Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

CHUYỆN KHÓ TIN MÀ CÓ THẬT ĐẦY CHẤT CỘNG SẢN.


Chuyện tình nhà văn Phan Tứ: Uẩn khúc nào cản trở trách nhiệm của một người đàn ông?
báo Giáo dục thời đại
BLA (Trần Hồng Phong): Hôm nay tôi tình cờ đọc trên trang Facebook của cô giáo dạy văn, nguyên hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tại miền Trung vừa nghỉ hưu (vì lý do tế nhị, xin không nêu tên), dẫn lại một bài viết vừa đăng trên báo Giáo dục thời đại ngày 24/8/2016 có tiêu đề "Nỗi buồn Út Phận". Bài viết nói về số phận buồn tủi thiệt thòi của hai mẹ con một người phụ nữ có tên là Võ Thị Phận. Thật bất ngờ khi đây chính là một "nhân vật" trong tác phẩm văn học thuộc dòng văn học cách mạng rất nổi tiếng của cố nhà văn Phan Tứ: Mẫn và Tôi. Mẫn và Tôi là cuốn tiểu thuyết về tình yêu nam nữ và/trong lý tưởng cách mạng, từng làm say mê cả một thế hệ ở miền Bắc XHCN trước năm 1975, với hai nhân vật chính là người con gái tên Mẫn và "tôi" tên Thêm - chính là một phần chân thực của mối tình "lén lút" (có thể nói như vậy) giữa bà Võ Thị Phận và nhà văn Phan Tứ trong giai đoạn khói lửa chiến tranh.
Theo thông tin trong bài báo, được biết mối tình giữa bà Võ Thị Phận và nhà văn Phan Tứ từng có một thuở thật sự đắm say, đẹp. Mà kết quả là hai người đã có với nhau một mụn con (nay là anh Phan Thế Huẫn). Thế nhưng nhà văn Phan Tứ, cho đến khi qua đời vào năm 1995, tức là mãi 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, đã/vẫn không chính thức công khai và nhận/thừa nhận con trai và người yêu của mình.
Tìm hiểu thêm, tôi được biết câu chuyện của bà Võ Thị Phận thực ra không phải tới năm 2016 này mới lần đầu được công khai trên báo chí, mà đã từng được nhắc đến từ những năm 2009, 2011, 2014 ... trên nhiều tờ báo khác. Chẳng hạn như hai bài (link) dưới đây:
Gặp cô “Mẫn” trong Mẫn và Tôi của Phan Tứ (Pháp luật TP.HCM) - 2009
Hoài thương một phận người ( báo Quảng Nam) - 2015
Đọc xong bài báo này, tôi thấy lòng thẫn thờ một lát và ... buồn quá!
Vẫn biết rằng chắc chắn phải có uẩn khúc gì đó, mà nhà văn Phan Tứ đã không chính thức nhận con, nhận người yêu, không thực hiện trách nhiệm của một "người đàn ông" như lẽ ra phải vậy (Nếu xét về mặt pháp luật thuần túy, thì nhà văn Phan Tứ phải có trách nhiệm này: trách nhiệm nhận và nuôi dưỡng con).
Chúng ta hiện nay không trực tiếp trải qua và sống trong hoàn cảnh chiến tranh, nên chắc chắn không cảm nhận hay thấu hiểu hết thế nào là lý tưởng cách mạng, thế nào là sự "hy sinh" cho đất nước, tổ quốc tại thời điểm những năm 1960-1970. Trên thực tế, đã có trường hợp mẹ phải giết con để bảo vệ bí mật, an toàn cho người khác. Đây là thời mà chỉ cần yêu một cô gái biết ăn mặc đẹp, bôi son môi ... cũng có thể bị quy chụp là "biến chất", "tiểu tư sản" và bị đồng chí khinh rẻ (như chuyện tình yêu vừa chớm nở giữa chàng trai Paven và cô "tiểu thư" xinh đẹp Tonia, trong tác phẩm văn học Nga Thép đã tôi thế đấy). Do vậy, tôi không nghĩ và cũng không có quyền quy kết hay nhận định theo hướng bất lợi cho nhà văn Phan Tứ.
Tuy nhiên trong lòng mình, tôi cho rằng nhà văn Phan Tứ đã hành động (hay không hành động) không/chưa tương xứng với tư cách của một người đàn ông thực sự. Tôi cho rằng 20 năm sau chiến tranh, không có lý do khách quan nào có thể ngăn cản việc ông nhận con, nhận người yêu một cách chính thức, công bằng và hợp đạo lý. Vì sao? Vì nhà văn Phan Tứ là một CON NGƯỜI chứ không phải bậc thần tiên. Vậy thì việc ông yêu và có con với một phụ nữ, bất luận thế nào, là chuyện hết sức bình thường, bản năng, và chỉ làm cho ông thật hơn, người hơn mà thôi.
Tôi cũng chép lại dưới đây những lời bình luận từ trang facebook của cô giáo văn hiệu trưởng mà tôi giới thiệu ở phần đầu, để mọi người có cái nhìn toàn diện hơn.
Cuối cùng, tôi muốn nói Phan Tứ là một nhà văn mà tôi từng yêu thích. Hầu hết các tác phẩm của ông tôi đều đã đọc và hiện đang có trong tủ sách gia đình tôi. Tuy nhiên sau khi đọc bài báo dưới đây, tình cảm mà tôi đã dành cho ông giảm đi khoảng 50% hay thậm chí nhiều hơn nữa.
.................
Nỗi buồn Út Phận
Thứ Tư, 24/8/2016 07:07 GMT+7
Bà Võ Thị Phận (sinh năm 1939, thôn Tịnh Sơn, xã Tam Mỹ Tây, H.Núi Thành, Quảng Nam) được biết đến là nguyên mẫu nhân vật Mẫn trong tiểu thuyết “Mẫn và Tôi” của nhà văn Phan Tứ.
Nhờ duyên may, chúng tôi được ông Nguyễn Tám (sinh năm 1938, thôn 9, Tam Hiệp, Núi Thành) đưa đến thăm bà. Trên đường đi, khi nói chuyện về bà, ông Tám đều gọi bằng cái tên Út Phận, như ngày còn chiến chinh cũ…
“Cây chò xanh một gốc hai thân”
Năm 1961, nhà văn Phan Tứ được điều về Ban Tuyên huấn khu ủy khu V, hoạt động tại Tứ Mỹ - Kỳ Sanh. Ông Tám khi ấy là Bí thư chi bộ của xã giải phóng đầu tiên ở Quảng Nam này. “Lúc căn cứ đóng tại khu Thượng, tôi có dựng cho anh Bốn Gương (biệt danh của Phan Tứ) một cái chòi để anh có chỗ viết văn.
Tôi nhớ có lần, anh Bốn nhận được thư của người thân từ Bắc gửi vô, dài 21 trang pơ-luya, tôi nói anh cho tôi đọc với, anh bảo một viên đạn từ Bắc gửi vô tốn bảy ký gạo, thì một lá thư của người thân không thể tính được bao nhiêu giá trị, nên muốn đọc thư anh, phải cho anh đọc nhật ký của tôi, để anh có thêm tư liệu viết văn” – ông kể.
Hồi đó, Út Phận là cán bộ phụ nữ xã, gặp Phan Tứ giữa đường cáng thương; một tháng sau, ông Tám dẫn Phan Tứ vào nhà cha bà, nói xã gửi nhờ một thời gian. Cuối năm 1961, Út Phận học lớp đào tạo cán bộ hợp pháp tại Quảng Ngãi, đầu năm 1962 học tiếng Mỹ tại xã, Phan Tứ là người đứng điểm dạy. Cùng gắn bó hoạt động và công tác, tình yêu nảy nở giữa hai người lúc nào không hay, trong thầm lặng, giữa chiến tranh..
Những địa danh Tam Sa, Tam Trân, Lộc Chánh, làng Cá... trong tiểu thuyết “Mẫn và Tôi” đều in dấu ấn vùng đất Tứ Mỹ, Tam Mỹ… và khu vực giáp ranh Chu Lai bây giờ. Nhân vật Thiêm cũng mang hình ảnh của chính Phan Tứ. Nhân vật bé Hoàn có nguyên mẫu là đứa em nuôi của Út Phận, tên là Võ Sầm.
Út Phận không tin nổi Phan Tứ ghi chi tiết về bà như vậy, trong đó có chuyện Mẫn tính khi nào Thiêm đi xa, sẽ chặt đốt ngón tay út cho Thiêm làm kỷ niệm. Tình yêu như “cây chò xanh một gốc hai thân” (chữ Phan Tứ) ấy được Phan Tứ nâng niu: “Người yêu tôi thích nhất bông bạc, cô khuyên tôi đừng bao giờ ngắt, nó chỉ đẹp khi vùng vẫy giữa nước chảy xiết”.
Ai biết, khi gắn hình ảnh Út Phận với bông bạc, Phan Tứ đã vô tình ghép thành hai chữ “bạc phận”.
Bông bạc giữa dòng
Cũng như trong tiểu thuyết, Phan Tứ đâu nhắc đến chuyện 2 người có với nhau một đứa con. Đấy là vào năm 1963. Út Phận nhớ: “Sinh con ra, ảnh bảo tui đặt họ cho con là Phan hay Lê chi cũng được; tui chọn Phan còn tên là Uẩn do cha tui đặt, bởi nó là đứa con uẩn khúc, sau khó kêu quá nên đặt là Huẩn.”
Con được 6 tháng, Út Phận cùng chị hàng xóm bế lên cho Phan Tứ gặp, Phan Tứ gắn vào ngón chân cái của con một chiếc nhẫn vàng, dặn: “Em giữ, khi nào khó quá thì bán”; bảo thêm: “Nếu không gặp lại, anh sẽ làm một cái gì đó để người ta biết chuyện chúng mình”.
Đoạn cuối tiểu thuyết: “Dù anh đi khắp chân trời góc biển, mỗi lần ra trận chúng mình lại gặp nhau, có phải lúc này em đang quấn quýt bên anh, em gần đến nỗi anh chỉ đẩy ngón tay đặt lên tim là nghe ngay tiếng người thương rủ rỉ trong tai, kể rằng quê ta thắng Mỹ rất ngon và hai đứa mình là bông bạc vẫy hai ngón giữa dòng” – độc giả sẽ không ngờ đấy là cái vẫy tay của vĩnh biệt, chứ đâu phải cái vẫy tay của chào nhau. Để lần nhìn mặt tiếp theo, Út Phận chỉ được nhìn Phan Tứ qua di ảnh.
Năm 1995, tang lễ của Phan Tứ tổ chức tại Đà Nẵng, phía gia đình Phan Tứ có mời Út Phận cùng con ra dự. Một vành khăn tang chuẩn bị sẵn cho Phan Thế Huẫn - con trai của Phan Tứ và Út Phận. Huẫn cầm di ảnh cha mình theo đoàn người tiễn cha…
Năm 1969, Út Phận chuyển qua Ban Binh vận tỉnh. Từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1971, bị địch bắt, đày tại nhà lao Quảng Tín. Ra tù tiếp tục hoạt động.
Nhưng vào ngày 25/2/1975 xảy ra sự kiện: Một cán bộ cách mạng bị địch mật phục sát hại tại địa phận Tứ Mỹ. Út Phận bị nghi làm tay trong cho địch, bà bị bắt giam. May nhờ có các lãnh đạo sáng suốt và một số đồng chí, đồng đội hoạt động cùng, hiểu rõ Út Phận nên đã đứng ra minh oan cho cô.
Ông Lê Tư Đặng (hiện trú tại thị trấn Núi Thành), thời đó là Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban An ninh huyện Nam Tam Kỳ, người chịu trách nhiệm bắt giam Út Phận, kể lại: “Hiểu rõ oan ức của Út Phận không ai bằng tôi. Mấy đồng chí cơ sở cấp báo lên nên tôi phải tạm giam, nhưng qua điều tra kỹ lưỡng, mới hay đã giam nhầm người.
Hồi đó, địch ráo riết dùng thủ đoạn để làm phía ta nghi kị lẫn nhau. Phần nữa Út Phận không hề mở miệng khẳng định cha của con mình là ai, nên nhiều người mặc định sẵn ý nghĩ cô có quan hệ với ngụy quân từ trước đó. Tôi quyết định ngay thả Út Phận, và tôi không nhầm. Sau giải phóng tôi lục hồ sơ của địch có ghi Út Phận là tay cộng sản cứng đầu”.
Đã được giải oan ngay, nhưng đến nay, Út Phận đã hơn 15 lần làm đơn hồ sơ đề nghị xét thành tích tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ tại UBND xã Tam Mỹ mà không được giải quyết; trong hồ sơ có xác nhận của ông Can, ông Đặng, ông Tám cùng rất nhiều người nữa là đồng chí của bà.
Ngay cả công an huyện Núi Thành, vào năm 2001, đã có văn bản xác nhận bà hoàn toàn trong sạch. Ấy thế, trong hồ sơ lí lịch, Út Phận vẫn bị ghi là kẻ hai mang; cậu con trai mấy chục năm công tác ngành GD vẫn rất vất vả về lý lịch, lại chưa được bên nội công nhận là con, là cháu.
Cả ông Tám, ông Đặng khi nói về chuyện của bà đều rưng rưng cảm xúc, thậm chí đôi lúc nghẹn lời. Còn bà, bà chỉ ngồi lặng lẽ như nghe chuyện của ai.
Chiếc nhẫn ngày xưa Phan Tứ trao cho được bọc trong mấy lớp vải, bà đem ra cài vào ngón tay, nói: “Theo cách mạng là tôi tự nguyện, cũng không đòi hỏi gì. Tuổi gần đất xa trời, chỉ mong chính quyền cho tui cái giấy chứng nhận tui đã tham gia cách mạng, để tui chứng minh với mọi người tui không phải kẻ hai mang”.
Rồi bà như nói với chính mình: Sau giải phóng hai năm, Bốn Gương có về Tứ Mỹ, đã đến gần đầu con dốc cách đây mấy cây số, không hiểu sao quay ra, biệt luôn”, nói đến đây, bà bật khóc…
Có phần tiếp theo nào của tiểu thuyết có thể ghi ra những tiếng thổn thức này. Có câu ca nào buồn hơn câu ca mà Mẫn từng hát cho Thiêm nghe: Ngó qua chín bãi mười đồng/ Biển xanh xanh lắm mà không thấy người/ Mênh mông con nước xa vời/ Biết ai còn nhớ những lời ngày xưa...
Thành Dũng
Bà Võ Thị Phận với chiếc nhẫn mà theo lời bà là của nhà văn Phan Tứ (ảnh báo Quảng Nam)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGÀY 29-8-1988 ĐỊNH MỆNH & TANG LỄ VÔ CÙNG CẢM ĐỘNG


Ngô Thảo



28 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Cuối buổi chiều, sân 51 Trần Hưng Đạo - Trụ sở của 6, 7 Hội Văn học Nghệ thuật xôn xao, ồn ào rồi bàng hoàng khi nhận được tin: Cả nhà Lưu Quang Vũ chết hết rồi.

12 giờ đêm, xe của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đưa được thi hài 3 người từ Bệnh viện Hải Dương về đến Hà Nội. Ở cổng Bệnh viện Việt - Đức mấy trăm nghệ sĩ hơn chục đoàn sân khấu Hà Nội và bạn hữu đã khóc rầm rĩ suốt phố Phủ Doãn. Đêm hè, trời oi ngột, nhà xác bệnh viện Việt Đức trống trải khó chịu đựng được mấy ngày. Nhờ đạo diễn Đình Quang - Thứ trưởng Bộ Văn hóa liên hệ, 3 quan tài được chuyển về nhà xác Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô - nơi duy nhất có nhà lạnh chứa, ở đó họ có 3 ngày cuối cùng bên nhau nơi dương thế!

Thay quan tài là việc theo phong tục rất kiêng kỵ. Nhưng đạo diễn Hoàng Quân Tạo của Nhà hát kịch Hà Nội đại diện nhiều nghệ sĩ dứt khoát bằng giá nào cũng phải thay quan tài mới tử tế hơn.

Lại phát sinh vấn đề về thủ tục hành chính: Nơi an táng 3 người ba tiêu chuẩn: nhà thơ Xuân Quỳnh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn - được an táng Khu A Văn Điển. Còn Vũ chỉ mới cán sự ba. Và cháu Quỳnh Thơ có khu giành cho tuổi nhỏ.

May có mấy ngày chờ đợi, cả giới Sân Khấu đã cùng nhau chạy để cuối cùng đồng chí Trần Độ, Ủy viên TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn TƯ quyết định để ba người có một suất mộ chung ở Khu A nghĩa trang Văn Điển. Có lẽ đến giờ, đây vẫn là khu mộ gia đình duy nhất ở nghĩa trang này. 
Tang lễ 3 người tổ chức ở Trụ sở Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật 51 Trần Hưng Đạo, không chỉ có các văn nghệ sĩ tất cả các hội đang có ở Hà Nội, nghệ sĩ các đơn vị sân khấu, các đoàn ở miền Bắc từ Đà Nẵng - quê Vũ trở ra, mà còn rất đông công chúng yêu mến, hâm mộ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Hai hội Nhà văn và Sân khấu đã phối hợp tổ chức một tang lễ trang nghiêm, xúc động và... hoành tráng!

Tổng thư ký Hội nhà văn Vũ Tú Nam đọc điếu văn cho Ủy viên Ban chấp hành Xuân Quỳnh. Nhưng Vũ chỉ là cán sự ba! Không chút phân vân, Nghệ sĩ nhân dân Dương Ngọc Đức chuẩn bị điếu văn cho Lưu Quang Vũ. Xử sự theo quy định hành chính thông thường chắc không ai dám chắc. Nhưng Tổng thư ký Dương Ngọc Đức là người lão thực. Ông hiểu tình cảm của giới Sân khấu, hiểu vị trí Lưu Quang Vũ trong sân khấu việt Nam. Bài điếu văn của Hội đã thể hiện sự đánh giá tức thời mà chuẩn xác về vị trí, đóng góp của Lưu Quang Vũ, không vì xúc động mà đề cao quá đáng, cũng không vì ấn tượng quá khứ, mà không thấy thành quả và tầm vóc thực sự của người vừa nằm xuống.

"Lưu Quang Vũ là người lao động lực lưỡng gồng trên đôi vai rộng khỏe của mình chương trình tiết mục hàng bốn năm mươi đơn vị nghệ thuật trên cả nước..." - hai mươi năm qua, những lời điếu văn viết vội ấy vẫn nguyên giá trị.

Hàng ngàn người Hà Nội đã tham dự tang lễ gia đình Quỳnh - Vũ. Có vòng hoa bạn bè cả nước và quốc tế. Theo phong tục, xe đưa quan tài qua nhà 96 Phố Huế đối diện chợ Hôm. Một cuộc tập hợp bất ngời của đông đảo tầng lớp công chúng với những tiếng gào thét tiếc thương làm tắc cả một quãng đường Phố Huế - Trần Nhân Tông. Chặng đường từ đó về Văn Điển đông nghẹt người đưa. Cho đến nay, đó vẫn là một đám tang lớn và xúc động ít thấy ở Hà Nội...
(Nhớ về Lưu Quang Vũ - những khoảnh khắc chợt hiện, Ngô Thảo)Nguồn: FB Bùi Quang Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THÂN PHẬN CỦA NHÀ VĂN VÀ... NỖI BUỒN DANH LỢI


Tạ Duy Anh


Gửi nhà văn Bảo Ninh
Kết quả hình ảnh cho Tạ Duy Anh

Vài lời của tác giả: Bài này tôi viết năm 2008, sau khi đọc Tôi đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải. Bạn đọc có thể vẫn tìm thấy qua Google nguyên văn bài NÉN NHANG MUỘN CHO NGUYỄN KHẢI, dài 6000 từ. Nhân dịp nhà văn Bảo Ninh trượt giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật lần này, xin trích ra một đoạn gửi tặng riêng ông, người mà đến tận giờ này tôi vẫn coi là một trong vài niềm hy vọng lớn nhất của văn chương nước Việt. Tôi tha thiết muốn ông luôn nhớ hai câu, một của dân gian: Ăn xôi chùa ngọng miệng; và một của Nguyễn Trãi: Lưng khôn uốn, lộc nên từ.
Từ tâm thế ấy, tôi thành thật chia vui với Bảo Ninh và mừng cho bạn đọc.

…Bi kịch mang mầu sắc hài kịch của trí thức Việt, trong đó có đám văn nhân (tất nhiên không tính bọn giả danh), từ cổ chí kim, chính là luôn phải vờ vịt. Vờ vịt, tức là biết rõ nó không phải vậy, nhưng lại cứ phải làm ra rằng mình hiểu nó như vậy. Vờ trung thành, vờ kính trọng, vờ cúc cung tận tuỵ, vờ khép mình, vờ lắng nghe, vờ chăm chỉ, vờ ngoan ngoãn, vờ ca ngợi, vờ thán phục, vờ yêu…và những thứ vờ vĩnh ấy có thể làm bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, làm bao nhiêu cũng không sao ngoại trừ chỉ có lợi. Riêng một thứ không hề vờ, ấy là sự khinh ghét thì phải nén lại, giấu thật kỹ kẻo hé ra có kẻ biết là tàn đời (mà kẻ rình rập để tố cáo, tâng công thì nhiều như ruồi, ngay trong giới cầm bút); phải luôn tìm cách nhồi nó xuống, nuốt thật sâu, quên đi được thì càng phúc. Còn sống là còn phải quên. Chờ đến ngày sắp lìa đời, nếu chưa cạn hết lòng tự trọng, còn biết hổ thẹn thì viết nó ra để thanh minh và sám hối. Giả dụ như những câu thơ sau đây của Chế Lan Viên, tất nhiên là chưa có trong tuyển tập chính thức nào:

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ
Tôi giết cái cánh sắp bay…trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn Mặt trời lên trên biển
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi-người có lỗi
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình.
(Trích theo Lê Thiếu Nhơn)
Rồi như trường hợp Nguyễn Khải.
Và ngoài các ông ra, liệu còn ai nữa?
Nhiều người chưa kịp đọc Tôi đi tìm cái tôi đã mất, biết tôi đã đọc, nóng ruột hỏi tôi nó thế nào, tôi trả lời họ rằng: “Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Khải, nếu chưa đọc mà không có thời gian, thì chưa cần phải vội, nhưng riêng bài đó thì nên đọc, phải đọc, đọc ngay”. Và tôi nói thêm: “Chỉ cần Tôi đi tìm cái tôi đã mất, thôi thì hơi muộn, Nguyễn Khải đã làm tròn sứ mệnh của một người cầm bút, một trí thức Việt”.
Đúng như dự đoán, người như Nguyễn Khải sao lại không biết cái điều một nông dân hơi có học cũng biết. Nhưng vì ông là trí thức, lại là trí thức Việt nên nó đành phải sống hai mặt như vậy. Cái mặt đem đến cơ quan, ngồi trong hội nghị, trong các cuộc họp kín họp hở, những lần học nghị quyết, những lần đến nghe thỉnh giáo, thậm chí cả khi nằm bên người tình…là cái mặt nạ vô hồn, vô cảm một cách trơ lỳ, cái mặt dởm. Càng đắp sao cho nó không còn là mặt mình, tô vẽ cho nó nhoè nhoẹt, bóng mỡ… càng được tin cậy. Muốn sống yên thân thì cấm được để lộ ra cái mặt thật. Rồi phải bằng mọi cách, kể cả lừa thầy phản bạn cũng phải cố mà có lấy một tí danh. Đã mang thân phận trí thức Việt mà không có tí danh phận thì mọt đời không ngóc cổ lên được. Bởi nó biết nó quá yếm thế, quá nhỏ bé, quá thê thảm. Nó lại sống trong một cơ tầng xã hội mà chỉ cần đếm các mối dây nhằng nhịt vào nhau đã không đủ thời gian. Anh là ai, làm gì, sống thế nào thây mặc anh. Nhưng anh đừng bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ, dòng tộc, đừng làm vợ con phải khốn đốn. Mà anh là ai mới được chứ? Anh chỉ là một thứ vẹt, chủ ho thì ho theo, chủ khạc cũng phải cố mà khạc theo. Đời anh và nói chung đời người được bao lăm để anh cựa quậy? Anh cựa quậy để đem lại cho anh, cho vợ con anh được cái gì?
Những câu hỏi như vậy ban đầu có thể là những lời van xin của người thân, nhưng dần dần nó là lời khuyên khôn ngoan mà một kẻ khoác áo trí thức quốc tịch Việt phải thuộc. Nó có bài học đắt giá hẳn hoi. Hãy xem đấy. Khi nhóm Nhân văn tưởng có thể làm mưa làm gió, họ là ai, hành xử thế nào? Như tôi thì tôi chỉ biết họ là những người hùng. Nhưng tôi thực sự tiếc cho họ, khi mới đây tôi thấy các bậc trưởng lão của nhóm (chỉ tính những người còn sống) hớn hở nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Chuyện đúng sai, lầm lỗi hay lầm lẫn của phía nào không còn là vấn đề, mà quan trọng hơn là cái mục đích thượng tôn nghệ thuật, thượng tôn công lý mà họ tin là rất cao cả (còn tôi thì tin vào họ), cuối cùng vỡ lẽ ra cũng chỉ vì một chút danh còm.
Giả dụ những nhà lãnh đạo trước đây đủ cao tay, đủ thông minh để sớm ban cho họ cái giải thưởng ấy, thì mọi người trong đó có tôi đỡ đi bao nhiêu là giả định về một hiện tượng tưởng là bí ẩn nhất của lịch sử văn học nước nhà. Đã đỡ phải tốn bao nhiêu là tình cảm xa xỉ dành cho họ.
Hoá ra Nguyễn Khải còn kịp nói được những điều mà đáng lẽ nhóm Nhân văn phải thể hiện bằng hành động. Tôi chỉ vẫn không hiểu một điều: Tại sao lúc sống, chính ông biết rõ rằng đến giải thưởng Lenine, giải thưởng Staline (từng được tuyên truyền là những giải thưởng lớn tầm thế giới?) còn chả ra gì, chỉ sau mươi năm từ ngày Liên Xô sụp đổ đã chẳng còn ai nhớ tới-hoặc, như một anh bạn Nga, có những tác phẩm được giải Staline, giờ đây chỉ được nhớ tới như nhớ một điều xỉ nhục văn hóa Nga-mà ông lại vẫn không thể từ chối nhận giải thưởng mà ông biết là bé hơn rất nhiều về tăm tiếng?
Ông khiến tôi nhớ lại một đoạn hồi ký của Bô-rít Enxin, kể khi ông này ngồi phê chuẩn các quyết định do chính phủ Nga đệ trình. Ông phê duyệt gần như tức thời mọi thứ, kể cả những đệ trình liên quan đến vũ khí hạt nhân, đến sự an nguy của nước Nga trong chiến lược đối phó lại việc NATO mở rộng sang phía Đông. Ngay cả việc khôi phục lại danh dự dòng họ Romanov của các Sa Hoàng, một vấn đề đương nhiên là nhạy cảm đối với xã hội Nga hậu cộng sản vừa sợ, vừa coi khinh nhưng vẫn vừa luyến tiếc di sản quá khứ, mà ông đặt bút ký khá dễ dàng. Vậy mà ông đã mất mấy ngày trời cứ ngồi xuống, đứng lên trước quyết định tặng thưởng văn chương nước Nga cho tác giả Quần đảo địa ngục mà không dám đặt bút ký, chỉ vì lo sợ ông nhà văn thiên tài bị trục xuất oan uổng này sẽ…từ chối!
Lúc ấy tôi bỗng nghĩ, ví thử đặt vào vị trí Enxin là ông chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tên ông nhà văn Nga kia thay bằng cái bảng danh sách các nhà văn được đề nghị trao giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, có lẽ vị Chủ tịch của Việt Nam chỉ do dự mỗi một điều, nếu phải bỏ bớt một số lại để phong tặng đợt sau (giả dụ chỉ là do vấn đề ngân sách thôi) thì biết bỏ ai ra bây giờ? Không thể bỏ ai cả. Họ sẽ lăn đùng ra ăn vạ. Ngay từ khi đề cử họ đã kiện tụng, bôi nhọ nhau ầm ỹ, chạy lên xuống tơi tả sao cho tên mình được lọt vào danh sách cơ mà? Chỉ riêng chuyện đó thì ông Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sướng hơn ông Tổng thống Nga rất nhiều.
Tất nhiên các nhà văn Việt Nam không thể so được với các nhà văn Nga. Nhưng giá như Nguyễn Khải đủ bản lĩnh để từ chối cái giải thưởng mà chính ông ví nó như một “tấm bia mộ sang trọng”, hẳn ông đã mang xuống mồ (hay nói văn chương là về thế giới Vĩnh cửu, thế giới chỉ toàn Ánh sáng) một gương mặt khác! Ít nhất thì linh hồn ông cũng thanh thản hơn.
Nhưng có lẽ là chỉ đáng tiếc cho mong ước của tôi thôi. Chưa kể ông không đủ tự tin rằng mình không cần bất cứ danh hiệu nào ngoài danh hiệu nhà văn để làm điều đó, thì vẫn còn lý do khác: ông vẫn cần bám vào một cái gì đó để sự vờ vịt trong ông sống nốt những năm tháng cuối cùng của nó. Nếu ngay cả điều đó ông cũng vượt qua được, thì vẫn còn cản trở cuối cùng, cửa ải cuối cùng mà cho đến nay chưa một nhà văn nào thế hệ ông thoát được là nỗi sợ bị chê là dại, từ chính những người thân. Bởi vì ông trước sau vẫn là trí thức Việt.
Tuy thế, mặc lòng, dù nói gì thì nói, một nhà văn Việt “vinh quang đầy mình” mà dám phủ nhận như ông rằng (cũng là một lời tiên đoán tuyệt đối chính xác cho phần lớn các trường hợp khác): Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân, đáng cho ta phải ngả mũ.
Bởi vì, cho dù là lời nói của người trước khi chết, vẫn cứ là của hiếm cho đến nay.
(…)
Hà Nội tháng 6 năm 2008
(Rút trong tập tản văn Nghĩ mãi không ra, chưa xuất bản)
Tạ Duy Anh


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đồng chí này quá hay!

Tổng thống Uruguay: Ở nhà nhỏ, đi xe cũ, để dinh thự cho dân nghèo tá túc



Ngôi nhà của Tổng thống Jose Mujica nằm ở vùng ngoại ô của thủ đô Montevideo của Uruguay, đó chỉ là một căn nhà nhỏ bé, bình dị.

“Người ta gọi tôi là tổng thống nghèo nhất, nhưng tôi không cảm thấy nghèo. Người nghèo là người chỉ cố gắng làm việc để duy trì một lối sống tốn kém và họ luôn muốn nhiều tiền hơn. Đây là vấn đề tự do. Nếu bạn không có nhiều tài sản, bạn sẽ không phải làm việc cả đời như nô lệ để giữ đống tài sản. Vì thế, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân”…

Đó là những chia sẻ của Tổng thống Uruguay Jose Mujica. Ông là vị tổng thống được công nhận thanh liêm nhất trên thế giới, đồng thời cũng là vị tổng thống được yêu mến nhất tại châu Mỹ La Tinh. Những câu chuyện về ông được lưu truyền trên khắp các nơi trên thế giới, phong cách làm quan của ông càng khiến các chính khách trên toàn cầu kính phục.

Sau khi ông lên nhậm chức liền tuyên bố sẽ quyên góp 90% tiền lương của mình cho các tổ chức từ thiện để giúp đỡ những người nghèo khổ. Mặc dù là tổng thống của một nước nhưng ông và vợ vẫn sống trong một căn nhà nhỏ ở vùng nông thôn, chăm sóc con rùa của họ, và toàn tâm toàn ý vì người dân phục vụ.

Ngôi nhà của Tổng thống Jose Mujica nằm ở vùng ngoại ô của thủ đô Montevideo của Uruguay, đó chỉ là một căn nhà nhỏ bé, bình dị.

Đệ nhất phu nhân Uruguay, đồng thời cũng là tham nghị viên của Uruguay, bà cùng với chồng là Tổng thống Jose Mujica sống trong một căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô.

Xe của Tổng thống Jose Mujica là loại xe Volkswagen Beetle sản xuất năm 1987, đã từng có một thương gia Arập ra giá 1 triệu USD để mua lại chiếc xe của ông, nhưng bị ông từ chối. Nghe đồn, Tổng thống Jose Mujica đã có ý bán chiếc xe cũ này đi nhằm lấy tiền quyên góp cho các tổ chức từ thiện, ông muốn giúp đỡ cho nhiều người dân nghèo nữa.

Đã từng có một người đàn ông ở miền Tây Nam Uruguay đứng bên đường và giơ ngón tay cái ra xin đi nhờ xe, hàng mấy chục chiếc xe đi qua nhưng không ai cho anh ta đi nhờ, xe này nối tiếp xe kia đi qua. Cuối cùng cũng có một chiếc xe dừng lại, hỏi anh ta đã xảy ra chuyện gì, đồng thời nói với anh rằng: “Tôi chỉ có thể đưa anh đi xa nhất là tới phủ Tổng thống”. Anh vui mừng bước lên xe, nhưng cuối cùng anh mới nhận ra, người có tấm lòng lương thiện kia chính là Tổng thống Jose Mujica. Người đàn ông ấy tên là Acosta – anh kể lại, lúc đó có một chiếc xe treo biển chính phủ đi tới và dần dần dừng lại trước mặt anh, khi anh lên xe cũng tuyệt nhiên không biết người này là ai, có điều người phụ nữ trên xe nhìn có vẻ quen mắt, khi nhìn kỹ thì nhận ra đó là phu nhân tổng thống – bà Lucia, và chiếc xe này chính là xe của Tổng thống Jose Mujica.

Con chó yêu quý của Tổng thống Jose Mujica chỉ có ba chân, nó là một giống chó phổ biến ở Uruguay, ngày thường ông Jose Mujica thường ôm nó đi trả lời phỏng vấn.

Dinh thự của Tổng thống Jose Mujica thường được mở vào mùa đông để cho những người dân nghèo và người dân du lịch đến tá túc.

Cuối cùng xin dịch tặng các bạn vài câu danh ngôn của Tổng thống Jose Mujica:

“Quyền lực không thể cải biến một con người, nó chỉ có thể bộc lộ tự ngã chân chính của người đó”.

“Tự do chính là sử dụng đại bộ phận thời gian của bản thân vào việc yêu thương chân thành mọi sự vật sự việc trên đời”!

“Thế giới của chúng ta không cần thiết phải có nhiều tổ chức quốc tế như thế, nhu cầu của họ là những quán rượu móc xích với nhau, còn nhu cầu của chúng ta là nhân đạo và khoa học”– Đây là phát ngôn của Tổng thống Jose Mujica tại Liên Hợp Quốc.

Theo NTDTV
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lợi ích nhóm lũng đoạn công tác cán bộ




Kim Anh/VOV.VN (thực hiện)
VOV.VN - GS Phan Xuân Sơn cho rằng, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là điển hình của việc lợi ích nhóm đang lũng đoạn một số khâu trong công tác cán bộ.

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã được sự đồng tình của nhân dân cả nước. Trên cơ sở Kết luận này, Tổng Bí thư tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc tích cực để làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan tới những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Cán bộ là gốc của mọi công việc

PV: Bác Hồ đã từng nói: Cán bộ là gốc của mọi việc. Để xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động, công tác cán bộ cần được chú trọng như thế nào, thưa ông?

GS Phan Xuân Sơn: Công tác cán bộ là công tác quan trọng nhất vì nó là “công việc gốc của Đảng”. Nếu không làm tốt “việc gốc” thì các “việc cành”, “việc ngọn” cũng sẽ không tốt, không bền vững. Đảng ta có vai trò lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ. Đảng lãnh đạo Nhà nước thì Đảng phải chuẩn bị một đội ngũ cán bộ để giữ các cương vị trong hệ thống các cơ quan của Nhà nước.

Muốn có đội ngũ cán bộ tốt, đòi hỏi Đảng phải lãnh đạo tốt công tác cán bộ từ tất cả các khâu: Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Chỉ cần làm không tốt một trong các khâu đó, chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ yếu kém. Khi cán bộ kém, thì công việc của Đảng, Nhà nước của Mặt trận cũng sẽ yếu kém và khi đó dân sẽ không còn tin vào cán bộ nữa, không tin vào Đảng, vào Nhà nước nữa. Khi đã mất lòng tin của nhân dân thì có thể mất tất cả.

PV: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Theo ông, xảy ra hiện trạng này có nguyên nhân nào từ công tác cán bộ?

GS Phan Xuân Sơn: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nhận định, đánh giá: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã chỉ rõ nguy cơ tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi, thậm chí còn có những diễn biến phức tạp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ việc chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về công tác cán bộ, thực hiện không đồng bộ các khâu của công tác cán bộ. Trong nhiệm kỳ khóa XI, Đảng ta đã có một số biện pháp cụ thể, mới hơn so với những nhiệm kỳ trước về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, đánh giá cán bộ…

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn của sự nghiệp đổi mới cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có thể khẳng định, công tác cán bộ vẫn nhiều bất cập, vẫn chưa ngang tầm với đòi hỏi của tình hình thực tiễn cả về tri thức, kỹ năng, tư cách đạo đức lối sống.

Có hai vấn đề cần đổi mới mạnh mẽ đó là đánh giá cán bộ theo năng lực, tài năng và cống hiến; được hưởng thụ, thăng tiến theo năng lực, tài năng và cống hiến đó. Chỉ có như vậy mới tránh được các tiêu cực trong công tác cán bộ, mới tránh được các nạn “chạy”, từ chạy bằng cấp, chạy chức, chạy quyền, chạy tội…Mới chọn được người tài chứ không phải chỉ người nhà, mới đảm bảo được công bằng trong công tác cán bộ.

Dấu hiệu nhóm  lợi ích trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh

PV: Là người điều hành Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam, để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được đề bạt, luân chuyển lên những vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương, rồi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông thấy sao về hiện tượng này?

GS Phan Xuân Sơn: Vụ ông Trịnh Xuân Thanh không phải là hiện tượng đơn lẻ, mà là một hiện tượng điển hình của công tác cán bộ. Việc này liên quan đến nhiều yếu kém của công tác cán bộ. Đặc biệt, yếu kém nhất hiện nay đó là sự thao túng của các nhóm lợi ích đối với công tác cán bộ.

Ông Trịnh Xuân Thanh là một cá nhân liên quan đến một nhóm lợi ích nào đó. Nhóm đó là một nhóm có thế lực, là những người có nhiều quyền, có nhiều tiền, có nhiều hiểu biết về quy trình công tác cán bộ. Chỉ có như thế thì họ mới đưa một người yếu kém về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; yếu kém về năng lực chuyên môn (làm thua lỗ hơn 3000 tỷ) lọt qua các công đoạn của quy trình công tác cán bộ và thăng tiến như vậy.

Có thể nói, hiện nay không chỉ mình ông Thanh mà có hàng trăm, hàng nghìn nhân vật như vậy mà chúng ta chưa phát hiện được hoặc đã phát hiện rồi, mà chưa xử lý được.

PV: Vì sao những trường hợp bổ nhiệm, luân chuyển “có vấn đề” người ta vẫn khẳng định “đúng quy trình”, thưa ông?

GS Phan Xuân Sơn: Quy trình của chúng ta khá chặt chẽ, nhưng quy trình nào cũng có thể có những “lỗ hổng” của nó. Vấn đề là các “nhóm lợi ích”, các cá nhân vụ lợi đã lợi dụng, đã tìm cách “qua mặt” hệ thống công tác nhân sự mà nó vẫn “theo đúng quy trình”. Hay nói cách khác, một số khâu, một số công đoạn có thể làm “đúng quy trình” nhưng hình thức không thực chất. Như quy trình lấy phiếu tín nhiệm.

Như chúng ta đã biết, số phiếu tín nhiệm phải trên 50% mới được tín nhiệm, nhưng quá trình lấy phiếu tín nhiệm như thế nào thì không ai kiểm soát được. Người bỏ phiếu có thể bị tác động bởi lợi ích, tình cảm, họ hàng, đồng hương…thậm chí người ta có thể bỏ tiền ra mua phiếu tín nhiệm.

Quy trình bổ nhiệm cán bộ của chúng ta hiện nay mặc dù khá chặt chẽ, nhưng không có nghĩa là không có hạn chế, vẫn có “đất” cho sự tùy tiện, và có thể bỏ sót những tài năng.

PV: Đánh vào nhóm lợi ích không dễ dàng, song vừa rồi đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "nổi trống lệnh" tấn công vào nhóm lợi ích, tham nhũng cho thấy quyết tâm chính trị là không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân nào, thưa ông?

GS Phan Xuân Sơn: Trong việc chống tiêu cực, cũng như phòng chống tham nhũng, lãng phí…Đảng ta chủ trương không có vùng cấm. Kinh nghiệm trên thế giới về việc chống tham nhũng, tiêu cực là chống từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, tức là đánh chỗ nào quan trọng trước, chỗ không quan trọng đánh sau.

Như vậy chống tiêu cực, lợi ích nhóm đầu tiên phải chống từ các cơ quan cấp cao rồi xuống cấp thấp, từ Trung ương, xuống tỉnh, huyện, xã.

Phương châm, chiến thuật, chiến lược là như thế, nhưng thực hiện nó phải có bước đi và phải chặt chẽ, để tránh làm sai, làm oan, mất đoàn kết nội bộ. Tổng Bí thư đã nói công khai nhiều lần là không có vùng cấm, không né tránh, làm liên tục, kiên trì, quyết liệt và cẩn thận.

PV: Theo ông, có nên rà soát lại những trường hợp "con ông, cháu cha" ngồi “ghế” chưa nóng đã di chuyển từ chỗ nọ tới chỗ kia để thăng tiến?

GS Phan Xuân Sơn: Công tác cán bộ đòi hỏi phải rà soát thường xuyên và đối với mọi đối tượng. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Đại hội XII, việc chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống các hiện tượng tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí… thì việc rà soát trong công tác cán bộ càng cần phải thường xuyên hơn. Trong đó, cần chú ý đến những trường hợp mà nhân dân và dư luận phản ánh. Nhân dân quan tâm và sát cán bộ lắm, nên dân thấy có vấn đề thì dân sẽ nói ngay.

Vì vậy, khi nghe dân nói, phải rà soát lại, xem mức độ đúng, sai thế nào. Những trường hợp “con ông, cháu cha” thăng tiến nhanh quá, cần khẩn trương xem xét và công khai, minh bạch cho dư luận được rõ.

PV: Mới đây phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra thông điệp thi tuyển để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà; chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Trong bối cảnh lùm xùm về công tác cán bộ, ông bình luận gì về điều này?

GS Phan Xuân Sơn: Trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là những triều đại thịnh trị rất trọng người hiền tài vì “hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì quốc gia thịnh”. Lúc nào, thời nào quên điều này thì chắc chắc quốc gia sẽ suy. Quốc gia suy thì nhân dân cơ cực, nội loạn, ngoại xâm, lực lượng cầm quyền cũng sẽ không bảo vệ được lợi ích của mình. Chính vì vậy, trọng hiền tài là điểm mấu chốt có tính truyền thống và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Kinh nghiệm lịch sử của dân tộc ta là coi trọng hiền tài và lựa chọn hiền tài ở tất cả thành phần xã hội, ở tất cả vùng miền. Qua thi cử, bất kỳ con em thuộc gia đình nào, thành phần nào, giai cấp nào nếu thi đỗ đều được làm quan. Thi cử là con đường truyền thống rất căn bản trong việc chọn hiền tài ở nước ta. Chúng ta phải nhất quán và coi trọng truyền thống này.

Hiện nay chúng ta có chính sách bình đẳng với tất cả thành phần dân tộc, các địa phương trong đào tạo cán bộ. Có chính sách ưu tiên cho những vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc để mọi người cùng được tham gia học tập, thi cử cũng như thăng tiến.

PV: Theo ông, làm thế nào để có được đội ngũ cán bộ biết chăm lo cho dân, thực sự vì dân?

GS Phan Xuân Sơn: Để có được đội ngũ cán bộ biết chăm lo cho dân, thực sự vì dân, chúng ta hãy thực hiện nghiêm cẩn lời dạy của tiền nhân cũng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là coi cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng phải gắn công tác cán bộ với nhân dân. Người cán bộ lo việc cho dân phải do dân bầu, dân giám sát, dân đánh giá. Cần phải  đổi mới quy trình để lựa chọn, đào tạo, sự dụng và đãi ngộ cán bộ.

Mỗi giai đoạn cần có tầm nhìn của thời đại, phải nhìn rõ nhu cầu của xã hội về công tác cán bộ từ đó tuyển người tài, sử dụng người tài và có chính sách đãi ngộ người tài xứng đáng. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn hiện tượng tiêu cực mua chức, mua quyền, mua vị trí, bằng cấp…Làm được như vậy thì cơ hội bình đẳng sẽ đến được với tất cả mọi người.

Nếu thực hiện các khâu đó thật nghiêm cẩn thì chắc chắn chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ ngang tầm với đòi hỏi của tình hình, ngang tầm với dân tộc, với sự kỳ vọng của nhân dân.

PV: Xin cảm ơn ông./.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vẫn là bọn thâm hiểm muốn tàn hại, tiêu diệt dân ta, có chi mà "lạ"?

Quảng Bình: PHÁT HIỆN TÀU LẠ NÉM CHẤT THẢI ĐỘC XUỐNG BIỂN


Quảng Bình: Phát hiện tàu lạ ném chất thải nguy hại xuống biển

Báo Giao thông
30/08/2016 - 07:48 (GMT+7) 

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ra công văn yêu cầu các lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát việc đổ chất thải trái phép xuống vùng biển tỉnh Quảng Bình.

Trước đó, UBND tỉnh nhận được báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, việc có ngư dân trình báo phát hiện một tàu hàng lạ thả nhiều bao nylon xuống biển, nghi là chất thải nguy hạicho môi trường.


Cụ thể, khoảng 08 giờ ngày 08/8/2016, tàu đánh cá mang số hiệu QB92986 do anh Nguyễn Đình Khải (SN 1980 trú tại thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) cùng 7 thuyền viên đang đánh bắt tại tọa độ 18012'N-107022'E (cách cửa Gianh khoảng 54 hải lý về hướng Đông Bắc) đã phát hiện một tàu chở hàng loại lớn, sơn màu đen, ca bin màu trắng, thân tàu có các chữ cái La tinh, không rõ số hiệu.

Quá trình tàu di chuyển, các ngư dân phát hiện trên tàu có hàng hóa được bịt bằng bạt và 2 cần cẩu, đang chạy từ đất liền ra theo hướng Đông - Đông Bắc, tốc độ khoảng 8 hải lý/giờ. Trên tàu có 3 người mặc quần áo công nhân liên tục vứt xuống biển nhiều túi nilon lạ. Các thuyền viên nghi tàu đang lén lút vứt chất thải nguy hại xuống biển.

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường nắm bắt tình hình, điều tra xác minh, tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện có các hoạt động tẩu tán, đổ chất thải trái phép trên vùng biển tỉnh Quảng Bình thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời báo cáo tình hình cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tuần tra, xử lý.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường chỉ đạo các ban, ngành chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền Nhân dân cảnh giác đề phòng, nếu phát hiện có các hoạt động vận chuyển, đổ chất thải trái phép trên vùng biển tỉnh Quảng Bình phải kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Văn Thanh
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một thoáng chân dung văn học ở phố nhà binh
















CHU LAI

Phố nhà binh. Căn phố có độ dài 1.200 thước ấy thời bao cấp ảm đạm lắm, đêm đêm chỉ có tiếng giày đinh quân cảnh gõ uể oải hai bên hè, tiếng những đôi tình nhân thì thào lả người trong tay nhau, tiếng sấu rụng cô đơn xuống mặt đường và tiếng mèo động tình như tiếng trẻ khóc u oa trên mái ngói.

Căn phố rợp bóng xà cừ ấy lại là nơi trấn ngự một ngôi nhà được liệt vào một trong hai ngôi nhà có kiến trúc đẹp và cổ nhất Hà Nội, ngôi nhà mang biển số 4, ngôi nhà có hai cây đại già đứng trầm mặc rụng hoa trước cổng như một chứng nhân lịch sử mà thỉnh thoảng đi qua đây, khách vãng lai rất dễ có cảm nhận mình đang đi qua một ngôi đền thanh tịnh, yên ắng. Vâng, đó đúng là ngôi đền văn chương, ngôi đền của những tên tuổi văn chương lừng lẫy một thời đã làm nên dòng văn học chủ lưu, lấp lánh về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, đến nỗi đã có nữ thi nhân ví nó như là Hội Nhà văn thứ hai của đất nước: Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hải Hồ, Hữu Mai, Nhị Ca, Xuân Sách, Xuân Thiều, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Duy Khán, Nam Hà… Tiếp đến thế hệ thứ hai ồn ào và đông đúc hơn với những người lính vừa từ chiến trận trở về: Lê Lựu, Triệu Bôn, Ngô Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Thị Như Trang, Hữu Thỉnh, Thao Trường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Trần Đăng Khoa, Lê Thành Nghị, Vương Trọng, Hồng Diệu, Khuất Quang Thụy, Ngô Vĩnh Bình, Chu Lai…
Các thế hệ văn chương đến rồi lại đi như thể đây là nơi tập kết trước lúc tung cánh bay xa vào các miền mĩ cảm của những tài năng chứ không phải chỉ là điểm lưu giữ bảo tàng các cốt cách và các chân giá trị. Có người đi và có người không trở về. Cho đến bây giờ, sau hai cuộc chiến tranh và sau thời kì dựng xây dặc dài nhọc mệt, thế hệ các nhà văn trào kháng Pháp đã gần như không còn một ai, nếu còn cũng rơi vào ốm đau nhiều lắm, thế hệ các nhà văn trào kháng Mĩ đã rơi rụng dần để mỗi độ xuân sang, khi ngồi với nhau trong câu chúc tất niên lại chỉ thấy có những khuôn mặt tươi tắn, trẻ trung, xinh đẹp của thế hệ thứ ba, thế hệ dựng xây và hội nhập với những Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thuý, Phạm Duy Nghĩa, Uông Triều, Đỗ Tiến Thụy…

Mỗi nhà văn là một tính cách, là một chân trời khát vọng, một phong cách, một năng lực sáng tạo, một cách thức đi thực tế, một kiểu viết khác nhau nhưng đều tập trung về một hướng là làm sao có những trang viết sâu xa nồng nàn, chân thực nhất về đồng đội, về nhân dân của mình trong bão táp đạn bom sinh tử. Tài năng văn học là thời vụ, không phải cứ hiệu triệu hô hào rổn rảng, hùng hục xách ba lô đi vào trận mạc, đi vào điểm nóng là có tác phẩm xứng tầm nhưng nếu không đi, không thở tận cùng cái hơi thở của  người lính, của nhân dân thì chắc chắn sẽ không có những con chữ cốt nhục, đắm chìm, thăng hoa đến thế.

Song cách đi cách cảm nhận của mỗi người mỗi khác. Nguyễn Khải trước khi đi bao giờ cũng sắp xếp sẵn mọi ý tưởng, cốt truyện, nhân vật, tình huống trong đầu, đến nơi gặp người này một tí, người kia một tí, ghi ghi chép chép kĩ càng như cái anh nhà báo chuyên viết phóng sự rồi lắp ghép lại y hệt một thợ xây tài hoa, thế là thành một tác phẩm giàu chất lí sự, câu chữ sắc lẻm, nhận xét đáo để, các nhân vật cứ hiện lên rờ rỡ với các cung cách suy nghĩ, nói năng rất Nguyễn Khải không lẫn vào đâu được. Còn Nguyễn Minh Châu thì lại rất lơ mơ, không hỏi không ghi, chỉ gà gật nhưng câu nào ý nào đã lọt được vào tai là ăn chết ở đó, rất lâu sau mới biến thành nhân vật, ngôn từ và cốt truyện sâu thăm thẳm. Chất lí sự của ông này và chất da diết, tinh tế của ông kia giá như ngào được vào nhau thì sẽ có một tiếng nổ khủng khiếp nhưng làm sao được, mỗi người mỗi tạng, chả ai giống ai, chả ai bắt chước được ai. Cái đó gọi là mùi văn. Có mùi rồi thì dù không biết tên tác giả chỉ cần cầm sách lên lia vài đoạn là biết ngay của ai. Ví như cái mùi tưng tửng, câu chữ tung tẩy, bất ngờ, chả có cái gì cũng vẽ lên được, đọc không thể không bật cười, có lúc bật chửi là y rằng văn của Trần Đăng Khoa. Còn câu cú dây cà ra dây muống, cứ mạch nghĩ mà tương, không màng đến bố cục, ngữ pháp, kể cả chấm phẩy, xuống dòng, đọc mệt nhưng sướng dứt khoát là văn của Lê Lựu…

Mỗi cụ là một thế giới riêng độc đáo và hết sức phong phú về tư duy, tâm hồn, cả khẩu khí. Cụ Châu thì nhỏ nhẹ, rì rầm, như không thích nói, muốn nói. Cụ Khải thì véo von, nói như không, thoạt nghe chưa thấy gì, thấm rồi mới thấy sao nó tinh thế, sâu thế. Cụ Hải Hồ gầy gò nhưng lại rất thích nói về sex, trong đó cái ngón chơi của bà hoàng hậu Trung Hoa tám mươi tuổi rồi mà vẫn khao khát tình dục đến kinh hoàng qua miệng cụ kể mà nghe sởn cả da gà. Cụ Hữu Mai với chiếc mũ nồi bốn mùa gắn trên cái đầu được biết nó không tròn trịa lắm khi đó đang nổi như cồn bởi “Ông cố vấn” lại chỉ mủm mỉm cười. Đánh bóng bàn cụ cũng mủm mỉm vậy nhưng nhiều khi gài cho cây vợt Thu Bồn có lối đánh ồn ào những cú trái tay đến phải mở miệng văng tục. Nhưng Thu Bồn, người đàn ông cao to như một dũng sĩ châu Phi với một hệ thống giai thoại ái tình ngây ngô, bão tố khi nói chuyện với phái nữ lại không ồn ào chút nào, thậm chí cứ hễ cất miệng đọc thơ là lại khóc khiến cho trái tim bao thiếu nữ và thiếu phụ tan chảy. Còn Xuân Sách, nhà chân dung học độc đáo có một không hai trong làng văn lại chỉ đưa đôi mắt rất hóm quan sát tất cả đồng nghiệp để rồi sau đó vài ngày, một chân dung bằng thơ được kết nối bằng tên các tác phẩm và tính cách của ai đó được tấu lên với độ chính xác và lạnh buốt đến sững sờ. Còn nhớ một buổi sáng cụ Nguyễn Minh Châu đạp xe đến cơ quan, nhìn tôi với vẻ nghiêm trọng, nói: “Đổi đi! Ông phải thay đổi cách viết đi! Đã đọc Tướng về hưu của cậu Thiệp trên báo Văn nghệ chưa? Bỏ mẹ, nó viết thế thì có khác gì nó vỗ vào mặt mình là cách viết của các bố cũ, cổ lắm rồi”. Cũng cụ này có hôm bỗng say sưa bàn về bóng đá trong khi chưa một lần ra sân bãi, đến nỗi cụ Nguyễn Khải phải trợn mắt lên: “Nhìn lão này bình luận bóng đá cứ nưng nứng như con đĩ non!”. Đại khái thế, sáng sáng cánh trẻ ngồi bậc tam cấp hóng chuyện các cụ vỡ ra được vô khối điều về nhân tình thế thái, về tình yêu tình người, cả về chuyện nghề trúc trắc, tế nhị không dễ nói ra. Riêng chỉ có Duy Khán, nhà thơ, người lính radda năm xưa là vẫn nói về nghề một cách say sưa rôm rả như một cậu bé mới vào nghề. Và chính cái tâm hồn bé thơ được ướp rượu gần như trong vắt ấy đã giúp ông sau này cho ra đời được cuốn văn xuôi chứ không phải thơ Tuổi thơ im lặng được liệt vào hàng tuyệt bút. Cũng như câu nói cuối cùng của ông khi được nhận một căn hộ ba chục thước vuông ở Hải Phòng trước khi về hưu được liệt vào loại tuyệt khẩu: “Đây là bài thơ đẹp nhất của đời tôi”.

Nghèo. Thời bao cấp các nhà văn mặc áo lính thật nghèo. Lương không đủ sống nửa tháng, tết nhất rút thăm được lạng mỡ này, lạng thịt kia đã rưng rưng muốn khóc nhưng mà sống với nhau thật chí tình chí nghĩa. Chí tình chí nghĩa trong quan hệ đồng nghiệp, trong cả quan hệ tổ chức. Bây giờ thỉnh thoảng đi qua ngôi nhà thân yêu, tôi dường như vẫn vẳng nghe tiếng đọc thơ biền ngẫu qua giọng Huế rất đằm của cụ Thanh Tịnh, thủ lĩnh thứ hai của Tạp chí sau tướng Văn Phác. Thơ cụ làm theo kiểu độc tấu nhưng ý nghĩa bên trong cứ làm cho ta xao xuyến, giật mình đến tận cùng về kiếp người, về lẽ nhân sinh mà tầng minh triết trong đó so với đúc kết được gọi là thâm thúy của ông thủ tướng họ Chu đã về nghỉ của quốc gia láng giềng bên kia kiểu như “Tất cả đều ở ngoài ta chỉ có sức khoẻ là ở trong tay”, hay “Nhà của cha mẹ là nhà của con nhưng nhà của con không bao giờ là nhà của cha mẹ”… còn thâm sâu hơn nhiều. Và được nghe cả tiếng cười sảng khoái của tác giả Núi đôi, nhà thơ Vũ Cao, thủ lĩnh đời thứ ba như vẫn còn lẩn khuất đâu đây trong hai vòm hoa đại. Lẩn khuất cả câu nói bất hủ: “Lãnh đạo văn nghệ tức là không lãnh đạo gì”. Câu nói đã đi vào cốt lõi của tâm hồn người làm văn học nghệ thuật chỉ tuân thủ phép tâm trị chứ không phải pháp trị.

Có một điều chung là các cụ không mấy mặn mà với chuyện họp hành, kể cả họp chi bộ. Ngồi họp mà đầu óc cứ lãng đãng để đi đâu, nếu buộc phải phát biểu cái gì đó thì cũng phát biểu rất ngắn, cụt thui lủi, cạn ý hết lời lúc nào không biết. Thậm chí chẳng may trúng cấp ủy là đùn đẩy tung toé cho nhau với đủ những lí do chả có liên quan gì đến tính đảng cả. Cũng may mà trong số đó có cụ lại có cảm hứng phát biểu, nhất là các cụ quê vùng Nghệ Tĩnh, phát biểu rất hăng, rất dài, khúc chiết, câu nào ra câu đó, nghị quyết rạch ròi phân tích đến nơi đến chốn cho nên cuộc họp cũng có phần đỡ nặng nề. Vì vậy cứ sắp đến một cuộc họp hay học nghị quyết gì đó, mà thời ấy xểnh ra là học, mọi người lại bảo nhau phải khích cho lão này lão kia lên tiếng, chỉ cần hai lão thôi là hết giờ, xong. Chả thế mà có thời người ta nói “Văn đội quân Nghệ” chứ không phải “Văn nghệ quân đội”. Còn bây giờ các cụ đồ Nghệ lác đác rụng rơi gần hết rồi.

Không biết từ bao giờ có cái định đề nghe có vẻ biện chứng thế này: Sáng tạo là cô đơn, là lặng lẽ đến ghê người, cái anh viết hay thường nói dở và cái anh viết dở lại nói hay, như một sự bù trừ. Tôi thấy không đúng. Nhà số 4 hồi đó thường hay có tao nhân mặc khách từ mọi nơi đến chơi. Thôi thì đủ các thứ chuyện, các khẩu khí khác nhau. Tôi nhớ có một anh nói nhiều lắm, nói có duyên, nếu đến chơi khách chỉ đủ thì giờ nghe chủ nói cả buổi rồi bấm bụng ra về. Đó là Tô Hoàng vừa tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh từ Liên Xô về. Nhưng Tô Hoàng ngồi trước một người tóc bạc sớm, nói nhỏ nhẹ thôi mà chữ nghĩa cứ như kim khí va nhau lanh canh, sắc lạnh là chỉ còn há miệng ngồi nghe. Đó là Nguyễn Khắc Phục, vừa từ chiến trường Khu 5 trở về. Cả hai con người này ngồi trước một người thứ ba, nói như lên đồng, nói trong hơi thuốc lào vã, nói đùn bọt mép, nói như đưa như ru, nói như không hiểu mình nói gì thì chỉ đành ngồi im. Đó là Đỗ Chu. Vậy mà cả ba ngồi trước một vị trung tuổi, da dẻ hồng hào nhẵn nhụi, răng cửa hơi vổ, vừa nói vừa cười, ý nọ nhằng vào ý kia, ý nào cũng tràn trề triết lí bất ngờ thì chỉ còn cách uống từng lời, càng uống càng khát. Đó là cụ Nguyễn Khải.

Nhớ lại, kể lại về những con người Nhà số 4 thì vô hồi vô hạn, xin tạm chấm phá vài dòng để làm động tác tri ân, để nhớ về một ngôi nhà trầm mặc đã sản sinh ra bao tài văn trong lịch sử văn học, đã tạo nên một tượng đài văn chương uy nghiêm của dân tộc trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Mới đó mà người đã đi xa, tất cả những người tôi vừa kể trên, người không còn nữa, người nghỉ hưu, người đang thoi thóp trên giường bệnh nhưng ngôi nhà ấy, những tên tuổi ấy sẽ còn lưu danh mãi trong lòng người đọc, trong các thế hệ mai sau, trong lòng nhân dân cần lao. Âu đó cũng là cái hạnh phúc khôn nguôi, cao quý, thơm thảo, tinh khiết, chay tịnh của kẻ sĩ một thời và muôn thời. Như hương nhụy của hai vòm hoa đại kia.
Phần nhận xét hiển thị trên trang