Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Giáo dục và định mệnh quốc gia

Trong lịch sử, Việt Nam chưa bao giờ được thế giới biết đến như một nước giàu có, một xã hội thịnh vượng. Kinh tế nước ta xưa nay chủ yếu là nước trồng lúa và làm tiểu thương. Mãi gần đây, nước ta mới trở thành một nước xuất khẩu nông sản và thủy sản, nhưng giá trị xuất khẩu chưa phải lớn đối với một quốc gia trong thế giới ngày nay.

Công nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn ứng dụng các máy móc, công nghệ nước ngoài. Sản phẩm lắp ráp theo thiết kế, thương hiệu, linh kiện nước ngoài vẫn là chủ yếu. Các sản phẩm hàng công nghiệp và tiêu dùng có tính cạnh tranh của Việt Nam chưa có mấy, so với các nước ASEAN đã yếu, so với toàn thế giới thì rất yếu.
Việt Nam chưa có gì đáng tự hào về khoa học. Gần đây, một số người Việt nổi lên, có tên tuổi trong các lĩnh vực Toán, Vật lý, nhưng họ đã là công dân của các nước khác, sống và làm việc ở nước ngoài.
Những thứ thiết yếu cho cuộc sống như giáo dục, y tế, giao thông của nước ta yếu kém, lạc hậu rất nhiều so với thế giới. Văn học, điện ảnh nước ta hầu như không ra khỏi được biên giới nước ta, thậm chí thua ngay trên sân nhà.
Bề ngoài, hầu hết lĩnh vực nước ta tỏ ra sẵn sàng hội nhập quốc tế, cầu thị học hỏi, tiếp thu, ứng dụng tri thức nhân loại và các kinh nghiệm thực tiễn tiên tiến. Một trong những việc khởi động của nhiều đề án hoàn thiện, cải cách, nâng cấp quản lý nhà nước, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế nói chung, khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục, văn hóa… là đi khảo sát ở nước ngoài. Trong các đề án, có vô vàn thông tin, số liệu, minh họa, ví dụ ở Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… có tính thuyết phục cho các chính sách, giải pháp, kế hoạch hành động, ngân sách mà cơ quan chủ trì đề xuất. Thấy đúng quá rồi, yên tâm quá, làm thôi!
Nhưng tại sao ta cầu thị như thế, học hỏi, tiếp thu tri thức nhân loại và kinh nghiệm tiên tiến của thế giới như thế, mà các lĩnh vực nước ta cứ yếu kém, đì đẹt mãi vậy, càng đi, khoảng cách với thế giới càng xa vậy? Sự thật cay đắng là chúng ta chưa đủ trình độ để học hỏi và tiếp thu tinh hoa và kiến thức nhân loại, kể cả những thứ chẳng ai giữ bản quyền và đòi tiền bản quyền.
Chúng ta hay chê Trung Quốc chỉ giỏi làm “hàng nhái”. Nhưng “hàng nhái” mà là tàu vũ vụ, máy bay, tàu phá băng, tàu hoả cao tốc, giàn khoan viễn dương… thì họ đã phải ở trình độ nào mới “nhái” nổi của thiên hạ chứ? Chúng ta thử “nhái” cái tủ lạnh, lò vi sóng, bàn là, máy giặt, máy hút bụi… xem có ra gì không, có cạnh tranh được về chất lượng, giá cả không?
Tóm lại, nếu nói đến những thứ làm cho thế giới phục Việt Nam, ngoài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Việt Nam ta chưa giỏi việc gì khác. Là một nước yếu toàn diện về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật, Việt Nam sẽ luôn là “miếng mồi” của các cường quốc, những kẻ thèm muốn chiếm mảnh đất này, dù theo kiểu xâm lược cũ hay các kiểu xâm lược mới. Họ nghĩ Việt Nam đủ yếu để họ xâm lược và sẽ tìm cách xâm lược nước ta một khi họ vẫn nghĩ là nước ta nghèo yếu và chia rẽ. Nhưng chắc chắn là họ sẽ sai lầm, sẽ thất bại giống như những gì đã xảy ra với các cuộc xâm lược nước ta từ xưa đến nay.
Bị ngoại xâm và chiến thắng ngoại xâm – đó là định mệnh của Việt Nam. Chúng ta thích cái định mệnh đó hay muốn thay đổi nó?
Nếu chúng ta thích nó, hãy cứ sống như chúng ta đã và đang sống. Chắc chắn lịch sử sẽ lặp lại. Chúng ta sẽ lại có những chiến thắng vang dội năm châu và những vị tướng lừng danh thế giới. Nhưng Việt Nam ta sẽ không bao giờ có những nhà kinh doanh giỏi, những nhà khoa học giỏi, những nhà văn hóa, nghệ thuật giỏi, có ảnh hưởng với thế giới. Họ không thể xuất hiện ở một đất nước luôn luôn có nguy cơ bị xâm lược và triền miên đánh giặc ngoại xâm. Việt Nam sẽ không bao giờ giàu có, hiện đại và văn minh.
Nếu chúng ta muốn thay đổi cái định mệnh nghìn năm, không có cách nào khác là bắt đầu từ một nền giáo dục mới để tạo dựng những thế hệ người Việt mới. Họ sẽ học hỏi và tiếp thu tinh hoa, kiến thức của nhân loại, nhưng với sự nghiêm túc học hỏi và chất lượng tiếp thu cao hơn rất nhiều so với các thế hệ chúng ta. Những thế hệ người Việt mới sẽ nghĩ rất khác chúng ta hiện nay. Họ sẽ nghĩ không hay ho gì ba lần đại thắng quân Nguyên như cái giá của một nghìn năm Bắc thuộc. Tốt nhất là nước ta không bị họ xâm lược và vì thế không cần phải thắng họ.
Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc có 5 cường quốc là ủy viên thường trực thì nước ta đã buộc phải đánh nhau với 3 nước để bảo vệ độc lập, chủ quyền, với tổng thời gian chiến tranh trên 100 năm. Chúng ta đã chiến thắng họ một cách vang dội trong quá khứ. Nhưng các thế hệ người Việt mới sẽ biết cách để tránh chiến tranh trong tương lai. Họ biết cách làm sao để các kiểu “quân Nguyên” sẽ không bao giờ dám nghĩ tới việc xâm lược một Việt Nam giàu mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật và kéo theo là sức mạnh quân sự và ảnh hưởng của Việt Nam với thế giới. Chúng ta cần đầu tư mạnh vào các thế hệ người Việt mới như vậy.
Giống như Malaysia rộng lớn, đông dân chẳng bao giờ dám nghĩ tới việc “thu hồi” Singapore nhỏ bé từng là một phần trước kia của họ. Singapore đã thay đổi được định mệnh của mình. Họ đã bắt đầu từ giáo dục. Đối với Singapore, ông Lý Quang Diệu không chỉ là người lập quốc, ông còn là nhà tư tưởng và nhà giáo dục đại tài. Bằng việc áp dụng những gì tốt nhất của các nền giáo dục Anh, Mỹ, Singapore đã trở thành một trong những cường quốc giáo dục hàng đầu của giới. Nền giáo dục tiên tiến đã thay đổi toàn diện quốc đảo này. Người Singapore hiện nay tư duy rất khác ông cha họ đến từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ. Đối với các nước chưa thân thiện với Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ nói một câu: “If you beat me, I will beat you, and damage may be more on your side!” (“Nếu anh đánh tôi thì tôi sẽ đánh lại anh và có thể anh sẽ bị thiệt hại nhiều hơn đấy!). Singapore nói được, làm được.
Trước đó, từ năm 1868, được thuyết phục và khích lệ bởi tư tưởng “thoát Á” của nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi, Minh Trị Hoàng Đế nước Nhật đã thực hiện cuộc cải cách giáo dục hiếm có cả về chiều rộng và chiều sâu, giũ bỏ các tư tưởng, giá trị giáo dục cũ để xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới cho nước Nhật. Bức ảnh trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật Bản không phải của một ông vua hay một ông thủ tướng, mà của nhà tư tưởng – nhà giáo Fukuzawa Yukichi, người sáng lập Đại học tổng hợp Keio, tác giả của “Thoát Á Luận”.
Gần đây nhất, Hàn Quốc đã nổi lên như một ví dụ đầy thuyết phục về sự thay đổi định mệnh quốc gia. Trong vòng chỉ hơn 40 năm, Hàn Quốc đã trở thành một nền kinh tế lớn của thế giới, với công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ hiện đại. Đồng thời, nền giáo dục, khoa học Hàn Quốc đạt được rất nhiều thành tựu lớn, tiến sát các nước phát triển nhất. Về bản chất, Hàn Quốc là một quốc gia “thoát Á” thành công sau Nhật Bản và Singapore.
Với tất cả sự kính trọng đối với cha ông, tôi cho rằng, để thay đổi định mệnh của đất nước, dân tộc thì nhiều khi phải dám nghĩ và làm khác cha ông. Và điều đó chỉ có thể làm được thông qua giáo dục. Nói đúng hơn – thông qua cải cách và chấn hưng giáo dục, trên tinh thần khai sáng.
Lương Hoài Nam (VnExpress)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kế sách nào để giữ được con cá, giọt dầu?

Trung Quốc tuyên bố sẽ khai thác một mỏ dầu lớn có khả năng cung cấp 6 triệu thùng/năm trên biển Đông. Giới quan sát đánh giá có thể tuyên bố này tiếp tục gây căng thẳng trong khu vực.

Chưa có thông tin chính thức mỏ dầu mà Trung Quốc sẽ khai thác nằm ở đâu trên biển Đông, nhưng không loại trừ khả năng xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam. Bởi vì năm 2012, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã mời thầu thăm dò 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Mới đây là việc đưa giàn khoan khổng lồ HD 981 đến hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trước tuyên bố của Trung Quốc, không thể không chuẩn bị các phương án đối phó. Trung Quốc đã có tiền lệ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, lần này rất có thể lặp lại.
Việt Nam đã bày tỏ thiện chí, tìm kiếp giải pháp tranh chấp bằng đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tại nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế, lãnh đạo Việt Nam đều phát biểu nêu rõ lập trường như vậy. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình hình biển Đông trong kỳ họp vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ quan điểm: “Ta mong muốn hai bên chân thành hợp tác để giải quyết những bất đồng giữa hai nước về vấn đề biên giới lãnh thổ trên biển đảo theo luật pháp quốc tế, UNCLOS, theo thỏa thuận lãnh đạo cấp cao hai nước về các nguyên tắc chỉ đạo, ta mong muốn, làm hết sức mình cùng Trung Quốc để có hòa bình hữu nghị hợp tác phát triển cùng có lợi, giải quyết thỏa đáng theo cách hai bên chấp nhận được trên cơ sở luật pháp quốc tế với những vấn đề còn tranh chấp, khác nhau”.
Còn Trung Quốc thì sao, họ không ngừng thực hiện những hành động gây hấn. Cuối tháng 11 vừa qua, hai tàu cá của ngư dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công, mạng sống của ngư dân trên tàu bị de dọa. Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, buộc phải lai dắt vào bờ. Không chỉ hai tàu bị tấn công, nhiều tàu khác của ngư dân Việt Nam cũng lâm vào tình trạng tương tự, bị tấn công và xua đuổi khỏi ngư trường truyền thống của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa.
Trung Quốc không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục đích độc chiếm biển Đông. Cả thế giới biết điều này, người Việt Nam ai cũng biết điều này, Trung Quốc cũng không cần che giấu ý đồ của họ.
Riêng đối với Trung Quốc, Việt Nam dùng kế sách “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” là phù hợp, uyển chuyển, mềm dẻo. Tuy nhiên, tôm cá trên biển Việt Nam đang bị Trung Quốc bắt, tài nguyên dầu dưới lòng biển Việt Nam bị Trung Quốc de dọa khai thác. Kế sách nào để giữ được con cá, giọt dầu?
Lê Chân Nhân (Dân Trí)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giới thiệu hoa quả sạch "Thủ đô gió ngàn" của Bông Mã Đề f b






















Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kẻ nào vậy ông Babel?

Việt gian mới là nguy hiểm!

>> Hàng chục ngàn vụ phá rừng, chỉ 10 vụ được xử 
>> Các dự án “nhạy cảm” của Trung Quốc bủa vây Đà Nẵng
>> Đâu chỉ đơn giản “Sai thì trả lại” – sai thì dừng…
>> Cái giá của sự bất công bằng
>> Bộ Phát triển Kinh tế dự đoán suy thoái kinh tế ở Nga vào đầu năm 2015


Nguyễn Thế Thịnh
Đừng đổ hô cho TT- Huế cấp đất trên đèo Hải Vân cho dự án nước ngoài mà tội họ. Theo tui nghĩ, các khu vực, vị trí chiến lược trọng yếu thì tất nhiên phải nắm giữ, nắm giữ thì theo kế hoạch phòng thủ từ trước, đất đó giao cho quốc phòng quản, ai dám cấp? Cái này càng nói càng lộ ra cái dở của nhà mình.

Sau dự án World Shine-Huế trên đèo Hải Vân- vị trí được cho là nhạy cảm - bị dư luận phản ứng thì phong trào... nhạy cảm đang tăng cao.

Theo đó, dự án trồng rau 11,6 ha tại thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang); dự án khu ký túc xá cho nhân viên Silver Shores (tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn); dự án khu phức hợp bến cảng du thuyền trên sông Hàn tại cảng cá Thuận Phước (cũ)… đều bị cho là nằm vùng nhạy cảm.
Mình trải thảm đỏ mời người ta đầu tư, người ta đầu tư vào rồi ưa đuổi khi nào thì đuổi là không có thật thà. 

Chừ tui hỏi nghe, Quốc hội vừa thông qua việc cho người nước ngoài mua nhà ở VN, họ sang họ mua những nhà đã xây, nhà do họ chọn,họ nhiều tiền họ mua cả tòa, cả khu, mình lại bảo nhạy cảm khôngbán nữa à? Chơi vậy đâu có được!

Nói thiệt với bà con, tui không thích kiểu chạy theo… nhạy cảm này. Kiểu ngày xưa đuổi Mỹ rồi sau đó chạy theo, anh Mỹ ơi, anh sang nhà em chơi dọa bọn hàng xóm cho em xí; ngày xưa đuổi Nga ra khỏi Cam Ranh, nay báo anh Nga ơi, anh sang ở đó dọa bọn hàng xóm cho em xí… Anh nào thì cũng phải xác định bền chặt.

Tui cũng không thích phân tích kẻ thù theo suy nghĩ của nhiều người bây giờ.

Vì tui nghĩ, nếu tui là kẻ thù của VN, tui không dại gì đầu tư vào các dự án có vị trí được cho là nhạy cảm đó để VN đề phòng; tui rót tiền cho người VN làm;

Việt gian mới là nguy hiểm. Mà Việt gian dễ mua vì nó tham!

Nói vui thế thôi, thời mà dùng điện thoại di động vô Google Map cũng coi được tận trong nhà bếp nhà họ rồi, ấn nút phát tên lửa vượt đại châu bùm phát rồi mà không cho làm bến du thuyền và tàu lượn nghe nó kỳ.

Mà không phải, ưa vẫn thì có lý khác, chẳng thế mà có hồi định lấy đất sân bay làm sân golf rồi bảo không ảnh hưởng đó sao? Chả phải đã giao rừng cho người nước ngoài rồi đó sao? Chả phải giao Tân Rai cho nước ngoài khai thác rồi sao?

Đã nói nhạy cảm chẳng có chỗ mô không nhạy cảm? Mắt, tai, mũi, miệng, ngực, lưng, mông, vú, chân, tay… có nhạy cảm không?

Theo tui chỗ mô lồi ra cũng nhạy cảm, lõm vào cũng nhạy cảm, không lồi không lõm cũng nhạy cảm… Nhạy cảm hết.

Vậy chỗ nhạy cảm để dùng hay để ngắm?

Nguồn: Thinhbabel


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đại chiến dầu thô: Nga ôn bài học đau đớn thời Reagan


(Quan hệ quốc tế) - Cuộc chiến dầu thô cùng với chính sách bao vây và cấm vận từ phương Tây gợi nhớ lại thời Chiến tranh lạnh với đòn đau từ Mỹ.

Sức chịu đựng của Nga trước gọng kìm cấm vận và giá dầu thô
Từ 0h00 ngày 12/9, EU quyết định áp đặt biện phạt trừng phạt kinh tế mới với Nga. Thị trường chứng khoán Nga bắt đầu chao đảo, tỷ giá đồng rúp – USD ngày 16/9 đã xuống thấp kỷ lục 38 rúp/01 USD (cụ thể là 38,68 rúp), đối với đồng euro – tỷ giá đã là 50,5 rúp/01 euro.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nga đang thiệt hại tới 140 tỷ USD (113 tỷ euro) mỗi năm do các biện pháp trừng phạt của Phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và giá dầu tụt dốc, song Tổng thống Vladimir Putin khẳng định những thiệt hại về kinh tế là "không đến mức tai hại".
Những tác động tiêu cực của giá dầu lao dốc
Giá dầu lao dốc có tác động tiêu cực đến kinh tế

Hãng tin RIA Novosti dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tại một diễn đàn kinh tế ở Moskva cho hay: "Chúng tôi thiệt hại khoảng 40 tỷ USD mỗi năm do các biện pháp trừng phạt mang động cơ địa chính trị".
Theo ông Siluanov, giá dầu sụt giảm cũng khiến nền kinh tế Nga thiệt hại "khoảng 90 đến 100 tỷ USD mỗi năm". Tuy nhiên, ông hạ thấp tác động của các biện pháp trừng phạt với các thiệt hại về kinh tế khi cho rằng giá dầu thô mới là yếu tố quyết định.
Ngày 21/11, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nước này đang cân nhắc cắt giảm sản lượng dầu để tăng giá. Theo ông Novak, Nga không có phương tiện kỹ thuật để nhanh chóng tăng hay giảm sản lượng dầu như Saudi Arabia, song Moskva đang nghiêm cứu "tính thiết thực của những biện pháp như vậy".
Liên quan đến giá dầu sụt giảm hay trượt giá đồng ruble của Nga, Tổng thống Putin đánh giá: "Kinh tế Nga bị ảnh hưởng từ những đòn trừng phạt của EU. Nhưng về nguy cơ "những hậu quả thảm khốc" thì tôi bác bỏ điều đó."
Đồng thời, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không sa vào con đường này trong bất kỳ hoàn cảnh nào và chẳng ai có thể vây hãm chúng tôi. Họ đang nói về những điều bất khả thi". Thực tế, Mỹ đang nỗ lực cô lập nước Nga và khiến nền kinh tế Nga suy thoái, thậm chí là khủng hoảng bằng các biện pháp trừng phạt mà họ và đồng minh theo đuổi.
Cay đắng với đòn của Reagan
Không phải đến bây giờ nền kinh tế Nga, đặc biệt là liên quan đến dầu mỏ mới chịu ảnh hưởng nặng nề từ những chính sách bao vây của phương Tây, mà từ những năm 1980, nền kinh tế Liên Xô đã 'nếm mùi' cay đắng bởi chính sách của Mỹ.
Khi đó, Tổng thống R.Reagan công bố quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với tất cả các công ty và các nước sử dụng giấy phép sản xuất cũng như trang thiết bị, máy móc và vật liệu được sản xuất có ứng dụng công nghệ Mỹ nếu hợp tác với Liên Xô.
Quyết định này của Mỹ đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Châu Âu, nhưng lần này ít có nước nào dám chống lại. Và không lâu sau đó các dự án công nghiệp Xô Viết (trước hết là dự án đường dẫn khí đốt) đối mặt với nguy cơ Phương Tây cắt giảm cung cấp các mặt hàng công nghệ cao đã được thỏa thuận từ trước.
Nếu như vào cuối những năm 1970, tỷ lệ hàng hóa công nghệ cao trong xuất khẩu của Mỹ vào Liên Xô vượt 30%, thì đến năm 1982, tỷ lệ này chỉ còn 7%. Xu hướng như vậy cũng bắt đầu xuất hiện trong quan hệ kinh tế với Châu Âu.
Đòn tiếp theo của Mỹ giáng vào Liên Xô là trong lĩnh vực tiền tệ. Các khoản thu ngoại tệ chủ yếu của Liên Xô đều từ thị trường dầu mỏ, nơi mà mọi giao dịch thanh toán đều được thực hiện bằng USD. Từ mùa thu năm 1984, trong vòng một năm Mỹ đã phá giá đồng USD tới 25%.
Từ thời gian đó, Liên Xô nhận được từ xuất khẩu dầu mỏ bằng đồng đôla đã giảm giá tới 1/4 và vẫn nhập khẩu hàng tiêu dùng và trang thiết bị từ Châu Âu bằng các đồng tiền đang lên giá của các nước này. Thặng dư thương mại Liên Xô ngày càng giảm.
Tháng 4/1985, Hội nghị Trung ương ĐCS Liên Xô họp và đưa ra các mục tiêu của chiến lược “cải tổ”. Nguyên nhân dẫn đến việc giới lãnh đạo Xô Viết đồng ý thay đổi là những khó khăn kinh tế mà Liên Xô đang phải đối mặt.
Việc quá tập trung các nguồn lực chủ yếu để đối đầu với Mỹ đã làm tổn hại nặng cho nền kinh tế. Nhưng điều quan trọng nhất – khoảng cách tụt hậu công nghệ so với Phương Tây ngày càng tăng. Lại cũng chính vào thời điểm này, Mỹ đã thành công trong việc gây sức ép với Saudi Arabia để đánh sụp “chỗ dựa” của nền kinh tế Xô Viết. Mùa hè năm 1985, Saudi Arabia đã mở kho dự trữ dầu và tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu.
Đến cuối năm 1985, sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia tăng từ 2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng/ngày – giá dầu trên thế giới giảm từ 30 xuống còn 12 USD/thùng. Chỉ riêng thiệt hại do giá dầu giảm của Liên Xô trong những tháng đó đã là hơn 10 tỷ USD.
Lại cũng trong khoảng thời gian này Liên Xô mất gần 2 tỷ USD tiền xuất khẩu vũ khí –lý do: Iran, Iraq và Lybia do khoản thu nhập từ xuất khẩu dầu bị suy giảm đột ngột nên đã không thể thanh toán khoản tiền nhập khẩu vũ khí cho Liên Xô.
Người dân Liên Xô đã bắt đầu không thể mua được một số mặt hàng Phương Tây (lương thực - thực phẩm, chi tiết máy, hàng tiêu dùng) vì giá quá cao. Mùa hè năm 1986, Liên Xô đã phải tăng lượng xuất khẩu dầu mỏ lên 5 lần nhưng cũng chỉ mua được một khối lượng trang thiết bị của Tây Đức như cách đó một năm trước.
Kết quả là, bắt đầu từ năm 1985, thâm hụt ngân sách của Liên Xô ngày càng lớn (từ 18 tỷ rúp năm 1985 lên đến 76 tỷ rúp năm 1990, trong khi tổng thu ngân sách hơn 400 tỷ rúp một chút). Thực tế đó buộc chính phủ lại phải tìm các khoản vay mới từ bên ngoài...
Hòa Sơn (tổng hợp)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nếu như ngày mai xảy ra chiến tranh Nga - Mỹ

(Đất Việt)

(Quan hệ quốc tế) - Xin giới thiệu với bạn đọc một cách nhìn về tương quan sức mạnh quân sự Mỹ-Nga.

Bài viết của Thượng tướng Leonhid Ivashov, Chủ tịch Trung tâm phân tích địa-chính trị (từ năm 1996 đến 2001- Chủ nhiệm Tổng cục hợp tác quân sự quốc tế Bộ Quốc phòng LB Nga) qua bài trả lời phỏng vấn Báo “ Bình luận quân sự độc lập” đăng ngày 28/11/2014 để tham khảo.
Trước hết là câu kết luận của ông: “Lá chắn hạt nhân của chúng ta (Nga) không đảm bảo được an ninh ”.
Sau đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn:
Thưa Leonhid Grigorievich (cách gọi kính trọng Ivanshov), chúng ta (Nga) đã thu được gì sau 1/4 thế kỷ cái gọi là đối tác với Phương Tây: NATO với hệ thống phòng thủ tên lửa Châu Âu (NMD Châu Âu) đã ở ngay sát nách, hạm đội Mỹ với hệ thống “Aegis” ngay sát bờ chúng ta, tại Ukraine đang xảy ra nội chiến, trên mặt trận ngoại giao không có gì thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn, còn hợp tác quân sự quốc tế gần như bị ngưng lại… Thành thử có lẽ chỉ còn trông vào sự cân bằng cán cân Lực lượng kiềm chế hạt nhân với Mỹ, như mới được (các quan chức Nga) tuyên bố thời gian gần đây?
Không thể trông chờ vào (sự cân bằng) đó. Trên các phương tiện mang đã được triển khai, chúng ta có nhiều hơn một khối tác chiến so với người Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa lý gì cả, bởi vì tiềm lực hạt nhân chiến lược của chúng ta đã không còn là yếu tố đảm bảo an ninh .
Hải  quân Mỹ đã sở hữu vũ khí chống tên lửa và chống vệ tinh rất hiệu quả .Ảnh www.navy.mil
Hải quân Mỹ đã sở hữu vũ khí chống tên lửa và chống vệ tinh rất hiệu quả .Ảnh www.navy.mil
Tuyên bố ấn tượng quá!
Chúng ta hãy cùng xem xét. Nga chỉ có thể tấn công lãnh thổ Mỹ bằng các tên lửa đạn đạo, nhưng người Mỹ có thể tấn công lãnh thổ chúng ta không chỉ bằng các tên lửa đạn đạo, mà còn cả tên lửa có cánh mà Mỹ đang có trong kho hàng nghìn quả.
Theo tính toán, trong đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu (của Mỹ) , thậm chí (Mỹ) không cần dùng đến vũ khí hạt nhân thì cũng đã có đến 70% các phương tiện tên lửa hạt nhân của Nga bị tiêu diệt
Ai đưa ra những tính toán như vậy?
Người Mỹ đã tính các kịch bản trên trên máy tính và luyện tập các phương án trong các cuộc tập trận tham mưu - chỉ huy.
Họ đã tính như sau: sau đòn tấn công toàn cầu – thôi chúng ta không nói về tỷ lệ nữa – phần lớn các tổ hợp “ Topol”, “ Iars” trong các hầm phóng và trên các tàu ngầm sẽ bị tiêu diệt, đồng thời, các vệ tinh của Nga như vệ tinh trinh sát, dẫn đường và v.v cũng sẽ bị tấn công .
Mỹ đã có Cụm phương tiện tấn công vũ trụ các mục tiêu như vậy và nó có thể được tăng cường vào bất kỳ thời điểm nào. Bên cạnh đó , Lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ cũng được hệ thống NMD bảo vệ một cách chắc chắn.
“Chắc chắn” có nghĩa như thế nào? Từ thời Xô Viết, người ta đã khẳng định là không có một hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào đảm bảo 100% và sẽ không có một hệ thống nào như vậy.
Như đã biết, chỉ có thể bảo hiểm mới đảm bảo 100%, nhưng hệ thống NMD toàn cầu của Mỹ, căn cứ vào những lần bắn thử nghiệm mới đây nhất, - là một công cụ cực kỳ hiệu quả. Trước hết là các tàu chiến được trang bị hệ thống thông tin- điều khiển “Aegis”,- theo chương trình (của Mỹ), sẽ có 93 đơn vị tàu như vậy được triển khai - mỗi một tàu có tới hàng trăm tên lửa đánh chặn.
Đúng ra (Nga) phải đặc biệt chú ý đến “Aegis” bố trí trên các tàu, vì nó rất cơ động và không nghi ngờ gì nữa, trong giai đoạn đe dọa, các tàu lớp này sẽ có mặt ngay dưới quỹ đạo bay của các tên lửa chúng ta (Nga).
Hơn nữa, các tàu này hiện đang liên tục xuất hiện lúc thì ở Biển Baren, lúc thì ở Biển Đen, còn chiếc tàu tuần dương mang tên lửa có điều khiển hiện đại nhất của Mỹ “Monterey” đang thường xuyên có mặt dọc các bờ biển của nước ta (Nga)
Còn các thành tố trên mặt đất trong hệ thống NMD của Mỹ ở Ba Lan và Rumani. Các hệ thống được bố trí tại đó có tầm bắn 5.500 km, có nghĩa là với tới tận sông Volga.
Từ thực tế trên, có thể rút ra kết luận là vào thời điểm này người Mỹ sở hữu khả năng tiêu diệt các tên lửa chúng ta khi chúng bắt đầu tăng tốc, “xử lý” các khối tác chiến khi chúng đang bay trên quỹ đạo và khi các đầu tác chiến bay trong bầu khí quyển, các tổ hợp THAAD và Patriot (của Mỹ) sẽ vào cuộc.
Đến năm 2018, Mỹ lên kế hoạch sở hữu hệ thống NMD có thể bảo vệ Mỹ trước các Lực lượng hạt nhân của Nga - nếu như không được 100 % - dĩ nhiên là rất khó để đạt được tỷ lệ như vậy – thì cũng với mức độ rất cao.
Chúng ta (Nga) không có hệ thống NMD như vậy. Chính vì vậy mà có thể hình dung như sau: khoảng vài chục khối tác chiến của Nga sẽ bay đến lãnh thổ nước Mỹ, còn từ Mỹ đến Nga – khoảng 500. Mỹ phóng bao nhiêu tên lửa thì sẽ có bấy nhiêu quả bay đến lãnh thổ Nga, -chúng ta (Nga) không có gì để đánh chặn chúng .
Hiện không có bất cứ một sự cân bằng chiến lược nào và cần phải chấp nhận một thực tế là người Mỹ đang có một tiềm lực (quân sự) tiến gần đến ngưỡng đạt ưu thế quyết định trước các Lực lượng vũ trang Liên Bang Nga
HƯỚNG CỦA ĐÒN TẤN CÔNG CHỦ YẾU (Tiêu đề là của “ Bình luận quân sự độc lập”)
Người Mỹ sẽ sử hiện thực hóa ưu thế của mình như thế nào?
Tôi có lẽ không loại trừ khả năng tiến hành đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu, bởi vì các sự kiện trên thế giới đang phát triển theo hướng buộc người Mỹ phải hành động. Hãy nhìn xem. Năm 2015, Trung Quốc sẽ tuyên bố là nền kinh tế số một thế giới, có nghĩa là Mỹ mất vai trò dẫn đầu trong kinh tế .
Còn nước Nga, mặc dù có những vấn đề nội bộ của mình, đã trở thành quốc gia dẫn đầu các tiến trình chính trị, và tôi có thể nói ở mức cao hơn - là địa - chính trị của một thế giới đổi mới với những đường nét cơ bản đang được thể hiện rõ: thành lập Quốc gia liên minh (Nga- Belarus-ND), Liên minh Á-Âu đã được công bố thành lập, thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải,- nhưng quan trọng nhất vẫn là nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) . Trong mọi trường hợp, người đưa ra sáng kiến đầu tiên đều là Nga.
Tại sao BRICS lại làm siêu cường duy nhất trên thế giới quan ngại?
Thứ nhất, BRICS – đấy là một nửa thế giới. Thứ hai , đây không chỉ đơn giản chỉ là các quốc gia, mà là các nước đại diện cho các nền văn minh. Nếu xét về bản chất, đây là một Liên minh của các nền văn minh không phải là văn minh Phương Tây.
Ngoài ra, trong khuôn khổ nhóm BRICS cũng đã thiết lập những cơ cấu thay thế IMF, WB và Hệ thống dự trữ liên bang (Mỹ-ND), đã có những thỏa thuận về thanh toán trong thương mại bằng các đồng tiền không phải là đôla. Dễ gì người Mỹ có thể chấp nhận vai trò thứ hai trong kinh tế và trong nền chính trị thế giới.
Ông cho rằng, chỉ cần thay đồng đô la bằng đồng rúp và đồng nhân dân tệ là đủ cơ sở để Mỹ sử dụng lực lượng vũ trang?
Như chúng ta đã biết, sau ngày 11/9/2001 Mỹ đã thông qua các đạo luật và các sắc luật và đã được Quốc hội phê chuẩn- các đạo luật và sắc luật này cho phép Mỹ có quyền tiến hành các đòn tấn công bất kỳ quốc gia nào nếu Mỹ cho rằng là trên lãnh thổ quốc gia đó đang hình thành các mối đe dọa an ninh Mỹ .
Thực chất, những đạo luật như vậy đã phá vỡ các cơ sở của Luật pháp quốc tế và toàn bộ hệ thống an ninh. Nhưng chúng đã được thử nghiệm ở Nam Tư, Iraq và Lybia, và bây giờ nó đang nhằm vào Nga.
Công tác chuẩn bị đã được tiến hành: bắt đầu là từ diễn đàn Đại Hội đồng LHQ và sau đó là tại diễn đàn G-20 - B.Obama tuyên bố là cùng với dịch sốt Ebola, nước Nga là mối đe dọa chủ yếu đối với nhân loại.
Đổ thêm dầu vào lửa là phát biểu mới đây của Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang thống nhất NATO tại Châu Âu, tướng Mỹ Philip Breedlove về việc Nga đe dọa Phương Tây, vì “nước này đang tiến sát đến biên giới NATO”.
Có lẽ vì ông này học kém ở West-Point (Học viện quân sự nổi tiếng của Mỹ) chăng?
Dù thế nào đi nữa thì tiếp sau các tuyên bố như trên đã có các bước đi cụ thể. Chúng ta ít để ý đến một thực tế là hiện nay NATO đã tập trung gần như toàn bộ những gì cần thiết để tiến hành đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu,- khối này đã triển khai ngay sát biên giới của chúng ta thêm 5 căn cứ quân sự nữa.
Thêm một dẫn chứng : Ba Lan đưa ra sáng kiến thành lập một liên minh chống tên lửa với Latvia, Estonia và Litva – những động thái như vậy nhằm mục đích gì?
Nói chung, chỉ có những kẻ mù, điếc và thiểu năng mới không hiểu một thực tế: Chúng ta (Nga) đã bị một vành đai chống tên lửa bao vây từ 4 phía.
NGA CẦN CÁC CĂN CỨ SÁT NÁCH MỸ
Bức tranh có vẻ ảm đạm quá (nguyên văn - ngày tận thế). Chúng ta phải làm gì, nếu như, như ông đã khẳng định là ngày mai có thể xảy ra chiến tranh?
Nếu như chúng ta không thể chặn được tên lửa đạn đạo, nếu như chúng ta không có phương tiện để đánh chặn, thậm chí chỉ để phát hiện tên lửa có cánh, cần phải thay đổi một cách căn bản cách tiếp cận quân sự- chiến lược đối với vấn đề đảm bảo an ninh- phải cấp tốc thành lập các cụm quân tấn công và bố trí chúng ngay sát nước Mỹ để có khả năng ngay lập tức tấn công lãnh thổ Mỹ .
Không những thế, cần phải giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ. Nó bao gồm các tàu nổi và tàu ngầm mang tên lửa có cánh cùng các cụm quân mặt đất trên lãnh thổ các nước bạn bè của chúng ta.
Lại một cuộc khủng hoảng Caribe lần nữa chăng?
Người Mỹ không để cho chúng ta một lối thoát nào khác. Phương án số một – tấn công lãnh thổ nước Mỹ từ cự ly gần nhất có thể. Tại sao các tàu của chúng ta không thể hiện diện gần bờ biển Mỹ, nếu các tàu sân bay của Mỹ nghễu nghiện ngay sát nách chúng ta - ở Nhật Bản cũng đã triển khai hệ thống “Aegis”?
Nói chung, chính chúng ta (Nga) có lỗi, tự mình đưa mình vào tình thế khó khăn như hiện nay – tự mình giải trừ quân bị không có chừng mực trong khi người Mỹ đã làm tất cả để đạt được ưu thế quân sự quyết định trước chúng ta.
Như vậy ông khẳng định rằng, chiến dịch “Khủng hoảng Caribe lần hai” sẽ có ích cho chúng ta?
Năm 1962, các đòn tấn công hạt nhân vào Liên Xô được ngăn chặn bởi vì chúng ta đã triển khai các tên lửa hạt nhân và không quân tại CuBa . Xin hãy nhớ lại những diễn biến sự kiện. Người Mỹ bắt đầu triển khai tên lửa tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch của Mỹ khi thành lập cụm quân tên lửa và không quân như vậy là để ngay lập tức tiến công 300 thành phố của Liên Xô.
Và nếu như những lực lượng cần thiết đã được triển khai đầy đủ thì không còn nghi ngờ gì nữa, đòn tấn công đã được thực hiện. Nhưng khi đó, các tên lửa của chúng ta xuất hiện ngay trước mũi người Mỹ, và vì người Mỹ quá hiểu là sẽ có các đòn tấn công trả đũa nên tâm lý hiếu chiến của xã hội Mỹ mà trước hết là của giới lãnh đạo mới nhanh chóng nguội đi, vì thế mới có các thỏa hiệp và sau đó là tiến trình giải trừ quân bị.
Mười năm sau đó chúng ta (Nga-Mỹ) ký được Hiệp ước về hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa (năm 1972) và đã thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp- được gọi là đường dây đỏ (nóng) nối Lãnh đạo Mỹ và lãnh đạo Liên Xô để đề phòng những trường hợp không lường trước .
Và trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang không có gì để đánh trả đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu, ngoài việc thực hiện lại kịch bản năm 1962, mà cụ thể là : bố trí vũ khí chính xác cao của chúng ta sát biên giới nước Mỹ , để có thể đảm bảo chắc chắn là sẽ đánh đòn trả đũa .
Liệu ý tưởng sử dụng lãnh thổ BRICS cho các mục đích trên có thực tế không?
Trước hết, trong tình hình quốc tế như hiện nay cần phải thỏa thuận với người Trung Quốc về hợp tác chống lại các hệ thống NMD của nước ngoài .
Trong thỏa thuận đó cần phải có một điều khoản nào đó ghi nhớ là trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc các đòn tấn công phi hạt nhân ồ ạt , thì để đáp trả , chúng ta (Nga và Trung Quốc-ND) sẽ áp dụng một số biện pháp chung nhất định nào đó .
Người Trung Quốc hiện giờ chưa sẵn sàng cho một liên minh quân sự lớn (với Nga-ND), nhưng để thiết lập mối quan hệ đồng minh ở một hướng nhất định nào đó, rất có thể họ sẽ sẵn sàng .
Ví dụ như trong năm nay, Hải quân của chúng ta đã tham gia vào các cuộc tập trận chung với Trung Quốc với kịch bản phá tuyến phong tỏa eo biển Malacka- tuyến giao thông đường thủy mà Trung Quốc sử dụng để vận chuyển nhiên liệu về Trung Quốc .
Và tương tự như vậy,- cũng có thể đối thoại (với Trung Quốc) về vấn đề chống lại NMD của Mỹ . Đây sẽ là một nhân tố chính trị- ngoại giao mạnh có tác dụng kiềm chế (Mỹ) . Và nói chung, lẽ ra (Nga) đã phải suy nghĩ về việc thành lập một hệ thống an ninh quốc tế chung trong khuôn khổ BRICS từ lâu rồi .
Và tất cả Châu Mỹ La Tinh, như người ta đã biết là nơi có tâm lý bài Mỹ rất mạnh, cũng đồng ý?
Nếu công khai thì chắc là khó, họ sẽ thận trọng vì những lý do kinh tế và chính trị . Tất cả họ đều hiểu rất rõ là các cơ quan đặc biệt Mỹ (tình báo) là những chuyên gia thượng thặng về đảo chính và các cuộc cách mạng màu .
Nhưng trong lĩnh vực ngoại giao còn có những hệ thống những thỏa thuận không công khai. Và không có gì quá gây khó khăn cho các bên để có thể thỏa thuận với nhau về việc bố trí căn cứ các tàu của Nga, ví dụ như ở Venexuela, hay Brazil.
PHƯƠNG TÂY BUỘC PHẢI IM LẶNG NHƯ THẾ NÀO?
Liệu ngành ngoại giao của chúng ta có thể hoạt động hiệu quả ở quy mô xuyên quốc gia, nếu như trong tất cả các trận chiến sau bàn đàm phán ở Châu Âu, chúng ta - nếu nói một cách thực chất, đều đã thua và cho phép NATO tiến sát đến biên giới của chúng ta?
Chúng ta thua, bởi vì chúng ta không tự chủ - bị rơi vào cái thòng lọng kinh tế- tài chính của Mỹ. Và còn cái gọi là đạo quân thứ năm đã thâm nhập sâu vào tất cả các nhánh quyền lực (của Nga) .
Chúng ta từng thể hiện rõ quan điểm của mình, nhưng sau đó lại bị sức ép cả từ bên ngoài và từ bên trong, và chúng ta lùi lại. Theo các quy luật trong nghệ thuật quân sự, những kẻ bỏ chạy sẽ bị truy đuổi và đánh tan..
Có lẽ ông cũng biết là nhân kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ Mikhail Gorbachev đã tuyên bố, dường như không ai đưa ra bảo đảm với chúng ta về việc không mở rộng NATO về hướng Đông, thậm chí đã không có một cuộc trao đổi nào về vấn đề này?
Điều đó không đúng sự thật. Không những thế, khi Hiệp ước cơ sở (về mối quan hệ Nga- NATO, hợp tác và an ninh – ký tháng 5/1997 tại Paris- ND), các bên đều thống nhất là đã hình thành một hệ thống an ninh tập thể và NATO không có lý do gì để mở rộng sang hướng Đông .
Người Ý, người Hy Lạp, người Bỉ và cả người Đức đều chống lại việc triển khai các cơ sở hạ tầng quân sự tại các nước thành viên cũ khối Warszawa.
Nhưng người Mỹ ấn nút và - tất cả đều im bặt. Đấy chính là lý do tại sao tất cả các tổng thư ký NATO đều làm tôi liên tưởng đến hình ảnh các con cờ trên bàn cờ và do những người chơi mạnh hơn điều khiển .
Có lẽ chỉ có G.Roberon là có quan điểm độc lập. Còn Javier Solana - bị các đại tá Mỹ chỉ huy. Điều này tôi đã nói thẳng với J.Solana, ông ta tự ái và đã phàn nàn về tôi với Nguyên soái Xergeev.
Ở cấp độ nhà nước cũng vậy. Hans Dietrich Genscher và Helmut Kohl (các thủ tướng Đức – ND) đều là các chính khách rất độc lập. Nhưng người Mỹ đã thay thế họ bằng những nhân vật dễ bảo hơn.
Tôi không biết là trong các cuộc gặp kín Angel Merkel đã nói với V.Putin những gì , nhưng khi công khai bà này thể hiện một lập trường trung thành hoàn toàn với ngài B.Obama. Cũng có thể, bà này bị sức ép.
Ý ông muốn nói tới việc đã “tóm được điểm yếu” của nhau để sử dụng nếu cần thiết ?
Thế các bạn nghĩ là người Mỹ không có khả năng làm những việc này à?
Một ví dụ. Khi lập kể hoạch đổ quân xuống Prishtina (chiến dịch đổ bộ một tiểu đoàn lính đổ bộ đường không Nga xuống Prishtina – thủ phủ Kosovo ngày 11,12 / 6/1999-ND) thì chúng ta, để loại trừ các cuộc xung đột vũ trang (với các nước NATO) đã báo trước cho lãnh đạo bộ quốc phòng một số nước Châu Âu, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Đức R. Sharping, vì ông này và các tướng lĩnh của mình đều có mong muốn hợp tác (với Nga) .
Thậm chí (chúng ta) còn tiến hành các cuộc hội nghị và mời Sharping đến dự, còn Tổng tư lệnh các Lực lượng thống nhất NATO tại Kosovo là đại tướng Mỹ Wesley Clark thì không được mời. Và người ta đã không tha thứ cho R.Sharping về điều đó – họ đã truy ra ông này thời còn trẻ đã tham gia vào một tổ chức cấp tiến nào đấy và cách chức.
Nói một cách khác , người Mỹ đã “dọn dẹp sạch” môi trường ngoại giao ở Châu Âu và chúng ta (Nga) không còn việc gì để làm ở đó nữa?
Tại sao lại thế! Tôi nghĩ rằng, vẫn có các cuộc đàm phán không công khai nào đó đang được tiến hành. Bởi vì không phải tất cả những cái gì tốt cho người Mỹ cũng đều thích hợp với Châu Âu.
Theo ông thì sẽ có kết quả chứ ?
Sẽ có, nếu như không quên rằng, chính sách đối ngoại chỉ mạnh khi đằng sau nó là một lực lượng quân sự mạnh .

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGUYỄN TUÂN có gien giang hồ


Nhà văn Nguyễn Tuân kể: “Tôi nghiện hút thuốc phiện và đi hát ả đào mê say, lúc đầu thì bà ấy cũng can ngăn, nhưng thấy tôi lì lợm quá không còn cách nào, bà ấy tìm cách đối phó. Hồi mẹ tôi mới làm cho cái nhà để mở hiệu sách, lấy cớ không muốn tôi la cà, bệ rạc, bà ấy sắm bàn đèn cho tôi hút ở nhà. Tôi cũng rủ bạn bè về nhà phá phách bà ấy quá lắm. Nhưng rồi cái tính phóng túng của tôi không để tôi ngồi nhà lâu, tôi lại lẳng lặng chuồn theo bạn bè đến nhà hát. Hút ở nhà hát có không khí hơn, bạn bè bù khú thoải mái hơn. Bà ấy đành bất lực. Bà nhà tôi không bao giờ càu nhàu, làm ầm ĩ nhà cửa lên. Có lẽ vì thế mà sau này tôi càng thấy quý và nể bà ấy. Vợ tôi chỉ nói những câu châm biếm mát mẻ mà làm mình ngượng đến chết. Ngày bà cụ tôi mất có rất nhiều bà chủ nhà hát ở Khâm Thiên đi đưa ma, bà ấy chỉ và nói thầm với ông chú tôi: “Ông ấy báo hiếu cho bà cụ đấy!”. Nhưng ngẫm nghĩ là tại mình chuốc lấy cái nghiệp chướng ấy, nên tôi có ngượng, có đau, cũng đành bấm bụng mà chịu, chứ biết nói sao”.


Nhà văn Nguyễn Tuân: “Nhà tôi có gien giang hồ”

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai là một người bạn vong niên thân thiết của nhà văn Nguyễn Tuân. Sinh thời, bà đã có những cuộc trao đổi, trò chuyện thú vị cùng nhà văn Nguyễn Tuân về cuộc đời, văn chương và những câu chuyện gia đình. Và nhà văn của Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Sông Đà, Chùa Đàn… hiện lên trong lời kể của nhà văn Ngọc Trai đầy những chi tiết sống động của đời thường mà nếu chỉ đọc văn ông độc giả sẽ không bao giờ hiểu được…
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai dần dần kể cho tôi nghe những câu chuyện về nhà văn Nguyễn Tuân. Trên tay bà vẫn cầm cuốn sổ tay cũ mèm theo thời gian với những ghi chép tỉ mẩn trong những cuộc gặp gỡ nhà văn tài hoa, ưa xê dịch với những tác phẩm chưa ai vượt qua của văn học Việt Nam đương đại. Hơn ai hết, bà là người quan tâm sâu sắc tới cơ duyên hình thành nên các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân. Bà từng hỏi về thói quen xây dựng một tác phẩm như thế nào? Làm thế nào để có cái sắc sảo, cái độc đáo như những tác phẩm của ông...

Và nhà văn đã chia sẻ: “Bắt đầu là anh có cái gì hay những cái gì để nói. Tìm ra cách để viết cho được cái gì hay những cái gì đó mới công phu. Vì vậy tôi vẫn hay nói rằng, một nhà văn mà chết đi là coi như bị cháy bao nhiêu bản thảo, dù chết trẻ hay chết già. Có nhiều vấn đề, nhiều dự định, khi nghĩ được thấy rất hay nhưng tìm cách để thể hiện nó trên trang giấy thật là khó, nhiều khi loay hoay mãi không tìm ra được, mất hứng rồi bỏ đấy, có khi bỏ hằng năm, hằng chục năm, nhân viết một cái khác lại tìm thấy cách để thể hiện cái cũ. Trường hợp đó là đáng mừng nhất. Nhưng thường là bỏ luôn, không viết được nữa. Cho nên nghĩ được nói được là một chuyện, còn viết ra được lại là chuyện khác, không dễ dàng gì đâu. Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi dự định viết một tập truyện ngắn lấy tên là Vang bóng một thời Tây, nói về nhà nho trong buổi đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây, có nhiều ý, nhiều chuyện hay lắm, thế mà rồi cứ lần chần mãi không viết ra được. Qua cái thời kỳ háo hức ban đầu rồi không còn hứng để viết nữa, thế là bỏ”.

Nhà văn Nguyễn Tuân có nhiều tác phẩm hay, được nhiều nhà phê bình khen chê khác nhau, nhưng bản thân ông, ông lại không ưa các nhà phê bình. Tôi từng hỏi ông, trước đây, trước cửa nhà nhà văn Nguyễn Tuân từng treo biển đề: “Không tiếp các nhà phê bình” có phải hay không, thì nhà văn Nguyễn Tuân trả lời: “Tôi không thích các nhà phê bình cơ hội chứ không phải tất cả các nhà phê bình và không treo cái biển nào như thế cả. Có những lúc bận hay mệt tôi có treo cái biển “Nguyễn Tuân đi vắng” rồi đóng cửa, còn bình thường lúc nào nhà tôi cùng mở rộng cửa đón bạn bè”. Ông cười bằng mắt rồi nói tiếp: “Kể ra nhà cứ mở cửa toang hoác như thế này nhiều khi cũng bị những kẻ bất lịch sự quấy nhiễu đến là khó chịu. Một lần tôi đang ngồi ở đây, có người ló vào hỏi trống không: “Mấy giờ rồi?”. Thấy vẻ mặt rất lấc cấc, tôi hỏi lại: “Anh hỏi tôi hay hỏi cái đồng hồ? Nếu hỏi cái đồng hồ thì đấy, đọc đi!” - Tôi chỉ cái đồng hồ cho hắn chứ không đọc hộ.
Có lần, tôi thấy trong người khó chịu, không muốn gặp ai, đã treo cái biển: “Nguyễn Tuân đi vắng” trước cửa rồi ngồi đây uống rượu, đọc sách, đột nhiên XT - đúng là một tay cơ hội, lại ra vẻ lãnh đạo, đến gõ cửa. Tôi phải đứng dậy ra mở cửa, nhìn cái mặt anh ta mình đã khó chịu, anh ta lại giở giọng hách: “Nguyễn Tuân có nhà đây sao lại bảo đi vắng?”. Mình chỉ vào cái biển đọc rành rọt: “Nguyễn Tuân đi vắng”. Nếu ông chưa tin vào cái biển này thì chính nhà văn Nguyễn Tuân bảo: “Nguyễn Tuân đi vắng” thế có được không? Biết là bị hố, ông ta bẽn lẽn quay lui”.

Hồi còn sống, nhà văn Nguyễn Tuân cũng từng nói vui với nhiều người rằng khi ông mất, không để cho các nhà phê bình đi đưa tang. Thậm chí, ông đã làm sẵn một danh sách những bạn bè mà ông mời đi đưa tang ông, không chỉ những anh phê bình tồi mà những kẻ cơ hội, nịnh bợ, giả dối, xin đừng để họ đi đưa tang ông. Ông cũng dặn vợ con khi hóa vàng cho ông, ngoài áo quần, bút mực, vàng mã nhớ đốt theo cho ông vài hình nộm anh phê bình. Biết đâu về cõi vĩnh hằng anh ta có thể làm phê bình chân chính, như vậy ông cũng có người trò chuyện, mà tranh luận cũng đỡ buồn.
Rồi ông kể: Đám tang nhà văn Nguyễn Công Hoan, thấy có nhiều vòng hoa và nhiều vị lãnh đạo đi đưa ma. Giữa đông đảo bạn bè ở sân 51 Trần Hưng Đạo, nhà thơ Bảo Định Giang đùa vui với Nguyễn Tuân: “Ông Tuân này lúc sống cứ hay gây gổ vậy chứ đến lúc ông mất, đám ma cũng to lắm đấy, tôi dự kiến là phải hàng trăm tràng hoa chứ không ít”. Nguyễn Tuân mới nói ngay rằng: “Thế thì tôi chỉ cần một vòng hoa là đủ, còn bao nhiêu ông tạm ứng trước đây cho tôi uống rượu”... Nguyễn Tuân còn di chúc cho Bảo Định Giang: “Nếu ông tổ chức đám ma tôi thì ông cứ thông báo với bạn bè rằng đừng có mang vòng hoa, ai thương tôi thì xin cứ góp tiền mua một xe xi-tec bia để bạn bè đi đưa tang được uống bia mà tiễn biệt mình”.

Nguyễn Tuân đã chuẩn bị cho buổi ra đi của mình một cách bình thản, dí dỏm và lạc quan như thế, nhưng từ trong đáy lòng, tôi biết ông đầy ưu tư và lưu luyến với cuộc đời này. Ông đã để lại cho đời những giá trị tinh thần quý báu, nhưng ông vẫn luôn day dứt về những điều muốn viết mà không viết ra được, luôn trăn trở về trách nhiệm công dân của nhà văn và cho rằng mình chưa đóng góp được bao nhiêu.
Là người đi nhiều, ưa “xê dịch”, những tưởng ông chỉ mải mê văn chương, nhưng thực tình nhà văn Nguyễn Tuân lại là người có tấm lòng yêu thương vợ con hết mực. Ông tự nhận xét: “Phải nói rằng họ nhà tôi có cái gien giang hồ. Gien di truyền nó là khoa học đấy! Không hiểu cụ tổ tôi thì thế nào chứ từ ông nội tôi, đến bố tôi và cho đến tôi thì cái gien giang hồ như ngày càng mạnh lên. Ông tôi và bố tôi là những người thích chu du đây đó, ra Bắc và Nam. Phải nói rằng tôi mê bố tôi chứ không chỉ là chịu ảnh hưởng thôi đâu. Tất nhiên là tôi bị  nhiễm cả cái tốt lẫn cái xấu của ông cụ. Bà cụ thường lo sợ thay cho tôi và nhiều lúc phản ứng ra mặt. Bố tôi nghiện thuốc phiện, rồi vợ bé con thêm chơi bời phóng túng, việc nhà phó thác một tay mẹ tôi. Bố tôi làm viên chức nhà nước nhưng kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mẹ tôi.
Có lần tôi hỏi xin bà cụ tiền, cụ hất hàm chỉ lên nhà trên, nơi ông cụ nằm hút và bảo: “Anh lên mà xin “nhà nước” ấy”. Bố tôi có các bà vợ bé ở Quảng Nam,  ở Huế, ông cụ thường vào ra thăm các bà và mỗi lúc đi cứ kéo tôi đi theo. Từ hồi trẻ tôi đã thích đi lang thang theo ông cụ như vậy. Bà cụ cản nhiều lần không được nên đành bỏ mặc. Nhưng có một nguyên tắc mà cụ kiên quyết không từ bỏ làm nhiều lúc tôi thật đến khổ: Bố con tôi đi đâu thì đi, nhưng đến ngày Tết bà cụ buộc tôi - ông con cả, nhất thiết phải có mặt ở nhà. Nhiều lúc, bố tôi mải rong chơi, sắp đến Tết cũng không nghĩ đến chuyện đưa tôi về, thế là bà cụ quyết lặn lội vào tận nơi đưa tôi về nhà ăn Tết cho bằng được. Những lúc tôi được lang thang theo ông cụ như vậy, cụ kể cho tôi đến lắm thứ chuyện. Những truyện trong Vang bóng một thời là dư âm của cuộc đời ông cụ và những chuyện kể của cụ đấy.
Thực tế thì tôi không có kỷ niệm đẹp về thời thơ ấu và tuổi thanh xuân. Tôi chưa có tuổi trẻ thì đã thành ông cụ non rồi. Tôi viết Vang bóng một thời và Thiếu quê hương từ những năm 29 - 30 tuổi, mà “Vang bóng” đúng là giọng điệu một ông cụ già hoài cổ, như vậy thì làm gì có tuổi trẻ. Có lẽ lúc nhỏ tôi chịu ảnh hưởng sự bất đắc chí của cha tôi. Lớn lên đi học tôi lại bất mãn với các thầy giáo tây đầm khinh miệt mình. Hồi đi học tôi rất lười và nghịch, chuyên ngồi cuối lớp để dễ bề trốn học và bày trò nghịch. Tôi chơi bời cũng là một cách phá phách để tự lẩn trốn mình chứ có thích thú gì đâu! Sau mỗi cuộc chơi bời phá phách về, mình lại tự chán mình, tự xỉ vả mình, nhưng sau đó vẫn thấy bế tắc, lại lao vào con đường cũ. Vào kháng chiến, đi với bộ đội, tôi thấy trẻ lại, tôi đã tìm thấy mình nên tôi thật lạc quan yêu đời, có lúc người ta còn thấy tôi ngây thơ, ấu trĩ nữa đấy!
Dù ảnh hưởng của người cha khá nhiều, song, nhà văn Nguyễn Tuân lại có một gia đình vẹn toàn, chung thủy. Học đến năm thứ hai trung học ông đã cưới vợ. Vợ ông là con gái hàng Bạc, cũng là môn đăng hộ đối do gia đình lựa chọn cho. Ông cưới vợ sớm, vì hồi đó bố ông ốm nặng, sợ không qua khỏi, Nguyễn Tuân là con trưởng, hai gia đình đã biết nhau rồi nên bà cụ muốn cưới sớm. Cuộc tình do sắp đặt, nhưng như đã nói ở trên, nhà văn Nguyễn Tuân yêu thương vợ con lắm. Cũng hiếm nhà văn nào có được người vợ như bà Nguyễn.
Nhà văn Nguyễn Tuân kể: “Tôi nghiện hút thuốc phiện và đi hát ả đào mê say, lúc đầu thì bà ấy cũng can ngăn, nhưng thấy tôi lì lợm quá không còn cách nào, bà ấy tìm cách đối phó. Hồi mẹ tôi mới làm cho cái nhà để mở hiệu sách, lấy cớ không muốn tôi la cà, bệ rạc, bà ấy sắm bàn đèn cho tôi hút ở nhà. Tôi cũng rủ bạn bè về nhà phá phách bà ấy quá lắm. Nhưng rồi cái tính phóng túng của tôi không để tôi ngồi nhà lâu, tôi lại lẳng lặng chuồn theo bạn bè đến nhà hát. Hút ở nhà hát có không khí hơn, bạn bè bù khú thoải mái hơn. Bà ấy đành bất lực. Bà nhà tôi không bao giờ càu nhàu, làm ầm ĩ nhà cửa lên. Có lẽ vì thế mà sau này tôi càng thấy quý và nể bà ấy. Vợ tôi chỉ nói những câu châm biếm mát mẻ mà làm mình ngượng đến chết. Ngày bà cụ tôi mất có rất nhiều bà chủ nhà hát ở Khâm Thiên đi đưa ma, bà ấy chỉ và nói thầm với ông chú tôi: “Ông ấy báo hiếu cho bà cụ đấy!”. Nhưng ngẫm nghĩ là tại mình chuốc lấy cái nghiệp chướng ấy, nên tôi có ngượng, có đau, cũng đành bấm bụng mà chịu, chứ biết nói sao”.
Có lần Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang, người bạn thân thiết của Nguyễn Tuân kể lại: “Ông ấy (Nguyễn Tuân) thì mê say với nghề nghiệp, quý vợ yêu con nhưng đôi lúc tâm hồn nghệ sĩ cũng đểnh đoảng lắm. Có lần ông dẫn Xuân Trường, con trai cả đi xem xine, tan buổi chiếu ông mải theo bạn bè đi chơi tiếp, bỏ quên ông con lại trong rạp. Ông con nằm ngủ chỏng queo trong rạp, đến khi thức dậy thấy rạp vắng hoe thì cuống lên. May sao vợ ông đã kịp đi tìm để đón con trai về, vậy mà Nguyễn Tuân đi chơi vẫn không hề hay biết.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai đang chuẩn bị cho tái bản cuốn sách Trò chuyện với Nguyễn Tuân, những tư liệu mà bà có được về nhà văn tài hoa, ưa xê dịch đã là một nguồn tư liệu quý, hiếm hoi để độc giả thế hệ sau hiểu hơn về con người và cuộc đời của một cây đại thụ của văn học Việt Nam
HUY TUẤN
( Ghi theo lời kể của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai)
Phần nhận xét hiển thị trên trang