Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Người Việt "giống đười ươi"?



Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), tự là Hoằng Phu, hiệu là Nghị Trai, người làng Phùng Xá (làng Bùng), thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội, đỗ Hoàng Giáp năm Quang Hưng thứ 3 (1580) đời Lê Thế tông.

Năm Đinh Dậu 1597, Phùng Khắc Khoan được vua Lê Thế Tông cử làm Chánh sứ phái đoàn An Nam tại Yên Kinh (tên gọi cũ của Bắc Kinh, Trung Quốc).

Bấy giờ có một rắc rối là nhà Minh đã nhận lễ của nhà Mạc, nên Phùng Khắc Khoan phải trổ tài ngoại giao để nhà Lê được công nhận lại.

Ở Yên Kinh, nhân sinh nhật vua Minh Thần Tông, sứ thần các nước đều có thơ chúc thọ, Phùng Khắc Khoan làm đến 30 bài dâng lên, Thần Tông xem, khen ngợi và ra lệnh “in ngay để ban hành trong thiên hạ”.

Những bài thơ đó được Phùng Khắc Khoan tập hợp lại trong cuốn Vạn thọ khánh hạ tiết thi tập. Điều lý thú, là ở cuối tập thơ còn có bài Hậu chí chép lại những tư liệu mô tả chi tiết thói quen, cách ăn mặc của người Việt bấy giờ, dưới góc nhìn của một ông sứ thần Cao Ly là Lý Túy Quang.

Lý Túy Quang (có sách chép Lý Toái Quang), hiệu Chi Phong, là một nho gia người Triều tiên, nguyên là sứ thần Cao Ly tại triều Minh (Trung Quốc) từ năm 1590. Tại đây ông có dịp gặp gỡ và có những giao lưu về văn hóa, phong tục với sứ thần của ta là Phùng Khắc Khoan.

Bài viết Thêm một vài tư liệu ghi chép về người Việt thế kỷ XVII của tác giả Phạm Hồng Toàn đăng trong cuốn Lịch sử, sự thật & sử học, do tạp chí Xưa & Nay và nhà Hồng Đức tái bản lần 2 năm 2013 cho biết:

“Sách An Nam quốc sử thần xướng họa vấn đáp lục của Lý Túy Quang, hiệu Chi Phong xuất bản bằng tiếng Triều Tiên có chép: “Năm Vạn lịch Canh Dần (1590), tôi là Túy Quang (hiệu Chi Phong) được cử làm Thư trạng quan, sang kinh sư mừng tiệc thọ, được gặp sứ thần An Nam. Mỗi người ở một nhà riêng, cấm không được đi lại cùng nhau. Chỉ khi ngày triều hội là được gặp nhau một vài lần. Khi xong việc, về triều thì biên chép qua những điều tai nghe mắt thấy. Dâng lên vua coi, thì được vua vời vào dưới chính điện, hỏi về cách ăn mặc, chế độ, cùng là phong tục nước An Nam như thế nào, hay có thơ từ xướng họa đều biên chép dâng lên...

...Mùa Xuân năm Đinh Dậu (1597), lấy danh nghĩa Tiến úy sứ lại được đến Kinh sư, lại được gặp sứ thần An Nam...”.

Trong bài viết đã dẫn trên, tác giả Phạm Hồng Toàn cũng cho biết toàn văn ghi chép của sứ thần Cao Ly được Phùng Khắc Khoan ghi lại thành bài Hậu chí ấy như sau:

“Nước Nam cách Bắc Kinh 1300 dặm. Từ đấy đi đường Lưỡng Quảng đến Nam Kini, lại từ Nam Kinh đến Bắc Kinh. Vua nước ấy họ Mạc. Triều đình Trung Quốc cho là họ Mạc hay tráo trở, bỏ hiệu vua, chỉ gọi là Đô thông sứ. Đến đây họ Lê bị dứt đi. Sứ thần đây là sứ thần của họ Lê sai sang Trung triệu xin phong vương. Từ tháng 7 năm ngoái ở nhà bắt đầu đi, đến tháng 8 năm nay mới tới Bắc Kinh, lưu ở quán Ngọc Hà đến nay là 5 tháng nữa.

Sứ thần họ Phùng, tên là Khắc Khoan, tự hiệu là Nghị Trai, tuổi ngoại 70, hình dáng lạ lùng, răng nhuộm đen, tóc vấn thành búi. Áo dài, ống tay rộng, khăn đội trên đầu thì lấy cả khổ vải đen trùm lên đầu như dáng khăn ông sư, để một nửa rủ về đằng sau xuống quá vai. Ông họ Phùng người tuy già nhưng sức còn khỏe, thường đọc sách và viết sách luôn luôn.

Gặp ngày triều hội, vào chầu thì búi tóc đội khăn đội mũ theo đúng đồ mặc các triều thần Trung Quốc. Nhìn mặt có vẻ vướng víu khó chịu, khi về nhà liền bỏ ra ngay. Người cao quý thì nhuộm răng, người thấp kém thì mặc áo ngắn, đi chân không, tháng rét vẫn đi chân không, không có quần lót và bít tất. Vì thói quen như vậy. Nơi nằm thì phải trên giường, không có hầm sưởi, ăn uống giống người Trung Hoa mà không thật tinh khiết. Áo mặc phần nhiều là the, lụa, không mặc áo gấm vóc và áo bông. Dáng người đại để sâu mắt, ngắn ngủi, hay giống dáng đười ươi. Tính nết cũng hiền lành, có biết chữ, biết viết, thích tập múa kiếm mà lối múa khác với lối dạy trong Kỷ hiệu Tân thư. Khi muốn cho quân quan học tập thì dạy kín mà không phổ biến. Tiếng nói giống người Oa (Nhật bản) mà nhiều thanh, mím miệng. Trong đám người (ở đây) chỉ có một người biết tiếng Hán để làm thông ngôn hay dùng chữ viết để cùng nhau hiểu. Chữ riêng của nước ấy thì chữ viết lạ lắm, thật không thể hiểu được”.

Các ghi chép của ông sứ thần nước Cao Ly này giúp ta phần nào hình dung ra về cách ăn mặc và hình dáng người nước Nam thời ấy.

Đáng chú ý là dòng ông Củ Sâm này tả về dáng người Việt: “đại để sâu mắt, ngắn ngủi, hay giống dáng đười ươi”, cũng hao hao như cha con Vương Kỳ và Vương Tư Nghĩa (Trung Quốc) mô tả trong sách Tam tài đồ hội

(Dưới đây chép lại từ: 

http://nguoidongbang.blogspot.com/2015/04/hic-hic-nam-la-giong-vuon-nui-cho-rung.html):

Giao chỉ còn gọi An Nam, dân nước đó là hậu duệ của giống vượn núi chó rừng ( ?! ), tính tình gian giảo. Tóc ngắn, chân trần, mắt sâu, miệng vẩu, cực kỳ xấu xí. Kẻ nào thô ráp, to lớn thì người ta gọi là đồ “Quỷ mọi”, ai còn trông ra hình người thì hẳn là hậu nhân của binh lính Mã Viện đời Hán còn sót lại ? 
Tục nước đó, cha với con ở không chung một nhà, nấu không cùng một bếp, chuyện cưới hỏi không qua mai mối. Trai gái lấy nhau hỗn loạn, chỉ lấy trầu cau làm tin, rồi sau cứ thế đưa nhau về nhà. Nhược bằng vợ ai tư thông với kẻ khác, thì liền bỏ chồng cũ, người chồng cũ lại đi lấy vợ mới. 
Nước ấy lại liền với Chiêm Thành, dân nước ấy đi làm lao dịch cho Chiêm Thành, hàng năm phải nộp thuế. Đàn ông thích làm trộm cướp, đàn bà chuộng sự dâm loàn. (WT...)
Từ thời Hán xứ đó là do Trung Quốc cai trị, đặt làm quận huyện lại lập giao Châu thứ sử đứng đầu. Đời Đông Hán có Phục Ba tướng quân Mã Viện giữ yên xứ đó cứ thế tới tận cuối thời Ngũ Đại thì Ngô Xương Văn tiếm chế xưng vương. Các đời sau cũng đều bắt chước mà xưng vương, nhưng qua bao đời mà tính mọi vẫn không đổi.



Lưu ý là Tam tài đồ hội ra đời khoảng 10 năm sau những ghi chép của Lý Túy Quang.

Thôi thì người xưa viết vậy, đúng sai khoan hãy vội tin, nhất là cái anh Tam tài đồ hội vớ vỉn kia, ngồi một chỗ mà phán chuyện thế giới, mà ở vào cái thời đi từ Thăng Long sang Bắc Kinh mất đến hơn 1 năm, chứ lúc ấy chưa có in tẹc nét để gúc phát ra ngay như bây giờ.

Chỉ thắc mắc rằng: Tại sao Lý Túy Quang lại được vua Cao Ly bấy giờ là Tuyên Tổ đại vương, gọi vào chính điện để hỏi han “về cách ăn mặc, chế độ, cùng là phong tục nước An Nam như thế nào, hay có thơ từ xướng họa đều biên chép dâng lên...”

Tuyên tổ Đại vương họ Lý, tên là Công, con của Lý Triệu... Hay là Đại vương có liên quan đến dòng họ nổi tiếng Lý Xương Côn hay Lý Long Tường người Việt ở Triều Tiên nên mới quan tâm thăm hỏi? Và cả danh nho xứ Củ Sâm kia nữa, cũng người họ Lý?

Hai ông người Việt "giống đười ươi" này (Lý Xương Côn và Lý Long Tường) sang Triều Tiên lập sự nghiệp từ thế kỷ XII, khoảng hơn 500 năm trước khi Lý Túy Quang viết những dòng tả hình dáng người Việt xấu xí.  Và nếu giả thuyết về quan hệ dòng họ nói trên là có lý, thì danh nho Củ Sâm Lý Túy Quang có thể ngắm Đại vương nhà mình hoặc tự soi gương để vẽ chân dung "đười ươi".

Còn muốn biết các cụ cố nội của cha con nhà họ Vương (tác giả Tam tài đồ hội) vẽ người Việt có láo toét như bọn chúng “mô tả” không, xin mời xem bức tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” do họa gia Trần Giám Như (Trung Quốc) vẽ cảnh vua Trần Anh Tông đón vua cha là Trần Nhân Tông từ động Vũ Lâm (Hoa Lư - Ninh Bình) về kinh sư.

Một trích đoạn bức tranh tả rõ các ăn mặc và hình dáng người Việt vào thế kỷ XIV
Nhân vật chính trong bức tranh là ông tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, Ngài Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông

Chữ đề trên lạc khoản cho biết, kiệt tác này được vẽ vào năm Chí Chính thứ 23, đời Nguyên (1363). Hiện bức tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh, Trung quốc, giá bán tại cuộc đấu giá ngày 23-4-2012 là 1,8 triệu USD.

 

Nguồn: Locliec

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguyễn Quang Thiều và NM

MỘT CÂU HỎI LẠC LÕNG......NHƯNG CẦN THIẾT

  Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Chiều ngày 17 tháng 7, tôi có một buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên Việt Nam tại Phòng thông tin, sứ quán Hoa kỳ về hướng nghiệp với đề tài “ Làm thế nào để trở thành nhà văn”.
Tôi nói với các bạn trẻ rằng : Câu hỏi làm thế nào để trở thành nhà văn sẽ trở thành một câu hỏi cô đơn và lạc lõng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Tôi đã đánh giá rất cao phòng Thông tin sứ quán Hoa Kỳ khi chọn chủ đề này. Trên bề mặt xô bồ của đời sống, nó đúng là một chủ đề lạc lõng, nhưng trong sâu thẳm của giáo dục, nó là câu hỏi cần thiết và có thể là cấp bách với chúng ta.
Hiện thực cho thấy, hầu như chẳng có phụ huynh nào khuyên con cái mình trở thành nhà văn mà chỉ khuyên chúng trở thành bác sỹ, nhân viên ngân hàng, tài chính kế toán, quản lý khách sạn, hải quan, tiếp viên hàng không....Nghĩa là phải học những nghề có thể kiếm ra tiền một cách dễ nhất. Tôi thông cảm một phần với các bậc cha mẹ. Đó thực sự không hoàn toàn là lỗi của họ.
Với những vụ sát hại man rợ tận cùng xẩy ra ở Bình Dương và Nghệ An, tôi cảnh báo các bạn trẻ rằng : nếu chúng ta không tìm cách ngăn chặn thì đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ nghe tiếng gõ cửa và những kẻ sát nhân bước vào ngôi nhà chúng ta ra lệnh chúng ta làm những gì chúng muốn. Nếu không tuân lệnh, chúng sẽ sẵn sàng nổ súng. Chúng ta đừng bao giờ ngốc nghếch nghĩ rằng : chúng ta ở trong một ngôi nhà kiên cố là chúng ta có thể an toàn. Khi xã hội không an toàn thì mỗi ngôi nhà chúng ta không có khả năng an toàn. Khi sông hồ quanh ta nhiễm độc thì bể nước trong ngôi nhà chúng ta với đủ các loại máy lọc tiên tiến nhất cũng sẽ bị nhiễm độc. Và cái gì sinh ra những tội ác man rợ tận cùng đang diễn ra trong xã hội chúng ta ? Mọi người có thể đưa ra nhiều nguyên nhân. Nhưng nguồn gốc của mọi tội ác sinh ra từ những con người vô cảm và không biết rung động trước cái đẹp của thiên nhiên và cái đẹp của con người. Chính việc giáo dục của chúng ta đã đóng góp một phần quan trọng trong giáo dục thẩm mỹ và nhân văn đã làm cho con người trở nên vô cảm và độc ác.
Tôi nói với các học sinh, sinh viên hôm đó về vai trò của văn học trong việc xây dựng nhân cách con người. Nếu có một lúc nào đó họ sa ngã thì cái đẹp mà một phần do văn chương mang lại sẽ làm cho họ biết sám hối. Tôi không khuyên họ trở thành nhà văn của một triệu bạn đọc nhưng hãy trở thành nhà văn của một bạn đọc đó là chính họ. Bởi khi họ viết văn cho dù dưới một hình thức nào đó thì đấy là hành động hướng tới cái đẹp và suy ngẫm về cái đẹp. Khi họ viết văn là họ có cơ hội nghe được bản thân mình rõ nhất và xem lại bản thân mình. Trong những năm qua, có một số người lên tiếng về việc quá nhiều người làm thơ và in thơ. Họ gióng hồi chuông về sự bình dân hóa thơ ca. Nhưng tôi nghĩ khác : tôi thấy đó là một trong những dấu hiệu tốt trong đời sống tinh thần của chúng ta. Bởi khi viết những câu thơ thì hầu như tất cả những người viết đó đang hướng về những điều tốt đẹp. Những văn bản họ viết có thể không phải là một văn bản nghệ thuật thực sự nhưng hầu hết đó là những văn bản nhân tính. Và xã hội con người luôn cần những văn bản đó cho dù nó được xuất bản cho một triệu người đọc hay chỉ là một văn bản viết tay giấu kín trong hộc tủ của ai đó và thi thoảng họ lại mang ra đọc một mình.
Một hai năm trước tôi đọc trên báo chí và thấy rằng có một số trường đại học muốn bỏ thi môn văn. Dạy văn và học văn không phải để sinh ra các nhà văn, nhà thơ mà là một trong những con đường đưa con người vào thế giới nhân tính. Một hiện thực là rất nhiều học sinh không còn thích học môn văn nữa. Lỗi đó không thuộc về học sinh. Lỗi đó thuộc về những nhà giáo dục cùng một phần của các bậc cha mẹ. Trong khi họ, các nhà giáo dục và các phụ huynh, nỗ lực hết mình để truyền đạt những kiến thức mang tính thực dụng cho con em họ thì họ đã bỏ quên việc nuôi dưỡng tâm hồn con em họ. Những đứa trẻ đó lớn lên sẽ trở thành những bác sỹ phẩu thuật rất giỏi, những ông chủ nhà băng lớn, những thương gia giàu có...nhưng lại là những kẻ vô cảm và dửng dưng với mọi số phận quanh họ.
Trong buổi nói chuyện, một sinh viên hỏi tôi : “ Cháu có hai người bạn rất thân nhau. Một người giỏi văn. Nhưng khi lớn lên, người bạn của anh ta gặp khó khăn và anh ta đã phản bội lại bạn mình. Sao một người học giỏi văn lại đối xử với bạn mình không nhân văn như thế ?”.
Câu hỏi vô cùng hay. Vậy thì tại sao ? Tôi trả lời sinh viên kia : Vì cách dạy văn lâu nay của chúng ta hoàn toàn giống như dạy cách sao chép một văn bản lý thuyết từ giáo án của thầy cô sang vở ghi chép của học sinh. Nó giống như học sinh dùng một cái usb “cắm vào” ổ máy của thầy cô rồi coppy vào cái máy của mình. Thao tác đó không hề được đi qua thế giới của những run rẩy, những thổn thức, những chia sẻ, những tưởng tượng, những dày vò và cả những lo sợ mơ hồ. Chính cái thế giới ấy mới làm nên tâm hồn con người. Cậu học sinh kia chỉ học một thao tác kỹ thuật sao chép đơn giản chứ không học cách cảm nhận cuộc sống và cách sống. Và kết quả như bạn sinh viên kia chứng kiến là điều hiển nhiên.
Những năm 70 của thế kỷ trước chúng tôi học văn hoàn toàn khác. Tôi không bao giờ quên được những buổi lên lớp của các thầy cô dạy văn và đặc biệt là thầy Trần Mạnh Hưởng ở trường Cấp 3 Mỹ Đức, Hà Tây cũ. Thầy đã dẫn chúng tôi vào một thế giới mà chúng tôi chưa hề biết trước đó. Có những đêm tôi thao thức mãi với bài giảng của thầy Hưởng, cô Thái hay thầy Du ở lớp học trong ngày. Một điều gì đó thật kỳ diệu và lạ lùng đã dâng lên trong tâm hồn của chúng tôi. Nó đã bồi đắp tâm hồn chúng tôi từng ngày một cách lặng lẽ nhưng thật bền vững và lớn lao. Hãy làm một chính khách, một bác sỹ, một chủ nhà băng, một thương gia...ban ngày và hãy làm một nhà văn vào buổi tối trong ngôi nhà của mình. Hãy viết cho chính mình, viết bằng bút, bằng labtop hoặc bằng những suy ngẫm và cụ thể hơn bằng một hành động của yêu thương trước hết trong chính ngôi nhà của mình. Và sáng mai thức dậy, con đường bạn đi đến công sở đã là một con đường khác đầy cảm hứng, đầy đức tin và vô cùng bền vững hơn chính con đường bạn mới đi ngày hôm qua.
( Nguồn: FB Nguyễn Quang Thiều)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

ngominh Blog


(Thời biến đổi gien)
  Kỳ 11
    Bùi Ngọc Tấn
Khoảng gần một tháng sau, tôi lại nhận được điện thoại của Luyến từ Hà Nội. Chỉ nghe mấy tiếng “a lô, a lô” của Luyến tôi đã cảm thấy ẩn chứa một niềm vui kìm nén chỉ chực bùng ra. Anh có việc gì lên Hà Nội không, qua em. Nhiều tin đáng mừng. Chúng tôi đã thống nhất với nhau chỉ nói rất vắn tắt qua điện thoại. Cũng như tôi luôn nhắc Luyến tuyệt đối giữ bí mật bản thảo, chỉ những người trực tiếp đọc và duyệt được giữ thôi. Và mỗi khi đọc xong phải cho vào tủ khoá ngay. Sự nhắc nhở này về sau tôi mới biết là vô ích. Nước đổ đầu vịt. Luyến đã phô-tô nhiều bản đưa cho nhiều người. Vì yêu tập bản thảo, Luyến khoe với khá đông bè bạn, thậm chí còn đọc qua điện thoại cho một người bạn trong Đà Nẵng, tốn khá nhiều tiền cho bưu điện.
Tôi lên Hà Nội. Hà Nội luôn hấp dẫn tôi. Hầu hết các bạn chí cốt của tôi đều ở Hà Nội. Lên Hà Nội, tôi có thể nhận biết bao thông tin mà ở Hải Phòng tỉnh lẻ tôi không có được. Giờ đây tôi lên Hà Nội với niềm vui gặp bạn cộng thêm hy vọng về bản thảo nữa.
Xuống xe ô tô ở chân cầu Long Biên, nhẩy xe ôm tới Bà Triệu. Phố Bà Triệu rợp tán lá những cây cổ thụ thân thiết. Bao nhiêu kỷ niệm. Những đêm xuân mưa bụi, tôi và Vũ Lê Mai đạp xe thong thả trên phố vắng, nghe mưa trên tóc, những tối hè đi dạo cùng vợ tôi khi ấy còn là bạn là em, tiếng guốc trên hè như tiếng nhạc. Và tối đầu tiên ra tù về tới Hà Nội cũng đi trên con đường rợp lá xà cừ, lá sấu này. Đây rồi. Căn nhà 64 Bà Triệu. Đã bao nhiêu năm mới lại đặt chân tới đó. Ngôi nhà đầu tiên tôi sống và làm việc khi rời những gian tập thể của Đội Thanh Niên Xung Phong, bắt đầu cuộc đời làm báo viết văn. Tại ngôi nhà này, đời rộng mở trước mặt tôi. Tôi bước vào và thấy nó lạ lẫm làm sao dù vẫn mang số 64. Thấp bé, cũ kỹ, nheo nhếch. Nhưng tôi vẫn nhận ra. Tôi ngủ ở phòng này. Cái tin đầu tiên tôi viết là ở đây. Bài bút ký đầu tiên dài hai trăm dòng tôi viết là ở đây. Từ đây đi nhà hát Nhân Dân nghe Khánh Vân, Xuân Mai hát. Ăn Tết năm 1955 ở đây. Mồng 1 Tết tôi ngồi cho nữ hoạ sĩ Thục Phi ký hoạ, rồi hai chúng tôi đánh bi như những đứa trẻ…
Khi báo Tiền Phong chuyển về 45 Hàm Long, rồi 133 Bà Triệu, và ngay cả khi đã chuyển về Hải Phòng, tôi vẫn có việc tới đây, 64 Bà Triệu. Gặp những biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên Nguyễn Trí Tình, Vương Mộ Thanh, Phan Xuân Hạt về bản thảo, đề nghị tạm ứng… Vẫn là lối đi ở giữa, hai bên là hai dẫy phòng làm việc. Cửa khép. Mãi tới cuối nhà tôi mới thấy một cánh cửa mở. Có người.
– Nhà xuất bản Thanh Niên ở bên 62 kia anh ạ. Chị Luyến làm việc bên ấy.
Thì ra đây vẫn thuộc Trung Ương Đoàn, nhưng là một cơ quan khác.
62 Bà Triệu liền bên. Đó là một toà nhà mới xây, bẩy tầng. Khi tôi còn ở Tiền Phong, còn ở 64, đó là một mảnh đất rộng cỏ mọc, chỉ có một căn nhà tranh bán mái nép sát vào bức tường phía trong cùng. Giờ đây là một toà nhà hiện đại kính sáng loá cao ngất. Tôi sang 62, lễ phép báo cáo với người thường trực rồi leo từng bậc theo cầu thang xây, chứ không đi thang máy. Bởi vì từ năm 1987 đi làm phim cho xí nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, ở khách sạn Caravelle tới nay tôi chưa đi thang máy nên đã quên hẳn cách ấn nút gọi tầng. Hơn nữa cũng tò mò muốn khám phá ngôi nhà này để biết được quy mô của Trung Ương Đoàn thời mở cửa ra sao.
Tôi lang thang. Toàn người lạ. Những công việc lạ. Người ngồi trước máy vi tính. Người đang đóng gói những kiện hàng gì đó ngoài hành lang, chắc là sách.
Đến tầng bốn. Gặp Luyến. Luyến reo:
– Anh lên từ bao giờ? Giám đốc chưa đọc xong. Nhưng quyết định sẽ in.
Nét mặt nhà thơ rạng rỡ:
– Chiều nay anh lại em. Ăn cơm ở nhà em. Em sẽ mời anh Ngợi giám đốc, anh Cao Giang biên tập đến ăn cơm và cùng bàn luôn thể.
Luyến cho tôi địa chỉ. Lại một tên phố lạ với tôi. Tôi đã xa Hà Nội quá lâu rồi. Nhưng không sao. Tôi có một anh “xe ôm” tuyệt vời: Nguyễn Đức Tốn, bạn học cùng lớp với tôi, dạy đại học sư phạm đã nghỉ hưu, sẵn sàng thồ tôi tới bất kỳ nơi nào tôi muốn. Tôi ăn trưa với Lê Bầu và điện thoại cho Tốn. Tốn có mặt sau lúc nghỉ trưa. Với chiếc Honda Nhật, anh đưa tôi về nhà anh nghỉ ngơi, rồi đèo tôi tới Đoàn Thị Lam Luyến.
Nhà Tốn rất xa, tận khu Đại Học Sư Phạm. Lại phải quành ra đường cao tốc. Rồi quẹo về phố Hoàng Quốc Việt. Một đường phố dài mệt nghỉ.
Tới giáp sông Tô Lịch, chúng tôi rẽ. Sau khi loanh quanh khá lâu vì những kiểu đánh số nhà làm hoang mang mọi hệ thần kinh vững vàng nhất, chúng tôi tới được nhà Luyến.
Như một tay trong, Luyến báo lại cho tôi tình hình tập sách: Giám đốc đã quyết định in. Kế hoạch bổ sung đã được Cục Xuất Bản duyệt. Em không được biên tập quyển của anh. Mà là anh Cao Giang. Nhưng em sẽ xin với các anh ấy cho em đứng tên biên tập cùng với anh Cao Giang. Anh Phạm Đức vừa được chính thức đề bạt phó giám đốc kiêm tổng biên tập. Anh Phạm Đức rất tốt. Mãi mới được đề bạt. Ngộ nhỡ có làm sao, đáng nghĩ ngợi nhất vẫn là anh Phạm Đức.
Tôi đã gặp Cao Giang ở Sở Giáo Dục Hải Phòng khi anh cùng Lam Luyến về viết chân dung các nhà giáo ưu tú. Trong buổi gặp các nhà giáo ở sở giáo dục, tôi ngồi cạnh Cao Giang. Và để tỏ ra mình là một cây bút có thâm niên, tôi đã kịp nói với Cao Giang rằng tôi còn nợ nhà xuất bản Thanh Niên khá nhiều tiền. Hơn một nghìn đồng. Mà lương trung bình ngày ấy mỗi tháng chỉ sáu chục. Có lẽ các anh ấy đã xoá nợ cho tôi. Tôi nói “các anh ấy” vì đó là những người tiền nhiệm của Cao Giang. Những năm 63, 64 ấy xa quá rồi. Món tiền khá lớn các anh tạm ứng cho quyển tiểu thuyết Hải Đăng của tôi là kết quả của những bức thư kể lể túng thiếu khó khăn — mà Nguyên Bình gọi là những thiên tùy bút kinh tế lâm li làm những người cứng rắn nhất cũng phải mềm lòng — và sự thông cảm của nhà xuất bản ([1]). Cao Giang lơ đãng nghe. Chắc hẳn tôi không gây được ấn tượng gì, anh chẳng có một khái niệm gì về tôi. Hôm nay gặp lại anh ở nhà Luyến, anh nhìn tôi như mới gặp lần đầu, tuy chúng tôi bắt tay nhau như những người quen cũ.
Giám đốc Bùi Văn Ngợi còn trẻ, nghĩa là chỉ ngoài năm mươi. Sau này làm việc với anh, tôi “ngộ” ra một điều: Cái lớp kém chúng tôi chục tuổi, cái lớp trên dưới năm mươi ấy có nhiều người tuyệt vời biết bao!
Thế hệ nào cũng có người đáng yêu, tài năng, tâm huyết. Sự cảm thông giữa con người, giữa các thế hệ là rất lớn, là tuyệt đối. Sự cảm thông ấy vượt qua mọi khoảng cách địa lý, khoảng cách thời gian.
Càng ngày tôi càng thấm thía bài học ấy. Nó làm tôi an tâm hơn khi tuổi già đang đến, khi tôi nghĩ đến lúc mình vĩnh biệt cõi đời này. Người xấu rất nhiều nhưng người tốt cũng rất nhiều. Không ai có thể tiêu diệt hết những người tốt trên đời.
Bùi Văn Ngợi đã là thanh niên xung phong Trường Sơn, là biên tập viên rồi tổng biên tập tạp chí Thanh Niên. Anh có vẻ mặt của một thư sinh với cặp mắt rất linh lợi, nụ cười tươi, gò má xương xương và chiếc cằm hơi nhọn. Tôi nhìn anh vừa tò mò vừa kính trọng. Một người tuyệt vời đang ngồi trước mặt tôi. Một người không thể là ngây thơ, nông cạn khi quyết định in tập sách của tôi. Chỉ có thể là dũng cảm, tâm huyết, đầy trách nhiệm với nhân dân, với đất nước. Một quan chức nhưng chia xẻ với tôi tất cả. Một người duy nhất trong đội ngũ những người làm xuất bản mà tôi gặp dám dấn thân vào chông gai hiểm nguy để tập sách tôi viết đến với bạn đọc. Mà sao anh nhanh nhẹn vui tươi thế. Không một nét lo lắng trong việc in tập sách của tôi. Vẻ hoạt bát lấn át cái sâu sắc trên gương mặt anh, cái sâu sắc và cả thông minh nữa mà sau này làm việc với anh tôi càng hiểu rõ. Ngợi rút từ túi xách hai tập bản thảo khổ A4 của tôi:
– Thú thật với anh Tấn là tôi chưa đọc hết. Mới được năm trăm trang. Còn khoảng bốn chục trang nữa. Lẽ ra đã đọc xong nhưng cậu em tôi nằm bệnh viện. Thành ra hơi bị ngắt quãng. Đêm nay tôi sẽ đọc hết trong bệnh viện. Nhưng tôi đã quyết định in. Đọc vài trang là biết bản thảo như thế nào rồi huống chi chỉ còn bốn mươi trang. Bản thảo tốt. Tôi đánh giá như vậy. Nhưng có điều này chúng ta phải suy nghĩ. Trong năm nay ta và Mỹ sẽ ký hiệp định thương mại. Tập sách của anh vì vậy phải chờ cho đến khi ký xong hiệp định với Mỹ đã. Hiệp định thương mại với Mỹ sẽ đem lại lợi ích to lớn cho đất nước, cho các doanh nghiệp hàng trăm triệu, hàng tỷ đô la. Mọi công việc phải phục tùng lợi ích ấy. Không thể vì tập sách của chúng ta mà để bị ảnh hưởng.
Tôi hơi chững lại. Cái chuyện hiệp định thương mại Việt – Mỹ làm tôi hơi bất ngờ, hơi hẫng.
– Liệu bao giờ mình với Mỹ ký hiệp định thương mại hở anh?
Tôi hỏi vậy vì biết những cán bộ như anh thường được nghe phổ biến tình hình thời sự, nắm được những thông tin mà một người bình thường như tôi không thể biết. ([2])
– Khoảng cuối năm nay. Từ tháng 9 tới tháng 11.
Cũng chẳng lâu. Bây giờ đã là tháng 7 rồi. Tôi thấy chủ nhà Lam Luyến đưa mắt nhìn tôi. Hình như ý kiến này cũng bất ngờ cả với Luyến. Tôi nói vui để làm giảm sự trầm lắng của bầu không khí lúc đó:
– Số phận quyển sách của tôi lại phụ thuộc vào ông Bill Clinton ở tận Washington thì gay quá nhỉ.
Tất cả cười. Giám đốc Bùi Văn Ngợi động viên:
– Theo chỗ chúng tôi biết thì chỉ vài tháng nữa thôi. Cứ phải ký xong với Mỹ đã. Mọi công việc đều phải phục tùng lợi ích ấy. Chúng tôi nhất định in tập sách của anh. Sáng mai mời anh đến nhà xuất bản ký hợp đồng và nhận trước tiền tạm ứng.
Đó là điều tôi không ngờ tới. Đến lúc ấy tôi mới thật tin các anh quyết định in. Không hồ nghi gì nữa. Hơn thế các anh còn tạm ứng tiền nhuận bút. Tôi đâu dám nghĩ tới điều ấy dù lúc nào cũng túng. Vậy là chuyến này về có thể đưa cho vợ ít tiền. Nhưng kìa, Luyến đưa mắt nhìn tôi, bàn tay thõng xuống ghế khẽ xua xua ra hiệu đừng nhận lời. Luyến hơi nhíu mày gửi tới tôi tín hiệu không bằng lòng với ý kiến Ngợi vừa nói. Vẻ phấn khởi trên mặt tôi hẳn là tan rất nhanh. Tôi đến đây chỉ với một bản thảo đã nộp, hoàn toàn không nắm được gì hết, nhất cử nhất động làm theo ý Luyến. Luyến là người tôi quen hơn cả và cũng là người tôi tin rằng muốn tập sách của tôi được in. Tôi lấy giọng hài hước nói với giám đốc nhà xuất bản:
– Cảm ơn anh về dự định ký hợp đồng và tạm ứng đối với tôi. Tôi nợ nhà xuất bản Thanh Niên gần hai nghìn đồng từ những năm 60, nghĩa là một món tiền rất lớn so với hiện nay, tới bây giờ vẫn chưa trả được. Bởi vậy tôi không dám nhận tạm ứng nữa. Với lại tôi cũng hơi duy tâm. Tôi nghĩ có lẽ những lần trước vì nhận tạm ứng nên sách tôi viết không được in. Cho nên lần này tôi sợ. Nhận tạm ứng của các anh, có thể bản thảo của tôi lại bị trục trặc gì chăng…
Luyến lúc bấy giờ mới khẽ khàng:
– Báo cáo giám đốc. Nhà xuất bản có ký hợp đồng tạm ứng cho anh Tấn cũng chỉ được một hai triệu là cùng. Anh Tấn thì kinh tế khó khăn từ lâu rồi. Các cháu cũng đã lo lắng cho bố mẹ được tạm đủ. Phần nhà xuất bản chúng ta chỉ lo sao cho bản thảo hoàn chỉnh, sẵn sàng, khi ký hiệp định là có thể in được ngay.
Bữa cơm ngon. Vừa ăn vừa chuyện. Từ chuyện in ấn, các anh chị hỏi sang chuyện sinh sống của vợ chồng tôi, chuyện học hành làm ăn của các cháu. Trời nóng. Đang là tháng 7. Bia Tiger đá, canh cá quả. Thịt gà… Đại khái là như vậy.
Ăn xong Ngợi đến bệnh viện. Hình như em trai anh đang sống những ngày cuối cùng. Cao Giang cũng ra về. Còn lại tôi, Tốn tài xế xe ôm của tôi và Luyến. Như nhìn thấu những gì tôi đang lo lắng suy nghĩ, Luyến bực dọc bảo tôi:
– Chờ ký hiệp định thương mại với Mỹ thì biết đến bao giờ. Anh cứ để em lo. Em sẽ tìm nơi in ngay, không phải chờ đợi gì cả…
Thì ra cái lý do Luyến huơ tay ngăn tôi không ký hợp đồng, không nhận tạm ứng của nhà xuất bản là như vậy. Đúng là tôi đang hoang mang về việc từ chối tạm ứng, nghĩa là chẳng có gì ràng buộc giữa tôi với nhà xuất bản, chẳng có gì bảo đảm tập sách của tôi sẽ được in ra. Một cơ hội vàng có thể tuột khỏi tay tôi.
– Em đã phô-tô thêm một bản. Đà Linh tuần sau từ Đà Nẵng ra đây. Em sẽ gặp Đà Linh. Không. Tuần sau lâu quá. Mai có chuyến bay vào Đà Nẵng. Mai em phải đi.
Tôi không ngờ hôm sau Đoàn Thị Lam Luyến bay vào Đà Nẵng thật. Tôi không biết Đà Linh là ai, cho đến lúc ấy tôi chỉ biết một người có thể in sách cho tôi. Đó là giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên Bùi Văn Ngợi mà tôi đã gặp! Mãi sau mới biết Đà Linh là phó giám đốc nhà xuất bản Đà Nẵng. Và nhiều năm sau này tôi có gặp Đà Linh, trong một buổi rất đông bạn bè từ Hà Nội xuống thăm tôi: Ngoài Nguyên Ngọc, Châu Diên, Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên, còn có Đà Linh và Đỗ Hoàng Diệu, hai người bạn mới tên tuổi đang nổi như cồn. Đỗ Hoàng Diệu là tác giả tập truyện ngắn Bóng Đè mà Đà Linh là người chịu trách nhiệm xuất bản. Còn một người nữa: Dương Thắng, một “đầu nậu” sách, ông bầu của Bóng Đè.
Sau này khi đã thân nhau hơn, quan hệ giữa Luyến và tôi không chỉ là quan hệ của một biên tập viên với một tác giả, tôi mới biết Luyến bay vào Đà Nẵng không chỉ vì tôi, hay nói đúng hơn không chỉ vì Chuyện Kể Năm 2000. Trong quá trình cộng tác, hiểu nhau hơn, Luyến đã nói cùng tôi nhiều điều. Chuyến ấy Luyến bay vào Đà Nẵng còn để gặp một người bạn trai, một kỹ sư điện tử, đang có ý định chuyển sang nghiệp văn chương bằng nghề dịch tiểu thuyết từ tiếng Anh, tiếng Pháp. Trong khi đọc tập bản thảo của tôi, mặc dù tôi đã dặn hết sức giữ bí mật, không để một người thứ hai biết và đọc, Luyến vẫn thấy cần có người chia xẻ. Luyến bảo:
– Tháng ấy em mất hơn một triệu tiền điện thoại. Chỉ để đọc cho ông ấy nghe những đoạn trong tiểu thuyết của anh.
Cũng là sau này khi đã thân, Luyến mới nói cho tôi biết thái độ của các anh nhà xuất bản đối với tôi khi mới đọc xong bản thảo. Trước tiên, các anh hơi ngỡ ngàng về chuyện có một người tên là Bùi Ngọc Tấn tác giả tập bản thảo này. Nhất là  lại từng ở báo Tiền Phong. Cần phải tìm hiểu thêm về . Đó là một điều thú vị thì đúng hơn một sự nghi ngờ. Cái tên Bùi Ngọc Tấn quá mới. Dễ hiểu thôi. Trước khi bị bắt, tôi chỉ là người mới vào nghề, chỉ những ai thuộc thế hệ tôi lúc ấy mới biết đến tôi. Tôi đã thành danh đâu.
Để tăng thêm niềm tin về chuyện có một gã Bùi Ngọc Tấn là tác giả tập sách, Lam Luyến đưa ra tập truyện ngắn Những Người Rách Việc in năm 1996, tôi tặng Luyến, và sang nhà xuất bản Hội Nhà Văn kiếm được quyểnMột Thời Để Mất của tôi in ở đấy năm 1995 mang về. Rồi biết tôi mới in tập truyện ngắn Một Ngày Dài Đằng Đẵng, nhà xuất bản Hải Phòng năm 1999, các anh ra hiệu sách tìm mua về một quyển. Ba tập sách gần 600 trang tôi viết trong thời gian “ủ” Chuyện Kể Năm 2000 đủ thuyết phục các anh về một gã Bùi Ngọc Tấn. Đến lúc ấy các anh Bùi Văn Ngợi, Phạm Đức, Cao Giang, Lê Hùng… và có thể cả Lam Luyến nữa mới biết có một người như vậy đang sống trên cuộc đời này. Sự phát hiện trở thành một niềm cảm thông sâu sắc trong bữa cơm trưa đầu tiên chúng tôi ăn với nhau ở quán cơm Ngô Văn Sở.
Phố Ngô Văn Sở đã khác nhiều so với khi tôi còn ở đó, nhất là cái phố nhỏ Trương Hán Siêu đâm ngang chạy song song với đường Bà Triệu. Một phố biết bao thân thiết với tôi mà mấy chục năm rồi tôi mới đặt chân tới. Những khoảnh đất bao quanh những ngôi biệt thự xinh xinh đều biến thành cửa hàng cửa hiệu mặt tiền. Thay cho cành lá tươi xanh là bóng loáng những nhôm kính, những hàng hoá nhiều mầu sắc. Khi bốn chúng tôi — Phạm Đức, Cao Giang, Lam Luyến và tôi — đã ngồi quanh chiếc bàn ăn trên gác hai, khi các cháu phục vụ đã đem bia tới và chúng tôi đã uống ngụm bia đầu tiên, tôi giật mình, đặt cốc xuống bàn, chạy ra cửa sổ nhìn sang bên kia đường. Đúng rồi. Ngôi nhà đối diện bên kia đường là nơi ở tập thể của báo Tiền Phong. Chính tôi đã ở đấy. Bóc đi lớp vỏ nhôm kính phía ngoài, bóc đi mấy quầy đặt những máy phô-tô cop-py, những chai dầu gội đầu… thì ngôi biệt thự nhỏ xinh kia chính là nơi tôi đã ở trong những tháng năm đẹp nhất đời tôi. Dù không trông thấy những cánh cửa chớp, dù cái cổng gỗ chạy trên đường ray không còn nữa. Dù cái sân sau rộng rãi đã bị lấn, bị thu hẹp lại, tôi vẫn nhận ra. Từ cái sân ấy, bước qua cửa, là một cầu thang gỗ. Chiếc cầu thang lên tầng hai không có chiếu nghỉ mà lượn cong, cô nữ sinh trường phổ thông cấp ba Lý Thường Kiệt xách cặp lồng đựng bánh mì và bít tết vừa làm ở nhà còn nóng đến cho tôi nằm ốm trên chiếc giường cá nhân. Dù tất cả anh em đã sang cơ quan làm việc, cả ngôi nhà chỉ còn mình tôi, nàng vẫn bước những bước nhẹ nhàng rón rén. Kỷ niệm không còn một trời mây Đông Bắc. Mái tóc mắt yêu tiếng guốc nhẹ rụt rè thang gác. Câu thơ tôi nhẩm trong đêm thăm vợ báo tin Đinh Chương bị bắt, từ bệnh viện Hà Sắn trở về ngồi một mình trong buồng tối chờ nộp mạng chính là để nói tới cái cầu thang ấy, tới thời gian chúng tôi yêu nhau, vợ tôi còn là cô nữ sinh tóc xoã…
– Chính là nhà anh ở cũ đấy.
Cao Giang, Phạm Đức đã đứng cạnh tôi.
– Vâng. Chúng tôi ở tầng trên. Bên dưới là gia đình anh Tạ Văn Bảo.
– Anh Tạ Văn Bảo vẫn ở đấy. Kia kìa. Vẫn cái buồng ấy. Chỗ ô hẹp hẹp để máy phô-tô cop-py là anh ấy xây thêm ra cho con anh ấy làm. Anh Tạ Văn Bảo đã làm giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên chúng tôi.
Khi tôi ở báo Tiền Phong, Tạ Văn Bảo làm trưởng phòng thanh niên công nhân. Tôi nhớ đến người trưởng phòng thanh niên nông thôn của tôi ngày ấy: Anh Đỗ Văn Thoan. Cao Giang bảo:
– Anh Đỗ Văn Thoan cũng đã làm giám đốc xuất bản Thanh Niên. Nghỉ hưu rồi. Anh ấy ở ngay cạnh nhà tôi. Anh Thoan đang bị ung thư di căn.
Tôi đã nhận ra tất cả. Không chỉ nhận ra ngôi nhà tôi đã ở cách đây non nửa thế kỷ, tôi còn nhìn thấy ngôi nhà sát nó, phía bên kia, dù đang bị che khuất. Ngôi nhà có căn buồng anh chị Xuân Thu trên tầng hai, người anh con bác tôi mà tôi quý như anh ruột, căn buồng tôi đã đổi tên là căn buồng anh chị Diệu, căn buồng thần tiên mà cô nữ sinh tôi yêu mua xôi ruốc xôi lạp xường, gọt mắc coọc, pha nước chanh và gọi tôi bằng em: Em để yên chị làm. Cứ quấy chị thôi, hư lắm, căn buồng tôi đã ngủ hai đêm khi từ trại Vĩnh Quang ra tù về Hà Nội rồi mới lên tầu hỏa về Hải Phòng với vợ con…
“Thời xưa của anh đấy. Anh nhận ra rồi chứ?”
Cái nắm tay của Phạm Đức nói vậy cùng tôi. Tôi không chỉ là một tác giả với ban biên tập, một người viết ra tập sách mang nhiều tự sự với những thăng trầm mà còn đã từng là một cán bộ Trung Ương Đoàn như các anh các chị. Giữa chúng tôi còn có cái tình của những người cùng gốc gác cơ quan, nhất là cơ quan Trung Ương Đoàn, một tổ chức của tuổi trẻ nhiều mơ ước khát vọng lãng mạn. Các anh chị rất thông cảm với tôi, một kẻ lận đận, vất vả nhưng vẫn làm việc và không chịu thua, không chịu đo ván. Tôi có thể nói vậy mà không sợ chủ quan. Điều ấy càng được chứng minh trong những lần sau, khi tôi làm việc với nhà xuất bản.
Cao Giang, trưởng phòng biên tập văn nghệ, một biên tập viên già dặn kinh nghiệm, một đảng viên và hình như cả một cấp uỷ nữa, biên tập cho tôi. Anh nhận ra những người quen trong tập sách. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh quen hầu hết các bạn tôi.
– Anh Vũ Bão đến đây luôn. Kỳ này chúng tôi in cho anh ấy tập hồi ký. Tập ấy cũng rất căng.
– Dạo tôi làm xuất bản bên Liên Xô, có nhận nhuận bút mang về Việt Nam cho anh Hứa Văn Định.
Cao Giang nói vậy vì trong tiểu thuyết của tôi có những cái tên ấy. Anh yêu cầu sửa. Tất cả tên bè bạn và cả tên anh Nguyễn Văn Phổ nữa. Nguyễn Văn Phổ được anh đích thân đổi thành Nguyễn Văn Phố.
Với các bạn tôi, tôi thay đổi hoặc tên hoặc họ. Rất dễ dàng. Nhưng với anh Nguyễn Văn Phổ, tôi có lời thưa lại. Tôi nhớ đến bộ quan áo số bạc mầu của anh Phổ. Tới mái đầu húi cua của Phổ. Tới cái gáo nước bằng tôn hoa thõng một bên tay khi anh đi làm, khi anh về trại. Tôi nhớ câu nói của anh làm nhói lòng tôi:“Tôi đi tù năm vợ tôi 33 tuổi. Năm nay vợ tôi 51 tuổi rồi.”
Tôi nhớ ngày tôi đến Thanh Xuân Bắc thăm anh khi cả hai chúng tôi đã được ra tù. Chúng tôi ôm lấy nhau. Câu đầu tiên tôi hỏi anh là hỏi về chị Phổ, người phụ nữ “chờ chồng từ năm 33 tuổi đến năm 51 tuổi vẫn chờ đợi và không chịu tuyệt vọng.”([3])
– Chị đâu rồi anh?
– Nhà tôi vào Sài Gòn đi tu rồi.
Quá bất ngờ. Tôi chỉ muốn kêu trời. Hoặc thét lên một tiếng. Nhưng họng tắc nghẹn.
– Chị tu ở đâu. Anh cho tôi địa chỉ. Tôi sắp vào trong ấy. Để tôi đến thăm chị.
Phổ lấy giấy bút. Tôi nhìn theo tay anh:
Sư cô Trí Tuệ
Tĩnh xá Tòng Lâm
260 Nguyễn Thị Minh Khai (Xô Viết Nghệ Tĩnh
cũ) Quận 3. Thành phố Hồ Chí Minh.
Đưa tờ giấy cho tôi, anh hỏi:
– Anh có đọc được không?
Tôi ngơ ngác, không biết anh hỏi gì.
– Mắt tôi không nhìn thấy gì nữa. Tôi viết theo quán tính. Tôi nhận ra anh vì nghe giọng nói của anh.
Tôi khóc. Hôm ấy tôi đã không giữ được nước mắt. Những giọt nước mắt nóng bỏng. Những giọt nước mắt lặn vào trong. Suốt thời gian ở tù, cùng một toán, cùng là tổ trưởng, chưa một lần Phổ nói với tôi vì sao anh phải vào tù, vì sao anh tù lâu đến thế. Trong tù không ai nói với ai điều vì sao ấy. Chỉ đến khi chiếc máy bay không người lái của Mỹ bay qua khu vực trại, tiếng rầm rầm trên trời ập đến rất nhanh và tắt đi cũng rất nhanh để lại dấu vết là một vệt khói mảnh vắt ngang bầu trời rất lâu mới tan, Nguyễn Văn Phổ ngước mắt nhìn vệt khói nói một mình:
– Tiên sư cái thằng Mỹ. Mình bị nghi là gián điệp Mỹ mà nó còn mạnh thế này thì đến bao giờ được ra hở giời?
Anh chỉ nói vậy. Qua đó chúng tôi biết anh bị nghi làm gián điệp cho Mỹ. Theo nhiều người kể lại, Nguyễn Văn Phổ tham gia quân đội ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp năm 1946. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ký giấy cho anh trở vào Hà Nội hoạt động tình báo. Tổ tình báo của anh có ba người. Anh, nhà văn Vũ Bằng, và một đảng viên ít tuổi nhất làm tổ trưởng. Năm 1954, khi hiệp nghị Genève được ký kết, cả tổ được lệnh chuyển vào Nam, nhưng Phổ đã xin được ở lại Hà Nội. Ít ngày sau anh bị bắt vì tội đã đốt — hay định đốt? — nhà in Ideo.([4]) Anh bị xử tù 15 năm. Sau đó xử lại, mức án rút xuống còn 8 năm rưỡi, và thực tù hơn 17 năm. Anh cười:
– Cái tổ tình báo của tôi chỉ có mỗi Vũ Bằng là không bị bắt. Cái anh tổ trưởng đảng viên ít tuổi kia khi vào Nam cũng bị ta bắt như tôi. Vũ Bằng thật là may…
Rồi anh rủ rỉ:
– Tôi về được ít ngày thì một cô sĩ quan công an đến nói năng rất lễ phép, tế nhị. Bác làm cho chúng cháu cái thu hoạch. Cháu biết bác cũng chẳng muốn nghĩ đến những chuyện ấy nữa nhưng đây là ý kiến cấp trên của cháu. Tôi bảo: Cô nói tôi cũng làm nữa là cấp trên của cô. Tôi viết. Cuối cùng nó lại như một bản thanh minh anh ạ. Mới nghĩ nộp ngay cũng phí. Tôi đem thuê đánh máy. Gửi Viện Kiểm Sát một bản. Tháng sau đến Viện Kiểm Sát. Anh cán bộ phụ trách việc của tôi rất phấn khởi nói: Việc của bác thế nào cũng được xử lại. Cháu đang trình viện trưởng. Nửa tháng nữa mời bác quay lại. Y hẹn, tôi tới. Anh cán bộ kiểm sát ỉu xìu: Không xong rồi bác ơi. Đồng chí viện trưởng không duyệt. Tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì. Tù thì tù rồi. Cũng sắp về với tổ tiên rồi. Bẵng đi lâu lâu, đã quên hẳn chuyện khiếu nại, thì anh cán bộ viện kiểm sát tới nhà: Bác ơi! Bác làm sổ hưu đi. Vụ của bác xử lại rồi. Trắng án.
Tôi mừng cho anh. Anh nói cả ba lần xử đều không có mặt anh. Tôi bàn với anh về việc đòi bồi thường, nhưng anh lại quan tâm đến một chuyện khác: Làm thế nào lấy lại được cái nhà của anh. Một biệt thự ở phố Nguyễn Gia Thiều!
Tôi khuyên anh nên thực tế một chút bằng chính kinh nghiệm của mình:
– Không được đâu anh ơi. Gia đình vợ tôi đấy. Có hai ngôi nhà phố Mai Hắc Đế, mở nhà in, nhà in Giang Tả in báo Cờ Giải Phóng cho các ông ấy. Thế mà bây giờ có đòi được đâu. Bao nhiêu hộ, bao nhiêu chủ rồi. Trước bạ lại không còn…
Anh ngắt lời tôi:
– Trước bạ tên tôi. Tôi vẫn giữ.
Thế thì lại là chuyện khác. Vẫn còn tí chút hy vọng.
Anh tiếp:
– Nhà tôi cực dễ nhưng cũng cực khó…
– Thế nghĩa là sao anh?
– Nhà tôi Trung Ương đảng lấy làm trụ sở Ban Đối Ngoại.
Tôi kêu lên:
– Thế thì nhà anh phải hàng vạn cây vàng!
Tôi đã hiểu nội dung cực dễ nhưng cũng cực khó của anh. Người ta muốn giải quyết, chỉ một câu nói là xong. Anh thở dài:
– Khó lắm.
B.N.T.
([1])Thực ra tôi không vay chằng vay bửa rồi xù, quyển Hải Đăng của tôi đã được các anh vào kế hoạch và giục tôi đưa in nhưng tôi cứ nấn ná sửa thêm, và ít ngày sau tôi bị bắt, bản thảo bị tịch thu.
(2)Vẫn còn tình trạng phân phối thông tin theo cấp bậc ấy, nó tạo ra một sự phân biệt đối xử, phân biệt lòng tin và phần lớn người được tin cậy hơn thấy rằng mình phải làm thế nào để xứng đáng với sự tin tưởng ấy.
(3) Trích Chuyện Kể Năm 2000.
(4) Bởi thực ra nhà in Ideo có cháy bao giờ đâu!
(Xem tiếp kỳ sau)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hai người nói về người hai mặt



Tôi chưa được đi Campuchia dù nước này rất gần. Khi nào có tiền sẽ đi, mà chờ đến khi có tiền cũng hơi lâu. Nhưng tôi đọc nhiều, nghe nhiều, có biết về Campuchia, biết bên ấy có tượng Bayon lắm mặt. Hôm qua nghe bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thao thao bất tuyệt tại cuộc họp HĐND Sài Gòn, tôi nghĩ chả phải dạng người lắm mặt chỉ có ở Campuchia, liền viết trên Fb như thế này:

Tôi chả biết nói làm sao, nhưng bà Quyết Tâm của hội đồng cai trị Sài Gòn hôm họp quốc hội thì tranh luận ngoài hành lang với ông Đinh La Thăng hăng lắm, đòi bỏ phí xe máy, nghĩ cũng mừng. Ai ngờ hôm qua bà ấy lại cãi với nhiều vị đòi bỏ, cứ khăng khăng bảo là phải thu bởi chính phủ đã ban hành nghị định 38, nó còn có hiệu lực, dù vô lý vẫn phải thi hành, bao giờ chính phủ bỏ thì thành phố mới bỏ.
Hóa ra mình nhầm, cứ tưởng cái con người ấy biết nghĩ đến dân. Vậy mà lại đại biểu cho dân, mà là trùm đại biểu mới bỏ mẹ chứ.

Lúc sau, đọc trên Fb của ông bạn đồng nghiệp Ngọc Vinh, ông ấy còn phân tích ghê hơn, xin đưa về đây, nguyên văn:

Khi bà ấy "gào thét" trên diễn đàn quốc hội , đối chất với bộ trưởng giao thông đòi bỏ thu phí xe máy cho dân, mạng xã hội đầy những lời ca ngợi. "Tuân theo" thời sự, tôi có đặt anh em PV ngoài Hà Nội viết một chân dung chính trị về bà nhưng kết quả là: họ từ chối. Tại sao, tôi hỏi và đây là câu trả lời của họ: "Đó là người hai mặt, mị dân. Lúc nói thế này lúc nói thế khác, ko xứng đáng được viết".

Quả thật, bây giờ bà ấy "xoay trục" 180 độ, tích cực đề nghị TP.HCM thu phí xe máy của dân sao cho hiệu quả, trong khi các tỉnh thành khác người ta kiên quyết bỏ thu. Đúng là ko gì qua mắt bọn nhà báo được dù có che giấu giỏi cở nào. Trong cuộc chơi chính trị, giữ gìn phẩm giá và uy tín cá nhân là điều tối cần thiết để một chính khách có thể thành công và để lại dấu ấn tốt trong lòng công chúng. Nhưng rất tiếc bà ấy đã ko như vậy, cho nên bà ấy mãi mãi ko xứng đáng được có một chân dung đàng hoàng trên mặt báo!

Thật tội nghiệp, nhưng đó là điều luôn luôn công bằng với kẻ sống hai mặt, nói làm bất nhất!

Nguyễn Thông - Ngọc Vinh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hun Sen, đừng hun khói!


Hun Sen muốn giảm căng thẳng với Việt Nam, được Trung Quốc khuyến khích”

Thứ tư, 29/07/2015
(Chính trị) - Campuchia đã bị (CNRP?) lôi kéo vào căng thẳng biên giới với Việt Nam, và đã được khuyến khích bởi sự hỗ trợ của Trung Quốc.
The Cambodia Daily ngày 29/7 đưa tin, trả lời phỏng vấn báo này hôm Chủ Nhật 26/7, lãnh đạo phe đối lập Campuchia Sam Rainsy cho rằng những thay đổi trong lời nói của chính phủ Campuchia dường như là lời cảnh báo cho các nghị sĩ đối lập CNRP ngừng các chuyến đi đến (chống phá) biên giới với Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: Facebook Samdech Hun Sen.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ảnh: Facebook Samdech Hun Sen.
“Tôi nghĩ rằng sự thay đổi trong ngôn ngữ có thể phản ánh một số căng thẳng đã đi xa hơn những gì chúng ta thấy, và có thể phản ánh một tình huống khó khăn với những căng thẳng có quá nhiều lực lượng khác tham gia”, ông Sam Rainsy nói.
Lãnh đạo phe đối lập CNCP Sam Rainsy cho rằng: “Chính phủ Campuchia đã bị (CNRP?) lôi kéo vào căng thẳng biên giới với Việt Nam, và đã được khuyến khích bởi sự hỗ trợ của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng bây giờ chính phủ Hun Sen muốn giảm những căng thẳng với Việt Nam”?!
“Những căng thẳng này đã vượt qua cả CNRP, điều này là lý do tại sao Hun Sen không muốn chúng tôi tới biên giới một lần nữa”, Sam Rainsy tuyên bố.

Yếu tố Trung Quốc trên biên giới Tây Nam
Nhận định của ông Sam Rainsy cho thấy rõ ràng có bàn tay tác động của Trung Quốc vào vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam. Mặc dù đường biên giới này đã được xác định bằng Hiệp ước chính thức và hợp pháp, được quốc tế thừa nhận, đồng thời đang trong quá trình hoàn thiện công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa. Chính bản thân Sam Rainsy cũng muốn được Trung Quốc chống lưng – PV.
Một viên Trung tá quân đội Trung Quốc gắn quân hàm cho học viên sĩ quan quân sự Campuchia trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Reuters.
Một viên Trung tá quân đội Trung Quốc gắn quân hàm cho học viên sĩ quan quân sự Campuchia trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Reuters.
Tờ International Business Times ngày 22/7 nhận định, hợp tác quân sự giữa Campuchia và Trung Quốc trong tháng này cho thấy các nhà lãnh đạo ở Phnom Penh hiện nay nhiều khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bắc Kinh hơn là Hoa Kỳ.
Mặc dù mối quan hệ mật thiết giữa Phnom Penh và Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ngoài biên giới với Việt Nam là một mối quan tâm đặc biệt của người Việt, nhưng đồng thời quan hệ Campuchia – Trung Quốc còn là một mối đe dọa đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, International Business Times nhận định.
“Đây là một khu vực cạnh tranh phức tạp. Trung Quốc muốn dùng Campuchia trong Đông Dương và các nước tiểu vùng sông Mê Kông để tăng cường ảnh hưởng của họ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Chheang Vannarith, một giáo sư đại học Leeds ở Anh nói với đài VOA.
Chính phủ Campuchia vạch trần chiêu bài của CNRP dùng bản đồ chống phá biên giới với Việt Nam
Trước đó ngày 20/7 The Cambodia Daily cho biết, Chính phủ Campuchia đã lên án gay gắt Chủ tịch đảng đối lập CNRP Sam Rainsy đã không tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia với việc chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia bằng một bản đồ mua từ Viện Địa lý quốc gia Pháp với giá 168 USD.
Bản đồ này do thượng nghị sĩ Hong Sok Hour mua từ tháng trước và giao lại cho Sam Rainsy.
Chính phủ Campuchia tuyên bố: “Ông Sam Rainsy cho rằng bản đồ ông ta mua ngoài chợ ở Pháp có giá trị nhiều hơn so với bản đồ chính thức mà chính phủ Campuchia chọn để đàm phán, phân giới cắm mốc với Việt Nam. Phải chăng giá trị chủ quyền của Campuchia và giá trị đảng CNRP trong mắt ngài Sam Rainsy chỉ đáng giá 168 USD?”,
Phe đối lập đã sử dụng “bản đồ mua ngoài chợ” để xem xét liệu chính phủ Campuchia đàm phán, phân giới cắm mốc với Việt Nam có chính xác hay không!
Nguyentandung (Theo Giáo Dục)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc chiến tình báo mới giữa Trung Quốc và Mỹ




Nguồn: Peter Mattis, “China’s New Intelligence War Against The United States”, War on the Rocks30/7/2015.
Biên dịch: Hoàng Cao Quyền | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Mối đe doạ liên quan tới tình báo Trung Quốc sắp có những thay đổi to lớn khi mới đây các tin tặc được cho là có liên quan tới cơ quan tình báo dân sự của Trung Quốc – Bộ An ninh quốc gia (MSS) –đã thu được hàng triệu hồ sơ cá nhân từ Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ (OPM). Mặc dù chưa biết rõ tổng mức thiệt hại là bao nhiêu, vụ việc đã dấy lên bao nỗi lo sợ về lỗ hổng dữ liệu được thu thập qua quá trình kiểm tra lý lịch an ninh bảo mật, bao gồm cả thông tin liên lạc quốc gia ở nước ngoài. Các chuyên gia an ninh đã đúng khi cho rằng loại thông tin này là cả một kho báu đối với cơ quan tình báo nào đang cố gắng thâm nhập các tổ chức an ninh quốc gia Mỹ. Kho tàng này có giá trị sử dụng rất lớn, và đối với MSS, những thông tin như vậy sẽ cung cấp nền tảng cho các chiến dịch gián điệp mới chống lại nước Mỹ, qua đó chứng tỏ giá trị của mình đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc – những người luôn hoài nghi về những gì MSS có thể mang lại. Dữ liệu của OPM đã đem lại cho cơ quan tình báo Trung Quốc một cách thức mới tập trung vào các công dân Mỹ “quan trọng”, thay vì lệ thuộc vào khả năng sáng tạo của cá nhân các đặc vụ trong việc tìm cách kết nối lực lượng tình báo nội địa Trung Quốc với các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh quốc phòng ở nước ngoài.
Những trắc trở của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc.

Đối với giới quan sát “tay ngang”, Trung Quốc có vẻ giống như một bậc thầy về các hoạt động tình báo nhắm vào Mỹ. Điều này chỉ đúng một phần. Bởi lẽ kể từ khi Chi Mak – một kĩ sư người Mỹ gốc Hoa làm việc cho công ty quốc phòng Power Paragon – bị bắt năm 2005, FBI đã tiến hành bắt giữ hành chục người vì hoạt động gián điệp cho Trung Quốc mà gần đây nhất là vụ bắt giữ vào tháng Năm. Trong khi đó, các đối tượng người Trung Quốc thu thập dữ liệu trên không gian mạng cứ hàng tháng lại gây xôn xao, buộc các chính phủ và các công ty thừa nhận nhiều lổ hỗng thông tin to lớn còn tồn tại. Tuy nhiên MSS chỉ có thể nhận một phần nhỏ chiến thắng về phía mình. Những thành công đó chủ yếu thuộc về các cơ quan tình báo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Theo báo cáo, các tin tặc làm việc cho các cơ quan tình báo tín hiệu PLA, như những cơ bị FBI truy tố, đã lấy cắp hàng terabyte dữ liệu của doanh nghiệp và chính phủ (1 terabyte tương đương 1.000 GB), cùng với những nhân viên thu thập thông tin tình báo của Tổng cục hai Bộ Tổng tham mưu (2PLA), đã tiến hành thâm nhập vào Lầu Năm Góc cũng như các chương trình nhạy cảm liên quan tới tàu ngầm lớp Virginia hay hệ thống chiến đấu Aegis.
Tuy nhiên, với những gì có thể đo lường được, thì bảng thành tích của MSS thật sự không có gì là to tát.
Trong những vụ án tình báo có liên quan tới người Trung Quốc tại Mỹ gần đây, MSS có lẽ chỉ liên quan tới một trường hợp duy nhất: Glenn Duffie Shriver. Và trường hợp này khó có thể gọi là thành công khi Shriver đã bị cơ quan phản gián Mỹ bắt ngay từ “vòng” thẩm tra lý lịch khi anh đang xin làm việc cho CIA vào năm 2010. Anh ta đã hai lần thất bại khi xin gia nhập vào phái đoàn của Bộ Ngoại giao Mỹ. MSS trả cho anh ta 70.000 USD nhưng đổi lại không thu thập được bất kì thông tin tình báo nào. Có vẻ số tiền này không nhiều nhưng nếu tính thêm cả những cố gắng và nỗ lực không thành công thì thật sự rất tốn kém.
Trong 3 năm qua, MSS đã mất đến 3 phó lãnh đạo cấp cao vì những vụ tai tiếng. Đầu tiên là ông Lu Zhongwei mất chức vào năm 2012 do những báo cáo cho rằng một trong những trợ lý cá nhân của ông là gián điệp cho Mỹ kể từ thập niên 1980. Tiếp theo là ông Qiu Jin mất chức vào năm 2014 vì ông và một thân tín tại Văn phòng Công an Bắc Kinh đã chính trị hoá những cuộc điều tra của MSS, với mục đích ủng hộ Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc bị giáng chức Chu Vĩnh Khang. Quá trình chính trị hoá có thể là một đặc trưng trong bộ máy an ninh của hệ thống cộng sản, thế nhưng Đặng Tiểu Bình đã tạo ra MSS vào năm 1983 với mục đích ban đầu là nhằm tách nhóm tình báo Trung Quốc ra khỏi chuyển động chính trị nội bộ, tập trung vào hợp pháp hoá lực lượng phản gián và thu thập tin tình báo từ nước ngoài. Đầu năm nay, trong một cuộc điều tra tham nhũng, cựu Thứ trưởng Bộ An ninh Trung Quốc là Ma Jian (Mã Kiện) cũng bị phát hiện dính líu đến các giao dịch chứng khoán lợi nhuận lớn và bị cách chức. MSS có thể vượt qua cơn bão lớn như vậy nếu những hoạt động tình báo của MSS sinh lợi nhiều hơn, thế nhưng sự thật không phải thế và có lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tự hỏi liệu MSS có tiếp tục hoạt động hiệu quả hay không.
Những thiếu sót trong hoạt động thu thập thông tin tình báo Trung Quốc
Hầu hết các hoạt động thu thập thông tin tình báo Trung Quốc đều xuất phát từ bên trong phạm vi quốc gia, ngay cả những hoạt động nhắm vào các chính phủ và quân đội nước ngoài. Trái với kịch bản quá quen thuộc là nhân viên tình báo giả làm các nhà ngoại giao làm việc tại thủ đô các nước, các sĩ quan tình báo Trung Quốc thường xuyên tiếp cận mục tiêu ngay tại đất nước mình dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể dưới dạng nhân viên văn phòng ở thành phố, những học giả nghiên cứu sách lược (think tank scholars), doanh nhân hay thậm chí đôi khi họ không cần bất cứ vỏ bọc nào để che dấu thân phận liên quan đến tình báo của mình. Nhìn lại lịch sử gián điệp Trung Quốc, chỉ có 2 trường hợp mà chúng ta biết (hiện có khả năng có trường hợp thứ 3 tại Đài Loan) là những nhân viên người nước ngoài được tuyển dụng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Quá nhiều điệp viên được tuyển dụng bên trong Trung Quốc hiển nhiên sẽ tạo ra những điểm mù, và các kĩ năng cần thiết cho cách thức tiếp cận này hoàn toàn khác xa chu trình “gián điệp ngoại giao” thông thường. Hệ quả hiển nhiên nhất là những nguồn thông tin tình báo này sẽ phải di chuyển thường xuyên đến Trung Quốc. Mặc dù số lượng người đến Trung Quốc với bất kì lí do nào tăng lên đáng kể, những người thường xuyên đi đến Trung Quốc (đặc biệt là các quan chức chính phủ nước ngoài) thường có hồ sơ liên quan tới Trung Quốc hoặc Châu Á. Do đó, MSS có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến Trung Quốc tốt hơn nếu so sánh với các vấn đề chính sách của Mỹ hoặc châu Âu tại Trung Đông. Các đặc vụ tiềm năng tại Trung Quốc có thể được phát hiện bằng cách sàng lọc giữa người nước ngoài đến du lịch và làm việc ở Trung Quốc – một công việc ngày càng trở nên dễ dàng hơn nhờ vào khả năng truyền tải và lùng sục dữ liệu điện tử của một người khi họ không giám sát kĩ những thiết bị cá nhân của mình.
MSS giống như những cơ quan ngang bộ khác, cũng là một hệ thống có cơ quan trung ương được hỗ trợ bởi các sở, các phòng ở địa phương và thành phố thực hiện hầu hết các hoạt động hằng ngày của hệ thống. Năng lực và hiệu suất của những cơ sở địa phương khác nhau cũng rất khác nhau, vì mỗi nơi phải chịu trách nhiệm cho việc tuyển dụng nhân sự của riêng mình. Lấy ví dụ Văn phòng an ninh quốc gia Bắc Kinh và Thượng Hải có thể dễ dàng chọn được những sinh viên tốt nhiệp đại học tốt nhất tại Trung Quốc. Trong khi các phòng ban an ninh quốc gia tại Thiểm Tây và Cam Túc chỉ có được những nhân tài này khi các sinh viên tốt nghiệp gần đây bị buộc phải trở về phục vụ quê nhà nhờ vào chính sách quản lí di cư nội địa của Trung Quốc. Cũng có thể có những khác biệt làm nên chất lượng của các thành phần trong MSS như khả năng tiếp cận công nghệ hoặc kinh nghiệm cũng như khả năng ngoại ngữ. Vì thế mà trách nhiệm đối với an ninh quốc gia chắc chắn khác nhau ở những địa điểm khác nhau. Mặc dù Bắc Kinh có lẽ rất thích hợp cho các hoạt động tình báo nước ngoài, nhưng trước một số lượng lớn quan chức nước ngoài, doanh nhân sống và quá cảnh tại thành phố này buộc Bắc Kinh hầu như tập trung nhiều hơn vào vấn đề phản gián.
Năng lực không đồng đều của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc đồng nghĩa rằng khả năng xác định và nghiên cứu đối tượng của các thành tố an ninh quốc gia, khi không có một bộ hồ sơ dữ liệu trung tâm, sẽ rất hạn chế. Tuy nhiên, việc nhận diện một cá nhân và xác định lý do vì sao mà họ có tiềm năng mới chỉ là bước đầu trong khâu tuyển chọn nhân sự. Các mối quan hệ cá nhân phải được phát triển, điểm yếu phải được xác định ngay hoặc có khi là phải được chủ ý tạo ra. Cuối cùng theo lời ngài cựu giám đốc tình báo Anh Richard Dearlove, một sĩ quan tình báo muốn được tuyển dụng phải “được hỏi đúng cách, bởi đúng người, trong đúng thời điểm”. Đối với nhiều cơ sở ninh quốc gia tại vùng quê, việc hoàn thành các công tác này – bao gồm cả khâu xác định đối tượng có năng lực tiềm năng – có thể vượt quá khả năng của cơ sở nếu không có sự chỉ dẫn và hỗ trợ từ trung ương.
Với việc Trung Quốc ngày càng thu hút sự quan tâm từ nước ngoài, MSS gần như chắc chắn sẽ đối mặt với việc buộc phải mở rộng các hoạt động ở nước ngoài. Một vài động thái nhỏ chẳng hạn như việc Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc xử lý vụ một người Duy Ngô Nhĩ tại Thuỵ Điển bị bắt vào cuối năm 2010, cho thấy Bộ đang dần mạnh dạn hơn trong việc theo đuổi các hoạt động tình báo nước ngoài. Tuy nhiên Bộ còn phải vượt qua rất “di sản” của sự trì trệ, bị động trong các chiến dịch bí mật ở nước ngoài. Quay lại năm 1985, Đặng Tiểu Bình đã đặt ra các giới hạn khắc nghiệt đối với những hoạt động của MSS ở các đại sứ quán Trung Quốc và các hệ thống ngoại ngao chính thức khác. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó đã thuyết phục ông Đặng Tiểu Bình rằng rủi ro các nhân viên MSS bị bắt khi đang tiến hành hoạt động bí mật từ các cơ sở ngoại giao chính thức có thể làm hỏng những phương diện quốc tế trong chính sách Cải cách và Mở cửa của ông. Việc xây dựng một nỗ lực thu thập thông tin vững chắc ở nước ngoài cần có thời gian và các cơ quan tình báo cũng cần được đào tạo dựa trên kinh nghiệm thực tiễn. Khả năng thực hiện chuyển tài liệu kiểu “dead drop” (một phương thức chia sẻ dữ liệu offline), trao đổi thông tin liên lạc bí mật và các dấu hiệu nhận biết giao dịch bí mật khác là rất quan trọng bởi vì một cơ quan điệp viên luôn đòi hỏi các đặc vụ đặt cược cuộc sống và sự tự do của bản thân hoàn toàn vào tay tổ chức.
Văn phòng quản lý Nhân sự Mỹ “giúp” gì cho tình báo Trung Quốc?
Hành vi trộm cắp các tập tin tài liệu và thông tin an ninh của Văn phòng quản lý Nhân sự Mỹ (OPM) về các nhân viên và cựu nhân viên chính phủ Mỹ cùng đầu mối liên lạc nước ngoài của họ trong đó có Trung Quốc, sẽ cung cấp cho MSS (hoặc các thành phần khác trong bộ máy tình báo Trung Quốc) một nguồn thông tin đáng kinh ngạc trong việc xây dựng một chương trình tình báo nhắm đến nước Mỹ. Như tôi đã đề cập ở trên, những trường hợp hiếm hoi như Glenn Duffie Shriver cho thấy đến nay, MSS vẫn đang cố gắng cho ra đời một chương trình nghiêm túc và bền vững, có khả năng đem lại những thành quả cho Bắc Kinh. Điều đó nay đã có thể thay đổi.
Một trong những chìa khoá để thành công trong lĩnh vực gián điệp của Trung Quốc đối với Đài Loan dường như nằm ở sự am tường về chính phủ, quân đội, các sĩ quan tình báo cũng như gia đình và cả những đồng nghiệp đã nghỉ hưu của Đài Loan. Trong hầu hết mọi vụ việc – bao gồm cả vụ 33 người Đài Loan bị kết án là có liên quan đến gián điệp trong 5 năm trở lại đây được giám đốc Cục An ninh Quốc gia của Đài Loan (NBS) nhấn mạnh – thì tình báo Trung Quốc đã xác định và tuyển dụng các cựu quan chức vốn có đi lại và làm việc ở đại lục, và sau đó sử dụng họ để khai thác những người đồng nghiệp còn trong chính phủ Đài Loan. Thay vì phải soi xét hàng ngàn khách du lịch Đài Loan ra vào Trung Quốc, MSS chỉ cần kiểm tra những đối tượng cần thiết. Cần lưu ý rằng vào năm 2000, giám đốc nhân sự đương thời tại cục An ninh quốc gia Đài Loan nghỉ hưu đã chuyển sang một công việc có trụ sở tại Trung Quốc. Mà ngay cả khi ông này không tiết lộ danh sách nhân sự Đài Loan, rất nhiều người khác trong cơ quan tình báo và phản gián Đài Loan cũng đã cung cấp tên và lai lịch những đồng nghiệp của họ cho tình báo Trung Quốc.
Thông tin về các cựu quan chức Mỹ với những dữ liệu an ninh trong quá khứ thậm chí có thể còn giá trị hơn thông tin về các nhân viên đương nhiệm. Đầu tiên, các cựu quan chức không gặp hạn chế trong khi du lịch hoặc yêu cầu báo cáo các đầu mối liên lạc hoặc cuộc họp với các cơ quan tình báo nước ngoài. Thứ hai, bởi vì họ có thể đi lại tự do hơn, họ có thể trả lời câu hỏi một cách ung dung, chấp nhận những câu hỏi không cần đi ngay vào nội dung hoạt động, có thời gian rộng rãi hơn đề trả lời và do đó có thể tự kiểm chứng nguồn tin. Thứ ba, các cựu quan chức hầu như chắc chắn sẽ hoạt động tốt hơn các đặc vụ gần đây mà cơ quan tình báo Trung Quốc sử dụng để tiếp cận những các thông tin mật của Mỹ. Những nguồn tin như nhân viên bán hàng nội thất tại bang Louisiana Kou Tai-shen có thể tiếp cận thông tin bằng cách của riêng mình (Kou đã khiến cho 2 sĩ quan quốc phòng Mỹ tiết lộ những thông tin mật của họ) nhưng các cựu quan chức thì không cần thiết phải có một mối quan hệ phụ thuộc trong giới an ninh quốc gia như thế. Họ có khả năng thu thập thông tin mà không “bứt dây động rừng” và đánh giá khả năng có nên tuyển dụng các đồng nghiệp cũ của mình hay không.
Thông tin liên quan đến các đầu mối liên lạc người Trung Quốc của các quan chức chính phủ Mỹ cũng góp phần nâng cao mức độ đe dọa một khi các dữ kiện bị đánh cắp của OPM rơi vào tay MSS hoặc các cơ quan tình báo Trung Quốc khác. Các nhân viên an ninh Bắc Kinh sẵn sàng bắt giữ các quan chức và công dân Mỹ tại sân bay trong một vài giờ, nhưng đằng nào họ cũng phải thả người. Tuy nhiên, đối với mọi người Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh có thể áp dụng những hình phạt khắc nghiệt hơn rất nhiều so với người nước ngoài. Điều này gây nguy hiểm đến các đầu mối liên lạc Trung Quốc có tên trong dữ liệu bị OPM đánh cắp và thành viên trong gia đình của họ. Bị đưa vào một tình trạng không thoải mái hoặc bị giam giữ trong nhiều giờ là một chuyện, biết bạn bè hoặc người thân của mình có thể bị giam giữ vô thời hạn lại là một chuyện hoàn toàn khác và nó có thể gây nên sức ép lớn. Điều này đã xảy ra với vợ một sĩ quan tình báo Đài Loan khi bà đến thăm một người bạn ở Thượng Hải vào năm 2012. Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ và buộc bà viết thư cho chồng cầu xin anh ta đến thành phố. Viên sĩ quan vẫn ở lại Đài Loan, nhưng vợ của ông hiện vẫn ngồi trong nhà giam đại lục, bất kể những nỗ lực từ phía Đài Bắc yêu cầu thả người. Trước động thái này, không có lí do gì để nghĩ rằng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc – đang tuyệt vọng tìm cách chứng tỏ giá trị của mình cho những nhà hoạch định chính sách bằng thông tin tình báo về Washington – sẽ “tự giác” kiềm chế không sử dụng những phương pháp hung hăng đạt được mục đích, đặc biệt là khi Bắc Kinh đang sẵn sàng chấp nhận các rủi ro lớn trong những hoạt động tình báo của họ.
Kết luận
Việc MSS có khả năng đã nắm giữ dữ liệu của OPM không đảm bảo Trung Quốc sẽ thành công trong việc thâm nhập vào chính phủ Mỹ. Tuy nhiên nó sẽ giúp gia tăng cơ hội cho cơ quan đang đứng trước sức ép này. Các bộ phận khác nhau của MSS có thể tập trung vào các mục tiêu cụ thể, thay vì nỗ lực định vị, nghiên cứu và tiếp cận từng người Mỹ khi họ bước chân vào khu vực nằm trong quyền tài phán của mình. Mỗi một thành công có thể trở nên hoàn thiện hơn so với những gì trong quá khứ.
Peter Mattis là nghiên cứu viên khách mời tại Chương trình Trung Quốc tại Quỹ Jamestown (Jamestown Foundation) và tác giả của cuốn sách Analyzing the Chinese Military: A Review Essay and Resource Guide on the People’s Liberation Army.

Nguồn: Nghiencuuquocte

Phần nhận xét hiển thị trên trang