Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

..các con chim sẽ đua nhau trổ tài



Anh dỏng tai, hết sức chú ý lắng nghe. Rõ ràng là tiếng họa mi. Lần này thì không thể nhầm lẫn nữa. Thật nhẹ nhàng anh rời khỏi giường, len lén đi về phía cửa sau, tai vẫn hết sức lắng nghe tiếng “đi gió” đặc thù chỉ riêng loài chim hót  nổi tiếng này có được. Nép sau cánh cửa trên gác, anh nhìn về phía phát ra âm thanh ấy. Và đúng như anh nghi ngờ: trên một cây ăng ten truyền hình còn sót lại của nhà bên cạnh, “nó” đang đứng phồng cổ hót. Kỳ lạ thay, “nó” không phải là một con họa mi, nó chỉ là một con chim sẻ!

***

Anh đã có một thời mê chim hót như mê gái. Lúc đầu thích nghe tiếng chích chòe nên mua vài con “than” về nuôi. Sau đó muốn nghe giọng “suối reo, thác đổ” của rừng miền Đông anh lại mua thêm vài con “lửa” với những cái đuôi dài thậm thượt. Rồi khướu, rồi vành khuyên, sơn ca, yến hót… và cuối cùng dừng lại ở giống chim mà cả anh và những tay chơi kỳ cựu đều chung nhận xét: vua của các loài chim hót – họa mi!

Nói chung chơi chim, cũng như “chơi” những thứ khác, nó cũng có đầy đủ hỷ nộ ái ố của thú đam mê. Sáng sớm vọt xe đi mua cào cào, hửng nắng lên thì mang chim ra tắm, hốt cứt chim, tối trùm áo cho chim ngủ… thôi thì trăm thứ nhiêu khê khổ ải… chỉ  để nghe được giọng hót mê ly của các… chàng (các loài chim mái phần lớn không hót, họa mi thì càng không). 



Mà quả thật tiếng hót họa mi vô cùng đặc biệt. Với những giống chim khác nuôi lâu ngày, ví dụ như chích chòe, bạn có thể biết trước được giai điệu, tiết tấu, âm vực… mà con chim đang và sẽ hót, với họa mi thì không. Họa mi có thể bất ngờ vút lên một chuỗi âm thanh lảnh lót, sau đó hạ xuống một nốt trầm như vực thẳm, rồi tiếng “đi gió” trong những trưa vắng như thầm thì, nỉ non, ru ngủ… Nếu có nhiều lồng chim để cách nhau một khoảng cách vừa phải, và không nhìn thấy nhau, các con chim sẽ đua nhau trổ tài, và lúc ấy dù có thể hai, ba hoặc nhiều con cùng hót nhưng đó không phải là những âm thanh trùng lặp, hổn loạn mà nó giống như một dàn nhạc đang hòa tấu một cách có chủ đích. Buổi sáng họa mi thường cất tiếng rất sớm, khi những tia sáng đầu ngày chưa hình thành. Còn với riêng anh, tiếng chim chiều mới là tiếng hót hay thăm thẳm. Những buổi chiều khi nắng đã dần phai, lúc đó ngồi một mình anh có thể hoàn toàn chìm đắm vào âm thanh của đàn chim trong lồng. Tiếng hót lúc đó da diết một cách tổn thương. Ôi, tiếng chim trong lồng! Những âm thanh hoang dã hay chỉ là ẩn ức, đè nén trong ngục tù vàng son thừa mứa. Vậy sao anh không thả cho chúng bay xa?

Thực ra không thể thả một con chim đã nuôi lâu đến có thể cất tiếng hót trong lồng bởi khi ấy chim đã hoàn toàn phụ thuộc vào chủ. Một con chim cảnh sổ lồng cũng đồng nghĩa với việc sẽ mất mạng vì đói khát hay làm mồi cho đám mèo hoang rình rập trên những nóc nhà thành phố. Nhưng rồi có một ngày anh đã ứa nước mắt thả gần hết đàn chim, trong đó có những con họa mi yêu nhất của mình. Anh nhớ hôm đó là một ngày chuyển mùa. Những cơn mưa cuối tháng tư bắt đầu xua tan cái ngột ngạt của những ngày nắng nóng phương nam. Anh chạy xe đi đâu đó qua những con đường ngập sắc đỏ của “cờ chiến thắng” trong một tâm trạng trống rỗng tuyệt vọng. Rồi anh dự tính ghé nhà một người bạn ở gần ga Sài Gòn, người bạn đó cũng là một bậc thầy về chim hót để mong giải tỏa bớt cái tâm trạng u uất của mình. Thế nhưng ngay lúc đó anh nghe cái điện thoại trong túi mình đổ chuông. Cẩn thận tấp xe vào lề, lấy điện thoại ra và nhìn thấy tên người gọi là vợ mình. Bật điện thoại anh nghe tiếng cô hốt hoảng: “Anh về mau, nguy rồi. Người ta đang tới bắt hết chim rồi anh ơi!”. Anh mau chóng hiểu ra mọi sự và quay đầu xe, phóng vùn vụt về nhà. Cả tuần nay báo chí nói về dịch cúm gia cầm và việc chính quyền thành phố sẽ tiêu hũy tất cả những vật nuôi có cánh trong khu vực nội đô. Nhưng anh và các bạn mình không nghĩ họ sẽ tiêu hũy cả chim cảnh vì không tin với điều kiện nuôi nhốt từng lồng riêng biệt và chăm sóc kỹ càng, chim cảnh có thể lây H5N1. Khi anh về đến nhà, anh đã thấy lố nhố trước sân có rất nhiều người đàn ông trong đó có cả công an khu vực. Anh quăng xe, lao vào trong sân và bàng hoàng nhìn thấy họ đã lấy rất nhiều lồng chim của mình xuống, đặt trên mặt sân và đang bắt một số chim ra. Bày ra trước mắt anh là một cảnh tượng kinh hoàng. Một cái bao loại 50kg đựng vôi bột mở sẵn, trong đó đã có một số con chim của anh bị bẻ cổ, bẻ cánh nằm giãy dụa. Gần như bất chấp sự đông đúc của những người xung quanh, anh lao tới những lồng chim vẫn còn xao xác tiếng chim hốt hoảng và giật tung cửa lồng, bẻ gãy các nang tre cho các cánh chim vút bay vào vùng tự do trước sự thảng thốt của đám người nhân danh thi hành công vụ….

Sau sự cố kinh hoàng ấy, anh buồn kinh khủng. Trong cái không khí hốt hoảng đầy huyễn tưởng của cả nước về một đại dịch kinh hoàng có khả năng xóa sổ hàng triệu người, anh cũng không chắc là hành động của mình hôm đó đúng hay sai nhưng bạn bè chơi chim của anh rất nhiều người đã phản ứng tương tự như vậy. Một tháng rồi vài tháng trôi qua, đại dịch đã không xảy ra. Người ta đã bắt đầu ăn thịt gia cầm trở lại. Những ai kịp đem giấu các lồng chim cảnh vào một nơi bí mật nào đó giờ không thấy chính quyền đả động gì nữa lại rụt rè mang ra để nghe chim hót. Chỉ có bầy chim của anh là hoàn toàn tuyệt tích. Những con chim đã chết thì không nói, những con được tháo củi sổ lồng cũng tuyệt mù không biết số phận ra sao bởi anh biết Sài Gòn không phải là vùng đất mà họa mi có thể sinh sống tự nhiên và sợ rằng những con chim kia đã làm mồi cho mèo hoang hoặc chết đói…

Thế nhưng một buổi sáng, đang ngồi một mình uống cà phê quán cóc đầu hẻm thì anh thấy vụt qua mắt mình một đôi cánh chao sát xuống vệ đường. Rồi một con chim lao xuống, đuổi theo con gián đang bò trên nắp cống. Anh gần như đứng bật dậy nhìn theo. Đó là một con họa mi nhưng cực kỳ xấu xí vì ốm đói. Khi con chim nhảy lò cò đuổi theo con gián, anh nhìn thấy rõ nó run rẩy trong cơn tuyệt vọng vì miếng mồi đang dần tuột khỏi tầm mắt. Con gián đã chui tọt vào ống cống! 



Anh quan sát con chim. Nó đã hoàn toàn trụi lông, giờ đây đầu nó nhô ra một cái sọ tròn như viên bi ngà ngà trắng. Lông bụng cũng rụng gần hết kéo dài đến đùi làm đôi chân khẳng khiu của nó càng ốm yếu. Có vẻ như nó đang kiệt sức. Thế nhưng khi anh tiến lại gần, nó cảnh giác vỗ đôi cánh xác xơ, bay lên bụi sơ ri rậm rạp của nhà bên cạnh. Anh trả tiền cà phê, vào nhà lấy xe chạy nhanh qua nhà người bạn và mượn một cái lồng bẫy sau đó ghé Ngã Sáu mua một bịch cào cào. Anh biết con chim đang kiệt sức vì đói và nó sẽ không bay đi xa. Đúng như dự đoán, khi nhìn thấy những con cào cào mơn mởn treo trên cành sơ ri, con họa mi ốm đói lao vào và sập bẫy.

Những ngày sau đó, bằng tất cả kinh nghiệm nuôi chim của mình, anh cố gắng cứu mạng sống của nó. Cào cào non, sâu qui, gạo trứng… liên tục được bồi dưỡng và con chim cũng dần hồi sức. Khi mùa mưa dần qua, nó đã có thể mở miệng hót lên vài giai điệu. Anh nghe tiếng hót rất quen, như thể nó là một trong những con chim anh từng thả ra, nhưng cũng không chắc chắn là hoàn toàn đúng. Thế nhưng dù có bồi dưỡng toàn những món mồi béo bở cho chim, ngay cả chịu tốn tiền mua liu điu cho nó ăn hằng ngày, lông đầu và bụng của nó vẫn không thể mọc ra, thành ra có thể xem nó là một con họa mi cực kỳ xấu xí. Bù lại con chim càng ngày càng siêng hót và chừng ba tháng sau ngày nó được cứu sống và tiếp tục cuộc đời trong những nan lồng, nó bỗng dưng trở thành một con chim đặc biệt, khi mà bất kể lúc nào, trừ khi nó ngủ, hễ anh mở áo lồng ra là nó cất giọng. Mà cái giọng sau khi phục sinh này mới thật là độc đáo. Chỉ trừ khi nó nhấm nháp vài miếng mồi hay chút nước, còn tất cả thời gian hầu như nó dành để hót. Lên bỗng, xuống trầm, du dương, réo rắt. Đôi lúc như tiếng thét gào, có khi chỉ là những âm thanh thầm thỉ… Cứ vậy, tiếng hót cứ tuôn ra từ cái mỏ nhỏ kia tưởng chừng như suối chảy, giờ này qua giờ khác, liên tu bất tận làm kinh ngạc tất cả những người sành sỏi về thú chơi chim. Sợ con chim kiệt sức, anh chỉ có cách trùm kín áo lồng, đem treo vào nơi ít ánh sáng để nó ngỡ trời đã tối mà nằm im nhưng chỉ được vài bữa, ngay cả trong bóng tối nó vẫn cứ hót. Thật ra đôi khi đó không phải là tiếng hót, mà là những tiếng kêu gào lanh lảnh, như thể muốn thoát ra, tháo củi sổ lồng thêm một lần nữa hay là tiếng gọi đàn từ trong sâu thẳm của bóng đêm? Khi đó vợ anh cũng vừa sinh đứa con đầu lòng, nhà thì chật mà tiếng chim lại cứ lảnh lót làm đứa bé cứ giật mình thảng thốt. Anh đang làm việc tại một chi nhánh của một tờ tạp chí, ông sếp, là một nhà thơ cũng dễ tính và chỗ thân tình, nên khi anh ngỏ lời muốn mang con chim tới treo tại chỗ làm, sếp gật đầu, còn nói: “Có tiếng chim còn vui chứ sao”.

Đến nơi ở mới con chim ít hót vài ngày làm anh cũng mừng nhưng rồi một tuần sau mỗi khi mở áo lồng là nó lại líu lo suốt buổi. Tòa soạn cũng khá rộng, nhân sự lại ít vì chỉ là một tạp chí chuyên ngành nên cũng không có vấn đề gì, thậm chí tiếng chim còn làm vui hơn, như ông sếp nói, cho những tâm hồn đôi khi khô cằn vì sách.

Một hôm có một nhà thơ từ hải ngoại về ghé thăm sếp anh để bàn chuyện xin giấy phép in cho ông ta một tập thơ phát hành trong nước. Anh có đọc nhà thơ này và đây là một trong những thi tài mà anh ngưỡng mộ. Ông đã rất nổi tiếng từ trước năm 1975 và sau khi sống lưu vong tại hải ngoại vẫn tiếp tục bền bĩ viết và  cách tân thơ mình nên được rất nhiều bạn đọc mến mộ. Dĩ nhiên là anh rất vui khi được trực tiếp gặp gỡ và tiếp chuyện với một nhà thơ đã biết tiếng từ lâu. Ông sếp, anh và nhà thơ nói chuyện rất thân tình. Đó là một người đàn ông khá điềm đạm, ăn nói nhỏ nhẹ. Đang lúc đó thì con họa mi cất tiếng. Nó bắt đầu bằng một tràng lảnh lót, sau đó chuyển giọng kim rồi trầm giọng thổ. Chỉ một mình nó nhưng như thể có vài ba con cùng hót. Lồng chim treo ở hành lang khá gần nên làm khách chú ý. Nhà thơ dừng nói, im lặng lắng tai nghe. Con chim vẫn cứ mê mải hót, chắc nó không hề biết mình vừa cắt ngang một cuộc đàm luận thanh cao về tương lai của nền thi ca dân  tộc. Nhà thơ bỗng hỏi: “Tấn (tên sếp anh) nuôi con chim gì mà hót hay vậy?”. Sếp nhìn qua anh: “Dạ, chim của Bình nuôi, không phải của em”. Nhà thơ nhìn anh: “Hót hay quá, chim gì vậy Bình?”. “Dạ, là họa mi đó anh”. Anh trả lời nhà thơ, lòng hơi hụt hẩng chút xíu vì anh nhớ từng đọc một bài thơ của chính ông nói về tiếng chim họa mi. Hóa ra ông cũng chỉ là tưởng tượng chứ chưa nghe tiếng họa mi bao giờ. Chim vẫn hót, nhà thơ vẫn say sưa nghe, anh và sếp ngồi yên, không biết nói gì. Rồi nhà thơ bỗng đề nghị: “Hay là Bình mua giúp anh vài con như vậy, anh lén đem về Mỹ nuôi nghe nó hót chơi”. Anh suýt phì cười vì sự ngây thơ của nhà thơ. Đem một con chim hoang dã từ khu vực có cúm gia cầm về Mỹ. Có mà ở tù mục xương.

Sau chuyến thăm của nhà thơ một thời gian, một sáng thứ hai anh đến tòa soạn làm việc như thường lệ. Hôm đó anh được giao biên tập một cuốn sách nên mê mải làm đến gần trưa mới giật mình nhớ là không hề nghe tiếng chim quen thuộc. Khi anh vội vã ra hành lang, nhắc cái lồng xuống thì thấy con họa mi đã nằm cứng đơ trên tấm lót đáy lồng. Chắc nó chết từ đêm qua. Hai bên mép ứa máu đầy kiến bu…

***


Đã gần mười năm trôi qua. Giờ anh đã thôi làm việc tại chỗ cũ và cũng dời nhà ra một quận ngoại thành. Hai đứa con  ra đời, lớn lên, học hành… đã làm anh không còn thời gian cho thú chơi chim xa xỉ. Thỉnh thoảng đi ngang qua những tiệm bán chim cảnh, anh dùng dằng chạy xe thật chậm, tai vểnh lên còn lòng bồi hồi khi nghe những âm thanh quen thuộc. Nhưng cũng như tình yêu, có sâu đậm mấy lâu dần rồi cũng quên, anh không còn có ý muốn khi rảnh rổi lại mua chim về nuôi nữa, cho đến những buổi trưa vừa qua, khi lại nghe tiếng “đi gió” của loài chim một thời anh đắm say… Anh tưởng đó là một con họa mi sổng chuồng của ai nhưng cuối cùng phát hiện ra nó chỉ là một con chim nhại. Lại cũng như tình yêu văn chương, cái hay của thiên hạ không phải cái hay của mình khi lặp lại. Anh vung tay, liệng viên gạch vỡ. Con chim bay vụt đi. Anh chẳng còn tâm trạng tò mò cũng như hứng thú nghe nó hót nữa. Dù tiếng “đi gió” đó giống đến nỗi làm lòng anh cồn lên bao kỷ niệm nhưng đó chẳng qua chỉ là tiếng nhại giọng của một con chim sẻ…

(Trong tập KIỀU- NXB Sống- Hoa Kỳ 2014) 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nước Nga ‘tiền phát-xít’ của Putin


russian_fascism

Nguồn: Vladislav Inozemtsev, “Russia’s Flirtation with Fascism”, Project Syndicate, 29/07/2016
Biên dịch: Trịnh Ngọc Phương Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong những năm gần đây, các nhà làm chính sách phương Tây đã gặp nhiều khó khăn trong việc xếp loại hệ thống chính trị của Nga, đa phần họ dùng đến những thuật ngữ như “dân chủ phi tự do” hay “chủ nghĩa chuyên chế.”
Tuy nhiên, hệ thống của Nga nên được xếp vào dạng chế độ “tiền phát xít” (proto-fascist) – nhẹ nhàng hơn chế độ phát xít của các quốc gia châu Âu giai đoạn 1920 – 1930, nhưng vẫn sở hữu những yếu tố cốt lõi của những chế độ ấy. Những yếu tố này bao gồm cấu trúc kinh tế chính trị của Nga; sự lý tưởng hóa nhà nước như một nguồn thẩm quyền đạo đức; và dạng quan hệ quốc tế đặc thù của Nga.
Trong quyển The Anatomy of Fascism (Mổ xẻ chủ nghĩa Phát xít), nhà sử học Robert O. Paxton từ Đại học Columbia viết:
Chủ nghĩa phát xít có thể được định nghĩa như một dạng hành vi chính trị đặc trưng bởi tình trạng ám ảnh về sự suy thoái cộng đồng, bị thóa mạ, bức hại và bằng việc bù đắp cho điều đó thông qua sùng bái tính đoàn kết, năng lượng và sự thuần khiết, mà ở đó một đảng đại chúng với những người cứng rắn theo chủ nghĩa quốc gia, phối hợp một cách khó khăn nhưng vẫn hiệu quả với giới chóp bu truyền thống, từ bỏ tự do dân chủ và theo đuổi những mục tiêu thanh trừng nội bộ và bành trướng bên ngoài bằng vũ lực vượt ngoài sự ràng buộc của đạo đức và pháp luật.
Trong một bài viết vào năm 1995 cho tạp chí The New York Review of Books, Umberto Eco, nhà văn sinh năm 1932 trong thời kỳ phát xít Ý, đã định nghĩa chế độ phát xít một cách bao quát như “một sự tôn sùng truyền thống” dựa trên “chủ nghĩa dân túy chọn lọc.” Trước đó vào năm 1939, Peter Drucker đã khẳng định trong quyển The End of Economic Man: The Origins of Totalitarianism (Sự chấm dứt con người kinh tế: Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị),  rằng “chủ nghĩa phát xít là giai đoạn xuất hiện sau khi chủ nghĩa cộng sản được chứng minh chỉ là ảo tưởng.”
Dựa trên những định nghĩa này, ngày nay thật khó để tìm được trong xã hội chính trị Nga bất kỳ xu hướng nào không thể bị gán mác phát xít.
Đầu tiên, hãy xét đến sự xâm nhập của nhà nước vào nền kinh tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã và đang tích trữ tài sản quốc gia trong các ngân hàng nhà nước và nay gọi các công ty dầu khí Nga bằng thuật ngữ “kho báu quốc gia.” Mục tiêu của ông là thành lập những “doanh nghiệp nhà nước” mới, mặc dù tỉ lệ quốc hữu trong nền kinh tế đã vượt xa con số 60%. Cùng lúc đó, các nghiệp đoàn độc lập đã hoàn toàn bị nghiền nát, và những tay đầu sỏ chính trị lúc này tuyên bố rằng họ sẵn sàng giao lại tài sản của mình cho nhà nước khi cần.
Hơn thế nữa, hiện nay Putin đã đạt được quyền kiểm soát gần như tuyệt đối đối với việc sử dụng bạo lực nhờ vào  nhiều “cơ quan chấp pháp” báo cáo trực tiếp với ông, bao gồm Quân đội, Bộ Nội vụ, Tổng cục An ninh Liên bang Nga, một Cục Bảo vệ Liên bang với 30.000 thành viên được thành lập vào năm 2002, và đội Vệ binh Quốc gia gồm 400.000 quân được thành lập vào đầu năm nay. Và đó là chưa tính tới những “quân đội riêng” của các công ty nhà nước hay các “lãnh chúa” trung thành như Ramzan Kadyrov tại Chechnya. Kadyrov chỉ huy gần 30.000 lính vũ trang, và thuộc hạ của ông đã từng bị buộc tội trả đũa lại những người chống đối.
Ngoài ra, Putin đã lợi dụng cảm giác mất mát lịch sử và vinh quang quá khứ của Nga, công khai ủng hộ chủ nghĩa khôi phục lãnh thổ và quân sự hóa. Ngày Chiến Thắng kỷ niệm sự kiện Liên Xô đánh bại Phát xít Đức giờ đây vượt xa sự khoa trương của thời kỳ Xô-viết; và bộ máy tuyên truyền của nhà nước liên tục khích động những tình cảm chống phương Tây bằng cách khẳng định rằng nhiều phần của “nước Nga lịch sử” đã bị thâu tóm một cách bất hợp pháp – và cũng vì vậy mà Crimea cần được “giành lại” bằng vũ lực vào tháng 3 năm 2014.
Thật sự, bộ máy tuyên truyền Nga chính là thành tựu tiền phát xít nổi bật nhất của nó. Putin có thể liên tục bủa vây người dân Nga bằng thông điệp rằng nền kinh tế của họ là một nền kinh tế hiện đại sánh ngang với những cường quốc toàn cầu dẫn đầu khác. Và mỗi năm, những luận điệu dân túy về sự “phục hưng đất nước” và một trận “đối đầu tay đôi với kẻ thù” lại càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Nhưng sự chấp thuận của Nga với chủ nghĩa phát xít không đem lại mối đe dọa lớn về lâu dài, vì 3 lý do. Đầu tiên, các thành tố phát xít tại Nga không xuất hiện một cách tự nhiên như tại châu Âu vào những năm đầu thế kỷ 20. Thay vào đó, chúng bị áp đặt lên xã hội Nga bởi nhà nước, nơi những người lãnh đạo được hưởng quyền lực to lớn theo Hiến pháp 1993. Khi không có nguồn gốc sâu xa từ trong dân chúng, cấu trúc phát xít đang được xây dựng này có thể dễ dàng bị phá bỏ.
Thứ hai, Nga là một quốc gia đa dân tộc mà trong nhiều thế kỷ đã phát triển thành một đế chế, chứ không phải một quốc gia-dân tộc. Vì vậy, những xu hướng phát xít ở đây mang nặng tính đế quốc hơn hơn là tính quốc gia. Và, mặc cho sự hung hãn của Nga trong quan hệ với các nước láng giềng, nó thiếu khả năng kinh tế cần thiết để duy trì một đế chế.
Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, nước Nga của Putin là một chế độ sùng bái cá nhân. Thiếu đi sự kế vị theo kiểu cha truyền con nối của Bắc Triều Tiên, những chế độ này không thể tồn tại lâu dài nếu thiếu đi người lãnh đạo, cho dù đó là ở Ý, Đức, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Hoặc như phó chánh văn phòng của Putin, Vyacheslav Volodin, đã buột miệng: “Bất kỳ sự tấn công nào nhằm vào Putin là nhằm vào nước Nga…Sẽ chẳng có nước Nga ngày nay nếu không có Putin.”
Khu vực địa chính trị lân cận của Nga ngày nay ít chấp nhận các ý thức hệ toàn trị hơn so với 90 năm trước. Các thế lực phương Tây không cần phá hoại hay hủy diệt nước Nga của Putin, họ chỉ cần chờ cho qua thời kỳ ấy. Dù với quyền lực đã bị suy yếu của nhiều quốc gia phương Tây ngày nay, điều này vẫn có thể đạt được.
Vladislav Inozemstev là Giáo sư Kinh tế học tại Trường Cao học Kinh tế Moskva và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hậu Công nghiệp.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/08/10/nuoc-nga-tien-phat-xit-cua-putin/#sthash.hyyp1pCW.dpuf


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơ ngọt:


VUI
Có vẻ như bác Trọng
Thấy thời cơ chín muồi,
Đang bắt chước bác Tập
Đả hổ và diệt ruồi.
Đập cả chuột nữa bác.
Đừng sợ làm vỡ bình.
Bác mà làm được thế
Thì nức lòng dân tình.
Ngoài mấy cái đại án
Xin bác làm đến cùng.
Xong, hy vọng làm tiếp
Các án thuộc loại trung.
Cũng mừng, thấy bác Phúc
Nêu gương không thay xe.
Bác chỉ đạo quyết liệt,
Tạm thời thấy ô-kê.
Mừng nữa, đọc trên mạng
Thấy bác nói: Bây giờ
Nhiều người lương thì ít
Mà lại giàu đáng ngờ.
Quả đúng thế bác ạ.
Đó là bọn quan tham.
Bác phải diệt chúng nó
Vì tương lai Việt Nam.
Bác chắc phải liêm chính
Mới dám nói điều này.
Thế mà bọn thối miệng
Cứ xì xào lâu nay.
Đó là những dấu hiệu
Phải nói là rất vui.
Dân chỉ mong hai bác
Không đánh trống bỏ dùi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người làm “nghề cổ”


Thời buổi công nghệ cao, những chiếc máy chữ cổ điển đang rơi vào quên lãng. Song, giữa lòng Tây Đô nhộn nhịp vẫn còn bốn ông lão lầm lũi mưu sinh bằng “nghề cổ”: đánh máy chữ. 
Ông Hiếu lên xe một cách khó nhọc.
Chợ… chiều
Nghe có người hỏi nơi đánh máy chữ thuê, một người đang bán hàng phía trước chợ An Lạc, ngôi chợ nằm gần trung tâm TP Cần Thơ, nhanh nhảu: “Đó, đó, chỗ có cái bảng ghi “Nhận thảo đơn, đánh máy” thiệt to để phía ngoài đó”. Cạnh tấm bảng ấy là mấy “cửa hàng” tạm bợ, xiêu vẹo nằm phía ngoài nhà lồng. 

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là ông lão khoảng tuổi thất tuần đang ngồi suy tư, tay chống cằm, mắt nhìn xa xăm. Ông là Nguyễn Văn Hiếu, có 42 năm trong nghề thảo đơn bằng máy đánh chữ và hiện ông là một trong rất ít những người đánh máy chữ thuê cuối cùng ở đất Tây Đô.


“Tôi làm đa dạng các loại đơn, nhưng nhiều nhất là đơn kiện tụng, tranh chấp và ly hôn. Nhiều việc mình thấy không đúng sự thật mà gõ vào đơn thì tội cho người bị kiện nên tôi thường viết tránh đi. Còn đơn ly hôn, trước khi tới tòa án nhà nước thì phải qua tòa án lương tâm tôi trước. Có thể người ta chưa suy nghĩ thấu đáo, bởi đơn kí rồi là mất chồng, mất vợ, nên tôi hay khuyên về suy nghĩ kĩ lại nếu không thể tiếp tục sống với nhau thì quay lại đây tôi làm cho. Nhiều người, nghe tôi khuyên vậy rồi hòa giải được trở lại cảm ơn tôi rối rít”. - Ông Nguyễn Văn Hiếu, người thảo đơn thuê bằng máy đánh chữ tại chợ An Lạc, TP Cần Thơ

Ông Hiếu kể, hồi chiến tranh, ông bị mảnh bom cắt đứt hai chân quá đầu gối, phải đi lại bằng đôi chân giả. Đôi tay ông vẫn còn mấy mảnh đạn chưa lấy ra và hai bàn tay giờ chỉ còn… 8 ngón rưỡi có thể cử động.

Một ngày của ông Hiếu bắt đầu từ tờ mờ sáng và đến “nhiệm sở” trên chiếc xe lắc tay cũ kỹ. Phần lớn thời gian trong ngày của ông là… ngồi chờ khách. “Mỗi ngày, tôi ngồi đây từ sáng tới chiều, bữa nào đắt khách thì được hơn 100 ngàn, những bữa ế thì không có đồng nào”- giọng ông Hiếu trầm buồn.

Khu chợ đông đúc, riêng “cửa hàng” đánh máy đánh chữ thì vắng lặng. Tôi nhẫn nại ngồi cùng ông từ sáng sớm đến đầu giờ chiều nhưng không thấy bóng người đến thuê ông làm. Thi thoảng có người thảo đơn nhưng lại đến thuê người đánh máy vi tính bên cạnh. Trong lúc ngồi chờ, ông tâm sự: “Thu nhập ba cọc ba đồng nên bữa sáng của mấy anh em tụi tôi chỉ là bánh mì chấm nước tương, gói xôi hay chén cháo lót dạ. Bữa cơm sáng thành bữa chiều của người ta. Vậy mà tháng nào tiền trọ cũng thiếu lên thiếu xuống…”.

Ngồi lâu buồn tay buồn chân, ông Hiếu biểu diễn cho tôi xem tài nghệ đánh máy của mình. Hai bàn tay với… tám ngón rưỡi của ông như múa trên bàn phím. Những gọng kim loại đính con chữ trên đầu tựa chiếc búa bé xíu đua nhau dập vào cuộn giấy tạo thành chuỗi âm thanh tạch tạch liên hồi. Vừa gõ, ông vừa kéo, đẩy cuộn giấy qua lại một cách tài tình. Chỉ trong chớp mắt lá đơn ngẫu hứng của ông đã hoàn thành.


Sinh hoạt khó khăn của ông Hiếu.

Chỉ vào chiếc máy đánh chữ vừa sử dụng, ông Hiếu nói: “Cái máy này chắc cũng xấp xỉ tuổi tôi. Trong nghề, tôi xài cái này là cái thứ ba rồi, hai cái kia đã cũ nhưng vẫn có thể để phòng hờ khi cái này bị hư. Tôi bảo quản nó rất kĩ, làm xong là lau chùi cẩn thận rồi bao lại đàng hoàng để đó, ai tới thuê mới mở ra. Hiện nay ở đây cũng còn duy nhất một ông thợ sửa máy đánh chữ, tụi tôi phải tôn trọng ông ấy như vua vậy, không dám làm phật ý vì sợ ông ấy không sửa thì treo nghề luôn”.

Cách chỗ ông Hiếu không xa là cửa hàng ông Nguyễn Văn Tư. Với 77 tuổi đời và gần 50 năm tuổi nghề, ông Tư được xem là lão làng trong số những người thảo đơn thuê. Ông Tư cũng đang trầm ngâm ngồi chờ khách, cánh tay run run thi thoảng nâng cốc trà nhấp một ngụm. “Tôi bệnh cả tháng nay, giờ thấy đỡ đỡ nên ráng ra ngồi đây kiếm ít đồng, chứ ở nhà hoài là đói”- lão làng lo lắng.

Không chỉ tiền chợ, ông còn phải kiếm tiền mua thuốc trợ tim cho vợ. Vợ chồng ông Tư có 4 người con và đều đã có cuộc sống riêng nhưng rất khó khăn nên vợ chồng già chỉ biết nương tựa nhau. Ông Tư cũng bị mất 2 chân trong chiến tranh. “May trời thương còn để lại đôi tay kiếm sống. Nhưng giờ thì đôi tay cũng rất yếu, tới mức gõ chữ cũng khó khăn”.


Ông Tư đánh máy bằng đôi cánh tay run rẩy

Chiều xuống, chợ tan, tôi theo chân ông Hiếu về “nhà”, đó là một phòng trọ lụp xụp. Đường vào nhà chỉ vừa đủ cho chiếc xe lắc chạy. Mái hiên được che chắn bởi những tấm bạt chắp vá, cửa phòng bằng gỗ có chỗ đã mục, trống hoác. Bên trong căn phòng, các miếng la phông cũ trên trần nhà bong ra treo lủng lẳng, có vài chỗ đã dột. Mặc dù vậy, đồ đạc trong phòng được ông Hiếu sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

Vừa vào phòng, ông Hiếu tháo đôi chân giả, để lộ hai mỏm chân cụt bó trong lớp vải trắng, rồi bắt đầu lết trên sàn để dọn dẹp, giặt giũ áo quần. Xong mọi việc ông mới bắt đầu ăn cơm. Hôm nay, con ông mang cơm đến để sẵn trong nhà rồi ra về. Vừa ăn, ông Hiếu vừa nghẹn ngào: “Hôm nào có đồ ăn ngon, con nó mang đến cho tôi, còn không thì tôi tự nấu. Mấy đứa con tôi đều có gia đình riêng và đứa nào cũng nghèo...”. Ông cho biết, vợ ông đã bỏ đi, giờ mình ông sống cô đơn, thui thủi.

Vang bóng một thời

Ông Nguyễn Văn Quốc Việt, người có trên 40 năm đánh máy chữ thuê hồi tưởng: “Những năm trước 1975 là thời kì hoàng kim của nghề đánh máy chữ. Ngày ấy, tại Cần Thơ có rất nhiều người theo nghề và lập hẳn một tổ hợp chuyên đánh máy, thảo đơn. Ngoài các cơ quan và người dân địa phương, người của các tỉnh lân cận cũng tìm đến để thuê”.

Ông Việt nhớ lại: “Hồi mới giải phóng (1975), nghề này làm được lắm. Các giấy tờ của cơ quan nhà nước đều giao cho tụi tôi làm hết. Từ giấy phép, đi đường, giấy giới thiệu cho đến các loại hợp đồng, đơn thư... Vì thời đó không có máy photocoppy nên các văn bản sao y bản chính hay in ra nhiều bản cũng phải dùng máy cơ này. Nhờ vậy, thu nhập lúc đó rất ổn định, một mình tôi làm có thể nuôi 10 nhân khẩu trong nhà, lại được xã hội coi trọng. Nhiều khi tôi đi vắng 2 đến 3 ngày, người ta cũng phải chờ tôi về làm”.


Ông Việt ngồi ngóng khách.

Ông Lê Thanh Liêm (66 tuổi), người cùng làm với ông Việt góp chuyện: “Hồi xưa, lúc tôi vào tổ hợp, người ta đến thuê rất đông làm không xuể. Mỗi ngày tôi kiếm khoảng 7 - 8 ngàn đồng (thời giá lúc bấy giờ) là nuôi sống được cả gia đình”. Ông Liêm cho biết, trước đây tổ hợp có đến 13 người, trong đó có người đại diện, tổ trưởng, tổ phó.

Tiền làm được, sau khi trừ chi phí, số còn lại chia đều cho các thành viên, cuộc sống thoải mái, dư giả. Sau này khi có sự xuất hiện của chiếc máy vi tính hiện đại, người ta ít sử dụng máy đánh chữ thế là họ dần dần rời bỏ nghề để tìm kế khác sinh nhai. Tổ hợp từ đó cũng tan rã. Theo ông Tư, cả Cần Thơ, thậm chí là ở toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện chỉ có 4 người là các ông còn gắn bó với nghề đánh máy chữ.

Theo ông Hiếu, sở dĩ vẫn còn khách, dù rất ít, tìm đến là vì “lời văn của mình”. “Khách đến thuê làm đơn, người ta kể câu chuyện của người ta, rồi nói ý muốn của người ta như thế nào, tụi tôi làm ra đơn đúng như ý họ, nên người ta cứ tìm đến tụi tôi hoài”- ông Hiếu tự hào. Theo ông, tìm đến với “nghề cổ” chủ yếu là những khách quen và cả những người thích cái cũ.

Bà Hoàng Cẩm Loan (ngụ tại quận Cái Răng), người thường thuê thảo đơn chia sẻ: “Cái máy vi tính mới, chữ in ra đẹp ai không thích, nhưng người thảo đơn bằng máy vi tính thường là người trẻ, ít kinh nghiệm nên không làm theo đúng ý mình. Mình ít học, khi cần làm đơn thì tìm đến nhờ họ, nhưng họ lại kêu mình đọc đơn để họ viết, mình biết làm cái đơn sao đâu mà đọc?”.

Bà Loan cho biết: “Tôi đã quen nhờ mấy ông đánh máy chữ làm rồi nên tin tưởng. Chuyện mình sao mình trình bày đầu đuôi rõ ràng là mấy ông này biết cách làm liền. Xong, các ổng còn đọc lại cho tôi nghe, nếu tôi thấy hợp tình hợp lí rồi thì mới trả tiền, nếu còn chỗ nào chưa được thì mấy ổng làm lại tới khi được thì thôi”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tháo ngòi cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á

Tiananmenpar

Nguồn: Thitinan Pongsudhirak, “Defusing Asia’s Arms Race”, Project Syndicate, 12/07/2016
Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Phán quyết chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye sẽ đáp ứng mong đợi của các nước trong khu vực. Nhưng nó sẽ không thể đảo ngược một trong những xu thế đáng lo ngại nhất ở châu Á: quá trình tăng cường lực lượng vũ trang đáng báo động trong khu vực.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, hiện nay châu Á chiếm gần một nửa chi tiêu mua sắm vũ khí của thế giới, nhiều hơn hai lần tổng mua sắm của các nước ở Trung Đông và nhiều hơn 4 lần so với châu Âu.
Việt Nam, nước vốn chỉ khôi phục quan hệ ngoại giao với Mỹ năm 1995, hiện đang xem xét cho phép hải quân Mỹ sử dụng căn cứ hải quân Cam Ranh – vốn được không quân Mỹ xây dựng và sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (và sau đó được hải quân Liên Xô và Nga sử dụng). Việt Nam cũng đã mua một đội tàu ngầm do Nga sản xuất, và chi phí cho mua sắm quốc phòng đã tăng tám lần trong giai đoạn 2011 đến 2015 so với giai đoạn 5 năm trước đó. Thái Lan cũng muốn có tàu ngầm cho hải quân của mình, mặc dù nước này chỉ có vùng nước nông trong Vịnh Thái Lan và không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Philippines, nước đã đưa vụ kiện chống lại Trung Quốc ra tòa La Haye, cũng đang tăng cường sức mạnh quân sự của mình, với việc mua các máy bay chiến đấu từ Hàn Quốc và các khoản đầu tư mới vào hải quân, được hỗ trợ không chỉ bởi Mỹ mà còn cả Nhật Bản. Philippines cũng đang khôi phục lại quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, đánh dấu một bước chuyển 180 độ đối với quyết định trục xuất hải quân Mỹ ra khỏi căn cứ quân sự tại vịnh Subic của nước này năm 1991. Cũng trên tinh thần đó, Hạm đội 7 của Mỹ đã tăng cường hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông.
Cuối cùng, Nhật Bản cũng đang có được ảnh hưởng trong khu vực bằng cách dịch xa khỏi “hiến pháp hòa bình” hậu Thế chiến II của mình. Cho đến nay, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã diễn giải lại điều 9, vốn từ bỏ (quyền tiến hành) chiến tranh, để cho phép Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể cùng các đồng minh của nước này. Chính phủ cũng đang xem xét lại các đạo luật về an ninh cho phép xuất khẩu công nghệ vũ khí cho các nước đối tác trong khu vực, qua đó tăng cường khả năng quốc phòng của mình.
Tất cả những nước này đang phản ứng với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc như là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định khu vực. Trên thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã và đang xây dựng các con đập cướp đi nguồn tài nguyên nước sống còn của các nước hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam. Ở Biển Đông, Trung Quốc tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng với các đường băng và các cơ sở quân sự; nước này cũng lên gân sức mạnh hải quân của mình với một tàu sân bay mới tinh, và còn nhiều tàu khác đang được chế tạo.
Trước giờ phán quyết của PCA, Trung Quốc đã gióng trống khua chiêng về sự ủng hộ từ các nước châu Phi xa xôi, nơi nước này có các khoản đầu tư, và từ các thành viên dễ bị ảnh hưởng trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, như Brunei, Cambodia và Lào. Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm ngăn cản các thành viên ASEAN đoàn kết chống lại nước này và giảm nhẹ vai trò của luật pháp quốc tế trong khu vực nơi mà Trung Quốc đang tìm kiếm địa vị thống trị về mặt chiến lược. Đáng lo ngại hơn, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động tại Biển Đông bất chấp quá trình trọng tài đang diễn ra, tuyên bố từ trước đó rất lâu rằng sẽ làm ngơ tất cả các phán quyết khiến các tuyên bố chủ quyền của mình trở thành vô giá trị.
Chạy vũ trang ở châu Á là cuộc chạy đua lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và nó đang tăng tốc trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng không thuận lợi. Nước Mỹ đang bận tâm với Nhà nước Hồi giáo và các mối đe dọa khủng bố khác từ bên ngoài, và bây giờ là với chiến dịch bầu cử tổng thống trong nước. Một châu Âu đang bị xáo trộn sau khi Liên hiệp Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, điều diễn ra sau 8 năm tăng trưởng yếu, thắt lưng buộc bụng và các cuộc khủng hoảng kéo dài.
Nếu có thể, đây nên là thời điểm để châu Á đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn cầu. Buồn thay, những xung đột địa chính trị gay gắt trong khu vực đang ngáng đường, do sự thiếu vắng của một khuôn khổ mang tính thể chế để ngăn chặn, giảm nhẹ và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Trừ khi, và cho đến khi, một khuôn khổ như thế được thiết lập, rủi ro về xung đột sẽ tăng lên, gây nguy hại cho quá trình chuyển biến kinh tế trong khu vực, vốn giúp một tỷ người châu Á thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây.
Tạo dựng một khuôn khổ an ninh khu vực có thể đứng vững được là điều không dễ dàng, trong bối cảnh các xung đột địa chính trị tại châu Á dường như đều rất khó giải quyết. Những xung đột này bao gồm tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, đối đầu giữa hai miền Triều Tiên, quan hệ sóng gió giữa Trung Quốc và Đài Loan, và các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ chủ quyền của Nhật Bản và Ấn Độ, thêm vào đó là của Philippines và Việt Nam.
Giải quyết các cuộc tranh chấp này tối thiếu cần các luật chơi cơ bản của trò chơi, có thể được phát triển và thực hiện chỉ trên cơ sở đa phương, không phải đơn phương theo cách mà Trung Quốc đòi hỏi. Ví dụ, ASEAN đang soạn thảo một Bộ quy tắc ứng xử để quản lý Biển Đông, nhưng nỗ lực này đạt được rất ít tiến triển vì sự ngoan cố của Trung Quốc.
Nếu như Philippines không quá đà với chiến thắng tại La Haye của mình, và nếu các bên liên quan khác lùi bước một chút và cho Trung Quốc một khoảng trống để nhận ra sự nguy hiểm trong thái độ hung hăng của mình, thì các lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ trở nên sẵn sàng hơn để đàm phán một thoả thuận khu vực. Lựa chọn khác – leo thang hơn nữa cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á – sẽ không đem lại lợi ích cho bên nào cả.
Thitinan Pongsudhirak là Giáo sư và Giám đốc của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Khoa khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn, Bangkok.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/08/09/thao-ngoi-chay-dua-vu-trang-chau-a/#sthash.feDzOmT6.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trại gia cầm 'độc, lạ' ở xứ Lạng


Sau thời gian dài kiên trì tìm hướng đi mới với việc trồng trọt, chăn nuôi, ông Đỗ Mạnh Lai (52 tuổi, xã Minh Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn) hiện có cả nghìn con vịt trời, gà H'mông, gà 6 ngón, lợn rừng... trên diện tích 1,5ha.
Ông Lai tách các giống gà ra riêng từng chuồng nuôi nhốt, có làm 2 hoặc 3 tầng để gà ở. Ảnh: Hồng Vân. Năm 1984, ông Lai nhập ngũ, được đơn vị cử đi học nghề y đến năm 1991 thì về nghỉ chế độ phục viên tại địa phương. Ban đầu, ông theo đuổi công việc bán thuốc, kinh doanh bách hóa tổng hợp nhưng không đem lại hiệu quả cao. Năm 2011, ông Lai quyết định đầu tư theo hướng tổng hợp về nông nghiệp: chăn nuôi lợn nái, gà, bò, đào ao thả cá, trồng táo và chăm sóc 1,5 ha rừng bạch đàn, keo.

“Ngày đó vốn liếng không có nhiều, đầu tư vào chăn nuôi trồng trọt vợ chồng tôi phải tính toán kĩ lưỡng cả về chuồng trại, thức ăn, đầu ra cho sản phẩm”, ông Lai chia sẻ.


Gia đình làm nông nghiệp nên ông thường tìm hiểu tài liệu, sách báo, xem các chương trình dạy kĩ thuật chăn nuôi. Nhận thấy giống lợn rừng, vịt trời đem lại hiệu quả kinh tế cao nên năm 2013, ông sang Lục Nam (Bắc Giang) mua 22 con giống vịt trời và đôi lợn nuôi thử. Nhờ cần cù, chịu khó nên sau một thời gian ông phát triển đàn vịt trời lên đến hàng trăm con.

Có thời gian rảnh rỗi, ông Lai đi tham quan học tập mô hình chăn nuôi của địa phương khác và tỉ mỉ ghi chép lại để áp dụng cho mình. Sau đó, ông đầu tư mua thêm giống gà H’mông, gà 6 ngón vùng Mẫu Sơn và gà sao. Từ kinh nghiệm thực tiễn ông nhận thấy các giống gà đặc sản nuôi tại mỗi địa phương có khí hậu khác nhau nếu được chăm sóc đầy đủ và tiêm phòng đúng thời gian chúng sẽ không dễ mắc dịch bệnh, tăng sức đề kháng.

Mỗi năm, thu nhập từ chăn nuôi ông Lai có lãi hơn 150 triệu đồng. Ảnh: Hồng Vân

Ông Lai xây dựng chuồng trại thoáng mát bằng thân cây, dùng lưới quây lại, có chỗ nuôi nhốt riêng từng loài gia cầm. Mỗi chuồng đều dựng 2 hoặc 3 tầng, đặc biệt không để lẫn con giống gà 6 ngón với gà thường. Cứ 5 ngày ông đem trứng gia cầm xuống Bắc Giang thuê ấp, thời gian ấp trứng vịt trời và gà sao là 27 ngày, gà 6 ngón và gà H’mông là 20 ngày. Ông xây riêng một khu chuồng cho gia cầm con, có nơi đốt lửa sưởi ấm về mùa đông.

“Đàn gia cầm và lợn tôi nuôi rất dễ, chủ yếu cho ăn các loại rau, chuối, bèo. Khoảng hơn 6 tháng gà mới được xuất, lợn rừng là từ 2 năm nên thịt chắc, thơm ngon. Ban đầu chỉ có vài khách tìm đến mua thử, ăn thấy ngon rồi họ giới thiệu thêm cho người quen”, ông Lai tiết lộ.

Ông Lai bên khu chuồng nuôi lợn rừng vừa đẻ. Ảnh: Hồng Vân

Nằm tách biệt khỏi khu dân cư, trang trại rộng 1,5ha của ông Lai hiện có gần 1.000 con vịt trời, đàn gà H’mông, gà sao, gà 6 ngón tổng cộng gần 1.000 con và 5 lợn nái rừng.

Hiện các loại gia cầm và lợn rừng của gia đình ông Lai nuôi được nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh tìm mua. Ngoài ra, ông còn cung cấp giống gia cầm, hướng dẫn kĩ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho những người tìm đến học tập kinh nghiệm. Giá bán của lợn rừng hiện là 130.000 đồng một kg; gà sao, gà 6 ngón, gà H’mông là 200.000 đồng; vịt trời cũng từ 130.000 đến 150.000 đồng mỗi kg, chưa kể khoản thu từ trồng táo, thả cá. Hàng năm, trừ chi phí gia đình ông Lai có thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên.

Trong thời gian tới, ông Lai có dự định tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi của gia đình, trồng thêm hai loại cây dược liệu là đinh lăng và ba kích do nhận thấy giá trị kinh tế cao, phù hợp khí hậu thổ nhưỡng địa phương.

Hồng Vân


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư liệu:





Bản chất của vật chất, nguồn gốc của ý thức và giả thuyết ý thức tách rời khỏi vật chất - những câu hỏi đặt ra với vị triết gia duy nhất (?) của Việt Nam ...

§§§§§§§§§§§

Một triết gia VN nổi tiếng (1) hiện có mặt tại Paris để ra mắt sách. Nhân dịp đó, một cuộc gặp gỡ được tổ chức trong mục đích trao đổi về triết học. Để sửa soạn cho cuộc gặp gỡ này, chúng tôi được nhờ soạn ra một vài câu hỏi về triết học duy vật Marx-Lénine. Xin ghi ra đây để hy vọng cuộc “trao đổi” trên trở nên rộng rãi hơn với những suy nghĩ vàđóng góp của độc giả “mộ điệu” bốn phương.

Kính thưa bác,

Có hai đề tài trong triết lý duy vật Marx-Lénine có thể bị coi như hai “khâu yếu”, xin được bác giải thích, đó là:

1. Vấn đề bản chất của vật chất: 

Theo bác, triết học Marx-Lénine có quan niệm sự hiện hữu của “con người nói chung” trong cái quá trình gọi là “lịch sử loài người”. Vậy trong một quá trình rộng lớn hơn là quá trình tiến hóa của vật chất (“lịch sử” của vật chất), cũng phải có cái gọi là “vật chất nói chung”. Nó là gì?

Đây cũng là đặt vấn đề bản chất của vật chất. Bác đã dẫn Lénine để cho rằng: “không có trình độ thấp nhất của vật chất”, tức vật chất không có cái gì được nhìn nhận là đầu tiên để mà quy định mọi bước tiến hóa khác. Bác cũng cho rằng thế giới là “vật chất vô hạn đương vận động”. Tựu trung, ta có thể hiểu, như Lénine, rằng: “Thiên nhiên trong tất cả các bộ phận của nó không có gì là đầu tiên và cũng không có gì kết thúc”.

Vậy, cái “vật chất” không có hạn chế và cũng không biết từ đâu ra như thế có còn là vật chất nữa hay không ? Chấp nhận sự hiện hữu của một vật chất như vậy có còn thực sự là “duy vật biện chứng” nữa hay không? Vì đến một lúc nào đó, ở chỗ vô hạn hay ở chỗ khởi thủy không hiện hữu, sẽ không còn cái điểm tựa vật chất để mà biện chứng nữa , mà sẽ chỉ là vận động khái niệm thuần túy (2).

2. Vấn đề chuyển hóa năng lượng thần kinh thành năng lượng tâm thần hay nói rộng hơn, vấn đề nguồn gốc của ý thức và các hoạt động tâm trí: 

Đây là một “khâu yếu” vì hai lý do:

- Thứ nhất: Sự chuyển hóa năng lượng thần kinh thành năng lượng tâm thần có thể quan niệm được, nhưng với sự hiểu biết của khoa học hiện tại, chưa thể chứng minh được. Năng lượng thần kinh, như sự hiểu biết hiện nay, đến từ một số phản ứng hóa học và thay đổi điện thế nơi các màng tế bào thần kinh. Không ai cắt nghĩa được các hiện tượng vật lý, hóa học ấy làm ra ý thức và các hoạt động tâm trí như thế nào cả. Nói: “một ngày kia sẽ cắt nghĩa được”, chỉ là một lời hứa. Trong khi chờ đợi lời hứa ấy được thực hiện, thì vẫn là “biện chứ không có chứng”, như lời phát biểu khôi hài của anh bạn Phan Tấn Hùng (3).

- Thứ nhì: Nếu quan niệm mọi hoạt động tâm trí đều được làm ra bởi một cơ cấu phức tạp bao gồm:

- môi trường sống (đem lại những khích động cho hệ thần kinh).
- các cơ quan cảm nhận của thần kinh hệ (tiếp nhận các khích động đến từ môi trường);
- hệ thống thần kinh có khả năng chuyển biến những khích động ấy thành ý thức và các hoạt động khác của tâm trí,

thì có lẽ cũng phải nghĩ rằng: trong một giai đoạn nhất định, mọi hoạt động của con người đều đã được quy định trước bởi cơ cấu kia.

Một cách cụ thể hơn, ta có thể nói: Mỗi tư tưởng của con người đều đã được sắp đặt trước một cách chính xác bở một chuỗi phản ứng hóa học và vật lý đặc biệt cho cái tư tưởng ấy. Như vậy, phải đặt vấn đề sáng tạo trong các họat động tâm trí của con người.

Có hai giả thuyết:

a) Hoặc con người không sáng tạo gì cả. Tất cả đều được định đoạt sẵn. Tương lai có tính tất yếu. Nhưng con người lại không thể là “chủ thể làm ra lịch sử của mình” như Marx và Engels tuyên bố.

b) Hoặc con người có phần nào sáng tạo, trong sự lựa chọn giữa những giả thuyết đã được in sẵn trong cái “máy làm ra tư tưởng” của mình. Như thế, nếu con người lựa chọn được đúng những giả thuyến phù hợp với thực tại, với môi trường sống, thì con người sẽ tồn tại, còn nếu lựa chọn sai, đem áp dụng những giả thuyết không thích nghi với môi trường sống, thì con người sẽ suy thoái và có thể bị hủy diệt. Trong giả thuyết này, tương lai không có tính tất yếu, và như thế lại không phù hợp với nhận thức khoa học theo chủ nghĩa Marx-Lénine ? (4)


Một vấn đề khác xin được trình bày với bác là : 

một phần lớn nhân loại tin vào một ý thức hoàn toàn tách rời khỏi vật chất. Họ gọi đó là Thiên Chúa, Thượng Đế … Chấp nhận có ý thức tách rời vật chất, thì cũng có thể chấp nhận một số chuyện như: một thế giới sản phẩm của tâm hồn biệt lập với các điều kiện vật chất, ý thức có thể có trước vật chất và chỉ dùng cấu trúc của vật chất như phương tiện để phát biểu ra mà thôi. Con vật cũng có thể có ý thức như con người tuy nó không có được cái cấu trúc vật chất như con người (bộ óc) để phát biểu những cái mà con người phát biểu (một số thuyết cho là con người có thể đầu thai vào con vật hay ngược lại), ý thức có thể tồn tại sau sự hủy diệt của vật chất …. Ngoài cách lên án các tư tưởng này là “duy tâm tiên nghiệm”, bác có cách nào khác để bài bác chúng hay không ?

Xin cảm ơn và kính chúc bác mọi sự tốt lành.

NHV 

Chú Thích :

(1) Giáo Sư Trần Đức Thảo


(2) Từ khi viết bài này tôi đã « giác ngộ » được một vài khía cạnh về quan niệm của Marx về vật chất ; Xin xem : 

(3) Thật ra, từ khi viết bài này, nhiều tiến bộ đã được ghi nhận trong lãnh vực này, xin xem : (tiếng Pháp)
và : 
 (tóm tắt tiếng Việt)

(4) Vấn nạn này cũng đã được phần nào giải quyết trong : 

Phần nhận xét hiển thị trên trang