Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

ÔNG TRỊNH XUÂN THANH ĐI ĐÂU? CÓ CÒN TRONG NƯỚC KHÔNG?


Ông Trịnh Xuân Thanh không ở Hậu Giang
cả tháng nay 


Tuổi trẻ
28/08/2016 13:05 GMT+7 


TTO - Chiều 27-8, ông Đồng Văn Thanh, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết từ khoảng hơn một tháng nay ông Trịnh Xuân Thanh không có mặt ở UBND tỉnh.
Ông Trịnh Xuân Thanh không ở Hậu Giang cả tháng nay
Phòng làm việc của ông Trịnh Xuân Thanh tại UBND tỉnh Hậu Giang luôn đóng kín cửa.

Cho đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo tỉnh chưa nghe bất cứ thông tin gì liên quan đến ông Thanh từ các cơ quan trung ương.

Không rõ ông Thanh ở đâu

“Ông Trịnh Xuân Thanh hiện vẫn còn là tỉnh ủy viên, sinh hoạt Đảng tại chi bộ Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, nhưng từ ngày đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào làm việc, ông Trịnh Xuân Thanh ít có mặt tại Hậu Giang. Riêng hơn tháng nay chúng tôi không rõ ông Thanh ở đâu” - ông Thanh nói.

Trả lời câu hỏi vì sao cán bộ của tỉnh mà cả tháng không có mặt làm việc, đang ở đâu mà UBND tỉnh không biết, ông Đồng Văn Thanh nói hiện ông Trịnh Xuân Thanh không còn là phó chủ tịch UBND tỉnh, nên UBND tỉnh không quản lý phân công công việc nữa.

“Việc anh ấy (ông Trịnh Xuân Thanh - PV) có được Tỉnh ủy cho nghỉ phép hay không tôi không nắm được, việc này do Thường trực Tỉnh ủy quyết định vì anh ấy là cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý” - ông Thanh cho biết.   

Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, không chỉ vắng mặt trong thời điểm hiện tại mà trước đó tại một số cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, ông Thanh cũng vắng mặt.

Lần duy nhất các cán bộ ở văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang thấy ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện là chiều 13-7, khi đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào công bố kết luận sai phạm của ông Thanh.

Còn từ đó đến nay phòng làm việc của ông Thanh tại lầu 2 trụ sở UBND tỉnh Hậu Giang luôn đóng kín cửa.

“Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng chưa bố trí công việc sau khi ông Thanh không còn giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh mà đang chờ kết luận và chỉ đạo tiếp theo của trung ương” - một nguồn tin cho hay.

Bộ Công an vào cuộc

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh. 

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là phó bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc, bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Ông Trịnh Xuân Thanh không ở Hậu Giang cả tháng nay
Ông Trịnh Xuân Thanh trong lần xuất hiện hiếm hoi tại trụ sở UBND tỉnh Hậu Giang (chụp ngày 13-7, sau khi đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào công bố kết luận ban đầu sai phạm của ông Thanh - Ảnh: L.DÂN

Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Tuy nhiên, ông Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân.

Khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Trịnh Xuân Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ủy ban Kiểm tra trung ương đánh giá việc làm của ông Thanh là thiếu gương mẫu, vi phạm qui định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”.

Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đánh giá qua kiểm tra nhận thấy trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ...

Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Ban thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về công tác cán bộ; Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định và yêu cầu tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh; tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng công ty PVC; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công thương và đồng chí bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2010 - 2015; đề nghị Đảng ủy Công an trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định.

Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận này Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ các sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh tại Tổng công ty PVC.

H.T.DŨNG - L.DÂN
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Donald Trump vẫn thắng lớn nếu không đắc cử tổng thống


Dân trí Chuyên gia cho rằng, kể cả không đắc cử vào tháng 11 tới thì đó cũng không phải là quá tệ đối với ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump nếu xét theo quan điểm kinh doanh.
 >> “Donald Trump không muốn làm tổng thống”
 >> Báo Mỹ cảnh báo hạn chót Trump "cầm cự" trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
 >> Donald Trump thừa nhận có thể thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng



Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ, tỷ phú Donald Trump. (Ảnh: EPA)
Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mỹ, tỷ phú Donald Trump. (Ảnh: EPA)
Kết quả thăm dò dư luận gần đây tại Mỹ cho thấy, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, điều này không phải quá tệ đối với tỷ phú Trump, nhất là khi có thông tin cho rằng ông vốn tranh cử không phải để giành chức tổng thống mà chỉ để nhằm nâng cao danh tiếng của mình trong giới truyền thông. Nhà sản xuất phim tài liệu Michael Moore mới đây tiết lộ, tỷ phú New York này không muốn làm tổng thống và hiện giờ ông ấy tìm cách tự hủy hoại chiến dịch của mình.
Jon Klein, cựu chủ tịch phụ trách hoạt động của CNN ở Mỹ, nhận định: “Thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 có thể là điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra xét theo quan điểm kinh doanh. Nó sẽ chỉ càng khiến những người ủng hộ dốc tình cảm cho ông ấy”.
Mối quan hệ gần gũi của ông Trump với cựu chủ tịch hãng tin Fox News Roger Ailes - người được cho là hiện làm quân sư cho ông Trump, cũng như việc thuê cựu chủ tịch hãng tin Breitbart Steven Bannon làm dấy lên đồn đoán ông Trump đang chuẩn bị cho một kế hoạch đầu tư truyền thông quy mô lớn dựa trên đòn bẩy từ chiến dịch tranh cử.
Hiện chưa rõ liệu ông Trump sẽ mở một công ty truyền thông dạng nào, truyền hình cáp, internet hay một cái gì đó hoàn toàn khác, tuy nhiên theo ông Klein, kinh doanh truyền hình trả tiền có cơ hội thành công cao.
Brian Wieser, chuyên gia phân tích cấp cao về truyền thông tại tập đoàn nghiên cứu Pivotal, cho biết để xây dựng một đài truyền hình thực sự sẽ tốn ít nhất hàng trăm triệu USD. “Ông ấy (Trump) thực sự có bao nhiêu? Bao nhiêu trong số đó là tài sản có thanh khoản cao?”, ông Wieser tỏ ra hoài nghi. Ông Trump nhiều lần tuyên bố sở hữu khối tài sản trị giá 10 tỷ USD nhưng con số này đến nay vẫn chưa thể xác minh.
Nhưng mặt khác, nếu Trump có thể thực hiện các chiến dịch thu hút ít nhất 3 triệu lượt xem, mạng truyền hình của ông sẽ thành công. Điều này hoàn toàn khả thi bởi ông từng được sự ủng hộ của 14 triệu cử tri trong các cuộc bầu cử sơ bộ.
Một điều rõ ràng rằng Trump không chỉ muốn được biết đến là một tài phiệt kinh doanh mà còn là một ông hoàng truyền thông. “Điều làm Trump cảm thấy hạnh phúc nhất không phải là trở thành tổng thống mà là chạy đua tranh chức tổng thống. Nó giúp ông ta trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông”, Robert Thompson, giáo sư tại Đại học Syracuse, nhận định.
Minh Phương

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGÔI NHÀ BÊN CỬA RỪNG.

     Kết quả hình ảnh cho Ngôi nhà nhỏ bên cửa rừng?
                    
                                       Truyện ngắn của Hồng Giang
   
       Chồng cao to, trắng trẻo, đần đơ, đầu óc như để mãi tận thế giới nào xa lắc. Công việc trước mắt cứ như thể làm để làm. Có chút gì đó chủ quan, lơ đãng. Nhưng khi có ai hỏi việc gì lại hết sức nhanh, nhạy. Tôi yêu cầu lắp thêm chiếc bóng đèn cho đủ sáng, chả hỏi lại, làm ngay. Cô vợ đanh đanh người, da ngăm ngăm, môi mỏng, láu táu, giọng lé xé. Dáng cô ta quen quen, gặp ở đâu rồi? Chịu. Không nhớ ra!
Đêm trước có trận mưa to, phông bạt ướt sũng xếp lại từng đống. Hai vợ chồng nhà này đang gỡ ra từng cái đem phơi. Cô vợ cằn nhằn, tự thanh minh với chính mình: “Thời tiết bây giờ thật khó hiểu, khó chịu. Ti vi thì báo rằng không có mưa, đâm chủ quan. Biết thế, tháo ngay từ hôm trước đã không rách việc thế này..” Chồng bảo: “Ướt thì phơi có sao? Trời không mưa, hạn kéo dài thì còn chết ấy.. ấy chứ..” Vợ nói: “Mình có cấy hái, trồng trọt gì mà mong mưa?” “ Rõ là đầu óc đàn bà, chỉ ích kỉ.. Dân làng mất mùa, lại không đói lây cả mình ấy à?”  “ Ồi dào..” Cô vợ lặng im, không nói nữa, đưa mắt nhìn về phía tôi, có ý nhắc chồng. Thằng chồng cười nhen nhen, ngượng ngịu rút bao thuốc ra mời. Cảm ơn, mình không hút.
Tôi nhờ anh ta cắm lại chiếc amli, mở đầu đĩa. Văn hóa đồng rừng, cứ là tiền trao cháo múc. Người ta xem chán xem chê rồi mới chịu trả tiền. Bất luận thế nào cũng chê ỏng chê eo một vài thứ, để tỏ ra vẻ mình hiểu biết, đừng có khinh người miền núi nha, thế giới này phẳng mẹ nó tự bao giờ rồi ấy nha..Bực bội. Cáu. Chỉ muốn nói vài câu cho bớt khùng! Dưng mà làm cái công việc này là làm dâu trăm họ. Bấy lâu tôi còn chịu đựơc, chịu thêm một lần có làm sao?
Được cái vừa mưa xong, mát trời, phần “trả bài” của tôi hôm nay có vẻ thuận lợi.
Chưa rõ nếp tẻ, đẹp xấu thế nào, chủ nhà ban nãy đã bảo:
- Cứ để đấy đã. Làm vài choóc, xem sau.
Nhưng công việc vẫn là công việc. Lừng xừng rượu rồi, lóng ngóng, dễ hỏng. Xem gần xong, nhà chủ không thấy nói gì.. Cô dâu đã về nhà chồng, đương nhiên không thể có ý kiến gì vào lúc này. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm.( Làm nghề nào có nỗi khổ của nghề đó. Dài cổ ra xóa xóa, ghép ghép, biên tập, nâng cao, hiệu ứng hiệu iếc, không khổ bằng cái lúc ngồi đần mặt ra thế này để  nghe lời phán quyết của “thượng đế” ). May mà sự này không xảy ra. Một là video không đến nỗi nào. Hai là “thượng đế” cũng là chỗ quen.. Tưởng vậy đã xong. Đột ngột cô ả phông bạt hỏi:
- Anh làm thế này lấy bao nhiêu tiền một đĩa?
Tôi ngẩn người, sao lại tính đĩa như đĩa ở quán thịt chó, hay lòng lợn tiết canh?
- Ừ thì tôi tính theo đám..
- Cụ thể?
- Ngoài tỉnh người ta tính một, hai triệu một đám. Còn đây nhà quê lấy chút đỉnh xăng xe, công chả đáng bao nhiêu cô ạ!
- Giời đất, lấy thế bằng cả năm cày bừa của nhà quê chúng em à? Hôm trước cái nhà ông gì làm trên suối Triển lấy có hai trăm. Sao ở đây lấy đắt thế?
Lạy giời đất. Hai trăm thì làm cách nào? Có đi thuê nếu mình quay sẵn, ít ra cũng trả công thợ dựng phim hơn hai trăm rồi! Tôi chưa biết nói sao, may mà chủ nhà đỡ lời:
- Chú thông cảm, thím ấy không biết, thật thà hỏi vậy. Tiền tôi trả cơ mà.
Tôi như trút được gánh nặng: “ A, đây là em thím ạ? Không sao, không biết hỏi có gì là sai? Trông cô quen quen, cái ve bên mi mắt trái ..có phải người vùng này?”
- Em là con gái ông Phúng, có lần anh đến nhà em, chắc anh không nhớ?
Ra là vậy. Ông Phúng. Cái  tên nghe ma chay, phúng điếu là tên của ông có căn nhà rất lạ lùng gần cửa rừng, tôi nhớ ra rồi. Đó là một căn nhà kì dị, độc nhất tôi chưa từng gặp ở đâu..
2.
Hồi đó mưa nhiều. Những cơn mưa rừng không ngớt. Suối dâng ngập các tảng đá đầu ông sư hai bên bờ. Từng đám cây đổ ngả nghiêng, bám đen vắt là vắt. Ngoe nguẩy, ngoe nguẩy. Cua đá màu thâm nâu bò ra từng đàn. Có con chim không hiểu vì sao gẫy cánh, mắc kẹt trên ngọn cây. Rắn trắng, rắn xanh chạy lũ trườn loạn xạ ven bờ nước.. Chúng tôi có việc ở sâu trong rừng, vì mưa to quá phải ra đây tìm chỗ trú mưa. Nhưng cái chính vẫn là tìm một chỗ để nấu cơm ăn. Không thể nhịn. Mẻ không ăn cũng chết cơ mà?
Dọc theo suối, mãi rồi cũng gặp một ngôi nhà. Nhà thực sự chứ không phải chòi hay lán thường gặp ven rừng, nơi người ta ở tạm mùa làm nương. Có khi chỉ là trú chân buổi trưa, trú mưa nắng vì ngại về nhà quá xa.
Nhà dựng cột ngoãm, không có vết cưa đục, làm hoàn toàn bằng dao, chả có dấu vết công nghệ nào. Lại thấp bé, dựng chắn ngay giữa tim đường. Trần đời tôi chưa từng thấy nhà kiểu như thế bao giờ. Người ta cứ hay quen mồm kêu “nhà cửa”, “cửa nhà” vì thông thường đã là nhà phải có cửa, to nhỏ mặc lòng. Nhưng ngôi nhà này tuyệt nhiên không có cửa. Bạn sẽ hỏi vậy ra vào bằng cách nào? Đơn giản, cứ theo đường đi chạy dọc giữa lòng nhà qua hai đầu hồi để trống. Gọi là cửa cũng phải, gọi là đường đi cũng phải vì chính nó là lòng đường. Một con đường mòn xuyên qua rừng sâu, dọc theo suối, không mấy khi có người qua lại. Đó là ngôi nhà tận cùng của miền hoang sơ, thưa dấu vết con người. Ai đó có việc qua đây cứ tự nhiên vào, rồi ra dọc theo hành trình không cần xin phép chủ nhân.

Ông này đen, dong dỏng cao, tóc tai lờm xờm vì lâu không có “khái niệm” chải đầu, lược là vật xa xỉ không tìm thấy ở đây. Ở cùng ông còn có một phụ nữ cứng tuổi, với mấy đứa trẻ bẩn, lếch thếch, nhọ nhem. Bà ta tóc tai gọn hơn một chút, nhưng chắc chắn cũng không chải lược bao giờ. Bà nói giọng khê khê vùng biển. Hỏi quê, bảo Hải Hậu, Hải Dương.. gì đó, lâu ngày tôi không còn nhớ. Còn ông người Trùng Khánh, Cao bằng. Một người vùng biên viễn, đèo cao hút gió, một người miền thùy dương làm sao lại cùng nhau ở đây?
Kể: Loạn biên giới, người đàn ông tên Phúng chết mất vợ con, một mình chạy về đây. Ông đau buồn đến nỗi không muốn nhìn thấy bất kì ai, định sống một mình ở Thẳm Hon này cho đến cuối đời. Nhìn thấy cảnh sống gia đình người ta lòng ông lại tái tê, nhức buốt , chịu không nổi. Chỉ có muỗi và chim rừng là niềm an ủi cuối cùng của ông. Coi như đó là cách sám hối tạ tội cùng với vợ con vì sự thiếu chu đáo và quá chủ quan của mình.
Dân làng xôn xao sẽ xảy ra chiến sự, ông một mực: “Không thể có chuyện đó, nếu có cứ chặt đầu tôi đi” Ông không tin là sẽ xảy ra chiến sự. Dân làng nhao nhác tản cư bằng nhiều cách, nhiều ngả. Ông vẫn ung dung như không có chuyện gì.. Không ai chặt đầu ông cả.. Hối hận, căm giận, tủi hổ lương tâm mình. Ông sống như bây giờ..

Một buổi sáng ông Phúng bắt gặp người đàn bà bị cảm lạnh, ngất bên bờ suối. Ông đưa người đó về, đánh cảm, thành vợ ông bây giờ. Cuộc hôn phối ngẫu nhiên tồn tại cho đến lúc họ gặp chúng tôi.
Lúc đó tôi chưa dám hỏi bà là ai, từ đâu đến? hoàn cảnh thế nào? Biết được quê quán, tên tuổi là mãi sau này, khi chúng tôi đã là chỗ thân quen.

Tôi biết bạn sẽ tò mò: Tôi là ai, làm gì chốn rừng xanh, núi đỏ heo hút, xa xôi ấy? Thưa bạn: Đó không phải là ý định của tôi muốn kể trong câu chuyện này. Nó là “liên” chuyện khác, sẽ kể nếu như tôi còn hứng thú. Bằng không, bạn cứ quên nó đi như bao chuyện nhảm nhí, phù phiếm, ngụy tạo người ta đang dựng lên, đầy dẫy thế gian này..
3.
Ngôi nhà đó ông làm một mình, chỉ với một con dao quắm. Thứ dao có mũi cong như một dấu hỏi, chỉ có thể chặt ngang, bổ dọc chứ không khoét, đục được như các dạng dao khác. Khái niệm “kèo” ở ngôi nhà này tuyệt nhiên không có.
Lúc đầu, ngay cả ý nghĩ dựng nhà cũng không hề có với ông. Định tìm một cái hang, hang đất hang đá, kiểu gì cũng được. Miễn là có chỗ chui ra chui vào. Nhưng quanh vùng không có cái hang nào như thế ngoại trừ những cái hang bí ẩn, bé tẹo của lũ chồn cáo, nhím, cầy đà, gì gì đó. Những cái hang như vậy không dành cho con người.
Cuối cùng ông dừng lại chính chỗ này, dựng căn nhà kì quặc này bên cửa rừng. Ông bắt đầu treo những quần áo cũ của vợ con còn sót lại lên liếp nứa che dọc hai bên lối đi. Tự nhiên có cảm giác yên ổn được vài hôm. Mùi của người thân nhắc ông nhớ về cuộc sống, ra khỏi cơn mộng du.
Hai tháng như thế trôi qua cho đến ngày ông gặp người đàn bà lạ gục ngã gần ngôi nhà của mình.
Hình như ông trời còn muốn cho ông gặp một cơ hội nữa, chứ thực lòng lúc đó ông không mong đợi bất cứ điều gì.
Ngoài cái vẻ nhợt nhạt, tiều tụy người ấy chẳng có gì. Bộ quần áo TNXP màu nước dưa bạc đã vá vài chỗ, cái kẹp tóc ba lá han gỉ, đôi tông Lào đứt quai phải nối bằng dây thép, tất cả chỉ có thế. “Vô sản” trăm phần trăm như khái niệm chung thời bấy giờ.
Ông không hỏi người từ đâu đến, thân phận thế nào? Ông đã trải qua nhiều gian khó cuộc đời, mối liên cảm giống như một sợi dây ngầm nối thông cảm tự nhiên, thấy không cần, không nên gợi lại nỗi đau người khác.
Ông lấy bộ quần áo cũ của mình cho cô ấy mặc sau khi đánh cảm xong. Cô thở đều đều, ngủ một giấc dài cho đến sáng hôm sau. Có lẽ chút mật ong rừng đã có hiệu nhiệm. Ông cuống quýt ra phía sau nhà lấy mấy cái bắp non, dùng dao quắm nạo ra, nấu cháo cho cô ăn.
Cô gái tỉnh dần, gượng ngồi dậy. Nước mắt cô ứa ra hai gò má có nhiều vết xây xước do lá cây, do vấp ngã quyệt vào:
- Đây là đâu? Ông là ai?
Ông bảo cô còn yếu, đừng hỏi nhiều. Cứ nghỉ đi, khi nào khỏe muốn về đâu sẽ đưa cô về. Cô lắc đầu:
- Đáng lẽ ông cứ để em chết.. Còn về, em biết về đâu bây giờ?
Tối hôm ấy ông được cô kể về cuộc đời của cô. Một cuộc đời “rất dài và rất xa”, rất buồn..
Có thể “cô chàng phông bạt” tôi kể phần trên được sinh ra từ đêm hôm ấy, hoặc đại loại như đêm hôm ấy về sau..
3.
Số phận là tên bạn phản thùng khốn kiếp nhất, hay là con thú đói rình mồi. Nó không dễ gì buông tha nạn nhân của nó..
Ngôi nhà bên cửa rừng cũng là nơi chứng kiến, chịu đựng những dị biệt, éo le rất ít khi xảy ra nơi những căn nhà khác.
Khả năng của nó chỉ có thể chứa đựng được hai đến ba con người là cùng. Chiều ngang chưa đầy ba mét, dài cũng chỉ nhỉnh hơn một chút. Dung lượng ấy.. hai hay ba đã là quá tải.
Vậy mà có lúc nó phải chứa gần chục con người. Tôi chịu không thể hình dung ra cách người ta ăn nằm, ở, làm vài việc gì đấy.. như thế nào trong không gian chật hẹp, ảm đạm, ám khói đến thế này?
Ngay hôm mưa gió chúng tôi vào đụng mưa, nấu nhờ bữa cơm đã phải bớt hai trong số ba đứa chúng tôi đội nón đứng ngoài mái hiên. Chỉ dựa được mảnh lưng áp vào vách nứa cho đỡ lạnh. Nếu không có mấy mảnh nón mê ai đó vất trên đường đi, hẳn cả hai ướt còn hơn chuột lội nước.
Bạn muốn biết vì sao quân số đột ngột tăng?  Câu chuyện thật giản dị và cũng thật khó hiểu:
Cách chừng hơn năm sau bữa ông Phúng  ( Cái tên ma chạy, hiếu đễ ra làm sao đâu!) gặp người đàn bà bên dòng nước, ngôi nhà này chứng kiến thêm một chuyện. Có một người đàn ông đầu trọc lốc, vùng này chưa ai gặp bao giờ dẫn theo người đàn bà trẻ đẹp nói là vợ, đi tìm người chị gái thất lạc. Người này ôm lấy vợ ông Phúng rồi khóc rống lên:
- Ối chị ơi, chị đi đâu từ đấy đến nay? Em ra trại người ta bảo mẹ chết rồi. Chị ra quân về làng lấy chồng huyện bên. Em sang đến nơi,cái lão chồng chị ấy còn vác thuổng đuổi đánh em.. Thế là làm sao hở chị?
- Lão ấy bảo chị không biết đẻ, lôi con khác về nhà. Chị không đồng ý thế là lão ấy kiếm cớ đuổi chị ra khỏi nhà..
- Thế chính quyền, làng xóm đâu? Chị chịu ra tay không à?
- Làm gì được lão? Lão lấy mình có đăng ký đăng queo gì đâu? Vợ lão đẻ toàn gái, lấy thêm mình, danh nghĩa vẫn là người ăn kẻ ở.. Mà thôi phải tập quên đi những điều khốn nạn mới đủ sức sống được em ạ.
Lão Phúng nói:
- Đúng đấy..quên con mẹ nó đi. Nhớ làm gì cho nặng đầu!
Hai vợ chồng kẻ mới đến không thấy nói chuyện ra đi. Ngôi nhà bên cửa rừng đủ chân tứ trụ triều đình.. Ba năm, thêm hai đứa trẻ ra đời từ vốn tự có của hai cặp vợ chồng này. Nói ngôi nhà này có lúc chứa chấp, chịu đựng gần chục con người là nhẽ ấy..
4.
 Ngày chúng tôi hoàn công công trình nơi rừng sâu, núi đỏ, có ghé qua chào lão Phúng để về xuôi. Cảnh tượng hoang tàn, bi thương đến không ngờ bày ra trước mắt tôi.
Hai bên đầu hồi cách chừng mươi mét có hai ngôi mộ mới, còn chưa xanh cỏ. Lão phúng ngồi ôm bụng phều phào nói: “ Nhà tôi và cậu ấy đi rồi cậu ạ!” Tôi nghe mà chột dạ, không thể tin! Hỏi các cháu đâu lão bảo: “ Hai đứa đi lấy măng bị lũ cuốn, hai đứa người ta nhận làm con nuôi ở ngoài làng Cháy, cách mươi cây. Giờ chỉ còn con bé này..” Lão chỉ tôi đứa bé có cái ve nhỏ mi mắt trái..( Giống hệt cái ve cô chủ phông bạt đầu câu chuyện này tôi đã kể )
Vợ ông em cậu đang lúi húi cào cào cuốc cuốc gì đó trên đồi cao. Bóng chị ta dài ngoằng, vắt qua khe suối, tới mãi đám cây đùm đũm gai sắc như vuốt mèo.
Ra đến đường cái quan còn được nghe nhiều câu chuyện hư hư thực thực về cái nhà ông Phúng này.
Đồn rằng em cậu chết, ông ta có tình ý gì đó với em mợ. Bà vợ uất quá treo cổ tự vẫn. Mấy đứa con thương mẹ, hận bố bỏ nhà tìm nơi khác nương tựa. Bây giờ ông ấy sống như vợ chồng với cô em mợ..
Liệu có hẳn là vậy không?
 Tự nhiên thấy ghê sợ lời đồn thổi vu vơ, ác ý của con người. Không phải trước những cảnh đời không may mắn, ai cũng có lòng trắc ẩn, một chút lòng nhân, một chút hỉ xả, tha nhân.. Không thiếu kẻ xoay lưng, diễu nhại, tội tình người khác!

Chuyện buồn quá. Buồn đến nỗi tôi không dám tìm hiểu thêm, mặc dù sau đó có vài lần qua lại..

5.
Không ngờ lại có ngày gặp được cô “phông bạt” hôm nay.
Thấy hiển hiện ngôi nhà bên cửa rừng, đêm đêm lập lòe ánh lửa. Có những đêm đom đóm nhiều như sao trên trời sa xuống thành một vệt dài bên khe suối. Tiếng bìm bịp hay tiếng con gì đó khắc khoải kêu..Ngôi nhà bé nhỏ sực nức tiếng cười, mùi đàn bà, mùi bắp non, lúa mới..
Nhưng mà thôi, chẳng nên nhắc lại, hỏi em thêm làm gì?
 Em bảo em con ông Phúng.. chỉ cần nhớ vài kỉ niệm vui về ngôi nhà bên cửa rừng.

Chuyện khác quên đi, như bao chuyện trong đời đã, đang và sẽ xảy ra!

                        Thác bản Lan 4/2013



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 8)


Chương Ba – phần 2
Nhưng có ai ngờ, bỗng nhiên số phận lại mỉm cười với tôi. Đó là một buổi trưa hè oi bức, tôi đang ngủ trong buồng thì mẹ tôi đánh thức dậy vì có “chú Bẩy Trân” xuống chơi. “Chú Bẩy Trân” là một nhân vật thật độc đáo, thật đặc biệt nếu như không muốn nói là một nhân vậy “huyền thoại” về những người cộng sản Việt Nam. Sở dĩ tôi viết cuốn hồi ký này vì như tôi đã nói ở phần mở đầu, đời tôi không đáng một xu, không có gì đáng viết cả, nhưng những nhân vật mà tôi biết như “chú Bẩy Trân” thì phải viết lại, không thì “phí đi” như bạn bè khuyên tôi nên viết hồi ký!
Câu chuyện về “chú Bẩy Trân” mà tôi phải dừng lại khá lâu này để nói, số là như sau…
Khoảng năm 1955 khi mẹ tôi có mở một cửa hàng bán giầy dép ở phố Hàm Long, hàng tháng có cán bộ đến thu thuế. Người đến thu thuế tại cửa hàng của mẹ tôi là một thương binh, cán bộ miền Nam tập kết, tên là Tám Trọng. Anh Tám Trọng sau này là anh rể ruột của tôi. Anh ít nói, một thanh niên trắng trẻo, tính tình hiền hòa. Do đi lại thu thuế nên Tám Trọng quen với chị ruột lớn của tôi là Lê Thị Thuận. Họ quen nhau đến mức thân thiết rồi xin mẹ tôi cho làm đám cưới. Nhưng mẹ tôi nói, tuy anh Tám là người tốt, nhưng cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết đa số có vợ ở trong đó rồi, sau này đất nước thống nhất thì lôi thôi lắm nên bà kiên quyết không đồng ý. Thế rồi mấy hôm sau có một chiếc xe vonga đen đậu đánh xịch ở cửa nhà tôi. Từ trong xe bước ra là một người đàn ông tầm thước, mặc com-lê thắt cà vạt nghiêm chỉnh bước vô nhà xin phép được gặp mẹ tôi. Hồi đó ai đi xe vonga đen là sang lắm, phải là ủy viên trung ương Đảng. Cấp bộ trưởng nhưng không phải là ủy viên trung ương thì đi xe vonga trắng. Phân biệt ngôi thứ rõ ràng qua màu sắc chiếc xe. Người đi xe vonga tự giới thiệu tên là Bẩy Trân, quê ở Cần Giuộc, Long An là cán bộ cao cấp của Đảng hiện công tác ở Bộ Giáo Dục. Ông Bẩy Trân, với tư cách là cán bộ cao cấp của Đảng đảm bảo với mẹ tôi rằng anh Tám Trọng (tức Phạm Văn Trọng) là cháu ông, đã có vợ ở miền Nam nhưng vợ anh Tám đã li dị chồng khi anh Tám bị thương để đi lấy một người chồng khác ở phía bên kia. Ông Bẩy Trân xin đứng ra bảo lãnh cho anh Trọng và nhận anh làm con để đại diện gia đình cử hành đám cưới với chị tôi, ông xin nhận làm sui gia với gia đình tôi.
Chẳng biết thực hư thế nào, mẹ tôi vẫn băn khoăn nên nhắn chú Hai tôi đang công tác ở Bộ Công An điều tra hộ. Mẹ tôi là một phụ nữ, như hàng trăm phụ nữ khác ở miền Bắc lúc bấy giờ rất tin tưởng vào cán bộ của nhà nước, nhất là cán bộ cao cấp như em chồng của bà, tức chú Hai tôi. Có câu chuyện khôi hài mà tôi không bao giờ quên được khi người ta nói đến “tính ưu việt” của chế độ XHCN ở Liên Xô. Ngày ấy, Liên Xô là “thiên đường” của loài người như người ta đã tuyên truyền. Có người nói với mẹ tôi rằng, ở Liên Xô phụ nữ đẻ không đau! Mẹ tôi nửa tin nửa ngờ, đợi đến hôm chú Hai tôi về chơi, bà mới đem câu chuyện đó ra hỏi. Hôm đó tôi cũng có mặt và nghe rất rõ câu chuyện. Mẹ tôi nói: Tôi nghe người ta nói ở Liên Xô phụ nữ đẻ không đau có phải không hả chú? Chú Hai tôi chỉ cười rồi hỏi lại: Ai bảo chị thế? Rồi cũng không trả lời gì cả(!) Thì ra chính trị là như thế. Bộ máy tuyên truyền luôn làm ngu dân. Những người dân lương thiện như mẹ tôi không đi đến đâu nên có thể tin ở Liên Xô đẻ không đau! Cũng như sau ngày 30/4 tôi về một nhà dân ở Long Xuyên thấy trong nhà tắm tường đen ngòm toàn vết cháy. Hỏi ra thì bà chủ kể rằng, sắp đến ngày thua trận, chính quyền tuyên truyền rằng Việt Cộng vào sẽ bắt hết con gái, phụ nữ mặc áo dài, sơn móng tay móng chân… nên khi nghe tin Sài Gòn đã thất thủ, gia đình đem hết quần áo đẹp của đàn bà con gái vô nhà tắm rồi tưới xăng đốt nên bây giờ nhà tắm mới đen ngòm như vậy!
Đúng là: “Sau mỗi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại” như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết.
Câu chuyện mẹ tôi nhờ chú Hai “điều tra” thì thế này, chỉ mấy ngày sau, chú Hai tôi đi xe com-măng-ga, (xe dành cho sĩ quan cao cấp ngành công an hoặc quân đội) về nhà và cho mẹ tôi hay, đúng ông Bẩy Trân, tức Nguyễn Văn Trân là cán bộ cao cấp rất có uy tín của Đảng, tập kết ra Bắc và sắp tới sẽ giữ những chức vụ quan trọng. Thế là đám cưới chị tôi với anh Tám Trọng được cử hành trọng thể và ông Bẩy Trân mà sau này tôi hay gọi là “chú Bẩy” chính thức là sui gia với bố mẹ tôi. Ngày giỗ, ngày tết tại gia đình tôi bao giờ cũng có ông sui gia Bẩy Trân có mặt. Ông Bẩy Trân xuất hiện trong gia đình tôi như một ánh sáng mới lạ, không phải vì ông là một cán bộ cao cấp, mà vì những hành vi văn hóa của ông khác hẳn với những thứ văn hóa vô sản đang hình thành lúc đó. Ông được mọi người ở cả 2 bên nội ngoại của tôi rất kính trọng. Đặc biệt đối với ông nội tôi mặc dù về mặt vai vế ông chỉ đứng hàng con cháu vì là sui gia với bố mẹ tôi.
Lần đầu tiên người cán bộ cộng sản cao cấp này ra mắt ông nội tôi là cử chỉ xin phép được đốt một nén nhang trên bàn thờ tổ tiên của gia đình tôi và cúi lại ba lần. Cử chỉ này làm kinh ngạc mọi người vì tại thời điểm đó đang diễn ra cải cách ruộng đất. Ở khắp nơi trên miền Bắc, người ta đang đập phá đình chùa, tượng phật, tượng thánh bị vặn cổ ném xuống ao. Bàn thờ tổ họ Lê Phú nhà tôi, trừ ông nội tôi, còn bố tôi và các chú ruột không ai thắp nhang và cúi lạy trước vong linh ông bà cả dù đó là những ngày lễ tết hay giỗ chạp. Lúc đó, người ta xem những cử chỉ hành vi này là duy tâm, là lạc hậu, là phong kiến… Từ đó trong mắt ông nội tôi, mẹ tôi và cả tôi nữa, ông Bẩy Trân là một cán bộ cộng sản không giống với thứ văn hóa vô sản lưu manh đang được người ta áp đặt vào xã hội miền Bắc lúc đó. Mỗi lần đến chơi, ông Bẩy Trân được ông nội tôi tiếp đón rất trân trọng. Họ nói chuyện nhau rất lâu, đôi lúc dùng cả tiếng Pháp nữa. Mỗi khi ông Bẩy ra về, ông nội tôi tiễn ra tận cổng… Còn mẹ tôi thì vô cùng cảm động khi những đêm sáng trăng ông sui gia đạp xe ra tận ngoại thành chơi, ngày ấy ngoại thành chưa có điện, ông đã ra tận ruộng rau nơi mẹ tôi đang tưới cây để trò chuyện động viên người phụ nữ thị thành chưa mấy quên với công việc thôn quê nặng nhọc này. Còn đối với tôi thì đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến người cán bộ có cử chỉ văn minh. Đó là lần tôi đi cùng ông Bẩy ra ngoại thành. Trên đường đi ông mua hai gói xôi đậu đen gói trong lá chuối để 2 người ăn sáng. Ăn xong tôi chưa biét vứt lá cuối đi đâu, vì còn đang ngồi trên xe vonga, nhưng ông Bẩy đã lấy nó rồi cuộn với gói lá của ông xong rồi đút vô túi áo đại cán. Về nhà ông lấy bỏ vô thùng rác. Thời gian sau ông đưa cô cháu gái gọi ông là chú ruột và chồng cô đến chơi nhà tôi. Ông giới thiệu người cháu tên là cô Sáu, và chồng là anh Sáu Khải (tức thủ tướng Phan Văn Khải sau này) mới đi học ở Liên Xô về. Anh Sáu Khải người nhỏ nhắn, ít nói. Vợ chồng anh được mẹ tôi rất quý nên hay mời đến dùng cơm trong các dịp giỗ, tết. Có lần ngày 30 tết, mẹ tôi làm cơm cúng ông bà và mời bà con cả họ đến vì nhà tôi là nhà trưởng. Khi mê tôi bóc bánh chưng bày lên mâm, nhưng vì mâm to nên phải bóc hai cái (để mỗi bên một cái), thấy thế anh Sáu góp ý, đại ý là năm ngoài cũng bóc 2 bánh nhưng ít người ăn vì ăn cỗ đã no, năm nay theo ý anh chỉ nên bóc một cái. Mẹ tôi giải thích cái mâm to nên phải bóc 2 cái, vì người ngồi bên này không phải vươn tay với sang phía bên kia. Nếu chỉ bóc một cái có khi người ta lại ngại. Khi anh Sáu lên nhà trên rồi, mẹ tôi mắng tôi. Anh thấy chưa, người ta là người miền Nam, giàu có mà tiết kiệm, còn anh chỉ biết hai tay đút túi vô tích sự! Đối với mẹ tôi (và người Bắc) dân miền Nam là người giàu có hay ít nhất cũng là người sống ở mảnh đất giàu có của đất nước, ra Bắc phải chịu khổ nên phải được chiếu cố… Những tình cảm như thế của đồng bào miền Bắc đối với cán bộ miền Nam ra tập kết thật dễ thương. Vậy mà sau này khi vô Nam sau 1975, mẹ tôi bắt tôi đưa đi thăm những người quen trước tập kết có đến nhà tôi như ông Bẩy Trân, anh Sáu Xích cán bộ công đoàn thành phố, riêng anh Sáu Khải lúc đó là chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tôi định đưa bà đến thăm nhưng bà không đi vì sợ người ta hiểu lầm là mình định nhờ vả gì(!). Thật tình thì Sáu Khải không phải là người đáng phải cẩn thận như thế. Ông là người tử tế. Có lẽ vì cái tính “tiết kiệm” như mẹ tôi từng khen nên khi làm thủ tướng ông không phá phách như những người sau này. Đôi ba lần khi tôi gặp ông trong các hội nghị tại Tp HCM với cương vị thủ tướng, ông tiếp các nhà báo xưng hô đồng chí đàng hoàng, nhưng khi bất chợt nhìn thấy tôi, ông hỏi: Mày dạo này thế nào? Có gặp bà Tám (tức chị tôi, vợ Tám Trọng) luôn không? Cách xưng hô mày-tao như thế với tôi khiến các nhà báo khác ngạc nhiên(!) Năm 2001 tôi qua Paris thăm chú Năm tôi, trước là đại diện thường trú của Thông tấn xã Việt Nam, sau đó định cư chính trị bên đó. Chú Năm tôi hỏi: Chú xem TV thấy thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải rất giống anh Sáu Khải, cán bộ Ủy ban kế hoạch nhà nước xưa vẫn đến nhà mình chơi ở Hà Nội, có phải là Phan Văn Khải bây giờ không? Tôi trả lời là đúng. Chú tôi lại hỏi: Gặp cháu bây giờ anh ấy có hỏi han gì không? Tôi trả lời: Lúc hàn vi cũng như bây giờ quyền cao chức trọng, Sáu Khải vẫn tỏ ra là một người tử tế. Chú tôi nói: Vậy thì có dịp gặp anh ấy, cho chú gửi lời hỏi thăm. Trong một cuộc gặp ông ở hội nghị, tôi có chuyển lời hỏi thăm của chú Nam tôi. Ông Khải cười, nói: Việc mày xin đi Pháp thăm chú, bọn tao biết cả, nhưng ai dám cản mày! (Tôi chắc là ông Sáu Khải nói đùa).
Số phận của Sáu Khải thì như thế, nhưng số phận của ông Bẩy Trân sau này thì không ra sao. Tôi sẽ kể về con người “huyền thoại” này vào dịp khác. Lại nói về chuyện tôi thi trượt. Thấy chú Bẩy xuống chơi, mẹ tôi lại đem ngay chuyện tôi thi trượt đại học ra phàn nàn. Ông Bẩy nói ngay: Bảo nó ra đây. Hình như là người trong ngành giáo dục biết chuyện thi cử nên ông bảo tôi: Sáng mai theo tao vào trường ĐHSP. Thế là ngay sáng hôm sau, ông chở tôi bằng cái xe đạp Junior Tiệp Khắc vào trường ở Cầu Giấy. Đến nơi ông bảo tôi đứng ngoài chờ, ông vào gặp thầy Tuất, phó hiệu trưởng kiêm phó bí thư trực của đảng ủy nhà trường. Thầy Tuất vốn là một trí thức Nam Bộ ở châu Âu về hoạt động, cũng như ông Bẩy Trân, thầy có bà vợ người Ý cũng theo chồng về nước. Đứng ngoài cửa, chỉ cách có tấm cót mỏng, tôi nghe rõ tiếng ông Bẩy nói với thầy Tuất: Nhờ anh xem hộ trường hợp thằng con bà sui gia của tôi tên là Lê Phú Khải thi vào khoa Nga văn năm nay vì sao không đỗ? Thầy Tuất trả lời: Để tôi kêu tổ chức mang hồ sơ, lý lịch lên coi. Nói rồi ông quay chiếc điện thoại có số chạy vòng tròn kêu vo..vo.. Một lát sau, có một ngườiđến mang theo bộ hồ sơ của tôi, đựng trong chiếc phong bì to lên trình. Tôi lại nghe rõ tiếng thầy Tuất: Gia đình cháu Khải là thành phần tư sản làm sao mà đỗ được! Tôi nghe thấy thế, lạnh cả người. Lại nghe tiếng ông Bẩy Trân: Thật là bậy! Gia đình nó là cách mạng nòi, chú ruột nó đang là cục trưởng ở Bộ Công An, chị nó cũng là công an, làm sao là tư sản được. Tiếng thầy Tuất bình thản: vậy anh viết cho mấy chữ bảo lãnh đi… Thế là sau mấy phút, chẳng biết ông Bẩy viết cái gì, ngay sáng hôm sau tôi đến gặp tổ chức nhà trường nhận giấy vào lớp. Thật là khôi hài, một ông cán bộ quê ở mãi Cần Giuộc Long An chỉ viết mấy chữ bảo lãnh cho một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã làm thay đổi cả số phận người thanh niên đó.
Trên đường ông Bẩy Trân đèo tôi từ Cầu Giấy về, đến giữa được tôi xin ông cho xuống và đến thẳng Bộ Công An ở đường Trần Bình Trọng. Tôi lên thẳng phòng làm việc của chú Hai tôi, lúc đó ông đang là cục trưởng Cục cảnh sát nhân dân và vừa được thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn quân hàm thượng tá cảnh sát nhân ngày cảnh sát ra mắt quốc dân, với quân hàm quân hiệu chỉnh tề (1962). Lúc đó chú Hai tôi là người đứng đầu ngành cảnh sát của cả nước, mà chỉ được phong cấp thượng tá chỉ bằng quân hàm của phó trưởng công an quận huyện ngày nay (2012)! Sau khi nghe tôi trình bày rằng, công an xã đã phê lý lịch của tôi là gia đình tư sản nên không được học đại học, khiến tôi phải long đong mất hai năm… Chú Hai tôi hứa sẽ điều tra. Mấy ngày sau, ông xuống nhà tôi và cho hay theo báo cáo của trưởng công an huyện Thanh Trì thì cái lý do nghe thật khôi hài. Người công an quản lý xóm tôi ở thấy ông nội tôi hay nói tiếng Pháp nên đã báo cáo lên công an xã Hoàng Văn Thụ, làng Hoàng Mai rằng gia đình tôi là gia đình tư sản. Từ đó xã đã phê vào lý lích của tôi: Gia đình tư sản.
Hồi ấy chế độ phê chuẩn, chứng nhận lý lịch của thí sinh nộp đơn thi đại học do xã phê, không cho đương sự biết rồi niêm phong gửi qua đường bưu điện đến phòng tổ chức của trường đại học mà thí sinh dự thi. Nhà trường nhận được lý lịch như vậy thì cũng không chấm bài thi, chỉ căn cứ vào thành phần gia đình tốt, xấu của thí sinh mà xét cho đỗ hoặc trượt như tôi đã kể ở trên. Chế độ thi tuyển sinh viên vào đại học như thế đã kéo dài từ sau hòa bình 1954 không biết đến năm nào… Trường hợp của tôi là do may mắn, nhờ có ông Bẩy Trân đưa tôi vào gặp thấy hiệu phó của mùa thi tuyển năm 1963 trường ĐHSPHN, tôi mới biết chế độ tuyển sinh rùng rợn và rừng rú này. Chủ nghĩa Mác Lê với quan điểm giai cấp, đấu tranh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mới sinh ra cách tuyển sinh vào các trường đại học man rợ như thế. Nó lạc hậu hơn tất cả các hình thái xã hội từ trước đó. Kể cả thời phong kiến thì nhà nước cũng kén người tài, giỏi, thi đạt bằng cấp cao mới được tuyển dụng vào bộ máy cai trị. Còn thời cộng sản chỉ lựa chọn theo thành phần giai cấp. Chính vì thế mà dưới chế độ cộng sản, tất cả các sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp được phân bổ về công tác tại các cơ quan Đảng, nhà nước đa phần là những kẻ dốt nát, ngu si nhất. Bởi lẽ cứ thành phần bần cố nông, dân nghèo thành thị thì mới được học đại học. Do vậy lấy đâu ra học sinh giỏi ở những thành phần đó, nếu có thì cũng hãn hữu. Bao nhiêu thanh niên, học sinh thuộc các thành phần khác, dù có giỏi đến đâu cũng bị gạt ra. Có ai chấm bài thi đâu mà chọn người giỏi. Khi vào đại học rồi thì cứ thế yên chí sẽ đỗ ra trường. Đảng đã phân công thành kỹ sư, thành bác sĩ, thành tiến sĩ… Sự dốt nát lại có bằng cấp, có địa vị, đã bao trùm cả xã hội XHCN ở miền Bắc nhiều chục năm như thế. Xã hội bị đẩy lại thời trung cổ. Tôi nhớ thời Pháp thuộc, bố tôi thi diplome bốn năm liền không đỗ. Không đỗ là không đỗ, chẳng có chuyện chạy chọt, xét thành phần gì cả. Ông nội tôi có thừa tiền cũng không thể chạy cho bố tôi đỗ diplome được. Đọc hồi ký của Trần Văn Giàu sau này người ta thấy, nhà ông Giàu là đại điền chủ, nhưng chỉ có ông thông minh sáng dạ nên mới học lên được. Các em ông được gia đình chia ruộng để trở thành địa chủ mà thôi. Nói vậy để thấy, không phải ai cũng có khả năng lao động trí óc, để học hành trở thành người lao động trí óc, thành trí thức. Chế độ thi cử xét thành phần giai cấp để tuyển chọn đã đào tạo ra cả một xã hội đầy rẫy những công chức có bằng cấp nhưng dốt nát để quản lý xã hội ở các lĩnh vực. Sau này vào đại học rồi tôi mới biết, các sinh viên lớp tôi là con em các gia đình bần cố nông, thành phần nòng cốt ở nông thôn, học lực rất yếu nhưng mỗi năm vẫn lên một lớp và vẫn tốt nghiệp ra trường trở thành các thầy cô giáo dậy môn văn ở cấp 3 (sau khi được vô trường, tôi đã chuyển sang học khoa văn). Có thầy cả đời chưa đọc hết một cuốn sách thì làm sao dậy văn cho các em được. Vậy mà các vị trí thức bần cố nông này rất vênh váo, rất tự hào, rất thỏa mãn với địa vị xã hội của mình. Thời bao cấp xưa kia thi thành phần để lấy bằng cấp còn thời kinh tế định hướng XHCN ngày nay thì mua bán, đút lót để lấy bằng là chính chứ không cần kiến thức. Vì thế cả bộ máy đã hoàn thiện sự dốt nát, bộ máy cai trị đó đầy ghét bẩn nên nó không thể vận hành bình thường được. Kẻ dốt nát khi có quyền lại xuất thân từ thành phần bần cố nông nghèo khổ nên chỉ lo tham nhũng, vơ vét mà thôi. Di hại này của chế độ tuyển chọn trong giáo dục không biết bao giờ mấy tẩy rửa được. Năm ngoái, tôi có ra Hà Nội dự cuộc họp mặt 45 năm ngày ra trường của khóa đại học văn khoa chúng tôi. Sau 45 năm các bạn đồng học của tôi nay đã về hưu. Họ xúng xính trong các bộ comple, cà vạt và tranh nhau lên diễn đàn khoe về sự “thành đạt” của mình, của gia đình mình. Một anh bạn xưa kia học dốt nhất lớp, năm nào cũng phải thi lại, nhưng được chiếu cố thành phần cơ bản nên được tốt nghiệp đã lên khoe mình là hiệu trưởng kiêm bí thư Đảng ủy nhiều năm! Có vị lên khoe học trò của mình bây giờ có đứa làm đến thiếu tướng. Các bạn tôi hoàn toàn thỏa mãn, hã hê với cuộc sống hiện tại. Với họ, có bát cơm nhiều thịt là thiên đường rồi. Về Sài Gòn, tôi đem câu chuyện này kể với một người bạn, anh liền mắng tôi: Cậu mới là một thằng ngu, ở nước ta, thằng học dốt nhất lớp cậu thì sau này làm hiệu trưởng, dốt nhất trường thì sau này làm bộ trưởng và dốt nhất nước thì làm quốc trưởng. Có thế mà cậu cũng không biết, thật là ngu(!)
Có lẽ tôi ngu thật rồi!
Đọc những phần khác ở trang Lời Ai Điếu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao người Việt tôn thờ cọp mà không thờ sư tử


Sau bài đăng “Mấy vấn đề về nguồn gốc, đặc điểm của biểu tượng “Nghê” trong văn hóa Việt Nam” trên trang nghiencuulichsu.com vào ngày 29/07/2016, có một số người đã hỏi tôi câu hỏi liên quan đến việc thờ cọp và sư tử trong văn hóa Việt Nam. Giữa hai con vật này tại sao có sự khác biệt trong quan niệm về tôn thờ. Trong khi cọp được gọi kính cẩn bằng những tên gọi như “Ông Ba Mươi”, “Thần Hổ”, “Chúa Sơn Lâm” thì sư tử chỉ là linh vật trang trí trong các công trình tín ngưỡng, tâm linh với vị thế là canh giữ công trình. Nay có thời gian, xin phép được lý giải thử vấn đề này từ phương pháp tiếp cận 3 góc độ: Sinh học-Lịch sử-Văn hóa.

Tranh thờ Cọp ở Đình thần huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Thứ nhất, từ góc độ sinh học, cọp (hổ) là loài động vật sống đơn độc, không theo bầy đàn. Trong khi đó, sư tử lại là động vật sống theo lối bầy đàn. Chính đặc tính này đã làm cho nhiều người ngộ nhận sức mạnh của cọp là không bằng sư tử. Khi có cơ hội đối đầu với nhau trong môi trường hoang dã, một bầy sư tử hiển nhiên là chiếm ưu thế hơn một con sư tử đơn độc. 


Tuy nhiên, thực tế từ nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra đã cho thấy đây là một nhận định sai lầm. Sức bền, sự dẻo dai của cọp là cao hơn hẳn so với loài sư tử.Ngay từ thời La Mã, cuộc chiến giữa cọp và sư tử đã được xem là thú vui giải trí của các tầng lớp quý tộc và sự thật đã cho thấy: Cọp luôn là kẻ giành phần thắng. Một số nhà sinh thái học qua thực nghiệm đã khẳng định về trọng lượng cơ thể, sức mạnh cơ bắp, khả năng tấn công của sư tử xếp sau voi và cọp. 

Mặt khác, sống trong điều kiện tự nhiên khác nhau thì việc phân biệt rạch ròi sức mạnh của hai loài vật này là điều không đơn giản. Trong khi sư tử với lối sống bầy đàn, phân bố chủ yếu ở khu vực thảo nguyên ở Châu Phi thì hổ lại là loài động vật phân bố chủ yếu ở núi rừng của Châu Á (danh hiệu “Chúa Sơn Lâm” cũng đã cho thấy rất rõ địa bàn cư trú của loài hổ). Việt Nam chúng ta là một quốc gia Châu Á và do đó, ở một chừng mực nhất định, hổ là loài động vật phổ biến hơn trong tâm thức cùa cộng đồng người dân.

Thứ hai, từ góc độ lịch sử, ở Việt Nam nói chung và ở Nam Bộ nói riêng, khi mà cộng đồng người Việt từ khu vực miền Trung di cư vào đây theo quá trình mở rộng lãnh thổ về phương Nam, đây vốn là vùng đất hoang sơ và rất hiểm trở. Một trong những biểu hiện cho sự hiểm trở và hoang sơ chính là sự hiện diện của loài cọp. Trong các tác phẩm viết về lịch sử và văn hóa của vùng đất Nam Bộ, không khó để ta thấy được sự khó khăn của cư dân tại vùng đất mới khi phải đương đầu với “Ông Ba Mươi”. 

Truyền thuyết về sự hóa thân của Phạm Nhĩ để biến thành ông Ba Mươi cũng là một phương thức để người Việt lý giải cho sự tôn sùng của mình dành cho loài động vật này. Quy luật tâm lý cho thấy khi con người phải đương đầu với những khó khăn gì, những hiểm họa từ gì thì sẽ có xu hướng tôn sùng, e dè trước nó. Và sự tôn thờ hổ là một ví dụ điển hình. Do vậy, tại một số địa phương thì hổ trở thành ông Hương cả – một chức quan lúc bấy giờ ở Nam Bộ; hay sự sắc phong các danh hiệu “Sơn quân chi thần”, “Sơn quân chúa xứ”, “Sơn quân mãnh hổ”… 

Mối hiểm nguy từ con hổ ngay từ thời gian đầu vào khẩn hoang vẫn còn để lại dấu ấn và hiện hữu cho đến ngày nay thông qua những địa danh ở Nam Bộ. Dần dần về sau này, khi mà điều kiện môi sinh của con người đã dần được định hình, hổ không còn hiện diện một cách công khai như trước, song, con người vẫn còn giữ được sự tôn trọng của mình loài động vật này. Tại một số đình, chùa ở Nam Bộ vẫn còn cho khắc hình tượng hổ lên trên các tấm bình phong đặt ngay trước cổng của công trình với mục đích là hù dọa các ông Ba Mươi không dám đến quấy phá dân làng. Đây là biểu hiện của sự phức tạp trong nhận thức của cư dân khi vừa tôn thờ cọp nhưng cũng đồng thời phải đối đầu để có được cuộc sống bình yên.

Thứ ba, từ góc độ văn hóa, sư tử là loài vật có hiện diện tại Ấn Độ và do đó, ngay từ sớm, nó đã nhập thân vào văn hóa Ấn Độ để trở thành biểu tượng cho sức mạnh. Chính sự giao thoa văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tạo điều kiện cho sư tử du nhập vào các công trình tâm linh, tín ngưỡng ở nước ta. Về vấn đề này, Đinh Hồng Hải đã có nhận xét:“… Biểu tượng sư tử được cho là linh vật có sức mạnh siêu việt trong văn hóa Ấn Độ nên nó đã được sử dụng khá phổ biến từ thời vua A Dục (Asoka) đặt trên đỉnh các cột kinh…”. Sự đối sánh giữa hình tượng cọp và sư tử mà tôi dẫn giải ở trên cũng lý giải thực tế là sư tử được du nhập vào Việt Nam do sự giao thoa văn hóa, trong khi đó, việc thờ cọp được nảy sinh như một nhu cầu tất yếu trong quá trình đấu tranh chống lại điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Do đó, vị thế của cọp cao hơn sư tử cũng là điều dễ hiểu. 

Ngoài ra, trong tín ngưỡng thờ Mẫu, “Quan Ngũ Hổ” cũng trở thành một bộ phận hữu cơ gắn bó với các đối tượng khác trong tín ngưỡng này; do vậy, trong quá trình di dân vào vùng đất mới, chúng đã tích hợp lại với nhau và tạo ra dạng thức thờ Hổ rất đặc sắc. Hình tượng “Hổ” được tôn thờ chính là một bước phát triển mới trong nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan của cộng đồng người Việt.

Tóm lại, từ 3 góc độ sinh học-lịch sử-văn hóa, tôi thử lý giải vài nguyên nhân cơ bản nhất khi giải thích nguyên nhân người Việt thờ cọp chứ không thờ sư tử. Là một dạng tín ngưỡng dân gian, nhưng giá trị văn hóa ẩn chứa trong dạng thức tín ngưỡng này đã phản ánh một lịch sử khẩn hoang đầy cực nhọc của cha ông ta, đó chính là sự tích hợp các giá trị nhận thức để đấu tranh và sinh tồn trên vùng đất mới. Dấu ẩn ngày nay vẫn còn phản chiếu trong các địa danh, các truyền thuyết về con vật này. Hi vọng hữu ích cho người đọc./.

Huỳnh Thiệu Phong
(Nghiên cứu Lịch sử)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRƯỜNG HỌC



Ảnh: báo Tuổi Trẻ Cười 



FB Luân Lê
28-8-2016

Mẹ ơi, đứa con hỏi: Người ta đang làm gì dưới biển thế kia mà sao vui vẻ vậy?

Người Mẹ dịu dàng đáp: Họ tắm để chứng minh là hải sản không ăn được.

Đứa con lại nói: Trời mưa sao họ lại tắm? Mà ở xóm mình trời mưa thì bọn con toàn chạy ra tắm truồng thôi. Đây người ta lại mặc quần đùi hoa hoét loè loẹt quá.


Người Mẹ thở dài: Thôi lo bài vở đi con. Người ta to béo, trắng trẻo, mặc gì hay làm gì thì việc gì đến con mà hỏi. 

Đứa con phân bua: Sao lại không? Trường con bọn nó nghỉ học hết rồi. Vì cá chết không đánh bắt được. Con cũng không đến trường nữa.

Người mẹ hốt hoảng: Sao lại thế? Không đi học lấy gì mà ăn? Làm sao có đủ hiểu biết mà làm lãnh đạo sau này, còn cống hiến cho đất nước?

Đứa con quay ngoắt đi với giọng thủng thẳng: Cần gì chứ. Con thấy họ có học trường nào đâu, mà người ta vẫn được học các bài học rút kinh nghiệm, bài học sâu sắc, bài học để đời và bài học đắt giá đó mẹ. Mà bài học đắt giá là bao nhiêu tiền?

Bà mẹ rầu rĩ: Hàng ngàn tỷ con ạ. Mà muốn đếm được số đó thì con phải đi học. Nghe chưa.

Bỗng cậu con trai nghẹn lại: Đứa bạn con vừa tự tử chết hôm qua vì không có áo mới đến trường. Ba đứa khác thì bị bố chúng nó thiêu chết vì không nuôi nổi.

Bà mẹ kinh hoàng: Trời ơi! Mẹ… Mẹ thấy người ta xây mấy cái nhà vệ sinh tiền tỷ giữa đồng gần trường con học cơ mà (?).

Đứa con ngượng nghịu: Tất cả đều đúng quy trình Mẹ ạ!

Người Mẹ:………!!!

Bỗng hai mẹ con kinh khiếp vì tiếng quát tháo gớm ghiếc của ông Bố đứa bé từ đâu lao ra: Đ.M! Lũ chúng mày toàn nghe thế lực thù địch xúi giục bố láo mất dạy. Thằng này đi mua rượu về đây, còn “con” này đi dọn cơm, nhanh tao ăn rồi đi nghỉ sớm mai còn đi họp chi bộ thôn, còn rút kinh nghiệm.

Người đàn ông vô gia cư đổi đời nhờ lòng trung thực


Dân trí 

Một người đàn ông vô gia cư ở Thái Lan sau khi nhặt được chiếc ví bị đánh rơi, đã trung thực đem tới giao nộp ở sở cảnh sát để trả lại cho người bị mất. Ông không thể ngờ rằng, cuộc đời mình từ đây sẽ chứng kiến một cuộc đổi thay toàn diện.

Người đàn ông trung thực đã được đền đáp xứng đáng, khi ông bất ngờ có được một công việc ổn định và một căn hộ miễn phí. Người đàn ông đã đến sở cảnh sát để giao nộp chiếc ví có số tiền mặt trị giá gần 13 triệu đồng.
Người ta chỉ được biết đến ông với cái tên ngắn gọn Woralop, ông đã sống vất vưởng trên đường phố Bangkok, Thái Lan, từ hơn một năm nay. Mới đây, ông đã tình cờ nhặt được chiếc ví bị đánh rơi của một doanh nhân người Thái có tên Nitty Pongkriangyos.
Ông Woralop được các kênh truyền hình Thái Lan mời phỏng vấn.
Ông Woralop được các kênh truyền hình Thái Lan mời phỏng vấn.
Ông Woralop không thể chạy theo kịp chiếc xe hơi của người doanh nhân giàu có để giao trả chiếc ví tận tay, nên ông đã tìm tới sở cảnh sát gần đó để giao nộp chiếc ví đựng đầy tiền mặt dù trong túi ông khi đó chỉ có 9 bạt Thái (chưa đầy 6.000 đồng).
Doanh nhân Pongkriangyos sau khi được cảnh sát liên hệ nhận lại ví đã rất cảm động trước hành động đẹp của người đàn ông vô gia cư và đã đề nghị tìm cho ông một công việc trong nhà máy thép của mình ở Bangkok, đồng thời sắp xếp cho ông một căn hộ nhỏ sạch sẽ, tươm tất và hoàn toàn miễn phí.
Ông Woralop sẽ chỉ cần chăm chỉ đi làm và dần dần ổn định lại cuộc sống, không cần phải lo chi phí thuê nhà mỗi tháng.
Báo chí Thái Lan đã dẫn lời doanh nhân Pongkriangyos rằng: “Tôi vô cùng kinh ngạc khi cảnh sát liên hệ bảo rằng họ đang giữ ví của tôi bởi cho tới lúc đó, tôi còn chưa hề biết mình bị mất ví. Phản ứng đầu tiên của tôi khi được biết toàn bộ câu chuyện là sửng sốt, bởi nếu tôi ở trong trường hợp của người đàn ông đó, trong túi không có tiền, tôi chắc chắn đã lấy chiếc ví”.
“Người đàn ông ấy sống vô gia cư với chỉ vài đồng xu trong túi, nhưng ông ấy vẫn rất trung thực đem giao nộp ví cho cảnh sát. Điều đó cho thấy rằng dù hoàn cảnh cuộc sống đã xô đẩy ông tới bước đường cùng, nhưng ông vẫn muốn là một người tốt, một người trung thực. Đó chính là đức tính mà mọi nhà tuyển dụng đều mong muốn nhân viên của mình có được”.
Ông Woralop được các kênh truyền hình Thái Lan mời phỏng vấn.
Ông Woralop được các kênh truyền hình Thái Lan mời phỏng vấn.
Người đàn ông vô gia cư có tên Woralop năm nay mới 45 tuổi, nhưng cuộc sống bôn ba vất vả đã khiến ông có vẻ ngoài già hơn nhiều so với tuổi thực. Sau khi được chủ nhân chiếc ví đền đáp, giờ đây ông đã bắt đầu vào làm việc trong nhà máy thép với mức lương 11.000 baht (7 triệu đồng)/tháng.
Câu chuyện này thoạt tiên không được nhiều người biết đến, nhưng bạn gái của doanh nhân Pongkriangyos đã kể lại câu chuyện trên trang cá nhân của mình, khiến Woralop trở thành nhân vật được báo chí Thái Lan săn đón, phỏng vấn. Thậm chí, Woralop còn được mời xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia như một minh chứng về “người tốt, việc tốt” có thật.
Chia sẻ với truyền thông Thái Lan về sự việc lần này, ông Woralop cho biết: “Tôi rất biết ơn cuộc sống vì đã trao cho tôi cơ hội một lần nữa thay đổi cuộc đời. Giờ đây, có được một chiếc giường sạch sẽ, êm ái để ngủ mỗi đêm khiến tôi thấy quá đỗi hạnh phúc và mãn nguyện”.
Bích Ngọc
Phần nhận xét hiển thị trên trang