Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Sai lầm chết người của Tập Cận Bình


Nguyễn Quang Dy: 1. Cuốn sách mới của David Shambaugh (China’s Future, Polity, March 2016) tiếp theo bài phân tích của tác giả cách đây một năm (“The Coming Chinese Crackup”, Wall Street Journal, March 6, 2015) là một bước mới khẳng định sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ Trung Cộng. Tuy nhiên, chính xác là bao giờ và sụp đổ thế nào thì chưa ai khẳng định cụ thể (kể cả Minxin Pei và Paul Krugman hay Gordon Chang). Có thể là trong thập kỷ tới (the next decade or so).

China sắp kết thúc? Ảnh minh họa internet
Trong số này thì David Shambaugh là người thay đổi lập trường rõ rệt nhất, từ chỗ đánh giá cao đến chỗ chỉ trích gay gắt lãnh đạo TQ. Có lẽ không phải tác giả thay đổi lập trường, mà lãnh đạo TQ thay đổi đường lối (cụ thể là Tập Cận Bình khác với Hồ Cầm Đào và Ôn Gia Bảo) nên tác giả thất vọng. Không nên xếp tác giả vào “trường phái sụp đổ” (collapsist) như Gordon Chang.

2. Trong 3 năm qua, Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực gần như tuyệt đối (không kém gì Mao). Từ mô hình lãnh đạo tập thể dựa trên nhất trí (consensus) nay đã biến thành mô hình quyền lực cá nhân dựa trên độc tài. Từ luật chơi không được đụng đến các ủy viên thường vụ BCT (cả mới lẫn cũ), nay ông Tập đã xử lý hầu hết các đối thủ chính trị (siêu hổ) như Bạc Hy Lai, Chu Vính Khang, Lệnh Kế hoạch, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, thậm chí cả Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Ngọn cờ chống tham nhũng để mị dân và có chính danh (legitimacy) là một vũ khí lợi hại để ông Tập thâu tóm quyền lực. Phải công nhận Tập Cận Bình (và Vương Kỳ Sơn) rất kiên định, mặc dù có tin bị ám sát hụt mấy lần. Hay nói cách khác, “đâm lao phải theo lao”, đã leo lên lưng hổ thì không thể dừng lại.

3. Không phải chỉ “đả hổ diệt ruồi”, ông Tập còn xiết chặt quyền tự do dân chủ, tăng cường kiểm soát giới trí thức, các tổ chức dân sự và tôn giáo (kể cả người nước ngoài), tạo không khí lo sợ (terror) như thời cách mạng văn hóa (“rule of fear”, Minxin Pei). Ông Tập chủ trương siết chặt bên trong (để giữ nguyên trạng chế độ chính trị) và bành trướng ra bên ngoài (để thay đổi nguyên trạng) cổ vũ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, để giảm sức ép bên trong. Bài toán cổ điển này có thể hiệu quả nhất thời, nhưng về lâu dài sẽ phản tác dụng (trong thời đại internet), vì nó chỉ dựa trên quyền lực cứng để trấn áp và mua chuộc (cái gậy và củ cà rốt). Gần đây, có nhiều dấu hiệu bất ổn trong nội bộ, như thư ngỏ kêu gọi Tập Cận Bình từ chức, và bài chỉ trích chính sách của ông Tập đăng trên website của Ủy Ban Kiểm tra TƯ (CCDI).

4. Các chính sách cực đoan nói trên: đả hổ diệt ruồi, xiết chặt kiểm soát bên trong, bành trướng ra bên ngoài (Biển Đông), chạy đua vũ trang, thách thức vị trí đứng đầu của Mỹ, để thực hiện “Giấc mộng Trung hoa” (China Dream)… là con dao hai lưỡi. Nếu kinh tế TQ ổn định, tiếp tục phát triển mạnh như trước, thì ông Tập vẫn còn thế thượng phong. Nhưng đáng tiếc, các chỉ số kinh tế cơ bản đang ngày càng xấu đi đến mức báo động (như nợ xấu quá lớn, dự trữ ngoại tệ giảm sút nhanh, phá giá đồng tiền, thị trường chứng khoán lao dốc, ô nhiễm môi trường quá nặng, người lao động di cư ngược về quê, dòng người và dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài…). Những chính sách cực đoan của ông Tập có thể phản tác dụng (backleash), trở thành sai lầm chết người. Đây là giới hạn của quyền lực cứng (cái gậy và củ cà rốt) và phát triển không theo quy luật (cải cách kinh tế không đi đôi với cải cách chính trị).

5. Vậy lối thoát là gì? Theo David Shambaugh, Trung Quốc đã phát triển hết đà, đang sa vào “bẫy thu nhập trung bình”, muốn thoát ra phải dựa vào tri thức (quyền lực mềm) chứ không phải cơ bắp (quyền lực cứng), phải cải tổ cả thể chế chính trị lẫn kinh tế. Nhưng đây là điều bất khả thi và một nghịch lý đối với quan điểm cực đoan của ông Tập, vì chính ông Tập đã nhìn ra tử huyệt của chế độ nên mới ra tay một cách cực đoan để hy vọng giữ được chế độ “ổn định”. Nhưng David Shambaugh lập luận rằng ông Tập càng hành động cực đoan, thì càng đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ (như hệ quả không định trước). Vì vậy, không có lối thoát. 


Theo tác giả, ông Tập chỉ có 4 sự lựa chọn: “Chuyên chế Cứng” (như hiện nay) hay “Chuyên chế Mềm” (như trước đây)? “Độc tài Kiểu mới” (như thời Mao) hay “Dân chủ Nửa vời” (như kiểu Singapore)? Phương án “Chuyên chế Cứng” hiện nay đang có dấu hiệu “Độc tài Kiểu mới”. Sai lầm chết người của ông Tập là quay “trở lại tương lai” (back to the future).

Tóm lại, trong cuốn sách mới của mình, David shambaugh vẫn khẳng định những gì đang diễn ra là màn chót (end game) của chế độ Trung Cộng. Nhưng bao giờ thì nó sụp đổ? Theo tác giả, có thể là trong thập kỷ tới (the next decade or so).

NQD. 30/3/2016

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-3-16.
Lấy từ viet-studies. Bình luận nhanh nhân đọc và dịch bài điểm sách mới “The Great Fall of China”, Jeffrey Wasserstrom, Wall Street Journal, March 28, 2016.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Blogger Nguyễn Ngọc Già bị tuyên án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế


Lãnh 4 năm tù vì viết bài vu khống, bôi nhọ Đảng và Nhà nước

Hoàng Điệp
Bị cáo Ngọc nghe tuyên án (ảnh chụp qua màn hình) - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
TTO – Chiều 30-3, TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Ngọc (50 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) 4 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN.
Theo cáo trạng, ngày 25-12-2014 Công ty cổ phần bưu chính viễn thông Sài Gòn có công văn gửi cho cơ quan công an TP.HCMvề việc phát hiện thuê bao internet tại nhà của ông Nguyễn Đình Ngọc sử dụng đã phát tán trên intetnet các bài viết nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Khi cơ quan an ninh khám khẩn cấp nhà Ngọc thì bắt giữ được nhiều bài viết, nhiều tài liệu khác nữa được thu giữ trong máy tính xách tay có nhiều bài viết vu khống, Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Ngọc bị bắt ngay vào ngày 27-12-2014.
Theo hồ sơ, sau khi nghỉ việc ở Đài truyền hình TP.HCM bị cáo Ngọc bắt đầu lên các trang mạng phản động từ nước ngoài thu thập nhiều thông tin vu khống xuyên tạc, nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam, nói xấu, xuyên tạc vu khống các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam rồi gửi đến các trang mạng danlambao, đàn chim Việt, mười hai bến nước, RFA….
Tổng cộng, ông Ngọc đã gửi đi từ các hộp thư điện tử của mình 26 bài, được đăng 14 bài trong đó có 22 bài được giám định nội dung có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống về Đảng và Nhà nước.
Quá trình điều tra cho thấy, bị cáo Ngọc không có liên hệ gì với những người quản trị các trang mạng này, mà Ngọc chỉ gửi bài, đăng bài hay không thì không phải quyền quyết định của Ngọc.
Cáo trạng cũng xác định, bị cáo Ngọc không tham gia bất kể một tổ chức chính trị nào, Ngọc cũng không nhận được một nguồn lợi ích nào từ việc viết các bài này.
Tại phiên tòa, bị cáo Ngọc cho biết khi đó do bức xúc với một số vấn đề nên đã có những lời lẽ xúc phạm đối với Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Ngọc nhận thấy việc làm của mình là sai và gửi lời xin lỗi đến các vị lãnh đạo này.
Xét nhân thân của bị cáo tốt, chưa từng có tiền án tiền sự, bà nội của bị cáo là Mẹ Việt Nam anh hùng, cha bị cáo có 50 năm tuổi Đảng, mẹ bị cáo là cơ sở cách mạng, bị cáo cũng thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải nên hội đồng xét xử đã tuyên Ngọc 4 năm tù.
Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc bị cáo Ngọc phải chịu quản chế tại địa phương 3 năm kể từ sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Văn hóa LIỆT!


Những ai đã từng đọc "Chị Cả Bống"; "Đám mổ bò"; "Giá của một lời nguyền"... và những "tản văn thứ sáu" của mình trên TLW những năm 2004, 2005... , nay tình cờ gặp mình đều hỏi có bị CA hỏi thăm không?
Thật ghê sợ cho 1 nền "văn hóa sợ" đã gieo vào đầu mỗi con người, từ kẻ viết đến người đọc...
Nhân đây, xin poste lại bài viết về đề tài này cách đây 10 năm trên TLW:
Phạm Lưu Vũ
VĂN HOÁ SỢ
(Tạp bút)
Người Việt Nam hiện có cả một nền văn hoá... sợ. Không tin, bạn cứ đến sống thử một thời gian rồi khắc biết. Chắc chắn bạn sẽ nhận ra bởi cái “văn hoá” ấy nó đập chan chát vào cuộc sống của bạn hàng ngày, hàng giờ. Nếu bạn là người ngoài hành tinh đến thì càng tốt. Bạn sẽ càng nhanh chóng cảm thấy mà không cần phải dùng đến trí thông minh làm gì cho lãng phí. Người ta thường dễ phát hiện ra những điều lạ, hơn là quen. Vì vậy, để nhận biết sự tồn tại của cái món văn hoá... sợ ấy, bạn cần phải là người có dòng giống (hoặc trình độ tiến hoá) khác với dòng giống của cái cộng đồng đã làm nên nền văn hoá này, khác càng xa càng tốt.
Nói như thế nghĩa là chính những người “trong cuộc”, những con người đã tạo nên, (hoặc) đã “nhiễm” nặng cái món “văn hoá sợ” kia thường khó nhận ra sự tồn tại của nó. Lại sở dĩ nói đã đạt đến trình độ được coi là một “nền văn hoá”, bởi cái thứ “văn” có tên là “sợ” ấy đã trở thành hết sức bình thường. Đến nỗi nó đã “hoá” vào máu thịt, đã biến thành phản xạ thường trực của mỗi con người ở mọi lúc, mọi nơi... Người viết không hiểu tại sao cho đến bây giờ, UNESCO vẫn chưa công nhận Quan họ Bắc Ninh là một di sản văn hoá phi vật thể của thế giới? Chứ bạn cứ thử đến vùng quê hương đó mà thưởng thức đi. Bạn sẽ lập tức bị chinh phục bởi cả một nền văn hoá có tên là Quan họ ấy. Nó cũng đã thấm vào máu thịt, thậm chí đã nằm sâu trong cái “gien” của mỗi con người thuộc vùng đất nhàn, nhã và tài hoa ấy từ bao đời. Hoàn toàn không cần phải cầu đến những nghệ sĩ quan họ chuyên nghiệp ở Đoàn văn công Quan họ đóng ngay tại thị xã Bắc Ninh. Mà có muốn cầu đến họ cũng khó, bởi họ thường phải đi đây đi đó hát kiếm tiền. Tới đúng địa phận ấy, bạn hãy dừng xe lại giữa đường, hãy bước ra khỏi xe, kiếm một vệ cỏ mà ngồi ngắm cánh đồng, ngắm những thôn xóm gần, xa đang rộn rã tiếng gà kêu, chó sủa... Bạn hãy mời một (hoặc vài càng tốt) bà nông dân hay cô gái bất kì nào đó đang cấy (hoặc làm cỏ...) ở dưới ruộng lên. Bạn hỏi han mấy câu rồi yêu cầu bà hay cô ấy hát cho nghe vài làn điệu Quan họ. Ngay lập tức, bạn sẽ được toại nguyện. Bạn sẽ mê ly với những giai điệu mượt mà, tình tứ, thỉnh thoảng lại vút lên, tưởng như hồn vía của cả một vùng quê vừa bất ngờ hiện ra dào dạt qua những câu hát, tự nhiên đến mức không thể tin nổi. Những giai điệu bình tĩnh mà sang trọng, thong thả mà đường hoàng, không việc gì phải vội vã. Xin được trích ra đây mấy câu dưới dạng... “tân hình thức” như sau.
Bắt đầu là:
“Khách đến chơi nhà là chơi nhà
Đốt than quạt nước pha trà mời
người xơi là xơi í i trà này...”
Rồi tiếp đến:
“Ngồi rằng là ngồi tựa
có mấy song đào là
ngồi tựa song đào - ấy
mấy đêm là đêm hôm
qua ngồi rằng là ngồi
tựa có mấy song đào
hỏi người là người quân
tử có mấy ra vào
là ra vào có thấy
vấn vương (Hự rằng là
hội hừ)...”
Với những “ý tứ” như thế này:
“Ngồi rằng ngồi tựa đêm trường...
Nửa chăn nửa chiếu nửa giường (để đó) đợi ai...”
... Hoặc nếu có thể, bạn hãy ghé vào một quán nước nhỏ ở đầu làng hay cuối phố gì đó. Bạn nhờ ông/bà chủ quán vẫy mấy cháu bé vừa đi học (hoặc đi chăn trâu) về qua đó, mua tặng chúng mấy chiếc kẹo rồi bảo chúng hát quan họ cho nghe. Bạn cũng sẽ được đáp ứng ngay lập tức. Không cần nhạc đệm, không cần micrô, ampli... Những làn điệu quan họ tuyệt đẹp ấy vang lên, trong trẻo và điêu luyện ở hầu như bất cứ ai, ở bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào, hồn nhiên như những tiếng chim ca, như những làn khói bếp...
Người viết xin cam đoan rằng chuyến đi của bạn sẽ diễn ra đúng như thế. Từ Hà Nội đến Bắc Ninh chỉ chưa đầy một giờ xe hơi, đường cao tốc êm ru, chạy thẳng tắp dước bầu trời lồng lộng. Hoặc giả hôm đó bạn lỡ xuất hành vào giờ xui xẻo, bạn bất ngờ bị từ chối hay không gặp được những con người bất kì như tôi vừa kể. Xin đừng vội thất vọng. Bạn hãy tìm thẳng vào nhà của một vị trưởng thôn, trưởng phường hay chủ tịch... gì gì đó. Hãy nói rõ yêu cầu, mục đích chuyến đi và những xui xẻo bạn vừa gặp trên đường. Ngay lập tức, ông ta sẽ “đền” cho bạn một chương trình quan họ hoành tráng, có bài bản, lớp lang đàng hoàng ngay tại nhà ông ta, do chính vợ chồng, con cái ông ta cùng mấy người hàng xóm thực hiện...
Câu chuyện về quan họ trên như một cách định nghĩa về cái gọi là một nền văn hoá. Đó chính là văn hoá. Và... người Việt Nam thời nay (oái oăm thay), không chỉ thấm vào máu thịt mình, vào cái “gien” di truyền của mình những vốn liếng “văn hoá” kiểu ấy. Trước tiên, xin đề cập đến cái món văn hoá thuộc lĩnh vực văn chương, chữ nghĩa. Riêng về lĩnh vực này thì người Việt Nam hình như ai cũng có sẵn đâu đó một cái “gien”... “độc tài”. Có thể nói thẳng đuột ra rằng mỗi nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện nay bất kể già trẻ, bất kể viết nhiều hay viết ít, hầu hết đều là những... “nhà độc tài”. Câu tục ngữ: “văn mình vợ người” chưa bao giờ lại tuyệt đối đúng như ở thời buổi này. Chỉ có quyền khen, không chấp nhận chê. Ca ngợi thì tha hồ, song không được phép phê phán đã và đang là một “hội chứng” mang tính chất thời đại. Nó hoành hành trong mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, không loại trừ cả trong văn chương. Đó là biểu hiện rõ nét nhất của cái “gien” độc tài phổ cập mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”. “Hội chứng” này là một đòn chí mạng “giáng” vào cái gọi là tự do sáng tác, đặc biệt trong lĩnh vực phê bình. Đồng ý là anh cứ việc viết trong buồng nhà anh một cách thoải mái, tự do, không ai cấm. Song viết mà cứ phải cân nhắc câu chữ, cân nhắc ngòi bút... viết trong một trạng thái nơm nớp, sợ “đụng chạm” đến từ ông hàng xóm sợ đi, sợ bị “treo”, bị “cắt”, sợ không ai in, sợ bị “thổi còi”, viết mà luôn luôn phải tự kiểm duyệt chính mình... thì hỏi đó có còn là “tự do” sáng tác nữa hay không? Trong những điều kiện như vậy, vẫn có thể tạo nên một nền văn chương đấy. Song nếu đó chỉ là một nền văn chương tầm thường, nhạt nhẽo và một chiều thì cũng không có gì phải ngạc nhiên. Có chăng thỉnh thoảng cũng xuất hiện một vài “hiện tượng” gọi là “mới, lạ”, là “bạo dạn...” nào đó, thì chẳng qua cũng chỉ là những loại cây lá nhọn, hoặc có gai... sinh ra do khí hậu khắc nghiệt đó mà thôi. Phê bình văn học trong một trạng thái sợ mất lòng nhau, sợ bị trù úm, sợ bị “đánh” hội đồng, đặc biệt là nỗi sợ mất lập trường, sợ bị quy chụp, luôn phải né tránh hết “vấn đề” nọ đến “vấn đề” kia... mà vẫn tạo ra được cái gọi là một nền phê bình thì đó mới là chuyện lạ. Huống chi sống theo triết lý: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên… thân” hiện đang là một trào lưu hợp với thời cuộc bậc nhất. Ngoài ra còn chưa kể đến một vài “nhà phê bình” vốn đã cam tâm uốn cong ngòi bút của mình vì địa vị, vì chỗ làm, vì vinh thân phì gia... rồi. Một ví dụ minh họa cho sự tác động của cái “hội chứng” độc tài và sợ... độc tài ấy đối với phê bình là vấn đề liên quan đến các sáng tác trẻ. Đồng ý là trong đó có những sáng tác rất hay, song không phải tất cả, thậm chí chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn. Còn lại có nhiều thứ chỉ là “cũ người mới ta” mà thôi. Song có thể nói một số nhà văn, nhà phê bình hiện nay thực bụng “nâng niu”, “dung dưỡng”... các cây bút trẻ thì ít, mà e ngại họ thì nhiều. Ngoại trừ một số “tên tuổi” hăng hái o bế, lăng xê một cách thái quá, đáng ngờ, thậm chí còn có cả mùi... tình dục ở đây nữa, còn lại không ít nhà văn, nhà phê bình khác rất ngại “đụng” tới họ. Một số cây bút trẻ tất nhiên rất dễ “nhiễm” (hoặc đã có sẵn) cái “gien” “độc tài” của lớp người đi trước, thậm chí còn “hậu sinh khả uý”. Vô phúc mà “chê” họ thì sẽ nếm mùi liền. Gì chứ cái khoản “mắng mỏ”, “bút chiến” thì một số nhà văn, nhà thơ trẻ ngày nay “ngoa” hơn, “máu” hơn và “khôn ngoan” hơn lớp già rất nhiều. Có nhà thơ trẻ từng tuyên bố một câu “xanh rờn”, rằng ai mà không đọc thơ anh ta thì coi như thuộc loại “thực bất tri kì vị”(!). Có nhà thơ nữ không ngại dùng cả những chất tiết ra từ chỗ kín của mình để “tương” vào mặt kẻ nào còn dám “chê” thơ “bà”. Có nhà văn nữ tuyên bố không hề (và không thèm) liếc mắt đến những bài viết chê văn mình. Vậy mà trong các bài trả lời phỏng vấn, thỉnh thoảng lại thấy nữ văn sĩ “đốp chát” lại những nội dung không được “thuận tai” mình của chính những bài viết đó (lòi cái đuôi nói dối ra). Lại có nhà thơ nữ trẻ khác, ngoài những “tuyên (và) ngôn” đáo để của mình, còn núp hẳn dưới cái “bóng” của một vị lãnh đạo cao cấp thì hỏi còn nhà phê bình nào dám ho he... Ấy là chưa kể bị kéo bè kéo cánh, túm năm tụm ba mắng là “cũ”, là “lạc hậu”, “bảo thủ”, là vân vân... Thậm chí còn bị “chửi” là ngu, là không hiểu gì về “hiện đại”, “hậu hiện đại”, “hậu hậu hiện đại”... vân vân và... vân vân. “Độc tài” mà đến cỡ ấy, tưởng khó có “kì phùng địch thủ”. Thôi thì đành vái dài mấy vái mà thốt lên: “Ôi! em sợ lắm”. Trong những điều kiện “thê thảm”, sặc mùi chợ búa như thế, thì dẫu có diễn ra hàng trăm hội nghị tốn kém bạc tỉ của dân (chắc chắn thế) như kiểu cái “hội nghị” Đồ Sơn vừa rồi cũng không thể làm cho nền phê bình ọp ẹp của ta nhúc nhích lên được. HNV chắc cũng thừa thông minh nên không thể không biết đến điều đó. Có điều họ vẫn (và sẽ còn) tổ chức những hội nghị kiểu như thế. Mục đích chưa hẳn đã vì một nền phê bình đích thực. Hoặc giả người ta muốn “định hướng” tới một nền phê bình nào đấy chăng? Nghe nói trước hội nghị, một số nhà văn được coi là “chủ chốt” (hoặc ở xa?), ngoài tiền tàu xe, ăn ở... còn được hội “biếu” phong bì một triệu đồng. Rồi lại còn liên hoan, bia bọt, uống tại chỗ chưa đã còn thủ mấy chai vào bị để mang về... Những thứ tiền ấy tất nhiên không phải do Hội Nhà văn VN “sáng tạo” ra hay đi buôn mà có được. Tiền ấy đích thị là tiền đóng thuế của dân đấy. Và cũng không ở đâu như xứ ta, các nhà văn thi thoảng lại được “chén không” tiền dân như thế. HNV xài tù tì hàng năm hết bao nhiêu tỉ tiền của dân? Vậy mà trừ một số tác phẩm (đã có từ lâu) được giảng dạy trong nhà trường, còn thì không dưới 95% những kẻ đóng thuế nuôi cái hội hùng hậu ấy hàng năm không hề (và cả không thèm) đọc một tác phẩm nào của các vị cả. Người đóng thuế cứ buộc phải “bố thí” mãi như thế, trong khi các vị thì cứ nhơn nhơn hưởng, nhơn nhơn đánh chén, lại còn tranh giành nhau từng cái ghế, từng xuất đi “trại”, đi nước ngoài, đi dự hội nghị, tranh giành nhau những thứ “giải” “mẹ hát con khen”… Thật đáng ghê thay. Liệu đây có thể coi là một thứ “văn hóa” “xài tiền dân” của HNV hay không? Hèn nào mà kẻ ở ngoài cứ thích được “chui” vào, kẻ ở trong cứ cố giữ cho mình cái “chỗ” ngồi cho bằng được(!)
Lẽ đời là như thế. Nói đi thì cũng phải nói lại, rằng chưa mấy ai vượt qua nổi những cái thường tình ấy của cuộc đời. Song lịch sử đã chứng tỏ không một thế lực (phê bình) nào có thể phủ nhận nổi những giá trị đích thực. Không một sự cưỡng bức nào có thể dập tắt được những sáng tạo thiên tài. Vấn đề là phải có những nhân tài đích thực. Những nỗi “sợ” như vừa nói ở trên vì đã thấm vào máu, đã biến thành một thứ phản xạ bẩm sinh của các nhà văn, nhà phê bình... nên nó có bản chất y như một thứ “chấp” trong triết học Phật Giáo vậy. Nói cụ thể, nó chính là một “ngã chấp” (chấp vào cái bản ngã). Chính điều này mới làm hạn chế mọi thứ sáng tạo theo đúng nghĩa của từ đó. “Ngã chấp” càng lớn, con người càng khó có khả năng tiếp cận tới những giá trị đích thực, càng khó “chứng ngộ” được chân lý. Trong khi sáng tạo là một quá trình tạo ra các giá trị đích thực, thì việc tồn tại một cách mạnh mẽ, thường trực cái “ngã chấp” (sợ) kia, đương nhiên cũng đồng nghĩa với việc triệt tiêu các khả năng sáng tạo. Con người ta vốn chỉ hơn nhau ở khả năng hoá giải các thứ “chấp”, mà chia ra kẻ ngu, người giỏi, kẻ thông minh, người đần độn... đó thôi. Những khoảnh khắc sáng tạo đích thực chính là những khoảnh khắc mà một số cái “chấp” nào đó được hoá giải. Kể cả những sáng tạo thiên tài, những kiệt tác cũng được tạo ra trong các tình huống tương tự. Cái “sợ” thâm căn cố đế, cái “sợ” thường trực trong mỗi con người đã được biến thành “chấp”. Nghĩa là thời cuộc, xã hội chẳng qua chỉ đóng vai trò là “nhân” (nguyên nhân = “sợ”). Còn “quả” (kết quả = “chấp”) chính lại sinh ra trong mỗi con người cụ thể. Việc vẫn đạt tới trạng thái “tự do sáng tạo” được hay không, chính là nằm ở chỗ liệu anh ta có hoá giải được cái sự “chấp” đó của mình hay không. Tự giải phóng mình ra khỏi trạng thái “chấp”, chính là thời điểm của đỉnh cao sáng tạo. Đó cũng là thời điểm tuyệt đối tự do của thiên tài. Xã hội, thời cuộc... chỉ can thiệp được vào những thứ tự do tầm thường. Còn tự do của thiên tài thì không một thế lực nào có thể can thiệp vào được. Chợt nhớ chuyện một số nhà văn thời Liên Xô cũ đào hầm mà viết, để sau đó vẫn để lại cho đất nước, cho nhân loại những tác phẩm lớn, những kiệt tác. Có lẽ họ là những bậc thiên tài đã tự giải phóng mình ra khỏi những cái “chấp” mà thời cuộc đã giáng xuống số phận của họ chăng? Còn ở ta, trong suốt những đêm trường mang tên “Nhân văn Giai phẩm”... kia, hình như chẳng có tác phẩm nào được viết ở “trong hầm” thì phải. Hoặc nếu có thì vẫn còn nằm trong vòng cương toả của “ngã chấp” bời bời. Thế còn hiện nay...? Chắc phải chờ sự hóa giải những cái “chấp” ấy từ trên trời ban xuống? Triết lý Phật giáo còn chia ra nhiều thang bậc của “chấp”. Trong đó “chấp” vào cái “ngã” (tôi) là cái “chấp” trước tiên, mạnh mẽ nhất, khó xoá nhất. Lúc xóa được, lúc không thì mới nằm trong khoảng gọi là Thanh văn, Duyên giác mà thôi. Bậc Thanh văn, Duyên giác cũng tương đương với người đạt tới một phần chữ “Nhân” trong Khổng học. “Nhân” có thể nói là người đã xoá được “ngã chấp” rồi. Song từ đó giữ được lòng mình, bền được chí mình, không để cho cái “ngã chấp” kia nó “tái lập” lại thì không phải chuyện đơn giản. Khổng Tử bảo “Nhân” mà (kéo dài) được ba tháng kể như khá lắm rồi... Vượt qua được “chấp ngã”, bấy giờ lại vướng vào một cái “chấp” khác. Đó là chấp “pháp” (chấp vạn vật là thực có). Tiếp tục tu tập công án để xoá được chấp “pháp”, nghĩa là đã đến bực Bồ Tát thập địa rồi đấy. Vậy mà vẫn còn “chấp không”... cứ gọi là cái sự “chấp” nó trùng trùng điệp điệp. Khi nào đạt đến “phi tâm, phi vật”, “vô tu vô chứng”, không “chấp” vào bất cứ cái gì nữa thì nghĩa là đã… thành phật từ lúc nào không hay rồi.
Người viết thì như thế. Vậy còn người đọc, người nghe... thì sao? Ở đâu cần tuyển người làm nghề kiểm duyệt? Xin hãy tới đây. Nơi đây bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhân viên kiểm duyệt. Những cái sợ từ trong trứng, sợ từ trong “gien” đã tạo nên cả một “tư duy” kiểm duyệt trong mỗi con người. Người ta luôn tự kiểm duyệt tất cả các “cơ quan đoàn thể” của mình từ miệng nói, tai nghe đến mắt đọc… Anh chạy xe ôm trong lúc chờ khách giở tờ nhật báo ra đọc. Một bài báo nào đó làm anh ta giật mình. Tờ báo này “dám” đăng về những “việc” như thế này ư? “Thằng” tác giả nào mà “to gan” đến thế? Chắc thể nào cũng bị kỉ luật... Bác gác cổng trong lúc một mình giở cuốn sách ai đó để quên ra đọc lướt vài trang... Chà! chuyện này chắc là chuyện nước ngoài. Ở nước mình đố ai dám viết. Chị lao công trong trường quét phải một trang sách vứt lăn lóc, tiện thể cầm lên xem nó rơi ra từ cuốn sách nào. Chẳng hiểu đọc thấy điều gì mà vội vàng vò nát, vứt vào thùng rác, mắt lấm lét như sợ bị ai bắt gặp. Bác nông dân trong lúc chờ cái điếu cày tới lượt mình, kể cho mấy bác nông dân khác một tin mới nghe được trên đài. Mấy bác kia trợn mắt lắc đầu quầy quậy. Ông chỉ bịa. Tin ấy đời nào đài “dám” nói... Một nhà văn (loại vỉa hè) ngồi kể cho bạn bè nghe về mấy nội dung sắp viết. Bạn bè kẻ thì lờ đi, giả vờ như không nghe thấy. Kẻ thì hốt hoảng bảo đố dám viết. Nếu viết thật thì sao? Thì đố có chỗ nào in. Nếu có chỗ in? Đố ai dám đọc. Nếu có người đọc? Thì đố ai dám nghe. Thế nếu có kẻ trót nghe? Thì đố có dám tin...
Phải mất bao nhiêu năm mới tạo ra những “phản xạ” (sợ) thường trực ấy ở trong mỗi con người? Chắc cũng không lâu lắm đâu. Tuy nhiên, các nhà sử học, các vị học giả, học thật... rồi sẽ tranh luận về điều này sôi nổi lắm cho mà xem. Ấy là mới chỉ quanh quẩn trong chuyện văn chương, chữ nghĩa... thôi đấy. Chưa kể đến những nỗi “sợ” khác ở ngoài đời như: Nhập cư sợ không có hộ khẩu. Có con đi học từ mẫu giáo trở lên sợ cô, sợ thầy. Có bệnh sợ bác sĩ kê đơn, sợ nhà thuốc mặc tình hét giá. Đi siêu thị sợ mua phải hàng giả. Ra đường sợ cảnh sát giao thông. Đến cơ quan sợ xếp, sợ công đoàn... Đi buôn sợ hải quan, thuế vụ... Về nhà sợ vợ/chồng, con cái bất hoà. Nằm ngủ sợ gặp phải ác mộng... Cứ gọi là trăm nỗi sợ đã ngấm vào cốt tuỷ. Nó phong phú như rừng, thấm nhuần như gió, lại biến ảo muôn hình vạn trạng. Nó trở thành những phản xạ tự nhiên, nó biến mỗi con người đều trở nên một kẻ hèn từ lúc nào không biết. Mà đối với một kẻ hèn thì triết lý “yên thân” chính là một tôn giáo hạng nhất. Nói cách khác, một khi con người đã biến thành hèn hạ, thì sự thật không còn chốn nương thân. Cái “sợ” đương nhiên là những chuyện hết sức bình thường, bình thường như cơm ăn nước uống, như không khí đang thở hàng ngày, bình thường đến mức không thể nhận ra. Những nỗi “sợ” đã “hoá” thân vào hẳn cuộc đời như thế đó. Kết quả là nó bật lên trong mọi trường hợp, ở mọi lúc, mọi nơi, ở trong mỗi con người... cũng “tự nhiên” đến nỗi khó mà tin được. Y như những câu quan họ cũng sẵn sàng cất lên từ trong mỗi con người bất kì ở cái vùng văn hoá Quan họ kia vậy. Thế thì còn gì nữa mà không định nghĩa đó cũng là cả... một nền “văn hoá”.
Không hiểu cháu chắt chúng ta ngày sau có biết lối mà tự hào về cái nền văn hoá sợ bất hủ này của ông cha hay không? Nếu biết, thể nào chúng cũng sẽ lập hồ sơ để trình lên UNESCO. Hy vọng sẽ được công nhận là một thứ di sản văn hoá... phi vật thể của... nhân loại. Khi đó, những thế hệ đã tạo nên cái văn hoá ấy sẽ tha hồ mà được ngậm (cười...) nơi chín suối.
10/2006
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư nhân và báo chí


TTCT - Trong khi các quan chức nhiều lần khẳng định không tư nhân hóa báo chí Việt Nam, dự thảo Luật báo chí sửa đổi đang được Quốc hội bàn lại mở ra những con đường “thênh thang” cho tư nhân làm báo. Phải hiểu sự mâu thuẫn này như thế nào? Sẽ có những hệ lụy gì cho làng báo Việt Nam trong những năm sắp tới?
Tư nhân và báo chí
Sẽ có những hệ lụy gì cho làng báo Việt Nam trong những năm sắp tới? -L.P.
Mở ra con đường liên kết
Sở dĩ nói Luật báo chí sửa đổi mở ra những cơ hội mới cho tư nhân tham gia làm báo là bởi dự thảo mới nhất có ghi: “Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật” (điều 45).
Như vậy cá nhân có thể liên kết với các tờ báo không những trong các lãnh vực như “thiết kế, trình bày, in báo, quảng cáo, phát hành”, họ còn được “sản xuất các sản phẩm báo chí in, báo chí điện tử thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo”. Đây là những điểm mới mà luật hiện hành không đề cập.
Thật ra trong thực tế, tư nhân đã tham gia làm báo từ lâu và những quy định mới trong dự thảo cũng nhằm hợp thức hóa tình trạng này. Hàng loạt chương trình, kênh truyền hình, nhất là trong lãnh vực giải trí hiện do tư nhân sản xuất.
Nhiều tờ báo nước ngoài được “nội địa hóa” là do các công ty tư nhân đứng ra mua bản quyền sử dụng măng-sét, nội dung để in ấn ở Việt Nam. Đứng tên có thể là một cơ quan báo chí nào đó nhưng thực hiện từ A-Z là do công ty tư nhân này làm. Nếu dự thảo Luật báo chí được thông qua, các hoạt động này sẽ được chính thức thừa nhận như Nhà nước từng thừa nhận tư nhân tham gia làm sách...
Có thể hình dung một nhóm các cá nhân cùng nhau thành lập một công ty rồi ký kết một thỏa thuận liên kết với một cơ quan báo chí nào đó để nhận về làm từ đầu đến cuối một tờ báo kinh tế. Việc liên kết này sẽ được công khai trên mặt báo như ngoài bìa sách hiện đã có thể ghi tên nhà xuất bản và cả tên công ty thực hiện cuốn sách.
Một khi luật nói hoạt động liên kết bao gồm cả việc sản xuất tờ báo in hay báo điện tử, điều đó có nghĩa các cá nhân này có thể tổ chức viết bài, đưa tin, biên tập bài, phỏng vấn... miễn sao các nội dung thực hiện nằm trong các lãnh vực được phép như khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí.
Đây là một bước tiến chắc chắn phải diễn ra vì đang mang danh báo chí nhà nước, với những tôn chỉ mục đích nghiêm cẩn, không lẽ cơ quan nhà nước vẫn làm những tờ báo giải trí thuần túy, chuyên nói về chuyện bếp núc hậu trường các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc? Trên thế giới cũng không thấy cơ quan nhà nước nào làm những tờ như Her World, Cosmopolitan, Elle...
Nhu cầu của độc giả rất phong phú; ngoài lãnh vực giải trí, còn các lãnh vực khác rất cần “xã hội hóa” theo hướng này như thông tin về khoa học, công nghệ, du lịch. Xã hội cũng cần các tổ chức tư nhân làm các dạng hồ sơ về kinh tế để bạn đọc có thể tra cứu thông tin, nhất là để phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán với quy mô ngày càng lớn như hiện nay.
Những vấn đề còn khúc mắc
Vì dự thảo Luật báo chí nói về việc liên kết còn sơ sài nên vẫn còn những câu hỏi cần được giải đáp.
Thứ nhất, sự khác biệt giữa “tư nhân hóa” báo chí và tư nhân tham gia làm báo có lẽ nằm ở chỗ quyền sở hữu. Sở hữu măng-sét báo vẫn sẽ là cơ quan báo chí nhà nước, tư nhân chỉ tham gia liên kết. Nhưng ở đây có hai vấn đề lớn.
Một là không tư nhân nào với tầm nhìn dài hạn, một ý hướng xây dựng lâu dài chịu liên kết theo kiểu này. Có thể nói ngay, liên kết kiểu này sẽ dẫn tới sự chụp giật, nhắm tới lợi ích ngắn hạn. Từ đó nỗ lực ngăn chận tình trạng “thương mại hóa” báo chí sẽ càng khó khăn khi không có gì bảo đảm các cá nhân liên kết không vì lợi nhuận mà dùng các chiêu trò câu khách rẻ tiền.
Rất nhiều tờ báo nghiêm túc phải trải qua nhiều năm chịu lỗ để xây dựng tên tuổi, uy tín và một khi chưa có sự bảo đảm đó, khó lòng thu hút các cá nhân muốn liên kết lâu dài bỏ vốn ra để xây dựng cái không phải là của mình.
Ở hướng ngược lại, cũng khó lòng kiểm soát để cơ quan báo chí đứng tên duy trì được các chuẩn mực nhất định một khi liên kết với bên ngoài để thực hiện sản phẩm báo chí. Các sai sót trong các chương trình truyền hình liên kết chứng tỏ điều đó.
Hai là, mặc dù các lãnh vực được phép liên kết đã được liệt kê rõ nhưng bất kỳ hoạt động kinh tế - xã hội nào cũng có sự chồng lấn. Tường thuật một phiên họp của Quốc hội về việc sửa đổi luật thuế có thể coi là hoạt động chính trị - xã hội cũng được hay hoạt động kinh tế cũng ổn; đưa tin về một giải thi đấu thể thao rõ ràng là chuyện thể thao nhưng làm phóng sự về các đường dây cá độ bóng đá thì sao?
Cho nên đừng nghĩ việc liên kết chưa được cho phép trong các lãnh vực “nhạy cảm” như chính trị - xã hội để tự yên tâm, nhà làm luật phải lường hết mọi khả năng để thấy trong thời đại thông tin tràn ngập như hiện nay, việc phân lãnh vực “được phép liên kết”, lãnh vực “không được phép liên kết” là không khả thi.
Tờ Business Insider, một tờ báo điện tử chỉ mới ra đời có 8 năm, vừa mới được định giá đến 442 triệu đôla Mỹ, trong khi trước đó tờ Washington Postra đời nay đã được 138 năm được bán chỉ với giá 250 triệu đôla.
Cái làm nên giá trị của tờ báo chính là số lượng độc giả của tờ báo chứ tài sản cố định hầu như không đáng kể. Việc liên kết là tạo ra giá trị tăng thêm cho tờ báo thông qua việc xây dựng lực lượng độc giả cho báo.
Đây là một quá trình không đơn giản nên nhiệm vụ đặt ra cho các đại biểu Quốc hội khi thảo luận và thông qua Luật báo chí là không dễ dàng chút nào.■
NGUYỄN VẠN PHÚ
Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Chủ tịch nước, Thủ tướng cần giải thích việc có gần 400 tướng'


Hoàng Đan

SOHA - ĐBQH Phạm Xuân Thường cho rằng, trong bản báo cáo của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cần giải thích việc bổ nhiệm, phong hàm khoảng 400 tướng.

Nêu ý kiến về báo cáo của Chủ tịch nước tại Quốc hội sáng nay (30/3), đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho rằng, một trong những nhiệm vụ Chủ tịch nước là phong các hàm, cấp trong cấp tướng.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, cử tri có ý kiến rất nhiều là tại sao trong thời gian chiến tranh chúng ta có đến hơn 1 triệu quân chính quy, nhưng số lượng cấp tướng trong lực lượng vũ trang chỉ có 72 người, cho đến kết thúc thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

"Nhưng đến thời kỳ hiện nay, chúng ta có khoảng 400 cấp tướng. Cử tri cho rằng như vậy là quá nhiều, tôi không khẳng định đấy là nhiều hay ít bởi vì còn phụ thuộc vào sự chính quy của quân đội.

Tôi nghĩ rằng, trong bản báo cáo Chủ tịch nước cũng nên giải thích chỗ này và ở đây còn có giải thích của Thủ tướng Chính phủ, bởi vì Thủ tướng Chính phủ là người đề xuất để Chủ tịch nước bổ nhiệm, phong hàm", ông Thường nêu.

Đại biểu Thường cũng nhận định, nhiệm kỳ vừa qua Chủ tịch nước đã ký đặc xá 33.999 người, làm tròn số là 44.000 người.

Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, vấn đề này ông hoàn toàn nhất trí. Nhưng bây giờ chúng ta đánh giá thử xem hoạt động này hiệu quả đến đâu và đặc biệt là trong số đặc xá này thì bao nhiêu trường hợp tái phạm.

Bởi vì, thường các kỳ cuối năm ông ở Ủy ban Tư pháp cũng được thẩm tra các báo cáo của các ngành, ông cũng nêu ra câu hỏi đánh giá xem hiệu quả hoạt động của công tác đặc xá như thế nào nhưng chưa có số liệu chính thức.

"Chúng tôi đề nghị nên bổ sung thêm một số liệu chính thức vào báo cáo này.

Bởi vì, chúng ta nhân đạo thì đúng rồi, nhân đạo với 1 người, nhưng nếu như 1 người đó chúng ta tha không đúng ra ngoài xã hội thì có thể bản thân họ gây hại cho nhiều người, có nghĩa chúng ta không nhân đạo với nhiều người.

Đây là một nội dung hết sức quan trọng, chúng tôi đề nghị Chủ tịch nước bổ sung thêm", đại biểu nói.

Cùng với đó, theo ông Thường, hạn chế thiếu sót lớn nhất trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ chính là sự thất thoát, lãng phí.

Ví dụ, về đầu tư xây dựng cơ bản, do chúng ta đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải cho nên gây thất thoát, lãng phí lớn.

Một cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chúng ta đầu tư vào đây 40.000 tỷ đồng và do chúng ta đầu tư không đồng bộ nên không khai thác được. Cho đến nay theo báo cáo chỉ có 20% chúng ta khai thác được.

Như vậy, đồng nghĩa với 80% chúng ta chưa sử dụng được và tương đương với 32.000 tỷ đồng. Rõ ràng đầu tư của chúng ta không hiệu quả. Việc chúng ta đầu tư lãng phí lớn, ví dụ như đầu tư vào làng sinh viên ở Lâm Đồng hàng nghìn tỷ đồng rồi chỉ có một sinh viên.

Đầu tư vào đường sắt ở Quảng Ninh, đường sắt du lịch 1000 tỷ, 1 ngày chúng ta chỉ bán được 1 vé du lịch.

Hay các công trình chúng ta đầu tư rất hoành tráng, ví dụ các nhà thi đấu ở các địa phương thì mỗi một nhà như vậy ít thì cũng vài ba trăm tỷ đồng, nhiều thì ngót nghét nghìn tỷ đồng, nhưng mỗi một năm chỉ sử dụng được có vài ngày.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch nước cho biết với quyền thống lĩnh vực lượng vũ trang, trong 5 năm, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong thăng hàm cấp tướng cho hơn 300 sĩ quan (gồm 194 sĩ quan quân đội và 119 sĩ quan công an). 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Bệnh' mới của quan chức Việt


Minh Thái (Tổng hợp)

Đất Việt - Sau 'căn bệnh' sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, quan chức Việt lại được tìm ra thêm một 'bệnh' mới, đó là cứ ngồi mãi ở văn phòng.

Ngày 23/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Sứ quán Mỹ tổ chức tọa đàm "Gặp gỡ Hoa Kỳ" trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.

VnExpress dẫn lời ông Stuart Schaag - Tham tán thương mại (Đại sứ quán Mỹ) cho rằng, quan chức, lãnh đạo địa phương của Việt Nam hãy mau rời khỏi bàn làm việc, đừng ngồi mãi ở văn phòng, phải chủ động tìm đến hội nghị quốc tế để gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng. Ông nhận định, các tỉnh thành của Việt Nam có rất nhiều sản phẩm tốt, chất lượng nhưng chưa biết "chào hàng" trước các doanh nghiệp quốc tế.

Việc đầu tư hay không, đầu tư dựa trên tiêu chí nào, tất cả đều do doanh nghiệp Mỹ quyết định và Chính phủ không can thiệp. Doanh nghiệp Mỹ luôn muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng rất ít khi tìm hiểu qua quan chức Mỹ, nên các địa phương của Việt Nam trực tiếp giới thiệu, quảng bá về những thế mạnh đặc trưng.

"Câu chuyện cạnh tranh giờ đây không chỉ giữa các quốc gia này với các quốc gia khác mà còn diễn ra giữa các địa phương cùng nhau. Đây thực sự là một cuộc đua, cạnh tranh làm cho các địa phương trở nên khác biệt, phải tích cực chào hàng thì mới bán được hàng", Tham tán nói.

Đây có thể coi là lời nhắc khéo của đại diện thương mại Mỹ về tình trạng phổ biến của quan chức Việt đó là ngồi nhiều ở văn phòng thay vì chủ động tìm tới các hội nghị xúc tiến, gặp gỡ nhà đầu tư.

Trước đây, khi nói đến công chức Việt nói chung và quan chức Việt nói riêng, dư luận thường đề cập đến 'bệnh cắp ô'. Dư luận cho rằng có khoảng 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, tuy nhiên, theo phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 6 năm ngoái, báo cáo của các bộ ngành cho thấy con số này nhỏ hơn rất nhiều.

Còn nhớ trả lời trước Quốc hội tháng 11/2014, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phí Thái BÌnh đã đưa ra số liệu tương đối đầy đủ của năm 2013 cho thấy, ông chức hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc là 34,33%, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 58,08%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực 4,94%, không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 0,46%.

Viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,49%, hoàn thành tốt nhiệm vụ 50,14%, hoàn thành nhiệm vụ 8,06%, không hoàn thành nhiệm vụ 0,24%.

Theo các số liệu này của Bộ trưởng Thái Bình, cộng lại thì có thể thấy số công chức “hoàn thành nhiệm vụ” từ mức tối thiểu trở lên là 99,54%, tương tự với viên chức con số này lên tới 99,76%.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khi một lũ vừa ngu vừa tham làm quy hoạch


Blog Lương Kháu Lão

Hà nội sáp nhập với Hà Tây, thủ đô mở rộng về phía Tây, đáng lẽ đó là cơ hội vàng cho các nhà kiến trúc quy hoạch đô thị , nhưng hỡi ôi, họ đã phá vỡ tan tành cảnh quan Hà Nội chỉ bởi hai chữ ngu và tham.

Nói về quy hoạch Hà Nội, tôi đã viết rất nhiều bài . Có nhiều bài được các trang báo chính thống đăng tải, có nhiều bài các báo không dám đăng đành đưa lên blog cá nhân hoặc Facebook như : Kiến trúc sư trưởng. ông là ai ? Quy hoạch Hà Nội đã hết thuốc chữa, Thư ngỏ gửi KTS Nguyễn Thế Thảo …

Họ, những nhà quản lý, những nhà kĩ trị , họ biết cả đấy nhưng một là họ làm ngơ để “ngậm miệng ăn tiền” hai là họ chả có quyền hành gì cả. Kiến trúc sư trưởng Hà Nội là tập thể vô hình mà lại hữu hình . Tập thể Thường vụ Thành ủy, Thường trực Ủy ban- những người cùng hội cùng thuyền chả biết mẹ gì về quy hoạch cả dù đi tham quan ( thực chất là đi chơi) rất nhiều nước – mới là kiến trúc sư trưởng có thực quyền . Họ lại được các cấp trên có thẩm quyền ủng hộ, phê duyệt vì đều nằm trong thành phần của “Nhóm lợi ích”. Vì thế Hà Nội càng mở rộng , càng xây nhiều càng lanh tanh bành . Còn thua xa những gì người Pháp làm cho Hà Nội từ đầu thế kỉ thứ 19.

Đã định thôi không thèm nói nữa với một ê kíp lãnh đạo vô cảm , vô cảm đến mức dám chặt cả một hàng cây 100 tuổi là lá phổi sống của Hà Nội nhưng rồi càng đi, càng ngứa mắt và ngứa tay luôn nên lại phải viết

Muốn giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông phải thực hiện vận tải công cộng . Vận tại hành khách công cộng phải đi trước một bước, đi song song với mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng cầu cống đường xá , đi trước cả việc xây dựng nhà cửa.

Nhưng đã có ai nghĩ đến chuyện đó khi chỉ nhăm nhăm quy hoạch xây các khu đô thị để đưa người của mình vào làm chủ đầu tư để kiếm lời một cách nhanh nhất trong nhiệm kì công tác ngắn ngủi của mình.

Vậy nên mới có hình ảnh ngã tư Thanh Xuân- Khuất Duy Tiến hiện đang chồng lên 4 làn đường vuông góc. Bạn đã đi các nước, những nút giao cắt lập thể như thế này là điểm nhấn kiến trúc hiện đại với nhiều vòng xoáy uốn lượn tô điểm cho những ngôi nhà chọc trời . Bạn hãy quay trở lại với nút giao kể trên thấy nó vô lối bức bối con mắt biết chừng nào. Đến khi làm xong đường sắt trên cao- Dự là không phải cuối năm 2016 mà theo tôi cứ cho chắc phải là 2020 với số vốn đội lên 1 tỉ đô la chứ không phải vài trăm triệu như bây giờ-, bạn sẽ được ngồi ở độ cao tương đương một tòa nhà 5 tầng khi đi qua nút giao này và thầm mong nó không xảy ra sự cố bỗng dưng một ngày “ đẹp trời” tàu bánh sắt trượt khỏi đường ray và … rơi xuống đất như đã từng rơi các phụ kiện khi đang xây dựng.

Chưa nói về cảnh quan, về mỹ quan , chỉ nói khâu an toàn đã thấy cả một vấn đề cần quan tâm rồi. Người ta có thể lập luận nếu làm các vòng xuyến lập thể sẽ mất rất nhiều đất sẽ mất rất nhiều tiền để giải phóng mặt bằng. Xin thưa chỉ với số vốn đội lên khi làm đường sắt trên cao, số tiền vô hình mất đi do ách tắc giao thông kéo dài cả chục năm nay thì đã thừa tiền giải phóng mặt bằng . Chưa kể nếu các bên A-B bớt đi số tiền bỏ túi từ 40-50 %xuống còn 10 %thì đã đủ tiền làm metro từ lâu rồi.

Đi theo chủ trương “chiến lược” phát triển vận tải hành khách công cộng, mấy năm nay Hà Nội cho triển khai tuyến xe buýt hiện đại nhất hành tinh trên tuyến đường Lê Văn Lương- Tố Hữu- Lê Trọng Tấn.

Đường Lê Văn Lương vừa làm xong bỗng dưng được bóc lên, đường nhựa bị đào bới  để xây dựng đường bê tông riêng cho xe buýt. Ý nói xe buýt to lắm.nặng lắm phải làm đường riêng, kiên cố thì mới chịu được. Nhưng đường nhựa vừa làm xong thừa sức chịu được trọng tải của xe buýt . Vấn đề là hai anh chủ đầu tư thuộc hai ông chủ khác nhau , anh này chỉ biết việc của mình được giao đếch thèm biết công trình của anh kia,  gây nên sự lãng phí xã hội ghê gớm. Đã có những phản ứng và công trình phải tạm dừng lại để nghe ngóng dư luận. Đến khi thấy êm êm thì ta lại xây tiếp. Và bây giờ đến giai đoạn xây lắp các Trạm dừng xe ở giải phân cách giữa đường . Riêng giải phân cách để rộng ba bốn mét chiếm hết chiều rộng của hai chiều đường hai bên đã là một sự vô lý . Nếu giải phân cách chỉ là một gờ tường con trạch thì mỗi chiều đường có thể có tới ba làn xe cơ giới, một làn cho xe máy thì nạn ách tắc trên đường Lê Văn Lương kéo dài đã không diễn ra hàng ngày như hôm nay.

Mỗi lần đi trên con đường này, nhìn thấy các Trạm dừng xe buýt mọc lên mỗi ngày tôi cứ tự hỏi mình : Không biết nếu đỗ xe buýt sát vào Trạm dừng cho hành khách lên xuống thì cửa xe buýt phải đổi từ bên phải của xe như hiện nay sang phía bên trái , cùng chiều với cửa lên xuống của lái xe . Vậy hàng loạt xe buýt mới sẽ được đóng theo kiểu không giống ai trên thế giới và sáng kiến này có thể đăng kí dự giải Nobel!

Rồi hành khách từ bên phải đường phải ngó trước ngó sau để băng qua đường vào Trạm dừng chờ. Không cẩn thận sẽ gãy giò hoặc tử thương vì tai nạn giao thông? Lúc đó tác giả của Trạm xe buýt kiểu này sẽ trốn biệt nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự . Rồi trong Trạm dừng chờ có máy lạnh không nhất là mùa nóng bức như thế này. Nếu có thì giá thành xe buýt phải cộng thêm giá điện năng …

Ôi ! Nghĩ mà điên hết cả đầu. Ai biết giải đáp giùm tôi những thắc mắc kể trên với . Nhưng nghĩ cho cùng, khi quy hoạch thành phố được giao vào tay những con người vừa ngu, vừa tham, vừa vô trách nhiệm thì những chuyện như chặt hạ tàn sát cây xanh hay Trạm dừng xe giữa đường, xây đường chồng lên đường , vừa xây xong đã phá… còn xảy ra dài dài.
Phần nhận xét hiển thị trên trang