Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Cuba của Fidel

Mạnh Kim
Đã có những bài viết nhìn lại thành tựu “xây dựng XHCN” của Fidel Castro. Việc Cuba có một chính sách giáo dục miễn phí “tuyệt vời” luôn được nhắc lại như một trong những ưu điểm nổi trội của đất nước này. Tuy nhiên, người ta không đặt ra một câu hỏi liên quan: tại sao nền giáo dục ấy không mang lại sự thịnh vượng cho đất nước Cuba? Cuba có một “nền y học xuất sắc” nhưng tại sao Cuba chỉ “xuất khẩu” được các bác sĩ thay vì có những công trình nghiên cứu cách mạng đột phá đóng góp cho y học thế giới? Để có cái nhìn rõ hơn, thử so sánh Cuba với Singapore, hay chính xác hơn là so sánh Fidel Castro với Lý Quang Diệu (ông Lý chết năm 2015 khi 91 tuổi; Fidel mới chết khi 90 tuổi).
Cả Fidel và Lý đều lên nắm quyền cùng năm 1959, thời điểm mà Cuba giàu hơn Singapore. Trong khi Singapore là một thương cảng nghèo, Cuba đã nổi tiếng với nền công nghiệp du lịch và giàu tài nguyên. Đó là thời điểm Cuba xếp hạng năm khu vực về thu nhập đầu người, hạng ba về tuổi thọ, hạng hai tỷ lệ đầu người sở hữu xe hơi, và hạng nhất về tỷ lệ đầu người sở hữu tivi. Sau hơn nửa thế kỷ, sự khác biệt giữa Cuba và Singapore chẳng có gì để bàn cãi. Nó cho thấy sự thành công và thất bại giữa hai mô hình kinh tế: kinh tế tập trung và thị trường tự do. Nó cũng cho thấy sự thất bại và thành công giữa hai mô hình chính trị: XHCN và tư bản tự do.
Năm 1959, khi Fidel lên nắm quyền, GDP đầu người Cuba là khoảng 2.067 USD/năm, so với 3.239 USD của Puerto Rico. Đến 1999, 40 năm sau, GDP Cuba gần như giậm chân tại chỗ với 2.307 USD; trong khi đó Puerto Rico là 13.738 USD. Từ 1965 đến 1990, năm mà họ Lý rời ghế thủ tướng, GDP Singapore tăng 2.800%, từ 500 USD lên 14.500 USD. Trong khi đó, Cuba dưới sự cai trị độc tài của Fidel, kinh tế quốc gia suy tàn, doanh nghiệp tư nhân bị xóa sổ và tỷ lệ nghèo vọt lên 26%. Chuẩn sống trung bình người dân tệ hơn trước thời Liên Xô sụp đổ. Tính đến năm 2015, trong số 11,3 triệu người Cuba, chỉ 5 triệu (không đến 45% dân số) là tham gia lực lượng lao động. Với Singapore (5,4 triệu dân), lực lượng lao động chiếm hơn 3,4 triệu người!

Xét về các chính sách thị trường tự do, Singapore hạng nhất thế giới trong danh sách các quốc gia có chính sách ưu đãi doanh nghiệp do Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) xếp chọn. Tính đến năm 2015, Singapore đứng thứ hai liên tiếp trong 4 năm trong danh sách các quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới bình chọn. Tổ chức Heritage xếp Singapore hạng nhì thế giới trong danh sách Chỉ số tự do kinh tế 2015 (Index of Economic Freedom-IEF). Trong khi đó, Cuba được xếp hạng 177 trong danh sách IEF và bị đánh giá là nước có nền kinh tế “ít tự do nhất trong 29 quốc gia khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ và Caribê”. Cuba thậm chí không được xếp hạng trong danh sách 189 nền kinh tế của World Bank Group.
Người dân Cuba, với cái bụng lép, trong nhiều thập niên, vẫn phải gượng sức hô to những khẩu hiệu sáo rỗng và lặp đi lặp lại như cái máy hát rằng “XHCN là ưu việt”, là “con đường tất yếu của thời đại”, là “xu thế của loài người văn minh”. Tuy nhiên, Fidel đã thiết kế một mô hình xã hội khác khá xa với văn minh loài người. Ở đất nước ông, người dân không phải đóng thuế bất động sản hoặc trả tiền lãi cho nhà mua góp nhưng người dân cũng không được phép xây ngôi nhà của chính mình (mãi đến năm 2010 họ mới được phép làm điều này!). Ở đất nước ông, học sinh được miễn phí đi học. Tuy nhiên, miễn phí giáo dục không đồng nghĩa với tự do trong giáo dục và tự do trong tư duy.
Mãi đến năm 2008, Raúl Castro mới đề cập một “chủ trương” “chưa từng có” trước đó: lần đầu tiên, việc mua máy tính, đầu máy DVD và lò viba là có thể được hợp pháp hóa! Đó cũng là năm mà người dân Cuba được phép sử dụng điện thoại di động... Cuộc cách mạng “chấn động địa cầu” của Fidel đã đóng một dấu ấn lịch sử chính trị thế giới và nó ít nhiều từng “gây cảm hứng” cho một thế hệ “sôi sục cách mạng” của thời ông, nhưng di sản cai trị của ông đã để lại quá nhiều hậu quả bi thảm mà ảnh hưởng của nó không chỉ đối với một thế hệ người dân Cuba. Ông có thể được các “đồng chí XHCN” của ông nhìn nhận như là một nhân vật “tiên phong cách mạng” nhưng ông thật ra là một trong những người đi chậm nhất, lạc hậu nhất, và bảo thủ nhất, ngay cả trong chính thời đại của mình.
Nguồn: FB Mạnh Kim

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

♥ Hoa Kỳ Khẳng Định : Tập Cận Bình là chủ tịch cuối cùng Trung Quốc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHIỀU VĂN XƯƠNG CÁC - thơ Bế Kiến Quốc





Bạn văn đưa tới gác Văn Xương
Nguyệt quế trong chiều phảng phất hương
Nhắc lại câu thơ từ thuở cũ
Buồn như thoáng lạnh giữa xanh vườn

Thuở ấy non sông lâm trận giặc
Pháo mã bâng khuâng lạc thế cờ
Vua thì nhu nhược, triều đình nát
Lòng ai trung nghĩa hoá bơ vơ

Sĩ phu trằn trọc trong cơn loạn
Ba, bảy con đường - biết chọn đâu
Đúng, sai - ai tính cho tròn vẹn
Chưa kịp từ quan đã bạc đầu

Bạn bè tự hỏi Văn Xương Các
Ngọn đèn tâm sự thức qua đêm
Thời cuộc liệu còn thay đổi được
Mà lấy văn chương gửi nỗi niềm?

Câu thơ thuở ấy - tấc lòng son
Lay động muôn đời lớp cháu con
Còn mãi Văn Xương lầu gỗ nhỏ
Giữ lại tình ai với nước non...

Vĩnh Long, 20-5-1986

*Tác giả Bế Kiến Quốc đã mất. 
Chú thích: Văn Xương các còn có tên Thơ lầu, Tụy Văn lâu và có lúc dân gian còn gọi thêm cái tên: đền Phan Thanh Giản, nằm trong khu vực Văn Thánh miếu, nơi thờ Ðức Khổng Tử tại làng Long Hồ, nay thuộc phường 4 thị xã Vĩnh Long. Theo tài liệu của anh Việt Chung Tử, được biết, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Ðông: Biên Hoà, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường (1859) và cuộc điều đình xin chuộc lại 3 tỉnh miền Ðông của vua Tự Ðức triều Nguyễn do Phan Thanh Giản cầm đầu đoàn sứ sang Pháp bị thất bại (1863), thực dân Pháp bắt đầu đặt guồng máy cai trị trên phần đất chiếm đóng.
Nhận thấy miền Ðông đã rơi vào thực dân Pháp, Văn Thánh miếu ở Gia Ðịnh, nơi tiêu biểu cho văn hoá phía Nam bị Pháp khống chế và Bạch Mai Thi Xã do Tôn Thọ Tường thao túng. Lúc bấy giờ, các sĩ phu và người dân yêu nước tị địa về 3 tỉnh miền Tây còn lại. Với tinh thần bất khuất quyết giữ gìn mảnh đất còn lại làm chỗ dựa cho lòng yêu nước của toàn dân về mặt văn hoá, phát huy các đức tính: trung cang, nghĩa khí, mà Khổng giáo là tư tưởng chính thống lúc bấy giờ, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản cùng Huấn đạo Nguyễn Thông và sự góp sức của các cựu trào 3 tỉnh Vĩnh Long (các quan phủ, huyện, thương biện, cử nhơn, tú tài, học sinh, hội biện và hương chức làng xã các địa phương...), An Giang (Án sát sứ Phạm Hữu Chánh - có tài liệu gọi là Phạm Viết Chánh), Hà Tiên (Tuần vũ Lê Nguyễn)... xây cất một Văn Thánh miếu mới ở Vĩnh Long, khởi công từ năm Giáp tí 1864 đến năm Bính dần 1866 mới hoàn thành. Trong khu vực Văn Thánh miếu vừa xây cất có cất thêm một Thơ lầu còn gọi là Tụy Văn lâu, nơi chứa sách, đọc thơ và bình văn. Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông đóng vai trò là những chủ soái về mặt văn hoá và văn học trong vùng. Về sau khu vực nầy xứng đáng mang biểu tượng văn học vùng đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: tại đây)

.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Việt - Chúng ta là ai?


Trải qua 1000 năm Bắc thuộc, dù có bị Hán hóa đến đâu, dân Việt vẫn cứ là dân Việt, không thay đổi. Hơn 80 năm Pháp thuộc, tốc độ Tây hóa ở Việt Nam nhanh chóng mặt, nhưng dân Việt vẫn cứ là dân Việt, không thay đổi. Vậy thì tại sao ở trong bối cảnh ngày nay chúng ta lại phải đối mặt với việc mất bản sắc đến thế và thực ra chúng ta đang thật sự dần mất đi bản sắc. 
Nhìn lại 60 năm gần đây, ta có thể thấy rằng, liên tiếp những lý tưởng về sự đại đồng tràn vào Việt Nam, trước là Chủ nghĩa Cộng Sản kiểu Liên Xô, sau là chủ nghĩa Toàn cầu với xu hướng Toàn cầu Hóa kiểu Hoa Kỳ, quá hấp dẫn, đến mức dân tộc Việt Nam dần dần quên mất mình là ai.

So với vấn đề Hán hóa hay Tây hóa, vốn đi kèm với việc các cường quốc áp bức dân ta, vậy nên, chính trong sự áp bức này, những tinh hoa của dân tộc Việt lại đâm chồi và nở rộ. Nhưng với những lý tưởng đại đồng và toàn cầu, chúng ta lại không hề có một chút đề phòng, sẵn sàng chấp nhận và nghĩ rằng đó là cơ hội để thúc đẩy tiến bộ nhân loại. Nhưng chúng ta đã nhầm lẫn, đại đồng và toàn cầu, không có nghĩa rằng chúng ta sẽ vứt bỏ hoàn toàn bản chất của mình để tự biến mình theo khuôn mẫu nào đó. Đây là một nhầm lẫn đáng nực cười, bởi mọi lý tưởng tốt đẹp thật sự không yêu cầu chúng ta phải vứt bỏ bản thân mình mà tạo ra một cơ hội cho mỗi người có thể đóng góp cho tiến bộ nhân loại bằng chính khả năng và lợi thế thật sự của mình. Nhưng nếu chúng ta đánh mất đi bản thân mình, thì làm sao chúng ta biết được đâu là lợi thế?

Người Việt ta không có thói quen đặt câu hỏi “Ta là ai?”. Khi đối mặt với Hán hóa và Pháp hóa, người Việt lại đang sống trong chính bản chất của mình một cách cách tự nhiên. Nhưng sau một thời gian chối bỏ bản chất của mình không thành, chúng ta lại chuyển sang sự hoang mang, và một trạng thái tâm lý mới xuất hiện: Phủ nhận những đặc tính của người Việt và coi rằng những đặc tính đó khiến đất nước ta lỗi thời, lạc hậu và kém cỏi, khiến đất nước ta trở thành một đất nước man di cần được giáo hóa. Và những chiến lược cải tạo dân Việt bắt chước kiểu mẫu con người của phương Tây (được coi là văn minh hơn nhờ vào tiến bộ về khoa học kỹ thuật) được thực hiện bởi chính những người Việt tự vỗ ngực xưng mình là cấp tiến. Chỉ đến khi nhiều mô hình thất bại, chúng ta mới thấy có gì đó không ổn, mới bắt đầu đi tìm bản tính người Việt, nhưng chúng ta đã quên mất nó, chỉ còn lưu lại những ấn tượng về “người Việt xấu xí”. Hậu quả của việc này khiến cho chúng ta lựa chọn sai các mô hình, tính toán sai các chính sách, dự đoán sai về xu hướng xã hội và hoàn toàn mất tự chủ trong đường lối xây dựng đất nước và phát triển dân tộc, hôm nay theo hướng này, mai theo hướng khác mà vẫn không có hướng nào là đúng đắn.

Đã đến lúc chúng ta xác định xem bản tính của chúng ta là gì, dân tộc chúng ta có sứ mệnh như thế nào với nhân loại. Bởi nếu không có sứ mệnh ấy, có thể chúng ta đã trở thành một bộ phận của Trung Quốc từ cách đây 2000 năm rồi, chứ không phải còn có cơ hội ngồi đây và chê bai dân Việt.

Đi tìm bản tính người Việt

Bản tính của một dân tộc không phải văn hóa của một dân tộc, nó ở một tầng sâu hơn thế. Levi Strauss cho rằng “văn hóa là tất cả những gì chúng ta có được từ truyền thống bên ngoài… là toàn bộ những tập tục, tín ngưỡng, những thiết chế như nghệ thuật, pháp luật, tôn giáo, các kỹ thuật trong đời sống vật chất, tóm lại, đó là tất cả những thói quen hoặc kỹ năng mà con người học được với tư cách là một thành viên trong xã hội.”. Còn N. Berdyaev khẳng định “Chúng ta nói “văn hóa tinh thần” chứ không nói “văn minh tinh thần”. Văn minh có nghĩa là một thang bậc lớn hơn nữa của khách thể hóa và xã hội hóa, còn văn hóa thì gắn nhiều hơn với bản diện cá nhân và tinh thần”. Hai quan điểm trên hoàn toàn hợp lý, nhưng quan điểm định nghĩa của Levi Strauss chỉ ta thấy cái bề mặt của văn hóa, còn quan điểm của N.Berdyaev dẫn ta đi vào một tầng sâu hơn, tìm về “bản diện cá nhân và tinh thần”, mà bài viết này gọi tắt là “bản tính dân tộc”.

Văn hóa của một dân tộc được quyết định bởi bản tính của dân tộc ấy. Vậy bản tính dân tộc gồm những khía cạnh nào và do những nhân tố nào quyết định? Hãy thử soi chiếu vào cá nhân của một người, bản tính của chúng ta thể hiện ở những khía cạnh: tư duy, cảm xúc và tham vọng. Một dân tộc cũng vậy, bởi dân tộc là tập hợp của rất nhiều cá nhân có chung một nền văn hóa, nên hẳn rằng có những bản tính chung, những cách thức tư duy chung, trạng thái cảm xúc chung và những tham vọng chung. Nhưng điều gì hình thành nên bản tính ấy? Đó chính là điều kiện sống và khả năng sinh tồn của một dân tộc trước mọi biến thiên của tự nhiên cũng như thời đại.

Nguồn gốc xuất xứ của dân Việt khá phức tạp do quá trình di dân liên tục trong lịch sử, bao gồm nhiều tộc Việt khác nhau. Nhưng cho dù di dân từ đâu đến, dù là người Chăm bị cúng nạp hay người Hán xuống đây sinh sống, ở lẫn với người Việt, thì họ cũng phải chịu chung những biến cố với người Việt và dần dần, cảm xúc, tư duy thay đổi theo hướng Việt hóa. Thế nên, một dòng họ dù xuất phát từ đâu, khi ở lâu đời với người Việt cũng trở thành một bộ phận của dân tộc Việt. Màu sắc bên ngoài có thể khác nhau, nhưng các trạng thái tâm lý có nhiều điểm tương đồng.

Người Việt định cư ở vùng đồng bằng sông Hồng, vốn là dải đồng bằng nhỏ hẹp, nhiều vùng chiêm trũng, không bằng phẳng và bị chia cắt.Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tâm lý tiểu nông, tức là lối tư duy ngắn hạn và thực dụng. Người nông dân xưa chỉ quen cày cuốc trên mảnh đất nhỏ của mình, vừa đủ ăn, ít tham vọng mở rộng và phát triển. Không giống như ở châu Âu và Mỹ vốn là những đồng cỏ rộng, yêu cầu phát triển thiết bị kỹ thuật trở thành cấp thiết để có thể canh tác rộng hơn. Mặc dù ruộng nhỏ hẹp, nhưng đất đai phù sa sông Hồng lại màu mỡ khiến cho người nông dân có thể thực hiện thâm canh và xen canh. Lâu dần, hình thành cho người nông dân Việt khả năng tư duy tích hợp, có nghĩa là kết hợp thực hiện nhiều nhân tố khác nhau vào làm một để đạt được mục đích mình mong muốn. Chỉ đến khi di dân vào miền Nam với đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, cách tư duy này trở nên không cần thiết nữa. Đó là lý do tại sao người miền Nam dễ dàng tiếp thu các yếu tố phương Tây hơn người miền Bắc.

Giao thương buôn bán thời cổ ở Việt Nam chủ yếu bằng thuyền, do các vùng của đồng bằng Sông Hồng bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt. Việc đi lại bằng thuyền dậy cho người Việt bài học: nên biết xuôi chiều. Các cụ xưa có câu chúc “xuôi chèo mát mái” có lẽ là ẩn chứa kinh nghiệm dân gian này. Bởi thế người Việt luôn hướng tới sự đồng thuận, khi mọi thứ đều thuận thì qua đó mượn lực mà đẩy lên. Trong lịch sử không có nhiều người có xu hướng đột phá hay đi ngược dòng, bởi tận sâu bên trong, ai cũng hiểu rằng “bơi ngược dòng thì khả năng sẽ bị nước nhấn chìm”.

Khu vực địa lý chúng ta đang sinh sống là một khu vực đầy biến động, giông bão triền miên, lại liên tục bị phương Bắc xâm lược, một nỗi lo thường trực luôn ám ảnh dân tộc ta: nỗi lo sinh tồn. Đối mặt với quá nhiều biến thiên, người Việt không tội gì giữ gìn những thứ cồng kềnh và không cần thiết, khi thời đại thay đổi, những gì không còn có lợi cho sự sinh tồn nữa thì chúng ta sẵn sàng vứt bỏ. Bởi thế người ta nói người Việt hay thay đổi, hôm nay thế này ngày mai thế khác, nhưng nhìn một cách tích cực, đây là khả năng buông bỏ, không bám chấp nằm trong tận bản chất mà các nước phương Tây hay Trung Quốc còn phải học mà khó thực hiện được.

Hơn nữa, việc đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa, cộng thêm tâm lý xuôi chiều, người Việt luôn đề cao sự đồng thuận chung. Thay vì cố gắng thuyết phục hoặc tìm mọi mưu kế để đạt được mục đích, người Việt với nhau luôn có cách giải quyết mỗi bên nhường nhau một tí và cuối cùng đi đến kết cả là “hòa cả làng”. Ở thời Lý Trần, hiện tượng Tam giáo đồng nguyên là một biểu hiện của tâm lý “hòa cả làng” này. Thay vì xung đột giữa các tôn giáo giống như Châu Âu hay Ấn Độ, những người tu hành và tín đồ thuộc Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo ở Đại Việt thời đó chọn lựa phương án tìm ra điểmchung của các tôn giáo này và cùng nhau tạo ảnh hưởng lên tâm thức người Việt, và kể cả người nào chịu ảnh hưởng cùng lúc cả 3 tôn giáo cũng không thấy vấn đề gì.

Trạng thái cảm xúc ưa thích nhất của người Việt là cười vui. Không phải những cơn hưng phấn đầy kích thích của kẻ chinh phục, mà là trạng thái cười vui an lạc. Cho dù trong bất cứ trạng thái nào, người Việt cũng tìm cách để cười, dù cười để châm biếm hay để nghịch ngợm thì tựu chung lại vẫn là nụ cười. Đó là lý do tại sao người Việt thích truyện cười đến thế, thích tấu hài đến thế và tại sao hay lê la tán chuyện phiếm ở quán trà, quán rượu. Vui cười giúp người Việt yên tâm chờ đợi, ẩn mình, kiên trì đối mặt với khó khăn.

Với tình trạng sống như vậy, ta có thể thấy rằng người Việt không có tham vọng gì lớn lao, chỉ cần một cuộc sống an nhàn, no đủ. Mọi mong muốn khám phá, mở rộng lãnh thổ cũng chỉ vì dân số tăng và cần giải quyết vấn đề đất ở cũng như lương thực, thực phẩm. Hiểu biết về vũ trụ và thế giới cũng chỉ để ứng dụng thiết thực vào cuộc sống, như anh nông dân xưa “trông trời, trông đất, trông mây” cũng chỉ để có một vụ mùa bội thu. Những khám phá thỏa mãn sự hiểu biết của bản thân thuần túy có vẻ như là một điều xa lạ với người Việt.

Tất cả các cách thức tư duy và cảm xúc đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay dù cho chiến lược “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” không thích hợp chút nào với các đặc tính của người Việt. “Công nghiệp hóa” có thể dễ dàng thực hiện ở miền Nam, vì “Công nghiệp hóa” là sử dụng máy móc tạo ra các sản phẩm hàng loạt và đạt cùng tiêu chuẩn, rất phù hợp với người dân đồng bằng Nam Bộ đã quen với việc thu hoạch những sản lượng lớn và nhanh chóng. Người dân Bắc không có nhu cầu sản lượng lớn (và thực ra cũng không quá cần), cái họ cần là chất lượng. Thay vì chất lượng đồng đều, sản phẩm miền Bắc đưa ra thường hoặc cực tốt hoặc cực kém. Và nếu áp dụng công nghiệp hóa vào miền Bắc thì từ trước đến nay thường dẫn đến kém đồng đều nhiều hơn là tốt đồng đều. Có lẽ không nên lan man về chi tiết này, tôi chỉ muốn nói rằng các đặc tính của người Việt bị dè bỉu nặng nề nhất chính bởi nó rất khó thích nghi với “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nhưng, vấn đề đặt ra là, “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” có phải con đường duy nhất để phát triển đất nước?

Thời đại mới và những lợi thế

Từ khi có Internet, thế giới đã thay đổi rất nhiều. Lưu lượng và số lượng thông tin khổng lồ đã tạo nên kỷ nguyên thông tin, khi thông tin là quyền lực, mà một luồng thông tin đưa ra có thể sẽ tạo ra hiệu ứng domino. Hệ thống quyền lực trên thế giới trở nên lung lay, biến động xảy ra liên tục, các mô hình cũ không còn hiệu quả. Nhân loại đang phải đối mặt với một thế giới hoàn toàn bất định và không thể dự đoán. Điều này hoàn toàn trái ngược với thế kỷ 19-20, khi sản xuất công nghiệp là tối quan trọng. Việc sản xuất công nghiệp tầm cỡ lớn đòi hỏi một mô hình và quy trình chặt chẽ, tức là cần các thiết chế vững chắc và lâu dài. Việc thay đổi thiết chế sẽ tạo ra sự thay đổi hàng loạt trong kinh tế và xã hội. Dù cho có chiến tranh, thì con người ở thế giới hiện đại vẫn ở trong một thế giới ổn định, bởi những biến cố diễn ra khá chậm và cơ cấu xã hội cũng như nhận thức đều được cấu trúc gọn gàng. Thật không dễ dàng gì cho những quốc gia hiện đại đối mặt với thế giới bất định của thời đại mới, nhưng đó lại là cơ hội cho chúng ta – một dân tộc đã quen với sự bất định.

Bản tính hay thay đổi giúp chúng ta không bị bám víu quá nhiều những thứ không cần thiết. Khả năng tích hợp giúp chúng ta luôn cởi mở học tập cái mới mà không bị bất cứ định kiến nào. Với một thế giới bất định, việc con người phải luôn tiếp thu và thích ứng với cái mới lại trở thành một nhu cầu cấp thiết. Hơn thế nữa, do lưu lượng thông tin trao đổi liên tục, dần dần, các lĩnh vực không còn giữ nguyên vị trí của mình nữa mà bắt đầu tạo ra thế liên ngành. Tức là không còn dạng “một nghề cho chín” nữa, bởi một nghề có thể sẽ không giúp chúng ta giải quyết một vấn đề nào đó, mà cần sự liên kết của “chín nghề” (nói một cách hình ảnh). Cụ thể hơn, khi một người có kiến thức của nhiều mảng khác nhau lại có thể đưa ra giải pháp hiệu quả và thiết thực hơn là chỉ bằng một chuyên ngành.

Thế giới đã qua giai đoạn khám phá: khám phá vũ trụ, khám phá lòng đại dương, khám phá rừng già… những khám phá ấy vô cùng quan trọng, thế nhưng giờ đây loài người phải đối mặt với những nguy cơ sát sườn hơn như biến đổi khí hậu, thiếu năng lượng và thiếu lương thực… Những thời điểm như thế này, lối tư duy thực dụng của người Việt ta lại trở thành lợi thế. Không thể nhập nhằng giữa mong muốn khám phá của bản thân để thể hiện cái tôi và việc hi sinh cái tôi để giải quyết khó khăn của cộng đồng chung được. Rất hiếm khi hai cái đó đi đôi với nhau. Chúng ta không phát minh ra bom nguyên tử hay máy tính, nhưng nếu bạn tìm hiểu kỹ lịch sử khoa học, bạn sẽ biết rằng Việt Nam có 1 phát minh vô cùng quan trọng đã giải quyết được cốt lõi của nạn thiếu lương thực thế kỷ 20, đó là giống lúa lùn của giáo sư Lương Đình Của, đã tạo ra cuộc Cách mạng Xanh nổi tiếng.

Khi thế giới cổ vũ đa nguyên, mà có muốn không đa nguyên cũng không được, do tốc độ giao thương buôn bán và truyền tải thông tin nhanh chóng, khả năng đồng thuận và tích hợp của người Việt trở thành yếu tố cần thiết để tạo ra không khí hòa bình trong đất nước cũng như với các nước khác trên thế giới.

Ở trên mới chỉ là những nét phác thảo qua về bản tính người Việt, để tìm hiểu sâu hơn cần các chuyên gia và các học giả có bề dầy kinh nghiệm cũng như vốn sống nhiều hơn tôi. Tuy nhiên, tôi tin rằng từ tất cả những điều đó, nếu suy tưởng về một nước Việt Nam được xây dựng dựa trên các đặc tính của dân tộc, ta có thể thấy rằng không phải là không thể. Đó là dĩ nhiên, người Việt phải được giải phóng hoàn toàn bản tính của mình, không để bị nỗi sợ trước sức mạnh quân sự, kinh tế và khoa học kỹ thuật của các cường quốc làm cho mờ mắt. Khi nhìn nhận đúng bản tính của mình, nhìn nhận đúng xu hướng phát triển của thời đại, chúng ta sẽ biết chủ động lựa chọn cho mình những gì cần thiết để dân tộc trường tồn, đất nước phát triển.

Hà Thủy Nguyên
(Bookhunterclub)
http://www.tienbo.org/2016/11/nguoi-viet-chung-ta-la-ai.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

BÁO CÁO “TOÀN CẢNH THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG” MIỀN TRUNG




BÁO CÁO “TOÀN CẢNH THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG” 
ĐẾN VỚI NGƯ DÂN MIỀN TRUNG

FB Green Trees
25-11-2016

Những ngày qua, một số đại diện của nhóm Green Trees đã đến Hà Tĩnh và Nghệ An để trao tận tay báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển miền Trung” cho ngư dân – những người chịu thiệt hại nặng nề nhất từ thảm họa này. 


Đây là những đại diện cho hơn 10.000 thành viên của Green Trees, và cũng là đồng tác giả của báo cáo.

Tình hình môi trường ở các tỉnh miền Trung vẫn không có gì tiến triển. Mặc dù ông Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà mới đây tuyên bố “biển đã sạch”, nhưng ngư dân không nhận thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ điều đó. Hàng chục chiếc ghe vẫn phủ vải nằm im trên bãi. Ngư dân gần như đã bỏ biển.

Ông Lê Xuân Thế (xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, từ khi thảm họa xảy ra (được tính là từ ngày 6/4/2016), ông chỉ đi biển có… ba lần, mà đi là do quá nhớ biển, nhớ nghề, chứ không phải do còn hy vọng đánh bắt được cá.

Có vài ngư dân khác thỉnh thoảng cũng đi biển, nhưng số lượng hải sản đánh bắt được rất ít, theo ghi nhận của chúng tôi. Họ đã phải bắt đến cả cá con, mực con, điều này đe dọa khả năng phục hồi của các loại sinh vật biển. Ở trong một ghe, giữa lèo tèo vài con cá, chúng tôi đã trông thấy một cá mập con, dài chỉ chừng 60cm.

THỊ TRƯỜNG TÊ LIỆT

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất chưa phải là không còn hải sản để đánh bắt, mà là hải sản mang về hầu như không bán được vì không còn ai tiêu thụ. Cũng vấn có một số tư thương vẫn đến mua của bà con, nhưng họ ép giá rất mạnh. Ví dụ như ghẹ, trước khi có thảm họa, giá có thể lên tới 400.000 đến 500.000 đồng/kg thì giờ chỉ còn trên dưới 100.000 đồng. Số hải sản đó được họ chuyển đi đâu sau khi mua và xử lý như thế nào, cũng không ai biết.

Nhìn bãi biển vắng tanh vắng ngắt và các mâm cơm không có cá, các thành viên của Green Trees hiểu rằng: Nghề đánh bắt, kinh doanh hải sản ở các vùng biển một thời rất giàu tôm cá, nay đã chết. Nghề này chỉ có thể sống lại khi thị trường hải sản đã được khơi thông, mà thị trường hải sản thì chỉ có thể được khơi thông khi người mua, người bán tin chắc là biển đã sạch. Niềm tin đó giờ ở đâu?

Không chỉ nghề đánh bắt hải sản, các nghề khác có liên quan đến biển như kinh doanh du lịch, làm muối, làm sỏi… cũng đều bế tắc. Dân bỏ nghề, ruộng muối bỏ không, nhà nghỉ, khách sạn ế khách.

Bốn tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của thảm họa đều là địa phương có biển, tỷ lệ sinh rất cao (vì đặc thù của nghề đi biển là tiêu hao sức lao động, cần lao động nam). Mỗi hộ gia đình đều sinh trung bình 6 – 7 con, nhà nào hiếm lắm thì 3 – 4 con. Thảm họa vừa qua đã làm số thanh niên trai tráng thất nghiệp, bỏ biển tăng vọt. Họ ở nhà chơi cả ngày. Có một số tìm đến lối thoát khác, là theo tàu đánh bắt xa bờ ở miền Nam, hoặc trốn sang Lào, Campuchia, Thái Lan làm thuê (nhập cư bất hợp pháp).

Hoàng Tiến Sỹ, một ngư dân trẻ, là người đã từng lái tàu đưa các tác giả báo cáo ra gần nơi Formosa xây cảng nước sâu Sơn Dương vào tháng 8 vừa qua. Em cho biết, đó là lần đầu tiên em đi biển kể từ xảy ra thảm họa. Mới đây, lúc nhóm gặp lại em là lúc em đang ngồi chơi trước cổng nhà. Em nói: “Mọi việc vẫn thế”, và tỏ ra rất vui khi được Green Trees ký tặng một cuốn báo cáo.

BỒI THƯỜNG KHÔNG THỎA ĐÁNG

Liên quan đến khoản bồi thường 500 triệu USD của Formosa, chính quyền xã Kỳ Lợi đã tiến hành thống kê thiệt hại của người dân theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 19/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chưa có hộ nào được chi trả. Xin lưu ý “Ngay cả khi được bồi thường, thì thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa cũng chỉ là sáu tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016”.

Còn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chính quyền đã và đang trả tiền bồi thường cho dân. Tuy nhiên, phần lớn cư dân bị áp một mức chung là 17.460.000 đồng cho cả sáu tháng. Trong khi đó, theo kê khai của ngư dân, trước khi xảy ra thảm họa, thu nhập của họ đạt trung bình 2 triệu đồng/ngày.

Mức bồi thường không thỏa đáng đang gây bức xúc cho rất nhiều người dân.

Bản báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển” của nhóm Green Trees được xuất bản vào đầu tháng 10, bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Đài Loan.

Green Trees đã gửi báo cáo đến Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, và hai bộ Tài nguyên – Môi trường, Thông tin-Truyền thông, nhưng không nhận được phản hồi nào từ đó đến nay.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Từ mối nguy TPP thất bại, nỗi lo hẫng hụt động lực cải cách


(Dân trí) - Khi không có TPP, điều lo ngại nhất không phải là sự hẫng hụt về tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, mà chính là sự hẫng hụt về động lực cải cách thể chế kinh tế. Câu hỏi khắc khoải nhất mà các chuyên gia kinh tế thường nói những ngày này là “không có sức ép từ TPP, động lực cải cách có giảm đi?”

.


(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cách đây vài hôm, Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ rút khỏi TPP với quan điểm “nước Mỹ trên hết” và niềm tin rằng, việc rút khỏi TPP sẽ giúp người Mỹ có nhiều việc làm hơn.
Thực ra, không phải chờ đến bây giờ mà ngay từ khi ông Trump bắt đầu chiếm lợi thế trong phiên kiểm phiếu, kịch bản này đã được đoán trước, rằng TPP sẽ không có Mỹ, ít ra là dưới thời Trump. Thị trường tài chính toàn cầu đảo lộn, riêng tại Việt Nam, VN-Index lao dốc mất tới 15 điểm.
Chúng ta đang lo sợ điều gì? Rằng TPP không được thông qua thì hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ khó khăn hơn? Chẳng phải chúng ta vẫn đang mở cửa với 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hàng Việt vẫn đang xuất khẩu rất mạnh sang Mỹ và các nước trong TPP đấy thôi? TPP chưa đi vào hiện thực nên những gì chúng ta “mất” về thương mại chỉ là sự “mất mát trên kỳ vọng”:
Nhẽ ra, GDP có thể tăng 10% vào 2020 và xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng hơn 28% vào năm 2025…nếu có TPP. Ngành dệt may và giày dép hỉ hả. TPP chiếm đến 40% kinh tế toàn cầu, nên khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội tích cực cho Việt Nam cũng như các thành viên khác.
Nhưng điều tốt nhất mà TPP mang lại cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam không phải là thương mại. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng cho biết, cái quan trọng ngoài thương mại của TPP chính là trợ giúp, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị và sân chơi giữa các nước lớn và các nước nhỏ thông qua một cơ chế phẳng về luật pháp, hành chính công và cạnh tranh... Điều này được kỳ vọng sẽ giúp các nước có thể chế kinh tế yếu hơn, sửa đổi, thích ứng với các thể chế kinh tế hiện đại bậc nhất thế giới như Mỹ, Nhật, Singapore...
Chính vì vậy, khi không có TPP, điều lo ngại nhất không phải là sự hẫng hụt về tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, mà chính là sự hẫng hụt về động lực cải cách thể chế kinh tế. Câu hỏi khắc khoải nhất mà các chuyên gia kinh tế thường nói những ngày này là “không có sức ép từ TPP, động lực cải cách có giảm đi?”.
Đây không phải là lo lắng vu vơ. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái nói: “Nếu không có ai phản đối, chứng tỏ đó là một cải cách tồi. Nếu cải cách mà lặng lẽ, yên ả thì có nghĩa là chưa thực sự cải cách, mới nói miệng về cải cách thôi”. Nôm na rằng, bất kỳ sự cải cách thực chất nào cũng sẽ vấp phải các thế lực chống đối, cũng sẽ có những người “phản cải cách”.
Câu nói đó của ông Blair tiếp tục được cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh nhắc lại nhiều lần sau đó. Tại buổi trả lời phỏng vấn Dân trí trước thời điểm nghỉ hưu, ông Vinh chia sẻ: “Nếu mọi việc vẫn như cũ thì người ta việc gì phải phản ứng? Nhưng ở đây là đụng đến lợi ích ngành này, mất quyền ngành kia, cá nhân này thì mất lợi ích, nhóm lợi ích kia thì mất quyền lợi. Minh bạch ra thì nhiều người không còn lợi dụng được kẽ hở để tư lợi nữa…Tất nhiên họ phải phản ứng”.
Rõ ràng, lực cản cải cách, lực cản tái cơ cấu là hiện hữu, hiện hữu từ chính trong con người làm nên bộ máy, từ đâu đó còn một số vị lãnh đạo còn nuối tiếc lợi ích, vẫn thèm muốn “leo cao chui sâu” cho đến những công chức, viên chức chưa sẵn sàng lột bỏ tư duy cũ để thực hiện đúng nghĩa tinh thần phục vụ, phụng sự nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo để lay chuyển cả bộ máy. Điều này càng cần thiết trong kịch bản không có TPP, tức là một khi không có động lực từ TPP thì nội tại đất nước cần phải tự đặt ra yêu cầu cải cách và Chính phủ hoàn toàn có khả năng để thay đổi, để cải cách và hội nhập. Vấn đề nằm ở hành động mạnh mẽ của những người đứng đầu, liệu có thể loại bỏ được những cá nhân, những thế lực “phản cải cách” khỏi bộ máy hay không.
Như ông Blair từng góp ý rằng: “Chúng tôi thấy không cần phải nhiều người cải cách mà là cần đúng người, đúng vị trí để khi cần có thể vượt qua”.
Bích Diệp
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tất cả đều xoàng, không trừ ai?


ĐÔI ĐIỀU VỚI ANH LÊ PHÚ KHẢI

Nhà báo Lê Phú Khải. Ảnh: internet
Anh Lê Phú Khải vừa xuất bản cuốn hồi ký LỜI AI ĐIẾU tại Hoa Kỳ. Tôi chưa có cuốn sách trong tay, chỉ đọc vài đoạn trích trên mạng anh viết về làng báo Việt Nam. Thật tình tôi cảm thấy ghê tởm, ghê tởm vì ngòi bút của anh quá dơ bẩn. Xin trích ra đây một đoạn anh viết về Nguyễn Công Khế:
Tôi rất hối hận về sự ngu ngơ của mình (từ ngu ngơ là từ của nhà văn Dương Thu Hương dùng để chỉ quần chúng ngu ngơ, bị lừa bịp)! Tôi cũng rất phẫn nộ với Nguyễn Công Khế khi được cán bộ lãnh đạo của Đài cho biết như thế. Tôi đem chuyện này than phiền với các đồng nghiệp báo chí ở Sài Gòn. Một người bạn tôi mắng tôi là thằng ngu vì không biết gì về Nguyễn Công Khế cả. Anh còn cho biết Khế luôn dùng tờ báo của mình để gây thanh thế, chẳng hạn y cho phóng viên của báo đi viết về tiêu cực, nhung khi vụ việc có liên quan đến một ông lớn nào đó. Ví dụ, đồng chí X xưa kia ở tỉnh Y, nay đã lên trung ương làm đến Bộ Chính trị mà bài viết có dính líu đến đồng chí đó khi còn ở địa phương thì Khế không đăng mà gửi bài cho đồng chí ấy biết “để giữ uy tín” cho lãnh đạo, thế là đồng chí X đã “mắc nợ” Khế.
Khi báo Thanh Niên tổ chức một cuộc thi hoa hậu nào đó, Khế gửi giấy mời, thế là đồng chí ấy, dù là Chủ tịch nước cũng phải đến dự tận quê Khế ở Miền Trung xa xôi!!! Một tờ báo hạng B mà Bộ Chính trị phải đến dự thì uy tín của Khế lên như diều. Cứ thế mà Khế “ra roi”, cứ thế mà dọa nạt thiên hạ để tống tiền. Trong cái mớ bòng bong của một xã hội được gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Khế cứ thế mà vơ vét.
Anh bạn tôi kết luận: Nguyễn Công Khế là “tên lưu manh ngang tầm thời đại”! Nhà thơ L đi viếng mẹ của Nguyễn Công Khế mất vào tháng 9 năm 2007 về, hốt hoảng nói với tôi, đám tang còn hơn cả tỷ phú bên Mỹ có mẹ mất. Giàu có không bút nào tả xiết, xe du lịch đời mới đỗ dài cả cây số. Cái “cảm tạ” của báo Thanh Niên ra ngày 5.9.2007 của gia đình Khế về cái mất của cụ bà Lê Thị Liễu, 79 tuổi đã gây chấn động dư luận. Trang mạng của báo TN đăng lên đã bị các trang “lề trái” ném đá dữ dội, vội vàng phải gỡ xuống, nhưng trang 10 báo in ngày 5.9.2007 kín cả trang còn đó. Xin bạn đọc hãy thử lướt qua danh sách gần 200 cá nhân và các đơn vị (được đăng gộp)… “đã đến thăm viếng, giúp đỡ, chia buồn và tiễn đưa linh cữu” như báo đã đưa gồm: Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng CP, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và gia đình, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CP và gia đình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, ông Hồ Đức Việt, Ủy viên BCT, trưởng ban Tổ chức trung ương, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên BCT, Bí thư thành ủy TPHCM và gia đình rồi còn cả ông Thống đốc Ngân hành nhà nước, các bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh, các cơ quan báo chí, các nghệ sĩ, các Hội v.v và v.v.
Những người đứng đầu bộ máy cai trị đồ sộ của chế độ toàn trị đã đến “thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa…” cụ bà Lê Thị Liễu. Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế.
Có thể nói, đây là đám tang mẹ một Tổng biên tập một tờ báo ngành của một nước nhỏ nhưng “vĩ đại” nhất hành tinh, chưa hề thấy trong lịch sử báo chí nhân loại. Trong chế độ toàn trị, một tổng biên tập chỉ cần không chống chế độ, không nói ngược với đường lối của Đảng cầm quyền, biết luồn lách, biết dùng tờ báo của mình để nịnh bợ, dọa nạt và khống chế, biết té nước theo mưa, biết gió chiều nào che chiều ấy, giả vờ chống tham nhũng thì anh ta kiếm bẫm hơn bất cứ nhà buôn nào, có thế lực như một “ông vua không ngai”. Cứ xem danh sách những người đến viếng mẹ anh ta thì thấy. Nếu xét về mặt nào đó thì đây còn hơn quốc tang!
Trước hết phải nói rằng Lê Phú Khải luôn tỏ ra trân trọng tôi, anh khen ngợi tôi hết lời và chủ động gọi điện thoại gặp tôi, anh dành cho tôi những lời tâng bốc mà tôi cảm thấy ái ngại. Ví dụ như có lần anh gọi điện hỏi tôi có đi dự đại hội nhà văn không, tôi nói không, anh bảo tôi nên đi để ứng cử vào BCH, anh nói “Cỡ ông phải làm phó chủ tịch phụ trách phía nam mới xứng đáng. . .”, Những lần tình cờ gặp nhau, anh tay bắt mặt mừng và luôn dành cho tôi những lời tâng bốc trước đám đông làm tôi thấy ngượng nên cố né tránh anh.
Ở đời, có những người quý tôi nhưng tôi không thể quý họ. Và ngược lại, có những người xem thường tôi nhưng tôi rất quý trọng họ. Với anh Lê Phú Khải, tôi không quý trọng anh là vì những năm tháng làm việc ở ĐBSCL, đi nhiều nơi, tôi nghe nhiều quan chức và doanh nghiệp kể về anh những câu chuyện làm tôi “ớn ớn”. Nhưng tôi để bụng, không nói ra.
Nay tình cờ đọc những trang hồi ký của anh viết về đồng nghiệp, có cái gì đó buộc tôi phải viết những dòng nầy.
Anh Khải ạ!
Khi về già, người ta hay viết hồi ký. Nhưng phần lớn là sự chiêm nghiệm, những trang hồi ức rất nhân văn, đậm chất tình người và thân phận con người. Đó là những gì lắng lại ở một tâm hồn nhân ái của kẻ đi qua suốt một cuộc đời với những va chạm ngọt bùi cay đắng.
Nhưng đọc những trang viết của anh – Một nhà báo lớn tuổi – tôi không hề thấy câu chữ nào toát lên lòng nhân ái mà toàn là những lời độc ác. Anh bôi nhọ bạn bè đồng nghiệp của anh, anh trét cứt lên mặt họ một cách cố ý bạo tàn.
Tôi không có ý bênh vực họ, bởi những câu chuyện mà tôi nghe người nầy người kia kể về họ ở miền tây còn nhiều hơn, xấu xa hơn những câu chuyện mà anh viết. Trong đó có cả anh. Nếu tôi viết về những chiêu kiếm tiền của anh qua lời kể của các quan chức và doanh nghiệp ở ĐBSCL chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn anh viết về họ rất nhiều. Nhưng tôi không làm điều đó. Trong nghề báo, mặc dù tôi nhỏ hơn anh cả tuổi đời lẩn tuổi nghề, nhưng tôi có một nguyên tắc là không bao giờ nói xấu người nầy qua lời kể của người kia. Còn anh, trong mở đầu câu chuyện về anh Khế, anh tự nhận là anh không biết gì về anh Khế mà chỉ nghe người khác kể lại. Thế rồi anh lôi ra hàng loạt câu chuện để mạt sát người ta. Anh là ai mà tự cho mình cái quyền lớn lao như thế?
Anh cho rằng những trang hồi ký của anh là những LỜI AI ĐIẾU cho một nền báo chí nô bộc. Anh tưởng đó là một phát hiện vĩ đại chăng? Xin lỗi anh! Ai mà chẳng biết điều đó, thậm chí người ta còn biết nhiều và biết sâu hơn anh nữa. Anh miệt thị đồng nghiệp sao anh không soi rọi lại chính mình? Những bài viết của anh tập hợp lại rôi tìm tài trợ của chỗ nầy chỗ nọ để in lại thành sách đó, anh đọc lại đi! Cả cuộc đời cầm bút của anh có phải chính anh là một trong những người đi tiên phong trong nền báo chí mà anh cho là nô bộc nầy chăng?
Anh đừng tưởng anh bôi xấu, anh mạt sát đồng nghiệp của anh để chứng tỏ rằng anh trong sạch. Anh đã sai lầm. Mà sai lầm ở chữ nghĩa của một kẻ cuối đời thì vô phương cứu chữa.
_____

TRÍCH HỒI KÝ LỜI AI ĐIẾU CỦA LÊ PHÚ KHẢI

25-11-2016
Khi Hồng Vinh đi vận động tranh cử Quốc hội tại Cần Thơ, đã cho Phan Huy, tức “Huy cá vồ” đang làm Trưởng cơ quan đại diện của báo Nhân Dân tại đây đi tháp tùng và nhờ “Huy cá vồ” lăng-xê mình trước cử tri. Ông Sáu Phan nói với tôi: Đồng bào Cần Thơ vốn rất ghét Phan Huy vì những “thành tích” của ông ta nên ghét luôn cả Hồng Vinh. Ảnh Hồng Vinh trong danh sách ứng cử viên quốc hội dán ở các nơi bị cử tri khoét mắt!
Sở dĩ ở Cần Thơ người ta ghét nhà báo Phan Huy vì ở chỗ nào có ăn là anh ta có mặt. Tôi đã chứng kiến một chuyện chết cười về “Huy cá vồ”. Hôm đó, Đài TNVN có tổ chức một cuộc họp quan trọng ở Cần Thơ, chủ trì là Tổng Giám đốc Trần Mai Hạnh, vừa trúng ủy viên trung ương khóa 8. Nghe hơi Hạnh mới lên quan to, Huy lần tới, với tư cách Trưởng đại diện báo ND tại Cần Thơ, Huy mời Hạnh đi ăn tiệc. Cuộc đi có cả Đào Quang Cường, giám đốc cơ quan thường trú Đài TNVN tại TPHCM, Nguyễn Hồng Quang, Trưởng Đại diện Truyền hình VN tại Cần Thơ.
Lúc đi, giám đốc Cường rủ tôi cùng đi, ông nói: Hôm nay Phan Huy mời ông Hạnh, mời cả tôi, anh đi với tôi. Dĩ nhiên là tôi không bao giờ đi vì còn lạ gì Phan Huy. Sau bữa tiệc, về đến khách sạn, Cường chửi ầm lên: Hôm nay bị một bữa xấu hổ muốn tự sát luôn! Tôi hỏi, vì sao? Cường kể với tôi và mọi người: Phan Huy dẫn cả bọn tới một nhà hàng tư nhân sang trọng, gọi đủ món, cả rượu Tây nữa. Lúc chủ quán tính tiền, Phan Huy giới thiệu: Đây là anh Trần Mai Hạnh, Ủy viên trung ương Đảng, giới thiệu đến lần thứ hai mà chủ quán vẫn tính tiền. Tất cả hơn 2 triệu, mọi người phải gom tiền vào để trả. Thấy bẽ bàng quá, ông Hạnh phải rút một cọc tiền ra trả!
Mọi người đã lăn ra cười. Tôi hiểu Phan Huy muốn dùng cái chức Ủy viên trung ương Đảng của Hạnh để dọa tay chủ quán là tao chơi cả với trung ương, mày liệu hồn, đồng thời cũng muốn “ăn quỵt” và ra oai với mọi người tao là “Anh Hai” ở cái đất Cần Thơ này. Nào ngờ!!!
Vậy mà về hưu rồi Phan Huy lại được cơ cấu làm Chủ tịch Hội văn nghệ TP Cần Thơ. Với tư cách này, anh ta vừa đánh trượt bài thơ “Trăng nghẹn” của Hoài Tường Phong, đã được chọn là bài thơ hay nhất của ĐBSCL do Hội Văn nghệ Cần Thơ tổ chức và trao giải, gây bất bình trong giới văn nghệ Cần Thơ. Gần đây tôi gặp nhà thơ Lê Chí, cây bút nổi tiếng của Đồng bằng:- Tỉnh Cần Thơ các anh hết người rồi hay sao mà lại phải để một nhà báo xứ Nghệ, chuyên đi ăn xin làm chủ tịch Hội Văn nghệ của thành phố trung tâm của cả đồng bằng? Lê Chí không nói gì, ánh mắt của ông như muốn trả lời, “chúng tao không thèm làm (!)”.
Phan Huy vẫn được đảng tin dùng như thế, còn Hồng Vinh thì hết nhiệm kỳ trung ương, anh ta lại vào Hội đồng lý luận trung ương!!!
HUY CÁ VỒ
Ý anh Khải nói Phan Huy là loại cá vồ, nuôi trong ao cầu tiêu chuyên ăn cứt.
Anh em các văn phòng đại diện các báo tại miền tây đều biết từ “Nhà báo cá vồ” là do chị Ba Sương, giám đốc nông trường Sông Hậu dùng để chửi một nhà báo.
Chuyện nầy nếu như trong lúc trà dư tửu hậu anh em nói với nhau thì nghe được. Nhưng viết thành sách thì ghê tởm quá, độc ác quá, nhẫn tâm quá! Anh Lê Phú Khải có nghĩ rằng, một ngày nào đó sẽ có một nhà báo viết hồi ký, sẽ dành cho anh những trang như vậy không? Nếu có thì anh sẽ ứng xử với họ ra sao?
Tôi cũng có ý nghĩ một ngày không xa tôi sẽ viết hồi ức về hành trình hơn ba mươi năm cầm bút của mình. Những câu chuyện về những nhà báo bẩn có thể tôi biết nhiều hơn anh, nhưng chắc chắn tôi không bao giờ viết vì tôi sợ nó sẽ làm bẩn cả ngòi bút của mình, hơn nữa họ còn cả vợ con, cháu chắt sau nầy nữa. Con cháu họ sẽ bị tổn thương biết chừng nào khi cha ông mình bị phỉ báng rành rành trên trang sách.
Tất nhiên nếu viết, tôi cũng không bao giờ bỏ qua cái ác, đó là những cái ác của quyền lực làm băng hoại xã hội, gây đau thương cho thân phận đồng bào. Nhưng có lẽ điều tôi tâm đắc nhất là những kỷ niệm đẹp của những tháng năm làm báo, những ngọt-bùi-cay-đắng mà mình đã nếm trải, những ấm áp của tình đồng nghiệp, của bà con nông dân hay lớp nghèo thành thị, những giá trị nhân phẩm tuyệt vời của những con người mà tôi đã gặp, đã đi vào trang viết của tôi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang