Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Thực hư thông tin cụ rùa Hồ Gươm vừa qua đời

Kênh Tin Việt








Phó giáo sư, tiến sĩ Hà Đình Đức xác nhận tin đồn về việc cụ rùa Hồ Gươm qua đời. Tuy nhiên ông khẳng định cụ rùa vẫn khỏe mạnh bình thường.
Vài ngày gần đây xuất hiện một số tin tức về việc cụ rùa ngàn năm tuổi tại Hồ Gươm vừa qua đời.
Theo đó, tin đồn cho rằng cụ rùa vừa chết và xác cụ rùa được tìm thấy tại khu vực gần đến Ngọc Sơn (bờ Hồ Gươm).
Tin đồn trên khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi cụ rùa Hồ Gươm gắn liền với lịch sử, mang ý nghĩa tinh thần quan trọng trong lòng người dân Thủ đô và cả nước.
Trước thông tin trên, sáng ngày 30/3, trao đổi với PV Người Đưa Tin, PGS. TS Hà Đình Đức, người gắn bó gần như trọn cuộc đời với những cụ rùa tại Hồ Gươm xác nhận có tin đồn này.
Thực hư thông tin cụ rùa hồ Gươm vừa qua đời - Ảnh 1
Hình ảnh về cụ rùa hồ Gươm ngày 27/3 (Ảnh: Nguyễn Đăng Sơn).
PGS. TS Hà Đình Đức cho hay: “Vừa hôm qua, buổi sáng, khi tôi ra Hồ Gươm có một số người cũng hỏi tôi, không những thế họ còn cho tôi xem trên điện thoại di động và trong đó còn có tôi nói thế nọ, tôi nói thế kia và còn có cả ảnh nữa”.
Theo PGS. TS Hà Đình Đức khẳng định hoàn toàn không có việc đó và ông cũng bức xúc trước tin đồn thất thiệt trên.
PGS. TS Hà Đình Đức khẳng định hiện tại sức khỏe của cụ rùa hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh không có gì biến đổi.
“Trưa ngày 27/3, khi ra hồ Gươm anh Nguyễn Đăng Sơn còn cho tôi xem hình anh vừa ghi và chụp được hình cụ Rùa bơi vào các chùm rễ si quanh chân đền Ngọc Sơn để bảo vệ các cây si nghiêng xuống Hồ” – PGS. TS Hà Đình Đức nói.
PGS. TS Hà Đình Đức thông tin thêm: Trước đó, vào khoảng 9h ngày 20/3, cụ rùa cũng nổi lên tại khu vực đền Ngọc Sơn.
Thực hư thông tin cụ rùa hồ Gươm vừa qua đời - Ảnh 2
PGS.TS Hà Đình Đức luôn gắn bó với cụ rùa hồ Gươm (Ảnh: NVCC)
Trước lo ngại về việc tác động môi trường do vệc chặt cây hàng loạt tại Hà Nội có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cụ rùa, PGS. TS Hà Đình Đức khẳng định khu vực chặt cây ở xa nên không có ảnh hưởng gì.
Rùa Hồ Gươm luôn thu hút sự chú ý của nhiều người dân Thủ đô và Việt Nam.
Bên cạnh giá trị tâm lý, lịch sử, theo các nhà khoa học, loài rùa Hồ Gươm chỉ còn 4 cá thể, gồm một con sống ở hồ Hoàn Kiếm, một ở Đồng Mô và hai con còn lại ở Trung Quốc.
Năm 2011, Hà Nội đã đưa cụ rùa lên khám bệnh và chữa trị trong hơn ba tháng.
Rùa được thả về tự nhiên cùng rất nhiều thức ăn dự trữ là cá. Giới chức Hà Nội và các nhà khoa học khám định kỳ cho cụ rùa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Cản trở quyền tự do ngôn luận có thể bị tù 7 năm



Dự thảo bộ luật Hình sự có một số điểm mới đáng chú ý như: Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của người dân.
Chưa bỏ án tử hình với tội tham nhũng
Giải trình về dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi trước UB Tư pháp QH chiều nay (31/3), Thứ trưởng Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết sẽ hạn chế hình phạt tử hình:
"Giảm tử hình là chủ trương lớn của Đảng, thể hiện trong các nghị quyết về cải cách tư pháp và trong thực tiễn luật pháp hình sự. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với tinh thần bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013, và xu hướng hội nhập của nước ta. Vì vậy, việc tiếp tục giảm hình phạt tử hình nhận được sự ủng hộ tuyệt đối trong quá trình xây dựng bộ luật Hình sự sửa đổi".
Ông Tụng cho biết các ý kiến đều thống nhất quan điểm về tiêu chí giảm tử hình cũng như chủ trương sửa đổi bổ sung các quy định của bộ luật về hình phạt tử hình theo hướng: quy định rõ, cụ thể và chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này; mở rộng diện không áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế; thu hẹp diện các tội danh có quy định hình phạt tử hình.
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: 
Bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản
và nhận hối lộ dễ dẫn đến cách hiểu là 
pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng.
                                                      Ảnh: PLXH
"Nhưng với các phương án đề xuất bỏ hình phạt tử hình với các tội danh cụ thể thì vẫn còn ý kiến khác nhau", Thứ trưởng cho biết.
Trong ban soạn thảo có những ý kiến đồng ý bỏ hình phạt tử hình đối với 7 trong số 22 tội danh có hình phạt tử hình hiện hành: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; và tội phạm chiến tranh.
Có những ý kiến muốn bỏ hình phạt tử hình với thêm 3 tội danh nữa là sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; tham ô tài sản; và nhận hối lộ, vì "suy cho cùng các tội phạm này mang tính chất kinh tế, vụ lợi".
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết ý kiến của Chính phủ: "Hiện ta đang đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng, nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả, việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ là chưa phù hợp, dễ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nước ta nương tay với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ".
Còn tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh hiện đang phổ biến, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người, nên vẫn cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình.
Bước đầu cho ý kiến, nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp có thêm một loại ý kiến là không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Lý do đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng, nước ta lại nằm trong khu vực có sự phức tạp về an ninh, nguy cơ chiến tranh xung đột vẫn hiện hữu, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Công Hồng cho biết.
Xâm phạm quyền biểu tình có thể bị 7 năm tù
Dự thảo bộ luật Hình sự còn có một số điểm mới đáng chú ý như: Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của người dân.
Cụ thể, người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây hậu quả nghiêm trọng, thì có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Một số hành vi khác cũng có thể bị phạt tù là lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
Phạm tội trả thù người khiếu nại, tố cáo; gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù 2-5 năm. Trong các trường hợp có tổ chức; gây mất trật tự, an toàn xã hội; làm nạn nhân tự sát; gây hậu quả rất nghiêm trọng; đặc biệt nghiêm trọng khác, thì phạt tù 3-7 năm.
UB Tư pháp QH sẽ dành cả ngày mai 1/4 để thẩm tra dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi.
Chung Hoàng/VnN

Phần nhận xét hiển thị trên trang