Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 8)


Chương Ba – phần 2
Nhưng có ai ngờ, bỗng nhiên số phận lại mỉm cười với tôi. Đó là một buổi trưa hè oi bức, tôi đang ngủ trong buồng thì mẹ tôi đánh thức dậy vì có “chú Bẩy Trân” xuống chơi. “Chú Bẩy Trân” là một nhân vật thật độc đáo, thật đặc biệt nếu như không muốn nói là một nhân vậy “huyền thoại” về những người cộng sản Việt Nam. Sở dĩ tôi viết cuốn hồi ký này vì như tôi đã nói ở phần mở đầu, đời tôi không đáng một xu, không có gì đáng viết cả, nhưng những nhân vật mà tôi biết như “chú Bẩy Trân” thì phải viết lại, không thì “phí đi” như bạn bè khuyên tôi nên viết hồi ký!
Câu chuyện về “chú Bẩy Trân” mà tôi phải dừng lại khá lâu này để nói, số là như sau…
Khoảng năm 1955 khi mẹ tôi có mở một cửa hàng bán giầy dép ở phố Hàm Long, hàng tháng có cán bộ đến thu thuế. Người đến thu thuế tại cửa hàng của mẹ tôi là một thương binh, cán bộ miền Nam tập kết, tên là Tám Trọng. Anh Tám Trọng sau này là anh rể ruột của tôi. Anh ít nói, một thanh niên trắng trẻo, tính tình hiền hòa. Do đi lại thu thuế nên Tám Trọng quen với chị ruột lớn của tôi là Lê Thị Thuận. Họ quen nhau đến mức thân thiết rồi xin mẹ tôi cho làm đám cưới. Nhưng mẹ tôi nói, tuy anh Tám là người tốt, nhưng cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết đa số có vợ ở trong đó rồi, sau này đất nước thống nhất thì lôi thôi lắm nên bà kiên quyết không đồng ý. Thế rồi mấy hôm sau có một chiếc xe vonga đen đậu đánh xịch ở cửa nhà tôi. Từ trong xe bước ra là một người đàn ông tầm thước, mặc com-lê thắt cà vạt nghiêm chỉnh bước vô nhà xin phép được gặp mẹ tôi. Hồi đó ai đi xe vonga đen là sang lắm, phải là ủy viên trung ương Đảng. Cấp bộ trưởng nhưng không phải là ủy viên trung ương thì đi xe vonga trắng. Phân biệt ngôi thứ rõ ràng qua màu sắc chiếc xe. Người đi xe vonga tự giới thiệu tên là Bẩy Trân, quê ở Cần Giuộc, Long An là cán bộ cao cấp của Đảng hiện công tác ở Bộ Giáo Dục. Ông Bẩy Trân, với tư cách là cán bộ cao cấp của Đảng đảm bảo với mẹ tôi rằng anh Tám Trọng (tức Phạm Văn Trọng) là cháu ông, đã có vợ ở miền Nam nhưng vợ anh Tám đã li dị chồng khi anh Tám bị thương để đi lấy một người chồng khác ở phía bên kia. Ông Bẩy Trân xin đứng ra bảo lãnh cho anh Trọng và nhận anh làm con để đại diện gia đình cử hành đám cưới với chị tôi, ông xin nhận làm sui gia với gia đình tôi.
Chẳng biết thực hư thế nào, mẹ tôi vẫn băn khoăn nên nhắn chú Hai tôi đang công tác ở Bộ Công An điều tra hộ. Mẹ tôi là một phụ nữ, như hàng trăm phụ nữ khác ở miền Bắc lúc bấy giờ rất tin tưởng vào cán bộ của nhà nước, nhất là cán bộ cao cấp như em chồng của bà, tức chú Hai tôi. Có câu chuyện khôi hài mà tôi không bao giờ quên được khi người ta nói đến “tính ưu việt” của chế độ XHCN ở Liên Xô. Ngày ấy, Liên Xô là “thiên đường” của loài người như người ta đã tuyên truyền. Có người nói với mẹ tôi rằng, ở Liên Xô phụ nữ đẻ không đau! Mẹ tôi nửa tin nửa ngờ, đợi đến hôm chú Hai tôi về chơi, bà mới đem câu chuyện đó ra hỏi. Hôm đó tôi cũng có mặt và nghe rất rõ câu chuyện. Mẹ tôi nói: Tôi nghe người ta nói ở Liên Xô phụ nữ đẻ không đau có phải không hả chú? Chú Hai tôi chỉ cười rồi hỏi lại: Ai bảo chị thế? Rồi cũng không trả lời gì cả(!) Thì ra chính trị là như thế. Bộ máy tuyên truyền luôn làm ngu dân. Những người dân lương thiện như mẹ tôi không đi đến đâu nên có thể tin ở Liên Xô đẻ không đau! Cũng như sau ngày 30/4 tôi về một nhà dân ở Long Xuyên thấy trong nhà tắm tường đen ngòm toàn vết cháy. Hỏi ra thì bà chủ kể rằng, sắp đến ngày thua trận, chính quyền tuyên truyền rằng Việt Cộng vào sẽ bắt hết con gái, phụ nữ mặc áo dài, sơn móng tay móng chân… nên khi nghe tin Sài Gòn đã thất thủ, gia đình đem hết quần áo đẹp của đàn bà con gái vô nhà tắm rồi tưới xăng đốt nên bây giờ nhà tắm mới đen ngòm như vậy!
Đúng là: “Sau mỗi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại” như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết.
Câu chuyện mẹ tôi nhờ chú Hai “điều tra” thì thế này, chỉ mấy ngày sau, chú Hai tôi đi xe com-măng-ga, (xe dành cho sĩ quan cao cấp ngành công an hoặc quân đội) về nhà và cho mẹ tôi hay, đúng ông Bẩy Trân, tức Nguyễn Văn Trân là cán bộ cao cấp rất có uy tín của Đảng, tập kết ra Bắc và sắp tới sẽ giữ những chức vụ quan trọng. Thế là đám cưới chị tôi với anh Tám Trọng được cử hành trọng thể và ông Bẩy Trân mà sau này tôi hay gọi là “chú Bẩy” chính thức là sui gia với bố mẹ tôi. Ngày giỗ, ngày tết tại gia đình tôi bao giờ cũng có ông sui gia Bẩy Trân có mặt. Ông Bẩy Trân xuất hiện trong gia đình tôi như một ánh sáng mới lạ, không phải vì ông là một cán bộ cao cấp, mà vì những hành vi văn hóa của ông khác hẳn với những thứ văn hóa vô sản đang hình thành lúc đó. Ông được mọi người ở cả 2 bên nội ngoại của tôi rất kính trọng. Đặc biệt đối với ông nội tôi mặc dù về mặt vai vế ông chỉ đứng hàng con cháu vì là sui gia với bố mẹ tôi.
Lần đầu tiên người cán bộ cộng sản cao cấp này ra mắt ông nội tôi là cử chỉ xin phép được đốt một nén nhang trên bàn thờ tổ tiên của gia đình tôi và cúi lại ba lần. Cử chỉ này làm kinh ngạc mọi người vì tại thời điểm đó đang diễn ra cải cách ruộng đất. Ở khắp nơi trên miền Bắc, người ta đang đập phá đình chùa, tượng phật, tượng thánh bị vặn cổ ném xuống ao. Bàn thờ tổ họ Lê Phú nhà tôi, trừ ông nội tôi, còn bố tôi và các chú ruột không ai thắp nhang và cúi lạy trước vong linh ông bà cả dù đó là những ngày lễ tết hay giỗ chạp. Lúc đó, người ta xem những cử chỉ hành vi này là duy tâm, là lạc hậu, là phong kiến… Từ đó trong mắt ông nội tôi, mẹ tôi và cả tôi nữa, ông Bẩy Trân là một cán bộ cộng sản không giống với thứ văn hóa vô sản lưu manh đang được người ta áp đặt vào xã hội miền Bắc lúc đó. Mỗi lần đến chơi, ông Bẩy Trân được ông nội tôi tiếp đón rất trân trọng. Họ nói chuyện nhau rất lâu, đôi lúc dùng cả tiếng Pháp nữa. Mỗi khi ông Bẩy ra về, ông nội tôi tiễn ra tận cổng… Còn mẹ tôi thì vô cùng cảm động khi những đêm sáng trăng ông sui gia đạp xe ra tận ngoại thành chơi, ngày ấy ngoại thành chưa có điện, ông đã ra tận ruộng rau nơi mẹ tôi đang tưới cây để trò chuyện động viên người phụ nữ thị thành chưa mấy quên với công việc thôn quê nặng nhọc này. Còn đối với tôi thì đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến người cán bộ có cử chỉ văn minh. Đó là lần tôi đi cùng ông Bẩy ra ngoại thành. Trên đường đi ông mua hai gói xôi đậu đen gói trong lá chuối để 2 người ăn sáng. Ăn xong tôi chưa biét vứt lá cuối đi đâu, vì còn đang ngồi trên xe vonga, nhưng ông Bẩy đã lấy nó rồi cuộn với gói lá của ông xong rồi đút vô túi áo đại cán. Về nhà ông lấy bỏ vô thùng rác. Thời gian sau ông đưa cô cháu gái gọi ông là chú ruột và chồng cô đến chơi nhà tôi. Ông giới thiệu người cháu tên là cô Sáu, và chồng là anh Sáu Khải (tức thủ tướng Phan Văn Khải sau này) mới đi học ở Liên Xô về. Anh Sáu Khải người nhỏ nhắn, ít nói. Vợ chồng anh được mẹ tôi rất quý nên hay mời đến dùng cơm trong các dịp giỗ, tết. Có lần ngày 30 tết, mẹ tôi làm cơm cúng ông bà và mời bà con cả họ đến vì nhà tôi là nhà trưởng. Khi mê tôi bóc bánh chưng bày lên mâm, nhưng vì mâm to nên phải bóc hai cái (để mỗi bên một cái), thấy thế anh Sáu góp ý, đại ý là năm ngoài cũng bóc 2 bánh nhưng ít người ăn vì ăn cỗ đã no, năm nay theo ý anh chỉ nên bóc một cái. Mẹ tôi giải thích cái mâm to nên phải bóc 2 cái, vì người ngồi bên này không phải vươn tay với sang phía bên kia. Nếu chỉ bóc một cái có khi người ta lại ngại. Khi anh Sáu lên nhà trên rồi, mẹ tôi mắng tôi. Anh thấy chưa, người ta là người miền Nam, giàu có mà tiết kiệm, còn anh chỉ biết hai tay đút túi vô tích sự! Đối với mẹ tôi (và người Bắc) dân miền Nam là người giàu có hay ít nhất cũng là người sống ở mảnh đất giàu có của đất nước, ra Bắc phải chịu khổ nên phải được chiếu cố… Những tình cảm như thế của đồng bào miền Bắc đối với cán bộ miền Nam ra tập kết thật dễ thương. Vậy mà sau này khi vô Nam sau 1975, mẹ tôi bắt tôi đưa đi thăm những người quen trước tập kết có đến nhà tôi như ông Bẩy Trân, anh Sáu Xích cán bộ công đoàn thành phố, riêng anh Sáu Khải lúc đó là chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tôi định đưa bà đến thăm nhưng bà không đi vì sợ người ta hiểu lầm là mình định nhờ vả gì(!). Thật tình thì Sáu Khải không phải là người đáng phải cẩn thận như thế. Ông là người tử tế. Có lẽ vì cái tính “tiết kiệm” như mẹ tôi từng khen nên khi làm thủ tướng ông không phá phách như những người sau này. Đôi ba lần khi tôi gặp ông trong các hội nghị tại Tp HCM với cương vị thủ tướng, ông tiếp các nhà báo xưng hô đồng chí đàng hoàng, nhưng khi bất chợt nhìn thấy tôi, ông hỏi: Mày dạo này thế nào? Có gặp bà Tám (tức chị tôi, vợ Tám Trọng) luôn không? Cách xưng hô mày-tao như thế với tôi khiến các nhà báo khác ngạc nhiên(!) Năm 2001 tôi qua Paris thăm chú Năm tôi, trước là đại diện thường trú của Thông tấn xã Việt Nam, sau đó định cư chính trị bên đó. Chú Năm tôi hỏi: Chú xem TV thấy thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải rất giống anh Sáu Khải, cán bộ Ủy ban kế hoạch nhà nước xưa vẫn đến nhà mình chơi ở Hà Nội, có phải là Phan Văn Khải bây giờ không? Tôi trả lời là đúng. Chú tôi lại hỏi: Gặp cháu bây giờ anh ấy có hỏi han gì không? Tôi trả lời: Lúc hàn vi cũng như bây giờ quyền cao chức trọng, Sáu Khải vẫn tỏ ra là một người tử tế. Chú tôi nói: Vậy thì có dịp gặp anh ấy, cho chú gửi lời hỏi thăm. Trong một cuộc gặp ông ở hội nghị, tôi có chuyển lời hỏi thăm của chú Nam tôi. Ông Khải cười, nói: Việc mày xin đi Pháp thăm chú, bọn tao biết cả, nhưng ai dám cản mày! (Tôi chắc là ông Sáu Khải nói đùa).
Số phận của Sáu Khải thì như thế, nhưng số phận của ông Bẩy Trân sau này thì không ra sao. Tôi sẽ kể về con người “huyền thoại” này vào dịp khác. Lại nói về chuyện tôi thi trượt. Thấy chú Bẩy xuống chơi, mẹ tôi lại đem ngay chuyện tôi thi trượt đại học ra phàn nàn. Ông Bẩy nói ngay: Bảo nó ra đây. Hình như là người trong ngành giáo dục biết chuyện thi cử nên ông bảo tôi: Sáng mai theo tao vào trường ĐHSP. Thế là ngay sáng hôm sau, ông chở tôi bằng cái xe đạp Junior Tiệp Khắc vào trường ở Cầu Giấy. Đến nơi ông bảo tôi đứng ngoài chờ, ông vào gặp thầy Tuất, phó hiệu trưởng kiêm phó bí thư trực của đảng ủy nhà trường. Thầy Tuất vốn là một trí thức Nam Bộ ở châu Âu về hoạt động, cũng như ông Bẩy Trân, thầy có bà vợ người Ý cũng theo chồng về nước. Đứng ngoài cửa, chỉ cách có tấm cót mỏng, tôi nghe rõ tiếng ông Bẩy nói với thầy Tuất: Nhờ anh xem hộ trường hợp thằng con bà sui gia của tôi tên là Lê Phú Khải thi vào khoa Nga văn năm nay vì sao không đỗ? Thầy Tuất trả lời: Để tôi kêu tổ chức mang hồ sơ, lý lịch lên coi. Nói rồi ông quay chiếc điện thoại có số chạy vòng tròn kêu vo..vo.. Một lát sau, có một ngườiđến mang theo bộ hồ sơ của tôi, đựng trong chiếc phong bì to lên trình. Tôi lại nghe rõ tiếng thầy Tuất: Gia đình cháu Khải là thành phần tư sản làm sao mà đỗ được! Tôi nghe thấy thế, lạnh cả người. Lại nghe tiếng ông Bẩy Trân: Thật là bậy! Gia đình nó là cách mạng nòi, chú ruột nó đang là cục trưởng ở Bộ Công An, chị nó cũng là công an, làm sao là tư sản được. Tiếng thầy Tuất bình thản: vậy anh viết cho mấy chữ bảo lãnh đi… Thế là sau mấy phút, chẳng biết ông Bẩy viết cái gì, ngay sáng hôm sau tôi đến gặp tổ chức nhà trường nhận giấy vào lớp. Thật là khôi hài, một ông cán bộ quê ở mãi Cần Giuộc Long An chỉ viết mấy chữ bảo lãnh cho một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã làm thay đổi cả số phận người thanh niên đó.
Trên đường ông Bẩy Trân đèo tôi từ Cầu Giấy về, đến giữa được tôi xin ông cho xuống và đến thẳng Bộ Công An ở đường Trần Bình Trọng. Tôi lên thẳng phòng làm việc của chú Hai tôi, lúc đó ông đang là cục trưởng Cục cảnh sát nhân dân và vừa được thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn quân hàm thượng tá cảnh sát nhân ngày cảnh sát ra mắt quốc dân, với quân hàm quân hiệu chỉnh tề (1962). Lúc đó chú Hai tôi là người đứng đầu ngành cảnh sát của cả nước, mà chỉ được phong cấp thượng tá chỉ bằng quân hàm của phó trưởng công an quận huyện ngày nay (2012)! Sau khi nghe tôi trình bày rằng, công an xã đã phê lý lịch của tôi là gia đình tư sản nên không được học đại học, khiến tôi phải long đong mất hai năm… Chú Hai tôi hứa sẽ điều tra. Mấy ngày sau, ông xuống nhà tôi và cho hay theo báo cáo của trưởng công an huyện Thanh Trì thì cái lý do nghe thật khôi hài. Người công an quản lý xóm tôi ở thấy ông nội tôi hay nói tiếng Pháp nên đã báo cáo lên công an xã Hoàng Văn Thụ, làng Hoàng Mai rằng gia đình tôi là gia đình tư sản. Từ đó xã đã phê vào lý lích của tôi: Gia đình tư sản.
Hồi ấy chế độ phê chuẩn, chứng nhận lý lịch của thí sinh nộp đơn thi đại học do xã phê, không cho đương sự biết rồi niêm phong gửi qua đường bưu điện đến phòng tổ chức của trường đại học mà thí sinh dự thi. Nhà trường nhận được lý lịch như vậy thì cũng không chấm bài thi, chỉ căn cứ vào thành phần gia đình tốt, xấu của thí sinh mà xét cho đỗ hoặc trượt như tôi đã kể ở trên. Chế độ thi tuyển sinh viên vào đại học như thế đã kéo dài từ sau hòa bình 1954 không biết đến năm nào… Trường hợp của tôi là do may mắn, nhờ có ông Bẩy Trân đưa tôi vào gặp thấy hiệu phó của mùa thi tuyển năm 1963 trường ĐHSPHN, tôi mới biết chế độ tuyển sinh rùng rợn và rừng rú này. Chủ nghĩa Mác Lê với quan điểm giai cấp, đấu tranh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mới sinh ra cách tuyển sinh vào các trường đại học man rợ như thế. Nó lạc hậu hơn tất cả các hình thái xã hội từ trước đó. Kể cả thời phong kiến thì nhà nước cũng kén người tài, giỏi, thi đạt bằng cấp cao mới được tuyển dụng vào bộ máy cai trị. Còn thời cộng sản chỉ lựa chọn theo thành phần giai cấp. Chính vì thế mà dưới chế độ cộng sản, tất cả các sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp được phân bổ về công tác tại các cơ quan Đảng, nhà nước đa phần là những kẻ dốt nát, ngu si nhất. Bởi lẽ cứ thành phần bần cố nông, dân nghèo thành thị thì mới được học đại học. Do vậy lấy đâu ra học sinh giỏi ở những thành phần đó, nếu có thì cũng hãn hữu. Bao nhiêu thanh niên, học sinh thuộc các thành phần khác, dù có giỏi đến đâu cũng bị gạt ra. Có ai chấm bài thi đâu mà chọn người giỏi. Khi vào đại học rồi thì cứ thế yên chí sẽ đỗ ra trường. Đảng đã phân công thành kỹ sư, thành bác sĩ, thành tiến sĩ… Sự dốt nát lại có bằng cấp, có địa vị, đã bao trùm cả xã hội XHCN ở miền Bắc nhiều chục năm như thế. Xã hội bị đẩy lại thời trung cổ. Tôi nhớ thời Pháp thuộc, bố tôi thi diplome bốn năm liền không đỗ. Không đỗ là không đỗ, chẳng có chuyện chạy chọt, xét thành phần gì cả. Ông nội tôi có thừa tiền cũng không thể chạy cho bố tôi đỗ diplome được. Đọc hồi ký của Trần Văn Giàu sau này người ta thấy, nhà ông Giàu là đại điền chủ, nhưng chỉ có ông thông minh sáng dạ nên mới học lên được. Các em ông được gia đình chia ruộng để trở thành địa chủ mà thôi. Nói vậy để thấy, không phải ai cũng có khả năng lao động trí óc, để học hành trở thành người lao động trí óc, thành trí thức. Chế độ thi cử xét thành phần giai cấp để tuyển chọn đã đào tạo ra cả một xã hội đầy rẫy những công chức có bằng cấp nhưng dốt nát để quản lý xã hội ở các lĩnh vực. Sau này vào đại học rồi tôi mới biết, các sinh viên lớp tôi là con em các gia đình bần cố nông, thành phần nòng cốt ở nông thôn, học lực rất yếu nhưng mỗi năm vẫn lên một lớp và vẫn tốt nghiệp ra trường trở thành các thầy cô giáo dậy môn văn ở cấp 3 (sau khi được vô trường, tôi đã chuyển sang học khoa văn). Có thầy cả đời chưa đọc hết một cuốn sách thì làm sao dậy văn cho các em được. Vậy mà các vị trí thức bần cố nông này rất vênh váo, rất tự hào, rất thỏa mãn với địa vị xã hội của mình. Thời bao cấp xưa kia thi thành phần để lấy bằng cấp còn thời kinh tế định hướng XHCN ngày nay thì mua bán, đút lót để lấy bằng là chính chứ không cần kiến thức. Vì thế cả bộ máy đã hoàn thiện sự dốt nát, bộ máy cai trị đó đầy ghét bẩn nên nó không thể vận hành bình thường được. Kẻ dốt nát khi có quyền lại xuất thân từ thành phần bần cố nông nghèo khổ nên chỉ lo tham nhũng, vơ vét mà thôi. Di hại này của chế độ tuyển chọn trong giáo dục không biết bao giờ mấy tẩy rửa được. Năm ngoái, tôi có ra Hà Nội dự cuộc họp mặt 45 năm ngày ra trường của khóa đại học văn khoa chúng tôi. Sau 45 năm các bạn đồng học của tôi nay đã về hưu. Họ xúng xính trong các bộ comple, cà vạt và tranh nhau lên diễn đàn khoe về sự “thành đạt” của mình, của gia đình mình. Một anh bạn xưa kia học dốt nhất lớp, năm nào cũng phải thi lại, nhưng được chiếu cố thành phần cơ bản nên được tốt nghiệp đã lên khoe mình là hiệu trưởng kiêm bí thư Đảng ủy nhiều năm! Có vị lên khoe học trò của mình bây giờ có đứa làm đến thiếu tướng. Các bạn tôi hoàn toàn thỏa mãn, hã hê với cuộc sống hiện tại. Với họ, có bát cơm nhiều thịt là thiên đường rồi. Về Sài Gòn, tôi đem câu chuyện này kể với một người bạn, anh liền mắng tôi: Cậu mới là một thằng ngu, ở nước ta, thằng học dốt nhất lớp cậu thì sau này làm hiệu trưởng, dốt nhất trường thì sau này làm bộ trưởng và dốt nhất nước thì làm quốc trưởng. Có thế mà cậu cũng không biết, thật là ngu(!)
Có lẽ tôi ngu thật rồi!
Đọc những phần khác ở trang Lời Ai Điếu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao người Việt tôn thờ cọp mà không thờ sư tử


Sau bài đăng “Mấy vấn đề về nguồn gốc, đặc điểm của biểu tượng “Nghê” trong văn hóa Việt Nam” trên trang nghiencuulichsu.com vào ngày 29/07/2016, có một số người đã hỏi tôi câu hỏi liên quan đến việc thờ cọp và sư tử trong văn hóa Việt Nam. Giữa hai con vật này tại sao có sự khác biệt trong quan niệm về tôn thờ. Trong khi cọp được gọi kính cẩn bằng những tên gọi như “Ông Ba Mươi”, “Thần Hổ”, “Chúa Sơn Lâm” thì sư tử chỉ là linh vật trang trí trong các công trình tín ngưỡng, tâm linh với vị thế là canh giữ công trình. Nay có thời gian, xin phép được lý giải thử vấn đề này từ phương pháp tiếp cận 3 góc độ: Sinh học-Lịch sử-Văn hóa.

Tranh thờ Cọp ở Đình thần huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Thứ nhất, từ góc độ sinh học, cọp (hổ) là loài động vật sống đơn độc, không theo bầy đàn. Trong khi đó, sư tử lại là động vật sống theo lối bầy đàn. Chính đặc tính này đã làm cho nhiều người ngộ nhận sức mạnh của cọp là không bằng sư tử. Khi có cơ hội đối đầu với nhau trong môi trường hoang dã, một bầy sư tử hiển nhiên là chiếm ưu thế hơn một con sư tử đơn độc. 


Tuy nhiên, thực tế từ nhiều kết quả nghiên cứu chỉ ra đã cho thấy đây là một nhận định sai lầm. Sức bền, sự dẻo dai của cọp là cao hơn hẳn so với loài sư tử.Ngay từ thời La Mã, cuộc chiến giữa cọp và sư tử đã được xem là thú vui giải trí của các tầng lớp quý tộc và sự thật đã cho thấy: Cọp luôn là kẻ giành phần thắng. Một số nhà sinh thái học qua thực nghiệm đã khẳng định về trọng lượng cơ thể, sức mạnh cơ bắp, khả năng tấn công của sư tử xếp sau voi và cọp. 

Mặt khác, sống trong điều kiện tự nhiên khác nhau thì việc phân biệt rạch ròi sức mạnh của hai loài vật này là điều không đơn giản. Trong khi sư tử với lối sống bầy đàn, phân bố chủ yếu ở khu vực thảo nguyên ở Châu Phi thì hổ lại là loài động vật phân bố chủ yếu ở núi rừng của Châu Á (danh hiệu “Chúa Sơn Lâm” cũng đã cho thấy rất rõ địa bàn cư trú của loài hổ). Việt Nam chúng ta là một quốc gia Châu Á và do đó, ở một chừng mực nhất định, hổ là loài động vật phổ biến hơn trong tâm thức cùa cộng đồng người dân.

Thứ hai, từ góc độ lịch sử, ở Việt Nam nói chung và ở Nam Bộ nói riêng, khi mà cộng đồng người Việt từ khu vực miền Trung di cư vào đây theo quá trình mở rộng lãnh thổ về phương Nam, đây vốn là vùng đất hoang sơ và rất hiểm trở. Một trong những biểu hiện cho sự hiểm trở và hoang sơ chính là sự hiện diện của loài cọp. Trong các tác phẩm viết về lịch sử và văn hóa của vùng đất Nam Bộ, không khó để ta thấy được sự khó khăn của cư dân tại vùng đất mới khi phải đương đầu với “Ông Ba Mươi”. 

Truyền thuyết về sự hóa thân của Phạm Nhĩ để biến thành ông Ba Mươi cũng là một phương thức để người Việt lý giải cho sự tôn sùng của mình dành cho loài động vật này. Quy luật tâm lý cho thấy khi con người phải đương đầu với những khó khăn gì, những hiểm họa từ gì thì sẽ có xu hướng tôn sùng, e dè trước nó. Và sự tôn thờ hổ là một ví dụ điển hình. Do vậy, tại một số địa phương thì hổ trở thành ông Hương cả – một chức quan lúc bấy giờ ở Nam Bộ; hay sự sắc phong các danh hiệu “Sơn quân chi thần”, “Sơn quân chúa xứ”, “Sơn quân mãnh hổ”… 

Mối hiểm nguy từ con hổ ngay từ thời gian đầu vào khẩn hoang vẫn còn để lại dấu ấn và hiện hữu cho đến ngày nay thông qua những địa danh ở Nam Bộ. Dần dần về sau này, khi mà điều kiện môi sinh của con người đã dần được định hình, hổ không còn hiện diện một cách công khai như trước, song, con người vẫn còn giữ được sự tôn trọng của mình loài động vật này. Tại một số đình, chùa ở Nam Bộ vẫn còn cho khắc hình tượng hổ lên trên các tấm bình phong đặt ngay trước cổng của công trình với mục đích là hù dọa các ông Ba Mươi không dám đến quấy phá dân làng. Đây là biểu hiện của sự phức tạp trong nhận thức của cư dân khi vừa tôn thờ cọp nhưng cũng đồng thời phải đối đầu để có được cuộc sống bình yên.

Thứ ba, từ góc độ văn hóa, sư tử là loài vật có hiện diện tại Ấn Độ và do đó, ngay từ sớm, nó đã nhập thân vào văn hóa Ấn Độ để trở thành biểu tượng cho sức mạnh. Chính sự giao thoa văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tạo điều kiện cho sư tử du nhập vào các công trình tâm linh, tín ngưỡng ở nước ta. Về vấn đề này, Đinh Hồng Hải đã có nhận xét:“… Biểu tượng sư tử được cho là linh vật có sức mạnh siêu việt trong văn hóa Ấn Độ nên nó đã được sử dụng khá phổ biến từ thời vua A Dục (Asoka) đặt trên đỉnh các cột kinh…”. Sự đối sánh giữa hình tượng cọp và sư tử mà tôi dẫn giải ở trên cũng lý giải thực tế là sư tử được du nhập vào Việt Nam do sự giao thoa văn hóa, trong khi đó, việc thờ cọp được nảy sinh như một nhu cầu tất yếu trong quá trình đấu tranh chống lại điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Do đó, vị thế của cọp cao hơn sư tử cũng là điều dễ hiểu. 

Ngoài ra, trong tín ngưỡng thờ Mẫu, “Quan Ngũ Hổ” cũng trở thành một bộ phận hữu cơ gắn bó với các đối tượng khác trong tín ngưỡng này; do vậy, trong quá trình di dân vào vùng đất mới, chúng đã tích hợp lại với nhau và tạo ra dạng thức thờ Hổ rất đặc sắc. Hình tượng “Hổ” được tôn thờ chính là một bước phát triển mới trong nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan của cộng đồng người Việt.

Tóm lại, từ 3 góc độ sinh học-lịch sử-văn hóa, tôi thử lý giải vài nguyên nhân cơ bản nhất khi giải thích nguyên nhân người Việt thờ cọp chứ không thờ sư tử. Là một dạng tín ngưỡng dân gian, nhưng giá trị văn hóa ẩn chứa trong dạng thức tín ngưỡng này đã phản ánh một lịch sử khẩn hoang đầy cực nhọc của cha ông ta, đó chính là sự tích hợp các giá trị nhận thức để đấu tranh và sinh tồn trên vùng đất mới. Dấu ẩn ngày nay vẫn còn phản chiếu trong các địa danh, các truyền thuyết về con vật này. Hi vọng hữu ích cho người đọc./.

Huỳnh Thiệu Phong
(Nghiên cứu Lịch sử)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRƯỜNG HỌC



Ảnh: báo Tuổi Trẻ Cười 



FB Luân Lê
28-8-2016

Mẹ ơi, đứa con hỏi: Người ta đang làm gì dưới biển thế kia mà sao vui vẻ vậy?

Người Mẹ dịu dàng đáp: Họ tắm để chứng minh là hải sản không ăn được.

Đứa con lại nói: Trời mưa sao họ lại tắm? Mà ở xóm mình trời mưa thì bọn con toàn chạy ra tắm truồng thôi. Đây người ta lại mặc quần đùi hoa hoét loè loẹt quá.


Người Mẹ thở dài: Thôi lo bài vở đi con. Người ta to béo, trắng trẻo, mặc gì hay làm gì thì việc gì đến con mà hỏi. 

Đứa con phân bua: Sao lại không? Trường con bọn nó nghỉ học hết rồi. Vì cá chết không đánh bắt được. Con cũng không đến trường nữa.

Người mẹ hốt hoảng: Sao lại thế? Không đi học lấy gì mà ăn? Làm sao có đủ hiểu biết mà làm lãnh đạo sau này, còn cống hiến cho đất nước?

Đứa con quay ngoắt đi với giọng thủng thẳng: Cần gì chứ. Con thấy họ có học trường nào đâu, mà người ta vẫn được học các bài học rút kinh nghiệm, bài học sâu sắc, bài học để đời và bài học đắt giá đó mẹ. Mà bài học đắt giá là bao nhiêu tiền?

Bà mẹ rầu rĩ: Hàng ngàn tỷ con ạ. Mà muốn đếm được số đó thì con phải đi học. Nghe chưa.

Bỗng cậu con trai nghẹn lại: Đứa bạn con vừa tự tử chết hôm qua vì không có áo mới đến trường. Ba đứa khác thì bị bố chúng nó thiêu chết vì không nuôi nổi.

Bà mẹ kinh hoàng: Trời ơi! Mẹ… Mẹ thấy người ta xây mấy cái nhà vệ sinh tiền tỷ giữa đồng gần trường con học cơ mà (?).

Đứa con ngượng nghịu: Tất cả đều đúng quy trình Mẹ ạ!

Người Mẹ:………!!!

Bỗng hai mẹ con kinh khiếp vì tiếng quát tháo gớm ghiếc của ông Bố đứa bé từ đâu lao ra: Đ.M! Lũ chúng mày toàn nghe thế lực thù địch xúi giục bố láo mất dạy. Thằng này đi mua rượu về đây, còn “con” này đi dọn cơm, nhanh tao ăn rồi đi nghỉ sớm mai còn đi họp chi bộ thôn, còn rút kinh nghiệm.

Người đàn ông vô gia cư đổi đời nhờ lòng trung thực


Dân trí 

Một người đàn ông vô gia cư ở Thái Lan sau khi nhặt được chiếc ví bị đánh rơi, đã trung thực đem tới giao nộp ở sở cảnh sát để trả lại cho người bị mất. Ông không thể ngờ rằng, cuộc đời mình từ đây sẽ chứng kiến một cuộc đổi thay toàn diện.

Người đàn ông trung thực đã được đền đáp xứng đáng, khi ông bất ngờ có được một công việc ổn định và một căn hộ miễn phí. Người đàn ông đã đến sở cảnh sát để giao nộp chiếc ví có số tiền mặt trị giá gần 13 triệu đồng.
Người ta chỉ được biết đến ông với cái tên ngắn gọn Woralop, ông đã sống vất vưởng trên đường phố Bangkok, Thái Lan, từ hơn một năm nay. Mới đây, ông đã tình cờ nhặt được chiếc ví bị đánh rơi của một doanh nhân người Thái có tên Nitty Pongkriangyos.
Ông Woralop được các kênh truyền hình Thái Lan mời phỏng vấn.
Ông Woralop được các kênh truyền hình Thái Lan mời phỏng vấn.
Ông Woralop không thể chạy theo kịp chiếc xe hơi của người doanh nhân giàu có để giao trả chiếc ví tận tay, nên ông đã tìm tới sở cảnh sát gần đó để giao nộp chiếc ví đựng đầy tiền mặt dù trong túi ông khi đó chỉ có 9 bạt Thái (chưa đầy 6.000 đồng).
Doanh nhân Pongkriangyos sau khi được cảnh sát liên hệ nhận lại ví đã rất cảm động trước hành động đẹp của người đàn ông vô gia cư và đã đề nghị tìm cho ông một công việc trong nhà máy thép của mình ở Bangkok, đồng thời sắp xếp cho ông một căn hộ nhỏ sạch sẽ, tươm tất và hoàn toàn miễn phí.
Ông Woralop sẽ chỉ cần chăm chỉ đi làm và dần dần ổn định lại cuộc sống, không cần phải lo chi phí thuê nhà mỗi tháng.
Báo chí Thái Lan đã dẫn lời doanh nhân Pongkriangyos rằng: “Tôi vô cùng kinh ngạc khi cảnh sát liên hệ bảo rằng họ đang giữ ví của tôi bởi cho tới lúc đó, tôi còn chưa hề biết mình bị mất ví. Phản ứng đầu tiên của tôi khi được biết toàn bộ câu chuyện là sửng sốt, bởi nếu tôi ở trong trường hợp của người đàn ông đó, trong túi không có tiền, tôi chắc chắn đã lấy chiếc ví”.
“Người đàn ông ấy sống vô gia cư với chỉ vài đồng xu trong túi, nhưng ông ấy vẫn rất trung thực đem giao nộp ví cho cảnh sát. Điều đó cho thấy rằng dù hoàn cảnh cuộc sống đã xô đẩy ông tới bước đường cùng, nhưng ông vẫn muốn là một người tốt, một người trung thực. Đó chính là đức tính mà mọi nhà tuyển dụng đều mong muốn nhân viên của mình có được”.
Ông Woralop được các kênh truyền hình Thái Lan mời phỏng vấn.
Ông Woralop được các kênh truyền hình Thái Lan mời phỏng vấn.
Người đàn ông vô gia cư có tên Woralop năm nay mới 45 tuổi, nhưng cuộc sống bôn ba vất vả đã khiến ông có vẻ ngoài già hơn nhiều so với tuổi thực. Sau khi được chủ nhân chiếc ví đền đáp, giờ đây ông đã bắt đầu vào làm việc trong nhà máy thép với mức lương 11.000 baht (7 triệu đồng)/tháng.
Câu chuyện này thoạt tiên không được nhiều người biết đến, nhưng bạn gái của doanh nhân Pongkriangyos đã kể lại câu chuyện trên trang cá nhân của mình, khiến Woralop trở thành nhân vật được báo chí Thái Lan săn đón, phỏng vấn. Thậm chí, Woralop còn được mời xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia như một minh chứng về “người tốt, việc tốt” có thật.
Chia sẻ với truyền thông Thái Lan về sự việc lần này, ông Woralop cho biết: “Tôi rất biết ơn cuộc sống vì đã trao cho tôi cơ hội một lần nữa thay đổi cuộc đời. Giờ đây, có được một chiếc giường sạch sẽ, êm ái để ngủ mỗi đêm khiến tôi thấy quá đỗi hạnh phúc và mãn nguyện”.
Bích Ngọc
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cục trưởng Thống kê Trung Quốc bị bắt như phim trinh thám


Chủ trì một cuộc họp báo xong, Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia Vương Bảo An lệnh triệu tập cuộc họp cán bộ khẩn cấp, sau đó lấy cớ ra sân bay tiễn bạn nhưng đã bị giữ lại với hai hộ chiếu giả cùng hai cặp vé máy bay, một sang Pháp, một sang Đức.
 >> Tướng quân đội Trung Quốc có liên hệ với Chu Vĩnh Khang bị bắt
 >> Trung Quốc điều tra Phó Thị trưởng Thiên Tân

Vương Bảo An lúc đương chức.
Vương Bảo An lúc đương chức.
Chiều 26/8, trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW) đăng thông báo: “Được Ủy ban trung ương đảng phê chuẩn, UBKTKLTW đã tiến hành điều tra về vấn đề vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Vương Bảo An, nguyên Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia.
Kết quả cho thấy, Vương Bảo An hoạt động mê tín trong suốt thời gian dài, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và quy cách chính trị, phát biểu lời lẽ đối kháng tinh thần của trung ương trong các vấn đề trọng đại; chống lại sự thẩm tra của tổ chức; đi ngược lại tinh thần “8 điều quy định” của Bộ Chính trị, nhiều lần ra vào các khách sạn sang trọng và lui tới các chốn ăn chơi xa xỉ; ra sức dùng tiền đổi sắc, dùng quyền đổi sắc; vi phạm kỷ luật tổ chức, lợi dụng ảnh hưởng của chức vụ để mưu lợi cho người thân trong việc đề bạt, sử dụng cán bộ; vi phạm kỷ luật liêm khiết, lợi dụng tiện lợi về chức vụ để mưu lợi cho thân nhân trong hoạt động kinh doanh; mưu lợi cho người khác rồi nhận hối lộ tiền, vật, có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ…”
Hội nghị thường vụ UBKTKLTW đã họp, báo cáo trung ương phê chuẩn quyết định khai trừ đảng tịch; báo cáo Quốc vụ viện phê chuẩn khai trừ chức vụ công đối với Vương Bảo An; tịch thu mọi thu nhập phi pháp, chuyển vấn đề phạm tội, manh mối và tang vật sang cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật.
Vương Bảo An sinh năm 1963, người Hà Nam, Tiến sĩ Kinh tế. Từ 1991 đến 2015, ông đã trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Thư ký Bộ trưởng Tài chính, Trưởng phòng thuộc Tổng cục Thuế, Vụ trưởng các vụ Quy hoạch chính sách và Tổng hợp của Bộ Tài chính, Trợ lý Bộ trưởng, đảng ủy viên Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Cục trưởng Thống kê quốc gia.
Cả nhà dính tham nhũng
Đêm 26/1/2016, trang web của UBKTKLTW thông báo Vương Bảo An bị tạm giữ để điều tra; 5 ngày sau, Công ty TNHH cổ phần chứng khoán Ngân Hà Trung Quốc thông báo Hoắc Tiêu Vũ, Phó Tổng giám đốc công ty “vì lý do cá nhân đang phục vụ công tác của cơ quan tư pháp” - cách nói uyển chuyển của việc bị bắt giữ. Hoắc Tiêu Vũ chính là vợ của Vương Bảo An.
Ngày 15/3/2016, báo điện tử Tài Tân đưa tin xác nhận, cùng thời gian Hoắc Tiêu Vũ bị bắt, hai người em trai của Vương Bảo An ở quê Hà Nam là Vương Hồng Cảnh, Ủy viên thường vụ, Phó thị trưởng thành phố Tiêu Tác và Vương Hồng Hy, Bí thư đảng ủy quận Trạm Hà, thành phố Bình Đỉnh Sơn cũng đều bị bắt.
Điều đáng chú ý, Vương Hồng Cảnh, 49 tuổi, vừa được bổ nhiệm ngày 22/1 thì An bị bắt ngày 26/1, Cảnh bị bắt ngày 30/1, chỉ tại vị được 8 ngày, lập kỷ lục “Phó thị trưởng ngắn ngày nhất”.
Vương Hồng Hy, 44 tuổi cũng thăng tiến rất nhanh, công tác trong Cục Tài chính thành phố từ 1993, leo dần từ nhân viên lên Trưởng phòng, Cục phó, huyện phó, huyện trưởng rồi Cục trưởng Tài chính thành phố trước khi làm Bí thư quận ủy Trạm Hà.
Bị bắt như trong phim trinh thám
Tháng 11/2015, cán bộ của UBKTKLTW đã tìm gặp Vương Bảo An để “trao đổi tâm tình”; đầu tháng 1/2016, một vị Phó Bí thư ủy ban này lại gặp gỡ, khuyên An khai hết các vấn đề phạm phải trong thời gian giữ các chức Trợ lý Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tài chính; đổi lại, UBKTKLTW cam kết sẽ thận trọng xem xét, đề nghị kỷ luật với mức nhẹ nhất hoặc không giao sang cơ quan tư pháp xử lý. Khi đó An đã khóc, bày tỏ sẽ trân trọng cơ hội mà UBKTKLTW dành cho mình…nhưng thực ra trong lòng đã nảy sinh ý định trì hoãn để chạy trốn.
Chiều 26/1, lúc 13h30’, trước khi tổ chức họp báo, Vương Bảo An đích thân mang tài liệu đã chuẩn bị lên gặp, trực tiếp xin Phó Thủ tướng Uông Dương phê duyệt, mục đích là thăm dò tình hình; trong khi đã bài binh bố trận sẵn để chạy trốn. Sau khi đích thân chủ trì cuộc họp báo của Cục Thống kê quốc gia, lớn tiếng phê phán những ý kiến “nhận xét cực đoan” của nhà tài phiệt Mỹ Soros về kinh tế Trung Quốc, An đã nán lại trả lời các câu hỏi của các nhà báo.
Rời hội trường, ông ta thông báo triệu tập các cán bộ của Cục tới họp vào lúc 19h để nghe mình “truyền đạt ý kiến quan trọng của lãnh đạo trung ương”. Đó chỉ là đòn nghi binh, sau đó An về phòng làm việc lấy cặp số lấy cớ ra sân bay tiễn đưa người bạn sang châu Âu khảo sát để chạy trốn, nhưng vị Phó bí thư và hai cán bộ UBKTKLTW đã đợi sẵn, tuyên bố: “Tối nay ông không cần chủ trì hội nghị và giờ cũng không ra sân bay tiễn ai nữa, UBKTKLTW quyết định thực hiện biện pháp cách ly điều tra ông”.
Khám cặp số thấy trong đó có hai tấm hộ chiếu công vụ mang tên “Hoàng Quốc An” và “Đinh Nghị”, cùng hai cặp vé máy bay khoang VIP: một đi Paris chuyến 19h, một của hãng Lufthansa đi Hamburg chuyến 21h. Cùng lúc đó, một tốp cán bộ khác đến sân bay bắt giữ ả người tình của Vương Bảo An đang đợi y tại phòng chờ dành cho khách VIP.
Tuy chi tiết tội lỗi của Vương Bảo An chưa được công bố, nhưng một nguồn tin cho biết ông ta có hàng trăm triệu tệ đã tẩu tán sang Mỹ và châu Âu.
Theo Thu Thủy (Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc)
Tiền Phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chỉ có người nào dám ước mơ mới có thể biến ước mơ trở thành hiện thực


Image result
Có một chàng trai năm 21 tuổi làm ăn thất bại, năm 22 tuổi tranh chức nghị viện thất bại, năm 24 tuổi việc làm ăn thất bại, năm 26 tuổi, người yêu qua đời, năm 27 tuổi, từng cảm thấy tuyệt vọng với cuộc sống. Năm 34 tuổi, cạnh tranh chức nghị viên lại thất bại, năm 36 tuổi, vẫn là cạnh tranh chức nghị viện thất bại, năm 45 tuổi vẫn thất bại, năm 47 tuổi ứng tuyển phó tổng thống không trúng cử, năm 49 tuổi, lại không trúng cử, năm 52 tuổi, trúng cử chức vị tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 16.
Người đàn ông này chính là Abraham  Lincoln, bởi vì ông ta tin tưởng vững chắc rằng chỉ là Thượng Đế đang lùi lại chứ không phải là cự tuyệt lời thỉnh cầu của ông. Cho nên, ông luôn luôn nỗ lực kiên trì hết mình và cuối cùng ông đã thành công.
Có thể cho phép một người thất bại nhiều lần, thậm chí thất bại nhiều lần ở cùng một việc, nhưng không cho phép vì nhiều lần thất bại ở cùng một việc mà từ bỏ việc đó. Vì vậy, chỉ có người kiên trì với ước mơ của mình mới có cơ hội biến nó thành hiện thực

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đảng viên cộng sản vẫn có thể nhập tịch Mỹ



Bùi Văn Phú
H1Mới đây, sự kiện ông Trương Đình Anh, nguyên tổng giám đốc công ti viễn liên FPT của Việt Nam đưa cả gia đình sang Mỹ định cư đã gây chú ý trong dư luận.
Trước sự việc này, dù trong thực tế không rõ ông Anh có là đảng viên cộng sản hay không, cũng đã có những thắc mắc được nêu lên là một đảng viên cộng sản có được nhập cư vào Mỹ hay không.
Tháng trước tôi có bài viết về những mẫu đơn xin nhập cư I-485 và nhập tịch Hoa Kỳ N-400, với các câu hỏi là người nộp đơn có liên quan hay không đến đảng cộng sản, các tổ chức khủng bố và tổ chức Nazi trong quá khứ cũng như hiện tại.
Hồ sơ xin thẻ xanh, mẫu I-485, có câu hỏi số 6: “Have you EVER been a member of, or in any way affiliated with, the Communist Party or any other totalitarian party?” [Ông/Bà đã có bao giờ là thành viên, hay qua bất cứ hình thức nào có liên hệ với Đảng Cộng sản hay một đảng độc tài toàn trị nào khác?]
Trong đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ, mẫu N-400, có câu hỏi 10: “Have you EVER been a member of, or in any way associated (either directly or indirectly) with: A. The Communist Party? B. Any other totalitarian party? C. A terrorist organization?” [Ông/Bà đã có bao giờ là thành viên, hay qua bất cứ hình thức nào có liên hệ (trực tiếp hoặc gián tiếp) với: A. Đảng Cộng sản? B. Với bất cứ đảng độc tài toàn trị nào khác? C. Một tổ chức khủng bố?]
Đã có nhiều thông tin được đưa ra, cùng một số bài viết phân tích về chính sách nhập cư của Mỹ và những liên hệ với đảng cộng sản, tổ chức khủng bố, tổ chức Nazi của người nộp đơn.
Trên trang mạng luatkhoa.org có bài viết của luật sư Vi Katerina Trần vào năm ngoái giải thích rõ ràng nhất về vấn đề nhập tịch Hoa Kỳ của những ai đã từng là đảng viên cộng sản.
“Theo Bộ An Ninh Nội Địa và Cơ Quan Di Trú và Nhập Tịch Mỹ (U.S. Citizenship and Immigration Services – Department of Homeland Security) thì một người nếu là đảng viên đảng cộng sản hay có liên hệ với đảng cộng sản trong vòng 10 năm trước ngày nộp đơn và cho đến ngày tuyên thệ gia nhập quốc tịch thì sẽ không được nhập quốc tịch Mỹ.”
Tuy nhiên dù có là đảng viên, nhưng không nhất thiết sẽ bị sở di trú bác đơn xin nhập tịch nếu người đứng đơn có thể chứng minh tình trạng đảng viên rơi vào những trường hợp sau, theo tài liệu của luật sư Vi Katerina:
“Nếu người xin nhập quốc tịch chứng minh được, bao gồm những điều sau đây nhưng không phải nhất thiết là tất cả:
(1) việc họ tham gia đảng cộng sản hay mối liên hệ với nó là việc không tự nguyện,
(2) khi tham gia họ không có sự nhận thức về mục đích của tổ chức của đảng cộng sản và khi có nhận thức về điều đó họ đã chấm dứt quan hệ với tổ chức,
(3) họ đã chấm dứt quan hệ với đảng cộng sản trước năm 16 tuổi,
(4) họ tham gia đảng cộng sản vì đó là sự bắt buộc phải chấp hành theo quy trình pháp luật,
(5) họ tham gia đảng cộng sản vì những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như để có được việc làm, được phân phối thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác,
(6) họ đã không còn là đảng viên đảng cộng sản trên 10 năm.”
Dựa vào những điều kiện nêu trên, những ai có quá trình sinh hoạt với đảng cộng sản vẫn có thể giải trình với chánh án di trú trong trường hợp đơn xin nhập tịch bị từ chối.
Ngày nay có nhiều người từ Việt Nam được cấp thẻ xanh cho vào Hoa Kỳ, không theo diện nhập cư thông thường nhất là đoàn tụ gia đình, mà qua diện đầu tư, kết hôn hay nghề nghiệp.
Khi đã có qui chế thường trú nhân với thẻ xanh và đã sống ở Mỹ đủ thời hạn theo luật định, một thường trú nhân đều có thể xin nhập tịch Hoa Kỳ.
Sau khi tuyên thệ nhập tịch, một công dân Mỹ sẽ được hưởng tất cả các quyền theo hiến định, trừ quyền ứng cử tổng thống hay phó tổng thống vì phải là công dân từ lúc sinh ra.
Trong lúc này vấn đề nhập cư cũng đang được hai ứng viên tổng thống Mỹ nhắc đến nhiều trong cuộc vận động tranh cử.
Ngày nay nói đến các tổ chức khủng bố là nói đến Al-Queda, ISIS, Taliban. Ứng viên Donald Trump đã phát biểu rằng trong thủ tục nhận một vạn người tị nạn Syria vào định cư tại Hoa Kỳ trong năm nay, các cơ quan chức năng đã không cứu xét kỹ xem những người xin vào Mỹ có liên hệ với tổ chức khủng bố nào không. Ông Trump đưa ra lí do đó để biện minh cho chủ trương là nếu được bầu chọn làm tổng thống ông sẽ xiết chặt chính sách định cư đối với dân đến từ những quốc gia Hồi giáo.
Donald Trump chủ trương giới hạn người nhập cư vào Mỹ, đặc biệt là từ các quốc gia Hồi giáo vì muốn ngăn ngừa khủng bố xâm nhập vào Mỹ. Ứng viên Hillary Clinton coi đó là kỳ thị.
Vì thế vấn đề nhập cư vào Mỹ đang được các giới chức an ninh và di trú xem xét cẩn thận.
Tuy nhiên một thường trú nhân nếu vào được Hoa Kỳ qua những lời khai gian, sau này cơ quan an ninh và di trú tìm ra thì luật pháp cũng cho phép các cơ quan chức năng quyền truy tố cũng như trục xuất cư dân đó.
Mới đây nhất có trường hợp của di dân gốc Trung Quốc Lu Lin, 59 tuổi, đang chờ một tòa án ở ngoại ô thành phố Chicago đưa ra phán quyết vào đầu tháng 11 tới đây về tội khan gian lý lịch. Theo báo Chicago Tribune ngày 3/8/2016, Lin đã nhận tội khai gian trong đơn xin nhập tịch rằng ông chưa bao giờ là đảng viên cộng sản.
Theo hồ sơ thụ lý vụ án của tòa, Lu Lin đã là đảng viên cộng sản Trung Quốc từ năm 1987 đến năm 1997 dưới một tên khác là Yeung Yung.
Tội khai gian trong hồ sơ để có quốc tịch Mỹ có thể bị 5 năm tù và phạt tiền lên đến 250,000 đôla.
Việc đến Mỹ định cư của cựu chủ tịch FPT Trương Đình Anh gây chú ý vì ông là một thương gia thành công trong lãnh vực viễn thông của Việt Nam. Hơn nữa ông còn có liên hệ gia đình với ông Trương Gia Bình, con rể của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước đây ông Bình đã đến Mỹ nhiều lần để nghiên cứu về Thung lũng Điện tử với giấc mộng xây dựng một khu công nghệ thông tin cho Việt Nam nhưng giấc mộng của ông chưa thành.
Riêng ông Anh quyết định đưa cả gia đình đến Mỹ là vì tương lai của bốn con trai chưa quá 21 tuổi.
Sự kiện này không chỉ gây chú ý về vấn đề nhập cư vào Hoa Kỳ của một gia đình có danh tiếng ở Việt Nam, mà một lần nữa đặt ra vấn đề “chảy máu chất xám” và cả “chất xanh” – tức đồng đôla được chuyển ra nước ngoài từ các nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam – vì nhiều người ra đi trong thời buổi này là những người giầu vào hàng triệu phú.
Muốn được nhập cư vào Mỹ qua diện đầu tư, một doanh nhân ít nhất cũng phải có 500 nghìn đôla đến một triệu đôla đầu tư vào những dự án được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận.
H1Đơn xin thẻ xanh I-485
H2Đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ N-400
Phần nhận xét hiển thị trên trang