay xen kẽ vào công việc xã hội của con cái, nên các con tôi nó ghét. Nhân tiện đây bố xin lỗi các con, tính bố các con không lạ, quan liêu cửa quyền, lợi dụng chức vụ để cầu lợi cho mình là bố không ưa. Có sai là sai ở cái khác chứ không mắc những cái này ..
Đến đây ông phó chủ tịch không chịu được nữa, ông vội chạy lên bục đỡ cụ giáo xuống: “ Bố mệt rồi, bố xuống nghỉ đi, mọi người đang vui”. Cụ giáo nhìn anh con trai thứ cười nhạt: “ Con không muốn thì bố không nói nữa, bố cũng đành thôi vậy”!
Không biết do bị dừng lời đột ngột, hay do cao tuổi không đủ sức ngồi thêm nữa, cụ nhờ người đưa vào trong nghỉ. Hai môi mím chặt, mắt ươn ướt, cụ Thuần không nói thêm lời nào ..
Ngoài rạp, giọng Ất vẫn nói lanh lảnh :
- Vì tuổi cao, sức yếu đáng lẽ cụ giáo còn tâm sự với chúng ta đôi ba câu chuyện trước lúc cụ về xuôi, nhưng do sức khoẻ cụ đã dừng lời .. Một lần nữa thay mặt ban tổ chức cám ơn những lời chí tình của cụ, kính chúc cụ sống lâu trăm tuổi! Sau đây ban tổ chức xin giới thiệu ..
Ông con cả ghé tai bảo ông phó chủ tịch:
- Chú vào xem bảo bọn nó có gì cho mang lên đi, không lôi thôi nữa!
Một lát sau cỗ được bưng lên. Chưa có đám nào cỗ làm to, sang, trọng như đám này!
Người cháu “Việt Kiều yêu nước” nhìn thấy tất cả, nhưng anh ta ngồi im, không nói gì ..
Tiếng hò dô “trăm phần trăm” vang trời.. Bỗng đâu cô gái út hốt hoảng chạy ra ghé tai anh Việt kiều yêu nước:“ Hỏng rồi, anh vào trong nhà xem thế nào?”. Vị Việt kiều phốp pháp vội chạy vào. Ông giáo mắt trợn ngược, trừng trừng toàn lòng trắng. Khóe mép ông xùi bọt trắng như nước miếng cua buổi trưa nắng. Vị thất sắc bảo đứa em:
- Cô ra cho dừng ngay lại, ông nhà mình nguy rồi!
Cô gái út vội chạy ra. Ngoài rạp ồn ào như chợ vỡ. Đang rượu tưng bừng, ngất ngây con gà tây!
Làm sao dừng lại được bây giờ?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Sự trỗi dậy của một thế giới đầy tin thất thiệt


Một trong những phát triển nhiều nổi bật trong năm 2016 và các nền chính trị cực kỳ khác thường là sự xuất hiện của một thế giới với “tin tức giật gân, thất thiệt“, trong đó tất cả các nguồn tin có thẩm quyền trên mạng hầu như đã bị đặt thành vấn đề và thách thức bởi các sự kiện trái ngược về phẩm chất mơ hồ và xuất xứ.
Sự xuất hiện của Internet và World Wide Web trong những năm của thập niên 1990 đã được chào đón như một thời khắc của giải phóng và mang lợi ích cho nền dân chủ toàn thế giới. Thông tin tạo ra một hình thức của quyền lực, và tới một phạm vi mà thông tin đã trở nên rẻ hơn và tiếp cận được nhiều hơn, các công luận dân chủ sẽ có thể tham gia trong các lĩnh vực mà cho đến nay họ đã bị loại trừ.

Trong những năm đầu tiên của thập niên 2000, sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội dường như đã thúc đẩy khuynh hướng này, nó cho phép việc huy động quần chúng châm dầu cho “các cuộc cách mạng màu sắc” dân chủ khác nhau quanh thế giới, từ Ukraina đến Miến Điện (Myanmar) đến Ai Cập. Trong một thế giới của truyền thông đồng đẳng, những người gác cổng cũ của thông tin, mà phần lớn dường như là các quốc gia độc tài áp bức, hiện nay có thể bị phớt lờ.

Trong khi có một số sự thật cho việc tường thuật tích cực này, có một số khác đen tối hơn cũng đang hình thành. Những sức mạnh độc tài cũ đã đáp ứng theo cách biện chứng, như ở Trung Quốc, họ học tập để kiểm soát internet với hàng chục ngàn nhân viên kiểm duyệt, hoặc bằng cách họ tuyển đoàn quân quậy phá và dùng người máy tung các tin xấu tràn ngập qua phương tiện truyền thông xã hội.

Tất cả những khuynh hướng tập hợp nhau trong một cách hữu hình quy mô trong năm 2016, trong những cách làm nối kết các vấn đề ngoại vụ và nội chính. Các tay gian giảo đầu não của các phương tiện truyền thông xã hội. Chính quyền của họ đã đưa ra các loại tin thất thiệt trắng trợn thành những “sự kiện” như những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraina đối xử khắc nghiệt với trẻ em, hoặc là quân đội của chính phủ Ukraine bắn hạ máy bay Flight 17 của Malaysia Airlines vào năm 2014. Những nguồn tin tương tự như vậy đã đóng góp vào các cuộc tranh luận về tình hình độc lập của Scotland, Brexit, và cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan về Hiệp định Kết hợp của khối Liên Âu với Ukraine, khuyếch đại bất kỳ sự kiện mơ hồ nào mà nó sẽ làm suy yếu lực lượng ủng hộ cho khối Liên Âu.

Các cường quốc độc tài sử dụng tin tức xấu như một vũ khí đã là đủ xấu, nhưng việc thực hành đã bắt rễ mạnh nhất là lúc trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Tất cả các chính trị gia nói dối, hoặc nói một cách độ lượng hơn, họ vặn vẹo sự thật vì lợi ích riêng; nhưng Donald Trump đã thực hành nó lên đến một tầm cao mới chưa từng có. Điều này bắt đầu cách đây vài năm với việc đề cao của ông ta về “nơi sinh quán là chính,” ông ta cáo buộc Tổng thống Barack Obama là người đã không sinh ra ở nước Mỹ; Trump tiếp tục tuyên truyền các cáo buộc, ngay cả sau khi Obama trưng ra giấy khai sinh cho thấy rằng ông sinh ra ở nước Mỹ.

Trong các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ gần đây, Trump khẳng định rằng ông chưa bao giờ ủng hộ chiến tranh Iraq và không bao giờ gọi biến đổi khí hậu là trò bịp. Sau cuộc bầu cử, ông xác quyết rằng ông đã thắng ngay cả những phiếu phổ thông (mà ông đã thua hơn hai triệu phiếu), bởi vì bỏ phiếu gian lận. Đây không chỉ đơn giản là chuyện đánh bóng cho các sự kiện, nhưng các sự dối trá hiển nhiên mà sự sai trái có thể dễ dàng được chứng minh. Việc ông khẳng định các dối trá này đã là đủ xấu; nhưng tồi tệ hơn là dường như là ông không chịu hình phạt từ các cử tri đảng Cộng Hòa vì sự xuyên tạc quá mức và được lặp đi lặp lại.

Theo như quyền tự do thông tin cổ vũ, liều thuốc điều trị cổ truyền cho tin tức xấu chỉ đơn giản là trưng dẫn những tin tức tốt, mà nó sẽ thu hút tột đỉnh trong thị trường của tư tưởng. Thật không may, giải pháp này không hữu hiệu trong một thế giới truyền thông xã hội của các giới quậy phá và ngưới máy. Có nhiều ước tính cho rằng có từ một phần ba đến một phần tư người sử dụng Twitter rơi vào loại này. Internet được cho là giải phóng cho chúng ta thoát khỏi những người gác cổng; và thực vậy, hiện nay, thông tin đến với chúng ta từ tất cả các nguồn có thể có, tất cả với mức độ khả tín như nhau. Không có lý do gì để nghĩ rằng tin tức tốt sẽ thắng tin tức xấu.

Điều này làm nổi bật một vấn đề nghiêm trọng hơn là sự dối trá của cá nhân và ảnh hưởng của họ về kết quả bầu cử. Tại sao chúng ta tin vào thẩm quyền, mức độ khả tín của bất kỳ sự kiện nào, đứng trước vấn đề là có rất ít người trong chúng ta đang có khả năng để xác minh hầu hết các sự kiện này? Lý do là có nhiều định chế trung dung được giao nhiệm vụ tạo ra thông tin trung thực mà chúng ta tin tưởng. Người Mỹ có được các thống kê tội phạm từ Bộ Tư pháp Mỹ, và dữ liệu về tình trạng thất nghiệp từ Cơ quan Thống kê Lao động.

Thực vậy, các cơ sở truyền thông dòng chính như New York Times đã thiên vị khi chống Trump, nhưng họ có các hệ thống tại chỗ để ngăn chặn các sai lầm thực tế nghiêm trọng khi nó xuất hiện trong báo của họ. Tôi ngờ vực một cách nghiêm túc rằng các cơ quan thông tấn Matt Drudge hoặc Breitbart có các đạo quân kiểm tra sự kiện, xác minh tính chính xác của các tài liệu đăng trên trang web của họ.

Ngược lại, trong thế giới của Trump, mọi thứ là chính trị hoá. Trong diễn tiến của chiến dịch tranh cử, ông cho rằng Janet Yellen giám đốc Cơ quan Dự trữ Liên Bang đã làm việc cho chiến dịch của Hillary Clinton, cuộc bầu cử sẽ gian lận, các nguồn tin chính thức đã cố tình tường thuật không đầy đủ về tội phạm, và FBI từ chối truy tố Clinton phản ánh chuyện tham nhũng của Giám đốc FBI James Comey. Trump cũng không chấp nhận thẩm quyền của các cơ quan tình báo cáo buộc Nga thâm nhập hệ thống máy tính của trụ sở Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ. Và tất nhiên, Trump và người ủng hộ ông đã gièm pha cuồng nhiệt tất cả các báo cáo của các “truyền thông dòng chính” là thiên vị trong vô vọng.

Tình trạng bất khả đồng thuận về các sự kiện cơ bản nhất là sản phẩm trực tiếp của một cuộc tấn công toàn diện trên các định chế dân chủ – ở Mỹ, ở Anh và trên toàn thế giới. Và đây là nơi mà các nền dân chủ đang gặp phải các rắc rối. Trên thực tế, tại Mỹ, các định chế đang suy sụp, đó là nơi mà các nhóm lợi ích đầy quyền thế có thể tự bảo vệ thông qua một hệ thống tài trợ cho chiến dịch tranh cử một cách không giới hạn. Địa điểm chính của sự suy sụp này là Quốc Hội, và phần lớn các hành vi xấu này là hợp pháp và phổ biến. Vì vậy, giới bình dân có quyền nổi giận.

Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của Mỹ đã thay đổi nền tảng với một niềm tin chung rằng tất cả mọi thứ là gian lận hay chính trị hoá và hối lộ trắng trợn là tràn lan. Nếu các cơ quan thẩm quyền về bầu cử xác nhận rằng ứng cử viên được yêu chuộng không phải là người chiến thắng, hoặc là nếu các ứng cử viên khác dường như thành công hơn trong cuộc tranh luận, nó phải là kết quả của một âm mưu xây dựng bởi các phe khác để làm nhũng lạm kết quả. Khi tin là người ta có thể mua chuộc được tất cả các định chế, nó sẽ dẫn đến một ngõ cụt làm mất niềm tin chung. Nền dân chủ của Mỹ, tất cả các nền dân chủ, sẽ không sống sót việc thiếu niềm tin vào khả năng của các định chế trung dung; thay vào đó, đấu tranh chính trị qua đảng phái sẽ thâm nhập trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tác giả: Francis Fukuyama -
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
* Francis Fukuyama là Chuyên gia cao cấo tại Đại học Stanford và là Giám đốc Trung tâm Dân chủ, Phát triển, và Pháp quyền tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli. Tác phẩm mới nhất của ông là Political Order and Political Decay.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tết của nông dân nghèo


Thông tín viên Việt Nam, 2017-01-11 -  Một nông dân xác định tết năm nay sẽ không được như trước: “Tệ hơn năm rồi là cái chắc rồi. Mọi năm thì mua quà mua đồ cho con, năm nay thôi chế con ơi năm nay tệ quá, sang năm đi… nói chung Tết mình có nhiều thì ăn nhiều có ít thì ăn ít. Giờ 1 ký thịt heo cũng được rồi”.

Cảnh đồng quê miền Bắc.
Còn chưa đầy tháng nữa là đến Tết Âm lịch mà theo truyền thống Việt Nam ai cũng phải sắm sửa chí ít mâm cơm để cúng ‘ông bà’ những người đã khuất; đồng thời lo cho con, cháu bộ quần áo, đôi dép mới… Đối với người nông dân khó khăn vì mùa màng thất bát thì số chi phí cho dịp tết đến cũng là một nỗi lo toan lúc này của họ.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian qua khiến cuộc sống của người nông dân trồng lúa đã vất và thêm phần cơ cực vì bốn bề khó khăn vây bủa.

Hai vụ trước mất hết, đặt cược hên xui vào mùa vụ này mong kiếm được ít gạo cho gia đình chứ không còn cách nào khác. Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết:

“Năm nay người ta mần 2 vụ nhiều lắm, …mọi năm mần 3 vụ năm nay mần hai vụ…”

“3 vụ là hên xui, cũng như vụ này là vụ thứ 3 nè, nhiều khi xạ xuống hổng biết có ăn…nước mặn vô nó cháy khô luôn nó nằm đâu có trổ nổi đâu”

“Một công ruộng là phải 1 triệu rưỡi, … một mẫu mình mất 15 triệu đó. Nếu mà không có thu hoạch thì mất …”.

Ông Sang ở ruộng cạnh bên cũng không tránh khỏi sự mất mát trong những mùa vừa rồi. Ông nói:

“Giờ tính ra tui thất 15 bao lúa. Nguyên vuông lớn này tui bán 6 triệu, tính ra 1 triệu rưỡi một công á. …Còn có tiền công, tiền máy xới, rồi tiền bồ phóng, cho nên bây giờ tính ra là…lời đôi ba trăm ngàn là cao à”.

Không làm ba vụ lúa nữa, một số nông dân chuyển sang canh tác hoa màu; và đây là hướng được giới chuyên gia khuyến khích lâu nay.

“Năm rồi thất mùa nó không có đạt, lúa phóng (một) công có mấy bao à. Năm nay mới đổi qua trồng bắp…tại mình thất mùa mới đổi qua hoa màu…chứ làm lúa có ăn đâu. Lúa xuất khẩu bán rẻ rề, lúa bán là không có lời, lỗ luôn đó, như vụ này lỗ mấy trăm ngàn đó…”

Những người mất mùa nặng, dù được chính quyền hỗ trợ nhưng số tiền đó chỉ như mưa rào đồng cạn:

“Nói chung là năm rồi nhà nước cũng có ủng hộ… một công 2 trăm ngàn. 2 trăm ngàn đó thiếu tiền giống nữa chứ giải quyết được gì…”

Gia đình nông dân chị Thơ, anh Thịnh cùng hai con nhỏ ở thị trấn Tân Hòa vất vả nuôi con nhỏ lại còn bị thất mùa.

“Như của người ta vậy nè, cái mình mướn mình làm…mình không có tiền mua ruộng á. Rồi người ta cho mướn mình làm mình kiếm lúa ăn. Năm vừa rồi là thất luôn.”

Nhiều nông dân phải bán đất đi làm công cho người khác để kiếm ăn hay có thể phải chuyển nghề như trường hợp chồng chị Thơ “Nhờ hổm nay ổng đi vác lúa có tiền á, mần xong vác lúa không có tiền chắc mai mốt ra biển người ta có cào nghêu đi cào nghêu, không thì đi làm hồ… Nói chung có con tốn tiền đủ thứ…”

Khoảng 3 tháng cày sâu cuốc bẫm, may lắm thì không lỗ tiền chi phí; còn lại không thu được gì mà phải thâm tiền vốn mua cây giống cùng các chi phí khác. Một nông dân xác định tết năm nay sẽ không được như trước:

“Tệ hơn năm rồi là cái chắc rồi. Mọi năm thì mua quà mua đồ cho con, năm nay thôi chế con ơi năm nay tệ quá, sang năm đi…nói chung Tết mình có nhiều thì ăn nhiều có ít thì ăn ít. Giờ 1 ký thịt heo cũng được rồi”.

Những người nông dân mà chúng tôi tiếp xúc cho biết trong những năm trở lại đây, Tết Âm lịch đối với họ chỉ còn ngày mồng một lo cúng ông bà, chứ sang ngày mồng hai, mồng ba có người phải ra đồng làm việc rồi. Tất cả trở lại như ngày thường.


Phần nhận xét hiển thị trên trang