Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Lợi ích nhóm lũng đoạn công tác cán bộ




Kim Anh/VOV.VN (thực hiện)
VOV.VN - GS Phan Xuân Sơn cho rằng, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là điển hình của việc lợi ích nhóm đang lũng đoạn một số khâu trong công tác cán bộ.

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã được sự đồng tình của nhân dân cả nước. Trên cơ sở Kết luận này, Tổng Bí thư tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc tích cực để làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan tới những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Cán bộ là gốc của mọi công việc

PV: Bác Hồ đã từng nói: Cán bộ là gốc của mọi việc. Để xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động, công tác cán bộ cần được chú trọng như thế nào, thưa ông?

GS Phan Xuân Sơn: Công tác cán bộ là công tác quan trọng nhất vì nó là “công việc gốc của Đảng”. Nếu không làm tốt “việc gốc” thì các “việc cành”, “việc ngọn” cũng sẽ không tốt, không bền vững. Đảng ta có vai trò lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ. Đảng lãnh đạo Nhà nước thì Đảng phải chuẩn bị một đội ngũ cán bộ để giữ các cương vị trong hệ thống các cơ quan của Nhà nước.

Muốn có đội ngũ cán bộ tốt, đòi hỏi Đảng phải lãnh đạo tốt công tác cán bộ từ tất cả các khâu: Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Chỉ cần làm không tốt một trong các khâu đó, chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ yếu kém. Khi cán bộ kém, thì công việc của Đảng, Nhà nước của Mặt trận cũng sẽ yếu kém và khi đó dân sẽ không còn tin vào cán bộ nữa, không tin vào Đảng, vào Nhà nước nữa. Khi đã mất lòng tin của nhân dân thì có thể mất tất cả.

PV: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Theo ông, xảy ra hiện trạng này có nguyên nhân nào từ công tác cán bộ?

GS Phan Xuân Sơn: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nhận định, đánh giá: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã chỉ rõ nguy cơ tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi, thậm chí còn có những diễn biến phức tạp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ việc chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về công tác cán bộ, thực hiện không đồng bộ các khâu của công tác cán bộ. Trong nhiệm kỳ khóa XI, Đảng ta đã có một số biện pháp cụ thể, mới hơn so với những nhiệm kỳ trước về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, đánh giá cán bộ…

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn của sự nghiệp đổi mới cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có thể khẳng định, công tác cán bộ vẫn nhiều bất cập, vẫn chưa ngang tầm với đòi hỏi của tình hình thực tiễn cả về tri thức, kỹ năng, tư cách đạo đức lối sống.

Có hai vấn đề cần đổi mới mạnh mẽ đó là đánh giá cán bộ theo năng lực, tài năng và cống hiến; được hưởng thụ, thăng tiến theo năng lực, tài năng và cống hiến đó. Chỉ có như vậy mới tránh được các tiêu cực trong công tác cán bộ, mới tránh được các nạn “chạy”, từ chạy bằng cấp, chạy chức, chạy quyền, chạy tội…Mới chọn được người tài chứ không phải chỉ người nhà, mới đảm bảo được công bằng trong công tác cán bộ.

Dấu hiệu nhóm  lợi ích trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh

PV: Là người điều hành Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam, để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được đề bạt, luân chuyển lên những vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương, rồi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ông thấy sao về hiện tượng này?

GS Phan Xuân Sơn: Vụ ông Trịnh Xuân Thanh không phải là hiện tượng đơn lẻ, mà là một hiện tượng điển hình của công tác cán bộ. Việc này liên quan đến nhiều yếu kém của công tác cán bộ. Đặc biệt, yếu kém nhất hiện nay đó là sự thao túng của các nhóm lợi ích đối với công tác cán bộ.

Ông Trịnh Xuân Thanh là một cá nhân liên quan đến một nhóm lợi ích nào đó. Nhóm đó là một nhóm có thế lực, là những người có nhiều quyền, có nhiều tiền, có nhiều hiểu biết về quy trình công tác cán bộ. Chỉ có như thế thì họ mới đưa một người yếu kém về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; yếu kém về năng lực chuyên môn (làm thua lỗ hơn 3000 tỷ) lọt qua các công đoạn của quy trình công tác cán bộ và thăng tiến như vậy.

Có thể nói, hiện nay không chỉ mình ông Thanh mà có hàng trăm, hàng nghìn nhân vật như vậy mà chúng ta chưa phát hiện được hoặc đã phát hiện rồi, mà chưa xử lý được.

PV: Vì sao những trường hợp bổ nhiệm, luân chuyển “có vấn đề” người ta vẫn khẳng định “đúng quy trình”, thưa ông?

GS Phan Xuân Sơn: Quy trình của chúng ta khá chặt chẽ, nhưng quy trình nào cũng có thể có những “lỗ hổng” của nó. Vấn đề là các “nhóm lợi ích”, các cá nhân vụ lợi đã lợi dụng, đã tìm cách “qua mặt” hệ thống công tác nhân sự mà nó vẫn “theo đúng quy trình”. Hay nói cách khác, một số khâu, một số công đoạn có thể làm “đúng quy trình” nhưng hình thức không thực chất. Như quy trình lấy phiếu tín nhiệm.

Như chúng ta đã biết, số phiếu tín nhiệm phải trên 50% mới được tín nhiệm, nhưng quá trình lấy phiếu tín nhiệm như thế nào thì không ai kiểm soát được. Người bỏ phiếu có thể bị tác động bởi lợi ích, tình cảm, họ hàng, đồng hương…thậm chí người ta có thể bỏ tiền ra mua phiếu tín nhiệm.

Quy trình bổ nhiệm cán bộ của chúng ta hiện nay mặc dù khá chặt chẽ, nhưng không có nghĩa là không có hạn chế, vẫn có “đất” cho sự tùy tiện, và có thể bỏ sót những tài năng.

PV: Đánh vào nhóm lợi ích không dễ dàng, song vừa rồi đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "nổi trống lệnh" tấn công vào nhóm lợi ích, tham nhũng cho thấy quyết tâm chính trị là không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân nào, thưa ông?

GS Phan Xuân Sơn: Trong việc chống tiêu cực, cũng như phòng chống tham nhũng, lãng phí…Đảng ta chủ trương không có vùng cấm. Kinh nghiệm trên thế giới về việc chống tham nhũng, tiêu cực là chống từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, tức là đánh chỗ nào quan trọng trước, chỗ không quan trọng đánh sau.

Như vậy chống tiêu cực, lợi ích nhóm đầu tiên phải chống từ các cơ quan cấp cao rồi xuống cấp thấp, từ Trung ương, xuống tỉnh, huyện, xã.

Phương châm, chiến thuật, chiến lược là như thế, nhưng thực hiện nó phải có bước đi và phải chặt chẽ, để tránh làm sai, làm oan, mất đoàn kết nội bộ. Tổng Bí thư đã nói công khai nhiều lần là không có vùng cấm, không né tránh, làm liên tục, kiên trì, quyết liệt và cẩn thận.

PV: Theo ông, có nên rà soát lại những trường hợp "con ông, cháu cha" ngồi “ghế” chưa nóng đã di chuyển từ chỗ nọ tới chỗ kia để thăng tiến?

GS Phan Xuân Sơn: Công tác cán bộ đòi hỏi phải rà soát thường xuyên và đối với mọi đối tượng. Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Đại hội XII, việc chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chống các hiện tượng tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí… thì việc rà soát trong công tác cán bộ càng cần phải thường xuyên hơn. Trong đó, cần chú ý đến những trường hợp mà nhân dân và dư luận phản ánh. Nhân dân quan tâm và sát cán bộ lắm, nên dân thấy có vấn đề thì dân sẽ nói ngay.

Vì vậy, khi nghe dân nói, phải rà soát lại, xem mức độ đúng, sai thế nào. Những trường hợp “con ông, cháu cha” thăng tiến nhanh quá, cần khẩn trương xem xét và công khai, minh bạch cho dư luận được rõ.

PV: Mới đây phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra thông điệp thi tuyển để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà; chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Trong bối cảnh lùm xùm về công tác cán bộ, ông bình luận gì về điều này?

GS Phan Xuân Sơn: Trong lịch sử dân tộc, đặc biệt là những triều đại thịnh trị rất trọng người hiền tài vì “hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì quốc gia thịnh”. Lúc nào, thời nào quên điều này thì chắc chắc quốc gia sẽ suy. Quốc gia suy thì nhân dân cơ cực, nội loạn, ngoại xâm, lực lượng cầm quyền cũng sẽ không bảo vệ được lợi ích của mình. Chính vì vậy, trọng hiền tài là điểm mấu chốt có tính truyền thống và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Kinh nghiệm lịch sử của dân tộc ta là coi trọng hiền tài và lựa chọn hiền tài ở tất cả thành phần xã hội, ở tất cả vùng miền. Qua thi cử, bất kỳ con em thuộc gia đình nào, thành phần nào, giai cấp nào nếu thi đỗ đều được làm quan. Thi cử là con đường truyền thống rất căn bản trong việc chọn hiền tài ở nước ta. Chúng ta phải nhất quán và coi trọng truyền thống này.

Hiện nay chúng ta có chính sách bình đẳng với tất cả thành phần dân tộc, các địa phương trong đào tạo cán bộ. Có chính sách ưu tiên cho những vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc để mọi người cùng được tham gia học tập, thi cử cũng như thăng tiến.

PV: Theo ông, làm thế nào để có được đội ngũ cán bộ biết chăm lo cho dân, thực sự vì dân?

GS Phan Xuân Sơn: Để có được đội ngũ cán bộ biết chăm lo cho dân, thực sự vì dân, chúng ta hãy thực hiện nghiêm cẩn lời dạy của tiền nhân cũng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là coi cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng phải gắn công tác cán bộ với nhân dân. Người cán bộ lo việc cho dân phải do dân bầu, dân giám sát, dân đánh giá. Cần phải  đổi mới quy trình để lựa chọn, đào tạo, sự dụng và đãi ngộ cán bộ.

Mỗi giai đoạn cần có tầm nhìn của thời đại, phải nhìn rõ nhu cầu của xã hội về công tác cán bộ từ đó tuyển người tài, sử dụng người tài và có chính sách đãi ngộ người tài xứng đáng. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn hiện tượng tiêu cực mua chức, mua quyền, mua vị trí, bằng cấp…Làm được như vậy thì cơ hội bình đẳng sẽ đến được với tất cả mọi người.

Nếu thực hiện các khâu đó thật nghiêm cẩn thì chắc chắn chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ ngang tầm với đòi hỏi của tình hình, ngang tầm với dân tộc, với sự kỳ vọng của nhân dân.

PV: Xin cảm ơn ông./.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vẫn là bọn thâm hiểm muốn tàn hại, tiêu diệt dân ta, có chi mà "lạ"?

Quảng Bình: PHÁT HIỆN TÀU LẠ NÉM CHẤT THẢI ĐỘC XUỐNG BIỂN


Quảng Bình: Phát hiện tàu lạ ném chất thải nguy hại xuống biển

Báo Giao thông
30/08/2016 - 07:48 (GMT+7) 

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ra công văn yêu cầu các lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát việc đổ chất thải trái phép xuống vùng biển tỉnh Quảng Bình.

Trước đó, UBND tỉnh nhận được báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, việc có ngư dân trình báo phát hiện một tàu hàng lạ thả nhiều bao nylon xuống biển, nghi là chất thải nguy hạicho môi trường.


Cụ thể, khoảng 08 giờ ngày 08/8/2016, tàu đánh cá mang số hiệu QB92986 do anh Nguyễn Đình Khải (SN 1980 trú tại thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) cùng 7 thuyền viên đang đánh bắt tại tọa độ 18012'N-107022'E (cách cửa Gianh khoảng 54 hải lý về hướng Đông Bắc) đã phát hiện một tàu chở hàng loại lớn, sơn màu đen, ca bin màu trắng, thân tàu có các chữ cái La tinh, không rõ số hiệu.

Quá trình tàu di chuyển, các ngư dân phát hiện trên tàu có hàng hóa được bịt bằng bạt và 2 cần cẩu, đang chạy từ đất liền ra theo hướng Đông - Đông Bắc, tốc độ khoảng 8 hải lý/giờ. Trên tàu có 3 người mặc quần áo công nhân liên tục vứt xuống biển nhiều túi nilon lạ. Các thuyền viên nghi tàu đang lén lút vứt chất thải nguy hại xuống biển.

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường nắm bắt tình hình, điều tra xác minh, tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện có các hoạt động tẩu tán, đổ chất thải trái phép trên vùng biển tỉnh Quảng Bình thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời báo cáo tình hình cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tuần tra, xử lý.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tăng cường chỉ đạo các ban, ngành chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền Nhân dân cảnh giác đề phòng, nếu phát hiện có các hoạt động vận chuyển, đổ chất thải trái phép trên vùng biển tỉnh Quảng Bình phải kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Văn Thanh
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một thoáng chân dung văn học ở phố nhà binh
















CHU LAI

Phố nhà binh. Căn phố có độ dài 1.200 thước ấy thời bao cấp ảm đạm lắm, đêm đêm chỉ có tiếng giày đinh quân cảnh gõ uể oải hai bên hè, tiếng những đôi tình nhân thì thào lả người trong tay nhau, tiếng sấu rụng cô đơn xuống mặt đường và tiếng mèo động tình như tiếng trẻ khóc u oa trên mái ngói.

Căn phố rợp bóng xà cừ ấy lại là nơi trấn ngự một ngôi nhà được liệt vào một trong hai ngôi nhà có kiến trúc đẹp và cổ nhất Hà Nội, ngôi nhà mang biển số 4, ngôi nhà có hai cây đại già đứng trầm mặc rụng hoa trước cổng như một chứng nhân lịch sử mà thỉnh thoảng đi qua đây, khách vãng lai rất dễ có cảm nhận mình đang đi qua một ngôi đền thanh tịnh, yên ắng. Vâng, đó đúng là ngôi đền văn chương, ngôi đền của những tên tuổi văn chương lừng lẫy một thời đã làm nên dòng văn học chủ lưu, lấp lánh về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, đến nỗi đã có nữ thi nhân ví nó như là Hội Nhà văn thứ hai của đất nước: Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hải Hồ, Hữu Mai, Nhị Ca, Xuân Sách, Xuân Thiều, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Duy Khán, Nam Hà… Tiếp đến thế hệ thứ hai ồn ào và đông đúc hơn với những người lính vừa từ chiến trận trở về: Lê Lựu, Triệu Bôn, Ngô Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Thị Như Trang, Hữu Thỉnh, Thao Trường, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Trần Đăng Khoa, Lê Thành Nghị, Vương Trọng, Hồng Diệu, Khuất Quang Thụy, Ngô Vĩnh Bình, Chu Lai…
Các thế hệ văn chương đến rồi lại đi như thể đây là nơi tập kết trước lúc tung cánh bay xa vào các miền mĩ cảm của những tài năng chứ không phải chỉ là điểm lưu giữ bảo tàng các cốt cách và các chân giá trị. Có người đi và có người không trở về. Cho đến bây giờ, sau hai cuộc chiến tranh và sau thời kì dựng xây dặc dài nhọc mệt, thế hệ các nhà văn trào kháng Pháp đã gần như không còn một ai, nếu còn cũng rơi vào ốm đau nhiều lắm, thế hệ các nhà văn trào kháng Mĩ đã rơi rụng dần để mỗi độ xuân sang, khi ngồi với nhau trong câu chúc tất niên lại chỉ thấy có những khuôn mặt tươi tắn, trẻ trung, xinh đẹp của thế hệ thứ ba, thế hệ dựng xây và hội nhập với những Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thuý, Phạm Duy Nghĩa, Uông Triều, Đỗ Tiến Thụy…

Mỗi nhà văn là một tính cách, là một chân trời khát vọng, một phong cách, một năng lực sáng tạo, một cách thức đi thực tế, một kiểu viết khác nhau nhưng đều tập trung về một hướng là làm sao có những trang viết sâu xa nồng nàn, chân thực nhất về đồng đội, về nhân dân của mình trong bão táp đạn bom sinh tử. Tài năng văn học là thời vụ, không phải cứ hiệu triệu hô hào rổn rảng, hùng hục xách ba lô đi vào trận mạc, đi vào điểm nóng là có tác phẩm xứng tầm nhưng nếu không đi, không thở tận cùng cái hơi thở của  người lính, của nhân dân thì chắc chắn sẽ không có những con chữ cốt nhục, đắm chìm, thăng hoa đến thế.

Song cách đi cách cảm nhận của mỗi người mỗi khác. Nguyễn Khải trước khi đi bao giờ cũng sắp xếp sẵn mọi ý tưởng, cốt truyện, nhân vật, tình huống trong đầu, đến nơi gặp người này một tí, người kia một tí, ghi ghi chép chép kĩ càng như cái anh nhà báo chuyên viết phóng sự rồi lắp ghép lại y hệt một thợ xây tài hoa, thế là thành một tác phẩm giàu chất lí sự, câu chữ sắc lẻm, nhận xét đáo để, các nhân vật cứ hiện lên rờ rỡ với các cung cách suy nghĩ, nói năng rất Nguyễn Khải không lẫn vào đâu được. Còn Nguyễn Minh Châu thì lại rất lơ mơ, không hỏi không ghi, chỉ gà gật nhưng câu nào ý nào đã lọt được vào tai là ăn chết ở đó, rất lâu sau mới biến thành nhân vật, ngôn từ và cốt truyện sâu thăm thẳm. Chất lí sự của ông này và chất da diết, tinh tế của ông kia giá như ngào được vào nhau thì sẽ có một tiếng nổ khủng khiếp nhưng làm sao được, mỗi người mỗi tạng, chả ai giống ai, chả ai bắt chước được ai. Cái đó gọi là mùi văn. Có mùi rồi thì dù không biết tên tác giả chỉ cần cầm sách lên lia vài đoạn là biết ngay của ai. Ví như cái mùi tưng tửng, câu chữ tung tẩy, bất ngờ, chả có cái gì cũng vẽ lên được, đọc không thể không bật cười, có lúc bật chửi là y rằng văn của Trần Đăng Khoa. Còn câu cú dây cà ra dây muống, cứ mạch nghĩ mà tương, không màng đến bố cục, ngữ pháp, kể cả chấm phẩy, xuống dòng, đọc mệt nhưng sướng dứt khoát là văn của Lê Lựu…

Mỗi cụ là một thế giới riêng độc đáo và hết sức phong phú về tư duy, tâm hồn, cả khẩu khí. Cụ Châu thì nhỏ nhẹ, rì rầm, như không thích nói, muốn nói. Cụ Khải thì véo von, nói như không, thoạt nghe chưa thấy gì, thấm rồi mới thấy sao nó tinh thế, sâu thế. Cụ Hải Hồ gầy gò nhưng lại rất thích nói về sex, trong đó cái ngón chơi của bà hoàng hậu Trung Hoa tám mươi tuổi rồi mà vẫn khao khát tình dục đến kinh hoàng qua miệng cụ kể mà nghe sởn cả da gà. Cụ Hữu Mai với chiếc mũ nồi bốn mùa gắn trên cái đầu được biết nó không tròn trịa lắm khi đó đang nổi như cồn bởi “Ông cố vấn” lại chỉ mủm mỉm cười. Đánh bóng bàn cụ cũng mủm mỉm vậy nhưng nhiều khi gài cho cây vợt Thu Bồn có lối đánh ồn ào những cú trái tay đến phải mở miệng văng tục. Nhưng Thu Bồn, người đàn ông cao to như một dũng sĩ châu Phi với một hệ thống giai thoại ái tình ngây ngô, bão tố khi nói chuyện với phái nữ lại không ồn ào chút nào, thậm chí cứ hễ cất miệng đọc thơ là lại khóc khiến cho trái tim bao thiếu nữ và thiếu phụ tan chảy. Còn Xuân Sách, nhà chân dung học độc đáo có một không hai trong làng văn lại chỉ đưa đôi mắt rất hóm quan sát tất cả đồng nghiệp để rồi sau đó vài ngày, một chân dung bằng thơ được kết nối bằng tên các tác phẩm và tính cách của ai đó được tấu lên với độ chính xác và lạnh buốt đến sững sờ. Còn nhớ một buổi sáng cụ Nguyễn Minh Châu đạp xe đến cơ quan, nhìn tôi với vẻ nghiêm trọng, nói: “Đổi đi! Ông phải thay đổi cách viết đi! Đã đọc Tướng về hưu của cậu Thiệp trên báo Văn nghệ chưa? Bỏ mẹ, nó viết thế thì có khác gì nó vỗ vào mặt mình là cách viết của các bố cũ, cổ lắm rồi”. Cũng cụ này có hôm bỗng say sưa bàn về bóng đá trong khi chưa một lần ra sân bãi, đến nỗi cụ Nguyễn Khải phải trợn mắt lên: “Nhìn lão này bình luận bóng đá cứ nưng nứng như con đĩ non!”. Đại khái thế, sáng sáng cánh trẻ ngồi bậc tam cấp hóng chuyện các cụ vỡ ra được vô khối điều về nhân tình thế thái, về tình yêu tình người, cả về chuyện nghề trúc trắc, tế nhị không dễ nói ra. Riêng chỉ có Duy Khán, nhà thơ, người lính radda năm xưa là vẫn nói về nghề một cách say sưa rôm rả như một cậu bé mới vào nghề. Và chính cái tâm hồn bé thơ được ướp rượu gần như trong vắt ấy đã giúp ông sau này cho ra đời được cuốn văn xuôi chứ không phải thơ Tuổi thơ im lặng được liệt vào hàng tuyệt bút. Cũng như câu nói cuối cùng của ông khi được nhận một căn hộ ba chục thước vuông ở Hải Phòng trước khi về hưu được liệt vào loại tuyệt khẩu: “Đây là bài thơ đẹp nhất của đời tôi”.

Nghèo. Thời bao cấp các nhà văn mặc áo lính thật nghèo. Lương không đủ sống nửa tháng, tết nhất rút thăm được lạng mỡ này, lạng thịt kia đã rưng rưng muốn khóc nhưng mà sống với nhau thật chí tình chí nghĩa. Chí tình chí nghĩa trong quan hệ đồng nghiệp, trong cả quan hệ tổ chức. Bây giờ thỉnh thoảng đi qua ngôi nhà thân yêu, tôi dường như vẫn vẳng nghe tiếng đọc thơ biền ngẫu qua giọng Huế rất đằm của cụ Thanh Tịnh, thủ lĩnh thứ hai của Tạp chí sau tướng Văn Phác. Thơ cụ làm theo kiểu độc tấu nhưng ý nghĩa bên trong cứ làm cho ta xao xuyến, giật mình đến tận cùng về kiếp người, về lẽ nhân sinh mà tầng minh triết trong đó so với đúc kết được gọi là thâm thúy của ông thủ tướng họ Chu đã về nghỉ của quốc gia láng giềng bên kia kiểu như “Tất cả đều ở ngoài ta chỉ có sức khoẻ là ở trong tay”, hay “Nhà của cha mẹ là nhà của con nhưng nhà của con không bao giờ là nhà của cha mẹ”… còn thâm sâu hơn nhiều. Và được nghe cả tiếng cười sảng khoái của tác giả Núi đôi, nhà thơ Vũ Cao, thủ lĩnh đời thứ ba như vẫn còn lẩn khuất đâu đây trong hai vòm hoa đại. Lẩn khuất cả câu nói bất hủ: “Lãnh đạo văn nghệ tức là không lãnh đạo gì”. Câu nói đã đi vào cốt lõi của tâm hồn người làm văn học nghệ thuật chỉ tuân thủ phép tâm trị chứ không phải pháp trị.

Có một điều chung là các cụ không mấy mặn mà với chuyện họp hành, kể cả họp chi bộ. Ngồi họp mà đầu óc cứ lãng đãng để đi đâu, nếu buộc phải phát biểu cái gì đó thì cũng phát biểu rất ngắn, cụt thui lủi, cạn ý hết lời lúc nào không biết. Thậm chí chẳng may trúng cấp ủy là đùn đẩy tung toé cho nhau với đủ những lí do chả có liên quan gì đến tính đảng cả. Cũng may mà trong số đó có cụ lại có cảm hứng phát biểu, nhất là các cụ quê vùng Nghệ Tĩnh, phát biểu rất hăng, rất dài, khúc chiết, câu nào ra câu đó, nghị quyết rạch ròi phân tích đến nơi đến chốn cho nên cuộc họp cũng có phần đỡ nặng nề. Vì vậy cứ sắp đến một cuộc họp hay học nghị quyết gì đó, mà thời ấy xểnh ra là học, mọi người lại bảo nhau phải khích cho lão này lão kia lên tiếng, chỉ cần hai lão thôi là hết giờ, xong. Chả thế mà có thời người ta nói “Văn đội quân Nghệ” chứ không phải “Văn nghệ quân đội”. Còn bây giờ các cụ đồ Nghệ lác đác rụng rơi gần hết rồi.

Không biết từ bao giờ có cái định đề nghe có vẻ biện chứng thế này: Sáng tạo là cô đơn, là lặng lẽ đến ghê người, cái anh viết hay thường nói dở và cái anh viết dở lại nói hay, như một sự bù trừ. Tôi thấy không đúng. Nhà số 4 hồi đó thường hay có tao nhân mặc khách từ mọi nơi đến chơi. Thôi thì đủ các thứ chuyện, các khẩu khí khác nhau. Tôi nhớ có một anh nói nhiều lắm, nói có duyên, nếu đến chơi khách chỉ đủ thì giờ nghe chủ nói cả buổi rồi bấm bụng ra về. Đó là Tô Hoàng vừa tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh từ Liên Xô về. Nhưng Tô Hoàng ngồi trước một người tóc bạc sớm, nói nhỏ nhẹ thôi mà chữ nghĩa cứ như kim khí va nhau lanh canh, sắc lạnh là chỉ còn há miệng ngồi nghe. Đó là Nguyễn Khắc Phục, vừa từ chiến trường Khu 5 trở về. Cả hai con người này ngồi trước một người thứ ba, nói như lên đồng, nói trong hơi thuốc lào vã, nói đùn bọt mép, nói như đưa như ru, nói như không hiểu mình nói gì thì chỉ đành ngồi im. Đó là Đỗ Chu. Vậy mà cả ba ngồi trước một vị trung tuổi, da dẻ hồng hào nhẵn nhụi, răng cửa hơi vổ, vừa nói vừa cười, ý nọ nhằng vào ý kia, ý nào cũng tràn trề triết lí bất ngờ thì chỉ còn cách uống từng lời, càng uống càng khát. Đó là cụ Nguyễn Khải.

Nhớ lại, kể lại về những con người Nhà số 4 thì vô hồi vô hạn, xin tạm chấm phá vài dòng để làm động tác tri ân, để nhớ về một ngôi nhà trầm mặc đã sản sinh ra bao tài văn trong lịch sử văn học, đã tạo nên một tượng đài văn chương uy nghiêm của dân tộc trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Mới đó mà người đã đi xa, tất cả những người tôi vừa kể trên, người không còn nữa, người nghỉ hưu, người đang thoi thóp trên giường bệnh nhưng ngôi nhà ấy, những tên tuổi ấy sẽ còn lưu danh mãi trong lòng người đọc, trong các thế hệ mai sau, trong lòng nhân dân cần lao. Âu đó cũng là cái hạnh phúc khôn nguôi, cao quý, thơm thảo, tinh khiết, chay tịnh của kẻ sĩ một thời và muôn thời. Như hương nhụy của hai vòm hoa đại kia.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xâm nhập thế giới mại dâm ở Sài Gòn



image
image
image
Nữ tiến sĩ Mỹ gốc Việt Kimberly Kay Hoang đã dành 5 năm hóa thân thành cô gái phục vụ quán bar để tìm hiểu về hoạt động lẫn vai trò của mạng lưới mại dâm đầy phức tạp ở TP HCM.

Tối một ngày hè năm 2006, Kimberly trở về nước với ý định tìm hiểu về thị trường mại dâm ở TP HCM. Khi đó, cô chưa rõ nên bắt đầu từ đâu, như thế nào. Cách của cô rất đơn giản: bước vào một quán bar, bày tỏ ý định nghiên cứu với chủ quán, hy vọng những cô gái làm việc ở đây sẽ chia sẻ câu chuyện của mình.

Kimberly nhận được cái lắc đầu, đó là điều nằm trong dự tính. Đem việc này kể với một cậu bạn làm pha chế, anh ta khuyên Kimberly nên đến tìm hiểu từ các ông xe ôm thường quanh quẩn ở những khách sạn cao cấp trong trung tâm Quận 1. Nghe theo lời khuyên, Kimberly đã được “mở mang” tầm hiểu biết về giới làng chơi ngầm ở TP HCM phức tạp như thế nào, qua một cuốc xe ôm thâu đêm với giá khoảng 400.000 đồng.

image
“Tôi không muốn chỉ tìm hiểu một cách qua loa, mà tôi muốn đào sâu tìm hiểu, trò chuyện với những cô gái trong nghề này, và cả những nhu cầu, động cơ của khách hàng khi tìm đến các cô ấy”

image
Tiến sĩ Kimberly Kay Hoang (33 tuổi) đang giảng dạy tại Đại học Chicago
Để có thể đạt được mức độ tin cậy, cảm thông, Kimberly quyết định vào vai và thực hiện những công việc hàng ngày của những cô gái quán bar trong 23 tháng và kéo dài 5 năm (từ 2006 đến 2010). Tổng cộng, cô đã thực hiện 146 cuộc phỏng vấn với các cô gái, 117 cuộc phỏng vấn với những nam khách hàng, 8 buổi trò chuyện với “má mì” và 5 buổi với những người chủ quán bar.

Theo Kimberly, phần lớn những nghiên cứu về mại dâm ở Việt Nam chủ yếu tìm hiểu các cô gái bắt khách dọc đường. Chưa có nghiên cứu nào thâm nhập sâu vào đời sống của những cô gái quán bar, nên những cố vấn của cô tại các trường đại học Việt Nam cũng đắn đo khi đưa ra lời khuyên về cách thức tiếp cận.

Hóa thân và xây dựng lòng tin

Trong những năm “nhập vai”, Kimberly đã làm việc tại 4 quán bar, từ cao cấp, trung lưu đến bình dân, phục vụ cho 4 đối tượng khác nhau. “Tôi phân loại các quán bar dựa trên 4 nhóm đối tượng khách hàng. Nhóm đầu tiên chính là nhóm cao cấp nhất, bao gồm các đại gia người Việt và những đối tác làm ăn châu Á của họ. Nhóm thứ hai là những người đàn ông Việt kiều, nhóm thứ ba là những doanh nhân và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nhóm cuối cùng, cũng là nhóm bình dân nhất chính là ‘Tây ba lô’”, cô nói.

image
Nơi đầu tiên Kimberly được chấp nhận làm việc là quán bar chuyên phục vụ đàn ông Việt kiều. Chủ nơi này cũng là một Việt kiều, anh ta đồng tình với những quan tâm của Kimberly, cũng như thông cảm với hoàn cảnh một cô gái gốc Việt từ Mỹ đơn độc về Việt Nam.

"Anh ấy che chở tôi như em gái, giới thiệu tôi với một số người phân phối bia, rồi họ lại giới thiệu tôi cho một số chủ quán bar khác... Mối quan hệ này dẫn tới mối quan hệ khác, cuối cùng tôi được vào làm tại một quán bar chỉ chuyên phục vụ những đại gia Việt Nam, có thể nói là tầng lớp giàu nhất".

image
Hình minh họa
Những cuộc phỏng vấn diễn ra ở hậu trường, trong giờ “thấp điểm” khi các cô gái đang ngồi chờ khách đến. Đối với "khách hàng", cuộc trò chuyện có thể diễn ra ngay tại quán bar, quán cà phê, hoặc một nơi gần cơ quan của họ.

image
Tại những quán bar mà Kimberly làm việc, cô không giấu giếm thân phận mà luôn nói rõ mục đích nghiên cứu của mình. "Thoạt đầu, các cô gái tỏ ra ngạc nhiên. Vì sao một người có học vị và điều kiện như tôi lại tìm đến đây làm gì, và vì sao lại quan tâm câu chuyện của các cô ấy. Khi đó, tôi phải nỗ lực để các cô ấy tin tưởng", Kimberly nói.

Trong nhiều tuần đầu tiên, Kimberly học các công việc của đồng nghiệp. Từ phục vụ đến làm việc ở quầy pha chế, ngồi uống với khách, hát karaoke, để khách chạm vào cơ thể.

"Đó là ranh giới mà khi vượt qua thì bạn sẽ không còn là phụ nữ đứng đắn theo quan điểm thông thường. Nhưng nó giúp tôi lấy lòng tin với các cô gái và khách hàng. Khi bước vào đây, tôi không tỏ ra mình tốt hơn hay thông minh hơn các cô ấy. Tôi phải làm công việc giống như họ, tôn trọng công việc của họ".

Kimberly làm việc khoảng 13 tiếng mỗi ngày, và đủ 7 ngày trong tuần. Thỉnh thoảng cô cũng xếp hàng để những vị khách nam chọn. "Nhưng vì tôi già, xấu, chân ngắn và cũng không mảnh mai, không hấp dẫn, nên khi đó chẳng có ai gọi tôi đến bàn cùng uống rượu cả", Kimberly cười lớn khi kể lại.

image
Sau khoảng 9 tháng liên tục làm việc tại quán bar cao cấp vốn đòi hỏi phải uống rượu hàng đêm với khách nhiều hơn, Kimberly quyết định giảm tần suất công việc. Chuyển sang quán bar bình dân nhất, cô chọn đóng vai người quan sát hơn là hóa thân thành cô gái quán bar thực sự.

Kimberly cho biết cô dễ dàng hòa nhập với các vị khách tại những quán bar cao cấp hơn, vì năng lực ngôn ngữ, nền văn hóa và cách tương tác rất "Mỹ". Sau khi đoán được trình độ của cô, một vị khách thậm chí đề nghị Kimberly trở thành "thư ký tình dục" (sex-retary) cho ông ấy với mức lương 3.000 USD/tháng. "Khi đó, trong lòng tôi chỉ muốn đấm một phát vào mặt ông ấy. Nhưng tôi đã kiềm chế, mỉm cười, và cúi đầu từ chối cơ hội này", Kimberly kể.

Quyền năng châu Á và sự suy tàn của châu Âu

image
Giai đoạn hai trong quá trình nghiên cứu của Kimberly trùng với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, bắt đầu từ năm 2008. Lúc này, Việt Nam hầu như chưa bị ảnh hưởng. Thậm chí, trong giai đoạn khủng hoảng, Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn tại châu Á đối với nhà đầu tư nước ngoài, FDI năm 2009 gần gấp 3 năm 2006.

Nhưng phần lớn đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2009 không phải từ Mỹ hay châu Âu, mà từ châu Á, như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore. Do vậy, hướng nghiên cứu lúc này được mở rộng sang việc sử dụng tình dục như hình thức thanh toán, trao đổi hoặc hỗ trợ trong quan hệ kinh tế như thế nào.

image
Quyển sách của Kimberly Kay Hoang tựa đề tạm dịch "Mua bán dục vọng: quyền năng tại Châu Á, suy tàn tại Châu Âu và hình thức tiền tệ ngầm của nghề mại dâm toàn cầu", là tổng hợp trải nghiệm và phân tích khoa học từ 5 năm phục vụ quán bar tại TP HCM. Cuốn sách đã đạt nhiều giải thưởng học thuật uy tín tại Mỹ. 

“Cách làm ăn rất châu Á. Quy trình, luật lệ không phải là những yếu tố tuân thủ hàng đầu. 

Vậy làm sao để xây dựng mối quan hệ và lòng tin? Họ đã làm những điều này tại quán bar.

Đối với đàn ông châu Âu, đến quán bar là để vui vẻ và giải trí. Nhưng đối với đàn ông châu Á, quán bar còn là nơi để tiếp xúc, tìm hiểu lẫn nhau trong các phi vụ làm ăn và ký hợp đồng”

Theo quan sát của Kim, điều khiến nhiều nhà nghiên cứu bất ngờ là vị thế của những người đàn ông phương Tây trong các quán bar hạng sang ở Việt Nam lại không phải cao nhất, mà thống trị chính là các đại gia người Việt.

image
“Bởi vì đàn ông phương Tây không mang theo sẵn thật nhiều tiền mặt để chi trả, trong khi các quán bar hiếm khi nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Tấm thẻ trở nên vô dụng, trong khi những đại gia Việt lại rất nhiều tiền và đặc biệt là rất hào phóng. Đó cũng là điều phản ánh một phần từ góc nhìn ‘Quyền năng châu Á và suy tàn của phương Tây’”, Kimberly nói.

Cô nhớ nhất một buổi tiếp khách của một đại gia người Việt với các đối tác Đài Loan. Đến khi thanh toán, biết chắc rằng những đối tác không mang đủ tiền mặt, vị đại gia liền “vung tiền” và tự hào tuyên bố: “Đây là cách chơi của chúng tôi”.

image
Hình minh họa
Ông này cũng hào phóng “boa” cho các cô gái phục vụ tổng số tiền 1.100 USD, rồi lại quay sang hỏi đối tác: “Các vị có bao giờ thấy ông Tây hay Việt kiều nào làm như vậy chưa?”.

image
Kimberly Kay Hoang chia sẻ những kết quả nghiên cứu với sinh viên tại ĐH Chicago.

Cuộc sống của cô gái quán bar

Theo Kimberly, “tình chị em” giữa những cô gái quán bar khá gắn kết. Họ tụ tập vui vẻ với nhau những khi không làm việc, tổ chức tiệc sinh nhật cho nhau, thậm chí đến thăm gia đình của nhau.

Má mì cũng không hẳn là người bóc lột sức lao động. Họ không xén bớt phần tiền của các cô gái sau mỗi lần ‘mây mưa’ với khách. Họ chỉ nhận tiền boa khi ngồi uống với khách.

“Nhưng điều này chỉ diễn ra trong các quán bar cao cấp”, Kimberly thừa nhận.

image
Các cô gái cũng chịu khó tân trang nhan sắc để thu hút được nhiều khách hơn. Họ nâng mũi, nâng cấp vòng 1… hoặc phẫu thuật theo hướng để giống với các cô gái Hàn Quốc. Đó là vẻ đẹp mong manh của phụ nữ châu Á, vừa hợp nhãn với những đại gia địa phương mà cũng hấp dẫn đối với các vị khách phương Tây, khác hẳn hình ảnh những gái mại dâm “xôi thịt” như tại Mỹ.

“Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ từng nói với tôi rằng, ‘Nhiều người cứ bảo tiền không mua được tình yêu, nhưng đó là do họ không biết mua ở chỗ nào thôi’”, Kimberly chia sẻ.

image
Kimberly cho biết, nhiều cô gái chọn trở thành phục vụ ở quán bar vì đây là công việc không khó nhọc nhưng giúp mang lại thu nhập cao, so với các công việc như ở nhà máy.

Trên thực tế, họ cũng là người đóng góp lớn cho thu nhập gia đình ở quê hương so với những người anh em đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Nhưng định kiến ở một xã hội phương Đông vẫn rất nặng nề.

Một trong những kỷ niệm buồn của Kimberly là khi cô về thăm nhà một nữ đồng nghiệp vào dịp Tết. Giữa chặng đường, mẹ của người bạn gọi điện thoại và chửi mắng con gái. “Bà bảo cô ấy đừng về nữa. Hàng xóm ai cũng kháo nhau rằng cô ấy đi làm gái”. Cô gái oà khóc giữa chuyến xe, “má mì” cố gắng khuyên bảo: “Không sao đâu, rồi chúng ta sẽ có cách”.

sad crying cry blackgirlmagic black girl magic

Tính kinh tế của tình dục và chăn gối tại Việt Nam...
image

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hướng dẫn dùng tiếng nói để đánh máy

BM

typing keyboard dennou coil
Một số người thường ngày buộc họ phải dùng keyboard thường xuyên mắc một chứng bệnh gọi là Carpal Tunnel hoặc một lý do nào đó không đánh máy được như một người bình thường.

image
Với kỹ thuật tân tiến ngày nay, chúng ta không cần đánh máy. Chúng ta có thể dùng giọng nói thay vì gõ trên keyboard.

image 
Có nhiều cách làm, một cách làm không đòi hỏi chúng ta phải cài đặt bất cứ nhu liệu điện toán nào ngoại trừ chỉ cần Google Chrome.
Đầu tiên, trong Chrome browser, những browsers khác như Internet Explorer, Firefox đều không hoạt động.
image 
Vào Email ấn Icon có 9 ô vuông ở bên phải phía trên của màn ảnh.

image 
Sau đó chọn Docs

image

Google Doc: ấn trên dấu +, di chuyển chuột chọn Tools và Voice typing...

image 


Khi đã vào được Google Doc, thì nhấn vào dấu cộng để tạo ra một văn bản mới.

Chọn Tools /Voice Typing

image
Chọn Vietnamese nếu như muốn nói tiếng Việt.
image

Nhấn vào icon có hình microphone rồi nói những gì muốn nói.

typing joes apartment

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

PGĐ SỞ 4T QUẢNG NAM NGHE TIẾNG TRUNG QUỐC NHƯ TIẾNG ANH


Ông Võ Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam.
 
Phó GĐ Sở TTTT Quảng Nam bác tin loa phát thanh nhiễu sóng Trung Quốc

VOA
29-8-2016

Loa phát thanh ở Hội An bị nhiễu sóng tiếng Anh, chứ không phải tiếng Trung Quốc, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam khẳng định với đài VOA.

Ông Võ Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam, cho VOA biết vụ nhiễu sóng tiếng Trung Quốc ở một số loa phát thanh phường Cẩm Châu, thành phố Hội An, là “do báo đưa lộn”.

Ông Thơ nói: “Không có vấn đề gì. Báo nó đưa lộn đó. Tần số của VOV nó bị nhiễu qua tiếng Anh chứ không phải tiếng Trung Quốc”.

Giới chức của Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam xác nhận với VOA rằng sự cố đài VOV bị nhiễu sóng là do “đang thử nghiệm”. Ông Võ Văn Thơ cũng khẳng định từ trước tới nay chưa hề xảy ra hiện tượng nhiễu sóng tương tự tại địa phương.

Trước đó trong ngày 28/8, báo Tuổi Trẻ đưa tin nhiều người dân ở khu vực chợ Bà Lê đã rất bất ngờ khi nghe loa phát thanh của phường phát toàn tiếng Trung Quốc trong gần nửa giờ vào trưa 27/8.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, trưởng Đài truyền thanh – truyền hình thành phố Hội An, được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết nguyên nhân vụ việc là do sự cố nhiễu sóng. Bà Cẩm xác nhận với Tuổi Trẻ rằng sự cố nhiễu sóng tiếng Trung Quốc trước đây đã xảy ra một lần, nhưng chỉ trong khoảng 3 – 5 phút. Bà Cẩm cho Tuổi Trẻ biết Chủ tịch UBND thành phố Hội An đã “tham mưu” cho thành phố để “xử lý triệt để” hiện tượng này. Một trong những đề nghị của đài là xin cấp kinh phí để mua bộ lọc mã hóa chắn sóng chống nhiễu để cài đặt tại các đài truyền thanh xã, phường của Hội An.

Thông tin từ nhiều tờ báo Việt Nam cho biết hiện tượng nhiễu sóng Trung Quốc còn xảy ra ở các đài truyền thanh phường Cẩm Kim, Cẩm Thanh của thành phố Hội An.

Trước đây trong tháng 7, loa phát thanh phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, và loa phát thanh ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cũng đã bị tình trạng nhiễu, chèn sóng Trung Quốc.
____

Tiền Phong
Loa phát thanh Hội An xì xồ tiếng Trung Quốc 

28-8-2016 

TPO – Chiều 28/8, ông Lương Sơn – Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu (TP. Hội An) xác nhận có hiện tượng một số loa phát thanh của phường bị nhiễu sóng, phát ra tiếng Trung Quốc.

Cụ thể, lúc 9h sáng ngày 27/8 một số đài phát thanh địa bàn phường bị nhiễu sóng, có lúc phát ra tiếng Trung Quốc. Sau khi phát hiện, địa phương đã báo với Đài Truyền thanh – Truyền hình thành phố Hội An để xử lý. Đến chiều tối cùng ngày thì sự cố được khắc phục.

Được biết, trước đó tại các phường Cẩm Kim, Cẩm Thanh… (TP. Hội An) cũng xảy ra hiện tượng nhiễu sóng nhưng chỉ biểu hiện rè, gây ồn chứ không phát ra tiếng Trung Quốc.

Chiều 28/8, trao đổi với PV Tiền phong, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hội An (Quảng Nam) cho biết đã chỉ đạo cho Đài Truyền thanh – truyền hình thành phố xử lý, khắc phục sự cố một số đài ở phường Cẩm Châu bị nhiễu sóng.

“Hiện, hiện tượng nhiễu sóng đã được khắc phục. Đồng thời để khắc phục triệt để hiện tượng này, thành phố đã chỉ đạo mua bộ lọc mã hóa chắn sóng chống nhiễu để cài đặt trên các đài truyền thanh xã, phường địa bàn sắp tới” – ông Dũng cho hay.
_____

Mời xem thêm: Quảng Nam: Nhiễu sóng tiếng Trung Quốc ở đài phát thanh phường (CATP). –Loa phát thanh ở Hội An nhiễu sóng Trung Quốc gần nửa giờ (TT). – Đài phát thanh phường tại phố cổ Hội An nhiễu sóng tiếng Trung Quốc (NĐT).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhận diện nhóm lợi ích "bán nước, hại dân”



 
(GDVN) - Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ "bán nước, hại dân"?
Khái niệm “bán nước” đề cập trong bài viết này không liên quan đến quán nước vỉa hè, đến những xe téc chở nước ngọt bán cho đồng bào vùng khô hạn Đồng bằng sông Cửu Long hay cư dân Hà Nội khi đường ống nước sinh hoạt sông Đà vỡ 18 lần.
“Bán nước” nói ở đây liên quan chủ quyền quốc gia, đến khả năng đất nước có đủ lực lượng và sức mạnh quốc phòng khi buộc phải chiến đấu chống ngoại xâm, đến một xã hội mà người dân giàu có, hạnh phúc vẫn được sống trong an bình chứ không phải nghèo mà an bình.
Từ xưa đến nay, quan niệm phổ biến cho rằng “bán nước” là hành động cấu kết, tiếp tay cho các thế lực ngoại bang nhằm mưu lợi cho bản thân, dòng tộc, phe nhóm… gây thiệt hại tới chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc, nói theo ngôn ngữ dân gian là “rước voi về giày mả tổ”.
Hiểu như thế đúng nhưng chưa đủ. 
Những hành động làm băng hoại đạo đức xã hội, biến Nhà nước thành công cụ trấn áp nhân dân, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; gây thiệt hại kinh tế… không đơn thuần chỉ là hại dân, hại nước.
Đó chính là hành động "bán nước, hại dân" bởi chúng làm suy yếu khối đoàn kết dân tộc, suy yếu lực lượng vũ trang, khiến đất nước lệ thuộc vào nước ngoài về kinh tế, quân sự, bị đồng hóa về văn hóa…

“Nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?

(GDVN) - Tạo ra một tiền lệ phải chăng là cách mà các “nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư?
Những kẻ đang hàng ngày đem tiền thuế của dân mua đồ phế thải từ nước ngoài, biến đất nước thành bãi rác công nghiệp;
Đổ hàng nghìn tỷ tiền mồ hôi, nước mắt của dân vào các công trình để rồi bỏ hoang;… làm cho đất nước nghèo đi, khiến đứa bé vừa chào đời đã trở thành con nợ, khiến tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm tràn lan, tệ nạn xã hội hoành hành;
Khiến người dân suy giảm niềm tin vào thể chế, vào đội ngũ cán bộ, không thể gọi với cái tên nào khác ngoài cụm từ “bán nước, hại dân”. 
Theo nghĩa đó, những cá nhân ở Cục Trồng trọt - Bộ Nông Nghiệp dung túng cho 11 đơn vị cấp chứng nhận bừa bãi hàng nghìn sản phẩm phân bón vô cơ và hữu cơ trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại không thể đo lường hết nền cho nông nghiệp và nông dân chính là hành động "bán nước, hại dân".
Theo nghĩa đó, những công bộc ở Tổng cục Thủy Sản - Bộ Nông Nghiệp, bán giấy chứng nhận cho 668 sản phẩm dùng cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, 140 sản phẩm thức ăn thủy sản không qua kiểm định chất lượng khiến thế giới cảnh giác với sản phẩm thủy sản Việt Nam, khiến người Việt phải ăn thực phẩm độc hại chính là "bán nước, hại dân".
Không phải chỉ có thế, những kẻ tiếp tay cho người nước ngoài thuê đất thuê rừng tại các địa bàn chiến lược, tạo điều kiện cho họ đầu độc cả đất, cả biển, cả trời khiến người dân phải rời bỏ nơi sinh sống (Tienphong.vn 22/7/2016); những cá nhân đang tiếp tay cho người Trung Quốc bôi xấu lịch sử đất nước và con người Việt Nam ngay trên quê hương mình chính là "bán nước, hại dân".

Là con Rồng cháu Tiên, làm gì cũng phải thấy Tổ quốc là trên hết

Còn những ai tiếp tay cho việc phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới đối với Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) hay danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cựu Bí thư Thừa Thiên - Huế Hồ Xuân Mãn nên gọi họ là gì?
Đâu phải cứ cầu xin ngoại bang đem quân vào giày xéo quê hương, “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” mới là kẻ bán nước?
Theo thông tin mà Tuoitre.vn cung cấp, tháng 1/2016 đã có đoàn Thanh tra của Tổng cục Môi trường về Formosa, Hà Tĩnh làm việc.
Ông Chu Xuân Phàm (phải) đại diện Formosa từng nổi tiếng với câu hỏi "chọn thép hay chọn tôm cá?" (Ảnh: Vietnamnet.vn).
Nếu không có sự chống lưng (hay dựa hơi) từ đâu đó thì nhân vật cỏn con như Chu Xuân Phàm có dám mạnh miệng rao giảng người Việt cần phải “chọn thép hay chọn tôm cá”?
Đoàn Thanh tra của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn không thể vào thanh tra khu công nghiệp Vũng Áng (trong đó có doanh nghiệp thép Formosa) vì đây là khu công nghiệp “có yếu tố nước ngoài” (Vietnamnet.vn 21/4/2016).
Ai và vì sao phải tạo nên một vùng đất như một vương quốc cho người nước ngoài trong lòng Hà Tĩnh đến nỗi Thanh tra cấp Bộ của Việt Nam cũng không thể vào kiểm tra?
Đất đai, tài nguyên biển ở Vũng Áng có phải thuộc chủ quyền của Việt Nam khi cơ quan chức năng Nhà nước lại không thể vào giám sát?

Không xem quảng cáo… đừng đọc báo

Phải gọi những người ban hành chính sách thu hút đầu tư kiểu Vũng Áng là gì?
Bà dân biểu Trần Thị Quốc Khánh tại diễn đàn Quốc hội đã dùng cụm từ “há miệng mắc quai” để nói về cách thức xử lý vi phạm tại một vài công trình ở Hà Nội.
Báo chí dựa vào đó đánh giá về đoàn Thanh tra của Tổng cục Môi trường như sau: 
Đoàn thanh tra như thế có còn mặt mũi nào để gặp người dân miền Trung, để tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội miền Trung không?
Và trong những ngày qua, trước hậu quả biển chết, dân trắng tay, mất nghề, tấn hoàng du lịch biển, có ai trong số họ áy náy với cái "quái" của mình không?
Và tới lúc nào thì tên tuổi và hành vi thiếu trách nhiệm của họ mới đưa ra ánh sáng?”. [1]
Những quan Thanh tra Môi trường ấy không biết có những ai sinh ra, lớn lên ở miền Trung?
Điều chắc chắn là có những người quê cha đất tổ ở đó, khi mà có nơi “biển chết, dân trắng tay, mất nghề, tan hoang du lịch biển” thì ngậm miệng không thốt nổi một lời, họ không muốn hay không dám thăm hỏi, động viên người dân quê mình? 

Chuyện Người – chuyện Ruồi

(GDVN) - Muốn thương người thì trước hết phải thương mình. Nhân đạo với kẻ bất nhân là có tội với người lương thiện. Người xưa dạy thế!.
Chỉ khi đích thân chủ tịch Quốc hội lên tiếng thì người ta mới đưa ra đủ thứ lý lẽ biện minh cho sự “đúng quy trình” của mình? 
Tiếc rằng có một quy trình mà chẳng người nào dám viện dẫn, thậm chí còn cố tình bưng bít, đó là “Quy trình ban hành các quy trình”! 
Có ý kiến cho rằng “nhóm lợi ích tư bản thân hữu” là nhóm lợi ích nguy hiểm nhất vì nó có thể làm đất nước phát triển “chệch hướng”.
Chệch hướng hay đúng hướng sẽ thúc đẩy hoặc kìm hãm tiến trình phát triển xã hội cần có thời gian kiểm chứng, chưa thể khẳng định từ lúc này.
Tuy nhiên có một nhóm lợi ích được hình thành từ mọi thành phần xã hội, từ những công chức bình thường đến quan chức cao cấp, từ thành viên các “nhóm lợi ích chính sách”, “nhóm lợi ích kinh tế”, “nhóm lợi ích tư bản thân hữu”… 
Họ đang từng ngày, từng giờ làm người dân mất niềm tin, làm dân tộc còi cọc về thể lực, làm văn hóa xã hội suy đồi…
Điều nguy hiểm là chúng gây tổn thất khủng khiếp về kinh tế, khiến chúng ta phải đắn đo từng đồng khi cần mua vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang. 
Một đất nước 90 triệu dân với rừng vàng, biển bạc nhưng máy bay, xe tăng, tên lửa, tàu chiến… chưa sản xuất được, đều phải mua của nước ngoài với số lượng hạn chế, vậy thì khả năng phòng thủ trước họa xâm lăng hiện hữu từ biên giới đến hải đảo sẽ tăng hay giảm?

Vì đồng tiền cho bản thân, họ đã quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc

(GDVN) - Nếu không có sự vào cuộc của truyền thông, Hà Tĩnh có tự mình phát hiện ra những sai phạm của Formosa như ông Dương Tất Thắng khẳng định?
Thế giới ngày nay, cuộc chiến đang dần được “tự động hóa” với máy bay không người lái, tàu ngầm không người lái, với robot chiến đấu… chúng ta không thể chiến thắng ngoại xâm chỉ với tinh thần yêu nước và những vũ khí cổ điển sản xuất từ thế kỷ trước. 
Một nền quốc phòng trang bị kém liệu có đủ sức răn đe mộng bành trướng, bá quyền của những cái đầu nóng?
Làm yếu khả năng bảo vệ Tổ quốc chính là tạo điều kiện cho bọn xâm lược đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ.
Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ "bán nước, hại dân?"
Vậy, liệu đã đủ bằng chứng để kết luận, rằng đã hình thành “nhóm lợi ích … bán nước, hại dân”?
Nếu không gọi họ là “bán nước, hại dân” thì phải gọi họ bằng tên gì?
Để bảo vệ Tổ quốc, để đoàn kết toàn dân, để xây dựng một thể chế chính trị “do dân và vì dân” cần tiêu diệt những kẻ bán nước, hại dân đó!


Tài liệu tham khảo:

[1]http://infonet.vn/shop-tin-247-nghi-ngo-ha-mieng-mac-quai-post204491.info
[2]http://congan.com.vn/vu-an/mot-can-bo-22-thang-dang-ky-14-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-trong-noi-o-thanh-pho_22988.html





Xuân Dương