Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Một khi đã bị đốn gục sẽ rất lắm chuyện. Dậu đổ bìm leo, đồng chí Chu ợ!

Chu Vĩnh Khang ‘vui vẻ’ với trên 400 phụ nữ do thuộc cấp dâng tặng

(TNO) Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, đang bị điều tra tham nhũng, được cho là có đến 6 căn nhà riêng để “vui vẻ” với trên 400 phụ nữ vốn là quà tặng hối lộ của các quan chức khác.
Tân Hoa xã vào cuối ngày 29.7 công bố thông tin ông Chu Vĩnh Khang đã bị chính phủ điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”, một thuật ngữ truyền thông Trung Quốc dùng để chỉ tham nhũng.
Ngay sau đó, các tin đồn xuất hiện cho rằng ông Chu còn có ý định ám sát Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tờ China Times, báo mẹ của trang tin Want China Times (Đài Loan), ngày 31.7 dẫn lời các điều tra viên cho rằng ông Chu có ít nhất 6 căn nhà riêng để “vui vẻ với phụ nữ” ở thủ đô Bắc Kinh.
Ông Chu (71 tuổi) còn được cho là đã quan hệ tình dục với xướng ngôn viên đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) Ye Yingchun trong xe hơi vào ngày 29.11.2013, theo China Times.
Tờ báo này cho rằng ông Chu bắt đầu có "bồ nhí" kể từ năm 1999, khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên.
Các quan chức, thuộc cấp hoặc cấp dưới thường xuyên dâng tặng phụ nữ cho ông Chu như quà hối lộ, nhờ ông dùng quyền lực để nâng đỡ họ.
Bà Jia Xiaoye, cựu xướng ngôn viên CCTV (vợ thứ hai của ông Chu), cũng được cho là “một món quà” mà phó chủ tịch CCTV tặng cho ông Chu.
Tuy nhiên, bà Jia (43 tuổi) bác bỏ thông tin này, cho rằng bà quen biết ông Chu thông qua các cuộc phỏng vấn.
Trong giai đoạn 2007-2012, ông Chu, từng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp trung ương, thường xuyên quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ khác nhau. Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân bị đồn là các tay “ma cô dẫn gái” cho ông Chu.
Ông Chu còn bị nghi là tham gia vào các hoạt động “đổi vợ” với các đồng nghiệp hoặc cấp dưới và quan hệ tình ái với bà Cốc Khai Lai, vợ của ông Bạc Hy Lai.
Bà Cốc Khai Lai bị kết án tử hình vào năm 2012 về tội ám sát doanh nhân người Anh Neil Heywood, Thế nhưng, bản án được hoãn thi hành trong 2 năm nên được gọi là tử hình treo và có thể được giảm án. Ông Bạc vào năm 2012 cũng lãnh án chung thân vì tội tham nhũng.
Phúc Duy

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ý đồ phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của VN

Trọng NghĩaNgày 20/07/1954, Hiệp định Genève được chính thức ký kết nhằm chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và tái lập hoà bình tại Đông Dương. Hiệp định này đã thừa nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng dù là một bên ký vào Hiệp định, ngay từ thời đó, Trung Quốc đã tìm cách lợi dụng Việt Nam và nuôi dã tâm phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Hội nghị Genève 1954, US Army
Trong vòng 60 năm qua, giới nghiên cứu đã có rất nhiều đánh giá về bản Hiệp định này, về vai trò của các bên chủ chốt tham gia cuộc đàm phán tại Genève, từ hai phái đoàn đại diện cho miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, cho đến Pháp, Mỹ, Liên Xô hay Trung Quốc, đặc biệt là trên vấn đề chia cắt Việt Nam thành hai miền, lấy đường ranh là vĩ tuyến 17.

Vào lúc chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa dữ dội, dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp định Genève 1954 đã nêu bật trở lại vai trò của Trung Quốc, trong việc bắt tay với Pháp tại Hội nghị Genève để chia cắt Việt Nam, một quyết định mà cả hai phái đoàn Việt Nam vào khi ấy phải miễn cưỡng chấp nhận.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, ý đồ đánh vào chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thể hiện vào thời Hiệp định Genève, đã được Bắc Kinh tiếp tục từ đó đến nay, với một loạt những hành động đi đêm ngoại giao với Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1970, ngay trong lúc Việt Nam đang lâm chiến với Mỹ, cho đến nhưng hành vi lấn chiếm biển đảo – Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988 và gần đây nhất là vụ đưa giàn khoan HD-981 vào hoạt động trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Đó là chưa kể đến việc Bắc Kinh nuôi dưỡng lực lượng Khmer Đỏ quấy phá vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam vào cuối thập niên 1970, và đặc biệt là vụ xua quân đánh vào các tỉnh thuộc vùng biên giới phía Bắc của Việt Nam vào năm 1979.

Trả lời phỏng vấn của RFI nhân kỷ niệm 60 năm bản Hiệp định Genève 1954, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay tại Hà Nội đã phân tích thêm về ý đồ lợi dụng Việt Nam của Trung Quốc ngay từ thời Hội nghị Genève, bước khởi đầu của một chiến lược lâu dài nhằm vào chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, trong đó có Biển Đông.

Đối với sử gia Dương Trung Quốc, « Giá trị cơ bản nhất của Hiệp định Genève đương nhiên là việc chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương Lần thứ I. Nhưng nội dung quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực chính là việc quốc tế thừa nhận chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ».

Trung Quốc là nước đã ký vào văn kiện quốc tế năm 1954 công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nhưng đồng thời, Trung Quốc lại tán đồng việc chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam Bắc. Theo sử gia Dương Trung Quốc, đó là vì trong toàn cảnh cuộc chiến tranh lạnh Đông-Tây vào thời đó, Bắc Kinh muốn biến Việt Nam thành lá chắn để bảo vệ Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ, dùng Việt Nam làm quân cờ để mặc cả với Hoa Kỳ khi Bắc Kinh cần thay đổi chiến lược.

Vấn đề được sử gia Dương Trung Quốc nêu bật là bất chấp sự chọc gậy bánh xe của Trung Quốc, Việt Nam vào năm 1975 đã thống nhất được đất nước. Phản ứng sau đó của Trung Quốc chính là xúi giục lực lượng Khmer Đỏ của Pol Pot mở cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam sau đó xua quân đánh vào vùng biên giới phía Bắc Việt Nam (1979).

Dụng tâm phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam còn được thấy qua việc dùng võ lực đánh chiếm nhiều bãi cạn do Việt Nam kiểm soát trên quần đảo Trường Sa (1988), và biết bao hành động quyết đoán khác tại vùng Biển Đông.

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc qua điện thoại.

Ý nghĩa quan trọng nhất : Lần đầu tiên quốc tế công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam 

DTQ : Nội dung căn bản nhất của Hiệp định Genève là đình chiến, (kết thúc) cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ I. Tuy nhiên sau đó người Việt Nam vẫn phải tiếp tục cuộc Chiến tranh Đông Dương thứ hai, rồi cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Sau Hiệp định Genève, như thế là chiến tranh chưa phải hoàn toàn chấm dứt. Hiệp định này, đối với người Việt Nam do đó chỉ là sự khởi đầu của một quá trình...

Giá trị cơ bản nhất của Hiệp định Genève đương nhiên là việc chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương Lần thứ I. Nhưng nội dung quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực chính là việc quốc tế thừa nhận chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đây là một điều hết sức quan trọng bởi vì nước Việt Nam hiện đại, thoát thai từ xã hội thuộc địa, gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập.

Nhưng để nền độc lập được thừa nhận và gắn với nền độc lập là sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đó là một cuộc phấn đấu không đơn giản…

Vì thế cái giá trị lớn nhất của Hiệp định Genève là công nhận nền độc lập đã được xác lập từ năm 1945, và đi cùng với nền độc lập ấy là sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ...

Trong lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, bên cạnh giá trị của hai chữ độc lập, vấn đề cực kỳ quan trọng là thống nhất quốc gia. mặc dù Hiệp định Genève quy định việc chia cắt Việt Nam tạm thời ra thành hai phần ở vĩ tuyến 17, nhưng thừa nhận trên tổng thể một nước Việt Nam thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…

Toàn vẹn lãnh thổ bao gồm cả vùng biển dù chưa được đặt ra

DTQ : Có thể nói đến một vấn đề vào thời điểm đó chưa đặt ra, nhưng có hệ quả cực kỳ quan trọng cho thời kỳ hiện nay : Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả một không gian sống còn là không gian biển.

Tuy không có câu chữ nào nói đến chủ quyền trên biển của Việt Nam, nhưng cái đó được thấy nếu « xâu chuỗi » lại tất cả các nội dung với những yếu tố có tính cách cam kết quốc tế trước đó, như tại Hội nghị San Francisco năm 1951 đã bàn về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, đã từng bác bỏ đề nghị trao những quần đảo đó cho Trung Quốc, và không phản đối ý kiến cho rằng Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tất cả đã được thề hiện trong các điều khoản mà chính Trung Quốc là một trong những nước quan trọng nhất, tham gia đóng góp và ký kết vào bản Hiệp định này…

Mỹ, một trong những nước tham gia Hiệp định Genève không ký kết vào văn bản này, đã phải ký Hiệp định Paris 20 năm sau, và điều khoản quan trọng đầu tiên cũng là thừa nhận sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam…

Vai trò “khả nghi” của Trung Quốc ngay từ thời Hiệp định Genève

DTQ : ...Chúng ta thường hay nhắc đến vai trò của Trung Quốc đối với những vấn đề liên quan đến bán đảo Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng

Người Trung Quốc thường hay nhắc đến ơn nghĩa của họ đối với Việt Nam... Tôi nghĩ rằng chúng ta sẵn sàng ghi nhận các đóng góp. Trong lịch sử, Trung Quốc quả là một đồng minh quan trọng của Việt Nam, nhất là trong cuộc Chiến tranh Đông Dương Lần thứ I...

Nhưng mà nói cho sòng phẳng… Trung Quốc cũng khai thác Việt Nam như một « không gian », một « điều kiện » trong quá trình trỗi dậy của mình. Nhìn vào lịch sử, sau khi thành lập CHND Trung Hoa vào năm 1949, bên cạnh vấn đề Triều Tiên, thì Đông Dương, và đặc biệt là Việt Nam là cơ hội để Trung Quốc bước vào võ đài thế giới.

Nếu Triều Tiên là một sự « không ai thắng ai thua », thì rõ ràng là Việt Nam với trận Điện Biên Phủ, và tác động của trận Điện Biên Phủ, (đã giúp) Trung Quốc (trở thành) đồng minh của bên thắng trận và điều đó cũng tạo ra cho Trung Quốc một vị thế để bước vào chính trường thế giới.

Nhưng mà chúng ta cũng thấy rất rõ là trong bối cảnh chung của thế giới sau Đại chiến Thứ II, thì lợi ích của các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, và đặc biệt là của Trung Quốc ở phương Đông là muốn tạo ra được những vị trí « tiền tiêu », ở đó không chỉ có sự đối đầu, mà đằng sau đó là một sự mặc cả giữa Đông và Tây.

Dã tâm dùng Việt Nam làm lá chắn và bàn đạp

Cho nên là người ta sớm thấy rõ ý đồ của Trung Quốc, sau Triều Tiên là đến Việt Nam cũng rơi vào hình thái tương tự, tức là chia cắt nước Việt Nam – hay là Triều Tiên - ra làm đôi, để mà tạo ra được « vùng đệm » hay « phên dậu » để che chắn cho Trung Quốc, đồng thời là cái nơi để Trung Quốc có thể tạo ra những tiền đề họ có thể tiếp cận với các nước lớn, cụ thể trong vùng phương Đông này là Hoa Kỳ.

Cho nên Trung Quốc đã có những động thái tưởng như nhỏ, nhưng sau này phân tích ra, thì thấy rõ dụng tâm của Trung Quốc : Thái độ của Trung Quốc đối với các thành phần trong Hiệp định Genève.

Người ta thấy rất rõ cái việc Trung Quốc thỏa mãn với kết cục… là sau Hiệp định Genève, nước Việt Nam phải chia đôi, giống như Bắc và Nam Triều Tiên, để sau đó Việt Nam luôn luôn bị rơi vào tình trạng một nước phải đại diện cho một cái cực của cái sự đối đầu của thế giới lúc đó.

Vì thế, nếu nghiên cứu kỹ lịch sử Việt Nam, đặc biệt là cuộc Chiến tranh Đông Dương Lần thứ II, thì như một số đánh giá, hay tiên đoán của các nhà báo vào thời đó, thì ở chiến trường Việt Nam, Trung Quốc muốn « đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng ».

Nhưng trong khi diễn ra chiến trường Đông Dương, hay Việt Nam, Trung Quốc luôn luôn đứng ở vị trí dùng sức ép của Việt Nam để đạt mục đích của mình, mà mục đích quan trọng nhất đối với Trung Quốc là bắt tay với Mỹ.

Và điều đó đã diễn ra một cách hết sức rõ ràng, thậm chí đối với người Việt Nam lại trắng trợn, với các diễn biến trong năm 1972 : Chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Nixon ; vai trò của cố vấn Henry Kisinger ; hay những ký kết tại Thượng Hải.

Người ta thấy rất rõ sự đảo chiều. Tuy Việt Nam vẫn là đồng minh, nhưng rõ ràng là Trung Quốc dùng Việt Nam như là « bàn đạp » để thay đổi chiến lược của mình, trong bối cảnh đang diễn ra những biến đổi rất lớn trên thế giới, với vai trò của Mỹ và Liên Xô…
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Liệu có cách nào tránh được việc này không?

Luyến tiếc pho tượng 'ra đi', nhường chỗ tàu điện ngầm
 - Sau 'sự ra đi không trở lại' của pho tượng Lê Lợi ở bùng binh Cây Gõ vào tháng 4/2013, sắp tới đây tượng Trần Nguyên Hãn – một bộ tướng của ông –  cũng sẽ ra đi nhường lại vị trí trước chợ Bến Thành để thi công công trình nhà ga tàu điện ngầm.
Chợ bến thành, tượng trần hưng đạo, di dời, công viên 23/9
Tượng tướng quân Trần Nguyên Hãn
Nuối tiếc
Như vậy, sau nửa thế kỷ trơ gan cùng tuế nguyệt, thời gian di dời tượng tướng quân Trần Nguyên Hãn đến nay chỉ còn tính bằng giờ. Điều này khiến người Sài Gòn phải ngậm ngùi chia tay một hình ảnh quen thuộc đầy ắp kỷ niệm...

Tượng Trần Nguyên Hãn cùng nhiều pho tượng khác được đặt trên các bùng binh trong thành phố vào những năm cuối thập niên 1960.
Từ đó đến nay, nói về Sài gòn không ai quên được hình ảnh một An Dương Vương cầm nỏ thần đứng trên cao chót vót, một Phù Đổng Thiên Vương mới 3 tuổi đã nhổ cây tre cưỡi ngựa sắt khạc ra đốm lửa, một Phan Đình Phùng mộc mạc chân quê cầm súng đánh quân Pháp xâm lược.
Những hình ảnh đó luôn đi sâu vào tâm trí người Sài Gòn…
Sáng 30/7, chúng tôi rảo một vòng quanh bùng binh chợ Bến Thành. Một người phụ nữ trung niên tay cầm máy ảnh, đang cố chụp lại những hình ảnh của pho tượng. Chị nhìn vào pho tượng như muốn ghi đậm vào trí nhớ hình ảnh quen thuộc này.
Chị đang là giáo viên Sử của một trường trung học cấp 2, ở quận 10.
“Người Sài Gòn đã một lần 'chia tay' với bức tượng Lê Lợi, người anh hùng áo vải 10 năm nằm gai nếm mật chống lại quân Minh. Nhìn pho tượng một tay phất cờ, một tay giương cao thanh kiếm đã từng làm tôi nhớ lại những chiến công hiển hách như vây hãm Vương Thông, chém Liễu Thăng ở ải Chi Lăng và một trận làm kinh hồn quân Minh ở Đông Bộ Đầu do tướng Trần Nguyên Hãn cầm quân…giờ đây sắp lùi vào dĩ vãng” - chị nói.
Thao thao như gặp tri âm, chị nói mà không cần tôi trả lời: “Anh có biết tượng Trần Nguyên Hãn với áo giáp sắt phi ngựa giữa sa trường trên tay có con chim bồ câu là lấy từ câu chuyện nào không ?”.
Tôi ngớ người ra, chị nói tiếp: "Đó là chuyện ông bị vây hãm tại thành Võ Ninh. Nhờ có con chim bồ câu mang thư cầu cứu đến Bình Định Vương Lê Lợi, ông và đội quân của ông được giải vây…”.
Chợ bến thành, tượng trần hưng đạo, di dời, công viên 23/9
Một bên tượng là chợ Bến Thành hơn 100 năm tuổi.
Câu chuyện đang dở chừng, một nhóm học sinh còn mang trên người bộ đồng phục cấp 3 từ xa đi tới.
“Nghe thầy giáo em nói pho tượng này sắp di dời nên chúng em đến thăm lần cuối, chụp vài tấm ảnh để sau này còn khoe với mọi người” - một em nói.
Phượng - nữ sinh trong nhóm – kể cho chúng tôi nghe về những bài báo, những trang sách về Trần Nguyên Hãn.
Em nói: “Nhìn lên pho tượng em thấy cả một niềm tự hào dân tộc. Tiếc quá thế hệ chúng em chỉ mới biết pho tượng này trong vài năm nay, giờ phải sắp chia tay…”.
Giá như...
Sự 'ra đi' của tượng Lê Lợi trước đây và sắp tới là tượng Trần Nguyên Hãn là điều tất yếu khi thành phố phát triển.
Tuy nhiên, mất đi một hình ảnh đầy ắp kỷ niệm đã khiến cho hàng triệu con tim người Sài Gòn thổn thức.
Ngậm ngùi lắm, bởi nó đã khắc sâu vào tâm khảm, vào lòng người niềm tự hào và sự kiêu hãnh của một thành phố năng động, phát triển nhất Việt Nam.
Chợ bến thành, tượng trần hưng đạo, di dời, công viên 23/9
Tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Zing
 
Chúng tôi vào chợ. Chợ Bến Thành đã hơn 100 năm nay vẫn còn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Các tiểu thương ở đây cùng suy nghĩ, dường như ai cũng chung niềm nuối tiếc khi pho tượng phải di dời.
“Anh biết không, khi tôi vào buôn bán tại chợ thì pho tượng đã có từ lâu rồi. Mỗi ngày ngang đây, nhìn con chim bồ câu, nhìn ông tướng cỡi ngựa từ hàng chục năm nay đã trở nên thân thuộc. Bây giờ di dời đi thay vào đó là một công trình khác cảm giác, với chúng tôi là một sự lạ lẫm và trống vắng” - tiểu thương tên Hoa trải lòng.
Chị nói tiếp: “Giá như pho tượng được đưa về công viên 23/9 gần đó để mỗi ngày có dịp ngang qua chúng tôi còn nhìn thấy, cũng như những người đã biết đến pho tượng này còn có điều kiện ghé thăm thì hay quá”.     
Quả thật vậy. Nằm ở vị trí trung tâm, giữa những con đường luôn đầy ắp xe cộ, pho tượng Trần Nguyên Hãn nhìn về một bên là chợ Bến Thành đã trên 100 năm tuổi, một bên là con đường Hàm Nghi với những tòa nhà cũ xưa đã in đậm dấu ấn trong lòng người Sài Gòn.
Những đôi tình nhân trên chiếc ghế đá dưới chân tượng đài. Những đứa trẻ ngây thơ nhìn lên trên cao, con chim bồ câu trong tay người anh hùng vỗ cánh bay đi và cứ mùa hè đến những hàng lim xẹt hai bên đường Lê Lợi rơi hoa vàng… Tất cả, vốn đã là những hình ảnh thân yêu không thể một sớm một chiều có thể quên được.
Giờ đây, tượng Trần Nguyên Hãn sẽ không còn trụ lại nơi đây. Bức tượng sẽ được đưa vào công viên Phú Lâm, nơi cách chỗ cũ gần 10km. Thật xót xa...
Mỗi hình ảnh thân quen của thành phố giờ mất đi luôn làm cho người Sài Gòn day dứt. Và dường như, trong tiềm thức của họ, luôn đọng lại những hình ảnh của một Sài Gòn đầy ắp kỷ niệm - kỷ niệm của một thời đã qua…
Trần Chánh Nghĩa

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LUẬT SƯ NỔI TIẾNG, CỰU ĐBQH NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG VỪA BỊ ĐẢNG KHAI TRỪ




Ông Nguyễn Đăng Trừng (sinh 1942), tại thôn Trước Bàu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 12, thuộc đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng tham gia vào vai trò Uỷ viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

Ông từng nói trước Quốc hội: Chống tham nhũng ở nước ta giống như dòng văn học cuối thế kỷ 19 - hiện thực phê phán - thấy hiện trạng nhưng không có giải pháp tháo gỡ’. Ông có nhiều tiếng nói phê phán phản biện tại quốc hội, nhất là phê phán sự yếu kém của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước.

Ông là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, từng bào chữa cho Năm CamLê Công Định cũng từng thuộc đoàn luật sư của ông. (Theo Wikipedia: Nguyễn Đăng Trừng). 

Bản tin trên báo Người Lao động: 
Khai trừ đảng ông Nguyễn Đăng Trừng 
- Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM

Thứ Năm, 16:24  31/07/2014 

(NLĐO) - Chiều 31-7, ông Trần Văn Nam - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM - đã công bố Quyết định số 3030/QĐ-TS về việc thi hành kỷ luật đảng viên Nguyễn Đăng Trừng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM.

Theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, từ năm 2012, đảng viên Nguyễn Đăng Trừng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM - trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của Đảng đoàn đã có khuyết điểm, vi phạm, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn đối với hoạt động của Đoàn Luật sư TP HCM, không tổ chức cho Đảng đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn theo Quy chế làm việc đã ban hành. Thực hiện công tác phân công, bổ nhiệm, đề bạt một số cán bộ tại Đoàn Luật sư TP HCM vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, vi phạm Quy chế làm việc của Đảng đoàn. Chỉ đạo chuẩn bị nhân sự Đại hội Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018) không đúng quy trình, thiếu công khai, minh bạch, phong cách lãnh đạo thiếu dân chủ, độc đoán… 

Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Trừng cũng đã lợi dụng chức vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, không thông qua Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, tự ý ký 4 văn bản để phản bác ý kiến chỉ đạo của UBND TP HCM, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng thời xuyên tạc, nói không đúng sự thật về ý kiến chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP HCM, nhiệm kỳ VI (2013-2018) với một số cán bộ lãnh đạo trong Ban Thường vụ Thành ủy và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam...

Căn cứ vào vào khoản 4, điều 5 và khoản 3, điều 7 của Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật đối với đảng viên Nguyễn Đăng Trừng bằng hình thức khai trừ. 

Ph.Anh


Phần nhận xét hiển thị trên trang

12h trưa nay, TQ xua hàng vạn tàu cá xuống biển Đông

(Quan hệ quốc tế) - Đúng 12h trưa (11h Việt Nam) hôm nay (01-8), hàng vạn tàu cá của Trung Quốc sẽ đồng loạt ra khơi, hướng tới Ngư trường biển Đông đánh bắt.

 12h trưa nay, hàng vạn tàu cá Trung Quốc tràn xuống biển Đông
 
Trên trang mạng của Cục hải sự quốc gia Trung Quốc ngày 31-7 đăng tải thông báo số 0168 - năm 2014 với nội dung như sau: Kể từ 12h00 ngày 01-8 lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực biển Đông sẽ chính thức kết thúc, tất cả tàu cá thuộc các tỉnh duyên hải như Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông được phép ra khơi đánh bắt cá.

Tân Hoa Xã Trung Quốc ngày 31-7 đưa tin, hiện tất cả tàu cá đánh bắt ở biển Đông đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra khơi, chỉ tính riêng tỉnh Hải Nam- tỉnh có diện tích rộng nhất giáp biển Đông đã có tới 9000 tàu đánh bắt xa bờ đang chờ ‘tiếng còi” kết thúc lệnh cấm, để ồ ạt ra khơi trưa ngày hôm nay.

Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc dùng tàu tuần tiễu và trực thăng vây bắt tàu cá Trung Quốc
Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc dùng tàu tuần tiễu và trực thăng vây bắt tàu cá Trung Quốc
Lệnh cấm đánh bắt cá tại biển Đông được Trung Quốc đơn phương áp đặt, có hiệu lực kể từ 12h ngày 16-5, giới hạn thực hiện cấm đánh bắt trên biển Đông được tính từ khu vực biển có vĩ tuyến 12 độ Bắc đến “giới tuyến giáp khu vực biển Mân Việt” (kéo dài từ Quảng Tây đến Phúc Kiến, bao gồm cả khu vực biển Vịnh Bắc Bộ).

Được biết, kể từ năm 1999, Trung Quốc hằng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, nơi Trung Quốc tự cho là thuộc chủ quyền của mình - nuốt trọn 80% diện tích biển Đông, bất chấp phản ứng của các nước xung quanh khu vực.

Lệnh cấm này áp dụng đối với ngư dân Trung Quốc và ngư dân các nước đang có ngư trường ở khu vực biển Đông. Trong thời gian này, cảnh sát biển Trung Quốc cùng các lực lượng ngư chính, hải giám thường xuyên tăng cường tuần tra trên biển Đông, nếu gặp tàu cá nước ngoài họ thường quấy nhiễu tịch thu tàu thuyền, ngư cụ và thủy hải sản trên tàu. 

Những việc làm vô nhân đạo của Trung Quốc đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh vẫn “dày mặt” coi như chẳng có chuyện gì to tát. Thậm chí họ còn áp đặt một số “luật” cực kỳ phi lý tại khu vực biển Đông.

Ra luật lệ ngang ngược, dùng tàu cá để xâm lược biển Đông

Hồi tháng 1-2014, chính quyền tỉnh Hải Nam Trung Quốc, cũng đã đơn phương áp dụng "Luật ngư nghiệp” mà tỉnh này đã tự “vẽ” ra. Theo đó, yêu cầu tàu nước ngoài khi đi vào vùng biển gần Hải Nam, cũng như để thực hiện các hoạt động đánh bắt cá hay điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây phải được sự cho phép của cơ quan quản lý có liên quan của Trung Quốc.

Vin vào luật này, nhà chức trách Trung Quốc cho phép các tàu chấp pháp của họ quyền tịch thu sản phẩm ngư nghiệp, ngư cụ, phạt tiền lên đến 500.000 nhân dân tệ nếu tàu của nước ngoài đi vào vùng biển này. 

Ngay sau khi luật này được thực thi vào ngày 1-1/2014, hàng loạt quốc gia đã phản đối gay gắt, đặc biệt là các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Dư luận quốc tế và các nước có lọi ích liên quan trên vùng biển này cũng chỉ trích những luật lệ phi lí mà Bắc Kinh đã đặt ra, trong đó có Mỹ và Nhật.

Tất cả những hành động trên của chính quyền bắc Kinh đều nhằm vào mục đích độc chiếm biển Đông, hòng hiện thực hóa “đường 9 đoạn” (Bản đồ khổ dọc mới xuất bản đã sửa thành “đường 10 đoạn”) phi lý mà họ đã tự vẽ ra. Cái “lưỡi bò” tham lam của Trung Quốc tiếp tục đòi “liếm trọn” biển Đông.

Để thực hiện âm mưu của mình, Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, một mặt tiến hành các hoạt động xua đuổi, bắt bớ, xâm chiếm lãnh thổ (ví như ngày 2-5 vừa qua Bắc kinh đã kéo cái giàn khoan to đùng “Hải Dương 981” tới hạ đặt, thăm dò dầu khí ngay trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam). 

Một tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc
Một tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc

Mặt khác chính quyền Bắc Kinh còn khuyến khích và đưa ra các chính sách ưu đãi tối đa cho Ngư dân đưa tàu cá ra đánh bắt tại các vùng biển đang có tranh chấp ở biển Đông, chiếm đoạt ngư trường của nước khác, biến các vùng biển không tranh chấp thành có bằng lực lượng tàu cá.

Trang bị thêm, biến ngư dân thành công cụ thực hiện dã tâm

Tờ Reuters ngày 28-7 đưa tin cho hay, hiện nay các loại tàu đánh bắt cá của Trung Quốc hoạt động tại khu vực biển Đông đều được chính quyền trang bị cho một số loại thiết bị công nghệ cao, như các máy thu vô tuyến điện hiện đại, thiết bị thăm dò luồng cá cá và đặc biệt là hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu. 

Khi Ngư dân của họ đánh bắt tại các khu vực tranh chấp trên biển Đông, nếu như gặp phải thời tiết xấu hoặc chạm trán với tàu tuần tra của các nước láng giềng, như Việt Nam hay Philippines, lập tức tàu cá của Trung Quốc có thể liên lạc trực tiếp với lực lượng Hải cảnh của nước này bằng hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu.

Tính đến cuối năm 2013, đã có hơn 50.000 tàu cá Trung Quốc được lắp đặt hệ thống dẫn đường vệ tinh “Bắc Đẩu” do họ tự nghiên cứu chế tạo. Tại Hải Nam, các tàu cá của Trung Quốc chỉ phải chi trả không đến 10% cước phí dịch vụ vệ tinh, hơn 90% còn lại được nhà nước hỗ trợ.

Điều đó cho thấy, Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ tài chính cho ngư dân. Cùng với nguồn tài nguyên Ngư nghiệp tại các vùng biển gần đang ngày càng cạn kiệt, hiện nay ngư dân Trung Quốc cũng đang tiến ra các khu vực biển xa trên biển Đông, tìm kiếm các ngư trường mới, đồng thời để khẳng định chủ quyền.

Tàu cá Trung Quốc chuẩn bị ra khơi
Tàu cá Trung Quốc chuẩn bị ra khơi
Theo Reuters, chính quyền tỉnh Hải Nam - Trung Quốc không chỉ khuyến khích ngư dân ra khơi đánh bắt cá tại các khu vực biển tranh chấp trên biển Đông, mà còn hướng họ ra các khu vực biển xa thuộc khu vực quần đảo Trường sa cách Trung Quốc về phía nam 1100 km. 

Tất cả các loại tàu cá Trung Quốc mỗi khi ra khơi đều được nhà nước hỗ trợ xăng dầu, đối với loại tàu có động cơ 500 mã lực, sẽ được nhận từ 2000-3000 NDT mỗi ngày. 

Như vậy, có thể thấy rõ một điều rằng, với việc động viên và tài trợ ngư dân nhằm tạo ra những đội tàu cá hùng mạnh vươn khơi đánh bắt trong các vùng biển tranh chấp, đã trở thành một “chính sách” nhất quán của chính quyền Trung Quốc, chứ không còn là những quyết định mang tính chất cơ hội, và nó được xuất phát từ cả các lý do địa chính trị lẫn kinh tế, thương mại. 

Hiện nay Trung Quốc đã triển khai biên đội “Hàng không mẫu hạm ngư nghiệp” hay còn gọi là “Hạm đội hỗn hợp ngư nghiệp đặc biệt”. Nòng cốt của nó là 07 tàu cỡ lớn (01 tàu chế biến tổng hợp 3,2 vạn tấn; 01 tàu tiếp dầu 2 vạn tấn; 02 tàu vận tải đông lạnh 1 vạn tấn và 03 tàu bảo đảm tổng hợp 3000 - 5000 tấn (tất cả các tàu này đều được đặt tên chung là Hải Nam Bảo Sa), lực lượng máy bay trực thăng và 300 - 500 tàu cá loại trên 100 tấn. 

Với sự hỗ trợ của biên đội này, hàng trăm tàu cá Trung Quốc sẽ có thời gian bám biển tới 9 tháng nhằm ngăn chặn tàu cá, thậm chí là tàu chấp pháp các nước để độc chiếm ngư trường, tuyên bố chủ quyền trên biển. Có thể nói đây là một chiêu bài rất thâm hiểm, và chắc chắn chính quyền Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh hơn nữa nhằm hiện thực hóa chính sách này trong những năm tới đây. 

Thiên Nam


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

TƯ LIỆU

“Bắt phong trần phải phong trần...”


Hoàng Tuấn Phổ

(...)

Năm 1954, gia đình tôi (bố mẹ và tôi) đói lắm ! Đồng ruộng không cày cấy gì được, đất nẻ toác thấy âm ti, vì máy bay thực dân Pháp ném bom phá hỏng đập nước nông giang Bái Thượng  từ năm 1951.(1) Người ta tố rằng bọn phản động đã đề nghị Thực dân Pháp phá đập nước để nhân dân Thanh Hóa chết đói ! Bố tôi bị tố cáo đã tham gia tổ chức phản động, và đó là một trong những tội ác ! Tôi sinh năm 1935, lúc ấy mới 16, 17 tuổi, nhưng không tránh khỏi liên quan, cũng bị tình nghi phản động. Tôi nghĩ đơn giản: Thực dân Pháp chủ trương xây đập Bái Thượng lấy nước tưới đồn điền, đồng ruộng nhằm bóc lột kinh tế, tất nhiên họ phải biết phá đập cắt nguồn nước tưới để không có lương thực tiếp tế chiến trường, khỏi cần mấy anh nhà quê đề nghị. Nghĩ mà không dám nói, vì chỉ cần nói ra thì đích thị là phản động rồi !
Xóm tôi có 25 gia đình, mấy gia đình còn bát ăn cũng được cấp gạo cứu tế, riêng gia đình tôi đợt cứu tế nào cũng bị gạt ra ngoài danh sách ! Rau cỏ không còn để hái, củ chuối không có để ăn. Mẹ tôi vay được mấy ống cám lợn cả nhà mừng. Cám nấu cháu, đặc sền sệt như cám lợn, tôi chỉ nuốt được mấy miếng thì nghẹn tắc cổ, vì trong cám có quá nhiều trấu cành, lại để lâu bốc mùi chua và gây, bụng đói mà miệng ăn không nổi ! Mẹ tôi chắp thừng kè mang chợ bán, nhưng không ai mua làm gì, họ có cần thắt cổ đâu ? Bố tôi là người có chữ, biết nghề thuốc, cũng chẳng ai dám hỏi đến, không ai muốn “quan hệ” với phản động ! Còn tôi, tạng người gầy yếu, thấp bé từ nhỏ, tay chân học trò, làm nghề ngỗng gì để sống? Tôi mang chiếc đòn gánh, đôi giắng nứa ra chợ gánh thuê, cả buổi chả có ai gọi, vì chợ búa lèo tèo, người ta toàn bưng và đội cả !
Mẹ tôi vay được ít đồng bạc của dì tôi trên Nông Cống. Tôi thử theo mấy ông hàng xóm đi Nga Sơn mua cói lác về để bán hoặc dệt chiếu. Làng tôi có  nghề phụ dệt chiếu. Mẹ tôi đôi tay hơi chậm, đưa cây lụi bóng ngóng làm bố tôi ngồi dệt bị đau lưng, sốt ruột, cáu tiết giật go mạnh, đứt cả đay ! Hai ông bà nối sợi đay mãi không xong, thế là bỏ việc ! Thôi không dệt được chiếu thì đem cói đi chợ bán. Chả lẽ cả nhà ôm nhau chịu chết đói ! Thương con, giận chồng, mẹ tôi chửi: “Ông ăn đất vô mồm hay răng mà xui thằng Tây hắn phá Bàn Thạch ? Bây chừ cả nhà ông sắp chết đói, hỏi có ai thương ông, hay chỉ có thằng Tây thương ông ?” Bố tôi nói: “Tôi không đời nào dại dột như thế. Mà Tây hắn có biết tôi là thằng mô ? Nó ở Việt Nam những 80 năm, có điều gì mà nó không biết ?” Mẹ tôi vặn lại : “Cái án 5 năm tù còn sờ sờ ra đó, ông không làm, răng lại chịu nhận ?” Bố tôi cáu tiết: “Nhận cái mả cha đứa vu oan giá họa ! Không nhận mà được à !” Mẹ tôi thở dài: “Rõ đường quang không đi, đi đường rậm !”.
Đường từ làng quê tôi (Quảng Hòa, Quảng Xương, Thanh Hóa) ra đến Hói Đào, Nga Sơn (giáp Ninh Bình) có lẽ đến hơn 60 cây số. Tôi và mấy anh trong xóm xuất phát từ 5 giờ chiều nay, đi suốt đêm tới 5 giờ sáng mai thì đến nơi. Đúng như câu vè “Sớm mai dời gót huyện Nga - Hậu, Hoằng rồi đến Quảng ta xế chiều”.(2) Cói nhiều vô kể. Nhà nào cói cũng chất đầy ngập tận nóc. Chúng tôi tha hồ chọn với giá vừa ý. Đóng gánh xong, chúng tôi mượn nồi nấu cơm, ăn với mắm, dưa xin chủ nhà. Đêm nghỉ trọ lại dọc đường vì mệt quá, chiều hôm sau về đến chợ Cung (Quảng Xương) chờ bán phiên chợ mai hoặc vào chợ Hội. Cói Nga Sơn gốc trắng, sợ dài nên cũng dễ tiêu thụ. Tôi chỉ gánh được 5 (gù) cói, tương đương 50kg. Bố tôi đi rước, gánh không nổi vì không quen. Mỗi chuyến, tiền lãi một hai đồng đủ cho cả nhà rau cháo mấy hôm. Chừng mấy tháng sau, thím tôi bán con bò được 45 đồng, tôi hỏi vay 38 đồng, mua một chiếc xe đạp cũ thồ thay cho đôi vai. Cuối năm 1954, tôi trả tiền xe đạp, chục đồng vốn còn nguyên vẹn.
Mẹ tôi thương tôi sức yếu, người gầy, khó kham nổi cái nghề “ăn no vác nặng” ! Đúng là “ăn no vác nặng !”
Trong kháng chiến chống Pháp, từ Quảng Xương ra đến Hói Đào, Nga Sơn 60 cây số, đường đất nhiều khúc quanh co, ngoắt ngoéo, dốc cong cánh cung, lở lói chỉ vừa bước chân người, trâu bò đi phải lội ruộng, không thiếu ổ voi, ổ gà, những nổ lội đắp sơ sài. Tôi chỉ dám thồ mỗi chuyến xe 10 gù (hơn tạ). Thồ cói khó nhất. Bấy giờ dây cao su hiếm, phải buộc dây thừng, đường gồ ghề, khấp khểnh, xe xóc, luôn luôn dừng lại để sửa dây buộc bị hỏng. Đã thế, cói lại rất trơn, sau mấy lần bị xóc, cói tõe chân gốc, gãy ngọn chọc vào nan hoa, quệt vào bánh xe, cơ khổ ! Cói chất lên xe, không thấy rõ lối đi, nếu tay cọc thồ nắm không vững, tay ngai lái không khéo, qua cống nổ và khúc đường quá nhỏ, dễ bị lăn xuống ruộng thì cái khổ còn không tả xiết !
Tôi cũng thấy sức mình không trụ nổi nghề thồ cói Nga Sơn. Mà cái đói còn lâu dài, nhà mình dễ chết đói lắm ! Lại nghe tin Thanh Hóa chuẩn bị Cải cách. Nhà mình đã trải qua cuộc Đấu tranh chính trị kinh thiên động địa, nay đến Cải cách ruộng đất nghe nói cũng long trời lở đất, liệu có qua nổi ? Tôi hỏi  bố: Nhà ta ngày xưa ở ngoài Bắc, bố còn nhớ quê quán cụ thể không? Bố tôi nói: Gia phả các cục để lại đã bị đốt hồi Đấu tranh chính trị cùng tất cả giấy tờ, sách vở, chỉ nhớ cụ Tổ ta vào Thanh Hóa cuối đời Tây Sơn, nguyên ở thôn Nhân Lý, huyện Yên Mỹ, phủ Mỹ Hào, tỉnh Bắc Ninh. Nhưng đã lâu lắm, anh em họ hàng không tin tức gì với nhau.
Tôi nghĩ: Phải tìm đường về quê, may ra còn được sống ! Tháng Chạp âm (đã sang đầu 1955) tôi đem chiếc xe đạp gửi nhà dì ruột ở thôn Phương Khê, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn). Tết năm ấy - Ất Mùi 1955, là 4 cái tết Nguyên đán gia đình tôi không có Tết, bàn thờ tổ tiên cũng hương tàn khói lạnh ! Gia đình tôi là tộc trưởng họ Hoàng, nhưng đã từ lâu không con cháu nội ngoại nào dám đến cúng vì sợ bị tội “liên quan phản động” ! Đúng như lời các cụ: “Trưởng bại ông vải hư !”
Sáng mùng ba Tết, tôi quảy đôi quang thúng ra đi, cán bộ Chư (Từ Nhen) gặp tôi, hỏi: “Đi đâu ?” Tôi lễ phép thưa: “Tôi lên chợ Thượng Cầu Quan coi có ai thuê mướn chi không”. Ông ấy “Ừ !”, tôi mừng đầu năm thoát chuyện lôi thôi. Hôm sau, dượng tôi lấy xe đạp giấu trong buồng kín đưa cho tôi, cho thêm bộ quần ái mua từ lâu không mặc. Tôi ra đi với 5 đồng bạc trong túi (vốn buôn cói 10 đồng để lại cho bố mẹ 5 đồng ăn đói), cứ đường Quốc lộ số 1 bắt đầu cuộc phiêu lưu đầu đời. Năm ấy tôi đã 20 tuổi Dương, không còn nhút nhát như lúc thiếu thời. Tôi đi qua Hà Nội, lên thị xã Bắc Ninh, xuống Mỹ Hào, lạc sang thị trấn Kẻ Sặt, Hải Dương, rồi cuối cùng tìm được huyện Yên Mỹ và làng quê Nhân Lý chỉ cách phố huyện chừng 1 cây số.
Người làng đưa tôi đến nhà ông bác họ Hoàng Xuân Tống, nhà giàu có nhất xã, hơn 80 mẫu ruộng, căn gác hai, từng bị Tây chiếm đóng đồn bốt kiểm soát phía tây huyện lỵ Yên Mỹ. Thời chống Pháp, bác Tống đi theo kháng chiến có vào ở Thanh Hóa, còn gia đình bác lên Hà Nội. Hôm sau, họ Hoàng bố trí tôi ở tại nhà thờ họ. Nhà thờ 5 gian nhà gỗ, cao ráo, rộng rãi, kiến trúc đơn giản, có một bà mẹ ông trưởng họ ở trông nom. Tôi ăn uống chung với cụ bà. Mười hôm sau, bác Biển thôn trưởng người trong họ giới thiệu với Ủy ban xã Thanh Long cho tôi dạy lớp ba trường dân lập, xã mới thành lập còn thiếu giáo viên. Vì là trường dân lập, dân nuôi (vùng mới giải phóng chưa có quyết định thành lập trường cấp I Quốc lập). Mỗi tháng tôi được cấp 24 “ca” gạo tương đương 24kg gạo. Thôn bố trí cho tôi dạy thêm buổi tối, lớp đặt tại nhà thờ, ai muốn học thì học từ vỡ lòng đến lớp bốn, học viên có gạo thì góp, không có gạo cũng vui. Tôi gửi thư về nhà dì dượng nhắn bố mẹ về Hưng Yên quê xưa để lánh nạn một thời gian, chờ “yên hàn” sẽ tính liệu sau. Năm đồng bạc tôi để lại đã hết vèo từ lâu, ông bà phải ăn xin dọc đường từ thị xã Thanh Hóa ra Hà Nội, xuống Hưng Yên gần 200km. Ông bà cũng được bố trí ở nhà thờ họ. Bố mẹ tôi kể: Chú Thuyết tôi trong quê yếu lắm rồi, có lẽ cũng chết vì ốm nặng, không có tiền mua thuốc, tiền bán bò tiêu hết từ lâu, không được cứu tế gạo nên đến miếng cháo cũng không, mà củ chuối với cám không ăn được ! Trong nhà còn nửa chum thóc. Thím tôi bảo phải để dành, lỡ chết còn có bát gạo nấu cơm nhờ người ta đào huyệt ! (Chú tôi cùng can vụ án với bố tôi, nhưng tội nặng hơn, bị xử 8 năm tù. Người ta cho rằng chú Thuyết (người rất quan tâm chuyện học hành của tôi hồi nhỏ) vì học nhiều tiếng Tây, biết chữ Tây nên thảo giấy tờ đề nghị Tây phá đập nước Bái Thượng – Vụ án này nằm trong vụ án lớn “Liên tôn chống (hay diệt?) Cộng” do Tuệ Quang – Tuệ Chiếu cầm đầu. Chú tôi bị giam ở vùng thượng du nước độc Nghệ An nên mắc bệnh sốt rét ngã nước, khi được thả về thì đã thân tàn ma dại…)
Đầu năm 1956, Đội cải về xã Thanh Long, trụ sở đóng tại nhà bác Tống, thôn Nhân Lý. Trong dân một số người dư luận: Nhà ông Phổ trong Thanh chắc phải giàu có lắm, nếu không, con cái không thể được học hành ? Họ nói thế là dựa vào tình hình thực tế địa phương mình. Bố tôi linh cảm thấy mình khó yên ổn, bảo mẹ tôi: “Chạy trời không khỏi nắng, ta nên trở về Thanh Hóa, có chết cũng còn có ông bà, tổ tiên !”. Bắt đầu CCRĐ, đường sá canh gác nghiêm ngặt đề phòng địa chủ chạy trốn, phải có giấy tờ tùy thân, nếu không sẽ bị bắt. Bác Biển chơi thân với ông Cự chủ tịch xã cấp cho cái giấy chứng nhận ông bà về thăm quê cũ, nay trở về nơi trú quán.
Hai ông bà nhờ có lương thực và mươi đồng bạc mang theo, dọc đường đi khỏi bị đói khát, nhưng cũng phải mất một tuần mới về đến nhà.
Nhà cũ do ông bà nội tôi để lại: nhà trên 3 gian một chái, cột kèo gỗ hàng tạp, lợp kè, vách sau dừng phên nứa, cửa trước bằng gỗ; nhà dưới (nhà ngang) 3 gian, 1 gian cổng trâu, bò, 2 gian đàn bà con gái ở; thêm cái xối nối hai nhà làm buồng cất chứa đồ đạc thóc lúa. Cả hai nhà, đội CCRĐ đã chia cho 2 gia đình nông dân. Ông bà xin ở nhờ cái đình Bắc, thấp nhỏ như cái điếm canh. Được một tháng thì bị đuổi, ông bà xin chính quyền xã giúp đỡ, UBND xã trả lời: Việc nhà ở do Đội cải cách phân chia xong rồi, xã không có quyền gì cả. Thương ông bà sống vạ vật dưới gốc cây trôi đầu làng, anh Viên Hải con địa chủ rủ hai người cùng thành phần, tìm kiếm ít tre nứa cũ che tạm một túp lều vịt bên bờ ao đình làng, tạm có chỗ chui ra chui vào, che mưa, tránh nắng. Ông bà sắm mấy chục cái te làm nghề kép tép. Gà gáy đầu ra đồng đặt te, mờ sáng thu dọn te, được dăm ba bát tép, đem đi chợ Nguyễn bán mua gạo, mắm muối. Hôm nào bán ế vì biển lặng nhiều cá, mang tép về phơi khô, chờ khi biển động. Tép đồng kéo te sạch hơn tép vê nhủi, trăm con óng ả cả trăm, còn sống nhảy lao xao trong giành (một loại đồ đựng đan bằng nứa) trông rất ngon, rất dễ bán. Gần đấy có ông từ Năm hiền lành phúc hậu. Những hôm trời mưa gió, bố mẹ tôi không thể đi kéo te, ông thường cho gạo và cà muối. Nhưng ông phải chờ đêm tối vắng người, vội ném đùm gạo hay gói cà muối qua cửa vì sợ làng xóm trông thấy, quy cho là liên quan địa chủ phản động, sẽ bị mất hết quyền lợi !
Ở làng quê Nhân Lý, Hưng Yên, cuộc CCRĐ đang đến hồi “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Bác Hoàng Xuân Tống nhà giàu, từng đi theo kháng chiến cũng có tên trong danh sách nên vội bỏ trốn. Người ta đèn đuốc soi tìm, lùng sục suốt đêm vẫn không thấy. Sau nghe nói, bác có nhắn vội người quen: Tôi đi lần này không bao giờ trở lại nữa, con cháu đừng đi tìm. Quả nhiên bác Tống biệt tăm cho tới tận bây giờ, không biết sống chết ở đâu. Khi ấy, Đội cải cách yêu cầu tôi dời khỏi nhà thờ họ Hoàng đến tạm trú cái bếp nhỏ ngoài cổng nhà bác Tống, trước kia là chỗ nấu nướng của kẻ ăn người ở. Bếp lạnh ngắt, có một chiếc giường nhỏ, mấy cái nồi đất, bát sành sứt mẻ. Không có gì để ăn. Tôi phải nhịn đói. Qua hôm sau, buổi chiều tôi ra vườn hái nắm rau khoai lang nấu canh. Nhưng không có muối, tôi cứ húp vào miệng tự nhiên lại nôn ra. Toàn thân run rẩy. Gần đó chỉ có nhà bác Giáo 30 mẫu ruộng, tất nhiên là địa chủ lớn, bị niêm phong, ai nấy đi đâu không rõ. Tôi không dám bước qua cổng gạch nơi Đội cải cách ở làm việc vì sợ phạm tội ! Người ta nói: Nhất Đội nhì trời ! Có lẽ Đội quên rằng giữ người phải cho người ăn ? Cho dù tôi không phải là người cũng phải được ăn uống chứ ? Chỉ trộm nghĩ trong lòng. Tôi muốn kêu lên “Trời ơi đói lắm !” nhưng không dám kêu, mà dám kêu cũng không còn sức !
Sáng ngày thứ ba, có một nắm cơm nhỏ và mấy quả cà muối nhét qua cửa sổ. Đến chiều lại có một đùm gạo và một gói cà muối, ném vội qua cửa chính. Một bóng người chạy biến. Nhưng tôi đã kịp nhận ra một học sinh lớp 4, thỉnh thoảng đến nhà thờ hỏi tôi bài vở. Rất tiếc, tôi không thể nhớ ra tên cậu học trò ấy. Sau này nghỉ hưu, tôi mấy lần về quê Tổ, không quên hỏi tìm nhưng không ai biết cậu ấy là ai, hiện ở đâu.
Ngày thứ năm, một cán bộ Đội vào nhà bếp tự giới thiệu: Anh là Đoàn Hưng Nông, cán bộ Bộ Công an, đội phó Đội cải cách, phụ trách công tác tòa án của Đội. Anh nhờ tôi viết lại mấy lá đơn tố cáo của khổ chủ, chữ viết quá xấu, nét bút như gà bươi, không thể đưa vào hồ sơ. Không có gì khó, tôi chữa câu văn gọn, nội dung rõ ràng, khiến anh hài lòng, nhờ tôi viết lại biên bản hỏi cung và cả án văn. Từ đó, tôi được ăn cơm chung với Đội và ngủ luôn ở đó. Dăm bảy hôm, anh lại đưa tôi cùng anh lên Đoàn ủy cải cách duyệt hồ sơ hoặc đi điều tra một số vụ án do người Thanh Long gây ra ở nơi khác. Tôi biết khá nhiều cách làm việc của Đội xã và Đoàn ủy cải cách nhưng xin phép tạm gác câu chuyện này ở đây.
Cuối năm 1957, tôi nhận được thư của bố tôi bảo phải về quê Thanh để hỏi vợ, vì gia đình tôi chỉ còn tôi nối dòng thờ cúng tổ tiên. Ở nhà Đảng đã sửa sai. Nhà tôi trước chia cho hai gia đình nông dân ở, nhưng họ thấy như nhà có ma quỷ quấy nhiễu nên bỏ đi từ đầu năm, sau khi phá hỏng nhiều thứ. Thế là bố mẹ tôi được trở lại nhà cũ ! Tôi mừng thầm mình đã suy nghĩ đúng. Năm 1955, có hai người vận động tôi vào Nam. Từ làng sẽ có người đưa đi bộ đến phố Nối chừng 2km, lên tàu hỏa xuống Hải Phòng, tàu thủy đón đợi sẵn chạy một mạch vào Nam. Năm ấy tôi mới 20 tuổi, xin sang Pháp hay Mỹ học thêm chắc không khó khăn gì. Hai bố con bàn rất kỹ, nhất trí: Mình không làm phản động, nay vàoNam thì làng nước cho là đúng sự thật, phải ở lại để còn có cơ hội minh oan…
Vợ tôi là con gái ông từ Năm (có 4 con đều con gái) người đã giúp đỡ bố mẹ tôi ngày trước, nhà ở cách nhà tôi một nhà. Vợ tôi bị cả thôn, cả xã chửi là đồ ngu dại, ai đi lấy con nhà phản động, lấy bọn phản động ! Nhưng sự việc không thay đổi. Ngày cưới 24 tháng chạp âm, đã sang tháng 1/1958. Hôm cưới, người đưa dâu không đến một chục, ngồi uống nước chè xanh trên cái giường cũ kỹ ọp ẹp. Đêm tân hôn, chúng tôi có đôi chiếu mới để nằm và đắp. Không có màn. Trời rét quá, vợ tôi sang nhà bố mẹ đẻ mượn tạm mảnh chăn vải sợi đôi của bộ đội cho thời chống Pháp để đắp.
Qua Tết, UBND xã gọi tôi lên hỏi bấy lâu đi đâu ? Tôi đưa trình giấy tờ. Ông Nguyễn Hữu Vực (hiện còn sống)-Phó Chủ tịch, Trưởng công an xã giữ luôn giấy tờ, nói để nộp lên cấp trên xem xét. Không biết quyết định cấp nào, ai ký, từ đó tôi bị quản lý chặt, công an kiểm soát thường xuyên, chính quyền tuyên bố cải tạo lao động không giam giữ, không cần xét xử.
Sống trong cảnh bị đầy đọa cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi bị tước đoạt quyền được sống như những người bình thường. Đi đâu một bước phải báo cáo, xin phép, đêm hôm có thể bị kiểm tra bất thường. Họp dân quân, tôi được gọi ra chỉ để điểm danh, sau đó bị Đội đuổi về cho “anh em họp”. Đi dân công, tôi chỉ được tham gia các công trình dân sự. Những gì liên quan đến quân sự như đi dân công hỏa tuyến hay đắp đê Hàm Rồng, tôi đều không được phép. Đi qua khu vực trực chiến, hay hầm hào công sự phải cúi mặt đi cho nhanh, không được nhìn ngang, nhìn ngửa. Nhưng tôi không bi quan hay thất vọng mà tìm cách tồn tại... Cho đến năm 1967, mười năm sau, đời tôi, bầu trời lại bật sáng…
Câu chuyện phản động của gia đình tôi, của tôi đại khái là thế. Nhưng chỉ mới là đại khái thôi, khác nào một ít cành cá trên ngọn, còn thân gốc xin để dịp khác. Và có thể chuyện đến đây đã đủ để bạn đọc tạm hiểu tại sao, do đâu gia đình tôi và tôi lại có dư luận là “phản động”. Điều cần nhắc lại: Năm 1965 Bí thư tỉnh ủy Ngô Thuyền, Trưởng ban Tuyên giáo Lê Hữu Khải, Trưởng ty Công an Thanh Hóa đã nhất trí: “Hoàng Tuấn Phố không có liên quan về chính trị”, sau đó quyết định điều đi công tác thoát ly, chứng tỏ Đảng đã minh oan cho tôi. Nhưng đường đời đâu có bằng phẳng! Địa phương tôi chưa bao giờ công nhận điều đó.
Năm 1984, xảy vụ “Năm Tý họa thơ chuột”(3) Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa Mai Bình đề nghị Bí thư tỉnh Ủy Hà Trọng Hòa cho công an điều tra lý lịch, và Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã Lê Trí Dậu (đã chết) được Chủ tịch xã Lê Văn Dần nhất trí phê nhiều điều bịa đặt vô căn cứ. (Một lần điều tra, một lần thẩm tra, có lẽ vấn đề còn lưu ở nơi nào đó cả hai bản lý lịch, để khi cần người ta lại khui ra làm căn cứ để ….) Gần đây, nhân trò chuyện lâu với nguyên Chủ tịch Lê Văn Dần, tôi nhắc lại việc Lê Trí Dậu phê lý lịch sai trái. Lê Văn Dần ngồi im lặng. Ông nhớ lại sự đồng lõa của mình, nên cũng cảm thấy hổ thẹn chăng ? (Nhất là chính ông Dần đã bị cách chức từ lâu vì bị kiện tội ăn trộm cá nhà ông Lê Trí Bao !) Ngồi một lúc với tôi, không biết nói chuyện gì, ông đứng dậy nói:“Rồi cuối cùng cũng chết cả !” và ra về thẳng. Từ đó, ông cố tránh tôi...(4) Rất tiếc, ông nhận ra vấn đề muộn quá. Nếu “Rồi cuối cùng cũng chết cả”, sao khi sống, các ông không sống tử tế mà lại hại tôi, hại đến cả đời con, đời cháu ! (Ví như năm 1985, Hoàng Tuấn Kiên-anh trai thứ hai của Hoàng Tuấn Công thi đỗ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đủ điểm đi du học, nhưng địa phương không cho đi, thậm chí  tước luôn quyền đi học trong nước. Còn Tuấn Công sau tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, 4 năm đợi việc với gần 2 năm làm hợp đồng, phải nhờ đến sự can thiệp trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Tu (1995) mới không bị gạt khỏi tiêu chuẩn biên chế vào phút chót. Năm 2003, xét khả năng của Hoàng Tuấn Công, ông Phạm Văn Lợi, khi ấy là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị tiếp nhận về làm tại Phòng văn xã UBND tỉnh. Mọi giấy tờ, thủ tục đã xong xuôi. Con dấu tiếp nhận của cơ quan nơi đến và nơi đi đã “cộp” xuống chưa kịp khô mực, cũng chưa kịp một ngày đi làm, bỗng Tuấn Công bị trả lại đơn vị công tác cũ với toàn bộ hồ sơ giấy tờ mà không một lời giải thích ! Câu chuyện “thật như đùa” này đến bây giờ vẫn còn là câu hỏi lớn đối với bạn bè, đồng nghiệp của Tuấn Công. Có lẽ đây cũng chính là lời giải thích tại sao HTC tốt nghiệp khoa Sử-Đại học Tổng hợp Hà Nội mà lại làm cán bộ Khuyến nông-HTC chú thích)
Hiện nay, trong con mắt của không ít người, gia đình tôi (và tôi- tất nhiên) đang còn đội lù lù cái án “ chống Đảng” trên đầu, và đeo cái biển đen ngòm “phản động” trước ngực (một cái án chưa bao giờ được xử, một cái tội chưa bao giờ được tuyên và dĩ nhiên cũng chưa từng được công khai tuyên bố “trắng án”). Mặc dù năm 1967, tôi đã được Đảng quyết định sử dụng, trở lại làm người sau 10 năm sống kiếp con vật. Tôi cảm ơn Đảng là phải.
Dẫu biết bài đã dài làm phiền nhiều cho bạn đọc, nhưng nhân đây tôi xin nói thêm. Năm 1967, tôi giống như con cá lấm lem ở vũng bùn lầy được vớt ném ra cái ao tù nước đọng, dù môi trường sống có tốt hơn xưa. Thời ở “vũng bùn”, tôi bị cấm viết. Năm 1960 - 1961, tôi ban ngày cổ cày, vai bừa, tối về chong đèn viết lách (một trong nhiều bài như “Phê bình cuốn khảo luận về Truyện Thúy Kiều của Giáo sư Đào Duy Anh” được đăng trên tập san Nghiên cứu văn học số tháng 10 năm 1960). Xã tố cáo tôi đêm đêm viết bài gửi cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Cán bộ Ân, Bộ công an về xã tôi tìm hiểu cuộc Đấu tranh chính trị 1951-1952 ở Thanh Hóa có thẩm vấn tôi nhiều vấn đề. Về việc viết lách tôi trình bày sự thật. Ông Ân gật đầu cho là một sự hiểu lầm. Nhưng địa phương vẫn cấm và giám sát chặt. Lên huyện công tác, ông Phó Chủ Tịch văn xã huyện Lê Bá Dậy tiếp tục cấm tôi: 1- Không được đọc sách, dành tất cả thời gian cho công tác quần chúng cơ sở. 2- Không được viết sách báo để đăng ở Tỉnh, Trung ương, vì ăn lương của huyện phải phục vụ cho huyện ! Ông trực tiếp đến bưu điện huyện và gửi thư lên Ty văn hóa hỏi về tiền nhuận bút gửi cho tôi. Ông áng chừng: Tiền nhuận bút cộng 45 đồng lương thành số tiền còn cao hơn cả lương lãnh đạo! Đó là một trong những lý do 10 năm tôi không được tăng lương, tính từ năm 1968 (Quyết định biên chế chính thức UBND tỉnh) đến năm 1978. Lại nói, đầu năm 1966, tôi và anh Đỗ Đăng Lâm (xã Quảng Đức) cùng làm dân công ở cầu Chào (bắc qua sông Lý cũ). Anh Lâm làm thợ xây móng đá. Tôi làm bò kéo xe chở đá để xây cầu. Cuối năm 1966, tôi được điều về huyện làm công tác văn hóa đã thấy anh Lâm làm cấp dưỡng cho UB huyện. Năm 1978, lương anh đã 60 đồng, còn tôi 10 năm vẫn dẫm chân tại chỗ 45 đồng như khởi điểm!
Tôi làm đơn đề nghị gửi ông Trưởng phòng tổ chức UBND huyện Quảng Xương xét tăng lương. Hoàn toàn bị bất ngờ, anh Hoạt Trưởng phòng văn hóa bảo tôi, ý kiến kết luận của ông Trưởng phòng tổ chức huyện: “Anh Phổ đòi tăng lương là không tin tưởng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng !” Anh nói thêm: “Theo tôi anh nên rút đơn về, nếu để cấp ủy biết thì lôi thôi đấy!” Tôi không hiểu tại sao lại đối xử bất công đến như vậy ? Phải chăng Đỗ Đăng Lâm “xuất thân” tầng lớp thợ thuyền, còn Hoàng Tuấn Phổ “xuất thân” con bò kéo xe ? Suy đi, nghĩ lại tôi nghe lời khuyên của anh Trưởng phòng văn hóa (Bản thân anh, lương công tác văn hóa từ 1952, đến nay cũng chỉ mới 50 đồng!” ).
Ngay hôm ấy, tôi lên Phòng Tổ chức UB huyện xin lỗi ông Trưởng phòng, để được rút đơn ! Cầm lại lá đơn, tôi mừng lắm, ra về không quên thành thựccảm ơn ông Trưởng phòng ! Tôi xin lỗi là đúng vì Đảng giao quyền phán xét cho ông, tôi xin lỗi ông là xin lỗi Đảng. Tôi cảm ơn ông cũng không sai vì ông chưa báo cáo sự việc lên cấp ủy.
Những việc tương tự như vậy trong đời tôi nhiều vô kể ! Chắc là cái số mệnh tôi nó thế, “Bắt phong trần phải phong trần...”
                                                          Hoàng Tuấn Phổ- 7/2014
Chú thích:
(1)            Đập nước Bái Thượng (còn gọi Ba-ra Bàn Thạch) Pháp xây dựng từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Xem “Le Thanh Hoa”-Le Breton.
(2)            “Hậu, Hoằng rồi đến Quảng ta” tức qua huyện Hậu Lộc, Hoằng Hoá rồi đến Quảng Xương ta.
(3)            Tuấn Công thư phòng sẽ có bài viết riêng, nhân 30 năm vụ án văn chương “Năm Tý hoạ thơ Chuột”.
(4)            Cụ Hoàng Tuấn Phổ hiện sống ở quê (Chú thích trong trang của HTC)



http://tuancongthuphong.blogspot.jp/2014/07/bat-phong-tran-phai-phong-tran_31.html



Phần nhận xét hiển thị trên trang